Hỏa Ngục (Inferno) - Chương 69
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
81


Hỏa Ngục (Inferno)


Chương 69


Quảng trường St Mark nằm ở đẩu mút phía nam Đại Vận Hà của Venice, nơi thủy lộ này nhập vào biển khơi. Nhìn xuống chỗ giao thoa nguy hiểm này là pháo đài hình tam giác mộc mạc mang tên Dogana da Mar – Văn phòng Thuế quan Hàng hải – với tòa tháp canh từng trấn giữ cho Venice trước sự xâm lăng của ngoại bang. Ngày nay, tòa tháp được thay thế bằng một quả cầu vàng rất lớn và một cái chong chóng thời tiết có hình nữ thần may mắn, mỗi khi thay đổi hướng theo chiều gió đều nhắc cho các thủy thủ gắn bó với đại dương nhớ đến sự khó lường của số phận.

Khi Maurizio cho chiếc thuyền bóng bẩy lướt về cuối con kênh, biển khơi sóng vỗ hiện ra trước mặt họ đầy hăm dọa. Robert Langdon đã đi theo tuyến đường này nhiều lần trước đó, mặc dù luôn bằng một chiếc phà lớn hơn nhiều, và anh cảm thấy không thoải mái khi chiếc limousine của họ nhao lên những ngọn sóng cồn đang cuộn lên từng đợt.

Để tới được cầu cảng của Quảng trường St Mark, thuyền của họ cần vượt qua một vùng đầm tắc nghẽn với hàng trăm phương tiện thủy, từ những du thuyền sang trọng đến tàu chở dầu, các thuyền buồm tư nhân, và cả những tàu lớn đồ sộ. Có cảm giác như thể họ đang ra khỏi một con đường thôn quê và hòa vào một siêu xa lộ tám làn xe vậy.

Sienna có vẻ bối rối không kém khi nhìn thấy con tàu chở khách cao mười tầng lừng lững đang lướt qua trước họ, chỉ cách có ba trăm thước. Các sàn tàu lố nhố hành khách, tất cả đều bu lấy lan can chụp ảnh Quảng trường St Mark từ phía biển. Trong vệt nước cồn lên của con tàu, ba chiếc tàu khác xếp hàng chờ đến lượt lướt qua danh thắng nổi tiếng nhất của Venice. Langdon từng nghe nói rằng trong những năm gần đây, số tàu thuyển đã tăng lên nhanh đến mức có cả chuỗi tàu biển bất tận qua lại suốt ngày đêm,

Ở vị trí cầm lái, Maurizio nhìn dãy tàu chở khách đang lướt qua và nhìn sang trái nơi có một cầu cảng có mái che nằm cách đó không xa. “Tôi đỗ ở quán rượu Harry’s nhé?” Anh ta ra hiệu về phía nhà hàng nổi tiếng vì đã sáng chế ra món đồ uống Bellini[1]. “Đi bộ đến Quảng trường St Mark không xa lắm đâu.”

[1]Loại cocktail là hỗn hợp của rượu vang Prosecco và đào nghiền nhuyễn.

“Không được, đưa chúng tôi đi hết đường đi”. Ferris yêu cầu, chỉ tay qua đầm nước về phía những cầu cảng của Quảng trường St Mark.

Maurizio nhún vai hiền lành. “Sẽ được như ý các vị thôi. Đi nào.”

Tiếng động cơ rồ lên và chiếc limousine bắt đầu cắt qua mặt nước gợn sóng, lao vào một trong những luồng lạch có phao tiêu đánh dấu. Những con tàu lớn chở khách đang lướt qua trông chẳng khác gì các tòa nhà nổi, lằn sóng của chúng xô những chiếc thuyền khác tựa như những cái phao bẩn.

Trước sự ngạc nhiên của Langdon, hàng chục chiếc thuyền đáy bằng cũng đang băng băng vượt đầm nước như họ. Những thân thuyền thanh mảnh – dài gần một trăm hai mươi mét và nặng hơn sáu trăm cân – có vẻ rất vững vàng trong vùng nước sóng gió. Mỗi thuyền do một người chèo vững chân điều khiển. Họ đứng trên sàn bên mạn trái thân thuyền, mặc áo sơ mi kẻ sọc đen trắng truyền thống và điều khiển một mái chèo duy nhất gắn vảo mép thuyền bên phải. Mặc dù sóng lớn nhưng thấy rõ chiếc thuyền đáy bằng nào cũng nghiêng nghiêng sang trái đầy bí ẩn, một điều kỳ quái mà Langdon biết là do kết cấu phi đối xứng của thuyền. Tất cả thân thuyền đáy bằng đều uốn cong về bên phải, ngược với phía lái thuyền, để khắc phục xu hướng thuyền cứ xoay sang trái do chèo thuyền bên phải.

Maurizio tự hào chỉ vào một trong những chiếc thuyền đáy bằng khi họ chạy qua nó. “Các vị thấy thiết kế kim loại ở đằng trước không?”, anh ta gọi với lại qua vai, làm hiệu về phía món đồ trang trí trang nhã nhô ra từ mũi thuyền. “Đó là bộ phận kim loại duy nhất trên thuyền đáy bằng – gọi là ferro di prua – lưỡi hái sắt mũi thuyền. Đó chính là hình ảnh của Venice!”

Maurizio giải thích rằng bộ phận trang trí hình lưỡi hái nhô lên từ mũi thuyền đáy bằng ở Venice có một ý nghĩa biểu trưng. Hình dạng uốn cong của ferro đại diện cho Đại Vận Hà, sáu răng của nó thể hiện cho sáu quận hay sestieri của Venice, và phần lưỡi thuôn là mũ sắt cách điệu của quan tổng trấn Venice.

Quan tổng trấn, Langdon nghĩ thầm, ý nghĩ của anh quay trở lại với nhiệm vụ trước mắt. Hãy tìm gã tổng trấn bội bạc của Venice, kẻ cắt rời những đầu ngựa… và moi xương cả người mù lòa.

Langdon đưa mắt ngước nhìn dải đất ven bờ phía trước, nơi một công viên nhỏ có trồng cây tiếp giáp với mép nước. Vượt lên trên những ngọn cây in bóng lên bầu trời không gợn mây là tòa tháp bằng gạch đỏ của tháp chuông St. Mark, trên đỉnh có Tổng lãnh thiên thần Gabriel bằng vàng dõi mắt nhìn xuống từ độ cao chóng mặt, gần một trăm mét.

Trong một thành phố mà mọi vật dù cao lớn đến đâu cũng đều có xu hướng dễ chìm nghỉm, thì tòa tháp sừng sững Campanile di San Marco cũng chỉ giống như một ngọn đèn tín hiệu cho tất cả những ai mạo hiểm tiến vào cái mê cung kênh rạch và ngõ hẹp của Venice. Khi một du khách bị lạc đường, chỉ cần nhìn lên bầu trời, sẽ nhận ra đường trở lại Quảng trường St. Mark. Langdon, vẫn thấy khó tin rằng tòa tháp đồ sộ này từng sụp đổ vào năm 1902, để lại một đống gạch vụn khổng lồ ngay Quảng trường St Mark. Điều kỳ lạ là chỉ có duy nhất một chú mèo bị thương vong trong thảm họa đó.

Du khách tới Venice sẽ được trải nghiệm cảm giác độc đáo khi đến thăm những cảnh quan đẹp đến ngỡ ngàng của nơi này, nhưng địa điểm ưa thích của Langdon luôn là Riva degli Schiavoni. Khu vực đi đạo lát đá rộng rãí này ngay kề mép nước và được xây dựng từ thế kỷ IX bằng phù sa nạo vét. Nó chạy dài từ xưởng tàu cũ đến tận Quảng trường St Mark.

Dọc theo nó là các quán cà phê xinh xắn, những khách sạn trang nhã, và thậm chí cả nhà thờ của gia đình Antonio Vivaldi[2]. Điểm khởi đầu của Riva là tại xưởng đóng tàu cổ của Venice – nơi mùi hương nồng nồng của chất nhựa cây đun sôi từng tràn ngập không khí khi những người thợ đóng tàu quét nhựa nóng lên những con tàu chưa hoàn thiện để bít kín các lỗ thủng. Người ta đồn rằng chính một lần tới thăm các xưởng đóng tàu này mà Dante Alighieri có cảm hứng đưa những dòng sông nhựa sôi sùng sục vào Hỏa ngục của mình như một công cụ trừng phạt.

[2]Antonio Vivaldi (sinh năm 1678 tại Venice, mất năm 1741 tại Vienna) là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ vĩ cầm, nhà sư phạm, chỉ huy dàn nhạc người Ý, cũng là linh mục chỉ huy dàn nhạc và dàn đồng ca “della Picta” ở Venice.

Langdon đưa mắt sang phải bám theo Riva chạy dọc bên nước, và dừng lại ở đoạn cuối rất ấn tượng của khu vực đi dạo này. Ở đây, trên rìa tận cùng phía nam của Quảng trường St Mark, không gian lát đá rộng rãi này tiếp xúc trực tiếp với biển. Vào thời hoàng kim của Venice, chỗ vách bờ dựng đứng này được tự hào đặt tên là “rìa của tất cà nền văn minh”.

Hôm nay, khoảng không gian dài ba trăm thưóc nơi Quảng trường St. Mark gặp gỡ biển cả, vẫn như mọi khi có không dưới trăm chiếc thuyền đáy bằng sơn đen bập bênh va vào bờ neo, mũi thuyền hình lưỡi hái nhô lên ngụp xuống trên nền những tòa nhà bằng đá cẩm thạch trắng của quảng trường.

Langdon vẫn không hiểu vì lý do gì mà cái thành phố nhỏ bé – chỉ rộng gấp đôi công viên Central Park ở New York – vươn lên từ biển khơi này lại có thể trở thành đế chế rộng lớn và giàu có nhất phương Tây.

Khi Maurizio cho thuyền chạy lại gần hơn, Langdon nhận ra quảng trường chính đông nghịt người. Napoleon từng gọi Quảng trường St. Mark là “phòng khách của châu Âu”, và theo cảnh tượng nhìn thấy, “gian phòng” này đang chủ trì một đại tiệc đông nghịt khách khứa. Toàn bộ quảng trường trông như thể bị chìm dưới sức nặng của các vị khách tới chiêm ngưỡng.

“Chúa ơi”, Sienna thì thào, mắt nhìn đám đông khách tham quan.

Langdon không rõ có phải cô nói như vậy vì sợ rằng Zobrist có thể đã lựa chọn một địa điểm đông đúc như thế này để tung ra đại dịch của hắn, hay bởi vì cô cảm thấy rằng trên thực tế Zobrist có thế có lý khi cảnh báo về những hiểm họa của tình trạng quá tải dân số.

Mỗi năm Venice đón tiếp một số lượng du khách đông kinh khủng – ước tính chiếm đến một phần ba dân số thế giới – khoảng hai mươi triệu khách trong năm 2000. Với con số một tỉ người được bổ sung vào dân số thế giới kể từ thời gian đó, giờ đây hàng năm, thành phố này đang phải rên rỉ dưới sức nặng của thêm ba triệu du khách nữa. Venice, giống như chính hành tinh này, chỉ có một không gian nhất định, và đến một lúc nào đó sẽ không còn khả năng nhập đủ lương thực, xử lý đủ lượng chất thải, hay tìm đủ giường ngủ cho tất cả những người muốn tới thăm nó.

Ferris đứng gần đó, nhưng mắt không nhìn vể phía đất liền mà lại nhìn ra biển, quan sát tất cả những con tàu đang tiến vào.

“Anh ổn chứ?, Sienna hỏi, mắt nhìn ông ta vẻ tò mò.

Ferris quay phắt lại. “Ờ, tốt thôi… chỉ đang suy nghĩ.” Ông ta hướng lên phía trước và gọi Maurizio: “Đậu càng gần St. Mark càng tốt nhé”.

“Không thành vấn đề!” Anh chàng lái thuyền vẫy tay. “Hai phút thôi.”

Chiếc limousine nước giờ đã đến ngang tầm Quảng trường St Mark, và Dinh Tổng trấn đứng uy nghiêm bên tay phải nổi bật trên bờ biển.

Là một ví dụ hoàn hảo cho kiến trúc Venetian Gothic, tòa cung điện này chẳng khác gì một bài tập về cách tiết chế sự tao nhã. Không hề có những tháp pháo hay tháp canh vẫn gắn liền với cung điện của Pháp hay Anh, công trình này được tạo hình như một lăng trụ vuông vức rất lớn, đem lại không gian vô cùng rộng rãi phía bên trong, là nơi lưu trú của chính phủ trọng yếu cùng bộ máy hỗ trợ của tổng trấn.

Nhìn từ đại dương, tòa cung điện đồ sộ bằng đá vôi trắng trông có vẻ ngạo nghễ nếu không tiết chế một cách thận trọng hiệu ứng ấy bằng cách bổ sung thêm những mái cổng, cột trụ, hàng lang ngoài và những lỗ răng cưa hình lá bốn thùy. Những hoa văn kỳ lạ bằng đá vôi hồng xuất hiện khắp mặt ngoài, gợi cho Langdon nhớ đến pháo đài Alhambra[3] ở Tây Ban Nha.

[3]Alhambra (tên đầy đủ Calat Alhambra) là một quần thể cung điện và pháo đài nằm ở Granada, Andalusia, Tây Ban Nha. Nguyên thủy, đây là một pháo đài được xây dựng năm 889 và sau đó bị bỏ quên cho tới khi được vua người Moor là Mohammed ben Al-Ahmar xây dựng lại vào giữa thế kỉ XI và được quốc vương Yusuf I biến thành hoàng cung năm 1333.

Khi thuyền áp sát bờ neo hơn, Ferris có vẻ lo lắng trước đám đông phía trước cung điện. Một đám đông khác tụ tập trên cầu, và mọi thành viên đều đang chỉ tay xuống một dòng kênh hẹp cắt giữa hai khu rộng lớn của Dinh Tổng trấn.

“Họ đang nhìn gì thế nhỉ?”, Ferris thắc mắc, giọng đầy lo lắng.

“Il Ponte del Sospiri”, Sienna đáp. “Một cây cầu nổi tiếng của Venice.”

Langdon nhìn xuống con kênh chật hẹp và thấy một đường hầm kín mít có chạm trổ rất đẹp uốn vòng giữa hai tòa nhà. Cầu Thở dài, anh nghĩ thầm, nhớ lại một bộ phim mình rất thích khi còn bé là A Little Romance, được xây dựng dựa trên câu chuyện rằng nếu lúc hoàng hôn, hai người trẻ tuổi hôn nhau dưới cây cầu này trong khi Nhà thờ St. Mark đổ chuông, thì tình yêu của họ sẽ mãi mãi bền vững. Cái ý niệm vô cùng lãng mạn ấy đọng lại trong Langdon suốt cả đời anh. Dĩ nhiên, còn có lý do nữa là bộ phim có diễn viên chính là một thiếu nữ mười bốn tuổi đáng yêu có tên Diane Lane, khiến cho Langdon lập tức mê mẩn. Đó là thứ tình cảm thời niên thiêu mà Langdon chưa bao giờ muốn lãng quên.

Nhiều năm sau, Langdon thấy sợ khi biết rằng cầu Thở dài có tên gọi như vậy không phải từ những tiếng thở hổn hển đầy đam mê, mà từ những tiếng thở dài đau khổ. Hóa ra, cái lối đi kín mít ấy có chức năng nối giữa dinh của tổng trấn và nhà tù của ông ta, nơi những người tù héo hon và qua đời, tiếng rên rỉ đau khổ của họ vọng qua những ô cửa sổ chặn lưới sắt trổ dọc theo con kênh hẹp.

Langdon từng tới thăm nhà tù một lần, và rất ngạc nhiên khi biết rằng những buồng giam đáng sợ nhất không phải là những buồng ngang mực nước, vốn thường xuyên bị ngập, mà là những buồng ở sàn trên cùng của cung điện đích thực – gọi là piombi do có phần mái ốp chì – khiến cho những gian buồng ấy nóng khủng khiếp vào mùa hè và lạnh cóng vào mùa đông. Người tình vĩ đại Casanova[4] đã từng là một người tù trong piombi vì bị tòa án dị giáo buộc tội thông dâm và làm gián điệp, anh ta sống sót qua mười lăm tháng bị giam cầm và trốn thoát bằng cách lừa giám ngục.

[4]Giacomo Casanova (1725-1798) là một nhà thám hiểm và tác gia Venice. Tự truyện của ông, Câu chuyện đời tôi được xem như một trong những nguồn đáng tin cậy về phong tục và tiêu chuẩn xã hội Châu Âu trong thế kỷ XVIII, ông nổi tiếng là tay quyến rũ phụ nữ, và kể nhiều chuyện phiêu lưu tình ái trong tự truyện của mình.

“Chú ý vào!” Maurizio quát to với một người điều khiển thuyền đáy bằng khi chiếc limousine của họ lướt vào vị trí buông neo mà chiếc thuyền kia vừa bỏ trống. Anh ta tìm thấy một nơi ở phía trước khách sạn Danielli, chỉ cách Quảng trường St. Mark và Dinh Tổng trấn một trăm thước.

Marizio quăng một sợi dây quanh cọc neo và nhảy lên bờ, như thể đang thử vai cho bộ phim phiêu lưu lục lâm thảo khấu. Khi đã buộc chắc thuyền, anh ta quay lại và chìa một tay xuống thuyền như muốn giúp các vị khách lên bờ.

“Cảm ơn anh”, Langdon nói lúc anh chàng Ý vạm vỡ kéo anh lên bờ.

Ferris theo sau, trông hơi thiếu tập trung và lại liếc nhìn ra ngoài biển.

Sienna là người cuối cùng lên bờ. Khi nhấc bổng cô lên bờ, anh chàng Maurizio điển trai nhìn xoáy vào cô như hàm ý rằng cô sẽ có một quãng thời gian tuyệt vời hơn nữa nếu hất cẳng hai gã đồng hành và ở lại trên thuyền với anh ta. Sienna dường như không chú ý.

“Cảm ơn, Marizio”, cô lơ đễnh nói, ánh mắt tập trung vào Dinh Tổng trấn gần đó.

Sau đó, không bỏ lỡ một bước, cô cùng Langdon và Ferris hòa vào đám đông.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN