HAI NÉN HƯƠNG THỀ
Hai Nén Hương Thề - Phần II
Câu nói của chị Tư Thắm làm cho mụ Tâm giật mình:
– Chị nói sao? Tụi nó đều ở trong nhà kho?
Tư Thắm hạ thấp giọng:
– Dạ đúng. Chính tôi đã đem con Út Hương từ bệnh viện về và đã cõng con Xuân vô đó. Tôi làm theo đúng ý bà muốn mà…
Quá bất ngờ trước kết quả ngoài ý muốn, nên mụ ta ôm chầm lấy người giúp việc:
– Thật không ngờ chị sáng ý như vậy! Mà nè, tụi nó bệnh ra sao?
– Bà khỏi phải lo. Hình như là ý trời hay sao đó, nên cả hai con nhỏ đều đau đúng một bệnh: Khi đau bụng dữ dội, lúc lại nhức đầu như búa bổ! Có phải bà đã cho tụi nó uống thứ gì đó phải không?
Mụ lắc đầu:
– Chưa.
– Vậy gói thuốc bao trong giấy hồng đơn là thuốc gì?
Mụ Tâm giật mình:
– Thuốc… thuốc đó… chị thấy ở đâu?
Tư Thắm thản nhiên nói:
– Tôi dọn dẹp phòng bà thấy nó để ở kệ tủ, tôi thấy ghi chữ bên ngoài là trị bệnh đau bụng, nên… bữa hai con nhỏ bị đau… tôi đã…
– Chị cho chúng nó uống?
Tư Thắm gật đầu:
– Dạ đúng. Chắc là thuốc của ông thầy Tàu hốt?
Lúc này mụ Tâm không còn giấu nữa:
– Đúng là thuốc của lão thầy Tàu làm. Lão ta là một thầy thuốc đại tài, chuyên phá thai và… đầu độc người! Tôi nhờ lão ta làm loại thuốc đó, nhưng chưa có ý hại liền tụi nó một lần, mà chỉ nhằm cho nó uống một ngày một ít, để chúng không được khỏe mạnh, và nhờ vậy mà không chống đối, hỗn hào với tôi. Và để…
Mụ ta không tiện nói ra hết, nhưng không ngờ Tư Thắm lại tiếp ngay:
– Đến lúc nào đó sẽ loại trừ hẳn cả hai. Như vậy bà sẽ là người chiếm trọn cơ ngơi này!
Giật mình bởi câu nói thấu ruột gan của Tư Thắm, mụ Tâm lúng túng thấy rõ.
– Chuyện… chuyện đó… chuyện đó…
Tư Thắm trấn an:
– Bà đừng ngại. Tôi cũng không thích làm con mà ngang ngược, ngỗ nghịch như hai con nhỏ đó. Do vậy tôi tình nguyện giúp bà làm việc này.
Mụ Tâm không tin vào thính giác của mình:
– Chị nói thiệt?
– Thì bằng cớ là tôi đã tự động cho tụi nó uống thang thuốc có độc dược và cách ly chúng một cách gọn ghẽ, chẳng một ai hay biết…
Nếu có thể mụ Tâm đã sụp xuống lạy người phụ nữ mà mụ cho là quá tốt bụng này. Mụ xuống giọng:
– Tôi kết cỏ ngậm vành đội ơn chị lắm! Chị là cứu tinh của tôi. Để rồi khi xong công việc tôi dành cho một phần gia tài này chia cho chị. Tôi hứa danh dự đó!
Tư Thắm vẫn bình tĩnh:
– Tôi thích ai là giúp thôi, không hề nghĩ tới lợi lộc riêng. Thôi được rồi, từ nay cứ như ý của bà, hãy để hai con nhỏ đó tôi lo cho. Mỗi ngày tôi sẽ cho chúng ăn cầm chừng để duy trì sự sống, bên cạnh đó mấy thứ thuốc còn lại bà đưa hết cho tôi, từ từ tôi sẽ cho chúng uống, để đến một ngày chúng phát điên, phát khùng thật sự, giống như những người bị tâm thần. Như vậy sẽ chẳng một ai nghi ngờ. Trong lúc đó với tư cách là kế mẫu, bà vẫn được tiếng là không bỏ rơi con chồng trong lúc hoạn nạn, mà lại còn danh chính ngôn thuận trực tiếp tiếp quản sản nghiệp này. Bà còn điều gì dặn nữa không, tôi sẽ sẵn sàng làm?
Mụ Tâm nhất thời quá sung sướng, nên cứ nắm tay “ân nhân” lắc lắc nhiều lần và lặp đi lặp lại:
– Chị là chị em ruột của tôi. Chị sẽ cùng tôi hưởng mọi thứ mà tôi có được!
Trong cơn hứng khởi tột cùng đó, mụ nói thêm:
– Từ giờ chị coi như là em ruột của tôi, thay mặt tôi đứng cai quản xưởng đóng ghe này. Chị biết làm sổ sách, thu chi tiền bạc gì thì làm giúp luôn, chỉ báo cáo lại cho mình tôi biết thôi khỏi cần…
Một lần nữa Tư Thắm hiểu ý mụ ta:
– Ông chủ bệnh như vậy khó lòng tỉnh táo trong một sớm một chiều, nên ngoài bà ra thì có ai xen vô mọi việc trong nhà này. Được rồi, nếu bà tin tưởng thì tôi giúp bà…
Nhưng sau đó thì chị ta lại hạ thấp giọng có vẻ nghiêm trọng:
– Tôi thấy bệnh ông chủ không bình thường chút nào. Tôi không hiểu sao cứ chút chút ông lại kêu la, sợ hãi điều gì đó, như là đang bị ai đe dọa vậy? Bà có biết mỗi lần hốt hoảng ông chủ hay kêu lên Bảy Thoa là ai vậy?
Mụ Tâm có vẻ mất bình tĩnh:
– Bảy Thoa… là vợ trước của ông ta.
– Bà ấy đâu rồi?
– Chết rồi!
Tư Thắm có vẻ quan tâm:
– Chết rồi sao ổng kêu tên hoài vậy? Không lẽ…
Chị ta ngừng lại, đưa mắt nhìn sang mụ chủ, rồi mới tiếp:
– Không lẽ… ổng sợ hồn ma?
Bị chạm vào điểm yếu của mình, mụ Tâm lắp bắp:
– Ma… có ma không vậy?
– Tôi chỉ nghĩ và nói vậy chớ làm sao biết có hay không. Mà bà chủ có biết mặt bà vợ trước của ông chủ không?
– Có một lần. Hồi đó khi ông Thái mê tôi, theo ở với tôi ở Cần Thơ thì có một lần bà ta tới đánh ghen. Đây nè, cái thẹo này là tang chứng mụ ta để lại trên người tôi cho đến bây giờ tôi vẫn còn hận!
Vừa nói mụ ta vừa vạch áo bày ra một vết thẹo dài ở bả vai.
– Bà ta chém bà?
Mụ Tâm gằn từng tiếng:
– Bị bất ngờ nên tôi mới để mụ ta lấy thẹo, chớ bình thường thì dễ gì. Mà cũng không phải mụ ta toại ý hoàn toàn đâu, lần đó tôi cũng trả miếng đích đáng, bằng cách đạp vào bụng dưới mụ ta, cho đến khi xuất huyết sản hậu mới thôi…
Những lời kể sau của mụ đầy vẻ hả hê, đắc thắng. Chợt Tư Thắm thêm vào:
– Chắc do những cú đánh đạp đó nên bà ấy về và bị bệnh hậu luôn. Do bà ấy mới sinh con Út được mấy tháng phải không?
– Ờ đúng rồi. Nhưng mà… sao chị biết?
Tư Thắm lấp liếm:
– Dạ… tôi đoán vậy thôi…
– Chị đoán đúng. Bị trận đó về là mụ ta nằm bệnh kéo dài, cho đến lúc chết luôn!
Tư Thắm chép miệng:
– Như vậy so với vết thương trên vai của bà, người kia bị nặng hơn. Đem cả mạng sống đánh đổi cơ mà…
– Ờ…
Mụ Tâm chừng như muốn nói gì thêm, nhưng nghĩ sao lại thôi. Mụ liếc nhanh sang Tư Thắm rồi im lặng.
Ông Thái tỉnh lại, lơ mơ nhận ra có một người đứng ngay trước mặt mình. Ông cố ngồi dậy, nhưng có lẽ do đã nằm im suốt mấy ngày liền, nên sau mấy lần ráng sức, ông đều thất bại.
– Bà… bà…
Ông gọi người đứng trước mặt, đồng thời đưa tay như cầu cứu. Tuy nhiên người kia vẫn đứng yên, mặt quay đi nơi khác:
– Đỡ… đỡ tôi… dậy…
Cố lắm ông Thái mới nói được mấy tiếng. Nhưng mặc cho ông ta nói, người trước mặt ông vẫn đứng im, như chẳng hề nghe thấy.
Đã cố gắng quá sức, nên ông Thái ngã sang bên, hơi thở đứt đoạn. Ông dường như tuyệt vọng với mong muốn thoát ra cơn mê kéo dài…
Chợt, từ phía người phụ nữ phát ra như mệnh lệnh:
– Theo tôi!
Lúc này chẳng hiểu do sức lực siêu nhiên nào thúc đẩy, ông Thái vụt đứng dậy và bước theo người đàn bà. Họ đi khá nhanh về phía khu vực nhà kho.
Tới nơi, vẫn không quay lại, người phụ nữ lên tiếng:
– Vô trong đi!
Ông Thái như người vô thức, bước qua cánh cửa hé mở. Bên trong tối đen, nhưng là nhà kho do chính ông xây nên ông ta bước đi mà không cần dò dẫm. Cho đến khi chân ông chạm một vật gì đó, suýt ngã.
– Ai vậy?
Nghe giọng nói quen quen, ông Thái tỉnh lại ngay, kêu lên:
– Út Hương!
Có hai người hỏi cùng một lúc:
– Ba hả?
– Xuân hả?
Có tiếng lộc cộc bên ngoài, cửa đã bị khóa. Ông Thái hơi hoảng:
– Sao họ nhốt ba con mình ở đây?
– Tụi con không biết…
Thì ra cả ba cha con đều bị nhốt chung một phòng. Ông Thái lo lắng:
– Mà kho này bỏ hoang đã lâu, vừa hẹp lại thiếu tiện nghi, vậy tụi con làm sao sống?
Giọng Út Hương:
– Thật sự là ba không biết tụi con bị nhốt ở đây sao?
Giọng ông Thái gay gắt:
– Bộ con nghĩ ba làm chuyện này hả?
Xuân chen vô:
– Còn nghi ngờ gì nữa, chính con mụ độc ác đó làm chứ ai! Mà cả ba nữa, coi chừng có ngày…
Ông Thái hơi hoảng:
– Tụi con bị làm sao vậy? Hổm nay thấy hai đứa đi vắng, ba hỏi thì bà ấy nói tụi con đi về bên ngoại, ba đang tính bữa nào qua bển thăm…
Xuân từ tốn hơn, cô thuật lại chuyện và kết luận:
– Tụi con trước sau bị nhốt vào đây từ hơn nửa tháng nay, tuy ngày nào cũng có người đưa cơm cho ăn, còn xách nước cho tắm rửa, nhưng tuyệt đối không thấy được bên ngoài. Con Hương lớn giọng nên cứ kêu la hoài để mong có người đến cứu. Nhưng rát cả giọng mà chẳng có ai cả…
Ông Thái thở dài:
– Nhà kho này trước ba làm để chứa dầu nên cách xa nhà trên 200 thước, mà quanh đây cả nửa cây số lại không có nhà ai, nên hai đứa cứ la tới tối cũng chẳng có ai nghe.
– Bây giờ làm sao ba?
– Để ba tìm cách… Nhưng mà nè, con nói mỗi bữa có người mang cơm tới, mà đó là ai vậy?
Tiếng của Hương:
– Có lần con nhìn qua khe cửa chắc đó là một người phụ nữ. Bà ta rất lạ, hồi nào giờ chưa từng ở nhà mình.
Ông Thái lẩm bẩm:
– Con Tư Thắm, em họ của bả…
Út Hương chua chát:
– Ba thấy chưa, con mụ đó đã lộ rõ ý đồ chiếm đoạt cái nghiệp sản này mà! Mụ ta hại hai chúng con, rồi sẽ tới lượt ba, và cuối cùng sẽ chỉ còn là thân nhân, họ hàng của mụ ở cái nhà này thôi.
Giọng ông Thái chùn xuống:
– Bây giờ ba đã thấy. Nhưng dẫu sao thì…
Lời ông chưa dứt thì chợt ông nghe tiếng động bên ngoài và qua khe cửa hở, tầm mắt ông nhìn được một khuôn mặt. Mà hình ảnh ấy vừa hiện ra đã làm cho ông trợn mắt, lắp bắp:
– Má… má tụi con… má Thoa…
Hương và Xuân cùng bật dậy cùng một lúc, họ chạy tuôn ra cửa, nhìn qua khe, nhưng thất vọng…
– Có ai đâu ba?
Ông Thái quả quyết:
– Đây là lần thứ hai ba thấy má tụi con. Bữa trước cũng chính vì nhìn thấy bả nên ba mới bị mê sảng mấy ngày liền. Đúng là má các con đang về. Đúng rồi…
Giọng ông càng lúc càng run, sự sợ hãi làm cho ông đứng không vững, phải dựa lưng vào vách và ngồi xuống. Xuân trấn an:
– Nếu má có hiện về thì cũng đâu có sao. Má con thương tụi con nên mới vậy…
Út Hương ăn nói bổ bã nên không kịp giữ lời:
– Chắc lúc trước ba có làm gì quấy nên mới sợ má báo thù chớ gì!
– Hương! Không được…
Xuân vừa la em, vừa bước tới cạnh bên ba an ủi:
– Hổm nay tụi con cũng thường xuyên chiêm bao thấy má. Má hiền lúc sống, lúc chết lẽ nào má hại ai sao ba? Nhất là với ba, nếu giờ đây ba không còn gì với mụ Tâm thì má đâu xử tệ…
Út Hương vẫn còn ấm ức, nhưng cô cũng đổi giọng:
– Hôm ngoài nghĩa địa như ba thấy rồi đó, hồn má con linh thiêng lắm, má đã hiện về báo ứng cho con. Và bữa con bị nạn do uống thuốc của mụ đó thì chắc chắn là có sự giúp đỡ của má nên vào lúc nửa đêm con mới tự động chạy ra khỏi bệnh viện và biết đường xuống chiếc xuồng đợi sẵn ở bến và về được nhà một cách an toàn. Người chèo thuyền bữa đó không cho con thấy mặt, nhưng sau này con nghĩ đó chính là má. Bà không nói lời nào, nhưng lúc đưa con vào nhà kho này bà đã ra dấu biểu là không để cho ai thấy, rồi bỏ đi…
Ông Thái bỗng ngã ra sân, làm cho Xuân hoảng hốt:
– Ba! Ba bị sao rồi, Út Hương!
Hai chị em cuống cuồng. Xuân còn biết đưa tay lên sờ mũi ba, cô mừng rỡ:
– Ba còn thở.
Mụ Tâm khá lo lắng nói với Tư Thắm:
– Không biết lão nhà tôi đi đâu, chị đoán ra không?
Tư Thắm khẽ lắc đầu:
– Lúc tôi đem cơm vô đây thì đã không còn thấy ông chủ ở đây. Hỏi mấy người ngoài trại đóng ghe, họ bảo cũng không biết.
Mụ Tâm hoảng hốt la lớn:
– Sao lại hỏi? Tôi đã bảo chị là phải giả câm giả điếc cơ mà?
Tư Thắm hạ thấp giọng:
– Bà chủ tin đi, tui là nhà quê, nhưng tôi cũng đâu có khờ dữ vậy. Tôi chỉ hỏi bằng cách ra dấu thôi.
– Ờ…
Mụ trầm ngâm một lúc:
– Ông ta đang bị bệnh tà ma có thể đi được sao? Hay là, có khi nào…
Tư Thắm hỏi dò:
– Bà chủ muốn nói là gì?
– Tui nghi ông này bị ma ám. Mà hồn ma ở đây có thể lại là… mụ vợ trước của ông ta.
– Bà vợ trước? Tức là bà Bảy Thoa? Nhưng sao bà chủ lại nghĩ vậy?
Giọng mụ Tâm có vẻ mất tự nhiên:
– Chuyện này tui cũng không muốn giấu… Hồi trước chính ông ấy nói với tui là không muốn để bà ấy sống, nên lúc bà ta bị bệnh ông ấy để mặc cho đến chết…
Tư Thắm xúc động:
– Sao ông chủ lại làm như vậy? Còn bà, phải chăng lúc ấy bà cũng đồng tình?
Mụ Tâm nhìn nhanh vào mắt chị người làm, tự dưng bà rùng mình. Có lẽ câu hỏi đã chạm đúng tâm can của mụ…
– Bà chủ, bà có sao không? Sao sắc mặt bà xanh tái vậy? Chắc là bệnh rồi, để em…
Đưa tay ra hiệu là không việc gì, nhưng khi vừa quay đi định bước thì mụ ta lảo đảo. Tư Thắm kêu lên:
– Bà chủ, bà nằm nghỉ đây đã.
Mặc cho lời can ngăn, mụ Tâm vẫn lảo đảo bước đi. Chẳng biết vô tình hay cố ý, mụ hướng về khu đất trống đầy cỏ dại, khu nghĩa địa.
Tư Thắm chỉ đứng nhìn theo mà không có phản ứng gì…
Khoảng hai mươi phút sau mụ Tâm đã bước thẳng vô khu nghĩa địa. Mồ mả dày đặc, phần nhiều là mộ cũ, đắp đất, thỉnh thoảng mới có vài cái xây gạch, có mộ bia. Chưa từng đặt chân đến đây lần nào, cũng chưa từng biết mộ mả của Bảy Thoa, nhưng chẳng hiểu sao mụ Tâm lại hướng rất đúng ngôi mộ có mộ bia đề chữ: “Ngô Kim Thoa”. Mụ dừng lại và…
Trước mặt mụ là bộ quần áo của ai đó vất vung vãi trên đầu mộ. Cúi xuống nhìn, mụ kêu lên khẽ:
– Quần áo của ông Thái! Chẳng hiểu sao nguyên bộ quần áo của ông ta lại nằm ở đây? Phải chăng…?
Một lần nữa mụ Tâm lại cảm thấy lạnh sống lưng và mồ hôi chẳng hiểu sao lại chảy ướt đẫm cả người. Rồi cơn lạnh đột ngột làm cho mụ ta ngã quỵ ngay trước đầu mộ. Tư thế quỵ xuống vô tình lại giống như quỳ gối!
Có một nén nhang ai đã cắm sẵn nhưng chưa đốt, chợt nó bùng cháy lên như có ai vừa châm lửa vào! Mụ Tâm không còn bình tĩnh nữa, định lùi lại, nhưng lần này mọi sức lực của mụ đã tiêu tan hết. Kể cả muốn kêu lên lúc này mụ cũng không làm được.
Khói nhang phả lên mặt, mụ hít cả khói vào, mùi thơm của nhang như có mê dược, làm cho thần trí của mụ Tâm càng lâng lâng, mơ hồ… Trong ảo giác đó chợt mụ nghe có tiếng ai giục:
– Nhang cháy lên rồi, thề đi! Hãy thề là lo cho con tao đàng hoàng. Nếu làm trái lời thì sẽ tán mạng ngay tại chốn này!
Mụ Tâm còn đang lưỡng lự thì ai đó lại giục lần nữa:
– Thề nhanh lên hay là muốn xuống mồ?
Hình như có ai đó vô hình đang đưa tay kéo mụ ta xuống mộ. Trong cơn sợ hãi tột cùng, mụ Tâm nói không trọn lời:
– Tôi… Tôi làm… Tôi hứa… Tôi sẽ…
– Thề đi!
Tay mụ ta chụp lấy nén nhang đang cháy, chấp lại vừa xá vừa lặp lại đúng như lời dạy vừa rồi. Cuối cùng mụ còn nói thêm:
– Chị Kim Thoa hãy tha mạng cho em! Trước đây do ngu ngốc, ích kỷ nên em xúc phạm đến chị, gây ra cái chết của chị, nay em hối lỗi, em nguyện sẽ thay chị lo cho mấy đứa con, lo cho anh Thái…
Mụ còn muốn nói nữa, nhưng chợt nén nhang trong tay vụt bắn ra xa như những cây pháo thăng thiên! Lửa ở đầu nhang lóe sáng như pháo bông và bay xa đến hơn trăm thước, rớt xuống bờ sông cách nghĩa địa khá xa. Ở đó có một chiếc ghe mui ống đang đậu, bỗng lửa từ cây nhang rơi xuống bắt vào lá che mui, làm thành một đám cháy dữ dội!
Mụ Tâm đờ đẫn nhìn theo, cho đến khi mụ tưởng chừng như mình hoa mắt, bỗng từ trên chiếc ghe đang cháy bóng của ông thầy Tàu A Sầu đang hoảng loạn nhảy từ trên ghe xuống sông!
– Sao lão ta lại ở đây?
Nửa muốn chạy xuống chỗ đó để cứu lão A Sầu, nhưng phần do sợ, nên mụ Tâm đành đứng đó nhìn cảnh
thuyền cháy dữ dội, rồi cuối cùng chìm lỉm xuống sông…
Ngày hôm sau, người ta vớt được xác lão thầy thuốc A Sầu. Người vớt xác lại chính là Tư Thắm. Chị ta đặt xác lên bờ rồi chạy đi tìm riêng mụ Tâm thông báo:
– Lão thầy Tàu chết rồi, bà chủ biết chưa?
Mụ Tâm đang còn mê ngủ, nghe báo thì chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên, chỉ nói rất từ tốn:
– Tôi không quen biết ông thầy nào hết. Mau xô xác lão ta xuống sông đi. Tôi mệt…
Mụ lại quay mặt vào vách muốn ngủ tiếp. Thấy vậy Tư Thắm không nói gì thêm, lặng lẽ quay ra hướng bờ sông. Lát sau nhiều người qua lại trên đoạn sông đó bắt gặp một xác người nổi lên trong tư thế đứng thẳng dưới nước, nửa thân người nhô lên trên mặt nước như cố vẫy tay cầu cứu!
Vài người biết mặt xác chết khi đi ngang đã lên tiếng:
– Đây là ông thầy thuốc, chẳng hiểu sao lại chết lạ vậy?
Trong lúc đó ở trại ghe Thái Bình bỗng nhốn nháo không khí của một ngày đại tiệc.
Những thầy thợ của xưởng ghe bàn tán nhau:
– Có lẽ đây là tiệc mừng chủ nhân mới của xưởng!
– Ai vậy?
– Thì bà chủ Tâm chứ ai vô đây!
– Ông Thái còn đó, hai cô Xuân và Hương cũng còn đây, làm sao có chuyện đổi chủ đột ngột như thế?
– Như vậy bữa nay là tiệc gì?
Nhiều lời bàn tán, kể cả đoán già đoán non, nhưng chung quy vẫn không ai biết chắc là tiệc gì. Người chủ trì đại tiệc đúng là mụ Tâm.
Kể từ hôm trở về từ nghĩa địa, bỗng bà ta thay đổi hẳn tính tình. Ăn nói nhẹ nhàng hơn, biết điều hơn và đặc biệt là đối đãi hết sức dịu dàng với ông Thái và hai cô con gái. Buổi chiều khi được Tư Thắm thả ba cha con từ nhà kho, chính Út Hương đã không tin, cô đã quát lên:
– Con mụ độc ác này giờ còn muốn giở trò gì nữa đây?
Mụ Tâm không chút bực bội trái lại còn rất dịu dàng khi nói với ông Thái:
– Tôi xin lỗi ông và hai con, bấy lâu nay tôi có lỗi, tôi đã đối xử không phải, thậm chí còn có ý đồ xấu nữa. Nay trước mặt ông và hai con, tôi dập đầu tạ lỗi. Tôi hứa từ nay không xía vào chuyện nhà, ông và con Xuân, Hương muốn biểu gì tôi nghe hết. Nếu không cho ở thì tôi dọn về bên nhà…
Mụ ta nói xong thì quỳ ngay trước mặt ba cha con làm cho họ ngạc nhiên quá đỗi. Xuân vốn chơn chất, cô lên tiếng ngay:
– Dì làm gì quá đáng vậy. Đứng dậy đi, đừng để tụi con tổn thọ.
Nhưng Út Hương thì vẫn chưa tin, cô châm chọc:
– Chắc là bả đang nằm mơ đó. Hay là uống lộn thuốc của ông thầy Tàu rồi!
Ông Thái nhẹ nhàng chen vô:
– Đừng vậy con. Bả đã biết lỗi thì thôi, chẳng truy cứu làm gì… Bây giờ ý các con sao, để bả ở lại hay…
Út Hương nói ngay:
– Không ai có quyền ở trong này hết ngoài chúng tôi!
Giọng mụ Tâm vẫn từ tốn:
– Tôi cũng không dám đòi hỏi gì. Tôi sẽ đi khỏi ngay. Nhưng trước khi đi tôi xin một ơn huệ cuối cùng…
– Dì muốn làm gì?
– Tôi xin ông và hai con cho tôi làm mâm cơm cúng chị lớn.
Ông Thái ngạc nhiên:
– Bà nói cúng ai?
– Dạ, chị Kim Thoa.
Không tin vào tai mình, ông Thái hỏi lại:
– Bà nói… đúng như vậy?
Mụ ta rất chân thật:
– Tôi nói ra bằng cả tấm lòng. Chỉ vì tối qua tôi nằm mơ thấy chị ấy về nói mình bị lạnh và đói. Tôi có hứa với chị…
Xuân quá tò mò hỏi dồn:
– Dì nói má con về gặp dì?
Mụ Tâm giấu không kể chuyện ngoài nghĩa địa, chỉ nói thêm:
– Đây là tấm lòng của tôi, tôi nghĩ chắc ông cũng không hẹp hòi, bởi ngay chiều nay là tui về bên nhà rồi.
Út Hương đã bắt đầu chú ý đến thái độ có vẻ thành khẩn của mụ, cô chợt nhớ lại chuyện hôm ở nghĩa địa nên thầm nghĩ: “Đúng là má hiển linh rồi, có thể là má đã làm cho mụ ta hối cải…”. Tuy nghĩ vậy, nhưng trong nhất thời Hương cũng chưa thể làm lành với mụ đàn bà mà từ bao giờ cô đã có nhiều ác cảm. Hương bỏ đi về phòng riêng.
Bữa tiệc lớn được tổ chức. Khách mời được biết đây là lễ cúng vong cho Bảy Thoa, vợ chủ trại ghe Thái Bình.
Bàn lễ được đặt ngay trước sân rộng. Ra dự chỉ có ông Thái và Xuân, còn Út Hương thì kêu mệt không ra. Chỉ có Xuân là biết em mình không ra lễ nhưng vẫn đốt nhang ngồi cầu khấn mẹ trong phòng.
Chẳng hiểu ai dạy cho, mụ Tâm bày lễ vật và nghi thức thật chu đáo và đúng bài bản. Khi khách khứa đông đủ, mụ ăn mặc nguyên bộ đồ trắng, tóc xõa dài, ngồi giữa sân, khấn to:
– Hôm nay trước vong linh người đã khuất chị Ngô Kim Thoa, tôi là tội đồ Lê Thị Tâm, xin dập đầu tạ tội những gì đã gây ra cho chị từ lâu nay. Tôi xin trả lại chị số tư trang, tài sản mà lâu nay bằng thủ đoạn hồ ly, tôi moi được từ ông Thái. Đây là hiện vật, hiện kim. Mụ ta đặt ngay trước mặt một túi vải khá lớn mà ai cũng hiểu trong đó là tiền và vàng.
Xuân quay sang cha, hỏi khẽ:
– Của cải gì nhiều vậy ba?
Ông Thái ngập ngừng:
– Đó là… cái mà…
Chợt có giọng ai đó nói từ phía sau:
– Đó là của cải của một người đàn ông phản bội vợ mình đem đi cho người khác. Cũng may là nó còn trở về…
Quay lại nhìn thấy một người phụ nữ che kín mặt bằng chiếc khăn trùm đầu màu trắng, ông Thái ngạc nhiên định hỏi thì Xuân đã hỏi trước:
– Bà là ai, mà hình như những lần trước bà đã mang cơm cho chúng tôi ăn?
Lúc ấy Út Hương cũng vừa chạy ra, cô kêu lên:
– Đúng rồi! Bà này vừa vô trong phòng em đưa cho cái này.
Hương đưa cho cha mình bó nhang và bảo:
– Bà này biểu ba phải đốt nhang lên khấn và thề thì ba mới thoát khỏi vòng cương tỏa của mụ Tâm. Ba làm đi!
Ông Thái hỏi:
– Bà là ai?
Người phụ nữ từ từ mở vuông khăn ra, để lộ khuôn mặt quen thuộc. Vừa trông thấy ông Thái đã kêu lên:
– Tư Thắm!
Hương và Xuân cũng nói lớn:
– Bà này là dòng họ, thân nhân của mụ Tâm mà!
Người phụ nữ nghiêm giọng:
– Nếu không có tôi thì cái nhà này tan hoang rồi, cả ba mạng người này cũng không còn!
Quay sang Xuân và Hương, bà hỏi:
– Cơm ăn nước uống mỗi ngày đúng ra là có thuốc độc trong đó. Nếu tôi không hoán đổi thì mồ của hai con đã xanh cỏ rồi.
Nghe nhắc đến đó chợt mụ Tâm giật mình:
– Tư Thắm! Thì ra chị đã…
Bước tới dìu Xuân và Hương lại gần Tư Thắm đưa tay vuốt lên tóc cả hai, giọng xúc động:
– Tội nghiệp các con tôi!
Giọng bà khác hẳn giọng của Tư Thắm hàng ngày làm cho ông Thái kinh ngạc:
– Bà là…
– Đến vợ mình mà cũng không nhận ra nữa sao. Thảo nào, lâu nay mồ mả tôi không được nén nhang cũng phải thôi!
– Bà là má sắp nhỏ phải không?
Út Hương mừng khôn xiết:
– Má, đúng là má đây mà! Má ơi! Con Út Hương, con nhớ má lắm, hãy ở lại với con!
Hương vừa kêu vừa lao về phía Tư Thắm và ôm chặt lấy. Điều sai lầm lớn của cô gái nông nỗi này là ở chỗ đó. Khi cô vừa chạm tay vào người thì tức thời Tư Thắm nằm ngã ra bất động.
Bất kể, Út Hương vẫn lao theo, ôm lấy Tư Thắm và gào lên:
– Con đây má ơi! Con Út Hương đây!
Mặc cho Hương kêu gào, Tư Thắm vẫn nằm bất động. Lúc ấy bỗng có người từ đám đông reo lên:
– Trời ơi! Thắm, con tôi!
Đó là đôi vợ chồng người buôn dừa, vừa cặp bến họ lao về phía Tư Thắm đang nằm, xô Út Hương và ôm lấy người mà họ gọi là con:
– Đây là con gái tôi, nó có bệnh tâm thần nên cứ bỏ nhà đi lang thang. Tôi đã đi tìm con suốt mấy tháng nay tưởng là tuyệt vọng rồi, may là mới đây nghe có người đã gặp nó ở trại đóng ghe này, nên kịp tới đây. Ai đã làm gì con tôi thế này?
Họ lay gọi mãi và cuối cùng Tư Thắm mở mắt ra, vừa thấy hai người trước mặt đã òa lên khóc và ôm chầm lấy họ.
Mọi việc diễn ra quá nhanh, khiến cho từ ông Thái cho đến hai con gái đều ngơ ngác chưa hiểu gì? Cũng may vừa lúc đó có một vị bô lão có vẻ rành chuyện, bước ra nói:
– Đây là trường hợp âm hồn hồi dương hợp xác trần, đã từng xảy ra trước đây. Cô vợ Ba Thái đây không thể hiện hình người, nên đã mượn xác cô Thắm này nhập vào về ở gần con cái. Nếu lúc nãy Út Hương không vì quá mừng mà chạm vào người thì người này vẫn còn nguyên xác trần hồn ma!
Nhiều người chưa tin lắm, xúm lại hỏi, lúc ấy Tư Thắm không hề nhớ gì chuyện mình làm bấy lâu nay. Ông Thái hỏi thêm:
– Bà… có thật bà không còn ở đây hay không?
Cha mẹ Tư Thắm kéo con đi vừa nói với lại:
– Đừng làm cho con tôi nó sợ, nó có bệnh mà!
Họ đã xuống ghe, đi một lúc lâu, thì mọi người mới hoàn hồn. Ông Thái nhìn quanh không thấy mụ Tâm đâu thì ngạc nhiên hỏi:
– Bà ấy đâu rồi?
Một người thợ đóng ghe nói:
– Lúc lộn xộn hồi nãy, tôi thấy bà ấy xuống ghe chèo đi, chỉ có một mình.
Buổi tối, khi đã bình tâm trở lại, ba cha con ngồi mở cái bọc vải mà mụ Tâm để lại. Út Hương nói trước tiên:
– Con không nghĩ bà ta thật tâm hối lỗi đâu, có lẽ quá sợ vong hồn của má, nên mới như vậy. Trong bao này dám chỉ là ba thứ quần áo linh tinh, chớ làm gì có tiền bạc, tư trang…
Vừa nói cô vừa đích thân mở ra, rồi cả ba cha con đều kêu lên:
– Tiền nhiều lắm nè!
Một số tiền khá lớn, kèm theo là một số nữ trang. Cầm lên một chiếc xuyên vàng, ông Thái quá ngạc nhiên:
– Vật này ba nhớ lúc má tụi con chết, ba đã đem theo trong quan tài, sao giờ lại đây?
Xuân cũng cầm lên một quyển sách, cô ngạc nhiên không kém:
– Đây là quyển kinh Phật, lúc chôn má, con nhớ là ba nói lúc còn sống má thường đọc quyển sách này, nên đã đem theo cho má, con nhớ rõ là nó ở trong quan tài mà?
Đến vật thứ ba do Út Hương lấy ra thì ông Thái đã thật sự hoảng hốt:
– Đây là chiếc khăn choàng bằng lụa mà đi đâu má cũng đội. Lúc má chết, chính ba đã choàng cho má mày, rõ ràng là vậy không thể là sai! Ai đã đào mộ má các con lên?
Hương chợt kêu lên:
– Ai viết gì trên khăn choàng nè ba?
Trải chiếc khăn lên bàn, ông Thái chỉ thấy những chữ Hoa ngoằn ngèo và bên dưới có vẻ một hình nhân bị một mũi dao xuyên qua người.
Đến lúc này thì ông Thái chợt hiểu:
– Thật khốn nạn, thằng A Sầu!
Trong lúc Xuân và Hương còn ngơ ngác không hiểu thì ông Thái chậm rãi kể:
– Lúc theo ở bên nhà bà Tâm, có hôm ba nghe thằng thầy Tàu A Sầu nói với bà ấy về chuyện trù ếm ai đó bằng cách lấy vật dụng cá nhân của người đó. Lúc ấy ba đâu có để ý nghi ngờ gì. Hôm nay, thấy cái khăn và những vật này, ba mới hiểu, chính mụ ác tâm đó đã cố tình trù ếm, triệt hạ cho bằng được dù là hồn phách của má tụi con, hòng về sống yên ổn ở đây. Chính thằng A Sầu đã lén tới đây, ra nghĩa địa đào mộ và ăn cắp những vật này lên.
Út Hương run sợ:
– Liệu má con có bị sao không ba?
Ông trầm ngâm một lúc rồi đáp:
– Ba nghĩ những việc làm xấu xa của họ đã không có tác dụng. Bởi thế nên hồn phách má con mới còn yên lành và còn về nhập xác cô Tư Thắm gì đó để giúp chúng ta trừ khử con mụ ấy đi. Và còn ông thầy Tàu nữa…
Xuân chen vô:
– Con nghe người ta nói đã thấy xác ông ta chết trôi sông!
Ông Thái gật đầu:
– Ba đã đoán thế nào rồi cũng có kết cuộc đó. Má con thật linh hiển, chính bả đã ra tay…
Nói đến đây chợt ông ôm mặt khóc rấm rức, rồi bất thần lao đầu vào cạnh tủ thờ thật nhanh! Cũng may do Hương ngồi tận đó, cô đã lao theo làm đổi hướng ngã của cha. Ông Thái kêu lên một tiếng đau đớn rồi nằm bất động.
Xuân hoảng hốt:
– Trời ơi, ba!
Út Hương cũng ôm chặt cha mình gào lên:
– Sao ba làm vậy? Tụi con thương ba mà…
Một dòng máu tuôn ra từ trán, nhưng ông Thái còn cử động. Xuân kêu lên cầu cứu:
– Bớ! Ai cứu ba tui với!
Mấy người thợ đóng ghe đã kịp thời cùng tiếp tay đưa nạn nhân xuống xuồng đi cấp cứu.
Ông Thái may mắn thoát chết. Ông chỉ bị vết thương hơi sâu nơi trán, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.
Hai cô con gái tận tình lo cho cha mình suốt hai ngày ở bệnh viện. Rồi họ an ủi và đưa cha về nhà. Nhìn thấy tấm lòng của con. Ông Thái phần nào đỡ day dứt. Ông nói một câu rất thật lòng:
– Ba hiểu rằng, nếu lúc này ba ra đi, bỏ lại hai con thì tội của ba càng nặng hơn.
Họ về nhà và chính hai cô con gái làm một bữa cơm cúng mẹ, vừa là bữa cơm đoàn tụ, để đánh dấu một đoạn mới của cuộc đời bắt đầu…
Lúc vui ông Thái bảo Xuân:
– Con đem cái túi đồ có những vật của má ra đây.
Lúc chở cha đi cấp cứu chính Xuân đã cất nó vào tủ khóa lại cẩn thận, nên cô đi lấy ngay ra.
Nhưng vừa mở ra, ông Thái đã ngạc nhiên khi nhận thấy có những mảnh vụn nát của vật gì đó… Kiểm lại ông ngạc nhiên bảo:
– Cái khăn choàng và cuốn kinh Phật đã mục nát, vỡ ra từng miếng hết rồi!
Quả là như vậy. Ngoài hai vật đó ra thì tất cả đều còn nguyên, kể cả những xấp tiền giấy còn khá nhiều.
Một lần nữa ông Thái nhận xét:
– Vong hồn má các con hiển linh, chính bả đã tiêu hủy mấy vật đó. Cái khăn choàng có chữ bùa thì hủy đi vì vô hiệu, còn bộ kinh Phật thì chính má con đã làm tan ra tro bụi để mang theo.
Út Hương đếm số tiền mặt và nữ trang còn lại, cô nói:
– Các vật này tuy là của mụ ta nhưng do bòn rút của ba mà có, vậy nó đúng nghĩa là của nhà mình. Bà ấy bị vong hồn má khiến, nên tự nguyện đem trả lại chớ chẳng tốt lành gì.
Cô đưa hết cho ba:
– Ba cất nó và làm vốn làm ăn.
Ông Thái cầm tay hai con:
– Từ nay ba giao cái xưởng ghe và toàn bộ cơ ngơi nghiệp này cho hai đứa. Ba sẽ ra ngoài miếng đất nghĩa địa, cất một cái am để vừa ở vừa tiện bề nhang khói cho má các con. Hãy để cho ba chuộc lại phần nào lỗi lầm.
Hai cô con gái cố khuyên giải ba, nhưng ông Thái vẫn nhất quyết làm như vậy.
Hơn tuần sau thì cái am đã cất xong. Ông Thái dọn ra ở đó và từ hôm ấy đã tự nguyện xuống tóc, khoác quần áo nâu sống như một tu sĩ.
Có một điều hết sức lạ đã xảy ra! Sáng sớm một ngày có mưa lâm râm. Khi ông Thái vừa mở cửa am ra, thì vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện có một người nằm chết ngay ở đầu mộ của vợ mình. Nhìn kỹ ông lại càng kinh hoàng hơn, bởi người chết chính là mụ Tâm!
Và ông còn kinh sợ hơn khi liền theo đó bỗng có một ngọn lửa cháy bừng lên ở đầu mộ. Cái xác mụ Tâm chỉ trong phút chốc như một cái mồi lửa, cháy phát ra lửa xanh lạ thường!
Và chỉ nửa giờ sau thì chỗ ấy chỉ còn là một đống tro màu trắng…
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!