Hoàng Trân Công Chúa
Chương 24
Hoàng Trân Công Chúa – Chương 24
Chương 24Kinh đô Chà Bàn náo động hẳn lên bởi cái tin nhà vua và công chúa Đại Việt sắp trở về. Khắp kinh thành chăng đèn, kết hoa, sửa sang đường phố. Đội kỵ binh, đội tượng binh và nhất là đội thủy binh đang lo sửa sang cờ xí, luyện tập quân sĩ để đón rước nhà vua.Nghe đồn quan Thiên phủ (chức quan coi về kho tàng của Nhà nước) sắp được lệnh mở kho chẩn cấp cho dân chúng Chà Bàn. Và từ các đài, sảnh, viện, đô, vệ, sở… tới thứ dân đều được nghỉ ba ngày để đô thành vào hội.Cũng mấy bữa nay bên dinh quan Bố-đề khách khứa ra vào nườm nượp. Vị tể phần vừa dự vào hàng bá phụ của nhà vua, vừa là quan đầu triều, nên có nhiều người vị nể, chạy chọt. Nhưng sao sắc mặt quan tể tướng lại gờn gợn điều gì như là một sự lo âu, căng thẳng. Ngài cũng hay lui tới bên sứ đoàn nhà Nguyên. Có khi cuộc thù tạc giữa ông với viên chánh sứ kéo dài tới cả khuya. Trái với quan tể tướng, bọn sứ thần này lúc nào mặt cũng vênh vênh váo váo ra điều đắc chí lắm.Bỗng một tin như sét đánh đến tai hoàng hậu Tapasi, rằng đức vua đã tấn phong công chúa Đại Việt tước vị hoàng hậu, ngay từ lúc mới gặp nhau ở địa giới nước Champa. Bà đau khổ đến nhức nhối, không biết chia xẻ cùng ai, cũng không biết bấu víu vào ai. Bà úp mặt xuống gối khóc tức tưởi suốt một ngày. Đêm xuống, bà thao thức nghĩ kế thoát thân. Công chúa Đại Việt lên ngôi hoàng hậu, hẳn là bà phải bị giáng xuống hàng phi tần . Mà nếu con yêu tinh ấy nó chưa hài lòng, thì bà lại bị đẩy vào lãnh cung, còn hoàng thái tử ắt bị hại. Chao ôi, số phận sao mà trớ trêu. Muôn trùng cách trở, phụ vương và mẫu hậu có thấu cho con nỗi niềm này chăng?Đang lúc hoàng hậu than thân trách phận, thì có tiếng nhạc rung ở ngoài thềm. Bà biết đó là hiệu lệnh của quan Bố-đề. Ông bước thẳng vào dinh hoàng hậu mà không cần báo trước. Hoàng hậu vừa ló vào sảnh đường đã thấy ông ngồi chễm chệ trên kỷ. Ông liếc nhìn hoàng hậu với cái nhìn dò xét. Nét lo âu khiến cho đôi má hoàng hậu chảy xệ xuống. Nước da nâu không được trang điểm tái tím nhợt nhạt. Quan Bố-đề hiểu rằng hoàng hậu cũng đã biết tin. Ông hỏi phủ đầu:- Vậy chớ hoàng hậu định liệu thế nào?. Câu hỏi gieo cho hoàng hậu một nỗi hoang mang, bà không biết nên trả lời thế nào cho phải. Lưỡng lự một lát bà nói:- Thưa đức ông, số phận mẹ con tôi do hoàng đế định đoạt. Tôi cũng không biết mình phải làm gì. Chỉ thương hoàng tử còn trong độ tuổi vị thành niên. Đức ông là rường cột của triều đình, lại là bậc thượng phụ của hoàng tử, chắc đức ông mang tới đây lời răn dạy chí tình.- Ta không thiếu những lời khuyên, chỉ sợ hoàng hậu không có gan làm những việc cần làm vào đúng lúc. Nói xong, ông ta giả vờ mân mê bộ ria mép, kỳ thực ông ta liếc nhìn xem sắc diện của hoàng hậu, để dò tìm nội tâm bà mà lựa lời cho thích hợp. Đoạn ông ta nói rất thong thả, cân nhắc từng âm. Đôi chỗ ông ta nhấn mạnh và rít lên nghe buốt nhói như mũi kim châm.- Thiên vô nhị nhật, quốc vô nhị vương. – Để tăng thêm phần bí hiểm của câu chuyện, quan Bố-đề trích dẫn một câu nói của người Trung Hoa, ông mới học lỏm được của vị sứ giả nhà Nguyên. Hoàng hậu không hiểu nghĩa câu ông ta nói, lòng dạ bà càng rối bời. Ông giảng giải:- Các thánh nhân Trung Hoa nói thế, có nghĩa rằng: Trời không thể có hai mặt trời, cũng như một nước không thể có hai vua. Đã không có hai vua, cũng chẳng làm gì có hai hoàng hậu. Vậy thì một trong hai người không còn là hoàng hậu nữa. Chẳng nhẽ nhà vua lại phế truất người mà ngài vừa tấn phong? Sự thể đã rõ ràng. Xin hoàng hậu tự liệu.Như một liều thuốc độc cứ ngấm dần vào cơ thể, khiến hoàng hậu Tapasi bủn rủn cả người.Làm ra vẻ hệ trọng, hoặc giả sợ có kẻ rình mò, do thám, quan Bố-đề ghé tai hoàng hậu thì thầm. Chẳng biết ngài nói gì, chỉ biết mặt hoàng hậu xanh xám lại, mồ hôi hột vã ra, mặt đờ đẫn, đầu gật lia lịa như người mất hết cả hồn vía.Trong khi ở Chà Bàn, người ta đặt điều nói xấu nhà vua, người ta tìm cách hãm hại ông và ‘đóa Bạch trà kiều diễm “của ông, thì Chế Mân vẫn thản nhiên hưởng tuần trăng mật với Huyền Trân, và vẫn cứ ung dung rong ruổi.Như linh cảm thấy điều chẳng lành có thể xảy ra, nên sau khi đã đi hết phần đất hai châu Ô-Lý, hòa thượng Thích Minh Thái nói với Huyền Trân khuyên nhà vua đi đường thủy về Chà Bàn cho chóng. Ông cũng khuyên Huyền Trân giục khéo nhà vua chỉ dụ cho các viên an phủ sứ và phòng ngự sử ở hai châu, sớm giao lại vùng đất này cho các quan chức Đại Việt để tránh những sự rắc rối về sau.Nhân lúc cả đoàn thuyền vào trú giông trong vụng biển, tình cờ hai chiếc thuyền của hòa thượng Du Già và hòa thượng minh Thái ghé sát nhau, thế là hòa thượng Du Già bèn sang đàm đạo với vị hòa thượng Đại Việt mà ông hằng ngưỡng mộ.Nhà sư Du Già, mặc dù đã nhiều lần được tiếp xúc với Trúc Lâm đại sĩ (pháp hiệu của Trần Nhân tôn) , nhưng ông vẫn không ngừng tìm hiểu về trường phái này. Ông hỏi hòa thượng Minh Thái:- Chúng tôi và quí quốc đều theo một đạo, cùng trong một trường phái. Nhưng sao đạo ở quí quốc ngày một phát khởi, mà ở nước chúng tôi cứ ngày một thu hep.Ngừng một lát, ông lại tiếp, giọng ông ôn nhuần nhưng hơi buồn:- Cách đây bốn, năm trăm năm, Phật giáo ở nước chúng tôi là một đại đạo độc tôn, là quốc đạo. Mọi người đều thờ Phật. Cung điện nhà vua và chùa thờ Phật cùng xây trên một doi đất. Nhà vua sùng kính đạo Phật, coi trọng tăng, ni. Các chính sách của nhà vua trước khi ban bố đều xin ý chỉ của hòa thượng quốc sư. Vua In-dra-vac-man II đã lấy tên hiệu Phật làm miếu hiệu của mình: Paramabuddhaloka. Vậy mà đến ngày nay đạo Bà-la-môn lên ngôi thống trị. Còn đạo Hồi cũng đang len lỏi tìm vào.( Indravaman II trị vì khoảng từ 875-890, ý nhà sư Du Già muốn nói đến Vương triều Đồng Dương từ giữa thế kỷ thứ 9 tới thế kỷ thứ 10 – có thể coi như đây là một vương triều Phật giáo)Hòa thượng Minh Thái không trả lời vào điều mà hòa thượng Du Già than vãn, tiếc nuối, ông chỉ nói lên nỗi băn khoăn của mình:- Bạch hòa thượng, tiểu tăng nhiều khi không lý giải nổi, tại sao đạo Phật lại không phát triển được mạnh mẽ như đạo Bà-la-môn ngay trên quê hương của đức Phật? Phải chăng vì đạo Phật quá thâm sâu, ít người lãnh hội được? Phải chăng vì đạo Phật đã là một chân lý vĩnh hằng và quá lớn rộng, nên không cần bảo vệ, cũng không cần tranh cạnh với các đạo khác.- Cao kiến của hòa thượng thật là diệu lý. Giáo lý của Phật không phải là để thôn tính các giáo phái khác, dành cho mình địa vị độc tôn trên toàn cõi nhân thế này. Phật chỉ mong cho chúng sinh thôi thù hận nhau, để biết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau. Sao cho tất cả đều được sống trong hạnh phúc.Hòa thượng Du Già vừa ngừng lời thì hòa thượng Minh Thái tiếp ngay:- Cách làm cho mình có hạnh phúc là phải trước hết chăm lo cho hạnh phúc của người khác. Ban nãy hòa thượng có hỏi tại sao đạo Phật bên nước chúng tôi khởi sắc được. Ấy là bởi các đấng trị vì của chúng tôi, từ trước tới nay đều là các bậc đại trí cả. Trước khi đạo Phật vào, nước chúng tôi có hai đạo của Trung Hoa tràn sang. Ấy là đạo Giáo của Lão Tử, đạo Nho của Khổng Tử. Nước chúng tôi không có sự tranh chiến trong các dòng đạo, mà lọc lấy cái tốt của mỗi đạo, rồi dung hòa với nền văn hóa dân tộc làm phương tiện giáo hóa cho trăm họ. Chúng tôi nhờ đạo Phật để khai mở cái tâm cho con người hướng họ vào cõi thiện. Đạo Khổng dùng để khai trí. Đạo Giáo để rèn đức. Ấy là cái đức của thiên nhiên, vũ trụ hòa đồng trong cuộc sống con người. Sở dĩ chúng tôi phải khai phóng cho con người trước hết có cái tâm thiện, là bởi nếu trí tuệ sung mãn mà trước vẻ đẹp của thiên nhiên con người không xúc cảm được, hoặc thờ ơ với nỗi đau của đồng loại, tức là dấu hiệu báo trước cho một xã hội cằn cỗi, và rồi cái ác sẽ lên ngôi thống trị. Hòa thượng biết đấy, nước chúng tôi ba lần đánh thắng quân Nguyên. Nhưng chưa một lần nào vô cớ cất quân vào cõi người khác. Ngay việc với quí quốc đây, các vua của chúng tôi cũng xử sự như những người có Phật tính cao. Không thiếu gì các tướng lĩnh đòi nam chinh để thu hồi miền đất cũ. Tuy chiến tranh đã kết thúc hai chục năm, nhưng thượng hoàng chúng tôi vẫn ngăn không cho ai làm cuộc chiến. Nếu nói rằng sợ phương bắc đe dọa, thì từ năm Quí tỵ( 1293) , Thế tổ nhà Nguyên băng; Thành tôn lên ngôi, xét mình không đủ lực đã xuống chiếu bãi bỏ việc tiến quân (Về việc này, Đại Việt sử ký toàn thư chép (Sự việc xảy ra năm Quí tị 1293). Nhà Nguyên sai Binh bộ thượng thư là Lương Tằng sang dụ vua vào chầu. Vua chối từ đang có bệnh, sai Đào Tử Kỳ đem sản vật địa phương sang biếu. Nhà Nguyên giữ Tử Kỳ ở Giang Lăng, lập ra An Nam hành sảnh, lấy bọn bình chương sự Lưu Nhị Bạt đô cầm binh đóng ở Tĩnh Giang, đợi tiến đánh. Tháng giêng năm sau Nguyên thế tổ băng. Thành tôn lên ngôi, xuống chiếu bãi việc tiến quân, thả cho Tử Kỳ về nước) . Đó là thời cơ để Đại Việt trở về phương nam đòi đất. Nhưng liền đó thượng hoàng Nhân tôn lại xuất gia. Người lên Yên Tử để lập trường phái Trúc Lâm như hòa thượng đã biết. Và ngài cấm ngặt triều đình không được gây sự với bất cứ nước láng giềng nào. Hòa thượng Minh Thái ngừng lời như để thăm dò ý tứ.Hòa thượng Du Già lấy làm hài lòng với những kiến giải về đạo Phật, và thiện chí của Đại Việt đối với Champa, ông nói:- Những người thức giả và cả quốc vương chúng tôi, hết thảy đều thấy được điều hòa thượng nói. Không, chúng tôi không nghi ngờ gì lòng khoan dung đại độ cúa Trúc Lâm dại xí. Còn miền đất Ô-Lý có đưa về Đại Việt, thật ra cũng là hợp lẽ. Đó là đất Việt Thường xưa, người Champa lập quốc chiếm lấy, nay trả về cho Đại Việt, coi như vật hoàn cố chủ. Tôi vô cùng kính phục Trúc Lâm đại sĩ, vì người có bổn tâm chí thiện, người muốn loại trừ tận gốc nạn binh lửa cho con dân hai nước, nên mới có cuộc lương duyên này. Tôi đã hiệp tâm cùng với Đại sĩ và quốc vương tôi hoàn tất chủ trương, nhưng bị nhiều thế lực cản phá, thành thử công việc trễ tới ngày nay.- Dù sao thì cũng đã dẫn tới kết cục đáng mừng. Hòa thượng Minh Thái nói. – Có một điều tiểu tăng rất băn khoăn, xin lưu tâm hòa thượng. Tức là các thế lực kình chống con đường hòa hiếu của hai nước, do những người có thiện tâm xây đắp; sự kình chống đó ngày càng quyết liệt chứ không hề giảm thiểu. Muốn gìn giữ được hòa bình lâu dài, có hai yếu nhân quan trọng nhất cần phải được bảo vệ. Xin hòa thượng hết sức lưu tâm. Đó là quốc vương Yaya Sinhavarman và hoàng hậu Paramecvari. Tôi chắc sẽ có sự xúc xiểm làm cho hoàng hậu Tapasi nổi máu ghen tuông. Sự rạn nứt sẽ từ đó mà ra. Kẻ thù có thể tìm cách ám hại cả quốc vương rồi đổ lỗi cho việc ghen tuông. Hoặc chúng vu cáo cho hoàng hậu Paramecvari, rồi lấy cớ làm hại bà. Tôi lưu ý rằng, nếu không có kế sách bảo vệ hữu hiệu hai người đó, công cuộc hòa bình coi như sụp đổ. Cho nên hòa thượng cùng quốc vương phải đề phòng chặt chẽ, giống như người xưa nói: Bình định thiên hạ, phải bắt tay từ khi chưa sinh ra mầm loạn.Nhân đây tôi cũng xin nói thêm để hòa thượng lựa lời khuyên quốc vương rằng, trong việc giao trả vùng đất Ô-Lý về cho Đại Việt, hiện thời quốc vương vẫn đang còn phân tâm.Hòa thượng Du Già giật mình kinh sợ về những điều mà hòa thượng Minh Thái vừa nói. Ông tư nghĩ: Người này thông tuệ hơn ta nhiều lắm. Mưu lược như thần. Ta cũng đã tính đến sự kình chống của bọn Bố-đề và lũ sứ thần nhà Nguyên cùng tay chân của hoàng hậu Tapasi. Nhưng đến khi ông ta nói đức vua đang phân tâm trong việc giao trả Đại Việt đất Ô-Lý, đủ tỏ ông ta là người siêu việt, biết tận tâm gan của kẻ khác. Ông ta chỉ là một nhà sư trong chốn thảo am mà hiểu thế sự, hiểu nhân tình thế thái làm vậy. Đại Việt quả là nước có nhiều anh tài. Hèn gì mà bọn người Tống, người Nguyên không thua. Đúng là mới hôm trước, đức vua có ý thương đám lê dân vùng Ô-Lý, lại tỏ ra luyến tiếc một vùng non sông gấm vóc. Ta cho chuyện đó là lẽ thường của một người có tấm lòng yêu nước, thương dân. Nếu như đức vua lại không màng gì tới miền đất đã gắn bó với quốc gia mình tới cả ngàn năm, thì mới là chuyện lạ. Song ta cũng đã khuyên nhà vua không nên đổi ý. Vì thế nước, tất không thể tham được. Phải biết tiến lui cho hợp với thời thế và sức lực của mình; nếu không, sẽ đem đặt vận mệnh quốc gia lên chiếu bạc. Quốc vương cũng đã bình tâm, chấp thuận… Ngước nhìn hòa thượng Minh Thái, nhà sư Du Già thầm đánh giá: \”Nhà ông hòa thượng này, tuy là một người sắc sảo cao kiến, nhưng bổn tâm chí thiện, nên khỏi lo đề phòng. Hợp tác với những con người như thế, ta thật yên tâm…”Trong khi hai hòa thượng đàm đạo thì ở phía thuyền ngự, nhà vua và hoàng hậu cũng nhàn đàm thế sự. Đức vua vừa bằng trực cảm, vừa bằng tâm cảm, ngài nhìn thẳng vào khuôn mặt và đáy mắt của hoàng hậu, xem có tìm ra được một chút gì khiến ông phải băn khoăn. Tuyệt nhiên không một gợn nhỏ. Dường như hoàng hậu là hiện thân của sự trong trắng, tới mức nhà vua phải tự răn mình: “Với nàng – đóa Bạch trà kiều diễm này, nếu ta có thoáng chút nghi ngờ, ấy là lòng ta đang bệnh hoạn, đầu óc ta u tối”. Bất chợt nhà vua quay nói với hoàng hậu:- Đóa Bạch trà kiều diễm của ta, nàng làm ta vừa ngạc nhiên, vừa xúc động.- Tâu bệ hạ, về điều gì cơ ạ? – Huyền Trân e ấp hỏi lại.- Ta vẫn băn khoăn chưa hiểu, tại sao nàng nhảy vũ khúc hoan ca của Champa đẹp làm vậy? Ai đã dạy nàng? Tại sao nàng lại học điệu vũ đó? Và rồi cả tiếng Champa nữa, nàng thông thạo đến mức khiến ta nghi ngờ?.Huyền Trân mỉm cười duyên dáng, nàng nhìn vào đáy mắt Chế Mân, thong thả nói:- Hoàng thượng đa nghi quá. Nếu thiếp không yêu tha thiết nước Champa của hoàng thượng, thiếp quan tâm làm gì đến nền vũ nhạc Champa? Không phải thiếp chỉ biết có vũ khũc tamane hrung, mà thiếp còn biết nhiều vũ điệu khác nữa. Hoàng thượng muốn biết ai đã dạy thiếp ư? Đó là một người Chăm: bà Trà Hoa Tuyết.Huyền Trân vừa nói đến vũ nữ Trà Hoa Tuyết, nhà vua giật thót mình như chạm vào lửa. Sắc mặt nhà vua tái đi rồi đỏ bừng lên, ông nói:- Ngay buổi đầu gặp nàng trong điệu vũ hoan ca, ta có cảm giác như đang nhảy với thần linh. Ta chưa từng được chứng kiến một người nào nhảy nhẹ nhàng với cốt cách thần tiên như nàng. Đến nối, ta cảm như kiếp trước nàng là một vũ sư của Chiêm quốc, nay đầu thai nhầm cửa, nên lại tìm nẻo về Chiêm. Trà Hoa Tuyết – Người ta nói về bà như nói về một huyền thoại. Bà là vũ nữ dưới triều đại của ông ngoại ta. Bà bị bắt về Thăng Long, nhưng có nỗi hận lòng gì đó nên bà không muốn trở lại đất Champa. Hóa ra bà vẫn đang còn sống? Vậy là bà đã gửi được hồn mình vào trong các vũ điệu của nàng về cho cố quốc. Ngừng một lát, như để cho niềm xúc động vơi nguôi dần, Chế Mân lại hỏi:- Thế còn tiếng Champa, ai đã bầy cho nàng học?.Huyền Trân thật sự phân vân, không biết việc mình học được tiếng Chàm, có gì phiền phức cho vị chúa Chiêm này không. Nàng nói:- Tâu bệ hạ, chẳng hay thiếp biết được tiếng nói quê chồng, điều đó có làm bệ hạ vui buồn? Người bắt thiếp phải học tiếng Chàm, học các lễ nghi và vũ nhạc Chàm chính là phụ vương của thiếp. Còn người dạy thiếp không ai khác ngoài Tá thánh thái sư thượng tướng quân Trần Nhật Duật. Đó là bậc thượng phụ của thiếp. Thái sư biết nhiều tiếng nước ngoài, lầu thông cả phong tục tập quán của họ nữa. Học tiếng Chàm, cũng còn là sở nguyện của thiếp. Bởi lẽ thiếp không thể sống với bệ hạ bằng tâm trạng của một người xa lạ, lúc nào cũng có mặc cảm mình như một kẻ vừa điếc vừa câm?Chế Mân nắm lấy tay hoàng hậu, bằng cử chỉ truyền cảm tâm linh, nhà vua muốn nói với hoàng hậu rằng ngài không có gợn một chút hoài nghi nào cả. Một lúc sau ông nói:- Đóa Bạch trà kiều diễm của ta ơi, việc nàng biết nói tiếng Champa, biết cả nền văn hóa Champa, không những làm ta xúc động, mà còn kinh ngạc nữa. Điều đó làm ta sung sướng bội phần, chớ có gì mà hậu nói ta đa nghi. Bởi từ trước ta vẫn có mặc cảm, mấy nước lớn thường coi khinh nước nhỏ. Đã có mấy nhà quyền quí của xứ này lấy vợ Trung Hoa. Nhưng suốt cuộc đời sống nơi quê chồng, họ vẫn giữ kiểu cách Trung Hoa từ ăn đến mặc. Tới lúc họ hiểu và nói được tiếng Champa, họ cũng không thèm nói. Ta hận điều đó lắm. Chỉ sợ nàng cũng đem kiểu cách nước lớn áp đặt cho ta. May sao, phụ hoàng là người trí huệ, ngài lo liệu cho nàng như vậy, khiến ta không bao giờ có thể quên được tấm lòng từ bi hỉ xả của người. Thề suốt cuộc đời ta, và cả cháu con ta sau này, sẽ mãi mãi giữ tình hòa hiếu cốt nhục với Đại Việt. Nàng hãy tin ở ta, và gắng giúp rập ta cho sự nghiệp này được tỏ sáng.Hoàng hậu không giấu nổi niềm xúc động trước tình cảm chân thực của nhà vua, nàng nói:- Việc thiếp học tiếng Chàm và vũ nhạc Chàm, không phải không có người cản trở. Nhưng phụ hoàng đã răn dạy họ đến điều. Người nói: “Nhà Tống, nhà Nguyên ỷ mình là nước lớn, nên coi thiên hạ như cỏ rác. Vua chúa các nước, họ chỉ gọi là “quận vương”, còn họ tự xưng là “thiên tử”, với “thiên triều”. Các nước láng giềng họ gọi là “phiên thuộc”. Dân các nước nhỏ họ gọi là “di”, “địch”, tức thuộc loài sâu bọ chó má. Sự kỳ thị lố lăng đó, là một sự tự hạ giá nhân phẩm. Vậy ta có nên bắc chước, có nên học đòi kiểu cách nước lớn chăng? Đó là một sự dị hợm của bọn người thiển cận. Nước Trung Hoa văn hiến với trăm nhà, trăm phái, thiếu gì cái cao sâu huyền diệu ta có thể học được. Cho nên phải để công chúa học tiếng Chàm sao cho khi về quê chồng, con ta có thể hòa hợp ngay được với cộng đồng dân tộc – nơi con ta phải sống cả cuộc đời”. Đấy, thiếp đã học tiếng nói của bệ hạ, với sự sáng suốt của vua cha, và tấm lòng thiếp kính yêu quê chồng.Chế Mân vô cùng cảm kích, ông nói:- Tấm lòng tri ân tri kỷ này của phụ vương và của nàng dành cho ta, biết lấy chi báo đáp. Ôi, cái bọn người Nguyên quỉ quái kia, hóa ra họ lại là kẻ thù chung của cả hai dân tộc.- Chính thế, tâu bệ hạ. Phụ vương thiếp thường nói: Nếu các nước nhỏ yếu nằm ngoài Trung Hoa, không biết liên kết nhau lại làm nên sức mạnh, mà cứ để họ xui nguyên giục bị, làm cho nhau bất hòa mà gây cuộc tranh chiến, thì thật là bất hạnh. Rốt cuộc, các nước sẽ suy yếu dần, làm mồi cho họ thôn tính, họ đồng hóa. Bệ hạ cứ xem, người Trung Hoa khi lập quốc mới chỉ quẩn quanh trong lưu vực sông Hoàng Hà, bây giờ họ bành trướng lớn biết chừng nào. Ấy cũng là với quốc sách chia rẽ các quốc gia lân cận, rồi thôn tính. Thiếp chỉ mong sao thiện tâm của phụ vương thiếp, cùng cao kiến của bệ hạ, khiến cho hai dân tộc ta hợp quần lại cùng chống kẻ thù chung phương bắc. Điều quan yếu nhất trong kế sách, là phải làm sao cho người trong hai nước chúng ta đừng có nghi kỵ nhau. Nghi kỵ là đầu mối của mọi hiềm khích, là mầm mống của mọi đổ vỡ, xin bệ hạ lưu tâm.Suốt chặng đường dài, hết đi bộ lại đi thuyền, qua các cuộc chuyện trò đàm đạo, nhà vua càng thấy yêu, thấy trọng Huyền Trân. Nàng là một đóa hoa hiếm thấy trên đời. Sắc đẹp nàng vừa lộng lẫy, vừa kín đáo. Nhưng đức hạnh và tài năng nàng mới là điều đáng nói.Chế Mân tự nhủ: “Khắp vương quốc ta, không tìm đâu được một người con gái trí tuệ như nàng”. Nhà vua cứ triền miên suy tưởng về người vợ yêu của mình. Mặc dù có biết bao nhiêu người khuyên nhà vua, phải cẩn trọng lắm với người con gái Đại Việt này. Nhưng càng ngày nhà vua càng thấy những lời răn dặn của đám cận thần là thừa. Mười phần nhà vua đã thấy tin ở Huyền Trân tới tám, chín phần rồi.Về phần Huyền Trân, nàng luôn nhớ lời căn dặn của vua cha: “Chân thực là tình cảm quí nhất của con người”.Bỗng một phát pháo hiệu nổ vang, át cả tiếng sóng biển vỗ ào ào. Rồi một đoàn thuyền chiến đổ ra. Chiếc thuyền dẫn đầu treo cờ hiệu đô đốc. Mặt biển vang lên những giọng nói đồng thanh, như là biển nói lời cầu chúc: “Đức vua vạn tuế!”. “Hoàng hậu vạn tuế!”.Đoàn thuyền chiến chia làm hai đội đi vòng phía sau hộ tống thuyền ngự tiến về Chà Bàn.
Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn
D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng
CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!