Hàm Cá Mập - Chương 13
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
171


Hàm Cá Mập


Chương 13


– Tôi không cho phép chất cái của ấy lên tàu tôi – Quint nói.

Họ đứng ở bến tàu. Trời đã rạng sáng. Vầng dương đã vạch một đường chân trời, nhưng phía trên đại dương vẫn còn bồng bềnh những làn mây thấp. Cơn gió nhẹ thổi từ hướng nam. Con tàu đã sẵn sàng ra khơi. Những chiếc thùng xếp dãy gần mũi tàu, các cần câu quăng giương thẳng đứng trên côngxon. Động cơ khẽ hừ hừ hầm hầm, làm tóe bọt lên mặt nước khi có những con sóng nhỏ ập vào ống xả, và ho ra muội đi-ê-den để cho ngọn gió nhỏ cuốn lấy đưa lên cao.

Ở phía đầu kia của bến tàu một người đàn ông đã ngồi vào một chiếc xe tải nhỏ bật máy, thế là chiếc xe từ từ đi xa dần trên con đường bẩn thỉu. Dòng chữ đề trên cửa xe ghi: “Woods Hole, Viện Hải dương học”.

Quint đứng quay lưng về phía canô, mắt nhìn Brody và Hooper đang túm tụm ở hai bên phía chiếc lồng bằng nhôm. Nó cao hơn sáu bộ một chút, dài sáu bộ và rộng bốn bộ. Bên trong là bảng điều khiển, còn phía trên là hai cái bình hình trụ. Trên sàn lồng có thiết bị lặn, bộ phận điều chỉnh khí, mặt nạ và quần áo thủy lực.

– Tại sao ông không muốn nhận cái lồng? – Hooper hỏi. – Nó nhẹ thôi, tôi có thể buộc vào đâu đó, không ảnh hưởng gì đến ai cả.

– Nó chiếm quá nhiều chỗ.

– Tôi đã nói rồi, – Brody chen vào, – là ông ta không nghe đâu.

– Mà nói cho cùng thì nó là cái gì? – Quint hỏi.

– Lồng bảo vệ khỏi cá mập, – Hooper giải thích. – Thợ lặn sử dụng nó ở ngoài biển khơi. Người ta mang từ Woods Hole đến cho tôi trên chiếc xe tải vừa mới đi ban nãy.

– Ông cần đến nó để làm gì?

– Khi nào ta tìm thấy cá mập hoặc khi nào nó tìm thấy chúng ta, tôi sẽ chui vào lồng xuống nước làm vài pô ảnh. Chưa ai chụp được một con cá mập lớn đến như vậy cả.

– Không ăn thua, – Quint nói. – Đừng có vác lên chiếc canô của tôi.

– Tại sao không?

– Chuyện ngu ngốc, thế chứ còn sao nữa. Người thông minh phải biết những khả năng của mình. Ông chưa biết mùi đời lắm nhỉ.

– Sao ông lại nghĩ thế?

– Chưa ai làm được việc ấy cả. Con cá mập này sẽ bẻ gẫy lồng của ông để điểm tâm.

– Nó bẻ gẫy được? Chà, tôi không nghĩ thế đâu. Đồng ý là nó có thể lao đến cái lồng, thậm chí có thể lấy hàm ngoạm chấn song, nhưng chắc gì cá mập đã muốn nuốt.

– Nó muốn, nếu trông thấy trong lồng một con mồi béo bở như anh.

– Tôi không tin.

– Thôi, dông dài thế là đủ.

– Ông Quint này, cơ hội như thế chỉ đến một lần trong đời. Giá hôm qua tôi không trông thấy con cá ấy, thì tôi đã không cần xin ông điều gì. Nó thuộc loài hiếm, ít ra ở bán cầu của chúng ta chưa ai gặp những con cá mập đại loại như vậy cả. Tôi đã xem các phim về những con cá mập trắng khổng lồ, nhưng chưa ai làm được việc chụp lại một con cá hai mươi bộ ngoài biển khơi. Chưa lần nào.

– Ông Quint đã nói với anh rồi: dông dài thế là đủ – Brody can thiệp vào. – Thế nên anh hãy quên cái lồng của anh đi. Sau nữa, tôi không muốn phải chịu trách nhiệm cho anh. Chúng ta đến đây để giết cá mập, chứ không phải để quay phim chụp ảnh tài tử về nó.

– Tại sao anh lại phải chịu trách nhiệm cho tôi? Tôi hành động hoàn toàn tự chủ.

– Ấy không, tôi vẫn phải chịu trách nhiệm về anh. Chiếc canô này do thị trấn trả tiền, cho nên mới như lời tôi nói.

Hooper quay về phía Quint.

– Tôi sẽ trả tiền cho ông.

Quint mỉm cười.

– Ối dào! Bao nhiêu nào?

– Dông dài thế là đủ, – Brody nhắc lại. – Quint có nói gì thì đối với tôi cũng không quan trọng. Tôi chống lại việc anh mang cái của này theo.

Hooper không để ý đến lời nói của Brody.

– Một trăm đôla. Tiền mặt, – anh ta đề xuất với chủ tàu, – và trả trước, nếu ông thích. – Hooper thò tay vào túi sau lấy ví tiền.

– Tôi đã nói là không, – Brody khăng khăng.

– Thế nào, ông Quint? Một trăm tờ mượt. Bằng tiền mặt. Này đây, – Hooper đếm năm tờ hai mươi đôla chìa cho Quint.

– Tôi không biết, – Quint nói. Nhưng tiền đã mồi chài được ông ta, ông ta bèn nói thêm: – Cóc cần, muốn ngoẻo thì cho ngoẻo, tôi không giữ.

– Nếu ông nhận lồng, ông Quint, – Brody nói, – thì ông sẽ mất bốn trăm đôla. “Phải để cho Hooper thanh toán nợ với cuộc đời vào thời gian rảnh việc”, viên cảnh sát nghĩ.

– Nếu cái lồng bị bỏ lại trên bờ thì tôi sẽ không đi cùng với các ông, – Hooper nói.

– Cũng chả cần, mẹ kiếp, – Brody nổi cáu. – Anh có thể ngồi ở đây, tôi cũng chẳng làm sao.

– Tôi không nghĩ rằng ông Quint thích thế. Thế nào, hả ông Quint? Ông sẽ ra khơi cặp đôi với ông sếp cảnh sát? Đồng ý chứ?

– Chúng tôi sẽ tìm cho mình được người giúp việc, – Brody nói.

– Thế thì cứ việc, – Hooper hậm hực đáp. – Xin chúc may mắn.

– Cũng khó tìm, – Quint lên tiếng. – Nhất là trong thời hạn ngắn như thế này.

– Xéo hết đi đằng quỷ nào thì xéo, – Brody tức tối. – Ta sẽ hoãn chuyến ra khơi đến ngày mai. Còn Hooper có thể quay về Woods Hole và giải trí với mấy con cá con của mình.

Hooper cáu tiết, cơn giận làm mờ mắt anh ta. Thành thử anh không thể dằn lòng được và bật ra:

– Tôi còn có tài làm được nhiều cái hơn thế nữa… Mà thôi, quên chuyện đó đi!

Trong vài giây một sự im lặng nặng nề bao trùm. Brody chăm chăm nhìn Hooper mà không dám tin vào tai mình nữa. Anh không rõ bao nhiêu phần trong lời nói của Hooper chứa ẩn ý, còn bao nhiêu phần là sự huênh hoang khoác lác. Bỗng nhiên cơn cuồng nộ dâng lên trong lòng Brody. Anh tiến hai bước lại chỗ Hooper, lấy cả hai tay túm cổ áo và dùng nắm tay bóp họng anh ta.

– Cái gì. Anh nói cái gì?

Hooper hổn hển. Anh ta bị kẹt cứng trong những ngón tay của Brody.

– Không nói gì cả! – Nhà ngư học gắng sức trả lời – Không nói gì cả! – Anh ta toan lùi lại, nhưng Brody càng ấn họng anh ta mạnh hơn.

– Anh muốn nói cái gì?

– Thì tôi đã bảo anh là không nói gì cả! Anh đã nổi cáu lên với tôi. Thế cho nên bạ nghĩ gì thì nói luôn.

– Hôm thứ tư tuần trước ban ngày anh ở đâu?

– Không ở đâu! – Hai thái dương Hooper ong ong. – Buông tôi ra. Anh bóp cổ chết tôi bây giờ!

– Anh đã ở đâu? – Brody lại càng bóp mạnh hơn.

– Ở khách sạn! Bỏ ra đã!

Brody nới lỏng tay hơn.

– Với ai? – Anh vừa hỏi vừa thầm khấn: “Lạy trời, là ai cũng được, miễn là không phải Ellen”.

– Với Daisy Wicker.

– Nói láo! – Brody lại bóp cái cổ họng đáng ghét và cảm thấy lệ ứa ra trên mắt.

– Anh cần gì ở tôi nào? – Hooper cất tiếng khàn khàn và toan gỡ ra.

– Daisy Wicker – cái con tình dục đồng giới bất hạnh ấy? Cô cậu làm gì với nhau, ôm ghì lấy nhau chứ?

Trong đầu Hooper mọi cái đang đảo lộn. Tay Brody như đai thép đè lên các động mạch cổ của Hooper. Lông mi Hooper run run, anh ta bắt đầu mất tri giác. Brody thả cổ áo ra và lấy sức đẩy nhà ngư học một cái. Hooper nằm sóng soài ra bến tàu, miệng đớp không khí một cách khó khăn.

– Anh nói gì về việc ấy đây? – Brody vẫn tiếp tục căn vặn. – Hay là anh có thể ngủ với ai cũng được, kể cả cái đứa tình dục đồng giới?

Đầu Hooper nhanh chóng rạng ra, và anh ta trả lời.

– Không, tôi không biết cô ta là đứa tình dục đồng giới, rồi sau đó thì đã quá muộn rồi.

– Cái gì? Hay là anh muốn nói rằng cô ta lên buồng anh rồi sau đó lại thay đổi ý định? Không một đứa tình dục đồng giới nào lại làm như thế.

– Thế mà có đấy! – Hooper nói, cố trả lời trôi chảy các câu hỏi của Brody. – Cô ta bảo là muốn… đã đến lúc thử trở thành một người phụ nữ bình thường. Nhưng sau đó cả hai lại chẳng được như ý gì cả. Khiếp thật!

– Anh nói bố láo!

– Không. Anh có thể hỏi chính cô ta. – Hooper biết rằng đó chỉ là cái chước thất sách. Brody dễ dàng kiểm tra được. Nhưng Hooper không nảy ra được cái gì hơn trong đầu nữa. Tối nay trên đường về nhà Hooper có thể gọi điện cho Daisy Wicker ở một trạm điện thoại nào đó và yêu cầu cô ta xác nhận lời anh ta. Hoặc là đi khỏi Amity không quay lại nữa – rẽ lên hướng bắc, ngồi nhà ở Orient Point và rời khỏi bang trước khi Brody kịp liên lạc với Daisy Wicker.

– Tôi sẽ hỏi, – Brody quả quyết. – Anh cứ tin như thế.

Brody nghe thấy sau mình tiếng cười của Quint.

– Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa bao giờ được nghe một câu chuyện như vậy, – Quint nói. – Lại đến nước ấy nữa: ngủ với một con tình dục đồng giới.

Brody chăm chú nhìn vào mắt Hooper, cố tách bạch trong đó một gợn dối trá. Nhưng Hooper lại nhìn vào nền lát bến tàu.

– Thế nào nào? – Quint hỏi. – Hôm nay có ra khơi không? Dù thế nào mặc lòng, ông Brody ạ, ông vẫn phải trả tiền.

Brody bàng hoàng. Anh muốn hoãn chuyến đi lại, quay về Amity và tìm hiểu xem cái gì gắn bó Hooper và Ellen lại. Giả sử những mối nghi ngại được xác nhận. Thế thì anh sẽ làm gì? Đòi hỏi Ellen trả lời? Đánh đập cô ta? Bỏ vợ? Thế nhưng được tích sự gì? Phải đợi, suy nghĩ cho kỹ đã.

– Có ra khơi. – Anh gật đầu đáp lại Quint.

– Mang cả lồng?

– Mang cả lồng. Nếu thằng ngu ấy muốn chết thì đấy là việc của nó.

– Tôi thì can hệ quái gì, – Quint nói. – Nào thì chất gánh hàng xiếc này lên.

Hooper đứng dậy và tiến lại chiếc lồng.

– Tôi sẽ lên tàu, – anh ta khàn khàn nói. – Đầu tiên hãy dịch cái lồng đến sát mép bến và hãy nghiêng nó về phía tôi, giúp tôi lôi nó vào một góc.

Brody và Quint đặt chiếc lồng ở mép bến tàu, và viên đội cảnh sát ngạc nhiên thấy chiếc lồng quá nhẹ. Ngay kể cả trang thiết bị của thợ lặn, cái lồng cũng chỉ nặng không quá hai trăm pao. Họ nghiêng cái lồng về phía Hooper, Hooper tóm lấy hai chấn song và đợi cho đến lúc Quint xuống chỗ anh ta. Hai người đàn ông dễ dàng đặt lồng vào đúng góc dưới đài dẫn. Hooper lấy hai dây thừng buộc lồng lại. Brody nhảy lên tàu.

– Rời bến, – anh hạ giọng.

– Ông quên đưa tôi một thứ?

– Thứ gì?

– Bốn trăm đôla.

Brody rút phong bì trong túi ra và trao cho Quint.

– Ông chết đi sẽ là một người giàu có, Quint ạ.

– Ước mơ vàng của tôi đấy. Bỏ cáp buộc đằng đuôi xuống. – Quint tháo dây mũi tàu và dây mạn tàu rồi ném chúng xuống boong, khi cáp đuôi tàu đã bỏ xong, ông ta mở động cơ rồi rời bến. Quint quay tay lái sang phải, ấn nút tăng số, và chiếc canô lao nhanh trên mặt biển yên lặng ngang qua đảo Hicks và Goff Point, vòng quay Shagwong và Montauk. Chẳng mấy chốc ngọn hải đăng ở mũi Montauk đã lùi lại phía sau, và họ nhằm hướng Nam – Tây Nam ra ngoài khơi đại dương.

Con tàu êm nhẹ lắc lư trên sóng, Brody dần dần nguôi đi. Có thể Hooper nói thật. Điều đó không loại trừ. Không một kẻ nào lại đi nói dối nếu dễ kiểm tra được sự nói dối ấy. Trước kia Ellen chưa bao giờ lừa dối anh cả, anh tin chắc điều đó. Cô ấy cũng không trăng hoa với những người đàn ông khác. Tuy nhiên, anh tự nhủ, mọi cái có thể diễn ra lần đầu tiên. Với ý nghĩ này cổ họng anh lại nghẹn lại. Anh bị những cảm xúc ghen tuông và hổ nhục, bất lực và phẫn nộ cào xé. Anh nhảy khỏi ghế leo lên cầu đài dẫn…

Quint ngồi lùi lại trên ghế băng để lấy chỗ cho anh, thế là Brody ngồi xuống bên cạnh.

– Các cậu chỉ suýt nữa là nện vào mõm nhau lúc ở bến tàu ấy, – Quint cười hô hố.

– Chuyện ba lăng nhăng.

– Đừng nói thế. Anh cho rằng anh ta lòng thòng với vợ anh à?

Nghe những lời biểu hiện ý nghĩ riêng của ông ta một cách thô tục đến thế, Brody giật mình vì bất ngờ.

– Chuyện ấy không liên quan gì đến ông, – anh lầu bầu.

– Việc đếch gì đến tôi. Nhưng tôi không nghĩ anh ta có thể làm được cái gì ra trò cả.

– Tôi không quan tâm đến việc ông nghĩ cái gì, – Brody cắt ngang vì muốn mau mau thay đổi chủ đề câu chuyện. – Ta lại ra chỗ cũ chứ?

– Lại ra chỗ ấy. Giờ cũng không còn xa nữa đâu.

– Ông cho rằng cá mập vẫn còn ở đấy?

– Ai biết được? Chúng ta chẳng còn cái cách nào khác.

– Chỉ vừa mới hôm kia ông nói qua điện thoại làm như là ông sẽ lừa được bất cứ con cá nào. Có phải không? Vậy là ông tin vào thành công?

– Gần như thế. Chẳng qua chỉ cần biết đoán ra những trò của chúng thôi. Chung quy chỉ là cái chỗ ấy. Chúng ngu như lợn ấy.

– Ông chưa bao giờ gặp phải một con cá thông minh?

– Chưa.

Brody sực nhớ đến cái mõm độc ác, cười giễu của con cá mập đã từ dưới nước nhìn anh bằng đôi mắt hung hãn.

– Tôi không rõ, – anh nói. – Cái con cá hôm qua có vẻ ngoài đểu cáng quá. Dường như nó hiểu được việc nó làm.

– Dớ dẩn, nó chẳng hiểu gì sất.

– Hay là một vài con cá có khả năng tư duy?

– Cá ấy à? – Quint phá lên cười. – Anh tâng bốc chúng nó quá. Con cá, chứ không phải con người, tuy rằng lắm khi cũng gặp những kẻ cũng ngu đần như cá. Không, cá mập không biết nghĩ đâu. Chúng ứng xử khác nhau, sau một thời gian nào đó anh sẽ biết được các trò của chúng.

– Vậy ra cá mập không thể là kẻ thù thách thức con người.

– Không. Nó đối với chúng ta là kẻ thù cũng giống như ống tiêu nước đối với anh thợ đường ống. Khi đang ra sức cạo rửa ống, có thể anh ta cũng vừa rửa nó vừa siết clê vào nó. Nhưng người thợ đường ống biết rằng cái ống không phải là kẻ thù của anh ta. Thỉnh thoảng tôi lại chạm trán với một con cá đỏng đảnh nào đó, nó gây cho tôi nhiều bận bịu hơn những con khác, thì lúc ấy tôi phải dùng đến những phương tiện đặc biệt.

– Nhưng cũng có những con cá anh không tài nào bắt được chứ?

– Tất nhiên, nhưng điều đó chẳng hề có nghĩa là chúng thông minh hay láu lỉnh. Chẳng qua hoặc là chúng no bụng, hoặc là quá nhanh nhẹn, hoặc là ta không có đúng loại mồi chúng thích. – Quint ngừng lại một phút sau đó lại tiếp tục. – Có lần một con cá suýt nữa thì xơi tái tôi. Dạo ấy cách đây đã hai chục năm. Tôi đâm lao vào một con cá mập xanh khỏe mạnh, còn nó thì vọt lên và kéo tôi ra khỏi thành tàu xuống nước.

– Thế ông đã làm gì?

– Tôi trèo lên sống tàu nhanh hệt như bay lên không. May mắn cho tôi là tôi nhào từ phía đuôi tàu ngâm dưới nước. Chứ nếu tôi ngã từ phía giữa thân tàu thì cũng khốn rồi. Dù sao thì tôi leo lên ngay tức khắc, khiến con cá không kịp nhận ra tôi. Vả lại lúc đó nó đang cố giẫy ra khỏi cái lao.

– Còn nếu ông ngã từ phía giữa thân tàu và cá mập trông thấy ông? Có thể có phương kế nào không?

– Tất nhiên. Phải cầu nguyện. Thì cũng như ngã từ trên máy bay xuống mà không có dù và hy vọng sẽ rơi vào vựa cỏ khô ấy. Chỉ có ông trời mới có thể cứu được bởi vì chính ông trời đã đẩy anh nhào ra ngoài thành tàu, đến năm xu tôi cũng chẳng cho để cứu sinh mạng anh đâu.

– Có một phụ nữ ở Amity cho rằng mọi tai ương của chúng ta là từ trên thượng giới dội xuống, – Brody nhận xét. – Bà ta khẳng định rằng đấy cũng là một thứ hình phạt của ông trời.

Quint mỉm cười.

– Hoàn toàn có thể như vậy. Thượng đế đã tạo nặn nên con vật chết tiệt kia nên có thể ra lệnh cho nó phải ăn gì.

– Ông nói nghiêm túc đấy chứ?

– Ấy không. Tôi không mê tín cho lắm.

– Nếu vậy thì tại sao, theo ông, cá mập lại ăn thịt người?

– Thị trấn không được may mắn lắm. – Quint kéo cần bộ tăng tốc về phía sau. Con tàu giảm tốc độ và lắc lư trên sóng. Quint lấy từ trong túi ra một mẩu giấy, giở nó ra đọc dòng ghi chép và kiểm tra sự định hướng theo cánh tay. Ông ta quay chìa đánh bugi, thế là động cơ tắt lịm. Trong sự im lặng vừa đến có cái gì đó nặng nề và u ám. – Này, Hooper, – Quint gọi, – anh hãy đổ cái thứ thổ tả này ra ngoài thành tàu đi.

Hooper nhấc vung chậu gỗ và bắt đầu múc mồi đổ xuống biển. Phần đầu tiên rơi toạt vào chỗ nước lặng, nên vết dầu chỉ chầm chậm lan về phía tây.

Đến mười giờ, một cơn gió thoảng thổi mạnh. Trên mặt nước xuất hiện gợn lăn tăn, kéo theo cái mát dễ chịu. Yên lặng, yên lặng quá, chỉ thỉnh thoảng mới nghe thấy tiếng nước ộp oạp là khi Hooper đổ mồi.

Brody ngồi trên ghế, vật lộn với cơn buồn ngủ. Anh ngáp, rồi mới sực nhớ là mình đã để quên cuốn truyện trinh thám chưa đọc hết ở phía dưới. Anh đứng dậy vươn vai, sau đó bước xuống buồng thủy thủ ba bậc một. Anh tìm thấy cuốn sách và đã toan lên boong thì vừa vặn cái nhìn của anh rơi vào ngăn tủ lạnh.

Anh nhìn đồng hồ, cứ tưởng thời gian trên tàu đã dừng lại.

– Tôi muốn uống bia, – anh gọi to. – Mang cho các ông nữa chứ?

– Tôi không cần, – Hooper đáp lại.

– Cứ lấy đi, việc gì phải hỏi, – Quint lên tiếng. – Ta sẽ bắn vỏ sắt tây.

Brody lôi từ ngăn ra hai lon, xé đai kim loại và lên cầu thang. Anh vừa đặt chân vào bậc cuối cùng thì bỗng nghe thấy giọng nói điềm tĩnh của Quint.

– Đây rồi.

Thoạt đầu Brody tưởng rằng Quint đang nói về anh, nhưng sau lại thấy Hooper nhảy bật dậy khỏi sống đuôi tàu, khẽ huýt sáo và nói:

– A ha! Quả thực vị khách của chúng ta đây rồi!

Brody cảm thấy tim mình đập dồn dập. Anh bước nhanh lên boong và hỏi:

– Đâu?

– Kia kìa, – Quint chỉ. – Ngay sau đuôi tàu.

Mắt Brody nhanh chóng quen với ánh sáng, lúc đó anh đã trông thấy cái vây – một hình tam giác không cân, màu nâu xám cắt sóng, còn phía xa hơn lộ ra cái đuôi hình lưỡi liềm đang vỗ nước mạnh và đều. Nó bơi cách canô khoảng ba chục yát, Brody ước chừng. Cũng có thể đến bốn mươi.

– Ông chắc rằng đây là con cá mập của chúng ta? – Brody hỏi.

– Nó đấy, – Quint trả lời.

– Ông định làm gì bây giờ?

– Chẳng làm gì cả. Ít ra là cho đến khi nào chúng ta xác định được là nó cần gì. Hooper, cứ tiếp tục đổ của nợ kia xuống đi. Ta thử nhử nó vào gần hơn.

Hooper nâng chậu lên sống đuôi tàu và đổ một phần mồi xuống nước. Quint tiến về phía trước và tra mũi lao vào cán. Ông ta nâng chiếc thùng con lên và kẹp vào nách. Ném cuộn dây thừng qua bàn tay còn tự do, ông ta cầm lấy dao. Ông đem cả bộ đồ nghề xiên cá mập ấy xuống đuôi tàu để xuống boong.

Con cá mập tiến tiến lui lui theo lớp váng, nó cố xác định xem mùi máu tỏa ra từ đâu.

– Cuốn dây cước lại, – Quint bảo Brody. – Giờ ta không cần gì đến chúng nữa.

Brody cuốn hết dây này đến dây khác, và mồi câu bị kéo tuột lên boong.

Con cá mập tiến lại gần canô một chút, và vẫn thong thả lượn xung quanh.

Quint đặt thùng lên sống đuôi, phía bên trái chậu mồi của Hooper và ném dây thừng ngay cạnh. Sau đó ông ta leo lên sống đuôi đứng thẳng người, mũi lao giữ trong cánh tay phải.

– Nào, – ông ta gọi. – Mày hãy lại đây.

Nhưng cá mập vẫn cứ giữ khoảng cách năm mươi bộ đối với con tàu.

– Thế này thì tầm tôi không tới nó được, – Quint nói. – Phải làm sao để nó vào gần hơn. Brody, anh hãy lấy cái kìm trong túi sau của tôi ấy, xẻo một miếng mồi câu rồi ném xuống nước. Biết đâu mùi thức ăn bắt nó tiến vào gần ta. Anh hãy cố làm ầm ĩ vào, lúc ném mồi ấy. Để cho nó đánh hơi thấy ở đây có món lót dạ.

Brody làm theo lời ông ta, vỗ vỗ câu liêm xuống nước. Anh không rời mắt khỏi vây con cá mập, anh có cảm tưởng như nó sắp sửa nhô lên từ dưới sâu và đớp lấy tay anh.

– Hãy ném thêm miếng mồi nữa, một khi anh đã cất công làm, – Quint lại nói. – Nó ở trong hòm ấy. Rồi ném cả lon sắt tây đựng bia xuống nữa.

– Lon sắt tây đựng bia? Để làm gì?

– Phải ném tất cả những gì vớ được trong tay. Càng nhiều càng tốt, cốt sao lôi cuốn được con cá này.

– Thế nếu ném cá heo? – Hooper hỏi.

– Ơ hay, ông làm sao thế, ông Hooper? – Quint ngạc nhiên. – Tôi cứ tưởng ông chống lại việc đó cơ mà.

– Không quan trọng, – Hooper đang phấn khích trả lời. – Tôi muốn nhìn thấy cá mập.

– Còn kịp chán, – Quint nói. – Ta hãy đợi chút nữa.

Mồi nhử từ từ trôi về phía cá mập, một lon sắt bồng bềnh trên mặt nước, mỗi lúc một xa đuôi tàu. Ấy thế mà con cá vẫn không lại gần chiếc canô.

– Tiên sư mày, – Quint lại chửi. – Chắc không còn cách nào khác. – Ông ta gác lao sang một bên rồi nhảy từ sống tàu xuống. Sau đó Quint hất nắp thùng đựng rác ở cạnh chỗ Brody, thế là sếp cảnh sát đã trông thấy đôi mắt thiếu sinh khí của con cá heo bé nhỏ đang đong đưa trong nước biển. Brody thấy ghê ghê, anh bèn quay đi.

– Nào, bé ngoan, – Quint nói. – Đã đến giờ của bé rồi. – Ông ta lôi từ khoang đuôi một dây xích đai dài và nhét một đầu xích vào tai lưỡi móc lủng lẳng dưới hàm con cá heo con. Đầu kia của sợi dây xích được Quint buộc dây chão bằng gai dầu dày đến ba phần tư insơ. Ông tháo lỏng thêm vài yát dây chão, cắt một đoạn và quấn kỹ vấu mỏ vịt trên lan can thành tàu bên phải.

– Tôi nhớ hình như ông có nói rằng con cá mập này có thể lôi được bất cứ cột cáp nào cơ mà, – Brody nhận định.

– Hoàn toàn có khả năng, – Quint đáp. – Nhưng tôi cuộc là thế nào tôi cũng sẽ xiên lao vào nó và cắt dây thừng trước khi nó kịp tớp được vấu mỏ vịt.

Quint cầm lấy dây xích quẳng lên sống đuôi tàu về phía thành bên phải. Sau đó lại leo lên sống đuôi và kéo con cá heo về phía mình. Ông rút dao ra khỏi bao đeo ở thắt lưng. Tay trái nâng con cá heo lên trước mặt. Sau đó tay phải vạch mấy đường khía không sâu trên bụng cá. Những giọt nước đen hôi hám rỏ xuống biển. Quint ném con cá heo ra ngoài thành tàu, vặn lỏng ra sáu bộ dây thừng rồi dẫm lên. Con cá heo bé nhỏ đều đặn lắc lư, đã chui xuống nước ở chỗ cách tàu sáu bộ.

– Quá gần, – Brody nhận xét.

– Phải thế, – Quint nói. – Tôi không thể để mình rơi vào tay cá mập được, khi nó đang cách tàu ba chục bộ.

– Sao ông lại dẫm lên dây thừng?

– Cốt để con cá heo con này ở chỗ hiện nay của nó. Tôi không muốn buộc nó vào vấu mỏ vịt quá gần canô. Nếu cá mập mà vớ được con cá heo ở gần quá, không thể quay ngang quay dọc thì nó sẽ quay ở ngay đây, cạnh canô, làm chúng ta bắn tung như vỏ bào ấy. – Quint giương lao lên và nhìn vào vây cá mập.

Con cá mập đang tiến gần lại, vẫn tiếp tục những vòng lượn; mỗi một lần quẫy mình nó lại giảm khoảng cách giữa nó và chiếc canô được dăm bộ một. Sau đó con mãnh ngư dừng lại cách canô quãng hai mươi, hai mươi lăm bộ và trong một giây dường như nó lặng đi, đầu quay về phía con người. Bỗng dưng đuôi nó biến mất, vây lưng thụt lại và lẩn đi, từ mặt nước nhô lên cái mõm to lớn với đôi mắt đen không đáy và cái hàm khẽ hé mở trong kiểu cười nhạo rùng rợn.

Brody nhìn con cá mập đăm đăm, người cứng đờ vì nỗi khủng khiếp tựa như anh đang trông thấy ma quỷ.

– Ê, con cá, – Quint gọi. Ông ta đứng ở sống đuôi, chân giang ra, tay nắm chặt cán lao. – Lại đây mà xem chúng tao đã chuẩn bị sẵn sàng chờ mày đây.

Trong chốc lát từ dưới nước con cá mập quan sát họ. Rồi đầu nó êm lặng lẩn đi.

– Nó đi đâu rồi? – Brody hỏi.

– Nó quay lại bây giờ đây, – Quint đáp. – Lại đây, con cá ranh, – ông đon đả. – Lại đây, cô nàng yêu dấu. Lại đây ăn bữa của mình đi. – Ông ta hướng mũi lao vào con cá heo đang bập bềnh.

Đột nhiên chiếc canô chao mạnh. Quint trượt chân ngã ngửa ra sống đuôi. Chiếc lao tuột cán đập lanh canh trên boong. Brody bị xô bệt sườn xuống. Theo bản năng anh nắm lấy thành ghế và lăn đi cùng với nó. Hooper bị đẩy bổ chửng ra sau đập vào lan can thành bên trái.

Dây thừng buộc con cá heo căng mạnh và rung lên. Các thớ dây ở đầu nút quấn vào mỏ vấu bắt đầu đứt. Lan can dưới mỏ vấu kêu ken két. Thế rồi dây thừng giật lên, chùng xuống và sã thành từng vòng trên nước cạnh con tàu.

– Bố sư khỉ! – Quint kêu lên.

– Có vẻ như con cá mập đã đoán ra ông đang định làm gì, – Brody nói. – Nó biết đích xác là cái bẫy đã chuẩn bị sẵn.

– Đồ trời đánh thánh vật! Cả đời chưa bao giờ thấy con cá nào lại giở trò như thế này.

– Nó cứ tưởng rằng nếu nó xô ông ngã là có thể xơi ngon lành con cá heo.

– Vớ vẩn, chẳng qua nó nhắm vào con cá heo nhưng lại trượt.

– Từ phía đối diện với canô à? – Hooper lên tiếng.

– Toàn chuyện phải gió cả, – Quint kết luận. – Dù gì thì gì, nó đã lừa được ta.

– Nhưng làm thế nào nó thoát khỏi lưỡi câu được nhỉ? – Brody hỏi. – Nó có bửa được vấu đâu.

Quint bước lại lan can thành bên phải và kéo dây thừng.

– Nó hoặc là đã cắn đứt dây xích, hoặc là… chà, tôi nghĩ đúng mà. – Quint cong người qua lan can và nắm lấy dây xích. Ông ta lôi dây xích lên boong. Dây xích còn nguyên – các đầu kẹp vẫn bám chắc tai lưỡi câu. Nhưng bản thân lưỡi câu đã trở nên vô tác dụng. Thanh thép không còn cong nữa. Nó gần như đã được uốn thẳng với hai vết vồng nho nhỏ ở chỗ trước kia là điểm cong.

– Trời đất ơi! – Brody thốt lên. – Nó lấy răng mà làm được thế này cơ à?

– Uốn ra uốn nhé, – Quint nói. – Chắc nó chỉ mất chừng hai giây đồng hồ để làm việc này.

Brody thấy trống rỗng trong đầu. Đầu các ngón tay như có kim châm. Anh ngồi phịch xuống ghế và thở dài mấy lần, thật sâu, cố nén nỗi khiếp hãi đang dâng lên.

– Theo ý ông thì nó đi đâu rồi? – Hooper, đứng phía đuôi, vừa nhìn xuống nước vừa hỏi.

– Đâu đó quanh đây, không xa, – Quint nói. – Tôi nghĩ rằng nó sẽ quay lại. Con cá heo này đối với nó cũng chỉ là cá trổng đối với cá ngừ. Nó sẽ còn tiếp tục kiếm thức ăn. – Quint lắp lại chiếc lao, cuốn dây thừng và đặt toàn bộ đồ lề lên sống đuôi. – Ta chỉ còn cách là chờ. Và đổ mồi nhử. Tôi sẽ chuẩn bị thêm mấy mồi câu nữa và sẽ thả xuống.

Brody quan sát Quint – ông ta lấy dây thừng buộc cứng mồi câu và thả nó ra ngoài thành tàu, đầu dây còn lại thì chốt chắc vào mỏ vấu, các côngxon để cần câu và vào bất cứ chỗ nào có thể buộc được. Khi đã có khoảng một tá mồi câu nổi rải rác quanh tàu và ở các độ sâu khác nhau, thì Quint đứng dậy lên đài dẫn rồi ngồi xuống đó.

Brody muốn trêu Quint. Anh bắt đầu:

– Có vẻ như con cá này quả thực là thông minh.

– Thông minh hay không thì tôi làm sao biết được, – Quint nói. – Thế nhưng nó đã giở giói ra những trò mà chưa một con cá nào tôi có dịp tiếp xúc từ trước đến giờ biết giở ra. – Ông ta ngừng lời, sau đó nói thêm, tự nhủ với bản thân nhiều hơn là nói với Brody: – Nhưng tôi sẽ bắt được đồ chó đẻ này. Nhất định sẽ bắt được.

– Sao ông lại tin chắc như vậy?

– Tôi tin chắc, chỉ có thế thôi. Còn bây giờ thì hãy để cho tôi yên.

Đấy là mệnh lệnh chứ không phải lời yêu cầu. Và tuy Brody muốn khơi chuyện gì cũng được, chỉ cốt khỏi nghĩ đến con quái vật đáng sợ đang ém mình trong nước phía bên dưới họ, Quint không nói thêm lời nào nữa, nên Brody chỉ nhìn đồng hồ: mười một giờ năm.

Họ canh chừng, chờ đợi vào bất cứ lúc nào, cái vây cắt nước sẽ nhô lên sau đuôi tàu. Hooper đổ mồi, thứ mồi lần nào cũng làm Brody liên tưởng đến những trận tháo dạ, khi nó dập dềnh trên mặt nước.

Vào lúc mười một giờ rưỡi, Brody rùng mình vì có tiếng răng rắc vang giòn đột ngột. Trong nháy mắt Quint vụt khỏi thang, chạy trên boong và nhảy lên sống đuôi. Ông ta với lấy chiếc lao và giơ nó lên, vừa sẵn sàng tư thế vừa nhìn kỹ mặt nước sau đuôi tàu.

– Cái quái gì thế? – Brody hỏi.

– Nó đã quay lại.

– Sao ông biết? Tiếng động gì thế?

– Tiếng dây kim loại đứt. Con cá mập đã cắn mồi.

– Sao lại đứt? Tại sao cá mập không róc mồi?

– Có lẽ nó không cắn dây. Nó ngoạm lấy mồi, khi hàm đóng lại rồi, thì dây cước kim loại đã mắc vào trong răng nó. Con cá mập chắc là đã làm như thế này, – Quint quay mạnh đầu sang một bên, – thế là dây đứt.

– Nhưng sao ta có thể nghe thấy tiếng dây đứt được nhỉ, nếu như dây đứt dưới nước?

– Nó không đứt dưới nước, mẹ kiếp! Nó đứt tung ra ngay ở đây này. – Quint chỉ tay về phía đoạn dây vài insơ lủng lẳng buộc vào vấu mỏ vịt ở giữa canô.

– Chà chà! – Brody thốt lên. Anh vẫn đang nhìn đầu dây đứt, thì bỗng lại thấy một sợi dây khác ở cạnh lan can cách sợi dây trước vài bộ cũng yếu đi. – Cá mập lại làm một con mồi nữa, – anh nói, rồi đứng dậy, tiến lại thành lan can và kéo dây ra. – Chắc là con cá nó ở ngay dưới chân chúng ta.

– Có ai muốn xuống tắm không nào? – Quint hỏi.

– Ta hạ cái lồng xuống nhé, – Hooper đề nghị.

– Anh đùa đấy à? – Brody lên tiếng.

– Không, tôi không đùa. Biết đâu cái lồng lại lôi cuốn cá mập.

– Còn anh thì chui vào trong lồng?

– Không, đầu tiên ta xem con cá có thái độ như thế nào đã. Ý kiến ông thế nào, ông Quint?

– Có thể thử được, – chủ tàu nói. – Cũng chẳng hại gì nếu ta hạ nó xuống nước, vả lại anh đã trả tiền lồng rồi cơ mà. – Ông ta gác lao và cùng với Hooper lại chỗ cái lồng.

Họ lật nằm chiếc lồng. Hooper mở cửa và chui vào trong. Sau đó anh ta lấy bộ đồ lặn, bộ phận điều chỉnh, mặt nạ, bộ quần áo thủy lực mới toanh và đặt tất cả ra boong tàu. Họ lại dựng lồng thẳng lên và khiêng lại lan can thành bên phải.

– Ông có hai cái dây thừng không? – Hooper hỏi. – Tôi muốn buộc lồng vào tàu. – Quint bước xuống dưới hầm tàu và quay trở lại với hai cuộn dây thừng. Họ buộc một cuộn vào vấu đuôi tàu, cuộn kia vào cột cáp ở giữa boong, sau đó buộc hai đầu còn lại vào trần lồng.

– Xong, – Hooper nói. – Nào hạ xuống.

Họ nâng lồng lên, nghiêng nó đi rồi vần xuống biển. Chiếc lồng hạ xuống nước ở độ sâu vài bộ, chừng nào dây thừng còn cho phép. Sau đó chiếc lồng lơ lửng trong nước, chầm chậm dềnh lên hạ xuống cùng với sóng. Ba người đàn ông đứng bên lan can nhìn xuống nước.

– Sao anh lại nghĩ rằng cá mập nhận thấy cái lồng và bơi lên mặt nước? – Brody hỏi.

– Tôi không bảo “bơi lên”, – Hooper đáp. – Tôi bảo “xuất hiện”. Tôi nghĩ rằng nó sẽ xuất hiện để xem chiếc lồng có thể ăn được không.

– Có như thế cũng chẳng ăn thua gì, – Quint góp lời. – Tôi không phóng đúng cá mập được, nếu nó ở độ sâu mười hai bộ.

– Nếu cá mập ở đây, – Hooper nói, – thì chắc nó sẽ ló mặt lên mặt nước. Giờ ta không có cách lựa chọn nào khác.

Nhưng cá mập không xuất hiện. Chiếc lồng thong thả đung đưa trong nước.

– Nó xơi thêm mất một mồi nữa rồi, – Quint vừa nói vừa chỉ tay về phía trước. – Nó kia kìa, đích xác như vậy. – Ông ta vươn người ra phía ngoài lan can và kêu to: – Chém cha cái thứ mày! Nào, có giỏi thì cứ thò mặt ra để, để tao cho mày biết tay!

Mười lăm phút sau Hooper nói:

– Thôi được. – Và xuống hầm tàu. Mấy phút sau anh ta đã lên với chiếc máy quay phim trong bao không thấm nước và Brody thấy hình như có cả cây gậy con, phía đầu lủng lẳng dây da.

– Anh định làm gì đấy? – Brody hỏi.

– Tôi muốn xuống nước. Có thể tôi sẽ thu hút cá mập.

– Anh điên rồi. Nếu nó lù lù xuất hiện thì sao?

– Thì đầu tiên tôi sẽ làm vài pô ảnh. Sau đó sẽ tìm cách giết nó.

– Xin hỏi anh lấy cái gì để giết?

– Lấy cái này đây, – Hooper giơ gậy lên.

– Ý nghĩ tài ba thật, – Quint cười khùng khục, vẻ châm chọc. – Nếu cái roi của ông không làm việc thì anh cứ việc cù nó cho nó chết.

– Cái gì thế này? – Brody hỏi.

– Một số người gọi cái “roi con” này là gậy bắn. Một số khác thì gọi là vũ khí tiếp xúc tự động. Đây là súng săn dưới nước. – Hooper nắm lấy hai đầu gậy, tháo nó ra làm hai phần. Anh ta vừa nói vừa chỉ ổ đạn. – Đạn cỡ mười hai được lắp vào đây. – Anh ta lấy trong túi ra viên đạn và ấn nó vào ổ đạn, sau đó lại nối hai phần gậy vào với nhau. – Nếu con cá tiến lại khá gần rồi, thì chỉ cần đâm đầu vũ khí này vào con cá thì nó sẽ nhả đạn. Nếu trúng vào chỗ hiểm duy nhất ở não thì mới giết được con cá.

– Giết được cả con cá to như thế?

– Có lẽ. Nếu trúng đích.

– Còn nếu không? Giả sử anh trượt, chỉ lệch độ một tí thôi.

– Tôi sợ như thế đấy.

– Đến tôi cũng sợ ấy chứ, – Quint chêm vào. – Một con to như con khủng long nặng năm nghìn pao giận dữ toan ăn thịt anh thì có gì hay ho.

– Tôi lo là cái khác kia, – Hooper nói. – Nếu tôi trượt thì chỉ sợ nó đâm hoảng thôi. Nó sẽ lặn xuống đáy và chúng ta chẳng bao giờ biết được nó có ngoẻo hay không.

– Hiện giờ nó chưa ăn thịt thêm người nào nữa, – Brody nói.

– Đúng rồi.

– Anh mất hết trí khôn rồi, – Quint nói.

– Sao ông lại cho là như vậy? Cho đến giờ ông cũng vẫn chưa xử lý được con cá này. Chúng ta có thể phất phơ ở đây cả tháng trời, còn nó sẽ vẫn cứ tiếp tục nuốt mồi ngay dưới mũi chúng ta.

– Nó còn nổi lên, – Quint nói. – Hãy nhớ lời tôi.

– Ông sẽ chết già trước khi nó nổi lên, ông Quint ạ. Hình như còn cá này đã làm ông sợ. Nó chơi không theo quy tắc gì cả.

Quint nhìn Hooper.

– Ông định dạy nghề cho tôi đấy hả? – ông ta hỏi giọng đều đều.

– Không. Nhưng tôi nói rằng ông không đảm đương nổi việc xử lý con cá này đâu.

– Ra thế. Vậy ông cho rằng ông sẽ làm việc này tốt hơn tôi?

– Ông nghĩ thế nào thì tùy. Nhưng theo ý tôi thì tôi có thể giết được con cá này.

– Nói hay như trong nhà hát ấy: thế thì ra tay đi xem nào.

– Thôi đi, – Brody nổi giận. – Phải cấm anh ta mò xuống nước.

– Việc gì đến ông nhỉ? – Quint ngạc nhiên. – Theo chỗ tôi hiểu thì ông không nên phản đối, cứ để anh ta xuống nước, rồi không bao giờ lên nữa mới được. Ít ra thì thôi không còn…

– Thôi đi! – Brody bị những tình cảm mâu thuẫn nhau ập đến. Hooper sống hay chết thì anh cũng thấy như nhau. Có lẽ, đâu đó trong thâm tâm anh còn hy vọng Hooper sẽ chết. Tuy nhiên kiểu rửa hận ấy hẳn sẽ vô nghĩa lý và chẳng vẻ vang gì. Có thể nào anh thực sự muốn cho anh ta chết không? Không. Hiện giờ thì không.

– Nào, – Quint bảo với Hooper. – Anh chui vào lồng đi.

– Ngay bây giờ đây. – Hooper cởi áo, giày, quần dài và bắt đầu kéo căng bộ quần áo thủy lực. – Khi nào tôi đã vào lồng, anh ta vừa nói vừa xỏ vào ống cao su, – hãy đứng thẳng dậy và đừng rời mắt khỏi tôi. Chắc anh có thể bắn được cá mập nếu nó nhoi lên đủ gần mặt nước. – Anh nhìn sang Quint. – Ông hãy cầm lao sẵn sàng nhé…

– Tôi thừa biết tôi phải làm gì, – Quint đáp lại. – Hãy cứ lo cho bản thân anh đi thì hơn.

Mặc bộ quần áo thủy lực vào rồi, Hooper mới lắp bộ phận điều chỉnh vào cổ bộ đồ lặn, vặn tai hồng lại và mở van. Anh hít vào hai lần để chắc chắn rằng không khí từ các bình chứa tuôn tới đều đặn.

– Nhờ anh khoác bộ đồ lặn vào người cho tôi với, – Hooper nhờ Brody.

Brody nhấc thiết bị lặn lên và giữ nó, đợi Hooper xỏ hai tay qua dây đeo và cái đai lưng. Sau đó nhà ngư học trùm mặt nạ lên đầu.

– Tôi quên mất trọng tải dằn, – Hooper nói.

– Anh quên mất bộ não của mình thì có, – Quint chọc.

Hooper cho tay phải vào dây đai nhỏ của khẩu súng bắn dưới nước và cầm lấy máy quay phim.

– Xong, – anh ta hạ giọng và đi tới lan can. – Các ông hãy nắm lấy dây thừng mà kéo tới khi nào lôi được cái lồng lên khỏi nước. Tôi sẽ mở cửa phía nắp và chui vào trong, sau đó các ông lại hạ lồng xuống. Tôi sẽ không sử dụng các bình khí để ngoi lên, nếu như chưa đứt một cái dây thừng nào đó.

– Hoặc là chưa bị ăn thịt, – Quint nói móc.

Hooper nhìn Quint mỉm cười:

– Cảm ơn cả về việc ấy nữa.

Quint và Brody kéo dây thừng, thế là chiếc lồng nổi lên trên mặt nước.

– Thôi đủ rồi, – Hooper nói, khi cửa lồng đã nhô lên khỏi mặt nước. Anh ta nhổ nước bọt vào mặt nạ, xoa nước bọt khắp mặt kính rồi đeo mặt nạ vào. Anh kiểm tra lại ống dẫn ôxy, cho cái đầu vòi ngậm vào mồm và hít sâu. Sau đó anh nhoài người ra ngoài lan can, đẩy chốt cửa lồng và mở toang nó ra. Sắp quàng chân lên lan can rồi, thì anh bỗng dừng lại.

– Ấy quên mất, – nhà ngư học bỏ đầu ngậm ra khỏi mồm nói. Mặt nạ áp vào mũi Hooper nên giọng nói nghe âm âm như tắc mũi. Nhà ngư học bước trở lại boong và cầm cái quần dài của mình lên. Anh ta lục lọi các túi. Sau đó anh ta mở phécmơtuya chỗ ngực ra.

– Cái gì thế? – Brody hỏi.

Hooper giơ lên chiếc răng cá mập có viền bạc. Giống hệt chiếc răng anh ta đã tặng Ellen. Hooper bỏ chiếc răng vào trong cổ áo.

– Cẩn thận thì hơn, – anh vừa mỉm cười vừa nói. Hooper quay lại thành tàu, cho đầu ngậm vào mồm và giơ chân lên lan can. Anh hít dài một cái và chui thẳng vào cửa lồng mở. Brody vừa quan sát nhà ngư học vừa nghĩ: anh có cần phải biết sự thật về Hooper và Ellen lắm không?

Hooper dừng lại, không chạm tới đáy lồng, duỗi thẳng người ra. Anh vươn tay đóng cửa lại. Sau đó nhìn lên Brody và lấy tay ra hiệu rằng mọi việc đã ổn rồi đứng xuống đáy lồng.

– Chắc là có thể hạ lồng được rồi, – Brody nói. Họ thả dần dây thừng, chiếc lồng chìm xuống cho tới khi cửa nắp cách mặt nước bốn bộ.

– Cầm lấy khẩu súng này, – Quint bảo Brody. – Nó ở cái giá đựng đồ ấy. Đã nạp đạn rồi. – Còn ông ta thì leo lên sống đuôi mà giương lao lên.

Brody xuống phía dưới tìm súng rồi vội vã quay lên boong. Anh kéo khóa nòng cho đạn vào ổ.

– Anh ta có đủ không khí đúng trong bao lâu? – anh hỏi.

– Tôi không rõ, – Quint đáp. – Dù cho cả cái đời anh ta, theo tôi chắc gì anh ta đã kịp xài hết số không khí ấy.

– Cũng có thể ông nói đúng, nhưng ông cũng lại đã bảo rằng không thể đoán được cá mập xử sự như thế nào cơ mà?

– Ừ, nhưng đấy là việc khác. Đây chẳng khác nào dúi tay vào lửa mà lại hy vọng không bị bỏng. Một người bình thường không bao giờ lại hành động như thế.

Hooper đợi chỗ bong bóng sủi sau khi anh lặn xuống tan hết. Nước lọt vào mặt nạ; để làm sạch mặt nạ, anh ngửa đầu ra phía sau, ấn vào lớp kính và mấy lần gắng sức thở mạnh bằng mũi. Anh cảm thấy lâng lâng khoan khoái. Cảm giác tự do và tĩnh tại mà anh vẫn cảm thấy ở dưới sâu lại đến với anh. Anh có một mình trong cảnh yên lặng màu xanh lơ, lấp lánh ánh sáng mặt trời đang nhảy múa trên mặt nước. Chỉ có hơi thở phì phò là vi phạm sự yên lặng ấy – anh nghe tiếng sì sì rất trầm khi hít không khí vào và tiếng sủi tăm óc ách khi thở ra. Nhà ngư học nín thở, thế là sự tĩnh mịch hoàn toàn kéo đến. Không có trọng tải dằn người anh quá nhẹ, khiến anh phải nắm lấy chấn song để thiết bị lặn khỏi va vào cửa phía trên. Anh quay người nhìn con tàu, cái thân xám của nó hơi đung đưa ngay trên đầu. Lúc đầu cái lồng làm anh bực dọc. Nó hạn chế tự do, mà anh thì muốn vẫy vùng thoải mái dưới nước. Nhưng rồi anh sực nhớ ra mục đích xuống đây để làm gì, thì lại thấy sung sướng vì anh có thể cảm thấy an toàn.

Anh đưa mắt tìm cá mập. Hooper biết rằng con cá không thể ở dưới canô như Quint nghĩ. Nói chung nó không thể đứng yên một chỗ hoặc nghỉ ngơi được. Nó phải chuyển động để sống.

Tuy mặt trời chiếu sáng rực rỡ, nhưng tầm nhìn rất tồi, không quá bốn mươi bộ. Hooper từ từ quay người cố phát hiện một cái gì đó trong tối, cố bắt gặp một chuyển động nhỏ nhất. Anh nhìn xuống phía dưới chiếc canô, chỗ đó nước có màu xám chứ không phải xanh, và tiếp xuống nữa thì đen hẳn. Chung quanh không có gì cả. Anh nhìn đồng hồ và tính thấy rằng nếu thở đều đặn thì có thể ở dưới nước được nhiều nhất là ba mươi phút nữa.

Một mồi câu theo đà dòng nước đang mắc lại giữa những chấn song lồng và lủng lẳng trên dây cước, chạm vào mặt nạ. Hooper hất nó ra khỏi lồng.

Anh cúi xuống phía dưới, rồi đã toan đưa mắt đi chỗ khác thì lại cúi xuống ngay. Thẳng tiến đến anh, từ trong màu xanh sẫm xịt, là con cá mập đang ngoi lên chậm chạp và đều đều. Nó bơi lên có vẻ như không cần một nỗ lực nào, giống như con quỷ gieo chết chóc đang bay tới chỗ hẹn tai ương.

Hooper nhìn nó như bị ám thị, trong lòng cảm thấy một mong muốn mạnh mẽ chuồn ngay lên cho nhanh, nhưng anh cảm thấy không thể nhúc nhích cử động gì được. Khi con cá mập đã lại gần, anh kinh ngạc về sắc màu phong phú của nó; từ trên canô nhìn xuống thì nó có vẻ toàn một màu nâu xám, nhưng ở dưới sâu con cá biến đổi hẳn – phần trên của thân nó có màu nâu sẫm của thép, lác đác màu xanh lơ ở những chỗ có ánh mặt trời hắt xuống. Toàn bộ phần dưới của nó phủ màu kem trắng nhờn nhợt.

Hooper muốn nâng camêra lên, nhưng hai tay không chịu sự điều khiển của anh. Còn một chút nữa, anh tự nhủ, còn một chút nữa.

Con cá mập tiến lại gần một cách lặng lẽ như cái bóng, và Hooper lùi lại. Đầu con cá chỉ còn cách lồng vài bộ thì nó uể oải xoay ngang và bơi qua trước mắt Hooper, như thể đang hãnh diện biểu thị kích thước và sức mạnh phi thường của mình. Thoạt đầu cái mũi hơi ngang qua rồi đến hàm, hơi hé mở, mỉm cười, được trang bị bởi những dãy răng hình tam giác sứt mẻ, sau đó đến con mắt đen không đáy, rõ ràng là đang hướng thẳng vào anh. Tiếp nữa xuất hiện những rãnh mang – những đường khía không chảy máu trên lớp da thép.

Hooper rụt rè thò tay ra giữa những chấn song và chạm vào sườn nó. Có cảm giác lành lạnh và cưng cứng, không sần sùi, mà nhẵn lì như vinil, Hooper lướt những đầu ngón tay trên thân cá mập, dọc vây ngực, vây hậu môn, cho mãi tới khi rốt cuộc (tưởng chừng con cá dài vô tận) những ngón tay anh chạm tới đuôi.

Con cá mập tiếp tục đi xa khỏi cái lồng. Chỉ còn những tiếng động yếu ớt vọng đến tai Hooper, rồi anh trông thấy ba vòng xoáy thẳng đứng của bọt bong bóng chạy nhanh từ mặt nước xuống, dần dần chậm tốc độ lại, và chẳng mấy chốc mà dừng lại phía trên con cá rất cao. Đường đạn rồi. Không, chưa đến lúc, anh nghĩ bụng. Để nó qua đây một lần nữa, phải thu được nó lên phim. Con cá mập bắt đầu xoay người, những vây ngực uyển chuyển đã đổi góc nghiêng.

– Anh ta lần lữa làm khỉ gì thế nhỉ? – Brody nổi cáu. – Sao anh ta không nổ súng đi cho rồi?

Quint không trả lời. Ông ta đứng ở sống đuôi, nắm chặt lao trong tay, mắt nhìn chăm chú xuống nước.

– Bơi đi, con cá ranh, – ông ta nói lầm bầm. – Bơi lại Quint đây này.

– Ông có trông thấy nó không? – Brody hỏi. – Nó đang làm gì đấy?

– Chưa trông thấy gì. Hiện giờ chưa thấy gì.

Con cá mập ẩn vào lòng nước, nó đã biến thành một đốm màu xám bạc nhờ nhờ đang vẽ một vòng lượn. Hooper cầm lấy camêra và ấn nút. Anh biết rằng sẽ không quay phim được, nếu như con cá mập không tiến lại lồng một lần nữa, mà anh vẫn ao ước chụp được con cá khổng lồ vào đúng cái giây phút nó từ trong bóng tối xuất hiện.

Khi nhìn kính ngắm, anh thấy con cá mập đã quay lại. Nó chuyển động nhanh, quẫy đuôi thật mạnh, hàm khi thì mở ra, khi thì đóng lại, dường như nó thiếu không khí. Hooper nâng tay phải thay đổi tiêu cự. Đừng quên lấy lại tiêu cự khi con cá xoay người, anh tự nhủ.

Nhưng con cá không xoay người. Toàn thân nó rung rung khi bơi lại phía Hooper. Con cá quật đầu vào lồng, thò mõm vào giữa hai chấn song và làm chúng giãn ra. Nó húc vào ngực Hooper rồi lại trở lui. Camêra tuột khỏi tay nhà ngư học, đầu vòi thở rơi ra khỏi mồm. Con cá xoay ngang và sau khi đập cái đuôi khỏe của nó, đã đè cái thân to tướng của nó sâu vào trong lồng. Hooper quờ quạng tay quanh đầu, cố tìm đầu vòi thở, nhưng không tài nào thấy. Lồng ngực nhà ngư học như muốn vỡ ra vì thiếu không khí.

– Nó đang tấn công! – Brody hét. Anh nắm lấy dây thừng, mắm môi mắm lợi kéo về phía mình, cố kéo lồng lên một cách vô vọng.

– Quỷ tha ma bắt ông đi! – Quint gào lên. – Bỏ dây thừng ra! Bỏ dây ra!

– Tôi không thể bỏ được! Tôi phải lôi anh ta lên mặt nước! Ông cũng phải kéo một tay đi chứ!

Con cá mập trườn lùi lại khỏi lồng, đột ngột quay phải và bắt đầu đi vòng quanh lồng. Hooper vòng tay qua đầu, sờ thấy ống thở và vuốt tay theo ống để tìm đầu ngậm. Anh dúi đầu vòi ngậm vào mồm và quên thở ra mà cứ thế hít không khí vào. Cùng với không khí có cả nước lọt vào phổi. Hooper bị tắc họng và nghẹn thở, cho mãi tới khi hút sạch được đầu vòi anh mới hít được một hơi thật hấp tấp. Chỉ sau đó nhà ngư học mới nhận thấy cái khe rộng giữa các chấn song và trông thấy một cái mõm to tướng đang thò vào. Anh huơ tay lên phía trên đầu để cố bám lấy chấn song cửa.

Con cá húc mình vào khe, cứ mỗi lần quẫy đuôi là nó lại làm giãn chấn song ra một ít. Hooper áp lưng vào thành sau của lồng, anh nhìn thấy cái hàm đang vươn về phía anh. Anh bỗng nhớ tới khẩu súng, cố hạ tay phải xuống để nắm lấy súng. Con cá mập lại húc một cú, khiến Hooper với sự kinh hoảng của kẻ cùng đường, hiểu ra rằng con cá sẽ đớp lấy anh ngay bây giờ. Hàm cá ép vào thân thể nhà ngư học. Hooper như rơi vào sức ép quái đản. Anh rùng mình thụi một đấm vào con mắt đen. Con cá ngậm hàm lại sít hơn và cảnh tượng cuối cùng mà Hooper trông thấy trước khi chết là con mắt cá mập đang nhìn anh qua đám mây máu của anh.

– Nó đớp mất Hooper rồi! – Brody kêu lên. – Ông hãy làm một việc gì đó đi!

– Anh chàng ấy đã chết rồi, – Quint nói.

– Sao ông biết được? Biết đâu chúng ta có thể cứu được Hooper.

– Anh ta chết rồi.

Con cá mập lùi ra khỏi lồng, hàm vẫn ngậm Hooper. Thân nó run lên, sau khi đập đuôi mạnh, nó chồm về phía trước và bắt đầu ngoi lên cùng với con mồi vừa kiếm được.

– Nó đang ngoi lên đấy! – Brody kêu to.

– Vớ lấy súng! – Quint co cong cánh tay, sẵn sàng ném lao.

Con cá mập nhảy khỏi nước cách canô mười lăm bộ trong đám bọt nước phun lên. Thân thể Hooper trĩu xuống ở hai bên hàm cá: đầu và tay mất sinh khí lủng lẳng một bên, chân thì ở bên kia.

Con cá nhảy khỏi nước cả thảy có mấy giây, nhưng Brody có cảm tưởng như qua lớp kính mặt nạ anh nhận thấy đôi mắt chết đờ dại, mở to của Hooper. Trong khoảnh khắc con cá lặng đi trên không với vẻ đắc thắng, tựa hồ nó ném ra lời thách thức chết chóc đối với con người và đồng thời biểu thị sự khinh bỉ đối với con người.

Brody vớ lấy súng trong khi Quint phóng lao. Cái bia như thế thì khó mà không trúng cho được: bên thành tàu cái bụng to tướng của cá mập lồ lộ màu trắng. Ngọn lao bay cao hơn con cá một tí, bởi vì con cá đã bắt đầu lặn xuống đáy.

Con cá còn ở trên bề mặt một khoảnh khắc nào đó, phía trên mặt nước trông thấy rõ cái đầu cùng với thân thể Hooper lủng lẳng thò ra hai bên hàm.

– Bắn đi! – Quint gào lên. – Trời ơi, bắn đi chứ!

Brody nổ súng không ngắm. Hai viên đạn đầu tiên cắm vào nước ở phía trước con cá mập. Viên thứ ba, điều này thật khủng khiếp đối với Brody, đã trúng vào cổ Hooper.

– Cái đồ ông này, đưa tôi cái thổ tả kia đây, – Quint gầm lên và giật súng khỏi tay Brody. Ông ta nhanh chóng kê súng lên vai và bắn hai phát. Nhưng con cá đã lẩn xuống nước và dửng dưng nhìn họ. Đạn cày đúng chỗ chỉ vừa mới thấy đầu cá nhô lên. Không một tiếng động, ngoài tiếng rì rào của ngọn gió nhẹ. Phía trên chiếc lồng nom vẫn nguyên vẹn. Nước lại êm lặng. Chỉ có Hooper là đã không còn sống nữa.

– Làm gì bây giờ? – Brody hỏi. – Vì mọi điều linh thiêng, ông hãy nói xem chúng ta có thể làm được gì? Chắc lại phải quay vào bờ.

– Quay vào, – Quint đáp. – Chỉ có điều để một lúc nữa.

– Để lúc nữa? Ông lại nghĩ ra trò gì thế? Chúng ta đành bất lực rồi, không trị được con cá này. Nó là yêu quỷ của địa ngục đấy.

– Chịu hàng à, ông bạn?

– Tôi xin hàng rồi. Chỉ còn một cách: ngồi yên đợi khi nào Chúa Trời, hay tự nhiên, hay là kẻ nào đã thả con quỷ này xuống thị trấn ta, quyết rằng chúng ta khổ sở đến thế là đủ. Việc này vượt quá sức con người.

– Vượt quá sức con người, nhưng không vượt quá sức tôi, – Quint lên tiếng. – Tôi sẽ diệt con quái này.

– Tôi nghĩ rằng sau tai họa hôm nay tôi sẽ không xin được thêm tiền nữa đâu.

– Không cần tiền nong gì cả. Bây giờ cái đó không phải là mối quan tâm của tôi nữa.

– Cái gì? – Brody nhìn Quint; chủ tàu đứng phía đuôi, phóng tầm mắt ra chỗ mới lúc nãy còn nhô lên đầu cá mập. Dường như ông ta đang đợi là con cá có thể hiện lên vào bất cứ giây phút nào răng ngậm cái xác bị xé nát. Quint chăm chú nhìn ngắm đại dương, với mong muốn thôi thúc lại được đọ sức với con mãnh ngư đáng sợ.

– Tôi sẽ giết con quỷ này, – Quint bảo Brody. – Anh có thể đi với tôi nếu muốn hoặc có thể ở nhà. Nhưng thế nào tôi cũng giết được nó.

Trong khi Quint nói, Brody không thể rời cái nhìn khỏi đôi mắt ông ta. Có vẻ như nó cũng đen và không đáy như của cá mập.

– Tôi sẽ đi với ông, – Brody đáp. – Tôi không còn lối thoát nào khác.

– Phải. Chúng ta không còn lối thoát nào khác. – Quint rút dao ra khỏi bao và chìa cho Brody. – Đây. Thôi ta hãy cắt bỏ cái lồng, đã đến lúc quay lui rồi đấy.

***

Con tàu cập vào bến. Brody lên bờ và bước lại chiếc ôtô của mình. Ở lối ra của bến có một trạm điện thoại, anh dừng lại cạnh đấy vì sực nhớ là mình muốn gọi cho Daisy Wicker. Nhưng anh nén cái mong muốn ấy lại và lại đi về phía chiếc xe. “Để làm gì cơ chứ? – anh thầm nghĩ. – Nếu như giữa hai người có cái gì đó với nhau, thì bây giờ mọi sự cũng đã qua rồi”.

Tuy nhiên trên đường về Amity, cái ý nghĩ về việc Ellen có thái độ ra sao đối với cái chết của Hooper, đã được lực lượng cảnh vệ bảo vệ cho biết, không để cho anh yên. Quint đã liên lạc với bờ từ trước khi họ về bỏ neo, và Brody đã yêu cầu người trực báo cho Ellen biết anh vẫn bình an vô sự.

Khi Brody về đến nhà thì Ellen đã thôi khóc từ lâu. Nước mắt tuôn ra đau xót, cay đắng, chị thương Hooper không phải vì quá yêu anh ta, mà chẳng qua vì Hooper lại là một nạn nhân nữa của con cá đáng nguyền rủa, và Ellen đau khổ vì cảm giác bất lực. Sự phá sản của Larry Vaughan còn làm chị đau buồn hơn nhiều. Vaughan là một người bạn gần gũi, đáng mến. Còn Hooper chỉ là một “người tình” theo cái nghĩa nông cạn, thô thiển nhất của từ đó. Chị không quyến luyến sâu sắc với anh ta. Ellen chỉ biết ơn Hooper về những thời gian dễ chịu giữa hai người và không coi mình phải ràng buộc gì với anh ta. Chị buồn vì nhận được tin anh ta đã chết, tuy rằng chị cũng sẽ có những xúc cảm hệt như thế nếu hay tin David chết. Đối với chị cả hai người đã là dĩ vãng xa xôi.

Ellen nghe thấy tiếng ôtô của Brody về nhà, chị bèn ra mở cánh cửa trông ra sân. Trời ơi, Martin mới phờ phạc làm sao, chị vừa quan sát chồng đi vào vừa nghĩ. Đôi mắt đỏ ngầu trũng xuống, hai vai buông thõng.

Ellen hôn chồng ở cửa vào.

– Em cho là anh phải uống rượu cho lại sức.

– Ừ, ý kiến cũng hay. – Anh bước vào phòng khách và thả phịch người xuống ghế.

– Rót cho anh gì nào?

– Gì cũng được. Cốt nhiều nhiều và mạnh mạnh một tí.

Chị đi xuống bếp, rót một cốc, trộn vốtca và nước cam bằng nhau rồi đưa lên cho chồng. Sau đó chị ngồi lên thành ghế mà Martin đang ngồi và vuốt ve đầu anh.

– Đây rồi, cái mảng hói của anh, – Ellen vừa nói vừa mỉm cười. – Đã lâu lắm em không vuốt ve anh, quên cả cái mảng hói này.

– Tài thật, tại sao chỗ tóc còn lại của anh chưa rụng nốt nhỉ. Trời đất ạ, chưa bao giờ anh cảm thấy mình già nua và bất lực như thế này.

– Ừ nhỉ. Nhưng không sao, bây giờ mọi chuyện đã qua cả rồi.

– Giá được như thế. Anh ao ước được như thế biết mấy.

– Anh nói gì cơ? Mọi sự đã kết thúc, có phải thế không nào? Anh chẳng còn sức để làm gì nữa.

– Ngày mai bọn anh lại ra biển. Đúng sáu giờ sáng.

– Anh nói đùa.

– Không đâu.

– Để làm gì? – Ellen bàng hoàng. – Anh có thể còn làm cách gì nữa?

– Để bắt cá mập. Và giết nó.

– Anh tin là thành công à?

– Không tin lắm. Nhưng Quint thì tin. Trời đất, ông ta tin lắm.

– Thế thì cứ để ông ta đi một mình. Để bản thân ông ta chết thôi.

– Anh không thể từ chối được.

– Tại sao?

– Đấy là công việc của anh.

– Đấy không phải việc của anh! – Trong Ellen bừng lên sự giận dữ và sợ hãi, mắt chị ứa lệ.

– Ừ, em nói đúng, – sau khi suy nghĩ một chút, Brody nói.

– Thế thì tại sao anh lại không thể ở nhà được?

– Khó giải thích lắm. Có lẽ chính anh cũng chẳng hiểu ra làm sao cả.

– Anh muốn chứng minh một cái gì đó cho chính mình?

– Cụ thể. Anh không rõ. Sau cái chết của Hooper anh đã sẵn sàng vứt bỏ tất cả.

– Vậy cái gì đã làm anh đổi ý?

– Có lẽ là tại Quint.

– Anh muốn nói là ông ấy đã áp đặt ý mình lên anh?

– Không. Ông ấy không nói gì với anh cả. Anh chỉ thấy… không biết nói thế nào nhỉ. Nhưng không thể từ bỏ cuộc đọ sức này được. Như thế chúng ta sẽ chẳng thoát được cá mập.

– Nhưng tại sao chính anh lại phải mang thân ra giải thoát cho thị trấn?

– Khó nói lắm. Đối với Quint thì giết cá mập là vấn đề danh dự.

– Vâng, thế còn đối với anh?

– Anh chẳng qua chỉ là một cảnh sát lẩm cẩm, – Brody cố mỉm cười.

– Anh đừng đùa với em như vậy! – Ellen thốt lên và nước mắt chị trào ra. – Thế còn em và các con thì sao? Anh muốn tìm kiếm cái chết à?

– Không, lạy trời, không! Chẳng qua…

– Anh ôm đồm quá nhiều vào thân đấy. Anh cứ cho rằng một mình anh có lỗi trong mọi chuyện.

– Trong chuyện gì?

– Trong cái chết của cậu bé và ông già. Anh cứ tưởng rằng nếu giết được cá mập thì mọi cái sẽ lại như trước kia. Anh muốn trả thù con cá mập.

Brody thở dài.

– Có thể là như vậy. Anh không rõ. Anh cảm thấy… anh tin rằng chỉ có thể cứu được thị trấn nếu như diệt được con quái này.

– Thế nên anh sẵn sàng liều thân, chỉ cốt để…

– Đừng có ngớ ngẩn. Anh không muốn chết. Nói chung anh không muốn ra khơi trên chiếc canô chết tiệt ấy. Em cứ tưởng anh lông bông ngoài biển và khoan khoái lắm hả? Anh phát ớn lên vì sợ rồi.

– Thế thì anh còn đi để làm gì? – Trong giọng nói Ellen vang lên sự cầu khẩn. – Anh chỉ nghĩ đến anh thôi.

Brody sửng sốt. Chưa bao giờ trong đầu anh có thể có ý nghĩ rằng anh bị buộc tội là ích kỷ, anh chẳng đã làm hết sức để chuộc lỗi của mình đó sao?

– Anh yêu em, – Brody nói. – Em biết điều đó… dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa.

– Yêu với chả đương, – chị cay đắng nhận xét. – Thế cũng gọi là tình yêu đấy.

Suốt bữa ăn hai người im lặng. Khi ăn xong, Ellen thu dọn bát đĩa bẩn đi rửa rồi lên gác. Brody vào phòng khách tắt đèn. Anh vươn tay về phía công tắc để tắt đèn phòng ngoài thì nghe có tiếng gõ cửa khe khẽ. Brody ra mở cửa và trông thấy Meadows.

– Chào Harry. Vào đi.

– Không. Muộn lắm rồi. Tôi chỉ muốn mang lại cho ông cái này. – Ông ta chìa cho Brody một phong bì to màu vàng nhạt bằng giấy dày.

– Cái gì thế này?

– Cứ mở ra sẽ thấy. Chúng ta sẽ thảo luận ngày mai.

Meadows quay gót bước ra phía lề đường, nơi chiếc ôtô của ông đang đỗ, đèn pha vẫn sáng và động cơ vẫn nổ.

Brody khóa cửa lại và mở thư ra. Phía trong là bản in thử cột đầu của số báo “Leader” ra ngày mai. Hai bài xã luận được khoanh đậm bằng bút dạ đỏ. Anh đọc:

NHỮNG LỜI BUỒN ĐAU

Ba tuần vừa qua Amity đang trải qua hết thảm họa này đến thảm họa khác. Cư dân và bạn bè của thị trấn choáng váng vì một nguy cơ khủng khiếp mà không ai có thể ngăn ngừa hoặc lý giải được.

Hôm qua con cá mập trắng khổng lồ đã cướp đi thêm một sinh mạng nữa. Matt Hooper, nhà hải dương học trẻ tuổi của Woods Hole đã hy sinh, trong khi cố gắng diệt con mãnh ngư hung hãn này.

Hooper xử sự có khôn ngoan không khi bước vào cuộc đọ sức tuyệt vọng với cá mập, điều đó còn có thể bàn cãi. Nhưng cho dù chúng ta có gọi hành động của anh là gì đi nữa – can đảm hay mất trí, thì cũng không thể có hai ý kiến: Hooper đã dám liều, sự mạo hiểm ấy đã dẫn đến kết cục bi thảm, chính là vì những động cơ cao thượng. Không tiếc thời gian và phương tiện của cá nhân, anh đã muốn giúp đỡ những người dân đang tuyệt vọng của Amity thoát khỏi con cá mập ăn thịt người.

Anh là người bạn của chúng ta và đã hiến dâng cuộc đời mình để chúng ta, đồng loại của anh, được sống yên ổn.

…VÀ NHỮNG LỜI BIẾT ƠN.

Kể từ khi con cá mập sát nhân xuất hiện ở vùng biển Amity, có một con người không giây phút nào quên bổn phận công vụ của mình và hết sức tận tâm bảo vệ đồng bào của mình. Đó là cảnh sát trưởng thị trấn Martin Brody.

Sau khi hay tin về nạn nhân đầu tiên của cá mập, Brody đã muốn thông báo cho dân chúng thị trấn biết mối nguy hiểm và đóng cửa các bãi tắm. Nhưng phản đối lại anh có cả một dàn đồng ca của những giọng nói kém sáng suốt hơn, kể cả giọng nói của chủ bút tờ báo này. “Đừng sợ, mọi chuyện sẽ lại bình thường thôi mà”, – các bậc phụ mẫu của thị trấn đã thuyết phục cảnh sát trưởng như vậy. Nhưng chúng ta đã sai lầm.

Có kẻ ở Amity vẫn không chịu rút bài học về biến cố đã xảy ra vội. Sau lần tấn công thứ hai của cá mập, Brody lại đòi phải đóng các bãi tắm, nhưng đã bị lăng mạ và đe dọa. Những kẻ phê phán anh gay gắt nhất không phải được chỉ đạo bởi lợi ích xã hội, mà bởi lợi lộc cá nhân. Nhưng Brody tiếp tục bảo vệ ý kiến của mình và đã chứng tỏ là đúng.

Hiện giờ anh đang mạo hiểm cả tính mạng bằng việc tham gia đội săn bắt cá mập, mà trong đó Matt Hooper đã hy sinh. Tất cả chúng ta đều phải cầu nguyện cho anh trở về bình yên và bày tỏ lòng biết ơn đối với anh về sự dũng cảm và trung thực hiếm có.

– Cám ơn Harry, – Brody chân thành thốt lên.

***

Gần nửa đêm gió đông bắc thổi mạnh, – nó gào rú lọt qua các cửa sổ mắt cáo và cửa ra vào. Gió mang theo mưa rào, những hạt mưa lọt vào phòng ngủ. Brody trở dậy ra đóng cửa sổ. Anh cố chợp mắt lại lần nữa, nhưng trong bộ óc căng phồng vần vũ những ý nghĩ không lành. Anh lại trở dậy, quàng áo khoác ra ngoài, đi xuống phòng khách mở vô tuyến. Anh chuyển các kênh cho đến khi tìm được một bộ phim “Kỳ nghỉ cuối tuần ở khách sạn Waldorf” với sự tham gia của Ginger Rogers. Sau đó anh ngồi vào ghế bành và ngủ gà ngủ gật ngay.

Anh tỉnh dậy lúc năm giờ sáng vì tiếng réo của bản lưới thử hình trên tivi. Anh tắt tivi và lắng nghe tiếng gió gào ngoài cửa sổ. Gió đã ngớt và hình như, bây giờ lại thổi từ hướng khác, nhưng mưa vẫn cứ tuôn, tuôn mãi. Anh đã nghĩ có nên hoãn chuyến đi với Quint không, nhưng nhớ ra là có gọi điện cho chủ tàu cũng vô ích: phải ra khơi, cho dù trời có nổi bão đi chăng nữa. Anh lên gác và khẽ khàng mặc quần áo. Trước khi rời phòng ngủ, anh nhìn Ellen, chị đang cau mày gì đó trong mơ.

– Quả thực anh yêu em, em cũng biết điều ấy mà, – anh thì thầm rồi hôn lên trán vợ. Anh bắt đầu xuống cầu thang, bỗng anh muốn rẽ vào phòng các con để nhìn mấy đứa trẻ. Chúng đang ngủ.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN