Không Có Ngày Mai - Chương 15
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
116


Không Có Ngày Mai


Chương 15


TÔI NÓI, “BẮT TAY VÀO VIỆC THÔI. Gọi cho LAPD[25] hoặc cảnh sát của Đại học Nam Carolina nhờ
giúp đỡ, giữa cảnh sát với nhau. Bảo ai đó tới thẳng chỗ thằng bé ở xem
nó có nhà không.”

“Họ sẽ cười vào mũi tôi. Nó chỉ là một vận động viên nhà trường không nghe điện thoại lúc bốn giờ sáng thôi.”

Tôi bảo, “Cứ làm đi.”

Jake nói, “Hãy đi với tôi.”

Tôi lắc đầu. “Tôi sẽ ở đây. Tôi muốn nói chuyện lần nữa với mấy tay làm thuê.”

“Anh sẽ chẳng bao giờ tìm được chúng đâu.”

“Chúng sẽ tìm tôi. Tôi chưa khi nào trả lời các câu hỏi của chúng, về việc
Susan có đưa thứ gì cho tôi không. Tôi nghĩ chúng muốn hỏi câu đó lần
nữa.”

Chúng tôi hẹn gặp nhau sau năm tiếng, cũng ở quán cà phê này.

Tôi dõi theo anh trở vào xe rồi mới chầm chậm bước theo đại lộ Tám về phía
Nam, như thể tôi không có địa điểm nào cụ thể để tới, mà đúng thế thật.
Tôi mệt mỏi vì thiếu ngủ song lại tỉnh vì cà phê, nên tựu trung tôi coi
đó như một lần nạp lại năng lượng và sự tỉnh táo. Và tôi cho rằng những
tay làm thuê cũng như vậy. Chúng tôi đều đã thức suốt đêm. Việc đó khiến tôi nghĩ tới chuyện thời gian. Tỉ như hai giờ sáng là thời điểm không
thích hợp cho đánh bom tự sát, cũng là khoảng thời gian không bình
thường cho Susan Mark đến một điểm hẹn đặng chuyển giao thông tin. Thế
nên tôi dừng một chút trước sạp báo phía trước một cửa hàng thực phẩm mà lật qua các đầu báo. Tôi tìm thấy điều mình nửa trông chờ nằm sâu trong tờ Tin tức hằng ngày. Tối qua xa lộ thu phí New Jersey đã bị đóng suốt
bốn tiếng đồng hồ ở hướng đi lên phía Bắc. Một vụ đổ xe bồn chở dầu, do
sương mù. Một vụ tràn axít. Nhiều thương vong.

Tôi hình dung
Susan Mark bị kẹt trên tuyến đường giữa các đường nhánh. Tắc đường kéo
dài bốn giờ. Chậm trễ mất bốn giờ. Không tin tưởng. Căng thẳng leo
thang. Không có đường tiến, chẳng có đường lùi. Nan giải. Thời gian cứ
dần trôi đi. Hạn chót, xích lại gần. Hạn chót, hụt. Những lời đe dọa,
các biện pháp và hình thức trừng phạt, lúc này trở nên hiện hữu, sẵn
sàng. Chuyến tàu tuyến 6 đã có vẻ nhanh đối với tôi. Với cô ta thì chắc
chắn phải chậm kinh khủng. Ông đã đẩy cô ấy qua miệng vực. Có lẽ thế,
nhưng cô ta cũng chẳng cần được đẩy nhiều cho lắm.

Tôi vuốt vuốt
cho các tờ báo trở về tình trạng vẫn bán được rồi tiếp tục bước đi. Tôi
đoán là gã bị xé áo đã về nhà thay áo mới, nhưng ba tên còn lại vẫn ở
gần đây. Hẳn chúng đã theo dõi tôi vào quán cà phê, và đã thấy tôi khi
tôi đi ra. Tôi không thể trông thấy chúng trên phố, nhưng bây giờ tôi
đâu thực sự tìm chúng. Chẳng ích gì chuyện tìm kiếm một thứ mà ta biết
chắc chắn rằng đang có đó.

Ngày trước đại lộ Tám là một nơi nguy
hiểm. Đèn đường gãy vỡ, đất trống rao bán, các cửa hiệu cửa sắt cuốn, ma túy, đĩ điếm, cướp giật. Tôi đã thấy đủ thứ chuyện ở đó. Bản thân tôi
chưa bao giờ bị tấn công. Như thế chẳng có gì ngạc nhiên. Để biến tôi
thành một nạn nhân tiềm tàng, dân số thế giới phải giảm xuống còn hai.
Chỉ tôi đối mặt với một tên cướp, người chiến thắng sẽ là tôi. Giờ thì
đại lộ Tám cũng an toàn như bất kỳ nơi nào khác. Buôn bán náo nhiệt, chỗ nào cũng đầy người. Thế nên tôi chẳng quan tâm xem ba gã tiếp cận tôi
chính xác từ điểm nào. Tôi chẳng cố gắng dụ chúng tới nơi tôi chọn. Tôi
chỉ bước. Tùy chúng chọn. Ngày đang chuyển từ ấm sang nóng và các mùi
của vỉa hè bốc lên quanh tôi, như theo lịch cứng nhắc: rác bốc mùi vào
mùa hè và không bốc mùi vào mùa đông.

Chúng áp sát tôi khi còn
cách phía Nam Công viên quảng trường Madison và tòa bưu điện cổ to lớn
một khối nhà. Công trình xây dựng trên một lô đất ở góc phố buộc khách
bộ hành phải đi dọc theo một lối đi nhỏ có rào chắn nằm trên hệ thống
cống thoát nước. Tôi vừa bước một bước vào đó thì một tên xuất hiện phía trước, một tên áp sát phía sau còn tên cầm đầu áp vào bên cạnh. Hành
động nhanh gọn. Tên cầm đầu nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng quên đi chuyện
cái áo.”

“Thế thì tốt,” tôi nói. “Bởi tôi đã quên rồi.”

“Nhưng chúng tôi muốn biết liệu ông có giữ thứ gì thuộc về chúng tôi không.”

“Thuộc về các ông sao?”

“Thuộc về ông chủ chúng tôi.”

“Các ông là ai?”

“Tôi đã đưa danh thiếp cho ông rồi mà.”

“Và ban đầu tôi thấy rất ấn tượng với nó. Xét về mặt số học thì nó trông
như một tác phẩm nghệ thuật. Có hơn ba triệu khả năng kết hợp các con số để có một số điện thoại gồm bảy chữ số. Nhưng các ông lại không chọn
ngẫu nhiên. Các ông đã chọn số mà các ông biết là không còn được dùng
nữa. Tôi cho rằng làm việc đó thật khó. Thế nên tôi thấy ấn tượng. Nhưng rồi tôi nghĩ ra, thực tế là không thể làm được chuyện này, căn cứ vào
dân số của Manhattan. Ai đó chết hoặc chuyển đi, số của họ được tái sử
dụng rất nhanh. Thế nên tôi đoán rằng các ông đã thâm nhập được vào một
danh sách các số điện thoại không bao giờ hoạt động. Các công ty điện
thoại giữ một vài bản như thế, để phục vụ cho một số điện thoại xuất
hiện trên phim hoặc truyền hình. Không thể sử dụng số có thật cho việc
ấy, bởi các khách hàng sẽ bị quấy rầy. Thế nên tôi đoán rằng các ông
quen biết người làm trong giới điện ảnh hoặc truyền hình. Có lẽ bởi vì
gần như cả tuần các ông được thuê đảm bảo an ninh vỉa hè khi có một buổi trình diễn trong thành phố. Vì vậy hành động mạnh nhất các ông phải
thực hiện là ngăn cản các tay săn ảnh. Đó chắc chắn là sự thất vọng đối
với những người như các ông. Tôi nghĩ là khi khởi nghiệp các ông đã có
trong đầu những ý nghĩ hay ho hơn thế. Mà tệ hơn, điều này ngụ ý một sự
xói mòn năng lực do thiếu thực hành. Thế nên lúc này tôi lo ngại về các
ông thậm chí còn ít hơn lúc nãy. Thế nên tóm lại tôi sẽ nói rằng tấm
danh thiếp là một sai lầm, xét về mặt quản lý hình ảnh.”

Tay cầm đầu nói: “Chúng tôi mời ông một tách cà phê được chứ?”

Tôi không bao giờ từ chối lời mời uống cà phê, nhưng đã ngấy tận cổ việc
ngồi xuống một chỗ, nên tôi chỉ đồng ý loại cà phê mua mang đi. Chúng
tôi có thể vừa nhấm nháp vừa nói chuyện vừa đi. Chúng tôi dừng ngay cửa
hiệu Starbucks vừa trông thấy, cũng như ở hầu hết các thành phố khác nó
chỉ cách khoảng một nửa khối nhà. Tôi bỏ qua hầu hết những loại được pha chế hay ho mà chọn một cốc cao được xay pha tại chỗ, đen, không kem. Đó là loại tôi thường gọi, ở hiệu Starbucks. Theo tôi đây là loại ngon. Đó không phải là điều tôi thực sự quan tâm. Với tôi thì tất cả là chất
cafêin, chứ không phải hương vị.

Chúng tôi ra khỏi cửa hiệu và
tiếp tục đi dọc đại lộ Tám. Nhưng bốn người vừa đi vừa nói chuyện thì sẽ tạo thành một nhóm trông kỳ quặc, xe cộ lại ồn ào, nên rốt cuộc chúng
tôi dừng cách ngõ ra một ngã tư chừng chục bước, bất động, tôi trong
bóng râm, dựa vào một bờ rào, còn ba gã kia ở ngoài nắng đối diện tôi và chúi người ra trước về phía tôi như thể chúng có những điều cần trình
bày. Dưới chân chúng tôi, một túi rác bị bung để lộ ra những phần vui vẻ của một tờ báo ra ngày Chủ nhật nằm trên vỉa hè. Tay đảm nhận việc nói
chuyện từ trước tới giờ lên tiếng, “Ông đã đánh giá thấp chúng tôi một
cách nghiêm trọng, không phải chúng tôi muốn tham gia trò thi thố vớ vẩn đâu.”

“Được rồi,” tôi nói.

“Ông là cựu quân nhân, phải không?”

“Lục quân,” tôi đáp.

“Ông trông còn ra vẻ lắm.”

“Các ông cũng thế. Lực lượng Đặc biệt à?”

“Không. Chúng tôi không tiến được xa đến mức ấy.”

Tôi mỉm cười. Một tay thật thà.

Tay này nói: “Chúng tôi được thuê làm đầu bên này cho một chiến dịch tạm
thời. Người phụ nữ đã chết đang mang một thứ có giá trị. Chúng tôi có
nhiệm vụ lấy lại nó.”

“Thứ gì? Giá trị nào?”

“Thông tin.”

Tôi nói, “Tôi không thể giúp các ông.”

“Ông chủ chúng tôi đang mong dữ liệu dạng số, trên một con chip máy tính,
như một thẻ nhớ dạng USB. Chúng tôi phản đối, lấy thứ đó ra khỏi Lầu Năm Góc quá khó. Chúng tôi nói rằng thông tin sẽ ở dạng truyền miệng. Kiểu
như đọc và ghi nhớ.”

Tôi không nói gì. Nghĩ lại lúc Susan Mark
trên tàu. Hành động lầm bầm. Có lẽ khi ấy cô ta không phải đang luyện
những lời cầu xin hay thanh minh hay đe dọa hoặc cự cãi. Có khi cô đang
đọc lại toàn bộ những chi tiết người ta cần cô chuyển giao, lặp đi lặp
lại, để không thể quên chúng hoặc làm chúng lẫn lộn khi mình căng thẳng
hay hoảng loạn. Học thuộc lòng như vẹt. Và tự nói với chính mình, Mình
đang tuân lệnh, mình đang tuân lệnh, mình đang tuân lệnh. Tự trấn an bản thân. Hy vọng rằng tất cả mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp.

Tôi hỏi, “Ông chủ của các ông là ai?”

“Chúng tôi không nói được.”

“Ảnh hưởng khống chế của ông ta là gì?”

“Chúng tôi không biết. Chúng tôi không muốn biết.”

Tôi nhấp một ngụm cà phê. Và không nói gì.

Tay kia nói, “Người phụ nữ đã nói chuyện với ông lúc trên tàu.”

“Đúng,” tôi nói. “Cô ta đã nói chuyện.”

“Thế nên nhận định có sức thuyết phục bây giờ là bất kỳ điều gì cô ta biết, ông cũng biết.”

“Có thể,” tôi nói.

“Ông chủ của chúng tôi tin điều ấy. Như thế là phiền toái cho ông. Dữ liệu
trên con chip máy tính, chẳng có gì to tát. Chúng tôi có thể nện vào đầu ông rồi lộn hết túi ông ra. Nhưng điều gì đó trong đầu ông thì cần được lấy ra bằng cách khác.”

Tôi chẳng nói gì.

Gã đàn ông lại nói, “Thế nên ông thực sự cần nói cho chúng tôi điều ông biết.”

“Như thế các ông sẽ có vẻ là người có năng lực à?”

Tay kia lắc đầu. “Như thế để ông còn được toàn vẹn.”

Tôi nhấp một ngụm cà phê nữa và hắn nói, “Tôi kêu gọi ông, giữa hai người
đàn ông. Giữa người lính với người lính. Đây không phải chuyện về chúng
tôi. Nếu trở về tay trắng, chắc chắn chúng tôi bị sa thải. Nhưng đến
sáng thứ Hai, chúng tôi sẽ lại làm việc, cho một người khác. Tuy nhiên
khi chúng tôi rời vụ này, ông sẽ bị lộ. Ông chủ chúng tôi sẽ điều cả một đội. Bây giờ đội ấy đang bị kiềm tỏa, bởi họ không hợp cho thời điểm
này. Nhưng nếu chúng tôi ra đi, họ sẽ được tháo xích. Không có phương án khác. Và ông sẽ không muốn nói chuyện với họ một chút nào đâu.”

“Tôi không muốn bất kỳ ai nói chuyện với mình. Không phải họ, không phải các ông. Tôi không thích nói chuyện.”

“Đây không phải trò đùa đâu!”

“Ông nói đúng đấy. Một phụ nữ đã mất mạng kia mà.”

“Tự sát không phải phạm tội.”

“Nhưng bất kỳ điều gì thúc đẩy cô ấy làm việc đó có thể là phạm tội. Cô ấy làm ở Lầu Năm Góc. Đó là chuyện an ninh quốc gia, rõ là thế. Các ông cần
tránh khỏi vấn đề này ngay. Các ông nên nói chuyện với NYPD.”

Tay kia lắc đầu. “Tôi thà đi tù còn hơn gặp bọn này. Ông nghe những gì tôi nói đấy chứ?”

“Tôi nghe,” tôi nói. “Các ông đã thấy thoải mái với những tay săn chữ ký rồi.”

“Chúng tôi là những người nhẹ nhàng. Ông nên tận dụng lợi thế đi.”

“Các ông chẳng phải người nhẹ nhàng chút nào hết.”

“Hồi còn ở quân đội ông làm gì?”

“Quân cảnh,” tôi nói.

“Thế thì coi như ông chết rồi. Ông chưa bao giờ chứng kiến vụ nào thế này.”

“Ông ta là ai?”

Gã kia chỉ lắc đầu.

“Có bao nhiêu người?”

Gã kia chỉ một lần nữa lắc đầu.

“Hãy nói cho tôi điều gì đó.”

“Ông không lắng nghe rồi. Nếu tôi sẽ không nói chuyện với bọn NYPD, sao tôi lại phải nói chuyện với ông chứ?”

Tôi nhún vai, uống sạch cốc cà phê của mình rồi đẩy người khỏi bờ rào. Bước ba bước rồi lẳng chiếc cốc vào thùng rác. Tôi nói, “Hãy gọi cho ông chủ ông, bảo ông ta rằng ông ta đúng còn các ông sai. Bảo ông ta rằng tất
cả thông tin của người phụ nữ nằm trong thẻ nhớ, lúc này nằm ngay trong
túi tôi đây này. Rồi hãy xin nghỉ việc qua điện thoại, về nhà và đừng có ngáng đường tôi.”

Tôi băng ngang đường giữa hai chiếc xe đang
chạy và hướng về đại lộ Tám. Gã cầm đầu gọi với theo tôi, rất to. Hắn
gọi tên tôi. Tôi ngoái lại thấy hắn đang cầm điện thoại di động đưa ra
xa người. Chiếc điện thoại đang chĩa vào tôi còn hắn thì đang chằm chằm
nhìn màn hình. Rồi hắn hạ điện thoại xuống và cả ba tên lỉnh đi, một
chiếc xe tải màu trắng chạy qua giữa chúng tôi rồi chúng biến mất trước
khi tôi nhận ra rằng mình đã bị chụp ảnh.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN