Kẻ Nhắc Tuồng - Chương 12
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
138


Kẻ Nhắc Tuồng


Chương 12


Tuyết rơi dày đặc suốt đêm và bao phủ sự yên ắng lên mọi vật.

Nhiệt độ đã dịu đi. Những cơn gió nhẹ thổi qua phố phường. Trong khi thời tiết biến đổi làm mọi thứ chậm lại như dự kiến thì các thành viên trong nhóm điều tra lại đang sôi sục một khí thế mới.

Rốt cuộc, họ đã có một mục đích. Một cách để sửa chữa dù chỉ là một phần tội ác này. Tìm ra bé gái số sáu, giải cứu cô bé. Và tự cứu chính họ.

– Với hy vọng là cô bé còn sống. – Goran liên tục nhắc lại nhằm giảm bớt phần nào nhiệt tình của những người khác.

Bác sĩ Chang đã bị thanh tra Roche khiển trách vì không đưa ra được kết luận trước. Báo chí vẫn còn chưa được thông tin về vụ bắt cóc của cô bé thứ sáu, nhưng thanh tra Roche vẫn chuẩn bị sẵn một cái cớ cho giới truyền thông, và ông ta cần một kẻ bung xung.

Trong khi chờ đợi, Roche đã triệu tập một nhóm bác sĩ – mỗi người một chuyên môn khác nhau – để trả lời một câu hỏi căn bản duy nhất: Một đứa trẻ có thể sống sót bao lâu trong điều kiện như vậy?

Không có câu trả lời thống nhất cho câu hỏi đó. Những người lạc quan nhất cho rằng, nếu được chăm sóc y tế thích hợp và không bị nhiễm trùng, cô bé có thể cầm cự từ mười đến hai mươi ngày. Những người bi quan thì khẳng định rằng, dù cho tuổi còn nhỏ, nhưng với việc bị mất một cánh tay như thế, khả năng sống còn của em đang càng lúc càng giảm dần, và rất có thể là cô bé đã chết.

Roche không hài lòng chút nào và quyết định dù thế nào vẫn ủng hộ công khai giả thiết Alexander Bermann là nghi phạm số một. Mặc dù tin rằng hắn không có liên quan gì với vụ mất tích của các cô bé, Goran không bác bỏ phiên bản chính thức đó của Roche. Đó không phải là vấn đề sự thật hay không. Thanh tra Roche không thể để bị mất mặt khi đảo ngược những tuyên bố trước đây của mình về Bermann. Điều đó sẽ làm tổn hại hình ảnh của ông và cả sự tin cậy của phương pháp điều tra mà họ sử dụng.

Ngược lại, nhà tội phạm học tin rằng Bermann đã bị “gài” bởi thủ phạm thực sự.

Albert đã quay lại vị trí trung tâm chú ý của cả nhóm.

– Gã biết Bermann bị ấu dâm. – Goran nói khi mọi người tề tựu đông đủ. – Trong một thời gian dài chúng ta đã đánh giá thấp gã.

Một yếu tố mới đã xuất hiện trong chân dung của Albert. Họ đã lần đầu tiên linh cảm điều đó khi Chang mô tả vết thương trên các cánh tay được tìm thấy và dùng từ “phẫu thuật” để diễn tả độ chính xác khi thủ phạm ra tay. Việc sử dụng các loại thuốc làm hạ huyết áp của bé gái số sáu khẳng định khả năng y khoa của gã. Cuối cùng, việc gã có thể đang duy trì mạng sống của cô bé cho phép nghĩ rằng gã nắm rất vững các kỹ thuật hồi sức và những quy trình chăm sóc đặc biệt.

– Có thể gã là bác sĩ, hoặc đã từng là bác sĩ. – Goran suy luận.

– Tôi sẽ tìm kiếm trong danh sách đăng ký hành nghề: có thể gã đã bị tước giấy phép. – Stern nói ngay.

Đó là một khởi đầu hứa hẹn.

– Làm thế nào gã có được các loại thuốc để duy trì sự sống cho cô bé?

– Câu hỏi hay đấy Boris. Chúng ta sẽ kiểm tra các nhà thuốc tư nhân và hiệu thuốc bệnh viện để biết ai đã tìm những loại thuốc đó.

– Có lẽ gã đã trữ thuốc từ nhiều tháng nay. – Rosa nhận xét.

– Nhất là các loại kháng sinh: gã cần chúng để tránh nhiễm khuẩn. Còn gì khác không?

Có vẻ như không còn gì nữa. Lúc này, chỉ cần phát hiện ra cô bé dù còn sống hay đã chết.

Mọi người trong phòng họp quay lại nhìn Mila. Cô là chuyên gia, là người phải tham khảo ý kiến nếu họ muốn đạt được mục đích. Thứ sẽ mang lại ý nghĩa cho công việc của họ.

– Cần phải tìm ra một cách liên lạc với gia đình cô bé.

Mọi người nhìn nhau, cho đến khi Stern lên tiếng hỏi:

– Để làm gì? Lúc này, chúng ta đang có lợi thế trước Albert. Gã chưa biết chúng ta đã biết chuyện.

– Anh tin là một cái đầu có thể nghĩ ra những chuyện này lại không lường trước được những động thái của ta sao?

– Nếu như giả thiết của chúng ta chính xác, gã duy trì sự sống cho cô bé là vì chúng ta.

Giáo sư Gavila chen vào để bảo vệ giả thiết mới của Mila:

– Chính gã mới là người dẫn dắt cuộc chơi, và cô bé gái là phần thưởng cuối cùng. Cô bé sẽ thuộc về kẻ nào khôn ngoan hơn.

– Vậy gã sẽ không giết cô bé sao? – Boris hỏi.

– Gã không phải là người định đoạt tính mạng cô bé. Mà là chúng ta.

Nhận xét vừa rồi thật khó để chấp nhận, nhưng nó là điểm chính yếu trong thử thách này của họ.

– Nếu như chúng ta mất quá nhiều thời gian trong việc tìm kiếm, cô bé sẽ chết. Nếu chúng ta làm gã nổi giận dù là theo cách nào, cô bé sẽ chết. Nếu chúng ta không tôn trọng luật chơi, cô bé cũng sẽ chết.

– Luật chơi à? Luật nào? – Rosa hỏi, cố nén sự lo lắng.

– Các luật lệ mà gã đã dựng lên, và thật không may là chúng ta không biết. Những mưu đồ của gã chỉ bí ẩn đối với chúng ta, chứ rất rõ ràng đối với gã. Trong tình thế đó, bất cứ hành động nào từ phía chúng ta cũng đều có thể bị xem như phạm luật.

Stern gật gù:

– Trong trường hợp này, tiếp xúc trực tiếp với gia đình của cô bé số sáu sẽ gần như là chơi trò chơi của gã.

– Phải. – Mila đáp. – Hiện tại đó là điều gã đang chờ đợi ở chúng ta. Gã đã tính đến nó. Nhưng gã tin rằng chúng ta sẽ thất bại, vì cha mẹ của cô bé quá sợ hãi nên sẽ không dám xuất đầu lộ diện, nếu không thì họ đã làm thế rồi. Gã muốn chứng minh cho chúng ta thấy khả năng thuyết phục của gã mạnh hơn mọi cố gắng của chúng ta. Điều nghịch lý là, gã đang tìm cách để xuất hiện trong mắt họ như là “người hùng” của vụ này. Tựa như gã đang nói với họ rằng: “Tôi là người duy nhất có thể cứu được con gái ông bà, ông bà chỉ có thể tin vào tôi thôi”… Mọi người có tưởng tượng ra khả năng gã sẽ gây một áp lực tâm lý ở mức nào không? Nếu có thể thuyết phục cha mẹ cô bé liên lạc với chúng ta, chúng ta sẽ ghi được một điểm.

– Nhưng ta có nguy cơ chạm vào chỗ nhạy cảm của gã. – Sarah Rosa phản đối, cô có vẻ chưa đồng tình.

– Đó là một nguy cơ mà ta phải chấp nhận. Nhưng tôi không tin rằng gã sẽ làm hại cô bé vì chuyện đó. Có thể gã sẽ trừng trị chúng ta bằng cách rút bớt thời gian của chúng ta. Gã sẽ không giết chết cô bé ngay, trước tiên gã cần phải cho chúng ta xem toàn bộ tác phẩm của mình đã.

Goran nhận thấy sự nhạy bén rất tuyệt vời của Mila trong việc nắm bắt cơ chế điều tra vụ án. Cô có thể vạch ra chính xác phương hướng điều tra. Tuy vậy, dù những người khác cuối cùng cũng đã chịu nghe cô, nhưng sẽ không dễ để họ hoàn toàn chấp nhận cô. Họ đã nhanh chóng coi cô như một kẻ khác biệt, và quan điểm của họ sẽ không thay đổi được trong một sớm một chiều.

Đúng lúc đó, thanh tra Roche cho rằng mình đã nghe đủ và quyết định can thiệp:

– Chúng ta sẽ làm theo đề nghị của cảnh sát Vasquez: nhanh chóng thông báo về sự tồn tại của bé gái thứ sáu, đồng thời công khai kêu gọi gia đình em. Lạy Chúa! Hãy chứng tỏ là chúng ta có gan đi nào! Tôi mệt mỏi phải chạy theo sự kiện lắm rồi. Cứ như thể con quái vật này đang quyết định hết mọi việc vậy.

Một số người tỏ ra bất ngờ trước thái độ mới của ngài chánh thanh tra, chứ Goran thì không. Cho dù không nhận ra, Roche đang dùng chiêu hoán đổi vai trò của kẻ giết người hàng loạt, và cũng hoán đổi luôn trách nhiệm: nếu họ không tìm ra được cô bé, thì có nghĩa là cha mẹ của em không tin vào các điều tra viên và không chịu xuất hiện.

Nhưng cũng phải công nhận rằng trong lời nói của ông có một thực tế: đã đến lúc phải tìm cách đón đầu các sự kiện.

– Mọi người đã nghe mấy tay bác sĩ kia nói rồi chứ gì? Theo họ, cô bé chỉ còn tối đa mười ngày. – Thanh tra Roche lần lượt nhìn từng thành viên trong nhóm rồi tuyên bố bằng một giọng nghiêm túc. – Tôi quyết định: ta mở cửa lại studio.

Vào giờ ăn tối, trong bản tin thời sự, khuôn mặt của một nam diễn viên nổi tiếng xuất hiện trên truyền hình. Mọi người đã chọn ông ta để truyền đạt lời kêu gọi đến cha mẹ của cô bé số sáu. Ông ta có một gương mặt quen thuộc, đồng thời diễn đạt đúng cảm xúc cần có. Đương nhiên ý tưởng là của Roche. Mila thấy nó rất thích hợp: nó sẽ ngăn cản những kẻ quấy rối và bịa chuyện gọi điện đến số điện thoại nóng xuất hiện trên màn hình.

Vào khoảng thời gian các khán giả xem đài khám phá về sự tồn tại của cô bé nạn nhân thứ sáu trong cảm giác lẫn lộn giữa kinh hoàng và hy vọng, nhóm điều tra lục tục kéo vào studio.

Đó là một căn hộ nằm ở tầng bốn của một tòa nhà vô danh gần trụ sở cảnh sát. Trong tòa nhà có nhiều văn phòng phụ của cảnh sát liên bang, đa phần phục vụ cho bộ phận hành chính và kế toán cũng như lưu trữ các hồ sơ giấy tờ quá cũ kỹ, chưa kịp số hóa để đưa vào kho dữ liệu mới.

Trước đây, studio được chương trình bảo vệ nhân chứng sử dụng để tiếp đón những người cần lẩn trốn. Nó được bố trí nằm giữa hai căn hộ chung cư y hệt nhau. Vì lý do này mà nó không có cửa sổ. Máy điều hòa được bật liên tục và lối tiếp cận duy nhất là cửa ra vào. Tường được thiết kế rất dày và trang bị nhiều hệ thống an ninh. Do hiện tại căn hộ không còn được dùng cho mục đích nguyên thủy nữa, nên các thiết bị đã bị gỡ bỏ. Thứ duy nhất còn lại là cánh cửa chống đạn nặng nề.

Goran đã nhắm đến chỗ này khi đội trọng án được thành lập. Roche chẳng mất gì mà không chiều lòng ông giáo sư, vì ông biết căn hộ an toàn đã không được sử dụng từ nhiều năm trước đó. Goran một mực cho rằng họ cần phải tự nhốt mình trong bốn bức tường trong thời gian điều tra. Các ý tưởng sẽ lan truyền dễ dàng hơn và lập tức được chia sẻ cũng như triển khai thêm mà không qua khâu trung gian nào. Việc ở chung bắt buộc của cả nhóm sẽ làm nảy sinh mối đồng cảm, xúc tác cho một bộ não chung duy nhất hoạt động. Giáo sư Gavila đã mượn phương pháp này từ “thuyết kinh tế mới”, nhằm xây dựng một môi trường làm việc, tạo ra những không gian chung và một sự phân chia phận sự ngang nhau, trái với sự phân cấp thường thấy hiện nay trong ngành cảnh sát, gắn liền với cấp hàm và hay dẫn đến tình trạng cạnh tranh lẫn đấu đá. Trong studio, những khác biệt đều bị xóa bỏ, các giải pháp được khai triển, mọi đóng góp của từng cá nhân đều được trưng tập, lắng nghe và xem xét.

Khi Mila vào bên trong căn hộ, cô lập tức có cảm tưởng rằng đây là nơi những tên giết người hàng loạt bị tóm cổ. Điều đó không xảy ra ở ngoài đời thực, mà ở trong bốn bức tường này.

Trung tâm của tất cả những điều này không chỉ là một cuộc săn người đơn giản, mà là nỗ lực để nắm bắt động cơ ẩn phía sau một chuỗi tội ác nghiêm trọng khó lý giải, tầm nhìn méo mó của một tâm hồn bệnh hoạn.

Ngay ở thời điểm băng qua ngưỡng cửa, Mila chợt hiểu một chương mới của cuộc điều tra đã thực sự được mở ra.

Stern xách một cái túi giả da màu nâu được vợ anh chuẩn bị. Anh tránh qua một bên để những người khác bước vào. Boris khoác một chiếc ba lô trên vai. Tiếp sau anh là Rosa, rồi cuối cùng là Mila.

Phía bên kia của cánh cửa gia cố là một dạng như buồng kính chống đạn, có lẽ trước đây được dùng cho các cảnh sát làm nhiệm vụ canh gác, bên trong có các màn hình đã tắt của hệ thống video, vài cái ghế xoay, cùng một giá vũ khí trống không. Một chốt chặn an toàn bằng cổng điện ngăn cách giữa buồng trực gác với phần còn lại của căn hộ. Trước kia, cái cổng được đóng mở bởi nhân viên gác cửa, nhưng hiện tại thì nó mở toang.

Mila nhận thấy một thứ mùi ngột ngạt, ẩm mốc và mùi thuốc lá, cùng với tiếng ì ì liên tục của hệ thống thông gió điều hòa. Sẽ khó ngủ đây. Cô cần phải kiếm hai cái nút tai.

Một hành lang dài chia căn hộ làm đôi. Trên các vách tường gắn những mẩu giấy ghi chú và các tấm ảnh từ một vụ án trước đây.

Khuôn mặt của một thiếu nữ xinh đẹp.

Căn cứ vào ánh mắt trao đổi của những người còn lại, Mila hiểu ra vụ án đã không kết thúc tốt đẹp, và có lẽ họ không quay lại nơi này từ đó.

Không ai nói hay giải thích gì với Mila. Chỉ có Boris buột miệng:

– Khỉ thật, chí ít họ cũng nên gỡ hình cô ta xuống mới phải!

Căn phòng đầu tiên chất đầy những đồ đạc văn phòng cũ được hóa phép thành tủ quần áo và tủ buýpphê. Trong bếp, một chiếc bàn làm việc được sử dụng làm bàn ăn. Tủ lạnh thuộc đời cũ, loại dùng khí CFC gây thủng tầng ozone. Ai đó đã bỏ công xả tuyết và để nó mở toang, nhưng lại không buồn cọ sạch những dấu vết thức ăn Trung Quốc đã hóa đen. Có một phòng sinh hoạt chung được trang bị hai chiếc trường kỷ, một cái ti vi và chỗ cắm máy tính xách tay cùng với các thiết bị đi kèm. Máy pha cà phê nằm ở một góc phòng. Đây đó là những chiếc gạt tàn đen bẩn và rác rến đủ loại, đặc biệt là hộp giấy đựng thức ăn nhanh của một nhãn hiệu quen thuộc. Chỉ có một phòng tắm duy nhất, nhỏ xíu và bốc mùi. Bên cạnh chiếc vòi sen, ai đó đã gắn một cái kệ nhỏ và trên đó nằm chỏng chơ vài lọ xà phòng lỏng, chai nước gội đầu dùng dở, cùng với một gói năm cuộn giấy vệ sinh. Có hai căn phòng đóng kín dùng để thẩm vấn.

Phía cuối căn hộ là phòng ngủ. Ba chiếc giường tầng cùng hai cái giường gấp được kê sát tường. Mỗi giường có kèm một cái ghế để đặt va li hoặc đồ cá nhân. Tất cả mọi người ngủ chung trong phòng này. Mila chờ cho mọi người chọn giường trước, cô nghĩ người nào đã có giường người nấy. Là người đến sau cùng, cô sẽ lấy chiếc giường còn lại. Rốt cuộc, cô chọn một trong hai chiếc giường gấp. Chiếc ở xa giường Rosa nhất.

Boris là người duy nhất chọn một chiếc giường ở tầng trên.

– Stern ngáy đấy. – Anh hạ giọng nói nhỏ bên cạnh Mila.

Giọng điệu khoái chí và nụ cười tự tin kèm theo cho Mila thấy anh chàng không còn giận cô nữa. Tốt thôi, chuyện đó cũng chỉ làm cho việc sống tập thể trở nên dễ thở hơn. Cô từng hai lần chia sẻ không gian sinh hoạt với các bạn đồng nghiệp, nhưng cô luôn cảm thấy khó khăn khi phải chung đụng với họ. Ngay cả với các đồng nghiệp cùng giới. Trong khi tình bạn cùng phòng nhanh chóng nhen nhóm ở những người khác, thì Mila vẫn luôn tách ra, không thể thu hẹp được khoảng cách. Lúc đầu, chuyện này làm cô bực bội, nhưng dần dà cô đã học được cách tự tạo ra cho mình một thứ “bong bóng sinh tồn”, một khoảng không gian mà chỉ có những gì cô cho phép mới được lọt vào, kể cả âm thanh, tiếng ồn, lời bàn tán của những người xung quanh.

Goran đã đặt túi đồ xuống chiếc giường gấp còn lại. Ông đang đợi mọi người trong căn phòng chính. Căn phòng được Boris đặt biệt danh là “phòng suy tưởng”.

Họ yên lặng bước vào phòng và thấy Goron đang đứng quay lưng lại, mải viết lên bảng hàng chữ: “thành thạo kỹ thuật hồi sức và các quy trình chăm sóc đặc biệt: có khả năng là bác sĩ”.

Trên tường có gắn ảnh chụp của năm bé gái, nghĩa địa cánh tay và chiếc xe hơi của Bermann, cũng như bản sao của mọi báo cáo liên quan đến vụ án. Trong một cái thùng cách chỗ đó khá xa, Mila nhận ra khuôn mặt của cô gái xinh đẹp kia: chắc chắn ông giáo sư đã gỡ ảnh của cô khỏi tường để gắn những tấm ảnh mới lên.

Giữa căn phòng có năm chiếc ghế đặt thành vòng tròn.

Phòng suy tưởng.

Goran nhận thấy Mila đang nhìn chỗ đồ đạc ít ỏi ở trong phòng, bèn giải thích:

– Nó giữ cho chúng ta khả năng tập trung. Ta cần phải nghiền ngẫm những gì đã thu thập được. Tôi làm những việc này theo một phương pháp mà tôi cho là tốt, nhưng như tôi luôn nói, nếu có điều gì khiến cho cô không vừa lòng, cô có thể thay đổi. Cứ dịch chuyển thứ gì cô muốn. Trong căn phòng này, chúng ta có toàn quyền làm theo những suy nghĩ vụt qua trong đầu. Mấy cái ghế là một nhượng bộ nhỏ, còn cà phê và vòi sen sẽ là những phần thưởng đặc biệt, chúng ta cần phải xứng đáng với chúng.

– Được thôi, – Mila đáp, – ta phải làm gì đây?

Goran vỗ tay một cái, rồi chỉ lên bảng, chỗ ông vừa khởi sự ghi các đặc điểm của tên sát nhân hàng loạt.

– Ta cần tìm hiểu về con người của Albert. Mỗi lần khám phá được một chi tiết mới về gã, chúng ta sẽ ghi lên đây… Cô có biết lối điều tra theo kiểu thâm nhập vào đầu bọn giết người hàng loạt và cố gắng suy nghĩ như chúng không?

– Có chứ, tất nhiên rồi.

– Thế thì, quên nó đi, vớ vẩn đấy. Nó không hiệu quả đâu. Gã Albert của chúng ta có một cách thức biện giải riêng cho tất cả những điều mà gã đã làm, nó được cấu trúc rất chặt chẽ trong đầu hắn. Đó là một quá trình trải qua nhiều năm kinh nghiệm với các tổn thương hoặc hoang tưởng. Đó là lý do tại sao ta không phải cố gắng tưởng tượng ra điều gã sắp làm, mà cần nỗ lực tìm hiểu xem làm thế nào gã đã thực hiện những việc đó. Hy vọng điều này sẽ giúp chúng ta lần ra gã.

Mila tin rằng loạt manh mối mà tên sát nhân vạch ra đã chấm dứt sau cái chết của Bermann.

– Chúng ta cần phát hiện một xác chết khác.

– Tôi đồng ý với anh, Stern ạ, nhưng hiện tại vẫn còn thiếu một thứ gì đó, anh có thấy không?

– Thứ gì kia chứ? – Boris hỏi. Cũng như những người khác, anh chàng chưa kịp hiểu nhà tội phạm học đang muốn đi đến đâu.

Nhưng giáo sư Goran Gavila không phải là người thích đưa ra những câu trả lời dễ dàng và thẳng thừng. Ông muốn hướng các điều tra viên đến một điểm suy luận nhất định, rồi để cho họ tự bơi.

– Kẻ giết người hàng loạt vận động trong một thế giới đầy các biểu tượng. Hắn đi theo một lộ trình bí hiểm từ nhiều năm trước đó, từ một góc sâu kín trong đầu, và tiếp tục lần theo nó trong hiện tại ở ngoài đời thực. Những bé gái bị bắt cóc chỉ là một phương tiện để hắn đi đến đích.

– Đó là một cuộc tìm kiếm hạnh phúc. – Mila thêm vào.

Goran nhìn cô.

– Chính xác. Albert đi tìm cách giải tỏa cơn khát, một phần thưởng cho không chỉ những điều gã đã làm, mà cả cho chính bản thân con người gã. Gã chỉ làm theo những gì bản năng thúc đẩy. Và trong khi làm như thế, gã cố nói với chúng ta một điều gì đó…

Đó chính là cái còn thiếu. Một dấu hiệu. Một thứ gì đó dẫn họ đi xa hơn là sự khám phá thế giới nội tâm của Albert.

Sarah Rosa lên tiếng:

– Trên thi thể của nạn nhân đầu tiên không có một dấu vết nào.

– Đó là một quan sát đáng chú ý. – Goran công nhận. – Trong tàng thư lưu trữ về những tên sát nhân hàng loạt, tính luôn cả những tác phẩm điện ảnh chuyển thể, người ta ghi nhận rằng bọn giết người hàng loạt có khuynh hướng “vạch ra” lộ trình của mình, để lại cho các nhà điều tra những manh mối để họ bám theo… nhưng Albert thì không.

– Hoặc giả gã có làm nhưng ta chưa nhận ra.

– Có thể là vì chúng ta chưa thể đọc được các dấu hiệu. – Goran thừa nhận. – Có thể chúng ta chưa biết đầy đủ. Chính vì thế, đã đến lúc để tái dựng các giai đoạn…

Có cả thảy năm giai đoạn, tương ứng với cách thức ra tay của bọn giết người hàng loạt. Trong các tài liệu về tội phạm học, sự phân chia này được dùng để đánh dấu quá trình hành động của những kẻ sát nhân hàng loạt tại những thời điểm chính xác, và sau đó cho phép phân tích từng giai đoạn riêng biệt.

Người ta đi từ giả thuyết rằng không ai vừa chào đời đã là kẻ sát nhân hàng loạt, nhưng những đối tượng này tích tụ một cách thụ động các kinh nghiệm và các nhân tố kích thích, giống như một dạng ủ bệnh của bản tính giết người, để rồi sau đó bùng phát thành hành vi bạo lực.

Giai đoạn đầu tiên là “ảo tưởng”.

– Trước khi đi tìm kiếm trong thực tại, mục tiêu nhắm đến của dục vọng đã tồn tại một thời gian dài trong ảo tưởng. – Goran nói. – Ta vẫn biết thế giới nội tâm của một tên sát nhân hàng loạt là sự giao thoa giữa các tác nhân kích thích và các áp lực, khi chúng vượt quá sức chứa của nó thì sự bộc phát thành hành động là không thể tránh khỏi. Đời sống nội tâm, vốn là của trí tưởng tượng, rốt cuộc sẽ thay thế cuộc sống thực tại. Chính vì thế mà kẻ giết người hàng loạt nhào nặn thế giới thực tại chung quanh theo trí tưởng tượng của hắn.

– Vậy ảo tưởng của Albert là gì? – Stern hỏi trong lúc tay đút vào miệng viên kẹo bạc hà thứ không biết bao nhiêu. – Điều gì đã thu hút gã?

– Thách thức. – Mila đáp.

– Có lẽ trong suốt một thời gian dài, gã đã bị hoặc cảm thấy bị đánh giá thấp. Giờ đây, gã muốn chứng tỏ cho chúng ta thấy gã tài giỏi hơn người khác… và hơn chúng ta.

– Nhưng gã đâu chỉ “mơ tưởng” đến chuyện đó, đúng không? – Goran hỏi, không phải để tìm một lời khẳng định, mà bởi ông xem giai đoạn đó như đã kết thúc. – Albert đã đi xa hơn thế, gã đã lên kế hoạch cho mọi hành động, bên cạnh đó đã dự trù phản ứng của chứng ta. Chính gã là người nắm quyền điều khiển. Đó chính là điều gã đang nói với chúng ta: gã tự biết mình quá rõ, nhưng gã cũng rất hiểu chúng ta.

Giai đoạn thứ hai là “tổ chức”, hay “lên kế hoạch”. Óc tưởng tượng đã chín muồi và được chuyển sang hành động, với khởi đầu không thể tránh khỏi là lựa chọn nạn nhân.

– Chúng ta đã biết gã không chọn các cô bé, mà chọn gia đình của các em. Đích nhắm thực sự của gã là các ông bố bà mẹ, những người đã quyết định chỉ sinh một con. Gã muốn trừng phạt sự ích kỷ của họ… Tính biểu tượng của các nạn nhân ở đây không rõ rệt. Các cô bé rất khác nhau và không cùng tuổi, mặc dù sự khác biệt là không lớn. Xét về diện mạo, các nạn nhân không có những đặc điểm chung, chẳng hạn như tóc vàng hay tàn nhang.

– Đó là lý do gã không đụng đến các cô bé. – Boris nói. – Gã không quan tâm đến các em theo lối ấy.

– Vậy tại sao chỉ toàn con gái mà không có con trai? – Mila hỏi.

Không ai trả lời câu hỏi của cô. Goran gật gù, cân nhắc:

– Tôi cũng đã nghĩ đến điều đó. Nhưng vấn đề là chúng ta không biết ảo tưởng của gã có nguồn gốc từ đâu. Thường thì lời giải thích đơn giản hơn là ta tưởng. Nó có thể là do gã đã từng bị sỉ nhục bởi các bạn cùng lớp, ai mà biết được… Sẽ rất quan trọng nếu biết được câu trả lời. Nhưng vẫn chưa có các manh mối khác, nên chúng ta đành phải tự bằng lòng với những cái hiện có.

Mila vẫn còn tin rằng nhà tội phạm học thấy khó chịu trước sự hiện diện của cô. Tuồng như ông tức tối vì không biết hết mọi câu trả lời.

Giai đoạn thứ ba là “gài bẫy”.

– Các nạn nhân bị tiếp cận như thế nào? Albert đã giở mánh khóe gì để bắt cóc các bé gái?

– Debby, bên ngoài cổng trường. Anneke, trong khu rừng nơi cô bé thường dạo chơi bằng xe đạp.

– Gã đã bắt cóc Sabine trên một vòng quay ngựa gỗ, ngay dưới mũi mọi người. – Stern nói.

– Bởi vì trên thực tế mọi người chỉ biết đến con cái mình. – Rosa đáp một cách chua chát. – Bọn họ mặc kệ. Sự thực là thế.

– Nhưng dù sao thì gã đã ra tay ngay trước bàn dân thiên hạ. Gã cực kỳ ranh ma, cái đồ quỷ quái ấy!

Goran ra hiệu cho Stern bình tĩnh lại. Ông không muốn sự tức giận làm anh mờ mắt.

– Hai cô bé đầu tiên đã bị bắt cóc tại những địa điểm cách biệt với nơi các em ở. Nó giống như cuộc tổng diễn tập. Khi đã tự tin hơn, gã ra tay bắt cóc Sabine.

– Gã đã nâng tầm thử thách đối với cô bé.

– Đừng quên là vào thời điểm đó gã chưa bị ai săn lùng. Chỉ sau vụ Sabine, các vụ mất tích mới được xâu chuỗi lại với nhau, và tâm lý sợ hãi nảy sinh…

– Đúng, nhưng đằng nào thì Albert cũng đã bắt cóc Sabine ngay trước mắt bố mẹ của em. Gã đã làm cho cô bé biến mất như một trò ảo thuật. Và tôi không thực sự tin rằng, như lời Rosa nói, những người ở đó không bận tâm… Không, gã cũng đã làm ảo thuật với cả bọn họ nữa.

– Hoan hô Stern, chính điểm này là thứ chúng ta cần điều tra thêm. – Goran nói. – Làm thế nào mà Albert ra tay thành công?

– Tôi hiểu rồi: gã dùng phép tàng hình.

Câu nói đùa của Boris làm mọi người bật cười. Nhưng với Gavila thì trong đó có một phần sự thực.

– Điều đó buộc chúng ta nghĩ rằng gã không khác một người bình thường là mấy, và gã có khả năng ngụy trang rất tốt: gã đã đóng vai một ông bố khi nhấc Sabine xuống khỏi con ngựa gỗ. Tất cả chuyện đó ngốn mất của gã bao lâu nhỉ? Bốn giây chắc?

– Gã lẩn ngay lập tức vào trong đám đông.

– Thế cô bé không kêu khóc, không chống cự sao? – Boris phản đối, tỏ vẻ không tin.

– Anh biết bao nhiêu đứa trẻ nhỏ không khóc lóc mè nheo ở ngoài hội chợ nào? – Mila lưu ý anh chàng.

– Kể cả nếu như cô bé khóc lóc thì đó cũng là một chuyện bình thường đối với những người chứng kiến. – Goran nói, rồi tiếp tục mạch suy luận. – Sau đó đến lượt Melissa…

– Tình trạng báo động đã lan rộng. Cô bé bị cấm ra ngoài, nhưng vẫn muốn trốn đi chơi bowling với bạn bè.

Stern đứng dậy, tiến lại gần tấm ảnh Melissa tươi cười gắn trên tường. Nó được lấy từ cuốn kỷ yếu của trường. Cô bé nhiều tuổi nhất trong các nạn nhân, nhưng vẻ ngoài của em vẫn còn giữ những nét trẻ con, hơn nữa em cũng thuộc loại nhỏ người. Chẳng bao lâu nữa Melissa sẽ bước vào tuổi dậy thì, cơ thể em sẽ bắt đầu có những đường cong và bọn con trai rồi sẽ chú ý đến em. Còn lúc này, dòng chữ chú thích chỉ tiết lộ năng khiếu thể thao và việc em tham gia làm báo tường với tư cách tổng biên tập. Ước mơ của Melissa là trở thành nhà báo, nhưng nó sẽ không bao giờ thành hiện thực.

– Albert đã phục sẵn. Cái đồ con hoang ấy…

Mila nhìn Stern. Anh có vẻ bị sốc với chính phát ngôn của mình.

– Caroline, thì ngược lại, gã đã bắt cóc cô bé ngay tại giường.

– Mọi thứ đều đã được tính toán…

Goran tiến đến chỗ tấm bảng, cầm lấy một cây bút rồi nhanh chóng viết ra một vài chi tiết.

– Hai nạn nhân đầu tiên, gã chỉ đơn giản là làm cho biến mất. Gã càng gặp thuận lợi khi mỗi ngày có hàng chục trẻ em bỏ nhà đi vì bị điểm xấu hoặc cãi cọ với bố mẹ. Vậy nên không ai xâu chuỗi hai vụ mất tích lại với nhau… Vụ thứ ba chắc hẳn phải nhuốm màu bắt cóc, vì báo động đã được lan truyền… Trong vụ thứ tư, gã đã biết thừa Melissa sẽ không thể cưỡng lại ham muốn được đi ăn mừng sinh nhật với đám bạn gái… Và cuối cùng, đối với nạn nhân thứ năm, gã đã nghiên cứu kỹ lưỡng nơi ăn ở và nếp sinh hoạt của gia đình, để có thể đột nhập vào nhà cô bé một cách êm thấm… Từ đó chúng ta rút ra được gì?

– Mưu đồ của gã được chuẩn bị rất kỹ. Không chỉ nhắm vào các nạn nhân, mà còn nhắm cả vào những người bảo hộ: các bậc phụ huynh, các nhân viên công lực. – Mila nói. – Đâu cần phải dàn dựng này nọ để chiếm được sự tin tưởng của các cô bé gái, chỉ cần gã giở vũ lực bắt cóc, thế là xong.

Tuy nhiên Mila lại nhớ đến trường hợp của Ted Bundy, kẻ giả vờ bị bó bột để tỏ ra yếu đuối, qua đó chinh phục được niềm tin của các nữ sinh viên. Gã nhờ họ bưng giúp mấy món đồ nặng và thuyết phục họ leo vào trong chiếc xe con bọ của mình. Khi các cô gái nhận ra cửa xe bên phía mình không có tay nắm thì đã quá muộn…

Lúc Goran viết xong, ông tuyên bố chuyển sang giai đoạn thứ tư. Giai đoạn “sát hại”.

– Kẻ giết người hàng loạt lặp đi lặp lại một “nghi thức” giết chóc. Với thời gian, hắn có thể lên tay, nhưng nhìn chung là không thay đổi. Đó là nhãn hiệu của hắn. Mỗi một nghi thức lại đi kèm theo một biểu tượng riêng biệt.

– Tính đến nay, chúng ta đã có sáu cánh tay nhưng chỉ một cái xác. Gã giết nạn nhân bằng cách chặt gọn cánh tay, ngoại trừ cô bé số sáu, như chúng ta đã biết. – Sarah Rosa bổ sung.

Boris cầm lấy tập báo cáo của giáo sư tội phạm học và đọc to:

– Chang khẳng định gã giết các nạn nhân ngay sau khi bắt cóc chúng.

– Sao phải vội như thế? – Stern hỏi.

– Bởi vì gã không quan tâm đến các cô bé gái, nên không việc gì phải giữ gìn mạng sống cho các em.

– Gã không xem các cô bé đó như con người. – Mila xen vào. – Đối với Albert, các em chỉ là những món đồ.

Kể cả số sáu. Tất cả cùng nghĩ đến điều đó, nhưng không ai có đủ dũng khí để nói ra. Rõ ràng Albert phớt lờ việc cô bé có phải chịu đựng đau đớn hay không. Gã sẽ giữ cho cô bé còn sống trong thời gian gã đi tìm mục tiêu của mình.

Giai đoạn cuối cùng là “trưng bày dấu tích”.

– Đầu tiên là nghĩa địa cánh tay, sau đó Albert nhét một cái xác vào trong cốp xe của một tên ấu dâm. Liệu đó có phải là một lời nhắn gửi không nhỉ?

Goran đưa mắt nhìn mọi người dò hỏi.

– Gã muốn nói rằng gã không giống như Alexander Bermann. – Sarah Rosa nói. – Thậm chí có thể gã đang nhắn nhủ chúng ta rằng gã từng là nạn nhân bị bạo hành hồi còn nhỏ. Như thể gã muốn nói rằng: “Đấy, tao là như thế này bởi vì có kẻ đã muốn biến tao thành con quỷ!”

Stern lắc đầu.

– Gã muốn thách thức chúng ta, làm trò với chúng ta. Nhưng trang nhất của các báo hôm nay chỉ nói về Bermann. Tôi không tin gã muốn chia sẻ niềm vinh dự đó với một người nào hết. Gã không lựa chọn một tên ấu dâm vì mục đích trả thù. Chắc hẳn phải có lý do nào khác…

– Còn một chuyện mà tôi thấy kỳ cục nữa… – Giáo sư Goran nói, trong đầu ông hiện lên hình ảnh của buổi khám nghiệm tử thi. – Gã đã tắm gội và sửa soạn tươm tất cho thi thể của Debby Gordon, mặc lại váy áo cho cô bé.

Gã làm đẹp cho Debby vì Bermann, Mila thầm nghĩ.

– Ta không biết liệu gã có làm như thế với các nạn nhân khác, hay biến thao tác đó thành nghi thức của gã hay không. Nhưng nó rất lạ…

Cái lạ lùng mà giáo sư Gavila muốn nói, và Mila cũng hiểu dù không phải chuyên gia, là bọn giết người hàng loạt thường giữ lại một thứ gì đó của các nạn nhân. Một tấm bùa hộ mạng hay một món đồ kỷ niệm, để ôn lại kinh nghiệm giết chóc của mình.

Sở hữu một món đồ đối với chúng cũng tương đương với việc sở hữu con người đó.

– Gã không lấy đi thứ gì từ Debby Gordon hết.

Khi Goran nói ra câu vừa rồi, Mila lập tức nghĩ ngay đến chiếc chìa khóa mà Debby đeo ở cổ tay, vốn dùng để mở chiếc hộp thiếc là nơi mà cô tin cô bé đã dùng để cất giấu quyển nhật ký.

– Thằng khốn nạn! – Cô buột miệng. Một lần nữa cô lại trở thành trung tâm chú ý.

– Cô vui lòng giải thích xem nào, nếu không thì…

Mila ngước mắt nhìn Goran.

– Lúc tôi vào phòng của Debby ở trường nội trú, tôi đã tìm thấy một cái hộp thiếc được giấu dưới tấm nệm. Tôi đã tưởng cô bé cất nhật ký trong đó, nhưng không.

– Thì sao? – Rosa ngao ngán hỏi.

– Cái hộp bị khóa bởi một ổ khóa nhỏ. Chìa khóa đeo ở cổ tay của Debby, nên lúc đó tôi nghĩ, nếu chỉ có cô bé mở được cái hộp, thì không tồn tại cuốn nhật ký nào cả… Nhưng hóa ra tôi nhầm. Chắc chắn đã có một cuốn nhật ký trong đó!

Boris bật dậy.

– Gã đã ở đó! Thằng khốn nạn đã vào phòng của cô bé.

– Nhưng việc gì gã phải liều mạng như thế? – Sarah Rosa phản đối, rõ ràng không muốn nghe theo lời Mila.

– Bởi vì gã luôn ưa thích liều mạng. Nó kích thích gã. – Goran nói.

– Nhưng còn một lý do khác nữa. – Mila nói thêm, càng lúc cô càng cảm thấy vững tin vào lập luận của mình. – Tôi nhận thấy vài tấm ảnh đã biến mất khỏi bức tường, có lẽ là những tấm chụp Debby và nạn nhân số sáu. Gã muốn bằng mọi giá ngăn cản chúng ta phát hiện ra danh tính của cô bé.

– Cũng vì vậy gã đã lấy đi cuốn sổ nhật ký của Debby… trước khi khóa cái hộp lại… Tại sao?

Stern không tài nào hiểu nổi. Nhưng Boris thì lại thấy rất rõ ràng.

– Anh không hiểu à? Cuốn nhật ký đã biến mất trong khi cái hộp vẫn được khóa, chìa khóa thì đeo ở cổ tay của Debby… Như vậy gã muốn tuyên bố với chúng ta rằng chính gã là người đã lấy nó đi.

– Nhưng tại sao gã muốn cho chúng ta biết?

– Bởi gã đã để lại thứ gì đó… cho chúng ta ở đó!

“Dấu hiệu” mà họ đang tìm kiếm.

Một lần nữa, Phòng suy tưởng đã phát huy hiệu quả và chứng tỏ cho Goran thấy tính đúng đắn của phương pháp suy luận tập thể. Ông quay sang phía Mila nói:

– Cô là người đã đến đó, cô đã thấy trong phòng có những gì…

Mila cố gắng nhớ lại, nhưng không tìm được thứ gì nổi bật.

– Nhưng chắc chắn nó phải có một dấu hiệu nào đó! – Goran thúc ép. – Chúng ta đang đi đúng đường đấy.

– Tôi đã lục tung mọi góc phòng, nhưng không còn thứ gì khác khiến tôi phải chú ý nữa.

– Nó phải là một thứ gì đó rất hiển nhiên, cô không thể nào để tuột mất nó được!

Nhưng Mila không nhớ thêm được gì, nên Stern đề nghị mọi người quay lại trường để kiểm tra kỹ hơn. Boris gọi điện thoại thông báo chuyến viếng thăm của nhóm điều tra, trong khi Sarah Rosa yêu cầu Krepp đến đó gặp họ càng sớm càng tốt để lấy dấu vân tay.

Lúc đó, Mila bỗng nhận ra một điều.

– Vô ích thôi. – Cô nói, sự tự tin đã quay lại với cô. – Dù là gì thì nó cũng không còn nằm trong căn phòng đó nữa.

Khi họ đến trường nội trú, các bạn học của Debby đã được gọi vào một gian phòng thường được dùng làm nơi hội họp và phát bằng. Các bức tường được ốp gỗ gụ. Trên tường treo các bức chân dung của các thầy cô đã đóng góp cho tiếng tăm của ngôi trường trong quá khứ. Những gương mặt nghiêm nghị với nét mặt bất biến đang quan sát tất cả từ những khung ảnh ở trên cao.

Mila là người lên tiếng đầu tiên. Cô cố gắng tỏ ra thật dễ chịu, vì các bé gái đang rất sợ sệt. Bà hiệu trưởng trường đã cam đoan sẽ không trừng phạt ai hết, nhưng qua vẻ sợ hãi hiện trên gương mặt của bọn trẻ, rõ ràng là chúng chẳng mấy tin tưởng vào lời hứa đó.

– Chúng tôi biết một số em đã vào phòng của Debby sau khi bạn ấy qua đời. Tôi tin là hành động ấy được thôi thúc bởi mong muốn có được một vật gì đó để tưởng nhớ người bạn gái đã ra đi mãi mãi.

Trong khi nói, Mila quan sát ánh mắt của cô bé mà cô đã bắt quả tang lấy đồ trong phòng tắm của Debby. Nếu không có vụ việc đó, chắc cuộc điều tra của cô đã lâm vào ngõ cụt.

Sarah Rosa quan sát Mila từ trong một góc phòng, chắc mẩm việc cô đang làm sẽ chẳng thu được kết quả gì. Ngược lại, Boris và Stern tỏ ra rất tin tưởng. Còn Goran thì chỉ chờ đợi.

– Lẽ ra tôi không nên yêu cầu các em làm chuyện này, nhưng tôi biết trong thâm tâm các em rất quý mến Debby. Do vậy tôi cần các em mang tất cả những món đồ đó ra đây, ngay bây giờ.

Mila thử tỏ ra cứng rắn.

– Tôi mong các em không bỏ sót thứ gì, ngay cả những món đồ tầm thường nhất cũng có thể rất hữu ích. Chúng tôi tin rằng một manh mối rất quan trọng đã bị để lọt trong quá trình điều tra. Tôi tin rằng tất cả các em đều mong muốn kẻ sát hại Debby bị trừng trị. Và vì tôi biết sẽ không em nào bị kết tội che giấu bằng chứng, tôi tin rằng các em sẽ làm tốt việc được yêu cầu.

Lời đe dọa sau cùng, tuy chỉ là dọa suông vì các cô bé chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, cũng góp phần nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của hành động mà chúng đã làm. Đồng thời nó cũng là một sự phục thù nho nhỏ cho Debby, người khi còn sống thì bị xem thường, đến lúc chết đi lại trở thành mục tiêu của sự chú ý và trộm cắp.

Mila dừng lại một chút để dành thời gian suy nghĩ cho các cô bé. Sự im lặng là vũ khí thuyết phục hiệu quả nhất, và cô biết mỗi giây trôi qua lại càng thêm nặng nề đối với bọn trẻ. Cô để ý thấy một số đang trao đổi ánh mắt với nhau. Chẳng có đứa nào muốn đi trước, đó là điều bình thường. Sau đó, có hai cô bé cùng bước ra khỏi hàng một lượt. Năm đứa nữa đi theo. Những đứa còn lại ngồi yên.

Mila đợi thêm một phút, trong lúc mắt vẫn dò xét gương mặt của những đứa ngồi lại xem có con kên kên nào quyết định không bay theo đàn, nhưng không thấy gì. Cô đành hy vọng chỉ bảy đứa kia phạm tội.

– Thôi được, các em còn lại có thể đi.

Bọn trẻ chẳng đợi nhắc thêm và mau chóng rời phòng. Mila quay lại nhìn các đồng nghiệp và chạm phải ánh mắt dửng dưng của giáo sư Goran. Bỗng một hành động của ông khiến cô bất ngờ: ông nháy mắt với cô. Cô suýt cười, nhưng cố kìm lại, vì mọi người đang nhất loạt nhìn cô.

Sau khoảng mười lăm phút, bảy nữ sinh quay lại phòng cùng với các món đồ. Chúng được đặt lên chiếc bàn dài, nơi các thầy cô giáo thường ngồi trong các buổi lễ. Bọn trẻ đứng đợi Mila và các điều tra viên đến xem xét từng món.

Đa số là quần áo và phụ kiện, các món đồ chơi của các bé gái như là búp bê hay thú nhồi bông. Một máy nghe nhạc mp3 màu hồng, một cặp kính râm, mấy lọ nước hoa, muối tắm, một cái bóp cầm tay hình con bọ rùa, chiếc khăn quàng màu đỏ của Debby, và một bộ trò chơi điện tử…

– Cái này không phải do cháu làm hỏng đâu ạ…

Mila ngước mắt nhìn cô bé mũm mĩm vừa lên tiếng. Nó là đứa nhỏ tuổi nhất, cùng lắm là tám tuổi. Nó có một bím tóc dài vàng óng và đôi mắt xanh ngân ngấn nước. Nữ cảnh sát mỉm cười trấn an cô bé trước khi nhìn món đồ kỹ hơn. Sau đó cô đưa nó cho Boris.

– Đây là cái gì vậy?

Anh chàng lật lật món đồ, xem xét.

– Trông như một máy chơi điện tử.

Anh bật cái máy lên.

Một đốm sáng đỏ nhấp nháy xuất hiện trên màn hình, đều đặn phát ra những âm thanh ngắn.

– Nó hỏng rồi ạ. Cái chấm đỏ không chịu chạy. – Con bé vội vàng giải thích.

Mila nhận thấy mặt Boris bỗng tái hẳn đi.

– Tôi biết nó là cái gì rồi… Khỉ thật!

Nghe thấy tiếng chửi thề, con bé mở to mắt, không dám tin có người lại dám rủa xả trong một nơi nghiêm trang như thế.

Nhưng Boris chẳng buồn để ý đến con bé. Sự chú ý của anh đang dồn vào món đồ trên tay.

– Đây là một thiết bị bắt sóng định vị toàn cầu. Ở đâu đó có người đang gửi tín hiệu cho chúng ta.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN