Kinh Thánh Của Một Người - Chương 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
162


Kinh Thánh Của Một Người


Chương 8


Kể nữa đi anh, cô gái Trung Quốc ấy hiện giờ ra sao? – Magritte đặt ly rượu xuống bàn, đôi mắt kẻ rất đậm và khá công phu nhìn anh.

– Chẳng biết thế nào, chắc vẫn còn sống bên Trung Quốc – anh nói không rõ ràng gì cả, định đánh bài lờ đối với chủ đề này chăng.

– Sao anh không nhớ cô ta à?

– Đó là chuyện của mười năm trước, còn nói làm gì, nếu không nhắc tới thì chắc đã quên lâu rồi – giọng anh bình thản nhẹ nhàng như muốn điều đình với cô gái.

– Thế thì tại sao anh vẫn nhớ em, nhớ cái đêm đầu tiên em đã gặp anh?

– Thật là khó nói, Magritte thân yêu, có khi một tình tiết rất nhỏ mà nhớ mãi. Ngược lại dù quen thân nhưng đến tên gọi cũng quên luôn, không hề ấn tượng.

– Và tên của cô ta anh cũng thế, quên luôn?

– Magritte, – anh nắm lấy tay cô – hồi ức khiến ta nặng nề, nói chuyện khác đi em.

– Không cần anh ạ, nhiều hồi ức đẹp lắm chứ anh, chẳng hạn như người mà ta đã từng yêu.

– Tất nhiên là thế, nhưng thôi em ạ, ta thà quên đi quá khứ. Đứng là ngay tức khắc anh không thể nhớ nổi họ tên người con gái ấy, nhưng lại hiện về bao nỗi đau thương, anh mơ màng nhìn thấy khuôn mặt khả ái của nàng và đâu đó những lời thỏ thẻ năm xưa.

– Và đến lượt, anh cũng sẽ quên cả em?

– Em sống khỏe mạnh, sinh động hấp dẫn thế này, sao mà không nhớ – anh nhìn thẳng vào mắt Magritte, một lần nữa muốn lẩn tránh sang đề tài khác.

– Còn cô ta không khỏe mạnh, sinh động, hấp dẫn à? – Magritte vẫn chưa buông tha, cô cũng nhìn anh với vẻ gay gắt – cô ta trẻ đẹp, lanh lợi, xinh xắn, gợi cảm, ngồi trước mặt em và cứ kéo váy che kín cặp đùi, nhưng cái váy ngắn quá, đã che không nổi mà còn khiến người ta tò mò, rằng bên trong cô ta chẳng mặc gì cả, xin nhớ, vào thời ấy ở Trung Quốc thì hình ảnh như vậy là vô cùng ấn tượng.

– Rất có thể vì khi nghe gõ cửa, đang làm tình nên không kịp chuẩn bị – anh lè lưỡi rồi cười, cợt nhả nắm lấy tay Magritte, nhưng cô rút lại và hỏi:

– Anh cũng sẽ quên em như kiểu đó, chắc chẳng được bao năm.

– Không, hoàn toàn khác nhau!

– Với đàn ông, con gái đều thế cả, dù thân thể cô ta thuộc loại gì.

– Không!

Anh còn biết nói gì nữa chứ, mỗi cô gái đều muốn chứng tỏ là mình khác người, trong cuộc quần thảo với đàn ông trên giường, từ dục vọng đều muốn tìm đến tình yêu và sau khi nhục cảm qua rồi, họ vẫn nghĩ, vẫn mong giữ lại ít nhiều kỉ niệm.

Đây là bar rượu 97 thời thượng nhất trong hẻm nhỏ Lam Quế Phường, anh ngồi đối diện nhưng lại rất gần cô ta, để đùa giỡn, săn bắt những cái nhìn của Magritte.

– Anh đang vì một cô gái phương Tây?

– Không chỉ có vậy, nói như thế nào đây nhỉ, hương vị đàn bà nơi em đầy đủ, thập toàn, còn cô ấy, đang là thiếu nữ…

– Cũng không có gì khác nhau – Magritte bỗng giảo hoạt – cô ta không biết hiến dâng, không biết hưởng lạc, có người la hét thì sao? Anh nên nhớ, cô nào bà nào cũng thế cả, đều biết hết, có điều hoặc sớm hoặc muộn, độ nhạy cảm sai biệt tí chút mà thôi.

Anh nhớ thân hình nàng cao thấp uốn lượn, chỗ cứng chỗ mềm, trơn, thơm và âm ấm. Bỗng dục vọng dâng trào, anh muốn vồ lấy Magritte.

– Không! Anh đang nhớ, đang mơ không phải là em, chẳng qua từ tấm thân này mà tìm về quá khứ, những mong một chút đền bù.

– Magritte, em nói gì vậy, em đẹp lắm, đẹp thật mà.

– Em không tin, em mập quá.

Anh định nói “không”, nhưng cô ta đã ngăn lại.

– Em tự biết mình.

– Biết cái gì?

– Em ngán ngẩm tấm thân em – cô nốc cạn cốc rượu – đủ rồi, anh chẳng hiểu gì em, quá khứ và cuộc sống của em, anh đều mù tịt.

– Vậy thì em hãy kể cho anh nghe đi.

– Không cần, vì anh chỉ muốn làm tình với em mà thôi.

– Thế thì có gì là không tốt, con người suy cho cùng là cần phải sống, sống lúc này, giờ này, phút này đây, cái gì đã qua thì cho nó đi qua, cắt đứt luôn.

– Nhưng với anh lại cắt không đứt!

– Thật sao?

– Thật mà, anh không cắt đứt nổi kí ức, chúng bị nhốt ở trong tim, lúc ẩn lúc hiện, tất nhiên khiến anh đau khổ, nhưng cũng cho anh sức mạnh.

Anh nói, hồi ức có thể cho cô sức mạnh, còn với anh chỉ toàn là ác mộng.

– Mộng mị là hư ảo, không chân thật, ngược lại hồi ức đều gồm những gì đã xảy ra trong quá khứ, không thể xóa nhòa.

– Tất nhiên, nhưng có nói gì chăng nữa thì cũng đã qua rồi. Và cô nói luôn:

– Song có thể trở lại bất cứ lúc nào. Nếu không nhắc đến thì chủ nghĩa phát xít là thuộc loại này, không ai nói, không ai tố cáo, vạch trần, khiển trách, tương tự, chủ nghĩa phát xít sẽ phục sinh mọi lúc mọi nơi.

Magritte càng lúc càng hăng, tựa như bao khổ nạn của mỗi người Do Thái đều đè nén lên người cô.

– Nghĩa là em cần một sự đau khổ?

– Đây chẳng phải cần hay không cần, bởi đau khổ đã tồn tại rõ ràng.

– Và em đứng ra nhận lãnh, chịu đựng tất cả đau khổ của toàn nhân loại? Hoặc ít nhất là những khổ nạn của dân tộc Do Thái?

– Không, dân tộc này sớm đã không tồn tại, họ phân tán và lưu lạc khắp nơi trên thế giới, em bất quá chỉ là một trong số đó.

– Thế thì càng tốt chứ sao, càng giống một con người.

Cô ta muốn xác nhận thân phận của mình thì anh biết nói làm sao, vì đúng lúc này anh đang muốn bóc đi cái nhãn Trung Quốc, anh không đóng vai Cơ Đốc, không đem cây thập tự của dân tộc đè lên thân mình, anh chưa bị nén chết thì đã có bao nhiêu hạnh vận. Nhưng với Magritte, nói chính trị thì cô ta còn non nớt, ngược lại làm một người đàn bà, chao ôi, cô có thừa đầu óc. Cũng may là hai câu này anh chỉ nghĩ chứ chưa nói ra.

Một vài thanh niên thời thượng của Hương Cảng bước vào quán bar, tất cả đều là nam. Cô gái tóc vàng hướng dẫn họ ngồi bàn phía trước anh và Magritte, họ nói gì đó với ả và âm nhạc gào lên, ả cười, lộ cả hàm răng trắng, đoạn kéo thêm một bàn nhỏ nữa, chắc là họ chưa đủ chỗ. Hai người trong số họ vuốt tay nhau và bắt đầu chọn rượu…

– Sau ‘97, Hương Cảng có còn cho phép đồng tính luyến ái một cách công khai như thế này không nhỉ? – Cô ghé sát tai anh hỏi nhỏ.

– Nếu như ở Trung Quốc, đừng nói công khai gì hết, chỉ cần phát hiện đồng tính luyến ái là gán cho tội lưu manh, bắt đi lao động cải tạo, thậm chí còn bị xử bắn! – Anh đã đọc được một số bản án thời Văn cách do nội bộ bên Công an ấn hành, nói đúng như vậy. Cô tựa lưng vào ghế và chẳng nói gì thêm, anh bảo, hay là chúng ta đi dạo phố. Cô lại hỏi, sau ‘97 những quán bar như thế này vẫn còn chứ? Anh lắc đầu, không rõ, có điều đây là cách làm ăn buôn bán, miễn sao kiếm được tiền, họ không có tinh thần sám hối như người Đức.

– Anh cho rằng người Đức đều sám hối cả ư? Chẳng phải là sau sự kiện Thiên An Môn ‘89, họ vẫn trao đổi mậu dịch với Trung Quốc đó sao?

– Em có thể không nói đến chính trị được chăng?

– Nhưng anh không thể lẩn tránh nổi chính trị kia mà?

– Thì ít ra cũng có thể một lát.

Anh và Magritte dắt tay nhau đi ăn cơm, cô nói:

– Nước Đức quá tĩnh mịch, nói chung là em thích Trung Quốc hơn, mùa đông bên ấy tuyết rơi nhiều, trên đường về nhà chẳng thấy ai, người ta đều tự nhốt mình trong nhà, tất nhiên là nhà rất rộng, không như Trung Quốc và cũng không có những vấn đề mà anh đã nói, em sống ở Frankfurt, tuy cao tít trên đỉnh nhưng cả một tầng lầu, nếu anh sang đó sẽ ở chỗ em, có phòng riêng cho anh hẳn hoi.

– Không thể chung một phòng với em sao?

– Vì chúng ta mới chỉ là bạn.

Ra khỏi nhà hàng, Magritte bỗng nói:

– Em chưa muốn về khách sạn, dạo phố một lát nữa nghe anh?

– Em sinh ra ở Venice, lớn lên trên bờ biển.

– Ôi một thành phố nên thơ và phải gọi em là cô gái Italy mới đúng.

Anh kể cho cô gái những điều tai nghe mắt thấy ở Venice lúc anh được một nhóm các nhà văn Italy mời sang dự hội thảo và xuýt xoa, hồi ấy mà ở lại bên đó thì chắc chắn sẽ gặp gái Địa Trung Hải, đẹp biết chừng nào.

– Đấy là thành phố chết, chẳng có lấy một chút sinh khí, chỉ dựa vào du lịch – Magritte cắt ngang.

– Nhưng dù sao thì dân Venice sống rất là vui vẻ, thoải mái. – Anh nói.

Anh trở về khách sạn thì đã quá nửa đêm, trên đường chẳng còn một ai, nhưng hai cô gái Italy trước cổng khách sạn vẫn nhảy múa theo điệu nhạc trong máy ghi âm, anh đứng xem họ nhảy, họ thật là vui, xông tới anh, cười cười nói nói, anh không hiểu họ nói tiếng gì, nhưng chắc chắn là người bản xứ.

– May mà anh không hiểu – cô nhếch mép cười – hai con điếm đó!

– Không đúng, nhiệt tình, đáng yêu lắm.

– Người Italy ai mà không nhiệt tình, còn có đáng yêu hay không thì chưa chắc.

– Em có vẻ hơi hà khắc?

– Anh không gọi bọn nó à?

– Không đủ tiền em ạ.

– Thế em có phải là một con điếm hay không?

Anh thanh minh tại vì cô ta nhắc đến Italy nên mới dông dài, thôi đừng bàn luận gì nữa, hãy về khách sạn.

– Đêm nay không chơi trò trai gái, nghe anh?

– Cũng được, nhưng một chiếc giường thì biết làm sao?

– Mỗi người ngủ một bên.

– Cho đến khi trời sáng?

– Anh chưa bao giờ ngủ với đàn bà mà không hề đụng chạm hay sao?

– Có chứ, cùng mụ vợ trước.

– Không tính, vì anh có yêu bà ta đâu.

– Chẳng những không yêu, mà còn sợ mụ ta phát giác.

– Với ai nữa?

– Thời ấy không thể có phụ nữ nào khác ngoài vợ.

– Vì cô ta chẳng yêu anh?

– Vì sợ, sợ mang tai họa đến cho cô ta.

– Tai họa gì?

– Điều này khó có thể dăm ba câu mà giải thích rõ.

– Vậy thì đừng nói nữa, em chỉ hỏi anh đã có lần nào anh ngủ với cô gái anh yêu, anh thích nhưng không làm tình hay chưa?

– Có.

– Thế là đúng!

– Đúng cái gì?

– Anh phải tôn trọng cô ta, tôn trọng tình cảm của cô ta!

– Chưa hẳn thế, nếu thích một người con gái, không chạm vào nhau, cùng ngủ một giường mà như hai khúc gỗ thì khó quá.

– Anh thật là chân thành.

Anh cám ơn Magritte về lời khen, cô nói:

– Không cần khách sáo, chưa tới lúc xác minh, chờ cái đã.

– Đấy là sự thực, không phải là không có, nhưng sau đó hối hận, tìm không thấy cô ta đâu nữa.

– Nghĩa là anh vẫn tôn trọng.

– Không, sợ là chính.

– Sợ gì, sợ cô ta tố cáo?

Anh nói, không phải mụ vợ trước, mà là một người con gái khác, nàng không tố cáo anh, nàng chủ động mời anh, nhưng anh chẳng dám.

– Vì sao?

– Sợ hàng xóm phát giác, đó là cái thời dễ sợ ở Trung Quốc, không muốn nhắc lại chuyện cũ làm gì.

– Có nói ra anh mới cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, anh yêu.

– Thôi đừng nói chuyện đàn bà con gái nữa em!

– Vì sao chỉ là chuyện phụ nữ, nam giới cũng được, tất cả đều là người, chứ đâu mỗi quan hệ tính dục. Anh và em nên như vậy.

Anh không biết nói gì thêm nữa, nhưng không thể lên giường ngay, anh giả vờ ngắm bức tranh treo trên tường, còn Magritte vừa cởi xiêm y vừa kể tiếp, cha cô sau đó trở về Đức, bên ấy dễ kiếm tiền hơn Italy. Anh không hỏi về người mẹ, cố gắng giữ im lặng, không dám nhìn cô ta, lấy làm tiếc vì khó mà diễn lại cảnh đẹp như tối hôm qua. Magritte tay cầm chiếc váy, đi vào buồng tắm, không đóng cửa, mở vòi nước và nói vọng với anh:

– Mẹ em qua đời, em mới về Đức học Trung văn, trình độ Hán học ở Đức tương đối tốt.

– Vì sao em lại học tiếng Hoa?

– Vì muốn đi xa nước Đức, sợ một ngày nào đó phát xít ngóc đầu dậy, họ sẽ tố cáo em.

– Chủ nghĩa phát xít đâu chỉ mỗi ở Đức?

Magritte lõa thể bước ra, ôm lấy anh và bảo:

– Anh cứ nằm cạnh em, không làm tình mà chỉ nói chuyện với nhau anh nhé.

Magritte muốn tìm về quá khứ mà anh thì cứ lảng xa, cô ta muốn đem bao khổ nạn của người Do Thái chất lên lưng anh, còn anh lại thèm cuộc sống, lúc này, giờ này ngay trên nhục thể của cô.

_________________

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN