Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam - Tiêu diệt mãng xà
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
112


Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam


Tiêu diệt mãng xà


Ngày xưa, trong một hang núi nọ có một con mãng xà. Đầu nó to bằng cái chum, trên đầu có mào đỏ, hai mắt như hai quả quýt, thân dài hơn trượng. Nó đi đến đâu là cuốn thành bão đến đấy, cây cối đổ rào rào, bụi bốc mù mịt. Nó đã ăn thịt không biết bao nhiêu là súc vật và người. Người ta dùng nhiều cách để diệt trừ, nhưng mãng xà đã không chết mà còn phá hoại dữ dội hơn. Cuối cùng nhà vua phải sai dựng cho nó một cái đền và hứa mỗi năm khấn một mạng người để nó đỡ phá phách. Nhà vua ra lệnh bắt các làng mỗi năm phải nộp một người con gái để dâng cúng mãng xà, nhưng cũng cho rao trong nước, ai tiêu diệt được con quái vật ấy thì sẽ phong quận công và cho lấy công chúa làm vợ.

Bấy giờ có một chàng trẻ tuổi từ lâu được một nhà sư đưa lên nuôi trên một ngôi chùa ở núi cao. Hàng ngày nhà sư truyền cho anh nghề múa gươm và các môn võ nghệ. Thành tài, anh được thầy tặng một thanh gươm quý và cho phép “hạ sơn”. Hôm ấy anh trở về làng. Sau khi kéo bộ suốt cả một ngày mệt nhọc, anh thấy một tòa đền có ánh sáng le lói, không biết là đền mãng xà, bèn ghé vào nghỉ chân. Vừa bước vào cổng đền bỗng nghe có tiếng khóc thút thít ở phía trong, anh lấy làm ngạc nhiên vội lần vào thượng điện. Dưới ánh đèn dầu, anh thấy một cô gái trạc mười tám, hai mươi tuổi, bị trói vào cột ở một góc điện. Anh lập tức bước đến cởi trói cho nàng và nói:

– Làm sao cô lại bị trói ngồi ở đây?

Cô gái gạt nước mắt nói:

– Chàng là ai, ở xứ nào mà không biết đây là đền thờ mãng xà ư?

Đoạn cô kể lại những hành động của mãng xà, mỗi năm phải nộp một mạng người ra sao, cuối cùng cô nức nở:

– Nhà thiếp có một mẹ một con, nghĩ mình chết đi cũng không tiếc, chỉ thương mẹ già không có ai nuôi. Nhưng thôi chàng hãy đi mau khỏi chốn này, nếu không mãng xà nó đền thì chẳng còn tính mạng.

– Thế bao giờ thì nó đến đây?

– Chỉ nội trong đêm nay!

Chàng trẻ tuổi ân cần:

– Tôi muốn thay nàng nộp mạng cho mãng xà để nàng được về với mẹ.

Cô gái đáp:

– Thiếp không muốn vì mình mà người khác phải chết. Cứ để mặc thiếp chịu số kiếp thê thảm, tiền oan nghiệp chướng này. Chỉ mong chàng nếu có đi qua làng, hãy làm ơn ghé vào an ủi mẹ già giúp thiếp.

– Không. Nàng hãy kịp tránh khỏi nơi đây để mặc tôi với con quái vật.

Rồi rút gươm ra khỏi bao, chàng nói tiếp:

– Nó không thể làm hại được tôi đâu. Tôi sẽ bắt cái này ra đối mặt một phen với nó. Nàng hãy chạy về làng mau đi!

Nói đoạn, anh dẫn cô gái ra khỏi cánh rừng, rồi trở lại đền nai nịt gọn ghẽ, quyết thức đợi mãng xà.

Vào khoảng nửa đêm, bỗng phía ngoài có tiếng rào rào, cành cây gẫy răng rắc. Một mùi tanh tưởi xông vào mũi đến lộn mửa. Chàng trẻ tuổi đứng dậy rút gươm nấp vào bên thượng điện. Mãng xà quen như mọi khi, từ từ vắt mình qua tường tiến vào. Nhưng nó vừa thò cái đầu vào đền thì chàng trẻ tuổi đã khởi thế công ngay. Lưỡi gươm của anh lóe lên trong đêm tối như chớp giật. Con quái vật bị thương, lao tới toan nuốt sống kẻ thù. Nhưng đường gươm lợi hại của anh đã lại bồi cho nó một nhát thứ hai. Mãng xà đau quá, rống lên, hà hơi phun gió rồi quật đuôi tới tấp làm anh lăn đi mấy vòng. Sắp bị lọt vào miệng quái vật thì may sao, anh đã kịp đứng bật dậy, thủ thế đâm cho nó một mũi thứ ba, nhưng vì đâm mạnh quá nên mũi gươm bị gãy. Anh bèn bồi tiếp mấy nhát, mãng xà bị thương nặng. Cả khúc thân của nó quằn quại mạnh đến nỗi tường và mái đền đổ sụp, gạch ngói lăn xuống rào rào. Anh giơ lưỡi gươm chặt lấy cái đầu con ác thú.

Giết được mãng xà, chàng trẻ tuổi khát nước quá chạy khắp rừng đi tìm suối giải khát, rồi vì mệt quá, anh lần ra bên bờ suối ngủ thiếp một ngày một đêm.

*

Trưa hôm sau, một viên quản có phận sự gác ở khu vực này tiến vào đền để dò động tĩnh. Hắn vô cùng kinh ngạc khi thấy mãng xà nằm trên vũng máu, mà cô gái thì không biết đã biến đi đường nào. Nhưng nghĩ đến lời hứa của vua, hắn lập tức xách lấy đầu mãng xà phóng ngựa về kinh lĩnh thưởng. Trông thấy đầu con quái vật, nhà vua rất vui mừng. Vua hỏi:

– “Ai đã giết được mãng xà?” Viên quan đáp: – “Tâu bệ hạ chính là kẻ hạ thần này”. Vua khen ngợi hồi lâu, rồi ban sắc chỉ phong cho làm quận công, lại truyền gả công chúa như lời đã hứa.

Đám cưới tổ chức rất linh đình. Nhưng giữa hôm cưới, trong khi vua quan tề tựu đông đủ, thì bỗng có một người khách lạ xin vào yết kiến. Vua truyền cho vào. Người khách lạ chính là chàng trẻ tuổi đã giết mãng xà. Vua hỏi:

– Nhà ngươi đến đây có việc gì?

Chàng trẻ tuổi đáp:

– Tâu bệ hạ, chỉ xin phép bệ hạ cho tôi được lấy lại một mảnh gươm gãy còn giắt trong đầu mãng xà mà thôi!

Vua hết sức ngạc nhiên:

– A, vậy ra không phải là phò mã của ta đã hạ thủ mãng xà ư?

Vua nhìn sang phò mã. Phò mã mặt đã tái đi, nhưng vẫn cố cãi:

– Nó là thằng bá vơ nào dám vào đây nhận xằng!

Vua liền sai hoãn ngay lễ cưới lại rồi bảo vệ sĩ bổ đầu mãng xà để tìm mảnh gươm. Một lát sau vệ sĩ đã đưa mảnh thép về dâng nộp, khi ráp vào với gươm của chàng trẻ tuổi thì vừa như in. Vua thét:

– Thì ra phò mã đã lừa dối trẫm và mọi người.

Lập tức vua sai lột thẻ vàng quận công của hắn rồi đeo vào cho chàng trẻ tuổi. Sau đó vua dắt anh ngồi vào chỗ ngồi của phò mã, và ra lệnh cho lễ cưới lại tiếp tục như cũ.Trong khi đó thì viên quản bị giải ra pháp trường[1].

KHẢO DỊ

Về mô-típ này, Việt-nam chúng ta còn có rất nhiều dị bản các loại. Trước hết là một phần của những truyện Thạch Sach (số 68, tập II), Con chim khách mầu nhiệm (số 124, tập III).

Trong Lĩnh-nam chính quái có truyện Quỳ Xương Cuồng hay ăn thịt người. Vua Kinh Dương Vương làm bùa phép để trừ, nhưng không trừ nổi. Cuối cùng người ta phải dựng một ngôi đền, mỗi năm cúng cho nó một người vào ngày 30 tháng Chạp. Đời Tần có Nhâm Ngao muốn phá bỏ tục lệ này nhưng bị Xương Cuồng ăn thịt. Đến đời Đinh Tiên Hoàng, nhờ có một pháp sư bày ra các phép lạ (giống như trò xiếc) cho quỷ Xương Cuồng đến xem say mê, rồi bất thần chém chết.

Sê-ông (Chéon) có kể một Truyện rắn thần ở làng Mễ-đỗ, tổng Tang-giá, huyện Quỳnh-côi (Thái-bình). Làng này hàng năm phải nộp cho thần một cô gái, không có thì làng động không yên. Lệ làng phải cắt phiên từ tiên thứ chỉ lần lượt cho đến người dân cuối cùng, hết vòng lại trở lại. Đến lượt ai thì người ấy thường mua sắm con gái nuôi cho lớn để nộp (nếu không, phải nộp con đẻ). Vào khoảng rằm tháng Chạp làng mở hội tế thần, xong, bỏ người con gái vào hậu cung khóa lại, rồi ai về nhà nấy.

Một năm đến lượt một cô con gái nhà giàu phải làm vật hy sinh. Một anh ăn trộm qua đó nghe tiếng khóc lấy làm lạ, chạy vào hỏi mới biết chuyện, bèn phá cửa vào cùng ngồi với cô, tay thủ sẵn hai con dao găm. Khi rắn thần hiện ra nó há miệng bằng gàu giai, anh chàng một tay dùng dao chống hàm con rắn, tay kia cầm dao khác đâm vào cổ họng. Rắn chết, anh đưa cô gái về nhà, được bố mẹ cô gả cho làm vợ, ở gửi rể[2].

Trong Thính văn dị lục có truyện Thần yêu ở xã Thanh-lâm, Thanh-hóa, mỗi năm cũng phải khấn một gái trinh: cho trai giới, ăn chay, mặc áo quần mới. Lúc sắp vào lễ mỗi ngày tắm một lần. Ngày lễ chính còn phải có cỗ xôi con lợn cũng đưa cả vào đền khóa lại. Nhưng nhân vật anh hùng ở đây lại là Gia Long và Lê Văn Duyệt. Lần ấy qua đó nghe tiếng khóc, họ vào cởi trói cho cô gái về, rồi ngồi chén cỗ. Khuya lại, thần tới như một trận cuồng phong nhưng bị những đường gươm nên lỉnh mất. Sáng dậy, họ gọi phụ lão làng ấy vào rừng tìm thì thấy xác một con rắn lớn.

Sơn Nam kể truyện Mãng xà vương Tân-bằng ở làng Tân-bằng, sông Cán-gáo thuộc U-minh-thượng (Rạch-giá). Để được yên ổn, dân làng mỗi năm phải nộp mạng hai đứa trẻ. Vào canh ba giờ tý, hai con quái vật từ vịnh Xiêm-la hiện lên, đi đến đâu làm rung chuyển đến đó. Bấy giờ có Nguyễn Hữu Long ngự y cho nhà vua đến đây đúng vào hôm hiến tế. Ông sai thay hai đứa trẻ vô tội bằng hai con chó to béo, cạo lông mổ ruột trong nhồi thuốc mê, ngoài vẽ mặt mũi như người. Hai con mãng xà tới chén no sau khi giỡn mồi bị thuốc mê ngấm nằm bất tỉnh. Nhưng đáng lẽ giết đi thì ông lại sai đem sơn bôi vào chúng: một con màu xanh, một con màu đỏ. Tỉnh dậy, chúng tưởng lạ, cắn nhau rồi đuổi nhau chạy xuống biển, và từ đấy không trở lại nữa[3].

Lăng-đờ (Landes) cũng kể một truyện, nhưng vai trò anh hùng ở đây lại là bức tranh Quan Đế:

Ở phủ Kiến-xương có một cô gái mồ côi sống bằng nghề may thuê vá mướn. Một hôm cô đi chợ thấy có bán tranh Quan Đế. Bắt chước những người khác, cô nhịn ăn bỏ tiền mua một bức đem về mỗi ngày dâng cúng trước khi ăn, đi đâu cũng mang theo.

Một hôm đi qua làng Nhân-lý, làng này thờ thần Lợn, mỗi năm cũng phải dâng một người con gái. Cô gái thấy có hội làng, chen vào xem. Bọn hướng lý làng này giả thuê cô làm một số công việc ở đền trong mấy ngày hội, hứa sẽ trả cho một số tiền lớn. Đêm lại chúng bỏ cô một mình ở đền. Cô lấy bức tranh ra treo ở tường rồi dâng hương. Nửa đêm thần Lợn xuất hiện, nhưng vừa tới gần thì đã bị Quan Đế từ trong tranh bước xuống chém làm ba khúc[4].

Vũ Ngọc Phan cũng kể truyện một thần Lợn – con lợn thành tinh – mỗi năm làng cũng phải hiến một người con gái chưa chồng. Một anh học trò nghèo đi qua đền đúng vào lúc một cô gái bị đưa đến đền. Anh cầm dao ngồi ăn với thần Lợn, có bọn “tiểu yêu” của nó hầu hạ. Thừa lúc thần Lợn không để ý, anh chém cho nó một nhát gãy chân. Thần hiện nguyên hình là một con lợn, chạy trốn mất. Cả làng đổ ra, theo vết máu đi tìm, cuối cùng bắt được con lợn chén thịt. Còn chàng trai và cô gái về sau lấy nhau[5].

Một loạt truyện khác tuy khác nội dung nhưng vẫn cùng cấu trúc, nhất là hình ảnh nộp mạng người cho ma quỷ:

Truyện Ma rai:

Có một con ma rai ở trong hang đá, dân chúng phải cúng mỗi tháng một mạng người. Đến phiên nhà nọ, nhà chỉ có một mẹ goá con côi. Hai mẹ con không muốn rời nhau, nên cả hai cùng đi, mỗi người cầm một bó đuốc vào đến cửa hang. Ma vốn sợ lửa nên bảo họ đừng đưa vào.

Hai mẹ con không nghe, cầm đuốc tiến thẳng vào, ma sợ chạy ra ngoài đồng, chết thành con ruồi[6].

Truyện Muỗi thần gần giống với truyện trên:

Cạnh động Toàn-sơn có một hang rất sâu có con muỗi thần to bằng con bê. Hàng tháng làng phải nộp một mạng người để cho con quái vật “chích huyết làm rượu, lấy thịt làm đồ nhắm”.

Một hôm đến phiên nhà nọ cũng chỉ có hai mẹ con. Mẹ thương con cùng đi với con. Đến nơi hai người đem mía ăn, chờ muỗi thần. Ăn xong đốt bã mía để sưởi, không ngờ khói luồn vào hang, hun chết quái vật. Sau đó, Diêm vương bắt y hoá thành muỗi, từ đó muỗi chuyên chích trộm máu người[7].

Một loạt truyện khác, tuy không có hình ảnh nộp mạng định kỳ nhưng cũng gần gũi với các truyện trên.

Truyện Con bà Dằn:

Tại xã Phú-khê (Cẩm-khê) có một cái động bà Dằn hay ăn thịt người. Người ta đánh nhau với nó, nhưng hễ chém đứt đầu hay tay chân thì những bộ phận ấy tự tìm về và dính lại với nhau như cũ.

Một hôm bà Dằn bắt được một cô con gái định nuôi béo ăn thịt, nhưng nó lại sợ cứt gà. Cô gái bị bắt đi đổ cứt gà, nhân biết chỗ yếu của mụ, bèn làm cho mụ sợ, rồi trốn đi. Về làng, cô báo tin với dân. Họ mang nhiều cứt gà tới vung vào, lại dùng gươm bôi cứt gà, chém bà Dằn làm trăm mảnh. Những mảnh ấy hoá làm vắt, muỗi và đỉa[8].

Một truyện khác, Quyền làm chồng, có bàn tay tô điểm của nho sĩ với đôi nét hài hước:

Một làng kia thờ thần thiêng ở chân núi. Lúc tế thì bưng cỗ vào miếu, hôm sau đã sạch như chùi. Một hôm thần báo mộng phải nộp một người học trò nọ cho thần làm chồng. Làng họp bàn. Người học trò nhận lời đi nộp mạng, nhưng bảo làng chuẩn bị cho mình một dùi sắt, một vò rượu ngon.

Đến ngày, anh giấu dùi sắt vào người, tay cầm roi song. Đến nơi nhảy lên ngai thờ ngồi. Được một lát có một người con gái hiện ra mang tráp trầu vào mời. Anh thét: – “Tao là chồng, chủ mày là vợ, sao chồng đến đây đã lâu mà không thấy vợ ra mắt, hãy kêu chủ mày ra đây ta bảo”. Lát sau nữ thần hiện ra ăn mặc diêm dúa, anh nọc ra đánh ba chục roi lấy cớ khinh người. Thần mời: – “Xin mời chàng vào”. Anh đi theo vào một hang đá rồi trèo lên ngồi trên bàn đá. Cơm dọn ra thấy thức ăn nguội anh lại nọc đánh ba chục roi. Đem hâm nóng, lại bị đánh. thần không biết làm sao mà chiều, mới ngồi khóc. Bấy giờ anh rút dùi sắt ra đập phá khắp nơi, một hồi chúng tan hết cả. Anh bèn đánh trống ngũ liên mời làng ra triệt hạ ngôi miếu.[9] Một truyện nữa Người đàn bà lấy rồng kểt cục khác hẳn với các truyện trên:

Một ông vua không có con nối dõi, một đêm đi dạo vườn thấy một rắn mẹ và một ổ rắn con. Thấy vua than thở nỗi không con, một rắn con theo vua về. Từ đó hoàng hậu có mang đẻ ra một con rắn xanh, mắt sáng như ngọc. Nó lớn như thổi, chỉ ba ngày hóa thành rồng, rú lên những tiếng dữ dội. Vua và hoàng hậu sợ, bỏ đi ở chỗ khác. Đưa thứ gì rắn cũng không ăn, càng rú dữ dội. Một viên đại thần tra tìm sách vở bảo vua rằng loài đấy phải có thịt con gái mới yên. Vua không dám làm việc ác đức nhưng cũng thử bắt đại thần đưa con gái đến. Đại thần hiến kế: – “Hạ thần sẵn lòng nhưng như thế không đủ, mà bắt con gái dân thì họ sẽ nổi loạn. chi bằng cho lính ra biên giới bắt con gái dân láng giềng”.

Một bà tiên hiện ra bảo vua cứ làm, sẽ có điều hay.

Nghe tin lính đến bắt người, một mụ dì ghẻ muốn hại con chồng, bèn sai cô con gái chồng – Bạch nương – đi chăn trâu xa, chiều tối hãy về, vì vậy mà cô bị bắt. Nhưng trước khi phải làm mồi cho rồng, Bạch nương được bà tiên tiên hoá phép làm cho nhan sắc đẹp đẽ, lại cho một cái áo mặc vào để có thể thoát khỏi nguy hiểm. Nhờ có áo, cô đã hàng phục được rồng. Rồng biến thành một chàng trai, sau đó lấy cô làm vợ. Người dì ghẻ nghe tin này sợ quá hoá điên, bị khỉ ăn thịt[10].

Các dân tộc ở Tây-nguyên cũng có nhiều truyện thuộc mô-típ này. Xem truyện của người Mơ-nông ở Khảo dị truyện Sự tích hồ Gươm (số 26, tập I).

Truyện của người Ja-rai (Djarai) Y Rít giết đại bàng:

Có hai con đại bàng bay tới toan ăn thịt cô gái Hơ-bia Bơ-dung ngồi dưới gốc cây. Cô đáp: – “Dạo này tôi gầy lắm, để vài tuần trăng nữa ăn mới ngon”. Nghe xuôi tai, chúng bỏ đi. Đến ngày hẹn, người bố đem trâu rượu mời dân làng đến canh giữ, hứa ai cứu được sẽ gả. Nhưng khi đại bàng đến thì nó thu hồn họ lại làm cho mọi người ngủ say như chết. “Tôi vẫn còn gầy lắm, đợi ba trăng nữa ăn mới ngon”. Chim hút thử máu đầu ngón tay cô gái thấy đúng, liền bỏ đi. Trai làng tỉnh dậy thì đại bàng đã đi xa.

Lại sắp đến ngày hẹn với đại bàng. Trong làng còn sót một anh chàng nghèo khổ là Rít ở một túp lều rách cuối làng là chưa được mời. Hơ-bia bèn mời anh đến canh giữ với các trai làng. Thấy Rít đến, trai làng chế giễu, bắt ngủ dưới sàn cạnh chuồng gà. Đại bàng tới thu hồn mọi người nhét vào ống tre đút nút lại. Vì Rít ngủ ở dưới sàn nên không ở trong số đó. Rít lén lên chuồng Hơ-bia, chờ khi đại bàng thò cổ vào định bắt Hơ-bia liền rút gươm chém chết, rồi cầm ống tre lẻn ra về. trong đêm tối, Hơ-bia không biết là Rít, chạy theo nắm lấy vỏ gươm và khố của ân nhân, nhưng Rít kịp thời dùng gươm cắt đứt dây buộc vỏ gươm và đuôi khố đi mất. Về đến nhà, họ tranh công nhưng đem so vỏ gươm và khố thì không ai vừa cả. Sau khi Hơ-bia đến nhà Rít so thì vừa, bèn nhận làm chồng. Hai vợ chồng bị bố đuổi đi, nhưng họ làm ăn siêng năng tài giỏi, khắp nơi tôn làm pơ-tao[11].

Người Mèo ở Thanh-hóa có truyện Giết quỷ bốn mồm năm mũi:

Một con quỷ bốn mồm năm mũi buộc dân bản mỗi tháng phải nộp cho nó một mạng thì nó mới không phá phách. Đến phiên anh Khó, anh mài dao chuẩn bị. Có các con vật như ong, rùa, cáo, rắn và các cây rêu, ớt, bầu bí cùng giúp anh trong công cuộc diệt trừ quái vật. Những con vật và loài cây nói trên tiến vào chỗ quỷ ở. Thừa lúc nó ngủ say, các con vật xông vào đánh trước. quỷ đau rống lên, chạy ra bị rêu, ớt, bầu bí làm cho ngã lăn mù mắt. Khó và trai gái trong bản thừa dịp vác dao chém chết[12].

Mô típ truyện Tiêu diệt mãng xà cũng rất phổ biến ở các nước trên thế giới. Hai truyện của người Áp-ga-ni-xtăng (Afghanistan) ở Căng-đa-har (Kandahar):

1.Vua Căng-đa-har bị bắt buộc phải hứa cho một con rồng mỗi ngày một cô gái. mỗi sáng người ta đặt cô gái làm vật hy sinh lên lưng lạc đà. Khi đi qua chỗ ở của rồng thì nó hít mạnh, lập tức cô gái lọt vào mồm nó. Một hôm, đến lượt cô gái đẹp con vua phải nộp mình. Vừa lúc gặp chàng A-li đi qua. Thấy cô khóc, anh nhận đi thay cho cô, cũng ngồi trên lưng lạc đà cho rồng hít. Nhưng khi vừa bị hít tới mồm thì nhanh như cắt, anh tuốt gươm chém ngay một nhát, đầu rồng đứt đôi.

  1. Đứa con người đánh cá: Một người đánh cá câu được một con cá lớn. cá bỗng nói: – “Đừng giết tôi, tôi sẽ cho nhiều cá”. Anh thả ra, quả nhiên như lời. về nhà, anh kể với vợ, vợ bỗng nảy sinh ý ăn thịt con cá lớn. Hai hôm sau anh đi câu cũng lại được con cá lớn, mấy lần đều thả ra, nhưng do vợ dọa, cuối cùng anh phải mang về, bảo với cá là vợ mình thèm ăn thịt nó. Cá nói: – “Thế thì lấy xương tôi chia ba đem chôn ở góc vườn, ở sau nhà và ở dưới chỗ chó cái ngựa cái nằm. Lại lấy ra ba ống máu của tôi; khi con anh khôn lớn thì giao cho mỗi đứa một ống. Sau này hễ đứa nào gặp nạn, các ống máu sôi lên sẽ biết mà đi tìm”. Anh làm theo. Sau đó vợ anh đẻ ba đứa con trai. Chó cái và ngựa cái cũng đều đẻ được ba con, chỗ chôn xương sau vườn đào lên được ba lưỡi giáo. Ba đứa bé lớn lên, một hôm chúng chia nhau mỗi đứa cưỡi một con ngựa và đem một con chó ra đi, hẹn sẽ cứu nhau nếu thấy ống máu sôi lên báo hiệu.

Người anh cả đi đến một ngôi làng nọ thấy mọi người đều để tang, hỏi, thì họ đáp: mỗi năm phải nộp một cô gái cho quái vật bảy đầu, nay số phận rơi vào công chúa. Anh lên rừng tìm gặp công chúa, bảo nàng lên ngựa nấp vào một nơi. Khi quái vật đến, nhờ chó giúp, anh giết được nó. Công chúa cám ơn, mời về nhà, anh từ chối; nàng tặng một cái khăn có tên của mình. Anh cắt lấy bảy cái lưỡi quái vật, lấy khăn bọc lại, rồi chia tay. Công chúa sau đó gặp ba người đốt than liền kể chuyện cho họ nghe. Ba người đe doạ bắt nàng phải về nói với vua là chính tay họ giết. Vua tin là thật hứa gả cho một trong ba người, nhưng công chúa hẹn sau một năm và một ngày mới cho cưới. Từ đấy công chúa buồn thành bệnh. Đến ngày hẹn, vua chuẩn bị lễ cưới, thì cái tin ấy đến tai người anh cả. Anh chàng đến kinh đô, bảo con chó của mình vào cung tìm thức ăn. Nó lấy về hai cái đĩa. đầu bếp nhà vua báo tin ấy cho vua hay. Vua sai một toán lính đi tìm con chó, nhưng anh đã giết cả bọn, trừ một người trở về. Anh lại sai chó đi lấy bánh của vua. Vua sai lính đi tìm chó, lại bị anh diệt. Vua thân hành đến nơi mời anh lên xe vua đưa về dự tiệc. Khi món tráng miệng bưng ra, vua bảo mỗi người kể một câu chuyện, bắt đầu từ ba người đốt than. họ bèn kể chiến công diệt quái vật và nói: – “Đây là bảy cái đầu do chúng tôi chém rụng!” – “Thế thì xem có bảy cái lưỡi ở trong ấy không?” anh chàng người đánh cá hỏi thế. Họ tìm không thấy, anh lại nói: – “Vậy công lao là thuộc về người có lưỡi hay người có đầu?”. Vua nói: – “Về người có lưỡi”. Anh đưa gói lưỡi ra. Công chúa nhận ra khăn của mình, nói: – “Đây mới là người cứu con”. Vua sau đặt một cây thập tự treo cổ ba người kia lên, rồi gả công chúa cho con người đánh cá.

Truyện còn thêm một đoạn kết như sau:

Sau bữa tiệc, lúc về buồng, từ nơi cửa sổ chồng thấy có ánh lửa, hỏi, thì công chúa đáp: – “Mỗi tối đều như thế, không hiểu tại sao”. Chờ cho công chúa đi ngủ, anh lén dậy ra đi. Đến một bãi cỏ, giữa có một lâu đài, anh gặp một bà già, bà già nói: “Nhờ ông xuống ngựa đỡ hộ cho già bó củi”. Anh làm ngay, nhưng bà già – tức mụ phù thuỷ – đã biến anh và cả chó lẫn ngựa của anh thành bãi cỏ. Người em thứ hai thấy lọ máu sôi, bèn đi tìm. Lúc đến nơi thì cũng là lúc công chúa đang trông chồng về. Thấy người em đến, công chúa tưởng là chồng vì họ giống nhau như đúc – “Sao anh về muộn” công chúa hỏi – “Xin lỗi, tôi bận ra lệnh một công việc mà người ta chưa làm”. Khi về buồng trông thấy ngọn lửa, người em cũng hỏi lửa gì, công chúa đáp: – “Anh đã hỏi rồi kia mà!”. Anh lại chờ khi công chúa ngủ lén dậy ra đi và cũng gặp mụ phù thuỷ. Sự việc cũng diễn ra như trước. Đến lượt người em thứ ba thấy máu sôi cũng tìm đến gặp công chúa và cũng theo ánh lửa mà vào rừng. Nhưng khi mụ phù thuỷ bảo anh xuống ngựa đỡ hộ bó củi, anh không đỡ mà nắm lấy tóc mụ, bắt phải làm sống dậy hai người anh. Mụ làm sống dậy, anh giết chết kẻ thù. Thấy ba người trở về giống nhau, công chúa hỏi: – “Người nào là chồng tôi?”. Người anh cả đáp: – “Tôi đây!”. Hai người em sau cũng được kết duyên với hai cô em gái của công chúa. Lễ cưới cử hành linh đình trong sáu tháng[13].

Truyện của người A-va-rơ (Avares) ở Cô-ca-dơ (Caucase) Chàng gấu:

Tai-gấu đến một thành phố lớn dưới âm xin nước uống ở một bà già. Bà nói là không thể cho được vì có một con rồng chín đầu ở gần suối, mỗi năm đòi dâng một cô gái, và chỉ riêng ngày đấy thôi mới để cho dân lấy nước tự do. Tai-gấu đến, không đúng ngày đó và múc được hai bình. Rồng để cho anh múc đến lần thứ hai. Tiếng đồn khắp nơi. Vua cõi âm hứa nếu anh giết được rồng thì muốn gì cũng được. Tai-gấu bèn làm hai cái che tai bằng da, bọc hai tai lại và mang bình đến suối. Rồng mắng sao cứ đến luôn. Tai-gấu mắng lại. Rồng trỗi dậy dùng móng quặp cái mũ che tai. Tai-gấu dùng gươm kim cương thu được trong một cuộc thắng trước đây, chặt được lần lượt chín cái đầu rồng, rồi cắt lấy mười tám cái tai mang về cho vua. Vua gả cho anh nàng công chúa năm ấy phải hiến cho rồng. Nhưng anh chỉ xin vua giúp cho cách trở lên dương gian (xem thêm Khảo dị truyện Thạch Sanh, số 68. tập II).

Người Ấn-độ có nhiều truyện, sau đây là hai truyện tiêu biểu:

  1. Hồi ấy trong một thành phố cổ ở nước Tây Ấn, có một chúa quỷ cầm đầu một lũ quỷ dữ làm hại dân. Chẳng bao lâu thành phố vắng vẻ vì nạn quỷ. Sau cùng, dân hội nhau lại xin mỗi năm nộp mỗi ngày một mạng người. Chúa quỷ đồng ý, nhưng buộc phải để cho người hy sinh làm vua trong ngày đó, các đại thần phải tuân theo tuyệt đối.

Một hôm có một đoàn lái buôn dừng lại ở bờ sông gần thành phố, trong đó có một người đầy tớ đi theo tên là Vi-kra-ma-đi-ti-a. Tối lại, họ nghe có tiếng chó sói gào ở gần: – “Trong hai ngày nữa có một cái thây trôi qua đây, ai bắt gặp sẽ lấy được của nó bốn viên ngọc đắt tiền giắt ở thắt lưng và một cái nhẫn ở tay; nhưng nhớ cho ta ăn thây đó, ta sẽ cho người đó làm vua trên bảy xứ”. Vi-kra-ma-đi-ti-a vốn hiểu tiếng loài vật, bèn làm đúng như thế. Ngày hôm sau anh đi qua các phố, thấy có một đàn ngựa yên cương sẵn sàng. Đến trước cửa một nhà thợ gốm, có các quan đang đứng chầu chực tại đấy. Người ta đỡ đứa con của người thợ gốm lên lưng voi rước về cung, nhưng cả nhà đều khóc như ri. Vi-kra-ma-đi-ti-a biết vậy, xin thay đổi số phận, và hứa sẽ diệt quỷ. Anh mang áo bào về cung làm vua. Chiều, quỷ đến như thường lệ. sau một trận kịch chiến, chúa quỷ bị chặt đầu, lũ quỷ tẩu tán. Sáng dậy, người ta cho anh là bậc phi thường, tôn làm vua[14].

  1. Có hai hoàng tử tìm đủ cách để buộc Li-la-va-ti gả công chúa cho họ. Cuối cùng vua nhận lời với điều kiện là họ phải giết được con sư tử dữ nhất. Hai người giết được và chặt một khúc đuôi. Trong khi đó thì một người thợ giặt ở hoàng cung thấy xác sư tử, bèn chặt đầu đưa về và nói là mình đã giết, và đòi lấy công chúa. Khi hôn lễ đang cử hành thì hai hoàng tử xuất hiện. Người thợ giặt bị xử tử. Công chúa lấy hoàng tử thứ hai. Ít lâu sau hoàng tử anh lại đánh nhau với người khổng lồ cứu công chúa, rồi bỏ ra đi sau khi giao cho em một cái hoa, dặn nếu hoa héo thì mình gặp nạn. Truyện còn tiếp diễn dài, đại khái gần với đoạn sau của truyện Đứa con người đánh cá trên kia.

Truyện Ả-rập (Arabie) trong Nghìn lẻ một đêm:

Hoàng tử con vua Yê-men đến chơi một thành phố. Ở đây mọi người đang đau khổ vì mỗi năm phải nộp một cô gái cho quái vật. Năm ấy đến lượt công chúa con vua phải nộp mình, hoàng tử đến chỗ công chúa đang ngồi đợi, hứa sẽ cứu nàng. Cuộc chiến đấu xẩy ra dữ dội, hoàng tử giết được quái vật và sau khi cứu cô gái, bỏ về một mình. Vua ra lệnh cho tất cả dân thành phố đến trước công chúa để công chúa nhận mặt, nhưng mãi không thấy. Cuối cùng nhờ có người mách rằng có một người lạ mặt chưa chịu đến. Vua cho đưa người đó về cung. Công chúa mừng rỡ chào ân nhân.

Trong sách Tờ-rít-xtăng và I-dớt (Tristan et Iseult) cũng có đoạn nói về người anh hùng Tờ-rít-xtăng giết con rồng trong khi đến Ái-nhĩ-lan đóng người đi hỏi nàng công chúa tóc vàng I-dớt cho người cậu vua xứ Cor-nu-ai. Sau khi nắm được tin tức, Tờ-rít-xtăng tờ mờ sáng phi ngựa đến cổng thành giao chiến và cuối cùng giết được con rồng thường nuốt các cô gái, nhưng cũng bị khói độc làm cho mê man bất tỉnh. Một viên tướng Ái-nhĩ-lan thấy rồng chết bèn cắt đầu lên trình vua, hy vọng được gả công chúa như đã hứa. Nhưng Tờ-rít-xtăng lại được công chúa chữa cho tỉnh lại. Đến ngày hẹn, viên tướng mạo nhận công lao bị vạch mặt vì Tờ-rít-xtăng đưa lưỡi rồng đã cắt cất trong túi ra làm chứng.

Ở mấy truyện dưới đây việc giết quái vật có vai trò của chó tham gia, giống truyện Đứa con người đánh cá.

Truyện Trung-quốc:

Trong một hang núi ở một vùng nọ có một con rắn lớn. Một ngày, nó ra hiệu cho dân cư phải nộp cho mình một thiếu nữ, nếu không sẽ gây tai họa. Nó buộc họ phải nộp lần lượt chín cô gái, các cô này đều chọn trong đám những người có tội và nô lệ. Rắn vẫn đòi ăn không chán. Dân chúng bối rối không biết tìm đâu ra. Ki, cô gái con một viên quan, xin cha cho một lưỡi gươm sắc và một con chó; lại bảo chuẩn bị cho nhiều gạo nấu với mật rải ra ở cửa hang. Khi con rắn ăn phải thứ chè mật đó thì cô gái thả chó ra đuổi. Chó cắn đằng trước, cô chém đằng sau, cuối cùng giết được rắn. Hoàng tử nước ấy thấy cô gái đảm, bèn lấy làm vợ.

Truyện của người Ô-na ở Tân Hê-bơ-rít (Nouvelles-Hébrides):

Một con rắn nhỏ được hai người đàn bà đưa về nuôi. Rắn mỗi ngay một lớn kinh khủng, đến nỗi nuôi trong gáo dừa, gáo dừa nứt đôi. Lại bỏ vào thúng, thúng cũng rách. Bỏ vào rọ lợn, rọ lợn tung ra, bỏ vào chuồng thì chuồng gãy. Hai bà chưa hết sợ thì rắn đã xông đến ăn thịt. Rồi nó đến đón ở con đường mòn, hễ ai đi qua rượt chén thịt. Sau đó, rắn báo với tù trưởng nếu tự thân đến nộp thì nó sẽ tha cho dân. Con gái tù trưởng xin đi thay. Trước khi đi, cô được bố trang sức và bôi dầu khắp người. Đi qua nhà hai vợ chồng nọ cô được hai người mời cơm. Sau đó, chồng sai một con chó đi theo cô. Trong khi rắn lè lưỡi toan nuốt cô gái, thì con chó đã lẻn ra đằng sau ngoạm vào đuôi. Rắn quay lại bị chó cắn chết. Cô gái yên lành trở về với bố.

Một người khác thấy vậy, đến nói với tù trưởng rằng mình đã cho chó cắn giết rắn để cứu cô gái, nay xin được lấy nàng làm vợ. tù trưởng tưởng thật toan bằng lòng. Nhưng con chó cùng vợ đã tìm đến hỏi hắn: – “Ai là người đã cứu cô gái?”

– “Chính con chó của ta” – “Vậy hãy đưa con chó ra ấy ra đây và bảo nó nôn”. Khi chó nôn ra, không thấy có gì cả. Còn con chó của vợ chồng người kia thì nôn ra được cái đuôi rắn. Thấy vậy, tù trưởng đuổi tên gian đi và đem con gái gả cho người này[15].

Truyện của Chi-lê (Chili) Nhẹ và Nặng:

Có hai anh em một cô gái mồ côi, kiếm ăn rất chật vật. Một hôm, người anh gặp một ông già cho mượn hai con chó (tên là Nhẹ và Nặng) và một khẩu súng. Từ đấy, anh em luôn có thức ăn. Một hôm chó dẫn họ đến một nơi có lâu đài của một tên khổng lồ, anh em làm quen với nó rồi đến đấy ở, nó giao cho tất cả chìa khóa, chỉ dặn không được mở cái phòng xanh. Một hôm người em gái ở nhà một mình tò mò, mở cửa phòng xanh, bị khổng lồ bắt làm vợ. Nó bảo cô phải tìm cách giết anh. Đã ba lần cô gái nghe theo khổng lồ âm mưu giết anh, nhưng nhờ hai con chó cứu được. Cuối cùng người anh biết em đã trở thành kẻ phản bội, bèn bỏ đi.

Anh đến nơi gặp một cô gái đang ngồi khóc, hỏi thì mới biết cô là công chúa phải làm vật hy sinh cho một con rắn bảy đầu. Cũng như một số truyện trên, anh gối đầu vào đầu gối cô gái, có Nặng và Nhẹ nằm bên cạnh. Khi rắn đến, cô gái khóc, nước mắt rỏ xuống làm anh thức giấc, thuận tay anh bắn một phát xuyên bảy cái đầu rắn. Anh cắt lưỡi rắn bỏ vào túi mang đi. Một người da đen được vua sai đi chặt củi, thấy rắn đã chết, bèn chặt lấy đầu rắn đưa về lĩnh thưởng. Công chúa bỗng bị câm. Nhưng lễ cưới công chúa với người da đen vẫn được tiến hành. Chàng mồ côi sai Nặng và Nhẹ lần lượt đến giật lấy thức ăn trên tay chú rể. Vua sai một đội quân hai mươi lăm người đến bắt. Nặng và Nhẹ đã cắn chết tất cả. Vua sai đưa ba cỗ xe đi đón anh như anh yêu cầu. Vua hỏi: – “Tại sao lại dám giết lính?”. “Chính tôi mới là người cứu công chúa”. Người da đen cãi: – “Chính tôi là người chém rắn” – “Vậy thì lưỡi nó ở đâu?” anh hỏi. Đáp: – “Trong mồm nó”. Người ta xô tới tìm không thấy. Anh bèn rút lưỡi rắn trong túi ra. Công chúa bỗng nói được, kể lại sự thật. Vua đuổi kẻ gian rồi đưa anh ngồi vào chỗ chú rể.

Từ ngày lấy công chúa, anh quên súng và chó. Một hôm có người đàn bà mặc đồ tang xin vào nghỉ nhưng lại lẻn vào buồng anh nhét một vật vào giường rồi trốn đi. Anh vào giường nằm, tự nhiên lăn ra chết. Công chúa liệm xác, sắp chôn thì Nặng và Nhẹ chợt đến dùng răng xé đồ liệm, lấy ra những cái răng thuốc độc giắt vào phổi, tim và dạ dày anh (đó là do khổng lồ sai cô em gái cải trang đến làm hại anh). Anh sống lại. Lại đi săn. Bỗng gặp lại ông già ngày trước đòi lại chó và súng. Anh xin giữ lại hai con chó vì cho là nó đã quen mình. Ông già đáp – “Không, nó quen tôi hơn, không tin anh ngồi bên kia, tôi ngồi bên này, mỗi người gọi thử, xem nó quen ai?” Hai con chó qua theo ông già. Anh xin đi theo ông. Ông già trải một cái chăn, đặt hai con chó và khẩu súng ở ba góc chăn. Tự nhiên chó và súng hóa ra ba nàng tiên, mỗi nàng cầm một góc chăn bay lên không trung. Đi qua địa ngục, thấy một người đang kêu gào giữa đống lửa, ông già hỏi: – “Anh có biết người đấy là ai không?” – “Ồ, đấy là em gái tôi, xin ông cứu cho với!” Thấy ông già lắc đầu, anh lại nói: “Em tôi đau khổ là tôi đau khổ”. Ông già bèn đưa cô gái ra khỏi lửa mang đi theo[16].

Người Nhật có hai truyện:

Truyện thứ nhất: Sip-pây-ta-rô cũng có một con chó cứu tinh:

Một chàng võ sĩ đi phiêu lưu, ngẫu nhiên nghỉ đêm ở một ngôi đền bỏ hoang. Khuya tỉnh dậy thấy một lũ mèo nhảy nhót kêu gào: – “Hãy giữ kín chớ nói với Sip-pây-ta-rô”. Gần sáng chúng biến mất. Khi tìm được đến làng, võ sĩ thấy một bà già đang khóc, cho biết mỗi năm thần núi đòi một người, đêm nay đến lượt con gái mình, người ta sẽ bỏ vào cũi mang đến đền. Hỏi về cái tên Sip-pây-ta-rô thì bà cho biết: đó là tên một con chó của một người ở cách đây khá xa. Võ sĩ đi tìm chủ con chó, cố nài mượn con vật một đêm. Đoạn bỏ chó vào cũi thay cô gái mang đến đền. Mọi người về cả còn võ sĩ ở lại, thấy đàn mèo ma lại xuất hiện, ở giữa có một con đen lớn hung dữ. Sau khi nhảy nhót kêu gào con vật mở cũi vồ mồi nhưng chó đã xông ra cắn, võ sĩ cũng kịp thời nhảy ra cho một nhát kiếm.

Truyện thứ hai: Con rắn tám đầu có nguồn gốc từ một thần thoại:

Nữ thần tạo thiên lập địa lúc sắp mất chia tài sản cho hai trai một gái. Con gái A-ma được mặt trời, con trai đầu Su-sa-nô được biển, con trai nữa được mặt trăng. Giận vì được biển lạnh lùng, một hôm Su-sa-nô nhảy lên trời đạp phá lung tung. A-ma kịp thời trốn vào hang đóng cửa lại. Vì ánh sáng mặt trời phát ra từ đôi mắt A-ma nên từ đấy thế giới tối đen. Để cứu vãn, các nàng tiên đến trước hang nhảy múa hát cười làm cho A-ma không nhịn được cười phải hé cửa nhìn. – “Ra mà xem cô tiên mới đẹp hơn cả cô đấy!” Các cô đặt trước hang một tấm gương. A-ma không biết người trong gương là mình, bèn đi ra thì họ liền đóng cửa hang lại, không vào được nữa. A-ma đành trở về, nhưng đòi phải phạt vạ Su-sa-nô. Anh chàng bị đánh đau và bị đuổi xuống cõi đất.

Ở đây, trong lúc đi dạo bờ sông, anh gặp vợ chồng một ông già đang khóc thảm thiết – “Có việc gì thế?” – “Chúng tôi có tám con nhưng gần nhà có con rắn tám đầu mỗi năm xuất hiện một lần ăn mất một. Nay chỉ còn một con gái sắp cho nó ăn nốt”. Chàng hứa sẽ cứu, bèn làm một hàng rào có tám cửa, mỗi cửa có một bình rượu (xakê). Rắn tới cho mỗi đầu vào hàng rào tu rượu. Rắn say lảo đảo, bị Su-sa-nô nhảy ra chém cả tám đầu. Khi chặt vào mình rắn thì thấy đuôi nó có một thanh gươm cán gắn đá quý, đẹp chưa từng thấy. Anh lấy gươm và được kết duyên với cô gái[17] (có chỗ nói về sau người ta tôn họ là thần kết hôn, đền thờ dựng lên ở Ô-i-át-hi-rô).

Truyện của Ý (Italia) Mụ tiên ác cũng có con vật nhiều đầu:

Một mụ tiên mỗi năm bắt một thành phố nộp cho mình một trinh nữ, nếu không sẽ thả xuống một vật làm cho mọi người chết hết. Năm ấy đến lượt công chúa. Người ta rước công chúa đi có kèn trống, có cha mẹ và bà con theo khóc. Đến đỉnh núi nọ họ đặt nàng ngồi trên một cái ngai rồi rút về. Tiên hoá thành đám mây đáp xuống hút máu đầu ngón tay. Khi công chúa ngã vật ra thì mây mang tới một lâu đài ở trên trời. Bấy giờ, có một thanh niên dũng cảm hoá làm diều bay theo rồi đậu ở ngọn cây ngoài lâu đài. Nhìn qua cửa sổ anh thấy một gian buồng đầy các cô gái nằm la liệt, sống dở, chết dở, luôn mồm gọi mẹ. Khi tiên đi vắng, anh lọt vào buồng xin ăn, rồi bảo các cô tìm cách hỏi khéo mụ làm thế nào thì mụ có thể chết được, anh sẽ cứu. Tiên về, các công chúa làm bộ thân mật hỏi mụ liệu nụ có thể chết được chăng? – “Ta thì không thể nào chết được” – mụ đáp. Hỏi lần khác mụ đưa đến một nơi bảo: – “Chúng mày hãy nhìn lên hòn núi xa kia, trên hòn núi có một con hổ cái bảy đầu. Chỉ có sư tử mới địch được nó. Có chặt được bảy cái đầu mới lấy được chiếc trứng trong người nó. Nếu cầm trứng ấy đánh vào trán ta thì ta mới chết. Nhưng nếu ta lấy được trứng thì con hổ bảy đầu sẽ sống lại và ta cũng không việc gì”. Nghe nói, các cô gái thất vọng nhưng cũng làm bộ chúc tụng: – “Hoan hô, mẹ ta không bao giờ chết!”.

Lần sau chàng thanh niên lại đến. Khi nghe kể chuyện, anh bèn hoá thành sư tử quần nhau với hổ. Mụ tiên ở lâu đài bắt đầu thấy khó ở. Mỗi ngày anh chặt được một đầu. Sức của mụ cứ yếu dần. Sau hai ngày nghỉ sức, anh lại chặt nốt đầu thứ bảy, chiếm lấy trứng trong người nó. Nhưng trứng bị rơi xuống biển. Nhờ có một con chó biển lặn xuống lấy giúp lên. Về đến lâu đài mụ thấy trứng, bèn xin. Anh buộc mụ trả lại sức khoẻ cho các cô gái. Khi mụ làm xong, anh đánh trứng vào giữa trán mụ, mụ tắt thở[18].

Hai truyện dưới đây có mục đích tuyên truyền cho tôn giáo:

Truyện của Pháp Thánh Jor:

Thánh Jor cưỡi ngựa trắng đến một thành phố bên cạnh hồ thấy mọi người đang than khóc, hỏi, thì đáp là đã ba năm nay có một con rồng đến đây, quân đội không trừ được, hơi thở của nó đủ giết chết mọi người. Mỗi một ngày người ta mang đến hai con chiên đấm họng, nay hết chiên đến lượt người. Hôm nay đến lượt con gái của vua. Nhà vua hứa ai cứu được sẽ cho tất cả vàng bạc và chia cho nửa nước. Thánh Jor bèn tìm đến nơi, thấy công chúa mặc áo vàng đeo vòng tay như ngày cưới, đang đợi con quái vật. Jor nói ý định của mình, công chúa đáp: – “Hãy tránh đi kẻo chết, không cứu được đâu!”. Nhưng Jor đã dùng phép đâm chết con rồng, rồi bảo công chúa lấy thắt lưng buộc vào cổ cho mình kéo về. Dân chúng sợ hãi chạy toán loạn. Sau khi chặt, phải mười hai đôi bò mới kéo nổi đầu rồng.

Truyện của người Xanh-ga-le (Singalais) theo đạo Hồi:

Dân đảo Man-đi-vơ (Maldives)[19] mỗi tháng phải mang hiến một trinh nữ cho một hung thần từ biển hiện lên dưới dạnh một chiếc tàu đầy đèn sáng lựng. Cô gái hy sinh được dẫn đến một ngôi đền có cửa sổ hướng ra biển, ở đó suốt đến đêm, sáng dậy thì chỉ còn xác không hồn. Mỗi tháng bắt thăm trúng ai, người ấy chịu. Một hôm có người dân Béc-be theo đạo Hồi thuộc lòng kinh Co-răng (Coran), đến trú tại đây, ở nhờ nhà một người đàn bà. Thấy mọi người khóc lóc như có đám tang, hỏi thì mới biết số phận đen đủi rơi vào con gái của bà – “Tôi sẽ đi thay cho con bà”, anh nói. Khi đến ngôi đền, anh ngồi đọc kinh suốt đêm. Thần hiện lên nghe tiếng đọc kinh lại biến vào biển. Sáng dậy mọi người thấy anh còn sống bèn đưa anh đến cho vua. Anh khuyên vua theo đạo Hồi. Vua bảo đợi một tháng, khi thấy không có tai họa nữa bèn ra lệnh cho cả đảo theo đạo Hồi.

Các câu truyện trên có lẽ xuất phát từ tục hiến tế bằng máu người rất phổ biến trong thời cổ đại. Sau đây là một truyện của thần thoại Hy-lạp:

Một ông vua tên là A-tha-mát có một trai một gái. Vua lấy vợ kế có hai con. Vợ kế ghen ghét con vợ trước, âm mưu trừ bỏ. Trước hết mụ sai đàn bà trong xứ bí mật rang lúa mì giống trước khi đem vãi. Dĩ nhiên không một hạt nào mọc. Dân làng lâm vào nạn đói. Vua cho hỏi tiên tri ở đền Đen-phơ, nhưng mụ ta ngăn trở sứ bộ và dặn về phải trả lời là nạn đói sẽ còn tiếp diễn nếu không đem con của A-tha-mát làm vật hy sinh ở đền thờ của thần Dớt. A-tha-mát sai người đi tìm con. Lúc này chúng đang chăn cừu, trong đó có một con lông vàng; con vật này mách cho hai anh em biết, và bảo hãy đi theo mình trốn mau không thì nguy. Hai anh em bèn trèo lên lưng thì chiên lông vàng bay lên không trung. Em gái tuột tay rơi xuống biển chết, còn anh trai đến xứ khác làm vua, lấy con gái vua ở đấy đẻ ra Xi-ti-so. Anh cúng con chiên cho thần Dớt, còn bộ lông vàng thì cho bố vợ đóng vào một cây “sên” do một con rồng giữ. Lúc này ở nhà, lời phán truyền lại bảo rằng A-tha-mát phải làm vật hy sinh cúng thần. Người ta đưa lẵng hoa dắt vua ra bàn thờ thần. Sắp bị giết thì cháu nội là Xi-ti-so do thần Héc-quyn mách, đến cứu được. A-tha-mát được cứu nhưng hóa điên, thấy con của vợ sau tưởng là thú dữ bèn giết đi. Sắp giết đứa con thứ hai thì mẹ nó đến cứu, rồi cả mẹ lẫn con nhảy từ núi cao xuống chết. Về sau mụ hoá thành thần biển, được dân đảo Tê-nê-đốt thờ, hàng năm dân phải hiến tế trẻ em[20].

Xem thêm truyện của người Đức ở phần Khảo dị, truyện số 123, tập III.

[1] Theo lời kể của người Phú-thọ.

[2] Sưu tầm những bài mới.

[3] Theo Sơn Nam. Chuyện xưa tích cũ, tập II

[4] Truyện cổ tích và truyền thuyết An-nam, đã dẫn.

[5] Truyện cổ tích Việt-nam.

[6] Theo Bản khai của tổng Thanh-xuyên.

[7] Theo Truyện cổ dân gian Việt Nam, tập I

[8] Theo Truyện cổ dân gian Việt Nam, tập I

[9] Theo Bản khai Hữu-tập, sách Vĩnh-lại, sách Nhiêu-hợp, đã dẫn

[10] Theo La-vây-xi-e-rơ (Laveissière). Truyện cổ tích Việt-nam.

[11] Võ Quang Nhơn. Chàng Đam-thí.

[12] Theo Truyện cổ dân gian Thanh-hoá, tập I.

[13] Theo Đông và Tây, tập II.

[14] Theo Phrê-dơ (J. G. Fraser). Kho tàng truyền thuyết của nhân loại.

[15] Theo Tạp chí Nhân loại học, tập XXI (1915-1916)

[16] Theo Tạp chí Nhân loại học, đã dẫn, tập XII (1917).

[17] Đều theo Truyện cổ tích của nước Nhật cổ, sách đã dẫn.

[18] Theo Pua-ra (Pourra): Kho tàng truyện cổ tích, tập II

[19] Quần đảo ở Tây nam Ấn-độ, trước là thuộc địa của Anh

[20] Đều theo Phrê-dơ (J. G. Fraer), sách đã dẫn.

Ngày xưa, trong một hang núi nọ có một con mãng xà. Đầu nó to bằng cái chum, trên đầu có mào đỏ, hai mắt như hai quả quýt, thân dài hơn trượng. Nó đi đến đâu là cuốn thành bão đến đấy, cây cối đổ rào rào, bụi bốc mù mịt. Nó đã ăn thịt không biết bao nhiêu là súc vật và người. Người ta dùng nhiều cách để diệt trừ, nhưng mãng xà đã không chết mà còn phá hoại dữ dội hơn. Cuối cùng nhà vua phải sai dựng cho nó một cái đền và hứa mỗi năm khấn một mạng người để nó đỡ phá phách. Nhà vua ra lệnh bắt các làng mỗi năm phải nộp một người con gái để dâng cúng mãng xà, nhưng cũng cho rao trong nước, ai tiêu diệt được con quái vật ấy thì sẽ phong quận công và cho lấy công chúa làm vợ.

Bấy giờ có một chàng trẻ tuổi từ lâu được một nhà sư đưa lên nuôi trên một ngôi chùa ở núi cao. Hàng ngày nhà sư truyền cho anh nghề múa gươm và các môn võ nghệ. Thành tài, anh được thầy tặng một thanh gươm quý và cho phép “hạ sơn”. Hôm ấy anh trở về làng. Sau khi kéo bộ suốt cả một ngày mệt nhọc, anh thấy một tòa đền có ánh sáng le lói, không biết là đền mãng xà, bèn ghé vào nghỉ chân. Vừa bước vào cổng đền bỗng nghe có tiếng khóc thút thít ở phía trong, anh lấy làm ngạc nhiên vội lần vào thượng điện. Dưới ánh đèn dầu, anh thấy một cô gái trạc mười tám, hai mươi tuổi, bị trói vào cột ở một góc điện. Anh lập tức bước đến cởi trói cho nàng và nói:

– Làm sao cô lại bị trói ngồi ở đây?

Cô gái gạt nước mắt nói:

– Chàng là ai, ở xứ nào mà không biết đây là đền thờ mãng xà ư?

Đoạn cô kể lại những hành động của mãng xà, mỗi năm phải nộp một mạng người ra sao, cuối cùng cô nức nở:

– Nhà thiếp có một mẹ một con, nghĩ mình chết đi cũng không tiếc, chỉ thương mẹ già không có ai nuôi. Nhưng thôi chàng hãy đi mau khỏi chốn này, nếu không mãng xà nó đền thì chẳng còn tính mạng.

– Thế bao giờ thì nó đến đây?

– Chỉ nội trong đêm nay!

Chàng trẻ tuổi ân cần:

– Tôi muốn thay nàng nộp mạng cho mãng xà để nàng được về với mẹ.

Cô gái đáp:

– Thiếp không muốn vì mình mà người khác phải chết. Cứ để mặc thiếp chịu số kiếp thê thảm, tiền oan nghiệp chướng này. Chỉ mong chàng nếu có đi qua làng, hãy làm ơn ghé vào an ủi mẹ già giúp thiếp.

– Không. Nàng hãy kịp tránh khỏi nơi đây để mặc tôi với con quái vật.

Rồi rút gươm ra khỏi bao, chàng nói tiếp:

– Nó không thể làm hại được tôi đâu. Tôi sẽ bắt cái này ra đối mặt một phen với nó. Nàng hãy chạy về làng mau đi!

Nói đoạn, anh dẫn cô gái ra khỏi cánh rừng, rồi trở lại đền nai nịt gọn ghẽ, quyết thức đợi mãng xà.

Vào khoảng nửa đêm, bỗng phía ngoài có tiếng rào rào, cành cây gẫy răng rắc. Một mùi tanh tưởi xông vào mũi đến lộn mửa. Chàng trẻ tuổi đứng dậy rút gươm nấp vào bên thượng điện. Mãng xà quen như mọi khi, từ từ vắt mình qua tường tiến vào. Nhưng nó vừa thò cái đầu vào đền thì chàng trẻ tuổi đã khởi thế công ngay. Lưỡi gươm của anh lóe lên trong đêm tối như chớp giật. Con quái vật bị thương, lao tới toan nuốt sống kẻ thù. Nhưng đường gươm lợi hại của anh đã lại bồi cho nó một nhát thứ hai. Mãng xà đau quá, rống lên, hà hơi phun gió rồi quật đuôi tới tấp làm anh lăn đi mấy vòng. Sắp bị lọt vào miệng quái vật thì may sao, anh đã kịp đứng bật dậy, thủ thế đâm cho nó một mũi thứ ba, nhưng vì đâm mạnh quá nên mũi gươm bị gãy. Anh bèn bồi tiếp mấy nhát, mãng xà bị thương nặng. Cả khúc thân của nó quằn quại mạnh đến nỗi tường và mái đền đổ sụp, gạch ngói lăn xuống rào rào. Anh giơ lưỡi gươm chặt lấy cái đầu con ác thú.

Giết được mãng xà, chàng trẻ tuổi khát nước quá chạy khắp rừng đi tìm suối giải khát, rồi vì mệt quá, anh lần ra bên bờ suối ngủ thiếp một ngày một đêm.

*

Trưa hôm sau, một viên quản có phận sự gác ở khu vực này tiến vào đền để dò động tĩnh. Hắn vô cùng kinh ngạc khi thấy mãng xà nằm trên vũng máu, mà cô gái thì không biết đã biến đi đường nào. Nhưng nghĩ đến lời hứa của vua, hắn lập tức xách lấy đầu mãng xà phóng ngựa về kinh lĩnh thưởng. Trông thấy đầu con quái vật, nhà vua rất vui mừng. Vua hỏi:

– “Ai đã giết được mãng xà?” Viên quan đáp: – “Tâu bệ hạ chính là kẻ hạ thần này”. Vua khen ngợi hồi lâu, rồi ban sắc chỉ phong cho làm quận công, lại truyền gả công chúa như lời đã hứa.

Đám cưới tổ chức rất linh đình. Nhưng giữa hôm cưới, trong khi vua quan tề tựu đông đủ, thì bỗng có một người khách lạ xin vào yết kiến. Vua truyền cho vào. Người khách lạ chính là chàng trẻ tuổi đã giết mãng xà. Vua hỏi:

– Nhà ngươi đến đây có việc gì?

Chàng trẻ tuổi đáp:

– Tâu bệ hạ, chỉ xin phép bệ hạ cho tôi được lấy lại một mảnh gươm gãy còn giắt trong đầu mãng xà mà thôi!

Vua hết sức ngạc nhiên:

– A, vậy ra không phải là phò mã của ta đã hạ thủ mãng xà ư?

Vua nhìn sang phò mã. Phò mã mặt đã tái đi, nhưng vẫn cố cãi:

– Nó là thằng bá vơ nào dám vào đây nhận xằng!

Vua liền sai hoãn ngay lễ cưới lại rồi bảo vệ sĩ bổ đầu mãng xà để tìm mảnh gươm. Một lát sau vệ sĩ đã đưa mảnh thép về dâng nộp, khi ráp vào với gươm của chàng trẻ tuổi thì vừa như in. Vua thét:

– Thì ra phò mã đã lừa dối trẫm và mọi người.

Lập tức vua sai lột thẻ vàng quận công của hắn rồi đeo vào cho chàng trẻ tuổi. Sau đó vua dắt anh ngồi vào chỗ ngồi của phò mã, và ra lệnh cho lễ cưới lại tiếp tục như cũ.Trong khi đó thì viên quản bị giải ra pháp trường[1].

KHẢO DỊ

Về mô-típ này, Việt-nam chúng ta còn có rất nhiều dị bản các loại. Trước hết là một phần của những truyện Thạch Sach (số 68, tập II), Con chim khách mầu nhiệm (số 124, tập III).

Trong Lĩnh-nam chính quái có truyện Quỳ Xương Cuồng hay ăn thịt người. Vua Kinh Dương Vương làm bùa phép để trừ, nhưng không trừ nổi. Cuối cùng người ta phải dựng một ngôi đền, mỗi năm cúng cho nó một người vào ngày 30 tháng Chạp. Đời Tần có Nhâm Ngao muốn phá bỏ tục lệ này nhưng bị Xương Cuồng ăn thịt. Đến đời Đinh Tiên Hoàng, nhờ có một pháp sư bày ra các phép lạ (giống như trò xiếc) cho quỷ Xương Cuồng đến xem say mê, rồi bất thần chém chết.

Sê-ông (Chéon) có kể một Truyện rắn thần ở làng Mễ-đỗ, tổng Tang-giá, huyện Quỳnh-côi (Thái-bình). Làng này hàng năm phải nộp cho thần một cô gái, không có thì làng động không yên. Lệ làng phải cắt phiên từ tiên thứ chỉ lần lượt cho đến người dân cuối cùng, hết vòng lại trở lại. Đến lượt ai thì người ấy thường mua sắm con gái nuôi cho lớn để nộp (nếu không, phải nộp con đẻ). Vào khoảng rằm tháng Chạp làng mở hội tế thần, xong, bỏ người con gái vào hậu cung khóa lại, rồi ai về nhà nấy.

Một năm đến lượt một cô con gái nhà giàu phải làm vật hy sinh. Một anh ăn trộm qua đó nghe tiếng khóc lấy làm lạ, chạy vào hỏi mới biết chuyện, bèn phá cửa vào cùng ngồi với cô, tay thủ sẵn hai con dao găm. Khi rắn thần hiện ra nó há miệng bằng gàu giai, anh chàng một tay dùng dao chống hàm con rắn, tay kia cầm dao khác đâm vào cổ họng. Rắn chết, anh đưa cô gái về nhà, được bố mẹ cô gả cho làm vợ, ở gửi rể[2].

Trong Thính văn dị lục có truyện Thần yêu ở xã Thanh-lâm, Thanh-hóa, mỗi năm cũng phải khấn một gái trinh: cho trai giới, ăn chay, mặc áo quần mới. Lúc sắp vào lễ mỗi ngày tắm một lần. Ngày lễ chính còn phải có cỗ xôi con lợn cũng đưa cả vào đền khóa lại. Nhưng nhân vật anh hùng ở đây lại là Gia Long và Lê Văn Duyệt. Lần ấy qua đó nghe tiếng khóc, họ vào cởi trói cho cô gái về, rồi ngồi chén cỗ. Khuya lại, thần tới như một trận cuồng phong nhưng bị những đường gươm nên lỉnh mất. Sáng dậy, họ gọi phụ lão làng ấy vào rừng tìm thì thấy xác một con rắn lớn.

Sơn Nam kể truyện Mãng xà vương Tân-bằng ở làng Tân-bằng, sông Cán-gáo thuộc U-minh-thượng (Rạch-giá). Để được yên ổn, dân làng mỗi năm phải nộp mạng hai đứa trẻ. Vào canh ba giờ tý, hai con quái vật từ vịnh Xiêm-la hiện lên, đi đến đâu làm rung chuyển đến đó. Bấy giờ có Nguyễn Hữu Long ngự y cho nhà vua đến đây đúng vào hôm hiến tế. Ông sai thay hai đứa trẻ vô tội bằng hai con chó to béo, cạo lông mổ ruột trong nhồi thuốc mê, ngoài vẽ mặt mũi như người. Hai con mãng xà tới chén no sau khi giỡn mồi bị thuốc mê ngấm nằm bất tỉnh. Nhưng đáng lẽ giết đi thì ông lại sai đem sơn bôi vào chúng: một con màu xanh, một con màu đỏ. Tỉnh dậy, chúng tưởng lạ, cắn nhau rồi đuổi nhau chạy xuống biển, và từ đấy không trở lại nữa[3].

Lăng-đờ (Landes) cũng kể một truyện, nhưng vai trò anh hùng ở đây lại là bức tranh Quan Đế:

Ở phủ Kiến-xương có một cô gái mồ côi sống bằng nghề may thuê vá mướn. Một hôm cô đi chợ thấy có bán tranh Quan Đế. Bắt chước những người khác, cô nhịn ăn bỏ tiền mua một bức đem về mỗi ngày dâng cúng trước khi ăn, đi đâu cũng mang theo.

Một hôm đi qua làng Nhân-lý, làng này thờ thần Lợn, mỗi năm cũng phải dâng một người con gái. Cô gái thấy có hội làng, chen vào xem. Bọn hướng lý làng này giả thuê cô làm một số công việc ở đền trong mấy ngày hội, hứa sẽ trả cho một số tiền lớn. Đêm lại chúng bỏ cô một mình ở đền. Cô lấy bức tranh ra treo ở tường rồi dâng hương. Nửa đêm thần Lợn xuất hiện, nhưng vừa tới gần thì đã bị Quan Đế từ trong tranh bước xuống chém làm ba khúc[4].

Vũ Ngọc Phan cũng kể truyện một thần Lợn – con lợn thành tinh – mỗi năm làng cũng phải hiến một người con gái chưa chồng. Một anh học trò nghèo đi qua đền đúng vào lúc một cô gái bị đưa đến đền. Anh cầm dao ngồi ăn với thần Lợn, có bọn “tiểu yêu” của nó hầu hạ. Thừa lúc thần Lợn không để ý, anh chém cho nó một nhát gãy chân. Thần hiện nguyên hình là một con lợn, chạy trốn mất. Cả làng đổ ra, theo vết máu đi tìm, cuối cùng bắt được con lợn chén thịt. Còn chàng trai và cô gái về sau lấy nhau[5].

Một loạt truyện khác tuy khác nội dung nhưng vẫn cùng cấu trúc, nhất là hình ảnh nộp mạng người cho ma quỷ:

Truyện Ma rai:

Có một con ma rai ở trong hang đá, dân chúng phải cúng mỗi tháng một mạng người. Đến phiên nhà nọ, nhà chỉ có một mẹ goá con côi. Hai mẹ con không muốn rời nhau, nên cả hai cùng đi, mỗi người cầm một bó đuốc vào đến cửa hang. Ma vốn sợ lửa nên bảo họ đừng đưa vào.

Hai mẹ con không nghe, cầm đuốc tiến thẳng vào, ma sợ chạy ra ngoài đồng, chết thành con ruồi[6].

Truyện Muỗi thần gần giống với truyện trên:

Cạnh động Toàn-sơn có một hang rất sâu có con muỗi thần to bằng con bê. Hàng tháng làng phải nộp một mạng người để cho con quái vật “chích huyết làm rượu, lấy thịt làm đồ nhắm”.

Một hôm đến phiên nhà nọ cũng chỉ có hai mẹ con. Mẹ thương con cùng đi với con. Đến nơi hai người đem mía ăn, chờ muỗi thần. Ăn xong đốt bã mía để sưởi, không ngờ khói luồn vào hang, hun chết quái vật. Sau đó, Diêm vương bắt y hoá thành muỗi, từ đó muỗi chuyên chích trộm máu người[7].

Một loạt truyện khác, tuy không có hình ảnh nộp mạng định kỳ nhưng cũng gần gũi với các truyện trên.

Truyện Con bà Dằn:

Tại xã Phú-khê (Cẩm-khê) có một cái động bà Dằn hay ăn thịt người. Người ta đánh nhau với nó, nhưng hễ chém đứt đầu hay tay chân thì những bộ phận ấy tự tìm về và dính lại với nhau như cũ.

Một hôm bà Dằn bắt được một cô con gái định nuôi béo ăn thịt, nhưng nó lại sợ cứt gà. Cô gái bị bắt đi đổ cứt gà, nhân biết chỗ yếu của mụ, bèn làm cho mụ sợ, rồi trốn đi. Về làng, cô báo tin với dân. Họ mang nhiều cứt gà tới vung vào, lại dùng gươm bôi cứt gà, chém bà Dằn làm trăm mảnh. Những mảnh ấy hoá làm vắt, muỗi và đỉa[8].

Một truyện khác, Quyền làm chồng, có bàn tay tô điểm của nho sĩ với đôi nét hài hước:

Một làng kia thờ thần thiêng ở chân núi. Lúc tế thì bưng cỗ vào miếu, hôm sau đã sạch như chùi. Một hôm thần báo mộng phải nộp một người học trò nọ cho thần làm chồng. Làng họp bàn. Người học trò nhận lời đi nộp mạng, nhưng bảo làng chuẩn bị cho mình một dùi sắt, một vò rượu ngon.

Đến ngày, anh giấu dùi sắt vào người, tay cầm roi song. Đến nơi nhảy lên ngai thờ ngồi. Được một lát có một người con gái hiện ra mang tráp trầu vào mời. Anh thét: – “Tao là chồng, chủ mày là vợ, sao chồng đến đây đã lâu mà không thấy vợ ra mắt, hãy kêu chủ mày ra đây ta bảo”. Lát sau nữ thần hiện ra ăn mặc diêm dúa, anh nọc ra đánh ba chục roi lấy cớ khinh người. Thần mời: – “Xin mời chàng vào”. Anh đi theo vào một hang đá rồi trèo lên ngồi trên bàn đá. Cơm dọn ra thấy thức ăn nguội anh lại nọc đánh ba chục roi. Đem hâm nóng, lại bị đánh. thần không biết làm sao mà chiều, mới ngồi khóc. Bấy giờ anh rút dùi sắt ra đập phá khắp nơi, một hồi chúng tan hết cả. Anh bèn đánh trống ngũ liên mời làng ra triệt hạ ngôi miếu.[9] Một truyện nữa Người đàn bà lấy rồng kểt cục khác hẳn với các truyện trên:

Một ông vua không có con nối dõi, một đêm đi dạo vườn thấy một rắn mẹ và một ổ rắn con. Thấy vua than thở nỗi không con, một rắn con theo vua về. Từ đó hoàng hậu có mang đẻ ra một con rắn xanh, mắt sáng như ngọc. Nó lớn như thổi, chỉ ba ngày hóa thành rồng, rú lên những tiếng dữ dội. Vua và hoàng hậu sợ, bỏ đi ở chỗ khác. Đưa thứ gì rắn cũng không ăn, càng rú dữ dội. Một viên đại thần tra tìm sách vở bảo vua rằng loài đấy phải có thịt con gái mới yên. Vua không dám làm việc ác đức nhưng cũng thử bắt đại thần đưa con gái đến. Đại thần hiến kế: – “Hạ thần sẵn lòng nhưng như thế không đủ, mà bắt con gái dân thì họ sẽ nổi loạn. chi bằng cho lính ra biên giới bắt con gái dân láng giềng”.

Một bà tiên hiện ra bảo vua cứ làm, sẽ có điều hay.

Nghe tin lính đến bắt người, một mụ dì ghẻ muốn hại con chồng, bèn sai cô con gái chồng – Bạch nương – đi chăn trâu xa, chiều tối hãy về, vì vậy mà cô bị bắt. Nhưng trước khi phải làm mồi cho rồng, Bạch nương được bà tiên tiên hoá phép làm cho nhan sắc đẹp đẽ, lại cho một cái áo mặc vào để có thể thoát khỏi nguy hiểm. Nhờ có áo, cô đã hàng phục được rồng. Rồng biến thành một chàng trai, sau đó lấy cô làm vợ. Người dì ghẻ nghe tin này sợ quá hoá điên, bị khỉ ăn thịt[10].

Các dân tộc ở Tây-nguyên cũng có nhiều truyện thuộc mô-típ này. Xem truyện của người Mơ-nông ở Khảo dị truyện Sự tích hồ Gươm (số 26, tập I).

Truyện của người Ja-rai (Djarai) Y Rít giết đại bàng:

Có hai con đại bàng bay tới toan ăn thịt cô gái Hơ-bia Bơ-dung ngồi dưới gốc cây. Cô đáp: – “Dạo này tôi gầy lắm, để vài tuần trăng nữa ăn mới ngon”. Nghe xuôi tai, chúng bỏ đi. Đến ngày hẹn, người bố đem trâu rượu mời dân làng đến canh giữ, hứa ai cứu được sẽ gả. Nhưng khi đại bàng đến thì nó thu hồn họ lại làm cho mọi người ngủ say như chết. “Tôi vẫn còn gầy lắm, đợi ba trăng nữa ăn mới ngon”. Chim hút thử máu đầu ngón tay cô gái thấy đúng, liền bỏ đi. Trai làng tỉnh dậy thì đại bàng đã đi xa.

Lại sắp đến ngày hẹn với đại bàng. Trong làng còn sót một anh chàng nghèo khổ là Rít ở một túp lều rách cuối làng là chưa được mời. Hơ-bia bèn mời anh đến canh giữ với các trai làng. Thấy Rít đến, trai làng chế giễu, bắt ngủ dưới sàn cạnh chuồng gà. Đại bàng tới thu hồn mọi người nhét vào ống tre đút nút lại. Vì Rít ngủ ở dưới sàn nên không ở trong số đó. Rít lén lên chuồng Hơ-bia, chờ khi đại bàng thò cổ vào định bắt Hơ-bia liền rút gươm chém chết, rồi cầm ống tre lẻn ra về. trong đêm tối, Hơ-bia không biết là Rít, chạy theo nắm lấy vỏ gươm và khố của ân nhân, nhưng Rít kịp thời dùng gươm cắt đứt dây buộc vỏ gươm và đuôi khố đi mất. Về đến nhà, họ tranh công nhưng đem so vỏ gươm và khố thì không ai vừa cả. Sau khi Hơ-bia đến nhà Rít so thì vừa, bèn nhận làm chồng. Hai vợ chồng bị bố đuổi đi, nhưng họ làm ăn siêng năng tài giỏi, khắp nơi tôn làm pơ-tao[11].

Người Mèo ở Thanh-hóa có truyện Giết quỷ bốn mồm năm mũi:

Một con quỷ bốn mồm năm mũi buộc dân bản mỗi tháng phải nộp cho nó một mạng thì nó mới không phá phách. Đến phiên anh Khó, anh mài dao chuẩn bị. Có các con vật như ong, rùa, cáo, rắn và các cây rêu, ớt, bầu bí cùng giúp anh trong công cuộc diệt trừ quái vật. Những con vật và loài cây nói trên tiến vào chỗ quỷ ở. Thừa lúc nó ngủ say, các con vật xông vào đánh trước. quỷ đau rống lên, chạy ra bị rêu, ớt, bầu bí làm cho ngã lăn mù mắt. Khó và trai gái trong bản thừa dịp vác dao chém chết[12].

Mô típ truyện Tiêu diệt mãng xà cũng rất phổ biến ở các nước trên thế giới. Hai truyện của người Áp-ga-ni-xtăng (Afghanistan) ở Căng-đa-har (Kandahar):

1.Vua Căng-đa-har bị bắt buộc phải hứa cho một con rồng mỗi ngày một cô gái. mỗi sáng người ta đặt cô gái làm vật hy sinh lên lưng lạc đà. Khi đi qua chỗ ở của rồng thì nó hít mạnh, lập tức cô gái lọt vào mồm nó. Một hôm, đến lượt cô gái đẹp con vua phải nộp mình. Vừa lúc gặp chàng A-li đi qua. Thấy cô khóc, anh nhận đi thay cho cô, cũng ngồi trên lưng lạc đà cho rồng hít. Nhưng khi vừa bị hít tới mồm thì nhanh như cắt, anh tuốt gươm chém ngay một nhát, đầu rồng đứt đôi.

Người anh cả đi đến một ngôi làng nọ thấy mọi người đều để tang, hỏi, thì họ đáp: mỗi năm phải nộp một cô gái cho quái vật bảy đầu, nay số phận rơi vào công chúa. Anh lên rừng tìm gặp công chúa, bảo nàng lên ngựa nấp vào một nơi. Khi quái vật đến, nhờ chó giúp, anh giết được nó. Công chúa cám ơn, mời về nhà, anh từ chối; nàng tặng một cái khăn có tên của mình. Anh cắt lấy bảy cái lưỡi quái vật, lấy khăn bọc lại, rồi chia tay. Công chúa sau đó gặp ba người đốt than liền kể chuyện cho họ nghe. Ba người đe doạ bắt nàng phải về nói với vua là chính tay họ giết. Vua tin là thật hứa gả cho một trong ba người, nhưng công chúa hẹn sau một năm và một ngày mới cho cưới. Từ đấy công chúa buồn thành bệnh. Đến ngày hẹn, vua chuẩn bị lễ cưới, thì cái tin ấy đến tai người anh cả. Anh chàng đến kinh đô, bảo con chó của mình vào cung tìm thức ăn. Nó lấy về hai cái đĩa. đầu bếp nhà vua báo tin ấy cho vua hay. Vua sai một toán lính đi tìm con chó, nhưng anh đã giết cả bọn, trừ một người trở về. Anh lại sai chó đi lấy bánh của vua. Vua sai lính đi tìm chó, lại bị anh diệt. Vua thân hành đến nơi mời anh lên xe vua đưa về dự tiệc. Khi món tráng miệng bưng ra, vua bảo mỗi người kể một câu chuyện, bắt đầu từ ba người đốt than. họ bèn kể chiến công diệt quái vật và nói: – “Đây là bảy cái đầu do chúng tôi chém rụng!” – “Thế thì xem có bảy cái lưỡi ở trong ấy không?” anh chàng người đánh cá hỏi thế. Họ tìm không thấy, anh lại nói: – “Vậy công lao là thuộc về người có lưỡi hay người có đầu?”. Vua nói: – “Về người có lưỡi”. Anh đưa gói lưỡi ra. Công chúa nhận ra khăn của mình, nói: – “Đây mới là người cứu con”. Vua sau đặt một cây thập tự treo cổ ba người kia lên, rồi gả công chúa cho con người đánh cá.

Truyện còn thêm một đoạn kết như sau:

Sau bữa tiệc, lúc về buồng, từ nơi cửa sổ chồng thấy có ánh lửa, hỏi, thì công chúa đáp: – “Mỗi tối đều như thế, không hiểu tại sao”. Chờ cho công chúa đi ngủ, anh lén dậy ra đi. Đến một bãi cỏ, giữa có một lâu đài, anh gặp một bà già, bà già nói: “Nhờ ông xuống ngựa đỡ hộ cho già bó củi”. Anh làm ngay, nhưng bà già – tức mụ phù thuỷ – đã biến anh và cả chó lẫn ngựa của anh thành bãi cỏ. Người em thứ hai thấy lọ máu sôi, bèn đi tìm. Lúc đến nơi thì cũng là lúc công chúa đang trông chồng về. Thấy người em đến, công chúa tưởng là chồng vì họ giống nhau như đúc – “Sao anh về muộn” công chúa hỏi – “Xin lỗi, tôi bận ra lệnh một công việc mà người ta chưa làm”. Khi về buồng trông thấy ngọn lửa, người em cũng hỏi lửa gì, công chúa đáp: – “Anh đã hỏi rồi kia mà!”. Anh lại chờ khi công chúa ngủ lén dậy ra đi và cũng gặp mụ phù thuỷ. Sự việc cũng diễn ra như trước. Đến lượt người em thứ ba thấy máu sôi cũng tìm đến gặp công chúa và cũng theo ánh lửa mà vào rừng. Nhưng khi mụ phù thuỷ bảo anh xuống ngựa đỡ hộ bó củi, anh không đỡ mà nắm lấy tóc mụ, bắt phải làm sống dậy hai người anh. Mụ làm sống dậy, anh giết chết kẻ thù. Thấy ba người trở về giống nhau, công chúa hỏi: – “Người nào là chồng tôi?”. Người anh cả đáp: – “Tôi đây!”. Hai người em sau cũng được kết duyên với hai cô em gái của công chúa. Lễ cưới cử hành linh đình trong sáu tháng[13].

Truyện của người A-va-rơ (Avares) ở Cô-ca-dơ (Caucase) Chàng gấu:

Tai-gấu đến một thành phố lớn dưới âm xin nước uống ở một bà già. Bà nói là không thể cho được vì có một con rồng chín đầu ở gần suối, mỗi năm đòi dâng một cô gái, và chỉ riêng ngày đấy thôi mới để cho dân lấy nước tự do. Tai-gấu đến, không đúng ngày đó và múc được hai bình. Rồng để cho anh múc đến lần thứ hai. Tiếng đồn khắp nơi. Vua cõi âm hứa nếu anh giết được rồng thì muốn gì cũng được. Tai-gấu bèn làm hai cái che tai bằng da, bọc hai tai lại và mang bình đến suối. Rồng mắng sao cứ đến luôn. Tai-gấu mắng lại. Rồng trỗi dậy dùng móng quặp cái mũ che tai. Tai-gấu dùng gươm kim cương thu được trong một cuộc thắng trước đây, chặt được lần lượt chín cái đầu rồng, rồi cắt lấy mười tám cái tai mang về cho vua. Vua gả cho anh nàng công chúa năm ấy phải hiến cho rồng. Nhưng anh chỉ xin vua giúp cho cách trở lên dương gian (xem thêm Khảo dị truyện Thạch Sanh, số 68. tập II).

Người Ấn-độ có nhiều truyện, sau đây là hai truyện tiêu biểu:

Một hôm có một đoàn lái buôn dừng lại ở bờ sông gần thành phố, trong đó có một người đầy tớ đi theo tên là Vi-kra-ma-đi-ti-a. Tối lại, họ nghe có tiếng chó sói gào ở gần: – “Trong hai ngày nữa có một cái thây trôi qua đây, ai bắt gặp sẽ lấy được của nó bốn viên ngọc đắt tiền giắt ở thắt lưng và một cái nhẫn ở tay; nhưng nhớ cho ta ăn thây đó, ta sẽ cho người đó làm vua trên bảy xứ”. Vi-kra-ma-đi-ti-a vốn hiểu tiếng loài vật, bèn làm đúng như thế. Ngày hôm sau anh đi qua các phố, thấy có một đàn ngựa yên cương sẵn sàng. Đến trước cửa một nhà thợ gốm, có các quan đang đứng chầu chực tại đấy. Người ta đỡ đứa con của người thợ gốm lên lưng voi rước về cung, nhưng cả nhà đều khóc như ri. Vi-kra-ma-đi-ti-a biết vậy, xin thay đổi số phận, và hứa sẽ diệt quỷ. Anh mang áo bào về cung làm vua. Chiều, quỷ đến như thường lệ. sau một trận kịch chiến, chúa quỷ bị chặt đầu, lũ quỷ tẩu tán. Sáng dậy, người ta cho anh là bậc phi thường, tôn làm vua[14].

Truyện Ả-rập (Arabie) trong Nghìn lẻ một đêm:

Hoàng tử con vua Yê-men đến chơi một thành phố. Ở đây mọi người đang đau khổ vì mỗi năm phải nộp một cô gái cho quái vật. Năm ấy đến lượt công chúa con vua phải nộp mình, hoàng tử đến chỗ công chúa đang ngồi đợi, hứa sẽ cứu nàng. Cuộc chiến đấu xẩy ra dữ dội, hoàng tử giết được quái vật và sau khi cứu cô gái, bỏ về một mình. Vua ra lệnh cho tất cả dân thành phố đến trước công chúa để công chúa nhận mặt, nhưng mãi không thấy. Cuối cùng nhờ có người mách rằng có một người lạ mặt chưa chịu đến. Vua cho đưa người đó về cung. Công chúa mừng rỡ chào ân nhân.

Trong sách Tờ-rít-xtăng và I-dớt (Tristan et Iseult) cũng có đoạn nói về người anh hùng Tờ-rít-xtăng giết con rồng trong khi đến Ái-nhĩ-lan đóng người đi hỏi nàng công chúa tóc vàng I-dớt cho người cậu vua xứ Cor-nu-ai. Sau khi nắm được tin tức, Tờ-rít-xtăng tờ mờ sáng phi ngựa đến cổng thành giao chiến và cuối cùng giết được con rồng thường nuốt các cô gái, nhưng cũng bị khói độc làm cho mê man bất tỉnh. Một viên tướng Ái-nhĩ-lan thấy rồng chết bèn cắt đầu lên trình vua, hy vọng được gả công chúa như đã hứa. Nhưng Tờ-rít-xtăng lại được công chúa chữa cho tỉnh lại. Đến ngày hẹn, viên tướng mạo nhận công lao bị vạch mặt vì Tờ-rít-xtăng đưa lưỡi rồng đã cắt cất trong túi ra làm chứng.

Ở mấy truyện dưới đây việc giết quái vật có vai trò của chó tham gia, giống truyện Đứa con người đánh cá.

Truyện Trung-quốc:

Trong một hang núi ở một vùng nọ có một con rắn lớn. Một ngày, nó ra hiệu cho dân cư phải nộp cho mình một thiếu nữ, nếu không sẽ gây tai họa. Nó buộc họ phải nộp lần lượt chín cô gái, các cô này đều chọn trong đám những người có tội và nô lệ. Rắn vẫn đòi ăn không chán. Dân chúng bối rối không biết tìm đâu ra. Ki, cô gái con một viên quan, xin cha cho một lưỡi gươm sắc và một con chó; lại bảo chuẩn bị cho nhiều gạo nấu với mật rải ra ở cửa hang. Khi con rắn ăn phải thứ chè mật đó thì cô gái thả chó ra đuổi. Chó cắn đằng trước, cô chém đằng sau, cuối cùng giết được rắn. Hoàng tử nước ấy thấy cô gái đảm, bèn lấy làm vợ.

Truyện của người Ô-na ở Tân Hê-bơ-rít (Nouvelles-Hébrides):

Một con rắn nhỏ được hai người đàn bà đưa về nuôi. Rắn mỗi ngay một lớn kinh khủng, đến nỗi nuôi trong gáo dừa, gáo dừa nứt đôi. Lại bỏ vào thúng, thúng cũng rách. Bỏ vào rọ lợn, rọ lợn tung ra, bỏ vào chuồng thì chuồng gãy. Hai bà chưa hết sợ thì rắn đã xông đến ăn thịt. Rồi nó đến đón ở con đường mòn, hễ ai đi qua rượt chén thịt. Sau đó, rắn báo với tù trưởng nếu tự thân đến nộp thì nó sẽ tha cho dân. Con gái tù trưởng xin đi thay. Trước khi đi, cô được bố trang sức và bôi dầu khắp người. Đi qua nhà hai vợ chồng nọ cô được hai người mời cơm. Sau đó, chồng sai một con chó đi theo cô. Trong khi rắn lè lưỡi toan nuốt cô gái, thì con chó đã lẻn ra đằng sau ngoạm vào đuôi. Rắn quay lại bị chó cắn chết. Cô gái yên lành trở về với bố.

Một người khác thấy vậy, đến nói với tù trưởng rằng mình đã cho chó cắn giết rắn để cứu cô gái, nay xin được lấy nàng làm vợ. tù trưởng tưởng thật toan bằng lòng. Nhưng con chó cùng vợ đã tìm đến hỏi hắn: – “Ai là người đã cứu cô gái?”

– “Chính con chó của ta” – “Vậy hãy đưa con chó ra ấy ra đây và bảo nó nôn”. Khi chó nôn ra, không thấy có gì cả. Còn con chó của vợ chồng người kia thì nôn ra được cái đuôi rắn. Thấy vậy, tù trưởng đuổi tên gian đi và đem con gái gả cho người này[15].

Truyện của Chi-lê (Chili) Nhẹ và Nặng:

Có hai anh em một cô gái mồ côi, kiếm ăn rất chật vật. Một hôm, người anh gặp một ông già cho mượn hai con chó (tên là Nhẹ và Nặng) và một khẩu súng. Từ đấy, anh em luôn có thức ăn. Một hôm chó dẫn họ đến một nơi có lâu đài của một tên khổng lồ, anh em làm quen với nó rồi đến đấy ở, nó giao cho tất cả chìa khóa, chỉ dặn không được mở cái phòng xanh. Một hôm người em gái ở nhà một mình tò mò, mở cửa phòng xanh, bị khổng lồ bắt làm vợ. Nó bảo cô phải tìm cách giết anh. Đã ba lần cô gái nghe theo khổng lồ âm mưu giết anh, nhưng nhờ hai con chó cứu được. Cuối cùng người anh biết em đã trở thành kẻ phản bội, bèn bỏ đi.

Anh đến nơi gặp một cô gái đang ngồi khóc, hỏi thì mới biết cô là công chúa phải làm vật hy sinh cho một con rắn bảy đầu. Cũng như một số truyện trên, anh gối đầu vào đầu gối cô gái, có Nặng và Nhẹ nằm bên cạnh. Khi rắn đến, cô gái khóc, nước mắt rỏ xuống làm anh thức giấc, thuận tay anh bắn một phát xuyên bảy cái đầu rắn. Anh cắt lưỡi rắn bỏ vào túi mang đi. Một người da đen được vua sai đi chặt củi, thấy rắn đã chết, bèn chặt lấy đầu rắn đưa về lĩnh thưởng. Công chúa bỗng bị câm. Nhưng lễ cưới công chúa với người da đen vẫn được tiến hành. Chàng mồ côi sai Nặng và Nhẹ lần lượt đến giật lấy thức ăn trên tay chú rể. Vua sai một đội quân hai mươi lăm người đến bắt. Nặng và Nhẹ đã cắn chết tất cả. Vua sai đưa ba cỗ xe đi đón anh như anh yêu cầu. Vua hỏi: – “Tại sao lại dám giết lính?”. “Chính tôi mới là người cứu công chúa”. Người da đen cãi: – “Chính tôi là người chém rắn” – “Vậy thì lưỡi nó ở đâu?” anh hỏi. Đáp: – “Trong mồm nó”. Người ta xô tới tìm không thấy. Anh bèn rút lưỡi rắn trong túi ra. Công chúa bỗng nói được, kể lại sự thật. Vua đuổi kẻ gian rồi đưa anh ngồi vào chỗ chú rể.

Từ ngày lấy công chúa, anh quên súng và chó. Một hôm có người đàn bà mặc đồ tang xin vào nghỉ nhưng lại lẻn vào buồng anh nhét một vật vào giường rồi trốn đi. Anh vào giường nằm, tự nhiên lăn ra chết. Công chúa liệm xác, sắp chôn thì Nặng và Nhẹ chợt đến dùng răng xé đồ liệm, lấy ra những cái răng thuốc độc giắt vào phổi, tim và dạ dày anh (đó là do khổng lồ sai cô em gái cải trang đến làm hại anh). Anh sống lại. Lại đi săn. Bỗng gặp lại ông già ngày trước đòi lại chó và súng. Anh xin giữ lại hai con chó vì cho là nó đã quen mình. Ông già đáp – “Không, nó quen tôi hơn, không tin anh ngồi bên kia, tôi ngồi bên này, mỗi người gọi thử, xem nó quen ai?” Hai con chó qua theo ông già. Anh xin đi theo ông. Ông già trải một cái chăn, đặt hai con chó và khẩu súng ở ba góc chăn. Tự nhiên chó và súng hóa ra ba nàng tiên, mỗi nàng cầm một góc chăn bay lên không trung. Đi qua địa ngục, thấy một người đang kêu gào giữa đống lửa, ông già hỏi: – “Anh có biết người đấy là ai không?” – “Ồ, đấy là em gái tôi, xin ông cứu cho với!” Thấy ông già lắc đầu, anh lại nói: “Em tôi đau khổ là tôi đau khổ”. Ông già bèn đưa cô gái ra khỏi lửa mang đi theo[16].

Người Nhật có hai truyện:

Truyện thứ nhất: Sip-pây-ta-rô cũng có một con chó cứu tinh:

Một chàng võ sĩ đi phiêu lưu, ngẫu nhiên nghỉ đêm ở một ngôi đền bỏ hoang. Khuya tỉnh dậy thấy một lũ mèo nhảy nhót kêu gào: – “Hãy giữ kín chớ nói với Sip-pây-ta-rô”. Gần sáng chúng biến mất. Khi tìm được đến làng, võ sĩ thấy một bà già đang khóc, cho biết mỗi năm thần núi đòi một người, đêm nay đến lượt con gái mình, người ta sẽ bỏ vào cũi mang đến đền. Hỏi về cái tên Sip-pây-ta-rô thì bà cho biết: đó là tên một con chó của một người ở cách đây khá xa. Võ sĩ đi tìm chủ con chó, cố nài mượn con vật một đêm. Đoạn bỏ chó vào cũi thay cô gái mang đến đền. Mọi người về cả còn võ sĩ ở lại, thấy đàn mèo ma lại xuất hiện, ở giữa có một con đen lớn hung dữ. Sau khi nhảy nhót kêu gào con vật mở cũi vồ mồi nhưng chó đã xông ra cắn, võ sĩ cũng kịp thời nhảy ra cho một nhát kiếm.

Truyện thứ hai: Con rắn tám đầu có nguồn gốc từ một thần thoại:

Nữ thần tạo thiên lập địa lúc sắp mất chia tài sản cho hai trai một gái. Con gái A-ma được mặt trời, con trai đầu Su-sa-nô được biển, con trai nữa được mặt trăng. Giận vì được biển lạnh lùng, một hôm Su-sa-nô nhảy lên trời đạp phá lung tung. A-ma kịp thời trốn vào hang đóng cửa lại. Vì ánh sáng mặt trời phát ra từ đôi mắt A-ma nên từ đấy thế giới tối đen. Để cứu vãn, các nàng tiên đến trước hang nhảy múa hát cười làm cho A-ma không nhịn được cười phải hé cửa nhìn. – “Ra mà xem cô tiên mới đẹp hơn cả cô đấy!” Các cô đặt trước hang một tấm gương. A-ma không biết người trong gương là mình, bèn đi ra thì họ liền đóng cửa hang lại, không vào được nữa. A-ma đành trở về, nhưng đòi phải phạt vạ Su-sa-nô. Anh chàng bị đánh đau và bị đuổi xuống cõi đất.

Ở đây, trong lúc đi dạo bờ sông, anh gặp vợ chồng một ông già đang khóc thảm thiết – “Có việc gì thế?” – “Chúng tôi có tám con nhưng gần nhà có con rắn tám đầu mỗi năm xuất hiện một lần ăn mất một. Nay chỉ còn một con gái sắp cho nó ăn nốt”. Chàng hứa sẽ cứu, bèn làm một hàng rào có tám cửa, mỗi cửa có một bình rượu (xakê). Rắn tới cho mỗi đầu vào hàng rào tu rượu. Rắn say lảo đảo, bị Su-sa-nô nhảy ra chém cả tám đầu. Khi chặt vào mình rắn thì thấy đuôi nó có một thanh gươm cán gắn đá quý, đẹp chưa từng thấy. Anh lấy gươm và được kết duyên với cô gái[17] (có chỗ nói về sau người ta tôn họ là thần kết hôn, đền thờ dựng lên ở Ô-i-át-hi-rô).

Truyện của Ý (Italia) Mụ tiên ác cũng có con vật nhiều đầu:

Một mụ tiên mỗi năm bắt một thành phố nộp cho mình một trinh nữ, nếu không sẽ thả xuống một vật làm cho mọi người chết hết. Năm ấy đến lượt công chúa. Người ta rước công chúa đi có kèn trống, có cha mẹ và bà con theo khóc. Đến đỉnh núi nọ họ đặt nàng ngồi trên một cái ngai rồi rút về. Tiên hoá thành đám mây đáp xuống hút máu đầu ngón tay. Khi công chúa ngã vật ra thì mây mang tới một lâu đài ở trên trời. Bấy giờ, có một thanh niên dũng cảm hoá làm diều bay theo rồi đậu ở ngọn cây ngoài lâu đài. Nhìn qua cửa sổ anh thấy một gian buồng đầy các cô gái nằm la liệt, sống dở, chết dở, luôn mồm gọi mẹ. Khi tiên đi vắng, anh lọt vào buồng xin ăn, rồi bảo các cô tìm cách hỏi khéo mụ làm thế nào thì mụ có thể chết được, anh sẽ cứu. Tiên về, các công chúa làm bộ thân mật hỏi mụ liệu nụ có thể chết được chăng? – “Ta thì không thể nào chết được” – mụ đáp. Hỏi lần khác mụ đưa đến một nơi bảo: – “Chúng mày hãy nhìn lên hòn núi xa kia, trên hòn núi có một con hổ cái bảy đầu. Chỉ có sư tử mới địch được nó. Có chặt được bảy cái đầu mới lấy được chiếc trứng trong người nó. Nếu cầm trứng ấy đánh vào trán ta thì ta mới chết. Nhưng nếu ta lấy được trứng thì con hổ bảy đầu sẽ sống lại và ta cũng không việc gì”. Nghe nói, các cô gái thất vọng nhưng cũng làm bộ chúc tụng: – “Hoan hô, mẹ ta không bao giờ chết!”.

Lần sau chàng thanh niên lại đến. Khi nghe kể chuyện, anh bèn hoá thành sư tử quần nhau với hổ. Mụ tiên ở lâu đài bắt đầu thấy khó ở. Mỗi ngày anh chặt được một đầu. Sức của mụ cứ yếu dần. Sau hai ngày nghỉ sức, anh lại chặt nốt đầu thứ bảy, chiếm lấy trứng trong người nó. Nhưng trứng bị rơi xuống biển. Nhờ có một con chó biển lặn xuống lấy giúp lên. Về đến lâu đài mụ thấy trứng, bèn xin. Anh buộc mụ trả lại sức khoẻ cho các cô gái. Khi mụ làm xong, anh đánh trứng vào giữa trán mụ, mụ tắt thở[18].

Hai truyện dưới đây có mục đích tuyên truyền cho tôn giáo:

Truyện của Pháp Thánh Jor:

Thánh Jor cưỡi ngựa trắng đến một thành phố bên cạnh hồ thấy mọi người đang than khóc, hỏi, thì đáp là đã ba năm nay có một con rồng đến đây, quân đội không trừ được, hơi thở của nó đủ giết chết mọi người. Mỗi một ngày người ta mang đến hai con chiên đấm họng, nay hết chiên đến lượt người. Hôm nay đến lượt con gái của vua. Nhà vua hứa ai cứu được sẽ cho tất cả vàng bạc và chia cho nửa nước. Thánh Jor bèn tìm đến nơi, thấy công chúa mặc áo vàng đeo vòng tay như ngày cưới, đang đợi con quái vật. Jor nói ý định của mình, công chúa đáp: – “Hãy tránh đi kẻo chết, không cứu được đâu!”. Nhưng Jor đã dùng phép đâm chết con rồng, rồi bảo công chúa lấy thắt lưng buộc vào cổ cho mình kéo về. Dân chúng sợ hãi chạy toán loạn. Sau khi chặt, phải mười hai đôi bò mới kéo nổi đầu rồng.

Truyện của người Xanh-ga-le (Singalais) theo đạo Hồi:

Dân đảo Man-đi-vơ (Maldives)[19] mỗi tháng phải mang hiến một trinh nữ cho một hung thần từ biển hiện lên dưới dạnh một chiếc tàu đầy đèn sáng lựng. Cô gái hy sinh được dẫn đến một ngôi đền có cửa sổ hướng ra biển, ở đó suốt đến đêm, sáng dậy thì chỉ còn xác không hồn. Mỗi tháng bắt thăm trúng ai, người ấy chịu. Một hôm có người dân Béc-be theo đạo Hồi thuộc lòng kinh Co-răng (Coran), đến trú tại đây, ở nhờ nhà một người đàn bà. Thấy mọi người khóc lóc như có đám tang, hỏi thì mới biết số phận đen đủi rơi vào con gái của bà – “Tôi sẽ đi thay cho con bà”, anh nói. Khi đến ngôi đền, anh ngồi đọc kinh suốt đêm. Thần hiện lên nghe tiếng đọc kinh lại biến vào biển. Sáng dậy mọi người thấy anh còn sống bèn đưa anh đến cho vua. Anh khuyên vua theo đạo Hồi. Vua bảo đợi một tháng, khi thấy không có tai họa nữa bèn ra lệnh cho cả đảo theo đạo Hồi.

Các câu truyện trên có lẽ xuất phát từ tục hiến tế bằng máu người rất phổ biến trong thời cổ đại. Sau đây là một truyện của thần thoại Hy-lạp:

Một ông vua tên là A-tha-mát có một trai một gái. Vua lấy vợ kế có hai con. Vợ kế ghen ghét con vợ trước, âm mưu trừ bỏ. Trước hết mụ sai đàn bà trong xứ bí mật rang lúa mì giống trước khi đem vãi. Dĩ nhiên không một hạt nào mọc. Dân làng lâm vào nạn đói. Vua cho hỏi tiên tri ở đền Đen-phơ, nhưng mụ ta ngăn trở sứ bộ và dặn về phải trả lời là nạn đói sẽ còn tiếp diễn nếu không đem con của A-tha-mát làm vật hy sinh ở đền thờ của thần Dớt. A-tha-mát sai người đi tìm con. Lúc này chúng đang chăn cừu, trong đó có một con lông vàng; con vật này mách cho hai anh em biết, và bảo hãy đi theo mình trốn mau không thì nguy. Hai anh em bèn trèo lên lưng thì chiên lông vàng bay lên không trung. Em gái tuột tay rơi xuống biển chết, còn anh trai đến xứ khác làm vua, lấy con gái vua ở đấy đẻ ra Xi-ti-so. Anh cúng con chiên cho thần Dớt, còn bộ lông vàng thì cho bố vợ đóng vào một cây “sên” do một con rồng giữ. Lúc này ở nhà, lời phán truyền lại bảo rằng A-tha-mát phải làm vật hy sinh cúng thần. Người ta đưa lẵng hoa dắt vua ra bàn thờ thần. Sắp bị giết thì cháu nội là Xi-ti-so do thần Héc-quyn mách, đến cứu được. A-tha-mát được cứu nhưng hóa điên, thấy con của vợ sau tưởng là thú dữ bèn giết đi. Sắp giết đứa con thứ hai thì mẹ nó đến cứu, rồi cả mẹ lẫn con nhảy từ núi cao xuống chết. Về sau mụ hoá thành thần biển, được dân đảo Tê-nê-đốt thờ, hàng năm dân phải hiến tế trẻ em[20].

Xem thêm truyện của người Đức ở phần Khảo dị, truyện số 123, tập III.

[1] Theo lời kể của người Phú-thọ.

[2] Sưu tầm những bài mới.

[3] Theo Sơn Nam. Chuyện xưa tích cũ, tập II

[4] Truyện cổ tích và truyền thuyết An-nam, đã dẫn.

[5] Truyện cổ tích Việt-nam.

[6] Theo Bản khai của tổng Thanh-xuyên.

[7] Theo Truyện cổ dân gian Việt Nam, tập I

[8] Theo Truyện cổ dân gian Việt Nam, tập I

[9] Theo Bản khai Hữu-tập, sách Vĩnh-lại, sách Nhiêu-hợp, đã dẫn

[10] Theo La-vây-xi-e-rơ (Laveissière). Truyện cổ tích Việt-nam.

[11] Võ Quang Nhơn. Chàng Đam-thí.

[12] Theo Truyện cổ dân gian Thanh-hoá, tập I.

[13] Theo Đông và Tây, tập II.

[14] Theo Phrê-dơ (J. G. Fraser). Kho tàng truyền thuyết của nhân loại.

[15] Theo Tạp chí Nhân loại học, tập XXI (1915-1916)

[16] Theo Tạp chí Nhân loại học, đã dẫn, tập XII (1917).

[17] Đều theo Truyện cổ tích của nước Nhật cổ, sách đã dẫn.

[18] Theo Pua-ra (Pourra): Kho tàng truyện cổ tích, tập II

[19] Quần đảo ở Tây nam Ấn-độ, trước là thuộc địa của Anh

[20] Đều theo Phrê-dơ (J. G. Fraer), sách đã dẫn.

– Nhà thiếp có một mẹ một con, nghĩ mình chết đi cũng không tiếc, chỉ thương mẹ già không có ai nuôi. Nhưng thôi chàng hãy đi mau khỏi chốn này, nếu không mãng xà nó đền thì chẳng còn tính mạng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN