Hướng Lai Si
Chương 1-2: Một mảnh tình si vùi hoàng thổ - Mười năm tỉnh mộng thấy đoạn trường (1)
“Hôm đó về đến kinh thành, Đoàn Dự muốn lên chùa Thiên Long để bái kiến Khô Vinh đại sư và bá phụ Đoàn Chính Minh nhưng trời đã sắp tối mà còn cách chùa đến hơn sáu mươi dặm, đành phải kiếm chỗ nghỉ ngơi. Bỗng nghe trong rừng có tiếng trẻ con reo lên:
– Bệ hạ! Bệ hạ! Chúng tôi lạy bệ hạ rồi, sao bệ hạ không cho kẹo?
Mọi người nghe thế ai nấy đều ngạc nhiên: “Sao lại có người nhận ra được hoàng thượng nhỉ?”. Cả bọn tiến vào xem xét, nghe thấy trong rừng có người nói:
– Các ngươi phải xướng: Nguyện ngô hoàng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế, thế mới có kẹo.
Tiếng nói đó cực kỳ quen thuộc, chính là Mộ Dung Phục. Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên hoang mang, vội nắm lấy tay nhau, nép vào sau gốc cây, nhìn về phía có thanh âm, thấy Mộ Dung Phục ngồi trên một cái gò đất, đầu đội mũ giấy cao nghệu, thần sắc nghiêm trang.
Bảy tám đứa trẻ con nhà quê quì trước đống đất, lao xao nhắc lại:
– Nguyện ngô hoàng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!
Bọn chúng vừa chúc tụng rầm rĩ vừa lạy như tế sao, có đứa thò tay giục:
– Cho kẹo đi, cho bánh đi!
Mộ Dung Phục đáp:
– Chư khanh bình thân, trẫm đã hưng phục được Đại Yên, lên ngôi đại bảo rồi, mọi người ai cũng được phong thưởng.
Bên cạnh gò đất một cô gái đứng ủ rũ, chính là A Bích. Nàng mặc một chiếc áo dài màu xanh lợt, khuôn mặt xinh xắn nhuốm vẻ tiều tụy buồn rầu, lấy kẹo bánh từ trong một chiếc giỏ, chia cho đám trẻ con miệng nói:
– Các cháu ngoan lắm, mai ra chơi nữa, lại được kẹo được bánh.
Giọng nàng nghẹn ngào, mấy giọt nước mắt lã chã rơi trên giỏ tre. Bọn trẻ con vỗ tay reo hò giải tán cùng nói:
– Mai lại ra nữa!
Vương Ngữ Yên biết rằng biểu ca thần trí đã thất thường, cái mộng đế vương càng lúc càng sâu, không khỏi bùi ngùi. Đoàn Dự nhìn thấy thần tình A Bích như thế, nỗi thương xót dâng tràn, định lên tiếng gọi nàng và Mộ Dung Phục cùng về Đại Lý để tính đường sắp xếp cho ổn thỏa nhưng thấy cô gái nhìn Mộ Dung Phục hết sức nhu tình, còn Mộ Dung Phục thì mặt mày đầy vẻ đắc ý thỏa mãn, trong bụng bàng hoàng: “Mỗi người có một duyên pháp khác nhau, Mộ Dung huynh và A Bích như thế này, với người khác thì thấy họ đáng thương, có biết đâu trong lòng họ lại hết sức hoan lạc không chừng? Ta việc gì phải lắm chuyện?”. Chàng nhẹ nhàng cầm tay áo Vương Ngữ Yên ra hiệu.
Mọi người lặng lẽ lui ra. Chỉ thấy Mộ Dung Phục ngồi chễm chệ quay mặt về hướng nam, miệng vẫn lảm nhảm không thôi. “
(Trích hồi 99, “Thiên Long Bát Bộ”, Kim Dung)
— ——-☆— ——–
Thời gian như nước chảy, thấm thoắt đã mười năm trôi qua, ngoài kia bao mùa xuân hạ thu đông luân chuyển, bao lần thế sự xoay vần, san hà biến đổi.
Mười năm không dài nhưng cũng chẳng ngắn, chí ít thì cũng đủ để A Bích từ một thiếu nữ mười sáu, mười bảy hồn nhiên ngây thơ trở thành cô gái lỡ thì quá độ thanh xuân. Ở tuổi của nàng, những cô nương khác đều đã sớm thành thân, sinh con, thậm chí có người đã được bế cháu, gia đình viên mãn. Chỉ có nàng, vẫn như thế, vẫn búi tóc thiếu nữ chưa xuất giá, vẫn chưa một lần khoác vào giá y, chưa một lần bước lên kiệu hoa.
A Bích tuy thân phận chỉ là thị tỳ của nhà Mộ Dung, nhưng Mộ Dung gia luôn đối đãi với nàng chẳng khác gì một tiểu thư, nàng có trang viện riêng thuộc về mình là Cầm Vận Tiểu Trúc, nàng có nha hoàn hầu hạ riêng của mình, xiêm y trang sức không hề thua kém bất cứ tiểu thư thế gia nào, Mộ Dung lão gia và phu nhân từng nói, nếu mai sau A Bích xuất giá, nhà Mộ Dung nhất định cho nàng mười dặm hồng trang, dùng nghi thức của một tiểu thư mà gả nàng về nhà chồng. Năm đó A Bích đến tuổi cập kê, dung mạo đoan trang, phẩm hạnh hiền thục đảm đang, lại tinh thông cầm kỳ thi họa, cộng thêm thiên phú âm luật hơn người, không ít công tử thế gia muốn mang sính lễ cưới nàng về “hồng tụ thiêm hương”, nhưng A Bích cứ lần lữa, rồi sau đó Mộ Dung Phục hóa điên, thần trí không rõ, Tham Hợp trang cũng suy sụp, mọi người đều bỏ đi cả để tránh kẻ thù cũ quay lại đòi nợ xưa, chỉ có A Bích vẫn một mực đi theo công tử gia, không rời không bỏ. Nàng rời khỏi Yến Tử ổ, tháo xuống trang sức quý giá, thay ra những bộ xiêm y lụa là đắt tiền, giả trang làm một thôn cô dân dã, cùng Mộ Dung Phục bấy giờ đã điên điên dở dở, mai danh ẩn tính sống trong thôn làng gần một khu rừng ở biên cảnh Đại Lý.
Mười năm bình thản trôi qua, cuộc sống tất nhiên chẳng hề an nhàn như khi còn ở Cô Tô, một mình A Bích phải vừa chăm sóc công tử đang điên dại, lại phải dệt vải thêu thùa kiếm tiền mưu sinh, còn phải luôn luôn lẩn tránh để những kẻ thù xưa của nhà Mộ Dung không tìm ra tung tích của hai người. Thế nhưng, A Bích chưa từng oán than, thậm chí, lại còn cảm thấy hạnh phúc. Nếu công tử không thần trí điên loạn, sao y lại chịu cùng nàng yên bình sống ở sơn thôn dã lĩnh này chứ? Vì thế, mỗi khi nhìn Mộ Dung công tử, trong lòng A Bích luôn dâng lên hai cảm xúc khác nhau, một mặt, nàng vì y mà xót thương, mong công tử sớm ngày khôi phục thần trí, trở lại là công tử như ngọc ngày nào; một mặt, nàng lại thật ích kỉ hi vọng công tử sẽ mãi mãi như vậy, bởi chỉ có một Mộ Dung Phục đã điên rồi mới thuộc về một mình nàng, trong mắt chỉ có nàng, trong thế giới chỉ có nàng và y. Nàng biết bản thân không nên có suy nghĩ ích kỉ như vậy, nhưng lại không thể khống chế bản đi nghĩ như vậy. Có lẽ, tình yêu trên thế gian chính là thế, mù quáng và chẳng cần lí do.
Hôm ấy, A Bích như thường lệ mang số vải dệt được ra chợ, vào hiệu vải để đổi lấy ngân lượng. Nàng vốn khéo tay, vải dệt ra vô cùng tinh tế, tay nghề thêu thùa cũng khó ai bì kịp, ông chủ lại thấy nàng đáng thương, không nỡ ép giá, thành ra số tiền kiếm được cũng đủ sống qua ngày.
Bước ra khỏi hiệu vải, A Bích định bụng sẽ đi mua thêm ít thịt cá về nấu vài món cho công tử ăn. Tuy cuộc sống vất vả, A Bích lại chưa từng để công tử nhà nàng chịu khổ, cái ăn cái mặc nàng đều cố lo liệu chu toàn, để y vẫn sống an nhàn đầy đủ như khi còn là trang chủ Tham Hợp trang.
Sau khi mua xong các thứ cần, A Bích sợ công tử không thấy nàng sẽ đi lung tung, liền cố gắng chạy nhanh trở về. Còn nhớ có một lần nàng về trễ, đến khi quay về không thấy công tử đâu nữa, hỏi thăm lũ trẻ gần đó rồi chạy vào rừng tìm cả đêm mới thấy. Lúc ấy, công tử vừa nhìn thấy nàng, liền hốt hoảng chạy tới ôm chầm lấy nàng, nói thế nào cũng không buông. Từ đó, mỗi lần A Bích ra ngoài sẽ nhờ đứa bé ở cạnh nhà trông chừng công tử giúp, bản thân nàng thì cố gắng trở về sớm nhất có thể.
Nào ngờ, lần này trên đường trở về nhà, A Bích bị người cản đường. Chắn trước mặt nàng là một gã đàn ông trạc ngoài tứ tuần, dung mạo đoan chính, người vận áo gấm, đằng sau còn có vài người hầu đi theo, xem ra có lẽ là kẻ giàu có.
Gã nhìn A Bích, hai mắt đầy vẻ si mê, nói:
“Bích cô nương, chuyện lần trước tại hạ đề cập với cô nương, chẳng hay cô nương suy nghĩ ra sao, có thể cho tại hạ một câu trả lời hay chưa?”
A Bích khẽ nhíu mày, trong lòng tuy không vui nhưng ngoài mặt vẫn ôn nhu lễ độ, khéo léo cự tuyệt:
“Lý lão gia có lòng, tiểu nữ rất cảm kích. Nhưng tiểu nữ tự thấy mình không tài không đức, không xứng để Lý lão gia bận lòng, càng không dám với cao. Huống hồ, trong lòng tiểu nữ đã có một người, từ đó không thể nhìn thấy ai khác nữa. Đáp án tiểu nữ lần trước đã nói ra, câu trả lời đó sẽ không bao giờ thay đổi. Xin Lý lão gia tìm người lương xứng khác.”
Hóa ra người này là Lý Kiên – một phú thương giàu có nhất nhì trong vùng. A Bích tuy nói không phải tuyệt sắc khuynh thành như Vương Ngữ Yên, thế nhưng dung mạo cũng đoan trang diễm lệ, đặt ở vùng thôn quê này thì cũng là giai nhân hiếm thấy, nàng lại nhu mì hiền lương, khéo tay đảm đang, Lý Kiên từ lần đầu gặp đã say mê tơ tưởng, nhiều lần ngỏ lời muốn cưới nàng về. Thê tử chính thất của gã mất đã mấy năm, gã hứa hẹn sẵn sàng dùng lễ chính thất mà rước nàng về phủ, để nàng trở thành phu nhân vinh hoa phú quý hưởng không hết. Tất nhiên là A Bích luôn một mực từ chối. Nếu nàng là người dễ bị vinh hoa phú quý lung lay, từ mười năm trước đã sớm nhân lúc đương độ xuân thì mà gả cho một công tử nào đó, cũng không đợi đến bây giờ.
Lý Kiên nghe nàng lại cự tuyệt mình, tức giận nói:
“Ta biết nàng vì gã điên đó mà từ chối ta. Nàng suy nghĩ kỹ lại đi, ta có chỗ nào không bằng gã, theo ta được ăn sung mặc sướng, ở nhà cao cửa rộng, chẳng phải tốt hơn hắn gấp ngàn lần sao? Hắn có thể cho nàng cái gì? Một người điên có thể cho nàng cái gì? Nàng xem mình đi, nàng xứng đáng dùng những trang sức đắt tiền nhất, mặc những y phục quý giá nhất, chứ không phải trâm gỗ áo bố như bây giờ. Nàng theo hắn, thậm chí ngay cả một danh phận cũng không có! Nàng là gì của hắn? Chẳng qua là một nha hoàn thôi…”
“Đủ rồi!”A Bích thét lên, tuy bình thường nàng rất ôn hòa nhưng không phải quả hồng mềm nhu nhược, kẻ trước mắt lại vừa khéo đụng tới nghịch lân của nàng. A Bích không thể nghe ai nói xấu công tử nhà nàng, nhất là nhắc tới chữ “điên” kia.
“Công tử nhà ta không có điên, người chẳng qua là tạm thời mất trí, rồi sẽ khỏi thôi! Trong lòng của ta, công tử là người tốt nhất trên thế gian, không ai có thể so sánh với người. Phải, ta chỉ là một nha hoàn thôi, nhưng chỉ cần được đi theo công tử, là nha hoàn cũng đủ hạnh phúc. Lý lão gia, ông quả thực rất tốt, nhưng đối với A Bích mà nói, ngoài công tử ra, những người khác tốt đến mấy thì cũng có liên quan gì đến ta đâu? Cáo từ.”
A Bích từng học qua võ công, khinh công không kém, những kẻ hầu kia làm sao giữ chân được nàng. Nàng lách mình nhún chân mấy cái, lập tức đã đi xa mấy trượng, nhanh chóng biến mất trong đám đông.
Lý Kiên tựa hồ còn đang không thể tin rằng cô nương hiền dịu thường ngày kia lại dám lớn tiếng nói chuyện với mình như vậy, một lúc sau mới hoàn hồn lại, lửa giận cùng với đố kỵ bốc lên trong lòng. Gã phất tay gọi tên hầu cận lại gần, nói:
“Ngươi tới Duyệt Lai khách điếm, nói với mấy vị khách kia lão gia đã tìm ra được nơi ở của gã Mộ Dung đó.”
Nhìn theo bóng tên hầu cận chạy đi, Lý Kiên nhếch môi cười lạnh, thì thầm:
“Ta vốn đã cho nàng cơ hội, là tự nàng lựa chọn đấy thôi, đừng trách ta.”
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!