Kim Sơn Hồ Điệp
Chương 146: San Francisco (6)
Học phí 550 đô la một năm ở Harvard cùng với thẻ căn cước, chứng nhận sức khỏe đã được cấp tốc gửi đi, nói phải mất ba ngày bờ Đông mới nhận được, cô không biết vì sao lại gấp gáp như thế, lại đến cục điện báo Pacific, mười cent một chữ, gửi hơn ba trăm chữ điện báo đến địa chỉ điện báo của tiến sĩ Hằng Mộ Nghĩa, hỏi bao giờ thì cô có thể nhập học.
Đêm hôm đó tiến sĩ Hằng Mộ Nghĩa gửi điện báo về, nói với cô sớm nhất là hai tháng, để cô ở nhà qua giáng sinh, năm mới đã, còn chúc cô năm mới vui vẻ.
Trong thư hồi âm một tuần sau có kẹp thêm 88 đô la, nói là phải ba tháng sau học bổng xin giúp cô mới được trả lời, tiến sĩ Hằng chỉ đại diện cá nhân gửi cho cô một khoản tiền thưởng nhỏ, bảo là coi như dùng cách lì xì của Trung Quốc để khen thưởng biểu hiện xuất sắc của cô trong hội nghị.
Sau khi La Văn ra khỏi đồn cảnh sát, mấy cửa hàng giặt giũ trên phố người Hoa cũng tìm đến cửa, nói là người da trắng kinh doanh giặt quần áo không khởi sắc, người Ý cũng không nhờ vả được, không bằng mấy tiệm giặt trên phố người Hoa kết hợp với nhau làm ăn lớn; thống nhất giá niêm yết, mời mấy ông chủ lớn đồng tư, bản thân cũng bỏ cổ phần góp vốn; vừa có thể cho dân làng Tứ Ấp thất nghiệp ở An Lương đường chỗ công ăn việc làm, vừa có thể cùng giúp đỡ nhau vượt qua khủng hoảng. Vào ngày quyết định, Hoài Chân trừ đi học phí ba năm trong số 8000 đồng vừa được gửi vào tài khoản, rồi đưa hết số dư cho A Phúc đầu tư kinh doanh, dù gì cũng là đầu tư, không bằng đầu tư cho người nhà, nhất quyết phải là người góp vốn nhiều nhất.
Còn khoản tiền kiếm được ngày trước, cô đã rút hết lúc cùng Ceasar rời khỏi thành phố San Francisco, nằm cả trong túi du lịch cùng với số quà cô mua cho người nhà và thông báo nhập học. Mấy lần gặp Lê Hồng và Seol Rae, cô luôn cảm thấy xấu hổ —— đến bờ Đông một chuyến mà không mua được gì cho bạn. Cô vừa đợi ngày những thứ đó gửi về, đồng thời lại rất sợ anh trả hết tất cả cho cô, giống như không kịp đợi ba tháng trôi qua, thất vọng về cô đã làm trái tim anh hoàn toàn nguội lạnh.
Ngày hôm sau, tiến sĩ Hằng lại gọi đến nhà cô qua số điện thoại trên điện báo, nói, “Sao không thấy thông báo nhập học đâu?”
Cô áy náy nói, “Em làm mất thông báo nhập học rồi ạ.”
Tiến sĩ Hằng ngạc nhiên, “Sao lại mất?”
Giọng cô nhỏ đi, “Tóm lại là… là mất rồi ạ. Nếu nó rất quan trọng thì em sẽ đi tìm về.”
Tiến sĩ Hằng nghĩ ngợi một lúc rồi hỏi cô, “Có phải gặp khó khăn gì không?”
“Anh ấy bị ép phải về nhà rồi.”
Tiến sĩ Hằng bật cười, trêu cô bằng tiếng Anh, “Nước Mỹ trẻ trung đã vứt bỏ Trung Quốc cổ đại rồi!”
Cô cũng thừa nhận bằng tiếng Anh, “Là lỗi của em.”
Tiến sĩ Hằng hỏi cô, “Có cần thầy giúp không?”
“Nếu nhất định cần thông báo nhập học thì em muốn trở lại.”
Tiến sĩ Hằng cười, “Dĩ nhiên là không quan trọng đến thế. Nếu vì người nhà cậu ta mà không thể liên lạc với cậu ta, thì thầy rất sẵn lòng chuyển lời giúp em. Cậu ta họ gì?”
Cô đáp, “Muhlenberg ạ.”
Tiến sĩ Hằng ngạc nhiên cảm thán, “Bây giờ thầy đã tin chắc chắn các em đã gặp nhiều chuyện không vui.”
Cuối cùng cô không nhờ tiến sĩ Hằng chuyển đạt lời nào thay mình, điều cô muốn nói cũng đã nói ở trong xe; cũng không thể để tiến sĩ gánh vác trách nhiệm gì cho mình được. Nhưng cô cũng không từ chối, có lẽ tiến sĩ có thể hỏi thăm tình hình gần đây của anh thế nào cho mình, như thế cũng tốt.
Hai tuần sau đó, cô không nhận được bất cứ tin tức nào của tiến sĩ Hằng, Vân Hà phải đến trường học, cuối tuần mới về nhà, chỉ có cô là rảnh rỗi nhất. Vì tiến sĩ Hằng theo đạo, sợ đi theo ông học sẽ phạm vào điều kiêng kị, cho nên giáo hội ở xã khu đã tìm cho mình hai công việc, cuối tuần đến nhà thờ đánh đàn cho học sinh hát hợp xướng, và hướng dẫn các em nhỏ trong xã khu hát nhạc Do Thái.
Cô thường xuyên chạm mặt Ralph Garcia, những lúc rảnh rỗi khi ngồi trong bếp ăn bánh mì mà các nữ tu đã vào thành phố mua, Garcia sẽ trò chuyện mười mấy phút với cô. Đến gần giáng sinh và năm mới, Garcia nói với Hoài Chân là cậu ta sắp về Philippines.
Hoài Chân không biết nhiều về Philippines, chỉ thuận miệng nói, “Nếu có thời gian rảnh, tôi cũng muốn đến Philippines chơi.”
Garcia thất sắc: “Không được đi! Philippines rất nguy hiểm.”
Từ trước đến nay chỉ thấy người ta khen nước mình tốt, chứ chưa thấy ai từ chối du khách đến vì lý do “nhà chúng tôi không an toàn.” Trái lại Hoài Chân cảm thấy tò mò.
Hỏi ra mới biết, thì ra Hoa Kỳ đã thâu tóm Philippines sau chiến tranh Tây Ban Nha–Mỹ, vì sợ hiệp hội người lai Philippines tổ chức kháng chiến địa phương, cho nên đã liên hiệp với người Philippines tiến hành bài trừ người Hoa, thậm chí còn gay gắt dữ dội hơn ở San Francisco bốn mươi năm trước.
Vì tiếng Anh của Garcia mang nặng khẩu âm, sợ Hoài Chân nghe không hiểu nên hôm sau cậu ta lại cầm mấy tờ báo cũ ở nhà đến, cũ nhất là báo năm 1897, đưa tin Wilderman làm lãnh sự ở Hương Cảng, bắt đầu đấu tranh cùng Đảng Cách mạng Philippines… Cho đến tờ Nhật báo Washington mấy ngày trước, chỉ vào tên của bộ trưởng ngoại giao phụ trách vấn đề về quân sự, Rounsevelle Wildman, nói: “Chính là ông ta.”
Trong phòng bếp của giáo hội trên phố người Hoa, Garcia không ngừng thao thao bất tuyệt nói xấu Mỹ, còn Hoài Chân lại bị một cái tên khác trên đó thu hút: “… Er B. Price vẫn đảm nhiệm chức vụ trợ lý bộ trưởng ngoại giao quân sự, nội các chính phủ Hoa Kỳ cũng đã bổ nhiệm C. H. Muhlenberg làm phó trợ lý cho ông, chính là người từng nhậm chức ở FBI, được E. Hoover và W. S. Luswein cùng đề cử.”
Bên dưới bài báo đó dán ba tấm ảnh đen trắng, một tấm là Bộ trưởng Ngoại giao vừa nhậm chức, một tấm là trợ lý bộ trưởng, một tấm khác chính là Ceasar mặc âu phục đen trắng, phông nền là lá cờ bốn mươi chín ngôi sao.
Hoài Chân xin nghỉ ngày thứ sáu, đi xe buýt Greyhound sáu giờ sáng đến Los Angeles. Vì Tam gia từng nói điện thoại ở văn phòng luật sư của mình có thể nối máy với đường dây ở văn phòng quân sự, mà ngày hôm sau chính là sinh nhật của Ceasar.
Từ trạm xe buýt ngoại ô đến hẻm Nigger vẫn phải mất thêm một tiếng đi taxi, lúc đến văn phòng luật sư của Tam gia thì đã hai giờ chiều, may mà vẫn còn nửa tiếng nữa thì văn phòng luật mới đóng cửa. Trước đó Tiểu Lục gia đã báo cho Tam gia biết cô muốn gọi một cuộc điện thoại riêng, đúng lúc trong tay Tam gia có vụ kiện tình báo của Cục xuất nhập cảnh Los Angeles, gần ba tháng qua cần thường xuyên nối máy đến văn phòng quân đội. Vừa nghe thấy thế, Tam gia tức khắc đồng ý, yêu cầu duy nhất là không thể gọi điện quá năm phút.
Sau khi điện thoại được kết nối, lập tức một giọng nữ vang lên, dùng tiếng Anh ngọt ngào hỏi: “Hồng Darling, đã lâu lắm rồi không thấy anh gọi điện đến ——”
Hoài Chân đã đoán được đại khái vì sao cuộc gọi này lại được kết nối dễ dàng như vậy. Cô lúng túng ho khan hai tiếng, nói, “Tôi là nhân viên của văn phòng Martin, muốn tìm C. H. Muhlenberg nghe máy.”
Giọng đầu dây lập tức giảm đi ba độ, cười nói, “Ồ, là Ceasar hả.”
Lại hỏi số hiệu nghiệp vụ của cô.
Cô đọc số nghiệp vụ mà Hồng Tam gia đã chuẩn bị trước đó cho mình, nhân viên nữ lập tức miễn cưỡng nói, “Đợi một lát, tôi sẽ chuyển máy đến cậu ấy.”
Điện thoại bận mười mấy giây, lúc nhận lại thì trong ống nghe vang lên tiếng nói cười của những người nam trẻ tuổi; có lẽ giáng sinh sắp tới, năm giờ chiều ở Washington là giờ cuối cùng trước hai ngày nghỉ, thế nên tất cả mọi người đều làm biếng.
Người nghe máy tức giận, che ống nghe ra lệnh bọn họ im lặng.
Lập tức tiếng cười dừng lại, dường như tất cả trong văn phòng đều nín thở mà nghe, làm Hoài Chân không khỏi căng thẳng theo.
Anh nói vào ống nghe, “Hello.” Rồi lại báo một chuỗi chức vụ hàm cấp rất dài.
Âm thanh lành lạnh bình thường nghe bên tai, nay đi qua máy điện thoại, không biết vì sao lại giống tiếng *ù ù* của vũ khí lạnh. Một câu xin chào lại như đang tra hỏi.
Điện thoại đang bị nghe lén, cô không thể nói mình là ai, không được nói tiếng Đức, càng không thể dùng tiếng Trung. Số nghiệp vụ mà Hồng Tam gia cho cô đã kết thúc được ba tháng, nhưng vẫn còn hạn sử dụng. Nhưng nếu đọc số nghiệp vụ cho anh, thì sau đó cô sẽ phải chuyển máy cho trợ lý của Hồng Tam gia nghe máy ghi chép. Cũng không thể im lặng quá lâu, nếu bị coi là trò đùa thì phản ứng sẽ càng thêm tệ.
Cô đọc một chuỗi con số, trước khi anh rời máy đến phòng hồ sơ, cô nhanh chóng dùng tiếng Anh không có khẩu âm vùng miền nào mà nói, “Chúc mừng sinh nhật.”
Vừa dứt lời, anh không lập tức rời khỏi ống nghe.
Anh im lặng.
Năm giây, mười giây…
Hai người im lặng đứng đấy, người thất vọng càng thêm thất vọng, người mắc nợ lại càng nợ thêm.
Cô chỉ muốn nói chúc mừng sinh nhật, nhưng cô không nên chỉ nói mỗi câu đó. Cô không biết anh có nhận ra mình không, nhưng cũng không thể nói nhiều hơn với anh được.
Hai mươi giây, ba mươi giây…
Đồng nghiệp ở bên kia phát giác ra điều không đúng, cười trêu ghẹo, “Ha, Cea, là điện thoại quấy rầy của cô gái ở phòng tiếp tuyến hả?”
Đám người lại bắt đầu nhao nhao ồn ào.
Ceasar cũng bật cười, cầm ống nghe ra xa, thấp giọng nói, các cậu ngậm miệng cho tôi.
Tiếng cười càng lớn hơn.
Cầm điện thoại lại gần, trái tim cô cũng nhảy lên.
Cô nghe thấy Ceasar nói với cô trong điện thoại, “Cám ơn.”
Lời ít ý nhiều, lại lần nữa yên lặng.
Nếu một người muốn suy đoán tâm tư của người khác thông qua yên lặng, thì vào những lúc yên lặng kéo dài, thì sự trống rỗng trong nội tâm cũng càng lúc càng lớn.
Hoài Chân không biết đã hết năm phút chưa, có lẽ ít hơn, có lẽ lâu hơn.
Giọng anh êm ái, lại rất khách sáo hỏi, “Còn có việc gì khác không?”
Cô nói, “Không có.”
Người ở đầu dây điện thoại đã đi ra ngoài, có lẽ là bảo người đi lấy hồ sơ, Hoài Chân lập tức đưa ống nghe cho trợ lý của Hồng Tam gia.
Cô gái người lai mặc trang phục công sở màu đen cầm ống nghe lên nghe một lúc, lại hoài nghi đặt xuống, nói với cô, “Bên kia cúp máy rồi… Nhưng không có phản hồi.”
Cô gật đầu.
Ba giờ chiều, Los Angeles lại đổ mưa, xe buýt Greyhound về nhà là vào lúc bốn giờ. Tam gia sợ cô không bắt kịp xe buýt, định tạm nghỉ hai tiếng lái xe chở cô đến trạm xe, nhưng lại bị Hoài Chân từ chối, cô nói cô đã gọi taxi rồi, ở ngay bên ngoài Long Nham.
Trời mưa nên không có nhiều taxi, cô cũng không quá rành rẽ về các bãi đậu xe taxi ở Los Angeles. Sau khi rời khỏi văn phòng Martin, cô đi trên đường hơn mười phút mới ngồi vào một chiếc xe đang chở một đôi mẹ con đến bến xe buýt, nhìn thấy cô đi một mình trên đường, lại không yên tâm, vòng xe lại chở cô đến địa điểm. Vì trời mưa nên hành trình xe buýt cũng bị hoãn, mặc dù lúc đến trạm xe buýt đã năm giờ, nhưng cô vẫn bắt kịp chuyến cuối cùng về thành phố San Francisco.
Cả ngày chỉ lo đi đường chưa một hột cơm vào bụng, lại còn bị dính mưa, cuối cùng khi về đến San Francisco thì đã mười một rưỡi tối. Bị lần này dày vò, Hoài Chân không lập tức phát giác khó chịu thế nào, chỉ cảm thấy cả người mệt rã rời, không có sức lực làm gì. Vân Hà sợ hãi gọi cô mở cửa, bảo cô vào phòng mặc ấm vào, sau đó xuống tắm nước nóng rồi ngủ tiếp. Nhưng nước còn chưa nóng, cô đã nằm trên giường Vân Hà ngủ li bì không dậy nổi, bắt đầu lên cơn sốt, kéo dài suốt một tuần liền.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!