Hiệp Khách Hành - Chương 8: GÃ ĂN XIN CHẲNG CHỊU ĂN XIN
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
194


Hiệp Khách Hành


Chương 8: GÃ ĂN XIN CHẲNG CHỊU ĂN XIN



Gã ăn xin vừa đưa mắt nhìn tấm bánh bò, vừa nuốt nước miếng không ngớt, nhưng thủy chung gã vẫn không mở miệng xin ăn.

Tạ Yên Khách ăn xong một cái rồi. Lão thấy thằng nhỏ chỉ nhìn mà không nói gì thì trong lòng nóng nảy.

Lão liền một tay cầm bánh thứ hai đưa lên cửa miệng còn tay kia thò tay vào quầy bánh lấy thêm một tấm nữa.

Bây giờ dường như gã ăn xin đã thèm quá rồi, nhưng gã vẫn không xin Tạ Yên Khách mà quay vào bảo chủ quán:

-Cháu cũng ăn hai tấm.

Rồi gã không chờ chủ quán trả lời, tự ý thò ngay tay vào tủ bánh cầm lấy.

Chủ quán đưa mắt nhìn Tạ Yên Khách như hỏi ý lão có thuận cho thằng nhỏ ăn không.

Tạ Yên Khách mừng thầm trong bụng. Lão chỉ gật đầu một cái chứ không nói gì.

Cái gật đầu của lão đối với chủ quán vừa có nghĩa là ưng thuận vừa để lúc tính tiền vẫn có thể bắt chẹt thằngnhỏ phải mở miệng xin mới cho tiền trả. Trong bụng lão lấy làm đắc ý, miệng lẩm bẩm:

-Thử xem lát nữa mi có yêu cầu ta không ?

Gã ăn xin ăn xong một tấm bánh bò lại lấy tấm thứ hai ra ăn. Gã thấy bánh ngon mà trong bụng hãy còn đói thì cứ lấy cái một ăn dần. Ăn hết cái thứ tư gã mới nói:

-Thôi no rồi không ăn nữa.

Tạ Yên Khách ăn hết hai cái bánh rồi cứ ngồi chờ cho gã ăn xin ăn xong mới quay lại hỏi chủ quán:

-Bao nhiêu tiền nhỉ ?

Chủ quán đáp:

-Hai đồng một tấm. Cả thảy sáu tấm, cộng là mười hai đồng.

Tạ Yên Khách đáp:

-Không thể được. Phần ai ăn người nấy trả tiền. Ta ăn hai tấm vậy ta phải trả bốn đồng thôi.

Lão nói xong thò tay vào bọc toan móc tiền ra trả, nhưng lão sờ đi sờ lại mà chẳng còn một đồng nào.

Nguyên sáng hôm nay, lão vào thành Biện Lương ăn uống, có ít bạc lẻ lão đã xài hết rồi. Trong mình lão có mang nhiều vàng lá, nhưng lúc còn ở thành Biện Lương lão lại quên chưa đổi ra bạc vụn. Cái quán cỏn con ở giữa nơi hoang dã này

thì lấy đâu ra tiền mà đổi vàng ?

Tạ Yên Khách chưa biết giải quyết cách nào thì gã ăn xin đã móc trong bọc ra một đỉnh bạc đưa cho chủ quán nói:

-Tất cả mười hai đồng để cháu trả cho.

Chủ quán cầm lấy đỉnh bạc rồi thối tiền lại cho gã ăn xin.

Tạ Yên Khách chưng hửng hỏi:

-Sao ? Té ra bữa nay mi lại tiền mời khách ư ?

Gã ăn xin cười đáp:

-Ông không có tiền mà cháu có thì mời ông ăn vài tấm bánh bò phỏng có đáng kể gì ?

Chủ quán cũng lấy làm kỳ, hết nhìn gã ăn xin lại nhìn Tạ Yên Khách.

Gã ăn xin thu tiền cất vào bọc.

Tạ Yên Khách bất giác nở một nụ cười chua chát.

Trước lão yên chí là mình sẽ giải quyết xong vụ này một cách chóng vánh và dể dàng. Ngờ đâu lại xảy biến diễn này. Tuy đó chỉ là một chuyện nhỏ mà lòng lão không khỏi băn khoăn. Lão băn khoăn vì hai lý do : Một là việc tấm Huyền Thiết Lệnh, vẫn chưa giải quyết xong, hai là vì bản tính lão cố chấp. Trước nay dù là miếng ăn, miếng uống cũng không chịu ơn ai. Không ngờ bữa nay lão lại phải ăn bám hai tấm bánh bò của gã ăn xin.

Tạ Yên Khách cất giọng buồn buồn hỏi:

-Sao mi biết ta không có tiền ?

Gã ăn xin cười đáp:

-Mỗi khi cháu vào chợ, thấy người ta thò tay vào túi lấy tiền ra lẹ lắm. Ðó là những người có tiền. Còn kẻ nào ăn hàng rồi đến lúc lấy tiền ra trả thì móc lên móc xuống, tìm hết túi này đến túi kia vẫn không thấy một cắc. Ðó là hạng người

không tiền muốn ăn lường của người ta, nên làm bộ quên không mang tiền.

Tạ Yên Khách lại nở nụ cười gượng gạo, nghĩ thầm:

-Chắc mi cũng tưởng ta là kẻ toan ăn lường chứ gì ?

Nhưng lão để mặc gã muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, không giải thích chi cả, chỉ hỉ lại:

-Ðỉnh bạc đó mi ăn cắp được ở đâu ?

Gã ăn xin đáp:

-Sao lại ăn cắp được ? Vừa rồi một vị phu nhân mặc áo trắng có lẽ là Ðức Phật Bà Quan Âm hiện thân đã cho cháu.

Tạ Yên Khách hỏi lại:

-Bà nào mặc áo trắng mà lại là hiện thân của Ðức Phật Bà Quan Âm ?

Nhưng rồi lão hiểu ngay đó chính là Mẫn Nhu liền lẩm bẩm:

-Con mụ ấy lại làm hư việc của mình rồi.

Tạ Yên Khách cùng gã ăn xin dời khỏi quán bánh sóng vai mà đi. Hai người đi chừng vài chục trượng thì Tạ Yên Khách lại cầm thanh Bạch kiếm của Mẫn Nhu giơ lên nói:

-Thanh kiếm này sắc lắm. Vừa rồi ta chỉ khẽ phất một nhát đã chặt được cái cây làm hai đoạn, mi cũng nhìn thấy đó. Mi có thích không ? Nếu mi thích thì chỉ cần mở miệng xin ta một câu là ta cho ngay.

Thực ra Tạ Yên Khách cũng chẳng ưa gì gã ăn xin này mà lẩn quẩn mãi với gã.

Lão chỉ mong cho gã mở miệng xin mình một điều gì cho lão xong nợ là lão mãn nguyện lắm rồi.

Không ngơ gã ăn xin lắc đầu quây quậy đáp:

-Cháu không lấy đâu. Thanh kiếm này là của Ðức Phật Bà Quan Âm. Ngài là đấng đại từ bi, ngài bố thí cho chút gì đã là đại phúc lắm rồi. Có lý đâu cháu lại còn xin ngài thứ này thứ nọ.

Tạ Yên Khách lại rút thanh hắc kiếm ra vung lên tiện tay chém vào một góc cây khá lớn cho đứt làm hai rồi hỏi:

-Tốt lắm ! Mi không dám xin thanh kiếm của Ðức Phật Bà Quan Âm. Vậy mi có xin thanh Hắc kiếm này ta cũng cho.

Gã ăn xin lại lắc đầu đáp:

-Thanh Hắc kiếm đó tuy không phải là của Ðức Phật Bà Quan Âm nhưng là của Hắc y tướng công. Hắc y tướng công đã cùng đi với Ðức Phật Bà Quan Âm thì cũng theo một đường với ngài. Cháu chẳng thể lấy của tướng công được.

Tạ Yên Khách cười phì một tiếng rồi nói:

-Cẩu Tạp Chủng ! Mi cũng có nghĩa khí lắm nhỉ !

Gã ăn xin không hiểu hỏi lại:

-Nghĩa khí là thế nào hở ông ?

Tạ Yên Khách chỉ hắng giọng một tiếng chứ không trả lời. Lão lẩm bẩm:

-Mi đã chẳng hiểu cái cóc gì thì có nói cũng bằng vô ích.

Gã ăn xin lại nói:

-Té ra ông không thích chuyện nghĩa khí, nên ông không nói đến nghĩa khí nữa.

Tạ Yên Khách cả giận sắc mặt xám xanh, lão vung chưởng lên toan đập xuống đỉnh đầu gã ăn xin.

Nhưng Tạ Yên Khách thấy gã ăn xin bản tính thực thà liền thu tay về nghĩ thầm:

-Thằng nhỏ này đã chẳng biết gì bvề nghĩa khí thì đương nhiên không phải gã mỉa mai mình. Mình bất tất phải hạ sát gã làm chi.

Lão thu tay về rồi hỏi lại:

-Sao mi bảo ta không nói chuyện nghĩa khí. Ta thích chuyện nghĩa khí lắm chứ !

Gã ăn xin lại ngớ ngẩn hỏi:

-Nói nghĩa khí có tốt không ông ?

Tạ Yên Khách đáp:

-Nghĩa khí là hay lắm. Vậy nói chuyện nghĩa khí hiển nhiên là việc tốt.

Gã ăn xin lại nói theo:

-Cháu biết rồi ! Làm việc tốt là người tốt, làm việc tàn ác là người tàn ác. Như ông làm việc tốt thì nhất định ông là người rất tốt.

Giả tỉ một người nào khác nói câu này thì Tạ Yên Khách nhận ra ngay là lời trào phúng và tất lão vung chưởng đánh chết tươi không cần suy nghĩ gì nữa. Nhưng đối với gã ăn xin là một đứa nhỏ thơ ngây chất phác, thì lão lại có quan niệm khác hẳn.

Hơn nữa suốt đời, lão chưa nghe ai khen mình là người tốt, mà bây giờ lão thấy thằng nhỏ này khen mình thì lão cũng cảm thấy thích thú. Kể ra trong đời, đôi khi ngẫu nhiên lão làm được một việc gì tốt thì trong lòng cũng thấy thỏa mãn lắm.

Tạ Yên Khách nghĩ lại lời nói chân thành của gã ăn xin, lão không biết mình nên cười hay nên khóc. Lão lẩm bẩm:

-Thằng nhỏ này ăn nói như đứa ngu ngốc lẫn lộn, gã đã bảo mình không thích nói nghĩa khí mà bảo mình là người tốt. Giả tỉ câu chuyện này mà lọt vào tai kẻ đối đầu với mình thì chẳng bỏ họ cười cho thúi óc ư ? Ta phải mau mau kết thúc vụ này để xa gã ngay là hơn. Nếu còn quanh quẩn với gã thì chẳng khỏi sinh ra lắm chuyện buồn cười.

Tạ Yên Khách thấy gã ăn xin không muốn lấy Hắc Bạch song kiếm, liền lấy một tấm vải xanh bọc kiếm lại đeo vào sau lưng. Lão tự hỏi:

-Bây giờ mình phải dẫn dụ gã yêu cầu mình điều gì cho được đây.

Lão còn đang ngẫm nghĩ, chợt trông qua bên đường thấy có ba cây táo lớn. Cây nào cũng đầy những quả chín đỏ hồng. Lão liền trỏ vào cây táo nói:

-Những trái táo kia thiệt là ngon !

Lão thấy mấy trái táo rất cao và chỉ mong gã ăn xin yêu cầu mình ngắt trái cho thì đó cũng là một yêu cầu thoát nợ.

Lão có ngờ đâu gã ăn xin chẳng những không khẩn cầu lão ngắt trái cho, mà gã còn hỏi lại:

-Ông tốt bụng ơi ! Ông thích ăn những trái táo đó phải không ?

Tạ Yên Khách hỏi lại:

-Sao mi lại kêu ta là ông tốt bụng ?

Gã ăn xin đáp:

-Cháu vừa nói ông là người rất tốt, nên cháu kêu ông là ông tốt bụng.

Tạ Yên Khách sịu mặt xuống hỏi:

-Có ai kêu ta là người tốt bụng đâu ?

Gã ăn xin liền trở giọng:

-Ông đã không phải là người tốt bụng thì tất nhiên phải là người xấu bụng.

Tạ Yên Khách đáp:

-Ta cũng không phải là người xấu bụng.

Gã ăn xin hỏi:

-Sao ông lại kỳ thế ? Ông đã không phải là người tốt bụng mà cũng không phải là người xấu bụng. Vậy ông là người thế nào ? À thôi cháu biết rồi ! Ông không phải là người !

Tạ Yên Khách tức giận hỏi:

-Mi bảo sao ?

Gã ăn xin không hiểu vì chuyện gì mà lão nổi giận, gã sợ hãi không dám nói gì nữa, chỉ thè lưỡi ra một cái rồi đột nhiên chạy lại gốc táo. Gã nhảy lên nắmlấy một cánh táo rồi hai chân đạp xuống đất đu mạnh lên.

Tạ Yên Khách thấy gã tuy không hiểu võ công, nhưng chân tay rất linh hoạt, gã thoăn thoắt trèo lên cây rồi lựa những trái táo chín mọng rất lớn ngắt lấy nhét vào bọc.

Chỉ trong khoảng khắc, bụng gã to lên như cái trống, gã liền tuột xuống hai tay ôm một nắm đưa cho Tạ Yên Khách nói:

-Này ! Ông ăn táo đi ! Ông không phải người ! Ông cũng không phải ma quỷ.

Chẳng lẽ ông là thần tiên hay bồ tát ? Cháu chẳng biết ông là ông gì mà trông dáng ông cũng chẳng giống hạng người nào.

Tạ Yên Khách để mặc cho gã ăn xin muốn nói gì thì nói. Lão cầm mấy trái táo bỏ vào miệng ăn. Táo này rất nhiều nước và ngọt lừ. Thật là thứ táo thượng phẩm.

Lão vừa ăn vừa nghĩ thầm:

-Té ra gã chưa yêu cầu mình điều gì mà mình đã phải yêu cầu gã.

Lão liền chụp lấy cơ hội hỏi ngay:

-Mi có biết ta là ai không ? Nếu mi muốn biết thì chỉ xin ta một tiếng là được.

Mi không biết nói thì ta dạy cho: Xin ông nói với cháu một điều, ông cho cháu hay ông là ai ? Ông có phải thần tiên hay bồ tát không ? Chỉ có bấy nhiêu là mi sẽ được như ý sở cầu.

Gã ăn xin lại lắc đầu đáp:

-Cháu không cầu ai hết.

Tạ Yên Khách giật mình vội hỏi:

-Sao mi lại không cầu ai ?

Gã ăn xin đáp:

-Má má cháu thường bảo cháu rằng: Cẩu Tạp Chủng kia ! Suốt đời ngươi đừng đi cầu cạnh ai cái gì hết. Khi người ta muốn cho ngươi cái gì thì chẳng xin họ cũng cho. Nếu người ta không chịu cho thì dù ngươi có van lơn năn nỉ cũng bằng vô ích, lại còn để cho người ta ghét cay ghét đắng nữa là khác.

Gã ăn xin ngừng lại một chút rồi tiếp:

-Từ đó cháu không xin má má cái gì nữa. Một hôm cháu thấy má má đang ăn cái gì có vẻ ngon lành lắm. Má má cháu vừa ăn vừa giơ ra cho cháu thèm. Cháu thèm lắm nhưng biết rằng có mở miệng xin, má má cháu cũng chẳng cho, không chừng còn bị ốm đòn nữa. Vì thế mà cháu đã quyết định không xin xỏ bất cứ ai một điều gì cả.

Nghe gã ăn xin nói vậy, Tạ Yên Khách vừa thất vọng lại vừa lấy làm kỳ. Lão tự hỏi:

-Thằng lỏi này đã quyết định không cầu cạnh một ai bất luận là thứ gì. Vậy bây giờ biết làm thế nào để giải quyết vấn đề mà lòng mình vẫn băn khoăn ? Mẫu thân gã này không chừng là một mụ điên. Ai đời thằng con xin miếng ăn lại đè ra đánh bao giờ ?

Dường như chợt nhớ ra điều gì, lão hỏi vặn:

-Mi đã là một đưa ăn xin, vậy mà mi không xin tiền xin cơm thì làm thế nào ?

Gã ăn xin vẫn lắc đầu đáp:

-Cháu chẳng xin bao giờ. Người ta đưa gì cho thì cháu cầm lấy. Có lúc người ta không cho nhưng họ vừa xoay mình đi và không để ý là cháu lấy luôn rồi dông tuốt.

Tạ Yên Khách bật cười nói:

-Nếu vậy thì mi không phải là một đứa ăn xin mà là một thằng ăn cắp.

Gã ăn xin ngớ ngẩn hỏi:

-Ăn cắp là thế nào hở ông ?

Tạ Yên Khách hỏi lại:

-Mi không hiểu thật hay là mi giả vờ ?

Gã ăn xin đáp:

-Cháu không hiểu thật nên mới hỏi ông. Sao ông lại bảo là cháu giả vờ ? Vậy giả vờ là thế nào ?

Tạ Yên Khách chăm chú nhìn gã ăn xin thì thấy mặt gã lem luốc đầy bùn lầy

nhơ nhớp. Nhưng cặp mắt nó đen lay láy, không có vẻ gì là một đứa ngu xuẩn. Lão liền nói:

-Mi chẳng phải là đứa con nít lên ba. ´t ra cũng được mười mấy tuổi rồi mà sao chẳng hiểu một cái gì cả ?

Gã ăn xin đáp:

-Má má cháu không ưa nói chuyện với cháu. Người biểu hể thấy mặt cháu là phát ghét lên rồi. Thường khi hàng mười ngày, người chẳng nhìn nhỏi gì đến, hay chẳng nói một câu nào. Cháu chỉ thích nói chuyện với con A Hoàng. Con A Hoàng chỉ biết nghe chứ không biết nói. Chẳng bao giờ nó bảo cháu là thằng ăn cắp hay đứa giả vờ chi hết.

Tạ Yên Khách thấy gã ăn xin cũng không có vẻ gì là đứa giảo quyệt. Lão nghĩ bụng:

-Xem thái độ thằng lỏi này thì quả nó không có ý gì ăn nói quanh co để thóa mạ mình cả. Cứ trông cặp mắt nó dường như có vẻ tinh lanh, nhưng không có ẩn ý xỏ xiên hay thâm hiểm gì hết.

Lão lại hỏi:

-Trong nhà có hai người mà má má mi không muốn nói chuyện với mi thì sao mi không nói với hàng xóm, lại đi nói chuyện với con A Hoàng, thì nó còn biết gì nữa.

Gã ăn xin lại ngơ ngác hỏi:

-Hàng xóm là gì hả ông ?

Tạ Yên Khách thực chán ngấy, nhưng lão cũng trả lời cho qua:

-Hàng xóm là những người ở gần mình.

Gã ăn xin nói:

-Gần nhà cháu ư ? Gần nhà cháu chẳng có ma nào hết chỉ có mười một cây tùng lớn. Trên cây có rất nhiều chuột còn trong đồng cỏ thì có gà rừng có thỏ nội. Hàng xóm của cháu chỉ có bấy nhiêu. Bọn chúng miệng chỉ chí chóe hay kêu o ó chứ không biết nói.

Tạ Yên Khách lại hỏi:

-Mi đã lớn bằng từng ấy rồi, chẳng lẽ ngoài má má mi ra, mi không nói năng với ai một điều gì hết hay sao ?

Gã ăn xin đáp:

-Nhà cháu ở trên núi, cháu chẳng xuống núi bao giờ, nên ngoài má má cháu ra cháu cũng không gặp ai để nói chuyện. Mấy bữa trước đây cháu không thấy má má đâu nữa. Lúc cháu hốt hoảng chạy đi tìm thì từ trên núi té nhào xuống. Rồi con A Hoàng cũng chẳng thấy đâu nữa. Cháu gặp người nào là hỏi họ má cháu đi đâu ? A Hoàng đi đâu ? Thì mọi người đều trả lời là không biết. Như vậy cũng chẳng khác gì họ không nói.

Tạ Yên Khách bụng bảo dạ:

-Té ra gã này ở chốn hoang sơn hẻo lánh không có vết chân người. Thế mà mẫu thân gã lại không nói năng gì với gã, chẳng trách gã không biết một tí gì cả.

Tạ Yên Khách sực nhớ ra điều gì liền hỏi:

-Thế cũng kể là người ta đã nói với mi rồi đó. Sao mi lại biết dùng tiền để mua bánh bò ăn ?

Gã ăn xin đáp:

-Hôm qua cháu đã thấy người ta mua rồi`, chắc bây giờ ông không có tiền mà cháu lại có tiền, ông muốn lấy phải không ? Ông muốn lấy thì cháu cho ông.

Gã vừa nói vừa đưa tay vào bọc lấy mấy đồng bạc vụn mà chủ quán bánh vừa thối lại cho gã đưa vào tay Tạ Yên Khách.

Tạ Yên Khách lắc đầu đáp:

-Ta không lấy đâu.

Lão lẩm bẩm:

-Thằng lỏi này ngớ ngẩn như mán rừng mà khí tượng nó không phải là nhỏ.

Lão càng nói chuyện lâu với gã càng thấy yên tâm. Bây giờ thì lão tin chắc không phải gã chịu lời sai khiến của ai hết và lão không lo bị kẻ khác bố trí đưa mình vào cạm bẫy nữa.

Gã ăn xin dường như chợt nhớ lại câu nói của Tạ Yên Khách, liền hỏi:

-Ông vừa bảo cháu không phải là đứa ăn xin mà là thằng ăn cắp. Vậy cháu là đứa ăn xin hay thằng ăn cắp ?

Tạ Yên Khách không thể nhịn được liền nhếch mép cười giải thích:

-Mi không có gì để ăn thì phải xin người ta cho tiền hay cho cơm. Người ta có bằng lòng đem cho ngươi mới lấy, thế là ăn xin. Còn nếu người ta không nói gì hoặc không muốn cho mà ngươi lén thò tay ra lấy thì là ăn cắp.

Gã ăn xin ngẹo cổ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

-Cháu chưa từng hỏi xin ai cái gì bao giờ. Nhưng bất cứ người ta có chịu cho hay không cháu cũng lấy ăn. Vậy thì cháu là thằng nhỏ ăn cắp. Phải rồi ! Cháu là thằng nhỏ ăn cắp mà ông là lão già ăn cắp !

Tạ Yên Khách giật mình kinh hãi làm mặt giận hỏi:

-Sao ? Mi bảo ta là gì ?

Gã ăn xin ngơ ngác hỏi lại:

-Cháu bảo ông là lão già ăn cắp không đúng hay sao ? Vừa rồi cháu thấy hai thanh kiếm của người ta, rõ ràng họ không muốn đưa cho mà ông cứ cướp lấy. Ông lại không phải là đứa nhỏ, ông già rồi, nên cháu mới kêu ông là lão già ăn cắp.

Tạ Yên Khách gạt đi:

-Mi chẳng hiểu gì cả chỉ nói nhăng thôi. Không được kêu ta là lão già ăn cắp nghe chưa ?

Gã ăn xin cũng vênh mặt lên nói:

-Ðược rồi ! Ông không cho cháu kêu ông là lão già ăn cắp thì cháu cũng không cho ông kêu cháu là thằng ăn cắp.

Tạ Yên Khách nghe gã nói vậy thì hết giận ngay mà lại bật cười nói:

-Ba chữ thằng ăn cắp dùng để chửi mắng người ta, mà lão ăn cắp cũng là chửi mắng. Mi không được tùy tiện mắng người.

Gã ăn xin hỏi ngay:

-Thế sao ông mắng cháu ?

Tạ Yên Khách đáp:

-Ðược rồi ! Ta không mắng mi nữa. Mi chẳng phải là đứa ăn xin, cũng không là thằng ăn cắp. Ta kêu mi là Tiểu nhai nhi, ngươi kêu ta bằng lão bá bá mới được.

Gã ăn xin lắc đầu đáp:

-Cháu không phải là Tiểu nhai nhi gì hết. Cháu chỉ là Cẩu Tạp Chủng thôi.

Tạ Yên Khách vỗ về gã:

-Tiếng Cẩu Tạp Chủng khó nghe lắm. Má má mi kêu mi như vậy thì được còn người ngoài không thể kêu mi như vậy. Ta không hiểu sao má má mi lại kỳ cục đến thế. Trên đời chẳng có người nào kêu con mình bằng Cẩu Tạp Chủng bao giờ.

Gã ăn xin nói:

-Cẩu Tạp Chủng có gì không tốt đâu ? Con A Hoàng của cháu cũng là con cẩu đấy mà. Nó đi với cháu, cháu thấy khoái lắm. Có lẽ còn khoái hơn là cháu đi với ông. Có điều con A Hoàng chưa bằng ông ở chổ nó không biết nói. Nó chỉ sủa gâu gâu còn ông thì nói được.

Gã vừa nói vừa đưa tay lên vuốt ve sau lưng Tạ Yên Khách, ra chiều yêu mến lão lắm. Chắc là gã nhớ tới lúc vuốt ve con chó của gã.

Tạ Yên Khách lâm vào tình trạng không biết nên cười hay nên khóc. Nếu để câu chuyện thằng nhỏ vuốt ve mình như vuốt ve con chó của nó đồn đại ra ngoài võ lâm thì còn chi là thể thống.

Lão liền vận một luồng kình lực ra sau lưng.

Gã ăn xin vừa đụng vào người lão đã giật bắn người lên tựa như sờ phải miếng than hồng. Gã vội buông tay ra. Gã cảm thấy ruột gan nhộn nhạo cực kỳ khó chịu cơ hồ phải nôn ọe ra.

Tạ Yên Khách cười nửa miệng ngó gã ăn xin lẩm bẩm:

-Ai bảo mi vô lễ với ta ? Một vố này đủ cho mi biết thân rồi.

Gã ăn xin vuốt ngực nói:

-Lão bá bá ! Người bá bá nóng quá rồi mau lại gốc cây kia nghỉ một lúc. Cháu đi lấy nước về cho bá bá uống. Lão bá bá thấy chổ nào khó chịu ? Người bá bá nóng ghê lắm, cháu e rằng bá bá lâm trọng bệnh mất rồi.

Gã nói bằng một giọng thành thực và rất quan thiết. Gã lại đưa tay ra định dắt lão vào gốc cây ngồi nghỉ.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN