Hà Thần - Thủy quái dưới cầu - Chương 20
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
158


Hà Thần - Thủy quái dưới cầu


Chương 20



Một

Câu chuyện về Thần sông Quách Đắc Hữu trải qua thêm mắm dặm muối, được đồn đại nhanh chóng như vết dầu loang, sau giải phóng lại bắt đầu được lan truyền chóng mặt, lại khiến một vật mà không ai có thể tưởng tượng ra nổi đã tìm tới tận cửa. Quay lại chuyện ngày hôm đó, nghe lão Lương thuyết giáo xong, Quách sư phụ rời cục công an đạp xe về nhà. Kể từ sau khi nghĩa trang miếu Hà Long bị dỡ bỏ, ông ta đã chuyển đến ở con hẻm miếu Đẩu Mẫu*. Nơi đó cũng là một khu nhà cấp bốn san sát, mãi đến thập niên ba bốn mươi mới được cải tạo lại, nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi cũ, bởi trước kia có một ngôi miếu Đẩu Mẫu, cho nên mới được gọi là con hẻm miếu Đẩu Mẫu.

*Đẩu Mẫu là nữ thần tám tay trong Đạo giáo Trung Quốc, là mẹ của chúng tinh trong chòm sao Bắc Đẩu, có địa vị ngang hàng với Tây Vương Mẫu.

Trước giải phóng, trong ngõ hẻm vẫn còn lại phế tích của ngôi miếu này. Ở Thiên Tân vệ, chùa chiền am miếu giáo đường nhiều vô kể, miếu Đẩu Mẫu là một trong số đó, còn được gọi là cung Thái Bình, tên đầy đủ là cung Hộ Quốc Thái Bình Bàn Đào. Vào thời nhà Minh, xuất hiện loại miếu Tài Thần. Người ta goi Ngũ Lộ Tài Thần là để chỉ năm vị huynh đệ kết nghĩa, dù họ khác nhau nhưng trong tên đều có chữ ‘Hiển’. Khi còn sống, họ có rất nhiều tiền tài, thường xuyên giúp đỡ những người cùng khổ, âm thầm tặng nguyên bảo cho những gia đình nghèo khó. Sau khi chết, họ được phong là Ngũ Lộ Tài Thần. Xưa kia người ta còn có một tập tục, cứ đến mùng hai tết là lại đến miếu Ngũ Lộ Tài Thần để dâng hương mượn nguyên bảo. Bởi vậy cứ đến khi mở cửa miếu vào mùng hai tháng giêng hàng năm, là lại phải tổ chức lễ hội.

Nhưng đến thời Minh mạt Thanh sơ, miếu Ngũ Lộ Tài Thần đã bị lũ lụt làm đổ sập, triều đình hạ lệnh sửa chữa và cải tạo ngôi miếu thành miếu thờ phụng Tây Vương Mẫu và Đẩu Mẫu tám tay. Miếu Đẩu Mẫu miếu nằm trên một cái gò đất, tiền điện thờ tượng Vương Mẫu nương nương, hậu điện phụng Đẩu Mẫu nương nương ba mắt bốn đầu tám tay. Chính giữa chánh điện còn đắp một ngọn Ngao Sơn, dựng cảnh tượng chúng tiên cưỡi mây tử bốn phương tám hướng đến tham bái Tây Vương Mẫu trong nội cung. Mặc dù ngôi miếu không lớn, nhưng hương khói quanh năm không ngớt, thiện nam tín nữ thắp hương cầu con trai nối dõi đua nhau đến.

Theo truyền thuyết, mùng ba tháng ba âm lịch hàng năm là ngày Tây Vương Mẫu ra đời. Mỗi năm, cứ đến ngày đó là lại phải tổ chức lễ hội. Thời điểm chính hội là vào cuối mùa xuân đầu mùa hè, khí hậu dễ chịu, bởi vậy người tham gia đông như kiến cỏ. Trước cửa miếu Đẩu Mẫu tám tay, ngựa xe như nước áo quần như nêm, du khách rồng rắn nối đuôi nhau mà đi. Hai bên đường, hàng quán mọc lên san sát như cây rừng, riếng rao bán kẹo viên, bánh bột lọc kiều mạch ồn ào náo động không bao giờ dứt, cách đó cả hai dặm vẫn còn có thể nghe thấy. Có lẽ vì thắp hương quá nhiều, năm Tân Hợi (1911) ngôi miếu bùng cháy dữ dội, toàn bộ cung Đẩu Mẫu đã biến thành một khu phế tích, chỉ còn lại một con sư tử bằng đá canh cửa cung cho Vương Mẫu nương nương. Thập niên ba mươi bắt đầu lác đác có nhà dân mọc lên, con sư tử bằng đá nằm ở ngay đầu ngõ hẻm miếu Đẩu Mẫu. Con sư tử bằng đá không còn nguyên vẹn này nằm án ngữ ngay trước cửa ra vào căn nhà cấp bốn bé tẹo của hai vợ chống Quách sư phụ, giống như linh vật trấn cửa, đáng tiếc là không đủ một đôi.

Trước đây, hầu như trước cửa nhà nào cũng có linh vật trấn cửa được điêu khắc bằng đá. Chúng được bày đối xứng ở hai bên, còn được gọi là Môn Chẩm hoặc Môn Cổ, thậm chí còn có nơi gọi là Bão Cổ Thạch, có tác dụng bảo hộ hai bên cửa và trấn chỗ ở. Linh vật trấn cửa thường thấy nhất là sư tử, bởi vì sư tử là vua của muôn thú. Sư đồng âm với “Thế, tự, sự”, bốn con sư tử gọi là tứ đại đồng đường, hai con là mọi chuyện như ý, nếu sư tử có đeo trang sức thì gọi là chuyện may không dứt, sư tử lớn giẫm lên sư tử con ám chỉ dòng dõi hưng thịnh, đủ mọi cách nói khác nhau. Quách sư phụ rất yêu thích con sư tử đá trước cửa nhà mình, mặc dù không còn nguyên vẹn nhưng nó đích thực là đồ cổ từ ngày xưa để lại, ngay tử khi mới bắt đầu dựng miếu Đẩu Mẫu tám tay thì con sư tử đá này đã có mặt ở đó rồi. Nếu ông nội Quách sư phụ còn sống, tuổi đời có khi còn kém con sư tử đá này mấy năm. Vào mùa hè, cứ mỗi khi ngồi hóng mát trong ngõ hẻm, ông ta lại ngồi trên lưng con sư tử đá bởi nó có độ cao vừa phải. Đồng thời, nó cũng là tượng thú trấn trạch coi giữ nhà. Có nó giữ cửa, cả đêm đều ngủ ngon giấc. Nhưng cái ngày hôm đó, khi về đến cửa thì không còn thấy con sư tử đá đâu, trong lòng ông ta chợt sinh ra buồn bực: “Con sư tử ở cửa ra vào tự chạy đi được hay sao?”

Hai

Trước tiên, Quách sư phụ quăng chiếc xe đạp vào trong nhà. Vào thời kỳ đó, xe đạp là thứ đáng giá nhất trong nhà, do đơn vị cấp phát, mất là xong, cho nên không dám để bừa ở ngoài cửa. Đẩy xe vào nhà xong, ông ta hỏi vợ: “Con sư tử trước cửa nhà ta chạy đi đâu rồi?”

Người vợ đáp: “Ban ngày sửa đường ở đầu hẻm, đám công nhân đã được lệnh mang đi lấp hố làm đường rồi.”

Quách sư phụ thốt lên: “Ai đời lại có kiểu phá hủy như vậy? Con sư tử đó còn nhiều tuổi hơn cả sư phụ của sư phụ của sư phụ tôi, bọn họ dựa vào cái gì mà dám mang đi lấp hố làm đường?”

Người vợ bảo: “Nó đâu có thuộc quyền sở hữu của chúng ta, sao mà quản được.”

Quách sư phụ nói: “Đáng tiếc, một ngày nào đó tôi sẽ đào nó lên.”

Người vợ lại bảo: “Lão Quách, ông đừng có lắm chuyện có được không, cẩn thận không lọt vào tai người khác lại bị người ta mượn cớ tố cáo. Mau rửa mặt mũi rồi ăn cơm đi đã. Hôm nào rảnh rỗi, ông nhổ cái cây lựu trong ngõ đi mới là việc cần làm ngay.”

Con hẻm miếu Đẩu Mẫu có một cây lựu, nhưng đã mục rễ, từ lâu đã không còn ra quả. Người Thiên Tân rất mê tín, kiêng kị trước cửa nhà mình trồng cây lựu. Khi kết trái, bên trong toàn là múi con, nên còn được gọi là bách tử quả (quả trăm con), từ ‘bách’ đồng âm với từ ‘bại’, do đó bách tử cũng chính là bại tử, có nghĩa là không có con cái.

Quách sư phụ cho rằng các bà vợ lúc nào chả mê tín, nên không buồn để ở trong lòng.

N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o…c.o.m. Ông ta rửa mặt ăn cơm, nhưng trong đầu lúc nào cũng nghĩ, không biết khi không còn con sư tử đá ở trước cửa nữa, đêm đến liệu có con vật gì lẻn vào nhà tìm mình hay không.

Buổi tối hôm đó, ông ta ăn cơm ở nhà, người vợ nấu cháo lá sen. Ngày trước, cứ vào mùa hè là dân chúng rất thích nấu loại cháo này. Trước tiên nấu gạo đến khi nở bung thành cháo hoa, nước cháo trắng tinh đặc quánh lại, sau đó bẻ lá sen phủ lên trên nồi cháo. Chỉ một lát sau, món cháo hoa nóng hôi hổi đã biến thành màu lục nhạt. Đến khi mùi hương lá sen tỏa ra thì tắt bếp bắc nồi ra, úp kín vung để mùi hương lá sen ngấm toàn bộ vào trong cháo. Riêng cái mùi hương tinh khiết chỉ loại cháo này mới có, ai đã nếm qua một thìa, vĩnh viễn cũng sẽ không bao giờ quên. Khi dùng món này phải cho thêm sợi củ cải trắng trộn dấm chua ớt chiên, rồi ăn kèm với bánh bột ngô. Khi ấy, những người dân còn ăn món này thường xuyên hơn cả cơm rau dưa. Lúc ăn cơm, Quách sư phụ nhận thấy, sau khi mưa liền mấy ngày khí hậu ẩm ướt, vách tường trong nhà đã tróc ra vài chỗ, định bụng hôm nào rảnh rỗi sẽ dán lại. Nghĩ vậy, ông ta không kìm được than thở với vợ vài câu rằng, đáng tiếc cái tay nghề dán vách gấp giấy ngày trước, giờ chỉ còn dùng vào việc dán tường với hộp giấy; sau đó chuyển sang chủ đề tối ngày mai ăn cơm với cái gì. Người vợ định làm món mì tương vừng, nên mới bảo ngày mai sau khi tan ca, trên đường về ông ta nhân tiện mua hộ hai cân mì sợi, nếu không có thì mua bánh ngô xốp Du Thụ Tiền cũng được.Quách sư phụ bảo: “Thân thể bà không tốt, nói chung không thể nào ăn những thứ như vậy, hãy ăn vài món ngon để bồi bổ, sau này còn trông cậy vào bà sinh con đẻ cái, trai hay là gái đều được cả. Có con rồi, sau khi chúng ta chết, đến thanh minh còn có người đến tảo mộ.”

Hai vợ chồng thảo luận những vấn đề sinh hoạt vặt vãnh trong nhà, quên phứt chuyện con sư tử đá từ lúc nào. Cơm nước xong xuôi, người vợ thu dọn bát đũa, ngoài trời mưa dầm dề không ngớt, Quách sư phụ ngồi ở phòng trước dán hộp giấy, bảo với vợ ngày mai sẽ mua một ít bạch thủy dương đầu** về nhà ăn bữa tối. Quách sư phụ biết một người làm món bạch thủy dương đầu tên là Mã Hồi Hồi, làm nghề gia truyền đã sáu đời. Anh ta bán thịt dê lưu động bằng xe đẩy, tay nghề quả thực là hạng nhất. Khi làm món bạch thủy dương đầu, anh ta cắt thịt mỏng như giấy, rắc một ít muối tiêu lên trên, có thể nói thơm ngon vô cùng, mùa hè cho vào ướp lạnh, chưa cần nếm đến hương vị, chỉ cần nghe thấy tiếng rao là đã đủ làm cho linh hồn nhỏ bé bay bổng rồi. Quách sư phụ thích ăn biết ăn và sành ăn, chỉ thiếu mỗi tiền mà thôi, có thể bình luận món ăn đâu ra đấy. Đến mai, ông ta sẽ đợi lúc người ta chuẩn bị dọn quán bán nốt chỗ bạch thủy dương đầu thì mới mua, đến lúc ấy giá không chỉ rất rẻ, mà hương vị cũng vẫn chưa đến mức biến đổi. Hai vợ chồng nói chuyện được dăm ba câu thì Quách sư phụ lại giục vợ vào trong buồng ngủ trước đi, ông ta định dán thêm vài cái hộp giấy nữa. Mải làm, đến nửa đêm lúc nào không hay, nghe thấy ngoài trời mưa đã ngừng rơi, Quách sư phụ ngáp một cái. Vẫn còn mười cái hộp giấy chưa dán, nhưng giờ thật sự đã không mở mắt ra được nữa rồi rồi, xương sống thắt lưng cánh tay đều mỏi dừ, nhìn cái gì cũng mờ mờ ảo ảo, ông ta định bụng để lại đến sáng ngày mai mới dán nốt. Đúng lúc này, ông ta nghe thấy cánh cửa phòng khẽ cọt kẹt, giống như có người đang đẩy cửa một cách nhẹ nhàng để đi vào, nếu không phải là nửa đêm còn thức thì chắc không tài nào nghe thấy được. Ông ta thầm nghĩ: “Đêm khuya vào nhà, không phải gian xảo tức là đạo chích. Đêm hôm khuya khoắt thế này, ai còn gõ cửa nhà chúng ta chứ?”

**Bạch thủy dương đầu: Một món ăn cầu kỳ của người Trung Quốc làm từ thịt đầu dê, thái mỏng thành miếng lớn, có màu trắng tinh, khi ăn chấm với muối tiêu đặc chế

Ba

Đêm đã khuya, lúc này tuyệt đối không thể nào là hàng xóm láng giềng sang chơi nhà, mà cho dù là có đến chơi, họ cũng sẽ gõ cửa chứ không phải lén lút đẩy cửa thế này. Con hẻm miếu Đẩu Mẫu quang đãng sạch sẽ, trước kia là nơi thắp hương thờ thần, hơn trăm năm không có mồ mả, bởi vậy có thể khẳng định không phải là ma quỷ. Trước kia có một tên trộm được mệnh danh là trùng cửa, chuyên môn lợi dụng lúc đêm khuya người vắng gà không kêu chó không sủa ngủ chết mê chết mệt, âm thầm đẩy cửa nhà người ta. Nhà ai ngủ quên không cài cửa, tên trộm này sẽ lẻn vào, lợi dụng bóng đêm rón ra rón rén lục lọi, trộm không chừa cái gì, sờ thấy cái gì là lấy cái đó. Có khi hắn còn dùng đao lách qua khe cửa gẩy chốt ra, mở cửa lẻn vào trong còn đóng lại cẩn thận. Trước kia, người già trong nhà luôn không quên dặn đi dặn lại con cháu: “Ban đêm đi ngủ phải hết sức chú ý đến cửa nẻo, đừng để cho tên trùng cửa có cơ hội vào nhà!” Mất của chỉ là việc nhỏ, không may lũ trộm cắp dùng đao chọc ột nhát, cả nhà toàn bộ già trẻ đang ngủ sâu giấc, đến lúc đó chết cũng không biết mình chết như thế nào.

Quách sư phụ dù sao cũng là công an, công an đường thủy cũng là công an, đương nhiên không sợ “Trùng cửa”. Khi nghe thấy bên ngoài cửa phòng khẽ phát ra tiếng động, ông ta tự nhủ: “Câu ‘Gan ăn cắp lớn tày trời’ quả thực là chính xác, lá gan tên trộm này đích xác không nhỏ. Đèn trong phòng nhà ta vẫn còn sáng mà hắn cũng dám đẩy cửa, có còn coi ai ra gì nữa không?” Tuy nhiên cánh cửa không những được cài chốt, mà còn cài đòn ngang, đẩy từ bên ngoài không thể nào mở ra được. Ông ta tiện tay vớ lấy cây gậy gác trên đỉnh đầu, đứng dậy mở chốt đẩy cửa ra, rồi cầm theo cây gậy ra bên ngoài xem xét. Những gia đình khác trong con hẻm đã ngủ từ lâu, lúc bấy giờ đèn đường đã tắt hết, bên ngoài tối om, không có lấy một bóng người.

Quách sư phụ nhủ thầm: “Quái lạ thật, nếu như là trộm nghe thấy tiếng mở cửa bỏ chạy thì cũng không thể nào không có tiếng bước chân, ở trên gác hay sao?” Nghĩ vậy, ông ta ngước nhìn lên trên gác. Trời tối quá, nhìn một lúc lâu mà chẳng thấy cái gì, ông ta cũng cảm giác không thấy có gì khác lạ cả, trong lòng tự dưng lại chuốc phải bực bội. Vừa mới định đẩy cửa quay vào nhà ngủ thì ông ta nghe thấy đối diện vang lên tiếng “Chít chít”. Mặc dù tiếng kêu không lớn lắm, nhưng vào đêm khuya lại nghe thấy rõ mồn một. Trong ngõ hẻm tối lửa tắt đèn, mặc dù chỗ đó cách không xa, nhưng ông ta chẳng nhìn rõ con vật gì đang kêu ở bên đó.

Trước cửa phòng có cây đèn chiếu sáng ngoài hiên, Quách sư phụ tháo dây thừng lấy cây đèn xuống. Đến khi nhìn ra đó là cái gì, ông ta lập tức cảm thấy quái dị. Trước cửa nhà có một con chuột to, già đến mức lông ở sống lưng đã chuyển sang màu trắng, có lẽ đã sống rất lâu. Hai con mắt xanh lục âm u, trông thấy người nó lại không chịu chạy, mà ngồi chồm hỗm tại chỗ nhìn ông ta. Trong lòng thầm hiểu là con chuột già này vừa mới đẩy cửa phòng, Quách sư phụ xua đuổi: “Cút đi! Trong nhà không có cái gì ày ăn đâu.”

Quách sư phụ đuổi mấy lần, nhưng thấy con chuột đó luẩn quẩn không chịu đi, giống như muốn làm điều gì đó. Nhưng hỏi cũng không có cách nào mà hỏi, suy đoán cũng chẳng ra, khiến trong lòng ông ta cực kỳ buồn bực. Ông ta chợt nhớ ra, nghe nói năm xưa cung Vương Mẫu của miếu Đẩu Mẫu hương khói rất thịnh, hậu điện thờ phụng Đẩu Mẫu nương nương tám tay, mỗi lần tổ chức lễ hội kéo dài tới mấy ngày, trước bức tượng kim thân Đẩu Mẫu nương nương phải thắp tới cả trăm chén đèn dầu. Khi ấy có rất nhiều chuột chạy vào trong miếu, chuyên lén lút ăn dầu vừng trong đèn trên điện, còn gặm cả nến làm bằng mỡ trâu. Bầy chuột đó giống như có linh tính, chưa bao giờ dám vào qua cửa chính, luôn đào lỗ ở chân tường sau điện chui vào, khi chưa khai hội thì đám chuột này không hiện thân. Tất cả thiện nam tín nữ đều thống nhất cho rằng chuột cũng là thần tiên, vào miếu là để tham bái Tây Vương Mẫu và Đẩu Mẫu nương nương, vì vậy không nên làm hại chúng. Đối với hành động trộm dầu gặm sáp của chúng, họ thường mắt nhắm mắt mở coi như không thấy.

Quách sư phụ nghĩ thầm: “Bình thường chuột phải sợ người mới đúng, tại sao lại nửa đêm còn đến đẩy cửa? Thấy đèn cũng không trốn? Kỳ quái nhất là thường ngày không đến, đến hôm nay là ngày con sư tử đá canh giữ bị lấy đi lấp hố làm đường thì con chuột này mới đến, nó thực sự là chuột tiên năm xưa trộm dầu thắp đèn trong miếu hay sao?”

Bốn

Quách sư phụ chợt nhớ tới truyền thuyết chuột tiên ăn trộm dầu trong miếu Đẩu Mẫu năm xưa. Một con chuột lớn sống lâu đến mức lông trên sống lưng chuyển sang màu trắng như vậy thật sự là hiếm thấy, trong lòng ông ta cảm thấy kỳ lạ. Nhưng trong phòng đâu có đèn dầu vừng lẫn nến mỡ trâu, vừa rồi lại không có cả đồ ăn thừa để qua đêm, tại sao con chuột lại lẩn quẩn trước cửa không chịu đi?

Trong lúc ông ta đang khó hiều, con chuột bỗng quay đầu men theo chân tường chạy đi mất. Quách sư phụ cho rằng mình nghĩ ngợi quá nhiều. Thấy con chuột bỏ đi, ông ta định quay về nhà ngủ, nhưng con chuột đó chạy đi được một đoạn thì dừng lại, ngoái đầu lại nhìn ông ta chằm chằm.

Quách sư phụ thầm nhủ: “Nó làm vậy là muốn bảo ta đi theo hay sao?” Ông ta vào trong nhà lấy đèn pin, sau đó đóng cửa thật chặt rồi bám theo sau con chuột, định thử đi xem rốt cục là có chuyện gì xảy ra.

Con hẻm miếu Đẩu Mẫu tám tay được coi như vùng bán ngoại thành, nằm ở một nơi rất vắng vẻ, ra khỏi đầu hẻm rẽ theo hướng bắc là tới một cái ao tro rất lớn, to bằng cả hai cái sân vận động cộng lại, xung quanh bờ không có người ở, thời ấy khắp nơi cỏ lau mọc um tùm. Khi xây dựng miếu Đẩu Mẫu, người ta đã đốt cỏ lau để lấy đất, tạo thành một cái hố lớn hình chữ nhật, chất đất dưới hố không tốt, toàn là bùn nhão màu xám đen, cho nên mới được gọi là ao tro. Ngoài ra còn có một nơi được gọi là gò tro, cảnh tượng trái ngược hẳn so với ao tro. Mùa mưa trời oi bức, bên trong ao tro tích đầy nước, mùi hôi ngút trời, dưới lớp bùn nhão ở đáy ao có một loại cỏ ngải mọc lên dài bằng mấy lần chiều cao thân người, muỗi đua nhau sinh sôi. Trong nước không có một con cá nào, nhưng lại có không ít con giống cóc. Con giống cóc là cách gọi thông tục của người dân, thực ra nó chỉ là nòng nọc, sau này lớn lên sẽ biến thành cóc. Sau này có người dùng dây kẽm và vải màn làm thành vợt nhỏ, ngồi bên cạnh ao vớt con giống cóc để giải buồn, người lớn trẻ em đều có cả. Người nào vô ý trượt xuống ao, bị bùn nhão hút chặt không leo lên được vậy là chết đuối. Mỗi năm, ít nhất có vài ba người chết đuối dưới ao tro.

Quách sư phụ đi theo sau con chuột, khi đến bờ ao tro, ông ta tìm khắp nơi mà không nhìn thấy con chuột đó đâu nữa. Có lẽ có một cái hang quanh đâu đó, nó tiện đường chui vào trong đó mất rồi. Mắt thấy khắp bốn phía cỏ hoang cao lút đầu người, tối như mực không có ánh đèn dầu nào, đêm khuya vắng lặng, giữa vùng đất hoang vu ngay cả tiếng cóc kêu cũng không có, tự nhiên lạc vào khung cảnh như thế khiến cho ông ta cảm thấy tương đối khiếp đảm, văng vẳng đâu đây nghe thấy tiếng chuông trên lầu canh điểm canh ba.

Vào thời nhà Minh, ngay từ khi bắt đầu xây dựng thành Thiên Tân, khu nội thành cổ đã dựng gác chuông trên lầu canh, điểm chuông báo giờ theo quy luật Tiếng Chuông Buổi Sáng Tiếng Trống Hoàng Hôn, biến thành một truyền thống kéo dài tới mấy trăm năm, mãi đến những năm năm mươi của thế kỷ này mới dần bị hủy bỏ. Thời kỳ bấy giờ, rất hiếm người có đồng hồ đeo tay đắt tiền, toàn bộ dân chúng đều có thói quen nghe chuông cổ báo giờ. Khi ấy, nhà cấp bốn rất nhiều, không gian thoáng đãng, mỗi khi bên trên lầu canh gõ chuông cầm canh, tiếng chuông vang rất xa. Vào những năm vừa mới giải phóng, khi hỏi giờ mọi người không hỏi mấy giờ rồi, mà theo thói quen hỏi canh mấy rồi. Một đêm chia làm năm canh, mỗi canh là một thời thần, một thời thần tương đương với hai giờ. Chín giờ tối là canh một, canh ba là giữa mười một giờ đêm hôm trước đến một giờ sáng hôm sau. Từ canh hai đến canh năm, người ta điểm canh bằng gõ chuông mà không đánh trống, tiếng chuông thanh thúy vang xa, không quá ảnh hưởng tới giấc ngủ của dân chúng. Từ hừng đông trở đi thì trước trống sau chuông. Khi nghe hết tiếng điểm canh trong nội thành cổ, Quách sư phụ tự bảo với mình: “Đêm hôm khuya khoắt tự dưng lại theo con chuột chạy đến giưa nơi đồng không mông quạnh, bản thân ta chẳng phải là ăn no rỗi việc hay sao?” Ngẫm lại cảm thấy buồn cười, ông ta định quay về nhà. Nhưng khi ánh đèn pin lướt qua mặt nước của ao tro, ông ta thoáng nhìn thấy một vật trắng phếu.

Vật đó nằm trong góc chết của ao tro, bình thường, người vớt cóc non cũng sẽ không bao giờ đến chỗ này. Đồng thời, nếu đổi là người khác, cho dù họ có nhìn thấy cũng sẽ không bận tâm, nhưng Quách sư phụ có cặp mắt của người trong nghề, vừa liếc qua đã nhận ra vật đang nổi trên mặt nước là một tử thi, mặt úp xuống lưng hướng lên trên nửa chìm nửa nổi trên mặt nước. Bên dưới ao tro toàn là thủy thảo bùn nhão đầy tanh tưởi, mặt nước ao lại phẳng lặng, sau khi người này bị chết thì cái xác vẫn ở yên một chỗ cho đến tận bây giờ, lấp ló trong đám cỏ ngải ngoi trên mặt ao, đã trương phềnh lên. Bấy giờ lại đang là giữa mùa nóng, trên thân thể người chết đã sinh ra giòi trắng.

Quách sư phụ bắt gặp một cái tử thi trong ao tro, trời nóng sinh ra giòi nhung nhúc, trong đêm tối không có cách nào vớt lên, đành phải về nhà bảo Đinh Mão chạy đến cục công an đi tìm người. Đến lúc hừng đông, họ làm một cái thòng lọng bằng dây thừng, kéo tử thi lên bờ. Trên người tử thi vẫn còn nguyên quần áo giày vớ. Những người vây quanh xem vớt xác đã khẳng định, người chết là một thanh niên sống ở Tiểu Vương trang cách ao tro không xa. Mấy ngày hôm trước, anh ta đã ra khỏi nhà nhưng vẫn chưa thấy về, tìm khắp nơi mà không thấy, có ai ngờ lại bị trượt chân ngã xuống ao tro chết đuối. Nơi này vắng vẻ như vậy, điều gì đã xui khiến Quách sư phụ tìm ra được?

Lão Lương cục công an cũng cảm thấy kỳ quái, bèn hỏi Quách sư phụ phát hiện ra người chết bằng cách nào? Quách sư phụ nói chỉ là do tình cờ thôi. Đêm ngày hôm qua, nhà tôi bị chuột đến quấy rầy, khi đuổi theo con chuột già đó đến chỗ này thì nhìn thấy dưới ao tro có xác chết đã nhung nhúc giòi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN