Không Có Ngày Mai
Chương 9
LEE LẤY MỘT TỜ GIẤY
khỏi tập hồ sơ, lật lại và đẩy ra giữa bàn. Trên đó là bản viết tay danh sách các nhân chứng. Bốn cái tên. Tên tôi, một người tên Rodriguez, một Frlujlov, một Mbele.
“Bốn hành khách,” cô nhắc lại.
Tôi
nói, “Tôi là người ở trên tàu. Tôi có thể đếm. Tôi biết khi ấy có mấy
hành khách.” Rồi tôi hình dung lại hiện trường trong đầu mình. Bước
xuống tàu, chờ đợi trong đám đông nhỏ đi thơ thẩn xung quanh. Sự xuất
hiện của nhóm nhân viên y tế. Các viên cảnh sát lần lượt bước xuống tàu, di chuyển trong đám đông, nắm lấy khuỷu tay từng người, đưa các nhân
chứng tới các phòng riêng rẽ. Tôi bị viên trung úy to lớn túm trước
tiên. Không thể nói được là có bốn, hay chỉ có ba viên cảnh sát, đã theo sau chúng tôi.
Tôi nói, “Chắc chắn tay đó đã lỉnh mất.”
Docherty hỏi, “Ông ta là ai?”
“Chỉ là một gã đàn ông. Tỉnh táo, nhưng không có gì đặc biệt về ông ta. Tầm tuổi tôi, không phải loại nhà nghèo.”
“Ông ta và người phụ nữ có giao tiếp với nhau bằng bất kỳ hình thức nào không?”
“Tôi không trông thấy việc ấy.”
“Ông ta có bắn cô ta không?”
“Cô ta tự bắn mình.”
Docherty nhún vai. “Vậy thì ông ta chỉ là một nhân chứng bất đắc dĩ. Không muốn
hồ sơ cho thấy rằng ông ta đang lượn lờ loanh quanh vào lúc hai giờ
sáng. Có lẽ đang dối vợ. Chuyện ấy lúc nào cũng có.”
“Ông ta chạy trốn. Nhưng ông lại bỏ qua ông ta và thay vào đó lại điều tra tôi hả?”
“Ông vừa mới khai rằng ông ta không liên quan đó thôi.”
“Tôi cũng không dính dáng gì hết.”
“Đấy là ông nói.”
“Ông tin điều tôi nói về tay kia chứ không tin điều tôi nói về chính tôi à?”
“Tại sao ông lại nói dối về tay đó được chứ?”
Tôi nói, “Thế này quả là phí thời gian.” Và sự thật là thế. Đó là sự lãng
phí thời gian vụng về, ghê gớm đến mức tôi đột nhiên nhận ra rằng chuyện này không thật. Đó là sự dàn dựng. Tôi nhận ra rằng thực tế là Lee và
Docherty đang ban một ân huệ nho nhỏ cho tôi, theo cái lối kỳ quặc của
riêng họ.
Nhiều hơn những gì chỉ nhìn thấy từ bên ngoài.
Tôi nói, “Cô ta là ai?”
Docherty hỏi, “Tại sao cô ta cần là ai đó chứ?”
“Vì các ông kiểm tra nhân thân và máy tính sáng lên như thắp đèn vậy. Ai đó đã gọi cho các ông bảo ông giữ tôi cho tới khi họ tới đây. Các ông
không muốn trong hồ sơ của tôi có lệnh bắt giữ nên các ông đang cầm chân tôi bằng tất cả những thứ vớ vẩn này.”
“Chúng tôi không quan tâm cụ thể tới hồ sơ của ông. Chúng tôi chỉ không muốn làm công việc liên quan tới giấy tờ.”
“Thế cô ta là ai?”
“Rõ ràng cô ta làm việc cho chính phủ. Một cơ quan liên bang đang trên
đường tới thẩm vấn ông. Chúng tôi không được phép nói đó là cơ quan
nào.”
Họ khóa cửa giam tôi trong phòng. Không gian nơi đó chấp
nhận được. Bụi, nóng, méo mó, không cửa sổ, những tấm cáo thị phòng ngừa tội phạm đã lạc hậu với thời gian treo trên các bức tường cùng mùi của
mồ hôi, của lo lắng và cà phê cháy trong không khí. Cái bàn, ba chiếc
ghế. Hai dành cho các thám tử, một dành cho nghi phạm. Ngày trước có thể nghi phạm bị tát lật cả mặt và bị đạp đổ khỏi ghế. Có khi bây giờ vẫn
thế. Thật khó mà nói chính xác điều gì xảy ra, trong một căn phòng không có cửa sổ.
Tôi thầm ước lượng khoảng thời gian bị trì hoãn. Đã
khoảng một giờ trôi qua, kể từ cuộc nói chuyện thầm thì của Theresa Lee
trong hành lang Ga Trung tâm. Nên tôi biết không phải là đám FBI[13] đến tìm tôi. Văn phòng trực chiến ở New York của họ là văn phòng lớn nhất
nước Mỹ, đặt tại Tòa nhà Liên bang, gần Tòa Thị chính thành phố. Mười
phút để phản ứng, mười phút để huy động một đội, mười phút để chạy lên
mạn trên thành phố với xe lắp còi hụ và đèn nháy. Nếu là FBI thì đã có
mặt từ lâu rồi. Nhưng nếu thế thì còn lại một loạt cơ quan liên bang
khác viết tắt bằng ba chữ cái. Tôi dám cá với bản thân rằng dù ai đang
chạy đến tìm tôi thì đều cũng có hai chữ cái cuối cùng là IA trên phù
hiệu của họ. CIA[14]. DIA[15]. Cục Tình báo Trung ương, Cục Tình báo
Quân đội. Có thể các cơ quan khác mới thành lập gần đây và giờ vẫn giữ
bí mật. Những cơn hoảng loạn lúc nửa đêm rất đặc trưng cho phong cách
của họ.
Sau khi giờ thứ hai trôi qua, tôi nhận định rằng chắc hẳn họ đang trên đường từ DC[16] tới, thế nghĩa là một cơ quan đặc biệt cỡ
nhỏ. Chứ bất kỳ cơ quan nào khác thì đều có văn phòng địa bàn tiện điều
động hơn. Tôi ngừng phỏng đoán, đẩy ghế lại phía sau và gác hai chân lên bàn làm một giấc.
Tôi không biết chính xác họ là ai. Lúc ấy thì
không. Họ sẽ không nói cho tôi biết. Lúc năm giờ sáng ba người đàn ông
mặc com lê bước vào đánh thức tôi. Họ lịch sự và chuyên nghiệp. Quần áo
của họ thuộc mức giá trung bình, sạch sẽ phẳng phiu. Giày đánh bóng
loáng. Mắt họ sáng. Tóc họ ngắn, mới cắt tỉa. Gương mặt cả ba đều hồng
hào tươi tỉnh. Cơ thể họ đậm nhưng cơ bắp. Trông có vẻ những người này
có thể chạy bán marathon[17] mà chẳng hề hấn gì, nhưng cũng không vui vẻ gì. Ấn tượng đầu tiên của tôi là họ rời quân ngũ chưa lâu. Những nhân
viên sĩ quan hiếu chiến, được săn đón và tuyển vào một tòa nhà xây bằng
đá nào đó bên trong Beltway. Những người có niềm tin thực sự, thực hiện
công việc quan trọng. Tôi yêu cầu cho xem thẻ, phù hiệu và giấy tờ ủy
nhiệm, nhưng họ trích dẫn Luật Yêu nước[18] với tôi và nói rằng họ không bị buộc phải tiết lộ danh phận. Có lẽ đúng, và chắc chắn họ rất thích
nói như thế. Tôi tính chuyện không chịu nói gì để trả đũa, song họ đã
thấy tôi tính toán, nên bèn trích dẫn thêm vài điều của luật trên với
tôi, làm cho tôi biết chắc rằng sẽ có một núi rắc rối chờ phía trước nếu tôi chọn cách ấy. Tôi chẳng sợ những rắc rối ấy là mấy, nhưng việc dây
dưa với các cơ quan an ninh ngày nay là nên tránh triệt để. Chắc Franz
Kafka và George Orwell hẳn sẽ cho tôi cùng một lời khuyên. Thế nên tôi
nhún vai bảo họ cứ tiếp tục công việc, cứ đặt câu hỏi ra đi.
Những người này bắt đầu bằng việc nói rằng họ biết tôi từng phục vụ trong
quân ngũ và rất tôn trọng điều ấy, nghĩa là một lời sáo rỗng hết sức vớ
vẩn, hoặc những tay này muốn nói rằng bản thân họ mới được tuyển từ lực
lượng quân cảnh ra. Chẳng ai tôn trọng một quân cảnh trừ một quân cảnh
khác. Rồi họ nói họ sẽ theo dõi tôi rất sát và sẽ biết tôi nói thật hay
nói dối. Đó là điều hoàn toàn nhảm nhí, bởi chỉ những người giỏi nhất
trong số chúng tôi mới có thể làm việc ấy, mà những tay này chẳng phải
hàng giỏi nhất trong chúng tôi, bằng không họ đã giữ các vị trí rất quan trọng, nghĩa là ngay lúc này lẽ ra họ đang nằm nhà ngủ ngon lành ở một
khu ngoại ô Virginia, chứ chẳng phải chạy tới chạy lui trên cao tốc I-95 giữa lúc đêm hôm.
Nhưng tôi chẳng có gì để che giấu, thế nên một lần nữa tôi bảo họ cứ tiếp tục.
Họ có ba vấn đề quan tâm. Một: Tôi có biết người phụ nữ tự sát trên tàu không? Trước đây tôi từng trông thấy cô ta hay không?
Tôi nói, “Không.” Ngắn gọn, mềm mỏng, nhẹ nhàng, nhưng quả quyết.
Họ không hỏi thêm gì nữa. Điều đó cho tôi biết sơ bộ những người này là ai và biết chính xác việc họ đang làm. Họ là đội hạng B của kẻ nào đó,
được điều lên phía Bắc để bịt lại một cuộc điều tra mở. Họ đang xây
tường quây kín, chôn vùi nó, dựng lên ranh giới cho một chuyện mà người
ta mới chỉ hơi nghi ngờ không biết có nên bắt tay xem xét hay không. Họ
muốn có câu trả lời phủ định đối với mọi câu hỏi đặt ra, để có thể khép
hồ sơ và để vấn đề được yên ngủ. Họ muốn tuyệt đối không được có đầu mối sơ hở nào, và họ không muốn gây sự chú ý đối với vấn đề này bằng cách
biến nó thành một trò ì xèo to tát. Họ muốn ra về với toàn bộ câu chuyện được lãng quên.
Câu hỏi thứ hai là: Tôi có biết một phụ nữ tên Lila Hoth không?
Tôi trả lời “Không,” bởi tôi không biết. Lúc ấy thì không biết.
Câu hỏi thứ ba là một cuộc nói chuyện kéo dài hơn. Tay chỉ huy khai mào.
Tay đóng vai trò chính. Ông ta già hơn một chút và nhỏ người hơn một
chút so với hai tay còn lại. Có thể cũng khôn ngoan hơn một chút. Ông ta cất tiếng, “Ông đã tiếp cận người phụ nữ trên tàu.”
Tôi không đáp. Tôi có mặt ở đây để trả lời các câu hỏi, chứ không phải bình luận về các nhận định.
Tay này hỏi, “Ông đã đến gần chừng nào?”
“Non hai mét,” tôi nói. “Cỡ đó.”
“Có đủ gần để chạm vào cô ta không?”
“Không.”
“Giả sử ông vươn tay ra và cô ta cũng chìa tay ra thì hai người có thể chạm tay nhau chứ?”
“Có lẽ có,” tôi đáp.
“Đó là câu trả lời có hay không?”
“Đó là có lẽ. Tôi biết tay mình dài bao nhiêu. Tôi không biết tay cô ta dài chừng nào.”
“Cô ta có chuyển thứ gì cho ông không?”
“Không.”
“Ông có nhận gì từ cô ta không?”
“Không.”
“Ông có lấy gì từ cô ta sau khi cô ta chết không?”
“Không.”
“Có ai khác lấy không?”
“Tôi không trông thấy.”
“Ông có trông thấy gì rơi từ tay, túi hay quần áo của cô ta ra không?”
“Không.”
“Cô ta bảo gì ông không?”
“Không gì cụ thể.”
“Cô ta có nói với ai khác không?”
“Không.”
Tay này lại hỏi, “Phiền ông lộn các túi ra được không?”
Tôi nhún vai. Tôi chẳng có gì để giấu. Tôi lần lượt lộn từng túi và dồn các thứ lên chiếc bàn méo mó. Một xấp tiền gập vào cùng vài đồng xu. Hộ
chiếu cũ của tôi. Thẻ ATM. Bàn chải đánh răng kiểu gập. Thẻ đi tàu điện
ngầm đã đưa tôi lên tàu ngay từ đầu ấy. Và tấm danh thiếp của Theresa
Lee.
Tay cầm đầu dùng một ngón tay duy nhất đảo hết những thứ của tôi lên và gật đầu làm hiệu cho một trong hai tay chân của mình, tay
này lại gần vỗ khắp người tôi để kiểm tra. Anh ta thực hiện công việc
một cách bán chuyên nghiệp, không tìm được gì thêm và lắc đầu.
Tay chỉ huy nói, “Xin cảm ơn, ông Reacher.”
Rồi họ rời khỏi đó, cả ba, nhanh như khi vào. Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng
cũng thấy mừng. Tôi cho các thứ đồ của mình vào túi như cũ và đợi họ rời hẳn khỏi hành lang rồi mới bước ra. Nơi này yên ắng. Tôi trông thấy
Theresa Lee ngồi ở bàn chẳng làm gì còn tay cộng sự Docherty của cô đang đưa một người đàn ông ngang qua phòng họp tới một ngăn làm việc tách
biệt ở phía sau. Người này tầm bốn mươi tuổi, cỡ người trung bình và hết sức mệt mỏi. Ông ta mặc chiếc áo phông xám nhăn nhúm và chiếc quần thể
thao dày màu đỏ. Ông ta đã ra khỏi nhà mà không chải tóc. Đó là điều rõ
ràng. Tóc màu xám và lỉa chỉa tứ tung. Theresa Lee thấy tôi nhìn liền
nói, “Người nhà nạn nhân.”
“Của người phụ nữ à?”
Lee gật
đầu. “Trong ví cô ấy có địa chỉ liên hệ. Đó là em cô ấy. Ông ấy cũng là
cảnh sát. Một thành phố nhỏ ở New Jersey. Ông ấy đã chạy xe thẳng tới
đây.”
“Tội nghiệp ông ta.”
“Tôi biết. Chúng tôi không yêu
cầu ông ấy xác minh nhân dạng theo đúng quy định. Cô ấy nát bét mất rồi. Chúng tôi bảo ông ấy rằng phương án xử lý là một quan tài đóng kín. Ông ấy hiểu được thông điệp ấy.”
“Vậy cô chắc chắn đó là cô ta chứ?”
Lee gật đầu thêm lần nữa. “Dấu vân tay.”
“Cô ta là ai?”
“Tôi không được phép nói.”
“Tôi đã xong việc ở đây chưa?”
“Các nhân viên điều tra liên bang đã xong việc với ông chưa?”
“Chắc là rồi.”
“Thế thì chuồn đi. Ông xong việc rồi.”
Tôi đi lên hết cầu thang thì Lee gọi với sau lưng. Cô nói, “Tôi không có ý gì khi nói đến việc đẩy cô ấy qua miệng vực đâu.”
“Có, cô đã có ý đó,” tôi nói. “Và có lẽ cô nói đúng.”
Tôi bước vào bầu không khí mát mẻ của buổi bình minh, rẽ trái sang phố 35
và hướng về phía Đông. Ông xong việc rồi. Nhưng không phải. Ngay góc phố đằng kia là bốn gã khác đang đợi nói chuyện với tôi. Cũng giống kiểu
mấy tay lúc nãy, nhưng không phải người của liên bang. Những bộ com lê
của họ quá đắt tiền.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!