Khóc Giữa Sài Gòn - Chương 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
194


Khóc Giữa Sài Gòn


Chương 8


Hôm nay trời không nắng, cũng chẳng mưa. Gió cứ lành lạnh, lành lạnh từng cơn phả vào lòng người đi trên đường. Mỗi lần Sài Gòn có dịp lạnh, dân chúng mừng rơn, xúng xính áo khoác, khăn choàng, những thứ khi đi du lịch ở xứ lạnh cao hứng mua về rồi xếp xó, một năm mặc được khoảng hai lần là nhiều. Nam gài chốt cửa sổ, sợ gió lớn làm bể kiếng, lững thững ra bếp, tắt lửa nồi canh vừa sôi. Nếm thử một chút, Nam chép chép miệng, nhận ra hôm nay hình như canh ngọt hơn mọi ngày, thế là lại lấy gia vị nêm nếm lại.

Hình như người ta yêu nhau cũng như cùng nấu một nồi canh. Có ngọt ngào, có mặn đắng, có chua cay. Người đầu bếp giỏi, sẽ biết cách cho mỗi thứ gia vị ở một mức độ vừa đủ để chúng hòa quyện vào nhau. Người đầu bếp dở sẽ cho thứ này quá nhiều, thứ kia quá ít, làm nồi canh chỉ đặc một vị ngán ngẩm, thậm chí phải đem bỏ đi. Tình yêu cũng vậy, ngọt ngào, giận hờn, ghen tuông rồi nước mắt. Nam có mấy đứa bạn, yêu mà lúc nào cũng nghi kị, không tin tưởng vào người yêu rồi tìm đủ mọi cách để theo dõi, điều tra, cuối cùng cũng chỉ làm cho đối phương khó chịu, chia tay. Nam yêu Phan vừa đủ và tin Phan vừa đủ. Không bao giờ tò mò đọc điện thoại, máy tính bảng hay laptop của Phan, vì Nam tôn trọng Phan và cũng hiểu rằng, có khi làm những việc đó cũng chỉ tìm ra được thứ làm chính bản thân mình đau.

Tình yêu, cơ bản cần được xây dựng bằng niềm tin cả hai dành cho nhau.

Nam nếm lại lần nữa nồi canh, thấy đã đúng với khẩu vị của Phan thì đậy nắp, nhìn đồng hồ. Nấu là do Nam muốn chuẩn bị buổi sáng sẵn sàng cho người yêu, chứ xong cũng đem bỏ tủ lạnh, để tối Phan mới về ăn cơm cùng. Chỗ làm cách nhà không xa lắm, mấy bữa đầu Phan tranh thủ chạy về ăn trưa cùng Nam, nhưng thấy Phan vừa ăn xong lại tất tả chạy lên công ty nên Nam dặn thôi Phan cứ ở lại công ty cho khỏe, Nam để dành đồ ăn tối về rồi ăn luôn.

Nam về phòng, mở máy tính lên vào mạng xã hội cũng như các trang báo mạng đọc tin tức. Thứ đập vào mắt Nam đầu tiên là tấm hình một bà lão đang nằm giữa đường với câu chuyện kể phía bên dưới được mấy ngàn người chia sẻ, bình luận.

“Cảnh giác hành vi lừa đảo mới.

Nếu bạn đi trên đường, nhất là những con đường vắng vào lúc đêm tối, sẽ có thể bắt gặp một bà lão đang nằm ngất xỉu trên đường.

Nhớ, tuyệt đối phải chạy qua thật nhanh và không được dừng lại để hỏi thăm hay giúp đỡ, vì đây là thủ đoạn lừa đảo mới, rất tinh vi.

Một người bạn của mình cho biết, tối hôm trước, khi chạy xe chầm chậm trên đường H.V.B, bạn ấy trông thấy một bà lão khoảng gần sáu mươi tuổi đang nằm ngất xỉu trên đường. Bạn ấy đã dừng lại, xuống xe và hỏi thăm bà lão kia có sao không.

Tuy nhiên khi vừa đỡ bà lão, thì bà ta đã bật dậy, la lên rằng là do bạn mình đụng trúng bà ta để bà té ngã rồi trong con hẻm tối gần đó lập tức có một nhóm thanh niên, cả nam lẫn nữ nhào ra đòi phải bồi thường. Bạn ấy là con gái, lại một mình giữa đêm tối, không biết cầu cứu ai, đám người kia thì rất hùng hổ, nên đành vét hết tiền trong túi được hơn một triệu. Nhưng họ không chịu, nói là chưa đủ tiền thuốc men và ép bạn phải đưa thêm điện thoại thì mới để cho bạn đi.

Bạn mình sợ nên cũng nghe theo, bỏ lại điện thoại rồi lên xe chạy về nhà, thà của đi thay người. Đây là thủ đoạn lừa đảo mới, nhắm vào lòng thương của mọi người. Thế nên nếu bạn gặp phải cảnh này giữa đêm, hãy cẩn thận, suy nghĩ thật kỹ trước khi ra tay cứu giúp.

Hãy chia sẻ thông tin này để mọi người biết và đề phòng, không cho kẻ gian lộng hành.”

Nam đọc đi đọc lại mẩu tin, rồi nhìn đến những dòng bình luận bên dưới. Một số người tỏ ra hoài nghi tính xác thực của câu chuyện, nhưng phần đông đều cho rằng xã hội này không còn điều gì đáng tin. Lòng tốt cũng bị đem ra làm món mồi nhử của bọn cướp. Nam chuyển sang các trang báo khác để coi, thấy hầu như trang chủ báo nào cũng đều là bài viết về vụ lừa cướp kia với những cái tít rất giật gân, “Bà lão dàn cảnh cướp của”, “Trả giá cho lòng tốt”, “Thủ đoạn cướp mới”… Nam tắt máy tính, để qua một bên rồi ngả người xuống nệm, nhìn ra ngoài kia. Nắng vẫn mãi đằng xa, dưới kia người ta vẫn cứ bước dài, chẳng biết người nào tốt người nào xấu. Mà tốt hay xấu thì sao nhỉ? Vẫn cứ phải hít thở bầu không khí đầy ắp bụi bặm của Sài Gòn.

***

Quán café vắng người, Tú im lặng ngồi lọt thỏm giữa ghế sofa rộng, kín đáo quan sát vài người khách khác đang nhàn tản như mình. Không phải giờ tan tầm, không phải giờ ăn trưa, cũng không phải buổi tối, nhu cầu café lúc này là thấp nhất, nên hiển nhiên quán không đông. Vì thế, những kẻ ngồi ở quán giờ này chỉ có hai loại, một là vô công rồi nghề, hai là giàu đến mức chẳng cần làm cũng có tiền ăn. Tú thầm nghĩ rồi tự cười, may mà bản thân chẳng nằm ở đâu trong hai thứ đó, Tú có việc làm, nhưng công việc không bó buộc thời gian nên có thể chủ động hẹn gái ra café ngồi nói dóc cho qua ngày đoạn tháng.

Ở Sài Gòn, ngồi café là thói quen của rất nhiều người. Bạn bè họp mặt, ra café. Tình nhân gặp nhau, ra café. Bàn công chuyện, ra café. Cần không gian làm việc, ra café. Chẳng biết làm gì, cũng ra café. Hay trước một cuộc chia tay nào đó, người ta lại hẹn nhau, “Bữa nào rảnh đi café ha”, dù có lúc đây chỉ là lời đầu môi chót lưỡi mời theo thông lệ, cái “bữa nào” đồng nghĩa với “không bao giờ”.

Quán café ở Sài Gòn cũng nhiều vô thiên lủng, từ thượng vàng hạ cám đều có đủ để phục vụ cho nhu cầu của người ta. Từ quán café lề đường, ghế nhựa giá tám ngàn một ly, đến quán café sang chảnh ngay trung tâm thành phố, ghế nệm giá tám chục ngàn một ly. Từ quán café trang trí sơ sài, chủ yếu mở ra để có chỗ cho đám sinh viên nghèo ngồi chờ tới giờ học cho đến quán trang trí theo từng chủ đề nhất định, phục vụ cho thượng khách có gout riêng.

Người ta dắt nhau ra café cũng đủ mọi lý do. Có khi để bắt đầu dụ dỗ nhau vào mấy chuyện tình cảm lãng mạn, hồng huệ sến súa. Có khi để nói lời chia tay, tạt nhau ly trà đá trả thù cho cái sự đểu cáng mình vừa kịp nhận ra ở đối phương. Có khi để bàn công việc, ký mấy cái hợp đồng trăm triệu, chục tỷ. Và cũng có khi là chẳng để làm gì, chỉ đơn giản muốn lắng lòng một chút, nhìn đời hối hả ngoài kia để thấy mình đang được sống chậm, nhắm đời như vị đắng café đen không đường.

Quán café hôm nay Tú ngồi được thiết kế theo phong cách cổ điển, một chút kiến trúc Pháp của thập niên 70 thế kỷ trước, đặt trên tầng cao của một chung cư cũ, không thang máy. Ô cửa sổ lớn nhìn xuống đường đông người qua lại. Nghe nói chủ quán là Việt kiều, tự thiết kế căn hộ cũ của mình thành quán, muốn lưu lại chút dấu ấn thời gian, kinh doanh cũng chỉ là phụ, chủ yếu thỏa cái thú được mời người ta vào không gian hoài niệm do chính mình tạo ra.

Cửa quán bật mở, người vừa vào nhìn quanh một lượt, chú ý đến góc có Tú đang ngồi lọt thỏm giữa sofa lười nhác, bèn tiến tới gần.

– Chào Tú, tôi nghĩ mình đến sớm, hóa ra có người lại còn sớm hơn tôi.

Tú ngẩng đầu nhìn, đứng dậy đưa tay bắt theo thói quen, chợt thấy mình thật ngây ngô vì đây chẳng phải một buổi café cho công việc gì.

– Chào Mễ, chẳng qua do tôi có thói quen hay đến quán sớm, ngồi viết lung tung một chút trước khi bắt đầu cuộc hẹn.

Mễ mỉm cười, lần mở menu, gọi cho mình ly café đen rồi ngả người ra sau ghế, thoải mái nhìn Tú.

– Ở đây nước ép trái cây rất ngon, sao Mễ lại chọn café?

– Ở một quán xa lạ tôi thường hay gọi café, vì bảo đảm rằng đó là món họ sẽ làm tốt nhất, sau trà đá.

– Ừ nhỉ, chỉ là tôi thấy phụ nữ không nhiều người thích café đen.

– Tôi thì lại không phải loại phụ nữ Tú có thể thường thấy đâu.

Mễ nói xong mỉm cười, thấy Tú khựng lại, mặt sường sượng, mới nhớ ra là mình lại đang bị ám ảnh nghề nghiệp quá mức.

– Xin lỗi Tú, tại do thói quen nghề nghiệp nên…

– Không có gì đâu Mễ, tôi hơi ngạc nhiên vì lần đầu gặp một người đàn bà cá tính như Mễ.

– Tú chắc hẳn đã gặp rất nhiều đàn bà nhỉ?

– Đủ để nhớ vài người ấn tượng và không đủ để nhớ tất cả.

– Hèn chi Tú viết sách lại “đàn bà” đến vậy.

Mễ là độc giả của Tú. Một người bạn tặng Mễ cuốn truyện ngắn Tú viết về đàn bà cùng lời nhắn, “Đọc đi, cuốn này viết về đàn bà ám ảnh lắm.” Mễ cầm sách về cũng để đó, bận công việc nên không có thời gian coi qua. Mãi gần đây, có đêm mất ngủ nên Mễ giở ra đọc vài trang, rồi bị cuốn vào mạch truyện đến mức thức cả đêm để đọc cho xong. Lật phần giới thiệu, Mễ càng ngạc nhiên vì không thể tin rằng một gã trai hai mươi sáu lại có thể viết về đàn bà chuẩn xác và sâu sắc đến vậy. Chính vì thế, Mễ bắt đầu tò mò và tìm để gặp cho bằng được người viết nên cuốn sách đó.

– Tú viết về đàn bà như thể chính bản thân mình là đàn bà, tôi thật sự ngạc nhiên và khâm phục.

– Cảm ơn Mễ, do tôi mê đàn bà nên tìm hiểu nhiều.

– Tú mê nhất điều gì ở đàn bà, đừng nói với tôi là thứ giữa hai chân nhé. – Mễ nói, miệng nhếch nụ cười.

– Cái thứ ấy, đàn ông thằng nào cũng mê. Tôi cũng mê do tôi là đàn ông, nhưng còn nhất thì không. Tôi mê nhất là sự bí ẩn trong suy nghĩ của đàn bà. Như Mễ đây, ngồi đối diện tôi, nói chuyện như vậy, nhưng tôi tin chắc rằng Mễ đang có rất nhiều suy nghĩ về tôi.

– Ai mà chẳng có suy nghĩ ẩn sâu.

– Nhưng đàn bà khác, sâu hơn nhiều, và đàn ông có khi mất cả một đời cũng không thể nào hiểu nỗi.

– Đúng là nhà văn, nói chuyện rất khéo.

– Viết được một hai cuốn sách như tôi, nhận là nhà văn cho thiên hạ chửi, tôi cũng chỉ là thằng buôn chữ kiếm cơm thôi Mễ. Còn Mễ, khi chat với nhau, Mễ nói rằng Mễ làm công việc là “tìm hiểu và phân tích suy nghĩ của người khác”, thật vậy chứ?

– Ừm, tôi là chuyên viên tư vấn tâm lý.

– Với kinh nghiệm của mình, Mễ nhìn xem tâm lý tôi có bình thường không?

Mễ nheo nheo mắt, lấy ly café, hớp một ngụm, thấy vị đắng lạnh trôi từ đầu lưỡi xuống cuống họng, rồi chảy cả vào người.

– Tất cả chúng ta, dù ít hay nhiều, thì ai cũng có vấn đề về thần kinh, nếu không, người đó đã là thánh rồi, Tú ạ.

***

Ân nhìn tấm thiệp trên tay, nhìn lại bộ quần áo lộng lẫy đang mặc, hít một hơi dài rồi mở cửa phòng tiệc bước vào. Tiếng nhạc nền nã vang lên, từng nhóm người đang túm tụm cùng nhau nói chuyện, vài người dừng việc, nhìn ra cửa nơi Ân vừa bước vào, càng khiến cô bối rối, cúi gằm mặt và lủi đi thật nhanh. Khi đã yên vị trong một góc kín đáo của phòng, liếc nhìn xung quanh hình như đã không còn ai quan tâm đến sự xuất hiện của mình, Ân mới thở hắt ra, tay vẫn còn đang lẩy bẩy run và ướt đẫm mồ hôi.

Khi nhận được thiệp mời đến buổi tiệc sinh nhật này, Ân đã từ chối ngay lập tức, nhưng do ba mẹ Ân đang có công việc, nên Ân chẳng còn lý do gì để từ chối. Chưa kể, lời nhắn của mẹ Ân còn nặng ký hơn, “Tiệc này toàn ông này, bà nọ, biết đâu con kiếm được một thằng rể cho mẹ.” Ân ừ hữ trong điện thoại rồi cũng ráng đi cho vừa ý hai người. Nhưng đến đây rồi mới thấy bản thân chẳng thể nào thoải mái được.

Ân sợ đám đông. Sợ những ánh mắt xa lạ chằm chằm hướng về mình. Sợ phải đứng nói chuyện trước một nhóm người. Sợ luôn cả việc bắt chuyện làm quen với những người chưa từng gặp lần nào trong đời. Mấy năm trước, nỗi sợ này chưa lớn như bây giờ, chỉ là những lo lắng thường thấy của một cô gái mới lớn. Ân cũng không mảy may suy nghĩ nhiều về nó, cứ thầm cho là do tính mình nhút nhát, hay mắc cỡ nên vậy. Nhưng càng ngày nỗi sợ càng lớn hơn trong Ân, nhất là khi đi làm, hiểu được đằng sau nụ cười của những người đồng nghiệp là những cái bĩu môi, gièm pha đầy ác ý. Gần đây Ân chỉ cảm thấy an toàn khi được ở một mình trong căn phòng hẹp, những con người xung quanh chỉ là những bức hình vô hồn, và ai ai cũng đang chỉ thể hiện đúng một nét biểu cảm trên gương mặt, không biến chuyển.

Ân thích chụp hình cũng vì vậy, nó cho Ân thứ cảm giác an toàn quái gở khi hiểu rằng hình ảnh mình bắt được là thứ cảm xúc không thay đổi dù cho chủ thể của bức ảnh có ra sao đi nữa. Từ ngày bắt đầu chia sẻ những hình ảnh chụp được lên mạng xã hội, Ân nhận được sự quan tâm và đâm ra thích thú điều đó. Sự quan tâm đến từ những người không phải thân thích. Họ có thể chẳng biết Ân là ai, chẳng quan tâm Ân là người như thế nào, nhưng khi hình Ân chụp được họ thích, bình luận, chia sẻ, có nghĩa là không ít thì nhiều họ vẫn đang quan tâm. Ân bị nghiện sự quan tâm ảo trên mạng xã hội từ lúc đó.

Cứ cách vài phút, Ân lại mở điện thoại lên coi có ai bình luận gì về ảnh không. Nếu phải chạy xe ngoài đường hay trong trường hợp nào đó không kiểm tra được, Ân cảm thấy bứt rứt, khó chịu và không thể tập trung vào việc mình đang làm. Như bây giờ đây, khi mọi người xung quanh đang ăn uống, nói chuyện cùng nhau trong bữa tiệc buffet hào nhoáng, thì Ân đứng ở góc khuất trong phòng, loay hoay xếp ly rượu theo một thứ tự đẹp mắt rồi lấy điện thoại ra chụp vài tấm hình, dùng thêm mấy phần mềm chỉnh màu cho nó huyền bí lung linh, post lên mạng xã hội cùng đoạn trích của một bài hát, “rượu rót chưa uống, mà hồn đã say khướt”4 rồi đứng nhìn vào màn hình điện thoại mỉm cười hài lòng khi thấy người ta bắt đầu thích và bình luận về tấm hình vừa post.

Từ khi dùng mạng xã hội, điện thoại là thứ không thể thiếu của Ân ở bất kỳ nơi đâu. Đến một nơi toàn những người xa lạ, Ân lập tức lôi điện thoại ra, hí hoáy với nó, lướt lên lướt xuống coi tin tức mới của bạn bè, có khi mới coi qua rồi lại coi lại lần nữa. Thỉnh thoảng Ân ngước lên để coi có ai đang nhìn mình không, nếu có, liền cúi xuống và lo nhấn tiếp, không cho bất cứ ai có cơ hội chạm vào bức tường mình dựng lên. Mà chắc cũng có nhiều người như Ân, họ thích giả vờ cầm điện thoại, bận rộn làm việc để không ai chú ý đến mình giữa đám đông. Thật ra lúc đó, người ta đang cô đơn lắm.

Mải mê chú ý, Ân không biết sau lưng có người đến gần.

– Chị dùng bánh nha chị!

Cô bé phục vụ bưng khay bánh ngọt đến sau lưng Ân, vồn vã hỏi. Ân giật mình, lúng túng quay lại, muốn nói cảm ơn nhưng giọng cứ lí nhí trong cuống họng không thoát ra ngoài được, tay chân tự dưng đổ mồ hôi ướt nhẹp, trong đầu lại dồn dập bao nhiêu suy nghĩ, “Lấy ăn rồi mọi người sẽ nhìn mình thì sao…” Ân đưa tay tính cầm cái bánh, rồi lại lấm lét nhìn xung quanh. Nỗi bất an trong lòng không biết từ đâu xuất hiện mà ngày càng lớn hơn, cuối cùng Ân quyết định rụt tay lại, lầm bầm hai tiếng “Cảm ơn” rồi cúi đầu đi thẳng ra đằng cửa, trước khi đưa tay mở cửa vẫn còn thấy phía sau bỏng rát bởi ánh mắt mọi người đang chằm chằm quét dọc sống lưng.

Ân đi thẳng xuống đất, ngoắc một chiếc taxi đang đậu gần đó rồi nói địa chỉ phòng trọ. Khi đã an toàn trong bốn miếng thép của cỗ xe đang di chuyển, lúc này Ân mới có thể thở hắt ra một hơi dài, tâm trạng dần ổn định nhìn phố sáng đèn ngoài kia. Những câu nói của Phan mấy hôm trước lại hiện về, rõ mồn một:

“Anh nghĩ em cần đi gặp bác sĩ tâm lý, trường hợp của em là rối loạn tâm lý giao tiếp, mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng về mặt xã hội và giao tiếp sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Nếu cần, anh sẽ giới thiệu cho một người bạn chuyên về lĩnh vực này.”

Có lẽ, đã đến lúc Ân cần xin Phan số liên lạc.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN