Không Thể Chạm Vào Em - Chương 15: Lao đao
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
150


Không Thể Chạm Vào Em


Chương 15: Lao đao



Miên Tú rảo bước trên con đường làng đã từng rất quen thuộc với những năm tháng tuổi thơ. Mấy năm không trở lại, ngôi làng đã thay da đổi thịt, trở nên khang trang, mới mẻ hơn nhiều. Con đường đất cát ngày xưa nay đã là một con lộ được trải nhựa láng cóng, rộng rãi, và sạch bong, là sân phơi lý tưởng cho những mẻ cá, mực vàng ruộm phơi mình đón nắng. Hai bên đường, nhà cửa mọc lên san sát, đa số là nhà mái ngói, lác đác một vài ngôi nhà cao tầng sang trọng. Chỉ có hai hàng phi lao bao quanh làng là không đổi khác, có chăng chỉ là thưa thớt hơn, góp phần làm cho cảnh vật trở nên quang rạng, sáng sủa. Và dãy những bức tường được những họa sĩ đường phố vẽ tranh thử nghiệm, dẫu đã phai màu, nhưng còn đấy rõ ràng những hình ảnh đáng yêu từng khiến Miên Tú say mê đến kỳ lạ.

Một vài người lớn tò mò quan sát Miên Tú như tự hỏi cô gái trẻ này là ai. Phải rồi, chẳng còn ai nhận ra Miên Tú, nói đúng hơn là, cô đã không còn ai thân thích tại vùng quê này, để có thể vin vào một cái tên mà giải thích đây là một chuyến về thăm quê, thăm họ hàng. Trẻ con chạy chơi cũng mắt tròn mắt dẹt nhìn Miên Tú. Ngày xưa, xưa lắm, cô cũng từng như lũ trẻ ấy, đầu trần chân đất, rong ruổi khắp đường làng cùng đám bạn, hồn nhiên phơi nắng cho da đen nhẻm để đổi lại nụ cười trong veo của trẻ thơ. Dẫu những cơ hội được vui đùa thỏa thích đó không nhiều, bởi cha luôn nghiêm khắc quản thúc mọi hoạt động vui chơi của Miên Tú khiến bà ngoại nhiều lần muốn để Miên Tú có những ngày được làm trẻ nhà quê với nắng và gió, cũng phải dè chừng. Nếu có thể quay ngược thời gian, có lẽ rất nhiều người dám đánh đổi những thứ tưởng chừng quý giá lúc này để có được một ngày hồn nhiên đúng nghĩa!

Miên Tú hít thật sâu như muốn gom hết cái không khí mát mẻ trong lành, thoảng mùi tanh nồng đặc trưng của vùng biển quê ngoại vào lồng ngực. Cô cảm thấy dễ chịu, khoan khoái hơn rất nhiều, dù vừa di chuyển một chặng đường dài. Cô yêu mùi vị mặn mòi này lắm, dẫu nó có thể khiến nhiều người không quen phải chau mày khó chịu. Với Miên Tú, cũng giống như những âm thanh chào ngày mới, đây là mùi của sự sống, của những lo toan vất vả, của niềm tin và hy vọng. Quả là, nơi đây luôn bình yên cho những mỏi mệt của cô, cho những bước chân loạng choạng vì sóng gió, cho nỗi niềm hoang hoải bởi bao ưu tư chất chứa trong lòng.

Kia rồi! Nhà của ngoại, nơi từng là mái ấm của mẹ cô, thấp thoáng hiện ra sau những rặng phi lao đang lả lướt uốn mình theo gió. Căn nhà nằm lặng lẽ, im lìm nơi cuối xóm, như đang mang vẻ trầm tư của một người già. Chiếc cổng nặng nề phát ra âm thanh “cọt kẹt” giữa trưa cuối hè, phá tan không gian tịch mịch như say ngủ của vạn vật. Miên Tú chầm chậm bước lại gần, căn nhà năm nào – dẫu là một trong những ngôi nhà lớn và sang trọng nhất nhì làng chài này – vẫn khiến Miên Tú có cảm giác bé nhỏ, không biết có phải bởi đã sống ở thành phố lớn quá lâu, hay do Miên Tú lúc này đã quá lớn so với cô bé Miên Tú ngày xưa. Dù vậy, Miên Tú tin rằng, đó là tất cả những gì cô cần lúc này – một ngôi nhà, dẫu không người ở nhưng đem lại cảm giác quen thuộc ấm áp, đủ để cô trú ngụ và tự chữa lành những vết thương lòng.

Miên Tú thôi nghĩ ngợi, đi thẳng vào khoảng sân rộng xanh mướt cỏ được tô điểm bằng vài bụi hoa mười giờ tím, li ti cũng tươi tắn không kém. Bất chợt, Miên Tú sững lại, ngồi nhà đã rất lâu không có người ở, sao từng bông hoa, ngọn cỏ, gốc cây trong vườn lại như được chăm sóc rất kỹ lưỡng? Miên Tú dáo dác nhìn quanh ngay sau khi một cơn gió dịu dàng đưa cái mùi ngai ngái của cỏ mới cắt đến bên. Rõ ràng, có ai đó đang ở đây, hoặc ít nhất là đang lui tới đây để chăm sóc khu vườn này?!

Cảm giác thân quen, sướt mướt kéo Miên Tú ra khỏi sự hồ nghi kia, khiến Miên Tú dợm bước nhanh hơn về phía ngôi nhà đang đóng cửa im ỉm nơi cuối sân. Thật ra, khi quyết định trở về đây, Miên Tú không hề nghĩ đến việc mình làm sao để vào được nhà. Miên Tú chỉ muốn rời khỏi Trần Kha, và Miên Tú đi, thế thôi! Dẫu sao thì, đây cũng là nơi duy nhất Miên Tú có thể tìm thấy bình yên – ít nhất là trong tâm hồn…

Miên Tú đứng tần ngần một lúc trước bậc tam cấp dẫn lên cửa chính. Đôi cửa bằng gỗ có vẻ đã quá cũ kỹ, vài vệt trầy xước – mà phần lớn trong đó, là “sản phẩm” của Miên Tú – bên dưới tay nắm cửa vẫn còn y nguyên đó nhưng đã được máy bào thời gian bào nhẵn đến nỗi, Miên Tú phải bước đến gần mới nhìn thấy. Đã khá lâu Miên Tú không về quê suốt từ lần giỗ ngoại nhiều năm trước. Miên Tú chỉ nhớ lần ấy, khi hai cha con về đến nơi thì cỗ bàn đã tươm tất, trong nhà đã đông khách khứa. Tàn tiệc, Miên Tú lẳng lặng vào phòng cũ của ngoại, hối hả nhặt nhạnh những xúc cảm còn sót lại. Bởi, Miên Tú thừa biết, lát nữa thôi, sau khi cha đi chào hỏi những người quen, những người họ hàng gần – xa, cả những người Miên Tú chưa từng gặp mặt, cũng không hề quen biết, cha sẽ lại hối thúc Miên Tú vội vã trở lại thành phố. Cha lúc nào cũng vậy, với ông, công việc luôn được đặt lên hàng đầu, và đúng nghĩa, nó là tất cả.

Lúc này, Miên Tú mới cảm thấy tự trách. Miên Tú luôn lạnh lùng, vô tâm với những người không thân thuộc như thế! Ngoài ông bà ngoại, cha mẹ, một vài người anh em họ thường xuyên qua lại, Miên Tú không biết ai ở nơi này nữa cả. Miên Tú lúc nào cũng chỉ như con ốc, thu mình trong vỏ bọc – thứ mà con ốc khờ khạo kia cho rằng nó sẽ bảo vệ được mình trước hiểm nguy, mà không ngờ rằng chính cái vỏ yếu ớt đó lại mang đến quá nhiều phiền phức. Minh chứng là lần trở về này, Miên Tú không biết lấy một người, dù là họ hàng xa thật xa, hoặc bất kể là ai đó – sống quanh đây có thể giúp Miên Tú giải đáp những thắc mắc từ khi mở cánh cổng cọt kẹt kia.

*

– Con ơi!…

Miên Tú bị đánh thức bởi tiếng gọi trầm đục. Vừa đưa tay lên dụi mắt cho tỉnh táo hơn, Miên Tú vừa tự hỏi sao mình lại ngủ gục ở đây?! Cô khá bất ngờ vì mình đã ngủ quên khi tựa vào chiếc cột gỗ mát lạnh – dẫu nhiều tuổi đời, nhưng lại nhẵn bóng hơn mức bình thường của một đồ vật phơi nắng, phơi sương nhiều năm ròng. Bởi Miên Tú biết, sự cảnh giác cao độ và hoàn cảnh hiện tại của mình, không cho phép cô vô tư ngủ ở một nơi nào đó, trừ khi chắc chắn rằng nơi đó an toàn, như bên cạnh Trần Kha. Lồng ngực khẽ nhói lên khi tự bản thân Miên Tú gợi cho mình hai chữ “Trần Kha”. Một cái tên thôi, gợi lại trong ký ức câm lặng thôi, cũng đã đủ để con người ta đau đớn quá! Cảm giác đau nhói ấy cũng đồng thời kéo Miên Tú khỏi những mơ hồ của giấc ngủ vội vàng ban nãy. Miên Tú luống cuống đứng dậy.

Miên Tú nhìn người đàn ông – có lẽ tầm tuổi cha, đang đứng trước mặt mình. Miên Tú chưa từng gặp người đàn ông này lần nào! Sao ông ta lại cười hiền từ với Miên Tú như thể đã thân thiết từ rất lâu rồi vậy? Liệu ông ấy có biết mình không? Rồi Miên Tú nhanh chóng cảm nhận được việc mình có thể dành nhiều thời gian để tự hỏi nhiều câu như thế này, chính là vì cảm giác an toàn từ ông ấy mang lại. Dường như đọc được điều gì đó trong ánh nhìn ngơ ngác của Miên Tú, người đàn ông lại cất giọng ôn tồn.

– Sao con ngồi ngủ ở đây?

– Dạ… con… – Miên Tú ấp úng, vừa nói vừa chỉ tay vào căn nhà. – Con không vô nhà được!

Khang Điền sững lại vài giây. Ông quên mất việc ngôi nhà vẫn còn có thể có người xuất hiện. Mà, ngoài Ngân Bình – người mà ông thầm thương trộm nhớ suốt nhiều năm trời, và Bạch Quân – người bạn đã lâu không gặp, thì còn Miên Tú. Tuy Khang Điền chỉ gặp Miên Tú vài lần khi con bé còn nhỏ, nhưng Miên Tú thật sự rất giống Ngân Bình. Giống đến nỗi, vừa nãy, khi Khang Điền bước đến, ông hốt hoảng vì bắt gặp hình ảnh Ngân Bình ngồi tựa vào chiếc cột gỗ hệt như ngày xưa. Rồi, cảm xúc của năm ấy lại ùa về. Ôi kỷ niệm… có bao giờ có thể hanh hao đi, để đừng quá dễ dàng cuộn về làm người ta đau khổ đến thế?!

Đôi mắt Khang Điền sáng lên, chăm chú nhìn Miên Tú, phải đến vài giây rồi ông tiếp.

– Con về một mình à?

Miên Tú bất ngờ vì có vẻ người đàn ông này biết rõ về gia đình mình! Nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, Miên Tú hỏi.

– Dạ! Mà, bác có quen với gia đình con ạ?

– Bác là bạn của ba mẹ con!

Vừa nói, ông vừa đưa tay vào túi quần, móc ra chùm chìa khóa. Ông tiến về phía cánh cửa gỗ được chạm trổ cầu kỳ, nhanh tay tra chìa vào ổ khóa, vừa cười vừa ôn tồn nói.

– Nhà lâu ngày không có người ở, thỉnh thoảng bác đến mở cửa quét dọn!

Miên Tú quay lại lấy ba lô – chiếc ba lô nhỏ vẫn đang nằm vất vưởng góc hiên nơi Miên Tú ngủ lúc nãy, chiếc ba lô chỉ vỏn vẹn vài ba bộ quần áo – là tất cả hành lý của cô khi rời khỏi Trần Kha. Cô bước theo người đàn ông lạ mặt nhưng đã trở nên thân quen hơn bởi cảm giác ấm áp mà ông mang lại. Căn nhà tỏa ra hơi mát lạnh dễ chịu. Cảnh vật đã từng quen thuộc lần lượt hiện ra trước mắt Miên Tú.

*

Miên Tú bần thần khi bước vào gian bếp, nơi đọng lại nhiều kỷ niệm đẹp trong ký ức tuổi thơ cô. Miên Tú đưa tay bật điện, ánh đèn vàng tỏa ra từ hai chiếc bóng đèn treo giữa nhà phả xuống sàn nhà bằng gỗ, tạo cảm giác ấm áp, dễ chịu. Một bình hoa với những đóa thạch thảo vẫn còn tươi nằm ngay ngắn trên chiếc bàn ăn kiểu cổ sạch bong, như không có vẻ gì là một nơi từ lâu không có người ở. Miên Tú chầm chậm dạo quanh căn phòng, ánh nắng buổi xế trưa xuyên qua ô cửa sổ nhỏ, phả từng vạt vàng vọt vào gian nhà. Bức ảnh đại gia đình nhà ngoại vẫn được treo trang trọng đối diện bàn ăn, Miên Tú chạm khẽ, trong hình là ông bà ngày còn khỏe mạnh, mẹ và cậu trẻ trung, đang cười thật tươi nhìn cô. Một gia đình hạnh phúc! Miên Tú thầm nghĩ.

Mẹ mất sớm, vài năm sau ông bà cũng ra đi, rồi cậu sang nước ngoài định cư, Miên Tú không còn được thường xuyên về đây nữa. Đám giỗ ông bà nhiều năm mới tổ chức một lần, có lúc cha đưa Miên Tú về cùng, có khi không. Tủ bếp, kệ bếp, mọi thứ vẫn vẹn nguyên ở vị trí của mình, được quét dọn sạch sẽ như chờ đợi một ngày cô sẽ quay về sinh sống tại đây. Nghĩ đến đây, Miên Tú thầm cảm ơn người đàn ông nọ. Cô quay lại tìm thì bắt gặp ông đã đứng sau lưng mình từ lúc nào.

– Chắc, con sẽ về đây ở luôn! – Cô nói, cứ như là nói cho chính mình nghe vậy.

– Vậy à? – Khang Điền vẫn điềm tĩnh. – Mình con thôi hả?

– Dạ!

Người đàn ông nhìn Miên Tú, ánh mắt rối bời, phức tạp. Lý do con bé về đây là gì? Lại còn đi một mình, không có hành lý hay bất cứ thứ gì có thể chứng tỏ đây là chuyến đi đã được chuẩn bị sẵn. Cuộc sống con bé có gì bất ổn chăng? Những câu hỏi ngày càng nhiều, khiến ông trầm ngâm hơn hẳn. Miên Tú phá tan bầu không khí im lặng.

– Bác là bạn thế nào với cha mẹ con ạ?

– “Thanh mai trúc mã!” – Khang Điền nói như thể chắc chắn rằng Miên Tú sẽ hiểu được ý nghĩa của câu nói này. – Bác, cha, mẹ con và cả Tuyết Hà nữa.

Câu hỏi của Miên Tú gợi lại nhiều suy nghĩ trong Khang Điền, khiến ông trở nên trầm mặc hơn nữa. Bởi đã lâu lắm rồi, không còn ai nhắc ông nhớ về ký ức xa xôi kia, mà đúng hơn là, bản thân ông cũng muốn quên hết những kỷ niệm thanh xuân đó, khi đã bước qua bên kia dốc của cuộc đời. Có chăng, những kỷ niệm về thời trai trẻ đó, đã được ông cẩn thận chôn chặt dưới đáy lòng cũng nên. Con gái Ngân Bình và Bạch Quân cũng đã lớn ngần này, mọi thứ đã được phủ một lớp bụi mờ của thời gian, nên chìm vào quên lãng cũng là điều dễ hiểu. Nhưng sao ông không thể nào quên được hình ảnh một người?!

– Con về đây có định làm gì chưa?

– Dạ… con chưa có dự định gì hết! – Miên Tú thành thật.

– Có muốn theo bác học nghề không?

*

Gọi là tiệm nhưng thực chất đó là gian chính của căn nhà ba gian được tận dụng như một hiệu thuốc đơn sơ – nơi Khang Điền sinh sống một mình, bài trí bởi những vật dụng toàn bằng gỗ, tạo không gian cổ xưa như trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc – theo lời nhận xét của Miên Tú. Ngoài chiếc giường đặt nơi góc phòng để thăm khám cho người bệnh, căn phòng còn có chiếc tủ gỗ cao, che mất một phần tường chính giữa, gồm nhiều ngăn nhỏ dựng sau quầy, là nơi Khang Điền đựng các loại thuốc mà ông luôn nhớ rất rõ vị trí của từng loại, chưa từng nhầm lẫn dù có đến cả trăm loại thuốc nằm trong những ngăn khác nhau. Phía trên quầy là một thanh ngang treo lủng lẳng khoảng năm, sáu thang thuốc được bọc giấy cẩn thận mà lần đầu đến đây, Miên Tú đã thắc mắc tự hỏi chúng chỉ để trang trí hay được treo với mục đích gì.

Chiếc bàn cao bằng gỗ màu nâu sậm, là nơi diễn ra hoạt động cuối cùng của Khang Điền và bệnh nhân, nơi Miên Tú thường tò mò đứng quan sát Sư phụ tiếp khách cũng như cân thuốc, hướng dẫn toa thuốc. Trên bàn là chiếc bàn tính soroban cỡ lớn, vài vật dụng bào chế thuốc trông rất lạ được đặt ngăn nắp một góc. Thông thường, bệnh nhân sẽ đứng bên ngoài, Khang Điền ở trong quầy, phía sau chiếc bàn gỗ dài đó, lúc thì thoăn thoắt ghi chép, lúc lại dùng bàn cân – loại bàn cân từ thế kỷ XIX với hai đĩa cân bằng đồng hai bên và một đồng hồ ở giữa với chiếc kim nhỏ nhưng luôn hoạt động chính xác đến từng gam, để phân loại thuốc cho khách hàng. Khang Điền làm việc luôn tay, nhưng luôn đủ thời gian cho những câu hỏi – đôi khi ngô nghê, lúc thì hết sức nghiêm túc của Miên Tú.

Chỉ vừa đến đầu ngõ, mùi thuốc bắc, thảo mộc đã ôm trọn lấy Miên Tú khiến bước chân cô như vội vã hơn. Lần nào đến đây, cô cũng thích mê cái mùi thơm nồng, ngai ngái của những loại thuốc mà cô chưa biết hết tên cũng như công dụng. Mặc dù mới một thời gian ngắn thôi nhưng Miên Tú cảm giác mọi thứ đã thân quen lắm.

Từ khoảng sân rộng luôn sạch sẽ được dùng để phơi các loại thảo dược khác nhau, đến gian nhà mát rượi khi tấp nập khi thanh vắng; từ sự ân cần chỉ dạy của Khang Điền đến những lời hỏi han, quan tâm, dễ mến của bà con lối xóm, là những khách hàng thường xuyên đến đây; tất cả tạo cho Miên Tú cảm giác gần gũi, gắn bó, trở thành niềm vui bình dị mỗi ngày. Dẫu cô chưa học được gì nhiều, nói đúng hơn là mới chỉ tập làm quen và bắt đầu bằng cách phụ những việc vặt, nhưng ngày nào không đến, Miên Tú cảm giác như thiêu thiếu điều gì.

– Ủa? Cây này để ăn mà, Sư phụ? – Miên Tú cất tiếng hỏi thay lời chào khi thấy Khang Điền đang lúi húi phơi mớ lá tía tô dưới bóng râm của tán cây cuối sân.

– Thì ăn cũng được, làm thuốc cũng được nữa, con!

Khang Điền ôn tồn giải thích. Khang Điền vẫn phì cười, chưa quen với cách gọi của Miên Tú, lối xưng hô mà Miên Tú vẫn khăng khăng dùng kể từ khi đến đây học nghề.

*

– Sư phụ chơi thân với cha mẹ con lắm ạ?

Miên Tú hỏi khi hai thầy trò ngồi trước hiên nhà, sau một ngày tất bật với bệnh nhân. Khang Điền với tay lấy ấm nước chè tươi được đặt trên chiếc chõng tre ngay cạnh đó, vừa rót nước vào ly, vừa trầm tư như đang lội ngược về miền quá khứ.

– Cha con vẫn khỏe chứ? – Lần đầu tiên ông hỏi Miên Tú về Bạch Quân, giọng trầm hẳn.

– Dạ cha con vẫn… khỏe! – Miên Tú nhỏ giọng, nét buồn vương thoáng qua khi nghĩ đến cha.

– Lâu lắm rồi Sư phụ với cha con cũng không còn liên lạc.

– …

– Sư phụ với mẹ con là người cùng làng, cha con và Tuyết Hà ở làng bên, thời nhỏ học chung một trường, chơi chung với nhau.

Miên Tú im lặng, chăm chú lắng nghe, lâu lắm rồi, cô mới được nghe nhắc về mẹ. Kể từ khi mẹ mất, cô với cha lạc hẳn vào hai thế giới tách biệt, dường như sợi dây duy nhất gắn kết họ với nhau cũng đứt theo, Miên Tú càng ngày càng bị đẩy xa ra khỏi thế giới của cha. Dì Tuyết Hà càng không bao giờ nhắc về mẹ. Những câu chuyện về mẹ, Miên Tú chỉ được nghe từ bà, mà bà thì đã xa Miên Tú lâu lắm.

– Cả bốn người chúng ta cùng lên thành phố học đại học. Ra trường, cha mẹ con cưới nhau.

– Lúc mẹ con mất là Sư phụ về đây luôn ạ?

– Ừm!

– Mẹ con là người thế nào vậy, Sư phụ?

Ánh mắt Khang Điền mơ màng nhìn vào khoảng không trước mặt, dường như trong khoảng không đó, ông thấy được hình ảnh cô thiếu nữ dịu dàng, thùy mị trong chiếc áo dài trắng ngày ngày ngồi sau xe ông đến trường – hình ảnh của những rung động đầu đời mà có lẽ mãi mãi ông sẽ không bao giờ quên. Miên Tú có bề ngoài khá giống Ngân Bình, chỉ khác là dù có ăn mặc giản dị cỡ nào, Miên Tú vẫn toát lên nét đài các của một tiểu thư lớn lên từ phố thị, không có vẻ mộc mạc của thôn nữ như Ngân Bình. Ngân Bình – cái tên gợi lại cho Khang Điền cả một trời kỷ niệm, một trời thương nhớ – dẫu những nhớ thương đó từ lâu đã đi kèm với sự vô vọng, cả những cảm xúc mà ngoài người đó ra, ông không thể tìm thấy ở một ai khác. Số phận trớ trêu thay…

– Sư phụ!… – Miên Tú rụt rè gọi, ngạc nhiên trước vẻ trầm mặc, lặng im của Sư phụ.

– …

– Mẹ con là một người xinh đẹp, lương thiện!

– …

*

Miên Tú không đi thẳng về nhà như mọi ngày mà rẽ hướng ra biển, tự nhiên cô cảm thấy thèm nghe tiếng sóng ở khoảng cách gần hơn, thèm được khỏa đôi tay theo những con sóng dập dìu vỗ. Tiếng trò chuyện của vài người phụ nữ, tiếng hô kéo lưới của những bác ngư dân vọng lại râm ran, làm huyên náo cả một góc trời chiều. Không gian sống động quá, nhưng cũng thật bình yên. Miên Tú cảm thấy yêu vùng đất này quá đỗi, yêu những con người chất phác với nước da ngăm, màu tóc hung đỏ vì nắng gió, nhưng nụ cười chân thật, dễ gần luôn hiện hữu trên môi. Bà con lối xóm cũng đã quen dần với sự xuất hiện của cô gái lạ hôm nào “đi lạc” vào làng, mà nhờ thầy thuốc Khang Điền, họ đã biết cô là ai, có quan hệ thế nào với nơi này.

Hoàng hôn khẽ khàng buông xuống, mặt trời như đang luyến tiếc, vấn vương không muốn tạm biệt bầu trời và mây để trở về khuất sau đường chân trời, ngoan ngoãn chờ đợi một ngày mới khác đến để được tung hoành trên không trung cao xanh kia. Cô ngồi xuống, lặng yên ngắm biển dần chuyển màu theo ráng chiều, cho đến khi trước mặt chỉ còn là một khoảng mênh mông, mờ mịt không phân biệt được đâu là trời, đâu là biển. Miên Tú tháo chiếc đồng hồ trên tay, mân mê kỷ vật duy nhất mang hơi ấm từ tình yêu thương của Trần Kha mà cô đem theo bên mình. Trần Kha sẵn sàng trao cả thời gian của mình cho Miên Tú, ngược lại, Miên Tú chẳng có gì để đáp lại Trần Kha, ngoài những phiền phức và thiệt thòi mà Trần Kha chưa một lần lên tiếng than oán. Có lẽ, lựa chọn ra đi là điều sáng suốt nhất mà Miên Tú làm được, những ân tình cô nợ Trần Kha, chẳng biết khi nào mới có thể báo đáp. Nếu còn có một kiếp đời nào khác, chúng ta có thể gặp lại để yêu thương trọn vẹn hơn không?

*

Tiếng rên khàn đục dẫu rất khẽ của Trần Kha, cũng đủ làm nỗi bàng hoàng trong Miên Tú càng lúc càng dâng cao đến đỉnh điểm; rồi như một cú huých, đẩy cô rơi tự do xuống cái hố sâu khi cô đang đứng bên thềm vực. Tay Miên Tú bấu chặt vào nắm vặn cửa, đến mức mồ hôi từ tay cô làm ướt cả cái vật dụng bằng kim loại mà trong lúc này, cô ước phải chi nó tự biết thực hiện đúng chức năng của mình, là khóa chặt cánh cửa lại, để Miên Tú không phải nhìn thấy cảnh tượng trước mắt. Cô quay người, dựa lưng vào tường, thở nặng và đứt quãng, như thể tạo nhịp cho nước mắt tuôn rơi.

Trong phòng, Trần Kha vẫn không mảy may hay biết sự có mặt của Miên Tú. Chưa bao giờ Miên Tú cảm thấy giữa họ có một khoảng cách xa vời vợi như thế này, dẫu cả hai chỉ đang thật sự cách nhau một vách tường, chưa kể cánh cửa chỉ đang khép hờ đủ để chỉ cần tiến một bước là người này đã có mặt ở không gian của người kia. Miên Tú thật không rõ cảm giác trong lòng mình lúc này là gì – bối rối, sợ sệt hay đau khổ? Cô không biết, không còn chắc gì nữa rồi! Chỉ thầm ước Trần Kha không nhìn thấy mình, thậm chí là đừng biết cô đã về; cô không muốn cả hai đối diện nhau trong khoảnh khắc khó xử này. Chắc chắn Trần Kha sẽ xấu hổ và day dứt lắm nếu biết Miên Tú bắt gặp mình đang trong cơn khoái lạc. Miên Tú không dám nghĩ nữa, vội vã nhón gót bước vào nhà tắm, chốt cửa nhốt mình, hai tay vẫn ôm lấy ngực chừng như chưa thật sự hết thảng thốt.

Cảnh tượng vừa chứng kiến dường như vẫn còn mồn một trong tâm trí Miên Tú, hình ảnh Trần Kha đang tự thỏa mãn mình, tay ôm chặt chiếc gối của Miên Tú khiến cô một lần nữa rùng mình, không gọi tên được thứ cảm giác rờn rợn như có con sâu đang bò dọc cơ thể. Một chuỗi cảm giác ập đến, từ ghê sợ, hoang mang không muốn tin vào hành động đó của người yêu, đến đau lòng, tự dằn vặt mình vì đã không thể giúp Trần Kha giải tỏa những nhu cầu hết sức tất yếu. Miên Tú dần lùi về quá khứ, tự hỏi đã bao lâu rồi cô và Trần Kha không gần gũi? Mà không, nói đúng hơn là đã bao lâu rồi, cô không cho Trần Kha được tự do thân mật với mình nữa? Kể từ lần cô chủ động dừng lại giữa cuộc yêu rất lâu về trước, sau đó, Trần Kha dường như hiểu ra và cũng ý tứ, e dè hơn mỗi khi thân mật với cô. Thời gian đó đối với Miên Tú mà nói, dễ chịu và thoải mái vô cùng. Miên Tú từng rất biết ơn Trần Kha vì điều đó, từng rất hạnh phúc khi nghĩ rằng Trần Kha cuối cùng cũng đã hiểu và thông cảm cho cô, thay vì đòi hỏi ở cô – dẫu sự đòi hỏi kia, nếu có, cũng là rất chính đáng trong tình yêu.

Để rồi hôm nay, khi tận mắt chứng kiến Trần Kha như vậy, cô mới vỡ lẽ, bấy lâu nay, chỉ là Trần Kha tự tiết chế mình, kìm nén bản thân mà thôi. Trần Kha không muốn làm khó Miên Tú, không muốn bắt Miên Tú phải chịu đựng hoặc làm điều cô không thật sự thấy thoải mái và vui vẻ. Ừ, chỉ vậy, Trần Kha yêu cô, nên Trần Kha hy sinh nhu cầu của bản thân vì cô. Phải rồi, Trần Kha không giống cô, Trần Kha có những nhu cầu sinh lý rất bình thường. Sao cô có thể nhầm lẫn sự hy sinh, chấp nhận đó thành chuyện Trần Kha không còn ham muốn hay nhu cầu ái ân được? Sao lâu nay Miên Tú không nhận ra điều đó, cô có phải luôn được Trần Kha yêu chiều nên không còn biết quan tâm đến cảm nhận của người yêu nữa không?

Miên Tú cảm thấy đau lòng quá, nghĩ đến đây, cô ôm lấy mặt, cắn chặt bờ môi như muốn giam hãm, chôn chặt những tiếng nấc xuống tận đáy lòng. Ở bên Miên Tú, Trần Kha đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi, ngày đêm đối mặt với những rắc rối, nguy hiểm tưởng như vô hình do cô mang lại. Bây giờ, cô lại bắt Trần Kha phải chịu thêm một điều hết sức vô lý như vậy, cô đã ích kỷ bấy lâu nay mà không hề hay biết, cô, đã phạm vào chính nguyên tắc của mình! Miên Tú tự sỉ vả, kết án bản thân, những lý do khiến cô từng đắn đo khi nhận lời yêu Trần Kha cùng những cảm giác khi nhận ra giới tính của mình bất chợt ùa về, cộng với mớ rối rắm sẵn có, bủa vây. Tâm trí Miên Tú nhất thời rối bời, bởi một mớ bùi nhùi không chỉ của ký ức mà còn của cảm xúc trong lòng. Miên Tú sẽ đem lại hạnh phúc cho Trần Kha được bao lâu, Miên Tú có thể ở bên Trần Kha và vun vén hạnh phúc cho Trần Kha cả đời được hay không, khi một nhu cầu đơn giản, bình thường nhất cô cũng không đáp ứng được? “Kha rất nồng nhiệt trên giường”, câu nói của Duyệt Quân vọng lại, như xát muối vào trái tim vốn đang trầy trụa của cô. Phải chi ngày đó, Miên Tú tỉnh táo hơn, lý trí hơn? Phải chi cô đừng để những xúc cảm mãnh liệt dẫn lối mình vào mối quan hệ nghiệt ngã này? Giữa Trần Kha và cô, vốn dĩ đã có quá nhiều rào cản ngăn cách, tại sao cô không đủ tỉnh táo để chấp nhận thực tại đó mà mù quáng cho rằng vì tình yêu, họ sẽ vượt qua tất cả? Miên Tú, vốn dĩ không có tư cách để yêu một ai, bên cạnh một ai, tại sao cô lại bất chấp ở bên Trần Kha và gây ra những đau khổ cho Trần Kha – dù Trần Kha, đã luôn rất khéo léo che đậy?

Miên Tú đưa tay quệt nước mắt, trong lòng đã vơi đi cơn đau cồn cào tưởng như có thể cào cấu ruột gan cô tan nát. Phải rồi, người sai là cô, người thắt nút là cô thì chính cô phải sửa sai, phải mở nút thắt oan trái đó ra, trả lại cho Trần Kha một cuộc sống tự do, yên bình và cơ hội gặp rồi yêu người xứng đáng hơn cô. Trần Kha của cô phải được hạnh phúc, không thể bị trói buộc trong mối quan hệ không có tương lai với cô được. Tất cả những gì Miên Tú có thể làm lúc này, là rời xa Trần Kha, chỉ vậy thôi. Miên Tú đến bên bồn rửa mặt, mở vòi cho nước chảy ào ào, hòa với tiếng nước từ phòng tắm trong phòng ngủ mà có lẽ cũng đang được dội lên người Trần Kha, khỏa từng ngụm nước lên khuôn mặt vài phút trước còn nhòe nhoẹt nước. Phải rồi, phải rời xa Trần Kha, dẫu lần ra đi này, thật đau lòng chứ không như cảm giác được tháo cũi xổ lồng lúc rời khỏi Hoàng Phong trước đây; dẫu lần ra đi này, có thể sẽ mở ra một tương lai mù mịt chứ không còn may mắn gặp được những người bạn đáng quý. Và dẫu, không đành, một chút cũng không, ruột gan đau xé, nhưng cô không thể ở lại. Đã đến lúc, cô phải đưa ra quyết định và dũng cảm đối mặt với những điều mà số phận sắp đặt cho riêng mình.

*

– Trong Đông y, bệnh này gọi là cảm mạo phong hàn. Như con, có thể là do chưa quen thời tiết, khí hậu nơi đây. Vùng biển trong lành, nhưng cũng không kém phần…

Khang Điền nhỏ giọng rồi im bặt, lắng tai nghe âm thanh phát ra từ chiếc radio cũ kỹ đặt trước hiên nhà, hình như, ông loáng thoáng nghe thấy hai chữ Bạch Quân trong giọng đọc của phát thanh viên. Khang Điền và Miên Tú đưa mắt nhìn nhau, rồi cùng lao về phía đó. Mắt Miên Tú mở to, thoáng nét hốt hoảng, cô có nghe lầm không, giọng ai đó đang nói về cha? Cha cô đã mất tích sau một vụ tai nạn và dì Tuyết Hà đang thay cha điều hành công ty! Mất tích? Tai nạn? Miên Tú cảm thấy hai tai như ù đi. Đây có phải là sự thật không?…

Bản tin đã chuyển sang tin tức khác trong ngày, Miên Tú vẫn còn ngồi thất thần, Khang Điền phải lay lay.

– Tú! Con!…

– …

Cô ngước đôi mắt ươn ướt lên nhìn Khang Điền, bắt gặp ánh mắt lo lắng của ông đáp trả.

– Con có định về không?

– Về đâu ạ?

– Về nhà con, xem tình hình thế nào?

– Dạ… không. – Miên Tú đáp nhẹ, nhưng dứt khoát.

– …

– Đó không còn là nhà con!…

– Mệt thì về nghỉ đi, con!

*

Một chiếc ô tô bảy chỗ trờ tới trước nhà, Khang Điền đang ngồi ở góc bếp, nghe tiếng xe chỉ khẽ ngước lên nhìn – dù ở vị trí ngồi của ông, không thể thấy được động cơ đó – rồi tiếp tục với công việc cắt rễ cây đinh lăng thành từng lát mỏng trước khi phơi. Khang Điền không mấy để ý, bởi ở tiệm thuốc nhỏ này của ông, thỉnh thoảng vẫn đón những đoàn khách từ phương xa tới thăm khám, điều trị.

Nhưng Miên Tú thì khác. Tiếng rít của bánh xe bị thắng gấp như đánh động, làm cô ngay lập tức chuyển sang trạng thái hoảng sợ quen thuộc. Như linh tính ra điều gì, Miên Tú đang phơi thuốc dưới bóng cây trước sân nhà bỗng đứng bật dậy, chiếc nón lá trên đầu bị gió đánh bạt ra sau, để lộ gương mặt hốt hoảng, trán vẫn còn lấm tấm mồ hôi.

Hai thanh niên cao lớn, trang phục màu đen, lạnh lùng và hung hãn tiến vào. Họ di chuyển rất nhanh và nhẹ nhàng, nhưng vẫn làm nhịp đập ở lồng ngực phập phồng của Miên Tú như gấp gáp hơn. Bản năng sinh tồn trỗi dậy, Miên Tú nhanh chân quay đầu định bỏ chạy. Một người đã kịp nhìn thấy cô, anh ta lao đến như một cơn gió, chỉ bằng một động tác, đã có thể tóm gọn, khống chế cô trong cánh tay lực lưỡng của mình.

Miên Tú hoảng đến độ không còn có thể la hét, cô chỉ cố gắng vùng vẫy, dùng hết mọi sức lực vốn có của mình, mong thoát khỏi những kẻ mà cô biết chắc hoặc là người của mẹ kế, hoặc là người của Hoàng Phong. Không, Miên Tú không thể bị bắt, không thể trở về nơi đó. Miên Tú không muốn kết thúc cuộc đời mình, hoặc bị giam cầm trong nơi giàu sang nhung lụa nhưng thiếu tình người đó. Cô không thuộc về nơi đó. Hai người đàn ông đưa mắt nhìn nhau, họ nhấc bổng Miên Tú lên, rồi, như không còn sự lựa chọn nào, một người nhét vào miệng Miên Tú mớ giẻ được cuộn sẵn. Anh ta lạnh lùng nói.

– Bà chủ muốn mời cô chủ về nhà!

Chiếc xe rồ máy, phóng đi, để lại những vệt khói xám xịt trong buổi trưa thanh vắng, nhanh và gọn như lúc đến. Khi Khang Điền phát hiện điều bất thường và chạy ra, thì chiếc xe đã khuất dạng.

Khang Điền ngồi bệt xuống nền nhà, thất thần. Ông lờ mờ hiểu chuyện gì xảy ra qua câu nói cuối cùng vừa loáng thoáng nghe được. Chuyện Miên Tú xuất hiện ở làng một tuần nay rồi bảo là có ý định về đây ở hẳn, tin tức về sự mất tích bí ẩn của Bạch Quân, rồi những người xông vào bắt Miên Tú ngay giữa ban ngày tại nhà mình, phải chăng là một chuỗi những sự việc có thể xâu kết? Bà chủ? Là Tuyết Hà sao? Bà ta lại giở trò gì? Bà ta vẫn chưa chịu bằng lòng với cuộc sống của mình, lại còn có những âm mưu gì nữa đây để thỏa mãn cái tham vọng to lớn, sự hiếu chiến cũng như lòng tham vô đáy vốn có từ thời trẻ? Miên Tú sẽ thế nào? Có nên báo cảnh sát, mà, báo thế nào đây – là tôi suy đoán như thế và sự thật mặc nhiên sẽ là thế? Đầu Khang Điền ong ong như muốn nổ tung, tai ông ù đặc, không nghe thấy gì xung quanh nữa; ông như người mất hồn, lọt thỏm xuống hố sâu của những câu hỏi, cảm xúc.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN