Hai Số Phận - Chương 35
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
96


Hai Số Phận


Chương 35


Albel và George đến căn nhà của Florentyna trên đường 57 chỉ mấy phút sau khi cô và Richard rời đây ra sân bay. Abel đã lấy làm tiếc về cái tát ông đã đánh con gái. ông không cần biết là cuộc đời mình sẽ ra sao nếu không có đứa con gái duy nhất ấy của ông. Ông nghĩ giá như có thể gặp được cô trước khi đã quá muộn, may ra ông vẫn còn có thề thuyết phục nhẹ nhàng đề cô không lấy cái thằng con nhà Kane ấy. Ông sẵn sàng cho cô bất cứ gì để ngăn được cuộc hôn nhân này.

George bấm chuông rồi ông và Abel đứng chờ ngoài cửa. Không ai trả lời. George lại bấm chuông nữa. Họ chờ một lát rồi Abel lấy ra chiếc chìa khóa Florentyna đã để cho ông đề phòng những trường hợp cần thiết.

Họ tìm các nơi không thấy cô đâu.

– Nó đã bỏ đi rồi, – George bước vào phòng ngủ có Abel đang ở trong đó.

– Ừ nhưng đi đâu chứ? – Abel nói. ông chợt trông thấy chiếc phong bì đề tên ông trên bàn đầu giường.

Ông nhớ đến bức thư cuối cùng cũng đề bên giường gửi cho ông mà chưa ngó đến. Ông mở ra xem.

Bố vô cùng yêu quý.

Xin bố tha lỗi cho con đã bỏ đi vì con yêu Richard thật sự và không vì chuyện bố căm ghét bố anh ấy mà con bỏ anh ấy được. Chúng con sẽ cưới nhau ngay và bố không thể làm gì ngăn trở được. nếu bố định tìm cách hại anh ấy tức là bố hại chính con đấy. Cả hai người chúng con không ai muốn trở về New York chừng nào bố chưa chấm dứt mối thù vô lý giữa gia đình ta với nhà Kane.

Con yêu bố hơn là bố tưởng và con sẽ luôn luôn cảm ơn bố về tất cả những gì bố đã làm cho con. Con cầu cho đây không phải là kết thúc quan hệ bố con, nhưng chỉ khi nào bố thay đổi ý kiến cơ. “Bố chớ tìm đuổi gió ở ngoài đồng. Cái gì đã đi rồi thì có tìm cũng vô ích thôi, bố ạ”

Con gái yêu của bố, Florentyna

Abel đưa bức thư cho George rồi nằm vật ra giường George đọc mẩu giấy viết tay, rồi hỏi với một giọng bất lực.

– Tôi có thể giúp gì vào đây được không?

– Có đấy George. Tôi muốn đem được con gái tôi về dù cho có phải giao thiệp trực tiếp với cái lão Kane khốn kiếp ấy. Tôi chỉ tin chắc một điều: chính hắn cũng muốn ngăn cuộc hôn nhân này dù có phải mất gì cũng được. Anh gọi điện thoại cho hắn đi.

George mất một lúc khá lâu để tìm ra số điện thoại riêng của William Kane. Viên sĩ quan bảo vệ đêm của ngân hàng Lester cuối cùng phải cho số điện thoại ấy vì George nói đây là một chuyện gấp của gia đình.

Abel yên lặng ngồi trên giường, trong tay cầm bức thư của Florentyna. Ông nhớ hồi còn bé ông đã dạy cho cô câu ngạn ngữ Ba Lan mà bây giờ cô lại nhắc lại để viết cho ông. George gọi được đến nhà riêng của Kane rồi, đầu dây đằng kia có một giọng nam nghe máy.

– Tôi nói chuyện với ông William Kane được không? – George hỏi.

– Tôi sẽ nói là ai gọi đây? – giọng đó thủng thẳng hỏi lại.

– Ông Abel Rosnovski – George đáp.

– Để tôi xem ông ấy có nhà không, thưa ông.

– Có lẽ đó là tay quản gia ở nhà Kane. Hắn đang đi tìm, – George đưa ống nói cho Abel. Abel chờ, ngón tay gõ lên mặt bàn đầu giường.

– Tôi là William Kane đây.

– Tôi là Abel Rosnovski.

– Vậy à? giọng William lạnh lùng. – ông nghĩ đến chuyện đưa con gái ông ra tiến công con trai tôi từ bao giờ thế, có lẽ từ cái hồi ông rõ ràng thất bại không làm sập được ngân hàng của tôi chứ gì?

– Ông đừng có nói bậy – Abel bình tĩnh lại. – Tôi muốn ngăn cuộc hôn nhân này lại và chắc ông cũng muốn như vậy. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ bắt con trai của ông làm gì. Chỉ đến hôm nay tôi mới biết là có nó.

Tôi yêu quý con gái tôi hơn là tôi căm ghét ông nữa kia, và tôi không muốn để mất nó. Chúng ta có thể gặp nhau và hai người bàn cách giải quyết được không?

– Không, – William đáp. – Trước đây tôi cũng đã hỏi ông như thế một lần rồi, ông Rosnovski, và ông đã nói rất rõ là bao giờ và ở đâu ông sẽ gặp tôi kia mà. Tôi có thề chờ đến lúc đó, vì tôi tin rằng ông sẽ thấy là ông đến đó trước chứ không phải tôi.

– Chuyện đã qua còn bới ra làm gì nữa, Kane? Nếu ông biết chúng nó ở đâu thì có lẽ chúng ta có thể ngăn lại được.

– Chính ông cũng muốn thế mà. Hay là ông lấy làm tự hào, cứ đứng đó mà nhìn con trai ông cưới con gái tôi, chứ không giúp gì…?

Ông nói đến chữ giúp gì thì điện thoại ngắt. Abel úp mặt vào hai bàn tay và khóc. George đưa ông trở về khách sạn Nam tước.

Suốt đêm đó và cả ngày hôm sau, Abel cố nghĩ ra cách làm sao tìm được Florentyna. Ông còn gọi đến cho mẹ cô và được biết là cô đã kể lại cho mẹ nghe về Richard Kane rồi.

– Xem chừng anh ta cũng dễ thương, – bà nói.

– Bà có biết bây giờ chúng nó ở đâu không? – Abel sốt ruột hỏi.

– Biết.

– Ở đâu?

– Ông hãy tự tìm lấy. – Điện thoại lại ngắt.

Abel cho đăng quảng cáo trên các báo và trên cả đài phát thanh. Ông định kéo cả cảnh sát vào đó, nhưng họ chỉ có thể đưa ra kêu gọi chung chung thôi, vì cô đã ngoài hai mươi mốt tuổi rồi. Không có tin tức gì về cô. Cuối cùng ông đành phải tự nhận với mình rằng đến lúc bố cô tìm được cô thì chuyện cô lấy Kane cũng đã xong rồi.

Ông đọc đi đọc lại bức thư nhiều lần và cuối cùng quyết định ông sẽ chẳng bao giờ làm hại anh chàng kia. Nhưng còn bố anh ta thì đó là chuyện khác. ông, Abel Rosnovski, đã phải hạ mình cầu xin như thế mà cái lão khốn kiếp kia còn không chịu nghe kia mà.

Abel thề rằng khi nào có cơ hội là sẽ kết thúc William Kane một lần chót. George lấy làm sợ về thái độ căm ghét ghê gớm của người bạn mình.

– Tôi có phải hủy chuyến đi Châu Âu của anh không? – ông ta hỏi.

Abel quên khuấy đi là ông có ý định đến cuối tháng này cho Florentyna cùng sang Châu Âu sau khi cô kết thúc hai năm ở Bloomingdale. CÔ sẽ phải đi để khai mạc khách sạn Nam tước ở Edinburgh và Cannes.

– Không hủy được, – Abel đáp, mặc dầu bây giờ ông không cần biết ai khai mạc cái gì và khách sạn có mở hay không. – Tôi phải đi và tự tôi khai mạc vậy.

– Nhưng trong khi tôi đi vắng thì anh cố tìm xem Florentyna ở đâu nhé, George. Mà đừng cho nó biết. Không nên để nó biết là tôi rình mò nó. Nếu nó biết như vậy nó sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi đâu. Tốt nhất là dò hỏi Zaphia, nhưng anh phải cẩn thận vì thế nào bà ta cũng lợi dụng những chuyện vừa xảy ra đấy Chắc chắn là bà ta đã cho Florentyna biết tất cả những gì bà ta biết được về Kane rồi.

– Anh có muốn Osborne làm gì về chứng khoán Kane nữa không?

– Không, lúc này chưa làm gì hết. Chưa phải lúc thích hợp để thanh toán Kane. Khi nào làm, phải biết chắc là làm một lần xong hẳn. Lúc này hãy cứ để Kane đó đã. Tôi sẽ còn dịp trở lại với hắn ta. Bây giờ thì hãy tập trung vào việc tìm Florentyna đã.

George hứa là lúc nào Abel trở về thì ông cũng đã tìm được tông tích cô ta rồi.

Ba tuần sau, Abel khai mạc khách sạn Nam tước Edinburgh.Tòa nhà đứng trên ngọn đồi trùm xuống thành phố được gọi là Athens của phương Bắc, trông thật lộng lẫy. Bao giờ cũng vẫn là chuyện nhỏ khiến cho Abel khó chịu hơn cả mỗi khi ông khai mạc một khách sạn mới và đến nơi là ông kiểm tra liền. Một chỗ bật đèn mà đường dây không bắt cần thận để chạm vào thảm ni-lông. Bộ phận phục vụ phải mất đến bốn mươi phút mới đưa thức ăn lên phòng được. Hoặc chiếc giường quá nhỏ đối với bất cứ ai vừa cao vừa béo.

Báo chí đã nhanh chóng đưa tin rằng người ta mong có cô Florentyna Rosnovski, con gái của Nam tước Chicago, sẽ đứng ra khai mạc. Một nhà báo của tờ Tin điện Chủ nhật không biết nghe thóc mạch ở đâu nói ý là trong gia đình có sự rạn nứt và mô tả Abel không được vui vẻ nhanh nhẹn như mọi khi.

Abel bác bỏ ý kiến ấy, cãi rằng ông đã trên năm mươi tuổi rồi, không còn ở cái tuổi nhanh nhẹn như trước nữa. Đó là ý kiến một nhân viên của ông xui ông nói thế. Nhưng báo chí họ không tin, và hôm sau không biết thế nào tờ Thư tín hàng ngày lại đăng lên bức ảnh một tấm biền đồng đã bị vứt bỏ vào đống rác mà họ nhặt được, trên đó viết:

Khách sạn Nam tước do Edinburgh do Florentyna Rosnovski khai mạc 17 tháng Mười, 1958

Abel lên máy bay đi Cannes. Lại một khách sạn tuyệt đẹp nữa, nhìn xuống bờ Địa Trung Hải. Tuy thế ông vẫn không quên được Florentyna. Và lại một tấm biển đồng bị hủy bỏ nữa, nhưng biển này viết tiếng Pháp. Những buổi khai mạc không có Forentyna thật là buồn thảm.

Abel bỗng thấy lo sợ, có thể ông sẽ sống đến chót đời mà không gặp lại con gái nữa. Để bớt đi nỗi cô đơn ông nằm với một số đàn bà, sang trọng cũng có và rẻ tiền cũng có. Nhưng chẳng giải quyết được gì. Đứa con trai của William Kane bây giờ đã chiếm mất con người duy nhất Abel Rosnovski yêu quý. Nước Pháp đối với ông không còn mấy hấp dẫn nữa. Xong công việc ở đây, Abel bay ngay đi Bon để thương lượng mua một chỗ xây khách sạn Nam tước đầu tiên ở Đức. ông vẫn liên lạc với George bằng điện thoại, nhưng Florentyna thì chưa tìm ra mà lại có thêm vài tin tức rất phiền toái về Henry Osborne.

– Ông ta lại mắc nợ với bọn cờ bạc rất nhiều, – George nói.

– Lần trước tôi đã cảnh cáo là sẽ không còn chuộc ông ta ra nữa, – Abel nói. – Sau khi mất ghế ở Quốc hội rồi ông ta chẳng còn được việc quái gì cho ai nữa. Để hôm nào về tôi sẽ giải quyết vấn đề này.

– Nhưng ông ta dọa, – George nói.

– Cái đó chẳng có gì mới. Trước đây, tôi chả bao giờ bận tâm về chuyện đó, – Abel nói. – Bảo ông ta là muốn gì cũng phải chờ tôi về đã.

– Bao giờ anh về? – George hỏi.

– Ba tuần nữa, nhiều lắm là bốn tuần. Tôi muốn đi xem vài nơi ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Hilton đã bắt đầu xây ở đây rồi, nên tôi muốn biết tại sao. À nhân đây George, các nhà chuyên gia họ bảo nếu máy bay hạ cánh xuống Trung Đông thì anh không còn liên lạc với tôi được nữa. Người Ả rập họ cũng còn chưa tìm được nhau, huống chi là khách du lịch nước ngoài. Vì vậy tôi cứ để anh quản mọi thứ như thường, cho đến khi nào được tin của tôi nhé.

Abel bỏ ra ba tuần đi tìm địa điểm cho những khách sạn mới ở các nước Ả rập . Những người làm cố vấn cho ông nhiều vô kể, phần lớn đều khoe mình là Hoàng tử và đảm bảo với Abel là họ có ảnh hưởng và là bạn thân của bộ trưởng này nọ trong chính phủ.

Rút cục lại hóa ra chẳng phải bộ trưởng hay bạn thân họ hàng gì hết. Sau hai mươi ba ngày lặn lội trong gió cát và nóng nực, chỉ có nước xô đa mà không có whisky, kết luận duy nhất chắc chắn Abel rút ra được là: nếu những lời dự đoán của các cố vấn về dự trữ dầu lửa ở Trung Đông là đúng thì những nước ở vùng Vịnh này về lâu về dài sẽ cần đến rất nhiều khách sạn, do đó Công ty Nam tước phải bắt đầu có kế hoạch chu đáo ngay từ bây giờ, nếu không sẽ bị lạc hậu.

Abel cũng để ý tìm được nhiều địa điểm tốt có thể xây khách sạn được, thông qua những vị hoàng tử kia, nhưng ông chưa có thời giờ phát hiện xem trong số họ ai là người có thực quyền. ông chỉ chống hối lộ khi nào tiền bỏ ra không rơi vào đúng người. Nếu là ở Mỹ thì ông còn dựa được vào Henry Osborne vì ông ta biết quan chức nào là người cần chú ý đến. Abel thiết lập một văn phòng nhỏ ở Bahrain để các đại diện địa phương tin rằng Công ty Nam tước đang tìm địa điểm xây khách sạn trong thế giới Ả rập chứ không phải tìm những ông hoàng tử hay bà. con họ hàng của các bộ trưởng.

Ông bay tiếp sang Istanbul, và ở đây ông tìm thấy ngay một chỗ rất tốt để xây khách sạn. Chỗ này nhìn xuống dòng sông Bosphorus, chỉ cách sứ quán cũ của Anh có vài trăm thước. Đứng trên mảnh đất trần trụi ông vừa mua được, ông mơ màng nhớ lại mình đã từng ở nơi này. ông nắm chặt bàn tay và ôm lấy cổ tay phải. ông tưởng như còn nghe thấy tiếng hò reo của quần chúng, cái không khí đó vẫn còn làm cho ông sợ hãi và lợm giọng mặc dầu từ đó đến nay đã hơn ba thục năm rồi.

Mệt mỏi về những chuyến đi của mình, Abel trở về New York. Trong cuộc hành trình bất tận ấy, ông chỉ nghĩ đến Florentyna. Như thường lệ, George vẫn đứng chờ ở ngoài cửa hải quan để đón ông. Vẻ mặt ông ta không cho thấy gì hết.

– Có tin gì không? – Abel hỏi và ngồi vào ghế sau chiếc xe Cadillac trong khi người lái xe xếp hành lý vào hòm xe.

– Có tin hay và tin dở, – George nói và bấm nút vào bên cửa xe. Một mảng kính nhô lên ngăn đôi giữa người lái với phía sau xe. – Florentyna đã có liên lạc với mẹ. Nó sống trong một căn nhà nhỏ ở San Francisco.

– Lấy chồng rồi? – Abel nói.

– Rồi. – George đáp.

Không ai nói gì thêm. Một lúc trôi qua.

– Còn thằng Kane? – Abel hỏi.

– Nó đã tìm được việc làm trong một ngân hàng. – Hình như rất nhiều người không nhận nó vào vì người ta đồn nó chưa học xong trường kinh doanh Harvard, và bố nó cũng không giúp gì vào đó. Nhiều người sẽ

không dùng nó nếu họ biết là nó chống lại bố. Cuối cùng nó được thuê làm thủ quỹ ở Ngân hàng Mỹ. Như thế là rất ở dưới mức tương xứng với anh ta.

– Còn Florentyna?

– Nó làm quản lý trong một nhà hàng may mặc có tên là “Columbus mới lạ” gần Công viên Cổng Vàng. Nó cũng đang cố vay tiền của nhiều ngân hàng khác nhau.

– Sao? Nó cũng đang gặp khó khăn thật sao? – Abel hỏi, vẻ lo lắng.

– Không, nó chỉ tìm vốn để mở cửa hàng riêng thôi.

– Nó cần bao nhiêu?

– Nó cần ba mươi tư ngàn đô la để thuê một ngôi nhà nhỏ trên đồi Nob.

Abel ngồi suy nghĩ về điều George vừa nói, ngón tay gõ gõ vào cửa xe.

– Anh xem có cách nào gửi tiền cho nó, George. Làm như đó là món chuyển khoản vay của một ngân hàng bình thường, nhưng đừng để người ta có thể lần ra đó là tôi. – ông tiếp tục gõ ngón tay vào cửa sổ xe. – Điều này hoàn toàn chỉ có anh với tôi biết thôi, George.

– Tùy anh, Abel.

– Bất cứ nó làm gì anh cũng cho tôi biết, dù đó là không quan trọng gì hết.

– Còn anh kia thì sao?

– Tôi không quan tâm, – Abel nói. – Còn tin dở là tin gì?

– Lại rắc rối với Henry Osborne nữa. Hình như ông ta nợ khắp cả mọi nơi. Tôi cũng biết chắc nguồn thu nhập duy nhất của ông ta là ở chỗ anh. Ông ta vẫn còn dậm dọa là sẽ tiết lộ việc anh đồng lõa với những vụ hối lộ trước đây khi anh mới tiếp quản công ty. Ông ta bảo vẫn còn giữ các thứ giấy tờ từ những ngày đầu gặp anh, tức là hồi ông ta thu xếp cho việc bồi thường vụ cháy khách sạn Richmond cũ ở Chicago, và hồ sơ bây giờ đã dầy đến hàng tấc rồi.

– Sáng mai tôi sẽ làm việc với Henry, – Abel nói.

Trên quãng đường còn lại từ sân bay về Manhattan, George nói nốt những việc mới nhất của công ty cho Abel biết. Mọi thứ đều tốt cả, trừ có việc Lagos người ta tiếp quản khách sạn Nam tước vì ở đó vừa có cuộc đảo chính. Điều đó thì Abel không bao giờ lo ngại.

Sáng hôm sau, Abel gặp Henry Osborne. Trông ông ta già yếu, mệt mỏi. Khuôn mặt đã một thời được coi là nhẵn nhụi bảnh trai bây giờ nhăn nhúm gớm ghiếc. Ông ta không hề nhắc đến hồ sơ dầy hàng tấc nữa.

– Tôi cần một ít tiền để thoát khỏi thời kỳ lộn xộn này. – Henry nói. – Tôi bị chuyện không may.

– Lại thế nữa? Henry, với cái tuổi của ông thì đã phải biết rồi chứ? Ông đụng vào ngựa với đàn bà thì chỉ có thua thiệt thôi. Lần này ông cần bao nhiêu?

– Mười ngàn thì tôi mới gỡ ra được, – Henry nói.

– Mười ngàn! – Abel nhắc lại. – ông tưởng tôi là cái gì ? mỏ vàng à? Lần trước chỉ có năm ngàn thôi.

– Lạm phát mà, – Henry nói, và định cười.

– Đây là lần cuối cùng ông hiểu chưa? – Abel nói và rút cuốn sổ séc ra. – ông còn đến xin lần nữa là tôi sẽ gạt ông ra khỏi ban giám đốc và tống ông đi mà không có một xu nào hết.

– Ông là bạn rất tốt mà, Abel. Tôi thề sẽ không bao giờ quay lại đây nữa, tôi hứa như thế. Không bao giờ nữa. – Henry nhắc một điếu xì-gà ngoại hạng trên bàn Abel và thâm hút. – Cảm ơn ông, Abel. Ông sẽ không bao giờ phải hối tiếc về chuyện này.

Henry bỏ ra, miệng phì phèo điếu xì-gà vừa lúc George bước vào. ông chờ cho cửa đóng lại hẳn.

– Chuyện Henry thế nào rồi?

– Tôi lại chịu ông ta một lần cuối nữa, – Abel nói. – Tôi cũng không hiểu tại sao nữa. Thế là mất thêm mười nghìn.

– Lạy Chúa, tôi muốn làm bà con với đám người hoang tàng này quá, – George nói. – Thế nào rồi ông ta cũng quay lại. Tôi đánh cuộc đấy.

– Ông ta không nên quay lại thì hơn. – Abel nói. – Vì tôi hết nợ với ông ta rồi. Bất cứ gì ông ta đã làm cho tôi trong quá khứ bây giờ coi như hết. CÓ tin gì mới về con gái tôi không?

– Florentyna không có chuyện gì, nhưng hình như anh nói đúng về Zaphia. Bà ta vẫn hàng tháng đi sang miền Tây thăm chúng nó.

– Con mụ chết tiệt, – Abel nói.

– Bà vợ Kane cũng sang đó một số lần, – George nói thêm.

– Còn Kane?

– Không có dấu hiệu gì ông ta bớt cứng rắn đi.

– Đó là một điểm chúng tôi giống nhau, – Abel nói.

– Tôi đã chuyển khoản cho Florentyna qua Ngân hàng quốc gia Crocker của San Francisco, – George nói tiếp – Cách đây gần một tuần nó có đến gặp một quan chức thuyên về tín dụng ở đó. Nếu tiền có được giao cho nó thì đó chỉ là một trong những khoản tín dụng bình thường của ngân hàng thôi, chứ không có ân huệ đặc biệt gì hết. Thực tế, họ tính lãi suất cao hơn bình thường nửa phần trăm cho nên nó không có lý do gì để nghi ngờ được. Điều mà nó không biết được là khoản tiền vay này được anh đảm bảo.

– Cảm ơn anh, George, thế là rất tốt. Tôi đánh cuộc với anh mười đô la là chỉ trong vòng hai năm nó sẽ trả hết tiền vay này và sẽ không bao giờ quay lại ngân hàng vay nữa đâu.

– Tôi thì tôi dám đánh cuộc năm ăn một đấy, – George nói. – Sao anh không thử với Henry, ông ta máu lắm đấy.

– Anh nhớ cho tôi biết mọi thứ về nó nhé, George . Mọi thứ. – Abel cười.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN