Hướng Lai Si - Chương 1-4: Một mảnh tình si vùi hoàng thổ - Mười năm tỉnh mộng thấy đoạn trường (4)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
257


Hướng Lai Si


Chương 1-4: Một mảnh tình si vùi hoàng thổ - Mười năm tỉnh mộng thấy đoạn trường (4)


“- Thỉnh vấn công tử, trong đời công tử thì ở nơi nào tiêu dao khoái lạc hơn cả?

Câu này Mộ Dung Phục đã nghe hỏi bốn năm chục người thế mà khi đến lượt mình cũng ú ớ không biết phải trả lời ra sao. Y võ công cao cường, danh mãn thiên hạ, trên giang hồ không ai là không kính sợ, hẳn là công thành danh toại, thế nhưng trong thâm tâm thực ra chưa bao giờ cảm thấy vui vẻ thực sự. Y ngẩn ngơ một lúc mới đáp:

– Nếu bảo ta sung sướng thực sự thì chắc là trong tương lai chứ không phải ở quá khứ.

Cung nữ kia nghĩ bụng Mộ Dung Phục cũng trả lời tương tự như Tông Tán vương tử và những người khác, để đến khi thành phò mã rồi, cùng công chúa thành thân, lúc đó mới vui sướng thực sự, có ngờ đâu Mộ Dung Phục nói về vui sướng chân chính ấy là nói về sau này thân đăng đại bảo, trở thành hoàng đế trung hưng nước Đại Yên. Nàng ta mỉm cười, hỏi tiếp:

– Người công tử yêu quí nhất đời tên gọi là gì?

Mộ Dung Phục sững sờ, trầm ngâm giây lát, thở dài một tiếng đáp:

– Ta không có ai gọi là yêu quí nhất cả.

Cung nữ kia nói:

– Nếu như thế câu hỏi thứ ba không cần đề cập đến nữa.”

(Trích chương 91, “Thiên Long Bát Bộ”, Kim Dung)

— —-☆— —–

Có rất nhiều người từng ngưỡng mộ Mộ Dung Phục, cũng có rất nhiều người từng khinh ghét y, nhưng tất cả bọn họ, không ai hiểu được y có từng thật sự hạnh phúc hay không, những gì y bất chấp tất cả để làm có phải là những gì y mong muốn?

Mộ Dung Phục chưa từng có khái niệm gì gọi là tuổi thơ.

Là một hậu nhân của hoàng tộc Mộ Dung, mang trong mình trọng trách quang phục Đại Yên, từ lúc còn rất bé, y đã được phụ mẫu gieo rắc vào đầu ý niệm: phải phục quốc, cho dù đánh đổi mọi giá. Cái tên của y chính là một lời nhắc nhở, nhắc nhở y từng giây từng khắc đều không thể quên đại nghiệp phục quốc ấy.

Trong khi những đứa trẻ cùng tuổi còn đang vô ưu vô lo nô đùa, Mộ Dung Phục phải khổ công luyện công, đọc sách, học tất cả mọi thứ để trở thành một quân chủ hoàn hảo. Vì y mang họ Mộ Dung, y phải luôn luôn là kẻ giỏi nhất, y chỉ được thắng, không được thua, chỉ được thành công, không được thất bại. 

Trong ký ức của y, chưa từng có cái gọi là tình thân. Mọi người có thể thóa mạ y là kẻ bất hiếu, khi Tiêu Phong quỳ xuống cầu xin vị thần tăng vô danh chữa trị cho phụ thân của ông, còn y thì không; Đoàn Dự trả lời rằng người hắn yêu quí nhất là cha mẹ mình, còn y thì nói chẳng yêu quí ai cả. Đúng vậy, phụ mẫu đối với y chẳng khác gì người xa lạ. Từ lúc y còn rất nhỏ, họ đã nghiêm khắc với y như người dưng, không hề có chút tình cảm ấm áp nào. Phụ thân nói với y, người làm việc lớn không thể câu nệ tình cảm, càng vô tình thì càng dễ thành công, càng nặng tình thì càng dễ thất bại. Y cũng từng như bao đứa trẻ khác, từng khát khao vô cùng sự quan tâm yêu thương của cha mẹ. Nhưng cái y nhận lại, chỉ là những trận đòn roi mỗi khi võ công không tiến bộ, những hình phạt nghiêm khắc mỗi lần bại bởi bất kỳ ai. Trong trí nhớ  non nớt của y, chưa từng có một cái ôm ấm áp của mẹ, chưa từng có một lời an ủi yêu thương của cha. Tất cả, chỉ là những khuôn mặt lạnh lẽo như băng. Dần dần, y cũng thôi trông chờ cái tình thân xa xôi ấy nữa.

Y là Mộ Dung Phục, y phải thực hiện hùng đồ bá nghiệp của gia tộc, cho nên y phải vô tình. 

Chẳng biết từ bao giờ, y trở thành một kẻ vô tình vô cảm, đeo lên mặt một lớp ngụy trang quân tử ôn nhu như ngọc, che giấu đi tâm hồn lạnh lẽo của mình. Y bất giác treo lên khóe môi một nụ cười giả tạo, cho dù là vui buồn hay giận dữ, y đều mỉm cười, không ai có thể biết được cảm xúc thật sự của y là gì. Y ôn hòa với tất cả mọi người, nhưng lại không hề thật lòng với bất kì ai, cũng không tin có ai thật lòng với mình.

Từ nhỏ phụ thân đã dạy y, “nữ nhi tình trường, anh hùng khí đoản”, xưa nay ôn nhu hương luôn là mồ chôn của bậc anh hùng, năm đó Chiêu Văn Đế [1] chính là vì một nữ nhân mà đưa nhà Hậu Yên vào chỗ diệt vong, đánh mất cơ đồ giang sơn vạn lí. Cho nên, y tuyệt đối không được động lòng với bất kỳ cô nương nào. Biểu muội cũng vậy, công chúa Tây Hạ cũng vậy, chỉ cần người nào có lợi cho đại nghiệp phục quốc, y sẽ lấy người đó, nhưng khi cần hi sinh họ, y cũng sẽ không do dự mà hi sinh. 

Mọi người luôn cười y là kẻ khờ dại, một tuyệt sắc giai nhân như biểu muội một lòng một dạ ái mộ y mà y lại chẳng ngó ngàng. Y lại cười họ vô tri, làm sao họ hiểu được hùng tâm tráng chí của y. Một tuyệt sắc mỹ nhân có là gì, cái mà y cần, là thiên hạ, là giang sơn, không phải là một nữ nhi. Chỉ có kẻ tầm thường như Đoàn Dự mới luôn chìm đắm trong tư tình nhi nữ, cũng chỉ có kẻ từ lúc mới sinh ra đã có sẵn hoàng vị dành cho hắn, không cần tranh đấu, không cần đoạt lấy như Đoàn Dự mới có thể quẩn quanh bên mỹ nhân. Y không phải là hắn, trừ trọng trách phục quốc nặng nề kia, không có thứ gì là sẵn có, không có thứ gì mà y dễ dàng có được, những thứ mà y sở hữu, tất cả đều là y khổ công đoạt lấy. Niên thiếu thành danh, võ công cao cường, đều chẳng phải từ trên trời rơi xuống, chẳng phải do ông trời thương xót ban tặng, mà là y dùng máu và nước mắt đánh đổi. Có lẽ y căm ghét Đoàn Dự đến vậy, thực chất cũng chỉ vì đố kị. Tại sao những thứ y dốc công cả đời vẫn chẳng thể có được, Đoàn Dự lại dễ dàng có, thậm chí còn chẳng xem ra gì? 

Mộ Dung Phục lần đầu tiên gặp A Bích là khi phụ thân đưa nàng đến Yến Tử ổ tránh nạn. Năm đó, A Bích mới sáu tuổi, Mộ Dung Phục đã là thiếu niên mười bảy. Y không ấn tượng mấy với A Bích, chính xác hơn là không có thời gian để tâm đến nàng. Y chỉ nhớ, có một tiểu cô nương được mẫu thân đưa đến hầu hạ y, bích sam xanh biếc như khói sóng Giang Nam, luôn luôn rất nhu thuận nghe lời, ngoan ngoãn hệt một con mèo nhỏ. Tiểu cô nương vốn không phải tên A Bích, nếu gia môn không gặp nạn, nàng hẳn vẫn là một đại tiểu thư danh giá, mang một cái tên khác. Khi nàng đến Yến Tử ổ, Mộ Dung phu nhân nghĩ đến Mộ Dung Phục đã có một nha hoàn tên A Châu, thế nên đặt cho nàng cái tên A Bích.

“Khán châu thành bích tứ phân phân, 

Tiều tuỵ chi ly vị ức quân. 

Bất tín tỷ lai trường há lệ, 

Khai tương nghiệm thủ thạch lựu quần.” [2]

Mộ Dung phu nhân năm đó hẳn không ngờ tới, cái tên mà bà đặt cho đã ứng lên số mệnh của hai thiếu nữ ấy, để rồi hai nàng đều vì một chữ tình mà hồng nhan truân chuyên.

Từ đó, A Bích được gọi là A Bích. Người ta không còn nhớ nàng vốn họ gì, chỉ biết nàng là A Bích của nhà Mộ Dung.

Lần đầu gặp y, A Bích đã rất nghiêm túc phát lời thề:

“A Bích nguyện đi theo công tử, trọn đời trọn kiếp, không rời không bỏ. Nếu mai sau có phản bội lời thề, chết không toàn thây.”

Mộ Dung Phục nghe lời ấy, cũng chẳng để trong lòng. Biết bao kẻ từng thề thốt với y, nhưng khi cần, họ sẵn sàng bán rẻ y chẳng ngần ngại. Y đã sớm quen, và cũng sớm không tin tưởng lời thề. Vì thế, y nhanh chóng quên lãng A Bích. 

Có một đêm, khi Mộ Dung Phục đang buồn bực vì kế hoạch phục quốc không như ý, biểu muội Vương Ngữ Yên thì vừa nghe tin y trở về đã chạy sang quấn lấy y khiến y càng thấy phiền lòng. Y thắp đèn đọc sách, nàng lại giận dỗi thổi tắt ngọn đèn, nói:

“Biểu ca, huynh đừng xem nữa, khó khăn lắm mới chờ được huynh trở về, ai ngờ huynh vừa về liền chỉ chăm chú xem những cái này, chẳng chịu chơi với muội! Huynh xem thì có ích gì chứ!”

Bấy giờ biểu muội chỉ là một đứa trẻ năm, sáu tuổi, lại từ bé mất cha, được mẹ vô cùng cưng chiều, thành ra có chút tùy hứng bướng bỉnh. Nàng luôn bám lấy y, muốn y chơi đùa cùng mình, muốn y dỗ nàng vui, bình thường y nghĩ đến còn phải nhờ nàng đọc bí kíp võ công trong Lang Hoàn Ngọc Động cho mình, lại thấy nàng từ nhỏ mồ côi cha, cũng rất đáng thương, dù gì nàng vẫn là biểu muội của y, liền cố gắng mà chiều theo nàng, lựa lời dỗ dành. Nhưng hiện tại, tâm trạng của y đang không tốt, chẳng có tâm trí nào để ứng phó với đại tiểu thư này, lời nàng nói lại đụng chạm tới nỗi buồn bực trong lòng y, tuy biết trẻ con vô tri nhưng y cũng khó nén được tức giận. Mộ Dung Phục cố kiềm chế không để cơn giận bộc lộ ra bên ngoài, lạnh nhạt nói:

“Biểu muội, hôm nay ta hơi mệt, muội trở về Mạn Đà sơn trang đi, đừng để mợ lo lắng.”

Nói đoạn, y liền phất tay áo đi ra ngoài.

Ban đêm không khí ở Yến Tử ổ rất trong lành, gió mát nhè nhẹ thổi. Mộ Dung Phục ngẩng đầu lên, thấy trăng tròn vành vạnh, mới bất giác nhớ đến hôm nay là ngày rằm. Dường như đã rất lâu rồi, y chẳng có thời gian để thảnh thơi ngắm trăng. Đúng lúc ấy, chợt nghe từ một góc đình viện vọng lại tiếng đàn văng vẳng du dương, Mộ Dung Phục lắng tai nghe, chỉ thấy âm thanh ấy êm dịu thanh thoát, tựa nước suối cam tuyền thanh tẩy tâm hồn, khiến người ta vừa nghe thì lòng đã thanh tịnh thư thái vô cùng. Lần theo tiếng đàn, y đi đến một đình viện nhỏ, thấy một tiểu cô nương đang ngồi đàn dưới trăng, ánh trăng phủ lên người nàng một quầng sáng bàng bạc mông lung, khiến nàng tựa như khoác ánh trăng lên mình. Nàng ngồi đó, thần sắc ôn nhu mà cũng an tường như nước, phảng phất tiên tử giáng hạ phàm gian, thế giới ngoài kia là thế giới đầy ô trọc phiền não, thế giới trong mắt nàng lại vĩnh viễn bình lặng an tường.

Có một vẻ đẹp, không phải ở dung mạo, mà là ở khí chất.

Đó là lần đầu tiên Mộ Dung Phục chú ý đến nha đầu A Bích luôn lặng lẽ đi theo sau mình ấy.

Những ngày sau đó, Mộ Dung Phục dựng một gian nhà ở gần Tham Hợp trang, đặt tên là Cầm Vận Tiểu Trúc. Ấy là nơi ở của A Bích. Tuy nói là nha hoàn nhưng A Châu và A Bích chẳng phải nha hoàn bình thường, cả hai đều có tài năng riêng, A Châu tài trí khôn khéo, giỏi thuật dịch dung, chế tạo hương liệu, A Bích thông thạo âm luật, bất cứ vật gì vào tay nàng cũng có thể trở thành nhạc khí. Mộ Dung Phục thi thoảng có giao phó cho A Châu một số nhiệm vụ quan trọng, ra ngoài có khi cũng sẽ đưa nàng theo, có thể xem là một thân tín đắc lực của y. Ngược lại, A Bích chưa từng rời khỏi Yến Tử ổ nửa bước. Từ bé đến lớn, nhiệm vụ của nàng rất đơn giản, đó chính là chăm lo việc ăn mặc cho công tử. Xiêm y công tử mặc là do chính tay nàng may, thức ăn hàng ngày của công tử đều do nàng chuẩn bị, trà thì công tử cũng chỉ uống trà do chính tay nàng pha. Những khi công tử trở về Tham Hợp trang, A Bích luôn được gọi tới đánh đàn, thổi sáo. Cho nên nói, tuy A Bích chẳng can dự gì tới chính sự trong trang như A Châu, nhưng cũng không ai dám đắc tội với nàng, bởi người ở cạnh công tử nhiều nhất chính là nàng. 

Thời gian vùn vụt trôi qua, Mộ Dung phu nhân xuôi tay cưỡi hạc về trời, hai tiểu cô nương A Châu, A Bích năm nào cũng trở thành thiếu nữ, hai nàng đều xinh đẹp tài hoa, có phong phạm của tiểu thư khuê các, lại có sự khéo léo đảm đang mà tiểu thư thế gia quen được kẻ hầu người hạ khó có được. Hai nàng ở nhà Mộ Dung được đối xử chẳng khác gì con gái của lão gia và phu nhân, người bên ngoài nhìn vào cứ ngỡ là tiểu thư của Tham Hợp trang, đáng lẽ kẻ đến cầu thân chẳng phải là ít.  Sinh thời Mộ Dung phu nhân rất yêu thích hai nha đầu A Châu và A Bích, từng nói sau này sẽ cho hai nàng mười dặm hồng trang, vẻ vang về nhà chồng. Nhưng nói thì nói vậy, hiện tại phu nhân đã qua đời, chủ nhân của Tham Hợp trang bây giờ là công tử. Đáng lẽ công tử tuổi không nhỏ, hẳn đã sớm thành gia lập thất, cưới Vương tiểu thư về, nhưng y một lòng chỉ chú tâm đến đại nghiệp, cứ lần lữa dời hôn sự. Mọi người đều thầm đoán trong bụng, phải chăng công tử muốn thu hai nha hoàn bên mình làm thông phòng thiếp thất? Vì thế tất nhiên không ai dám ngỏ lời với hai nàng.

Giữa A Châu và A Bích, A Châu tương đối nổi trội hơn, tuy A Bích thường kề cận công tử, nhưng A Châu mới là người được y tín nhiệm. Người ta luôn thấy A Bích xuất hiện bên người công tử, nhưng lại chưa từng thấy công tử nói với nàng một câu, xem nàng như người vô hình, thậm chí còn hạn chế nàng học võ. Tất cả đều nói lên rằng, công tử không hề xem trọng A Bích, vì thế, hầu hết sự ghen tị của các nha hoàn trong trang đều nhắm vào A Châu, ngay cả Vương Ngữ Yên cũng chỉ chú ý tới A Châu, bỏ qua A Bích. Nhờ vậy, A Bích ở Tham Hợp trang chính là vừa nhàn rỗi vừa thanh thản, không ai dám xem thường nàng, mà phiền toái gia đấu các kiểu thì đều đi tìm A Châu cả.

Tất cả đều cho rằng Mộ Dung Phục thiên vị A Châu, lại không hề biết, để một người bình phàm mà sống sao lại không phải là một sự bảo vệ? A Bích chỉ quẩn quanh ở Yến Tử ổ, võ công của nàng vừa đủ tự vệ chứ không đủ cao để tung hoành giang hồ, nàng không có ý hại ai, cũng không ai để tâm đi hại một tiểu nha hoàn nhỏ bé mờ nhạt như nàng, cho nên nàng không biết tới giang hồ hiểm ác, không biết tới lòng người đa đoan, thế giới của nàng thật đẹp đẽ, thuần khiết. Cũng chính bởi thế, mới có một A Bích ôn nhu ngây thơ đến nỗi kẻ thù nhà Mộ Dung cũng không nỡ gia hại nàng mà Đoàn Dự gặp sau này.

Mộ Dung Phục có thể lợi dụng Vương Ngữ Yên, có thể lợi dụng cả thiên hạ để đạt được mục đích, nhưng chưa từng lợi dụng A Bích.

— —–☆— ——

*Chú thích:

[1] Hậu Yên Chiêu Văn Đế: tên thật là Mộ Dung Hi (385 – 407), tự là Đạo Văn, là vị hoàng đế cuối cùng của nhà Hậu Yên (hoàng tộc Mộ Dung của Mộ Dung Phục). Như đã mình đã từng đề cập, hoàng tộc Mộ Dung nổi danh về mỹ mạo, và một trong những minh chứng rõ nhất chính là Mộ Dung Hi, vị hoàng đế đoạt được hoàng vị nhờ lợi dụng mỹ nam kế quyến rũ Đinh Thái hậu, sau đó lại cũng vì một người phụ nữ mà đánh mất giang sơn Hậu Yên. Câu chuyện của vị Chiêu Văn Đế vang danh “cuồng tình” này thật sự khiến người ta cảm khái, đàn ông nếu yêu thì giang sơn cũng có thể chẳng màng, còn đã không yêu thì dù có dâng cho họ cả giang sơn cũng chẳng là gì. Sau khi Chiêu Văn Đế lên ngôi, say mê Phù Huấn Anh, bỏ quên Đinh thái hậu, vì vậy bà đã trở nên ghen tuông và giận dữ, Thái hậu đã âm mưu cùng với cháu trai Đinh Tín (丁信) để lật đổ Mộ Dung Hi và đưa con trai của Mộ Dung Bảo là Mộ Dung Uyên (慕容淵) lên ngôi. Kế hoạch bị phát giác và Mộ Dung Hi đã xử tử Đinh Tín cùng Mộ Dung Uyên, buộc Đinh Thái hậu phải tự sát. Sau khi Đinh Thái hậu bị giết, Mộ Dung Hi đã lập Huấn Anh lên làm Hoàng hậu, người đời thường gọi là Phù Hoàng hậu. Nhưng bách tính Hậu Yên khó có thể ngờ rằng, chính vị mẫu nghi thiên hạ này là nguyên nhân khiến họ lâm vào cảnh nước mất, nhà tan. Khi còn tại vị, Mộ Dung Hi sủng ái Phù Hoàng hậu đến mức khó tin. Sử cũ miêu tả: Vua đi đâu cũng không rời Hậu nửa bước, tới nơi nào cũng mang Hậu đi theo. Ngay cả khi xông pha chiến trường, Mộ Dung Hi vẫn luôn kề cận người đẹp như hình với bóng. Mộ Dung Hy yêu chiều Huấn Anh tới mức bất cứ việc gì khiến nàng vui, ông đều thực hiện bằng được. Chính vì mối họa hồng nhan, nhà Hậu Yên liên tiếp thất bại trong các cuộc giao chiến với ngoại bang.

Năm 403 Mộ Dung Hy cho xây cung Long thành trong vườn thượng uyển, có chiều dài 4 dặm vuông, dài 1 dặm, cao 57 mét, huy động hơn 2 vạn nhân công. Đến mùa hè năm 404 lại xây tiếp cung Tiêu Diêu với hàng trăm phòng, người làm việc không được nghỉ, phân nửa số nhân công chết vì nóng và kiệt sức. Tất cả chỉ là để Phù Hoàng hậu có chỗ vui chơi.

Phù Hoàng hậu thích đi bơi, Mộ Dung Hi liền dẫn nàng đi khắp tìm những sông hồ đẹp nhất để nàng thỏa thích bơi lội. Phù Hoàng hậu lại còn sở thích ăn những món trái mùa. Mùa hè nóng nực thì đòi ăn vây cá đông, mùa đông tuyết rơi thì đòi ăn địa hoàng tươi. Nhưng tất thảy đều được Mộ Dung Hi chiều theo. Bất cứ ai không thực hiện được theo yêu cầu của Phù Hoàng hậu đều bị tội chặt đầu. Sử sách còn chép, chỉ tính những người chết vì những cuộc vui của Hoàng hậu đã lên tới hơn 5000 người.

Phù hoàng hậu yêu thích săn bắn và du ngoạn. Vào mùa đông năm 404, họ đã đi săn bắn dài ngày, xa về phía bắc đến Bạch Lộc sơn (白鹿山, nay thuộc Thông Liêu, Nội Mông), về phía đông đến Thanh Lĩnh (青嶺, được mô tả là cách khoảng 100 km về phía đông của Long Thành), và về phía nam xa đến Hải Dương (海陽, nay thuộc Tần Hoàng Đảo, Hà Bắc) trước khi trở về Long Thành. Sách sử ghi lại rằng trong hành trình này đã có trên 5.000 binh sĩ hộ tống đã chết vị bị hổ hay chó sói tấn công hoặc do thời tiết lạnh giá.

Vào mùa xuân năm 405, Mộ Dung Hi đã tấn công thành Liêu Đông (遼東, nay thuộc Liêu Dương, Liêu Ninh) của Cao Câu Ly, và đã gần như chiếm được thành. Tuy nhiên, ông lại ra lệnh cho các binh sĩ của mình san bằng các bức tường thành để ông cùng Hoàng hậu có thể tiến vào bằng xe ngựa. Sự chậm trễ này đã cho phép quân Cao Câu Ly có thể củng cố lại thành, và ông đã không thể chiếm được nó.

Khoảng tết năm 406, Mộ Dung Hi cùng với Phù Hoàng hậu đã thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào các bộ lạc Khiết Đan. Khi ông thấy rằng người Khiết Đan quá mạnh và định rút lui thì Hoàng hậu lại nài nỉ rằng nàng muốn quan sát một trận chiến, ông vì thế đã bỏ qua đội cận binh nặng nề của mình và cùng với kị binh tiến đánh Cao Câu Ly. Cuộc tấn công đã không thành công và ông đã buộc phải rút quân. Tướng Mộ Dung Vân đã bị một mũi tên trong trận chiến làm cho bị thương và do lo sợ sự tàn ác của Mộ Dung Hi, ông ta đã dùng việc này để từ bỏ chức vụ và ở nhà.

Năm 407, Mộ Dung Hi cho xây một cung điện mới cho Phù Hoàng hậu, Thừa Hoa cung (承華殿), triều đình sử dụng nhiều đất tơi đến nỗi nó được mô tả là đắt như ngũ cốc. 

Vào mùa hè năm 407, Phù Hoàng hậu qua đời. Theo sử sách ghi khi Phù Hoàng hậu qua đời vì bạo bệnh, Mộ Dung Hi được sử cũ miêu tả là “đau buồn như mất cha, mất mẹ”. Hoàng đế “điên cuồng khóc lóc”, ôm thi thể của Huấn Anh vào người mà lẩm bẩm: “Thi thể đã lạnh, sinh mạng cũng không còn.” Mộ Dung Hi ngất đi trong nỗi bi thương tột độ. Khi ông tỉnh lại, thi thể của Hoàng hậu đã được đưa đi khâm liệm, nhập quan. Chính tại thời điểm này, Mộ Dung Hi đã làm nên một việc “hoang đường” chấn động trong lịch sử Trung Quốc.

Khi việc nhập quan cho Hoàng hậu đã xong xuôi, Mộ Dung Hi tự tay cậy nắp quan tài, bò vào bên trong ôm lấy thi thể của Phù Huấn Anh mấy ngày liền. Tương truyền rằng, chỉ đến khi thi thể của Hoàng hậu phát ra mùi hôi, Hoàng đế mới miễn cưỡng cho người đi chôn cất. Mộ Dung Hi bắt chị dâu mình là Trương Vương phi phải tự sát để chốn cùng hoàng hậu. Ông còn bắt tất cả triều thần đều buộc phải than khóc Phù Hoàng hậu, và những ai không thể rơi nước mắt sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, vì vậy họ đã để ớt vào trong mồm để kích thích tiết ra nước mắt.

Ngày đưa tang Hoàng hậu, Mộ Dung Hi xuất hiện trong bộ dạng không hề giống một đấng quân vương: Tóc tai bù xù, y phục xộc xệch, chân không mang giày. Ông đích thân đi bộ cùng xe tang để tiễn đưa Phù Huấn Anh về nơi an nghỉ. (Ông xây cho Phù Hoàng hậu một nơi gọi là “Chinh Bình Lăng” có chu vi lên tới vài dặm để an táng và để hợp táng với nàng sau khi ông mất.)

Khi linh cữu đi tới cổng thành, vì xe tang quá cao nên không thể ra khỏi cửa, Mộ Dung Hi lập tức sai người phá cổng Bắc Môn để xe đi qua. Lúc đó, có bậc cao nhân không khỏi cảm thán: “Gia tộc Mộ Dung tự tay hủy cổng thành, chẳng bao lâu nữa ắt sẽ bại vong.”

Trong khi ông rời khỏi kinh đô Long Thành (龍城, nay thuộc Cẩm Châu, Liêu Ninh) để chôn cất bà, các binh lính tại Long Thành đã nhân cơ hội này để quay sang nổi loạn và thay thế ông bằng con trai nuôi của Mộ Dung Bảo là Mộ Dung Vân, bản thân Mộ Dung Hi sau đó bị giết khi mới hai mươi hai tuổi. Vương triều của nhà Mộ Dung chấm dứt, bởi Mộ Dung Vân là con nuôi và sau này đã cải sang họ gốc là “Cao” nên một số sử gia coi Mộ Dung Hi là vị hoàng đế cuối cùng của Hậu Yên, còn Cao Vân là hoàng đế đầu tiên của Bắc Yên.

Mị đồ rằng sở dĩ Mộ Dung công tử lạnh nhạt với hồng nhan dù biểu muội đẹp tựa thiên tiên chính là vì sự tích của tiền nhân nhà anh ý quá chấn động, nên sau đó đời đời nhà Mộ Dung răn con cháu không được động lòng với mỹ nhân.:v 

[2] Bài “Như Ý nương” của Võ Tắc Thiên, dịch nghĩa:

“Nhìn màu đỏ thành ra màu xanh, tâm ý phân vân, 

(Thân thể) tiều tuỵ gầy yếu bởi vì nhớ chàng. 

Nếu không tin rằng thiếp vẫn khóc, 

Xin hãy mở rương xem quần thạch lựu.”

Võ Tắc Thiên năm 14 tuổi vào cung làm tài nhân. Vua Thái Tông mất, bà làm ni cô ở chùa Cảm Nghiệp. Vua Cao Tông Lý Trị gặp bà ở đây rồi cho vào cung làm phi. Bài thơ này được Võ Tắc Thiên viết cho Cao Tông khi ở chùa Cảm Nghiệp, được coi là một tác phẩm thượng thừa của bà.

— ——☆— ——–

@Tác giả: Còn 1 chương nữa là chính thức hết phần Tiền truyện. =)

Về tuổi tác nhân vật, trong tiểu thuyết Mộ Dung xuất hiện là độ tầm 27, 28 tuổi rồi, mà trước đó bạn Đoàn Dự gặp bạn A Bích, bạn A Bích bảo là A Châu lớn hơn mình một tháng tuổi nên gọi là tỷ tỷ, A Châu chắc cũng trạc cỡ Chung Linh, Chung Linh được miêu tả là tầm mười sáu, mười bảy. Thế nên, mọi người biết rồi đấy, Mộ Dung lớn hơn A Bích có chừng… 10 tuổi thôi.:v Nếu anh ý không phải công tử thì chắc A Bích sẽ gọi là Mộ Dung thúc thúc. =))))

Chế tạo thêm một ít gian tình giữa A Bích và Mộ Dung kiếp trước vì cảm thấy nếu chỉ vì cảm động khi mười năm sau tỉnh dậy thấy a Bích vẫn còn ở bên mình mà đùng một phát chuyển thành yêu thắm thiết thì hơi bị khiên cưỡng. =_= Ầy, xem như kiếp trước Mộ Dung vốn cũng có chút cảm tình với A Bích nhưng đại nghiệp phục quốc quan trọng hơn nên quyết định im lặng không thể hiện ra để bảo vệ cô ấy đi. =))

Bên TQ dân tình kháo nhau một nghi án, đó là lúc bạn Đoàn Dự tới Yến Tử ổ, khi A Châu dịch dung đi vào thì bạn ý nghe thấy mùi hương xử nữ, tưởng là từ người A Bích phát ra, nhưng khi A Châu đi ra thì không nghe thấy nữa, tức là A Bích không có mùi hương đó => A Châu là xử nữ, A Bích không phải => A Bích đã bị Mộ Dung “ăn”. (0.0) Đang suy nghĩ có nên viết theo cái giả thuyết YY này hay không, cảm thấy nghe có vẻ hơi cầm thú.:v Thật ra nhiều người cho rằng A Châu và A Bích giống như kiểu Tập Nhân trong “Hồng lâu mộng” ấy, là thiếp thất của Mộ Dung (chỉ có điều Mộ Dung không đụng tới A Châu thôi), vì nha hoàn gì lại có cả trang viện riêng, có tì nữ hầu hạ nữa. Điều đó sẽ dễ giải thích cho việc Mộ Dung gần 30 rồi mà tại sao chưa có vợ, chẳng phải hoàng đế đều rất quan tâm đến con cái sao?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN