Hà Thần - Thủy quái dưới cầu - Chương 22
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
160


Hà Thần - Thủy quái dưới cầu


Chương 22



Một

Không nói đến Bạch Tứ Hổ nữa, giờ chuyển hướng câu chuyện sang phía Quách sư phụ. Tết Đoan ngọ năm 1945, mùng năm tháng năm âm lịch, đây là thời gian năm loài vật độc cùng xuất hiện, trên đường về nhà, Quách sư phụ bắt gặp một người cầm búa thợ mộc, lao từ phía sau lên định bổ vào đầu mình. Vừa mới ngoái lại thì kẻ đó đã bỏ chạy, ông ta vội chạy tới báo cho lão Lương biết.

Lão Lương không nghĩ như vậy, bảo: “Năm nay triển khai hành động quét sạch bọn phản động, toàn thành lùng bắt với qui mô lớn, hung thủ ăn cướp bằng búa thợ mộc ăn tim gấu gan báo hay sao mà lúc này còn dám ra ngoài gây án? Lại còn rắp tâm ra tay với ông nữa? Nào đâu có việc trùng hợp như vậy? Chắc là người quen đùa giỡn vỡi ông mà thôi. Ông đấy, đừng có nghĩ ngợi nhiều nữa, mau mau về nhà ăn tết đi.”

Thấy lão Lương không coi trọng, Quách sư phụ đành nhịn không nói thêm một câu gì nữa, nhưng trong lòng vẫn chắc mẩm, kẻ vừa gặp giữa đường lúc nãy rất có thể là thủ phạm của những vụ cướp bằng búa thợ mộc. Ông ta đã nhớ nằm lòng hình dáng tướng mạo kẻ này, định bụng sau này sẽ chú ý điều tra, còn hôm nay cứ về nhà trước đã. Khi về đến nhà trời đã tối, bà vợ đã bọc kín bánh chưng để phần lại cho ông ta. Chợt nhớ ra tên lưu manh Đinh Mão không có bánh chưng ăn, ông ta giục vợ đi ngủ trước còn bản thân thì cầm theo mấy cái bánh chưng, rời nhà sang chỗ Đinh Mão. Hai người ở cách nhau không xa, chỉ cách có một con ngõ nhỏ.

Thập kỷ năm mươi, vùng ngoại ô vẫn còn nhiều cây dâu và cây hòe. Lúc ấy vừa đúng giữa mùa dâu, mỗi lần ăn dâu, chẳng cần biết nhiều hay ít, cứ phải đầy một cái chậu rửa mặt, bởi loại quả này thực sự chẳng đáng bao nhiêu tiền. Đinh Mão cầm một chậu quả dâu, hai người ngồi ngay lề đường cùng ăn. Họ đang ăn thì chợt thấy có một người đi vào đầu hẻm, anh chàng này thở hồng hộc nghiến răng đạp một chiếc xích lô, khi đến gần thì hóa ra là Trương Bán Tiên. Sau giải phóng, Trương Bán Tiên cũng dọn đến ở vùng này, ai ai cũng tất bật vội vàng, lo cho thân mình còn chưa xong, khó mà có cơ hội gặp nhau lấy một lần.

Quách sư phụ và Đinh Mão cùng đứng lên, cất tiếng chào hỏi Trương Bán Tiên: “Đây chẳng phải Trương tiên ư, thầy khỏe chứ?”

Thời xưa, người ta gọi thầy tướng số và người kể chuyện thuyết thư là tiên sinh, văn dốt cũng làm được thầy tướng số, võ nát cũng làm được lưu manh, nhưng chỉ vì muốn ăn được chén cơm này thì đành phải ta đây văn vẻ. Cho dù những kiến thức chứa trong bụng chỉ là một mớ tạp nham, nhưng trên thực tế họ lại được tầng lớp dân chúng dưới đáy xã hội tôn kính. Quách sư phụ vẫn theo thói quen trước kia để gọi Trương Bán Tiên, vừa mở miệng ra đã gọi “Tiên sinh”, nhưng người Thiên Tân vệ nói nhanh như máy, chuyên môn lướt qua chữ. Bởi vậy, khi nói ra mồm, chữ ‘sinh’ trong ‘Trương tiên sinh’ đã bị lướt qua: “Trương tiên Trương tiên, đã lâu không gặp, dạo này pháp thuật của thầy tinh tiến chứ?”

Tuổi tác Trương Bán Tiên không lớn lắm, nhỏ hơn Quách sư phụ một chút, ngang ngửa với Đinh Mão, chẳng hiểu là Bán Tiên đời thứ bao nhiêu nữa, nhà anh ta bao đời nay xem phong thuỷ xem tướng theo phương pháp tổ truyền mà kiếm sống. Trước kia, thầy tướng số xem phong thuỷ còn có môn phái, ví như Long Môn, Ma Y, Âm Dương, Huyền Động, Thiên Nhãn….., Trương gia theo đường lối tướng thuật của Liễu Trang, coi trọng “Nhìn mặt xem tướng”. Hai người vừa gặp mặt, chỉ cần nhìn qua ấn đường là đã đủ biết cát hung, phán định bao giờ cũng nghiệm, xưa nay không bao giờ dùng đến cách làm bày quầy xem tướng. Những kẻ bày quầy xem bói xem tướng đa phần là bọn bịp bợm giang hồ, đi đến đâu lừa gạt đến đó. Trương Bán Tiên là bảng hiệu do tổ tiên tạo dựng nên, chuyên môn xem phong thủy chọn nhị trạch âm dương (chỉ nhà ở và phần mộ) cho các quan to hiển quý. Nếu ai muốn mời Trương Bán Tiên tới xem nhà ở và phần mộ, trước tiên người đó phải đóng lễ kim tới cửa đưa thiếp, về phần có mời được được hay không thì tính sau, nhưng đến thời đại này coi như đã hết đất diễn. Sau giải phóng, không thể nào tiếp tục kiếm cơm bằng nghề này nữa, anh ta đành phải đi khuân vác đạp xích lô kiếm cái bỏ vào miệng, luôn chân luôn tay đến tận nửa đêm mới về đến nhà. Nhớ lại năm xưa, nội thành ngoại ô ai mà chẳng phải trọng vọng Trương Bán Tiên. Đến bây giờ đâu còn như ngày xưa, không thể nào tiếp tục chỉ dựa vào xem hai chỗ âm dương mà kiếm cơm được nữa rồi. Nhưng ngoại trừ việc đó ra, anh ta chẳng có năng lực gì nữa, cùng đường đành phải đạp xích lô chuyên chở giấy vào thành qua cửa tây. Loại giấy đó là giấy bản to, trọng lượng rất nặng, chất hơn mười cuộn giấy đã chặt cứng xích lô, tổng cộng hơn một ngàn cân, có thể đè gãy cả trục xe. Đường bằng thì không nói làm gì, mỗi khi gặp phải dốc, chỉ còn cách đứng dưới chân trợn mắt lên mà nhìn. Quả thật là kêu trời trời chẳng biết, gọi đất đất không hay! Cả ngày làm việc cực nhọc đến kiệt sức, anh ta đã chịu đủ mọi khổ ải rồi, một bụng đầy uất ức, đang muốn tìm người để hoài niệm lại chuyện cũ.

Quách sư phụ mời Trương Bán Tiên vào trong phòng. Vừa hỏi anh ta đã bảo ngay là chưa ăn gì, ông ta vội vàng sai Đinh Mão nấu một ít mì sợi, ba người ngồi trong nhà nói chuyện phiếm.

Trương Bán Tiên ăn ngấu nghiến như người sắp chết đói hết hai bát mì mấy cái bánh chưng, rồi ngẩng mặt lên ợ một cái, nhấp trà Đinh Mão pha sẵn, cầm lấy thuốc lá Quách sư phụ đưa cho châm lên rít một hơi, cuối cùng cũng phần nào tìm lại được cảm giác năm xưa; Lúc này mới mở miệng: “Quách gia, Đinh gia, các vị là những người hiểu rõ Trương mỗ, đừng thấy tôi chỉ có hai tay hai chân như mọi người mà lầm tưởng, thực ra là chân nhân bất lộ tướng, năng lực ẩn sâu bên trong. Không phải tôi nói vậy cho sướng miệng đâu, tổ tiên nhà họ Trương thực sự có bản lãnh, danh tiếng đã lưu truyền được mấy đời, âm dương phán chuẩn, đi đến đâu mà chẳng được mời mâm cao cỗ đầy. Có ai ngờ đến đời tôi lại chuyển sang nghề đạp xích lô gò lưng bán sức, thực sự đã làm cho tổ tiên mất mặt.”

Quách sư phụ và Đinh Mão chẳng biết nói cái gì, đành an ủi anh ta: “Những chuyện cũ vàng son không nên nhắc lại, giờ bán sức kiếm cơm cũng đâu phải là chuyện mất mặt.”

Trương Bán Tiên bảo: “Trước mặt người lạ tôi đâu có dám kêu khổ, nhưng khi gặp được hai vị, nếu không nói ra được đôi lời canh cánh trong lòng, chẳng phải bắt tôi uất ức khó chịu mà chết hay sao?” Anh ta luôn miệng cằn nhằn đến tận nửa đêm, rồi đột nhiên ngậm miệng không nói gì nữa, hai mắt mở trừng trừng, ngẩn người sững sờ nhìn chằm chằm vào mặt Quách sư phụ soi xét đến từng chân tơ kẽ tóc.

Thấy anh ta như vậy, Quách sư phụ giật mình đánh thót, hỏi: “Bán Tiên thầy nhìn gì thế? Trên mặt tôi có gì lạ hay sao?”

Trương Bán Tiên dụi mắt đi dụi mắt lại, quan sát kỹ thêm một lần rồi mới trả lời: “Quái lạ quái lạ thật, mới vừa rồi khí sắc Quách gia ông còn tạm được, nhưng bây giờ tôi nhìn đi nhìn lại vẫn thấy không hay. Ấn đường của ông đã biến thành màu đen, sắp gặp phải đen đủi, vận xui hiện lên mặt rồi!”

Hai

“Vận xui hiện lên mặt” là cách nói của người địa phương, dùng để miêu tả một người đang gặp vận rủi. Vận khí không tốt, chỉ cần xem sắc mặt là có thể nhìn ra, cứ khi nào khí sắc không tốt là sẽ hiện ra ở trên mặt. ‘Hiện lên mặt’ là nói theo cách xem tướng, ấn đường tái đi, còn một cách nói nữa là “Treo trên mặt” .

Trương Bán Tiên gặp gỡ Quách sư phụ và Đinh Mão, ba người ngồi trong nhà ăn mì. Sau khi huyên thuyên một thôi một hồi, anh ta chuyển sang xem tướng.

N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o…c.o.m. Ánh mắt anh ta không giống người bình thường, vừa gặp mặt nhau anh ta đã xem mặt cho Quách sư phụ, chỉ phán là tạm được, không có gì khác so với trước kia. Tuy nhiên, ngay trước khi định chào ra về, vừa liếc mắt qua anh ta đã phát hiện khí sắc trên mặt Quách sư phụ không tốt, ấn đường u ám. Ấn đường là “Mệnh cung” quan trọng nhất trong phép xem tướng của thầy tướng số, nằm ở vị trí chính giữa hai lông mày. Người gặp vận may, ấn đường nhất định sẽ sáng bóng như gương; vận khí không tốt, trên ấn đường sẽ có vẻ đen tối không sáng. Nhưng có lẽ anh ta chưa bao giờ thấy khí sắc một người có thể thay đổi đột ngột như thế, chỉ trong nháy mắt ấn đường đã biến thành màu đen, trước đó lại hoàn toàn không có dấu hiệu gì báo trước, giống y như bị quỷ không may ám vào thân. Sắc mặt của người sắp chết như thế nào thì của Quách sư phụ lúc đó cũng y như vậy.

Trương Bán Tiên hoảng hốt, bảo rằng: “Quách gia, chỉ trong một chốc một lát như vậy, tại sao khí sắc của ông lại trở nên trầm trọng như thế?”

Đinh Mão quan sát mặt Quách sư phụ, nhưng y đâu có biết xem tướng, chẳng thấy có gì khác lạ: “Bán Tiên thầy đừng có hù dọa người khác có được hay không, sư ca của tôi đang yên đang lành ở đâu nhảy ra khí sắc không tốt?”

Nhưng tâm trí Trương Bán Tiên đã lạc đi tận đằng nào, anh ta tự lẩm bẩm một mình: “Thực quái lạ, vừa mới yên lành như vậy, tại sao chỉ trong thoáng chốc ấn đường đã biến thành màu đen, mặt đầy sắc xui rủi. . .”

Đinh Mão hỏi: “Bán tiên thầy biết xem thời vận, tại sao lại không thấy trước được bản thân quẫn bách lâm vào tình trạng đạp xích lô chở giấy bản vậy?”

Trương Bán Tiên trả lời: “Đinh gia, cậu có chỗ không biết rồi, thầy tướng số chúng tôi, không một ai dám xem tướng cho bản thân. Cậu ngẫm lại mà xem, nếu như tôi đoán trước được sau giải phóng chính mình sẽ phải đạp xích lô, cậu nói tôi còn có mặt mũi sống tới bây giờ được không?”

Quách sư phụ cho rằng Trương Bán Tiên chỉ muốn tìm lại cảm giác trước giải phòng, cho nên hùa theo hai người đùa vui một chút, cho nên không coi những lời nói đó là sự thật, bèn bảo giờ không còn sớm nữa, mọi người cũng nên về nhà nghỉ ngơi.

Trương Bán Tiên nghiêm mặt bảo: “Quách gia, tôi thực sự không có ý đùa vui với ông. Ông gặp vận rủi đến mức hiện cả lên mặt rồi, còn có tâm tư đi ngủ sao?”

Quách sư phụ đáp lại: “Bán Tiên thầy đừng làm tôi sợ, rốt cuộc là có chuyện gì?”

Trương Bán Tiên nói: “Tôi thấy có người đang muốn đối phó ông, ông phải cực kỳ cẩn thận. Sáng sớm ngày mai ông cứ chờ tôi, tôi chưa đến thì ông đừng có mà ra khỏi nhà.” Nói xong, anh ta không đợi Quách sư phụ trả lời, vội vàng đạp xích lô về nhà.

Quách sư phụ thấy Trương Bán Tiên nghiêm trọng như vậy, trong lòng không kìm được phải than thầm, lại suy nghĩ đã là phúc thì không phải là họa, đã là họa thì tránh không khỏi, nếu như số mệnh đã định sẵn, có muốn cũng không tránh khỏi.

Đêm hôm đó, khi về đến nhà, Quách sư phụ bảo với vợ, sáng ngày mai Trương Bán Tiên chắc chắn sẽ đến với cái bụng rỗng không, cần chuẩn bị thêm một phần ăn sáng. Hôm đó mệt mỏi cả ngày, ông ta vừa đặt đầu xuống gối đã lăn ra ngủ. Sáng sớm ngày hôm sau, mí mắt ông ta vẫn còn nặng trịch, Trương Bán Tiên đã đến.

Quách sư phụ hỏi: “Bán Tiên thầy thức dậy sớm nhỉ, ăn sáng chưa?”

Trương Bán Tiên nói: “Chưa ăn, chị dâu làm món ăn sáng gì thế?”

Vợ Quách sư phụ đã tự tay cán mì, còn có bánh nướng bánh quẩy. Sau khi bày hết lên trên bàn, bà ta vội vàng xách giỏ đi chợ mua thức ăn.

Quách sư phụ mặc quần áo rửa mặt mũi xong, mời Trương Bán Tiên cùng ăn điểm tâm.

Trương Bán Tiên vừa cho vào miệng đã cảm thấy mì sợi thật sự thơm, nấu ngon hơn nhiều so với gã lưu manh Đinh Mão, bánh quẩy rán cũng không tệ, thơm ngon đến tận miếng cuối cùng. Ăn bữa điểm tâm này tối thiểu có đủ dinh dưỡng cho cả ngày, nếu như thêm món tương cơm của Lục Tất Cư vậy thì đúng là hết chỗ chê.

Quách sư phụ nói: “Đêm hôm qua mới biết được thầy sẽ tới, không có thời gian chuẩn bị sẵn mới thành ra thế này. Đợi chút nữa chuẩn bị đầy đủ sẽ mời thầy dùng tiếp.”

Trương Bán Tiên ngốn ngấu một lúc đã ăn xong món mì sợi cán, đáp lại: “Quách gia, ông đừng có nghĩ đến ăn uống gì nữa, trước tiên hãy nói cho tôi biết, thực ra ông đã chọc đến ai?”

Quách sư phụ suy nghĩ rất lung, thật sự không nghĩ ra nổi bản thân đã gây thù chuốc oán với ai.

Trương Bán Tiên bảo: “Ông suy nghĩ thật kỹ lại đi, có người muốn đẩy ông vào chỗ chết cơ mà? Tần Cối còn có bằng hữu, Nhạc Phi cũng có oan gia, trong cuộc đời mình có ai mà chẳng đôi lần gây hấn với người khác đây?”

Quách sư phụ chợt nhớ tới tên hung đồ ăn cướp bằng búa thợ mộc. Ông ta bèn thuật lại toàn bộ cuộc chạm trán trên đường đi về nhà ngày hôm qua, đầu ra làm sao đuôi như thế nào, tuần tự theo đúng sự thực cho Trương Bán Tiên nghe một lần.

Trương Bán Tiên nói: “Đích thị là tên thợ mộc này đã tin vào những lời đồn đại. Ngoài đường người ta đang đồn ầm lên là ông muốn bắt hắn. Nửa đêm ngày hôm qua rõ ràng là có kẻ muốn hại ông rồi, thế này là cái kiểu ‘lưu manh đánh lưu manh, một trận lại một trận’*. Nếu ông không bắt được hắn, cả đời này ông đừng hòng thoát khỏi vận rủi.”

*Ý muốn nói việc này sẽ kéo dài mãi không bao giờ dứt

Quách sư phụ không tin lắm: “Số mệnh lúc thăng lúc trầm, không ai có khả năng mãi mãi bay cao, cũng chẳng tránh được có lúc rơi xuống đáy, trên đời này đào đâu ra phương pháp có thể giúp cho con người ta cả đời luôn may mắn?”

Trương Bán Tiên nói: “Người khác thì khó mà nói, nhưng với ông vận xui lại đến như cơm bữa. Tôi nói như vậy, ông có tin không?”

Quách sư phụ không hiểu: “Nếu tin thì phải giải thích thế nào? Không tin thì sao?”

Trương Bán Tiên nói: “Nếu không tin tôi, ông cứ tiếp tục sống bình thường như chẳng hề có chuyện gì, coi như lúc trước tôi chưa hề nói cái gì. Nhưng nếu tin lời tôi, ông phải nghe cho kỹ những gì tôi sắp nói ra đây, nhưng kể cả có nói ra ông cũng đừng sợ, ông có tai họa đổ máu.”

Ba

Quách sư phụ nói: “Thầy làm thế này chẳng phải là chặn họng tôi trước hay sao, có chuyện cứ nói thẳng đừng ngại, rốt cục là như thế nào?”

Trương Bán Tiên nói: “Thứ cho tôi nói thẳng, danh hiệu Thần sông Quách Đắc Hữu của ông không hay chút nào, quá phận mất rồi, con người có thể gánh được danh hiệu này sao? Mặc dù miệng là của người ta, muốn gọi thế nào thì gọi, nhưng ít nhất cũng làm cho phúc phận của ông mỏng đi. Ngày hôm qua tôi thấy khí sắc của ông thay đổi một chút, đích thị là do người khác đã lập bài vị của ông. Kẻ này đã khắc chữ Thần sông Quách Đắc Hữu lên một tấm thẻ gỗ rồi đặt lên bàn thờ nhà mình thắp hương, một ngày dập đầu bái lạy ông mấy lần. Ông là người sống, ông thừa nhận nổi không? Ông không gặp xui thì còn ai gặp xui đây?”

Quách sư phụ nghe Trương Bán Tiên nói xong, sợ đến mức trán túa mồ hôi đầm đìa. Trước kia người ta tin vào những việc như thế này. Một kẻ phàm nhân ăn ngũ cốc hoa màu, có danh hiệu “Thần sông” đã là vượt quá phúc phận, huống chi còn bị lập bài vị tế sống, làm như thế đã bớt đi bao nhiêu phúc giảm đi bao nhiêu tuổi thọ, không xui rủi mới là lạ, nên làm thế nào mới phải đây?

Trương Bán Tiên bảo: “Quách gia, hai ta là bằng hữu đồng đạo, những chuyện vướng bận khác tôi không thể giúp, có gì cần nói sẽ không dấu giếm trong lòng, giờ phút này nhìn khí sắc ông càng thêm sa sút, chỉ sợ không qua được hôm nay, chẳng qua. . .”

Quách sư phụ cắt ngang: “Thầy đừng nói chuyện giật cục nữa có được không được, chẳng qua cái gì vậy?”

Trương Bán Tiên nói tiếp: “Tôi cũng mới vừa nhìn ra thôi, mặc dù sinh mệnh trên cơ thể ông đang suy sụp, nhưng phong thủy bên trong nhà ông lại không tệ.”

Quách sư phụ biết rõ Trương Bán Tiên biết xem phong thủy nhà và mồ mả, sinh ra kỳ vọng vào khả năng xem xét của anh ta, bèn hỏi: “Căn phòng tồi tàn này của tôi cũng có phong thuỷ? Ở chỗ nào thế?”

Người có năng lực thì hay khoe mẽ, chuyện gì cũng thường không nói ra miệng. Trương Bán Tiên cũng không nằm ngoại lệ, anh ta giơ một ngón tay chỉ vào cái bếp lò nhà Quách sư phụ.

Quách sư phụ cực kỳ buồn bực: “Như vậy là có ý gì? Muốn làm thêm một bát mì nữa sao?”

Nhà của Quách sư nhà là một căn phòng cấp bốn trong con hẻm ngõ miếu Đẩu Mẫu, gồm có hai gian. Vào thời đó, toàn bộ nhà dân chỉ có diện tích tầm mười mét vuông, hai gian tức là hai mươi mét vuông, đằng trước cơi nới ra một gian nhỏ dùng để nấu cơm và chất chứa những đồ vật linh tinh. Gian trong dùng để sinh hoạt, góc tường gian ngoài có một cái bếp lò cũ, thời đó được đắp bằng đất. Do nhiều năm không sử dụng đến, bếp lò đương nhiên nứt ra. Mỗi khi trời nóng, trong khe nứt thường xuyên có “Cùng ve” bò ra. Loài vật này rất thường thấy ở những hốc tường hoặc khe gạch của các căn phòng ở rách nát, ngoại hình nửa giống như con gián, nửa giống như con ve trên cây hồng bì, chân sau nhi đặc biệt dài, có khả năng nhảy rất cao. Bởi vì cùng quẫn, nhà của những người nghèo rất nhiều năm không tu sửa, đa phần đều cực kỳ ẩm thấp, bởi vậy mới sinh ra cách gọi “Cùng ve” như vậy. Trên một số đồ vật đồng thau thời Thương Chu được khai quật lên còn có hoa văn hình con ve, nhưng thật ra đó không phải là ve chân chính, mà là cùng ve. Qua đó có thể thấy được, từ cổ đến nay, cùng ve thường sống ở cạnh bếp lò. Bên trong cái bếp lò hỏng của nhà Quách sư phụ có đôi khi lại có một vài con cùng ve nhảy ra, đào đâu ra địa thế phong thủy gì, ông ta cứ tưởng Trương Bán Tiên vẫn còn muốn ăn mì nước.

Trương Bán Tiên nói: “Nghĩ đi đâu vậy, ông thử nhìn bức tường phía sau bếp lò nhà mình mà xem.”

Phía sau bếp lò nhà Quách sư phụ có một bức tranh tết vẽ ông táo và bà táo, có lẽ là được dán lên từ trước khi giải phóng. Ông táo là thần cai quản bếp trong nhà, còn được gọi là Táo quân. Hai vợ chồng ông táo trong bức tranh mặc áo đỏ mũ cánh chuồn đỏ, béo tròn chắc nịch, mặt mũi phúc hậu. Theo tục lệ dân gian, cứ đến hai ba tháng chạp hàng năm là tết ông công ông táo, là thời gian ông táo lên chầu trời. Vào ngày hôm đó, từ vương công cho tới dân chúng đều phải cúng ông táo, cung thỉnh ông táo lên trời tâu với Ngọc Hoàng đại đế những điều có lợi cho nhân gian. Trong ngày này kiêng kỵ nhất là cắm cảu nói những câu oán hận trước mặt Táo quân, bởi vậy khi cúng ông táo không cho phép đàn bà con gái được khấn vái. Nếu không, rác tai với những câu miệng lưỡi của đám đàn bà, đến khi lên trời ông táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng đại đế nhà này không tốt thế này, không hay thế kia, dâng lên một tờ trình đủ khiến cho con người ta giảm tuổi thọ, kẻ nặng giảm một kỷ, kẻ nhẹ bớt một toán, một kỷ là ba trăm ngày, một toán là một trăm ngày. Trước đây có rất nhiều điều kiêng kị, cho nên mới có câu ‘nam không bái nguyệt nữ không cúng ông táo’. Tết ông táo hai ba tháng chạp, người ta còn phải gỡ bức tranh trên bếp lò mang đi đốt, đến ngày ba mươi sẽ dán lên một bức mới. Nhưng từ thời dân quốc đến nay, người ta đã dần dần không còn quá để ý đến những tập tục như vậy nữa. Bức tranh ông táo ở căn bếp nhà Quách sư phụ đã dán sẵn ở đó từ lúc ông ta chuyển đến ở cho đến bấy giờ. Trên tường bếp của nhà ở có bức tranh vẽ ông tào là chuyện quá mức bình thường, bạn cứ thử vào nhà người khác mà xem, mười nhà e rằng có tới tám chín là như thế, như vậy lấy đâu ra thế phong thuỷ gì chứ?

Trương Bán Tiên nói: “Không trong nghề sao biết được hay dở, ông không biết xem, đương nhiên sẽ không nhìn bí ẩn ở bên trong. Tôi bảo cho ông biết, nói ngắn gọn là thế này, bếp lò nhà ông cộng với bức tranh ông táo đã ngẫu nhiên hình thành nên một thế, gọi là lò bát tiên trấn trạch, có thể tiêu tai miễn họa. Ông trăm nghìn lần phải ghi nhớ, đừng hủy cũng đừng sửa, như vậy sẽ chắc chắn không đến nỗi gặp chuyện không may, một khi sửa đổi, ông chắc chắn đi tong.”

Bốn

Truyền thuyết dân gian về nguồn gốc thân phận của ông táo và bà táo ở mỗi nơi mỗi khác. Vùng phía bắc Hoàng Hà cho rằng vợ chồng Trương Khuê là táo quân, cặp đôi này là nhân vật ở bên trong truyện Phong Thần, lên trời tâu những chuyện tốt, lúc xuống hạ giới thì bảo vệ bình an.

Bức tranh tết Táo quân trong nhà Quách sư phụ đã được dán từ nhiều năm trước, bếp lò bên dưới cũng không sử dụng đến một thời gian dài. Trương Bán Tiên bảo với ông ta, đó chính là lò bát tiên, có thể bảo vệ số mệnh bình an, nhưng nếu có ngày nào đó thế này biến đổi thì đại nạn của Quách sư phụ đã tới, trừ phi mau chóng bắt được hung phạm ăn cướp bằng búa thợ mộc, ngoài ra không còn phương pháp nào khác.

Trương Bán Tiên còn phải đạp xích lô đi giao giấy bản, những việc vướng bận khác anh ta không giúp được nữa, dứt lời vội vàng chạy đi.

Quách sư phụ thừ người một mình ngồi trong nhà suy nghĩ cho đến lúc vợ ông ta đi chợ về đến nhà. Nhìn thấy Quách sư phụ ngồi bất động, bà ta bèn hỏi: “Lão Quách, sao ông vẫn còn chưa đi làm?”

Quách sư phụ phục hồi tinh thần lại, bảo cái gì mà “Đau khắp mình mẩy, váng đầu nhức răng”, tóm lại là toàn thân chỗ nào cũng thấy khó chịu, xin nghỉ vài ngày an dưỡng ở nhà một chút, lại kiếm cớ đẩy vợ về nhà mẹ đẻ ở mười bữa nửa tháng. Cùng ngày hôm đó, ông ta còn đi tìm Lý Đại Lăng và Đinh Mão, kể cả mấy người trước kia cùng lăn lộn ở đội tuần sông, rồi tuyên bố rõ nguyên do với tất cả bọn họ. Mặc dù ông ta đã từng đối mặt với tên cướp bằng búa thợ mộc khét tiếng, nhưng chỉ kịp nhận ra kẻ đó tầm ba mươi tuổi, chiều cao trung bình, tai trái có một vết bớt xanh. Thiên Tân vệ quá rộng, dân số lại nhiều, tìm một người như vậy chẳng khác gì tìm kim dưới đáy bể. Cũng còn may là có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm, bởi kẻ này dùng búa thợ mộc để ăn cướp, đương nhiên là đã từng làm nghề mộc, dù có thể sau này đã đổi sang nghề khác, nhưng khẳng định vẫn có liên quan đến thợ mộc. Những người làm nghề mộc ở nội thành ngoại thành đều không lạ gì nhau. Trước giải phóng, quê quán của phần lớn thợ mộc ở Thiên Tân là Sơn Đông. Bọn họ ra ngoài lang bạt đi kiếm tiền, đến tết âm lịch đa phần lại trở về quê ở Sơn Đông, nhưng vẫn có một phần nhỏ ở lại hẳn nơi này. Bởi vì ông tổ nghề mộc Lỗ Ban là người Sơn Đông, cho nên họ có một truyền thống, đó là đặc biệt đề cao tình nghĩa thầy trò. Hơn nữa, họ không tư lợi như con buôn, mỗi khi có việc, nếu một hai người thợ mộc làm không xuể, họ sẽ gọi thợ khác đến hỗ trợ. Do thường xuyên ghé chỗ này tạt chỗ kia, tần suất đi lại khá nhiều, cho nên họ biết hết về nhau, mặc dù trong đời chưa từng gặp mặt, nhưng hễ nhắc đến tên là có thể biết đang nói tới ai. Cứ chịu khó nghe ngóng từ miệng mấy vị sư phụ và thợ học nghề thợ mộc này, biết đâu lại có thể lần ra kẻ cướp đó.

Mấy ngày liên tiếp, nhóm người Quách sư phụ đi khắp nơi tìm thợ mộc kiếm manh mối, thậm chí ngay cả những người trước kia đã từng làm thợ mộc sau này đổi nghề không làm nữa cũng không bỏ qua. Nhưng trong số những người đó lại không có một ai đã từng ở Thiên Tân nhiều năm, tầm ba bốn mươi tuổi, tai trái có vết bớt xanh. Họ chạy đến rạc cả cằng, nhưng hỏi ai cũng chỉ nhận được câu trả lời là cái lắc đầu, toàn bộ đều bảo không có người thợ nào như vậy.

Chớp mắt đã trôi qua bảy tám ngày, một chút manh mối cũng không tìm được. Buổi chiều một ngày nọ, có một chàng trai ngã xuống con mương lớn ở cửa tây, Quách sư phụ đích thân lặn xuống cứu lên bờ, nhưng đến khi đó đã đã thấy người này tắt thở rồi. Năm nào cũng vậy, cứ đến tết Đoan Ngọ là lại thấy vô số người chết đuối dưới lạch ngòi ao chuôm, càng về sau càng xảy ra liên tục.

Đến khi lão Lương biết được Quách sư phụ đã xin nghỉ ốm mấy ngày hôm trước, hơn nữa còn có người nhìn thấy ông ta đưa vợ về nhà mẹ đẻ, điều đó đã làm cho ông này nổi giận đến phát khùng, cho rằng những người đã từng sống dưới xã hội cũ đều ăn vào máu tật xấu vừa lười vừa tham ăn.

Quách sư phụ nhảy xuống con mương lớn cứu người, kéo lên một cái xác đầy bùn thối. Trong lúc chờ người thân đến nhận xác, ông ta tranh thủ giải thích với lão Lương, không còn tâm tư tiếp tục đi dò hỏi đám thợ mộc. Đến lúc chạng vạng tối, trên đường về nhà, ông ta nhìn thấy một cái xe đẩy bán dê thập cẩm. Món dê thập cẩm đó được người ta làm rất sạch sẽ, không tanh không ngán, nấu rất ngon miệng, còn bán riêng từng món gan dê và móng dê. Vừa ngửi thấy mùi thơm, ông ta đã không cưỡng lại được, không đủ tiền mua gan dê, đành mua hai cái móng, ngồi ngay bên cạnh xe bán dê thập cẩm uống rượu giải sầu.

Người bán món dê thập cẩm đó họ Trang, nhà ông lão đã bán món này được tám đời, người ta bèn gọi ông lão là Trang Bát Bối Nhi (con cháu đời thứ tám nhà họ Trang), tầm hơn sáu mươi tuổi, ngày nào cũng đẩy một chiếc xe nhỏ bày quán bán hàng bên vỉa hè. Gầm xe được phá thủng ra để đặt bếp lò, đặt một cái chảo lên trên nấu món dê thập cẩm. Đằng trước xe đặt hai cái ghế dài, đủ chỗ cho bốn năm người ngồi. Có người mua mang về nhà ăn, cũng có người tranh thủ lúc còn nóng ngồi ăn ngay ở trước xe. Đến khi trời tối, ông lão treo một cái đèn bão nhỏ để chiếu sáng, đến quá nửa đêm mới thu quán. Vào ban đêm vắng khách không có ai khác, Quách sư phụ vừa uống rượu, vừa nói chuyện phiếm câu được câu chăng với Trang Bát Bối Nhi. Sau khi gặm sạch móng dê, ông ta vứt bừa sang bên cạnh. Đúng lúc ấy, chợt nghe ven đường có tiếng bước chân sàn sạt rõ mồn một, ông ta quay đầu nhìn sang, nhưng không thấy một bóng người.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN