Không Thể Động Lòng - Phần 36
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
877


Không Thể Động Lòng


Phần 36


Trong vòng mấy giây đầu khi thấy rõ mặt cô gái kia, tôi suýt nữa thì tưởng người đó là Như Ngọc. Nhưng sau khi nhìn kỹ lại, tôi mới chợt nhận ra cô ấy có lẽ chỉ giống Như Ngọc 7, 8 phần mà thôi.
Như Ngọc có một nốt ruồi rất duyên bên khóe môi trái, cô gái này không có, mắt Như Ngọc màu nâu hạt dẻ, còn đồng tử của cô gái này màu đen tuyền. Và quan trọng nhất chính là năm xưa tận mắt tôi đã trông thấy th.i thể của Như Ngọc được người ta đưa đi hỏa táng, nếu cô ấy thật sự còn sống thì năm nay cũng đã 36 tuổi rồi. Không thể trẻ trung xinh đẹp như cô gái đang đứng trước mặt tôi được.
Nhưng một người giống Như Ngọc đột nhiên xuất hiện ở đây vẫn khiến lòng tôi cảm thấy bất an chưa từng có. Sau mấy giây thất thần, tôi đành hít vào mấy hơi thật sâu, cố bình tĩnh lại rồi đáp: “Vâng ạ”.
Chị Hoa không phát hiện ra sắc mặt tôi thay đổi, vẫn quay đầu lại nói với cô gái kia: “Đây là vợ của Thành đấy. Em có gì thì cứ nói với cô ấy cũng được”.
Cô gái kia mỉm cười, dường như không bất ngờ khi chị Hoa giới thiệu về tôi, chỉ bước lại gần tôi rồi nói: “Em chào chị, em đến tìm anh Thành ạ”.
“À… vâng”. Tôi cố làm ra vẻ tự nhiên đáp: “Bạn có chuyện gì không?”
“Em muốn gặp anh ấy có chút chuyện, nhưng nói với chị cũng được ạ. Em có thể lên nhà chị xin chén trà được không?”.
“Có chuyện gì không thể nói được ở đây hả bạn?”
“Vâng”. Cô ấy bẽn lẽn liếc mọi người đang xung quanh đang tò mò nhìn chúng tôi, nói: “Ở đây đông người, chuyện riêng nên hơi khó nói chị ạ”.
Tôi nhìn cô ấy vài giây, cuối cùng cũng đành phải đồng ý!
Tôi xách theo mấy túi thực phẩm lỉnh kỉnh đi lên tầng, cô gái ấy cũng lẽo đẽo đi theo. Đến khi vào nhà, ánh mắt của cô gái đó cũng nhìn khắp nơi hệt như lần đầu tiên tôi đến đây, không phải vì tọc mạch, mà là có lẽ không nghĩ Đặng Khải Thành sẽ ở một căn nhà vừa nhỏ vừa đơn sơ như thế này.
Tôi rót ra một cốc nước lọc, đặt lên bàn trước mặt cô ấy:
“Tôi về muộn, không kịp pha trà. Bạn uống tạm nước lọc nhé”.
“Vâng, không sao ạ”. Cô gái ấy nhìn tôi, nở một nụ cười dịu dàng: “Em tên là Như Quỳnh, chị tên là Chân Ý phải không?”.
Tôi nói Phải, sau đó lại hỏi: “Bạn biết tôi à?”
“Vâng. Lúc đầu thì em không biết, mãi đến đầu năm nay khi em tìm hiểu về chị gái của em thì mới biết đến chị”. Như Quỳnh nói: “Chị gái em tên là Như Ngọc”.
Cốc nước trong tay tôi khẽ run lên, rõ ràng đã chuẩn bị tinh thần rồi nhưng nghe được mấy chữ này vẫn cảm thấy lồng ngực như thắt lại. Tôi bưng cốc nước uống một hớp cho thông cổ họng, lát sau mới nói: “Vậy à?”.
“Chị cũng biết chị gái em phải không?”.
“Tôi chưa từng nghe Như Ngọc nói có em gái”.
Như Quỳnh gật đầu: “Vâng. Lúc trước bố mẹ em sinh được 2 chị em gái, chị Như Ngọc hơn em 8 tuổi, nhưng nhà nghèo quá nên khi em được 3 tuổi, bố mẹ em phải cho em đi làm con nuôi. Hồi đó còn nhỏ nên em không nhớ được gì cả, mãi đến sau này khi gặp anh Thành lần đầu tiên, anh ấy cứ nhìn em mãi. Em thấy lạ nên mới bắt chuyện, hỏi ra thì anh ấy mới nói em trông giống một người bạn cũ của anh ấy”.
“…”
“Sau lần gặp đó, vì tò mò nên em mới bắt đầu đi tìm người thân của em, đến tận đầu năm ngoái mới biết được bố mẹ em đã mất từ cách đây hai mươi mấy năm rồi. Chị gái em cũng không còn sống nữa. Nhưng em có tìm được một bức ảnh của chị ấy năm 20 tuổi, đúng là rất giống em”. Nói đến đây, Như Quỳnh bật cười: “À không phải, em rất giống chị ấy mới đúng”.
Tôi nhìn cô ấy một lượt, cũng thật lòng trả lời một câu: “Đúng vậy. Bạn rất giống cô ấy”.
“Chị em mà, ruột thịt thì phải giống nhau chứ. Hồi đó khi nhìn thấy ảnh của chị Như Ngọc thì em nhận ra ngay. Nghĩ đây đúng là chị gái mình rồi”. Nói tới đây, cô ấy ngước lên nhìn tôi, hỏi: “Em nghe nói trước đây anh Thành yêu chị Như Ngọc, sau này chị em mất thì anh Thành thờ phụng chị ấy. Cho nên hôm nay mới đến đây tìm gặp anh Thành, trước hết là để cảm ơn anh ấy vì mười năm nay đã thay em thờ phụng chị em, thứ hai là để xin thắp một nén hương cho chị Như Ngọc”.
“À…”. Tôi như hiểu ra, quay đầu liếc vào cánh cửa đóng chặt phía bên cạnh phòng ngủ, nói: “Tôi cũng không rõ anh Thành thờ phụng chị của bạn ở đâu. Chỉ biết ở đây có một căn phòng, nhưng tôi chưa bước chân vào bao giờ. Với cả chuyện này tôi cũng không tự ý quyết định được. Có lẽ bạn nên đợi lần sau gặp anh Thành rồi trực tiếp nói với anh ấy”.
“Không sao. Dù sao thì bây giờ em cũng chuyển đến thành phố này ở rồi, không gặp anh ấy trước thì cũng sẽ gặp sau thôi mà. Chỉ là em hơi bất ngờ vì thấy chị ở đây”. Cô ta ngừng lại một lát, ánh mắt sắc sảo quan sát tôi từ đầu đến chân một lượt: “Nếu em không nhầm thì chị là con gái của người đứng đầu Hồng Hưng đúng không ạ?”.
Tôi khẽ nhíu mày: “Phải”.
“Thật ra, lúc em tìm hiểu về chị gái của em thì cũng có biết được một số chuyện. Ví dụ như mười mấy năm trước, chị thích anh Thành thế nào, anh ấy lại yêu chị gái em ra sao, rồi cả chuyện giữa Hồng Hưng và anh Thành nữa. Mọi người đều nói sau khi gia đình chị gặp biến cố, chị đã sang nước ngoài định cư rồi, không ngờ giờ lại gặp chị ở đây”.
“Có chuyện gì, bạn cứ nói thẳng đi”.
Cô ta cũng không thèm khách sáo, thẳng thừng đáp: “Năm đó chính chị là người đã nói với chị gái em chuyện anh Thành đã c.hế.t, chị Như Ngọc tin chị, cho nên mới nhảy sông t.ự vẫn phải không?”
Dù đã lường trước được nhưng tôi vẫn cảm thấy sống lưng run lên, đột nhiên bị vạch trần tội lỗi tôi có cảm giác lúng túng chưa từng có, thậm chí còn không dám nhìn thẳng vào mắt Như Quỳnh.
Tôi run run siết chặt tay lại, cố tỏ ra bình tĩnh đáp: “Ai nói cho bạn biết chuyện này?”.
“Biết được thì có khó gì? Chỉ có làm việc xấu rồi tìm cách giấu giếm đi mới khó”. Cô ta liếc sắc mặt tái mét của tôi, lúc này mới chính thức ngả bài: “Chị đã phạm tội tày đình như thế, vậy mà vẫn có thể đến đây ở cùng anh Thành, ngày ngày quanh quẩn gần bàn thờ của chị gái tôi. Chị có từng thấy lương tâm cắn rứt không? Ngủ có gặp ác mộng không?”.
Tôi theo phản xạ định nói “Có, có rất nhiều”. Nhưng cảm thấy không mở miệng nổi, cuối cùng đành thôi.
Như Quỳnh thấy tôi không trả lời, lại tiếp tục nói: “Hẳn là sẽ không có lần nào, phải không? Vì nếu chị cắn rứt lương tâm thì chị sẽ không gặp lại anh Thành, hôm nay tôi đến nhà anh ấy cũng sẽ không đụng mặt chị ở đây, càng không có chuyện chị dám nghênh ngang nhận là vợ của anh ấy như vậy”. Cô ta lắc đầu tỏ vẻ khinh bỉ: “Hoặc là, nếu chị cảm thấy hối lỗi một chút thôi, thì ít ra khi biết tôi là em gái của chị Như Ngọc, chị cũng nên quỳ xuống để xin lỗi chứ không phải dùng thái độ phủi bỏ trách nhiệm, dửng dưng như người vô tội như vậy”.
“Cô muốn tôi quỳ xuống xin lỗi cô à?”.
“Phải. Quỳ xuống xin lỗi tôi, dập đầu lạy trước bàn thờ của chị tôi, xin chị tôi tha thứ cho chị. Sau đó thì cuốn xéo đi khỏi đây, tránh thật xa anh Thành ra”.
Tôi cười, cảm thấy cô ta đúng là càng nói càng không biết mình là ai rồi. Con người tôi trước giờ có thể chịu thiệt vì người thân, nhưng không thể chịu thiệt vì một kẻ không quen biết, tôi có sai thì cũng sẽ quỳ trước mặt người tôi nên quỳ. Không phải cô ta.
Thế nên tôi nói:
“Lương tâm tôi thế nào, có cắn rứt hay không trong lòng tôi tự rõ. Chuyện năm đó chính bản thân tôi cũng không mong muốn, tôi chỉ nói sự thật mà tôi biết, không ai lường trước được Như Ngọc sẽ làm chuyện dại dột như thế cả. Hơn nữa, nếu phải xin lỗi thì người tôi xin lỗi sẽ là Như Ngọc, là ông nội của cô ấy, tôi không biết cô là ai, thế nên không bao giờ có chuyện tôi quỳ xuống xin lỗi cô”.
“Là Như Ngọc, là ông nội của chúng tôi sao?”. Cô ta mỉa mai cười khẩy: “Tôi cũng là em gái của chị ấy, là m.áu mủ ruột thịt của chị ấy. Chị nói không biết tôi là ai, thật buồn cười, khi nhìn rõ mặt tôi chẳng phải là chị đã có câu trả lời rồi sao?”
“Vậy xin hỏi cô một câu, lúc chị cô còn sống, cô không biết đến sự tồn tại của cô ấy, lúc chị cô c.hế.t đi, tận 9 năm sau gặp được anh Thành cô mới đi tìm. M.áu mủ ruột thịt sao không tìm từ sớm, mà để đến khi chị cô mất quá lâu rồi mới nói muốn đến thắp một nén hương? Bây giờ cô nói muốn tôi quỳ xuống xin lỗi cô ư? Xin lỗi vì điều gì? Cô vốn không có ký ức về chị gái cô, cô đau lòng được bao nhiêu? Tôi cũng không có lỗi với cô, tại sao tôi phải xin lỗi?”
“Không xin lỗi cũng được thôi, loại người như chị thì làm gì biết đến hối lỗi”. Cô ta nghiến răng trừng tôi, nhưng trong mắt đầy âm u lạnh lẽo: “Không áy náy, không cắn rứt, thậm chí không xin lỗi cũng không sao. Nhưng dùng những thủ đoạn dơ bẩn để hại c.hế.t người khác, sau đó lại đến chung sống với người đàn ông mà người đó yêu, chị không suy nghĩ gì ư?”
“Có suy nghĩ cũng không nói cho cô biết”.
“Vậy thì để tôi đoán nhé? Suy nghĩ của chị từ xưa đến giờ chính là bất chấp thủ đoạn để có được anh Thành. Kể cả anh ấy có là kẻ thù của gia đình mình, chị vẫn sẵn sàng lao đến. 10 năm trước rõ ràng chị biết anh Thành còn sống, nhưng vẫn cố ý nói với chị Như Ngọc là anh ấy đã c.hế.t, chị muốn chị tôi tuyệt vọng đến mức phải t.ự sát để nhân cơ hội đó loại bỏ tình địch, nhưng lại không ngờ anh Thành lại là cảnh sát ngầm được cài vào Hồng Hưng phải không?”. Cô ta nói một mạch, không chờ tôi đáp đã tiếp tục: “Ba chị phải vào tù, mẹ chị cũng phải sống thực vật suốt nhiều năm nay, lẽ ra chị phải coi anh Thành là kẻ thù, nhưng chị vẫn đến đây ở cùng anh ấy. Nếu tôi đoán không nhầm thì lý do chính là chị đến cầu xin anh Thành tha cho ba chị, sau đó bám theo anh ấy, miệng thì nói đem thân xác làm điều kiện trao đổi, nhưng trong lòng thì lại lén lút muốn có được anh ấy, đúng không?”.
“Tôi thấy cô đang lạc đề rồi đấy”. Tôi bắt đầu lấy lại bình tĩnh, tỉnh táo suy xét mọi chuyện mới thấy nãy giờ cô ta dường như chỉ nhắm đến chuyện tôi ở cùng Đặng Khải Thành, mỗi lần nhắc đến, trong ánh mắt không giấu nổi vẻ căm hận và ganh ghét: “Gia đình tôi và anh Thành có là kẻ thù đi chăng nữa thì không liên quan gì đến cái c.hế.t của Như Ngọc, càng không liên quan đến cô. Tôi có phải cầu xin hay không, cô bận tâm làm gì?”.
Nghe tôi nói xong, vẻ mặt hùng hổ muốn hỏi tội thay chị của Như Quỳnh ngay lập tức thay đổi. Ánh mắt cô ta thoáng qua một tia hoảng hốt, giống như nhận ra mình đã lỡ lời, nhưng ngay sau đó cũng nhanh chóng lấy lại vẻ cao ngạo: “Tại vì tôi cảm thấy bất công cho chị gái tôi thôi. Nếu năm đó chị không làm những trò dơ bẩn thì bây giờ chị gái tôi đã làm vợ anh Thành, sinh con đẻ cái, sống một cuộc đời tử tế chứ không phải ch.ết oan uổng như vậy. Nếu chị tôi còn sống thì người ở bên cạnh anh Thành làm sao đến lượt chị? Chị là con của tội phạm, nhân dân dơ bẩn, tâm hồn cũng dơ bẩn. Chị không xứng ở bên cạnh anh ấy”.
“Xứng hay không xứng cũng không đến lượt cô nhận xét. Thứ nhất, tôi và cô không quen biết, tôi không có lỗi với cô. Thứ hai, tôi và anh Thành có như thế nào cũng không liên quan đến cô, đừng có lấy cái mác em gái của Như Ngọc ra để xỉa xói người khác. Khi ba chúng tôi quen biết, cô còn chưa biết đến chị gái cô là ai nữa kia”. Tôi đổ ly nước rót cho cô ta vào thùng rác, tiện tay ném luôn cả ly vào đó: “Điều cuối cùng, ăn nói tử tế thì tôi còn mời cô uống nước. Không nói được đàng hoàng thì phiền cô biến cho. Tôi không có nghĩa vụ phải tiếp cô”.
“Chị…”. Cô ta tức đến trợn mắt, lập tức bỏ chân xuống: “Đây không phải là nhà chị mà chị đuổi tôi”.
“Tất nhiên không phải nhà tôi, nhưng nếu tôi không mời thì cô đừng hòng đặt chân nửa bước vào căn nhà này”. Tôi đập mạnh chùm chìa khóa xuống dưới bàn, nói: “Muốn ý kiến thì gọi điện thoại cho anh Thành mà ý kiến”.
Có lẽ ban đầu cô ta tưởng nói rằng mình là em gái của Như Ngọc thì sẽ dọa được tôi, không ngờ tôi lại cứng như vậy. Như Quỳnh gườm gườm lườm tôi đến cháy cả mắt, sau đó hậm hực xách túi đứng dậy: “Được. Chị đừng tưởng có chìa khóa nhà là có thể vênh váo. Tôi nói cho chị biết, tôi không hiền lành để chị bắt nạt như chị gái tôi đâu. Đến khi biết tôi là ai, chị đừng hối hận”.
“Không phải cô luôn miệng nói cô là em của Như Ngọc à?”.
“Không chỉ thế đâu”. Cô ta đi thẳng ra cửa, không quên bỏ lại một câu: “Những gì chị đã làm với chị Như Ngọc, sau này nhất định tôi sẽ đòi cô trả bằng đủ. Cứ đợi đấy cho tôi”.
“Cảm ơn. Tôi sẽ chờ”.
Đáp lại tôi là tiếng cửa đóng “Rầm” một cái, mạnh đến mức mấy bức tranh trên tường cũng khẽ lung lay. Tôi cũng không có tâm trạng so đo chuyện cánh cửa với cô ta, chỉ cảm thấy hôm nay thực sự rất mệt mỏi đến mức không muốn nhấc tay lên làm gì nữa.
Trước nay tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện Như Ngọc có em gái, mà Đặng Khải Thành cũng chưa từng nói với tôi việc này. Giờ tự nhiên lại xuất hiện một Như Quỳnh biết nhiều chuyện như vậy, còn tìm đến tận đây chất vấn tôi, bảo không suy nghĩ, không hoang mang là nói dối.
Nhưng ngẫm kỹ lại, tôi còn cảm thấy ngoài chuyện muốn hỏi tội thay cho Như Ngọc ra, Như Quỳnh còn có rất nhiều hàm ý với Đặng Khải Thành. Dù không dám khẳng định ý tứ đó là gì, nhưng tôi biết, một cô gái bình thường không thể đến nhà một người đàn ông 5 lần 7 lượt với lý do thắp cho chị gái một nén hương được.
Nếu có lòng, tại sao không tự thờ phụng Như Ngọc chứ? Năm đó xương cốt Như Ngọc đã hỏa táng, tro cũng đã rắc xuống sông, cho dù Đặng Khải Thành có lập bàn thờ ở đây thì cũng chỉ là một bát hương vô chủ… Cô ta điều tra đủ mọi chuyện, tại sao lại không hiểu đạo lý đơn giản đó chứ?
Bỗng nhiên, có tiếng gõ cửa vang lên, chị Hoa ló đầu vào hỏi: “Chân Ý, em không sao chứ?”.
Tôi vội vàng đứng dậy, cố tỏ ra bình thản như thường: “Em không sao. Sao thế hả chị?”.
“Ban nãy hai người lên nhà, chị đứng dưới sân nói chuyện với mọi người mới biết cô gái vừa đến rất giống…”. Chị ấy ngập ngừng nhìn tôi: “Giống người trong ảnh thờ trong nhà em ấy”.
“À… vâng. Cô ấy nói cô ấy là em gái của người trong ảnh đó”.
“Chị thấy lúc ra về cô ấy có vẻ rất khó chịu, hai người cãi nhau à?”.
Tôi lắc đầu: “Chỉ nói mấy câu thôi ạ”.
“Ừ”. Chị Hoa muốn nói gì đó, nhưng nghĩ sao rồi lại thôi: “Dù sao thì em mới là người ở hiện tại. Thành là người tốt, mà chị thấy cậu ấy cũng rất thương em. Lúc nào cũng nhờ chị mua đồ ăn sáng cho em, còn sợ em buồn nên bảo cả Đậu Đũa lên chơi với em. Em đừng vì chuyện trong quá khứ mà cãi nhau với Thành nhé?”.
Tôi bật cười: “Vâng. Em không cãi nhau với anh ấy đâu ạ”.
“Mà mấy hôm nay chị không thấy Thành, cậu ấy vắng nhà hả em?”.
“Vâng, anh ấy đi công tác, chắc mấy hôm nữa mới về ạ”.
“Thế xuống nhà chị mà ăn cơm với hai mẹ con chị cho vui. Ở nhà một mình nấu làm gì”.
“Em lại mua thức ăn rồi. Bếp để lâu không nấu sợ hỏng mất, chị cứ ăn đi. Buổi tối em ăn ít lắm”.
“Cái con bé này, đã gầy nhom rồi lại còn ăn ít. Nếu lười nấu thì cứ xuống chị nhé, chị nấu nhiều cơm lắm”.
“Vâng ạ”.
Sau khi chị Hoa về rồi, tôi cũng không có tâm trạng nấu cơm, chỉ thu dọn tất cả đồ mới mua vào tủ lạnh. Sau đó bắc một chiếc ghế mây ra sân thượng ngắm trăng.
Hôm nay là cuối tháng, trăng khuyết, ánh sáng bàng bạc không soi rõ được mấy gốc cây cong queo già nua bên ngoài sân thượng. Càng về tết thời tiết trong thành phố càng lạnh, ngồi ở sân hứng sương xuống, tự nhiên lại nhớ đến chuyện năm xưa.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ khi đó Như Ngọc chỉ có một mình đến thành phố này sinh sống, cô ấy chưa từng nhắc đến người thân, hàng ngày thường đẩy một xe bán bánh bao nóng hổi từ phòng trọ ra đầu phố khu tôi ở. Xe bánh bao rất nặng, đường lại có mấy đoạn dốc cao, bóng lưng gầy yếu của Như Ngọc phải dồn sức đến mức võng cả xuống. Sau đó thì Đặng Khải Thành xuất hiện, anh không những giúp cô ấy đẩy xe, còn mua rất nhiều bánh bao về chia cho các anh em trong Hồng Hưng.
Hồi đó, mọi người chỉ được chia một chiếc, còn riêng tôi lần nào cũng được tận hai chiếc bánh bao. Tôi hỏi Đặng Khải Thành sao ngày nào cũng mua loại bánh đó, anh chỉ cười bảo: “Ủng hộ cho người ta nhanh hết hàng, một cô gái một thân một mình đẩy xe bánh bao đi bán dù sao cũng sống chẳng dễ dàng gì”.
Tôi hỏi: “Vậy người nhà cô ấy đâu?”
“Cô ấy nói không có người thân”.
Tôi gật đầu, cảm thấy một cô gái không có người thân, phải mưu sinh bằng một chiếc xe bánh bao đúng thật sống không hề dễ dàng. Đặng Khải Thành tốt như vậy, giúp người yếu thế cũng là lẽ thường tình mà thôi.
Nhưng sau đó dần dần tần suất anh giúp Như Ngọc đẩy xe bánh bao nhiều hơn, nếu sáng sớm không có việc gì làm thì anh sẽ đứng ở dưới chân dốc chờ Như Ngọc đến, sau đó lại giúp cô ấy đẩy xe lên dốc, buổi chiều sẽ cùng Như Ngọc thu gom rác rưởi người ta ăn bánh bao xong vứt ra, rồi lại đứng ở cuối con dốc nhìn cô ấy đi về.
Dần dần, mọi người đều nói Đặng Khải Thành và Như Ngọc rất xứng đôi. Ngay cả tôi cũng cảm thấy vậy!
Khi đó, dẫu trái tim thiếu nữ đã thầm thương trộm nhớ Đặng Khải Thành nhưng tôi lại chưa từng chia rẽ họ dù chỉ một lần. Tôi chỉ lẳng lặng ngồi trên sân thượng nhìn anh giúp cô ấy làm việc, lẳng lặng ăn hết bánh bao anh đưa, thỉnh thoảng lại lén lút mang vỏ chai nhựa trong nhà đến chỗ Như Ngọc thường bán bánh, bởi vì tôi biết cô ấy còn kiếm thêm thu nhập từ việc thu lượm ve chai.
Suốt chừng ấy thời gian tôi chỉ nổi loạn đúng một lần duy nhất, đó cũng chính là lần bắt Đặng Khải Thành quỳ dưới mưa năm ấy. Nhưng khi đầu gối anh chạm đất thì tôi đã hoàn toàn từ bỏ rồi.
Tôi không thể ngờ rằng cuối cùng Như Ngọc vẫn c.hế.t vì một lời nói của tôi. Năm ấy Như Ngọc không có người thân, cũng chẳng có bạn bè, ở thành phố này cô ấy chỉ có một mình Đặng Khải Thành là động lực để tiếp tục sống, nhưng biết tin anh c.hế.t đi, cô ấy đã tuyệt vọng đến mức phải lựa chọn quyên sinh.
Đáng tiếc, đến bây giờ Đặng Khải Thành vẫn sống, mà tôi cũng vẫn sống. Suy cho cùng, chỉ có Như Ngọc bỏ mạng oan uổng vì những câu nói của tôi mà thôi…
Nghĩ đến đây, lồng ngực tôi vẫn nặng trĩu như bị nhét đầy đá lớn, nhiều năm như vậy rồi mà tôi vẫn nặng lòng không sao nguôi ngoai được. Tôi cứ ngồi trên ghế mây thở dài rất lâu, rất lâu, mãi đến khi chuông điện thoại reo lên mới giật mình, cúi xuống mới thấy Đặng Khải Thành gọi video đến.
Tôi không dám để anh thấy vẻ mặt mỏi mệt của mình nên vội vàng đứng dậy đi vào trong nhà, hít sâu vào mấy hơi rồi nặn ra một nụ cười, sau đó mới ấn nút nghe máy:
“Alo”.
Ở đầu dây bên kia, anh hình như vẫn chưa xong việc, đang ngồi ở trong phòng khách sạn, phía sau còn có một cậu trợ lý nam trông khá lạ mắt:
“Em ăn cơm chưa?”.
“Chưa”. Tôi lắc đầu: “Anh vẫn chưa xong việc à?”.
“Chưa, tranh thủ gọi cho em một lúc rồi làm việc tiếp”. Anh nhìn tôi đang ngồi ở bàn trà, cười bảo: “Trời lạnh sao chỉ mặc một manh áo mỏng vậy? Không sợ lạnh à?”.
“Hôm nay trời không lạnh lắm. Với cả trong nhà ấm mà”. Tôi chăm chú nhìn anh, mấy ngày không gặp cảm thấy rất nhớ. Vả lại gương mặt Đặng Khải Thành là kiểu điển hình cho việc nhìn góc nào cũng đẹp, lúc này ánh sáng đèn chùm từ trên cao chiếu xuống đỉnh đầu anh, sống mũi cao cao như bắt sáng, lông mi dài còn in bóng trên gò má: “Ở chỗ anh có lạnh không?”.
“Cũng lạnh, nhưng ở đây có máy sưởi, anh mặc thế này ấm rồi”.
“Ừ”. Tôi cũng cười, nghĩ ngợi một lúc mới hỏi: “Hôm nay cô gái kia lại đến tìm anh lần nữa, em có mời cô ấy vào nhà”.
Đặng Khải Thành vừa nói chuyện vừa ký giấy tờ: “Nói chuyện gì vậy?”.
“Cô ấy nói cô ấy là em gái của Như Ngọc”.
Động tác ký tên của anh hơi khựng lại, Đặng Khải Thành bảo cậu trợ lý ra ngoài trước, khi trong phòng chỉ còn lại một mình mới bảo tôi: “Chân Ý, lúc trước anh nghĩ chuyện đó không quan trọng nên không nói với em”.
“Không sao”. Tôi gượng gạo nặn ra một nụ cười: “Cô ấy nói muốn cảm ơn anh vì 10 năm nay đã thay cô ấy thờ phụng chị gái, xin thắp hương cho Như Ngọc nữa. Nhưng em không biết ý anh thế nào nên bảo cô ấy lần sau lại đến”.
“Ừ”. Đặng Khải Thành nghĩ một lát rồi nói: “Sau này anh sẽ giao lại chuyện thờ phụng cho cô ấy”.
“Anh không làm nữa à?”.
“Không. Lúc trước Như Ngọc không có cha mẹ, ông nội cô ấy lại không chịu tin chuyện cô ấy đã mất, không có ai thờ phụng nên anh mới làm việc này. Bây giờ có em gái cô ấy rồi, giao cho em gái cô ấy thì phù hợp hơn”.
Nghe được câu nói này của anh, cảm giác nặng nề trong lòng tôi rút cuộc cũng nhẹ bớt. Đặng Khải Thành đã nói cả đời anh chưa từng biết nói dối, giờ anh có thể nhẹ nhàng đặt xuống được chuyện thờ phụng người cũ như vậy, có lẽ những thứ trong quá khứ kia cũng đã bỏ được rồi.
Tôi mỉm cười, gật đầu: “Vâng. Em biết rồi”.
“Chân Ý”.
“Dạ”.
“Chuyện của Như Ngọc, em đừng tự trách mình”.
“Vâng”. Rút cuộc, vẫn chỉ có một Đặng Khải Thành ở một phương trời rất xa, qua một màn hình điện thoại vẫn có thể đoán được trong lòng tôi đang nghĩ gì. Tôi xúc động nói: “Em biết mà. Em không sao đâu”.
“Ừ. Đợi vài hôm nữa xong việc anh về nhé?”.
“Vâng. Sếp Thành làm việc đi. Chăm chỉ vào để nhanh được về nhà”.
“Vợ tôi ngủ đi”. Anh cười, nụ cười đẹp như ánh nắng, khuôn mặt điển trai, vừa chững chạc vừa điềm đạm: “Ngủ ngon. Đợi anh về”.
Tôi cố nhịn cảm giác muốn hôn vào màn hình điện thoại, đáp: “Sếp Thành làm việc xong sớm còn nghỉ sớm. Ngủ ngon”.
“Ngủ ngon”.
Ngày hôm sau, tôi lại quay cuồng với việc tu sửa lại Hồng Ý nên không có thời gian nghĩ đến Như Quỳnh nữa, mà hình như Đặng Khải Thành cũng bận nên hiếm có thời gian gọi cho tôi, thỉnh thoảng chỉ nhắn một vài câu.
Trong thời gian này, ba tôi cũng đã được ra bệnh viện để làm hóa trị đợt hai, nhân tiện còn được khám sức khỏe tổng quát để bắt đầu vào thuốc, bác sĩ nói tình hình của ông vẫn tốt, mấy vết thương ngoài da không ảnh hưởng nhiều, có lẽ làm xong đợt hóa trị này thì cũng sẽ ổn.
Mẹ tôi nghe xong thì mừng ơi là mừng, tâm trạng tốt nên sức khỏe cũng tốt hơn, ngày nào cũng bảo tôi chở đến bệnh viện ba đang điều trị. Dù không gặp được thì bà vẫn muốn đứng nhìn ông từ xa.
Có một lần, mẹ tôi hỏi: “Dạo này việc tu sửa Hồng Ý sao rồi? Vẫn tốt chứ con?”.
“Cũng ổn ổn rồi mẹ ạ. Tìm được nơi mua vật liệu, đắt hơn chỗ khác một ít nhưng người ta đồng ý bán, còn cho nợ nữa. Đợi hoàn tất công trình, Hồng Ý đi vào hoạt động lại chắc sẽ đông khách hơn”.
“Khoảng bao lâu nữa thì xong?”.
“Chắc tầm một, hai tháng gì đó. Dạo này công nhân làm suốt ngày đêm nên tiến độ nhanh lắm”.
“Ừ, thế thì tốt rồi”. Ngừng một lát, mẹ lại hỏi tôi: “Thế thằng Thành vẫn chưa về à?”.
“Chưa ạ. Lần này anh ấy đi nước ngoài nên hơi lâu”.
“Sao lần rơi xuống núi đó nó không c.hế.t luôn đi, còn sống rồi quay về làm gì”.
Tôi nghe vài lần thì nhịn được, nhưng nghe mẹ rủa anh như thế thì bắt đầu cáu kỉnh: “Mẹ đừng nói như thế. Có anh ấy thì con mới sống được. Không có anh ấy thì con không về được. Anh ấy là người cứu con”.
“Nó cứu mày nhưng nó hại ba mày ra thế này đây con ạ. Chẳng qua bây giờ mày còn trẻ, nó hưởng được cơ thể mày nên mới không để mày c.hế.t thôi, vài năm nữa mày già xấu rồi thì nó cũng đá mày đi. Chẳng ai ở mãi với kẻ thù của mình đâu”.
Mẹ tôi nói những lời như vậy, khiến tôi cũng chạnh lòng, nhưng nghĩ Đặng Khải Thành mà tôi biết không phải người như vậy, anh không thiếu phụ nữ, muốn trăng hoa cũng đã trăng hoa từ lâu rồi. Từ cảnh sát nữ trong cục, y tá trong trạm xá đến cả mấy thiếu nữ ở thôn làng trong hẻm núi, tất cả đều mắt la mày liếc anh suốt đấy thôi.
“Mẹ, về sau đừng nói những lời không tốt về anh ấy nữa, con không muốn nghe”.
“Mẹ nói không tốt? Mày thử nghĩ xem, mẹ ruột của mày lo cho mày nên mới nói sự thật cho mày biết, để mày tự biết đó mà sống, đừng có đi yêu người như thế”. Dường như mẹ cũng cảm nhận được tình cảm của tôi dành cho Đặng Khải Thành vẫn còn nên thời gian này hễ gặp mặt là sẽ luôn nhắc nhở tôi, lần này cũng vậy: “Nó là cục trưởng cục cảnh sát, thiếu gì người tử tế để lấy. Mày nghĩ nó thật lòng với mày đấy à? Thật lòng thì sao hồi mày mới mười mấy tuổi, còn trẻ còn đẹp như thế nó lại không yêu? Mà làm gì có người nào thật lòng với kẻ thù của mình bao giờ, nó còn đang tiếc không dồn c.hế.t hết cả gia đình mình kia kìa. Mày mở mắt ra mà nhìn xem, ba mày, mẹ mày, còn cả Hồng Hưng nữa, mọi người đang sống thế nào”.
“…”.
“Mày ngu lắm con ạ. Mày yêu ai thì yêu, đừng có tình cảm với người làm hại bố mẹ mình. Như thế là mày có tội đấy. Cách đây 10 năm mày yêu sống yêu c.hế.t nó, mẹ nghĩ là tình cảm trẻ con nên không cấm. Nhưng mà giờ mẹ nói cho mày biết, mày mà yêu nó thì mày chỉ có thể chọn một thôi. Một là nó, hai là bố mẹ, nếu mày chọn nó thì coi như mày không có bố mẹ này”.
Tôi thở dài: “Mẹ đừng nói linh tinh, chọn cái gì mà chọn. Bây giờ việc quan trọng là điều trị cho ba khỏe lại đã. Những chuyện khác đừng nghĩ đến nữa”.
“Mẹ không nhắc thì cũng có ngày mày sa chân vào con ạ, ngày nào mẹ cũng phải nhắc cho mày nhớ”.
“Được rồi, được rồi mà”.
Mẹ tôi vẫn cằn nhằn suốt về Đặng Khải Thành, hay mắng anh là đồ k.hốn kiếp ăn cháo đá bát, đồ tàn nhẫn muốn đuổi cùng g.iế.t tận. Mỗi lần tôi đến bệnh viện nghe cũng thấy mệt mỏi.
Cho đến một ngày, tự nhiên tôi vừa từ bệnh viện trở về nhà, trèo lên xe đã thấy choáng váng, ban đầu cứ nghĩ do say nắng, nhưng người cứ lâng lâng buồn nôn, có xe chở kem vị quế tôi thích ăn đi ngang qua, tôi ngửi cũng thấy buồn nôn.
Tôi không phải là một đứa con gái mới lớn, tôi hiểu biểu hiện cơ thể này là gì. Mặc dù cứ luôn miệng nói tránh thai gì gì đó, nhưng hôm ở trong núi đó, tôi không có bất kỳ biện pháp gì cả. Nếu trúng độc đắc ngay từ lúc đó rồi thì sau này về thành phố rồi có uống thuốc tránh thai hàng ngày cũng có tác dụng gì nữa đâu!
Nhưng tại sao lại đúng thời điểm này chứ?
Nghĩ đến trong bụng mình có một sinh linh thật nhỏ bé, một mầm sống mà mẹ tôi luôn miệng gọi là “Đồ khốn k.iếp”, tự nhiên sống lưng tôi bất giác run lên. Tôi rất sợ, dù đã đến tám chín phần biết kết quả rồi nhưng vẫn cứ tự động viên mình rằng chắc là không phải đâu, do tôi say nắng mà thôi.
Nhưng khi tôi mua que thử thai về, ngồi trong phòng vệ sinh chờ đợi một vạch đỏ rồi lại thêm một vạch đỏ nữa lên mới biết là đúng rồi.
Không thể sai được, tôi có thai rồi!

Yêu thích: 4.5 / 5 từ (19 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN