Hoàng Kim Đài - Chương 6: Tuyên triệu
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
128


Hoàng Kim Đài


Chương 6: Tuyên triệu


Một năm này đã định sẵn là không thể yên bình. Gần tới cuối năm, sau đại án sứ đoàn Đông Thát gặp mai phục chấn kinh triều dã, lại có một lời đồn liên quan đến thống soái Bắc Yến, lặng lẽ lan truyền trong giới quan to hiển quý ở kinh thành, với thế như tinh hỏa liêu nguyên[1] ——

Tĩnh Ninh hầu Phó Thâm thích long dương, có đam mê phân đào đoạn tụ[2].

Tin tức này xuất hiện thực kỳ lạ, song nghĩ kỹ lại, cũng có chỗ đáng suy ngẫm. Huống hồ mọi người luôn không sợ dùng phỏng đoán hạ lưu nhất để nỗ lực bù đắp “chân tướng”. Chẳng bao lâu sau, tình sử từ khi Phó Thâm tòng quân tới nay đã sinh động như thật, truyền khắp các nhà công hầu huân quý, thậm chí còn thành đề tài nói chuyện trà dư tửu hậu của một ít người.

Ở Đại Chu, yêu thích nam phong cũng chẳng phải việc gì quá khác người, người đời cũng đặc biệt khoan dung với chuyện này. Mà chuyện như vậy xuất hiện ở một tướng quân tay cầm quân quyền, thì không chỉ đơn giản là “ham thích” nữa.

Quốc hiệu của tiền triều là “Việt”, thịnh vượng trăm năm, trong đó có một vị hoàng đế si tình nổi danh thiên cổ, miếu hiệu Túc Tông. (Sau khi hoàng đế băng hà, người ta khắc tên hiệu ở miếu thờ để thờ cúng, gọi là miếu hiệu.)

Túc Tông hoàng đế thưở còn chưa lên ngôi có sủng hạnh một mỹ nhân họ Hàn, sau khi lên ngôi, không chỉ phong Hàn thị làm quý phi, mà còn muốn gia phong (phong chức tước, ban ruộng đất) cho tất cả phụ huynh ấu đệ của nàng. Đệ đệ của Hàn quý phi tên là Hàn Thương, sử ghi lại rằng “Tư dung tú mỹ, đẹp như hảo nữ, có chất tựa minh châu mỹ ngọc”. Hàn Thương vì tỷ tỷ nên tiến vào Loan Nghi vệ, trong một lần đi theo xa giá du ngoạn, từng chạm mặt với hoàng đế. Túc Tông đối với y nhất kiến khuynh tâm, sau khi hồi cung thì tương tư chẳng thể quên nổi, không quan tâm đến thế tục luân thường, nghênh đón Hàn Thương vào trong cung. Chẳng những ân sủng rất nhiều, mà ngoài danh phận phi tần, còn cố ý đặt ra “Quý quân”, vị trí tương đương với quý phi, khiến tỷ đệ hai người cùng hầu một vua.

Đại Việt xưa nay chưa từng có tiền lệ như vậy, từ triều đình cho tới bách tính đều bị chấn động. Văn võ bá quan khuyên can không ngớt, hận không thể xếp hàng dập đầu chết ở trước điện.

Mặc dù Túc Tông là kẻ si tình kinh thế hãi tục, nhưng dứt bỏ thân phận này, đầu tiên ông ta vẫn là hoàng đế, chủ của một quốc gia. Ông không thể chịu đựng việc mình chỉ vì chút chuyện riêng mà bị một đám thùng cơm lo chuyện bao đồng quơ tay múa chân. Dưới cơn nóng giận, vị hoàng đế rất có thủ đoạn này đã hạ xuống một chỉ dụ, cho phép công khanh sĩ phu nạp nam thiếp; quan viên từ lục phẩm trở lên và tôn thất huân quý có thể cưới nam thê, lệ giống với chính thê.

Trên làm dưới theo. Lệ này vừa mở ra, trên triều đình kẻ ngóng chờ chiếm đa số, rất nhiều văn nhân lại lập tức nâng đoạn tụ lên thành một việc phong nhã. Bởi vậy dân chúng cũng dồn dập noi theo, nam phong từ đó trường thịnh không suy. Túc Tông tại vị gần ba mươi năm, các đại thần không một ai dám dâng tấu xin phế bỏ lệnh này.

Mãi đến tận khi tiền triều ngày càng suy nhược, Tuyên Tông tại vị khi đó cảm thấy nam phong thịnh hành là trái với thiên lý luân thường, khiến nhân khẩu không đông đảo, tráng đinh giảm mạnh, việc đồng áng khó khăn, bấy giờ mới hạ chỉ cấm nam nam trong dân gian hôn phối. Chiếu lệnh thả nam thiếp về nhà, cấp khế trả thân, một lần nữa nhập tịch biên hộ (nhập hộ khẩu). Song pháp lệnh vẫn có ngoại lệ, Tuyên Tông không chỉ cho phép những nam tử có thân phận chính thê được tiếp tục ở lại nhà chồng, còn đặc biệt ra một đạo ân chỉ: Phàm là quan từ chánh lục phẩm trở lên, công hầu huân quý, hoàng thân tôn thất, có người tự nguyện cưới nam tử làm chính thê, cho phép tấu lên trên, ban hôn phối.

Đạo ân chỉ này giúp Tuyên Tông ngăn được đòn sát thủ của quyền thần và hoàng thân. Đặc biệt đối với những nhà quyền quý có thể thừa kế tước vị, cưới nam thê mang nghĩa không có con trưởng, tương lai tước vị không người thừa kế, sau khi chết sẽ bị triều đình thu hồi.

Sau khi Đại Việt diệt vong, thủ đoạn mềm dẻo giết người không thấy máu này, bởi vì hiệu quả vô cùng nên vẫn được dùng đến tận bây giờ. Từ khi Đại Chu lập quốc tới nay, đại thần bị hoàng đế ban hôn đã có mười mấy vị, người nào cũng đều quyền cao chức trọng hô mưa gọi gió.

Thống soái Bắc Yến quân, Tĩnh Ninh hầu, đích trưởng tử của Dĩnh quốc công, vô luận là thân phận nào, cũng đều sợ nhất dính vào hai chữ “Đoạn tụ”.

Bao nhiều người mắt hổ chăm chăm theo dõi y, hoàng đế đang lo không có cớ để thu nạp binh quyền trong tay y, sao lại cố tình xuất hiện lời đồn vào thời điểm mấu chốt này?

Phó Thâm nhàn nhã ở nhà, không qua lại với thân bằng cố giao, đương nhiên không thể nào biết được những tin đồn này; người dưới trướng y thì lại bởi vì nghe quá nhiều tin đồn vô căn cứ liên quan đến Tĩnh Ninh hầu, ba hoa chích chòe yêu ma quỷ quái cái gì cũng có, cho nên từ lâu đã chẳng thấy kinh ngạc với mấy lời đồn đãi này.

Nếu bọn họ có chút cảnh giác thì sẽ không mặc cho lời đồn lan truyền không chút kiêng kỵ như vậy.

Kẻ bố trí mài đao soàn soạt, mà người trong cuộc thì tai mắt bế tắc, chẳng hay biết gì.

Đợi đến khi Nghiêm Tiêu Hàn đã có chút cảnh giác nghe được tin đồn ấy từ trong miệng Phi Long Vệ, trong lòng hắn nảy thịch một tiếng, trực giác bảo rằng sắp hỏng việc.

Đêm đó hắn không đợi được hồi đáp của Phó Thâm, tình cảnh này, dù có là người cứng cỏi đến đâu cũng sẽ có lay động. Nghiêm Tiêu Hàn chiếm thượng phong, nhưng đáng tiếc hắn cũng chẳng vui vẻ.

Nguyên Thái đế không để Phi Long vệ tiếp nhận vụ án sứ đoàn Đông Thát bị tập kích, Nghiêm Tiêu Hàn chỉ có thể chọn lén lút điều tra. Nỗi nghi ngờ trong lòng vẫn chưa biến mất, tuy rằng Phó Thâm bảo hắn đã đánh giá y quá cao, nhưng một người có thể toàn thân trở ra từ sa trường lại thua ở một trận phục kích, quả thực kỳ quái như thể một con vịt chết đuối trong vại nước vậy. Chứ nói chi là trận phục kích khắp nơi đều lộ sự cổ quái này, với thủ đoạn của Phi Long vệ mà đến giờ vẫn chưa tra ra được chủ mưu.

Thái độ của Phó Thâm khiến hắn hoài nghi vụ án này có lẽ có ẩn tình khác, mà Nghiêm Tiêu Hàn cần phải biết được chân tướng phía sau nó.

Không liên quan đến công chính, cũng chẳng phải vì đạo nghĩa, mà là bởi hắn thay hoàng đế nắm giữ một thanh yêu đao sắc bén vô song. Hắn phải nhìn rõ dòng sóng ngầm mãnh liệt ẩn dưới mặt nước, mới có thể khống chế hướng của lưỡi đao, mà không bị nó phản phệ, hoặc là bị sóng ngầm cuốn đi.

Các đời thiên tử đều rất xem trọng cấm quân, bên trong hoàng thành bố trí tả hữu kim ngô, loan nghi, cửu môn, kiêu kỵ, báo thao và thập vệ, xưng là “Nam Nha thập vệ”. Trong cung bố trí tả hữu vũ lâm, thần khu, thần võ lục quân, chuyên ty hộ vệ, xưng là “Bắc Nha lục quân”. Ngoài ra, còn bố trí Phi Long vệ giám sát bách quan, tuần hành tứ cảnh, trưởng quan là khâm sát sứ chánh tam phẩm, có quyền mật báo trực tiếp lên ngự tiền.

Thượng tướng quân của các quân tại Bắc Nha đều nhập vào Phi Long vệ, Nghiêm Tiêu Hàn lĩnh chức khâm sát sứ, đứng trên cả các tướng quân, về thực quyền đã là thống lĩnh Bắc Nha cấm quân.

Người mang lời đồn “Tĩnh Ninh hầu” là đoạn tụ đến cấm quân chính là Ngụy Hư Chu, thượng tướng quân của tả thần khu quân, Ngụy gia gia tộc khổng lồ, nhân thân đông đảo, đều có quan hệ thân thích với phần lớn nhà huân quý trong kinh thành. Ngụy tướng quân được trời cao ưu ái, trong toàn bộ Bắc Nha cấm quân không tìm được nam nhân thứ hai nóng lòng làm mai dẫn mối, truyền bá tin tức hơn hắn.

Nghiêm Tiêu Hàn và Phó Thâm không hợp nhau cũng là chuyện nổi tiếng trong Phi Long vệ, Ngụy Hư Chu nói trông có chút hả hê nói: “Cái lời đồn nhảm này cũng ác quá rồi, ngươi xem Tĩnh Ninh hầu ngày thường thanh cao biết bao, ta còn tưởng y sẽ sống với tay trái tay phải của mình đến hết đời chứ ha ha ha……”

Nghiêm Tiêu Hàn nhíu chặt lông mày: “Lời này là từ đâu truyền ra?”

Ngụy tướng quân nói: “Biểu tỷ của phu quân của muội muội của nhị thẩm nhà mẹ đẻ ta…… chính là Lưu Ân hầu phu nhân ấy. Nhà họ có một nữ nhi khuê các, nhắm trúng Tĩnh Ninh hầu. Sau khi nghe ngóng trong âm thầm, mới biết hóa ra còn có ẩn tình bậc này.”

Nghiêm Tiêu Hàn lấy tay đỡ trán, hoàn toàn không muốn nói chuyện với hắn.

“Đại nhân.” Ngụy Hư Chu lượn quanh hắn hai vòng, ngạc nhiên nói, “Tĩnh Ninh hầu có cái ham mê kia, y còn chưa sầu, sao ngươi đã sầu thay y trước rồi?”

Kỳ lạ, quá kỳ lạ.

Người nhiều năm không đến Tẩu Bối tự khi đột nhiên xui xẻo thì ngay cả uống nước nguội cũng mắc răng —— Phó Thâm đã làm chuyện gì khiến người người oán trách, tại sao ngưu quỷ xà thần cứ tung ra thủ đoạn chồng chất, lũ lượt đi mưu hại y như ong vỡ tổ vậy? (Tẩu Bối tự: nghĩa là gặp chuyện không may, xui xẻo xúi quẩy. Ở đây hiểu là người đã lâu không gặp vận rủi.)

“Việc này không đúng. Ngụy huynh, làm phiền ngươi đi điều tra xem tin tức Tĩnh Ninh hầu đoạn tụ rốt cuộc là từ đâu truyền ra ——” Nghiêm Tiêu Hàn còn chưa nói xong, bên ngoài bỗng có một tiểu thái giám mặc áo lam đi vào, chính là đồ đệ của Điền công công – thái giám ngự tiền hầu hạ chấp bút. Hai người vội ngừng câu chuyện, tiến lên nghe khẩu dụ. Tiểu thái giám kia nói: “Bệ hạ truyền Nghiêm đại nhân đến gặp mặt tại Dưỡng Tâm điện.”

Ngụy Hư Chu vừa nghe có việc, liền tự giác muốn tránh đi, Nghiêm Tiêu Hàn lại bỗng nhiên làm dấu tay ở sau lưng cho hắn, vừa nói: “Công công hãy chờ chút, ta có vài câu công vụ muốn bàn giao với Ngụy tướng quân.”

Tiểu thái giám bất cận nhân tình nói: “Đây là khẩu dụ của thánh thượng. Chẳng lẽ Nghiêm đại nhân còn muốn để bệ hạ phải chờ ngài sao?”

Bên môi Nghiêm Tiêu Hàn lộ ra ý cười như có như không, đúng là vẻ mặt vừa ôn nhu, vừa như muốn ăn thịt người mà thường ngày hắn hay dùng nhất.

“Bản quan thân là khâm sát sứ của Phi Long vệ, nhất cử nhất động, đều phụng theo thượng ý. Công công nói vậy, khiến ta thấy khó xử đấy.”

Thái giám này vốn muốn phô trương thanh thế, bị hắn cười như vậy, nhất thời nhớ đến truyền thuyết đáng sợ trong cung liên quan đến khâm sát sứ Phi Long vệ, mặt biến sắc, vất vả lắm mới bình tĩnh lại được, nhượng bộ nói: “Nếu vậy, xin Nghiêm đại nhân cứ tự nhiên.”

Ngụy tướng quân chẳng hiểu ra sao bị hắn kéo đến trước bàn, Nghiêm Tiêu Hàn vơ đại mấy quyển hồ sơ, nhẹ giọng nói: “Ngươi thay ta đến phủ Tĩnh Ninh hầu một chuyến, đem tin tức bên ngoài nói cho y biết, bảo Phó Thâm cần phải lưu tâm, sớm có chuẩn bị. Bất luận xảy ra chuyện gì, trước tiên đều phải đè nén xuống, không nên khinh cử vọng động.”

Lòng bát quái (hóng hớt, nhiều chuyện) của Ngụy Hư Chu bị hắn khơi lên, chỉ thấy hắn vẻ mặt nghiêm túc không giống đang đùa, liền vội vàng gật đầu nói: “Đại nhân yên tâm, cứ việc giao cho ta.”

Nghiêm Tiêu Hàn dù ngoài miệng lý lẽ hùng hồn, nhưng suy cho cùng không thể để thái giám truyền chỉ đợi lâu được, đành phải tạm thời gạt chuyện này sang một bên, vội vã đi tới Dưỡng Tâm điện.

Thái giám chấp bút Điền Thông và Phi Long vệ xưa nay không hợp nhau, tiểu thái giám kia có chung mối thù với sư phụ hắn, cũng không chịu tiết lộ ẩn ý. Chờ đến khi Nghiêm Tiêu Hàn tiến vào Dưỡng Tâm điện, mới phát hiện ngoại trừ Nguyên Thái đế, còn có thái tử Tôn Duẫn Lương cũng ở trong điện.

“Thần tham kiến bệ hạ, tham kiến thái tử điện hạ.”

“Ái khanh bình thân.”

Nguyên Thái Đế vóc người cao lớn, diện mạo uy nghiêm, khuôn mặt có chút đẫy đà tròn trịa, sườn mũi có hai đường nếp sâu, khóe môi hơi mỏng, là tướng mạo nghiêm khắc độc đoán mà bạc tình. Vị đế vương này có thể xưng là thông minh tài giỏi, xưa nay luôn nói năng cẩn trọng nghiêm túc, song hiện tại thoạt nhìn tâm tình không tệ, trên mặt thậm chí có chút ý cười, so với sự giận dữ và âm trầm mà hôm qua vụ án sứ đoàn mang đến, ấy vậy mà lại có vẻ hiền hòa đi rất nhiều.

Xem ra không phải chuyện xấu gì. Trong lòng Nghiêm Tiêu Hàn an tâm hơn một chút, nhủ thầm mình quả thực bị thủ đoạn hoa chiêu liên tiếp mấy ngày qua dọa sợ rồi, có điểm nhất kinh nhất sạ. (Nhất kinh nhất sạ: chỉ người có tinh thần quá khẩn trương hoặc quá hưng phấn, hành vi cử chỉ khoa trương khác thường, khiến người ta sợ hãi.)

Thái Tử mặt không biểu cảm, hờ hững đứng hầu ở một bên, Nghiêm Tiêu Hàn có thể cảm giác được tầm mắt của hắn rơi xuống người mình, không mang theo ác ý, mà ẩn giấu sự dò xét tựa như mũi kim.

“Thái tử trở về Đông cung đi,” Nguyên Thái đế muốn nói chuyện riêng với Nghiêm Tiêu Hàn, suy nghĩ một chút rồi hiếm khi mà khen thái tử một câu, “Chuyện hôm nay, con làm tốt lắm.”

Thái tử nhận được câu khích lệ này, mục đích chính hôm nay đã đạt được, không làm ngựa nhớ chuồng nữa (ví người làm quan không muốn rời bỏ chức vụ của mình). Thái tử thu hồi tầm mắt đặt trên người Nghiêm Tiêu Hàn, thậm chí còn cười với hắn, khom mình xin cáo lui.

Trong nụ cười kia dường như hàm chứa trào phúng và thương hại không nói ra, khiến lòng Nghiêm Tiêu Hàn đột nhiên có một linh cảm chẳng lành.

******

★Chú thích:

[1]Tinh hỏa liêu nguyên: ý là “Tinh tinh chi hỏa, khả dĩ liêu nguyên”, một đốm lửa nho nhỏ, nhưng có thể thiêu cháy cả đồng cỏ. Dùng để ẩn dụ sự vật sự việc ban đầu tuy nhỏ yếu, nhưng dần dà phát triển lớn mạnh gây ra kết quả đáng kinh ngạc. Ở đây ý nói ban đầu lời đồn chỉ nho nhỏ thưa thớt, nhưng dần dà lan truyền khắp nơi khắp chốn.

[2]Long dương, phân đào đoạn tụ: Chắc nhiều bạn cũng quá quen thuộc với mấy cái này. Đây là cách nói đến mối tình đồng tình của người Trung Quốc xưa, có xuất phát từ những mối tình nam nam có thật. Thời phong kiến ở Trung Quốc có khá nhiều mối tình gei thế này, đặc biệt của mấy ông vua.

Long Dương là nói đến Long Dương Quân, người tình của Ngụy An Ly Vương. Một lần đi câu cá cùng nhà vua, Long Dương dùng bầy cá để tỏ lòng xót thương cho phận mình, sợ rằng nhà vua được vô số mỹ nhân vây quanh sẽ quên mất mình. Ly Vương thấy vậy thì vội vàng an ủi Long Dương rồi ban chỉ: “Từ nay về sau, kẻ nào dám ca tụng, tiến cử mỹ nhân, sẽ bị tru di cả họ.” Thủ đoạn cao tay này khiến các phi tần trong cung khó bề tiếp cận nhà vua. Người đời sau thường dùng thành ngữ “Long Dương” hay “mê Long Dương”  để chỉ mối tình đồng giới.

Thời Xuân Thu Chiến Quốc, vua Vệ Linh Công đã từng say mê và sủng ái Di Tử Hà, một thanh niên thông minh, khôi ngô, tuấn tú. Di Tử Hà đã từng lấy xe của vua đi thăm mẹ bệnh mà chưa được sự đồng ý của vua và từng mời vua ăn quả đào do mình đã cắn. Vua không phạt chàng mà còn khen hiếu thuận với mẹ và yêu quý vua. Người ta cũng nói mối tình chia đào là để nhắc đến tình yêu đồng tính.

Còn đoạn tụ – mối tình cắt tay áo thì có nguồn gốc từ chuyện tình của Hán Ai Đế và Đổng Hiền, một mỹ nam kiều diễm. Có một lần ngủ trưa, Đổng Hiền gối lên cánh tay áo của nhà vua ngủ. Ai Đế muốn quay người nhưng cũng không muốn làm tỉnh giấc của Đổng Hiền nên cắt cánh tay áo của mình.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN