Hữu Phỉ - Chương 2: Lý Thịnh
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
167


Hữu Phỉ


Chương 2: Lý Thịnh


Chờ Lý đại đương gia đi rồi, Chu Dĩ Đường mới nhẹ nhàng hỏi:

– Có đau không?

Chu Phỉ bị câu nói này khơi lên nỗi uất ức tày trời mà vẫn cứ mạnh miệng, đưa tay xoa mặt, cứng rắn nói:

– Dù sao cũng chưa chết.

– Tính tình thối, y hệt mẹ con.

Chu Dĩ Đường thở dài, vỗ vỗ sau gáy nàng, chợt nói:

– Hai mươi năm trước, gian tướng Bắc đô Tào Trọng Côn mưu nghịch soán vị, năm đó mười hai người văn võ bá quan liều mạng che chở ấu chúa rời cung, xuôi nam lấy rạch trời làm ranh giới, dựng nên Nam triều Hậu
Chiêu bây giờ, từ đó chiến tranh liên miên, chính trị hà khắc như hổ.

Cái tật lúc trò chuyện phải dông dông dài dài để “gợi hứng” này
của Chu Dĩ Đường sợ là không sửa được ______cũng tức là trước khi vào đề tài chính thì phải nói đông nói tây một hồi, Chu Phỉ ù ù cạc cạc nghe
ông nói về lịch sử cũng không hề ngắt ngang, vẻ mặt tập mãi thành quen
nghiêm túc lắng nghe.

– Kẻ bất bình khắp nơi đua nhau khởi nghĩa, tiếc là không địch
lại tay sai của ngụy triều Bắc đô, trong số họ người thì chết người thì
trốn vào Thục Sơn nhờ vả ông ngoại con, thế là ngụy đế Tào tặc chỉ huy
đánh Thục, từ đó gọi 48 trại chúng ta là “thổ phỉ”, ông ngoại con là anh hùng hào kiệt đương thời, nghe cái gọi là “thánh chỉ” của Tào tặc thì
cười to một trận rồi sai người dựng thẳng cờ lớn của 48 trại, tự phong
“Chiếm Sơn Vương”, dứt khoát biến hai chữ “thổ phỉ” thành đồ thật.

Chu Dĩ Đường ngừng nói, xoay người nhìn Chu Phỉ, nhẹ nhàng nói:

– Cha nói với con những chuyện cũ này là để cho con biết, dù
trên đầu mang một chữ “Phỉ” thì máu chảy trong người con cũng là dòng
máu anh hùng, không phải loại giặc cỏ cường bạo vào nhà cướp của, cũng
đừng phá hỏng thanh danh cả đời của ông ngoại con.

Ông bệnh tật quanh năm, lúc nói chuyện không khỏi không đủ hơi,
ông luôn rất nhẹ nhàng, không nghiêm khắc nhưng mấy câu cuối cùng của
ông lọt vào tai Chu Phỉ có trọng lượng hơn roi của Lý Cẩn Dung rất
nhiều.

Chu Dĩ Đường nghỉ lấy hơi rồi lại hỏi:

– Tiên sinh đã giảng những gì?

Vị Tôn lão tiên sinh này là một thư sinh cổ hủ, vạ từ miệng mà
ra____nghe nói văn chương mắng ngụy đế họ Tào thậm tệ của ông ấy đủ để
gom lại thành sách nên bị ngụy triều Bắc đô truy nã, may mà thời trẻ có
chút quen biết với mấy người giang hồ nên được người ta che chở đưa đến
48 trại, Lý Cẩn Dung thấy ông ấy vai không thể gánh, tay không thể xách
bèn giữ ông ấy trong trại làm một tiên sinh dạy học, không cầu dạy ra
được trạng nguyên, chỉ cầu dạy cho các đệ tử trẻ tuổi ra ngoài biết vài
con chữ, viết được thư từ bình thường là đủ rồi.

Chu Phỉ từ nhỏ được đích thân Chu Dĩ Đường dạy vỡ lòng, nàng đọc sách không thể nào chú tâm, cùng lắm chỉ có thể học thuộc mấy câu râu
ông nọ cắm cằm bà kia mà thôi. Nhưng mùa đông năm ngoái Chu Dĩ Đường bị
nhiễm lạnh, bệnh đến đầu xuân, không có tinh thần dạy dỗ nàng, Lý Cẩn
Dung sợ nàng ra ngoài gây chuyện bèn ép nàng đến chỗ lão tiên sinh kia
nghe sách, nào ngờ lại nghe ra rắc rối.

Chu Phỉ cúi đầu, thật lâu mới không tình nguyện lên tiếng:

– …Con nghe ông ấy nói đến “Ba thứ này là đạo thường của nữ nhân, là điển giáo của lễ pháp” thì đi rồi.

Chu Dĩ Đường:

– Ồ, con cũng đâu nghe được mấy câu_____cha hỏi con, “đạo thường” này là nói ba thứ nào?

Chu Phỉ lầm bầm:

– Mẹ nó ai mà biết?

– Nói năng lỗ mãng!

Chu Dĩ Đường trừng nàng, sau đó lại nói:

– “Bản tính thấp kém, phải tập làm việc, gánh vác trọng trách thờ cúng”, đạo thường của nữ nhân chính là ba điều này.

Chu Phỉ không ngờ ông lại biết những lý luận hoang đường đó, liền cau mày nói:

– Thiên hạ ngày nay, lang sói nắm quyền, nếu không phải hạng
diều hâu mãnh hổ, ắt sẽ bị chèn ép đủ đường, sinh tử không do mình, thấp kém cái rắm!

Nàng nói như thật, tựa như bản thân rất là cảm khái vậy, Chu Dĩ
Đường đầu tiên là sững sờ, sau đó không nhịn được bật cười:

– Tiểu nha đầu này, ngay cả Thục Sơn cũng chưa từng ra mà dám
vọng đàm thiên hạ? Còn nói trang nghiêm đường hoàng như vậy nữa… con
nghe được từ đâu thế?

– Từ cha.

Chu Phỉ đường đường chính chính nói:

– Có lần cha nói lúc say rượu, con một chữ cũng không nhớ nhầm.

Chu Dĩ Đường nghe vậy, nụ cười dần tắt, vẻ mặt vô cùng phức tạp, ánh mắt như xuyên qua tầng tầng núi cao trập trùng của 48 trại, rơi
xuống giữa Cửu Châu 36 quận mênh mông vô bờ.

Hồi lâu ông mới lên tiếng:

– Dù là lời cha nói cũng chưa chắc đúng. Cha chỉ có một nữ nhi
là con, đương nhiên hi vọng con bình an yên ổn, dù làm hạng người lang
sói diều hâu cũng tốt hơn làm trâu bò mặc người xẻ thịt.

Chu Phỉ hiểu mà như không hiểu nhướng mày.

– Cha không có ý bảo con làm người xấu.

Chu Dĩ Đường cười tự giễu:

– Chỉ là người làm cha mẹ luôn hi vọng con mình thông minh, con
người ta ngốc nghếch, con mình lợi hại, con người ta dễ bắt nạt____đó là trái tim của phụ thân con. Tôn lão tiên sinh… ông ấy không có quan hệ
gì với con, bình thường nam nhân nhìn nữ nhân đương nhiên muốn nữ nhân
khắp thiên hạ đều đức dung vẹn toàn, cam tâm hầu hạ phu quân và cha mẹ
chồng, dịu dàng thấp kém mà không cầu báo đáp, đó là tư tâm của nam
nhân.

Chu Phỉ nghe hiểu câu này, lập tức nói:

– Hứ! Con đánh ổng còn nhẹ lắm.

Chu Dĩ Đường hơi cong cong khóe mắt, nói tiếp:

– Ông ấy đã lớn tuổi, lưu vong chạy nạn ngoài đường, cửu tử nhất sinh, giờ đây cửa nát nhà tan, một thân một mình cô độc, lưu lạc làm
giặc cướp, ông ấy sẽ không hiểu đạo lý kẻ yếu khó tồn tại sao? Chỉ là
ông ấy muốn tạm bưng tai bịt mắt những đứa trẻ như bọn con, run rẩy giữ
lấy những cương thường cũ đã hỗn loạn từ lâu, mơ một giấc mơ hão huyền…
Đó là trái tim thương kim hoài cổ, tự xót tự bi của một lão thư sinh,
đúng là có chút cổ hủ. Con nghe lời người ta nói, dù có là lời lẽ sai
trái cũng không cần lập tức phẩy tay áo bỏ đi, không có đạo lý chưa hẳn
là không có đạo lý.

Chu Phỉ nghe như rơi vào sương mù, có chút không phục nhưng không nghĩ ra được lời nào phản bác.

– Hơn nữa, Tôn tiên sinh tuổi tác đã cao, đầu óc hồ đồ, con so đo với ông ấy vốn đã là việc không nên.

Chu Dĩ Đường đổi giọng, nói tiếp:

– Càng đừng nói tới chuyện con ra tay đánh ông ấy bị thương, treo ông ấy lên cây…

Chu Phỉ lập tức kêu lên:

– Con chỉ đẩy ông ấy một cái mà thôi, không có chuyện nửa đêm
nửa hôm đi cởi y phục ông ấy, chắc chắn là tên khốn kiếp Lý Thịnh kia
làm! Lý Cẩn Dung dựa vào cái gì mà nói con thủ đoạn đê tiện? Thủ đoạn
của cháu bả mới đê tiện ấy!

Chu Dĩ Đường kinh ngạc nói:

– Vậy ban nãy sao con không giải thích với mẹ?

Chu Phỉ không nói gì, chỉ hừ mạnh một tiếng.

Lý Cẩn Dung càng đánh thì nàng càng muốn chống đối, ngay cả phân trần giải thích cũng không muốn nói.

Lý Thịnh là nhi tử của nhị cữu Chu Phỉ, lớn hơn nàng mấy ngày
tuổi, mồ côi từ nhỏ, cùng muội muội ruột là Lý Nghiên được Lý Cẩn Dung
nuôi lớn.

Trong lứa chưa trưởng thành đời kế tiếp của Lý gia trại, đa phần tư chất bình thường, chỉ có Chu Phỉ và Lý Thịnh là ưu tú nhất, bởi vậy
hai người từ nhỏ đã đối chọi gay gắt, tranh đấu lẫn nhau… nhưng đó là
trong mắt người ngoài.

Kỳ thực Chu Phỉ không hề chĩa mũi dùi vào Lý Thịnh, thậm chí còn né tránh hắn.

Chu Phỉ nhớ việc rất sớm, người lớn nói chuyện không hề kiêng kỵ nàng nên nàng cũng mơ hồ có chút ấn tượng về những chuyện đại sự.

Những chuyện đại sự này bao gồm chuyện mẹ nàng tay chân vụng về
lúc tắm cho nàng bẻ trật khớp nàng, hình như nàng không đau gì mấy nhưng lại nhớ mẹ nàng bị dọa vừa khóc vừa nắn lại cho nàng. Bao gồm chuyện
cha nàng vào mùa đông mưa dầm liên miên nọ đã bệnh nặng suýt chết một
trận, khi đó Sở đại phu còn chưa có râu bạc mặt không biểu cảm đến nói
với mẹ nàng:

– Bế đứa trẻ vào cho ông ấy gặp một lần đi, lỡ không gắng gượng nổi thì ông ấy cũng yên lòng.

Và chuyện tam trại chủ phản loạn trong 48 trại…

Ngày đó khắp núi đều là tiếng hô giết, không khí bốn bề dường
như đều ngưng tụ, Chu Phỉ nhớ mình bị một người ôm chặt vào lòng, vòm
ngực người ấy rất rộng có điều không dễ ngửi, mùi mồ hôi nồng nặc, e
không phải là một người ưa sạch sẽ.

Ông ấy đưa nàng đến chỗ Chu Dĩ Đường, lúc nàng nắm lấy bàn tay
lạnh buốt của cha thì nghe phía sau có một tiếng vang rất lớn, hoảng hốt quay đầu thì thấy trên lưng người hộ tống nàng cắm một thanh đao thép,
máu chảy dọc đường đã đông cứng lại.

Chu Dĩ Đường không che mắt nàng, để nàng nhìn thật rõ, mãi hơn
mười năm sau, Chu Phỉ không còn nhớ mặt người đó nhưng mãi mãi không bao giờ quên tấm lưng đầy máu ấy.

Người đó là nhị cữu của nàng, cũng chính là phụ thân của Lý Thịnh.

Vì chuyện này, Lý Cẩn Dung luôn rất thiên vị huynh muội Lý Thịnh Lý Nghiên____những thứ nhỏ nhặt ăn mặc hàng ngày đều phải nhường nhịn
Lý Nghiên, điều này cũng không sao, muội ấy còn nhỏ, nên như vậy.

Lúc nhỏ ba người họ đều nghịch ngợm gây sự, kỳ thực cơ bản đều
là tên tiểu tử Lý Thịnh chủ mưu, nhưng người chịu phạt luôn là “hòn ngọc quý trên tay” đại đương gia trong truyền thuyết – Chu Phỉ.

Khi lớn hơn một chút, bắt đầu cùng nhau theo Lý Cẩn Dung học võ, Chu Phỉ chưa từng nhận được một câu “tạm ổn” từ miệng Lý Cẩn Dung,
ngược lại Lý Thịnh dù chỉ thỉnh thoảng mới thắng nàng một lần cũng có
thể được Lý Cẩn Dung khen ngợi hết lời.

Nói tóm lại, hai người kia đều là con đẻ của Lý gia, còn Chu Phỉ là con lượm.

Thỉnh thoảng nàng cảm thấy rất oan ức nhưng trong lòng nàng cũng biết nguyên nhân của sự thiên vị này nên oan ức xong nàng sẽ nhớ tới
nhị cữu của nàng rồi buông bỏ.

Lớn hơn chút nữa, nàng học được nhường nhịn. Bất kể nàng âm thầm nỗ lực thế nào, ngoài mặt vẫn không thể phân cao thấp với Lý Thịnh,
bình thường học võ hay tỷ thí cũng vậy, nàng đều sẽ lặng lẽ nương tay,
duy trì sự giả tạo trình độ ngang nhau của hai người.

Đây không phải là “hiểu rõ đại nghĩa” gì, với một cô bé hơn mười tuổi mà nói, như vậy Chu Phỉ có thể có được cảm giác ưu việt “Ta biết
ta mạnh hơn ngươi, chỉ là ta nhường ngươi thôi”, mỗi lần nhìn biểu huynh của nàng dưới góc độ như nhìn kẻ ngốc, chút thỏa mãn xấu xa nho nhỏ ấy
đã đủ bù đắp được những oan ức kia của nàng.

Đương nhiên, trừ việc đó ra, nàng cũng có chút ý giận dỗi Lý Cẩn Dung____bất kể thế nào, nàng cũng đừng mơ kiếm được một chữ “tốt” từ
chỗ đại đương gia.

Chu Phỉ không phải người tốt tính tốt nết gì, tự nhận thấy mình đã đủ “hiền lành” chí nhân chí nghĩa với Lý Thịnh rồi.

Nhưng tên tiểu tử đó lần này thật quá đáng!

Loại nơi như 48 trại, chỉ cần võ công cao, thủ đoạn tàn nhẫn là
rất giỏi, không ít người xuất thân từ dân gian, không biết được mấy chữ, không chú ý đến tiểu tiết. Nhưng một cô nương mười bốn mười lăm tuổi,
không lớn không nhỏ như nàng vẫn có ý thức “nam nữ khác biệt”, Lý Thịnh
vu oan nàng cởi y phục một ông lão, Chu Phỉ nghĩ thế nào cũng thấy thẹn
quá hóa giận.

Nàng từ chỗ Chu Dĩ Đường về phòng mình, sửa soạn bản thân cho
sạch sẽ, thay bộ y phục khác, hơi hoạt động bả vai, cảm thấy không có
vấn đề gì liền xách trường đao lưng hẹp của mình gác ở cửa, đằng đằng
sát khí đi tìm Lý Thịnh tính sổ.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN