Lại lờ mờ như tuyết, cứ giăng lả tả lả tả, bao phủ lên cơ thể nhưng không cảm thấy lạnh.
Khương Trầm Ngư nghĩ: Cảnh tượng này, tựa hồ đã gặp ở đâu rồi.
Nhưng cuối cùng vẫn không nhớ ra.
Thế là nàng đi về phía trước.
Đường đi dài tít tắp, quanh co, mềm và xốp, hai chân giẫm trên mặt đất, giống như bị sương mù bao trùm. Một sức mạnh nào đó đang ngăn cản nàng tiến về phía trước, lại có một sức mạnh nào đó đang thôi thúc nàng tiến về phía trước. Nàng bị hai loại sức mạnh này lôi kéo, không thoát thân nổi và cũng không muốn thoát thân.
Bởi vì, sâu thẳm trong ý thức, tựa như biết rằng, phía trước có một thứ rất quan trọng, rất quan trọng.
Sau đó nàng nhìn thấy một con thuyền, thoắt ẩn thoắt hiện xuyên qua làn sương mù, từ từ tiến lại gần.
Người đứng ở mũi thuyền, xiêm áo phấp phới, phiêu diêu như tiên.
Đến khi lại gần, có thể thấy người ấy quay người về phía nàng, giơ tay, khuỵu gối, khom lưng, vái lạy nàng.
Tựa như còn nói câu gì đó, nhưng nàng không nghe rõ.
Trong nháy mắt mắt Khương Trầm Ngư đẫm lệ. Một nỗi bi thương vô hình, không rõ nguyên nhân, nỗi thê lương giống như ấm ức giống như không cam lòng giống như vĩnh viễn không muốn nhớ lại bỗng trỗi dậy.
“Nương nương? Nương nương?”. Hơi ấm truyền đến từ cánh tay đã đánh thức nàng dậy.
Trong nháy mắt, sương mù biến mất, người đó cũng không thấy đâu, chiếc thuyền nhỏ cũng biến mất, tất cả đều biến mất…
Khương Trầm Ngư bỗng tỉnh giấc! Lọt vào tầm mắt là khuôn mặt lo lắng sốt ruột của Hoài Cẩn: “Nương nương, người lại nằm mơ thấy ác mộng”.
Khương Trầm Ngư đưa tay lên theo bản năng, sờ lên mặt, nước mắt ướt đẫm.
Cảm giác bi thương trong mộng đó vẫn chưa tan đi, vẫn còn quanh quẩn ở nơi sâu thẳm của cơ thể, ẩn ẩn hiện hiện, nhưng thực sự tồn tại. Nàng nhớ đến người đứng ở mũi thuyền vái nàng, trái tim lại run rẩy một chặp.
“Nương nương”. Hoài Cẩn lấy một chiếc khăn ướt còn ấm lau mặt cho nàng, dịu dàng nói: “Nương nương có muốn ngồi dậy không?”.
“Mấy giờ rồi?”.
“Giờ Thân hai khắc rồi”.
“Giờ Thân?”. Khương Trầm Ngư ngạc nhiên, còn tưởng là mình nghe lầm.
Hoài Cẩn gật đầu: “Vâng. Nương nương đã ngủ liền mười hai canh giờ, trong lúc đó còn sốt nhẹ, may mà hết sốt rồi. Thái y nói, nương nương do mệt mỏi quá độ, lại gặp tiết trời lạnh đột ngột gần đây, hàn khí xâm nhập cơ thể, cho nên mới bị hôn mê. May mà cuối cùng đã tỉnh lại, vẫn kịp tham dự đại lễ vào giờ Tí”.
Khương Trầm Ngư vừa nghe đến hai chữ “đại lễ”, liền vội vàng hất chăn xuống giường: “Ta ngủ say quá, cũng không biết những thứ đó đã được bố trí ổn thỏa chưa…”. Vừa nói vừa hớt hơ hớt hải đi ra cửa, vừa mở cửa phòng ra, nhìn thấy cảnh vật bên ngoài, giọng nói liền ngưng bặt.
Sắc trời âm u, hoa tuyết bay lất phất, hành lang sáng trưng trải dài, đèn cung đỏ rực. Thực ra rất nhiều năm trước, nàng đã nhìn thấy cảnh tượng này, nàng của khi đó ngồi trong kiệu vào cung thăm tỉ tỉ, vẫn còn bốc đồng bình luận long phượng điêu khắc trên tường, chê chúng thô tục, nhưng sau đó, Chiêu Loan công chúa xuất hiện, nhiệt tình thân thiết gọi nàng, đưa nàng đi xem trò hay, cũng chính ngày hôm đó, nàng nhìn thấy Hy Hòa phu nhân…
Chuyện cũ còn ngay trước mắt, rõ ràng như mới xảy ra ngày hôm qua, sao nháy mắt một cái, đã biến thành năm đó?
Phía xa, có người đang đốt pháo hoa, bầu trời bị pháo hoa chiếu sáng, tỏa ra những tia sáng ngũ sắc.
Khương Trầm Ngư ngây ngốc chăm chú nhìn những tia sáng đó.
Hoài Cẩn đứng bên cạnh cười nói: “Bất ngờ không? Đại lễ buổi tối không cần nương nương quá lo lắng, có người đã bố trí ổn thỏa đâu ra đấy từ lâu rồi. Nghe nói năm nay pháo hoa dùng trong cung đều không phải là của Bích quốc tự sản xuất, mà mua từ Nghi quốc về đó. Trong đó còn có một hòm, là Nghi vương chỉ rõ tặng riêng cho nương nương, đợi lúc nữa nương nương tham dự đại lễ sẽ đốt”.
Đại lễ kỳ thực là một loại tập tục từ thời Bích quốc dựng nước đến nay: Đêm trừ tịch mỗi năm, hoàng đế đều dẫn theo phi tử quan trọng đi lên thành lâu, đích thân đốt Trường Minh đăng, cùng vui đón giao thừa với bách tính, và cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Vì thế, có thể nói đây là một nghi thức rất long trọng.
Năm Đồ Bích thứ nhất, Chiêu Doãn dẫn Tiết Mính đi châm đèn; năm Đồ Bích thứ hai, Chiêu Doãn dẫn tỉ tỉ; năm Đồ Bích thứ ba, thứ tư, Chiêu Doãn dẫn Hy Hòa phu nhân, mà nay… cuối cùng đã đến lượt nàng.
Cuối cùng đã đến lượt Khương Trầm Ngư đi lên thành lâu, tỏ rõ với thiên hạ bách tính, ở Bích quốc hiện nay, nữ tử quan trọng nhất là ai.
Nhưng… kết cục như thế này lại không thể khiến nàng vui vẻ chút nào.
Trước mắt dường như lại hiện lên cảnh tượng trong giấc mộng: Mũi thuyền quẩn sương trắng, người ấy vái lạy về phía nàng, vái lạy khiến trái tim nàng tan nát.
Đồ Bích… bảy năm rồi.
Bảy năm mưa gió điên đảo, quốc gia này mấy phen động loạn, đầu tiên là Vương thị ép thái tử phản nghịch, rồi bị trấn áp; sau Chiêu Doãn bức Tiết thị tạo phản, lại trấn áp; lại đến Cơ gia suy thoái, Khương gia nổi lên… Suốt một chặng đường, là máu tanh lầy đất, không nhẫn tâm nhìn. Phong thủy luân hồi, mỗi năm mỗi khác, vào năm Đồ Bích thứ tư, văn võ trong triều có mấy người có thể ngờ rằng, phồn hoa tan hết, cuối cùng hoa rụng vào Khương gia.
Rụng trúng đầu Khương Trầm Ngư nàng?
Đứng trước chiếc gương đồng Bách Quỹ Triều Dương cao ngang người, Khương Trầm Ngư chăm chú nhìn bóng mình trong gương: Trên mái tóc đen nhánh là chiếc vương miện tuyệt thế chạm trổ bằng bạch ngọc Lam Điền, khảm chín mươi chín viên hồng châu Nam Hải; khoác trên hai bờ vai nhỏ nhắn là chiếc áo choàng lông phượng dệt bằng lông bạch hồ Thiên Sơn; rủ sau đuôi váy là lụa Thiên Vũ Cung dệt bằng tơ bảy mươi hai màu… Phải tôn quý nhường nào, mới có thể hội tụ bảo vật thiên hạ lên người? Lại phải tôn quý bao nhiêu, mới có thể xứng với thứ phục trang long trọng này?
Nhưng vì sao nàng nhìn vào trong gương, lại chỉ nhìn thấy tai trái của mình?
Trên tai trái, một viên Trường Tương Thủ đung đưa đung đưa, cô đơn cô đơn.
Khương Trầm Ngư không đành lòng nhìn tiếp, quay người bỏ đi. Hai nữ quan tiến lên dìu nàng, lại có hai mươi tám nữ quan khác cấp tập theo gót phía sau.
Ngoài điện, đội quân nghi thức trang phục trang trọng đứng nghiêm, uy nghiêm đế vương ập vào tầm mắt.
Trước sự cung nghênh của các nữ quan, Khương Trầm Ngư bước lên bảo xa, hai bên chiêng trống tưng bừng, sau một tràng tù và rúc dài, phu xe bắt đầu thúc tuấn mã, từ từ đi về phía thành lâu.
Những dải tua màu vàng kim và hoa tuyết bay lả tả hòa vào nhau, chập chờn trước mắt nàng.
Xe ngựa đi qua Đoan Tắc cung đầu tiên.
Cung điện này xây dựng trên hồ, bốn bên là nước, nói thẳng ra đây là một hòn đảo nhỏ cô độc.
Muốn vào cung, chỉ có thể chèo thuyền từ bến phía chính Đông, từ bờ hồ đến cửa cung, nhanh nhất cũng phải mất thời gian một khắc.
Nghe nói vì Cơ Hốt tính tình cổ quái, lại ghét lễ tiết cung đình, cố ý xây dựng cho mình một tòa cung điện cách biệt thế gian như vậy. Nàng ta không thích người khác thăm hỏi, cũng không muốn thăm hỏi người khác. Vì thế, đại bộ phận người trong cung đều chỉ nghe tên nàng ta mà chưa từng gặp mặt.
Khương Trầm Ngư chăm chú nhìn Đoan Tắc cung ngói xanh tường đỏ, nàng đã bao giờ nghĩ rằng chân tướng đằng sau nhân vật được coi là thần thoại đó, tài nữ văn thái tinh tuyệt khiến văn nhân bốn nước đều phải thẹn chẳng bằng đó, tỉ tỉ của nam tử mà mình ngưỡng mộ suốt đời đó hóa ra là như thế này.
Thế sự mỉa mai, chẳng qua cũng chỉ như vậy mà thôi.
Đi qua cầu Động Đạt là đến Bảo Hoa cung. Lưu ly vẫn sáng lấp lánh trong tuyết đêm như xưa, ánh đèn giống như nước chảy róc rách trên ngói, đẹp đến tận cùng, cũng linh động đến tận cùng.
Giống như chủ nhân cũ của nó, đẹp đến mức không tì vết.
Thế nhưng, hết thảy ánh sáng đều đến từ thế giới bên ngoài, cửa sổ giấy âm u, bên trong tối đen như mực.
Bên trong đã không còn ai nữa.
Bảo Hoa cung đã từng ca vũ thái bình, đêm đêm yến tiệc, nay đã thành một tòa cung điện chết chóc.
Gió thốc nắng táp, xuân đi thu đến, nơi đây đã bị thời gian mài mòn, biến thành hoang phế.
Sẽ không còn có phi tử thứ hai đến sống ở nơi này nữa.
Bởi vì, Khương Trầm Ngư không cho phép có phi tử thứ hai vào sống ở cung này.
Thế gian này cũng không còn phi tử thứ hai xứng đáng sống tại cung này nữa.
Đi qua Bảo Hoa cung chừng ba khắc mới đến Gia Ninh cung
Nàng đã từng quen thuộc với nơi này biết bao.
Ở nơi đây, nàng lần đầu tiên hành lễ vái lạy tỉ tỉ là quý nhân, vái xong, Khương Họa Nguyệt một tay ôm eo nàng đỡ nàng đứng dậy, tươi cười nói: “Muội muội không cần đa lễ, về sau ở đây cứ thoải mái như ở nhà chúng ta”.
Nàng tin rằng tỉ tỉ thật lòng thật ý khi nói câu này.
Nhưng, tỉ tỉ ngây thơ, nàng cũng ngây thơ.
Thâm cung nội viện, một phi tử đến vận mệnh của mình cũng không có cách gì khống chế, đến tương lai của bản thân cũng không thể biết được, làm sao có thể coi nơi đây là nhà?
Cây mai vàng trước sân đã chết khô. Hai cung nữ mặc đồ trắng đang quỳ trước sân vái lạy nàng từ phía xa.
Khương Trầm Ngư không kìm được giơ tay lên sờ hạt minh châu trên tai trái của mình, nhớ đến cảnh tượng ngày hôm đó, tỉ tỉ lấy hạt châu từ trong hộp ra, dịu dàng đưa cho nàng, trong lòng chua xót, vội vàng hạ rèm xuống, không đành nhìn tiếp.
Xe ngựa đi qua Ngọc Hoa môn, Cảnh Dương điện, đến Thiên Đoan thập nhị giai.
Cái gọi là Thiên Đoan thập nhị giai là bậc thang lấy Cảnh Dương điện làm trung tâm, phương vị được triển khai chia đều theo mười hai canh giờ, lần lượt là Tí bệ, Sửu bệ, Dần bệ, Mão bệ, Thìn bệ, Tị bệ, Ngọ bệ, Mùi bệ, Thân bệ, Dậu bệ, Tuất bệ và Hợi bệ.
Mà xe ngựa của Khương Trầm Ngư dừng trước Ngọ giai hướng về phía Nam, tương đối rộng rãi so với mười một bậc thang còn lại.
Một tên tiểu thái giám sải bước tiến lên phía trước, đặt viên đá kê chân khảm ngọc xuống, Khương Trầm Ngư giẫm lên đá bước xuống xe, vịn vào tay đại thái giám La Hoành, nâng nhẹ gấu váy, bước lên bậc thang.
Tuyết vẫn bay lất phất trong không trung, nhưng trên mặt đất không có lấy một vệt tuyết nào, hoa tuyết rơi xuống bậc đá hình cửu long tranh châu, lập tức tan chảy. Nghe nói, chỗ này đều lát ngọc ấm Bình Khê, có độ ấm vĩnh cửu tự nhiên, đông ấm hạ mát. Người bình thường khó mà gặp một lần, còn hoàng gia xa xỉ, lại dùng nó để lát đường.
Khương Trầm Ngư khe khẽ thở dài trong lòng.
Đi hết mười hai bậc thang, văn võ bách quan đã quỳ kín tại thành lâu phía trước.
Bách quan đồng loạt vái lạy: “Trời phù hộ Đồ Bích, triều ta phồn vinh hưng thịnh”.
Khương Trầm Ngư đón lấy ngọn Trường Minh đăng từ trong tay thị quan, từ từ đi lên thành lâu. Bên ngoài lầu tiếng huyên náo nổi lên, giống như làn sóng càng lan càng rộng, tụ thành một mảng.
Xuyên qua hàng rào, Khương Trầm Ngư nhìn thấy sông hộ thành, dân chúng đang đứng thành hàng chờ đợi trên khoảng đất trống bên bờ sông, nhìn thấy nàng, hưng phấn cao giọng hò hét.
Nàng giơ một cánh tay, khẽ gạt xuống, tiếng hò hét lập tức nín bặt.
Tất cả mọi người đều im lặng nhìn nàng, vô số cặp mắt xuyên qua hoa tuyết bay phất phơ dán chặt lên người nàng.
Cái gọi là “vạn mắt đổ dồn”, cũng chẳng qua là như thế thôi.
La Hoành đưa một quyển trục màu vàng cao quá đầu, trình lên trước nàng, Khương Trầm Ngư lại lắc đầu, đẩy quyển trục ra, bước lên phía trước một bước, giơ Trường Minh đăng lên, để bách tính phía dưới có thể nhìn rõ hơn.
Sau đó, nhìn thẳng phía trước, mở miệng ngâm:
Đại minh chi thần,
Dạ minh chi thần,
Ngũ tinh liệt tú chu thiên tinh thần chi thần,
Vân vũ phong lôi chi thần,
Chu thiên liệt chức chi thần,
Ngũ nhạc ngũ sơn chi thần,
Ngũ trấn ngũ sơn chi thần,
Cơ vận tưởng thánh thần Liệt Thiên Thọ Nạp Đức ngũ sơn chi thần,
Tứ hải chi thần,
Tứ tân chi thản,
Tế địa liệt chức chi linh,
Thiên hạ chư thần,
Thiên hạ chư chi,
Phiền vi ngô vận nhĩ thần hóa, cung suất thần dân, tí hựu lai niên, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, chính thông nhân hòa, bách phế câu hưng. Phong niên tường triệu, thử đăng trường minh.
Đặc thử thượng tôn, vọng thần nghi tất tri, cẩn cáo[1].
[1] Đoạn trên là bài tế, tạm dịch như sau: Thưa các vị: Thần mặt trời/ thần mặt trăng/ Các vị thần sao/ Thần mây mưa gió sấm/ Các thần coi các sao trên trời/ Thần coi sóc Ngũ nhạc ngũ sơn/ Thần soi sóc Ngũ trấn ngũ sơn/ Thánh thần Cơ Vận Tường, thần của năm ngọn núi Liệt – Thiên – Thọ – Nạp – Đức/ Thần bốn biển/ Thần bốn bờ/ Thần đất các nơi/ Chư vị thiên thần trong thiên hạ/ Chư vị thần đất trong thiên hạ. Xin các vị vì ta mà ban phép thần, dẫn dắt thần dân, phù hộ năm tới, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, chính sự hanh thông người người hòa hảo, trăm phế đều hưng. Mùa màng bội thu, điềm lành dồi dào, đèn này sáng mãi.
Dâng phụng ở đây, mong chư thần thấu tỏ, cẩn cáo.
Nói xong, châm đèn, chỉ nghe thấy mấy tiếng xèo xèo, Trường Minh đăng từ từ bay lên, dân chúng phía dưới thấy vậy hoan hô vang dội.
Đồng thời khi ấy, pháo hoa bùng lên bốn phía, mà ở hướng chính Bắc, một ngọn lửa màu xanh cực lớn bay vọt lên bầu trời, nở bùng giữa không trung, biến thành một con cá khổng lồ.
“Oa…”. Đến đám thị vệ trên thành lâu đều ngẩng đầu lên há hốc mồm kinh ngạc.
Con cá màu xanh lam lượn vài cái, nổ bùng lên lần nữa, biến thành mấy chục đóa hoa lê to nhỏ khác nhau, chầm chậm rớt xuống.
Khương Trầm Ngư thầm biết đây chính là pháo hoa Nghi vương tặng riêng nàng mà Hoài Cẩn nhắc đến, vừa kinh ngạc vì sự khéo léo kỳ công, trong lòng lại thoáng dấy lên một nỗi buồn.
Tình cảnh ngày đó vẫn còn hiện lên mồn một trước mắt, đến nếp áo, vẻ tịch liêu nơi đôi mày của đối phương cũng đều rõ ràng…
Hách Dịch nói: “Ta sẽ đợi nàng ba năm. Trong ba năm, cho dù nàng thay đổi chủ ý bất cứ khi nào, đều có thể đến tìm ta”.
Nàng đáp: “Nếu ta không thay đổi chủ ý thì sao?”.
Hách Dịch cười cười, một nam tử trong sáng tiêu sái như thế, khi cười ánh mắt lại ưu sầu vô cùng: “Vậy thì, ta sẽ phải kết hôn”.
Chàng không nói tiếp nữa, nhưng nàng làm sao mà không biết được?
Ba năm sau, Hách Dịch đã ba mươi tuổi. Một vị quân vương ba mươi tuổi mà còn chưa kết hôn, còn không có con cái nối dõi, thì không biết phải ăn nói với con dân thế nào.
Cả nước gây áp lực nặng nề, dù cho Hách Dịch luôn tùy ý phóng túng, cũng không thể gánh đỡ nổi.
Hách Dịch không gánh đỡ nổi.
Khương Trầm Ngư nàng càng không gánh đỡ nổi.
Cho nên, cái gọi là ước hẹn ba năm, cũng chẳng qua là một ý niệm si mê cuối cùng như hoa trong gương như trăng dưới nước mà thôi.
Hách Dịch. Hách Dịch. Hách Dịch à…
Hóa ra trên thế gian này, thực sự có một loại ân tình trả không nổi, trả không được và không dám trả.
Trường Minh đăng lượn vòng bay lên, bầu trời rộng lớn, giống như chỉ còn lại một ngọn đèn như thế, cháy giữa đất trời, cháy trong càn khôn, cháy trong tim mỗi người.
Tăng lữ hoàng gia khác trên mình áo cà sa vung tay, chuông đồng kêu vang.
Boong…
Boong…
Boong…
Chuông đồng vang mười hai tiếng, tiếng nhạc nổi lên tứ phía, pháo hoa sáng lòa, dân chúng vốn chỉ đứng xem, bỗng ồn ào hẳn lên, trong tay mỗi người đều cầm một cây đèn, thắp sáng xong, giơ lên cao, nhìn từ trên thành lâu, xếp thành tám chữ “Phương thần vĩnh hảo, thọ ngang trời đất”.
Khương Trầm Ngư cả kinh.
Không sai, ngày mùng một tháng Giêng ngoài là ngày bắt đầu năm mới ra, còn là sinh nhật của nàng.
Nháy mắt, nàng đã mười tám rồi.
Lại nhớ về cái năm nàng vào tuổi cập kê đó, như thể đã cách một đời.
La Hoành đứng bên cạnh khẽ nói: “Việc này đều do Tiết công tử sắp xếp”.
Khương Trầm Ngư không khỏi quay đầu, thấy Tiết Thái đang cùng bách quan đứng dưới bậc thềm, cúi đầu chẳng tỏ thái độ gì. Còn lúc này, La Hoành đã quỳ dưới đất, cao giọng hô: “Cung chúc hoàng thượng sinh nhật an lành, thọ ngang trời đất, vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế”.
Cung chúc hoàng thượng sinh nhật an lành, thọ ngang trời đất, vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế…
Cung chúc hoàng thượng sinh nhật an lành, thọ ngang trời đất, vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế…
Từng tiếng từng tiếng lần lượt truyền tới.
Khương Trầm Ngư đột ngột quay người, nhìn thấy tất cả mọi người có mặt đồng loạt quỳ gối, vái lạy dưới đất, đất trời như liền một dải, trong chớp mắt, không có ai khác đứng cao hơn nàng.
Cuối cùng Khương Trầm Ngư nhớ đến mộng cảnh, câu mà người ấy nói khi vái lạy nàng, người ấy nói là: “Tạm biệt, hoàng thượng”.
Giấc mộng nhiều năm. Lệ đổ như mưa.
Cơ Anh Cơ Anh, có phải chàng đã sớm tính được số mệnh của ta không? Cho nên trong giấc mộng khi từ biệt ta, chàng đã nói ra kết cục của ta.
Cơ Anh Cơ Anh, thế nhân nói chàng là Bạch Trạch luân hồi, đầu thai vì phù trợ Chiêu Doãn. Hóa ra, quân vương mà chàng muốn phù trợ không phải là Chiêu Doãn, mà là… ta.
Là ta!
Chàng rèn giũa ta, hướng dẫn ta, ép buộc ta, từng bước từng bước, đi đến ngày hôm nay.
Đi đến ngai vàng đế vương này, trở thành chủ tể của càn khôn này.
Thế nhưng… thế nhưng… thế nhưng…
Có cả thiên hạ không sở nguyện, mơ ước phu thê hóa hão huyền.
Thứ Khương Trầm Ngư ta tâm tâm niệm niệm, chẳng qua là có thể được chàng yêu thích. Giống một nữ tử được một nam tử yêu thích…
Tất cả trước mắt, mơ hồ trùng khít với cảnh tượng trong giấc mộng.
Trên không trung, pháo hoa mà Nghi vương tặng đang nở rộ.
Dưới mặt đất, Tiết Thái đương tuổi thiếu niên nhìn nàng từ xa.
Năm Đồ Bích thứ bảy chầm chậm đến trong cảnh tuyết bay đầy trời, pháo hoa dệt gấm.
Năm nay là tròn ba năm sau khi Khương Trầm Ngư nhiếp chính, là năm đầu tiên nàng đăng cơ trước tình thế quần thần nhiều lần dâng thư của vạn dân khẩn cầu nàng xưng đế.
Mùng bảy tháng Giêng, nữ đế tự xưng là Duệ đế, định Nguyên Đô đời đời là Thần Đô, đổi quốc hiệu là Lê.
Lịch sử bốn nước, lại một lần nữa được viết lại, mà lần này…
Đã đến thời đại của Khương Lê.