Không Thể Động Lòng - Phần 6
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1121


Không Thể Động Lòng


Phần 6


Khi tôi quay đầu lại thì thấy một đứa bé khoảng chừng 6, 7 tuổi, hai mắt đen lay láy nhìn tôi:
“Chị ơi, chị biết trèo cây à?”.
Tôi suýt nữa thì cắn phải lưỡi mình, vừa xấu hổ vừa đau khổ nói: “À… ừ, chị vừa thấy tổ chim”. Tôi chỉ bừa lên ngọn cây: “Đó, tổ chim ở trên đó nên chị trèo lên xem thử”.
“Có chim nhỏ trong đó không ạ?”.
“Không có, chim bay đi hết rồi, chỉ còn mỗi cái tổ không thôi”.
“Chim mẹ và chim bố đi kiếm ăn hả chị?”.
“Ừ, chắc vậy”. Tôi nói dối không biết xấu hổ.
“Ồ”. Thằng bé ngạc nhiên, thích thú reo lên: “Giống như bố mẹ của em vậy”.
“Ừ”. Tôi thấy thằng bé đáng yêu, không nỡ đi, nhưng lại sợ bị Đặng Khải Thành tóm được nên đành kiếm cớ: “Em ở phòng nào? Sao giờ này không học bài mà còn đứng ở đây?”.
“Em đứng ở đây nhìn lên phòng của chị đó”. Thằng bé che miệng cười khúc khích: “Em thấy chị trèo từ trên kia xuống kìa. Chị trèo nhanh lắm”.
Mặt tôi đỏ rần rần: “Nhìn lên phòng của chị làm gì thế?”.
“Ngày nào em cũng chạy lên phòng chị gõ cửa nhưng không có ai mở cửa cả. Nên em đứng ở đây nhìn xem chị có đi ra ngoài sân thượng không để gọi chị”. Thằng bé bỗng dưng kéo tay tôi: “Chị, chị xuống đây rồi thì chơi với em đi”.
Nghe nó nói vậy tôi mới nhớ suốt mấy ngày nay đều có tiếng gõ cửa bên ngoài, nhưng tay thằng nhóc nhỏ, gõ yếu, tôi nằm trùm chăn tít ở trong phòng ngủ cứ nghĩ là chim bồ câu gõ lên cửa sổ nên không bận tâm.
Tôi áy náy xoa đầu thằng nhóc: “Thì ra là em gõ cửa à? Chị tưởng người xấu nên không mở cửa đấy, lần sau em gọi chị sẽ mở. Hôm nay chị có việc bận rồi, hôm khác chơi với em nhé?”
“Ồ”. Thằng bé rất ngoan, không tò mò hỏi thêm mà gật đầu: “Vâng ạ”.
Tôi mỉm cười rồi quay người đi luôn, cũng may giờ này cửa cổng chỉ không khóa mà chỉ khép hờ, chỉ cần đẩy mạnh một cái là mở được, tôi vội vàng lách ra ngoài rồi vẫy một chiếc taxi đến thẳng bệnh viện.
Đăng Nguyên đang đứng dựa tường hút thuốc, thấy tôi, anh ấy vội vàng dập đầu lọc vào thùng rác rồi ngước lên: “Chân Ý, em đến rồi à?”.
Quen nhau hai mươi mấy năm, tôi chưa từng nhìn thấy anh ấy hút thuốc, vậy mà hôm nay nhìn động tác rít thuốc thành thục của anh ấy, tôi rất ngạc nhiên.
Tôi khẽ cau mày: “Anh hút thuốc à?”.
“Ừ, mất ngủ nên anh hút một điếu cho tỉnh táo”. Anh ấy đi lại gần, nhìn chằm chằm tôi từ đầu đến chân một lượt, trong ánh mắt phảng phất rất nhiều sự mỏi mệt cùng chua xót: “Em có ổn không?”.
“Em ổn mà, khỏe lắm”. Tôi cười cười, nói xong lại liếc vào phòng bệnh của mẹ: “Mẹ em thế nào rồi anh?”.
“Ổn rồi, sáng sớm nay truyền dinh dưỡng vào bắt đầu hấp thụ lại. Bác sĩ nói nếu cơ thể hấp thụ được thì không có gì đáng lo nữa. Em vào thăm mẹ đi, biết em đến chắc cô vui lắm đấy”.
“Vâng”.
Trong phòng bệnh, mẹ tôi lại càng gầy hơn, tóc rụng nhiều nên đầu hói cả mảng, trông như một cành cây khô héo sắp không còn nhựa sống.
10 năm trước tôi khóc nhiều rồi nên giờ không khóc nữa, chỉ ngồi xuống nắm tay mẹ: “Mẹ, con đến thăm mẹ rồi đây, mẹ phải cố gắng lên nhé, bây giờ ba được ra bệnh viện điều trị rồi, nếu mẹ tỉnh lại, con sẽ dẫn mẹ đến thăm ba”.
“…”
“Mười năm rồi, mẹ và ba không gặp nhau phải không?”.
“…”.
“Chắc chắn ba rất nhớ mẹ, mẹ phải nhanh khỏe để còn sang thăm ba nhé. Khó khăn lắm ba mới ra ngoài được”.
“…”
“Mẹ, có phải mẹ cũng đoán ra được tại sao ba lại được ra ngoài không?”
Mấy chữ “Ba ốm rồi” tôi nói rất nhỏ, chuyện quan trọng như thế tôi không thể giấu mẹ, nhưng khi nói xong, bỗng dưng tôi thấy khóe mắt bà có một dòng lệ trong suốt chảy ra.
10 năm nay nằm ở giường bệnh, mẹ tôi đã rơi nước mắt hai lần, lần đầu tiên là khi tôi chào tạm biệt bà để sang Hồng Kông, lần thứ hai là khi tôi đỗ tiến sĩ, đây là lần thứ ba.
Tôi biết mẹ tôi rất đau lòng, chỉ là không rõ mẹ tôi đau lòng vì ba tôi bị bệnh nan y hay là vì con gái bà đến cầu xin Đặng Khải Thành mà thôi.
Tôi ngồi trong phòng bệnh của mẹ một lúc, đến tận khi y tá đuổi ra về để bệnh nhân nghỉ ngơi, tôi đứng dậy đi ra ngoài. Nhìn hành lang trống không, tôi cứ nghĩ Đăng Nguyên bận việc ở công ty nên về rồi, thế nên mới định đến phòng bác sĩ hỏi thăm tình hình của mẹ. Không ngờ khi đến đó lại nghe tiếng bác sĩ từ bên trong vọng ra:
“Tôi nói với cậu từ mấy năm nay rồi, chi phí điều trị cho người sống thực vật rất đắt đỏ. Vả lại người bệnh này não bị tổn thương nhiều, lại nằm lâu như thế nên tỉ lệ tỉnh gần như không còn nữa. Cậu phải hiểu là nếu cứ tiếp tục kéo dài như vậy thì cả gia đình lẫn người bệnh đều rất mệt mỏi. Nếu không thể gánh chi phí nữa thì cứ đưa bệnh nhân về nhà đi, có thể giảm thiểu được 5/10 phần tiền điều trị so với cứ kéo dài ở bệnh viện”.
Giọng Đăng Nguyên mỏi mệt vang lên: “Vâng, cháu biết, nhưng cháu vẫn muốn để người nhà cháu ở lại điều trị. Còn về tiền, cháu sẽ cố gắng thu xếp để nộp nốt phần còn lại. Nhờ chú nói với khoa giúp cháu một tiếng, trước hết cứ điều trị tiếp đi ạ, cháu chỉ nộp muộn thôi, không phải là không nộp ạ”.
“Chuyện viện phí bệnh viện thì tôi không can thiệp được, vì đó là chuyện liên quan đến thu ngân sách, mà cậu cũng đã nợ số tiền lên đến gần 100 triệu rồi. Còn chuyện điều trị trong khoa, tôi sẽ cố hết sức để duy trì tốt cho người nhà cậu”.
“Vâng, cảm ơn bác sĩ, cháu sẽ cố gắng nộp sớm”.
Nghe đến đây, tự nhiên lòng tôi trĩu nặng, không muốn tiếp tục ở lại nữa, đành xoay lưng về quay về đưỡng cũ.
Một lát sau, Đăng Nguyên quay lại, nhìn thấy tôi đang cúi đầu nghịch điện thoại ở hành lang mới gọi: “Chân Ý”.
“Vâng”. Tôi ngẩng lên, vẫn cười như không biết chuyện gì: “Anh vừa đi đâu về thế?”.
“À… anh vừa xuống căn tin mua chai nước. Hết giờ thăm rồi hả em?”
“Vâng, y tá bảo em ra ngoài cho mẹ nghỉ ngơi. Hôm nay anh không đến công ty à?”.
“Chiều anh mới qua”.
“Vâng”.
Dứt lời, đột nhiên cả tôi và anh ấy đều đột nhiên im lặng, không biết phải nói thêm câu gì. Sau mấy giây khó xử ngượng ngùng, tôi mới vờ như vừa nhớ ra một chuyện nên hỏi: “À đúng rồi, anh Nguyên, Hồng Ý được mở cửa lại rồi, làm ăn có tốt không?”.
“Ừ, khách vẫn chưa biết nên hơi ít, nhưng chắc vài hôm nữa sẽ đông lại thôi”
“Chuyện em nhờ anh bán Hồng Ý thế nào rồi? Có người hỏi mua không anh?”.
“À… ừ”. Đăng Nguyên hơi ngập ngừng: “Cũng có vài người hỏi, nhưng anh thấy giá không ổn nên chưa hỏi ý kiến em”.
“Bao nhiêu hả anh?”.
“Khoảng 119, 120 tỉ. Ở khu phố đó giá đất mặt tiền đắt đỏ, mà Hồng Ý cũng đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất, chừng ấy tiền anh thấy không hợp lý. Với cả Chân Ý, nếu để lại 5 năm hay 10 năm nữa, giá của Hồng Ý sẽ còn tăng nhiều hơn”.
“120 tỉ là được, em không cần nhiều quá đâu. Thanh lý sớm ngày nào tốt ngày ấy”.
“Ừ, để anh xem đã”. Dứt lời, Đăng Nguyên ngẩng lên nhìn tôi: “Chân Ý, em ở đâu, anh đưa em về”.
“Chỗ em ở ngược đường với công ty anh, để em bắt taxi thôi. Anh cứ về đi”.
“Ngược đường quan trọng gì, anh có xe, anh chở được mà”.
“Em còn muốn đi một vài nơi nữa, anh cứ đi làm đi, đừng lo cho em. Em ở thành phố này 19 năm, ngõ ngách nào chẳng biết, không cần anh đưa đón tận nơi đâu. Anh cứ về đi nhé”.
Nói rồi, tôi vẫy tay với anh ấy rồi định đi thẳng, lúc ngang qua anh ấy, bỗng dưng Đăng Nguyên vươn tay ra nắm lấy tay tôi, nắm rất chặt, chặt đến nỗi cổ tay tôi đau nhói.
Tôi liếc cổ tay mình rồi lại ngẩng lên nhìn anh ấy, thấy ánh mắt Đăng Nguyên đầy vẻ đau lòng lẫn mâu thuẫn, dường như muốn giữ tôi lại, nhưng lại không nỡ nói ra.
Rút cuộc, tôi đành mỉm cười, gạt tay anh ấy: “Có phải không gặp nhau nữa đâu, lần sau em đến thăm anh. Đừng lo cho em, em vẫn sống tốt”.
“…”
“Anh Nguyên, em về đây”.
Rời khỏi bệnh viện của mẹ, tôi lại lén lút đến thăm ba, khu ông ấy là khu điều trị riêng, có công an giám sát nên tôi không vào được, chỉ có thể hỏi thăm qua bác sĩ. Sau khi nghe bác sĩ nói ba tôi đã bắt đầu làm hóa trị, sức khỏe cũng ổn, tôi mới yên tâm về nhà.
Lần này, tôi lại trèo từ gốc cây lên ngọn cây, bám vào một cành rồi trèo lại vào sân thượng. Đặng Khải Thành vẫn chưa về, nhưng hôm nay tôi không phải quanh quẩn với bốn bức tường nữa nên tâm trạng khá tốt, buổi chiều còn tự nấu ăn rồi một mình ăn cơm.
Ngày hôm sau, mới sáng sớm tôi đã nghe tiếng gõ cửa lạch cạch ở trước nhà. Đoán không phải là chim bồ câu mà là thằng nhóc hôm qua, tôi mới lồm cồm bò dậy, chạy ra cửa, im lặng vài giây rồi mới gõ lại ba tiếng.
Quả nhiên, giọng thằng nhóc vọng vào: “Chị ơi, em đến tìm chị đây”.
Tôi nghĩ cửa khóa nên không vặn tay nắm, chỉ nói vọng ra: “Chị quên chìa khóa rồi, không ra được, ngồi trong này nói chuyện với em nhé”.
Thằng nhóc nghĩ ngợi giây lát rồi đáp: “Vâng. Thế cũng được ạ. Nhưng em mang đồ cho chị thì phải đưa thế nào?”.
“Đồ gì cơ?”.
“Đồ ăn sáng ấy ạ. Mẹ em bảo mang lên cho chị. Có bánh bao này, bánh giò này. Ngày nào em cũng lên đây gõ cửa nhưng chị không mở, em phải treo nó ngoài cửa. Nhưng hôm nay lên thấy bị hỏng hết rồi. Ôi, còn có cả kiến nữa”.
Trời ạ. Sao thằng nhóc này vừa thông minh lại vừa đáng yêu như vậy nhỉ? Tôi tủm tỉm cười, lòng ấm áp nói: “Thế thì em giúp chị vứt đi nhé. Còn bánh hôm nay thì chúng ta chơi trò dây cáp được không?”.
“Dây cáp là gì ạ?”.
“Là chị sẽ chạy ra sân thượng, thả dây và thùng xuống, em bỏ đồ vào cho chị rồi chị sẽ kéo lên nhé?”.
“Vâng, được ạ. Chị đợi em một chút, em chạy xuống gốc cây bên dưới”.
Tôi ừ một tiếng, cũng vội vàng đi tìm một sợi dây. Trong bếp có một cuộn dây cước, tôi buộc chiếc xô nhựa vào một đầu, cầm đầu dây còn lại chạy ra sân thượng, thả xô nhựa xuống.
Thằng nhóc đáng yêu kia đứng bên dưới, cười toe thả đồ ăn vào. Tôi thấy thằng nhóc bỏ mấy chiếc bánh rán mật, còn có cả một ít đồ ăn vặt: “Chị ơi, cái này ngon lắm đấy”.
“Ăn nhiều đồ ngọt như thế không sợ sún răng hả?”.
“Không đâu, răng em rụng sắp hết rồi. Mẹ bảo thay răng mới sẽ không bị sún răng nữa. Chị ơi, chị gầy như thế, ăn vào sẽ không béo đâu”.
Tôi bật cười thành tiếng: “Cảm ơn em, em tên là gì?”.
“Em là Đậu đũa”.
“Hả?”.
“Tên ở nhà của em là Đậu đũa, tên đi học của em là Minh Quân”.
“À… Chào Đậu đũa, chị tên là Hạt vừng”.
“Gì cơ ạ?”.
“Tên ở nhà của chị là Hạt vừng, tên đi học là Chân Ý”.
“À… chào chị Hạt vừng”.
Tôi ngồi thu lu trên sân thượng nói chuyện với thằng nhóc bên dưới, vừa nói vừa cười. Nói đến khi Đậu đũa ngẩng lên mỏi hết cả cổ mới chào tạm biệt nhau, tôi xách xô đồ ăn vào trong nhà, vừa nghe nhạc vừa ăn.
Hôm sau, Đặng Khải Thành vẫn chưa về, Đậu đũa lại lên nhà gõ cửa và mang đồ ăn đến cho tôi, sau đó mới đeo cặp đi học. Nhờ có thằng nhóc mà cuộc sống vô vị của tôi ở đây đã bắt đầu thêm phần màu sắc, nếu không, Đặng Khải Thành nhốt tôi ở nhà mấy ngày không thèm bận tâm sống c.hế.t như vậy, tôi cũng sẽ phát đ.iên.
Nhưng sau khi Đậu đũa đi học rồi, tôi ở nhà rảnh rỗi lại ngựa quen đường cũ, trèo cây trốn ra ngoài. Lần này có bà cụ nói chuyện với Đặng Khải Thành hôm trước đang ngồi vá áo ở trong sân, tôi sợ bà ấy nhìn thấy rồi lại đến tai anh ta nên không dám đi cổng chính, kiếm một chỗ khuất trèo tường.
Mỗi tội, bờ tường này là tường kiểu cũ, bên trên cắm rất nhiều mảnh sành nên dù tôi có giỏi trèo đến mấy cũng vẫn bị một mảnh thủy tinh đ.âm vào tay, nhưng tôi không bận tâm, chỉ thoăn thoắt nhảy phắt qua tường, chạy đến bệnh viện rồi lại đến Hồng Ý.
Gặp quản lý, hỏi thăm mới biết quán bar không hoạt động tốt như lời Đăng Nguyên nói, nhân viên cũng chẳng còn lại mấy người. Tôi nghĩ nếu cứ chờ được giá mới bán thì Đăng Nguyên sẽ không trụ được nữa, thế nên đành lấy điện thoại chụp mấy kiểu ảnh, định về đến nhà sẽ đăng lên diễn đàn để tìm khách mua, ai ngờ lại gặp “sao quả tạ” nên quên béng đi.
Buổi chiều, tôi vừa từ cây trèo sang sân thượng thì nghe tiếng lạch cạch mở cửa. Sống lưng tôi bất chợt lạnh toát, quýnh quáng sửa lại đầu tóc rồi lại phủi bụi trên người, may sao vừa làm xong thì Đặng Khải Thành cũng vừa vặn bước vào.
Thấy tôi đang đứng ở sân thượng ngắm mấy bông hoa, anh ta hơi cau mày:
“Tưới hoa à?”.
“À…”. Tôi ngây ra, cúi xuống tay mới thấy mình đang cầm một cái bình rỗng tuếch, gượng gạo cười: “Ừ, định lấy bình đi tưới hoa”. Nói rồi, đi thẳng đến vòi nước, vặn nước.
Bình tưới nước của Đặng Khải Thành là một chiếc xô inox có gắn vòi hoa sen, kiểu cũ, tôi vặn nước đầy rồi thản nhiên đi tưới. Mỗi tội xách nặng, vết thương trên tay lại toác ra, nhưng tôi sợ anh ta phát hiện nên không dám kêu, mặt tỉnh bơ tưới hết cây này đến cây khác.
Lúc tới một cây đặt trên cao, Đặng Khải Thành mới tiến đến, cầm bình tưới trên tay tôi: “Tưới cây, phải tưới từ ngọn xuống gốc mới đúng. Em tưới như vậy sẽ làm đất ở gốc cây trôi ra ngoài”.
Tôi vô thức liếc mấy gốc cây mình vừa tưới, đất theo nước tràn cả ra ngoài, lênh láng bẩn thỉu, tự nhiên lại thấy hơi xấu hổ: “Tôi cứ tưởng tưới cây phải đổ nước vào gốc. Lúc trước vẫn thường như thế mà”.
“Đó là cây trồng trực tiếp dưới đất, còn mấy cây này trồng trong chậu, rễ cây ngắn, đất bám khó hơn”. Đặng Khải Thành vừa nói vừa liếc bàn tay tôi, tôi hơi giật mình, đầu ngón tay vô thức co lại. Mặc dù vết thương trong lòng bàn tay nhưng anh ta vẫn phát hiện ra: “Tay bị thương à?”.
“Vết thương nhỏ thôi. Tôi nấu ăn, d.ao sắc nên lỡ rạch vào một đường”.
“Đưa đây xem”.
“Không cần đâu”.
Đặng Khải Thành cũng không nói nữa, chỉ tưới nốt chậu cây kia rồi rửa sạch bình tưới, đi vào nhà. Đợi anh ta đi rồi, tôi mới chạy đến chỗ để chiếc xô nhựa dùng để lấy đồ ăn với Đậu đũa, đá thẳng vào trong góc, sau đó còn không yên tâm, lại nhặt một miếng gỗ gần đó đặt lên, xong xuôi mới phủi phủi tay xoay người lại.
Đúng lúc này, tôi bắt gặp ánh mắt Đặng Khải Thành khó hiểu nhìn tôi!
Tôi chột dạ, ruột gan như muốn nhảy dựng cả lên, nhưng vẫn cứng miệng hỏi: “Có chuyện gì thế?”.
Anh ta cũng không hỏi đến chiếc xô kia, chỉ bảo tôi lại ngồi ở chiếc ghế đôn bằng đá gần đó. Lúc này tôi để ý mới thấy Đặng Khải Thành xách theo một hộp y tế, anh ta bình thản bảo tôi:
“Tay cầm bình tưới bằng gỗ, dùng lâu rồi, nhiều vi khuẩn. Vết thương hở động vào đó dễ lây vi khuẩn uốn ván”. Đặng Khải Thành nhìn tôi: “Tôi phải nói trước với em, không phải lúc nào tôi cũng ở nhà. Nếu em bị uốn ván, tôi không chắc sẽ đưa em đi bệnh viện được đâu”.
Nghĩ đến chuyện anh ta nhốt tôi trong nhà 5 ngày nay, nếu tôi bị bệnh có lẽ đã c.hế.t khô rồi, tôi lại hậm hực nói móc: “Tôi c.hế.t là đúng ý anh còn gì?”.
“Em thích kiểu c.hế.t thế này à?”. Đặng Khải Thành cười: “Bị uốn ván, co cứng tứ chi, lưng uốn cong như con sâu?”.
Lại còn bị sốt liên tục mấy ngày, nằm co ro trong nhà, không ai chăm, không ai cho ăn uống. Chế.t kiểu này đúng là tệ thật, thà một phát đ.ạn c.hế.t ngay có khi còn dễ chịu hơn.
Lòng tôi thoáng run lên, đáp gọn lỏn: “Tất nhiên là không. Chẳng ai thích c.hế.t như vậy cả. Nhưng nếu anh cứ nhốt tôi trong nhà thế này, tôi không c.hế.t vì uốn ván cũng sẽ c.hế.t vì lý do khác thôi”.
“Đến lúc đó hẵng hay”. Đặng Khải Thành nhìn ghế đá: “Giờ ngồi xuống đi, khử trùng rồi băng lại, giảm nguy cơ uốn ván”.
Tôi cân nhắc thiệt hơn một chút rồi quyết định không chống đối nữa, im lặng ngồi xuống ghế đá, Đặng Khải Thành cũng kéo một chiếc ghế khác, chưa kịp ấm chỗ đã tóm lấy tay tôi.
Tôi hơi giật mình, theo phản xạ định rút về, nhưng anh ta nắm rất chặt, một động tác đơn giản đã khống chế được cổ tay tôi, nhanh chóng lật lòng bàn tay lên, ở giữa là một vết thương không sâu lắm, nhưng bởi vì bị toác nên có thể thấy được cả thịt đỏ bên trong, trông hơi gớm ghiếc.
Đặng Khải Thành nghiền ngẫm cau mày một cái, tôi lại thầm cầu trời khấn phật cho con mắt cảnh sát hình sự của anh ta không phát hiện ra đây là bị cứa đứt do mảnh thủy tinh trên tường bờ rào. May sao, anh ta nhìn một lát rồi cũng không hỏi, chỉ đổ cồn sát khuẩn vào tay tôi, lấy bông băng lau quanh một lượt.
Cảnh tượng này khiến tôi không thể không hoài niệm chuyện cũ của nhiều năm trước đây, lúc đó nghịch ngợm chơi trò đấu kiếm với đám con trai trên lớp, vô tình bị một miếng nứa trên thanh kiếm giả kia cứa vào tay, đứt một miếng rất to. Lúc đầu tôi không hề khóc, vậy mà khi Đặng Khải Thành đến đón tôi, nhìn thấy anh ta, bỗng dưng tôi lại tủi thân ngoạc mồm ra ăn vạ.
Đặng Khải Thành không những dỗ tôi, còn cõng tôi đi ăn kem, sau đó về nhà còn tự tay lấy bông băng quấn lại vết thương giúp tôi. Tôi ăn xong kem thì anh ta cũng làm xong, chỗ được băng lại rất đẹp, thắt nút cũng rất đẹp. Tôi hài lòng cười toe:
“Anh Thành, em hết đau rồi”.
“Về sau đừng chơi mấy trò này nữa, biết chưa?”.
Tôi cười hì hì, hứa nhăng hứa cuội với anh ta sẽ không nghịch ngợm nữa, nhưng tay còn chưa kịp lành thì đâu lại vào đấy, Đặng Khải Thành bất lực, cũng không nỡ mách ba tôi mà chỉ im lặng xử lý vết thương cho tôi.
Chớp mắt đã gần 20 năm trôi qua rồi, hôm nay chúng tôi ngồi ở sân thượng này, vẫn là người đàn ông kia băng tay cho tôi. Nhưng… anh ta lại chẳng phải là Đặng Khải Thành của lúc xưa.
Đang chìm trong hồi tưởng về quá khứ thì anh ta đột ngột ngước lên nhìn tôi, tôi không kịp né tránh ánh mắt của Đặng Khải Thành, bất giác lòng bối rối, hai má nóng bừng lên.
Sợ bị anh ta phát hiện mình vẫn còn nhớ đến chuyện cũ, tôi như một con nhím vì muốn bảo vệ mình nên xù lông lên, lại móc mỉa Đặng Khải Thành: “Tôi cứ thắc mắc mãi, chuyện tôi bị uốn ván và việc anh không đưa tôi đi bệnh viện được có gì liên quan đến nhau?”.
“Em nghĩ sao?”.
“Tôi thấy anh không có lòng tốt chăm sóc tôi đến thế, chẳng qua cục trưởng sợ có người dân c.hế.t trong nhà anh, lúc đó sẽ liên lụy đến anh thôi”. Tôi cười: “Ví dụ như người ta sẽ đồn đại Cục trưởng cục phòng chống ma túy ở khu vực tam giác Đông Dương nuôi đàn bà trong nhà, đời tư không trong sạch. Cũng ví dụ như khi điều tra nhân thân của tôi, họ sẽ biết người mà cục trưởng nuôi lại là con gái của tội phạm đang thụ lý án chung thân vì m.a t.úy”.
Ngừng một lát, tôi mới tiếp tục: “Cảnh sát hình sự, mà quyền cao chức trọng như anh lại ở cùng với tôi, nghe có vẻ hơi nhạy cảm nhỉ?”.
“Ừ. Thế nên tốt nhất là em đừng c.hế.t vội, để người ta tạm thời chưa phát hiện ra đời sống của tôi không trong sạch”. Đặng Khải Thành cụp mi mắt, bình thản thắt nút gạc.
“Chắc anh phải nghe câu ‘Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra’ rồi. Anh nhốt tôi mãi ở đây cũng chưa chắc đã giấu tôi cả đời được đâu. Cục trưởng Đặng Khải Thành, sao vì trả thù mà lại chọn cách mạo hiểm thế? Anh không cần sự nghiệp nữa à?”.
Nút gạc trên tay tôi vẫn chắc chắn đẹp đẽ giống hệt lúc xưa, Đặng Khải Thành buộc xong mới ngồi thẳng người, ung dung dọn lại dụng cụ bỏ vào hộp y tế: “Vậy em thì sao? Biết rõ em có làm cách nào cũng không thể kéo dài được quá lâu mạng sống của ba mẹ em, tại sao lại chọn cách đến tìm tôi? Biết rõ đi theo tôi sẽ không tốt đẹp gì, sao em vẫn đồng ý? Em không cần tương lai nữa à?”.
Tôi không thể không thừa nhận rằng, Đặng Khải Thành rất biết cách chọc vào nơi sâu nhất trong lòng tôi, đúng là tôi biết rõ con đường mình đi vốn là ngõ cụt, nhưng vẫn nhắm mắt xông vào. Đúng là nếu tôi còn ở Hồng Kông thì tôi vẫn có một tương lai dài phía trước, nhưng tôi lại lựa chọn quay về, đi theo Đặng Khải Thành chịu gian nan.
Vì sao vậy?
Nếu không phải là Đặng Khải Thành, tôi dám đánh đổi một cái giá quá lớn như vậy sao?
Tôi không biết!
Tôi cười lạnh lùng: “Anh quên à? 10 năm trước chính tay anh đã hủy hoại tương lai của tôi rồi”.
Đặng Khải Thành im lặng nhìn tôi, đáy mắt lạnh như tro tàn, tôi cũng nhìn chằm chằm anh ta, cả hai im lặng giằng co nhau bằng ánh mắt.
Cuối cùng, tôi vẫn là người chịu thua trước, tôi cáu kỉnh thu tay về rồi đứng dậy: “Băng đẹp lắm, nhưng tôi sẽ không cảm ơn anh đâu”.
Đặng Khải Thành không buồn chấp tôi, vẫn giữ thái độ trầm mặc như nước: “Tắm thì đừng để nước ngấm vào”.
“Ừ, biết rồi”.
Tự nhiên phải băng tay, mà lại còn đúng tay thuận nên bất tiện vô cùng, tôi tắm mà loay hoay tận nửa tiếng mới xong, chỗ gạc lại còn bị ngấm nước, sợ Đặng Khải Thành lại lôi tôi ra băng lại nên đành đứng trong nhà tắm sấy gạc, ròng rã tận một tiếng sau mới lóc cóc đi ra.
Lúc đến phòng khách đã ngửi thấy trong nhà toàn mùi thơm của thức ăn, hình như còn có cả hương cá rán. Tôi liếc vào bếp mới thấy Đặng Khải Thành đang dọn cơm, nghe tiếng động, anh ta chỉ ngẩng lên nhìn một cái rồi lại tiếp tục công việc, không nói năng câu gì.
Tôi hơi áy náy, chủ động lên tiếng trước: “Anh nấu cơm à?”.
“Ừ, xong rồi, lại đây ngồi ăn đi”. Đặng Khải Thành định đặt đũa xuống bàn, nhưng nghĩ sao lại lấy thêm một chiếc thìa, để vào trong bát tôi: “Ướt gạc không?”.
“Không, vẫn khô”. Tôi đi lại gần, nhìn một mâm cơm toàn là những món ngon. Không, phải gọi là đặc sắc, trông hấp dẫn hơn cơm tôi nấu cả nghìn lần. Mấy lần ở nhà tôi chỉ cho Đặng Khải Thành ăn mỗi rau luộc và canh trứng, ngay cả tôi cũng đã thấy ngán ngẩm, thế mà anh ta về nhà lại nấu cho tôi một bàn ăn thịt cá đủ cả như này đây.
Lòng tôi lại áy náy nhiều hơn, nhưng tôi không thừa nhận, thậm chí còn gạt đi, tự mắng mình mềm yếu. Tôi liếc mâm cơm một cái rồi nói: “Chưa bao giờ thấy anh vào bếp, không ngờ anh cũng biết nấu cơm đấy. Trông ngon hơn tôi làm”.
“Chuyện em không biết còn nhiều lắm”. Đặng Khải Thành bảo tôi: “Ăn đi”.
Tôi gật đầu, im lặng ngồi xuống, anh ta cũng kéo ghế ngồi đối diện tôi, suốt cả bữa ăn cả hai chẳng nói năng với nhau câu nào, chỉ có tiếng thời sự ở tivi trong phòng khách đều đều vang lên.
Được nửa chừng, tôi nghe được một tin: “Ngày hôm qua, cảnh sát phòng chống m.a t.úy ở khu vực tam giác Đông Dương đã truy quét thành công một đường dây m.a t.úy vận chuyển trái phép qua biên giới phía Bắc. Theo nguồn tin của cục cảnh sát cho biết, các đối tượng tội phạm đã vận chuyển hơn 500kg m.a t.úy các loại qua khu vực tam giác Đông Dương, băng theo đường rừng để đưa m.a t.úy vào sâu trong nội địa. Khi bị truy bắt, một số đối tượng manh động đã bỏ trốn và nổ s.ú.ng chống trả vào lực lượng công an, theo đó đã có 7 tên bị bắt sống, 3 đồng chí cảnh s.át bị thương…”.
Khi nghe đến đây, tôi bất giác liếc về phía Đặng Khải Thành, thấy anh ta vẫn bình thản ăn cơm, động tác nhai nuốt đều rất nhỏ nhẹ lịch sự. Tiếng tivi to như thế chắc hẳn anh ta cũng nghe được, nhưng vẻ mặt lại thờ ơ không để tâm.
Giả bộ giỏi thật. Nhưng tôi biết lý do vì sao mấy ngày hôm nay anh ta không về rồi.
Ăn cơm xong, tôi định dọn dẹp nhưng đúng lúc này có tiếng người gõ cửa, Đặng Khải Thành bảo tôi đi mở, chạy ra thì thấy có một chị gái trông có vẻ hiền lành đang đứng ngoài cửa.
Thấy tôi, chị ấy không có vẻ ngạc nhiên: “Chào em”.
“À… vâng, chào chị ạ”.
“Ông bà nhà chị ở quê gửi ra ít trứng gà sạch, chị mang lên cho Thành mấy quả”. Nói rồi, chị ấy chìa giỏ trứng ra trước mặt tôi: “Em cầm vào giúp chị nhé?”.
Tôi ngoảnh đầu nhìn về phía Đặng Khải Thành, lúc này anh ta đang bỏ bát đũa vào bồn rửa, nghe tôi và chị gái kia nói chuyện ngoài cửa mới khẽ mỉm cười, tỏ ý chào hỏi.
Anh ta bảo tôi: “Cứ nhận đi”.
Lúc này, tôi mới đưa tay nhận lấy giỏ trứng, nói “Cảm ơn”. Chị gái kia thì nhìn tôi một lượt, sau đó khen: “Em xinh lắm”.
Từ nhỏ mọi người đã bảo tôi giống mẹ nên rất xinh xắn, mấy lời khen như vậy tôi nghe nhiều rồi, nhưng chị gái kia nói bằng thái độ rất chân thành, tự nhiên tôi cũng cảm thấy vui. Tôi cười bảo: “Cảm ơn chị, chị cũng rất xinh”.
“Chị ở dưới tầng 1, ngay dưới phòng của Thành. Chị đi làm theo ca nên cũng có nhiều thời gian ở nhà lắm. Khi nào em có thời gian thì xuống chơi với chị nhé”.
“Vâng ạ”.
Sau đó, chị gái kia còn hỏi chuyện tôi một lúc mới chào ra về. Lúc tôi quay vào nhà thì Đặng Khải Thành cũng rửa xong bát rồi, tôi nhướng mày hỏi anh ta:
“Anh không che giấu tôi nữa à?”.
Anh ta bình thản như không: “Chị ấy là hàng xóm, không hay buôn chuyện. Hơn nữa chị ấy cũng không biết em là ai”.
“Nếu tôi nói với chị ấy thì sao?”.
“Em sẽ không làm việc ngốc nghếch thế đâu”. Đặng Khải Thành rất thoải mái nói ra điều ấy, mà tôi cũng cảm thấy anh ta nói đúng. Ba tôi đang ở trong tay anh ta, tôi ngu ngốc cắn anh ta làm gì chứ?
Tôi không thèm nói nữa, quay người đi vào phòng ngủ. Việc đầu tiên là vào một diễn đàn bất động sản rồi đăng bài bán Hồng Ý. Tôi ở Hồng Kông mười năm, trong nước ngoài Đăng Nguyên ra thì cũng không quen biết ai, giờ muốn bán được thì chỉ có thể đăng lên mạng.
Ban đầu có rất nhiều người nhắn tin hỏi mua, nhưng tất cả đều trả giá rất rẻ, họ nói Hồng Ý mấy năm nay hoạt động không tốt, lại mới bị niêm phong nên chắc có dớp rồi, chỉ mua giá rẻ thôi. Dùng dằng cả tối hết trả lời người này rồi đến người khác, cuối cùng tôi rít mắt, ôm điện thoại ngủ quên lúc nào không biết.
Sáng ngày hôm sau, tôi quen thói lề mề nên ngủ rất muộn, nhưng hôm nay hình như trên giường hơi khác lạ. Mùi xà phòng đậm hơn, chăn gối phẳng phiu nhưng lại có phần ấm áp, không lạnh lẽo thô cứng như mọi lần.
Tôi lẳng lặng sờ tay sang, thấy ánh mắt trời xuyên qua khung cửa chiếu lên ngay vị trí bên cạnh, làm ấm áp cả chăn gối tôi nằm. Tôi hài lòng nhắm mắt lại mỉm cười, thầm ngủ hôm nay đúng là ngày đẹp trời, ngay cả ánh nắng cũng chiều chuộng tôi.
Tôi đinh ninh Đặng Khải Thành đi làm nên nằm ì trên giường hưởng thụ một lúc, sau đó mới lục đục bò dậy, không ngờ lúc đi ra lại thấy anh ta đang ngồi đọc báo trên ghế mây.
Tôi thoáng giật mình: “Anh không đi làm à?”.
“Hôm nay chủ nhật, được nghỉ”.
“À…”. Tôi đi ra ngoài, miệng lại ngứa ngáy châm chọc: “Bị nhốt ở trong lồng lâu quá, không biết đến ngày tháng nữa”.
Đặng Khải Thành không buồn bận tâm đến mấy lời nói của tôi, chỉ hất cằm nhìn về phía đồ ăn trên bàn ăn: “Ăn sáng đi, xong đi với tôi đến một nơi”.
“Đi đâu vậy?”.
“Đến nơi em sẽ biết”.
Tôi ngó nghiêng ra cửa, hôm nay không nghe thấy tiếng Đậu đũa gõ ở bên ngoài, tự nhiên lại cảm thấy thiếu thiếu. Đặng Khải Thành cũng liếc tôi, tự nhiên làm tôi chột dạ nên không nhìn nữa, im lặng cầm bánh mì pate lên ăn.
“Anh không định đưa tôi đến chỗ vắng người rồi treo tôi lên đấy chứ?”.
Đặng Khải Thành nhướng mày: “Ừ, treo lên một ngọn cây. Tôi đứng ở bên dưới nhìn gió thổi em lay lay cho vui”.
“Thú vui tao nhã”. Tôi cắn một miếng bánh mì: “Có xa không?”.
“Gần ba mươi cây số”. Anh ta nghĩ một lát, lại đẩy cốc sữa đậu nành về phía tôi: “Ăn no đi, đến nơi quá giờ trưa đấy”.
“Ừ”.
Ăn sáng xong xuôi, tôi theo Đặng Khải Thành ra ngoài. Hôm nay chủ nhật nên khu tập thể khá đông người, mấy bà cụ lớn tuổi thấy tôi ai cũng ngạc nhiên, nhưng thật kỳ lạ, không ai hỏi tôi là gì với Đặng Khải Thành.
Tôi liếc một vòng không thấy thằng nhóc Đậu đũa đâu, cũng không có thời gian dông dài, chỉ chào một người một lượt rồi lẽo đẽo đi theo anh ta.
Hai chúng tôi đi bộ ra ngoài đường lớn, lên xe đi thẳng ra ngoại thành. Đặng Khải Thành đưa tôi đến một vùng ngoại ô xa xôi hẻo lánh, ở đây đất đai rộng hơn, tới nơi, xe của Đặng Khải Thành có thể đỗ được tận cả ở trong sân.
Nghe tiếng ô tô, có một người phụ nữ đứng tuổi chạy ra đón, nhìn thấy Đặng Khải Thành dắt theo tôi thì tỏ vẻ kinh ngạc:
“Thành, đây là…”.
Đặng Khải Thành không trả lời, chỉ mỉm cười hỏi: “Ông cháu có ở trong nhà không ạ?”.
“À… ừ… có có, ông vừa mới ăn xong, đang ngồi nghe đài”.
“Cháu vào thăm ông một chút”.
“Ừ, cháu vào đi”.
Người phụ nữ kia cứ nhìn tôi mãi, nhưng Đặng Khải Thành không giới thiệu nên tôi chỉ mỉm cười chào bà ấy rồi đi theo anh ta. Căn nhà mà anh ta đưa tôi đến là một ngôi nhà cấp 4 rộng rãi khang trang, có vườn rộng cùng cây cối, không khí trong lành tươi mát, tôi thấy bên cửa sổ có một ông cụ đầu tóc bạc trắng đang nhắm mắt nghe đài radio.
Đặng Khải Thành dắt tôi đến trước mặt ông ấy: “Ông nội”.
Ông cụ chậm rãi mở mắt, lấy tay quờ quạng rồi hỏi: “Thành đến đấy à?”.
“Vâng ạ”.
Nói rồi, anh ta liếc sang tôi, tôi cũng tự giác đứng thẳng người, chào một tiếng: “Chào ông”.
Nghe giọng của tôi, ông cụ bất giác giật mình, đờ đẫn nhìn về hướng này. Lúc ông cụ quay lại, tôi thấy tròng mắt của ông đục ngầu, dường như không thấy được nên không nhìn vào mặt tôi mà nhìn xuống vai tôi.
Lúc này, tôi mới biết hóa ra ông cụ bị mù!
Còn chưa kịp nói gì thì gương mặt ông cụ bỗng nhiên rúm ró, những vết nhăn trên mặt xô lại thành một đường, trông đầy đau khổ. Ông cụ rời tay Đặng Khải Thành, vươn đến như muốn chạm vào tôi: “Như Ngọc đó ư? Như Ngọc phải không con?”.

Yêu thích: 4.5 / 5 từ (12 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN