Hồng Phai Xanh Thắm - Chương 172: Gió Đông thôi, trống trận vang (5): Vở diễn đã mở màn, phải diễn tiếp thôi
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
10


Hồng Phai Xanh Thắm


Chương 172: Gió Đông thôi, trống trận vang (5): Vở diễn đã mở màn, phải diễn tiếp thôi



Người đàn ông trung niên vận lụa mỏng thêu họa tiết mây lượn màu xanh ngọc bước vội vào trong phòng, đám bà hầu đứa ở âm thầm kinh ngạc, mấy năm nay, trừ khi phu nhân cho mời, còn đâu lão gia tuyệt đối không đặt chân vào nhà chính một bước.

Bà Khang đang ngồi ngay ngắn trong nhà nói chuyện với cậu con trai Khang Tấn, sắc mặt hòa nhã: “Con làm việc cho tử tế, mẹ đã nói với bác trai con rồi, để hết nhiệm kỳ này sẽ giúp con ra tỉnh làm quan.” Khang Tấn gần ba mươi tuổi, gương mặt trắng trẻo đôn hậu, nghe vậy bèn hạ giọng khuyên lơn: “Mẹ, mẹ đừng cầu cạnh bác trai làm gì. Trước đó Nguyên nhi gửi thư nói bác gái không hài lòng, mẹ cứ làm vậy sẽ khiến cậu khó xử.”

“Con không phải lo, chỉ cần bà ngoại con còn sống, nhà họ Vương chưa đến lượt bác gái con quyết định.”

Bà Khang dợm nói thêm đôi câu, đâu dè nhìn thấy chồng đứng ngoài cửa, chợt ngây ra giây lát. Khang Tấn vội vàng chắp tay thi lễ, kính cẩn thưa: “Cha đến ạ.” Khang lão gia liếc cậu con cả, lạnh lùng thốt: “Con ra ngoài trước đi, cha có chuyện cần nói với mẹ con.”

Xưa nay Khang Tấn kính sợ cha, tức thì không dám nhiều lời, xoay người ra ngoài.

“Đúng là khách quý, cơn gió nào thổi lão gia tới vậy.”

Bà Khang giương ánh mắt lạnh lùng nhìn chồng như nhìn kẻ xa lạ. Ông ta rõ ràng gần năm mươi tuổi nhưng vẫn nho nhã tuấn tú như chỉ hơn ba mươi, nghĩ tới thân mình ngày đêm tất bật vì việc nhà, tóc bạc da mồi, hoa tàn nhụy héo, bà ta không khỏi dậy cơn bực bội.

Khang lão gia bước nhanh vào, vẫy tay cho đám hầu gái lui ra ngoài, nét mặt tức thì lạnh xuống: “Tôi mà không tới, chỉ sợ bà bán hết đám con cái mà còn không hay!”

Bà Khang thầm giật nảy, song vẫn mạnh miệng: “Việc nhà gian nan, bán con trai con gái đâu phải chuyện hiếm lạ.”

Nói tới tiền bạc, Khang lão gia tức thì thẹn đỏ mặt, lập tức quát: “Bà đưa Điềm nhi đi đâu rồi?”

“Nó vốn ốm o, bệnh mấy hôm rồi, bây giờ trời nóng, tôi sợ nó nhiễm phải bệnh dịch, nguy hiểm tới người nhà nên đưa nó đến thôn trang tĩnh dưỡng.” Bà Khang đã có chuẩn bị, nói năng trơn tru mạch lạc.

“Láo toét!” Khang lão gia gào toáng lên: “Đến hôm nay mà bà còn dối trá thế hả. Tiểu thư đứng đắn nhà họ Khang mà bà coi như đứa ở, muốn bán là bán, muốn đưa cho người ta làm vợ lẽ là đưa! Trong mắt bà còn có tôi không?!”

Bà Khang biết chuyện đã bại lộ thì lòng đầy lo sợ, song ngoài miệng vẫn giễu cợt: “Bây giờ ông lại ra vẻ cha hiền à, còn biết thương khuê nữ nữa, nhưng không biết mười mấy năm qua lão gia đã gặp Điềm nhi được mấy lần nhỉ, chỉ e chạm trán thẳng mặt ông cũng chưa chắc đã nhận ra ấy chứ!”

“Đừng lươn lẹo nữa!” Ánh mắt ông ta trở nên dữ tợn: “Bà nói đi, Điềm nhi đang ở đâu?”

“Ông biết rồi thì cần gì hỏi nhiều nữa! Tôi tìm cho nó một tương lai sáng lạn.”

“Bà, bà…” Khang lão gia chỉ vào vợ, chòm râu run lên, ra chiều vô cùng tức giận: “Rõ ràng bà bảo nó đi làm vợ lẽ! Thể diện nhà họ Khang mất sạch trong tay bà rồi!”

“Mất thể diện?” Bà Khang hừ lạnh, cao giọng: “Thể diện nhà họ Khang chỉ e không phải mất trong mỗi tay tôi thôi đâu! Cậu Hai tốt đẹp của ông, năm ngoái đưa đứa con thứ làm vợ lẽ cho người ta đấy, sao lúc đó ông không ra vẻ anh Cả mà trách mắng bọn họ làm mất thể điện đi?”

Nhắc đến thằng em trai bất kính với anh Cả, Khang lão gia lại càng bực bội. “Huống hồ…” Bà Khang bỗng mềm giọng: “Tôi làm vậy cũng vì cái nhà này. Chẳng phải lão gia đang mưu toan nhậm chức lại* hay sao? Nếu Cố hầu có thể giúp ông một tay, há chẳng phải càng hiệu quả!

*Nguyên văn là từ khởi phục: Cụm từ chuyên chỉ việc quan lại thời xưa mưu toan nhậm chức lại sau thời gian để tang cha mẹ (thường là ba năm).

Ngay từ khi hạ quyết tâm nhảy vào vũng nước đục này, bà ta đã chuẩn bị tốt lý do thoái thác: “Trước kia nhà ta và họ Cố chỉ dính chút quan hệ, còn phải xem sắc mặt em rể tôi nữa. Chẳng phải ông luôn không thích em rể, bảo cậu ta là hạng khéo đưa đẩy, ưa luồn cúi, hủy hoại phong thái người đọc sách. Giờ đây chỉ cần nhà họ Cố nhận lấy Triệu nhi, dù thanh danh hơi khó nghe, nhưng lại được ích lợi thực tế. Cháu gái tôi e ngại thể diện họ hàng nên sẽ không đối xử thậm tệ với con bé đâu, miễn nó sinh được đứa con, chúng ta liền có quan hệ trực tiếp với họ, chẳng phải vẹn toàn đôi bên còn gì?”

Kỳ thực đó chỉ là một nửa lý do thôi, nửa còn lại là cố tình gây phiền phức cho Minh Lan, cái bộ dạng vênh váo tự đắc của đứa con gái vợ lẽ đó khiến bà ta thấy mà bực, nên tiện đà xả giận luôn.

Khang lão gia nghe từ đầu tới đuôi, sắc mặt thoắt trắng thoắt hồng, tựa hồ động lòng, lại tựa hồ tức giận ngút ngàn, râu ria run rẩy. “Bà, bà giỏi lắm!” Nghẹn hồi lâu, ông ta mới thốt ra một câu, sau đó vứt tờ giấy xuống trước mặt bà Khang: “Bà tự xem đi!” Bà Khang nghi hoặc không thôi, từ tốn nhặt tờ giấy lên xem, mới đọc được vài chữ liền tái mặt.

“Được việc không đủ thất bại có thừa!” Khang lão gia không dằn nổi, đi đi lại lại trong phòng, mắng mỏ: “Tôi từng nhờ em rể để ý giùm Đô Sát viện, kẻo lại dính phải tấu chương vạch tội! Đang yên đang lành, ai ngờ mấy hôm trước có người tố cáo tôi cử chỉ không ổn, hôm qua bộ Lại đã bác bỏ bản điều trần của tôi rồi.”

Bà Khang hoảng loạn trong lòng, bối rối: “Chả phải em rể được điều chuyển sang bộ Binh quản lý quân lương rồi còn gì? Có lẽ không áp chế được việc ở Đô Sát viện.” Đây là lần đầu tiên trong đời bà ta nói đỡ cho người nhà họ Thịnh.

“Điều chuyển cái gì, thăng chức thì có!” Khang lão gia vừa đố kị vừa hậm hực, cơn giận bốc lên đầu: “Theo thường lệ thì Tả, Hữu thị lang phải quan tam phẩm mới có thể nhậm chức, Thịnh Hoành thăng lên tứ phẩm mới được một năm thôi! Lại còn quản lý chính việc quân lương cho chiến sự, việc ngon rơi vào tay kẻ dưới, bà có biết nghĩa là gì không?”

Ông ta thở phì ra một hơi, lòng đầy ghen ghét: “Đây là bề trên trọng dụng đấy! Hoàng thượng coi hắn như người nhà, mới đặt hắn vào vị trí quan trọng!” Còn vì sao Hoàng đế coi Thịnh Hoành như người một nhà, vấn đề này bà Khang khỏi cần hỏi.

“Chốn quan trường ai ai cũng tinh mắt, bây giờ Thịnh Hoành đang đắc thế, lại vừa rời khỏi Đô Sát viện, ai cũng đều nể mặt hắn. Nếu không phải hắn cố ý chèn ép, tại sao tôi lại gặp chuyện được?!”

Khang lão gia càng nói càng điên, đi tới trước mặt vợ, căm hận quở mắng: “Kết giao với nhà thông gia phú quý như thế, họ Thịnh ắt hẳn đắc ý lắm, tại sao phải chia một miếng bánh cho người ngoài chứ! Bà lại còn vội vã đưa đứa vợ lẽ tới chia bớt yêu chiều? Đây chẳng phải đào góc tường nhà người ta à! Trộm gà không được còn mất nắm gạo, chờ được vạ thì má đã sưng!”

Bà Khang vừa lo vừa sợ, trang giấy trên tay run rẩy, không biết nói gì, đành thốt: “Ông, tại sao ông không nói sớm? Ông chỉ bảo đang nhờ vả các nhà gia thế, chứ đâu có nói nhờ tới em rể!” Nếu biết trước, bà ta cũng sẽ không đụng vào nòng súng ngay lúc này.

Khang lão gia cứng họng, thường ngày ông ta chướng mắt Thịnh Hoành có xuất thân khoa cử không bằng chính mình, song đường làm quan lại rộng mở hơn, thêm cái thói kiểu cách của Khang Vương thị, nên chẳng hề thổ lộ việc nhờ cậy tới Thịnh Hoành cho vợ.

Bà Khang thở hồng hộc, nét hận dâng tràn đôi mắt, bà ta nghiến răng thốt: “Việc đã như thế, đã đắc tội em rể, vậy dứt khoát không làm thì thôi, đã làm là phải triệt để, nhất định việc này phải thành công!” Bà ta sực nhớ tới lời hứa hẹn của Thái phu nhân, chỉ cần Triệu nhi vào cửa, bà ta nhất định giúp nó được yêu chiều, sinh con đẻ cái. Hễ nghĩ vậy, tựa như người đuối nước bắt được cọng rơm cứu mạng, bà Khang lẩm bẩm, liên tục tự thuyết phục: “Không sao. Dù bây giờ hơi khó, nhưng mấy năm nữa sẽ ổn thôi.”

Dù sao mình và chồng không đồng lòng, ông ta thăng quan phát tài chỉ tổ khuyến khích mấy đứa yêu tinh càng thêm vênh váo, chi bằng mưu toan về sau, đợi Triệu Nhi đứng vững ở nhà họ Cố rồi sẽ giúp đỡ con cái mình một tay.

Chát! Một cái tát nặng nề rơi xuống, gò má trắng muốt nhanh chóng hiện lên dấu tay.

Bà Khang che mặt, khó tin nhìn Khang lão gia, khàn giọng: “Ông, ông dám đánh tôi?!”

“Ngu không ai bằng!”

Vẻ mặt Khang lão gia âm trầm tới đáng sợ, ông ta hạ tay xuống: “Bà nghĩ tại sao tôi biết chuyện này hả! Thằng con rể quý hóa của bà vừa tới đây, bảo không nỡ để em gái vợ phải làm phận lẽ, xin chúng ta cho phép để vợ chồng nó lo liệu giùm hôn sự cho Triệu nhi. Tôi xấu hổ tới nỗi không biết giấu mặt vào đâu.” Ông ta cũng biết tại sao Thịnh Hoành không chịu trợ giúp rồi, nghĩ tới con đường làm quan vất vả lắm mới vạch ra lại bị lỡ dở, thật bực bội quá!

“Nếu không vì bà giữ hiếu cho bố mẹ chồng ba năm, tôi đã bỏ bà luôn rồi!” Khang lão gia nghiến răng nghiến lợi.

“Thật nực cười!” Bà Khang xoay người đứng lên, thét to: “Ông có giỏi thì bỏ tôi luôn đi! Hay lại không nỡ xa rời trợ giúp của nhà họ Vương chúng tôi. Ông tưởng tôi muốn sống thế này à?! Ông lấy vợ lẽ liên tục, cả tòa nhà to thế này sắp hết chỗ rồi! Sao ông không đuổi luôn mẹ con tôi đi, để ông và đám yêu tinh đó sống ngày tốt lành với nhau!”

Khang lão gia giận dữ: “Đàn ông ba vợ bảy nàng hầu là chuyện thường tình, chính bà ghen tị ác độc, toàn đay đi đay lại! Vợ hiền chồng được nhờ, chính vì lấy loại tai họa như bà, cuộc đời tôi mới không thành công! Nếu không phải nghe lời cha mẹ, tôi làm sao có thể lấy bà!”

“Khang Hải Phong! Ông chỉ có ba vợ bảy nàng hầu ư!” Bà Khang tựa hồ phát điên, vọt lên tóm tay áo ông ta: “Ông là đồ háo sắc, ông tưởng người ta không nhận ra lòng dạ tăm tối của ông ư! Nếu ông tiến tới, làm trụ cột trong nhà, khiến tôi yên ổn qua ngày, không cần lo tới tiền đồ con cái, bận tâm tiền bạc, cho dù ông lấy trăm đứa vợ lẽ tôi cũng tuyệt đối không nói một lời! Nhưng ông ra vẻ đạo mạo, không có tài cán gì, hôm nay khẩn cầu anh trai tôi, ngày mai nhờ vả em rể tôi, còn lấy đồ cưới của tôi lấp vào chỗ thiếu!”

Bà ta ra sức đấm chồng, vừa khóc vừa chửi: “Vừa vô tích sự, vừa đối xử thậm tệ với mẹ con tôi! Ông chẳng được cái nước nôi gì! Chỉ biết kiêu ngạo, mỗi ngày bòn rút đồ cưới của tôi, đời này tôi xong rồi!”

“Không biết lý lẽ!”

Khang lão gia bị bà Khang khóc lóc thì phiền lòng chán ghét, bèn hất bà ta ra, bước ra khỏi phòng không quay đầu lại.

Bà Khang uể oải trên đất, che mặt khóc toáng lên, bà ta cũng không biết nên hận ai đây.

Cha bà ta từ ái, vốn không quá phản đối việc kết thông gia với nhà họ Khang, mẹ bà thì từ xưa tới giờ vẫn không ưa nổi cái nhà khoe khoang khoác lác này, chính bà ta đứng sau bình phong vừa mắt họ. Thịnh Hoành mà bà ta coi thường ban đầu lại dần trở nên xuất sắc, em gái ngu ngốc bất tài càng ngày càng vẻ vang, người anh vốn yêu thương em gái từ khi có vợ có con cũng dần dần không giúp bà ta muốn gì được nấy nữa.

Bà ta vô thức cảm thấy trời đất không có mắt, rõ ràng tướng mạo mỹ miều, giỏi thủ đoạn, nhưng số mạng lại khổ như vậy. Khóc lóc chán chê hồi lâu, sực nhớ ra việc quan trọng, bà ta liền ngừng lại, nén nỗi xót xa chỉnh trang lại dung nhan, gọi người chuẩn bị xe ra ngoài.

Xe đi về hướng Bắc, ước chừng qua nửa canh giờ thì đỗ lại trước cửa căn nhà yên ắng. Sân viện nho nhỏ ba cửa, bố trí trang nhã sạch sẽ, trong sân táo trĩu nặng, sắc hè thắm đượm.

“Phu nhân, nếu ngài không đến, tôi cũng phải đi tìm ngài đấy.” Một bà hầu dẫn bà Khang vào trong: “Xảy ra chuyện lớn rồi, thiếu phu nhân khóc từ sáng tới tận giờ, cơm cũng không ăn.”

Bà Khang nóng lòng như lửa đốt, không nhiều lời nữa, vội đi vào. Vừa vào trong phòng liền bắt gặp vẻ mặt nhợt nhạt, đôi mắt sưng như quả đào của Khang Duẫn Nhi, bà ta tức thì thương xót, kéo con gái vào trong lòng vỗ về.

“Từ nửa đêm hôm qua nhận được thư từ Hựu Dương, chàng bèn không chịu nói chuyện với con, tinh mơ hôm nay đã ra ngoài. Con xem lá thư đó mới biết là chuyện gì.” Nước mắt chị ta tuôn như suối, vừa khóc vừa thở dốc: “Mẹ, vì sao phải làm thế chứ!”

Bà Khang cả giận: “Thằng nhãi này không biết thân sơ thế nào à! Con là người bên gối của nó, sinh con đẻ cái cho nó, nó lại vì quan hệ họ hàng mà chọc giận con sao? Để mẹ mắng cho nó tỉnh ra!”

Bản tính Duẫn nhi vốn mềm mỏng hiền lành, biết rõ mẹ làm sai cũng không dám trách móc quá mức, chỉ khóc nói: “Con đã bảo mẹ từ lâu rồi, hai phòng này nhà họ Thịnh thân thiết còn hơn anh em ruột nhà khác, càng khỏi cần kể đến bà Thịnh vốn có ân đức với phòng chính. Sáng nay con hỏi đứa ở báo tin, nó nói cha chồng con vừa nhận được thư của bà Thịnh bèn giận tím mặt, ngay cả con cũng bị cô Vân mắng lây! Con rể mẹ hiếu thảo biết mấy, làm sao dám trái ý cha mẹ!”

Trong lòng bà Khang biết tỏng lời này không sai, nhưng vẫn không nhịn được mắng ầm lên: “Chẳng qua là nhà thương gia, ban đầu nếu không phải tuổi con đã lớn, kéo dài không hay thì đâu đến lượt nhà bọn hắn! Con đừng sợ, để mẹ xem đứa nào nhà họ Thịnh dám trút giận lên con!”

“Mẹ!” Duẫn Nhi xót xa kêu lên, nghẹn ngào giây lát mới nói: “Trong thư bảo, mẹ chồng gọi con về Hựu Dương!”

Bà Khang nhất thời ngây ra, ngơ ngác hỏi: “Gọi con về làm gì? Cuộc sống hàng ngày của Trường Ngô do ai chăm sóc, nữ quyến quan lại trong kinh do ai thu xếp?”

Duẫn Nhi khóc bảo: “Trong thư nói dưới quê sẽ đưa đứa hầu đắc dụng tới hầu hạ. Bảo con dắt cháu về, một là giữ trọn chữ hiếu, hai là để bố mẹ chồng nhìn mặt cháu, ba là, nếu cha đồng ý thì sẽ tính đến chuyện hôn sự cho Triệu nhi. Bố mẹ chồng bảo, dù gì bọn họ cũng cách một tầng quan hệ, cần chị gái là con tìm giúp nhà chồng cho em nó…”

“Con đâu phải dâu cả, hầu hạ bố mẹ chồng làm gì!” Lời này đến chính bà Khang cũng cảm thấy bản thân đang cố tình gây sự.

Nước mắt Duẫn nhi rơi tới tấp như chuỗi ngọc, đôi mắt đẫm lệ: “Mẹ, từ khi gả đến đây, con được làm chủ gia đình ngay. Vốn dĩ mẹ chồng định để con ở quê giữ quy củ vài năm, hơn nữa quan lại nhậm chức ở ngoài, con dâu đáng nhẽ phải ở nhà hầu hạ bố mẹ chồng, đàn ông mang theo vợ lẽ đi. Nhờ có bà Thịnh nói giúp con mới có thể thoải mái tự tại, gái trai đủ đầy. Mẹ chồng mở lời, con sao dám từ chối, dù sao con đâu có giữ hiếu với trưởng bối được mấy ngày!”

Bà Khang tức thì trời đất quay cuồng, choáng váng hồi lâu, giây lát sau, bà ta mới dần bình tĩnh: “Con rể không nói gì ư?”

“Chàng chỉ nói một câu.” Duẫn nhi không ngừng lau nước mắt, đau lòng thốt: “Năm đó trước khi bà nội qua đời, lúc vẫn còn tỉnh táo đã nhiều lần kéo lấy tay bố mẹ chồng và cô Vân, dặn rằng nhất định phải hiếu thảo với bà Thịnh, nếu không bà chết không nhắm mắt!”

Kỳ thực đề bài lựa chọn này đối với Trường Ngô mà nói quá ư dễ dàng. Một bên là nhà vợ không thực sự hòa hợp, bên kia là Thịnh lão phu nhân chí thân, nhân tình hai phòng thâm sâu, qua lại thân thiết (giúp đỡ nhau về đường quan lại), cộng thêm một em rể họ đương lúc quyền thế. Vì cô em gái con thứ của vợ chưa từng thấy mặt, chưa biết có được yêu chiều hay không mà đắc tội với em họ tốt đẹp từ nhỏ kiêm phu nhân chính thất nhà hầu gia, tựa như ném dưa hấu để đi nhặt vừng vậy, hơn nữa còn không biết có nhặt được hay không.

Bất kể từ tình cảm hay hiện thực, hắn đều không hề do dự tuân theo lời cha mẹ trong thư. Đương nhiên, hắn vẫn yêu vợ, nhưng lý trí của nhà họ Thịnh nói với hắn, giao du chốn quan trường, tội danh bất hiếu không phải chuyện đùa.

Đến giờ khắc này, bà Khang mới sâu sắc áy náy với con gái, bà ta lẩm bẩm hồi lâu, không thốt nên lời. Duẫn nhi không đành lòng nhìn mẹ như thế, bèn lên tiếng an ủi đôi câu. Bà Khang xem chừng nổi điên, mắt long sòng sọc, khàn giọng nói: “Tao tuyệt đối không buông tha chúng mày! Chờ mà xem, chờ mà xem…” Bà ta mắng liên hồi, từ ngữ đều nhắm đến bà Thịnh và Minh Lan.

Duẫn nhi nghe thấy thế liền hét lên the thé: “Mẹ! Mẹ nghìn vạn lần đừng có nổi loạn nữa! Dù bây giờ bố mẹ chồng tức giận, nhưng chỉ cần con hầu hạ tử tế, một lòng giữ bổn phận, con rể mẹ cầu xin thêm thì rồi mọi việc sẽ qua. Nếu mẹ lại có… hành động gì, e rằng cả đời này con gái sẽ không được gặp lại chồng đâu!”

Kỳ thực gia phong nhà họ Thịnh rất tốt, dâu Cả Văn thị những năm này không có con cái, bố mẹ chồng chưa từng ép con trưởng phải lấy thêm vợ lẽ. Trong thời gian ngắn còn được, nhưng nếu mười mấy, hai mươi năm, thậm chí đến khi bố mẹ chồng qua đời thì vợ chồng mới có thể đoàn tụ cũng không phải không xảy ra.

Nghe vậy, bà Khang tức thì ngửa ra ngất xỉu. Trong phòng ai nấy đều bối rối, Duẫn nhi vừa ấn huyệt nhân trung vừa đổ nước trà, qua hồi lâu bà Khang mới chậm rãi tỉnh dậy, rít qua kẽ răng: “Bọn họ, dám, lấy con ra ép mẹ!”

Nghe tin Duẫn nhi phải về quê, Minh Lan tự dưng nảy sinh một chút áy náy, nhỏ giọng: “Xưa nay bà nội luôn thích chị họ, bây giờ vì tôi mà mặc kệ chị ấy.”

Thôi ma ma vui sướng trong lòng, an ủi nàng: “Không đánh không mắng, chẳng qua kêu chị ta về hầu hạ bố mẹ chồng thôi, làm con dâu, ai mà chẳng thế. Huống hồ mẹ nợ con trả, rất công bằng. Muốn trách thì trách bà mẹ không biết tích âm đức cho con cái của chị ta ấy!” Bà ít khi ăn nói liến thoắng như vậy, ngay cả Minh Lan cũng không nói lại được.

Dặn dò Đan Quất chuẩn bị vài thứ mang sang cho Duẫn nhi xong, Minh Lan vẫn không thoải mái, trong lòng luôn có làn khói mù vương vấn.

Rốt cuộc Thái phu nhân muốn làm gì?

Bà ta đa mưu túc trí, không lỗ mãng nông cạn như bà Khang, dù Khang Triệu Nhi vào cửa được, chẳng lẽ chắc chắn sẽ được yêu chiều sao? Càng huống chi từ đầu đến cuối chuyện này có nhiều sơ hở, nếu chính mình ra sức đánh trả, tám, chín phần mười đều có thể phá tan kế sách này. Bà ta quen thói giả nhân giả nghĩa, bây giờ lại liều lĩnh trở mặt, chỉ vì muốn gây khó chịu cho nàng thôi sao?!

Minh Lan càng ngày càng không hiểu nổi.

Bấy giờ, người mà nàng không hiểu nổi đó lại đang thản nhiên nghe người khác trả lời.

“Như vậy con đường bên nhà họ Khang không thành công chứ gì?”

Cả phòng âm u tăm tối, Thái phu nhân nhẹ nhàng đốt hương, từ tốn cắm vào lư hương, phía trước bàn để đồ cúng là một pho tượng chạm trổ hình Phật Di Lặc bằng gỗ đàn hương đầy u tối lắng đọng.

“Khang phu nhân ốm rồi, Vương ma ma bên người bà ta đi ra nói với tôi đấy.” Hướng ma ma cúi đầu bảo.

“Được lắm, chúng ta gặp phải đối thủ rồi.” Thái phu nhân nhỏ nhẹ, dường như không hề giận: “Hay cho một chiêu rút củi đáy nồi, dù tôi có phát hiện ra, người đã đi mất rồi, trong chốc lát tôi cũng chẳng lôi được đứa họ hàng thứ hai ra nữa. Hừ, đồ vô dụng, thật phí công, khoe khoang cho lắm vào mà chả được tích sự gì!”

“Thật không ngờ Nhị phu nhân còn trẻ tuổi lại ra tay gọn gàng như vậy, không lộ một chút sơ hở, giấu kín như bưng.” Hướng ma ma than thở, liếc qua chủ nhân, do dự nói: “Chi bằng lúc đó chúng ta dừng tay lại.”

Thái phu nhân lắc đầu: “Không kịp đâu, chiêng đã vang lên, màn diễn phải tiếp tục.”

“Phu nhân…”

Thái phu nhân giơ tay ra hiệu cho Hướng ma ma im miệng, chính mình thì xoay người đối mặt với pho tượng Phật Di Lặc, ánh mắt lơ mơ lạ lùng: “Pho tượng này là năm đó lão hầu gia xin được từ một vị cao tăng ở Nam Hải. Bảo rằng nếu miệng cười thường mở, có thể khiến muôn việc không dính bụi trần. Bà nói xem, ngày ngày hầu gia vái lạy, cầu xin cái gì?”

Hướng ma ma sửng sốt, cười khổ: “Chuyện này người khác làm sao biết được.”

“Tôi nói cho bà biết.” Giọng nói của Thái phu nhân lạnh tựa ngọc băng: “Di Lặc là Phật tương lai, ông ấy muốn kiếp sau được tiếp tục duyên phận với chị gái tôi đấy.”

Trong phòng chìm vào yên ắng nghẹt thở, Hướng ma ma ngẩng đầu nhìn vị tiểu thư một tay bà chăm sóc từ nhỏ, viền mắt già nua hoe đỏ. Thái phu nhân chăm chú nhìn pho tượng Phật Di Lặc cao chưa tới nửa thước, lạnh nhạt tiếp: “Thật ra trong lòng hầu gia rất rõ ràng, chị gái tôi không phải người vợ xứng đôi, khó sinh con, không biết xử lý việc nhà, còn chết sớm. Nhưng ông ấy thích, người bên cạnh, dù có tốt, có hiền lành đến mấy cũng vô dụng.”

Nói tới đây, bà ta bỗng cười, trong mắt hiện lên ánh sáng khác lạ: “Một năm qua, nhìn bọn chúng nồng thắm bên nhau, tôi mới hay, giống cha hắn, thằng Hai cũng là dạng ương ngạnh trời sinh, không ai gò được.”

Hướng ma ma thầm chua xót, cười bảo: “Ngài đừng tự lâm vào bế tắc, lão hầu gia đối xử với ngài tốt lắm, thích ngài lắm.”

Nào đâu Thái phu nhân tự giễu cười: “Thích? Bà không biết à, thật ra ông ấy cũng thích vị họ Bạch sôi nổi đó, cũng thích mẹ của Đình Yên lắm, nhưng đều không giống, đều không phải…” Đều không phải là yêu.

“Ông ấy tựa hồ bị mê muội bởi tâm hồn vì chị gái tôi, đó là cái nợ kiếp trước, sẽ không có tình cảm giống như thế nữa đâu.” Thái phu nhân ngơ ngẩn, giọng nói đắng chát dị thường.

Đột nhiên, đôi mắt bà ta ánh vẻ sợ hãi: “Bà có biết mấy hôm nay, vì sao chúng ta đụng vách tường khắp nơi, nhiều lần bất lợi không? Hừ, không phải vì hai đứa nó thông minh tuyệt đỉnh, mà bởi vợ chồng nó đồng tâm hiệp lực, tin cậy lẫn nhau, bất kẻ người ngoài đâm chọc thế nào cũng không hỏng được cội rễ. Đó mới chính là cửa ải!”

“Cho nên, lần này tôi chỉ cần tính mạng của Thịnh Minh Lan!” Thái phu nhân ngẩng lên nhìn tượng Phật, ngữ khí dồn dập: “Thằng Hai làm sao lại không thích con hát ở ngoài kia, làm sao lại không thích Thu Nương cơ chứ. Hừ, đàn ông chẳng qua vì người trong lòng nên mới thế thôi! Cho dù sau này nó lấy vợ khác, cũng sẽ không có được tình cảm như thế nữa. Hừ, chỉ cần vợ chồng không phải bền chắc như thép là được!” Ly gián, xúi giục, cho dù sau này đứa trẻ trong bụng Minh Lan có thể sống sót, tương lai đối diện với mẹ kế cũng là trò hay.

Hướng ma ma buồn bã, nghẹn ngào nói: “Nhưng bởi thế, ngài không thể rút lui trọn vẹn được. Chi bằng chờ đợi đến lúc bên kia tự xảy ra chuyện thì hơn.”

“Chẳng qua có hai con đường, hoặc là thằng Hai chậm rãi hành hạ tôi, hoặc chính tôi tự chọn lấy niềm khoan khoái.” Thái phu nhân hời hợt: “Chỉ cần không bắt được chuôi, cùng lắm là nó đuổi tôi ra khỏi nhà thôi. Đợi? Hừ, đợi bọn chúng con cái thành đàn, trưởng thành à? Đến lúc đó, dù vợ chồng chúng có gặp chuyện thì cũng không đến lượt Vĩ nhi.”

“Huống hồ, sau này còn có cơ hội tốt như thế sao?” Thái phu nhân nhớ tới bố trí của mình liền phấn khởi: “Phía Nam nhiều kẻ muốn mạng thằng Hai lắm, nó tưởng giấu kín được, nhưng chỉ cần người bên cạnh để lại dấu vết, xem nó chết vào tay ai ở đâu nào! Cho dù nó không chết ở ngoài, đợi nó trở về cũng chỉ có thể nhìn thấy thi thể Thịnh thị mà thôi.”

Cố Đình Diệp là người ân oán rõ ràng, nếu biết Cố Đình Vĩ thực sự không rõ âm mưu, tuyệt đối không hạ độc thủ. Hiện giờ thời buổi rối ren, đao thương chiến trận không có mắt, ai biết Cố Đình Diệp có thể để lại con nối dõi rồi mới chết hay không!

Chỉ cần Cố Đình Vĩ ổn thỏa là được. Nếu bây giờ không ra tay, sau này càng khó hơn! Đến lúc Cố Đình Diệp qua cơn đau lòng, lấy đứa khác làm vợ kế, cũng chưa chắc khó đối phó như Thịnh Minh Lan, đến khi sinh được con vợ cả cũng nào biết mất bao nhiêu năm. Một ông chồng tưởng niệm bà vợ đã mất, một gia đình chưa chắc đã hòa thuận, đến lúc đó lại dùng kế xúi giục (cái này bà ta rất có kinh nghiệm), hơn xa việc không hạ thủ ngay bây giờ. Huống hồ chính bà ta cũng lớn tuổi, vợ chồng Đình Diệp lại đương lúc trai tráng, nếu cứ thế mà tắt thở thì có chết cũng không cam lòng.

Thái phu nhân hơi hòa hoãn hơi thở, chậm rãi ngồi xuống: “Mấy hôm nay, sắc mặt vợ thằng Hai thế nào?”

Hướng ma ma định thần lại, cất giọng rõ ràng: “Dù việc nhà họ Khang đã qua, nhưng trông vẻ mặt nàng ta vẫn nặng nề, tôi soi kỹ lắm, không giống như giả vờ.”

“Thông minh đấy, biết chuyện không chỉ đơn giản như vậy.” Thái phu nhân cười rộ lên: “Vẻ mặt nặng nề là tốt, suy nghĩ nhiều, âu lo nhiều, đúng là cực tốt! Đáng tiếc không đợi được thêm, bằng không khiến nó phiền nhiễu nữa mới hay… Đúng rồi, bên kia sao rồi?”

“Ngài yên tâm, hết thảy đều thỏa đáng, con thế nào tất có mẹ thế ấy, đều đần độn như nhau. Vừa vặn làm quân tốt thí!

Lời tác giả:

Thực ra tình huống của Vương thị rất dễ hiểu.

Ban đầu, Thịnh Hoành là thanh niên đầy triển vọng, nhu cầu lớn nhất của ông ta là thăng quan phát tài, cho nên đối diện với người vợ không như ý (tướng mạo bình thường, tính cách ngốc nghếch bướng bỉnh), ông ta vẫn chịu đựng được. Nhưng sau đó, vợ chồng xung đột nhiều lên, ông ta lại từ từ đứng vững ở chốn quan trường, cần có tình cảm tương xứng với địa vị sự nghiệp, thế là, dì Lâm xinh đẹp, thông minh lanh lợi xuất hiện đúng lúc.

Tất cả đều hợp tình hợp lý mà.

Dường như quỹ đạo của đa số đàn ông đều như vậy, giai đoạn phấn đấu mong muốn có một bà xã có thể chịu khổ nhọc, chịu dâng hiến cùng gắng sức với mình, đến khi sự nghiệp thành công thì chỉ mong mụ vợ già cả biến đi, đổi lấy cô em nũng nịu ngọt ngào.

Tôi cảm thấy những thanh niên bất mãn (Angry Young Man) không lấy nổi vợ không nên căm thù các cô gái trẻ tuổi ham giàu có, nhìn xem ở nước ta có bao nhiêu kỳ tích phú ông không đổi vợ đây, như thế đã đủ để cảnh báo cho các cô ấy rồi. Trước khi mắng phụ nữ, nên kiểm điểm thói hư tật xấu của chính đàn ông trước đi (không phải tôi ủng hộ kẻ thứ ba đâu đấy, nhớ lấy nhớ lấy!)

Chuyện của dì Khang cũng không khó hiểu.

Lòng dạ không phải ngày một ngày hai biến thành vặn vẹo như thế, đó là sự tích lũy qua năm tháng. Sự bất hạnh của bà ta bắt đầu từ khi kết hôn, nhưng người đối lập với bà ta là Thịnh lão phu nhân.

Lúc một người gặp phải bất hạnh, thái độ là điều quan trọng nhất. Dũng cảm đối diện, kiên cường phấn đấu, dùng tấm lòng lương thiện đối diện với người khác, thậm chí những người khiến bạn căm giận, hay là làm tổn thương đến người vô tội một cách ác độc, giận chó đánh mèo, giết hại người khác đây.

Dù sao thì, bà Khang có con ruột, hơn nữa con cái cũng khá hiếu thảo, còn thực sự thì Thịnh lão phu nhân từ một thiên kim tiểu thư phủ hầu vô tư lự biến thành bà góa trẻ tuổi, quan trọng nhất, còn không có con ruột, trong xã hội nam quyền, đó mới thật sự là vết thương trí mạng!

Bi kịch của Thịnh lão phu nhân cũng bắt nguồn từ hôn nhân, nhưng bà ấy xử sự thế nào?

Nhân cách lương thiện cao cả, sẽ không thay đổi chỉ bởi vận mệnh bất công.

Cuộc đời trăm mối ngổn ngang, vì thích những sự bất đồng như thế nên tôi mới cố gắng miêu tả các nhân vật khác nhau, hi vọng mọi người không ghét.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN