Kẻ Tầm Xương
Chương 14
Trong văn phòng, cao phía trên trung tâm Manhattan, nhìn xuống khu Jersey. Những thứ vớ vẩn trong không khí càng làm cho buổi hoàng hôn trở nên tuyệt đẹp.
“Ta phải làm.”
“Không thể được.”
“Phải làm”, Fred Dellray nhắc lại và nhấp một ngụm cà phê – tệ hơn cả cà phê của nhà hàng mà Scruff và anh ta vừa ngồi cách đây một lúc. “Lấy của họ đi. Họ sẽ chấp nhận.”
“Đây là một vụ của địa phương”, đặc vụ FBI, người phó phụ trách văn phòng Manhattan đáp lời. ASAC là một người đàn ông kỹ tính, người không thể hoạt động nằm vùng – vì chỉ cần nhìn thấy anh ta, người ta sẽ nghĩ ngay, ô kìa, đặc vụ FBI.
“Đây không phải vụ địa phương. Họ coi nó như vụ địa phương thôi. Nhưng đây là một vụ lớn.”
“Chúng ta bị mất tám mươi người vào vụ Liên Hiệp Quốc.”
“Nhưng việc này có liên quan”, Dellray nói. “Tôi chắc chắn.”
“Thế thì ta sẽ thông báo cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Để mọi người…Thôi nào, đừng có nhìn tôi thế.”
“Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc? Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc? Này, anh có biết từ mâu thuẫn nghĩa là gì không?… Billy, anh đã xem tấm ảnh chưa? Hiện trường vụ án sáng nay ấy? Một cái tay thò lên khỏi mặt đất, ngón tay bị lột hết da? Cái thằng khốn bệnh hoạn đó vẫn còn lang thang ngoài kia.”
“NYPD vẫn tiếp tục cung cấp thông tin cho ta”, ASAC nói. “Ta sẽ để Chuyên gia về Hành vi trực điện thoại nếu họ muốn.”
“Lạy Chúa trên Thánh giá thiêng liêng. ‘Chuyên gia về Hành vi trực điện thoại’? Ta phải tóm thằng sát nhân ấy, Billy. Bắt hắn đi. Không phải đoán xem hắn định làm trò gì.”
“Nói lại tôi nghe xem đặc tình của anh đã nói gì?”
Nếu một hòn đá có kẽ nứt thì Dellray sẽ nhận ra và không để nó có cơ hội liền lại. Giờ là lúc tăng hỏa lực: nói về Scruff và Jackie ở Johannesbug hoặc Monrovia và những lời đồn đại trong vụ buôn lậu vũ khí về điều gì đó đang diễn ra tại sân bay New York trong tuần này nên phải tránh xa chỗ đó ra. “Đấy là hắn ta”, Dellray nói. “Chắc chắn thế.”
“NYPD đã thành lập nhóm đặc nhiệm.”
“Không phải Đội Chống khủng bố (A-T). Tôi đã gọi điện. Chẳng có người nào trong A-T biết tí gì về chuyện này. Đối với NYPD thì: khách du lịch bị giết có nghĩa là quan hệ công chúng kém. Tôi muốn vụ này, Billy.” Sau đó Fred Dellray nói hai từ mà anh ta chưa bao giờ thốt ra trong suốt tám năm làm mật vụ chìm. “Làm ơn.”
“Anh có căn cứ gì không?”
“Ôi giời, hỏi vớ vẩn”, Dellray nói, chỉ tay như một thầy giáo quở trách học sinh. “Xem nào, chúng ta đã có một bộ luật chống khủng bố thật là bảnh. Nhưng nếu anh thấy thế vẫn chưa đủ, chắc anh còn muốn quyền hạn pháp lý? Tôi sẽ cho anh quyền hạn pháp lý. Trọng tội Bang. Bắt cóc. Tôi có thể lý luận rằng thằng khốn ấy lái taxi nên nó có thể ảnh hưởng đến thương mại liên bang. Chúng ta không phải chơi những cái trò ấy chứ, phải không Billy?”
“Anh chẳng nghe gì cả, Dellray. Tôi có thể trích dẫn Luật Hoa Kỳ ngay khi đang ngủ, cảm ơn anh. Tôi muốn biết nếu chúng ta làm vụ này, chúng ta sẽ nói gì để mọi người hài lòng? Vì anh hãy nhớ rằng, sau khi đối tượng này quậy phá chúng ta phải tiếp tục làm việc với NYPD. Tôi sẽ không đưa đại ca của tôi đi chiến đấu với đại ca của họ mặc dù tôi có thể làm thế. Bất kỳ lúc nào tôi muốn. Lon Sellitto đang điều tra vụ án và anh ta là người tốt.”
“Một tay trung úy?” Dellray khịt mũi nghi ngờ. Anh ta cầm điếu thuốc gắn sau tai đưa lên mũi ngửi.
“Jim Polling chịu trách nhiệm.”
Dellray ngửa người ra sau, giả vờ hoảng sợ. “Polling? Chàng Adolph Nhí? Cái anh chàng Polling luôn dọa dẫm: Mày có quyền im lặng vì tao sắp đập vỡ mẹ cái đầu mày ra. Anh ta đấy à?”
ASAC không đáp lại. Anh ta nói: “Sellitto giỏi. Một con người thực sự. Tôi đã làm việc với anh ta trong hai đội đặc nhiệm OC.”
“Tên này đang giết người lung tung và rất có thể hắn ta sẽ mở đường lên trên.”
“Nghĩa là gì?”
“Trong thành phố có thượng nghị sĩ, có hạ nghị sĩ, có lãnh đạo Nhà nước. Tôi cho rằng hắn ta giết những người vừa rồi chỉ là để thực tập.”
“Anh đã nói chuyện với Chuyên gia về Hành vi mà không cho tôi biết?”
“Đó là điều tôi đánh hơi thấy.” Dellray sờ mũi.
ASAC thở ra. “Người đưa tin là ai?”
Dellray không cho rằng Scruff là người đưa tin đáng tin cậy, nghe cứ như trích đoạn trong tiểu thuyết của Dashiell Hammett[87].
Phần lớn bọn đưa tin đều là những bộ xương, có nghĩa là bọn trộm vặt gầy nhẵng, kinh tởm. Hoàn toàn phù hợp với Scruff.
“Hắn là đồ mạt rệp”, Dellray công nhận. “Nhưng Jackie, anh chàng mà hắn nghe được tin thì rất chắc chắn.”
“Tôi biết anh muốn vụ này, Fred. Tôi hiểu.” ASAC nói với một chút thông cảm. Vì anh ta biết chắc chắn đằng sau yêu cầu của Dellray là gì.
Kể từ khi còn là một cậu bé ở Brooklyn, Dellray đã muốn làm cớm. Kiểu cớm gì không quan trọng, chỉ cần anh ta có thể dành hai mươi tư giờ trong ngày để mà làm cớm. Nhưng ngay sau khi vào cục, anh ta đã tìm được nghề nghiệp đích thực của mình – cớm chìm.
Cùng với cộng sự thẳng thắn và thiên thần hộ mệnh của mình là Toby Dolittle, Dellray đã đưa nhiều tên tội phạm vào tù với thời gian rất dài – tổng cộng lên tới cả nghìn năm (“Này Toby-o, bọn chúng gọi mình là Đội Thiên Niên Kỷ đấy”, có lần anh ta đã tuyên bố với người cộng sự của mình như vậy). Mấu chốt thành công của Dellray là biệt hiệu của anh ta, “Kỳ nhông”. Biệt hiệu này được đặt cho anh ta khi chỉ trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, anh ta đóng giả một tên nghiện say thuốc trong tiệm ma túy tại Harlem và ngay sau đó là một quan chức Haiti trong buổi dạ tiệc tại tòa lãnh sự Panama, với một chiếc băng đỏ vắt chéo qua ngực và giọng nói Haiti không sai biệt tí nào. Họ thường xuyên được điều sang làm việc cho ATF và DEA[88], đôi khi cho cả các sở cảnh sát. Ma túy và vũ khí là chuyên môn của họ, mặc dù thỉnh thoảng họ cũng làm vài vụ buôn lậu.
Sự mỉa mai của nghề cớm chìm là anh càng giỏi thì anh càng về hưu sớm. Tin đồn sẽ lan truyền, vì thế những ông lớn, những tên tội phạm đáng giá khó bị bịp hơn. Dolittle và Dellray thấy mình không còn làm nhiều ngoài hiện trường nữa mà chuyển sang quản lý đặc tình và mật vụ. Đó chẳng phải là sự lựa chọn hàng đầu của Dellray – chẳng có gì khiến anh ta phấn khích hơn đường phố – đường phố vẫn lôi anh ta khỏi văn phòng thường xuyên hơn tất cả các đặc vụ khác trong Cục. Chưa bao giờ anh ta nghĩ tới chuyện chuyển đổi.
Cho tới hai năm trước – một buổi sáng tháng Tư ấm áp ở New York. Đúng lúc Dellray chuẩn bị rời văn phòng để bắt chuyến bay ở sân bay La Guardia thì anh ta nhận được cuộc gọi của trợ lý giám đốc Cục từ Washington. FBI là một mớ hỗn độn các thứ bậc và Dellray chẳng hình dung ra vì sao chính ông lớn lại gọi điện. Cho tới khi anh ta nghe thấy giọng nói u sầu của giám đốc điều hành cho biết tin Toby Dolittle cùng trợ lý công tố viên đến từ Manhattan có mặt ở tầng trệt của tòa nhà liên bang Thành phố Oklahoma vào buổi sáng hôm ấy, chuẩn bị cho buổi hỏi cung mà Dellray sẽ đến.
Ngày hôm sau thi thể của họ được đưa về New York.
Đó cũng là ngày Dellray nộp lá đơn RFT-2230 đầu tiên của mình đề nghị được thuyên chuyển sang A-T của Cục.
Với Fred Dellray, người luôn coi thường mọi vấn đề liên quan đến chính trị và triết học, vụ đánh bom này lại là tội ác của mọi tội ác. Anh ta cho rằng lòng tham và sự thác loạn chẳng phải là những thói quen xấu của người Mỹ – này, những thói quen đó được khuyến khích ở khắp mọi nơi, từ Phố Wall cho tới Capital Hill. Và nếu như những kẻ làm ăn bằng lòng tham và sự thác loạn đôi khi vượt quá biên giới của luật pháp thì Dellray sẵn sàng theo họ đến cùng – nhưng anh ta chẳng bao giờ làm việc đó chỉ vì lòng thù hận cá nhân. Còn giết người vì niềm tin của họ – mẹ kiếp, giết cả trẻ con trước khi chúng biết mình tin điều gì – lạy Chúa, đó là nhát dao đâm vào trái tim đất nước. Ngồi một mình trong căn hộ hai phòng thoáng đãng của mình ở Brooklyn sau đám tang của Toby, Dellray có quyết định đó chính là loại tội ác mà anh ta muốn săn đuổi.
Nhưng không may là tiếng tăm của Kỳ nhông đã vượt trước anh ta. Cớm chìm giỏi nhất của Cục giờ đây là người quản lý tốt nhất của họ, điều hành mật vụ và đặc tình của cả vùng East Coast. Các sếp của anh ta không thể để anh ta chuyển sang một trong những phòng ban yên ả hơn của FBI. Dellray là một truyền thuyết nhỏ hơn, người đã đem đến những vụ thành công lớn nhất mới đây của Cục. Vì vậy, yêu cầu tha thiết của anh ta bị từ chối với sự tiếc nuối lớn.
ASAC biết rõ về câu chuyện của Dellray, và lúc này anh ta nói rất chân thành: “Fred, tôi ước tôi có thể giúp được anh. Tôi xin lỗi.”
Nhưng trong những lời nói đó, Dellray lại thấy vết nứt đã rộng hơn. Con Kỳ nhông biến màu, nhìn chăm chăm vào ông chủ của mình. Anh ta ước mình vẫn còn chiếc răng vàng giả. Gã đàn ông đầu đường xó chợ Dellray là một thằng cha khó trị, có cái nhìn hung dữ của một tay anh chị. Trong cái nhìn đó chứa đựng một thông điệp mà bất kỳ tên giang hồ nào cũng hiểu ngay tức khắc: Tao đã hầu mày, giờ đến lượt mày hầu tao.
Cuối cùng thì ASAC cũng ấp úng nịnh bợ: “Chỉ là chúng tôi cần có thứ gì đó?”
“Thứ gì đó?”
“Móc”, ASAC nói, “chúng tôi cần một cái móc.”
Ý anh ta là một lý do để lôi vụ này ra khỏi NYPD.
Chính trị, chính trị, chính trị mẹ nó ấy.
Dellray cúi đầu, nhưng đôi mắt, nâu như xi giày, không rời ASAC một mm. “Billy, sáng nay hắn lóc da tay nạn nhân. Đến tận xương. Rồi chôn sống anh ta.”
Hai tay chống cằm, ASAC chậm rãi nói: “Tôi có một ý. Phó thanh tra NYPD. Tên là Eckert. Anh biết ông ta chứ? Ông ta là bạn tôi.”
Cô gái nằm trên cáng, nhắm mắt, tỉnh táo, nhưng váng vất. Vẫn nhợt nhạt. Ống tiếp đường gắn vào cánh tay. Sau khi được tiếp đường, cô đã suy nghĩ mạch lạc hơn và bình tĩnh đến mức đáng ngạc nhiên, sau mọi chuyện vừa rồi.
Sachs quay lại những cánh cổng địa ngục và đứng đó nhìn xuống khung cửa màu đen. Cô bấm bộ đàm gọi Lincoln Rhyme. Lần này thì anh ta trả lời.
“Hiện trường trông thế nào?” Rhyme hỏi một cách tự nhiên.
Cô trả lời cộc lốc. “Chúng tôi đã đưa cô ấy ra, nếu như anh quan tâm.”
“À, tốt. Cô ta thế nào?”
“Không ổn.”
“Nhưng còn sống chứ?”
“Gần chết.”
“Cô tức giận vì bọn chuột, phải không Amelia?”
Cô không trả lời.
“Vì tôi không cho người của Bo vào ngay. Cô còn đó không, Amelia?”
“Tôi ở đây.”
“Có năm yếu tố làm ô nhiễm hiện trường”, Rhyme giải thích. Cô nhận thấy anh ta lại chuyển sang cách nói chậm rãi, đầy quyến rũ. “Thời tiết, gia đình nạn nhân, đối tượng, những kẻ săn tìm đồ lưu niệm. Nhưng yếu tố cuối cùng là tệ hại nhất. Cô đoán xem đó là gì?”
“Nói tôi nghe.”
“Cảnh sát. Nếu tôi để ESU vào, họ có thể phá hủy mọi dấu vết. Giờ thì cô biết cách xử lý hiện trường rồi. Tôi cá là cô giữ mọi thứ trong tình trạng tốt.”
Sachs cần phải nói: “Tôi không nghĩ là cô ấy sẽ hồi phục như xưa sau vụ này. Lũ chuột bò đầy lên người cô ấy.”
“Đúng. Tôi có thể hình dung ra bọn chúng. Đấy là bản chất của chúng mà.”
Bản chất của chúng…
“Nhưng năm hay mười phút thì có khác biệt gì đâu. Cô ấy…”
Cách.
Cô tắt bộ đàm, đi ra chỗ Walsh, anh chàng nhân viên y tế.
“Tôi muốn phỏng vấn cô ta. Cô ta có quá váng vất không?”
“Không đến mức thế. Chúng tôi đã gây mê tại chỗ cho cô ấy – để khâu những vết rạch và vết cắn. Khoảng nửa tiếng nữa cô ấy cần thuốc giảm đau.”
Sachs mỉm cười và quỳ xuống cạnh cô gái: “Chào em, em thế nào?”
Cô gái, béo nhưng rất đẹp, gật đầu.
“Tôi hỏi em vài câu, được không?”
“Được. Nàm ơn. Em muốn chị tóm được hắn.”
Sellitto đến và bước thong thả đến chỗ họ. Anh ta mỉm cười với cô gái, người nhìn lại anh ta bằng ánh mắt trống rỗng. Anh ta đưa cho cô ta xem cái thẻ mà cô ta không thèm quan tâm và xưng danh.
“Cô ổn chứ, thưa cô?”
Cô gái nhún vai.
Đổ mồ hôi ròng ròng trong cái nóng oi bức, Sellitto gọi Sachs sang một bên. “Polling đến đây chưa?”
“Không nhìn thấy anh ta. Có thể anh ta ở nhà Lincoln.”
“Không, tôi vừa gọi điện đến đó. Chắc anh ta phải đến ngay Tòa Thị chính.”
“Có chuyện gì thế?”
Sellitto hạ giọng, khuôn mặt bềnh bệch của anh ta nhăn nhúm. “Chuyện tệ hại – liên lạc của chúng ta đúng ra phải được mã hóa an toàn. Nhưng bọn nhà báo khốn kiếp không hiểu đã làm thế nào mà giải mã được. Chúng nghe thấy chúng ta không vào ngay để cứu nạn nhân.” Anh ta hất đầu về phía cô gái.
“Ừ. Chúng ta không vào ngay”, Sachs cay nghiệt trả lời. “Rhyme bảo ESU chờ tôi đến.”
Viên thám tử cau mày. “Trời ơi, tôi hy vọng họ không ghi lại được câu đó. Ta cần Polling để kiểm soát thiệt hại.” Anh ta gật đầu với cô gái. “Cô phỏng vấn cô ta chưa?”
“Chưa. Tôi vừa bắt đầu.” Với một chút tiếc nuối, Sachs bấm nút bộ đàm và nghe giọng nói khẩn cấp của Rhyme.
“… cô có đấy không? Cái thứ chết tiệt này không…”
“Tôi đây”, Sachs lạnh lùng nói.
“Có chuyện gì thế?”
“Nhiễu sóng, chắc thế. Tôi đang ở cùng nạn nhân.”
Cô gái chớp mắt khi nghe cuộc trao đổi và Sachs mỉm cười.
“Chị không nói chuyện một mình”, cô chỉ cái mic. “Trụ sở cảnh sát. Tên em là gì?”
“Monelle. Monelle Gerger.” Cô ta nhìn cánh tay bị cắn xé xủa mình, kéo lớp băng bó và kiểm tra vết thương.
“Phỏng vấn cô ta nhanh”, Rhyme hạ lệnh, “sau đó khám nghiệm hiện trường.”
Lấy tay che mic, cô thì thầm giọng gắt gỏng với Sellitto: “Làm việc với ông này khó chịu quá. Thưa ngài.”
“Đùa với anh ta đi, sĩ quan.”
“Amelia!” Rhyme quát. “Trả lời tôi đi!”
“Chúng tôi đang phỏng vấn cô ấy, được chưa?” Cô đáp trả.
Sellitto hỏi: “Cô có thể nói chúng tôi biết điều gì xảy ra được chứ?”
Monelle bắt đầu nói, một câu chuyện rời rạc về phòng giặt là của khu chung cư tại East Village. Hắn đã nấp đợi cô.
“Khu chung cư nào?” Sellitto hỏi.
“Deutsche Haus. Ông biết đấy, ở đó chủ yếu là sinh viên và người nhập cư Đức.”
“Sau đó chuyện gì đã xảy ra?” Sellitto hỏi tiếp. Sachs nhận thấy mặc dù viên thám tử to lớn trông có vẻ thô lỗ hơn, xấu tính hơn Rhyme, nhưng thực ra anh ta lại là người tử tế.
“Hắn ném tôi vào cốp xe và chở đến đây.”
“Cô có nhìn thấy hắn ta không?”
Cô gái nhắm mắt lại. Sachs nhắc lại câu hỏi và Monelle nói cô không nhìn thấy; hắn ta đeo chiếc mặt nạ trượt tuyết màu xanh hải quân, đúng như Rhyme đã đoán.
“Und[89] găng tay.”
“Cô tả lại đôi găng tay đi.”
Màu tối. Cô ta không nhớ chính xác là màu gì.
“Có điều gì bất thường không? Tên bắc cóc ấy?”
“Không. Hắn là người da trắng. Em có thể chắc với chị như thế.”
“Cô có nhìn thấy biển số của chiếc taxi không?” Sellitto hỏi.
“Was[90]?” Cô gái hỏi lại bằng tiếng mẹ đẻ.
“Cô có nhìn thấy…”
Sachs nhảy dựng lên khi Rhyme cắt ngang. “Das Nummernschild[91].”
Nghĩ thầm: Thế quái nào mà anh ta biết hết mọi thứ được nhỉ? Cô nhắc lại câu đó, cô gái lắc đầu sau đó hé mắt nhìn. “Ý anh là gì, taxi?”
“Chẳng phải là hắn lái chiếc Yellow Cab hay sao?”
“Taxi? Nein. Không. Một chiếc xe bình thường.”
“Nghe thấy không, Lincoln?”
“Rồi. Anh chàng của chúng ta có chiếc xe khác. Hắn cho cô ta vào cốp xe, có nghĩa đó không phải là xe van hay loại hatchback.”
Sachs nhắc lại câu đó. Cô gái gật đầu. “Giống như chiếc sedan.”
“Cô có ý tưởng gì về chất liệu hay màu sắc không?” Sellitto tiếp tục.
Monelle trả lời. “Tôi nghĩ là màu sáng. Có thể là màu bạc hay màu xám. Hoặc là, màu gì ý nhỉ? Nâu sáng.”
“Màu be.”
Cô ta gật đầu.
“Có thể là màu be”, Sachs nói thêm hộ Rhyme.
Sellitto hỏi: “Có gì trong cốp xe không? Bất kỳ thứ gì? Dụng cụ, quần áo, va li?”
Monelle nói không có gì. Cốp xe trống rỗng.
Rhyme hỏi. “Trong cốp xe có mùi gì không?”
Sachs chuyển tiếp câu hỏi.
“Tôi không biết.”
“Mùi dầu mỡ?”
“Không. Nó có mùi… sạch sẽ.”
“Thế thì có thể là xe mới”, Rhyme đoán.
Trong một khắc, Monelle bật khóc. Sau đó cô ta lắc đầu. Sachs cầm tay cô ta và cô ta tiếp tục. “Chúng tôi đi rất lâu. Có vẻ như rất lâu.”
“Em làm tốt lắm, em bé ạ”, Sachs nói.
Giọng Rhyme cắt ngang. “Bảo cô ta cởi quần áo ra.”
“Cái gì?”
“Cởi quần áo cô ta ra.”
“Không đâu.”
“Bảo nhân viên y tế đưa cho cô ta cái áo choàng dài. Ta cần quần áo của cô ấy, Amelia.”
“Nhưng”, Sachs thì thầm. “Cô ấy đang khóc.”
“Làm ơn đi”, Rhyme khẩn khoản nói. “Quan trọng lắm đấy.”
Sellitto gật đầu và Sachs, môi mím chặt, giải thích cho cô gái chuyện quần áo và thấy ngạc nhiên khi Monelle gật đầu. Hóa ra cô ta cũng đang rất muốn thoát khỏi bộ quần áo đẫm máu. Để cô ta được riêng tư, Sellitto ra chỗ khác nói chuyện với Bo Haumann. Monelle mặc chiếc áo choàng do nhân viên y tế đưa và một thám tử chìm bọc cô ta lại bằng cái áo khoác thể thao của anh ta. Sachs cho chiếc quần bò và cái áo phông vào túi.
“Tôi lấy được rồi”, Sachs nói vào máy bộ đàm.
“Bây giờ thì cô ta phải cùng đi khám nghiệm hiện trường với cô”, Rhyme nói.
“Cái gì?”
“Nhưng phải chắc là cô ta đi sau cô. Để cô ta không làm ô nhiễm vật chứng.”
Sachs nhìn người phụ nữ trẻ tuổi đang nằm trên cáng lăn cạnh hai chiếc xe bus EMS.
“Cô ấy không có khả năng làm việc đó đâu. Hắn đã cắt cô ấy đến tận xương. Cô ấy bị mất máu và bị chuột cắn.”
“Cô ta có đi lại được không?”
“Có thể. Nhưng anh có biết cô ấy vừa trải qua điều gì không?”
“Cô ta có thể dẫn cô đi theo đường họ đã đi. Cô ta có thể nói với cô, nơi hắn đã đứng.”
“Cô ấy phải được cấp cứu. Cô ấy mất rất nhiều máu.”
Một chút ngần ngừ. Anh ta nói, vẻ vui mừng: “Hỏi cô ta xem.”
Nhưng sự vui mừng của anh ta đầy giả tạo, điều mà Sachs nghe thấy chỉ là sự nôn nóng. Cô có thể nói Rhyme là người không quen với việc chiều chuộng người khác, là người không phải chiều chuộng người khác. Anh ta là người quen với việc làm theo cách của mình.
Anh ta dai dẳng: “Chỉ cần đan lưới một lần thôi.”
Chết mẹ anh đi, Lincoln Rhyme.
“Việc này…”
“Quan trọng. Cô biết mà.”
Từ đầu dây bên kia chẳng có gì.
Cô đang nhìn Monelle. Sau đó cô nghe thấy một giọng nói, không, giọng nói của chính cô đang nói với cô gái: “Chị sẽ xuống dưới kia tìm chứng cứ. Em có đi với chị không?”
Ánh mắt của cô gái đâm sâu vào tim cô. Lệ tuôn trào: “Không, không, không. Em không đi đâu. Bitte nicht, oh, bitte nicht…”
Sachs gật đầu, nắm chặt tay cô gái. Cô bắt đầu nói vào mic, lên tinh thần để đáp lại phản ứng của anh ta. Nhưng Rhyme làm cô ngạc nhiên khi nói: “Được rồi, Amelia. Thế thì thôi. Chỉ cần hỏi cô ta khi họ đến đó thì chuyện gì xảy ra?”
Cô gái kể lại cô đã đá hắn như thế nào và chạy vào đường hầm kề bên.
“Em đá hắn lần nữa”, cô nói với một chút hài lòng. “Đánh hắn rơi cả găng tay. Sau đó hắn nổi điên và bóp cổ em. Hắn…”
“Không đeo găng tay?” Rhyme thốt lên.
Sachs nhắc lại câu hỏi và Monelle nói: “Vâng.”
“Dấu tay, tuyệt vời!” Rhyme hét, giọng anh ta lạc đi trong mic. “Chuyện ấy xảy ra lúc nào? Cách đây bao lâu?”
Monelle đoán khoảng tiếng rưỡi trước.
“Chết tiệt”, Rhyme lầm bầm. “Dấu tay trên da chỉ tồn tại khoảng một tiếng hoặc chín mươi phút là cùng. Cô có lấy được dấu tay trên da không, Amelia?”
“Tôi chưa bao giờ làm.”
“Thế hả. Thế thì giờ cô sẽ làm. Nhưng nhanh lên. Trong va li CS có một cái gói dán nhãn Kromekote. Lấy một cái thẻ ra.”
Cô tìm thấy một chồng thẻ bóng nhoáng, kích thước năm nhân bảy, trông giống giấy ảnh.
“Có rồi. Tôi có cần phun bụi vào cổ cô ấy không?”
“Không. Đè cái thẻ, mặt bóng xuống dưới, lên da cô ta, chỗ mà cô ta nghĩ hắn đã chạm vào. Giữ nó khoảng ba giây.”
Sachs làm theo, trong khi đó Monelle nhìn vô định lên trời. Sau đó, theo chỉ thị của Rhyme, cô phun bụi kim loại lên tấm thẻ bằng ống thổi Magna-Brush.
“Thế nào?” Rhyme sốt ruột hỏi.
“Không tốt. Có hình dạng của ngón tay, nhưng không thấy vân tay rõ ràng. Tôi vứt nó đi được chứ?”
“Không bao giờ vứt đi bất kỳ thứ gì từ hiện trường vụ án, Sachs”, Rhyme lạnh lùng lên lớp. “Đem nó về, đằng nào tôi cũng muốn xem nó.”
“Có một việc mà em nghĩ là em quên”, Monelle nói. “Hắn chạm vào em?”
Sachs dịu dàng hỏi: “Ý em là hắn quấy rối em. Hiếp dâm?”
“Không, không. Không theo kiểu tình dục. Hắn chạm vai em, mặt, mông, tai em. Khuỷu tay. Hắn bóp em. Em không hiểu vì sao?”
“Anh nghe thấy chứ, Lincoln? Hắn chạm vào cô ấy. Nhưng có vẻ việc đó không làm cho hắn được thỏa mãn.”
“Ừ.”
“Und… em quên một việc nữa.” Monelle nói. “Hắn nói được tiếng Đức. Không tốt lắm. Giống như hắn có học ở trường. Và hắn gọi em là Hanna.”
“Gọi cô ấy là gì?”
“Hanna”, Sachs nhắc lại vào mic. “Em có biết vì sao không?” Cô hỏi cô gái.
“Không. Nhưng hắn chỉ gọi em thế thôi. Hắn có vẻ thích gọi cái tên ấy.”
“Anh nghe được chứ, Lincoln.”
“Có, tôi nghe được. Giờ thì khám nghiệm hiện trường. Thời gian đang bị lãng phí đấy.”
Khi Sachs đứng lên, Monelle bất ngờ vươn tay nắm lấy cổ tay cô.
“Chị… Sachs, chị có phải người Đức không?”
Cô mỉm cười trả lời. “Lâu lắm rồi. Vài thế hệ trước.”
Monelle gật đầu. Cô ép tay Sachs lên má: “Vielen Dank[92]. Cám ơn chị, Sachs. Danke schön[93].”
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!