Kẻ Nhắc Tuồng - Chương 30
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
137


Kẻ Nhắc Tuồng


Chương 30


Thoạt nhìn, Nicla Papakidis có vẻ là một phụ nữ yếu đuối.

Có lẽ do bà thấp người và có cái hông quá khổ. Cũng có thể là do đôi mắt toát lên một sự hài hước buồn bã và khiến người ta nghĩ đến một bài hát trong vở nhạc kịch của Fred Astaire, một tấm ảnh chụp trong buổi dạ vũ mừng năm mới thời trước hoặc vào ngày cuối cùng của mùa hè.

Trên thực tế, bà là một phụ nữ mạnh mẽ.

Bà đã tạo dựng sức mạnh cho mình từng chút một, sau những năm tháng ít nhiều sống trong nghịch cảnh. Bà sinh ra ở một ngôi làng nhỏ, là chị cả và cũng là đứa con gái duy nhất trong một gia đình có bảy người con. Năm lên mười một tuổi, bà mồ côi mẹ. Bà đã phải trông nom gia đình, chăm sóc bố và nuôi dạy các cậu em trai. Nhờ bà, họ đã đỗ đạt thành tài và tìm được việc làm tốt. Nhờ tiền bạc có được từ sự hy sinh vô bờ của bà và việc thắt chặt chi tiêu trong gia đình, các em trai của bà chưa bao giờ bị thiếu thốn thứ gì. Bà đã chứng kiến các em cưới những cô gái nhà lành, xây dựng gia đình và cho ra đời hơn hai chục đứa cháu cả trai lẫn gái, niềm vui và tự hào của bà. Khi người em trai út rời khỏi mái nhà chung, bà đã ở lại để chăm sóc cho người cha già yếu, từ chối đứa ông vào viện dưỡng lão. Bà luôn nói: “Đừng có lo cho tôi. Các cậu có gia đình của các cậu, còn tôi chỉ có một mình. Đây chẳng phải là hy sinh gì đâu”.

Bà đã chăm sóc cha như một đứa trẻ cho đến khi ông được chín chục tuổi. Lúc ông mất, bà tập hợp các cậu em lại.

“Tôi đã bốn mươi bảy, tôi nghĩ từ giờ mình hết lập gia đình được rồi. Tôi không có con cái, nhưng tôi sẽ luôn xem đàn cháu như chính con ruột mình và thế là đủ. Tôi cám ơn các cậu đã mời tôi về ở cùng, nhưng ý tôi đã quyết từ cách đây nhiều năm, dù hôm nay tôi mới cho các cậu biết. Chúng ta sẽ không gặp nhau nữa, các cậu em trai yêu quý của tôi ạ… Tôi đã quyết định dành cuộc đời mình cho Chúa, và từ ngày mai tôi sẽ náu mình trong nhà tu kín cho đến khi từ giã cõi đời”.

– Hóa ra là một bà tu sĩ! – Boris vừa nói vừa lái xe, sau khi đã nghe Mila kể lại câu chuyện.

– Bà ấy còn hơn thế nhiều.

– Tôi vẫn chưa thể tin là cô đã thuyết phục thành công giáo sư Gavila. Lại càng không tin là ông ấy thuyết phục được Roche.

– Đây chỉ là một phép thử, chúng ta có mất gì đâu? Hơn nữa, tôi nghĩ ta có thể tin tưởng ở Nicla trong việc giữ kín chuyện này.

– À, việc đó thì hẳn rồi!

Trên ghế sau xe có đặt một chiếc hộp thắt dây ruy băng đỏ.

– Sôcôla là điểm yếu duy nhất của Nicla. – Mila đã nói thế khi cô yêu cầu Boris dừng xe trước một hiệu bánh.

– Nhưng bà ấy theo dòng tu kín, tức là không thể đi cùng chúng ta.

– Thật ra thì chuyện phức tạp hơn thế…

– Nghĩa là sao?

– Nicla đã sống vài năm trong tu viện. Nhưng khi họ phát hiện ra điều bà đã làm, họ đã trả bà về với thế giới bên ngoài.

Họ đến nơi sau mười hai giờ trưa một chút. Khu vực này của thành phố khá lộn xộn. Tiếng ồn ào của dòng xe cộ trộn lẫn với tiếng nhạc xập xình, tiếng la hét cãi vã phát ra từ các căn hộ, cũng như từ những hoạt động hợp pháp lẫn phi pháp đang diễn ra trên đường phố. Những người sống ở đây không bao giờ thoát được chúng. Trung tâm thành phố, nơi chỉ cách đó có vài trạm xe điện, với những nhà hàng sang trọng, các cửa hiệu và những tiệm trà, đối với họ cũng xa vời như sao Hỏa.

Thiết bị định vị toàn cầu trên xe đã ngừng cung cấp thông tin từ khi họ rời khỏi xa lộ. Những chỉ dẫn duy nhất là các hình vẽ trên tường đánh dấu ranh giới địa bàn của các băng nhóm.

Boris lái xe vào một phố ngang kết thúc trong ngõ cụt. Anh đã quan sát một chiếc xe hơi bám đuôi họ được vài phút. Một chiếc xe với hai cảnh sát ngồi trong không thể không bị chú ý bởi những tên cảnh giới vốn luôn nghe ngóng động tĩnh mọi ngóc ngách trong khu vực.

– Lái chậm thôi, và để cho chúng thấy hai bàn tay của anh. – Mila đã nói với Boris như thế. Cô từng đến chỗ này khá nhiều lần.

Tòa nhà hai người định đến nằm ở cuối con phố nhỏ. Họ đậu xe ở giữa những cái xác xe cháy. Cả hai bước xuống xe Boris nhìn chung quanh. Anh chuẩn bị bấm điều khiển để chốt cửa xe, nhưng Mila đã ngăn anh lại.

– Đừng làm thế. Cứ để chìa khóa trong xe. Chúng có thể phá cửa chỉ vì “ngứa mắt”.

– Nhưng ai sẽ ngăn chúng trộm xe bỏ chạy?

Mila đi sang bên phía ghế lái, lục lọi trong túi và lôi ra một tràng hạt nhỏ bằng nhựa màu đỏ. Cô treo nó vào gương chiếu hậu.

– Ở đây nó là bùa chống trộm hiệu quả nhất đấy.

Boris lúng túng nhìn Mila, sau đó đi theo cô về phía tòa nhà.

Tấm bảng bằng bìa treo ngay cửa có đề: “Xếp hàng nhận thức ăn bắt đầu từ mười một giờ”. Và vì không phải người nào trong số các đối tượng của hàng chữ đó cũng biết đọc, nên người ta đã vẽ ở bên cạnh hình kim đồng hồ bên trên một đĩa thức ăn bốc khói.

Không khí thoang thoảng thứ mùi của thức ăn hòa lẫn với chất tẩy trùng. Tại cửa vào, vài chiếc ghế nhựa cọc cạch được bày quanh một cái bàn nhỏ trên có để mấy tờ báo cũ. Trên bàn cũng có mấy tờ rơi in thông tin của nhiều chủ đề khác nhau, từ phòng ngừa sâu răng trẻ em cho đến các biện pháp phòng tránh một số loại bệnh hoa liễu. Tất cả là nhằm biến chỗ này thành một phòng đợi. Trên tường, thông báo và yết thị được gắn kín mít trên tấm bảng thông tin. Có thể nghe thấy nhiều tiếng người nói vọng qua căn phòng, nhưng không thể biết chúng đến từ đâu. Mila kéo tay áo Boris.

– Ta đi nào, bà ấy ở tầng trên.

Hai người bước lên cầu thang. Các bậc thang đều đã hư hỏng và lan can lung lay một cách đáng sợ.

– Nhưng ta đang ở nơi quái quỷ gì thế này?

Boris tránh không đụng chạm vào bất cứ thứ gì vì sợ nhiễm khuẩn. Anh càu nhàu liên tục cho đến khi họ lên đến tầng trên. Trước một cánh cửa kính, một cô gái tuổi tầm đôi mươi rất xinh xắn đang đưa một lọ thuốc cho một ông già quần áo tả tơi, người chua khẳm và nồng mùi rượu.

– Phải uống một viên mỗi ngày, bác nhé?

Cô gái không có vẻ khó chịu vì mùi hôi hám của ông già. Cô nói với giọng rõ ràng, từ tốn, rành mạch từng chữ như nói với trẻ con. Ông già gật gù nhưng xem vẻ không thật thuyết phục.

– Việc này rất quan trọng. – Cô gái trẻ nhấn mạnh. – Bác không được quên đâu đấy. Nếu không, sẽ lại giống như lần trước, khi người ta đưa bác đến đây trong tình trạng dở sống dở chết.

Cô gái rút một chiếc khăn tay từ trong túi ra và buộc quanh cổ tay ông già.

– Phải thế này, bác mới không quên.

Ông già mỉm cười, vẻ hài lòng, rồi cầm lấy cái lọ và đi về, vừa đi vừa ngắm nghía món quà nơi cổ tay mình.

– Anh chị cần gì thế ạ? – Cô gái hỏi hai người.

– Bọn chị tìm bà Nicla Papakidis. – Mila đáp.

Boris đần mặt nhìn cô gái trẻ, đột nhiên những nỗi bực bội của anh bay đi đâu mất.

– Em nghĩ bà đang ở trong căn phòng áp cuối, dưới kia. – Cô vừa nói vừa chỉ hành lang sau lưng mình.

Khi họ đi ngang qua cô gái trẻ, Boris cụp mắt xuống nhòm ngực cô, và vấp ngay phải cây thánh giá mạ vàng đeo trên cổ cô.

– Nhưng cô ấy là…

– Phải. – Mila đáp ngay, cố nhịn cười.

– Tiếc thật.

Trong khi đi xuôi hành lang, họ nhìn qua các căn phòng. Những chiếc giường sắt, giường gấp, hoặc chỉ là xe lăn, tất cả đều đã được sử dụng bởi những kẻ dạt nhà, không phân biệt già trẻ. Họ bị mắc bệnh AIDS, nghiện ma túy hay nghiện rượu, mắc bệnh gan ở giai đoạn cuối, hoặc chỉ đơn giản là bệnh già. Họ có hai điểm chung: ánh mắt mệt mỏi và cảm giác đã sống một cuộc đời vứt đi. Không bệnh viện nào tiếp nhận họ trong tình trạng như thế. Họ không có gia đình hoặc đã bị đẩy ra khỏi nhà.

Ở đây, người ta đến để chết. Đó là điểm đặc biệt của nó. Nicla Papakidis gọi nó là “cảng trung chuyển”.

– Ngày hôm nay đẹp thật, Nora ạ.

Bà tu sĩ ân cần chải mái tóc dài bạc trắng của một bà già nằm trên chiếc giường đối diện cửa sổ, vừa chải vừa nói những lời dịu dàng.

– Sáng nay, lúc đi ngang qua công viên, tôi đã để bánh mì lại cho lũ chim. Với tình hình tuyết thế này, chúng sẽ dành thời gian ở trong tổ để ủ ấm cho nhau.

Mila gõ cánh cửa đang mở. Bà Nicla quay lại, mắt sáng lên khi nhìn thấy cô.

– Cháu tôi! – Bà vừa nói vừa đến ôm hôn cô. – Thật vui vì được gặp lại cháu!

Bà mặc một chiếc áo thun màu xanh xám xắn tay quá khuỷu vì lúc nào bà cũng cảm thấy nóng, cộng thêm một chiếc váy đen quá đầu gối, chân xỏ đôi giày thể thao. Làn da rất trắng làm đôi mắt xanh thẳm của bà nổi bật hẳn lên. Tất cả toát lên sự tinh khiết và sạch sẽ. Boris nhận thấy bà quàng một tràng hạt đỏ trên cổ, giống như cái mà Mila đã buộc vào gương chiếu hậu.

– Cháu xin giới thiệu Boris, đồng nghiệp của cháu.

Boris hơi rụt rè tiến lên.

– Rất hân hạnh.

– Cậu vừa mới gặp xơ Mary, đúng không? – Bà Nicla vừa bắt tay anh vừa hỏi.

– Dạ… phải. – Boris đỏ mặt đáp.

– Cậu đừng lo, con bé gây thiện cảm với rất nhiều người… Tại sao cháu đến đây, đến cái cảng trung chuyển này, hử Mila? – Bà hỏi cô.

– Chắc là bà đã nghe đến vụ các bé gái mất tích? – Mila hỏi nghiêm túc.

– Bọn ta cầu nguyện cho chúng mỗi tối. Nhưng họ không cho biết gì nhiều trên bản tin.

– Cháu cũng thế, cháu không thể tiết lộ gì nhiều.

Bà Nicla nhìn thẳng vào mắt Mila.

– Cháu đến vì cô bé số sáu, có phải không?

– Bà có thể nói gì về cô bé ấy không?

Bà Nicla thở dài.

– Bà đã thử tìm cách bắt liên lạc, nhưng không dễ. Bà không còn như hồi trước nữa. Khả năng của bà đã yếu đi nhiều. Lẽ ra bà có thể vui mừng vì chuyện đó, vì nếu bà mất nó hoàn toàn thì người ta đã cho phép bà quay về tu viện, với các xơ dễ mến ở đó.

Nicla Papakidis không thích bị người ta gọi là bà đồng. Bà bảo đó không phải là chữ thích hợp để định nghĩa một “ân huệ của Chúa”. Bà không cảm thấy mình đặc biệt. Năng lực của bà mới là thứ đặc biệt. Bà chỉ là người trung gian được Chúa chọn để đón nhận ân huệ và ban phước lành.

Trong suốt chuyến đi, ngoài những chủ đề khác, Mila đã kể cho Boris nghe làm thế nào bà Nicla đã phát hiện ra mình sở hữu những năng lực cảm nhận hơn người.

“Năm lên sáu tuổi, bà ấy đã nổi tiếng trong làng vì có thể tìm thấy những món đồ bị mất: nhẫn, chìa khóa, những bản di chúc bị giấu quá kỹ bởi người quá cố… Một tối nọ, cảnh sát trưởng của địa phương đã đến gặp bà. Một đứa bé năm tuổi đã bị lạc, mẹ nó rất tuyệt vọng. Người ta đưa bà ấy đến nhà bà mẹ, người van xin bà tìm hộ con trai mình. Bà Nicla nhìn người mẹ một hồi, rồi nói: ‘Người đàn bà này nói láo. Bà ta đã chôn con trai mình trong vườn rau sau nhà’. Và quả thực, họ đã tìm thấy thằng bé ở đó”.

Boris đã rất kinh ngạc vì câu chuyện được nghe. Đến mức anh ngồi hơi cách xa một chút, để mình Mila nói chuyện với bà tu sĩ.

– Điều cháu định nhờ bà hơi khác thường một chút. – Cô nói. – Cháu cần bà đi cùng chúng cháu và bắt liên lạc với một người đàn ông sắp chết.

Mila đã nhờ cậy đến năng lực của bà Nicla nhiều lần trước đây. Thỉnh thoảng việc đó giúp cô giải quyết công việc của mình.

– Cháu à, bà không đi đâu được, cháu biết mà. Họ cần bà ở đây.

– Cháu biết, nhưng cháu vẫn rất muốn nhờ bà. Đó là hy vọng duy nhất giúp chúng cháu tìm lại cô bé số sáu.

– Bà đã nói rồi, bà không còn chắc chắn là “ân huệ” của mình còn hoạt động hay không nữa.

– Nhưng cháu thì lại nghĩ đến bà vì một lý do khác nữa… Một khoản tiền thưởng lớn đã được hứa trao cho người cung cấp các thông tin hữu ích nhằm tìm ra cô bé.

– Ồ, bà biết chuyện đó. Nhưng bà biết làm gì với mười triệu đây?

Mila đảo mắt nhìn quanh, ám chỉ dùng tiền thưởng vào việc tu sửa chỗ này là lẽ đương nhiên.

– Bà tin cháu đi. Khi bà đã tường tận vụ này, bà sẽ nhận ra đó là cách sử dụng món tiền thưởng tốt nhất có thể… Vậy, bà định thế nào ạ?

– Đáng lẽ Vera đến đây gặp tôi hôm nay.

Người vừa lên tiếng là bà già đang nằm trên giường. Cho đến lúc đó, bà ta vẫn nằm bất động và im lặng, mắt nhìn đăm đăm ra cửa sổ. Bà Nicla tiến đến gần bà già.

– Phải rồi, Nora, Vera sẽ đến muộn.

– Con bé đã hứa.

– Phải, tôi biết. Nó đã hứa và nó sẽ giữ lời, rồi bà sẽ thấy.

– Nhưng thằng bé kia đang ngồi trên ghế của nó. – Bà già vừa nói vừa chỉ vào Boris, khiến anh dợm đứng lên.

Bà Nicla ngăn anh lại.

– Cậu cứ ngồi. Vera là người em song sinh của bà ấy. Vera chết cách đây bảy chục năm, hồi cả hai còn bé. – Bà hạ giọng giải thích.

Trông thấy mặt Boris tái đi, bà Nicla bật cười.

– Không, tôi không có khả năng trò chuyện với người chết đâu! Nhưng Nora thì lại thích nói là em gái mình sắp đến thăm.

Boris đã để cho câu chuyện Mila kể dẫn mình đi quá xa. Anh thấy mình thật ngốc.

– Vậy, bà đi cùng bọn cháu chứ ạ? – Mila nằn nì. – Cháu hứa là sẽ có người đưa bà quay về đây trước tối nay.

Nicla Papakidis suy nghĩ thêm một lúc.

– Cháu có đem gì đến cho ta không đấy?

Mila mỉm cười.

– Sôcôla cháu để dưới xe. Chúng đang đợi bà đấy.

Bà Nicla gật gù, vẻ hài lòng, rồi nghiêm túc trở lại.

– Ta sẽ không ưa những gì sắp biết được về người đàn ông đó, đúng không?

– Thật tình cháu không nghĩ thế.

Bà Nicla sờ tràng hạt nơi cổ.

– Thôi được, chúng ta đi nào.

“Pareidolia”[6] là chữ dùng để gọi khuynh hướng thấy những hình thù quen thuộc trong các hình ảnh lộn xộn. Những đám mây, những tinh vân, hay thậm chí là những hạt yến mạch nổi trên một bát sữa.

Cùng một cách như thế, Nicla Papakidis nhìn thấy các sự việc xuất hiện trong đầu mình. Bà không coi chúng là ảo giác. Ngoài ra, bà thích chữ pareidolia vì nó có nguồn gốc Hy Lạp giống như bà.

Bà giải thích điều đó với Boris trong khi ngồi đằng sau xe, vừa nói vừa nhanh chóng ăn sôcôla. Điều khiến anh kinh ngạc không hẳn là câu chuyện của bà tu sĩ, mà là việc thấy chiếc xe hơi ở nguyên vị trí, không một vết trầy xước, trong khu phố đầy tiếng xấu.

– Tại sao bà gọi nó là “cảng trung chuyển” thế ạ?

– Tùy thuộc vào điều mà cậu tin vào, Boris ạ. Một số người chỉ thấy nó như một điểm đến. Những người khác lại nhìn nhận nó như điểm xuất phát.

– Vậy bà nhìn nhận nó theo cách nào?

– Cả hai.

Họ đến khu nhà của Rockford vào đầu giờ chiều.

Goran và Stern đứng đợi họ phía trước nhà. Sarah Rosa đang ở trên tầng cùng với nhân viên y tế, người luôn trông chừng bệnh nhân hấp hối.

– Mọi người đến vừa kịp lúc. – Stern nói. – Tình hình đã xấu đi rất nhanh kể từ sáng nay. Các bác sĩ khẳng định là chúng ta chỉ còn vài tiếng.

Gavila tự giới thiệu với bà Nicla và giải thích cho bà việc phải làm, không giấu vẻ hoang mang. Ông đã từng chứng kiến các nhà thần giao cách cảm đủ kiểu hợp tác với cảnh sát. Thường thì sự can thiệp của họ chẳng mang lại điều gì, hay tệ hơn, họ làm rối thêm cuộc điều tra khi tạo ra các manh mối sai lạc và những trông đợi vô ích.

Bà tu sĩ không ngạc nhiên trước sự bối rối của nhà tội phạm học. Bà thường xuyên thấy sự nghi ngờ hiện diện trên gương mặt người khác.

Vốn là một con chiên ngoan đạo, Stern không tin ở khả năng đặc biệt của bà Nicla. Đối với anh, đó chỉ là trò lừa bịp. Nhưng anh dao động vì bà là một nữ tu sĩ tốt bụng. “Ít ra thì bà ta cũng không làm vì tiền”, ít phút trước anh đã nói như thế với một Sarah Rosa thậm chí còn hoài nghi hơn.

– Anh chàng tội phạm học này hay đấy. – Nicla nói nhỏ với Mila trong khi lên cầu thang. – Anh ta nghi ngờ và không tìm cách giấu giếm chuyện đó.

Câu bình luận đó không phải phát xuất từ năng lực của bà. Mila hiểu nó đi từ trong trái tim của bà. Nghe thấy những lời ấy từ một người rất thân thiết của mình, Mila thấy rất cảm kích. Nó đã xua đi mọi hồ nghi về Goran mà Sarah Rosa đã cố gieo vào đầu cô.

Phòng ngủ của Joseph B. Rockford nằm ở cuối đoạn hành lang rộng treo đầy thảm trang trí.

Những ô cửa sổ rộng mở ra hướng đông, phương mặt trời mọc. Đứng từ các ban công người ta có thể chiêm ngưỡng thung lũng phía dưới.

Chiếc giường có màn quây nằm ngay giữa phòng, vây quanh bởi các máy móc y khoa hỗ trợ cho những giờ phút cuối cùng của người bệnh. Chúng tạo cho hắn một nhịp điệu máy móc, hợp bởi tiếng bíp của máy theo dõi nhịp tim, tiếng hít thở phì phò từ máy hô hấp, tiếng nhỏ giọt lặp đi lặp lại và tiếng rì rì liên tục của thiết bị điện.

Thân trên của Rockford được kê gối cao lên, hai cánh tay nằm xuôi theo người trên tấm vải phủ giường có thêu trang trí, đôi mắt nhắm nghiền. Hắn mặc một bộ quần áo ngủ bằng lụa màu hồng nhạt, mở toang nơi cổ để chừa chỗ cho ống đặt nội khí quản. Mớ tóc ít ỏi còn lại đã hoàn toàn bạc trắng. Khuôn mặt hắn hõm sâu chung quanh chiếc mũi khoằm, phần cơ thể còn lại của hắn gồ lên bên dưới tấm vải. Nom hắn như một lão già một trăm tuổi dù chỉ mới năm mươi.

Một y tá phụ trách việc chăm sóc vết mổ nơi cổ đang thay miếng gạc đặt quanh lỗ thở. Trong tất cả các gia nhân túc trực ngày đêm, chỉ có bác sĩ tư và phụ tá của ông ta là được ở lại.

Khi bước qua ngưỡng cửa, các thành viên trong nhóm điều tra trông thấy Lara Rockford, người quyết không bỏ lỡ sự việc sắp diễn ra vì bất cứ lý do nào. Cô ta ngồi trên một chiếc ghế bành, cách xa những người khác, và thản nhiên hút thuốc mặc kệ các quy định vệ sinh. Khi y tá nhắc nhở rằng đó có lẽ không phải là một việc tốt cho tình hình sức khỏe của anh trai, Lara đáp gọn lỏn: “Dù sao thì nó cũng chẳng làm hại anh tôi được”.

Nicla tự tin tiến đến bên giường, quan sát quang cảnh lâm chung đặc biệt của gia chủ. Một kết thúc rất khác so với những cái chết trong nghèo khó, nhơ nhớp mà bà từng chứng kiến hàng ngày tại “cảng trung chuyển”. Khi đã ở bên cạnh Joseph B. Rockford, bà làm dấu thánh, trước khi nói với Goran:

– Chúng ta có thể bắt đầu.

Chưa có ban bồi thẩm nào từng chấp nhận một bằng chứng như thế. Báo giới lại càng không được phép biết về cuộc thử nghiệm này. Mọi thứ phải ở lại trong bốn bức tường của ngôi nhà.

Boris và Stern đứng lại bên cạnh cánh cửa đã đóng. Sarah Rosa tiến đến một góc nhà và tựa lưng vào tường, hai tay khoanh trước ngực. Nicla ngồi xuống một chiếc ghế đặt cạnh giường. Mila ngồi cạnh bà. Goran đứng đối diện họ vì muốn quan sát cả bà tu sĩ lẫn Rockford.

Bà đồng bắt đầu tập trung.

Các bác sĩ vẫn dùng thang Glasgow để đánh giá tình trạng hôn mê của bệnh nhân. Nhờ vào ba phản ứng – bằng lời nói, mắt và cử động, người ta có thể xác định mức độ tổn hại của chức năng thần kinh.

Việc sử dụng hình ảnh của một cái thang để đánh giá tình trạng hôn mê không chỉ là do ngẫu nhiên, mà bởi vì tình trạng nhận thức suy giảm từ từ, giống như khi ta bước xuống các bậc thang.

Ngoại trừ lời kể của những người đã từng tỉnh lại sau cơn hôn mê về sự nhận biết thế giới chung quanh và trạng thái yên bình mà họ trôi lơ lửng bên trong, người ta không biết điều gì thực sự xảy ra trong khoảng giữa sự sống và cái chết. Thêm vào đó, những người tỉnh lại sau hôn mê đều tụt xuống tệ nhất là hai, ba bậc trên chiếc thang kia. Một số nhà thần kinh học tin rằng có thể tồn tại cả trăm bậc thang như thế.

Mila không biết thực sự Joseph B. Rockford đang ở bậc nào.

Có lẽ hắn ta đang ở đó cùng với họ, thậm chí là đang nghe thấy họ. Hoặc cũng có thể hắn đã tụt xuống đủ sâu để xa rời những ma quái của bản thân.

Tuy nhiên, có một điều cô chắc chắn: Nicla sẽ phải tụt xuống một vực thẳm sâu và tăm tối để đi tìm hắn ta.

– Đây rồi, tôi đang nghe thấy một thứ gì đó…

Bà tu sĩ đang đặt hai tay trên đầu gối. Mila nhận thấy các ngón tay của bà co lại do căng thẳng.

– Joseph vẫn còn đây. – Bà tuyên bố. – Nhưng anh ta rất… xa cách. Tuy vậy, anh ta có thể cảm nhận được chút gì đó…

Sarah Rosa đưa cặp mắt bối rối nhìn Boris. Anh chàng suýt chút nữa thì bật cười, nhưng nén lại được.

– Anh ta rất lo lắng. Anh ta đang tức giận… Anh ta không chịu nổi việc vẫn còn ở đây… Anh ta muốn ra đi, nhưng không được. Có điều gì đó níu giữ anh ta ở lại… Mùi làm anh ta rối trí.

– Mùi nào? – Mila hỏi.

– Mùi hoa tàn. Anh ta nói nó thật không thể chịu đựng nổi.

Họ hít hà, tìm sự khẳng định cho những lời nói vừa rồi, nhưng chỉ ngửi thấy một mùi hương dễ chịu. Trên bậu cửa sổ có một cái lọ to, cắm những bông hoa còn tươi nguyên.

– Bà cố bắt hắn ta nói ra đi.

– Ta không nghĩ anh ta muốn làm thế… Không, anh ta không muốn nói chuyện với ta.

– Bà phải thuyết phục hắn.

– Anh xin lỗi…

– Sao ạ?

Nhưng bà tu sĩ không nói hết câu. Thay vào đó, bà nói:

– Ta nghĩ anh ta muốn cho ta thấy thứ gì đó… Phải rồi… Anh ta chỉ cho ta một căn phòng… Căn phòng này. Nhưng chúng ta không hiện diện. Tất cả chỗ máy móc thiết bị duy trì sự sống cho anh ta cũng thế… Có ai đó ở đây cùng với anh ta. – Bà Nicla nói thêm và ngồi thẳng người lại.

– Ai vậy?

– Một phụ nữ, rất xinh đẹp… Ta tin đó là mẹ anh ta.

Mila thoáng thấy Lara Rockford cựa mình trong chiếc ghế bành, tay châm điếu thuốc không biết là thứ bao nhiêu nữa.

– Bà ta làm gì?

– Joseph chỉ là một thằng bé… Bà ta để nó ngồi trên đầu gối và giảng giải chuyện gì đó… Bà ta cảnh cáo, giám sát nó… Bà ta bảo thế giới ngoài kia chỉ làm hại nó. Đổi lại, chừng nào thằng bé còn ở trong này thì nó còn được an toàn… Bà ta hứa sẽ bảo vệ nó, chăm sóc cho nó, và không bao giờ bỏ rơi nó…

Goran và Mila nhìn nhau. Vậy là cái lồng vàng của Joseph đã bắt đầu như thế, chính bà mẹ là người đã ngăn cản hắn tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

– Bà ta bảo trong tất cả những mối nguy hiểm trên đời, đàn bà là thứ tồi tệ nhất… Ngoài kia có cả đống đàn bà muốn cướp mọi thứ của thằng bé… Bọn họ chỉ yêu nó vì những gì mà nó sở hữu… Bọn họ sẽ lừa thằng bé, sẽ lợi dụng nó… Anh xin lỗi. – Bà lặp lại.

Mila lại nhìn Goran. Sáng hôm nay, trước mặt thanh tra Roche, nhà tội phạm học đã khẳng định nguồn gốc sự điên cuồng của Rockford, thứ theo thời gian đã biến hắn thành một tên giết người hàng loạt. Tất cả chỉ vì hắn không chấp nhận được con người thật của mình. Một ai đó, rất có thể là mẹ hắn, đã phát hiện ra khuynh hướng tình dục của hắn và không bao giờ tha thứ cho hắn. Việc giết bạn tình cũng đồng nghĩa với xóa đi tội lỗi.

Hóa ra, Goran đã nhầm.

Những gì vừa được bà tu sĩ tiết lộ đã phủ nhận một phần giả thiết của ông.

Sự đồng tính của Joseph có liên quan đến chứng cuồng sợ của bà mẹ. Có lẽ bà ta biết điều đó nhưng không nói gì.

Nhưng nếu vậy thì, tại sao Joseph lại giết các nhân tình của mình?

– Tôi thậm chí không được phép mời các bạn gái của mình đến chơi…

Mọi người quay lại nhìn Lara Rockford. Cô ta bóp điếu thuốc lá giữa hai ngón tay run rẩy, mắt nhìn xuống sàn nhà.

– Chính bà mẹ là người đã đưa đám trai trẻ đến đây. – Goran nói.

– Phải, mẹ tôi đã trả tiền cho họ. – Lara xác nhận.

Những giọt nước mắt tuôn trào từ con mắt lành lặn biến khuôn mặt của cô ta biến thành một chiếc mặt nạ dị hợm.

– Mẹ tôi ghét tôi.

– Tại sao? – Nhà tội phạm học thắc mắc.

– Vì tôi là con gái.

– Anh xin lỗi… – Bà Nicla lặp lại.

– Anh im đi! – Lara thét lên với người anh của mình.

– Anh xin lỗi em…

– Im ngay đi!

Lara thét lên điên dại và đứng bật dậy. Cằm cô ta run lên.

– Các người không tưởng tượng nổi đâu. Các người không thể tưởng tượng được việc đi loanh quanh trong này và cảm thấy đôi mắt đó găm vào người. Ánh mắt bám riết tôi khắp nơi, và tôi thừa hiểu nó muốn nói điều gì. Ngay cả khi tôi không muốn thừa nhận, vì chỉ nội suy nghĩ đó cũng khiến tôi phát tởm. Tôi tin là anh ta cố gắng hiểu… tại sao anh ta thấy bị hấp dẫn bởi tôi.

Nicla vẫn đang lên đồng. Toàn thân bà run lên. Mila nắm lấy tay bà.

– Có phải vì vậy mà cô đã bỏ nhà đi, phải không? – Goran hỏi và nhìn xoáy vào Lara Rockford, cương quyết đòi bằng được một câu trả lời. – Từ lúc đó anh ta bắt đầu giết người…

– Phải, tôi nghĩ thế.

– Và rồi, cách đây năm năm, cô đã quay về…

Lara Rockford bật cười.

– Tôi không biết gì hết. Anh ta lừa tôi khi nói rằng anh ta cảm thấy cô đơn và bị mọi người bỏ rơi. Rằng tôi là em gái anh ta, anh ta rất yêu quý tôi, anh ta muốn giảng hòa. Rằng tất cả những thứ khác là do tôi tưởng tượng ra. Tôi đã tin anh ta. Khi tôi quay về đây, những ngày đầu anh ta cư xử bình thường: anh ta tỏ ra dịu dàng, ân cần chăm sóc tôi. Anh ta không hề giống với Joseph mà tôi từng biết hồi còn nhỏ. Cho đến khi…

Lara lại cười gằn. Hơn cả ngôn từ, nụ cười ấy nói lên toàn bộ những sự bạo hành mà chị ta từng phải chịu.

– Cô bị như thế này không phải là do một tai nạn giao thông… – Goran nói.

Lara lắc đầu.

– Chỉ như thế này anh ta mới chắc chắn là tôi sẽ không ra đi nữa.

Họ cảm thấy đau xót tột cùng cho người phụ nữ trước mặt. Cô ta bị giam cầm không phải bởi ngôi nhà này, mà bởi chính diện mạo của mình.

– Tôi xin lỗi. – Lara nói trong khi tiến về phía cửa, kéo lê cái chân thương tật.

Stern và Boris tách ra để cho cô ta đi qua, rồi cùng nhìn Goran, chờ quyết định của ông. Nhà tội phạm học nói với Nicla:

– Bà cảm thấy tiếp tục được không?

– Được. – Bà tu sĩ nói, dù nom bà mệt mỏi thấy rõ sau nỗ lực vừa rồi. Câu hỏi tiếp theo là câu quan trọng hơn hết thảy. Sẽ không còn dịp nào khác để hỏi nữa. Câu trả lời sẽ định đoạt không chỉ sự sống sót của bé gái số sáu, mà cả của chính họ. Bởi lẽ, nếu như họ không thể tìm ra ý nghĩa của những gì đã xảy ra trong thời gian qua, họ sẽ mãi mãi bị câu chuyện này đè nặng như một lời nguyền.

– Nicla, bà hãy bảo Joseph kể lại lúc anh ta gặp gỡ kẻ giống như mình…

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN