Jane Eyre (Jên Erơ)
Chương 7: Những biến cố lạ lùng
Vài ngày trôi qua. ông Rochester cho gọi chúng tôi đến.
Trên bàn, rành rành có một cái tráp, cứ như là để sẵn cho chúng tôi.
– A! – Adèle reo lên. – Cái hộp của cháu đây rồi! May quá!
– Đúng, – ông Rochester nói, – đúng là nó đấy. Bác đã hết hy vọng tìm thấy nó, cứ tưởng nó đã bị thất lạc, trong một xó xỉnh nào đó, ở vùng này rồi. Hãy cầm lấy, Adèle, cho cháu đấy.
Cháu tha hồ mở ra mà xem, nhưng này, nghe bác dặn đây, cần nhất là phải để cho bác được yên.
Adèle mở cái tráp, và lấy ra rất nhiều đồ chơi, rồi vừa bày ra trước mặt bà Fairfax, vừa vui sướng reo lên.
Ông Rochester cũng có vẻ rất hài lòng:
– Tôi có nghĩ một chút đến bản thân mình và có dành cho mình vài phút vui vẻ, thì cũng chỉ là công bằng thôi… Vì thế, tôi trông cậy vào cô đấy, cô Eyre ạ… Nhưng hãy lại gần đây, xích ghế lại đây đã, tôi nhìn cô không được rõ lắm.
Và cái chân chết tiệt này, nó không để cho tôi được ngồi theo ý muốn.
Tôi vẫn vâng lời ông như mọi khi. Cưỡng lại mệnh lệnh, hay ý muốn của người đàn ông mà tôi chưa hiểu rõ tính nết này, đâu có phải là một chuyện dễ dàng! Chúng tôi cứ ngồi hồi lâu, mà không trao đổi một lời nói nào, ông ta thì nhìn vào ngọn lửa, còn tôi thì ngắm nghía con người xa lạ đã trở thành ông chủ của tôi ấy.
– Bây giờ, cô đã nhìn kĩ tôi rồi, thì cô hãy thử nói xem là cô thấy tôi có đẹp trai không…
Câu nói đó đã làm tôi quá sửng sốt, khiến tôi không suy nghĩ gì cả, buột miệng trả lời ngay:
– Thưa ông, không.
– Thật là ngắn gọn, dứt khoát, – ông nói thêm, chẳng hề tỏ ra tức tối chút nào, trước câu trả lời thật thà của tôi. – Cô làm tôi hơi hoang mang đấy. Cô thường hay nhìn xuống, như người ta đã dạy cô ở Lowood… trừ khi nào cô thấy cần nhìn tôi với vẻ năn nỉ khiến tôi phải ngạc.nhiên, trừ khi nào cô trả lời “không” một cách nhanh nhạy, gần như xấc xược, như vừa rồi.
– Thưa ông, xin ông tha lỗi cho tôi, – tôi vừa nói, vừa cảm thấy ngượng chín cả người…
Tôi ấp úng không biết làm thế nào để gỡ mình ra khỏi cái bẫy mình vừa sa vào. Mà tên đao phủ thì vẫn tiếp tục tra tấn tôi.
– Chúng ta không nên dừng lại trên một con đường tốt như thế này, nên bây giờ, cô hãy nói cho tôi biết tôi có những khuyết tật gì, – ông đề nghị. – Phải, phải, tôi có khối ra đấy… cô đừng ngại, cứ nói đi!
– Tôi không có ý định làm ông phật ý. Tôi đã thiếu suy xét. Tôi thật dại dột, – tôi nói, có ý lẩn tránh câu hỏi của ông ấy.
– Không, không, cô ạ… Tôi muốn tin vào sự thành thực của cô. Chúng ta hãy tiếp tục… Cô cứ phê bình đi… Cô nghĩ gì về cái trán của tôi?
Ông ta gạt mớ tóc ra, và cho tôi thấy một vầng trán rộng, vuông vắn, cương nghị. Tôi nghĩ là vầng trán đó có thể biểu thị trí thông minh.
Song, tôi không nói nổi một lời nào, và tưởng như mình có thể chết đi được.
– Can đảm lên nào, – ông ta nói tiếp, nửa nghiêm chỉnh, nửa mỉa mai. – Tôi nghĩ rằng sắc đẹp của cô rất xứng đáng với sắc đẹp của tôi.
Hôm nay, tự nhiên, tôi lại nảy ra ý muốn được hiểu biết cô hơn.
Tôi vẫn nín lặng, do dự, không thích lắm cái trò chơi, trong đó, chỉ có một mình mình thua thiệt này.
– Nào, cô, hãy can đảm lên… Hay là đột nhiên, cô đã bị cấm khẩu? Đúng là yêu cầu của tôi có vẻ kì cục, lạ lùng nữa, chắc là cô thấy thế, nhưng tôi xin cam đoan là tôi không chế giễu cô đâu. Tôi không muốn sỉ nhục cô, cũng chẳng muốn ép buộc cô phải làm bất cứ cái gì. Tôi hơn tuổi cô, tôi là người giám hộ của học trò cô, nhưng điều đó không dính dáng gì đến việc tôi cần được nghe ý kiến của cô. Cô như một chút ánh nắng trong cả một ngày u tối của tôi.
Tôi đã hiểu ông hơn, và giọng nói của ông chứng tỏ với tôi là ông thành thực. Tôi gần như thấy thương ông.
– Tôi lấy làm sung sướng, – tôi nói, – được giúp ích cho ông và giải trí cho ông, tạm quên đi những lo lắng và công việc bận rộn. Nhưng giá như ông đặt câu hỏi cho tôi trả lời thì có thể sẽ dễ dàng cho tôi hơn.
– Đúng thế, cô ạ, và tôi mong cô sẽ tha thứ cho tôi, nếu, thỉnh thoảng, cô lại gặp lại ông chủ.tòa biệt trang, vốn là người có thói quen hay ra lệnh này.
Tôi không sao nhịn được cười. Dứt khoát, cái ông Rochester này có một tính cách thật kì lạ, và có vẻ như đã quên rằng hàng năm ông vẫn cho tôi một số bảng sterling đáng kể.
– Cô cười, – ông nói thêm, – vậy là cô đã thắng. Bây giờ, thì tôi xin nghe cô nói.
– Tôi chỉ nghĩ đơn giản – và đó chính là điều đã làm tôi cười – là một ông chủ mà lại xin người ta tha thứ cho mình vì mình đã ra lệnh cho người ta, thì có vẻ lạ lùng quá. Chúng tôi được trả công là để vâng lời ông, chứ không phải để phê phán ông.
– à! Đúng rồi, tôi đã quên hẳn mình là ông chủ, và vì cô đã nhắc tôi, nên tôi sẽ hành động như một người có quyền.
– Tôi không biết những lời nói của mình có làm ông vui không, hay ông lại đang tìm hiểu xem cô gia sư của mình có được sung sướng ở nhà mình không. Vâng, tôi sẽ vui lòng được trả lời ông. Tôi sẽ kể ông nghe tất cả những gì tôi biết về mình, nhưng hôm nay, thì đã muộn quá rồi. ông có nghe thấy không, đồng hồ đang điểm chín giờ. Tôi phải đi lo cho Adèle đây.
Tôi đứng dậy, chào ông Rochester, rồi đi ra.
Từ hôm đó trở đi, tôi thường hay nghĩ đến ông Rochester. Đối với tôi, ông cũng tỏ ra điềm đạm hơn trước. Đôi khi, ông còn mỉm cười với tôi, điều này chứng tỏ sự có mặt của tôi làm ông dễ chịu. Thỉnh thoảng, tôi còn nhận được một lời chúc tụng nhỏ, và thật tình, dấu hiệu quan tâm rộng lượng ấy, cũng có làm tôi vui thích.
Thái độ của ông ngày càng trở nên thân thiết, và ở bên ông, tôi cũng cảm thấy thoải mái. Lâu lâu, giọng nói của ông cũng có trở lại kiểu ra lệnh cố hữu, song tôi không cảm thấy khó chịu nữa, cứ để dông bão qua đi, biết rõ là sẽ chẳng có hệ quả gì cả. Tôi vui thích được nhìn thấy ông, có khi tôi còn tìm cách làm ông phải nhìn tôi, nếu trước đó, mắt ông lảng tránh tôi. Mỗi khi ông Rochester bước vào phòng, khi tôi đang làm việc, tôi thấy hình như ông đã làm cho căn phòng ấm áp thêm và sáng sủa hẳn lên…
Một tối, tôi đi ngủ hơi sớm. Ngày hôm đó, tôi đã bị mệt, nên cần được nghỉ. Bất chợt, một tiếng động lạ đã làm tôi tỉnh dậy. Nghe như là một tiếng rì rầm, một tiếng chân đi rón rén, ở đâu đó, trên tầng gác trên. Tôi tưởng như nhận ra những tiếng nói bị nghẹn lại, và tôi thấy sợ quá. Tôi thấy khó thở, bèn nhổm dậy trên giường, và nghe ngóng..Lại không nghe thấy gì nữa, tôi bèn cố ngủ tiếp, nhưng không ngủ lại được nữa. Tôi thấy người mình lạnh toát. Bất thình lình, tiếng chuông đồng hồ vang lên. Hai giờ! Tôi thấy hình như có ai đang tựa vào cửa buồng mình, như có một bàn tay đang sờ soạng ở đó, rồi như có những bước chân đang lại gần, rồi lại ra xa. Tôi bèn nói thật to:
– Có ai ở ngoài ấy, phải không? Cần gì đấy?
Không có ai trả lời tôi cả.
– Thôi nào, – tôi nghĩ bụng, – mi điên à!
Tỉnh rồi mà mi vẫn còn mơ. Mi lại nằm xuống và cố ngủ đi.
Mi mắt tôi khép lại, và tôi tin chắc là mình đã thiu thiu ngủ. Nhưng chẳng được lâu. Đột nhiên, tôi lại bị lôi ra khỏi giấc ngủ, bởi một tiếng cười đáng sợ quá, khiến tôi tưởng như nó đến thẳng từ nơi tận cùng của địa ngục. Tôi run rẩy như một chiếc lá, và không dám cựa quậy nữa. Có ai đó đã lẻn vào buồng tôi chăng? Người ta sắp tấn công tôi chăng? Tôi khiếp sợ quá, và lại nhổm dậy. Tôi chạy ra cửa, và kéo cái then.
Vào lúc tôi sắp sửa kêu lên, cầu cứu, thì tiếng cười đáng sợ lại nổi lên, và lần này, tôi biết là nó xuất phát từ ngoài hành lang. Tôi đã trấn tĩnh lại được đôi chút. Tôi lắng tai nghe. Có những bước chân đang đi ra xa ngoài hành lang, đồng thời, lại có tiếng gì, như có ai đang càu nhàu. Có ai leo cầu thang, lên gác trên. Một cánh cửa khép lại, rồi thì im lặng, một không khí im lặng nặng nề, bao trùm cả tòa nhà.
Tôi rón rén đi trên đầu ngón chân, ra khỏi buồng mình, cố gây ra ít tiếng động nhất. Tôi vẫn còn hơi run. Lạ quá, trên một bậc cầu thang, tôi thấy có một cây nến đã thắp, nhưng tôi còn bối rối hơn nữa, khi nhận thấy không khí bỗng trở nên khó thở, và một mùi gì cháy khét đang tỏa ra khắp nơi. Chuyện gì đang xảy ra đây?
Bất thình lình, tôi chợt nhận ra là khói đang tuôn ra từ buồng ông Rochester. Trong buồng ông, mọi thứ đang cháy ngùn ngụt, mà ông Roch-ester thì đang nằm đó, vẫn ngủ kĩ hoặc chẳng biết gì nữa, bị chết ngạt rồi cũng nên! Không do dự, tôi bước vào.
Tôi vừa lay ông, vừa kêu to:
– Cháy! Cháy! ông dậy đi!
Ông ú ớ mấy tiếng gì đó, tôi không hiểu, song vẫn không ra khỏi giường, mà chăn, đệm, thì đã bắt đầu cháy. Tôi không do dự lấy ngay cả chậu nước lẫn bình nước giội vào giường, màn và cố nhiên cả vào người đang ngủ. Rồi tôi chạy về buồng mình, lấy nốt bình nước của mình. Bây.giờ thì nước chảy khắp nơi, nhưng đám cháy đã được dập tắt… và ông chủ tôi thì đã tỉnh hẳn. – Cái gì thế này? – ông quát lên với tôi. -Lửa ở đâu ra và ai đã làm buồng tôi ngập nước thế này?
– Chính tôi đấy ạ, thưa ông Rochester. Lửa đã bùng cháy từ đâu đó, và ông đã suýt chết đấy… Để tôi đi tìm cây nến đã. Tôi cũng không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra, nhưng có thể là người ta đã muốn sát hại ông. Tôi xin ông, hãy dậy đi.
Trong khi tôi đi tìm nến, tôi nghe thấy ông bước ra khỏi giường. Khi tôi quay vào, thì thấy ông bắt đầu ngắm nhìn cái giường và cái màn cửa; ông nhắc lại:
– Kẻ nào gây ra chuyện này?
– Thưa ông, – tôi nói, – tôi đã bị một tiếng cười kì lạ làm cho thức giấc, tôi nghe thấy tiếng chân đi, tiếng rì rầm… Tôi bèn nhổm dậy, và thế là tôi nhận thấy khói đang tuôn từ buồng ông ra.
Ông chăm chú nghe tôi nói, và tôi không thấy cơ bắp nào trên mặt ông động đậy cả.
– ông có muốn tôi gọi bà Fairfax hay chị Grace Poole đến không?
– Không, vô ích. Họ đến đây để làm gì?
Nhưng làm sao tất cả những chuyện đó có thể xảy ra được nhỉ? Cô có nhìn thấy cái gì không?
– Thưa ông, không, nhưng khi mở cửa buồng ra, tôi ngạc nhiên nhận thấy có một cây nến đã thắp, đặt trên một bậc cầu thang.
– Cô đã nói là cô có nghe thấy một tiếng cười kì lạ. Thế nó có làm cô nghĩ đến ai không?
Lúc này, một tia sáng lóe lên trong óc tôi.
– Đó là Grace Poole! – Tôi kêu lên.
– Suỵt! – ông nói rất khẽ với tôi. – Cô chớ để lộ điều bí mật này. Tôi không muốn cho nó loang ra. Sau khi nghĩ kĩ, tôi sẽ có những quyết định cần thiết… Ngay từ khi mới gặp cô, tôi đã cảm thấy rồi cô sẽ làm điều tốt cho tôi… Tôi xin cảm ơn cô. Nếu cô không nhanh trí và can đảm, thì chẳng biết bây giờ tôi đã ở đâu?
Sau đó, khi tôi gặp bà Fairfax, bà thật thà nói là bà thấy tôi có vẻ mệt.
– Cô có ốm không? – Bà hỏi tôi. – Trông cô không được khỏe lắm. Cô uống chút trà nhé, uống vào, cô sẽ thấy người dễ chịu ngay.
Tôi nhận lời uống trà, nhưng cam đoan là mình đang rất khỏe.
– Trời đầy mây, – bà bảo tôi, – nhưng nhiệt độ cũng vừa phải. Tôi mừng cho ông Rochester.
Đi chơi vào buổi đẹp trời, thật là dễ chịu.
– ông Rochester đi rồi sao?.- Vâng, ông đi đến lâu đài ông Eshton, cách đây mười dặm. Tôi nghĩ, ở đó, ông sẽ gặp rất nhiều nhân vật có tiếng tăm.
– ông sẽ trở về ngay hôm nay chứ?
– ồ không! ít ra phải một tuần nữa, chúng ta mới lại gặp ông. Mặc dù ông có vẻ bẳn tính, nhưng mọi người đều quý ông – nhất là các quý bà, vốn là những người không hề dửng dưng trước tài sản và dáng dấp thượng võ của ông.
– Thế ở nhà ông Eshton, có đông các bà không?
– Bà Eshton có hai cô con gái đáng yêu và rất đẹp, tiểu thư Blanche và tiểu thư Mary In-gram.
Tôi chỉ mới được nhìn thấy cô Blanche có mỗi một lần… Nhưng tôi biết nói thế nào đây, về nước da và mái tóc của cô ấy, cô có một vẻ đẹp thật mê hồn! Thêm vào đó, cô còn có một giọng hát hay tuyệt vời!
– Nhưng làm sao một cô gái đẹp đến thế, và lại có tài năng như thế, mà vẫn chưa lấy chồng?
– Tôi nghĩ là vì cô không có tài sản, và chỉ điều đó thôi là đủ để các chàng trai rắp ranh dạm hỏi cô, phải lảng tránh.
– Có lẽ cô ấy sẽ hoàn toàn thích hợp với ông Rochester chăng?
– Nhưng, con gái yêu quý ạ, cô đã quên sự chênh lệch lớn về tuổi tác giữa hai người. ông Rochester đã xấp xỉ tứ tuần, mà cô ấy thì chưa đầy hai mươi lăm tuổi!
– Điều đó chẳng có gì quan trọng cả. – Tôi nói với một giọng vững chắc.
– Cô nói cũng có lí. Nhưng ông Rochester lại chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, ông còn bận tâm đến biết bao nhiêu chuyện.
Sau khi bà Fairfax đã đi khỏi, tôi tự hứa với mình là sẽ trở lại làm người biết điều và không cần phải chăm lo cho những việc của chủ mình nữa..
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!