Giông Tố - Chương 25
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
156


Giông Tố


Chương 25


Đứa đầy tớ nhỏ đầu còn để chỏm vừa mới lễ mễ khiêng mâm cơm ra đến gác sân, Vạn tóc mai đã quát.

– Hãy để mâm cơm mà vào đây quét cái giường đi đã!

Chân tay run lẩy bẩy, mặt tái mét lại, đứa đầy tớ để mâm cơm xuống, quay vào cầm lấy cái chổi lông, vừa lóng ca lóng cóng, đưa đi đưa lại, thì chủ nó lại vội vàng cốp vào đầu nó ba cái mà rằng:

– Thôi đưa đây cho bố! Rót mấy chén rượu mau lên!

Rồi Vạn tóc mai quay lại ông cụ già, phân vua:

– Ấy cái cung nô bộc của con thế đấy, bố ạ. Chỉ toàn những đồ ăn cắp, những đồ ăn hại thôi! Chẳng may nhà con nó lại đi Hải Phòng, tiếp đãi bố thế này, con thật lấy làm sơ xuất lắm, bố đại xá nhé! Khổ quá, có mấy món ăn thì mua trên hiệu, ăn xong, đồ nước nôi chả có, rõ bực thật… Vắng người đàn bà thế mà…

Ông già đưa đẩy:

– Chao ôi! Cậu cũng vẽ chuyện lắm. Tiếp đãi thế là hậu, là chu đáo, chứ còn thế nào nữa?

Vạn tóc mai lôi cái khay đèn ở trên xích đông xuống, trịnh trọng bày ra giữa giường. Hắn đưa ra cái hộp sừng bảo đứa nhỏ:

– Đi lấy ba hào, mau lên!

Ông già hỏi:

– Này, định mua thuốc ty hay thuốc nang thế?

Vạn tóc mai nháy mắt khẽ đáp:

– Ngang đấy.

– Chết! Đừng! Đừng! Năm nay cậu phải đề phòng không khéo lại có quan tụng thì khốn đấy. Năm nay là năm tuổi cậu nhớ chưa?

– Thưa bố, ấy cũng là bần cùng…

Ông già nói ngay:

– Nếu thế thì đây, mua thuốc ty hơn.

Rồi lấy ví lôi ra cái giấy bạc một đồng cho thằng nhỏ. Vạn tóc mai tươi tỉnh ngay lên, tán tụng:

– Sao mà bố ăn tiêu rộng thế hở bố? Mua cả hộp một đồng nhé!

– Thì ra hẳn…

Nhưng Vạn tóc mai lại trù trừ mà rằng:

– Thôi bố ạ. Con chả dám thế. Ai lại thết được bố bữa cơm mà lại đi để bố trả tiền thuốc bao giờ!

– Cậu như vậy thì không được! Cậu muốn tôi còn lui tới nhà này nữa hay thôi? Chỗ tôi với cậu, cái nhỏ nhặt ấy kể làm gì?

Sau cùng Vạn tóc mai vẫn còn làm ra bộ bị nài ép.

– Thôi thì con xin chiều lòng bố vậy.

Nói xong, hắn nhìn ra bên, thấy có mấy tấm mía đường chèo thì vội reo lên:

– A à! Hay! Hay! Để con làm trò quỷ thuật cho bố xem nhé! Mời bố nằm xuống đây nghỉ tạm đi. – … Cầm tiền đi mua thuốc đi đã, rồi hãy rửa bát chứ! Để hộp sừng lại! Mau lên, mua một hộp một đồng… đến cờ bài ấy!

Thằng nhỏ cầm tiền cắm cổ chạy đi.

Ông già cởi áo ngoài ra, nằm xuống cạnh khay đèn. Vạn tóc mai cầm mấy tấm mía về khay đèn, ngồi xổm chồm hổm. Hắn vê một viên xái cho một đầu nhọn hoắt lại như đầu đanh. Hắn để cho đầu nhọn viên xái chổng ngược lên, méo xệch mồm ra cười mà nói rằng:

– Con đóng viên xái như đóng đanh vào tấm mía cho bố xem nhé.

– Thế kia à?

– Bố trông đây này!

Rồi vạn tóc mai cầm tấm mía như người ta cầm roi chầu vụt xuống viên xái nhọn để trên mặt giường đánh sập một cái. Khi hắn giơ tấm mía lên mắt ông già, viên xái quả nhiên đâm vào tấm mía như đinh đóng vào cột. Ông già reo lên:

– Lạ nhỉ! Vỏ mía rắn thế mà sao viên xái lại đâm xuyên vào thế nhỉ?

– Thế mới quái! Chính con, con cũng không hiểu ra làm sao… Chắc hẳn hai cái ấy nó kỵ nhau đấy, bố ạ.

– Có lẽ thế. Thử làm nữa đi xem nào.

Vạn tóc mai nghe theo, lại làm lần nữa, và kết quả cũng như lần trước.

– Lạ thật!

Vạn tóc mai reo lên:

– Còn phải kể! Cha mẹ ơi! Giời cao đất giày ơi! Trò năm sáu năm nay rồi, mà sự nghiệp chỉ có phát minh được có thế đấy. Bố bảo lại không hao cơm tốn áo à?

– Thật là lần đầu tiên tôi trông thấy một sự lạ như thế. – Ấy là vì điều ấy chỉ có con là phát minh ra được mà thôi! Đời nào bố lại thấy ai thí nghiệm như thế được! Con phải giấu cái sự lạ ấy như một môn thuốc gia truyền.

Rồi hắn lại ngửa cổ cả cười, cái mồm méo xệch. Hai người nằm trầm ngâm một lúc lâu. Ông già ra vẻ mệt mỏi, thiu thiu ngủ.

Lúc ấy gần sáu giờ chiều. Phố mới tấp nập những người đi lại. Tiếng phu xe, phu khuân đồ, xếp khách bộ hành hoặc quát tháo lẫn nhau rầm rĩ… Tiếng đàn bà chửi nhau trước nhà Vạn Bảo đinh tai. Phố đã đông sẵn, lại vào lúc chợ Đông Xuân tan nên càng náo động. Gió thổi vào những cây dâu gia dại làm cho những quả đỏ hơn rơi rào rào xuống đường. Ở dưới nhà, đứa bé con chú khách ở thuê, ê a học như nhai chữ, nghe đến hay.

– … Cha thằng ranh con! Đi có thế mà lâu thế!

Ông già sắp ngủ thì bị lời chửi của Vạn tóc mai làm cho phải mở choàng mắt ra. Ông bèn ngồi nhỏm dậy, hút một mồi thuốc lào.

Thằng bé ở về, chưa kịp cãi đã bị mấy cái tát của chủ nó.

Rồi Vạn tóc mai nằm xuống ngoáy ngoáy tiêm…

Ông già hỏi:

– Mợ ấy xuống Cảng làm gì mà lâu thế?

– Ấy nhà con đã về hôm kia, rồi lại đi ngay. Nhà con nó xuống xem họ có để lại cho cái tiệm khiêu vũ không, thì rồi chúng con xoay. Bố ạ, cuộc đời cứ mãi như thế này thì chán lắm. Bố ơi bố bấm xem cho con năm nay thế nào…

– Tôi đã bảo năm nay cậu đại phát tài mà sao cậu cứ hỏi mãi thế!

– Con chả thấy gì là phát tài cả.

– Thử nhớ kỹ ra xem nào!

– Nhưng mà phát chưa?

– Rồi. Mà hàng bạc nghìn!

Vạn tóc mai vỗ đùi đánh bốp một cái, nói:

– À mà phải! Con vừa được cái nhà này thật!

– Thế chứ còn muốn gì nữa?

– Nhưng mà chán lắm, bố ạ. Mỗi tháng vài chục bạc tiền nhà chả đủ ăn. Vả lại mang tiếng là con cụ Nghị Hách, tiếng giàu lừng lẫy cả nước, mà lại có mỗi một cái nhà, thế là nghĩa lý gì? Phần gia tài con đáng được hưởng ít ra cũng phải trên chục nóc chứ? Thế bố lên trên ấy vừa rồi thì có gặp ông via nhà con không? Có nước non gì không? Mời bố xơi thuốc!

– Cậu cứ hút cho đủ đi. Tôi chơi bời tiêu khiển, một vài điếu để chốc nữa… Tôi lên có gặp cụ, nhưng mà cụ vẫn không nhớ được ra tôi là ai… thì còn ăn thua quái gì?

– Con xin phép bố vậy nhé?

Vạn tóc mai lấy gân cổ kéo hơi thuốc, trong khi ông già nói tiếp:

– Cứ kể ông cụ đãi cậu như vậy cũng là không phải. Con nào chả là con? Sao lại con yêu con ghét như thế?

Vạn tóc mai đặt phịch dọc tẩu xuống, ngồi nhỏm dậy hãm một chén nước nóng, nghẹn ngào nói bằng giọng đầy những căm hờn:

– Có phải thế không, hở bố? Ông via nhà con thì đáng giận ghê lắm, bố ạ. Bố thử nhìn thằng Tú Anh rồi nhìn đến con mà xem? Một đằng thì có học thức, danh giá, tiêu tiền như rác. Một đằng thì nghiện hút, nghèo đói, chạy từng đồng xu! Sự đời đến thế thì chó thật, bố ạ.

– Cậu cứ yên tâm, tôi bảo số cậu cũng không đến nỗi nào mà…

– Tình cờ mà con gặp bố rõ quý hóa quá!

– Thật thế, nếu không đả động đến cụ Nghị Hách thì chắc là hôm nay, đôi ta chưa thân với nhau thế này.

– Chính thế đấy, bố ạ. Bố ơi, cái bữa ở tiệm ấy, sao mà con trông thấy bố mới lần đầu, mà bố chỉ hỏi con có một câu, thì con đem lòng kính trọng ngay thôi! Âu cũng là duyên nợ gì đấy, nhỉ bố nhỉ! Gớm, mấy hôm bố lên trên ấy vợ con nó cũng đi, con buồn quá, con nhớ bố quá đi mất! Con giới thiệu cho bố được nhiều người lắm đấy, bố nhé.

– Ấy chết! Làm gì thế?

– Con xin cam đoan với bố rằng nếu bố cứ chịu khó lấy độ dăm đồng bạc một lá số tử vi thôi, thì chỉ trong một tuần lễ, bố cũng kiếm nổi trăm bạc.

– Đừng!

– Thật thế đấy, bố ạ. Con đi quảng cáo cho bố ở mấy tiệm, ai cũng phục lăn ra. Ai cũng khao khát muốn gặp bố lắm đấy! Nếu bây giờ bố chịu ở đây mở ngôi hàng xem số cho thiên hạ thì mấy anh thầy Tàu những anh Thần Cốc Tử, những anh Quỷ Cốc Tử chẳng hạn, là cứ chết nhăn răng ra…

– Tôi có làm nghề ấy hẳn đâu! Cậu nhầm lắm. Mở hàng xem số, hạ giá mình đi! Thỉnh thoảng xem cho một người thôi, nhưng đã xem thì phải lấy thật nhiều tiền, như thế một lần xem hai lá số cũng đủ chi dùng. Chả nói giấu gì cậu, vừa rồi tôi xem cho cụ Nghị, cậu có biết cụ tiễn tay tôi bao nhiêu không?

– Thế à? Hay! Bao nhiêu hở bố?

– Năm trăm đấy!

– Năm trăm! Ồ! Thế thì hả quá, hả quá bố ạ! Bất cứ ai, hễ mà làm tiền được ông via nhà con thì con sướng.

– Không nên thế, không nên coi ông cụ là tử thù như thế.

– Giời ơi, bố biết sao được? Bố có là con đâu? Phải vào địa vị con, thì mới có những nỗi uất ức như con. Bực lắm, bố ạ.

– Thấm vào đâu! Đến một thằng chàng rể cũng còn hưởng bằng vạn con kia, bố ạ. Bố xem cái thằng Long đấy, cái thằng sắp lấy con Tuyết mà con đã chỉ cho bố ở hiệu cao lâu Thiều Châu đấy! Nó là con cái nhà ai, bố có cần con phải nhắc lại không? Nó là một đứa con hoang! Một đứa không cha không mẹ! Nó sống vì hội trẻ con mồ côi dưới Hậu Giám đấy! Rồi nó xin được chân thư ký ở trường Đại Việt, bố đã nghe ra chưa? Thế rồi nhờ cái tài nịnh hót của nó, Tú Anh nhất định gả em gái cho nó đấy. Thằng Long là một thằng có óc đào mỏ, mà Tú Anh thì là thằng ưa phỉnh, rõ thế mới thảm hại cho thân đời con Tuyết chứ! Từ độ nó là vị hôn phu của con Tuyết rồi thì là Tú Anh giao ngay tủ bạc cho nó để cho nó chi những chầu hát hàng hai ba chục một, bố có biết không? Ấy chưa cưới mà hai đứa chúng nó vẫn lẩn lút đem nhau đi chơi luôn. Không khéo đến này cưới thì cô ả ễnh ruột ra mất rồi! Con rất lấy làm lạ rằng một người như ông via nhà con, một người không sợ ai cả, mà lại cứ phải sợ con mình là thằng Tú Anh! Chính Tú Anh buộc ông cụ phải gả con gái cho thằng không cha không mẹ ấy đấy, chứ như ông via nhà con ít ra cũng phải gả cho con một ông tổng đốc nào chứ? Gả con cho đứa con hoang, không biết cha mẹ nó là những quân cha căng, chú kiết nào, thế là nghĩa lý gì?

– Cậu không nên buộc tội cậu Anh! Tôi hiểu việc ấy lắm. Ông cụ Nghị xưa kia xuất thân chỉ là cai phu mỏ, bây giờ mới giàu. Vả lại chẳng cần phải gả cô Tuyết cho con quan thì cụ Nghị đã thông gia với quan rồi…

– Sao thế ạ?

– Cụ Nghị đã hỏi con gái quan Tuần Hà cho cậu Tú Anh, cậu có biết không?

– À, vâng!

– Bởi thế cho nên cậu Tú Anh mà buộc cụ Nghị gả con cho cậu Long thì chỉ là vì muốn tránh cho cụ Nghị cái tiếng giàu lỏi học làm sang, chỉ là vì muốn cụ Nghị được tiếng là có óc bình dân, chứ không phải cứ muốn làm thông gia với nhà quan mà thôi, cậu hiểu chưa?

– Thế cũng có lý. Nhưng mà không nên vì thế mà chưa chi đã để cho thằng cha rể phá của, để nó lôi em tôi đi đâu cũng đi.

– Tôi đã bảo số nó được thế, thì cậu cứ mặc nó mà lại… mình càng tức bao nhiêu, chỉ càng khổ cho mình.

– Nào phải chỉ có thế mà con tức, bố ơi! Ngay cả con vợ lẽ nữa, cũng hưởng ghê gớm lắm. Một cái biệt thự ở phố Quan Thánh! Xe nhà! Bố mẹ ra chơi, tiễn tiền xe hàng mấy chục! Tức lắm, bố ạ.

– Nếu cậu đã tin rằng người ta ở đời có số cả thì cậu nên thản nhiên sự đời đi thì mới phải. Học lý số chỉ lợi được có một điều ấy.

– Bao giờ cụ via chia thêm cho con mấy cái nhà nữa, cho con cũng góp mặt được với đời như mọi người, thì con mới nguôi cái tức giận. Bố ơi, bố xem số cho con, hai mươi điều về dĩ vãng đều đúng cả hai mươi, con chỉ phân vân về những điều hậu vận. Xem chừng bố không chịu để ý kỹ, không bấm kỹ… Sao thế, hở bố? Liệu mai sau con có thể giàu có, danh giá được hay không? Thật quả chỉ có đối với bố, là con mới ngỏ cái tâm sự khốn khổ của con ra đây. Con nghĩ đến cô vợ lẽ cụ via được nưng như trứng, hứng như hoa như thế, rồi con nghĩ đến cái cách cụ via cư xử với mẹ con, thì lắm lúc con chỉ muốn đâm chết cụ via mà thôi! Còn về bà cả dưới Hải Phòng thì con chả tức làm gì, vì người ta là vợ cả.

– Bà vợ cả ở dưới ấy độ này ra sao?

– Đồng bóng chứ còn ra sao nữa? Vứt đi hàng trăm hàng nghìn vào các cửa đền cửa phủ, chứ còn sao nữa? Nhất là con Tuyết, con Loan, hai đứa thật là phá gia chỉ tử! Mỗi khi có một gánh hát Nam kỳ ra đây là thể nào chúng nó cũng tốn kém vài trăm bạc để mời các ông tướng tài tử đi hút, đi ăn. Chúng nó phá của ghê lắm, tự do ghê lắm… Lạy Giời lạy Phật cho chúng nó đi lấy chồng mà ngày nhị hỉ, lợn quay đem về thì cụt tai, để xem cái mặt lợm đời của bà cả vác lên ra làm sao!

Vạn tóc mai ngừng lại nhìn ông già, khi thấy ông này vẫn thản nhiên như không, lại nói:

– Này bố ạ, bố đã xem số cho cụ via thì hẳn bố phải biết…

– Cái gì thế?

– Bố bảo rằng cứ một lá số tử vi, bố cũng có thể đoán ra nổi là nhà nào có chuyện loạn luân không, có phải thế không?

– Có thể lắm…

– Thế bố xem lá số của cụ via thì ra sao?

– Nhiều chuyện lạ lắm, nhưng không thể nói ra được.

– Bố có biết về bà vợ cả cụ via ra sao không?

Ông già ngồi lên, điềm tĩnh đáp:

– Bà vợ cả là người hư chứ gì!

Vạn tóc mai vỗ đùi:

– Chính đấy!

Một lát lại nói một cách rất bí mật:

– Này, bố này, con nói điều này thì bố phải giữ kín, sống để dạ chết mang đi, nhé? Bố phải nhớ rằng một người thứ ba nữa mà biết thì con sẽ mất mạng nhé! Mà nếu con mất mạng thì là tại bố hại con đấy nhé! Bố nghe ra chưa?

– Cứ nói đi mà… Ai là trẻ con?

– Hiện giờ, bà vợ cả vẫn đi ngủ lang với một thằng cung văn! Thằng cha bòn rút ghê lắm. Hiện đã làm nhà cho nó rồi đấy.

– Thế à?

– Trong lúc ấy thì cụ Nghị Hách nhà ta vẫn tưởng vợ giữ vững lề thói nhà lương thiện, vẫn cứ hiếp… thiên hạ văng tê đi thôi! Con cho giời cũng có mắt lắm, bố ạ.

– Chắc không? Sao cái gì cậu cũng biết thế?

Vạn tóc mai méo xệch mồm, đắc chí cười mà rằng:

– Còn cái gì mà con không biết? Con, con là sở mật thám đấy, bố ạ. Đó là cái kỳ tài của làng bẹp! Nói đấy, chứ việc ấy sở dĩ mà con biết được là vì nhà con nó đi Hải Phòng vừa về.

– Cậu có dám quả quyết việc ấy là đúng sự thực không?

– Chắc lắm. Nhà con nó tinh lắm, không bao giờ nhầm. Nó mà đã điều tra thì còn phải kể… Nó làm báo cũng được kia đấy, chứ bỡn!

Ông già trầm ngâm một lúc lâu. Từ đây trở đi ông có vẻ mặt buồn rầu. Ông hút luôn năm sáu điếu thuốc phiện khiến cho Vạn tóc mai phải lấy làm lạ. Sau cùng ông nói:

– Cậu Vạn, cậu có muốn được vài cái nhà nữa không?

– Bố ơi, sao bố lại hỏi xỏ con như thế hở bố?

– Đấy, cậu đã có khí giới trong tay rồi đấy. Nếu cậu thông minh một chút thì cậu sẽ thành công…

– Làm sao? Bố muốn bắt con từ nay nịnh hót lão già hay sao? Thôi đi, bố ạ. Dù con muốn nịnh cũng không xong, vì những khi lão già về đây, con muốn vào chào mà không lần nào là lão không cấm cửa, chỉ thoái thác bằng đủ các cớ.

– Không! Không phải thế!

– Thế thì làm cách nào?

– Cậu thử cố nghĩ ra xem!

– Con chịu.

– Cố nghĩ đi.

– Bố ơi, thế thì làm sao bố lại ác thế?

– Làm cách nào cho cụ phải đau khổ về tinh thần…

– Đau khổ về tinh thần?… Có lẽ được. Nhưng mà, bố ạ, con chắc cái con người ấy thì không bao giờ đau khổ cả!… Lừa lọc mọi người, cầm nhà bắt nợ mọi người, giết người, hiếp… người, những việc như thế không phải người thường làm nổi. Con chắc cụ via nhà con có một quả tim bọc sắt, hoặc là không có quả tim!… Đã thế, còn việc gì khả dĩ làm ông già đau khổ được?

– Cậu nhầm! Cụ Nghị xưa nay tham lam, tàn ác làm hại mọi người, mà không sợ ai đau khổ, mà không thương ai, ấy chỉ vì là tại cụ Nghị chưa đau khổ bao giờ đó thôi. Một người chưa hề đau khổ thì vẫn ích kỷ. Bây giờ phải làm thế nào cho ông cụ thật đau đớn, đau đớn đến chán đời: Nếu ông cụ phải chán đời thì còn bo bo giữ của làm gì nữa? Thì còn nghĩ gì mà chả cho thêm cậu vài cái nhà?

Cậu cứ làm đi, thiên hạ có khi cũng sẽ nhờ cậu mà đỡ khổ sở.

– Bố ơi! Bố nói thật chí lý! Mà việc ấy phải hành động như thế nào, bố chả cần dặn bảo con cũng hiểu ngay! Con xin bái phục bố đấy! Con nghĩ ra rồi.

Vạn tóc mai reo xong, nháy mắt mấy cái. Hai người im lặng nhìn nhau, bốn con mắt đầy một thứ ánh sáng sung sướng vì hiểu nhau.

Vén quần lên đến bẹn, Vạn tóc mai vỗ đùi đánh bốp một cái, đoạn vớ lấy ấm nước nóng, ngửa cổ tu một hơi cực dài.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN