Kinh Thánh Của Một Người - Chương 37
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
112


Kinh Thánh Của Một Người


Chương 37


Lá cây táo già ngoài song cửa đã rụng sạch, cành ngọn trọc lóc, lộ rõ những mụn gai, tua tủa chọc thẳng lên bầu trời xám chì. Cạnh nó, cây ô cựu vẫn còn lại vài phiến lá đỏ tím đung đưa, chực rơi nốt. Đầu đông năm ấy anh nhận được thư của Sảnh, em bảo đợi trường tiểu học nghỉ đông là sẽ lên đường thăm anh ngay, thư viết rất ngắn, liêu xiêu vài chữ, chưa tới nửa trang, chẳng đề cập gì đến chuyện sẽ chung sống với nhau hay không, nhưng quyết định là sẽ đến thăm anh. Anh không cần nghĩ ngợi gì nữa, anh đã nhìn thấy hy vọng và mong niềm hy vọng đó sớm trở thành hiện thực.

Vụ lúa muộn đã gặt xong, phơi đầy sân, rồi cất vào kho của đội sản xuất, nước ở các chân ruộng đều xả cạn khô, cây cỏ có tác dụng như phân xanh rũ ra, tan dần, chờ sang xuân lại cày bừa, gieo cấy. Một năm bận rộn với đồng áng đã qua, người nhà quê tranh thủ làm những việc riêng cho gia đình, lên núi đốn củi, sửa lại cái chuồng heo, đắp tường đất, lợp mái rơm, chuẩn bị dựng vợ gả chồng vì con cái đều đến tuần cập kê, hoặc anh em chia gia tài, tách hộ ở riêng. Còn anh, anh cũng phải chuẩn bị gì đó để đón Sảnh, nhưng căn nhà ở chưa thể quét vôi, ít nhất là tới mùa hè tường đất mới khô, cho nên chỉ mỗi việc trám kín những khe hở giữa tường và khoang cửa. Trường hợp Sảnh đến thật thì đương nhiên hai người sẽ ngủ chung một giường, dân làng thế nào cũng nghĩ là phải kết hôn vì vậy công việc chuẩn bị của anh lúc này cần phao tin để láng giềng hay tin anh sắp cưới vợ. Sảnh mà đồng ý một tiếng là kéo nhau lên công xã lĩnh tờ giấy đăng ký, chẳng phải theo tập tục ở đây mâm cao cỗ đầy, rượu chè túy lúy vì đời sống cũ đều đã bị “cách mạng” cả rồi, vấn đề là trong thư Sảnh chẳng nói rõ có kết hôn hay không.

Cái miếu cũ bên cạnh trấn nhỏ năm xưa bị hỏa hoạn, cháy trụi, giờ đây sửa lại thành hai gian nhà làm bến ô tô, mỗi ngày một chuyến từ huyện thành chạy đến, rồi sau đó quay trở về. Anh không nhớ kỹ khuôn mặt của Sảnh, nhưng cứ đợi ở bến xe, xem hành khách đi xuống là nhận ra ngay. Sảnh xách túi du lịch mà người vùng này không ai có, vẫn tết hai đuôi sam ngắn lửng lơ, có điều da mặt hơi đen một chút và thân hình đẫy đà hơn, cũng có thể mùa đông vận nhiều quần áo nên trông thấy béo mập. Anh bước lên, giúp Sảnh xách cái túi và ân cần hỏi:

– Đi đường có vất vả lắm không?

Sảnh kể cho anh nghe, từ chỗ đấy đến chỗ kia là đi ô tô đường dài, sau đó chuyển sang ngồi tàu hỏa, rồi lại ô tô đường dài, may mà có anh Dung đợi ở huyện thành mua sẵn vé nên kịp chuyến về đến đây. Sảnh thở dài:

– Hôm nay nữa là bốn ngày trên đường!

Sảnh rất vui, tự nhiên, dựa sát vào anh trên cả chặng dài từ bến xe vào thôn, và đến nhà hệt như anh chị đã yêu nhau lâu lắm rồi, giờ là người thân nhất của anh, nếu cô gái này đồng ý cùng chung sống với anh thì nàng sẽ trở thành vợ anh, dựa vào nhau mà sống suốt đời, thử hỏi còn điều gì phải giải thích hay thanh minh.

Sảnh ngồi lên cái giường đệm cỏ rơm của anh, nơi duy nhất được xem là thoải mái nhất trong căn nhà, anh bảo Sảnh:

– Em mệt rồi, cởi giày, đắp chăn nằm nghỉ cho khỏe.

Anh pha cho Sảnh cốc chè xanh, thổ sản ngon nhất của xóm núi. Sảnh nhìn khắp bốn bề, vì không có trần nhà nên thấy rõ phía trên mái là ngói đen xám. Anh nói, đợi đến hè sẽ quét vôi, rồi mua vài cây gỗ, thuê thợ mộc đóng ít đồ gia dụng. Cô nghĩ, muốn bố trí thế nào là tùy anh. Sảnh kể, nơi cô ở là nhà hầm đào sâu vào vách đất, rất khô hanh; so với đây, làng xóm có vẻ nghèo hơn, chỉ là một vùng hoàng thổ, rất ít cây cối, vào tầm này có ngọn cỏ nào cũng đều cắt sạch để làm chất đốt, chẳng thấy màu xanh đâu cả. Trường tiểu học nơi cô dạy có phần đỡ hơn, cả cô nữa là ba, hai người kia dân địa phương, trường do cán bộ đội sản xuất quản lý. Khó khăn lắm mới được về nơi đó, một thôn lớn gần hai trăm hộ, cách huyện thành ba mươi dặm nhưng không có tuyến ô tô, muốn đi đâu phải nhờ xe ngựa của nông dân. Anh bảo, trường ở đây cũng sắp mở lại, anh có thể nói với cán bộ công xã và trên huyện, đặt vấn đề xin chuyển thẳng đến trường này. Sảnh thấy cũng khả thi, chứ chẳng có điều gì là viển vông cả.

Anh đưa Sảnh đến quán cơm duy nhất của thị trấn, gặp dịp mồng một hay ngày rằm, có phiên chợ, quán đông khách vô vùng, còn ngày thường và nhất là buổi chiều như hôm nay thì chỉ mỗi mình anh chị. Vùng này đặt trụ sở của công xã nên xung quanh là trạm xá, trạm thú y, quỹ tiết kiệm và đồn công an trông coi cả mấy công xã lân cận, nhưng chỉ mỗi viên cảnh sát mà thôi. Nhu yếu phẩm cần dùng đều có, lại có cả chính quyền cơ sở, có thể cấp cho anh chị giấy đăng ký kết hôn mà trên đó in cả hình lãnh tụ.

Cơm nước xong, anh dẫn Sảnh dạo phố, hỏi Sảnh muốn mua gì hay không. Sảnh chẳng biết trả lời ra sao, rằng không hay có, cuối cùng vẫn do anh quyết định, một gương tròn phía sau có cọng sắt làm chân, đứng vững trên bàn, một tấm khăn trải giường đôi mua bằng tem phiếu, Sảnh không phản đối mà cùng anh chọn mẫu, thực tình thì ở đây toàn một loại hoa đỏ to tướng và thêu chữ song hỷ bán cho cô dâu chú rể chứ có gì khác nữa đâu mà chọn, Sảnh để anh tự nhiên, cứ thế mua hàng. Trở về nhà anh đóng cửa sổ đằng sau, phía ấy là ao làng phủ kín lục bình, có bậc lên xuống xếp bằng nhiều tảng đá, nơi giặt giũ của các thôn nữ; họ dùng dùi gỗ đập lên quần áo, chăn màn cho sạch bụi đất, rồi sau đó mới nhúng xuống nước; đây cũng là nơi nô đùa, bơi lội của đám trai tráng vào những đêm hè, còn bây giờ là mùa đông lạnh lẽo, không nghe tiếng ếch kêu râm ran đây đó.

Sảnh nói cô ta thấm mệt, anh vội thay tấm khăn trải giường vừa mới mua, và hai áo gối có chữ song hỷ, nhưng nhà anh chỉ có một ruột gối nên phải độn áo len của anh và quần áo của Sảnh vào áo gối thứ hai. Sảnh nằm trước, anh ngồi bên cạnh cầm bàn tay Sảnh mân mê, Sảnh bảo anh tắt đèn đi ngủ. Sau ba lần làm tình thắm đỏ ở nhà trọ nào đó bên nam ngạn Trường Giang, anh chỉ nhớ một cách mơ màng thân thể em, còn tất cả về em đối với anh đều xa lạ mới mẻ. Sảnh là người đàn bà mà anh hoàn toàn chưa tìm hiểu, có chăng là dăm ba lá thư, nếu không cầu cứu thì cũng là ai oán, kể lể thân phận lưu lạc nơi chân trời góc bể, và vì thế nên anh chị đã đồng bệnh tương lân, và anh đã yêu Sảnh? Anh công nhận là có, nhưng Sảnh thì sao, anh chẳng rõ. Sảnh từ ngàn dặm tới đây tìm anh, ngõ hầu tìm đến một nơi nương tựa hay sao? Anh tự hỏi. Nàng hiến dâng cho anh, nàng để mặc anh muốn làm gì thì làm trên tấm thân này, không phản ứng, không động tình hay khoái, không kháng cự; không nhiệt tình, không đối đáp, trơ ra đấy toàn bộ nhục thể, rồi ngủ say, anh cho rằng Sảnh đã thật sự đi vào giấc mơ. Đêm nay anh có một người đàn bà, một phụ nữ danh chính ngôn thuận thuộc về anh, một cô gái có khả năng trở thành người vợ để cùng nhau xây đắp cuộc sống chung, để sau này có chung một ngôn ngữ, niềm tin và chỗ dựa. Nghĩa là anh thật sự không lấy thôn nữ nào ở nơi đây làm vợ, những cô gái mùa hè tự nhiên kéo dài vạch vú cho con bú, những cô gái khi ra đồng gặp đám trai làng cũng chẳng kém phần nghịch ngợm, tuôn ra bao lời nói tục tằn mà bản thân anh không thể chịu nổi. Anh cũng đã học cách đấu khẩu với các cô gái ấy, nhưng vẫn giữ một khoảng cách, không như bọn con trai địa phương hễ gặp gái là thèm thuồng như muốn ăn ngay miếng đậu phụ, ôm nhau, sờ mó, thọc tay, thậm chí tuột quần, rồi kêu ré lên, vừa chửi thề, vừa khoái chí. Trong khi đó việc nhà nông, đồng áng người lớn làm không xuể, thế mà bọn trẻ gái trai nào có quan tâm, cứ một mực vui chơi thỏa thích, nhiều bà chị đã hỏi anh: “Cán bộ thấy gái quê thế nào? Tiểu thư thành phố làm gì đã sẵn nước như chúng nó, đụng một cái là trào ra như thác, cán bộ không biết à, bé Mao đó, da mịn như trái đào, việc gì cũng làm được tất, chứ đâu tay chân thô tháp nặng nề kiểu cán bộ, lấy nó về là sướng lắm đấy”. Các bà, các chị nói công khai, chẳng hề giấu giếm gì cả trước mặt bé Mao, khiến cô gái thẹn thùng, mím miệng, vặt gấu áo, nấp ra đằng sau. Với bé gái họ Mao, sẵn nước lung linh, đẹp người, đẹp nết này anh vẫn chưa có chút gì rạo rực, nhưng có điều xem các bà các chị hôm nay thì anh đoán được ngày mai của bé Mao và đó không phải là cuộc sống mà anh mong muốn.

Sáng ra, mặt Sảnh đỏ bừng, nhoẻn miệng cười và anh cũng vui thực sự. Sảnh nói năng không thật ướt át, nhưng lại rất ngoan, nàng cuộn người trong lòng anh, biết là anh đang tư lự, bèn nhắm mắt kéo tay anh sờ lên hai bầu vú. Sảnh thuần phục, để cho anh thỏa sức say sưa, đoạn duỗi hai chân mời mọc, anh cảm thấy thân hình mình nóng ran dục vọng, nhưng bỗng kiềm chế lại ngay vì nghĩ rằng sẽ chung sống với nhau, thời gian còn dài, cần gì phải vội vàng tham lam như vậy. Anh hôn Sảnh, Sảnh mở rộng đôi môi, dùng đầu lưỡi trả lời và lần đầu tiên anh thụ hưởng cơn động tình của Sảnh, anh nghĩ nàng đã yêu ta, chứ không đơn thuần tìm nơi nương thân bấu víu.

– Chúng ta đi đăng ký nghe em?

Sảnh tình tứ, toàn thân mềm nhũn, sung sướng ép sát giữa lòng anh, ngước mắt tươi cười rồi gật đầu, thẹn thùng rúc vào nách anh. Anh cảm động vô cùng:

– Nào, dậy đi em và chuẩn bị lên ngay công xã!

Anh và Sảnh thành gia thất, bước vào ân ái phu thê. Để chứng tỏ mình yêu Sảnh, anh lập tức đăng ký kết hôn, rồi sau này tính chuyện xin chuyển công tác cho Sảnh về đây, hai vợ chồng ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp chốn này, dù thiên hạ có ra sao đi nữa, thì gia đình nhỏ của chúng tôi vẫn cứ phải tồn tại, anh nghĩ. Sảnh mang theo giấy chứng nhận độc thân do công xã nơi cô thường trú xác thực, nghĩa là vượt ngàn dặm đến với anh, Sảnh cũng đã nghĩ tới chuyện một đời. Cán bộ công xã đều biết rõ anh, nên chẳng cần phải xuất trình giấy tờ gì cả. Anh chị điền rõ họ tên, ngày sinh tháng đẻ, rồi ký lên bản in sẵn có hình lãnh tụ trên cùng và con dấu công xã phía trước, cả hai sẽ làm nhân chứng, vật chứng suốt đời cho anh chị. Thế là sau thời gian một phút và tốn năm hào tiền giấy mực, anh và Sảnh được pháp luật công nhận là vợ chồng, ràng buộc hay quấn quýt bên nhau suốt cả đời.

Qua quầy bán thịt anh hỏi mua cái chân giò to nhất, ở đây không cần tem phiếu, gạo thịt tự sản xuất ra nên chẳng lúc nào đói, thế nhưng dạo “Đại nhảy vọt”, nghe lời kêu gọi, nộp lên trên tất cả, vì vậy đã có nơi chết đói cả thôn. Bây giờ dân quê khôn hơn, tự nuôi heo gà, trồng thêm rau cỏ, cái gì cũng có, chỉ mỗi thiếu tiền. Anh nói với Sảnh, rồi đây chúng ta cũng nuôi heo em nhé, Sảnh nhìn anh, nhưng không hiểu anh chỉ đùa thôi.

Ngày thành hôn thật là vui, anh nhóm lò, trước là sưởi ấm căn nhà, sau để ninh nhừ chân giò làm bữa liên hoan. Sảnh bắt đầu khẽ hát, những bài cũ trước ngày Văn cách, anh vỗ tay cổ vũ Sảnh hát to hơn, đoạn nào biết thì cũng hát theo. Phải nói là Sảnh có giọng hát rất hay, vang xa, cao vút, bây giờ anh mới phát hiện, Sảnh cười, “em đã từng luyện thanh, giọng nữ cao”.

– Thật không?

– Ở đây nhà quê thì ăn thua gì – Sảnh càng phấn khởi, lời ca càng mượt mà, ngọt lịm.

– Không, quan trọng lắm chứ, em hát hay thế này thì ngày tháng sẽ đẹp đẽ biết bao.

Có lẽ đây là sự cộng hưởng, tương thông giữa anh và Sảnh, anh động viên:

– Sảnh, em thử hát một bài thật hay xem nào!

– Trở về Sorriento dân ca Ý nhé!

– Đó là bài dành cho giọng nam – anh bảo.

– Hay Ẩm tửu ca trong Trà hoa nữ vậy, nhưng ca từ nghe không hay – Sảnh do dự.

– Không hề gì, nhà quê ai mà hiểu, và em cũng có thể hát không thành lời.

Sảnh đứng dậy, lấy hơi, nhưng lại nói:

– Tốt nhất là không nên hát nhạc ngoại.

Anh nghĩ chẳng ra bài gì đáng hát, Sảnh ngừng một lát và vui hẳn lên.

– Tam thập lý phổ dân ca Trung Quốc!

Sảnh cất giọng, càng hát, mắt càng như có ánh sáng, ngoài song tụ tập cả một lũ nhóc với mấy bà chị, bài ca vừa dứt thì bỗng nghe tiếng hét rõ to:

– Hát hay quá!

Người vừa hét chính là bé Mao, và sau đó đến phần các bà chị xì xào:

– Cô dâu từ đâu đến?

– Chẳng hay ở lại được mấy ngày?

– Nhà mẹ đẻ tận nơi nào vậv?

Anh mở cửa mời mọi người vào nhà và giới thiệu đây là vợ tôi. Khách cứ đứng bên ngoài cười cười, chẳng ai chiu bước, anh phải lấy gói kẹo cứng phân chia cho bà con, đoạn nói “cách mạng hóa rồi, cưới xin cũng theo đời sống mới, chúng tôi vừa kết hôn xong!”.

Anh dẫn Sảnh đi ra mắt với bí thư chi bộ đảng, đội trưởng sản xuất, kế toán, lũ nhóc vừa nhai keo vừa chạy theo sau. Một bà chị dặn anh “sang nhà bắt con gà mái mạ”, người khác bảo “cả trứng nữa nhé”, “muốn ăn rau gì, thì đến hái rau đó”… Anh quay lại tâm sự với Sảnh:

– Em nghe có tình cảm không, nhưng sầu này trả tiền, một hai chẳng lấy, đưa qua trả lại mấy bận mới chịu nhận. Không thể lấy tiền mà nợ tình người, dẫu vậy tình người đã sẵn có trước, dân ở đây không xem anh như người ngoại lai. – Anh tỏ ra đắc ý, và nói tiếp – với giọng ca của em, anh nghĩ, trường tiểu học thôn này không thể không hoan nghênh. Em chẳng phải dầm mưa dãi nắng, cả năm lội đồng, tất nhiên là em còn hát cho anh nghe.

Anh và Sảnh cũng vào tuần trăng mật nhưng ngay tại chỗ. Sảnh không như Lâm rực lửa, quấn chặt, tham lam, nữ tính, vừa mỹ lệ vừa yêu quái, nhưng đây là người đàn bà hợp pháp của anh, anh ôm, anh hôn, anh làm tình hay làm gì nữa thì cũng không cần lo lắng, sợ ai đố kỵ ghen tuông ghé tai nghe lén, hay rình mò ngoài song nhìn trộm. Đây mới thật là hạnh phúc, tự do tối thiểu của con người.

Nằm nghe mưa bay trên mái ngói, anh nghĩ ngày mai trời tạnh sẽ đưa Sảnh đi chơi trên núi.

_________________

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN