Hồng Ngọc - Chương 2: Khúc dạo đầu
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
170


Hồng Ngọc


Chương 2: Khúc dạo đầu


Công viên Hyde, London

8 tháng Tư năm 1912

Anh ngó nghiêng nhìn quanh khi cô ngồi thụp xuống và òa khóc. Đúng như anh nghĩ, công viên giờ này vắng ngắt. Hồi đó còn lâu mới có mốt chạy tản bộ, còn thời tiết thì quá lạnh đối với những người vô gia cư ngủ trên ghế đá, trên mình đắp mỗi tờ báo mỏng.

Anh cẩn thận lấy khăn bọc chiếc đồng hồ lại rồi đút vào ba lô.

Cô ngồi rúm ró cạnh một gốc cây, trên thảm hoa nghệ tây đã úa tàn bên bờ Bắc hồ Serpentine.

Vai cô run rẩy, tiếng cô nức nở như âm thanh tuyệt vọng của một con thú trúng thương. Anh không chịu nổi nữa. Nhưng kinh nghiệm khuyên anh tốt nhất nên để cô yên, vì vậy anh ngồi xuống nền cỏ ướt đẫm sương cạnh cô, đăm đăm nhìn ra mặt hồ phẳng lặng như gương, và đợi.

Anh đợi cô dịu bớt nỗi đau, một nỗi đau có lẽ sẽ chẳng bao giờ hết đeo bám cô.

Tâm trạng anh lúc này cũng như cô, nhưng anh cố cầm lòng. Anh không muốn cô phải lo lắng thêm cho cả anh.

“Người ta đã phát minh ra khăn giấy chưa nhỉ?” Rốt cuộc cô sụt sịt, ngoảnh gương mặt đẫm nước mắt nhìn anh.

“Ai biết được,” anh nói. “Nhưng nếu cần thì anh có một chiếc khăn tay thêu đúng kiểu cho em đây.”

“G.M. Anh lấy trộm của cô Grace?”

“Tự cô ấy cho anh. Công chúa cứ thoải mái xì mũi đi.”

Cô cười gượng gạo khi trả lại chiếc khăn cho anh. “Em xin lỗi, giờ thì em đã hủy hoại nó hoàn toàn rồi.”

“Chẳng sao đâu! Những lúc như thế này thì cứ phơi nắng cho khô rồi dùng lại!” anh nói. “Quan trọng là em thôi khóc.”

Ngay lập tức, nước mắt cô lại ứa ra. “Lẽ ra chúng mình không được bỏ rơi con trong hoạn nạn. Nó cần mình! Giờ thì chưa biết liệu cái trò mà mình bày ra có tác dụng hay không, mà cũng không còn cơ hội để biết nữa rồi.”

Lời cô khiến tim anh đau nhói. “Nhưng nếu chết rồi thì mình còn giúp được con bé ít hơn.”

“Nếu có thể đem con trốn đi đâu đó ra nước ngoài, dùng tên giả, tới khi nó đủ khôn lớn…”

Anh cương quyết lắc đầu ngắt lời cô. “Ở đâu thì người ta cũng sẽ tìm ra mình, chuyện này đem ra bàn cả ngàn lần rồi. Mình đâu có bỏ rơi con trong hoạn nạn, mình đã chọn cách đúng đắn duy nhất: cho con một cuộc sống bảo đảm. Ít nhất là trong mười sáu năm tới.”

Cô thoáng im lặng. Xa xa, ở một nơi nào đó từ phía Tây Carriage Drive vẳng lại tiếng ngựa hí, dù đã sập tối.

“Em biết anh có lý,” cuối cùng cô nói. “Nhưng thật đau lòng khi nghĩ chúng ta sẽ không bao giờ còn gặp lại con bé.” Cô đưa tay dụi đôi mắt sưng húp vì khóc . “Ít ra thì chúng ta sẽ chẳng có thì giờ mà buồn chán. Sớm muộn gì họ cũng tìm ra chúng ta, ngay cả ở thời điểm này, và Đội cận vệ sẽ truy bắt mình sát gót. Lão sẽ không dễ dàng vứt bỏ chiếc đồng hồ cũng như những kế hoạch của lão.”

Anh mỉm cười khi trông thấy khao khát phiêu lưu lóe lên trong mắt cô, và anh biết, cuộc khủng hoảng đã tạm lắng. “Biết đâu mình còn ranh mãnh hơn cả lão, hoặc cỗ máy kia không hoạt động. Và thế là lão đành mắc kẹt.”

“Được thế thì tốt. Nhưng nếu vậy thì chúng mình là những người duy nhất có thể làm phá sản kế hoạch của lão.”

“Chỉ riêng lý do ấy đã chứng tỏ mình hành động đúng.” Anh đứng lên đập bùn bẩn trên quần bò. “Đi thôi! Đám cỏ chết tiệt này ướt sũng, mà em thì phải giữ gìn sức khỏe.”

Anh kéo cô đứng lên và hôn cô.

“Chúng mình làm gì bây giờ? Tìm một chỗ giấu đồng hồ?”

Cô lưỡng lự nhìn cây cầu nối công viên Hyde và khu vườn Kensington.

“Ừ. Nhưng trước hết mình phải vét sạch kho của Đội cận vệ và trữ tiền đã. Sau đó mình có thể đi tàu tới Southampton. Thứ tư tới, tàu Titanic sẽ bắt đầu chuyễn viễn du đầu tiên ở đó.”

Cô bật cười. “Ý anh về giữ gìn sức khỏe là vậy đó! Được mà, em sẵn sàng.”

Nhìn cô lại biết nở nụ cười khiến anh hạnh phúc, anh không kìm được, lại hôn cô lần nữa. “Thực ra anh nghĩ… em biết là các thuyền trưởng có quyền làm chủ hôn trên biển phải không, công chúa?”

“Anh muốn kết hôn với em? Trên tàu Titanic? Anh điên rồi?”

“Như thế sẽ rất lãng mạn.”

“Nếu không tính đến vụ núi băng.” Cô tựa đầu vào ngực anh, giấu mặt vào chiếc áo khoác. “Em yêu anh vô cùng,” cô thì thào.

“Em sẽ làm vợ anh chứ?”

“Vâng,” cô đáp, vẫn vùi mặt trong ngực anh. “Nhưng với điều kiện muộn nhất là ở Queenstown, chúng mình sẽ xuống tàu.”

“Công chúa, em sẵn sàng cho cuộc phiêu lưu tiếp theo chưa?”

“Sẵn sàng, nếu anh cũng thế,” cô đáp khẽ.

***************************

Một cuộc hành trình vượt thời gian ngoài tầm kiểm soát thường được báo trước vài phút, đôi khi vài giờ hoặc thậm chí vài ngày, thông qua cảm giác choáng váng trong đầu, trong bụng và/ hoặc trong chân. Nhiều người mang gien cũng tường thuật lại chứng đau đầu tương tự bệnh tiền đình.

Cuộc vượt thời gian đầu tiên – còn gọi là cuộc vượt thời gian tự thân – diễn ra ở độ tuổi từ mười sáu đến mười bảy của người mang gien.

Trích Biên niên sử Đội cận vệ,

Tập II: Những định luật phổ quát

Tôi cảm thấy nó lần đầu tiên trong căng tin trường vào trưa thứ Hai. Trong giây lát, tôi thấy lộn nhào trong bụng và choáng váng như đang ngồi xe trượt ray khi đổ từ đỉnh dốc xuống. Nó chỉ kéo dài hai giây nhưng cũng đủ khiến tôi đổ ụp cả đĩa khoai tây nghiền rưới nước xốt lên bộ đồng phục học sinh. Dao dĩa rơi lẻng xẻng xuống nền nhà, may tôi còn kịp chộp lại cái đĩa.

“Cứ để nguyên trên đĩa thì mùi vị món này cũng như vét từ sàn nhà lên,” cô bạn Leslie nói trong khi tôi cố xử lý vụ bê bối. Đương nhiên mọi cặp mắt đều đang đổ dồn về phía tôi. “Nếu cậu muốn thì có thể lấy luôn suất của tớ mà bôi lên áo.”

“Vô cùng biết ơn.” Tuy màu áo đồng phục của trường Saint Lennox tình cờ trùng với màu khoai tây nghiền, nhưng vết bẩn kia vẫn làm ngứa mắt. Tôi gài khuy chiếc áo khoác xanh đậm trùm lên.

“Ô hay, Gweny bé bỏng lại đem đồ ăn ra nghịch hả?” Cynthia Dale nói. “Xin bà cô hậu đậu làm ơn đừng ngồi cạnh tớ nhé.”

“Cứ làm như tớ tình nguyện muốn ngồi cạnh cậu không bằng, Cyn.” Khổ thế chứ, tôi thường xuyên gây ra những thảm họa nhỏ trong bữa trưa ở trường. Mới tuần trước, món thạch xanh của tôi nhảy vèo khỏi hộp thiếc, hạ cánh ngay xuống đĩa mì Spaghetti Carbonara của một đứa lớp Năm ngồi cách đấy hai mét. Tuần trước nữa, tôi làm đổ ly nước anh đào khiến tất cả những người ngồi cùng bàn trông như bị lên sởi. Còn đã bao nhiêu lần nhúng chiếc cà vạt đồng phục ngu ngốc vào nước xốt, nước quả hay sữa thì tôi hoàn toàn không đếm xuể.

Duy chỉ có điều đáng nói là những lúc ấy tôi không hề có cảm giác choáng váng.

Nhưng cũng có thể tôi chỉ tự huyễn hoặc chăng? Đơn giản là thời gian gần đây, mọi người trong nhà nói quá nhiều về cảm giác choáng váng.

Không phải cảm giác choáng váng của tôi, mà của cô chị họ Charlotte, người đang xúc khoai tây nghiền ngay cạnh Cynthia, xinh đẹp và hoàn mỹ như mọi khi.

Cả nhà đợi chứng kiến Charlotte choáng váng. Có những ngày, cứ mười phút quý bà Arista – bà ngoại tôi – lại hỏi xem chị ấy có cảm thấy gì không. Những khoảng trống ở giữa được bác Glenda, mẹ Charlotte, tận dụng để đưa ra câu hỏi y chang.

Và mỗi lần Charlotte lắc đầu, quý bà Arista lại mím môi còn bác Glenda thì thở dài. Đôi khi ngược lại.

Những người khác – mẹ tôi, Caroline, Nick và bà Maddy – thì đảo mắt. Dĩ nhiên là ai cũng hồi hộp khi trong nhà có người mang gien vượt thời gian, nhưng cảm xúc ấy theo năm tháng cũng nhạt đi trông thấy. Đôi khi mọi người chỉ đơn giản đã ngán tận cổ cái màn kịch được dựng lên xung quanh Charlotte.

Bản thân Charlotte thường che giấu cảm xúc của mình sau nụ cười bí ẩn kiểu Mona Lisa. Ở vị trí của chị ấy có lẽ tôi cũng không biết nên vui hay buồn vì cảm giác choáng váng chưa xuất hiện kia. Hừ, thật lòng mà nói, có lẽ tôi sẽ mừng. Tôi thuộc kiểu người nhút nhát. Tôi thích được yên thân.

“Rồi sớm muộn gì cũng đến lúc đó,” ngày nào quý bà Arista cũng bảo vậy. “Lúc đó chúng ta cần phải sẵn sàng.”

Và đúng là sau bữa trưa thì đến lúc thật, nó xảy ra trong giờ Sử của thầy Whitman. Tôi rời căng tin với cái bụng đói meo. Và quả là họa vô đơn chí, tôi còn tìm thấy một sợi tóc đen trong món tráng miệng – mứt phúc bồn tử gai với pudding vani – và không dám chắc liệu đó là tóc mình hay tóc cô phụ bếp. Gì thì gì, tôi cũng tụt hết hứng ăn uống.

Thầy Whitman trả bài kiểm tra viết tuần trước. “Rõ ràng các em đã chuẩn bị bài tốt. Đặc biệt là Charlotte. Em được điểm A+.”

Charlotte gạt lọn tóc đỏ lấp lánh khỏi mặt rồi thốt lên “Ô!” cứ làm như bất ngờ lắm. Có môn nào Charlotte không đạt điểm cao nhất cơ chứ.

Nhưng lần này cả Leslie và tôi cũng có thể hài lòng. Hai đứa đều được A-, mặc dù cái gọi là “chuẩn bị bài tốt” của bọn tôi thực ra chỉ gói gọn trong việc xem DVD phim Nữ hoàng Elizabeth thời hoàng kim do Cate Blanchett đóng, vừa xem vừa ngốn bim bim và kem. Tuy nhiên hai đứa luôn chăm chú nghe thầy Whitman giảng, tiếc là đối với những môn khác thì không được thế.

Đơn giản là giờ học của thầy Whitman quá thú vị, khiến người ta chẳng thể làm gì khác ngoài việc lắng nghe. Bản thân thầy cũng rất thú vị. Phần lớn đám con gái đều ngấm ngầm hoặc công khai say nắng. Cô giáo môn Địa của bọn tôi, cô Counter, cũng vậy. Lần nào mặt cô cũng đỏ ửng khi thầy Whitman đi ngang qua. Thầy điển trai đến mức vô cùng nguy hiểm, ai cũng phải công nhận. Hầu như tất cả, trừ Leslie. Nó bảo trông thầy Whitman hệt như con sóc trong phim hoạt hình.

“Cứ khi nào thầy giương đôi mắt nâu to đùng lên nhìn là tớ lại muốn đưa cho thầy mấy quả hạt dẻ.” Leslie bảo. Nó còn quá trớn tới độ gọi luôn bọn sóc sỗ sàng trong công viên là “thầy Whitman”. Khốn nỗi chuyện này dễ lây tới mức, mỗi khi có con sóc nào nhảy tới gần, tôi cũng luôn nói: “Xem kìa, thầy Whitman nhỏ nhắn béo ú kia mới đáng yêu làm sao!”

Vì chuyện sóc này nên chắc chắn tôi và Leslie là hai đứa con gái duy nhất trong lớp chẳng mơ màng gì tới thầy Whitman. Tôi đã nhiều lần cố (cũng bởi bọn con trai trong lớp toàn thuộc hạng nhi đồng thối tai), nhưng không ăn thua. Việc so sánh thầy với sóc đã ăn sâu bén rễ vào trí não. Mà làm gì có ai sinh ra cảm xúc lãng mạn đối với sóc!

Cynthia tung tin thầy Whitman từng làm thêm nghề người mẫu hồi còn là sinh viên. Nó cắt tờ quảng cáo trong họa báo ra làm chứng, có hình một người trông hao hao giống thầy Whitman, đang xoa xà phòng tắm.

Thực ra ngoài Cynthia, không ai tin thầy Whitman chính là cái gã đang xoa xà phòng kia. Bởi gã có một vết lúm trên cằm còn thầy Whitman thì không.

Bọn con trai trong lớp không hề thấy thầy Witman hay ho đến mức ấy. Đặc biệt là Gordon Gelderman, nó ghét thầy ra mặt. Trước khi thầy chuyển về trường này, bọn con gái trong lớp đứa nào cũng mê Gordon. Tôi cũng vậy, tôi phải cắn răng thú nhận điều này, nhưng hồi đó tôi mới mười một tuổi và Gordon thì nhìn chung còn rất dễ thương. Còn bây giờ, ở tuổi mười sáu, trông nó cực ngố. Và từ hai năm nay, nó ở trong tình trạng vỡ giọng kinh niên. Có điều cái giọng khàn khàn vịt đực xen lẫn the thé giấm chua ấy không ngăn nổi nó thường xuyên lảm nhảm mấy chuyện chán như con gián.

Gordon gay gắt phản đối điểm F trong bài kiểm tra Sử của nó. “Thầy Whitman, thế này là phân biệt đối xử. Bài của em xứng đáng được điểm B là ít. Thầy không thể cho em điểm kém chỉ vì em là con trai.”

Thầy Whitman lấy lại bài làm của Gordon và lật trang. “Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất xấu xí kinh dị tới nỗi bà chẳng vớ được người chồng nào. Cũng vì thế mà bà bị tất cả mọi người gọi là Trinh nữ xấu xí,” thầy đọc to.

Cả lớp cười khúc khích.

“Thế thì sao? Đúng thế còn gì.” Gordon cãi lại. “Ý em là, nhìn bà ta xem, mắt húp híp, môi mỏng dẹt, còn cả kiểu đầu kỳ quái nữa.”

Bọn tôi từng phải nghiên cứu kỹ bức tranh nhà Tudor trong Viện bảo tàng Chân dung Quốc gia. Đúng là trong bức tranh ấy, nữ hoàng Elizabeth đệ nhất nhìn không giống Cate Blanchett cho lắm. Nhưng thứ nhất, có lẽ hồi đó người ta xem môi mỏng và mũi to là hoàn toàn đáng yêu; và thứ hai, những bộ quần áo thời đó quả thực siêu đẹp. Còn thứ ba, nữ hoàng Elizabeth đệ nhất tuy không chồng nhưng lại có vô số những vụ tòm tem – trong đó có vụ với Ngài… tên ông ta là gì nhỉ? Ở trong phim, vai này do Clive Owen đóng.

“Bà tự gọi mình là Nữ hoàng đồng trinh,” thầy Whitman nói với Gordon, “bởi vì…” Thầy khựng lại. “Charlotte, em thấy không khỏe sao? Em bị đau đầu?”

Mọi ánh mắt đổ dồn về phía Charlotte. Charlotte ôm đầu. “Em chỉ… thấy choáng váng,” chị nhìn tôi. “Mọi thứ đều quay cuồng.”

Tôi hít một hơi sâu. Vậy là đến lúc rồi. Bà ngoại sẽ mừng lắm đây. Còn bác Glenda thì khỏi phải bàn.

“Ô, tuyệt thật,” Leslie thì thầm cạnh tôi. “Giờ cậu ấy có trở nên trong suốt không?” Mặc dù từ nhỏ, quý bà Arista đã cấm con cháu tuyệt đối không được kể với ai về những chuyện diễn ra trong gia đình, song tôi đã tự quyết định vô hiệu hóa lệnh cấm ấy đối với Leslie. Nói cho cùng, nó là đứa bạn thân thiết nhất đời của tôi, mà các bạn thân nhất đời thì không giữ bí mật với nhau.

Kể từ khi tôi biết Charlotte (nói cho đúng là trong suốt cuộc đời tôi), đây là lần đầu tiên chị ấy trông yếu ớt nhường này. Bù lại thì tôi biết cần phải làm gì. Bác Glenda đã dặn đi dặn lại cả trăm lần rồi.

“Em sẽ đưa Charlotte về nhà,” tôi nói với thầy Whitman rồi đứng dậy. “Nếu thầy cho phép.”

Ánh mắt thầy Whitman vẫn chăm chú nhìn Charlotte. “Thầy đồng ý, Gwendolyn,” thầy nói. “Chúc em chóng khỏe, Charlotte.”

“Cảm ơn thầy,” Charlotte nói. Trên đường ra cửa, chị hơi lảo đảo. “Đi nào, Gwenny?”

Tôi vội chạy tới nắm tay chị. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy mình khá quan trọng trước Charlotte. Một cảm giác thú vị khi người khác cần mình, chẳng lẽ lúc nào cũng là kẻ vô dụng.

“Nhất định phải gọi điện kể mọi thứ cho tớ biết đấy,” Leslie còn thì thào với theo.

Ra khỏi cửa, vẻ yếu ớt của Charlotte đã biến mất. Chị còn đòi đi lấy đồ đạc trong tủ.

Tôi giữ chặt tay Charlotte. “Để kệ đi, chị Charlotte! Mình cần phải về nhà càng nhanh càng tốt. Quý bà Arista đã bảo…”

“Nhưng hết rồi,” Charlotte nói.

“Hết là sao? Nó vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.” Tôi lôi Charlotte sang hướng khác. “Không biết em để mẩu phấn đâu nhỉ?” Tôi vừa đi vừa mò trong túi áo khoác. “À, đây rồi. Cả điện thoại di động. Em gọi điện về nhà nhé? Chị có sợ không? Ồ, hỏi dốt quá, xin lỗi chị. Em đang cuống.”

“Được rồi. Chị không sợ đâu.”

Tôi liếc mắt kiểm tra xem liệu Charlotte có nói thật. Nụ cười mỉm kiêu sa kiểu Mona Lisa lại xuất hiện, không tài nào nhận ra chị đang che giấu cảm xúc gì.

“Em có nên gọi về nhà không?”

“Gọi thì giải quyết được gì?” Charlotte hỏi lại.

“Em cứ nghĩ là…”

“Nghĩ là nhiệm vụ của chị,” Charlotte đáp.

Bọn tôi cùng đi xuống cầu thang đá, về hướng hõm tường nơi James vẫn hay ngồi. Trông thấy bọn tôi, James nhổm dậy ngay lập tức, nhưng tôi chỉ nhoẻn miệng cười. Vấn đề với James là ngoài tôi ra, không ai có thể nhìn thấy anh ấy.

James là ma. Vì thế nên tôi tránh nói chuyện với anh khi có mặt người khác. Riêng Leslie là ngoại lệ. Nó chưa bao giờ hoài nghi về sự tồn tại của James, dù chỉ một giây. Tôi nói gì Leslie cũng tin, và đó cũng là một trong những lý do khiến tôi coi nó là đứa bạn thân nhất. Nó chỉ tiếc hùi hụi vì không nhìn và nghe được James.

Thực ra tôi lại thấy thế là hay, bởi câu đầu tiên James nói khi trông thấy Leslie là: “Trời đất quỷ thần ơi! Con bé tội nghiệp kia nhiều tàn nhang hơn cả sao trên trời! Nếu không nhanh bôi kem tẩy trắng da thì sẽ không bao giờ kiếm được chồng đâu!”

Trái lại, câu đầu tiên của Leslie nói khi tôi giới thiệu họ với nhau là: “Hỏi anh ấy xem có chôn châu báu ở đâu không?”

Tiếc là James chưa từng chôn châu báu ở đâu cả. Anh khá giận khi thấy Leslie nghĩ như thế về mình. Anh cũng giận mỗi khi tôi ra vẻ như không trông thấy anh ấy. Nói chung James rất dễ giận.

“Anh ấy trong suốt à?” Leslie hỏi trong lần gặp đầu tiên ấy. “Hay đen trắng?”

Không, thực ra trông James hoàn toàn bình thường. Dĩ nhiên trừ bộ trang phục.

“Cậu có đi xuyên qua anh ấy được không?”

“Không biết, tớ chưa thử bao giờ.”

“Thế giờ thử xem,” Leslie đề nghị.

Nhưng James không cho phép tôi đi xuyên qua anh.

“Ma nghĩa là gì? James Augustus Peregrine Pympoole – Bothame, người thừa kế của bá tước Hardsdale đời thứ mười bốn, không cho phép ai lăng mạ mình, kể cả những con nhóc.”

Giống như nhiều hồn ma khác, anh hoàn toàn không chịu chấp nhận sự thật rằng mình không còn là con người. James không tài nào nhớ được việc mình đã qua đời. Bọn tôi biết nhau tới nay đã năm năm, kể từ ngày đầu tiên tôi vào trường trung học Saint Lennox, nhưng đối với James có vẻ như chỉ mới mười mấy ngày trước thôi, anh còn cùng bạn bè chơi bài và tán gẫu về ngựa, nốt ruồi dán và tóc giả. (Anh vừa dán nốt ruồi vừa đội tóc giả, trông đẹp hơn nghe tôi miêu tả). James cố tình tảng lờ việc tôi đã cao thêm hai chục phân, đeo niềng răng, có ngực, rồi lại tháo niềng răng kể từ lúc quen nhau tới giờ. Anh cũng tảng lờ việc từ lâu tòa lâu đài của cha mình đã trở thành một trường tư thục với điện, nước và lò sưởi trung tâm. Thứ duy nhất thỉnh thoảng anh có vẻ để ý đến là độ dài váy đồng phục học sinh trường tôi. Rõ ràng là ở thời của anh cực hiếm khi thấy được bắp chân và mắt cá chân con gái.

“Thưa quý cô Gwendolyn, một quý bà không chào hỏi một quý ông có vị thế cao hơn mình là không được lịch sự lắm đâu,” anh gọi với theo với giọng dằn dỗi ghê gớm vì không được tôi để ý đến.

“Xin lỗi nhé. Nhưng bọn em đang vội,” tôi đáp.

“Nếu có thể giúp gì được thì tất nhiên tôi luôn sẵn sàng.” James chỉnh lại đám đăng ten xếp nếp nơi tay áo.

“Cảm ơn anh, nhưng không cần đâu. Bọn em chỉ phải về nhà gấp.” Cứ làm như James giúp gì được không bằng! Mở cánh cửa ra còn chẳng xong. “Charlotte thấy không được khỏe.”

“Ồ, tôi thật lấy làm tiếc,” James luôn động lòng trước Charlotte. Ngược hẳn với “con bé lắm tàn nhang vô lễ”, như cách anh hay gọi Leslie, James thấy chị họ của tôi cực kỳ “khả ái và duyên dáng tuyệt vời”. Hôm nay James lại tung những lời tung hô nịnh hót. “Làm ơn nhắn với nàng những lời chúc tốt lành nhất của tôi nhé. Hãy nói với quý cô rằng, hôm nay trông nàng thật tuyệt vời. Có chút nhợt nhạt, nhưng vẫn mỹ miều như thiên thần.”

“Em sẽ nhắn lại.”

“Hãy thôi nói chuyện với người bạn tưởng tượng của em đi,” Charlotte bảo. “Nếu không sẽ có lúc em bị tống vào nhà thương điên đấy.”

Được thôi, tôi sẽ không nhắn lại nữa. Không nhắn thì chị ấy cũng đủ hãnh tiến rồi.

“James không phải tưởng tượng, anh ấy chỉ vô hình. Hai chuyện này khác hẳn nhau!”

“Tùy em nghĩ,” Charlotte đáp. Chị và bác Glenda cho rằng tôi chỉ bịa ra James và các hồn ma khác để tỏ vẻ ta đây. Tôi thấy ân hận vì đã đem chuyện ấy ra kể. Song hồi bé tôi không tài nào giữ im lặng về những con quỷ đá phun nước sống động cứ nhảy múa loăng quăng trên các bức tường mặt tiền và làm trò hề ngay trước mắt mình được. Quỷ đá còn vui nhộn, chứ thực ra còn có cả những bóng ma đen tối, rùng rợn khiến tôi phát sợ. Phải mất mấy năm tôi mới hiểu ra rằng ma không hại được người. Điều duy nhất ma có thế làm chỉ là hù dọa.

Tất nhiên trừ James. Anh hoàn toàn vô hại.

“Leslie cho rằng việc James chết trẻ có khi lại tốt. Với cái họ Pympoole- Bothame thì đằng nào cũng không thể kiếm được vợ,” tôi nói, sau khi chắc chắn James không thể nghe được bọn tôi nữa. “Ý em là, ai lại tự nguyện muốn lấy một người có tên nghe như Mông nhọt[1]?”

[1] Pympoole- Bothame phát âm gần giống “pimple-bottom” (nghĩa là “mông nhọt”).

Charlotte đảo mắt chán chường.

“Nhưng trông anh ấy cũng không tệ,” tôi tiếp. “Và còn giàu sụ, nếu có thể tin được lời anh ấy. Chỉ mỗi thói quen thường xuyên cầm khăn tay tẩm nước hoa lên che mũi là không được nam tính cho lắm.”

“Thật tiếc là ngoài em ra chẳng còn ai có thể chiêm ngưỡng anh ta,” Charlotte nói.

Tôi cũng thấy thế.

“Và việc em kể cho người ngoài biết những mặt quái dị của em thì thật ngu ngốc,” Charlotte bồi thêm.

Đây lại là cách nói cạnh khóe đặc trưng của Charlotte nhằm xúc phạm tôi, và tiếc thay, nó khá công hiệu.

“Em không quái dị!”

“Tất nhiên là có!”

“Chính chị, Người mang gien, mà còn nói thế!”

“Nhưng chị không đi rêu rao khắp nơi,” Charlotte nói. “Ngược lại, em giống như bà Maddy dở hơi. Thậm chí bà còn kể cho ông đưa sữa về những ảo ảnh của mình.”

“Chị thật quá quắt.”

“Còn em thì ngây độn.”

Bọn tôi vừa cãi nhau vừa đi qua tiền sảnh, qua căn phòng nhỏ lát kính của người quản lý, cho tới tận sân trường. Ngoài trời gió lớn và trông như có thể mưa bất cứ lúc nào. Tôi thấy hối hận vì đã không lấy đồ trong tủ. Bây giờ mà có cái áo khoác thì tốt.

“Chị xin lỗi vì đã so sánh em với bà Maddy,” Charlotte đột nhiên nói, giọng khá ân hận. “Có lẽ vì chị hơi hồi hộp.”

Tôi ngạc nhiên. Chị có bao giờ biết xin lỗi là gì đâu.

“Em hiểu mà,” tôi vội nói để tỏ ra mình đánh giá cao lời xin lỗi này. Chứ thực ra tôi không thể thông cảm. Ở địa vị chị, hẳn tôi đã run lẩy bẩy. Có lẽ tôi cũng hồi hộp nữa, nhưng đại loại cũng chỉ hồi hộp như khi đến bác sĩ chữa răng. “Với lại em cũng quý bà Maddy.” Đúng thế thật. Có thể bà Maddy hơi lắm mồm và thường nhắc đi nhắc lại mỗi chuyện tới bốn lần, nhưng tôi thấy thế còn dễ chịu hơn vẻ bí hiểm của những người khác cả ngàn lần. Ngoài ra, bà Maddy lúc nào cũng chia kẹo chanh rất xông xênh cho bọn trẻ.

Nhưng dĩ nhiên Charlotte không đếm xỉa gì đến kẹo bánh.

Bọn tôi băng qua đường và vội vã bước tiếp trên lối đi bộ.

“Đừng chăm chú liếc nhìn chị như thế,” Charlotte bảo. “Đừng có lo, nếu chị biến mất thì em sẽ biết ngay. Em chỉ cần lấy mẩu phấn đánh dấu nhân ngớ ngẩn rồi chạy nhanh về nhà. Nhưng sẽ chẳng có gì xảy ra đâu, không phải hôm nay.”

“Chị làm sao mà biết được. Chị có hồi hộp muốn biết sẽ hạ cánh xuống đâu không? Ý em là, khi nào?”

“Đương nhiên,” Charlotte đáp

“Hy vọng là không hạ cánh vào giữa trận đại hỏa hoạn năm 1664.”

“Trận đại hỏa hoạn ở London xảy ra năm 1666,” Charlotte đáp. “Dễ thế mà cũng không nhớ. Vả lại ngày ấy ở khu vực này của thành phố còn chưa nhiều nhà, thế nên chẳng có gì cháy ở đây cả.”

Tôi đã kể là Charlotte còn có biệt hiệu là Kẻ làm cụt hứng và Cô nàng tinh tướng chưa nhỉ?

Nhưng tôi vẫn không buông tha. Có thể hơi quá quắt, nhưng dù chỉ trong vài giây, tôi muốn tẩy bay nụ cười ngu ngốc khỏi khuôn mặt kia. “Bộ đồng phục học sinh này hẳn sẽ bắt lửa như tẩm xăng nhỉ,” tôi vớ luôn dịp này để gợi ra.

“Lúc đó chị sẽ biết phải làm gì,” Charlotte đáp gọn lỏn, nụ cười vẫn nở trên môi.

Tôi chẳng thể làm gì khác là ngưỡng mộ vẻ lạnh lùng của chị. Đối với tôi, hình dung bỗng dưng hạ cánh về quá khứ khiến tôi phát sợ.

Thời nào cũng vậy, ngày xưa lúc nào cũng kinh khủng. Thường xuyên có chiến tranh, đậu mùa, dịch bệnh, và nói gì sai thì bị coi là phù thủy và đem thiêu sống. Đã thế chỉ có hố xí kiểu cầu tõm, ai nấy đều đầy chấy rận và sáng sáng lại đem bô đổ ụp ra ngoài cửa sổ, không cần biết liệu bên dưới có ai đang đi qua hay không.

Suốt từ bé đến giờ, Charlotte được chuẩn bị cho việc quay về quá khứ. Chị chưa bao giờ có thời gian để vui chơi hay kết bạn, mua sắm, xem phim hay hẹn hò bạn trai. Thay vào đó, Charlotte phải học khiêu vũ, đấu kiếm, cưỡi ngựa, ngôn ngữ và lịch sử. Thêm vào đó, kể từ năm ngoái, cứ chiều thứ Tư hàng tuần chị lại cùng bác Glenda và quý bà Arista đi tới tận tối mịt. Họ gọi đó là “khóa học thần bí”. Nhưng thần bí thế nào thì không ai chịu nói, nhất là Charlotte.

“Chuyện bí mật,” có lẽ là câu trôi chảy đầu tiên của chị khi biết nói. Và câu tiếp theo là: “Không phải việc của em.”

Lúc nào Leslie cũng bảo, gia đình tôi có lẽ còn nhiều bí mật hơn cả MI5 lẫn MI6[2] cộng lại. Có thể nó đúng.

Bình thường bọn tôi hay đi xe bus từ trường về nhà, chuyến số 8, dừng ở quảng trường Berkely, từ đó đến nhà cũng không xa mấy. Hôm nay bọn tôi đi suốt bốn bến, như bác Glenda đã dặn. Suốt dọc đường tôi giữ khư khư mẩu phấn trong tay, nhưng Charlotte luôn ở cạnh tôi.

Khi leo hết bậc tam cấp trước cửa nhà, tôi gần như thất vọng. Bởi đây chính là nơi kết thúc vai trò của tôi trong vụ này. Từ giờ, bà ngoại sẽ tiếp quản mọi việc.

[2] MI5 (Military Intelligence, Section 5) hay Secret Service: Cơ quan tình báo nội địa Anh; MI6 (Military Intelligence, Section 6) hay Secret Intelligence Service: Cơ quan tình báo đối ngoại Anh.

Tôi giật tay áo Charlotte. “Chị nhìn kìa! Người áo đen lại ở đó!”

“Thế thì sao?” Charlotte thậm chí còn không thèm ngoái lại nhìn. Người đàn ông đang đứng trước cửa nhà số 18 đối diện. Như thường lệ, hắn khoác áo choàng đen, đội mũ sụp xuống mặt. Tôi vốn tưởng hắn là ma, cho tới khi nhận ra mấy đứa em tôi và Leslie cũng nhìn thấy hắn.

Từ nhiều tháng nay, hắn đứng quan sát nhà tôi gần như 24/24. Hoặc cũng có thể nhiều người trông y hệt nhau luân phiên. Bọn tôi hay tranh cãi xem đó là kẻ đào tường khoét ngạch đến thám thính, thám tử tư hay một lão phù thủy độc ác. Em gái Caroline của tôi tin chắc đó là một gã phù thủy. Nó mới lên chín, say mê những chuyện có các phù thủy độc ác và nàng tiên tốt bụng. Em trai Nick của tôi đã mười hai, nó cho những câu chuyện có phù thủy và thần tiên là ngớ ngẩn nên đoán đó là trộm đang rình mò. Còn tôi và Leslie thì thiên về khả năng thám tử tư.

Nhưng khi bọn tôi sang bên kia phố để quan sát tên này kỹ hơn thì hắn lẩn vào căn nhà phía sau hoặc chui tọt vào chiếc Bently đen đỗ bên vỉa hè rồi phóng mất.

“Xe phù thủy đấy,” Caroline khẳng định. “Khi không có ai để ý, nó sẽ hóa thành quạ. Còn hắn biến thành người tí hon, cưỡi quạ bay lên trời.”

Nick ghi lại biển số chiếc Bently, phòng mọi trường hợp. “Mặc dù sau vụ trộm thì bọn chúng nhất định sẽ sơn lại xe và lắp biển số mới,” nó bảo.

Người lớn lại làm ra vẻ chẳng thấy gì đáng nghi vấn, khi bị một người đội mũ, vận đồ đen quan sát cả ngày lẫn đêm.

Charlotte cũng vậy. “Không biết sao mấy em lại không ưa con người tội nghiệp đó! Ông ta chỉ đứng đấy hút thuốc, có vậy thôi.”

“À vâng!” Tôi thà tin vào khả năng con quạ bị phù phép còn hơn.

Trời bắt đầu đổ mưa, vừa đúng lúc chúng tôi về đến nhà.

“Chị có lại thấy chóng mặt không?” tôi hỏi trong lúc đợi người ra mở cửa. Bọn tôi không có chìa khóa riêng.

“Đừng lải nhải nữa,” Charlotte đáp. “Cái gì đến sẽ đến.”

Ông Bernhard mở cửa. Leslie cho rằng ông là người hầu của nhà tôi, cũng là bằng chứng xác đáng nhất cho thấy nhà tôi giàu ngang ngửa với nữ hoàng hoặc Madonna. Tôi không rõ ông Bernhard thực ra là ai hay có nhiệm vụ gì. Với mẹ, ông là “người luôn sống ở nhà bà”, bản thân bà lại gọi ông Bernhard là “người bạn lâu năm của gia đình”. Còn với chị em tôi, ông chỉ đơn giản là “người hầu đáng gờm của quý bà Arista”.

Nhìn thấy bọn tôi, ông nhướn mày.

“Chào ông Bernhard,” tôi nói. “Thời tiết chán quá ông nhỉ?”

“Chán kinh khủng”. Với chiếc mũi khoằm và cặp lông mày nâu sau cặp kính tròn gọng vàng, ông Bernhard luôn khiến tôi nghĩ đến một con cú, con cú ăn đêm. “Nên mặc áo choàng khi ra khỏi nhà.”

“À, vâng, lẽ ra nên thế,” tôi đáp.

“Quý bà Arista đâu?” Charlotte hỏi. Chị chưa bao giờ lễ phép với ông Bernhard. Có lẽ vì, trái với bọn tôi, ngay từ bé chị đã không hề kính trọng ông, trong khi ông Bernhard có một khả năng khiến người ta thực phải kính sợ: ông có thể đột nhiên xuất hiện sau lưng người khác ở bất cứ đâu trong nhà, cứ như ma vậy, nhẹ nhàng rón rén như mèo. Có vẻ không thứ gì và bất cứ lúc nào lọt qua nổi mắt ông, ông Bernhard luôn có mặt khắp nơi.

Trước khi tôi chào đời, ông Bernhard đã sống cùng chúng tôi. Mẹ kể từ lúc mẹ còn bé cũng đã thấy có ông. Có lẽ ông Bernhard phải già gần bằng quý bà Arista, ngay cả khi trông ông không hẳn thế. Ông ở phòng riêng trên lầu hai có hành lang và cầu thang đi riêng từ lầu một. Bọn tôi bị cấm không được đặt chân vào hành lang ấy.

Em trai tôi cho rằng ông Bernhard đã xây cửa bẫy sập hoặc gì đó tương tự để ngăn cản những vị khách không mời. Nhưng nó không chứng minh được. Không ai trong số bọn tôi liều mạng đặt chân lên đó.

“Ông Bernhard cần có không gian riêng tư,” quý bà Arista thường bảo.

“Vâng, vâng,” mẹ đáp. “Có lẽ tất cả chúng ta ở đây đều cần cả.” Nhưng mẹ nói khẽ tới mức quý bà Arista không nghe được.

“Bà của cô đang ở phòng nhạc,” ông Bernhard bảo Charlotte.

“Cảm ơn.” Charlotte để tôi và ông Bernhard đứng lại dưới sảnh rồi chạy lên cầu thang. Phòng nhạc ở lầu một, không ai biết vì sao nó lại có cái tên này. Trong đó thậm chí còn chẳng có nổi một cây dương cầm.

Nhưng dù sao đây cũng là căn phòng yêu thích của quý bà Arista và bà Maddy. Không gian đẫm mùi nước hoa đồng thảo trộn khói xì gà của quý bà Arista, rất hiếm khi được thông khí, và ngồi lâu trong đó thể nào cũng khiến người ta buồn ngủ.

Ông Bernhard đóng cửa lại. Tôi còn kịp liếc qua ông sang bên kia đường. Người đàn ông đội mũ vẫn ở đó. Tôi nhìn nhầm chăng, hay hắn vừa giơ tay lên như đang định vẫy ai? Có lẽ vẫy ông Bernhard, hay thậm chí, vẫy tôi?

Cảnh cửa khép lại và tôi còn không kịp nghĩ nốt, bởi cảm giác đi xe trượt ray lúc nãy lại xuất hiện trong dạ dày. Mọi thứ trước mắt trở nên mờ ảo. Đầu gối khuỵu xuống, khiến tôi đành phải dựa vào tường cho khỏi ngã.

Sau một tích tắc, nó lại biến mất.

Tim tôi đập như điên dại. Có điều gì không ổn. Không đi xe trượt ray thì người ta không thể nào bị chóng mặt tới hai lần trong vòng hai tiếng đồng hồ được.

Trừ phi…ôi, vớ vẩn! Có lẽ vì tôi lớn quá nhanh. Hoặc tôi bị…à, ờ…ung thư não? Hay chỉ đơn giản vì đói.

Đúng, hẳn là vậy. Từ sau bữa sáng đến giờ tôi có ăn gì đâu. Bữa trưa đã ụp lên áo sơ mi. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Tận lúc này tôi mới nhận thấy đôi mắt cú vọ của ông Bernhard đang chăm chú quan sát mình.

“Kìa!” ông Bernhard thốt lên, khá muộn.

Tôi cảm nhận được mặt mình đang đỏ lên. “Giờ cháu đi…làm bài tập về nhà đây,” tôi lẩm bẩm.

Ông Bernhard lãng đãng gật đầu. Nhưng trong khi đi lên cầu thang, tôi cảm thấy rõ ánh nhìn của ông sau lưng.

**************************

Trở về từ Durham, nơi tôi tới thăm tiểu thư út Grace Shepherd của huân tước Montrose, hôm kia vừa bất ngờ sinh hạ một bé gái. Tất cả mọi người đều vui mừng chào đón ngày chào đời của:

Gwendolyn Sophie Elizabeth Shepherd nặng 2460 gam, dài 52 centimet.

Mẹ tròn con vuông.

Xin gửi đến Trưởng hội những lời chúc chân thành nhất nhân dịp đón đứa cháu thứ năm.

Trích Biên niên sử Đội cận vệ

Ngày 10 tháng Mười năm 1994

Tường thuật bởi: Thomas George, Bộ Nội vụ

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN