Không gia đình - Full - Chương 12
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
132


Không gia đình - Full


Chương 12


Chương 11 – Nương náu dưới thuyền

Khi tôi trở về nhà trọ, người thẫn thờ, mắt đỏ. Tôi qua cửa sân, thì ông chủ quán gọi giật lại và hỏi:

– Tin tức thầy mày ra sao?

– Thầy tôi ngồi tù.

– Bao nhiêu?

– Hai tháng.

– Còn phạt vạ?

– Một trăm phơ răng.

Chủ quán nhắc đi nhắc lại hai, ba lần:

– Hai tháng tù, trăm phơ răng phạt!

Tôi định vào trông mấy con chó, thì chủ quán lại giữ tôi và hỏi:

– Thế mày định làm gì trong hai tháng ấy?

– Thưa ông, tôi không biết.

– Không biết? Mày có đủ tiền ăn và nuôi các con vật đấy chứ?

– Thưa ông, không.

– Vậy mày trông vào tao để ở đây hẳn?

– Ồ! Thưa ông, không. Tôi chẳng trông vào ai cả. Mà thực vậy, tôi chẳng biết trông vào ai cả. Chủ quán nói tiếp:

– Này, bé ơi! Mày nghĩ phải đấy. Thầy mày còn nợ tao nhiều lắm. Cho mày ăn chịu những hai tháng, rồi ai trả tiền cho tao? Mày phải đi đi.

– Đi? Thưa ông, ông bảo tôi đi đâu bây giờ?

– Mày muốn đi đâu thì đi. Không phải việc của tao. Tao có phải là cha mày đâu. Mà cũng chẳng phải là thầy mày. Tại sao mày cứ muốn tao cho mày ở?

Tôi ngây người. Nói gì nữa? Chủ quán rất có lý. Ông chứa tôi làm gì? Tôi chỉ là cái nợ cho ông.

– Thôi, vào dắt chó, cõng khỉ đi thôi. Nhớ để lại cái túi của thầy mày. Thầy mày khi được tha sẽ đến lấy và thanh toán các khoản.

Câu đó làm cho tôi nảy một ý nghĩ và tôi tưởng có cách để ở lại. Tôi nói:

– Thưa ông, vì thầy tôi thế nào cũng còn trở lại đây để thanh toán tiền nong. Vậy xin ông cứ cho tôi ở đến ngày đó. Tiền ăn của tôi sẽ tính thêm vào các khoản nợ của thầy tôi, có được không?

– Thật à? Thầy mày chỉ trả được vài ngày cơm thôi, chứ hai tháng thì lại là một chuyện khác.

– Ông cho ăn ít cũng được.

– Thế còn những con vật của mày? Không được, mày phải đi. Mày có thể đi kiếm ăn trong các làng.

– Nhưng thưa ông, tôi đi thì thầy tôi về biết đâu mà tìm tôi? Vì hết hạn tù thầy tôi chỉ tìm tôi ở đây thôi.

– Có khó gì. Đến ngày đó thì mày sẽ trở về đây. Từ nay đến ngày đó, mày sẽ tạm đi dạo chừng hai tháng, vào các làng gần đây, có thể kiếm ăn được đấy!

– Nếu thầy tôi viết thư về cho tôi?

– Tao sẽ giữ cho mày.

– Nhưng nếu tôi không trả lời?

– Mặc mày! Mày vặn tao mãi! Ra ngay khỏi cái nhà này! Mau! Tao cho mày năm phút để thu xếp. Nếu mày không đi tao sẽ liệu cho mày!

Thấy kêu nài cũng vô ích, tôi liền vào chuồng ngựa. tháo Giôlicơ và mấy con chó, buộc túi đồ lại, đeo đàn lên vai và ra thẳng. Chủ quán đứng ở cửa để kiểm soát và nói theo:

– Nếu có thư, ta sẽ giữ cho mày!

Tôi rảo bước đi ra khỏi thành phố cho nhanh vì chó của tôi không đóng mang rọ, nếu gặp lại cảnh binh thì khốn. Tôi không đủ tiền mua rọ, đếm đi đếm lại mãi, vốn liếng tôi chỉ còn có mười một xu trong túi. Thầy tôi bị bắt, tôi cũng bị bắt nữa thì ai nuôi chó và khỉ? Bây giờ nghiễm nhiên tôi là ông bầu đoàn diễn, ông chủ gia đình, tôi, một đứa trẻ không gia đình. Tôi bỗng thấy một gánh nặng đè trĩu trên vai.

Trong khi đi, những con chó cứ ngước mắt nhìn tôi, chúng không nói được, nhưng cũng làm cho tôi hiểu chúng muốn gì? Chúng đói bụng. Giôlicơ ngồi trên cái túi đeo trên vai tôi, thỉnh thoảng lại kéo tai tôi, bắt tôi ngoảnh lại: nó lấy tay cào cào vào bụng nó. Cái cào đó cũng có nghĩa như cái nhìn của những con chó.

Tôi cũng thế, nếu có thể được thì tôi cũng kêu đói như chúng, vì tôi cũng như chúng, không có mẩu bánh nhỏ nào vào bụng từ sáng đến giờ. Với mười một xu trong túi, chúng tôi không thể ăn bữa sáng và bữa chiều. Chúng tôi ăn một bữa, bữa đó sẽ ăn vào giữa ngày để có thể thay thế cho hai bữa kia.

Nhà trọ mà chúng tôi vừa từ biệt, ở trên đường đi Môngpeliê. Vì thế lúc ra đi, chúng tôi cũng theo con đường đó.

Chúng tôi vội ra khỏi thành phố cho nhanh, nên không kịp hỏi đường. Điều cần nhất cho chúng tôi là phải thoát mau ra ngoài thành phố Tuludơ, các việc khác không hẳn cấp mấy. Tôi không lựa chọn nên đi tỉnh này hay tỉnh khác, vì đi đến đâu người ta chẳng đòi tiền ăn, đòi tiền trọ. Bây giờ việc trọ không cần lắm vì là mùa hè, chúng tôi có thể ngủ ngoài trời, dưới gốc cây hay cạnh bức tường cũng được. Nhưng còn việc ăn? Đi đã được hai giờ, tôi không dám ngoảnh cổ lại. Mỗi lúc những con chó lại ngước mắt nhìn tôi như van ơn, và con khỉ cứ kéo tai tôi và gãi bụng nhiều hơn.

Bây giờ tôi đã ra khỏi tỉnh Tuludơ rồi, nên không sợ gì nữa. Tôi vào một hàng bánh mì hỏi mua một tấm rưỡi bánh. Chủ hàng bảo tôi:

– Sao em không mua cả hai chiếc? Không nhiều đâu. Phải cho các con vật ăn no chứ?

Không nhiều thực. Nhưng nếu mua cả hai tấm thì hết mười xu chỉ còn lại một xu thôi. Tôi không dám tiêu hoang, phải dành lại chút tiền đến ngày mai cho khỏi chết đói trước khi kiếm được đồng khác. Mỗi tấm bánh năm xu thì tấm rưỡi hết bảy xu rưỡi. Tôi còn lại ba xu rưỡi.

Nhẩm tính xong, tôi bảo bà hàng cứ bán cho tôi chiếc rưỡi, vì tôi chỉ cần có thế, không mua hơn.

Bà đưa cho tôi một chiếc và cắt nửa chiếc nữa. Bà trao cho tôi và nói:

– Nửa này già đấy, đáng ba xu. Rồi bà vơ cả tám xu của tôi vào ngăn kéo.

Tôi thường thấy nhiều người từ chối không lấy lại những xu lẻ do nhà hàng trả lại và bảo nó không dùng để làm gì. Nếu bà hàng trả lại nửa xu thừa cho tôi thì không khi nào tôi lại từ chối. Nhưng bà ta có trả tôi đâu, mà tôi cũng không dám hỏi. Tôi lẳng lặng cầm bánh đi ra. Ba con chó mừng rỡ nhảy nhót chung quanh tôi. Giôlicơ kéo tóc tôi và kêu những tiếng nhỏ.

Đi một quãng ngắn, tới một cây to bên đường, tôi hạ đàn tựa vào gốc cây, rồi ngồi phịch xuống vệ cỏ, những con chó đến xếp hàng trước mặt tôi. Còn Giôlicơ không mệt lắm đứng gần đó, rình có bánh là chộp lấy phần.

Việc chia bánh của tôi rất quan trọng. Tôi cắt làm năm phần hết sức đều nhau. Mỗi phần lại cắt nhiều khoanh ném cho các con vật của tôi ăn dần. Vì Giôlicơ bé nhỏ ăn ít đã no, nên tôi giữ lại ba miếng nhỏ dành cho ba con chó ăn sau này.

Tiệc xong, bây giờ là lúc tôi phải nói đôi lời cho các bạn tôi biết cái hiện tình nguy ngập của chúng tôi. Capi có lẽ đoán được ý tôi, nên đôi mắt nó cứ long lanh nhìn tôi. Tôi nói:

– Phải đấy, Capi ơi! Phải đấy, các bạn Đônxơ, Decbinô và Giôlicơ ơi! Tôi có một tin rất buồn cho các bạn biết: chủ ta phải lìa ta trong hai tháng. Capi kêu:

– Ẳng!

– Đó là một điều rất đau khổ cho chủ ta và chúng ta. Chủ ta vẫn kiếm bánh cho chúng ta ăn. Bây giờ chủ ta đi vắng, chúng ta ở vào một tình thế rất nguy hiểm. Chúng ta hết “tiền”!

Nghe tiếng đó, Capi hiểu ngay, đứng dậy bằng hai chân sau và đi vòng quanh như bộ xin tiền các “quý khán giả”. Tôi nói tiếp:

– Bạn muốn chúng ta đi diễn trò. Ý kiến rất hay. Nhưng chắc đâu thu được tiền? Việc khó khăn là ở chỗ đó. Tôi nói cho các bạn biết tất cả của cải chúng ta chỉ còn có ba xu, vì thế bữa nay chúng ta phải ăn đói. Tôi mong rằng các bạn hiểu cái cảnh nguy khốn mà chúng ta đang lâm vào và đáng lẽ trêu trọc tôi, thì các bạn nên đem hết trí thông minh vào … sự vụ. Tôi kêu gọi sự vâng lời, sự tiết độ và lòng can đảm của anh em. Các bạn hãy siết chặt hàng ngũ. Hãy tin vào tôi cũng như tôi tin vào các bạn.

Tôi không dám tin chắc các bạn tôi đã hiểu những lời hay ý đẹp trong bài diễn văn ứng khẩu của tôi, nhưng chắc chắn rằng các bạn của tôi cũng hiểu được đại ý, vì thấy vắng mặt chủ tôi, chúng biết có sự gì trầm trọng và chúng đợi tôi giải thích. Tôi đã giải thích. Nếu chúng không hiểu tất cả những điều tôi nói, ít ra chúng cũng biết cách tôi đối đãi với chúng thế nào, nên sau khi tôi dứt lời, con nào trông cũng có vẻ hài lòng và dễ chịu lắm.

Con nào cũng hài lòng, là tôi nói riêng về mấy con chó thôi, chứ con Giôlicơ, không thể bắt nó chú ý lâu về một việc gì. Khi tôi nói, lúc đầu nó rất chăm chú, nhưng nghe được hai chục tiếng thì nó đã nhảy tót lên cây đánh đu ở hết cành này đến cành khác. Nếu Capi mà vô lễ thế, thì tôi đã phật ý, nhưng là Giôlicơ thì tôi chấp nó làm gì. Nó chỉ là một con vật vô tâm và óc rỗng, cũng để cho nó chơi đùa một chút.

Tôi xin thú thực rằng tôi cũng muốn nhảy nhót và đánh đu như nó, thích lắm chứ. Nhưng cái trọng trách tìm chỗ trú đêm nay và nhất là để kiếm bữa ăn sáng mai. Chỗ trú không cần lắm, chúng tôi có thể tiết kiệm bằng cách ngủ ngoài trời.

Đi được một giờ, chúng tôi trông xa xa thấy một làng, mừng thầm may ra có thể thực hiện được ý muốn của tôi.

Trông bề ngoài, làng này có phần xơ xác, số thu nhập sẽ chẳng được là bao, nhưng tôi không vì thế mà nản lòng. Tôi không tính về điểm đó, tôi tự nghĩ rằng làng này càng nhỏ bao nhiêu thì nỗi lo gặp cảnh sát càng ít bấy nhiêu.

Tôi mặc y phục cho các bạn tôi, rồi rất trật tự, chúng tôi chững chạc vào làng. Thiếu cái ống tiêu mà thầy tôi vẫn giữ. Thiếu cả hình dáng cao lớn và mái tóc đặc biệt của thầy tôi vẫn làm cho mọi người chú ý. Nhìn cái thân hình loắt choắt của tôi mà buồn và không vững dạ.

Trong khi đi, tôi nhìn sang hai bên, xem có tác động gì không. Rất ít người chú ý, vì người ta ngẩng đầu lên, rồi cúi xuống. Chả có ma nào theo sau chúng tôi cả.

Đi đến một bãi rộng, giữa có trồng cây, chúng tôi dừng lại. Tôi lấy đàn ra và đánh một vũ khúc. Tiếng đàn vui, ngón tay tôi đưa đẩy nhẹ nhàng, nhưng lòng tôi buồn hình như có vật gì đè trĩu lên hai vai.

Tôi bảo Decbinô và Đônxơ ra biểu diễn. Chúng tuân lời và nhảy múa. Nhưng chẳng có ai đến xem cả. Gần đó, tôi nhìn thấy mấy người đàn bà đang đứng ở cửa đan áo và nói chuyện với nhau. Tôi tiếp tục gảy đàn. Hai con chó cố sức nhảy múa.

Rồi cũng có người đến xem chứ! Nếu có một người đến trước, tất có người thứ hai, thứ ba, thứ mười, thứ hai mươi.

Nhưng đàn, múa vô ích cả. Họ ở nhà họ cả, chẳng có ai thèm nhìn chúng tôi nữa. Thực đáng thất vọng!

Tuy nhiên, tôi không nản chí, tôi cố đánh đàn, đánh to, đánh mạnh tưởng chừng như sắp đứt dây. Chợt một em bé mới chập chững, rời ngưỡng cửa đi ra phía chúng tôi. Mẹ em bé có lẽ sẽ theo em. Rồi một người bạn nữa, thế là chúng tôi có khán giả. Có tiền công. Tôi đánh đàn nhỏ đi và rất du dương, để em bé khỏi sợ và để rủ em vào.

Em bé hai tay ve vẩy bên sườn đi bước một. Em đương tiến. Em gần đến. Còn vài bước nữa là đến chỗ chúng tôi thôi.

Người mẹ ngẩng đầu lên, giật mình không thấy con đâu, nhìn ngang nhìn ngửa. Bà ta thấy con đang đi. Tôi tưởng bà ta chạy, nhưng bà cứ đứng yên đó gọi con vào. Em bé ngoan ngoãn quay vào với mẹ. Có lẽ ở đây họ không thích xem khiêu vũ. Có thể lắm!

Tôi liền đổi trò. Tôi ra lệnh cho hai con chó nằm ra một chỗ để tôi hát. Tôi vừa mới hát được đến câu thứ hai bài Tình ca thì có một người đàn ông vận áo vét, đội mũ phớt đến. Tôi cố lên giọng cho hay. Chợt ông khách đó hỏi tôi:

– Này, làm trò gì thế? Thằng ranh kia?

Tôi ngơ ngác, há miệng đứng nhìn ông ta. Ông ta lại hỏi:

– Mày không trả lời à?

– Thưa ông, ông đã nhìn thấy tôi hát.

– Mày có giấy phép được hát trong làng này không?

– Thưa ông, không.

– Vậy thì bước đi chõ khác. Nếu không, ta bắt bây giờ.

– Nhưng, thưa ông…

– Gọi tao là ông tuần phiên. Thôi, cút đi, đồ ăn mày!

Tuần phiên! Kinh nghiệm đau đớn của thầy tôi đã cho biết rằng đương đầu với các ông cảnh binh hay tuần phiên là một điều rất tai hại.

Không để cho ông ta phải đuổi đến lần thứ hai, tôi “cút” ngay như lời ông ta bảo, trở ra đường cũ tiếp tục đi. Ăn mày! Danh từ này không đúng. Tôi có đi ăn xin bao giờ? Tôi hát. Tôi nhảy. Đó là cách làm việc của tôi. Tôi có làm hại ai đâu? Trong năm phút, tôi ra khỏi cái làng lãnh đạm và cẩn phòng đó. Những con chó của tôi cúi đầu lẳng lặng đi, chắc chúng hiểu rằng đã xảy đến cho chúng một chuyện chẳng lành. Capi thỉnh thoảng lại đi lên trước, quay cổ lại nhìn tôi bằng đôi mắt đầy ý nhị. Nó biết lắm, vì tôi thấy hai hàm nó run run bởi nó cố giữ để không sủa thành tiếng.

Khi chúng tôi đi đã khá xa không sợ người tuần phiên độc ác theo dõi nữa, tôi liền ra hiệu, ba con chó liền chạy lại quây lấy tôi. Capi đứng giữa im lặng nhìn vào mắt tôi.

Đã đếnlúc tôi phải giải thích cho các bạn tôi nghe. Tôi nói:

– Vì chúng ta không có giấy phép nên không được diễn ở đó. Họ đuổi chúng ta.

– Bây giờ?

Capi hếch đầu hỏi tôi như thế.

– Bây giờ chúng ta tìm chỗ ngủ, bất cứ chỗ nào và nhịn ăn.

Nghe tiếng “ăn”, hai con chó kia và con khỉ nhao nhao lên.

Tôi giơ ba xu ra nói:

– Các bạn biết, chúng ta chỉ còn có thế này thôi. Nếu ta tiêu hết ba xu chiều nay, thì sáng mai ta không có gì ăn. Và hôm nay ta cũng đã được ăn rồi. Nghĩ đến ngày mai thì khôn hơn.

Nói xong tôi lại bỏ ba xu vào túi. Capi và Đônxơ cúi đầu chịu đựng. Decbinô có tính háu ăn ăng ẳng hoài. Tôi quắc mắt nhìn nó. Nó cũng không thôi. Tôi phải nhờ đến Capi. Cắt nghĩa cho Decbinô nghe. Nó không muốn hiểu. Bảo nó ta phải nhìn chiều nay thì sáng mai mới có cái ăn. Capi liền lấy chân vả vào mặt Decbinô. Tức thì có cuộc đấu khẩu giữa hai con chó.

Chắc độc giả nghe thấy tiếng “đấu khẩu” đem dùng cho loài vật sẽ cho là một danh từ không thích hợp. Nhưng xét ra rất đúng. Mỗi một giống vật có một tiếng nói riêng. Nếu nhà riêng quý vị có hàng hiên chạm trổ hay những cửa sổ cao có chim yến đến làm tổ ở đó, hẳn quý vị cũng nhận thấy rằng lúc chim yến kêu véo von như tiếng ca, nhưng hễ trời rạng đông là chúng kêu ríu ra ríu rít với nhau. Đó chính là những câu chuyện mà chúng đang nói, những việc quan trọng mà chúng đang bàn, hay những lời yêu thương mà chúng trao đổi cùng nhau. Lại những con kiến cùng một đàn, khi gặp nhau trên một con đường thường cọ râu vào nhau, quý vị thử nghĩ xem, chúng làm gì thế, nếu không phải là chúng thông tin cho nhau? Còn những con chó không những chúng biết nói mà còn biết đọc nữa. Quý vị hãy trông chúng đưa mũi lên không, hay cúi xuống mặt đất đánh hơi hay ngửi những hòn sỏi, những bụi rậm; có khi chúng đứng trước một đám cỏ hay một chân tường và đứng lại một lúc. Chúng ta không nhìn thấy gì ở tường, nhưng những con chó đã đọc được mọi điều lạ viết ở đó bằng thứ chữ bí ẩn mà mắt ta không thể phân biệt được.

Những câu gì Capi nói với Decbinô, tôi không nghe thấy, vì nếu những con chó hiểu được tiếng nói của người, thì trái lại người không hiểu được tiếng nói của chó. Tôi chỉ nhận thấy Decbinô không chịu nghe lời thì phải, cứ nằng nặc đòi phải tiêu nốt ba xu ngay bây giờ. Capi nổi giận và nhe những chiếc nanh nhọn ra, lúc đó Decbinô mới chịu nằm im, vì nó vốn dát, hễ ai già thì nó non. Thế là vấn đề ăn đã giải quyết xong, còn vấn đề ngủ.

May sao, trời tạnh, mây quang. Ngủ ngoài trời về mùa này không đến nỗi khổ. Chỉ cần tìm chỗ nào tránh được chó sói, nếu vùng này có, và nhất là tránh khỏi những ông tuần phiên mà tôi cho là đáng sợ hơn cả.

Vậy cứ việc đi thẳng trước mặt trên con đường trắng dài cho đến khi tìm được chỗ trú. Việc đó chúng tôi đã làm.

Đường cứ thấy dài ra. Hết những cây số này lại đến những cây số khác. Khi những ánh hồng cuối cùng của hoàng hôn đã tắt, chúng tôi chưa tìm được chỗ nào để nghỉ. Lúc đó, chúng tôi đang đi cạnh khu rừng thỉnh thoảng lại có những khoảng trống nổi lên những tảng đá hoa cương. Nơi này vắng và buồn lắm. Nhưng biết làm sao được. Tôi nghĩ ở giữa những tảng đá đó, chúng tôi có thể tạm trú được để tránh khí lạnh ban đêm. Tôi nói “chúng tôi” tức là Giôlicơ và tôi, vì về phần những con chó tôi không cần phải lưu tâm lắm, vì chúng đã quen nằm sương gió lắm rồi, không sợ cảm mạo. Nhưng, tôi phải thận trọng, vì tôi hiểu biết trách nhiệm của mình. Nếu tôi ốm thì đoàn của tôi sẽ trở nên thế nào?

Chúng tôi liền bỏ đường cái tìm vào bãi đá. Bỗng tôi thấy một tảng đá lớn đứng nghiêng làm cho chân nó có hang, đầu nó thành mái. Trong hang, gió đã thổi vào đầy lá thông khô. Không còn gì tiện hơn nữa: chúng tôi có cái ổ sẵn sàng để ngả lưng và cái mái hiên để trú ẩn. Chỉ còn thiếu một thứ là bánh mì. Nhưng tôi phải cố quên đi và cố ngủ sớm. Tục ngữ chả có câu: “Ai ngủ tức là đã ăn rồi” là gì?

Trước khi đi ngủ, tôi đã dặn Capi phải giữ việc canh gác. Con vật trung thành đó đáng lẽ được nằm với tôi ở trên lá, đã phải ở ngoài để phòng thủ. Tôi được yên tâm, vì ban đêm, nếu có sự gì bất trắc thì Capi sẽ báo cho tôi biết.

Tôi nằm trên đống lá thông, cạnh tôi là con Giôlicơ quấn trong cái áo vét của tôi. Dưới chân tôi là hai con Đônxơ và Decbinô nằm cuộn tròn. Tôi không sao chợp mắt được, lo lắng hơn là mỏi mệt.

Ngày thứ nhất cuộc hành trình của tôi đã xấu rồi. Không biết ngày hôm sau sẽ ra sao: Tôi đói. Tôi khát. Trong túi chỉ còn ba xu. Tôi lần từng đồng trong túi và đếm đi đếm lại mãi nó cũng không nảy thêm đồng nào…vẫn một, hai, ba đồng.

Lấy gì nuôi đoàn của tôi, lấy gì nuôi tôi hết ngày mai và các ngày sau nữa, nếu tôi không diễn được trò? Nào rọ miệng chó, nào giấy phép, kiếm đâu bây giờ? Trời ơi! Có lẽ tôi phải chết đói ở góc rừng này, ở chân tảng đá này chăng?

Lòng tư lự, mắt tôi nhìn lên những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời tôi sẫm. Không có một cơn gió nào. Bốn bề vắng lặng như tờ. Không một cành lá động. Không một tiếng chim kêu, không một tiếng xe chạy ngoài đường! Tôi đưa mắt nhìn xung quanh: trời rộng, đêm sâu. Chúng tôi trơ trọi có một mình, chúng tôi bị ruồng bỏ. Nước mắt tôi tự nhiên giàn rụa ra. Tôi nức nở: Mẹ ơi! Thầy ơi!

Tôi nằm sấp, gục đầu vào lá khô, hai tay bưng mặt khóc mãi không thôi. Bỗng tôi thấy một làn hơi ấm đưa vào mái tóc tôi. Tôi sẽ quay mặt ra, một cái lưỡi êm mềm và nóng quệt vào mặt tôi. Đó là con Capi, nghe tiếng tôi khóc, nó vào dỗ tôi như đêm đầu tiên tôi phải xa nhà đi với ông Vitali.

Tôi giơ hai cánh tay ôm lấy cổ Capi, ép đầu nó vào má tôi. Nó liền nằm sấp xuống và thút thít không ra tiếng: nó cũng khóc với tôi.

Khi tôi trở dậy thì đã sáng rõ. Capi ngồi đằng trước nhìn tôi. Chim chóc hót vang trên cành. Xa xa văng vẳng tiếng chuông nhà thờ làm lễ ban mai. Mặt trời đã lên cao, rọi những tia ấm áp làm khỏe khoắn thân thể cũng như tinh thần.

Sửa soạn xong, chúng tôi lên đường, theo tiếng chuông mà đến. Ở đó tất có làng, có hàng bán bánh mì. Một khi người ta đã ngủ để thay ăn bánh mì thì cái đói lên tiếng rất sớm. Tôi đã tính cả rồi. Tôi sẽ mua cả ba xu bánh mì. Còn thì sẽ liệu sau.

Khi vào làng, tôi không cần phải hỏi hàng bánh mì ở đâu. Mũi chúng tôi tự nhiên dẫn chúng tôi đến đúng chỗ. Cái khứu giác của tôi lúc này cũng tinh tế, không kém những con chó của tôi, ngửi ngay thấy mùi thơm của bánh nóng.

Ba xu mua được già nửa cái bánh, đủ chia cho mỗi con một mẩu. Vì thế bữa ăn của chúng tôi rất nhanh.

Bây giờ là lúc phải tìm cách để kiếm tiền. Muốn thế, tôi dạo quanh làng tìm chỗ tốt để diễn trò và cũng dò trên nét mặt người dân xem có thể là bạn hay là kẻ thù. Tôi không muốn diễn ngay vì giờ đó không thuận tiện. Nhân thể, tôi tìm hiểu dân tình, tìm tòi chỗ diễn để buổi trưa đó cầu may.

Tôi đang mải nghĩ, chợt có tiếng kêu ở sau lưng tôi. Tôi quay lại thấy một bà già đang đuổi Decbinô. Tôi hiểu ngay tại sao có tiếng kêu và sự xua đuổi đó. Thừa dịp tôi đãng trí, Decbinô bỏ tôi xộc vào nhà kia cướp một miếng thịt tha ngang mồm chạy ra. Bà lão kêu lên:

– Làng nước ơi! Cướp! Cướp! Bắt chúng nó lại cho tôi!

Nghe tiếng đó, tôi nhận thấy tôi có tội gì, vì phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của con chó của tôi. Tôi cũng cắm cổ chạy. Nếu bà lão túm được tôi bắt đền miếng thịt chó tha, thì tôi biết nói thế nào? Lấy gì mà đền? Nếu bị bắt, thì đến ngồi tù mất.

Thấy tôi chạy, Capi và Đônxơ cũng không chịu chậm chân. Tôi thấy chúng bám sát gót tôi. Con Giôlicơ bám chặt lấy cổ tôi cho khỏi ngã.

Tôi không sợ bà già đuổi kịp chúng tôi, chỉ sợ người ta thấy động ra đón bắt chúng tôi. Quả nhiên, trước mặt chúng tôi thấp thoáng có hai ba người đứng dang ra đường như có ý đợi chúng tôi. May chỗ ấy có một chỗ ngoẹo, tôi liền chạy vào, mấy con chó bổ theo sau. Chúng tôi phi một mạch ra cánh đồng, không thấy bóng người theo sau nữa mới hoàn hồn. Tôi thở không được vì phải chạy dài hơn hai cây số. Capi và Đônxơ quấn lấy chân tôi. Con Decbinô thủng thỉnh đi đằng xa, có lẽ bây giờ nó mới có thì giờ nhai ngấu nghiến miếng thịt.

Tôi ra hiệu gọi nó, nó đứng dừng lại. Rồi có lẽ nó sợ phải đòn, nên đáng lẽ về với tôi, nó quay ngang và trốn mất.

Chỉ vì đói quá mà con Decbinô phải làm xằng, tôi biết thế. Nhưng đó không phải là một lý do để bào chữa. Có việc ăn cắp thì thủ phạm phải bị trừng phạt. Nếu không thì còn gì là kỷ luật trong đoàn tôi? Đến làng khác Đônxơ cũng bắt chước Decbinô? Rồi đến lượt Capi. Capi cũng theo gương đó thì sao?

Tôi phải công khai dành cho Decbinô một trận. Nhưng phải đợi nó về trình diện mới được. Tôi nhờ Capi:

– Tìm Decbinô về đây cho ta!

Capi tuân lệnh. Nhưng coi nó có vẻ không được sôt sắng như mọi ngày, và trước khi đi, đôi mắt nó nhìn tôi như thể muốn làm luật sư cho Decbinô, hơn là làm hiến binh cho tôi.

Tôi đợi Capi đưa phạm nhân về. Mất nhiều thì giờ qua. Có lẽ Decbinô không chịu để bắt giải về ngay. Trong thời gian đó, tôi buồn quá. Tuy có yên tâm là không bị truy nã nữa, nhưng tôi mệt quá, nên muốn nghỉ ngơi một chút. Mà tôi vội vã để làm gì, khi tôi chả biết mình sẽ đi đâu và chẳng có việc gì làm cả.

Chỗ tôi nghỉ, bây giờ tôi mới nhìn ra, là một chỗ mát mẻ, có thể ngồi lâu được. Thì ra trong khi chạy, tôi đã lạc tới bờ sông Nam mà không biết. Nơi này phong cảnh xanh tươi: có nước, có cỏ, có cây. Lại một dòng suối trong khe đá chảy ra, hai bên có những cây nhỏ đâm bông, rập rờn như thác hoa rớt xuống, trông rất ngoạn mục.

Một giờ đã qua mà chưa thấy con nào về. Tôi bắt đầu lo thì thấy Capi về một mình, đầu cúi xuống.

– Decbinô đâu? Capi nằm một chỗ, vẻ sợ hãi. Tôi nhìn thấy một bên tai nó rớm máu.

Tôi không cần phải hỏi cũng biết việc đã xảy ra: Decbinô đã khởi loạn, nó chống lại hiến binh; Capi cố thi hành nhiệm vụ nên bị đả thương.

Có nên mắng nó vì không làm tròn sứ mạng không? Tôi không có can đảm quở phạt nó. Vả tôi cũng không có ý làm khổ người khác trong khi chính mình đang đau khổ. Cuộc tuần hành của Capi không có kết quả, tôi chỉ còn một phương sách là đợi Decbinô trở về đây. Tôi đã biết tinh nó sau khi vi phạm rồi, nó đành chịu phạt. Tôi sẽ nhìn thấy nó hối hận trở về.

Tôi nằm dài dưới bóng cây, tay không quên giữ xích con Giôlicơ, sợ nó lại đua đòi mà đi theo Decbinô. Capi và Đônxơ cũng nằm dưới chân tôi. Thời gian trôi, Decbinô vẫn không về. Mi mắt tôi nặng dần, tôi ngủ lúc nào không biết.

Khi tôi thức dậy thì mặt trời đã đứng bóng. Mấy giờ đã đi qua. Tôi không cần nhờ đến mặt trời mới biết là muộn, vì cái dạ dày tôi nó kêu rằng nó chỉ được một mẩu bánh mỳ con đã từ lâu rồi. Về phần những con chó và Giôlicơ, chúng cũng tỏ ra đói meo. Capi, Đônxơ bộ dạng ủ rũ. Giôlicơ nhăn nhó, kém hoạt động. Decbinô vẫn không thấy về. Tôi gọi. Tôi huýt sáo. Vô ích. Có lẽ nó ăn thịt no rồi, nằm khểnh ở bờ bụi nào cho dạ dày an nhàn tiêu hóa.

Tình thế của tôi lúc đó rất khó xử: nếu tôi đi thì con chó sẽ lạc đàn không trở về với chúng tôi được; nếu tôi cứ ở đây thì lấy tiền đâu ra mà ăn? Nhưng rồi cái sự ăn cần thiết hơn. Những con chó nhìn tôi thất vọng. Giôlicơ gãi bụng và kêu choe chóe tỏ ý không chịu được.

Tôi liền cho Capi đi tìm bạn nó lần thứ hai. Nửa giờ sau nó trở về không và tỏ ý không tìm thấy bạn nó đâu cả.

Làm thế nào bây giờ?

Dẫu rằng Decbinô có tội vì cái thói xấu của nó đã đưa tôi vào một tình trạng ghê gớm, nhưng tôi không thể vì thế mà bỏ nó. Thầy tôi sẽ bảo tôi sao, khi thấy tôi trở về không đủ ba con chó? Vả lại, dù sao tôi cũng yêu nó. Tôi quyết định đợi nó đến chiều. Nhưng không thể ngồi không mà nghe dạ dày kêu đói. Phải tìm cách để khuây khỏa cho tôi và cho cả mấy con vật của tôi.

Nhưng tìm cách gì bây giờ?

Tôi chợt nhớ ra thầy tôi có nói rằng: khi chiến tranh, nếu đạo quân mệt mỏi vì đi nhiều, người ta cho nghe những khúc nhạc vui vẻ và khích lệ thì quân lính quên cả nhọc.

Tôi thử chơi những bài vui vẻ may ra có thể quên đói được phần nào. Nếu không quên được đói, thì khi hai con chó nhảy với Giôlicơ ít ra thì giờ cũng trôi nhanh hơn. Tôi cầm cây thụ cầm dựng ở gốc cây, quay lưng ra sông. Sau khi các nghệ sĩ của tôi đã chỉnh tề, tôi cử một bài khiêu vũ chậm rồi đến một bài khiêu vũ xoay tròn.

Thoạt đầu, những đào kép của tôi nhảy rời rạc lắm vì mẩu bánh ban sáng không đủ kéo dài hơi sức, nhưng dần dà chúng hoạt bát hơn. Âm nhạc có hiệu lực hơn. Chúng tôi không nghe thấy tiếng dạ dày nữa, tôi để ý vào đàn, những bạn tôi để ý vào nhảy. Chợt tôi nghe thấy một tiếng trong trẻo, tiếng trẻ con, ở sau lưng tôi đưa ra:

– Hoan hô!

Tôi quay ra xem ai. Một chiếc thuyền lạ mắt, tôi chưa từng trông thấy cái nào như thế. Ngắn hơn các thuyền thường, boong không cao hơn mặt nước mấy. Trên boong có một căn phòng lắp kính. Trước phòng có mái hiên, những dây leo rủ từng chùm lá xanh cuống coi rất râm mát. Dưới hiên, tôi trông thấy hai người: một thiếu phụ gương mặt cao quý nhưng hơi buồn, đứng cạnh một cậu con trai trạc tuổi tôi đang nằm thì phải. Có lẽ chính cậu bé này đã “hoan hô”.

Tôi cất mũ chào người đã khen tôi. Thiếu phụ hỏi tôi:

– Có phải em chơi một mình cho vui không?

Bà nói giọng người ngoại quốc. Tôi đáp:

– Thưa bà, tôi chơi cho các con vật của tôi vui và cũng để tôi giải trí nữa. Cậu bé ra hiệu, bà mẹ cúi xuống. Đoạn bà ngẩng lên hỏi tôi:

– Em tiếp tục diễn cho chúng tôi coi.

Không để bà nói đến hai lời, tôi liền hỏi:

– Bà muốn xem khiêu vũ hay diễn kịch?

Cậu bé kêu lên:

– Diễn kịch!

Nhưng thiếu phụ lại muốn xem khiêu vũ. Cậu bé lại kêu:

– Khiêu vũ ngắn quá!

– Khiêu vũ xong, nếu quý vị muốn, chúng tôi xin trình bày một vài trò như các phường xiếc Pari.

Đó là câu nói thường xuyên của thầy tôi, tôi đem nhắc lại để lấy thanh thế. Nghĩ kỹ rồi, tôi đồng ý không diễn kịch vì nhiều lẽ: trước hết thiếu Decbinô, sau nữa không có đủ quần áo, đủ mũ cho đào kép.

Tôi lại cầm cây chơi bài Valsơ. Tức thì Capi lấy hai chân trước ôm Đônxơ và quay theo điều nhạc. Đến lượt Giôlicơ ra nhảy một mình. Rồi lần lượt tôi cho ra hết chương trình của chúng tôi. Chúng tôi không thấy mệt. Những nghệ sĩ của tôi chắc chắn đã hiểu sẽ có thù lao nên chúng trổ hết tài cũng như tôi cố nắn nót tiếng đàn thật thiết tha.

Trong khi chúng tôi đang diễn, bỗng Decbinô ở trong bụi rậm vượt ra chạy vào giữa hai bạn nó và diễn theo vai trò của nó.

Tôi vừa chơi đàn vừa trông cậu bé. Tôi ngạc nhiên thấy cậu ấy tuy rất chú ý đến trò, nhưng không hề nhúc nhích. Cậu nằm ngay như khúc gỗ, chỉ thấy hai cánh tay cử động để vỗ khen chúng tôi mà thôi. Cậu này bị liệt chăng? Mà hình như thân cậu bị buộc vào một tấm ván.

Dần dần, gió đưa chiếc thuyền áp hẳn vào cạnh bờ, nơi tôi đứng. Bây giờ tôi nhìn rõ cậu bé như tôi ở dưới thuyền. Tóc cậu vàng hoe, mặt xanh xao, trông rõ những gân xanh xanh trên trán. Vẻ mềm mại, yếu ớt và như có nét buồn thoáng qua. Chợt thiếu phụ hỏi tôi:

– Em lấy bao nhiêu một người?

– Bà cho bao nhiêu cũng được. Cậu bé nói:

– Mẹ trả kha khá cho người ta.

Rồi cậu nói bằng tiếng gì. Tôi nghe không hiểu. Xong bà mẹ nói:

– Actơ muốn xem gần những vai trò của em.

Tôi ra hiệu cho Capi, nó lấy đà nhảy vọt vào thuyền. Actơ kêu:

– Còn những con khác đâu?

Decbinô và Đônxơ liền nhảy theo sang với bạn.

– Còn con khỉ?

Giôlicơ có thể nhảy sang một cách dễ dàng. Nhưng tôi không dám tin nó. Một khi sang thuyền, sợ nó giở những trò không được lịch sự với thiếu phụ chăng? Thiếu phụ hỏi:

– Nó dữ à?

– Thưa bà, không. Nhưng nó thường không chịu vâng lời. Sợ nó có điều gì vô lễ chăng?

– Vậy em đem nó sang đây.

Nói xong, bà liền ra hiệu cho người đàn ông ngồi ở lái thuyền. Người này lại đầu thuyền bắc tấm ván lên bờ làm cầu. Tôi vác đàn, tay bế Giôlicơ bước sang thuyền. Actơ reo:

– A! Con khỉ! Con khỉ!

Tôi lại gần cậu bé. Khi cậu vuốt ve con khỉ, tôi có dịp nhìn kỹ cậu. Lạ thực, thân cậu buộc vào tấm ván như tôi đoán lúc đầu thực. Thiếu phụ hỏi tôi:

– Em ơi! Em còn cha chứ?

– Có, nhưng bây giờ cháu sống một mình!

– Vậy cha đi vắng trong bao lâu?

–  Trong hai tháng.

– Hai tháng. Tội nghiệp! Một tí thế này, em phải lang thang một mình? Và trong một thời gian lâu thế?

– Thưa bà, bắt buộc phải thế!

– Cha em bắt phải kiếm tiền trong hai tháng đó để đem về?

– Thưa bà, không. Cha cháu không buộc gì cả. Miễn là kiếm tiền đủ nuôi tôi và các con vật của tôi thôi.

– Cho tới nay em vẫn kiếm được đủ ăn chứ?

Tôi ngập ngừng không trả lời. Tôi chưa từng trông thấy một bà nào lại có một vẻ phúc hậu và đáng kính như bà. Bà nói với tôi một cách rất tử tế ân cần. Tiếng nói của bà êm ái, đôi mắt của bà rất dịu dàng và đáng tin cậy, nên tôi định đem chuyện kể cho bà nghe. Vả lại, tại sao lại im?

Tôi liền kể lại, thầy Vitali, chỉ vì bảo vệ cho tôi mà bị ngồi tù và từ khi rời Tuludơ, tôi chẳng kiếm được đồng nào.

Khi tôi nói chuyện với bà, Actơ chơi với mấy con chó. Tuy nhiên cậu vẫn để ý nghe tôi nói. Cậu hỏi:

– Vậy tất cả “đoàn” của anh chắc bị đói lắm?

Nghe tiếng đói, các bạn tôi hiểu nghĩa, tức thì ba con chó ăng ẳng sủa lên và con khỉ ôm bụng nhăn nhó. Actơ gọi:

– Mẹ ơi!

Bà mẹ hiểu ý con, liền bảo một người đàn bà đứng ở cửa phòng bằng vài tiếng ngoại quốc. Tức thì người đàn bà đó bưng ra một bàn thịnh soạn. Bà chủ nói:

– Con ơi! Ngồi xuống đây.

Tôi không làm khách, đặt luôn đàn xuống và ngồi vào bàn. Ba con chó đến chung quanh tôi. Giôlicơ leo lên đùi tôi ngồi. Actơ hỏi tôi:

– Những con chó của anh có biết ăn bánh mì không?

– Có.

Tôi cho mỗi con một miếng. Chúng ăn lấy ăn để. Actơ lại hỏi tôi:

– Còn con khỉ?

Không cần phải săn sóc đến nó. Tôi mải cho chó ăn, nó đã vồ một miếng bánh nhân thịt, nhảy xuống gầm bàn, nuốt vội và đang mắc nghẹn kief.

Đến lượt tôi, tôi cầm một khoanh bánh. Tôi, tuy không đến nỗi bị nghẹn như Giôlicơ, nhưng cũng nuốt nhanh không kém nó. Bà Actơ vừa rót thêm rượu bia vào cốc tôi, vừa nói:

– Tội nghiệp cho con quá!

Còn cậu Actơ không nói gì, nhìn chúng tôi không hề chớp mắt, chắc phải kinh dị vì thấy chúng tôi ăn uống như vũ như bão, đến cả con Decbinô đã lửng dạ vì miếng thịt cướp ở dọc đường, cũng không chịu thua. Actơ hỏi tôi:

– Nếu anh không gặp chúng tôi thì chiều nay, anh ăn ở đâu?

– Có lẽ chúng tôi không ăn.

– Thế ngày mai, các anh ăn ở đâu?

– Ngày mai, may ra lại được quý khán giả như hôm nay.

Actơ thôi nói chuyện với tôi, quay về phía bà mẹ. Hai người đàm thoại bằng tiếng ngoại quốc hồi lâu. Chợt Actơ quay đầu về phía tôi hỏi:

– Anh có thể ở đây với chúng tôi được không?

Tôi nhìn cậu và không trả lời được vì câu hỏi đột ngột đó.

– Actơ hỏi con có bằng lòng ở đây với chúng ta không?

– Trong thuyền này?

– Phải, ở trong thuyền. Con ta ốm, bác sĩ cấm không cho cử động, thân thể phải buộc kèm vào tấm ván như con đã trông thấy. Để cho em khỏi buồn, ta cho em đi rong chơi bằng thuyền. Con ở đây với ta. Mấy con chó và con khỉ sẽ diễn trò cho khán giả là Actơ xem. Còn con, nếu con muốn, con ơi, con sẽ chơi đàn cho ta nghe. Như thế, con sẽ giúp việc cho ta và ta cũng có ích cho con phần nào. Ngày ngày con không phải đi lang thang để tìm khán giả, mà cũng không dễ dàng đâu, nhất là con mới có bấy nhiêu tuổi đầu.

Đi thuyền! Từ bé tôi chưa được đi thuyền bao giờ! Nay tôi sắp được sống trong thuyền, trên mặt nước, thơ mộng quá, lòng tôi sung sướng biết bao!

Thực là một dịp may cho tôi. Và bà mẹ Actơ đã tử tế biết dường nào! Nghĩ ngợi trong giây lát, tôi chạy lại cầm tay bà và hôn. Cảm động về tấm lòng chân thành của tôi, bà âu yếm xoa đầu tôi và nói:

– Tội nghiệp quá!

Để bày tỏ thiện chí và lòng biết ơn của tôi, tôi xách đàn ra mũi thuyền, bắt đầu dạo mấy tiếng. Ngay lúc đó, bà cầm một cái còi bằng bạc để lên miệng, huýt một tiếng dài.  Tôi ngừng tay, không hiểu tại sao bà lại huýt còi: bà chê tôi đánh dở hay bảo tôi thôi? Actơ hiểu ý tôi, vội bảo:

– Mẹ tôi ra hiệu cho ngựa đi đấy!

Thực vậy, con thuyền do ngựa kéo rời bến, rồi từ từ tiến trên mặt nước phẳng lặng của con sông. Nước vỗ vào mạn thuyền róc rách, hai bên bờ cây cối chạy ngược về phía sau dưới ánh nắng xiên khoai của buổi hoàng hôn. Actơ bảo tôi:

– Anh cứ chơi đàn đi!

Rồi Actơ gọi mẹ đến ngồi bên cạnh, âu yếm ôm lấy tay mẹ trong suốt thời gian tôi chơi những bản đàn mà thầy tôi đã dạy tôi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN