Không Gia Đình (Sans Famille) - Chương 9: Một thành phố đen
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
136


Không Gia Đình (Sans Famille)


Chương 9: Một thành phố đen


Chúng tôi lại lên đường, không đói không mệt với hai mươi tám phrăng trong túi nhờ sự đón tiếp nồng nhiệt mà người ta đã dành cho chúng tôi nhân một đám cưới ở gần Villejuif.

Phải nói rằng chúng tôi đã toàn tâm toàn lực chơi đàn cho cô dâu và các khách mời của cô nhảy.

Với hai mươi tám phrăng trong túi, chúng tôi là hai vị chúa tể, khi tới Corbeil tôi đã có thể mua thoải mái một số thứ không dại dột chút nào: trước hết là một cây kèn đẩy cũ ở một cửa hàng sắt tuy không mới không đẹp nhưng được lau chùi kỹ càng bảo dưỡng cẩn thận, rất được việc cho chúng tôi; rồi những dây ruy-băng đỏ để buộc vào tất, cuối cùng một túi cũ của quân đội cho Mattia. Khi rời Corbeil, sau khi trả hết tiền những thứ đã mua, túi tiền chúng tôi có ba mươi phrăng bởi vì những cuộc biểu diễn ở.đây của chúng tôi thu được khá nhiều. Chúng tôi điều hòa các tiết mục sao cho ở lại nơi này được nhiều ngày. Sau nữa Mattia và tôi rất hợp nhau, đến nỗi coi nhau như hai anh em ruột.

Sau khi rời Corbeil chúng tôi tiến về Mon-targis để tới nhà má Barberin.

Bây giờ tôi đã giàu, tôi phải có quà tặng má chứ.

Chẳng phải tìm tòi gì lâu. Có một thứ sẽ có thể làm má sung sướng hơn tất cả mọi thứ: đó là một con bò cái.

Cái chính lúc này là làm sao biết giá. Lần đầu tiên tôi hỏi một ông lái bò ông này cười vào mũi tôi để trả lời. Nhưng tôi không để người ta làm cho bối rối.

– Phải cho sữa tốt lại không ăn quá nhiều.

Ông ta có một con bò cái đúng theo yêu cầu của tôi, nếu đưa ông năm mươi ê-quy thì con bò sẽ thuộc về tôi.

Còn lâu tôi mới có đủ món tiền lớn đó.

Chẳng lẽ không mua nổi nó sao? Khéo không mua nổi mất. Nhưng nếu vận may vẫn đến với chúng tôi như những ngày đầu tiên thì tôi có thể thu thập từng xu một lắm chứ! Chỉ cần có thời gian thôi.

Lúc đó một ý tưởng mới nảy ra trong óc tôi.

Đáng lẽ đầu tiên đi Chavanon thì hãy đi Varses đã, như vậy chúng tôi sẽ có đủ số thời gian bị thiếu nếu đi thẳng tới Chavanon.

Phải đi Varses trước đã, lúc về mới tới nhà má Barberin.

Buổi sáng tôi thông báo cho Mattia ý tôi, Mattia không phản đối gì cả.

Chúng tôi mất ba tháng mới vượt qua ngần ấy cây số, nhưng tới gần Varses tôi vui mừng đếm tiền thấy mình đã tận dụng tốt thời gian:

chúng tôi có một trăm hai mươi tám phrăng, chỉ thiếu hai mươi hai phrăng là mua được con bò cái.

Từ Varses tới Chavanon chắc chắn chúng tôi sẽ kiếm được khá.

Varses, cách đây một trăm năm, chỉ là một ngôi làng nhỏ hẻo lánh giữa núi non. Thật quả trên mặt đất thật hiu quạnh: chỉ có đá vôi, đất truông, không cây cối ngoài đây đó mấy cây dẻ, cây dâu tằm và vài cây oliviers còm cõi; đất không trồng trọt được, chỗ nào cũng thấy đá xám, đá trắng; chỉ những nơi đất hơi sâu một chút mới.có chút ẩm thấp để một ít thực vật sống được làm nổi bật lên trông rất vui mắt.

Vì nơi đây trơ trụi như thế nên hay xảy ra những trận lụt kinh khủng: mỗi khi trời mưa, nước cứ chảy theo những sườn dốc trụi cây như trên một đường phố lát đá và những con suối xưa nay cạn khô nay chảy ào ào như thác làm cho bỗng chốc bao nhiêu sông trong thung lũng đầy ắp lên rồi tràn ra, chỉ vài phút nước ngập đến năm mét và hơn cả thế nữa.

Khi chúng tôi tới ngoại vi Varses là ba giờ chiều, mặt trời rực rỡ tỏa trên bầu trời trong vắt, nhưng càng tiến tới ngày càng tối đi; giữa bầu trời và mặt đất một đám mây khói dày đặc bốc từ những ống khói nặng nề ra xâu xé lẫn nhau rồi lan dài ngột ngạt. Từ hơn một giờ nay chúng tôi nghe thấy những tiếng vù vù rất mạnh, những tiếng rì rào như tiếng rì rào của biển cùng với những tiếng đập đùng đục. Tiếng vù vù thì là tiếng quạt rồi còn những tiếng đục là tiếng búa và tiếng vồ.

Tôi chỉ biết chú của Alexis là công nhân mỏ làm việc ở mỏ Truyère và chỉ có thế. Chú ở Varses hay ngoại ô Varses?

Vào tới làng tôi hỏi thăm mỏ ở đâu, người ta chỉ cho tôi đến bờ bên trái của con sông Di-vonne.

Người ta cũng cho chúng tôi địa chỉ của chú Gaspard, chú ở cách đấy một quãng ngắn trong một phố quanh co và dốc đứng từ ngọn đồi xuống con sông.

Khi hỏi thăm ông thì một người đàn bà đang nói chuyện với một bà hàng xóm đã trả lời là làm việc xong đến sáu giờ ông mới về.

– Thế cháu hỏi ông ấy có việc gì?

– Cháu muốn gặp Alexis.

Bà bèn nhìn tôi từ đầu đến chân và nhìn Capi.

– Cháu là Rémi phải không? Alexis có nói chuyện với chúng tôi, nó đợi cháu đến đấy. Thế còn cậu này là ai?

– Là bạn cháu ạ.

Đó là bà thím của Alexis. Tôi cứ tưởng bà ta mời chúng tôi vào trong nhà nghỉ ngơi vì đôi chân đầy bụi cũng như khuôn mặt sạm nắng gió của chúng tôi cho biết rõ chúng tôi mệt lắm; thế nhưng bà ta chẳng làm gì cả chỉ nhắc lại là nếu chúng tôi quay lại lúc sáu giờ thì sẽ gặp Alexis.

Cách đón tiếp như vậy làm chúng tôi không muốn quay lại nhà làm gì nữa, chúng tôi đi đến đợi Alexis ở cửa vào mỏ lúc gần sáu giờ..Tôi đứng đó với Mattia và Capi và sau sáu giờ độ vài phút tôi bắt đầu nhìn thấy từ trong đường hầm sâu thẳm và tăm tối những chấm sáng lớn dần. Đó là những người thợ mỏ tay cầm đèn trở lên chốn ban ngày ban mặt.

Họ đi rất chậm, bước đi nặng nề tựa như bị đau đầu gối vậy, điều đó sau này tôi mới biết, khi mà tôi bước xuống những bậc lên xuống của chiếc thang dẫn xuống mức sâu nhất của mỏ; mặt họ đen như mặt những người nạo ống khói, áo quần và mũ họ phủ đầy bụi than cùng những mảng bùn ướt. Qua kho để đèn, từng người đi vào treo đèn lên một cái đinh.

Mặc dù rất chú ý tôi không nhìn thấy Alexis, nếu anh không nhảy lên bá cổ tôi hẳn tôi đã để anh đi qua trước mặt mà không biết: đen từ đầu đến chân như thế bây giờ anh đâu còn giống người anh của tôi vẫn thường chạy trên những lối đi ở vườn xưa kia?

– Đây là Rémi. – Anh vừa nói vừa quay lại phía một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi đi bên cạnh.

Tôi biết ngay đấy là chú Gaspard.

– Bọn chú chờ cháu đã lâu. – ông hiền từ nói.

Capi mừng rỡ vì gặp lại Alexis. Trong khi đó tôi giải thích cho chú Gaspard ràng Mattia là một người bạn của tôi, một cậu bé rất khá mà tôi đã quen từ lâu, chơi kèn đẩy không kém gì ai.

– Còn đây là Capi chứ gì, – chú Gaspard nói, – ngày mai là chủ nhật: nghỉ ngơi xong bọn cháu biểu diễn cho chúng tôi xem một buổi nhé. Alexis nói là con chó này thông thái hơn cả một ông giáo hoặc một kịch sĩ đấy.

Tôi lúng túng trước mặt bà thím bao nhiêu thì thoải mái với ông chú bấy nhiêu.

Khi sắp sửa về tới nhà, chú Gaspard lại gần chúng tôi:

– Bọn cháu ăn tối với chúng tôi nhé.

Chưa bao giờ có một lời mời nào làm tôi vui đến thế bởi vì tôi đang tự hỏi liệu đến cửa chúng tôi có phải chia tay nhau hay không, cách đón tiếp của bà thím chẳng làm tôi mảy may hy vọng.

– Đây là Rémi, – ông nói khi bước vào nhà, – và bạn của cháu.

– Tôi đã gặp các cậu ấy rồi.

Được trôi qua buổi tối cùng ông, tôi thật sung sướng, thật tình mà nói tôi cũng sung sướng.được ăn cơm tối nữa. Suốt từ Paris chúng tôi cứ gặp đâu ăn đấy, ít khi được ăn một bữa cơm thực sự. Thực ra với những gì thu được chúng tôi cũng khá giàu, đủ để ăn những bữa cơm sang trọng trong các quán, nhưng còn phải dành tiền tậu bò nữa.

Cơm tối kéo dài không bao lâu.

– Cháu sẽ ngủ với Alexis nhé. – Chú Gaspard bảo tôi. – Còn Mattia, nếu cháu đồng ý ngủ trong lò bánh mì, chú sẽ làm cho cháu một cái giường đệm rơm.

Tối và phần lớn đêm đó tôi và Alexis dùng để bàn chuyện.

Chú Gaspard là thợ cuốc than, nghĩa là ông cuốc than trong mỏ bằng một cái cuốc chim. Alexis là người đẩy goòng, có nghĩa đẩy than trên một toa xe gọi là xe goòng trên đường ray từ nơi than được cuốc ra cho tới một cái giếng. Xe goòng trong có chứa than khi đến giếng được móc vào một dây cáp có máy đưa lên trên mặt đất.

Dù cho mới là thợ mỏ có ít lâu, Alexis đã yêu mỏ, tự hào về mỏ, theo anh đó là cái mỏ đẹp nhất, ly kỳ nhất xứ sở này, anh đặt vào câu chuyện kể của mình tất cả tầm quan trọng của một người khách phương xa đến từ vùng đất lạ tìm được những đôi tai chú ý lắng nghe mình.

Alexis tiếp tục kể về cuộc sống của mỏ, những hiểm nguy của mỏ như vụ nổ ga khủng khiếp tức là nổ khí mỏ vài tuần trước đây làm chết hàng chục công nhân mỏ, tai nạn này gây cho anh một ấn tượng rất mạnh.

Những gì Alexis kể kích thích trí tò mò của tôi đến nỗi tôi muốn xuống mỏ nhưng muốn xuống mỏ phải là thợ mỏ đã.

Tuy nhiên, một sự tình cờ đã khiến tôi cảm nhận được tất cả nỗi hãi hùng đôi khi vẫn đe dọa thợ mỏ.

Tối hôm trước ngày tôi lên đường, Alexis về nhà với một bàn tay bị giập do một tảng than rơi vào. Một ngón tay anh nát ra đến một nửa, cả bàn tay giập tím bầm lại.

Bác sĩ của công ty đến nhà thăm và băng bó cho anh. Vết thương không trầm trọng như Alexis phải nghỉ việc.

Chú Gaspard có tính cách là đời làm sao ông chấp nhận làm vậy, chẳng buồn chẳng giận bao giờ, nhưng có một điều khiến ông mất cả hiền lành: đó là có cái gì cản trở công việc của ông..Khi biết Alexis phải nghỉ làm việc trong nhiều ngày, ông kêu tướng lên. Ai sẽ đẩy xe goòng trong suốt thời gian này? Chẳng có ai thay nó cả, mỏ đang thiếu người nhất là trẻ con.

Ông đi tìm một người đẩy xe goòng nhưng lại về không. ông bắt đầu phàn nàn.

Thấy ông buồn và hiểu vì sao ông buồn, đồng thời cảm thấy có nghĩa vụ trong trường hợp này, mình nên có cách riêng để đền đáp lòng hiếu khách của ông đã dành cho chúng tôi, tôi bèn hỏi ông đẩy goòng có khó lắm không.

– Chỉ việc đẩy nó trên đường ray.

– Xe có nặng không ạ?

– Không đến nỗi nặng lắm.

– Alexis đẩy được thì chắc là cháu cũng đẩy được.

Ông cười ầm lên nhưng sau đó trở lại đứng đắn ngay:

– Cháu là cậu bé tốt quá, đúng thế đấy, ngày mai cháu xuống mỏ với chú. Đúng là cháu giúp chú, nhưng có lẽ cũng có ích cho cháu. Nếu cháu thấy thích công việc này, thì nó còn hơn là cứ lang thang trên đường.

Nhưng nếu như thế thì Mattia sẽ làm gì? Tôi bèn hỏi nó có muốn cùng Capi đi biểu diễn trong vùng lân cận không thì nó đồng ý.

– Tớ sẽ rất hài lòng tự mình kiếm nốt tiền tậu bò. – Nó cười nói.

Qua ba tháng chúng tôi cùng ở với nhau, sống giữa không khí thoáng đãng, Mattia đã khác xa cậu bé ốm yếu mà tôi gặp đang đứng dựa vào nhà thờ Saint – Médard. Mặt trời và cuộc sống ngoài trời đã đem lại sức khỏe cho nó, làm nó vui lên. Suốt hành trình lúc nào nó cũng vui, cũng cười. Nếu không có nó không hiểu tôi sẽ ra sao?

Chúng tôi thỏa thuận với nhau trong thời gian tôi xuống mỏ Mattia sẽ đi biểu diễn để tăng thêm thu nhập.

Sáng hôm sau người ta đưa cho tôi bộ quần áo lao động của Alexis. Tôi đi theo chú Gaspard.

– Chú ý vào nhé, – ông đưa cái đèn cho tôi, – cứ theo chú mà đi.

Chúng tôi đi sâu vào đường hầm, ông đi trước.

– Cháu mà trượt chân ở bậc thang thì bám chặt vào nhé, ở dưới kia sâu lắm và cứng lắm đấy..Không cần phải nghe những lời dặn dò này tôi đã đủ xúc động rồi, bởi vì từ chỗ ánh sáng bước vào trong đêm tối, từ mặt đất bước vào trong lòng đất, ai chẳng thấy xốn xang trong lòng.

Theo bản năng tôi quay lại phía sau: ban ngày chỉ còn là một chấm sáng nhỏ tít tận đầu kia. Tôi theo kịp bước chân chú Gaspard rất nhanh.

– Đến bậc thang rồi đây này. – Chẳng bao lâu ông nói.

Chúng tôi đến trước một cái lỗ đen ngòm và trong cái chiều sâu mà mắt tôi không thể lường nổi tôi thấy những vệt sáng đung đưa, ở đầu vào thì lớn sau cứ nhỏ dần đến độ chỉ còn là những chấm nhỏ khi chúng cứ càng ngày càng xa đi. Đó là đèn của những thợ mỏ đã vào mỏ trước chúng tôi. Tiếng họ nói chuyện nghe như tiếng rì rầm vẳng tới tận tai chúng tôi nhờ một luồng không khí âm ấm thổi vào mặt, luồng không khí có mùi gì đó mà lần đầu tiên tôi ngửi thấy: nó như mùi ê-te lẫn với mùi ét-xăng.

Khi tới nơi làm việc, chú Gaspard chỉ cho tôi phải làm những gì, và khi goòng đầy ắp than, ông cùng đẩy với tôi để dạy tôi cách đẩy goòng tới tận giếng, dạy tôi cách đưa goòng vào những đường tránh khi gặp những người đẩy xe goòng tới từ phía ngược lại.

Kể cũng có lý khi nói rằng nghề này không lấy gì làm khó lắm, sau vài giờ nếu như tôi chưa trở nên thành thạo thì cũng có thể gọi là làm được. Chỉ chưa khéo lắm chưa quen lắm mà thôi, bù vào đó tôi buộc phải mất nhiều sức hơn, kết quả là làm được ít hơn và mệt nhiều hơn.

Cạnh nơi chú Gaspard làm việc, có một người đẩy goòng láng giềng với tôi, lẽ ra là một đứa trẻ như tôi và các bạn tôi, thì lại là một cụ già râu bạc trắng; nói bạc trắng vì vào ngày chủ nhật, ngày ai nấy tắm rửa sạch sẽ, bởi qua cả một tuần lễ, ngày thứ hai râu xám ngày thứ bảy râu đen. Cụ đến ngoài sáu mươi tuổi. Ngày xưa, thời còn trẻ, cụ là thợ gỗ, có nghĩa chịu trách nhiệm bảo trì các cột chống bằng gỗ để chống hầm, nhưng sau một vụ sụt hầm cụ bị nghiền nát ba ngón tay đành phải bỏ nghề. Công ty của cụ có cho cụ một chút tiền trợ cấp vì tai nạn này xảy ra khi cụ cứu ba công nhân bạn. Cụ sống bằng tiền trợ cấp đó được vài năm. Công ty của cụ phá sản, cụ chẳng còn nguồn nào mà sống, chẳng thuộc diện nào, cụ phải vào mỏ.Truyère đẩy goòng. Họ gọi cụ là cụ giáo, bởi vì cụ hiểu biết nhiều điều mà các thợ cuốc, thợ mỏ bậc thầy còn phải chịu, những người này sẵn sàng nói lên như vậy.

Trong giờ ăn cơm chúng tôi làm quen với nhau và cụ thân với tôi rất nhanh. ở trong mỏ thường người ta ít nói vì thế người ta gọi chúng tôi là những người hay chuyện.

Những câu chuyện kể của Alexis không cho tôi biết hết những điều tôi muốn biết, những câu trả lời của chú Gaspard cũng không làm tôi thỏa mãn, bởi vì khi tôi hỏi chú:

– Than đá là gì hả chú?

Thì lúc nào chú cũng chỉ trả lời:

– Là than tìm được ở trong đất.

Nhưng khi tôi hỏi cụ giáo cũng câu hỏi ấy thì cụ lại trả lời khác hẳn:

– Nó không gì khác chỉ là than gỗ mà thôi:

đáng lẽ cho vào lò sưởi những cái cây của thời đại chúng ta, ta lại cho vào đó cây cối mọc trong những khu rừng cổ đại đã biến thành than do sức mạnh của thiên nhiên, do cháy rừng, do núi lửa, do động đất.

Và khi tôi ngạc nhiên nhìn cụ thì cụ nói:

– Hôm nay ta không có thì giờ nói về chuyện đó, nhưng mai là chủ nhật, cháu đến tôi, tôi sẽ giải thích cho cháu.

Ngày hôm sau tôi nói với chú Gaspard là mình đến thăm cụ giáo.

– à, chú cười, thế là cháu đã tìm được người để chuyện trò rồi đấy hả, đi đi, nếu lòng cháu muốn vậy. Chỉ có điều là nếu như cháu học được cái gì ở cụ thì cũng đừng lên mặt ta đây nhé.

Tôi bước vào thì cụ ra đón tôi.

– Tôi đã gọi món biroulade rồi đấy, bởi vì tuổi trẻ có tai có mắt nhưng cũng có cả cổ họng nữa, muốn làm bạn với họ cách tốt nhất là làm thỏa mãn cả yết hầu họ.

Món biroulade là món hạt dê nướng ngâm vào rượu trắng, ở vùng Cévennes này được mời ăn món đó là một vinh dự.

– Sau khi ăn món biroulade, tôi sẽ cho cháu xem bộ sưu tập của tôi.

Bộ sưu tập này vô cùng phong phú, ít nhất là theo đánh giá của tôi, nó chiếm toàn bộ chỗ ở của cụ, trên các bàn và các giá nếu là vật mẫu nhỏ, vật mẫu lớn thì xếp dưới đất.

Đã từ hai mươi năm nay, cụ sưu tầm tất cả những cái gì mà cụ thấy hay hay gặp trong khi làm.việc, và bởi vì khu mỏ ở lưu vực sông Cère và sông Divonne rất nhiều thực vật hóa đá, cụ có những mẫu rất hiếm mà nhà địa chất học và tự nhiên học nào có được hẳn phải vô cùng sung sướng.

Cụ vội nói và tôi cũng chăm chú nghe:

– Bởi vì cháu muốn biết thế nào là than đá, cháu hãy nghe đây: mặt đất nơi chúng ta ở không phải lúc nào cũng như ngày nay. Có những thời kỳ mà nước ta phủ đầy loại cây giờ đây chỉ mọc ở những nước nhiệt đới. Rồi bỗng nhiên có một cuộc cách mạng, toàn bộ lớp thực vật này bị thay thế bằng một lớp thực vật khác hẳn, đến lượt nó lại bị thay thế bởi một lớp khác nữa, cứ như thế trong hàng ngàn, hàng triệu năm. Cây nhỏ cây lớn tích tụ lại, vừa phân hủy vừa chồng lên nhau sinh ra nhiều lớp than đá. Tôi sẽ cho cháu xem những mẫu lấy từ vỉa ta gọi là tường hay là mái còn mang dấu ấn của cây cối, được giữ như là thảo mộc giữa những tờ giấy của tập mẫu thảo mộc.

Cuộc viếng thăm của tôi kéo dài đến đêm vì cụ hiểu biết quá nhiều và những lời giải thích của cụ làm tôi say mê.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN