Hai vạn dặm dưới biển - Chương 35 - 36
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
139


Hai vạn dặm dưới biển


Chương 35 - 36



Chương 35

Biển Xác-gax

Hy vọng trở về bờ biển châu Âu bị tiêu tan. Thuyền trưởng Nê-mô cho tàu chạy về hướng nam. ông ta đi đâu? Tôi chịu không dám ước đoán nữa. Ngay hôm đó, tàu đi qua một vùng độc đáo của Đại Tây Dương. Dòng biển Gơn-xtơ-rim ấm áp thì ai cũng biết. Từ bờ biển Phlo-ri-đa nó chảy về Spít-béc-ghen. Đến khoảng 44o vĩ bắc Gơn-xtơ-rim chia làm hai nhánh. Nhánh chính theo hướng đông bắc chảy dọc bờ biển Ai-len và Na-uy; nhánh thứ hai theo hướng nam chảy về nhóm đảo A-đo. Tới bờ biển châu Phi, nhánh nam vẽ thành hình vòng cung và trở về nhóm đảo Ăng-ti. Nhánh nước ấm này -gọi là “vòng đai” thì đúng hơn là “nhánh” -bao quanh một vùng biển của Đại Tây Dương, có tên là biển Xác-gax. Biển Xác-gax quả là một cái hồ giữa biển cả. Diện tích của nó lớn đến nỗi dòng biển Gơn-xtơ-rim phải mất ba năm mới chảy quanh được một vòng. Suốt ngày 22 tháng 2, tàu chạy ngầm dưới biển Xác-gax. Nơi đây, các loài cá ưa thực vật biển và các loài giáp xác có thể tìm thấy vô số thức ăn…

Từ 23 tháng 2 đến hết 12 tháng 3, nghĩa là suốt mười chín ngày, tàu Nau-ti-lúx chạy giữa Đại Tây Dương, đưa chúng tôi về phía nam với tốc độ một trăm dặm trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Rõ ràng là thuyền trưởng Nê-mô đang thực hiện cuộc du hành vòng quanh thế giới này theo một kế hoạch định trước, và tôi tin rằng sau khi vòng qua mũi Hoóc, ông ta sẽ trở lại vùng biển phía nam Thái Bình Dương. Nhưng lo ngại của Nét Len là có căn cứ. ở giữa biển khơi này họa hoằn mới gặp một hòn đảo thì còn nói chi đến việc chạy trốn. ý muốn của thuyền trưởng Nê-mô là luật lệ trên tàu Nau-ti-lúx. Thôi cũng đành phó mặc số phận. Nhưng nếu dùng bạo lực hay mưu mẹo để chống lại Nê-mô là điều vô ích thì sao không thể thương lượng với ông ta được? Kết thúc cuộc hành trình vòng quanh thế giới này, liệu Nê-mô có bằng lòng trả lại tự do cho chúng tôi, nếu chúng tôi thề sẽ giữ bí mật cho ông ta không? Nê-mô sẽ có thái độ thế nào đối với những yêu sách tự do của tôi? ông ta đã chẳng nhiều lần tuyên bố một cách cương quyết là chúng tôi sẽ bị trói buộc vĩnh viễn vào tàu Nau-ti-lúx để khỏi bị lộ bí mật đó sao? Phải chăng Nê-mô xem sự im lặng của chúng tôi trong bốn tháng ròng là một sự thỏa thuận với tối hậu thư của ông ta? Đặt vấn đề này ra liệu có làm cho Nê-mô ngờ vực, do đó ảnh hưởng xấu tới việc thực hiện ý đồ của chúng tôi không? Sau khi cân nhắc và suy nghĩ kỹ, tôi trao đổi ý kiến với Công-xây. Anh ta cũng phân vân như tôi. Tuy tôi chưa đến nỗi tuyệt vọng, nhưng nghĩ cho kỹ, tôi cũng hiểu rằng cơ hội trở về xã hội loài người ngày càng hiếm, nhất là khi Nê-mô đang cho tàu phóng vun vút trong vùng biển nhiệt đới của Đại Tây Dương! Suốt mười chín ngày nói trên không xảy ra chuyện gì đặc biệt. Thuyền trưởng Nê-mô ít khi xuất hiện. ông ta làm việc nhiều. ở thư viện, tôi thường thấy những cuốn sách, phần lớn là về lịch sử tự nhiên, đang đọc dở. Trong cuốn “Những bí mật của biển sâu” của tôi, Nê-mô đánh dấu chi chít bên lề, đôi khi ghi những ý kiến bác bỏ một số lập luận và giả thiết của tôi. Nhưng Nê-mô chỉ ghi tóm tắt những nhận xét đó trên lề sách mà không tranh luận trực tiếp với tôi. Thỉnh thoảng tôi lại nghe thấy những giai điệu buồn buồn đầy tình cảm. Nê-mô chơi đại phong cầm, nhưng chỉ chơi lúc khuya, khi bóng đêm đã bao trùm mặt biển và khi tàu Nau-ti-lúx mơ màng giữa đại dương vắng lặng. Suốt mười chín ngày đó tàu chạy trên mặt nước. Thỉnh thoảng mới có một chiếc tàu buồm chở hàng đi ấn Độ đang hướng về mũi Hảo Vọng. Một hôm có chiếc tàu săn cá voi dượt theo chúng tôi, chắc họ tưởng tàu Nau-ti-lúx là một con cá voi khổng lồ. Nhưng Nê-mô không muốn họ phí thì giờ và sức lực nên cho tàu lặn xuống.

Cá vùng biển này về căn bản giống cá ở các vùng biển khác. Chúng tôi gặp cả cá mập bơi gần tàu. Đó là những con “chó biển”, những con cá phàm ăn nhất. Cánh dân chài kể lại rằng trong bụng một con cá mập người ta thấy một cái đầu trâu và gần nguyên một chú bê con; có khi thấy hai con cá ngừ và cả một anh lính thủy với đầy đủ trang phục, hoặc một anh lính có đeo gươm hẳn hoi. Thậm chí có con cá mập nuốt chửng cả một kỵ mã lẫn ngựa. Tuy vậy những lời đồn đại ấy đều không đáng tin!… Từng đàn cá heo bám chặt lấy tàu và làm chúng tôi buồn cười về những trò nghịch ngợm của chúng. Mỗi đàn gồm năm sáu con, hệt như chó sói trong rừng! Cá heo rừng phàm ăn chẳng kém gì cá mập. Một giáo sư ở Cô-pen-ha-gen cho biết ông đã lấy từ dạ dày một con cá heo ra mười ba con lợn biển và mười lăm con hải cẩu! Công-xây phân loại rất nhiều cá bay. Thật kỳ thú khi được thấy tài khéo léo của cá heo rượt bắt chúng. Dù chúng có bay cao, bay xa đến đâu -thậm chí vượt qua cả tàu Nau-ti-lúx, chúng cũng không thoát khỏi cái mõm ngoác rộng của cá heo! Suốt ngày 13 tháng 3, tàu đo độ sâu của đại dương. Thuyền trưởng Nê-mô quyết định cho tàu lặn xuống độ sâu tối đa để xác định những số liệu của các vực sâu này ở Đại Tây Dương. Tôi sẵn sàng ghi chép những kết quả của cuộc thí nghiệm.

Cửa sổ phòng khách được mở ra, tàu Nau-ti-lúx chuẩn bị lặn xuống rốn biển Đại Tây Dương… Thân tàu rung lên như một chiếc dây đàn vặn căng, rồi nhẹ nhàng chìm xuống nước. Tôi và Nê-mô đứng trong phòng khách theo dõi áp kế. Một lát sau tàu đi qua chỗ ở của vô số loài cá. Càng xuống sâu, hệ động vật càng thay đổi. Một số cá chỉ sống ở lớp nước trên. Một số khác, ít hơn, ở các lớp nước dưới. Chính ở đây chúng tôi lọt vào giữa một thế giới động vật kỳ lạ. Kim đồng hồ chỉ độ sâu sáu ngàn mét. Tàu lặn đã được một tiếng đồng hồ. Càng xuống sâu, biển càng nghèo sự sống nhưng lại trong một cách lạ lùng. Tàu lặn thêm một tiếng nữa thì xuống tới độ sâu mười ba ngàn mét, nhưng vẫn chưa thấy đáy biển…

Tuy vậy, ở độ sâu mười bốn ngàn mét, giữa làn nước trong như pha lê, tôi nhìn thấy bóng đen của những ngọn núi Hy-mã-lạp-sơn hay Bạch-sơn, hay cao hơn nữa, bởi lẽ lòng chảo này sâu chưa biết đến đâu là cùng! Tàu Nau-ti-lúx vẫn lướt xuống đáy đại dương sâu thẳm, mặc dù áp lực bên ngoài rất lớn. Tôi cảm thấy vỏ tàu kêu ken két, kính ở các ô cửa phòng khách bị lõm xuống vì áp lực nước. Nếu con tàu không có sức bền của thép như Nê-mô nói thì nó đã bị bóp bẹp rúm rồi. ở độ sâu mười ba ngàn mét, tàu Nau-ti-lúx đã vượt qua giới hạn của các lớp nước có sinh vật, tựa như một quả cầu lên cao quá sinh quyển. Vậy mà chúng tôi đã xuống sâu tới mười sáu ngàn mét

-Bốn dặm, -vỏ tàu chịu áp suất một ngàn sáu trăm ki-lô-gam trên một cen-ti-mét vuông!

-Thật là một cuộc thử sức lớn lao! -tôi thốt lên.

-Xuống tới đáy biển sâu mà chưa một người nào tới được! Thuyền trưởng hãy nhìn xem kìa! Những mỏm đá hùng vĩ, những hang ngầm mà không một sinh vật nào có thể dùng làm nơi ẩn náu! Đây chính là đầu cùng của các lục địa trên trái đất! Phía bên kia không còn sự sống nữa! Vì sao sau khi đến đây, chúng ta chỉ mang về được những kỷ niệm thôi?

-Ngài muốn mang về một cái gì thực chất hơn ư? -Nê-mô hỏi tôi.

-Thưa thuyền trưởng, tôi chưa hiểu ý ngài.

-Tôi muốn nói, chẳng có gì đơn giản hơn là ghi lại mãi mãi cảnh biển sâu này! Tôi chưa kịp biểu lộ sự ngạc nhiên của mình thì Nê-mô đã ra lệnh mang máy ảnh đến. Cánh cửa sổ được mở rộng, biển bên ngoài được chiếu sáng, quả là một cảnh tuyệt đẹp. ánh sáng nhân tạo dùng để chụp ảnh biển sâu tốt hơn ánh sáng mặt trời nhiều. Tàu Nau-ti-lúx đứng yên tại chỗ. Chúng tôi hướng ống kính vào một cảnh tráng lệ của đáy đại dương mà mấy giây sau được một âm bản rất đạt. Chụp ảnh xong, Nê-mô nói:

-Thưa giáo sư, đã đến lúc ta phải lên rồi! Không nên lạm dụng những khả năng của chúng ta và bắt vỏ tàu phải chịu đựng quá lâu một áp lực quá lớn như vậy.

-Thưa thuyền trưởng, xin ngài cho tàu lên.

-Giáo sư đứng cho vững nhé! Tôi chưa kịp hiểu rõ ý Nê-mô thì đã ngã lăn ra. Theo lệnh thuyền trưởng, chân vịt ngừng hoạt động, bánh lái điều khiển độ sâu chuyển sang chiều thẳng đứng. Thế là tàu Nau-ti-lúx vút lên như một quả khí cầu. Nó rẽ nước và gây ra tiếng rít ầm ầm. Trong bốn phút, tàu vượt mười sáu ngàn mét -khoảng cách giữa đáy biển và mực nước -và nổi lên mặt đại dương như một con cá bay, làm vọt lên những tia nước tung tóe!

Chương 36

Cá Nhà Táng Và Cá Voi

Đêm 13 rạng 14 tháng 3, tàu Nau-ti-lúx lại chạy về hướng nam. Tôi tưởng sau khi vòng qua mũi Hoóc, tàu sẽ vào vùng biển Thái Bình Dương và thế là sẽ kết thúc cuộc hành trình vòng quanh thế giới. Nhưng tàu lại hướng về phía châu úc. Nó đi Nam cực ư? Thế thì điên rồ quá chừng! Tôi bắt đầu thấy những hành động của Nê-mô chứng tỏ Nét Len lo ngại là có cơ sở. Thời gian gần đây Nét chẳng cho chúng tôi biết gì về những kế hoạch của mình. Nét trở nên dè dặt và ít nói hơn. Tôi thấy cảnh tù túng này đè nặng lên tâm tư anh ta khiến anh ta ngày càng bẳn tính hơn. Mỗi lần gặp Nê-mô, mắt Nét lại nảy lửa. Tôi sợ anh chàng Ca-na-đa nóng nảy này có thể liều lĩnh. Ngày 14 tháng 3, Công-xây và Nét bỗng nhiên vào phòng tôi. Tôi hỏi họ đến có việc gì.

-Thưa giáo sư, tôi muốn hỏi ngài vài điều, -Nét trả lời.

-ông cứ hỏi.

-Ngài cho rằng trên tàu Nau-ti-lúx có nhiều người không?

-Tôi không rõ, ông bạn ạ.

-Theo tôi, điều khiển một con tàu như tàu Nau-ti-lúx không cần nhiều người.

-Rất đúng. -Tôi trả lời.

-Muốn điều khiển một con tàu có máy móc chạy điện thì mười người là đủ.

-Thế thì sao trên tàu số thủy thủ lại nhiều hơn?

-Vì sao à? -Tôi chăm chú nhìn Nét. Đoán ý của Nét cũng chẳng khó gì. Tôi nói:

-Bởi vì, nếu những lời phỏng đoán của tôi là đúng và nếu tôi không hiểu sai ý nghĩa cuộc sống của thuyền trưởng Nê-mô, thì tàu Nau-ti-lúx chẳng phải là một con tàu đơn thuần! Nó còn là nơi ẩn náu của những người đã cắt đứt mọi quan hệ với mặt đất như bản thân Nê-mô vậy.

-Rất có thể thế, -Công-xây nói.

-Nhưng dù sao tàu Nau-ti-lúx cũng chỉ chứa được một số người có hạn. Giáo sư có thể tính được số người tối đa trên tàu không?

-Tính số người trên tàu à? Bằng cách nào hở Công-xây?

-Bằng phép tính đơn giản thôi. Giáo sư đã biết sức chở của tàu, do đó biết cả khối lượng không khí có thể dùng được trên tàu. Mặt khác, giáo sư lại biết mỗi người cần bao nhiêu dưỡng khí để thở và tàu Nau-ti-lúx cứ hai mươi bốn tiếng đồng hồ lại phải nổi lên để dự trữ… Công-xây không nói hết câu, nhưng tôi hiểu rất rõ ý anh ta. Tôi nói:

-Tôi hiểu anh, Công-xây ạ. Tính toán không khó lắm, nhưng chắc gì đã đúng.

-Không quan trọng!

-Nét nói.

-Đại khái cũng được.

-Thế này nhé. Mỗi tiếng đồng hồ mỗi người tiêu thụ hết một số dưỡng khí chứa trong một trăm lít không khí. Như vậy trong hai mươi tư tiếng đồng hồ tiêu thụ hết dưỡng khí chứa trong hai ngàn bốn trăm lít. Bây giờ phải chia dung tích của tàu cho hai ngàn bốn trăm.

-Đúng vậy.

-Trọng tải tàu Nau-ti-lúx là một ngàn năm trăm tấn, trong mỗi tấn có một ngàn lít không khí… Tôi lấy bút chì ra làm phép tính.

-… Tàu N. chứa được một khối lượng không khí đủ cho sáu trăm hăm nhăm người dùng trong hai mươi tư tiếng đồng hồ.

-625, -Nét nhắc lại.

-Nhưng tôi đoán chắc với ông tất cả những người trên tàu này cộng lại, cả hành khách, thủy thủ, sĩ quan cũng không đến một phần mười con số trên. Vì vậy, ông Nét ạ, tôi chỉ có thể khuyên ông là nên kiên nhẫn một chút.

-Không phải chỉ kiên nhẫn mà còn phải nhẫn nhục nữa, -Công-xây dùng từ rất chính xác.

-Tuy vậy, Nê-mô cũng không thể đi về phía nam mãi được. Đến lúc nào đó, ông ta cũng phải dừng lại thôi! Khi gặp những đồng băng, Nê-mô sẽ phải quay về những vùng biển văn minh hơn. Lúc đó, anh Nét ạ, sẽ là thời cơ thuận lợi cho chúng ta. Nét lắc đầu, lấy tay lau trán rồi đi ra chẳng nói một lời. Công-xây bảo tôi:

-Nếu giáo sư cho phép, tôi sẽ lựa lời khuyên giải anh ta. Anh chàng Nét khốn khổ này nhồi vào đầu óc mình đủ thứ linh tinh. Lúc nào cũng nhắc tới quá khứ! Nét tự giày vò mình bằng những kỷ niệm cũ. Nên thông cảm với anh ta. Anh ta còn biết làm gì trên tàu này nữa? Nét không phải là bác học như giáo sư. Những cảnh kỳ diệu dưới biển sâu chẳng làm anh ta vui sướng như giáo sư. Nét sẵn sàng hy sinh hết thảy để có thể tối đến ngồi trong một quán rượu nào đó ở Ca-na-da! Cuộc sống đơn điệu trên tàu Nau-ti-lúx quả thực đã đè nặng lên Nét Len, một người ưa hoạt động và phóng túng. ít có những sự việc làm anh ta thích thú. Tuy vậy, cũng có một chuyện khiến Nét nhớ lại thời oanh liệt xưa. Gần mười một giờ trưa, tàu Nau-ti-lúx nổi lên mặt nước đúng vào giữa một đàn cá voi. Cuộc gặp gỡ này không làm tôi ngạc nhiên: tôi biết loài động vật có vú này bị nhiều đoàn tàu đánh cá săn bắt nên phải lẩn tránh sang Đại Tây Dương và những vùng biển kế cận. Cá voi đã đóng một vai trò quan trọng và giúp ích nhiều trong thời đại của những phát kiến lớn. Chúng đã lôi cuốn những người Bat-xcơ, sau đó là những người A-xtu-ri-a, người Anh, người Hà Lan, dạy họ coi khinh những hiểm nguy của biển cả và dám đi ngang dọc các đại dương. Những truyền thuyết cổ xưa nói nhiều về “chiến công” của cá voi đã dẫn dắt các thợ săn tới gần Bắc cực -chỉ còn bảy dặm là tới! Rất có thể là nhờ đi săn cá voi ở các vùng biển cực bắc và cực nam, người ta đã tìm ra hai cực của trái đất! Chúng tôi ngồi trên boong. Biển lặng. Tháng mười ở độ vĩ này cho chúng tôi những ngày thu tuyệt đẹp. Nét là người đầu tiên -anh ta không thể lầm lẫn được -phát hiện ra một con cá voi ở chân trời phía đông. Nếu nhìn kỹ thì có thể thấy cách tàu độ năm hải lý, một vật màu đen lúc nổi lên lúc chìm xuống mặt biển.

-Chà!

-Nét reo lên.

-Nếu tôi ở trên tàu đánh cá voi thì phen này phải biết! Chú cá voi này khá lắm. Nhìn cột nước nó phun lên kìa! Sao tôi lại bị trói chặt vào đây thế này?

-ông còn nhớ nghề săn cá voi à, ông Nét?

-Thưa giáo sư, có người thợ săn nào quên được nghề cũ của mình? Có cái gì thay thế được nghề đó? Nó làm máu trong người tôi sôi lên!

-Ông chưa săn cá voi ở vùng biển này bao giờ à?

-Thưa giáo sư, chưa. Tôi đã từng lên các biển miền bắc, đã đến tận eo Bê-rinh và eo Đê-vix.

-Nghĩa là ông chưa quen biết những chú cá voi ở bán cầu nam. Cũng đúng thôi! Cho tới nay ông chỉ săn cá voi phương bắc mà cá voi phương nam thì không vượt qua vùng biển nóng của xích đạo.

-Giáo sư không nói đùa đấy chứ?

-Nét hoài nghi.

-Tôi chỉ nói sự thực.

-Thế thì xin kể giáo sư nghe một câu chuyện: năm 1865

-cách đây gần hai năm rưỡi

-tôi bắn được ở gần Grin-len một con cá voi trên sườn có mũi lao mang dấu của một chiếc tàu đánh cá ở eo Bê-rinh. Xin hỏi vì sao con cá bị thương ở bờ biển phía tây châu Mỹ lại bị hạ ở bờ biển phía đông, nếu sau khi vòng qua mũi Hoóc hay mũi Hảo Vọng, nó không vượt xích đạo?

-Tôi tán thành ý kiến của anh Nét, -Công-xây nói.

-Xin giáo sư giải đáp cho.

-Thưa các bạn, có nhiều loài cá voi sống ở các miền biển khác nhau và không bao giờ bỏ đi nơi khác. Và nếu một con cá voi nào từ eo Bê-rinh mò sang eo Đê-vix thì có nghĩa là giữa hai biển có một lối đi nằm gần bờ biển châu Mỹ hoặc gần bờ biển châu á.

-Tôi có nên tin giáo sư không?

-Nét nheo mắt hỏi.

-Phải tin chứ!

-Công-xây nói. Nét phản đối:

-Nghĩa là nếu tôi chưa từng đến săn ở đây thì tôi không thể quen biết cá voi ở đây chứ gì?

-Đúng vậy, ông Nét ạ.

-Thế thì cần làm quen với chúng.

-Công-xây nói.

-Nhìn xem kìa! Nhìn xem!

-Nét kêu lên, giọng xúc động.

-Con cá voi đang tới gần! Chà! Nó bơi thẳng về phía ta. Thật là trêu ngươi! Nó thấy tôi tay không mà! Nét giậm chân, tay nắm chặt và lắc lắc như đang huơ lên một mũi lao tượng trưng.

-Thưa giáo sư, cá voi vùng này có to bằng ở miền bắc không?

-Cũng gần như vậy, ông Nét ạ.

-Thưa giáo sư, tôi đã từng thấy những con cá voi dài hơn ba mươi mét. Tôi còn nghe kể rằng ở vùng đảo A-lê-út có những con dài gần năm chục mét.

-Nói thế rõ ràng là cường điệu, -tôi trả lời.

-Đó không phải là cá voi thật đâu. Chúng có vây lưng, và cũng như cá nhà táng, thường nhỏ hơn cá voi.

-Kìa, kìa!

-Nét vẫn không rời mắt khỏi mặt biển.

-Nó đến gần tàu rồi kìa!

-Ngài bảo rằng cá nhà táng là loài cá nhỏ ư? Người ta kể rằng có những con cá nhà táng khổng lồ. Loài cá này rất thông minh. Chúng ngụy trang bằng rong biển và các thực vật biển khác, nên giống hệt những hòn đảo nhỏ. Người ta ghé thuyền vào, trèo lên mình nó rồi nhóm lửa…

-Xây nhà dựng cửa trên đó nữa chứ!

-Công-xây chêm vào.

-Cậu này chỉ tếu thôi! -Nét Len trả lời.

-Rồi một hôm con cá lặn xuống nước, thế là mọi người trên lưng nó cũng chìm nghỉm theo xuống biển sâu. Tôi nhận xét:

-Hình như ông Nét ưa những chuyện kỳ lạ lắm thì phải! Tôi chắc bản thân ông cũng không tin những chuyện huyền hoặc ấy!

-Thưa nhà tự nhiên học, -Nét nghiêm trang trả lời, -khi nói đến cá voi thì phải tin hoàn toàn! Kìa kìa! Nhìn xem nó bơi, nó lặn tài tình làm sao! Người ta bảo loài cá này có thể bơi vòng quanh thế giới trong mười lăm ngày!

-Điều đó có thể tin được.

-Có thật là cá voi làm đắm được tàu không?

-Công-xây hỏi.

-Làm đắm tàu ư? Tôi nghi ngờ khả năng ấy, -TTôi trả lời.

-Tuy vậy, tôi cũng nghe nói năm 1820 ở vùng biển phía nam này, một con cá voi lao vào tàu ét-xếch và đẩy tàu lùi lại với tốc độ bốn ngàn mét giây. Chiếc tàu đắm ngay tức khắc! Nét nhìn tôi một cách ranh mãnh rồi nói:

-Một lần, có con cá voi lấy đuôi hất tôi, à không, hất xuồng lên khiến tôi và mấy người bạn nữa bị tung lên cao sáu mét! So với con cá voi của giáo sư thì chú cá của tôi chỉ là loại nhép!… Con cá voi ngày càng tới gần. Nét nhìn một cách thèm thuồng:

-Chà chà! Không phải một con mà cả một đàn mười con, hai mươi con! Thế mà đành chịu bó tay có uất hận không!

-Anh Nét, anh hãy nghe tôi, -Công-xây nói, -sao anh không xin thuyền trưởng Nê-mô cho phép săn?… Công-xây chưa nói hết câu thì Nét đã lao xuống thang và biến mất.

Mấy phút sau, anh ta quay lại cùng với Nê-mô. Nê-mô nhìn đàn cá voi đang đùa giỡn cách tàu một hải lý rồi nói:

-Cá voi miền nam đấy. Đủ dùng cho cả một đội tàu đánh cá.

-Thưa thuyền trưởng, ngài có cho phép tôi săn chúng không ạ?

-Nét hỏi.

-Nếu không thì tôi sẽ quên mất tay nghề đấy!

-Giết hại cá vô ích để làm gì?

-Nê-mô trả lời.

-Chúng ta chẳng cần mỡ cá voi.

-Thưa giáo sư, sao ở biển Đỏ ngài lại cho phép săn hải cẩu?

-Đó là chuyện khác! Lúc đó anh em thủy thủ cần thịt tươi. Còn bây giờ thì giết hại sinh vật chỉ là để giải trí. Con người hay tự ình cái quyền ấy, tôi biết! Nhưng tôi không thừa nhận cái lối tiêu khiển man rợ như vậy. Khi giết hại giống cá voi miền nam, một giống vật hiền lành vô hại, các bạn nghề của ông đã làm một việc đáng chê trách, ông Nét ạ. Các ông hãy để cho những con vật bất hạnh đó được yên! Không có các ông, chúng cũng đã lắm kẻ thù: cá nhà táng, cá kiếm, cá cưa! Chắc các bạn có thể hình dung được vẻ mặt của Nét khi nghe những lời giáo huấn của thuyền trưởng Nê-mô rồi! Thuyết đạo đức cho thợ săn nghe thì thật là phí lời vô ích. Nét trợn tròn mắt nhìn Nê-mô, tỏ vẻ không hiểu Nê-mô muốn nói gì. Dù sao, Nê-mô vẫn đúng. Việc giết hại loài động vật ấy một cách man rợ chẳng bao lâu nữa sẽ làm cho đại dương không còn một bóng cá voi nào. Nét Len huýt sáo một bài hát yêu nước của Bắc Mỹ, tay đút vào túi quần và quay lưng lại chúng tôi. Trong khi đó, thuyền trưởng Nê-mô vừa quan sát đàn cá voi vừa bảo tôi:

-Tôi nói đúng là ngoài con người ra, cá voi còn khá nhiều kẻ thù dưới nước. Ngay bây giờ, trước mắt chúng ta, đàn cá voi này sẽ phải đương đầu với một đối thủ mạnh. Giáo sư có thấy cách chúng ta tám hải lý những chấm đen đang di chuyển không?

-Thưa thuyền trưởng, có.

-Đó là cá nhà táng, những con vật khủng khiếp. Tôi đã gặp những đàn từ hai trăm đến ba trăm con! Chính loài cá hung dữ và có hại này mới cần tiêu diệt. Nghe câu nói cuối cùng này của Nê-mô, Nét vội quay người lại:

-Thưa thuyền trưởng, vẫn còn kịp, -Nét nói.

-Hơn nữa lại bảo vệ được đàn cá voi này…

-Ta chẳng cần dấn thân vào chỗ nguy hiểm làm gì! Tàu Nau-ti-lúx tự nó sẽ xua tan lũ cá nhà táng kia. Tôi nghĩ, mũi tàu bằng thép sẽ chẳng thua kém gì mũi lao của ông Nét. Nét nhún vai, hình như muốn nói:

“Có đời thuở nào lại đánh cá nhà táng bằng mũi tàu?”

-Ngài A-rô-nắc, xin ngài chờ ột chút.

-Nê-mô nói.

-Chúng tôi sẽ mời ngài xem một cuộc săn cá mà ngài chưa bao giờ thấy. Không nên mảy may thương xót lũ cá khát máu này! Chúng chỉ có mõm và răng! Chỉ có mõm và răng! Đó là đặc điểm nổi bật của loài cá nhà táng khổng lồ dài tới hai mươi lăm mét. Cái đầu đồ sộ của chúng chiếm gần một phần ba thân. Đàn cá nhà táng gớm ghiếc đang tới gần. Chúng đã thấy đàn cá voi và chuẩn bị chiến đấu. Có thể đoán trước là chúng nắm chắc phần thắng không phải vì chúng được trang bị tốt hơn cá voi vốn không có răng mà vì chúng có thể lặn sâu hơn cá voi.

Phải nhanh chóng đến cứu cá voi! Tàu Nau-ti-lúx lặn xuống. Công-xây, Nét và tôi ngồi gần ô cửa phòng khách. Thuyền trưởng Nê-mô sang phòng hoa tiêu để đích thân lái con tàu đó biến thành một vũ khí tiêu diệt. Một lát sau, chân vịt quay tít, đẩy tàu lao đi như mũi tên. Khi tàu tiến ra chiến trường thì lũ cá nhà táng đã bắt đầu tấn công đàn cá voi. Nê-mô chủ trương cho tàu xông thẳng vào lũ cá to đầu. Thoạt tiên chúng chẳng sợ hãi gì khi tàu Nau-ti-lúx can thiệp vào cuộc chiến, nhưng ít phút sau chúng cảm thấy thấm đòn. Trận đánh thú vị đến nỗi Nét cũng phải khoái chí mà vỗ tay đen đét. Nê-mô đã biến con tàu thành một cái lao nhọn khủng khiếp. Nó lao vào các khối thịt đó mà chém thành hai khúc đầy máu đỏ lòm. Đuôi cá đập vào vỏ tàu rất mạnh nhưng chẳng hề gì. Diệt xong con này, tàu lại xông đến con khác, lúc chạy tới, lúc chạy lui, lúc ngoan ngoãn tuân theo bàn tay hoa tiêu lặn xuống sâu để dượt theo kẻ địch, lúc lại nổi lên mặt biển, khi tấn công chính diện, khi thì đánh ngang sườn. Mũi tàu băm vằm lũ cá một cách đáng sợ. Trên mặt biển nổi lên tiếng ầm ầm như sấm, tiếng rít, tiếng rống của loài cá khi giãy chết! Đuôi cá quẫy mạnh làm mặt biển trước đó phẳng lặng giờ sủi bọt lên như chảo nước sôi. Trong cuộc chiến đấu ác liệt kéo dài suốt một tiếng đồng hồ ấy, lũ cá nhà táng bị tiêu diệt thẳng tay. Mấy lần chúng tập họp lại thành từng đàn mười, mười hai con để chuyển sang phản công hòng đè bẹp con tàu. Những cái mồm cá đầy răng ngoác rộng. Những cặp mắt gớm ghiếc ở phía ngoài ô cửa khiến Nét nổi khùng. Anh ta không ngớt nguyền rủa lũ cá to đầu và giơ nắm tay ra dọa chúng. Lũ cá ngoạm răng vào vỏ tàu như chó săn ngoạm vào cổ con lợn rừng bị săn đuổi. Nhưng tàu Nau-ti-lúx tuân theo ý người lái, khi thì kéo kẻ địch xuống tàu, khi lại nổi lên mặt biển, mặc dù bị o ép bốn phía. Cuối cùng lũ cá nhà táng bị đánh tan. Biển lại lặng. Tàu nổi lên mặt biển. Chúng tôi mở nắp tàu rồi lên boong. Mặt biển đầy xác cá bị băm nát. Mấy con còn sống sót kinh hoàng, bỏ chạy. Nước biển nhuốm màu đỏ thẫm trong khoảng mấy hải lý. Tàu Nau-ti-lúx chạy trên một biển máu. Thuyền trưởng Nê-mô bước tới chỗ chúng tôi và hỏi:

-Thế nào, ông Nét?

-Thưa thuyền trưởng, -nhiệt tình của Nét đã nguội đi rất nhanh, -Cảnh tượng quả là khủng khiếp. Nhưng tôi là thợ săn chứ không phải là đồ tể, mà vừa rồi ngài đã sát sinh quá nhiều.

-Không phải là sát sinh mà là diệt trừ những con vật có hại, -Nê-mô phản đối.

-Và tàu Nau-ti-lúx cũng không phải là con dao của đồ tể.

-Theo tôi, dùng lao nhọn vẫn hơn.

-Mỗi người đều có vũ khí riêng của mình, -Nê-mô nhìn Nét chằm chằm. Tôi sợ Nét trong cơn tức giận có thể nói những lời xấc xược với Nê-mô, gây nên những hậu quả tai hại. Nhưng cơn giận của Nét nguôi đi khi anh ta trông thấy con cá voi mà tàu Nau-ti-lúx đang chạy tới gần. Con cá này không kịp tránh đòn của lũ cá nhà táng hung dữ. Nó nằm nghiêng, bụng đầy vết thương. Nó đã chết. Vây cá rách tả tơi, cuối vây có một chú cá voi con cũng đã chết. Từ mồm cá mẹ nước tuôn ra như suối. Thuyền trưởng Nê-mô ghé tàu vào sát con cá chết. Hai thủy thủ trèo lên sườn cá. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy họ vắt sữa từ vú con cá ra (trong vú có chừng hai, ba tấn sữa!). Nê-mô mời tôi uống một tách sữa nóng. Tôi không che giấu được sự ghê sợ đối với thứ nước uống này. Nhưng Nê-mô cam đoan với tôi rằng sữa cá voi rất ngon và chẳng kém gì sữa bò về hương vị. Tôi nếm thử và thấy quả là ngon! Thế là chúng tôi đã làm cho kho thực phẩm dự trữ thêm phong phú! Từ hôm đó tôi bắt đầu lo lắng khi thấy Nét tỏ vẻ thù địch ra mặt với thuyền trưởng Nê-mô, và tôi quyết định phải theo dõi chặt từng hành động của Nét.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN