Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam - Sự tích cá he
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
154


Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam


Sự tích cá he


Ngày xưa có một nhà sư trẻ tuổi rất ngoan đạo. Sau hơn ba mươi năm khổ công tu luyện, sư thuộc lòng tất cả các kinh kệ nhà Phật, lại giỏi thuyết pháp. Vậy mà lâu rồi vẫn chưa được thành chính quả. Sư, bụng bảo dạ: – “Phải đến đất phật một phen mới có hy vọng thành Phật”. Nghĩ vậy, sư ta quyết chí tìm đường sang Tây-trúc.

Đương đi từ nước nhà sang Tây-trúc thuở đó thật muôn phần vất vả. Việc giao thông hầu hết là đường bộ, mà đi bộ trên con đường mịt mùng thăm thẳm thì mỗi bước là một hiểm nguy. Nhưng nhà sư trẻ tuổi vẫn quả quyết nhắm hướng Tây khởi hành.

Cuộc hành trình đã được năm mươi ngày. Nhà sư đã nhiều lần lạc đường và mấy lần mê man vì sốt, nhưng nhờ được giúp đỡ nên đều qua khỏi. Hễ dứt bệnh là chàng lại tiếp tục cuộc hành trình.

Một hôm, đến một khu rừng thì trời đã chiều. Sư cố bước dồn hòng tìm một nơi nghỉ vì trong người đã thấy ớn rét. May sao giữa rừng sâu, sư bỗng gặp một ngôi nhà. Nghe tiếng gọi cửa, một bà cụ già bước xuống sàn. Sư tỏ ngay ý định của mình là xin ngủ nhờ một đêm. Nhưng bà cụ vừa thấy khách đã xua tay rối rít:

– Đi mau lên! Mau lên! Con ta mà về thì không còn tính mạng đâu.

Sư đáp:

– Tôi bây giờ thật là kiệt sức, không thể nào bước được nữa. Nếu không cho nghỉ thì cũng đành nằm liều trước cửa đây thôi.

Bà cụ bảo:

– Chao ôi! Con ta vốn là Ác Lai hay ăn thịt người. Cố đi nhanh lên, bây giờ nó sắp về rồi đó.

Nhưng sư đã vứt tay nải, nằm vật xuống đất. Hai đầu gối va vào nhau chan chát. Bà cụ không biết nói thế nào nữa, đành nắm tay y lôi đến một cái hầm đá lớn. Sau khi đẩy vào, bà cụ bảo y phải giữ cho thật im lặng để tránh một cái chết thê thảm. Đoạn, bà cụ chất củi phủ lá rất kín đáo.

Trời tối hắn thì Ác Lai về đến nhà, tay xách một con mang. Hắn dừng lại ở chân thang và khịt mũi mãi. Hắn nói:

– Có mùi thịt mẹ ạ!

Mẹ hắn đáp:

– Thì chả thịt mày mang về đấy là gì?

– Không phải. Thịt người. Con biết lắm. Có thịt người.

Bà cụ chưa kịp can thì hắn đã quẳng con mang lên sàn rồi chạy đi tìm. Chả mấy chốc, hắn đã lôi được nhà sư bất tỉnh nhân sự từ dưới hầm về phòng mình.

Khi sư tỉnh dậy thì đã thấy Ác lai đang cầm một mũi mác lăm lăm ở tay. Hắn quát:

– Mày đi đâu?

Sư nhìn kỹ thấy hắn cũng không khác gì người thường bèn tỉnh táo đáp:

– Tôi đi tìm Phật.

– Tìm để làm gì?

Sư bấy giờ mới nói rõ mục đích của mình. Rồi luôn miệng, sư giảng giải đạo từ bi cho hắn. Sư nói mãi, nói mãi, kể lại bao nhiêu nỗi gian truân dọc đường, và niềm mong muốn cuối cùng là làm sao được nhìn mặt đức Phật để Phật độ cho thành chính quả. Sư nói khéo quá, đến nỗi mẹ con Ác Lai đều cảm động đến rơi nước mắt. Thấy họ thành thật hối lỗi, sư cho họ biết là họ cũng sẽ trở nên “vô sinh vô diệt”, sẽ sống một đời sống bội phần sung sướng trên Nát-bàn, nếu họ nhất quyết bỏ ác làm thiện. Tự nhiên mũi mác ở tay Ác Lai rơi xuống sàn. Những đường nhăn hung ác mới đó giờ đã dịu lại.

Sáng hôm sau, khi sư sắp sửa lên đường thì mẹ con Ác Lai vui vẻ sắp sẵn lương thực cho chàng. Họ lại tiễn đưa sư sang tận bên kia một ngọn núi đá. Khi sắp từ biệt, Ác Lai hỏi:

– Tôi biết lấy gì mà dâng Phật đây?

Sư đáp:

– “Tâm tức thị Phật, Phật tức thị tâm”. Chỉ dâng tấm lòng mình là đủ.

Sư không ngờ Ác Lai đã rút mũi mác, nhanh như cắt tự rạch bụng mình lôi ra cả một mớ ruột gan đưa cho sư và nói:

– Nhờ hòa thượng đưa hộ dâng lên đức Phật.

Sư lấy làm bối rối quá. Chỉ vì Ác Lai hiểu nhầm lời nói của mình. Bây giờ còn biết làm thế nào đây. Cuối cùng sư ta đành nhìn vào cặp mắt của Ác Lai, gật đầu nhận lời rồi gói bộ lòng của con người đáng thương đó lại và quảy lên vai, cất bước ra đi.

Sư vừa đi được mấy ngày thì khu rừng rậm chấm dứt, biển lộ ra trước mặt mênh mông bát ngát. Nước trời một vẻ trông rất vui mắt, nhưng trong bụng sư lại chẳng vui một tí nào. Món lễ vật của đức Phật đè nặng trên vai. Nếu chỉ có thế thì không có gì đáng ngại cho lắm. Khổ một nỗi là mùi thối từ bộ lòng kia xông ra khó tả. Sư lẩm bẩm: – “Như thế này thì các nhà quán dọc đường còn ai dám chứa mình”. Qua ngày hôm sau, không thể chịu nổi nữa, sư bèn vứt bộ lòng Ác Lai xuống biển.

Nhà sư đi mãi rồi cũng đến Tây-trúc. Nhưng khi phủ phục trước Phật đài nói lên nỗi thắc mắc của mình vì sao chưa được đắc đạo thì bỗng nhiên trên điện cao có tiếng vọng xuống bảo chàng: – “Còn thiếu một vật nữa mới thành chính quả”. Sư rất đỗi kinh ngạc, cố ngước mắt nhìn lên một tí. Trên cao vời vợi, sư thấy hai người tựa hồ như hai mẹ con Ác Lai. Sư bỗng hiểu hết: Đức Phật đã rõ sự thiếu thành thực, thiếu tận tâm của mình rồi; còn mẹ con Ác Lai nay đã thành chính quả chỉ là nhờ trong một lúc, ngộ đạo mau lẹ và chân thành. Sư nằm phục vị hồi lâu, lòng thẹn thò vô kể.

Nhà sư ta sau đó lại trở về chốn cũ để tìm lại bộ lòng. Tuy biển mênh mông sâu thắm, nhưng sư cũng cố lặn hụp để mong thấy lại món quà dâng Phật mà Ác Lai gửi cho mình. Sư nghĩ chỉ có làm thế mới dám nhìn lại mẹ con Ác Lai và hy vọng tới gần tòa sen đức Phật. Sư bơi lên lặn xuống mãi. Sau đó sư hóa làm loài cá mà người ta vẫn gọi là cá he[1], cũng gọi là cá nược hay có nơi gọi là cá ông sư. Vì cho đến ngày nay dòng dõi loài cá đó con nào con ấy có cái đầu trọc như đầu ông sư và vẫn làm cái việc của nhà sư, nghĩa là chúng đi hàng đàn, cứ lặn xuống nổi lên luôn không chịu nghỉ.

Những người đánh cá còn nói loài cá he rất ghét những ai trêu chọc mình. Ai trêu chọc nghĩa là gợi lại chuyện cũ của tổ tiên chúng nó, chúng nó sẽ làm cho đắm thuyền rách lưới. Trái lại, ai khen ngợi reo hò thì chúng nó sẽ lặn xuống nổi lên nhiều lần cho mà xem[2].

KHẢO DỊ

Truyện kể trên lưu hành ở miền Nam. Nhân dân miền Bắc kể chuyện này cũng một nội dung nhưng khác tên gọi. Đó là Sự tích chim bìm bịp:

Một sư nữ chân tu, ăn chay niệm Phật bao nhiêu năm ròng mà chưa đắc đạo. Một hôm, sư quyết định sang Tây-trúc để hỏi Phật duyên cớ vì sao.

Sau mấy tháng trời ngày đi đêm nghỉ, một ngày kia sư đến một khu rừng thẳm. Trời đã xế chiều, sức đã kiệt thì may sao, sư trông thấy một cái nhà bên đường. Nghe tiếng gõ cửa, một người đàn bà bước ra vội vã xua tay, bảo khách đi nhanh lên kẻo con mình là yêu, hễ bắt được người là ăn thịt. Nhưng thấy sư nữ năn nỉ quá, chủ nhân lấy cơm cho ăn rồi bảo chui vào trong một cái vại đậy lại cẩn thận.

Yêu con về đánh hơi thấy mùi thịt người, cố tìm cho kỳ được. Yêu mẹ thấy con sắp ăn thịt sư nữ thì hết lời khuyên can: – “Đó là một nhà tu hành. Nếu con ăn thịt người ấy Phật sẽ không dung thứ”. Nghe nói, yêu con dần dần tỉnh ngộ, bày tỏ sự hối hận của mình cho sư biết. Hắn đã ăn thịt mất rất nhiều người và bây giờ hắn muốn chuộc tội. Cuối cùng, yêu con hỏi sư nữ: – “Tôi muốn sửa lỗi để theo Phật. Chẳng hay dùng cái gì làm lễ ra mắt?” Đáp: – “Phật chỉ cần tấm lòng mà thôi!”.

Thế là yêu con rút dao rạch bụng lôi cả gan ruột gan ra và nói: – “Nhờ chuyển giúp cho tôi vật này làm lễ dâng Phật”. Sư nữ không ngờ hắn lại hiểu nhầm như vậy, đành nhận lời, quảy bộ lòng lên đường. Nhưng được mấy ngày bộ ruột nặng mùi quá không sao chịu được, sư nữ quên cả lời hứa, quăng vào bụi rậm và tiếp tục đi nữa.

Đến Tây-trúc, khi nhà sư vào làm lễ thì đức Phật ở trên tòa sen bảo: – “Còn thiếu một vật nữa mới thành chính quả”. Sư nữ hiểu ra, òa khóc, nói mình đã kiệt sức, không biết làm thế nào mà tìm được. Phật cho nàng hai chiếc cánh để đi cho chóng và bắt tìm cho ra.

Nhưng còn biết đâu mà tìm. Sư nữ khóc liên miên, ngày đêm chui rúc hết bụi này đến bụi khác, thỉnh thoảng lại lên tiếng than thở, phảng phất như tiếng “bìm bịp”. Tìm không được, nhưng sư cứ phải tìm mãi. Rồi sau đó sư hóa thành một loại chim đầu đen, mình nâu, mắt đỏ như máu, người ta gọi là chim bìm bịp. Đó là hình dạng của sư nữ đầu chít khăn đen, mình mặc áo vải nâu già. Còn mắt đỏ là vì khóc nhiều mà sinh ra thế[3] (Xem thêm một truyện khác về bìm bịp ở mục Khảo dị, truyện số 16).

Truyện Sự tích cây phướn nhà chùa cũng có nội dung giống hai truyện trên:

Xưa có một người chuyên môn ăn thịt người. Hắn đã từng bắt giết không biết bao nhiêu nhân mạng. Tuy hung ác vô đạo, nhưng hắn lại thờ mẹ rất có hiếu. Một hôm, có một nhà sư đi quyên giáo qua đó bị hắn bắt. Khi hắn sắp giết thịt thì mẹ hắn ra xin hộ cho nhà sư. Thấy mẹ năn nỉ quá, hắn đành buông đao rồi hỏi sư làm gì và đi đâu. Nghe nhà sư kể chuyện, cả hai mẹ con rất hối hận về những tội ác từ trước đến nay. Hai mẹ con cũng muốn kiếm một vật cúng cho nhà chùa nhưng ngặt vì trong nhà chả có gì đáng giá cả. Nhưng người con đã tình nguyện nộp bộ lòng của mình đưa về cúng Phật. Vừa nói hắn vừa rạch bụng moi ruột đưa ra. Nhà sư cũng nhận lấy nhưng đến bờ suối thì quẳng luôn xuống nước. Có con quạ thấy vậy, tha bộ ruột ấy bay đến chùa, đậu trên ngọn cây kêu lên om sòm. Đức Phật rõ chuyện, khen thưởng con quạ mà phạt tội nhà sư. Đồng thời đưa hai mẹ con nhà kia lên trời thành Phật. Từ đó nhà chùa làm cây phướn để ghi nhớ việc ấy. Trên cây phướn bao giờ cũng tạc hình con quạ ngậm một tấm lụa dài độ hai ba mươi thước. Tấm lụa tượng trưng cho bộ ruột của người đã rạch bụng cúng Phật[4].

Tóm lại, ba cốt truyện trên có lẽ xuất phát từ một phật thoại và đã được sửa chữa tô điểm thành truyện cổ tích dân gian.

Theo Mỹ Ấm tùy bút thì mẹ Ác Lai được Phật độ cho làm Mụ Thiện. Ác Lai trở thành hai vị Hộ pháp được Phật cho giữ chùa mà ta thường gọi là ông Thiện ông Ác. Tại sao một người lại hóa thành hai? Đó là vì tuy là một nhân vật nhưng kể từ khi rạch bụng cúng Phật đã tách thành hai con người khác hẳn. Ông Thiện là hiện thân của quãng đời sau của Ác Lai (thời kỳ ngộ đạo). Ông Ác là hiện thân của quãng đời trước (chưa ngộ đạo).

Nhưng về sự tích cá he, không phải chỉ có mỗi truyện trên kia. Lăng-đờ (Landes) trong sách đã dẫn, có sưu tập được hai truyện nữa, có những mô-típ khác hẳn với mấy truyện vừa kể.

Truyện thứ nhất tức là truyện Con mụ lường (xem truyện số 84, tập II).

Truyện thứ hai:

Xưa có một cô gái con một phú ông. Trong làng có một chàng học trò nghèo thỉnh thoảng đến nhà cô xin ăn. Dần dần cô gái phải lòng anh ta và ước hẹn có ngày nên vợ nên chồng. Nàng lấy trộm của cha mẹ một nén vàng đưa cho, bảo cố học thi đỗ, hứa sẽ chờ đợi. Người học trò cảm ơn và thề bồi với cô gái.

Không ngờ khoa thi năm ấy người học trò bị hỏng. Vừa buồn vừa thẹn, chàng bỏ đi xứ khác, quyết thi đậu mới trở về. Về phần cô gái nghe tin người yêu thi hỏng, lại đi biệt tích nên cũng rất chán nản. Sau cùng không thể chờ mãi được, cô phải kết hôn với một người giàu sang trong vùng.

Mãi đến bảy năm sau, người học trò mới thi đậu và được bổ làm quan. Tin rằng người yêu vẫn còn chờ mình, anh chàng vui vẻ tìm về quê hương. Khi biết nàng đã có chồng, chàng mới quyết định không gặp nữa.

Về phía người đàn bà nọ, nghe tin người yêu cũ đã đỗ đạt làm nên, lại có ý đi tìm mình, chắc là vẫn trung thành với lời thề xưa nên bỏ chồng tìm đến nhà người cũ. Anh chàng đón tiếp rất tử tế nhưng khi nghe nhắc lại lời ước cũ thì đáp: – “Nàng đến thăm tôi chơi thì được nhưng đến để lấy tôi thì không được. Hãy trở về với chống cũ đi! Một người đàn bà không thể có hai chồng!”. Không ngờ câu trả lời lại như vậy, người đàn bà thẹn quá đáp: – “Tôi tưởng anh còn nhớ lời ước cũ nên đã bỏ chồng đến gặp anh. Bây giờ không còn mặt mũi nào trở về nữa”. Nói đoạn nhảy xuống sông tự tử và hóa thành cá he. Người ta bảo khi cá nổi trên mặt nước thấy trời thì thẹn với trời phải lặn xuống để giấu đi, nhưng khi xuống nước thấy đất thì thẹn với đất phải nổi lên. Vì thế cá thành thói quen lặn xuống nổi lên không nghỉ.

Truyện thứ ba[5]:

Một ông hoàng có hai cô gái. Cô bé tên là Thị Quy, nhan sắc tuyệt trần. Có nhiều hoàng tử lân bang đến dạm hỏi nhưng đều bị từ chối. Nàng chỉ yêu có mỗi một chàng trai nhà nghèo bấy giờ lưu học ở kinh đô tên là Anh Linh. Hai người chỉ non thề biển hứa lấy nhau sau khi Anh Linh đã đỗ đạt.

Thấy Thị Quy từ chối, bọn hoàng tử lân bang tức giận, cùng cử binh đến đánh báo thù. Nhà vua sai ông hoàng, cha Thị Quy đi đánh và cuối cùng ông ta dẹp được.

Anh Linh thi đậu cao, được vua khen ngợi, ban cho một cái nhẫn quý, trên có khắc một câu đố. Vua bảo nếu giảng được sẽ gả công chúa và cho làm quan to. Thấy nét chữ ngoằn ngoèo, Anh Linh không hiểu gì cả, sau gặp được một người ăn mày, chàng cho ông lão nhiều tiền và nhờ đó được ông lão giảng hộ cho.

Vua y ước, cho làm quan đầu triều và gả công chúa cho chàng. Vì vua không có con trai nên ai lấy công chúa thì sẽ được nối ngôi. Biết được điều đó, Anh Linh vội nuốt lời hứa cũ với Thi Quy và nhận lời vua.

Thị Quy thất vọng nhảy xuống sông tự tử. Long vương thương nàng cho hóa thành cá he. Ngày nay cá còn giữ hình thù của cô gái bị phụ tình ở chỗ cố cặp vú như vú con gái và có tiếng kêu lao xao như tiếng rên rỉ của người phụ nữ khóc than cho thân phận.

Đáng để ý tình tiết: nhà sư gặp yêu tinh ăn thịt người, nhưng lại nhờ có bà mẹ của yêu tinh cứu cho khỏi chết, v.v… Tình tiết này khá phổ biến ở một số truyện cổ tích phương Tây mặc dầu mỗi nơi lồng vào một cốt truyện khác nhau. Truyện Ba sợi tóc vàng của chúa quỷ của Pháp, Bỉ, Đức, Ý, v.v… là một trong những truyện đó (xem Khảo dị, số 136, tập III, truyện Người dân nghèo và Ngọc Hoàng). Người Nga có truyện Hoàng tử em rể chó sói cũng có loạt tình tiết này:

Một hoàng tử có người anh rất sợ vợ và thường bị vợ hành hạ. Mỗi lần thấy chị dâu bắt anh mình làm việc gì khó thì hoàng tử thường về nhờ vợ – em gái Sói thần hóa thành người – giúp đỡ. Lần thứ ba, chị dâu bắt người anh phải đi tìm thanh gươm của Sói thần. Hoàng tử tìm đến nhà Sói thần. Bà mẹ Sói thần giúp hoàng tử nấp vào một chỗ kín để khi Sói thần về khỏi bị ăn thịt. Sói thần về đánh hơi thấy hơi người, hỏi mẹ: – “Đã lâu không được ăn thịt người, nào đưa thịt cho con ăn đi”. Người mẹ nói: – “Làm gì có người, con bay khắp nơi nên có hơi người đấy”. Sói thần tìm tòi một lúc không được bèn nằm nghỉ. Khi thấy con đã dìu dịu, mẹ mới đưa hoàng tử ra. Nhưng Sói thần vẫn đòi ăn thịt. Hai bên đánh bài, hoàng tử thua, sắp bị ăn thịt nhưng nhờ chiếc khăn của vợ nên Sói thần nhận ra là chồng của em gái. Cuối cùng hoàng tử đem được gươm của Sói thần về và chữa cho người chị dâu trở nên hiền lành[6].

[1] . Theo Jê-ni-bren (Génibrel) và Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn.

[2] . Theo Thực nghiệp dân báo.

[3] . Theo Trung Bắc chủ nhật (1943).

[4] . Theo Phan Kế Bỉnh. Việt-nam phong tục. Về Sự tích cây phướn nhà chùa, ở Nghệ-an có người kể khác với truyện trên:

Xưa, đức Phật sai một người đi sang một nước khác để lấy kinh về cho mình. Người ấy đưa về đến nửa đường thì bị một con hổ ăn thịt (về tình tiết này, một người khác ở Cát-ngạn (Thanh-chương) kể rằng người ấy bị một con rùa lớn làm chìm mất thuyền kinh). Thấy kinh Phật tan tác giữa đường,, một con quạ bèn tha về cho đức Phật. Để trả ơn quạ, đức Phật sai làm một cây nêu rất cao cho quạ đỗ trên đó. Về sau, nhà chùa thường trồng cây phướn, trên có quạ ngậm giải dài là vì thế (Bản khai của xã Đức-mỹ). Xem thêm Khảo dị, truyện 136, tập III).

[5] . Jam-mơ (Jammes). Hồi ức về nước An-nam.

[6] . Theo Truyện dân gian Nga (bản dịch của Nguyễn Hải Sa).

Ngày xưa có một nhà sư trẻ tuổi rất ngoan đạo. Sau hơn ba mươi năm khổ công tu luyện, sư thuộc lòng tất cả các kinh kệ nhà Phật, lại giỏi thuyết pháp. Vậy mà lâu rồi vẫn chưa được thành chính quả. Sư, bụng bảo dạ: – “Phải đến đất phật một phen mới có hy vọng thành Phật”. Nghĩ vậy, sư ta quyết chí tìm đường sang Tây-trúc.

Đương đi từ nước nhà sang Tây-trúc thuở đó thật muôn phần vất vả. Việc giao thông hầu hết là đường bộ, mà đi bộ trên con đường mịt mùng thăm thẳm thì mỗi bước là một hiểm nguy. Nhưng nhà sư trẻ tuổi vẫn quả quyết nhắm hướng Tây khởi hành.

Cuộc hành trình đã được năm mươi ngày. Nhà sư đã nhiều lần lạc đường và mấy lần mê man vì sốt, nhưng nhờ được giúp đỡ nên đều qua khỏi. Hễ dứt bệnh là chàng lại tiếp tục cuộc hành trình.

Một hôm, đến một khu rừng thì trời đã chiều. Sư cố bước dồn hòng tìm một nơi nghỉ vì trong người đã thấy ớn rét. May sao giữa rừng sâu, sư bỗng gặp một ngôi nhà. Nghe tiếng gọi cửa, một bà cụ già bước xuống sàn. Sư tỏ ngay ý định của mình là xin ngủ nhờ một đêm. Nhưng bà cụ vừa thấy khách đã xua tay rối rít:

– Đi mau lên! Mau lên! Con ta mà về thì không còn tính mạng đâu.

Sư đáp:

– Tôi bây giờ thật là kiệt sức, không thể nào bước được nữa. Nếu không cho nghỉ thì cũng đành nằm liều trước cửa đây thôi.

Bà cụ bảo:

– Chao ôi! Con ta vốn là Ác Lai hay ăn thịt người. Cố đi nhanh lên, bây giờ nó sắp về rồi đó.

Nhưng sư đã vứt tay nải, nằm vật xuống đất. Hai đầu gối va vào nhau chan chát. Bà cụ không biết nói thế nào nữa, đành nắm tay y lôi đến một cái hầm đá lớn. Sau khi đẩy vào, bà cụ bảo y phải giữ cho thật im lặng để tránh một cái chết thê thảm. Đoạn, bà cụ chất củi phủ lá rất kín đáo.

Trời tối hắn thì Ác Lai về đến nhà, tay xách một con mang. Hắn dừng lại ở chân thang và khịt mũi mãi. Hắn nói:

– Có mùi thịt mẹ ạ!

Mẹ hắn đáp:

– Thì chả thịt mày mang về đấy là gì?

– Không phải. Thịt người. Con biết lắm. Có thịt người.

Bà cụ chưa kịp can thì hắn đã quẳng con mang lên sàn rồi chạy đi tìm. Chả mấy chốc, hắn đã lôi được nhà sư bất tỉnh nhân sự từ dưới hầm về phòng mình.

Khi sư tỉnh dậy thì đã thấy Ác lai đang cầm một mũi mác lăm lăm ở tay. Hắn quát:

– Mày đi đâu?

Sư nhìn kỹ thấy hắn cũng không khác gì người thường bèn tỉnh táo đáp:

– Tôi đi tìm Phật.

– Tìm để làm gì?

Sư bấy giờ mới nói rõ mục đích của mình. Rồi luôn miệng, sư giảng giải đạo từ bi cho hắn. Sư nói mãi, nói mãi, kể lại bao nhiêu nỗi gian truân dọc đường, và niềm mong muốn cuối cùng là làm sao được nhìn mặt đức Phật để Phật độ cho thành chính quả. Sư nói khéo quá, đến nỗi mẹ con Ác Lai đều cảm động đến rơi nước mắt. Thấy họ thành thật hối lỗi, sư cho họ biết là họ cũng sẽ trở nên “vô sinh vô diệt”, sẽ sống một đời sống bội phần sung sướng trên Nát-bàn, nếu họ nhất quyết bỏ ác làm thiện. Tự nhiên mũi mác ở tay Ác Lai rơi xuống sàn. Những đường nhăn hung ác mới đó giờ đã dịu lại.

Sáng hôm sau, khi sư sắp sửa lên đường thì mẹ con Ác Lai vui vẻ sắp sẵn lương thực cho chàng. Họ lại tiễn đưa sư sang tận bên kia một ngọn núi đá. Khi sắp từ biệt, Ác Lai hỏi:

– Tôi biết lấy gì mà dâng Phật đây?

Sư đáp:

– “Tâm tức thị Phật, Phật tức thị tâm”. Chỉ dâng tấm lòng mình là đủ.

Sư không ngờ Ác Lai đã rút mũi mác, nhanh như cắt tự rạch bụng mình lôi ra cả một mớ ruột gan đưa cho sư và nói:

– Nhờ hòa thượng đưa hộ dâng lên đức Phật.

Sư lấy làm bối rối quá. Chỉ vì Ác Lai hiểu nhầm lời nói của mình. Bây giờ còn biết làm thế nào đây. Cuối cùng sư ta đành nhìn vào cặp mắt của Ác Lai, gật đầu nhận lời rồi gói bộ lòng của con người đáng thương đó lại và quảy lên vai, cất bước ra đi.

Sư vừa đi được mấy ngày thì khu rừng rậm chấm dứt, biển lộ ra trước mặt mênh mông bát ngát. Nước trời một vẻ trông rất vui mắt, nhưng trong bụng sư lại chẳng vui một tí nào. Món lễ vật của đức Phật đè nặng trên vai. Nếu chỉ có thế thì không có gì đáng ngại cho lắm. Khổ một nỗi là mùi thối từ bộ lòng kia xông ra khó tả. Sư lẩm bẩm: – “Như thế này thì các nhà quán dọc đường còn ai dám chứa mình”. Qua ngày hôm sau, không thể chịu nổi nữa, sư bèn vứt bộ lòng Ác Lai xuống biển.

Nhà sư đi mãi rồi cũng đến Tây-trúc. Nhưng khi phủ phục trước Phật đài nói lên nỗi thắc mắc của mình vì sao chưa được đắc đạo thì bỗng nhiên trên điện cao có tiếng vọng xuống bảo chàng: – “Còn thiếu một vật nữa mới thành chính quả”. Sư rất đỗi kinh ngạc, cố ngước mắt nhìn lên một tí. Trên cao vời vợi, sư thấy hai người tựa hồ như hai mẹ con Ác Lai. Sư bỗng hiểu hết: Đức Phật đã rõ sự thiếu thành thực, thiếu tận tâm của mình rồi; còn mẹ con Ác Lai nay đã thành chính quả chỉ là nhờ trong một lúc, ngộ đạo mau lẹ và chân thành. Sư nằm phục vị hồi lâu, lòng thẹn thò vô kể.

Nhà sư ta sau đó lại trở về chốn cũ để tìm lại bộ lòng. Tuy biển mênh mông sâu thắm, nhưng sư cũng cố lặn hụp để mong thấy lại món quà dâng Phật mà Ác Lai gửi cho mình. Sư nghĩ chỉ có làm thế mới dám nhìn lại mẹ con Ác Lai và hy vọng tới gần tòa sen đức Phật. Sư bơi lên lặn xuống mãi. Sau đó sư hóa làm loài cá mà người ta vẫn gọi là cá he[1], cũng gọi là cá nược hay có nơi gọi là cá ông sư. Vì cho đến ngày nay dòng dõi loài cá đó con nào con ấy có cái đầu trọc như đầu ông sư và vẫn làm cái việc của nhà sư, nghĩa là chúng đi hàng đàn, cứ lặn xuống nổi lên luôn không chịu nghỉ.

Những người đánh cá còn nói loài cá he rất ghét những ai trêu chọc mình. Ai trêu chọc nghĩa là gợi lại chuyện cũ của tổ tiên chúng nó, chúng nó sẽ làm cho đắm thuyền rách lưới. Trái lại, ai khen ngợi reo hò thì chúng nó sẽ lặn xuống nổi lên nhiều lần cho mà xem[2].

KHẢO DỊ

Truyện kể trên lưu hành ở miền Nam. Nhân dân miền Bắc kể chuyện này cũng một nội dung nhưng khác tên gọi. Đó là Sự tích chim bìm bịp:

Một sư nữ chân tu, ăn chay niệm Phật bao nhiêu năm ròng mà chưa đắc đạo. Một hôm, sư quyết định sang Tây-trúc để hỏi Phật duyên cớ vì sao.

Sau mấy tháng trời ngày đi đêm nghỉ, một ngày kia sư đến một khu rừng thẳm. Trời đã xế chiều, sức đã kiệt thì may sao, sư trông thấy một cái nhà bên đường. Nghe tiếng gõ cửa, một người đàn bà bước ra vội vã xua tay, bảo khách đi nhanh lên kẻo con mình là yêu, hễ bắt được người là ăn thịt. Nhưng thấy sư nữ năn nỉ quá, chủ nhân lấy cơm cho ăn rồi bảo chui vào trong một cái vại đậy lại cẩn thận.

Yêu con về đánh hơi thấy mùi thịt người, cố tìm cho kỳ được. Yêu mẹ thấy con sắp ăn thịt sư nữ thì hết lời khuyên can: – “Đó là một nhà tu hành. Nếu con ăn thịt người ấy Phật sẽ không dung thứ”. Nghe nói, yêu con dần dần tỉnh ngộ, bày tỏ sự hối hận của mình cho sư biết. Hắn đã ăn thịt mất rất nhiều người và bây giờ hắn muốn chuộc tội. Cuối cùng, yêu con hỏi sư nữ: – “Tôi muốn sửa lỗi để theo Phật. Chẳng hay dùng cái gì làm lễ ra mắt?” Đáp: – “Phật chỉ cần tấm lòng mà thôi!”.

Thế là yêu con rút dao rạch bụng lôi cả gan ruột gan ra và nói: – “Nhờ chuyển giúp cho tôi vật này làm lễ dâng Phật”. Sư nữ không ngờ hắn lại hiểu nhầm như vậy, đành nhận lời, quảy bộ lòng lên đường. Nhưng được mấy ngày bộ ruột nặng mùi quá không sao chịu được, sư nữ quên cả lời hứa, quăng vào bụi rậm và tiếp tục đi nữa.

Đến Tây-trúc, khi nhà sư vào làm lễ thì đức Phật ở trên tòa sen bảo: – “Còn thiếu một vật nữa mới thành chính quả”. Sư nữ hiểu ra, òa khóc, nói mình đã kiệt sức, không biết làm thế nào mà tìm được. Phật cho nàng hai chiếc cánh để đi cho chóng và bắt tìm cho ra.

Nhưng còn biết đâu mà tìm. Sư nữ khóc liên miên, ngày đêm chui rúc hết bụi này đến bụi khác, thỉnh thoảng lại lên tiếng than thở, phảng phất như tiếng “bìm bịp”. Tìm không được, nhưng sư cứ phải tìm mãi. Rồi sau đó sư hóa thành một loại chim đầu đen, mình nâu, mắt đỏ như máu, người ta gọi là chim bìm bịp. Đó là hình dạng của sư nữ đầu chít khăn đen, mình mặc áo vải nâu già. Còn mắt đỏ là vì khóc nhiều mà sinh ra thế[3] (Xem thêm một truyện khác về bìm bịp ở mục Khảo dị, truyện số 16).

Truyện Sự tích cây phướn nhà chùa cũng có nội dung giống hai truyện trên:

Xưa có một người chuyên môn ăn thịt người. Hắn đã từng bắt giết không biết bao nhiêu nhân mạng. Tuy hung ác vô đạo, nhưng hắn lại thờ mẹ rất có hiếu. Một hôm, có một nhà sư đi quyên giáo qua đó bị hắn bắt. Khi hắn sắp giết thịt thì mẹ hắn ra xin hộ cho nhà sư. Thấy mẹ năn nỉ quá, hắn đành buông đao rồi hỏi sư làm gì và đi đâu. Nghe nhà sư kể chuyện, cả hai mẹ con rất hối hận về những tội ác từ trước đến nay. Hai mẹ con cũng muốn kiếm một vật cúng cho nhà chùa nhưng ngặt vì trong nhà chả có gì đáng giá cả. Nhưng người con đã tình nguyện nộp bộ lòng của mình đưa về cúng Phật. Vừa nói hắn vừa rạch bụng moi ruột đưa ra. Nhà sư cũng nhận lấy nhưng đến bờ suối thì quẳng luôn xuống nước. Có con quạ thấy vậy, tha bộ ruột ấy bay đến chùa, đậu trên ngọn cây kêu lên om sòm. Đức Phật rõ chuyện, khen thưởng con quạ mà phạt tội nhà sư. Đồng thời đưa hai mẹ con nhà kia lên trời thành Phật. Từ đó nhà chùa làm cây phướn để ghi nhớ việc ấy. Trên cây phướn bao giờ cũng tạc hình con quạ ngậm một tấm lụa dài độ hai ba mươi thước. Tấm lụa tượng trưng cho bộ ruột của người đã rạch bụng cúng Phật[4].

Tóm lại, ba cốt truyện trên có lẽ xuất phát từ một phật thoại và đã được sửa chữa tô điểm thành truyện cổ tích dân gian.

Theo Mỹ Ấm tùy bút thì mẹ Ác Lai được Phật độ cho làm Mụ Thiện. Ác Lai trở thành hai vị Hộ pháp được Phật cho giữ chùa mà ta thường gọi là ông Thiện ông Ác. Tại sao một người lại hóa thành hai? Đó là vì tuy là một nhân vật nhưng kể từ khi rạch bụng cúng Phật đã tách thành hai con người khác hẳn. Ông Thiện là hiện thân của quãng đời sau của Ác Lai (thời kỳ ngộ đạo). Ông Ác là hiện thân của quãng đời trước (chưa ngộ đạo).

Nhưng về sự tích cá he, không phải chỉ có mỗi truyện trên kia. Lăng-đờ (Landes) trong sách đã dẫn, có sưu tập được hai truyện nữa, có những mô-típ khác hẳn với mấy truyện vừa kể.

Truyện thứ nhất tức là truyện Con mụ lường (xem truyện số 84, tập II).

Truyện thứ hai:

Xưa có một cô gái con một phú ông. Trong làng có một chàng học trò nghèo thỉnh thoảng đến nhà cô xin ăn. Dần dần cô gái phải lòng anh ta và ước hẹn có ngày nên vợ nên chồng. Nàng lấy trộm của cha mẹ một nén vàng đưa cho, bảo cố học thi đỗ, hứa sẽ chờ đợi. Người học trò cảm ơn và thề bồi với cô gái.

Không ngờ khoa thi năm ấy người học trò bị hỏng. Vừa buồn vừa thẹn, chàng bỏ đi xứ khác, quyết thi đậu mới trở về. Về phần cô gái nghe tin người yêu thi hỏng, lại đi biệt tích nên cũng rất chán nản. Sau cùng không thể chờ mãi được, cô phải kết hôn với một người giàu sang trong vùng.

Mãi đến bảy năm sau, người học trò mới thi đậu và được bổ làm quan. Tin rằng người yêu vẫn còn chờ mình, anh chàng vui vẻ tìm về quê hương. Khi biết nàng đã có chồng, chàng mới quyết định không gặp nữa.

Về phía người đàn bà nọ, nghe tin người yêu cũ đã đỗ đạt làm nên, lại có ý đi tìm mình, chắc là vẫn trung thành với lời thề xưa nên bỏ chồng tìm đến nhà người cũ. Anh chàng đón tiếp rất tử tế nhưng khi nghe nhắc lại lời ước cũ thì đáp: – “Nàng đến thăm tôi chơi thì được nhưng đến để lấy tôi thì không được. Hãy trở về với chống cũ đi! Một người đàn bà không thể có hai chồng!”. Không ngờ câu trả lời lại như vậy, người đàn bà thẹn quá đáp: – “Tôi tưởng anh còn nhớ lời ước cũ nên đã bỏ chồng đến gặp anh. Bây giờ không còn mặt mũi nào trở về nữa”. Nói đoạn nhảy xuống sông tự tử và hóa thành cá he. Người ta bảo khi cá nổi trên mặt nước thấy trời thì thẹn với trời phải lặn xuống để giấu đi, nhưng khi xuống nước thấy đất thì thẹn với đất phải nổi lên. Vì thế cá thành thói quen lặn xuống nổi lên không nghỉ.

Truyện thứ ba[5]:

Một ông hoàng có hai cô gái. Cô bé tên là Thị Quy, nhan sắc tuyệt trần. Có nhiều hoàng tử lân bang đến dạm hỏi nhưng đều bị từ chối. Nàng chỉ yêu có mỗi một chàng trai nhà nghèo bấy giờ lưu học ở kinh đô tên là Anh Linh. Hai người chỉ non thề biển hứa lấy nhau sau khi Anh Linh đã đỗ đạt.

Thấy Thị Quy từ chối, bọn hoàng tử lân bang tức giận, cùng cử binh đến đánh báo thù. Nhà vua sai ông hoàng, cha Thị Quy đi đánh và cuối cùng ông ta dẹp được.

Anh Linh thi đậu cao, được vua khen ngợi, ban cho một cái nhẫn quý, trên có khắc một câu đố. Vua bảo nếu giảng được sẽ gả công chúa và cho làm quan to. Thấy nét chữ ngoằn ngoèo, Anh Linh không hiểu gì cả, sau gặp được một người ăn mày, chàng cho ông lão nhiều tiền và nhờ đó được ông lão giảng hộ cho.

Vua y ước, cho làm quan đầu triều và gả công chúa cho chàng. Vì vua không có con trai nên ai lấy công chúa thì sẽ được nối ngôi. Biết được điều đó, Anh Linh vội nuốt lời hứa cũ với Thi Quy và nhận lời vua.

Thị Quy thất vọng nhảy xuống sông tự tử. Long vương thương nàng cho hóa thành cá he. Ngày nay cá còn giữ hình thù của cô gái bị phụ tình ở chỗ cố cặp vú như vú con gái và có tiếng kêu lao xao như tiếng rên rỉ của người phụ nữ khóc than cho thân phận.

Đáng để ý tình tiết: nhà sư gặp yêu tinh ăn thịt người, nhưng lại nhờ có bà mẹ của yêu tinh cứu cho khỏi chết, v.v… Tình tiết này khá phổ biến ở một số truyện cổ tích phương Tây mặc dầu mỗi nơi lồng vào một cốt truyện khác nhau. Truyện Ba sợi tóc vàng của chúa quỷ của Pháp, Bỉ, Đức, Ý, v.v… là một trong những truyện đó (xem Khảo dị, số 136, tập III, truyện Người dân nghèo và Ngọc Hoàng). Người Nga có truyện Hoàng tử em rể chó sói cũng có loạt tình tiết này:

Một hoàng tử có người anh rất sợ vợ và thường bị vợ hành hạ. Mỗi lần thấy chị dâu bắt anh mình làm việc gì khó thì hoàng tử thường về nhờ vợ – em gái Sói thần hóa thành người – giúp đỡ. Lần thứ ba, chị dâu bắt người anh phải đi tìm thanh gươm của Sói thần. Hoàng tử tìm đến nhà Sói thần. Bà mẹ Sói thần giúp hoàng tử nấp vào một chỗ kín để khi Sói thần về khỏi bị ăn thịt. Sói thần về đánh hơi thấy hơi người, hỏi mẹ: – “Đã lâu không được ăn thịt người, nào đưa thịt cho con ăn đi”. Người mẹ nói: – “Làm gì có người, con bay khắp nơi nên có hơi người đấy”. Sói thần tìm tòi một lúc không được bèn nằm nghỉ. Khi thấy con đã dìu dịu, mẹ mới đưa hoàng tử ra. Nhưng Sói thần vẫn đòi ăn thịt. Hai bên đánh bài, hoàng tử thua, sắp bị ăn thịt nhưng nhờ chiếc khăn của vợ nên Sói thần nhận ra là chồng của em gái. Cuối cùng hoàng tử đem được gươm của Sói thần về và chữa cho người chị dâu trở nên hiền lành[6].

[1] . Theo Jê-ni-bren (Génibrel) và Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn.

[2] . Theo Thực nghiệp dân báo.

[3] . Theo Trung Bắc chủ nhật (1943).

[4] . Theo Phan Kế Bỉnh. Việt-nam phong tục. Về Sự tích cây phướn nhà chùa, ở Nghệ-an có người kể khác với truyện trên:

Xưa, đức Phật sai một người đi sang một nước khác để lấy kinh về cho mình. Người ấy đưa về đến nửa đường thì bị một con hổ ăn thịt (về tình tiết này, một người khác ở Cát-ngạn (Thanh-chương) kể rằng người ấy bị một con rùa lớn làm chìm mất thuyền kinh). Thấy kinh Phật tan tác giữa đường,, một con quạ bèn tha về cho đức Phật. Để trả ơn quạ, đức Phật sai làm một cây nêu rất cao cho quạ đỗ trên đó. Về sau, nhà chùa thường trồng cây phướn, trên có quạ ngậm giải dài là vì thế (Bản khai của xã Đức-mỹ). Xem thêm Khảo dị, truyện 136, tập III).

[5] . Jam-mơ (Jammes). Hồi ức về nước An-nam.

[6] . Theo Truyện dân gian Nga (bản dịch của Nguyễn Hải Sa).

– Tôi bây giờ thật là kiệt sức, không thể nào bước được nữa. Nếu không cho nghỉ thì cũng đành nằm liều trước cửa đây thôi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN