Hãy Đặt Nàng Lên Tấm Thảm Hoa - ....
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
115


Hãy Đặt Nàng Lên Tấm Thảm Hoa


....



Có tiếng chuông reo nhẹ nhàng. Cô gái tóc bạch kim uyển chuyển đi lại báo cho tôi biết ngài M. Willet sẵn sàng tiếp tôi. Tiếng cô nhỏ nhẹ thì thầm như tiếng tụng kinh trong nhà thờ, trong khi người cô lại có dáng bốc lửa như những cô gái thượng hạng nơi quán rượu. Tôi đi theo cô từng bước, rồi dừng lại, nhìn ngón tay tô son của cô nắm lấy cái núm ở cửa, mở ra sẽ sàng lên giọng báo vào trong: “Ngài Malloy đã tới!”.

Willet ngồi sau cái bàn rộng đang chăm chú đọc tờ đầu của một tập hồ sơ để trước mặt, một điếu thuốc đầu bọc vàng tỏa khói giữa hai ngón bên tay trái.

Tôi ngồi xuống ghế, ngắm nghía phần bên trong cái mũ tôi cầm ở tay. Những nét chữ của nhãn hiệu đã quá mờ nhắc nhở tôi cần phải can đảm trong việc chi tiêu hơn nữa. Một lúc sau, Willet mới như sực tỉnh, nhận ra sự có mặt của tôi trong phòng. Ông ta đẩy gói thuốc lá bọc giấy bạc về phía tôi và nói giọng thờ ơ:

– Xin mời.

Tôi rút một điếu và tự châm thuốc hút. Điếu thuốc nhìn thì có mẽ nhưng thực chất lại chẳng ra gì. Willet xếp tập hồ sơ vào ngăn rồi bảo tôi:

– Nào, ông Malloy, tôi sẵn sàng nghe ông nói đây. Nhưng xin báo, mười phút nữa, tôi có hẹn với người khác rồi đấy.

– Nếu thế tôi sẽ lại đây lần khác vậy. Mười phút không đủ để tôi nói với ngài hết mọi chuyện. Tôi không biết ngài có ước lượng được tổng số gia sản gia đình Crosby là bao nhiêu không? Tôi e rằng, rồi đây người ta sẽ không cần ngài quản lý nữa đâu.

Có lẽ tôi đã điểm trúng vào một huyệt chính của Willet. Ông ta dụi điếu thuốc mới hút một nửa vào cái gạt tàn bằng bạc và hỏi tôi:

– Ý ông định nói gì?

– Ngài muốn nghe chi tiết hay tóm tắt?

– Ông cần bao nhiêu thời gian?

– Độ nửa giờ. Nếu ngài còn đặt thêm những câu hỏi, thì có lẽ phải mất một giờ.

Willet cau mày cắn môi rồi nhấc điện thoại thoái thác ba cuộc họp sắp tới. Tôi tính, chắc mỗi cuộc tiếp kiến vào quãng mười phút, khách hàng phải trả ông ta ít nhất cũng là một trăm đô la. Ngồi sâu vào trong ghế đệm, ông ta lên tiếng:

– Nào, tại sao tới hôm nay anh mới tới gặp tôi?

– Tôi vừa qua năm ngày tại một nơi trị bệnh điên.

Willet ầm ừ trong họng nét mặt vẫn lạnh lùng. Tôi hỏi:

– Trước khi kể tiếp, tôi muốn biết tổng số giá trị tài sản của gia đình Crosby là bao nhiêu.

– Ngài giám đốc ngân hàng đã từ chối không cho tôi biết rõ. Họ có quyền sử dụng những nguyên tắc chuyên môn của ngành họ. Tôi chỉ biết rõ số tiền bảo hiểm đã được rút ra rồi.

– Bao giờ?

– Sau ngày bản chúc thư được thực hiện.

– Ngài đã gửi thư triệu tập cô Maureen chưa?

– Tôi đã cho gửi đi cách đây năm ngày và trưa mai, cô ta sẽ có mặt ở đây.

– Tôi e rằng cô ta sẽ không tới được. Nhưng để rồi xem sao. Bây giờ, tôi xin kể lại những sự việc đã xảy ra với tôi từ lúc hai trung sĩ cảnh sát Hartsell và Mac Graw đến thăm tôi tới lúc có Maureen can thiệp.

Tôi kể chi tiết rồi hỏi:

– Ngài có biết địa điểm căn nhà Maureen đã đưa tôi đến ở phía tây xa lộ San Diego không?

Ông ta lắc đầu.

– Cô Maureen muốn biết lý do tại sao tôi để ý tới những chuyện riêng tư của gia đình cô. Khi tôi cho cô ta coi bức thư của Janet viết cho tôi, cô ta tỏ vẻ rất sợ và nói cho tôi nghe về cuộc tình tay ba giữa hai chị em và Sherrill. Trong khi ngăn cản hai con gái xô xát, ông Crosby đã bị trúng đạn từ miệng súng của Janet bắn ra.

Willet giật mình, sửng sốt hỏi:

– Maureen đã thổ lộ với anh như thế hay sao?

– Đúng vậy. Sau đó, người ta muốn bịt kín chuyện này. Chính bà Salzer chứ không phải ông chồng, đã ký vào tờ biên bản khai tử.

Thẩm phán Lessways và cảnh sát trưởng Brandon vì mối lợi vật chất, đã góp công sức vào việc che giấu sự thật này.

Willet châm thuốc hút và bảo tôi:

– Anh kể tiếp đi.

– Một nữ y tá tên là Anona Freedlander, vì chứng kiến tấn thảm kịch đã bị Salzer bắt nhốt vào một phòng kín và chích thuốc cho mất trí nhớ trong hơn hai năm.

– Anh có nghĩ rằng cô Maureen đã dính dáng tới vụ này hay không?

– Tôi chưa biết.

Ý nghĩ một khách hàng triệu phú như Maureen Crosby có thể bị buộc tội dính dáng tới việc bắt cóc, làm cho Willet lo ngại. Ông ta không hề đả dộng tới nạn nhân. Tôi bảo:

– Chiều qua, chúng tôi đã cứu được Anona ra khỏi nơi giam giữ. – Ông ta có vẻ lúng túng, hỏi:

– Liệu cô ta có định đưa đơn kiện cáo gì không?

– Có thể lắm chứ! Không ai có thể bỏ qua việc người ta bắt cóc và giam giữ mình tại nơi dành cho người điên trong thời gian hai năm như thế. – Willet xoa cằm, nghĩ ngợi rồi bảo:

– Cô ta có thể bằng lòng với một sự đền bù. Có thể tôi nên tới gặp cô ta.

– Bây giờ, không ai có thể gặp cô ấy được vì cô ta chưa được tỉnh táo lắm.

Việc bắt cóc này cần phải báo cho sở cảnh sát biết và khi báo chí làm rùm beng lên thì ngài buộc phải trao tài sản hàng triệu đô la của gia đình Crosby cho ban giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học, theo như chúc thư. Và rất có thể, người ta không cần tới vai trò quản lí của ngài nữa.

– Đấy lại là một lý do nữa để tôi cần gặp cô Freedlander. Việc gì mà không thỏa thuận được với nhau?

– Không đúng vậy đâu. Vả lại còn chuyện của tôi nữa. Tôi cũng bị bắt cóc, và bị đầu độc trong năm ngày. Cũng đáng báo cho cảnh sát lắm chứ? – Từ nãy giờ tôi mới thấy Willet nhếch miệng cười. Ông ta đứng dậy, ra tủ lấy chai uýtki nhãn hiệu “Haigh and Haigh”, mang lại rót ra hai ly, đẩy một li lại phía tôi, bảo:

– Xin mời… Tôi muốn chi cho anh một món chừng năm trăm đô la để đền bù những việc không may đã xảy ra, được không?

– Không biết chúng ta có nên bỏ qua chuyện cô Freedlander đi không. Riêng tôi, tôi còn do dự về việc tin hay không tin cô Maureen. Nếu cô Janet nhỡ nổ súng vào bố, và sau đó đã uống thuốc độc tự tử vì hối hận thì tại sao trước ngày chết cô ta vẫn thảnh thơi chơi quần vợt và dự các buổi khiêu vũ?

Willet để rớt rượu từ cái ly cầm trên tay xuống tấm giấy xốp lót tay ở mặt bàn và rủa thầm qua kẽ răng. Tôi nói tiếp:

– Chuyện cô Janet tự tử cũng được bịt kín nhưng cô gái hầu phòng Eudora Drew đã nghe thấy những lời trao đổi giữa bác sĩ Salzer và cô Maureen. Cũng vì vậy mà cô ta bị chết theo lệnh của bà bác sĩ tâm thần Salzer.

Willet nghẹn ngào, nốc thêm một li uýtki nữa như để tự an thần. Tôi lại tiếp:

– Vẫn chưa hết. Ông già quản gia John Stevens có những nghi vấn về cái chết của cô Janet, đã bị những tên tay chân của Sherrill bắt cóc và đối xử thô bạo đến nỗi bỏ mạng. Tiếp theo là vụ bắt cóc nữ y tá Gurney do bà Salzer thực hiện. Bà ta đã giấu xác cô Gurney ở vùng đồi cát dù rằng cô ta chết do trượt chân ngã.

Willet rên rỉ:

– Thật quá sức tưởng tượng!

– Theo tôi, có thể suy ra rằng: bà vợ ông Salzer và Sherrill đã nhúng tay vào ba vụ án mạng không kể hai vụ bắt cóc Anona và tôi, chẳng lẽ chỉ để tránh cho báo chí khỏi đụng đến tên của một cô gái?

– Báo chí đã làm họ lo sợ hộ cô Maureen. Sợ cô sẽ bị mất hàng triệu đô la!

– Còn việc này nữa. Sau khi ông Crosby chết, Sherrill đã lộ bộ mặt thật, dọa tố cáo mọi việc để tống tiền Maureen. Do đó, cô ta đã phải tậu cho hắn con tàu “Mộng Mơ”.

Mặt Willet xanh như tàu lá.

– Maureen mua tàu “Mộng Mơ” à?

Cô ta thú thật với tôi như vậy. Giữa lúc cô ta đang nói chuyện với tôi thì Sherrill xuất hiện. Hắn dùng vũ lực đưa tôi vào khu điên trong viện an dưỡng của nữ bác sĩ Salzer và dọa đưa Maureen tới một địa điểm không ai có thể tìm thấy. Tôi đã được bạn đồng nghiệp giải thoát khỏi nơi giam giữ cùng cô Freedlander. Nhưng còn cô Maureen. Nếu ngày mai cô ta không tới, tức là cô ta đã bị Sherrill giam giữ trên tàu “Mộng Mơ”. Còn nếu cô ấy tới đây có nghĩa là cô ấy đã âm mưu đưa tôi đến nhà để trao cho đồng bọn.

Willet rót thêm rượu vào ly. Tay ông ta run run. Ông nói như than vãn:

– Chẳng có lẽ lại như thế?

– Nếu cô ta bị giam giữ, ông có thể hãm lại mọi việc chi ở ngân hàng không?

– Không. Tôi chỉ có khả năng báo việc này với các ông chủ chính của công ty chúng tôi là các ngài Glynn và Coppley thôi.

– Có lẽ nên hỏi ý kiến họ.

Willet lại xoa cằm, rồi nói với tôi:

– Ông Malloy ạ, chúng ta bàn thành thật với nhau nhé. Những ông sếp của tôi ấy mà, họ chỉ chăm chăm muốn thực hiện một cách máy móc những điều trong chúc thư của ông Crosby, không cần nghĩ đến việc cô Maureen có thể bị oan ức hay không. Theo ý tôi, thì cái chúc thư ấy cũng chứa đựng nhiều điều vô lý. Đành rằng, khi còn sống ông Crosby cũng bị phiền lòng về lối sống của Maureen, nhưng ông ta cũng đã không dự đoán trước được cách đặt điều kiện với Maureen trong chúc thư của ông đã làm nảy sinh ra bao nhiêu kẻ muốn đặt điều ra để tống tiền cô gái.

– Nhưng còn ba vụ án mạng kia. Lí gì mà chúng ta phải giấu giếm chúng?

– Vai trò của Maureen trong những vụ án đó không có gì rõ rệt. Chúng ta không nên làm cô ta mất hàng đống của như thế một cách oan ức. Còn cô Freedlander thì sao? Theo anh, chừng bao lâu nữa cô ta có thể tỉnh?

– Tôi không biết. Có thể phải rất nhiều ngày nữa. Hiện tại cô ta không nhớ cả tên mình.

– Cô ta nằm ở bệnh viện à?

Tôi lắc đầu:

– Không. Cô ta được cô thư ký của tôi săn sóc. Tôi cũng nhờ thêm một bác sĩ. Ông ta bảo phải qua một thời gian. Hôm nay, tôi sẽ lại thăm ông bố cô ta ở San Francisco. Khi nhìn thấy bố, có thể cô ta sẽ khôi phục lại một phần trí nhớ.

Willet châm thêm một điếu thuốc và bảo:

– Tôi sẽ chịu mọi phí tổn về đi lại cho anh. Sắp tới anh sẽ làm gì?

– Để coi Maureen có tới hay không đã. Nếu cô ta không tới, tôi sẽ tìm cách lên tàu “Mộng Mơ” một chuyến xem sao. Cũng còn nhiều việc phải làm khác nữa. Hiện nay, tôi cũng chưa rõ phải làm gì trước, sau. – Có tiếng gõ cửa. Cô gái tóc bạch kim xuất hiện, uốn éo đi lại phía bàn Willet, đưa cho ông ta một tờ giấy nhỏ và nói:

– Bà Pollard đang mong được gặp ngài. Còn đây là nội dung lời nhắn qua điện thoại của một người khác.

Willet nhìn vào tờ giấy cô thư ký vừa đưa rồi nói với cô:

– Nói với bà Pollard là tôi sẽ tiếp bà sau năm phút nữa. Quay sang tôi, ông ta nói tiếp:

– Ngày mai cô Maureen không tới được. Cô ta có việc đi Mexicô.

Tôi hỏi cô thư ký:

– Ai đã gọi điện lại? – Thưa ông, người gọi không nói tên, chỉ nói phải đưa tin này ngay cho các ngài biết.

Willet bảo cô thư ký: – Được rồi, cô có thể lui ra.

Tôi cũng cầm mũ, đứng lên và nói: – Như vậy, tôi chỉ còn cách phải xuống tàu “Mộng Mơ”.

– Tùy anh thôi. Nhưng phải hết sức thận trọng mới được.

– Ngài cứ yên tâm. – Cũng có thể cô ta ở Mexicô thật thì sao?

Tôi không trả lời, chỉ cười lạt chào ông ta và ra ngoài. Một bà khách người đẫy đà, đeo ở cổ chuỗi hạt ngọc, có hạt to như trứng chim bồ câu đang ngồi chờ được Willet tiếp kiến. Tôi đi qua mặt bà ta tới gần bàn cô thư ký tóc bạch kim và nở một nụ cười thật tươi. Cô ta ngẩng đầu lên nhìn vào cái mũ cũ tôi cầm ở tay và bộ quần áo tôi mặc, rồi lại lơ đãng cúi xuống tiếp tục ghi chép.

Tôi tắt nụ cười, đi ra đường, trong lòng thấy hơi buồn cho nhân tình thế thái.

Khi tôi bước vào văn phòng thì Kerman đang biểu diễn cho cô thư ký đánh máy của tôi biết tài tử Gregory Peck hôn các cô đào trên màn ảnh như thế nào. Thấy tôi, anh chàng vội buông cô Trixy ra, cụt hứng, đi theo tôi vào phòng làm việc.

Tôi mở ngăn kéo bàn lấy khẩu 38 cho vào túi rồi bảo Kerman:

– Cậu không thấy Trixy còn trẻ quá hay sao? Vả lại đây là chỗ làm việc.

Kerman bao giờ cũng có kiểu cười toe toét để làm lành.

– Tôi chỉ trao đổi nghệ thuật trong giờ giải lao một lát thôi. Tôi có tin tức mới cho anh đây.

– Lát nữa, ra xe sẽ nói sau. Cậu đi San Franciscô với tôi ngay bây giờ. Có súng trong người chưa?

Trong lúc Kerman đi lấy súng, tôi điện thoại cho Paula:

– Anona thế nào?

– Vẫn thế, Bác sĩ Mansell vừa ở đây về. Ông ta bảo việc chữa chạy cần phải một thời gian dài đấy.

– Bây giờ anh đi San Franciscô cùng Kerman. Nếu ông bố cô ấy nhận con gái về, thì công việc của chúng ta sẽ nhẹ hơn.

– Chúc anh đi may mắn. Sẽ gặp nhau lúc về. Tôi đặt máy xuống, ra gặp Kerman cùng xuống nhà, lên xe và bảo:

– Chiều nay, chúng ta phải làm thế nào để xuống được tàu “Mộng Mơ”.

– Đàng hoàng hay bí mật?

– Bí mật. Có thể phải bơi đến tàu.

– Lát nữa có lẽ tôi phải viết chúc thư để lại, vì vùng đó rất nhiều cá mập.

Tôi mỉm cười, lái xe ra đường Fairview Boulevard, bảo Kerman:

– Có tin mới gì thì nói đi. – Anh phải cầm tay lái cho vững nhé. Vùng này cảnh đẹp, dễ xúc động lòng người thành ra cũng nguy hiểm đấy. Tôi phải đi lùng tin cả ngày hôm qua. Anh có biết mụ Salzer là ai không?

– Không.

– Vợ kế của ông Donald Crosby, mẹ của Maureen.

Tôi suýt đụng vào chiếc camiông đi ngược chiều, vội giảm tốc độ và cho xe chạy né thêm sang phải. Kerman bảo:

– Tôi nói rồi mà. Đi đường này nghe tin giật gân rất chi là nguy hiểm!

– Nói tiếp đi. Cậu biết thêm được những gì nữa?

– Cách đây hai mươi ba năm, mụ là bác sĩ chuyên tai – mũi – họng ở San Francisco. Vì chữa cho Janet nên quen và lấy ông Crosby. Cuộc sống chung không thành công, hai người ly dị và mụ lấy người thứ hai là Salzer. Khi ông Crosby mở văn phòng ở Orchid City, mụ cũng tới ở cùng khu vực để gần Maureen. Anh thấy thế nào?

– Điều này lý giải được nhiều sự việc. Lẽ dĩ nhiên, mụ Salzer muốn Maureen hưởng phần lớn gia tài. Nhưng cần gì phải gây ra bao nhiêu án mạng?

– Đúng vậy. Tôi đã hỏi thăm ở Liên đoàn các bác sĩ. Họ cũng giữ kín để bảo vệ cho nhau ghê lắm. Vậy mà tôi cũng biết được hai chuyện: Mụ ta có lần đã bị hoảng loạn tâm thần khi đang tiến hành một ca phẫu thuật. Một lần khác, mụ đã làm đứt cổ họng một bệnh nhân.

– Ông Salzer có tiền không?

– Không có tới một đồng!

– Vậy tiền đâu để tậu viện an dưỡng? Dù sao mụ sẽ không thể ngồi yên được.

Sau khi tìm thấy xác của cô Gurney, tôi sẽ bàn việc này với Mifflin.

Tôi im lặng lái xe được chừng mười phút. Kerman lại nói:

– Lẽ ra mình chỉ việc gọi điện thoại đến chỗ bố cô Freedlander. Như vậy đỡ mất thời giờ.

– Qua điện thoại không thể bàn kĩ vấn đề tình cảm và biết được liệu ông Freedlander có điều kiện nhận con gái về ở với mình để chữa bệnh hay không. Nói chuyện trực tiếp với ông ta vẫn hơn.

Chúng tôi qua cầu Oakland Bay để đi tới California Street.

Căn hộ của gia đình Freedlander ở phía phải, xa ngã tư, trong khu đông dân nghèo, trên lầu năm một cư xá. Kerman theo tôi ì ạch leo cầu thang vì không có thang máy. Chúng tôi đứng lại thở một lát ở hành lang, rồi đi tới cánh cửa căn hộ mang số hai mươi lăm. Không có chuông, Kerman giơ tay định gõ cửa. Bỗng nghe thấy tiếng “bụp”! Cái tai đã nghe nhiều tiếng nổ của chúng tôi nhận ra ngay đó là tiếng súng có bộ phận giảm thanh. Kerman nói khẽ:

– Tiếng súng?

Tôi vặn nắm cửa. Cửa không khóa. Chúng tôi rón rén vào một phòng khách rộng. Phía cuối có hai cửa đóng của hai phòng kế bên. Tôi lại áp tai vào cánh cửa bên phải, ra hiệu Kerman đứng né vào một bên, rồi mở cửa, đứng sát vào tường. Tôi cúi người nhìn vào bên trong. Dưới sàn, một người nằm sõng sượt, một tay co quắp để trên ngực. Máu chảy thành dòng rỉ qua những kẽ tay. Nạn nhân khoảng sáu chục tuổi. Tôi đoán ngay đây là bố của cô Freedlander. Trong khi tôi quan sát, ông già thở hắt ra một hơi dài rồi bàn tay trên ngực từ từ tuột xuống sàn. Tôi đứng im phán đoán, kẻ sát nhân chưa thể rời khỏi nơi đây. Kerman quỳ xuống bên cạnh cửa ra vào, tay cầm sẵn khẩu súng. Tôi hướng về một cái rèm cửa, quát to:

– Ra đi! Giơ tay lên!

Liền sau đó, một tiếng nổ, viên đạn bay sượt trán tôi. Kerman nâng súng, nổ luôn hai phát, làm rung kính các cửa. Tôi làm hiệu cho Kerman đứng tại chỗ, vén nhanh bức màn ra cửa. Cách cửa sổ này hơn một mét là một cửa sổ phòng bên. Dưới hai cái khung cửa chỉ có một cái gờ tường nhỏ. Tôi đoán tên sát nhân đã lọt vào cửa sổ kế bên nên đưa chân ra ngoài, đứng lên gờ tường, tìm cách trèo sang cửa sổ phòng bên. Kerman nhìn xuống đường cách cửa sổ chừng ba chục mét, lắc đầu rồi chạy ra ngoài hành lang.

Khi tôi sắp bước được lên khung cửa sổ kế bên thì có một tiếng nổ từ đám đông đứng dưới đường vọng lên. Bụi vôi bắn mù mịt quanh tôi. Tôi bước qua cửa sổ nhảy vội vào phòng và nhìn ngay thấy một bóng người đứng ở đầu giường, tay cầm sẵn súng. Lại một tiếng nổ lớn, cây súng bỗng biến mất. Tên Ý vẫn theo dõi tôi mấy ngày trước đây, ôm tay loạng choạng chạy ra ngoài hành lang. Hắn định bắn tôi nhưng lại bị trúng đạn của Kerman. Thấy Kerman đuổi theo tôi vội gọi:

– Kerman! Đứng lại! Có cảnh sát ở dưới đường. Họ đang lên đấy.

Quả nhiên có tiếng nổ liên thanh lẫn với tiếng hét của một người đàn bà. Có một vật gì đó đổ xuống sàn.

Tôi từng biết cảnh sát San Francisco phản ứng rất mau lẹ khi nghe thấy tiếng súng. Có tiếng quát:

– Đi ra hết ngoài này. Ai còn cầm súng, sẽ bị bắn hạ!

Tôi nói vọng ra:

– Đủ rồi, đủ rồi! Chúng tôi ra đây.

Tên người Ý nằm sấp xuống mặt đất, trên đầu có một vết đạn nhỏ đang rỉ máu.

Tôi bảo viên cảnh sát:

– Trong phòng còn có một xác chết nữa. Chúng tôi đến quá chậm nên không kịp ngăn chặn bọn giết người! Lần sau, xin ngài đừng bắn từ dưới lên thế. Đã biết ai là kẻ gian đâu?

Viên cảnh sát điềm tĩnh trả lời:

– Xin ghi nhận… để lần sau sẽ ngắm kỹ hơn!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN