Hận Vàng Ấn Độ - Chôn Sống Trong Hang Núi
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
151


Hận Vàng Ấn Độ


Chôn Sống Trong Hang Núi



Giọng nói không quen lắm song Văn Bình có cảm tưởng là đã được nghe một vài lần. Chàng vốn có trí nhớ phi thường, chỉ nghe âm thanh lạ, nhất là giọng nói lạ một lần là nhớ hàng chục năm không quên. Bởi vậy, chàng mới nghe giọng nói, chưa nhìn rõ mặt người nói, mà vẫn đoán biết được hắn là ai. Chàng khó thể nhận lầm. Kẻ vừa há miệng cười nham nhở sau lưng chàng, và vừa thốt ra một câu khinh bạc là một trong các nhân viên cận vệ của đại tá Bani.

Văn Bình đã gặp hắn trong tòa biệt thự gần bãi biển ở ngoại ô Bombay. Hắn là hidờra thì phải vì hắn có tấm thân mảnh mai, và đều đặn ở những bộ phận mà đàn bà cần đều đặn. Loại ái nam ái nữ này chưa đáng là đối thủ so tài ngang ngửa với chàng, bởi vì – tạo hóa kể ra cũng oái oăm – bọn hidờra học nội ngoại công giỏi đến mấy cũng chẳng ăn thua vì tình trạng nửa trai nửa gái của họ đã làm họ mất đi một phần thiên chất võ thuật.

Giá tên cận vệ hidờra thủ khẩu súng nghênh ngang trong tay Văn Bình cũng không thèm đếm xỉa, phương chi hắn lại đối phó với chàng bằng miệng cười và vẻ mặt hiền như cục đất. Chàng thản nhiên nhìn hắn: hắn trạc 25 là cùng, dưới ánh sáng lân tinh của bụi rậm mặt hắn còn nguyên vết phấn son đàn bà, lông mày hắn trước kia chắc là lông mày chổi sể rầm rì giờ đây chỉ còn lại một vệt đen dải mỏng dính vẽ bằng bút chì mỡ, mắt cũng tô màu, thậm chí trên trán cũng có nút ruồi tròn trịa đen sì… Hắn đang đứng chống nạnh, cách chàng một xải tay. Khi thấy chàng quay lại, hắn bèn suỵt một tiếng nhỏ:

– Anh đừng nói lớn, người ta nghe tiếng.

Văn Bình hỏi:

– Chú là cận vệ của đại tá Bani?

Gã hidờra đáp:

– Vâng. Nhưng tôi đến gặp anh ở đây giờ này không phải do đại tá Bani ra lệnh.

– Vậy ai ra lệnh?

– Lát nữa, anh sẽ rõ.

– Tôi cần biết ngay tức thời. Nếu anh không nói, tôi sẽ vặn họng, bắt anh nói.

– Bị anh vặn họng, tôi còn họng ở đâu mà nói được nữa. Anh nên khiêm tốn một chút thì tốt hơn. Vì trước khi gặp anh, chúng tôi đã nghiên cứu và bố trí chu đáo.

– Chú là bóng đen hồi nãy trước cửa động?

– Đúng. Biết tính anh tò mò nên tôi phải lập mưu dẫn qua rừng đến đây.

– Để làm gì?

– Anh đã thấy tận mắt những điều anh không ngờ được. Anh đã thấy tận mắt Hồng Lang làm tình với nữ trưởng đoàn Hồng Nương.

– Loạn luân là chuyện tồi bại, nhưng không phải là hiếm có trong xã hội ưa chuộng vật chất này. Tôi nhìn nhận là hành động loạn luân của họ làm tôi sửng sốt và phẫn nộ. Nhưng tôi không tin thượng cấp của chú sai chú đưa tôi đến đây chỉ để chứng kiến hai anh em ruột làm tình.

– Đúng. Giờ đây mời anh theo tôi.

– Đi đâu?

– Chỉ quanh quẩn trong khu rừng.

– Tôi không thể vắng mặt quá lâu. Mọi người trong thạch động sẽ nghi ngờ.

– Hai anh em họ Hồng là nhân vật quan trọng hơn anh nhiều vậy mà giờ phút này họ còn say sưa trong đền… Vả lại, có ai biết anh vắng mặt nữa cũng chẳng sao. Nào, anh đi hay không? Thượng cấp đang chờ, tôi không thể đến chậm…

Văn Bình muốn hỏi “thượng cấp của chú là ai, thượng cấp của chú gặp tôi về việc gì?…” song gã cận vệ hidờra đã xấn lên trước, rẽ đám lau lách dẫn đường. Cử chỉ thành thạo của hắn chứng tỏ hắn quá quen thuộc các lối đi quanh co, hiểm hóc trong rừng. Nghĩa là vùng khảo sát A-5 không phải là địa điểm đèo heo hút gió, con người văn minh chưa hề đặt chân tới như người ta đã nói với chàng…

Gã hidờra không đợi chàng đồng ý và bước theo, vì trong thoáng mắt hắn đã biến vào bóng đêm pha trộn sương mù. Hắn quả là kẻ lão luyện, sau bề ngoài ái nam ái nữ yếu đuối, hắn đã nắm được “tẩy” chàng, và biết trước chàng sẽ đồng ý. Hắn lại biết trước chàng không dám thượng cẳng tay hạ cẳng chân với hắn.

Văn Bình đành lướt qua đám cỏ sắc và bám gót gã hidờra. Hắn bước nhanh như chạy. Lực sĩ Á vận cũng vị tất bước nhanh và dai “phông” bằng hắn. Chàng chỉ thấy bàn chân hắn dật dờ trên mặt đất cứng. Nếu chàng chưa đạt tới bậc thày về nghệ thuật khinh công, chàng đã bở hơi tai mới bắt kịp hắn. Thế mới biết trong mặt mà bắt hình dong thường sai tuốt luốt… chàng đinh ninh gã hidờra chỉ là tay mơ, chưa đụng đã lăn cù, kỳ thật hắn là võ sĩ hữu hạng. Vì phải là võ sĩ hữu hạng mới học được nghệ thuật khinh công.

Trong chốc lát, hai người đã đến một thạch động nửa tối, nửa sáng. Thạch động không xa ngôi đền bao nhiêu, nhưng vì phải vòng quanh và trèo núi nên cuộc hành trình kéo dài gần 15 phút. Đến nơi, gã hidờra đứng lại, vẻ mặt vẫn thanh thản không hề thở mạnh. Giá là người khác thì đã thở hồng hộc, bồ hôi vã ra như tắm… tuy vậy hắn cũng không kinh ngạc khi thấy Văn Bình có vẻ mặt ung dung như hắn. Chắc hắn không lạ gì chàng. Hắn chỉ mỉm cười và nói, giọng khao khao, giống giọng đàn bà:

– Thảo nào người ta vời đến anh…

Văn Bình nhún vai:

– Về khinh công, chú giỏi hơn tôi nhiều.

Gã hidờra cười the thé:

– Đâu dám… Người ta nói với tôi rằng tài khinh công của anh ăn đứt các võ sư chuyên về khinh công ở châu-Á. Thượng cấp của tôi còn phải bái phục thì tôi chỉ là hạt bụi. Nào, mời anh bước vào…

Hang đá sâu hun hút, gió khuya thổi chạm hai bên vách đá kêu thành tiếng lanh tanh. Cửa động chỉ nhỏ bằng một người lực lưỡng chui lọt, chứ không lớn như cửa động A-5, nơi phái đoàn đóng trại. Nhưng, bên tron thạch động lại rộng rải không kém, trần động cao vút như đỉnh núi vươn đến tận trời, mắt nhìn không thấu. Luồng nhỡn tuyến bén sắc của Văn Bình cũng không chạm vách động mặc dầu gã cận vệ ái nam ái nữ đã chiếu đèn bấm, cây đèn bấm cực mạnh chạy bằng điện nhà, sáng hơn cả đèn bấm 3 pin.

Nền hang đá lồi lõm và trơn trợt, gã hidờra chĩa đèn bấm xuống đất và bảo chàng:

– Yêu cầu anh cẩn thận, chỉ có một lối đi an toàn ở giữa còn hai bên là vực thẳm, bên trên rêu đen bao phủ nên dễ tưởng lầm là mặt đường… Anh đã thấy rõ chưa?

– Rồi.

Văn Bình đặt gót giày lên những phiến đá hoa cương sù sì màu đen được lót thành nền đường rộng hơn 50 phân tây. Gã hidờra đi trước, chốc chốc lại dừng lại, quay đèn bấm lia lịa thành hình vòng tròn, rồi gõ đế giầy kêu cồm cộp. Căn cứ vào âm thanh cồm cộp, hắn có thể biết chắc là không bước hụt ra ngoài.

Ngoại trừ ánh sáng huyền ảo của những cây thạch nhũ óng a óng ánh trên đầu hai người, và ánh sáng đèn bấm xanh lè, trong hang đá rộng bát ngát không còn ánh sáng nào nữa. Văn Bình chỉ thấy hình thù cao nhẳng của gã cận vệ và những con dơi lớn bằng con quạ ô xòe rộng cánh đen như quạt nan bay lượu vù vù. Chàng chỉ rướn lên, gạt từ trái sang phải hoặc từ phải sang trái, là gã hidờra lăn tòm xuống hố rêu. Hắn sẽ chết ngộp dưới hố. Ngược lại, hắn cũng có thể lừa chàng, chờ chàng mất thế quân bình để quật chàng ngã…

Gã hidờra bỗng phá lên cười, tiếng cười vang ròn trong thạch động thanh vắng:

– Đến nơi rồi, anh đại tá Z.28! Anh quẹo sang bên trái là đến đất cứng, anh đừng ngại, tôi không dám phỉnh gạt anh đâu!

Văn Bình đưa ngón tay lên môi:

– Im. Anh cười vang như lệnh vỡ không sợ người ta nghe tiếng ư?

Gã hidờra vẫn cười oang oang:

– Hừ… khi thì anh gọi tôi là chú, lúc lại tôn lên làm anh. Tại sao không dùng tiếng “em” cho thân mật, hoặc tiếng “cô” cho đúng? Xin nói rõ rằng bọn hidờra chúng tôi được luật pháp cho quyền lựa chọn làm nam hay nữ. Trên căn cước tôi là… đàn bà…

Văn Bình ngắt lời hắn:

– Anh là đàn ông hay đàn bà không can dự đến tôi. Tôi chỉ muốn anh cười nhỏ hơn nữa.

Gã hidờra đáp:

– Cám ơn anh, và xin anh yên trí. Hang đá này có một đặc điểm kỳ quặc, sau khi lọt vào trong anh có thể la hét khàn họng mà bên ngoài không nghe một tiếng nhỏ.

– Vậy tôi thành thật xin lỗi anh.

– Hừ… anh đừng giả vờ xin lỗi mà đánh tôi đấy.

Văn Bình không đáp vì trước mặt chàng một ánh đèn vàng vừa hiện ra. Trong chớp mắt hang đá được thu hẹp lại, vừa bằng căn phòng khách sạn, và ánh đèn lớn vụt lên, từ màu vàng chuyển sang màu xanh rực rỡ của cây đèn măng-sông thắp dầu hôi. Căn phòng trong hang trống trơn, chỉ có những tảng đá xếp thành hàng dài sát vách được dùng làm ghế ngồi.

Và một người đàn ông phục sức gọn gàng từ một hẻm tối trong vách đá khoan thai bước ra.

Thấy Văn Bình, hắn tiến lại bắt tay, niềm nở như thể đã quen chàng từ lâu.

Văn Bình hơi ngạc nhiên, song chỉ một thoáng qua chàng đã bình tĩnh hỏi người đàn ông lạ:

– Tôi là Văn Bình. Còn ông Kônin, ông biến đi đâu mãi bây giờ tôi mới gặp?

Kônin – phải, người đàn ông lạ chính là Kônin, nhân viên phái đoàn Anfa được coi là bị đối phương bắt cóc bí mật trong chuyến đi trước – hơi khựng người vì câu nói đột ngột của Văn Bình. Nhưng hắn đã tươi tỉnh lại ngay:

– Ông thật tài… Tôi sửa soạn hù ông thì ông đã hù tôi trước. Tại sao ông biết tôi là Kônin?

Câu hỏi của Kônin bắt Văn Bình hồi tưởng lại cuộc đối thoại trên xe hơi với đặc phái viên tình báo Mỹ tại Vọng các, trước giờ chàng lên máy bay đi Bombay, dấn thân vào kế hoạch tìm mỏ vàng. Đặc phái viên Giắc kể cho Văn Bình nghe những khó khăn và trở ngại mà phái đoàn Anfa vấp phải. Giắc cũng nhắc đến tên Kônin nhưng chỉ nhắc đến phớt qua, như thể Kônin là nhân viên phái đoàn không mấy quan trọng. Khi chàng gặp Hồng Nương tại Bombay, nàng cũng không đá động nhiều đến Kônin. Nhưng không hiểu sao hình ảnh của Kônin lại vấn vương trong trí Văn Bình. Có lẽ vì lương tâm nghề nghiệp chàng đã đòi được xem ảnh các nhân viên trong phái đoàn Anfa, và hồ sơ cá nhân của từng người, nhất là những người thiệt mạng hoặc biệt tích.

Hình ảnh của Kônin vấn vương trong trí Văn Bình phần nào vì hắn là người đàn ông duy nhất trong phái đoàn có hàm râu quai nón rất đẹp, hắn là người Mỹ chính cống, da dẻ đỏ gay, mắt xanh biết, hàm răng đều đặn, trắng muốt như bằng chất ni-lông. Tuy ở xa thành phố, bộ râu quai nón của hắn vẫn được cạo tỉa khá công phu, hắn lại phè phỡn hút xì-gà, và là xì-gà Mani ngon hạng nhất nên Văn Bình có ngay ý nghĩ Kônin sống sung túc trong rừng rậm, được tiếp tế thường xuyên.

Văn Bình có thể nói dối Kônin là một nguồn tin bí mật cho chàng biết hắn đang lảng vảng trên núi Đề-căn. Song chàng lại bỏ ngay phản ứng này. Chàng lắc bàn tay hắn, vẻ mặt thành thật:

– Giản dị lắm. Vì anh có bộ râu quai nón đặc biệt.

Kônin ngồi xuống ghế đá:

– Vậy hả? Tôi cứ đinh ninh là thằng Giắc xỏ tôi.

– Giắc nào.

– Giắc, đại diện cho đại tá Pít, đại diện cho tình báo C.I.A. trú sứ Thái lan. Trú sứ này thông báo với tôi là Giắc đã gặp anh tại Vọng các và yêu cầu anh đến Bombay gia nhập phái đoàn địa chất Anfa.

– Có vẻ anh biết hơi nhiều.

– Anh ngờ vực tôi phải không? Tôi xin phép anh để được tự giới thiệu. Tôi là nhân viên C.I.A. được ông Sì-mít và đại tá Pít đặc phái tháp tùng phái đoàn Anfa.

– Hân hạnh.

– Vụ này hoàn toàn do C.I.A. đảm nhiệm. Nhưng tôi bất thần bị biệt tích. Đại tá Pít phải nhờ đến anh.

– Có bằng cớ gì chứng tỏ anh là đặc phái viên của ông Sì-mít?

– Gã cận vệ dẫn anh đến thạch động này là cộng sự viên thân tín. Cộng sự viên kín đáo của C.I.A. tuy trên phương diện chính thức hắn là nhân viên đoàn Quạ Đen do đại tá Bani điều khiển. Hắn đã mang bức mật thư của tôi về Bombay trao cho trú sứ C.I.A. và khi trở lại cao nguyên Đề-căn hắn lại mang phúc đáp của trú sứ C.I.A. trao tận tay tôi. Phúc đáp này gồm 2 phần, phần thứ nhất bằng mật mã C.I.A. chỉ riêng tôi hiểu được, phần thứ hai bằng mật mã của Sở Mật vụ nước anh, chỉ riêng anh hiểu được. Trong phần thứ nhất, đại tá Pít ra lệnh cho tôi hợp tác chặt chẽ với anh, vì vậy, tôi sai tên cận vệ tìm cách mời anh đến đây.

Nói đoạn, Kônin rút trong túi ra mảnh giấy trắng đánh máy chữ chi chít. Thoáng nhìn, Văn Bình biết là chỉ thị của ông Hoàng. Chàng ngồi xuống phiến đá, lấy bút chì viết xóa, viết xóa một hồi, rồi viên tròn mảnh giấy, cho vào miệng nuốt.

Sau khi được dịch ra thường ngừ, bức điện này gồm có những giòng như sau:

“HH gởi Z.28

Xác nhận Kônin là nhân viên C.I.A. Sở dĩ tôi gửi điện xác nhận là do sự yêu cầu hỏa tốc của C.I.A. trung ương. Đại tá Pít yêu cầu anh hợp tác với Kônin. Việc này tùy anh quyết định tại chổ. Như mọi lần C.I.A. trả tiền công cho ta. Anh được toàn quyền hành động, miễn sao làm lợi cho ta là được. Thân mến.”

Loại mật mã này, ông Hoàng và Nguyên Hương chỉ dùng trong trường hợp bất khả kháng, phải liên lạc riêng với chàng, qua nhiều trung gian. Và ngoài chàng ra, không nhân viên nào của Sở am hiểu cách “dịch”. Chỉ riêng bức điện, chưa nói đến nội dung của nó, đã chứng tỏ Kônin là đặc phái viên C.I.A. chính cống. Nghĩa là, cũng như mọi lần, C.I.A. chỉ triệu dụng đến chàng sau khi bị hóc xương suýt chết. Nếu Kônin không gặp nạn thì còn “khuya” ông Sì-mít mới chịu (nghiến răng, vuốt bụng) ký chi phiếu cho ông Hoàng để thuê mướn Z.28 “lao công” điệp báo đắt tiền nhất nhì thế giới.

Kônin cười duyên với chàng:

– Anh đã tin cậy tôi chưa?

Chàng đáp:

– Rồi. Trước hết, yêu cầu anh kể lại đầu đuôi nội vụ.

Kônin đằng hắng rồi nói:

– Đại tá Pít cho phép tôi hợp tác trăm phần trăm với anh, nên tôi sẽ không giấu diếm điều gì, mặc dầu, như anh đã hiểu, giữa đồng nghiệp keo sơn với nhau, người ta vẫn thường giấu diếm. Mục đích của cuộc hành trình là vàng, vâng, tìm vàng lẫn lộn trong cát ở cao nguyên Đề-căn. Thứ vàng này gần như nguyên chất, khỏi tốn công lọc phiền phức, khai thác lại dễ dàng chỉ việc tát cạn nước hoặc đào sâu xuống chân núi là xúc lên, cho vào xe. Trong trường hợp những ước tính của các chuyên viên địa chất được xác nhận, nền kinh tế của tiểu bang Bombay và của cộng hòa Ấn độ sẽ thay đổi hoàn toàn. Sở dĩ Quốc tế Khai khoáng Cty vớ được món bở này là do sự ăn chịu từ trước với một số yếu nhân trong chính quyền địa phương, dường như có sự chia chác gì đó. Ông Sì-mít đặc biệt quan tâm vì lẽ Quốc tế Khai khoáng Cty có một số liên hệ với C.I.A., mặt khác vì C.I.A. có bằng chứng về việc các cơ quan gián điệp thù và bạn xía vào công cuộc tìm vàng.

Sự tham dự của tôi được bố trí rất khôn ngoan, tôi chỉ là chuyên viên của Cty, không dính líu đến chính trị, nhưng không hiểu sao vai trò của tôi lại bị bại lộ. Ngay sau khi tôi đặt chân xuống vùng Đề-căn tôi đã bị ám sát hụt.

– Ám sát hụt tại đây?

– Vâng. Đúng 2 giờ đồng hồ sau khi đến nơi.

– Ám sát bằng gì?

– Bằng tên tẩm thuốc độc.

– Tên bằng nhom đặc biệt do hãng Shakespeare chế tạo?

– Vâng. Tại sao anh biết?

– Sau này tôi sẽ giải thích.

– Lời nói của anh làm tôi hết sức thắc mắc. Tôi chập chờn nửa thức nửa ngủ thì bị bắn lén. May thay tôi trở đầu kịp nên mũi tên bị bắn trật ra ngoài. Tôi rút mũi tên ra xem xét, đoạn cất giấu trong hành trang, không cho ai nhìn thấy, và cũng không nói lại cho ai hay, vậy mà anh biết cả tên hiệu của hãng sản xuất…

– Đó là do sự tình cờ. Vì một số nhân viên phái đoàn Anfa ở Bombay cũng bị ám sát bằng mũi tên nhom tương tự.

– Tôi hiểu rồi. Bên trong phái đoàn, đã có một tay thiện xạ ăn lương của địch.

– Theo anh, hung thủ là ai?

– Nếu biết, tôi đã không cầu cứu với trú sứ C.I.A. ở Bombay. Tuy nhiên, tôi có cảm tưởng kẻ địch không phải là cá nhân đơn độc mà là cả một tổ chức hùng hậu có tai mắt khắp nơi và phương tiện đầy đủ.

Văn Bình tủm tỉm cười. Hồi ở Bombay, nữ tiến sĩ Hồng Nương cũng nói bằng giọng đầy lo ngại rằng kẻ địch là một tổ chức hùng hậu với đầy đủ phương tiện hùng hậu. Khi đến Đề-căn, Hồng Nương sống an toàn trong thạch động, chung quanh có nhân viên võ trang canh gác, như thể nàng sợ đối phương đến ăn thịt. Thế mà nàng lại xuất hiện trong ngôi đền hoang phế, múa nhảy lõa thể, bên mình nàng chẳng có ai, ngoại trừ người đàn ông khôi ngô tự nhận là anh ruột nàng…

Kônin không để ý đến lối cười ngọa mạn của Văn Bình. Hắn rít hơi thuốc xì-gà Mani, cặp mắt bâng khuâng:

– Vâng, kẻ địch phải có một tổ chức vô cùng hùng hậu. Vì nếu họ thiếu phương tiện, họ không thể lén mang 4 nhân viên phái đoàn Anfa ra khỏi hang đá, trước mũi của bọn cận vệ túc trực ngày đêm với nhiều võ khí tối tân.

– 4 nhân viên này bị hạ sát trong giấc ngủ?

– Đó là sự suy luận của trưởng đoàn Hồng Nương. Tôi không có mặt trong thạch động đêm ấy nên sau khi tai nạn xảy ra tôi đành phải tin lời nàng.

– Nghĩa là anh không tin 4 nhân viên phái đoàn này đã thiệt mạng thật sự?

– Tôi hoàn toàn không tin, vì đêm ấy không ai nghe tiếng súng nổ, giường ngủ của các nạn nhân cũng không có vết máu. Họ biến mất lẹ làng như thể có pháp thuật.

– Rồi anh bỏ trốn luôn.

– Vâng. Hồng Nương ra lệnh quay về Bombay nội ngày hôm ấy. Tôi lợi dụng lúc mọi người sửa soạn gom góp hành trang và dụng cụ, lẻn ra bên ngoài và núp trong rừng.

– Hồng Nương nói rằng anh cùng lên xe hơi với một người đàn bà.

– Gã hidờra mà anh vừa gặp đã báo cáo với nàng như vậy. Tôi dặn hắn lựa lời đánh lạc hướng tìm kiếm của nàng.

– Tại sao anh bỏ trốn?

– Danh từ “bỏ trốn” không chỉnh lắm. Tôi không tháp tùng phái đoàn về Bombay vì nhiều lý do. Thứ nhất, công tác của tôi tại vùng cao nguyên chưa hoàn tất, tôi có nhiệm vụ ở lại để khám phá ngọn ngành, nhiệm vụ của tôi đã trở nên cấp bách và cần thiết sau khi 4 nhân viên Anfa bị mất tích. Thứ hai, tôi phải nghĩ đến an ninh bản thân. Nếu tôi theo Hồng Nương về Bombay, chắc chắn tôi sẽ bỏ mạng ở dọc đường.

– Anh nghi Hồng Nương?

– Hừ… nghi nàng thì thà tôi nghi tôi cho rồi. Muốn được cử làm trưởng đoàn phải có sự thỏa thuận kín đáo song quyết định của C.I.A., vả lại, còn phải có sự đồng ý tin cậy của ban giám đốc Quốc tế Khai khoáng Cty nữa.

– Trước đây một giờ, lời nói của anh có thể lung lạc được tôi. Giờ đây, tôi không thể tiếp tục tín nhiệm trưởng đoàn Hồng Nương.

– Tôi đã hiểu tại sao anh hết tín nhiệm vì nàng khiêu vũ trần truồng và…

– Dĩ nhiên.

– Té ra là người Á đông mà còn câu nệ hơn tôi nhiều. Khiêu vũ trần truồng thì có gì lạ đâu? Tại sao anh thích tới hộp đêm coi đàn bà đẹp múa thoát y vũ mặt khác anh lại cấm đàn bà đẹp múa tế thần Shiva?

– Hồng Nương múa tế thần ư?

– Phải. Nàng là gái lai Tàu song đã lớn lên ở Ấn độ nên tiêm nhiễm phần lớn phong tục cổ truyền của người Ấn. Nhờ hoàn cảnh và tư chất thông minh nàng được theo học ở ngoại quốc và chiếm được nhiều bằng cấp, nhưng hoàn cảnh xã hội chỉ thay đổi được nếp sống vật chất, chứ khó thể xóa bỏ đầu hôm sớm mai những tập quán đã bén rễ hàng ngàn năm trong tâm linh con người. Đối với các phụ nữ khác thì múa thỏa thân có thể là điều chướng mắt, còn đối với Hồng Nương thì lại là chuyện bình thường. Vì có lẽ anh chưa biết nàng là đĩ-thần.

– Đĩ-thần devadasi?

– Phải. Từ hồi lên 8, 9 tuổi, nàng đã được bán-khoán cho một ngôi đền thuộc giáo phái Shiva ở ngoại ô Bombay. Đến năm 15 tuổi, nàng xuất ngoại theo chồng. Tưởng anh nên biết rằng phụ nữ Ấn am hiểu tình yêu rất sớm. Hồng Nương lại hành nghề đĩ-thần nên nàng lấy chồng năm 15 tuổi kể cũng đã hơi muộn. Anh đã nghe nói nhiều về đĩ-thần, họ không phải là thành phần cặn bã như ở các xã hội khác đâu, ở đây họ rất được trọng vọng. Hồng Nương là đĩ-thần quý tộc nên đã được trọng vọng một cách đặc biệt. Trong thời gian làm đĩ-thần ở đền, nàng đã đi lại với các tu sĩ và một số khách sang, hoạt động tình ái của nàng hồi đó rất bình thường cho đến khi nàng lấy chồng nàng mới mắc một bệnh sinh lý khó chữa.

– Bệnh lãnh cảm?

– Phải, tại sao anh biết? Anh tài thật, cái gì cũng biết. Nếu tôi đoán không sai, anh đã ti toe với Hồng Nương.

– Trật lất.

– Chẳng trật lất chút nào. Anh đừng quên tôi núp ở đây nhưng vẫn có liên lạc mật thiết với Bombay. Bọn tay chân của tôi luôn luôn có mặt ở Bombay. Đêm qua, anh gặp nàng trên bãi biển, sau biệt thự. Nàng có thiện cảm với anh, song cơn bệnh quái ác đang hành hạ cơ thể nàng đành phải cự tuyệt…

– Anh khen tôi biết nhiều. Thật ra, anh mới là kẻ biết nhiều.

Kônin cười:

– Hồng Nương đã dùng nhiều thứ thuốc, tây phương có, đông phương có, song kết quả vẫn chẳng đi đến đâu. Nàng từng chữa điện, từng chịu giải phẫu, gần đây nàng lại chữa bằng thôi miên. Nhưng bệnh lãnh cảm của nàng không hề thuyên giảm. Nàng đinh ninh bỏ chồng, trở lại cuộc sống độc thân, sẽ chữa khỏi bệnh lãnh cảm. Sự thật là bệnh này không những không bớt, mà còn tăng nữa. Nàng chỉ còn một lối thoát duy nhất: trở về với nghề đĩ-thần, vì mỗi lần có dịp múa nhảy trước tượng lingam của thần Shiva nàng cảm thấy phục hồi được phần nào sinh lực.

Nhờ phương pháp này, nàng khỏi bệnh một thời gian. Nhưng nàng đam mê quá độ nên bệnh lãnh cảm tái phát, và lần này phương pháp múa nhảy trước tượng lingam không còn công hiệu nữa. Do đó, nàng trở về Ấn độ, bề ngoài là thăm viếng quê hương thứ hai, nhưng bên trong là để ngụp lặn trong bầu không khí đặc biệt của các ngôi đền Shiva, hầu chữa bệnh sinh lý.

– Nàng không phải là nhân viên thường trực của Quốc tế Khai khoáng Cty?

– Ngược lại. Nàng tốt nghiệp địa chất học hẳn hôi, chứ không phải là chuyên gia ẩu. Ban giám đốc Công ty rất tin cậy nàng, vì trong quá khứ nàng đã chứng tỏ có năng lực nghề nghiệp trong những cuộc thăm dò khoáng sản ở Phi châu nhiệt đới và châu Mỹ la-tinh. Nàng đang nghỉ dưỡng sức ở thủ đô Ấn thì được lệnh của ban giám đốc Công ty tiến hành chương trình tìm mỏ vàng và điều khiển phái đoàn Anfa.

– Còn về anh ruột nàng?

– Hồng Lang ấy à? Chuyện này phức tạp song cũng nên thuật lại đầy đủ để anh khỏi hiểu lầm.

– Tôi có thể hiểu lầm, tuy nhiên tôi không thể nhìn lầm.

– Anh nhìn thấy gì? Nhìn thấy Hồng Nương múa thoát y trong đền Shiva ư? Ngôi đền ở đây được coi là ngôi đền linh thiêng nhất trong vùng, đàn bà mắc bệnh lãnh cảm và đàn ông mắc bệnh bất lực đều cầu xin thần Shiva đều được thần chiếu cố cứu chữa. Ngày xửa, ngày xưa, thần Shiva phiêu du trong 21 địa ngục ở trong lòng trái đất đã nhiều phen biểu diễn tài ân ái của mình, nơi đây là một trong những nơi má thiên bầm của Shiva đạt được nhiều thắng lợi nhất, nên dân chúng địa phương lập đền thờ, và đặc biệt thờ cái lingam bằng đá to lớn. Trải qua nhiều thế kỷ, cái lingam khổng lồ từ dưới đất mọc lên đã bị phủ kín, chỉ còn lại cái chỏm phía trên, và đó là cái bục đá mà anh thấy ở giữa chính điện ngôi đền. Hồng Nương khiêu vũ tế thần trên bục để lấy khước.

– Việc nàng khiêu vũ lõa thể không ăn nhập gì với hành động loạn luân của nàng.

– Loạn luân với ai?

– Hừ… anh mới sống xa đô thị một thời gian ngắn mà đã quên hết. Người cùng một gia đình ân ái với nhau, gọi là loạn luân. Hồng Nương phạm tội loạn luân vì sau khi múa nhảy khỏa thân nàng đã nằm gọn trong vòng tay của anh ruột Hồng Lang, hai người rủ nhau vào bóng tối ngôi đền để ân ái. Như vậy có là loạn luân hay không?

Kônin bỗng ré lến cười. Văn Bình nhìn hắn cười, vẻ mặt ngạc nhiên. Lát sau hắn mới giải thích:

– Không đúng đâu, anh đã hiểu lầm. Sự làm tình này chẳng có gì là loạn luân. Vì Hồng Lang không phải là anh ruột của Hồng Nương.

– Trời ơi! Lão Giắc đã nói với tôi ở Vọng các. Đại tá Bani cũng nói như vậy. Và chính nàng cũng xác nhận Hồng Lang là anh nàng.

– Vì Hồng Lang có giả làm anh ruột của nàng thì mới được theo nàng lên vùng cao nguyên. Nếu không, Sophia đã giữ riệt hắn bên mình ở Bombay.

– Hắn là tình nhân của Hồng Nương?

– Không hẳn là tình nhân, nếu tình nhân có nghĩa là yêu nhau tha thiết. Đúng ra, hai người quen thân nhau từ nhỏ, gia đình Hồng Lang cũng sống ở Bombay, và cũng như nàng. Hồng Lang được bán-khoán cho một ngôi đền thờ thần Shiva. Nàng trở thành điếm-thần, còn hắn trở thành một tu sĩ của đạo Shiva, am tường mọi phương pháp quyến rũ và cung phụng đàn bà. Hồi ở trong đền, nàng từng hiến thân cho hắn: lớn lên; nàng xuất ngoại, hắn cũng bỏ nghề tu sĩ và lưu lạc đi đâu không biết. Rồi hắn gặp lại nàng, mối tình cũ được chắp nối, hắn yêu nàng gì nàng đẹp, và có địa vị xã hội, nàng yêu hắn vì hắn là thanh niên khôi ngô có một không hai, hắn lại là cựu tu sĩ tình đạo, có đủ bản lãnh giúp nàng hưởng lạc.

– Nếu hắn yêu nàng, tại sao hắn còn yêu Sophia?

– Xin anh phân biệt giữa yêu Sophia và yêu cái sản nghiệp khổng lồ của Sophia. Thành thật mà xét, Sophia là người đàn bà thượng lưu, sang trọng, nhưng so sánh về nhan sắc với Hồng Nương thì chẳng thấm tháp vào đâu. Tôi không tin là hắn thật tâm yêu Sophia.

– Hồng Nương và hắn làm tiền?

– Giả thuyết làm tiền khó đứng vững. Hồng Nương là chuyên gia địa chất có tài, riêng tiềng lương, chưa kể đến tiền hoa-hồng đã đủ bảo đảm cho nàng một nếp sống dư dật. Chẳng gì thì Hồng Lang cũng là kỹ sư trường Bách khoa nổi tiếng của Pháp…

– Trường Bách khoa dậy những môn gì?

– Khổ quá, anh còn thích khôi hài nữa ư? Trên thế giới, hễ nhắc đến trường Bách khoa là ai cũng biết danh, lẽ nào anh phải hỏi.

– Sở dĩ tôi thắc mắc là do hai chữ “bách khoa” trường dậy bách khoa tất dậy cả võ thuật và bí pháp điểm huyệt. Vì Hồng Lang rất giỏi võ, đồng thời giỏi điểm huyệt. Anh căn cứ vào đâu để dám quả quyết Hồng Lang và kỹ sư tốt nghiệp đại học Bách khoa của Pháp?

Kônin hơi luống cuống:

– Tôi… tôi…

Văn Bình chặn họng hắn:

– Hiểu rồi. Người ta đã thuật lại với anh.

– Không. Tôi bắt được cuốn nhật ký.

– Của ai?

– Của Hồng Nương. Tôi đọc kỹ từ đầu đến cuối. Nàng có thói quen viết nhật ký. Nàng giấu trong va-li, tôi chờ nàng đi khỏi, lấy ra đọc.

Văn Bình vụt xoay người thành vòng trong 360 độ, mắt nhớn nhác quan sát thạch động:

– Chết rồi. Chết rồi. Anh là thằng ngu.

Kônin trợn tròn mắt:

– Tôi ngu hả? Tại sao anh mắng tôi ngu?

Văn Bình không có thời giờ phân vua với Kônin nữa. Vì giác quan thứ sáu tinh tế của chàng vừa báo nguy. Chàng bỗng có ấn tượng là một tai nạn kinh hồn sắp sảy ra.

Và tai nạn kinh hồn này bắt đầu bằng những tiếng thét kinh hồn từ bên ngoài vọng vào, vang dội trên trần động và vách đá:

– Ối ối…

Những tiếng ối ngân dài làm tóc gáy người yếu bóng vía dựng lên tua tủa. Văn Bình không hề sợ ma, chàng cũng không hề mất tinh thần trước những biến chuyển hung dữ bất ngờ, vậy mà tiếng kêu ối cũng làm châu thân chàng lạnh toát.

Cùng với tiếng kêu cứu lọt vào vành tai nhậy cảm, một mùi khen khét độc đáo thấm qua khứu giác chàng. Mùi khen khét này quá quen thuộc với chàng. Đó là mùi khen khét của ngòi mìn được đốt cháy. Kônin và chàng đang ở trong hang đá sâu hun hút, chỉ cần một trái lựu đạn là đủ, bầu không khí bị tức ép sẽ gia tăng sức công phá, trần động sẽ có thể sụp đổ, hai người sẽ bị đè chết trong khoảng khắc dưới hàng chục tấn đá hoa cương cứng nặng. Phương chi kẻ địch lại cho nổ mìn…

Nghĩa là kẻ địch đã không ngần ngại giết chàng bằng những phương pháp tàn bạo nhất… Nhưng kẻ địch là ai? Kẻ địch phải có cặp mắt thông thiên mới khám phá ra được nơi ẩn núp của nhân viên C.I.A. Kônin, và chờ cho chàng dại dột dẫn xác đến rồi hạ sát tên hidờra gác cửa và châm ngòi mìn…

Không những Văn Bình không có thời giờ phân bua với Kônin, chàng còn không có cả thời giờ tiếp cứu Kônin nữa. Chàng chỉ kịp nhoài người xuống nền động, đá nhọn mọc lởm chởm, miệng gọi:

– Mìn sắp nổ, nằm xuống, Kônin!

Kônin là nhân viên điệp báo được huấn luyện chu đáo có khác, Văn Bình chưa nói dứt câu hắn đã ngồi thụp xuống, chận ngang mình chàng. Văn Bình dán sát bụng vào đá, không để ý đến hàm râu quai nón của Kônin đang cọ vào gáy nhột nhạt, cũng không để ý đến sức nặng của hắn suýt làm chàng ngộp thở. Chàng chỉ quan tâm đến thần Chết đang lơ lửng trên không, sửa soạn úp xuống.

Đuỳnh, đuỳnh… đoàng đoàng…

Đoàng đoàng… ầm ầm… ầm ầm… ầm…

Hàng chục, hàng trăm tiếng đuỳnh đuỳnh, đoàng đoàng và ầm ầm thi đua nổi lên như muốn xé rách màng tai của Văn Bình. Chàng chỉ nghe được có thế. Chàng cũng chỉ biết đuợc đến phút ấy. Vì, như chàng tiên liệu, trái mìn chôn trong kẹt đá đã kéo trần động đổ sụp.

Văn Bình bất tỉnh tức khắc.

Giấc ngủ triền miên đến với chàng thật lẹ làng, thật êm ái. Đánh atêmi vào miên huyệt cũng vị tất lẹ làng và êm ái bằng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN