Kỳ Hiệp Côn Lôn Kiếm - Hồi 20: Ngọc vẫn hoa thê thương truy dư sấn - Tinh di đấu chuyển cảm khái thoại giang hồ
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
128


Kỳ Hiệp Côn Lôn Kiếm


Hồi 20: Ngọc vẫn hoa thê thương truy dư sấn - Tinh di đấu chuyển cảm khái thoại giang hồ


Lúc này gió thu rét buốt thôi. Mưa nhỏ lắc rắc tạt vào mặt, khiến người ta cảm thấy lạnh lẽo.

Ba người từng bước từng bước đi dần lên phía trên. Trước mặt là một màn mù mờ không trông rõ cảnh vật, đường đi, nên không thể mau chân, chỉ sợ một bước sa chân tức khắc bị rơi xuống núi. Lúc này đừng nói bóng người cũng chẳng thấy, ngay cả tiếng chim rừng cũng im bặt. Tứ bề yên tĩnh, chỉ có tiếng mưa tí tách buồn tẻ rơi trên đá.

Phụng Kiệt và Á Tử chưa từng đến qua Võ Đang sơn, do vậy đường đi không hiểu rõ. Hiện giờ chỉ có Kỷ Quảng Kiệt xem như thông thuộc sơn lộ hơn một chút, Quảng Kiệt dựa theo trí nhớ mà tìm sơn đạo đi thẳng đến Giải Kiếm tuyền.

Họ đi qua một đỉnh núi, thấy vách đá cao trước mặt một dòng thác ầm ầm tuôn xuống, mưa lớn nước tràn về khiến thác đổ càng dữ dội, nước bắn tung tóe, hòa lẫn cùng nước mưa.

Lý Phụng Kiệt cảm thấy choáng váng trước cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ trước mắt. Dòng thác trắng xóa đổ xuống, một màn mưa lất phất, phong cảnh Võ Đang sơn lần đầu bắt gặp khiến lòng Phụng Kiệt sinh tình, nếu không vì gấp cứu Tiểu Nhạn, Phụng Kiệt đã ở lại đây làm vài bài thơ ngợi ca.

Thấy Phụng Kiệt có chút ngẩn ngơ, thong dong, Kỷ Quảng Kiệt ngoảnh đầu thôi thúc :

– Chúng ta đi mau lên! Đây là Giải Kiếm tuyền. Qua khỏi đây trước mắt có đạo quan miếu đình rồi.

Á Tử thân thể ướt sũng, không thể nhẫn nại được nữa, nên nhanh như vượn liên tiếp nhảy qua mấy gộp đá đi lên.

Lại đi hồi lâu, trong màn sương mù mang mang xuất hiện một bức tường đổ. Ba người càng nhanh chân hơn, bước đến gần thấy đó là một miếu đình nhưng không lớn lắm.

Quảng Kiệt tìm được sơn môn, dùng kiếm đập vào cửa miếu, cao giọng mắng :

– Cẩu đạo sĩ, mau lăn ra đây!

Nhưng mắng hồi lâu cũng chẳng thấy lời đáp, Á Tử và Phụng Kiệt đã vọt lên tường mà nhảy vào trong miếu. Thì ra, bên trong lặng lẽ yên tĩnh. Trong sân dưới bậc thang nằm dài một con báo đốm hoa khiến Phụng Kiệt giật mình, vội rút kiếm ra chuẩn bị chiến đấu, nhưng chờ hồi lâu báo tử vẫn không nhúc nhích, dường như đang say ngủ. Phụng Kiệt định thần nhìn kỹ thì ra báo tử đã bị giết chết rồi.

Lúc này, Kỷ Quảng Kiệt cũng nhảy vào trong tường. Ba người lục soát khắp nơi trong điện, mong tìm thấy một đạo sĩ để chất vấn về tung tích của Tiểu Nhạn và A Loan, nhưng bên trong dường như có người náo động qua.

Bọn Quảng Kiệt tức tối mắng chửi hồi lâu, dùng kiếm chém lên bàn hương án, rồi mới ra bên ngoài tìm kiếm, nhưng cũng chẳng thu lượm gì.

Ba người lại tiếp tục chạy về phía bắc. Lúc này, sương mù vẫn giăng giăng mờ mịt, nhưng mưa đã ngừng rơi nên cảnh vật và sơn lộ đã ẩn ẩn hiện hiện, có thể lờ mờ nhận thấy. Một vài tia nắng ban mai đã chiếu rọi. Sơn điểu chẳng biết ẩn nấp những đâu, giờ cũng ríu rít tung cánh bay ra.

Sơn lộ càng lên cao càng dốc khó đi. Một ngọn núi cao chót vót phân nửa ẩn trong mây mù, phân nửa phía dưới đá mọc lởm chởm, quái thạch sắc bén. Chỉ cần chút sơ suất mà trượt chân té xuống, thì thi thể ắt tan xương nát thịt, khó mong tìm thấy. Thế nên, ba người hết sức cẩn trọng mà đi lên.

Thoáng chốc, cả ba đã lên gần đến đỉnh núi, lại nghe trong miếu có tiếng chuông gióng giả, thì ra đạo sĩ trong miếu mà họ mới tìm đến ẩn lánh họ giờ đã đi báo tin, Kỷ Quảng Kiệt căm tức nói với Lý Phụng Kiệt :

– Chúng ta trở về đó mà giết sạch bọn chúng đi.

Nói dứt, hắn định quay người chạy trở lại. Trên núi lại vang lên tiếng chuông khẩn cấp, Phụng Kiệt vội nói :

– Bọn đạo sĩ trên núi đều đã biết chúng ta đến rồi, nên mới gióng chuông báo động. Chúng ta phải cấp tốc lên đến đỉnh núi đi.

Quảng Kiệt nghe nói gật đầu, dùng tay chỉ chỉ ra dấu cho Á Tử cùng lên núi.

Chân họ vừa đặt trên đỉnh núi thì đã có ba, bốn mươi đạo sĩ mặc áo ngắn, tay cầm binh khí như cơn lũ tràn đến. Trong đó có ba đạo sĩ ra dáng là nhân vật thủ lĩnh bước qua. Kỷ Quảng Kiệt nhận ra một đạo sĩ râu bạc chính là Sở Kiếm Hùng, người mà lần trước hắn đến đây đã bị lão bức đến phải rơi xuống vách đá.

Sở Kiếm Hùng thấy Quảng Kiệt, Á Tử và Phụng Kiệt bất giác giật mình, vung kiếm chỉ Quảng Kiệt phẫn nộ hỏi :

– Kỷ Quảng Kiệt, mi đem đồng bọn đến đây để làm gì?

Kỷ Quảng Kiệt ngạo nghễ, cười hăng hắc nói :

– Sở Kiếm Hùng, hôm nay là ngày mạt vận của Võ Đang phái rồi. Bọn mi chỉ là một lũ cẩu đạo sĩ tội ác đầy trời, có gan ẩn giấu dân nữ, bao che cường đạo, lấy đông hiếp yếu. Sao chẳng mau buông kiếm xuống, đem A Loan thê tử của Kỷ Quảng gia ra đây. Nếu không bảo kiếm của ta quyết không tha mạng bọn mi.

Sở Kiếm Hùng giận dữ, trợn tròn xoe đôi mắt, râu tóc dựng ngược :

– Họ Kỷ kia hãy câm miệng. Mi là bại tướng trong tay lão đạo ta, còn dám nói đến chuyện đấu với Võ Đang phái của ta sao? Tiểu Nhạn đêm qua cũng đã bị lão sư phụ Huyền Thanh dùng thuật điểm huyệt mà bắt giữ rồi. Còn bọn tiểu bối như mi dám đến đây chịu chết sao?

Phụng Kiệt nghe Tiểu Nhạn bị bắt, thì kinh hồn thất sắc. Á Tử đứng bên cạnh, nhưng vì không hiểu họ nói gì, nên chỉ đưa mắt nhìn xem, đến khi thấy sắc diện Phụng Kiệt biến đổi, bèn ngạc nhiên bước qua giật tay áo Phụng Kiệt miệng “a… a” mấy tiếng.

Phụng Kiệt dùng tay chỉ đạo sĩ, rồi dang hai tay đập mấy cái nhanh như cánh chim, sau đó chập tay lại như đang bị trói.

Á Tử hiểu được, đại nộ bước lên định chụp Sở Kiếm Hùng mà đánh.

Sở Kiếm Hùng đang nói với Phụng Kiệt, thình lình thấy Á Tử xông lên, vội vung kiếm ngăn đỡ. Hai đạo sĩ bên cạnh cũng tuốt kiếm ngăn chặn.

Lý Phụng Kiệt cao giọng gọi :

– Các vị xin dừng tay. Hiện giờ chúng ta cần phân biệt rõ ràng trước.

Lúc này Kiếm Hùng cũng nhảy sang bên, giận dữ hỏi :

– Mi là ai?

Phụng Kiệt đáp :

– Ta là Giang Nam Lý Phụng Kiệt…

Lại đưa tay chỉ Á Tử, nói :

– Còn đây là sư huynh của Giang Tiểu Nhạn.

Kiếm Hùng nghe sư huynh Tiểu Nhạn cũng đến, hoảng kinh thất sắc, định thần quan sát cẩn thận Á Tử, lòng nghĩ :

“Thực là phiền hà. Tiểu Nhạn mà ta còn đấu không xong, làm sao địch nổi sư huynh của hắn. Hơn nữa, ta nghe thiên hạ nói Á Tử theo Cửu Hoa sơn tiên sinh học võ nghệ nhiều năm, tài năng cũng chẳng thua kém lão tiên sinh bao nhiêu”.

Kiếm Hùng có mấy phần úy kỵ Á Tử, lại nghe Phụng Kiệt nói tiếp :

– Chúng ta đến đây là muốn giúp Giang Tiểu Nhạn. Võ Đang sơn của các người là thánh địa của Tam Thanh. Tại sao lại để cho cường đạo lẫn lộn vào ẩn giấu dân nữ ở đây chứ?

Kiếm Hùng nghe nói bất giác đỏ mặt, vội vã phân biện :

– Võ Đang sơn của chúng ta trước nay tuân thủ thanh quy. Chẳng qua núi này rộng lớn, nhiều nơi u tịch hoặc giả có tặc nhân lẫn lộn vào thật khó phân biệt được. Nhưng hiện giờ bọn ta đang điều tra việc này. Nếu quả thực có chuyện này, lão tổ sư nhất quyết sẽ giao A Loan ra, bắt đạo tặc giao cho các người. Bằng không các người chỉ dùng lời xảo ngôn, cố ý khuấy rối nơi đây, lão tổ sư nhất định không tha đâu.

Kỷ Quảng Kiệt đứng bên cạnh nghe nói, phẫn nộ mắng :

– Bọn cẩu đạo sĩ các ngươi ăn nói hồ đồ. Nếu không có việc này, bọn ta đến Võ Đang sơn làm gì? Mi đừng đem lão tổ ra dọa ta. Kỷ đại gia này không sợ gì đâu. Mau đem lão tổ sư, tổ bà gì đó ra đây.

Kiếm Hùng nghe Quảng Kiệt nói những lời nhục mạ như vậy, tức khí muốn vung kiếm đánh Quảng Kiệt, nhưng lão lại kiêng dè Á Tử, mắt đang trợn tròn đứng bên cạnh, nên cố nén hỏa nộ, gật đầu nói :

– Được rồi! Ta đưa các người đi gặp lão tổ sư. Nhưng các người phải theo quy củ.

Nói xong, Kiếm Hùng quay người dặn dò bọn đạo sĩ đến Triển Kỳ phong thông báo. Rồi lão bèn hướng dẫn ba người đi đến Triển Kỳ phong.

Chạy hồi lâu mới đến nơi, đã thấy trước cửa điện hàng hàng lớp lớp đạo sĩ mặc đoản bào tay cầm kiếm hàng ngũ chỉnh tề.

Khi bọn họ đến trước sân điện rộng rãi, thì gặp một lão đạo sĩ râu tóc trắng như tuyết từ bên trong bước ra, hai đạo sĩ vội nép sang bên cung kính nhường lối.

Á Tử đoán biết đây chắc là chủ nhân núi này.

Lão đạo trưởng này thân thể không cao lớn, râu bạc dài hơn hai thước, đôi mày bạc trắng rủ xuống, vận đạo bào màu lam, nhãn quang tinh anh có thần, bước đi uy phong như thần long, mãnh hổ.

Á Tử nhìn thấy có chút kiêng nể, không dám khinh địch, vội vã bước lên.

Huyền Thanh đến trước mặt ba người hơi nghiêng đầu chào, rồi cất giọng sang sảng hỏi :

– Tam vị đến tệ sơn có gì chỉ giáo?

Á Tử tay cầm kiếm chỉ loạn xạ, miệng không ngừng kêu “a… a”, Phụng Kiệt nhìn dấu hiệu của Á Tử, rồi bước lên nói :

– Vị này là sư huynh của Giang Tiểu Nhạn, hắn đến bảo sơn để tìm Giang Tiểu Nhạn đó.

Huyền Thanh nghe có chút kinh dị, nhưng vẫn giữ thái độ thản nhiên nói :

– Giang Tiểu Nhạn hôm qua từng đến núi này, hắn nói núi này ẩn giấu tặc nhân. Hiện lão đạo đang cho người truy xét việc này, nội trong ba ngày sẽ tìm ra sự thật. Nếu đúng như vậy, lão đạo sẽ chiếu theo môn quy mà trừng phạt bạo đồ. Bằng như không có, Huyền Thanh lão đạo ta không để cho chư vị xưng anh hùng trên giang hồ.

Kỷ Quảng Kiệt vừa nghe trợn mắt mắng :

– Cẩu lão đạo! Lão còn dám lừa đảo sao? Nếu lão tự nhận là quang minh chính đại thì hãy để bọn ta lục soát. Bọn ta quyết không đụng đến sợi tóc của lão, nếu không bảo kiếm của Kỷ gia này vốn thật vô tình, chớ khách sáo không nương tay. Chờ đến ba ngày sau hồn lão đã xuống Diêm Vương rồi.

Huyền Thanh đạo trưởng nghe lời này, giận dữ râu tóc dựng ngược, hầm hầm nói :

– Các ngươi muốn lục xét cũng không thành vấn đề, nhưng trước hết phải thắng được bảo kiếm của lão đạo này đã. Lúc đó, lão sẽ để các ngươi tùy nghi tìm kiếm, quyết không ngăn cản.

Dứt lời, giận dữ tiếp lấy bảo kiếm trong tay đạo sĩ phía sau. Quảng Kiệt cũng giận dữ không kém, vung thanh kiếm xông tới chém Huyền Thanh, nhưng Á Tử đã cầm kiếm đến trước rồi.

Thế là một bên môn đồ truyền nhân của tổ sư Trương Tam Phong vang danh khắp chốn võ lâm, còn một bên là đồ đệ của kỳ hiệp Cửu Hoa sơn lão tiên sinh cái thế này cùng nhau giao thủ.

Kiếm của hai người họ triển khai chiêu thức tuy chậm rãi, nhưng lại hết sức hiểm ác, nội gia công phu cứ như cuồng phong bão táp. Họ vừa đánh vừa canh chừng nhau. Trận chiến của đôi kỳ phùng địch thủ cứ diễn ra bất phân thắng bại.

Kỷ Quảng Kiệt cơ hồ không còn nhẫn nại, muốn đánh bừa, nhưng Lý Phụng Kiệt đã kéo hắn lại.

Bọn đạo sĩ tình thế dường như có chút rối loạn, có mấy tên cầm kiếm chạy xuống. Thì ra bên dưới cũng đang có hai người cùng nhau truy đuổi một trước một sau.

Kẻ chạy trước là một đạo sĩ, người đuổi theo sau là Tiểu Nhạn. Phụng Kiệt vừa nhìn thấy lấy làm vui mừng, lớn tiếng kêu :

– Giang huynh, mau đến đây!

Thế là Tiểu Nhạn vội vã chạy lên đỉnh núi.

Lúc này, Á Tử và Huyền Thanh đạo trưởng đang ở thế quân bình. Khi Tiểu Nhạn lên siết tay chào mừng Phụng Kiệt, nhìn thấy cũng có phần hồi hộp, chăm chăm theo dõi trận đấu.

Chợt bên tai vang lên một thanh âm quen thuộc :

– Họ Giang kia, thê tử ta có thất lạc không?

Tiểu Nhạn ngoảnh nhìn, hóa ra đó là Kỷ Quảng Kiệt. Chàng vòng tay nói :

– Chốc nữa hãy nói. Mi an tâm đi!

Rồi chàng tiếp tục chú tâm quan sát trận chiến, chỉ thấy cự ly giữa hai người rất gần, kiếm chưa chạm nhau nhưng thế thức hai bên sử dụng cực kỳ hiểm độc.

Huyền Thanh đã mấy lần dùng Tùng Bộ Phục Địa Hồi Mã Kiếm mà ngăn cản kiếm thế đối phương, giữ thế hai chân vọt lên, bảo kiếm theo người phản công. Á Tử cũng theo người nhảy lên. Kiếm quang chớp lóe như chớp giật gió giăng, thân như đại bàng biến hóa thần tốc.

Những người dự khán trừ Giang Tiểu Nhạn, còn chẳng ai nhìn rõ được động tác của họ. Tiểu Nhạn thấy kiếm pháp của Huyền Thanh lão đạo cao hơn mình một bậc, còn kiếm pháp của Á Tử sư huynh thâm sâu hơn mình nhiều, chàng bất giác cảm khái.

Đang nghĩ ngợi, chợt Quảng Kiệt kéo tay chàng nhằng nhì nói :

– Xem họ tỷ kiếm làm gì! Đi! Mi mau giúp ta tìm lại thê tử. A Loan ở Thái Lãnh do mi cứu ra mà mất tích, mi không thể không màng đến.

Hắn dùng sức kéo Giang Tiểu Nhạn, nhưng Tiểu Nhạn khoát tay nói :

– Đừng vội! A Loan nhất định sẽ có tung tích.

Quảng Kiệt nổi giận đấm chàng một quyền, nói :

– Có tung tích? Vậy mi báo cho ta biết, ta sẽ tự đi tìm nàng. Tìm được nàng, ta sẽ hỏi xem nàng gả cho mi hay là gả cho ta? Nếu nàng đồng ý theo mi, Kỷ gia ta quyết nguyện dâng nàng cho mi. Nhà Long Môn Hiệp ta không phải không tìm được nữ nhân khác.

Tiểu Nhạn còn chưa đáp, thình lình nghe nhiều người kêu thét lên.

Trận đấu đã phân thắng bại. Huyền Thanh được các đệ tử dìu đứng lên. Trên vai trái máu nhuộm thấm ước cả bộ râu bạc của lão. Còn Á Tử thu kiếm về, hắn cười run cả hai vai, bay vọt qua chạy về phía sư đệ.

Lúc này, Huyền Thọ bước đến nói với Phụng Kiệt :

– Vừa rồi đã ước hẹn rõ. Chỉ cần lão tổ sư của bọn ta chiến bại thì các người có thể tự do đi lục xét núi này. Hiện giờ thì tùy các ngươi. Bọn ta không ngăn cản.

Phụng Kiệt quay đầu nhìn Tiểu Nhạn ra vẻ hỏi ý. Tiểu Nhạn nói :

– Đạo Đăng đã bị ta giết chết ở sau núi, bà ta nói A Loan đã được Á sư huynh cứu thoát.

Phụng Kiệt suy nghĩ nói :

– Làm sao có thể hỏi sư huynh bây giờ?

Giang Tiểu Nhạn định ra dấu, thì Á Tử đã kêu lên nhảy nhót, rồi làm ra dáng vẻ e lệ của thiếu nữ. Sau đó chỉ về phía tây kéo tay sư đệ đi nhanh.

Tiểu Nhạn khoát tay nói với Huyền Thọ :

– Thê tử của ta đã có tung tích rồi.

Kỷ Quảng Kiệt bên cạnh giận dữ nhìn chàng. Tiểu Nhạn lại nói :

– Các người hãy ra nhà dân phía sau núi mà nhìn thi thể của Đạo Đăng, cũng có thể hỏi rõ hành vi của Lữ Sùng Nhai. Trên núi này nếu cứ dung túng cho những kẻ bại hoại như họ Lữ, sớm tối tất cũng có người đến đây mà náo loạn.

Huyện Thọ nói :

– Lữ Sùng Nhai gây sự ở bổn môn, lão tổ sư nhất định sẽ trừng phạt hắn.

Tiểu Nhạn cười nhạt :

– Được rồi! Để xem lương tâm của các người suy xét thế nào? Tạm biệt!

Á Tử vội kéo chàng chạy xuống núi. Quảng Kiệt, Phụng Kiệt cũng mau chóng chạy theo. Á Tử đi nhanh thoăn thoắt, ba người theo không kịp. Quảng Kiệt tức tối lầm bầm mắng Á Tử, vừa hổn hển chạy.

Bốn người xuyên đèo vượt suối, hồi lâu mới đến chân núi. Á Tử tháo dây ba con ngựa ra, rồi đẩy Tiểu Nhạn lên lưng ngựa của Quảng Kiệt, rồi tự mình nhảy lên ngựa muốn đi.

Quảng Kiệt đuổi theo kéo Tiểu Nhạn lại nói :

– Lời nói rõ, sự tình dễ tính. A Loan không phải là thê tử của ta cũng được, nhưng mà cần phải nói rõ ra các người mới đi được.

Tiểu Nhạn khoát tay với Á Tử, rồi nhảy xuống ngựa thở dài. Phụng Kiệt cũng kéo bạch mã đến gần, nói :

– Đệ và Kỷ huynh gặp nhau ở Trúc Duyên huyện. Hai người đã đổi thù thành bạn. Kỷ huynh cũng đã nói qua A Loan cô nương cùng huynh ấy tuy bái đường, nhưng chưa thành thân, nên đệ có khuyên nếu A Loan nguyện ý theo Giang huynh thì Kỷ huynh cũng nên tương nhượng.

Quảng Kiệt hậm hực pha lẫn buồn bã, nói :

– Nhượng hay không nhượng cũng không sao, nhưng ta muốn gặp A Loan mà nói rõ ràng.

Tiểu Nhạn nói :

– Vậy thì xin mượn ngựa của Phụng Kiệt mà cưỡi rồi cùng theo sư huynh đệ ta.

Phụng Kiệt vội kéo bạch mã đến cho Quảng Kiệt rồi nói với Tiểu Nhạn :

– Giang huynh, từ mùa thu bọn ta chia tay đến nay, đệ đã thành thân. Giờ tiện nội cùng mẫu thân của Hồ Nhị Chính cùng ở Đăng Phong huyện. Lần này đệ đưa Hồ Nhị Chính đi Trường An, xuyên qua Thái Lãnh, vượt Hải Trung một là tìm kiếm Giang huynh, hai là muốn đi các nơi du lãm. Hiện giờ, ba vị đi gặp Bào cô nương, còn đệ sẽ đến Trúc Duyên huyện mà gặp Hồ Nhị Chính, cùng nhau trở về Đăng Phong huyện. Giang huynh, mong huynh đi lần này gặp dịp thì phải khẳng khái không được bi thương. Kỷ huynh càng vì giang hồ đại nghĩa mà làm trọng.

Tiểu Nhạn lại thở dài, vòng tay nói :

– Lý đệ hãy an tâm. Giang Tiểu Nhạn là hán tử quang mình lỗi lạc, không thể làm việc vô luân. A Loan tuy đối với ta rất tốt, nhưng không có chút tình ái. Nàng đã cùng Kỷ huynh bái đường, đến giờ phút này vẫn là thê tử của người. Chỉ trừ Kỷ huynh bỏ rơi nàng…

Nói đến đây, ngoài miệng tuy buông lời ngạo mạn, nhưng thâm tâm chàng đau đớn vô ngần.

Á Tử trên lưng ngựa cứ vung vẩy hai tay thôi thúc. Lý Phụng Kiệt ôm quyền nói :

– Nhị vị huynh đài xin bảo trọng. Sau này có dịp xin mời đến Đăng Phong huyện mà tâm tình nhiều hơn.

Tiểu Nhạn và Quảng Kiệt lên ngựa, ôm quyền tạm biệt Phụng Kiệt. Á Tử phi ngựa phía trước, Tiểu Nhạn và Quảng Kiệt thúc ngựa đuổi theo.

Phụng Kiệt nhìn theo bụi mù bốc lên sau vó ngựa xa dần, rồi cùng quay mình bước đi.

Ba tuấn mã chuyển qua góc Võ Đang sơn mà chạy về phía tây. Á Tử thúc ngựa cho ngựa chạy một mạch không nghỉ, hơn nữa ra dấu cho Quảng Kiệt trở về. Ý hắn muốn hỏi Quảng Kiệt theo làm gì, phải chăng cũng muốn xem mặt thê tử của sư đệ?

Còn Quảng Kiệt tức tối, chốc chốc muốn tuốt bảo kiếm. Tiểu Nhạn ở giữa khuyên ngăn :

– Kỷ huynh, tạm thời nên nhẫn nại một chút. Chờ gặp mặt A Loan hẵng nói.

Giang Tiểu Nhạn nhất định sẽ theo ý nàng.

Kỷ Quảng Kiệt chau mày, phiền não nói :

– A Loan gả cho ta hay không không thành vấn đề. Ta muốn tìm Bào Côn Lôn hỏi cho rõ. Lão đã biết tôn nữ từ nhỏ có giao tình với mi, tại sao không nói với ta? Tại sao dùng mỹ nhân kế lừa dối ta bấy lâu, khiến ta thay Côn Lôn phái đi bao nhiêu ngày đường, xông pha bao nhiêu nguy hiểm, thọ bao nhiêu thương thế, đắc tội cùng bằng hữu. Họ Kỷ ta bị người tùy tiện lừa dối, gạt gẫm như một ngốc tử, không đáng căm tức sao? Họ Giang kia, ta đem thê tử gả cho mi cũng được, nhưng ta chỉ muốn hỏi nàng một câu. Ở sơn trại của Hồ Lập, nàng từng nói muốn đến âm gian mà làm phu phụ với ta, nhưng giờ hai người không chết, chuyện lứa đôi còn tính được không? Nếu nàng vong tình bội nghĩa, Quảng Kiệt này buông tay đi ngay, coi như ta bị mù, ta là một tên ngốc.

Tiểu Nhạn cũng nhíu mày không nói lời nào. Việc đến thế này, thực là khó xử. Chàng không thể cắt đứt tình cảm nhi nữ thường tình, lại không thể bội phản nghĩa khí giang hồ. Nên lòng phân vân đau khổ.

Đi suốt hai ngày đường, hôm nay đã về đến gia trang Nhan viên ngoại. Á Tử tỏ vẻ vui mừng, mau mau kéo Tiểu Nhạn xuống ngựa vỗ vỗ vào ngực chàng.

Quảng Kiệt cũng xuống ngựa, nhưng bất ngờ Á Tử bước qua tung ra một cước. Quảng Kiệt tức thời rút kiếm ra và nói :

– Á Tử, mi ép ta quá đáng!

Rồi hắn vạch một chữ thập rồi nhổ một bãi nước bọt xuống, dùng chân chà mạnh lên ý muốn nhục mạ Á Tử.

Á Tử trợn mắt muốn đấu với Quảng Kiệt. Tiểu Nhạn hoảng hốt kéo tay Á Tử, rồi khoát tay với Quảng Kiệt hét lớn :

– Các người làm gì vậy?

Á Tử trợn mắt, miệng la ư a một hồi.

Lúc này trong trang đi ra mấy người, có người kêu lên :

– Á Tử về kìa! Mau vào đây, viên ngoại đang mong đợi các ngươi lắm đó.
Lại có người ra dấu, sầm mặt rồi chớp chớp đôi mắt. Á Tử nhìn thấy, tức khắc hoảng kinh “a” lên vội chạy nhanh vào trong. Tiểu Nhạn, Quảng Kiệt cũng cấp tốc xông vào.

Nhan viên ngoại đang chống trượng, nét mặt sầu thương lo lắng, nhìn Tiểu Nhạn, Quảng Kiệt hỏi :

– Vị nào là huynh đệ của Á hiệp?

Tiểu Nhạn vòng tay nói :

– Tại hạ là sư đệ của Á huynh, Giang Tiểu Nhạn!

Nhan viên ngoại lại hỏi :

– Xưng hô với Bào cô nương thế nào?

Tiểu Nhạn ngập ngừng nói :

– Bào cô nương là đồng hương của tại hạ.

Rồi nóng lòng hỏi viên ngoại :

– Nàng đang dưỡng thương ở đây phải không?

Viên ngoại thở ra một hơi dài, nói :

– Thương thế của cô nương này, lúc đến đây thực quá ư trầm trọng. Lúc Á hiệp khách đi rồi, thì đến ngày thứ hai Bào cô nương vì vết thương mà chết.

Tiểu Nhạn vừa nghe kinh hoảng, trái tim cơ hồ tan nát, nước mắt không ngừng tuôn chảy. Quảng Kiệt cũng cảm thấy thê lương, nghiến răng hỏi :

– Viên ngoại, thi thể của cô nương đó đã mai táng rồi phải không?

Lão viên ngoại đáp :

– Chưa… Nhưng đã quàn xong rồi. Ba vị có thể đến đó xem qua.

Quảng Kiệt gật đầu :

– Được! Chúng ta đến đó đi.

Thế là Viên ngoại chậm rãi dẫn mấy người đi. Ai cũng cúi đầu nhăn mày, ủ rũ không nói. Á Tử tuy không nghe thấy được việc gì, nhưng thấy sắc mặt mọi người đều trầm trọng bi thương, nên cũng đoán biết.

Thì ra sau khi Á Tử rời khỏi Nhan gia trang lên Võ Đang sơn tìm Tiểu Nhạn. Viên ngoại vào phòng thăm A Loan thấy sắc diện nàng trắng bệch như tờ giấy, không ngừng rên rỉ, nên viên ngoại vội sai gia nhân đi tìm đại phu về trị liệu cho A Loan. Nhưng vết thương của nàng quá nặng, hơn nữa lại bị Đạo Đăng trói chặt lúc đi đường cả ngày cọ xát nên miệng vết thương càng lớn hơn, máu chảy càng nhiều hơn. Thêm nỗi ưu sầu lo lắng dày vò tâm tư, khiến cho nội thể cùng tinh thần cạn kiệt.

Mặc nhiên đại phu hết lòng chạy chữa, tuy nhiên bệnh tình không thuyên giảm.

Đêm đó, A Loan càng trở nên nguy kịch, đầu óc mơ hồ, không dùng cơm cháo gì cả, dần dần mê man.

Nàng nhớ tình cảm trong sáng của mình, mười năm trước với Tiểu Nhạn ở Trấn Ba rồi ở Vân Thê lãnh Cửu Tiên quan, trước giường bệnh của mình, Tiểu Nhạn muốn ngày đêm đến Ôn Thần trấn mướn xe mà đón nàng. Nàng tạm thời quên đi vết thương, chỉ mong Á Tử mau chóng tìm gặp Tiểu Nhạn. Nàng sẽ cùng chàng nói rõ nỗi khổ tương tư của mười năm.

Nàng lại hy vọng chữa lành vết thương, sẽ cùng chàng thoái ẩn giang hồ mà kết hôn, nhưng nàng lại cảm thấy chuyện này không được. Tuy nàng không có cảm tình cùng Quảng Kiệt, nhưng đã từng cùng nhau bái đường. Trên danh nghĩa, Quảng Kiệt không chỉ là trượng phu của nàng mà còn là ân nhân từng tận tâm tận sức vì Côn Lôn phái. Nếu nàng nhẫn tâm rời bỏ Quảng Kiệt để theo Tiểu Nhạn, không chỉ lão tổ phụ và phụ thân không tha thứ, mà đồng đạo giang hồ cũng không ngớt mỉa mai chê cười Côn Lôn phái, chê cười Giang Tiểu Nhạn.

Càng nghĩ càng buồn, càng nghĩ càng đau. Nhưng nàng không nghĩ ra biện pháp nào lưỡng toàn, chẳng biết làm sao chỉ biết đêm ngày than thân khóc phận, rấm rứt lệ đổ chan hòa khiến thương thế khó bề thuyên giảm.

A Loan sầu thảm cả đêm. Sáng hôm sau Nhan viên ngoại đến phòng A Loan, thì nàng đã hôn mê bất tỉnh rồi, hơi thở nhẹ như không. Nhan viên ngoại nhìn thấy dung mạo tiều tụy sầu thảm đáng tội nghiệp của nàng, bất giác cũng rơi lệ cảm thương, bước đến giường A Loan, gọi lớn :

– Cô nương! Cô nương! Thế nào rồi?

Nhưng mà lúc này A Loan không thể mở mắt ra được, chỉ nghe thanh âm rên rỉ và những tiếng kêu nhỏ trong cơn mê sảng :

– Tiểu Nhạn… Tiểu Nhạn…

Nàng cứ gọi như vậy gần nửa ngày, tiếng mỗi lúc một thưa dần, một nhỏ dần. Cuối cùng miệng nàng khép lại, chẳng còn thanh âm nào thốt ra.

Nhan viên ngoại biết A Loan giờ đã vĩnh viễn xa rời nhân thế, đành thở dài thườn thượt, đứng thẫn thờ bên thi thể A Loan hồi lâu, nghĩ không ra biện pháp. Sau cùng, lão tính chẳng còn cách nào, chỉ có thể liệm tạm cô nương này, chờ trượng phu của nàng trở về rồi hãy tính. Lão dặn dò gia nhân đi tìm quan tài, còn nữ bộc thay đổi xiêm y cho A Loan, chuẩn bị tẩm liệm. Rồi đem đến quàn ở một gian nhà trống không dám hạ huyệt.

Viên ngoại dẫn mọi người đến phía đông. Nơi này có hai gian nhà, trong phòng có bày một bàn tế, trên đó có một bát hương và mấy chén cơm cúng. Phía sau bàn đặt một quan tài.

Viên ngoại bảo gia nhân mở nắp ra, thì thấy trong đó là thi hài của A Loan đã đổi y phục màu hồng thêu hoa, mang đôi hài mới, tóc vấn gọn gàng, mắt hơi mở dường như vẫn còn ngấn lệ, chân mày nàng chau lại, cơ hồ tâm tư đang nặng trĩu ưu sầu, miệng hơi mím lại, nhìn nàng không khác ngày xưa mỗi khi giận dỗi. Lòng Tiểu Nhạn như kim châm muối xát, đau đớn khôn cùng. Chàng không còn ngăn được hai chân mềm nhũn, hét lên một tiếng, quỳ sụp xuống khóc ngất.

Mấy gia nhân đứng cạnh cũng cúi đầu thương cảm, chia sẻ nỗi đau buồn. Còn Nhan viên ngoại đưa tay áo lau mấy giọng nước mắt già nua, lắc đầu, thở dài nói :

– Cô nương này thực đáng thương. Trên người phải chịu mấy vết thương, trên ngực là nặng nhất. Đêm sắp chết, miệng không ngừng kêu tên của Giang Tiểu Nhạn.

Tiểu Nhạn vừa nghe lời này không dừng được khóc ngất lên.

Lúc này sắc mặt Quảng Kiệt trông thật khó coi. Hắn không khóc, chỉ nắm chặt tay, phẫn hận trừng trừng nhìn mọi người bi ai than khóc. Hồi lâu, hắn mới lớn giọng nói :

– Họ Giang kia, anh hùng như mi mà khóc nỗi gì. Kỷ Quảng Kiệt này giờ thực là bái phục mi. Thực không hổ là cao đồ của Cửu Hoa sơn tiên sinh, đã đánh cho Côn Lôn phái tan tành, còn khiến cho một mỹ nhân niên kỷ thanh xuân cũng bị mi bức đến chết. Coi như Giang Chí Thăng có một hảo nhi tử thay mặt lão báo thù một cách sạch sẽ, đáng xưng là một anh hùng hảo hán. Ha ha…

Tiểu Nhạn đứng lên, nghiêm nghị nói với Quảng Kiệt :

– Kỷ huynh. Chuyện đến nước này còn nhẫn tâm mai mỉa ta sao?

Quảng Kiệt vẫn ngửa mặt cười lớn nói :

– Ta mai mỉa mi làm gì? Ta chỉ bái phục mi thôi. Trước khi A Loan chết, đối với ta một chữ cũng không nhắc đến, đủ thấy nàng vô tình bạc nghĩa đối với ta như thế nào rồi. Tang sự của nàng mi cứ liệu lý đi. Lúc nàng sinh tiền, ta chỉ như một con rối trên danh nghĩa phu thê. Hôm nay, họ Giang mi mới là quý tôn tế của Bào gia. Tạm biệt!

Quảng Kiệt căm hận nói mấy câu, rồi không ngoảnh đầu lại, đi thẳng ra cổng.

Còn Tiểu Nhạn lau nước mắt, ra dấu với Á Tử sư huynh, vẽ sơ đồ nhờ Á Tử đến Trấn Ba báo tin cho gia đình thân quyến nàng hay. Á Tử vội vã lên đường.

Tiểu Nhạn ngẩn ngơ, thẫn thờ đứng mãi bên thi hài A Loan. Thấy thế, viên ngoại khuyên chàng nên đến khách đình nghỉ ngơi rồi sai gia nhân đậy nắp quan tài lại.

Nhan viên ngoại thăm hỏi Tiểu Nhạn, A Loan vì sao bị thương và quan hệ của nàng với Tiểu Nhạn như thế nào?

Tiểu Nhạn thở dài một hồi, mới gạt nước mắt kể hết sự tình từ thuở thiếu thời đến hiện nay.

Nhan viên ngoại nghe xong, thương cảm cho tình cảnh hai người mà than thở.

Tiểu Nhạn lưu lại đó hai ngày thì Á Tử đã tìm được Lỗ Chí Trung đến.

Tiểu Nhạn vừa gặp Chí Trung đã khom người gọi :

– Lỗ bá phụ!

Lỗ Chí Trung cũng sầu não vô cùng, rồi hỏi nguyên nhân cái chết của A Loan. Sau đó mới than dài, nói :

– Việc này cũng không thể trách ai. Chỉ trách hai người, một là Bào lão sư phụ, hai là Giang Chí Thăng, phụ thân hiền điệt.

Tiểu Nhạn cúi đầu than thở, ngấm ngầm đè nén nỗi đau thương giằng xé trong lòng, nhìn mọi người chuẩn bị. Chí Trung bảo tiểu tốt trong tiêu điếm đem quan tài A Loan vận chuyển về quê.

Lỗ Chí Trung đến nói lời cảm tạ viên ngoại rồi an ủi Tiểu Nhạn :

– Hiền điệt nên làm việc của mình đi, bất tất vì chuyện này mà đau đớn mãi trong lòng.

Rồi Chí Trung từ biệt Tiểu Nhạn, bảo người đưa linh cữu A Loan lên đường.

Á Tử chợt tát cho Tiểu Nhạn một cái đau điếng, khiến Tiểu Nhạn ngơ ngác. Hắn chỉ về phía đông, nơi cao cao rồi vuốt râu, tức giận, giậm chân sau đó kéo Tiểu Nhạn đi.

Tiểu Nhạn dùng sức ghì lại ra dấu ý nói Á Tử huynh hãy về Cửu Hoa sơn với sư phụ trước đi, đệ đến Trấn Ba một chuyến rồi sẽ về. Thuật điểm huyệt, đệ quyết không dám lạm dụng.

Á Tử gật đầu rồi ra dấu an ủi Tiểu Nhạn. Tỏ ý khuyên chàng đừng buồn bã âu sầu nữa. Chàng gật đầu nhìn theo sư huynh thúc ngựa đi về phía đông trở lại Cửu Hoa sơn, mới quay gót đi vào trang viện, đa tạ Nhan viên ngoại có lòng chăm sóc A Loan, sau đó từ giã lên ngựa đi về phía tây.

Tiểu Nhạn chạy theo không quá ba mươi dặm, đã đuổi kịp linh cữu A Loan. Chàng sầu thảm rơi nước mắt, nhưng không còn mặt mũi nào đi cùng linh cữu của nàng, đành âm thầm theo sau.

Vì xe lừa đi phía trước quá chậm, nên phải ba ngày mới đến Trấn Ba. Linh cữu phía trước bắt đầu đi vào Bào gia thôn. Tiểu Nhạn vội ghìm cương ngựa lại quanh quẩn ven đường phía nam, ngơ ngẩn sầu thảm nhìn trời, chàng thấy những áng mây trắng bồng bềnh trôi giống như những linh hồn phiêu lãng trôi giạt. Cúi đầu nhìn xem xung quanh đấy cỏ thu đã ngả sang màu vàng úa, sơn lãnh phía xa xa ửng sắc đỏ bởi lá thu. Nước trên dòng lạch nhỏ chảy róc rách, trên cầu có mấy nữ hài đang đi, tay chỉ chàng miệng nói :

– Có người cưỡi ngựa kìa. Bào cô nương trước kia cũng hay cưỡi ngựa.

Lòng chàng đau nhói, Tiểu Nhạn vội thúc ngựa chạy đi tránh mấy nữ hài, chàng sợ gợi nhớ đến nỗi thương tâm trong lòng. Không ngờ, trước mặt lại hiện ra cây liễu già. Gốc liễu hằn sâu những vết đao chém, đủ thấy người ra tay chất chứa nỗi giận dữ vô cùng và cả một ái tình mãnh liệt. Mấy nhánh liễu rủ xuống như một người đang khóc than.

Đầu óc Tiểu Nhạn dường như muốn hôn mê. Chàng vội thúc ngựa rời xa nơi đó, vòng qua Bào gia thôn, chẳng dám ngoảnh lại nhìn, mà chạy thẳng đến Trấn Ba thành.

Vào thành, Tiểu Nhạn không gặp di phụ Mã Chí Hiền. Chàng tìm đến khách điếm nghỉ ngơi.

Chàng cứ nằm dài như thế suốt hai ngày, không ăn uống, như một kẻ bệnh nặng. Đến ngày thứ ba, Tiểu Nhạn mới gắng nén bi thương, lấy lại dũng khí, dùng chút cơm xong mới đến tiệm sắt Mã gia mà gặp Mã Chí Hiền.

Mã Chí Hiền gặp chàng liền nói :

– Hiền điệt đã về rồi à? Hừ! Cháu và A Loan từ lâu đã ái mộ nhau, tại sao không nói sớm? Hiện giờ điệt nhi xem người chết nhà tan, đó là oán thù gì? Như vậy gọi là ân tình gì? Chẳng qua người giang hồ chúng ta vì mê muội, không phân biệt lý lẽ, tự mình chuốc lấy sai lầm.

Tiểu Nhạn vẫn chau mày, khoát tay nói :

– Di phụ đừng nhắc đến nữa, đều do mệnh trời! Hiện giờ điệt nhi chỉ muốn gặp lại mẫu thân cùng bào đệ rồi đi thôi.

Chí Hiền giật mình nói :

– Hiền điệt không biết sao? Mẫu thân cháu qua đời đã hơn một tháng rồi. Vì người đang bệnh nặng mà việc làm ăn của Đổng Đại không được trôi chảy, nên ngày ngày hắn chửi mắng mẫu thân cháu, khiến bà uất ức lại thêm tưởng nhớ đến cháu, nên không gượng dậy nổi mà bỏ thân. Để lại hai hài tử cho Đổng Đại cũng đều bị bệnh mà chết.

Nghe vậy, Tiểu Nhạn lại gạt nước mắt hỏi :

– Mã di phụ, mộ phần của mẫu thân tiểu điệt ở đâu? Xin người đưa điệt nhi đến thắp nén hương tế vong linh mẫu thân.

Bao đau thương dồn dập đổ lên đầu chàng trong thời gian quá ngắn, khiến Tiểu Nhạn cơ hồ khó chịu đựng nổi. Những nỗi mất mát này khiến chàng quyết định về khách điếm thu dọn hành lý, mau chóng ra đi, từ giã nơi chỉ gieo cho chàng khổ đau, thống hận.

Tiểu Nhạn đưa tiền bảo tiểu bảo mua hoa giấy tiền vàng bạc và vật lễ cúng rồi thanh toán tiền phòng, lên ngựa ra khỏi huyện thành. Đến Bắc Sơn, Tiểu Nhạn đốt một ít giấy tiền vàng bạc, thầm khấn :

“Phụ thân, hài tử đã báo được thù cho người. Long Chí Khởi cầm đao hạ sát phụ thân thì chính tay hài nhi đã lấy đầu hắn. Còn những việc khác hài tử không thể làm. Vì muốn báo thù cho phụ thân mà hài tử đã gây nên bao điều oan trái. Ngày nay nộ khí của hài tử đã hoàn toàn tiêu tán. Xin người hãy an lòng nhắm mắt”.

Sau đó, chàng thúc ngựa đến phần mộ của mẫu thân cúng tế rồi thầm khấn :

“Mẫu thân hãy yên tâm nghỉ ngơi. Hài tử đã có thể tự mình lo liệu cho mình rồi. Đại thù cũng đã báo xong. Riêng bào đệ Tiểu Lộc buôn bán phương nào, thì hài tử chưa tìm gặp. Nhưng chắc bào đệ tốt hơn hài nhi nhiều. Bào đệ có thể yên phận buôn bán, còn hài tử không thể. Hài tử định cả đời ẩn tích thâm sơn, chuyện giang hồ không nhắc đến nữa”.

Sau đó, chàng cưỡi ngựa về phía Nam, trở lại gốc liễu xưa, xuống ngựa lấy phần giấy tiền còn lại đốt cả dưới gốc liễu, tro tàn bị cơn gió nhẹ thổi qua bay lả tả như cánh bướm phấp phới. Tiểu Nhạn bi thương nói :

– A Loan hiền muội, nơi nàng yên nghỉ nhất định không xa nơi này. Âm hồn của nàng hẳn sẽ ở mãi bên ta. Giờ ta sắp đi rồi, nhưng mỗi ba năm huynh lại sẽ đến đây đốt hương cho muội. Thù hận giữa hai nhà Giang – Bào xem như đã tính toán xong. Xót thương linh hồn muội vì đau thương mà hủy diệt. Thôi huynh đi đây. Tạm biệt!

Như chia sẻ cùng chàng, mây trời mờ mịt giăng giăng khắp nơi. Mưa lạnh lắc rắc rơi, cảnh tượng thê lương. Bọn hài tử đang đùa nghịch bên ngoài cũng mau chóng chạy về nhà vừa hét to :

– Trời sắp mưa rồi.

Tiểu Nhạn rút trường kiếm vạt một miếng vỏ cây liễu cất vào hành lý, rồi lên ngựa ra roi đi về hướng bắc.

Ra khỏi Trấn Ba không xa, mưa đã đổ ập xuống, nhưng Tiểu Nhạn vẫn tiếp tục đi trong mưa qua Thái Lãnh đến Trường An. Chàng không vào thành mà tìm đến một tửu điếm ở phía nam dùng cơm trưa xong, định kéo ngựa ra khỏi nam môn. Chợt trước mặt có người gọi lớn :

– Giang Tiểu Nhạn!

Tiểu Nhạn giật mình ngước mặt nhìn xem thì ra là Lưu Chí Viễn của Côn Lôn phái. Thấy hắn đang mặc tang phục, Tiểu Nhạn vòng tay hỏi thăm.

Chí Viễn thở dài nói :

– Tiểu Nhạn phải từ Trấn Ba đến đây không? Mi xem kết cuộc Bào gia thê thảm thế nào? Việc Bào A Loan chết, ta đã được tin. Hiện giờ, sư phụ cũng đã mất rồi. Linh cửu đang quàn ở trong thành Ngọa Long. Hai ngày nữa sẽ đưa về Trấn Ba.

Tiểu Nhạn ngẩn người nói :

– Bào lão sư chết không liên quan đến ta. Ở Vân Thê lãnh, ta đã tha cho lão rồi.

Chí Viễn gật đầu công nhận :

– Không can hệ đến mi. Bào gia rơi vào hoàn cảnh hôm nay đều do sư phụ tạo nên. Người quá thiên vị. Lão đối với đồ đệ thì nghiêm khắc còn đối với huynh đệ họ Long thì bảo hộ thái thậm. Trước kia, mi ở Bào gia, nếu sư phụ là người sáng suốt đã sớm ngăn cản nhị tử Bào Chí Lâm đừng lăng nhục, càng sớm tác hợp mi cùng A Loan, một nhà thành thân, oán thù tự nhiên giải. Thế nhưng sư phụ không làm, cố tình đối địch cùng mi, còn làm ra việc của Kỷ Quảng Kiệt nữa.

Vừa nhắc đến Kỷ Quảng Kiệt. Chí Viễn không ngừng mắng :

– Tên này là người gì vậy? Bọn ta ra Đồng Quan đối phó với mi, hắn đến đây gặp nơi nào cũng viết chữ tróc nã Giang Tiểu Nhạn, nhưng khi mi viết năm chữ đó trên người hắn, hắn lại không phát giác ra? Sau đó ở Võ Đang sơn gặp mặt mi lại không nhận ra mi, bị mi giễu cợt, hắn quay lại căm hận bọn ta. Khi quan nha Cốc Thành huyện, Chính Dương huyện đuổi đến, hắn bỏ mặc bọn ta, một mình thoát thân. Bọn ta phải chịu ngục tù thay cho hắn mấy tháng, may mà hộ viện của Cổ gia trang là Nhữ Châu Hiệp Dương Công Cửu là người khẳng khái nghĩa hiệp mới giải oan cho bọn ta. Sau khi ra tù, ta cùng Chí Diệu không muốn trở lại tham gia chuốc lấy phiền não trong giang hồ. Chí Diệu biết bào chế cao dược, nên cả hai chúng ta quyết định mãi võ bán thuốc mưu sinh. Đến Hà Quan, Lư Thị huyện gom được ít ngân lượng cùng nhau mở một tiệm bán thuốc nho nhỏ. Nửa tháng trước, đột nhiên sư phụ Bào Côn Lôn của ta đến Lư Thị huyện. Toàn thân mang thương, ngựa cùng cương đao đều không có. Lão nói bị một nữ nhân ở phía sau đuổi đến muốn lão đền mạng cho một tiểu hài. Lúc đó, nếu không gặp bọn ta, vì thương tích và đói khát mà lão nhân gia đã sớm tử vong rồi. Ta cùng Chí Diệu vội đem sư phụ vào tiệm thuốc lấy cao dược mà trị thương cho người. Nhưng lão nhân gia tựa như một người loạn trí, cơm nước không dùng, chỉ than khóc. Ngày kia ta và Chí Diệu ra thành bán thuốc, không ngờ lão nhân gia ở nhà, treo dây lên xà nhà thắt cổ tự tận. Bọn ta về đến, đem xuống thì sư phụ đã ngừng hơi rồi.

Chí Viễn nói xong, không ngừng lắc đầu thở dài.

Thì ra, hôm đó Bào Chân Phi ở Vân Thê lãnh gặp Tiểu Nhạn hoảng hốt chạy về Cửu Tiên quan. Sau đó tôn nữ A Loan mở cửa đối phó Tiểu Nhạn, lão cũng cầm Côn Lôn đao chạy ra muốn cùng tôn nữ liều mạng với Tiểu Nhạn. Không ngờ đến cửa, lão nghe thấy tôn nữ của mình đã sớm có tư tình cùng Tiểu Nhạn, lòng đại nộ. Bào Chấn Phi không ngờ tôn nữ yêu dấu của lão đang nằm trong lòng của kẻ thù nhân, giận đến râu tóc dựng ngược, phát sinh sát khí đang muốn thừa cơ giết cả Tiểu Nhạn lẫn tôn nữ phản nghịch. Nhưng lúc này A Loan thân đầy máu tươi, bi thương mềm yếu quả thực đáng tội nghiệp, còn Tiểu Nhạn tướng mạo anh tuấn rất xứng đôi vừa lứa, lại rất giống Giang Chí Thăng mà mười năm trước lão từng ra lệnh sát tử. Lão lại nghĩ đến việc làm của mình xưa kia quá nhẫn tâm, vì thế lòng lão mềm yếu, nên mới nghiến răng giận dữ bỏ đi.

Bào lão vốn muốn tìm Kỷ Quảng Kiệt muốn nói rõ chuyện này với hắn, rồi tạ lỗi mà mà thoái hôn, coi như do lão hồ đồ gây ra. Ngay cả việc tư tình của tôn tử mình với Tiểu Nhạn cũng không hề hay biết, nên làm chuyện sai lầm nhưng thực đây là điều bất đắc dĩ.

Lão hậm hực đi xuống núi, trải qua một đoạn đường dài lại cảm thấy bất ổn. Sự việc này thực xấu hổ, khó phân biện với đồng đạo võ lâm. Lão thở dài cảm thấy Côn Lôn phái đã đến thời mạt vận, có lẽ do những việc tàn ác lão từng tạo ra lúc còn ngang dọc hoành hành trên chốn giang hồ, nay mới có báo ứng thê thảm như vậy.

Lão tự nhủ cảm thấy hối hận muốn lui khỏi giang hồ, không cần màng đến chuyện thị phi. Hiện giờ, Bào lão chỉ còn một ước nguyện là trở về Trấn Ba, Bào gia thôn để gặp thứ tử Bào Chí Lâm tàn phế của mình.

Vì Bào lão biết Tiểu Nhạn sẽ đến Trấn Ba tìm lão, mà nhi tử Bào Chí Lâm của lão, lại có cựu thù với Tiểu Nhạn. Lão tuy lánh được, nhưng còn Chí Lâm vẫn ở lại Bào gia. Tiểu Nhạn không tìm được lão, nhất định sẽ trả hận với Chí Lâm. Tuy có Chí Tài bảo hộ, nhưng ngay bản thân lão còn chưa địch nổi Tiểu Nhạn thì thử hỏi một đồ đệ và một nhi tử tàn phế làm sao chống chọi được cùng Tiểu Nhạn.

Càng nghĩ lòng Bào lão càng lo lắng nôn nao, sải bước đi mau về Trấn Ba huyện. Lão sợ Tiểu Nhạn đuổi theo, nên không dám dừng chân, thuận theo sơn lộ cấp tốc mà đi.

Không biết trải qua bao nhiêu đường lộ, cảm thấy Tiểu Nhạn không đuổi theo phía sau, mới dần dần an tâm. Xuống đến chân núi, Bào lão lại chuyển sang một góc núi, bắt gặp một cây thiết trượng to lớn nằm ở ven sơn lộ. Cách đó hơi xa một chút có một tử thi, diện mạo người này dường như bị thú dữ cào cấu nên nhìn không rõ, chỉ thấy y phục là một tăng bào. Bào lão nhân chăm chú nhìn thì nhận ra đó là Thiết Trượng Tăng thần sư đã từng cứu mình.

Bào Chấn Phi nhìn thảm cảnh như vậy, biết đêm qua Thiết Trượng Tăng đã quyết đấu với Tiểu Nhạn và bại dưới tay Tiểu Nhạn, nên lòng càng âu lo, buồn bã nghĩ thầm :

“Thiết Trượng Tăng không phải vì cứu ta mà giao đấu cùng tiểu tử đó, thì sao lại chết thảm như vậy?”.

Bào lão sợ Tiểu Nhạn lại đuổi đến, nên đâu dám chần chừ, phân biệt phương hướng rồi cứ cắm cúi chạy xuống.

Suốt nửa ngày đường, giờ trời đã hoàng hôn mới đến Ôn Thần trấn. Bào Chấn Phi cảm thấy đói khát và mệt mỏi nên ghé vào tửu điếm dùng cơm, rồi cứ ẩn nấp trong phòng, không dám đi ra.

Lão cứ nằm mãi trên giường nhưng không tài nào ngủ được. Lão nhớ đến những việc xảy ra gần đây đối với mình và những khổ nạn mà Tiểu Nhạn gây ra cho mình. Rồi sực nhớ Bào Chí Lâm, chẳng biết Tiểu Nhạn có tìm đến giết hại nhi tử lão chưa. Nghĩ đến đây lại nóng lòng muốn về ngay Trấn Ba, nhưng thời gian lúc này đã trễ lại nữa thân lão rã rời, muốn lên đường cũng không nổi, đành thở dài miên man suy nghĩ rồi ngủ lúc nào không hay.

Sáng hôm sau, Bào lão sư mau chóng khởi hành về Trấn Ba. Lòng càng lo chân càng dồn bước. Trưa đó, đã đến Trấn Ba huyện.

Nhìn lại cố hương, bất giác nhớ lại năm đó lão từng là một hào kiệt ngất trời, độc bá một phương. Còn giờ đây là một lão đầu râu tóc bạc đang bị người dồn đến không còn đường mà chạy, lưu lạc tứ phương. Bào lão tự cảm thấy tủi hổ với người, nhưng rồi thu hết dũng tâm, nghiến răng cất bước vào thành, nhưng lão không dám ngang nhiên đi vì sợ thiên hạ nhận ra lão là Bào Côn Lôn Bào Chấn Phi, sợ họ gặp được dáng vẻ thảm hại của mình.

Bào lão bước đến tiệm sắt họ Mã, thấy cửa tiệm tiêu điều, lòng lão càng buồn hơn. Ở góc tiệm đang ngồi một đứa tiểu đồ, Bào lão bước đến hỏi :

– Mã chưởng quỹ có đây không? Mau tìm hắn cho ta.

Tên tiểu đồ ốm yếu thấy Bào lão râu tóc bạc trắng, dung mạo tiều tụy có chút nghi ngại. Lúc Bào lão bảo như vậy mới uể oải nói :

– Mã chưởng quỹ không có ở nhà. Lão là ai? Tìm chưởng quỹ có việc gì không?

Lão sư định nói ra danh tính, nhưng nghĩ hài tử này biết gì, thế nên lão lại hỏi :

– Mã chưởng quỹ đi đâu?

Tiểu hài lại đáp :

– Người đã đến Củng gia trang Củng Cử nhân mà làm hộ viện rồi.

Bào lão sư nghe nói biết hiện giờ Mã Chí Hiền đã tìm được một chỗ sinh nhai, lòng có chút an ủi nhưng rồi lão lại tự trách mình sao vô tình lúc trước sao không tìm cho hắn một nơi sinh kế lập nghiệp, để hắn giờ đây không phải đi bước đường này.

Nghĩ đến đây, Bào lão lại thở dài nghĩ lưu lại nơi này cũng không ích gì, bèn quay đầu rời khỏi tiệm sắt đó.

Ra khỏi nam môn đã thấy Bào gia thôn. Lúc này Bào lão thực nóng lòng lo lắng cho Bào Chí Lâm ở nhà chẳng biết ra sao. Lão đi vội về. Đến trước cửa nhà mình, thấy cảnh tượng quá khác xưa. Sân luyện võ đã lâu không dọn dẹp, nước mưa đọng thành vũng, mặt đất lồi lõm. Hai cánh cửa đóng im ỉm, đến cảnh này lòng Bào lão bi thương quá đỗi, ngay cả gõ cửa lão cũng không còn dũng khí. Hồi lâu, mới nghiến răng dùng quyền đấm vào mấy cái. Rất lâu, bên trong mới vọng ra tiếng hỏi của một nam tử :

– Ai đó?

Bào lão vội đáp :

– Ta đây!

Bên trong lại hỏi :

– Lão là ai? Họ gì?

Bào lão thấp giọng :

– Ta là Bào Chấn Phi!

Bên trong nghe nói là Bào lão quyền sư, cất tiếng kinh ngạc :

– A! Thì ra là lão sư phụ!

Cửa lập tức mở ra. Một người khoảng trên ba mươi, mặt vàng, thân mặc áo trắng, tay cầm Côn Lôn đao. Thấy Bào lão đã vội khom người thi lễ hỏi :

– Sư phụ! Lão nhân gia thế nào? Vì sao lại về đây? Đã gặp Tiểu Nhạn chưa?

Rồi hắn không chờ Bào lão trả lời đã tiếp :

– Sư phụ! Tiểu Nhạn cũng đã đến nơi này!

Bào lão nghe nói nhảy dựng lên hỏi dồn :

– Chí Tài! Tiểu Nhạn đến đây làm gì?

Thì ra đó là Chí Tài, đồ đệ tâm đắc của Bào lão. Lần trước, hắn bị Tiểu Nhạn đả thương giờ đã lành rồi.

Hắn đưa Bào lão vào trong, gọi lớn :- Bào sư phụ về rồi! Bào sư phụ về rồi!

Lập tức trong viện chạy ra mấy phu nhân đồng loạt hành lễ cùng Bào lão. Chấn Phi thấy mọi người bình yên, trong lòng có chút an ủi. Bào lão chờ họ thi lễ xong, mới bước vào trong hỏi :

– Chí Lâm giờ ra sao?

Lúc đó Chí Lâm đang nằm trên giường, nghe tiếng phụ thân đến gần. Bào lão thấy nhi tử của mình vẫn còn, lòng vui mừng. Chí Lâm hỏi :

– Phụ thân tại sao trở về? Phải chăng đã giết được Giang Tiểu Nhạn? Lần trước hắn đến đây khiến con kinh hãi khôn cùng.

Thế là Chí Lâm bèn đem việc lần trước Tiểu Nhạn đến tìm kể qua một lượt, lại nói nhờ ân Chí Tài đã liều mạng cứu tử nên bị Tiểu Nhạn đả thương, sau đó Chí Hiền đến khuyên giải, nhưng Tiểu Nhạn vẫn xông vào trong viện mà phá phách. Chí Lâm kể đến đoạn Tiểu Nhạn lôi mình từ trong gầm giường ra, mặt hắn trắng bệch, tay chân run rẩy, nói :

– Tiểu Nhạn phát giác không có phụ thân ở đây, vô cùng phẫn nộ, lập tức cầm kiếm muốn giết nhi tử, hài nhi liền nhận lỗi, rồi có Chí Hiền khuyên can, hắn mới buông tha. Phụ thân, võ nghệ Tiểu Nhạn vô cùng lợi hại. Người đã từng giao thủ với hắn chưa?

Bào lão thì không ngừng thở dài, lại đem chuyện sau khi rời nhà đến nơi của Chí Cường nhận được thư tín của Tiểu Nhạn, rồi việc lão lợi dụng Quảng Kiệt tróc nã Tiểu Nhạn, việc lão đến nhà bằng hữu ẩn lánh, lại từ nhà bằng hữu đến Xuyên Bắc, gặp Chí Khởi bị người ta vu oan làm giặc, lão tìm cách giải oan cho Chí Khởi. Nhưng cũng vì vậy, lão đã kết thù cùng nhi tức của Lang Trung Hiệp là Thái Tiểu Tiên vì đã ngộ sát bào đệ của nàng là Thái Tiểu Hùng mới dẫn đến cuộc đại chiến với Lang Trung Hiệp. Sau nhờ Trình Bát đứng giữa hòa giải hai nhà ở tửu điếm. Không ngờ, Tiểu Nhạn nghe tin đuổi đến. Hai người giao thủ một hồi, nhưng rồi lão đã bại dưới tay Tiểu Nhạn, bị Ngũ Kim Hổ trói lại định giải về Trấn Ba. Giữa đường, nhờ Thiết Trượng Tăng giải thoát, lão chạy đến Vân Thê lãnh Cửu Tiên quan thì cũng gặp A Loan tại đó. Về sau, Tiểu Nhạn cũng đuổi đến kịp. A Loan đã cầm đao ra nghinh địch còn lão thì chạy về đây.

Mọi người nghe xong, không ngừng than thở, vừa khẩn trương vừa sợ hãi. Bào lão kể xong vội hỏi :

– Hiện giờ ở Hán Trung và Tử Dương thế nào rồi?

Chí Tài nói :

– Ở Hán Trung thì vẫn còn tốt. Tiểu Nhạn chỉ đến Tử Dương vì hắn tìm Long Chí Khởi. Hắn đến Thanh Viễn tiểu điếm gặp Chí Minh và Chí Viễn ở đó. Tiểu Nhạn giao đấu với Chí Viễn nhưng chỉ qua mấy chiêu Chí Viễn đã bị sát thương. Chí Minh vội nói với Tiểu Nhạn, kẻ bất nhân giết phụ thân hắn chỉ có một Long Chí Khởi và lão cũng đã chạy đến Xuyên Bắc, cho nên Tiểu Nhạn mới đến Xuyên Bắc tìm Chí Khởi.

Bào lão biết Tiểu Nhạn từng đến Tử Dương, lòng nghĩ :

“Côn Lôn phái giờ đã suy tàn rồi. Ta cả đời ngang dọc giang hồ, nay lại gặp bước này. Nghĩ rằng Côn Lôn phái hết cách trùng hưng được”.

Càng nghĩ càng đau thương, lão luôn miệng thở vắn than dài.

Không dám ở lâu tại Bào gia thôn, lão không còn mặt mũi nào nhìn môn đồ. Lão sợ bọn đệ tử biết lão ở đây nhất tề tìm đến.

Trời chưa sáng hẳn, vẫn còn chìm đắm trong bóng đêm mờ nhạt, Bào lão đã âm thầm rời khỏi Bào gia thôn. Lúc này, ánh sao yếu ớt lung linh chiếu lên gương mặt già nua, khiến râu tóc bạc trắng trở nên xám nhạt, trong đôi mắt nhăn nheo thất thần lăn ra mấy giọt nước. Gió thu sớm hây hây thổi, Trong đêm về sáng, vang lên tiếng chân đơn độc cô đơn của lão pha lẫn vài tiếng chim kêu lạc lõng, sao lòng lão cảm thấy quá thê lương. Lão lặng lẽ cất bước đi về phương trời xa xăm vô định.

Từ khi Bào lão lưu lạc không mục tiêu. Lão không muốn trở về Trấn Ba và Hán Trung vì nơi đó có nhi tử và đồ đệ của lão. Còn Xuyên Bắc có Thái Tiểu Tiên của Lang Trung Hiệp. Nếu gặp nàng ta chắc chắn Tiểu Tiên không quên mối thù giết sư đệ, tất sẽ liều mạng cùng lão, nên Bào lão sư bèn đến Trường An. Từ đó, người giang hồ không ai biết tung tích Bào Côn Lôn. Nhiều người cho rằng Bào lão đã bị Tiểu Nhạn bức tử ở hoang sơn rồi.

Có lần, Bào lão nhận thấy lộ phí mình mang theo có hạn, nếu cứ tiếp tục tiêu pha thế này quyết sẽ đến ngày chết đói nơi xứ người, nên lão tìm đến một thị trấn có nhiều người qua lại mãi võ kiếm tiền. Những người đi đường thấy một lão đầu râu tóc bạc phơ, tay cầm cương đao mà múa võ, họ hiếu kỳ vây chặt để xem.

Bào lão đi một bài đao. Chỉ thấy đao trong tay lão loang loáng chợt lên chợt xuống, chợt tả chợt hữu khiến người hoa mắt. Mọi người đứng xem hết sức tán dương cổ vũ :

– Lão đầu, hảo đao pháp!

Bào lão nghe nhất thời hùng tâm nổi dậy như thời niên thiếu, lão nghĩ :

“Bào Côn Lôn ta tuy nay đã già lão, nhưng trong tay có Côn Lôn đao thì việc gì cũng không phải sợ. Hiện giờ trên giang hồ chỉ có Tiểu Nhạn đủ sức vượt qua Bào Côn Lôn này. Người khác đều bại trong tay của ta”.

Bào lão nghĩ vậy, nên hưng phấn trở lại. Chính lúc đó, có người cưỡi một chú lừa nhỏ từ sau lưng những kẻ đứng xem xông đến. Người này là một thiếu phụ xinh đẹp, trên tay cầm thanh trường kiếm.

Bào lão vừa nhìn thấy đã thất kinh, thì ra chính là Thái Tiểu Tiên, sư tỷ của Thái Tiểu Hùng.

Thái Tiểu Tiên xuống lừa, đến trước mặt Bào lão tay cầm kiếm, đôi mắt đẹp của nàng quắc lên ngăn Bào lão lại, rồi cười nhạt nói :

– Bào lão đầu, không ngờ hội diện nơi đây. Lão hãy mau đền mạng cho bào đệ ta.

Dứt lời, Thái Tiểu Tiên huy động thanh trường kiếm trong tay chém tới. Bào lão né người tránh, vung Côn Lôn đao ra đỡ, sắc mặt lão trắng bệch.

Bào lão cảm thấy hối hận, biết trước đây mình giết Thái Tiểu Hùng thực là quá đáng. Vì lão đã biết rõ là Long Chí Khởi đã mạo nhận Giang Tiểu Nhạn làm những điều thương luân nghịch lý, ác độc vô cùng để gieo tiếng xấu cho Tiểu Nhạn. Việc hắn trêu chọc Thái Tiểu Tiên cũng là thực. Giờ lão đã hiểu rõ rồi, nên hôm nay gặp Thái Tiểu Tiên, Bào lão biết rõ nàng nhất định không tha cho lão.

Bào lão chẳng dám nói nhiều, chỉ vung Côn Lôn đao ra mà đỡ.

Người xem chung quanh càng tụ tập đông hơn, náo nhiệt hẳn lên. Bọn họ tránh mặt sang bên, đứng xa xa nhìn một lão già râu tóc bạc phơ đấu bán mạng cùng một thiếu phụ xinh đẹp như hoa.

Đánh liên tiếp hơn hai mươi mấy hiệp, Bào lão vì niên kỷ đã cao, lâu nay tâm tình ưu sầu không chuyên luyện tập. Càng đánh tinh thần lẫn sức lực đều suy giảm.

Còn Tiểu Tiên càng đánh càng phấn chấn, vì đại thù hận từ lâu mang nặng trong lòng lúc này được dịp phát tiết ra. Thù giết bào đệ nhất định phải báo, tâm ý đã quyết.

Do vậy, đánh thêm mười hiệp nữa Bào lão chống đỡ cơ hồ hết nổi. Tiểu Tiên thừa lúc đao pháp Bào lão vừa rối loạn đã chém trúng vào vai trái của Bào lão.

Nhưng Bào lão vẫn nghiến răng chịu đau, cầm Côn Lôn đao đánh tới.

Thái Tiểu Tiên thấy Bào lão đã thọ thương ở vai trái, định thừa dịp xông đến lấy luôn tính mạng của lão tế vong linh bào đệ Thái Tiểu Hùng.

Trong lúc thập phần nguy cấp, chợt những người chung quanh la lớn :

– Có quan nhân đến!

Bào lão và Thái Tiểu Tiên vội ngừng tay. Nhân cơ hội này, Bào lão lẩn vào đám đông nhốn nháo tìm đường chạy thoát.

Còn Tiểu Tiên cũng không dám theo truy sát mà leo lên lưng lừa chạy đi.

Riêng Bào lão mang thương thế cùng cơn đói khát, thân thể tàn tạ mà lưu lạc đến tiệm thuốc của Chí Diệu, Chí Viễn. Lão trải qua những đau thương tủi nhục, nên ý niệm sinh tồn không còn nữa. Sau đó gặp lúc Chí Diệu, Chí Viễn ra ngoài buôn bán, Bào lão cuối cùng đã âm thầm treo cổ tự vẫn.

Nói đến đây, Chí Viễn thở dài cảm khái, dùng tay áo lau nước mắt, cứ mãi lắc đầu đau khổ.

Tiểu Nhạn nghe kể về cái chết của Bào lão, cũng cảm thấy lão thực đáng tội nghiệp, lòng chàng có phần hối hận.

Chí Viễn lại nói :

– Bọn ta đã tẩm liệm lão nhân gia rồi. Hôm kia mới đưa vào Trường An, hôm qua đặt ở Ngọa Long tự mà cầu siêu. Hai ngày nữa Cát sư huynh sẽ đưa người từ Hán Trung đến mà đưa linh cữu lão sư phụ trở về nguyên quán. Sau này, ta trở lại Lư Thị huyện mà bán thuốc kiếm chén cơm, giang hồ ta không màng đến nữa. Tiểu Nhạn huynh đệ hiện giờ muốn đi đâu. A Loan chết rồi, ta có thể góp ý với huynh đệ. Ở Lư Thị huyện hiện có một tài chủ cô nương đang kén phu quân. Anh hùng đừng lụy bể tình ái, ta khuyên huynh đệ nên đến đó đi.

Tiểu Nhạn lắc đầu rồi vòng tay chào từ biệt Chí Viễn, lên ngựa ra roi mà đi.

Một đường sầu thảm nặng nề, phong trần bụi bám. Chàng giờ như một lãng tử phong sương, gió trăng làm bạn, lữ điếm là nhà.

Trước tiên, Tiểu Nhạn đến Sơn Tây tìm gặp bào đệ Giang Tiểu Lộc.

Tiểu Lộc nay đã lớn, thân thể cường tráng tuấn tú khôi ngô, giờ đã thông thạo việc buôn bán. Huynh đệ tương hội, chuyện mừng vui khôn xiết. Tiểu Nhạn chốc chốc lại nhắc đến chuyện xưa, nhưng khi Tiểu Lộc hỏi đến nguyên nhân cái chết của phụ thân và kẻ sát hại thì Tiểu Nhạn không chịu nói ra, chỉ khuyên hắn cố chuyên tâm kinh doanh, tạo dựng sự nghiệp, làm vui lòng phụ mẫu chốn cửu tuyền. Cho nên về sau Tiểu Nhạn thỉnh thoảng lại đến Sơn Tây thăm viếng Tiểu Lộc, thường lưu lại vài ngày.

Còn lần này Tiểu Nhạn từ giã bào đệ, sau đó đi về phía nam định trở về Cửu Hoa sơn gặp lại sư phụ.

Một ngày trên đường đại lộ, nơi đó cũng gần đến Cửu Hoa sơn, lòng chàng vui mừng, bất chợt Tiểu Nhạn bắt gặp ven đường có một gốc liễu lại cảm thấy lòng nặng trĩu ưu sầu. Nhìn gốc liễu chàng như thấy có hình dáng một nữ hài đang giận dỗi, phụng phịu giậm chân nói :

– Tiểu Nhạn! Tiểu Nhạn! Diều giấy của ta mắc trên nhánh cây kia, ta hết cách đem xuống. Mi lên đó lấy xuống cho ta đi.

Rồi đột nhiên, chàng lại cảm thấy như có tiếng nói đau thương, nữ hài đó đã trở thành một nữ lang xinh đẹp nhưng giờ tóc tai rũ rượi, toàn thân đẫm máu, đang nghẹn ngào nói :

– Giang huynh, hãy ôm chặt muội vào lòng cho đến khi muội tắt thở.

Tiểu Nhạn lòng đau như cắt, vội thúc ngựa xông lên. Nhưng chớp mắt những hình ảnh đó đều biến mất, chỉ có trở lại một gốc liễu già ủ rũ, lung lay theo từng cơn gió nhẹ.

Tiểu Nhạn thương cảm thở dài, cảm thấy hối hận. Thấy ngày xưa mình hành sự sao thái quá, khiến A Loan yêu hận lẫn lộn đành tìm cái chết trên kiếm của chàng.

Tiểu Nhạn rơi nước mắt muốn lấy miếng vỏ cây cổ liễu ở Bào gia thôn ra xem, chợt phía góc đường trước mặt đi đến một người dường như đạo sĩ, dáng vẻ giận dữ, tay cầm bảo kiếm xông đến.

Tiểu Nhạn lấy làm ngạc nhiên, trên lưng ngựa định thần nhìn xem thấy người này có vẻ quen thuộc, nhưng chưa nhớ gặp ở đâu thì đạo sĩ này cười lạnh, nhếch môi hỏi :

– Giang Tiểu Nhạn, mi còn nhớ ta không? Món nợ ở Võ Đang sơn, bọn ta còn chưa thanh toán, mi giết chết Đạo Đăng đạo cô, một bằng hữu tốt của ta khiến ta bị Huyền Thanh lão tổ sư trừng phạt. Nếu hôm nay ta không giết mi, làm sao tiêu hận của ta?

Dứt lời, vung kiếm chém đến Tiểu Nhạn. Trên lưng ngựa, Tiểu Nhạn nhảy xuống chớp nhoáng rút kiếm giao chiến cùng hắn. Ven đường, hai người đánh nhau chẳng ai nhượng ai.

Thì ra đây là Lăng Vân Kiếm Khách Lữ Sùng Nhai, một trong Thất Đại Kiếm Tiên mà Tiểu Nhạn từng gặp ở Võ Đang sơn.

Lữ Sùng Nhai căm hận Tiểu Nhạn biết quan hệ giữa hắn và Đạo Đăng. Vì thế ở Võ Đang hắn đã từng dùng lời xảo ngôn chỉ dẫn Tiểu Nhạn đến những nơi Đạo Đăng trú ngụ, mong cho Tiểu Nhạn sớm rời khỏi Võ Đang. Nào ngờ, Tiểu Nhạn lại sinh lòng hoài nghi, càng chắc chắn giữa hắn và Đạo Đăng có mối quan hệ với nhau. Sau đó, Lữ Sùng Nhai còn tìm cách dẫn dụ Tiểu Nhạn đến Tử Tiêu phong, định mượn tay Huyền Thanh hạ thủ chàng. Nhưng Tiểu Nhạn lại phơi bày rõ bí mật của hắn trước Huyền Thanh. Hắn muốn giết Tiểu Nhạn, nhưng bị Huyền Thanh cấm đoán, nên không thể ra tay độc thủ. Thêm bọn Á Tử, Quảng Kiệt, Phụng Kiệt lên núi cùng Huyền Thanh hẹn ước, nếu thắng sẽ tha tội cho Tiểu Nhạn và được quyền tra xét núi này. Không ngờ, đêm trước Tiểu Nhạn đã chạy thoát, gặp được Đạo Đăng mà sát tử bà ta. Còn Á Tử đã đánh bại Huyền Thanh, nên lão tổ sư hứa sẽ trừng phạt họ Lữ.

Họ Lữ thừa cơ mọi người đang chú tâm theo dõi cuộc chiến giữa Huyền Thanh và Á Tử, không ai để ý mà bỏ trốn. Nhưng hắn không dám đường hoàng đi mà phải nấp trong hang động trong núi hai ngày đêm, vì sợ nếu bọn đạo sĩ phát giác tất việc đào thoát khó thành công.

Trải qua hai đêm như vậy mới chạy khỏi Võ Đang sơn, một đường xuống phía nam tìm Tiểu Nhạn. Vì Lữ Sùng Nhai biết Tiểu Nhạn nhất quyết trở về Cửu Hoa sơn mà gặp sư phụ. Nếu hiện giờ không giết được Tiểu Nhạn, thì khi chàng trở về Cửu Hoa sơn, hận thù này vĩnh viễn hắn đừng mong trả được. Hiện giờ võ nghệ Tiểu Nhạn lợi hại như vậy, nếu để chàng rèn luyện thêm một năm nữa, hắn khó thể là đối thủ.

Họ Lữ càng nghĩ càng nóng nảy, càng nghĩ đến Đạo Đăng càng căm hận Tiểu Nhạn. Hận không tức khắc gặp mặt mà giết Tiểu Nhạn báo thù cho Đạo Đăng.

Lữ Sùng Nhai cứ ngày đi đêm nghỉ, thỉnh thoảng thăm dò tin tức của Tiểu Nhạn. Nhưng tung tích Tiểu Nhạn vẫn bặt vô âm tín, khiến họ Lữ càng thêm nóng lòng. Hắn đâu hay lúc đó Tiểu Nhạn cùng Quảng Kiệt theo Á Tử huynh đến gia trang Nhan viên ngoại mà thăm A Loan. Tiểu Nhạn vì cái chết của A Loan mà kéo dài thời gian trở lại Cửu Hoa sơn. Hơn nữa, Tiểu Nhạn còn trở về Trấn Ba thăm thân mẫu và bái tế phụ thân, nên họ Lữ cứ mãi chờ đợi, mong tin…

Lữ Sùng Nhai vẫn tiếp tục đi về Cửu Hoa sơn, định tâm truy tìm Tiểu Nhạn. Sau đó, họ Lữ biết Tiểu Nhạn đi gặp bào đệ Tiểu Lộc, không lâu sau sẽ về Cửu Hoa sơn. Vì thế, hắn đến nơi đây cách không xa Cửu Hoa sơn, ẩn thân hy vọng gặp Tiểu Nhạn.

Hôm nay, Lữ Sùng Nhai đang thong thả đi trước núi, chợt nghe xa xa vang lên tiếng vó câu dập dồn, nhìn ra Giang Tiểu Nhạn, thù nhân bấy lâu mình tìm kiếm, hắn lập tức chạy đến đâm Tiểu Nhạn liên tiếp mấy kiếm.

Tiểu Nhạn thấy thế kiếm pháp họ Lữ khá lợi hại, nên tuốt kiếm ứng chiến, đồng thời mai mỉa :

– Ta cứ ngỡ là ai, hóa ra là tên tặc đạo sĩ của Võ Đang sơn Lữ Sùng Nhai. Ta tưởng mi đã bị lão tổ Huyền Thanh giết rồi, sao còn mò đến đây? Không ngờ thanh quy của Võ Đang đã bị tay mi phá tan nát. Hiện giờ còn dám đến đây hành hung trước mặt Giang mỗ ư? Ta phải thay mặt Tam Thanh giáo huấn tên giả đạo sĩ như mi.

Nói rồi, Tiểu Nhạn triển khai kiếm pháp, còn Lữ Sùng Nhai vì căm tức Tiểu Nhạn nên luôn tìm những chỗ chí mạng mà đâm vào. Hai kiếm như hai giao long quấn lấy nhau.

Tiểu Nhạn thấy Lữ Sùng Nhai muốn liều mạng cùng chàng, nên không dám khinh địch. Tận dụng sở học đem ra thi triển với họ Lữ.

Ác chiến hơn hai mươi hiệp vẫn bất phân thắng bại, chỉ thấy kiếm quang càng lúc càng dày, kiếm chiêu càng lúc càng hung hiểm. Đột nhiên, Tiểu Nhạn biến chiêu, đem kiếm pháp mà Á Tử truyền thụ cho trước khi chàng hạ sơn ra sử dụng, thì thấy kiếm thức của họ Lữ bắt đầu rối loạn, hắn muốn quay người bỏ chạy vào khu rừng sau lưng.

Lữ Sùng Nhai sắp bị Tiểu Nhạn đả thương, thình lình có một đạo sĩ vừa chạy đến vừa kêu lớn :

– Giang thí chủ. Hạ thủ lưu nhân!

Người này chạy đến, Tiểu Nhạn nhìn xem, chính là Huyền Thọ, một trong Thất Đại Kiếm Tiên. Chàng vội thu kiếm bước sang bên, Huyền Thọ bước đến xá một cái. Lữ Sùng Nhai nhìn thấy Huyền Thọ vội biến sắc mặt, lập tức chạy vào trong rừng. Huyền Thọ vừa thấy họ Lữ đào tẩu, tức tốc vọt đến sau lưng Sùng Nhai, hét lớn :

– Lữ Sùng Nhai! Mi còn muốn chạy sao? Hôm nay là báo ứng của mi. Nếu để mi đào tẩu, bần đạo không phải là người Võ Đang đâu!

Dứt lời, thân hình đã đến nơi, Huyền Thọ vung tay phải ra điểm huyệt sau lưng Sùng Nhai. Họ Lữ kêu lên một tiếng, ngã nằm dài trên mặt đất. Tiểu Nhạn vội đuổi theo, Huyền Thọ nói với Tiểu Nhạn :

– Giang thí chủ. Thực xin lỗi. Bần đạo phụng mệnh sư tổ tróc nã Lữ Sùng Nhai. Họ Lữ đã thừa lúc Huyền Thanh đạo trưởng giao chiến cùng Á Tử hiệp khách, hắn bỏ chạy xuống núi. Lúc chúng ta phát giác ra đã không thấy tung tích hắn. Huyền Thanh tổ sư biết chuyện hết sức phẫn nộ. Người cho rằng chuyện xảy ra ở Võ Đang sơn lần này đều do tên này mà ra, vì vậy đã phái bần đạo cùng Huyền Hải đạo trưởng xuống núi, bất luận thế nào cũng phải giải hắn về trị tội thì mới mong lấy lại thanh danh Võ Đang. Hy vọng Giang thí chủ nể mặt để bần đạo mang hắn về phục mệnh.

Tiểu Nhạn nghe Huyền Thọ nói như vậy, lòng tự nghĩ :

“Cũng được! Giờ ta cũng đã nhạt nhẽo với chuyện giang hồ, không muốn loạn sát nhân mạng. Vả chăng ta cũng mong sớm về Cửu Hoa sơn bái kiến sư phụ. Hiện giờ, đã có Huyền Thọ ở đây, mình cũng cần gì chuốc lấy phiền hà”.

Thế nên, chàng mỉm cười, vui vẻ nói với Huyền Thọ :

– Đạo trưởng. Tại hạ vốn không muốn sát tử hắn, nhưng vì hắn quá bừa bãi, nên mới định trừng phạt. Hiện giờ đã có đạo trưởng muốn đem tên phản đồ này về Võ Đang sơn mà lấy lại thể diện cho Võ Đang, tại hạ xin để tùy đạo trưởng phát lạc.

Huyền Thọ hành lễ rồi nói :

– Bần đạo xin đa tạ. Tạm biệt!

Nói rồi, lấy dây lưng trên người trói Lữ Sùng Nhai lại, rồi giải khai huyệt đạo cho hắn. Lúc này họ Lữ gầm đầu không nói để mặc cho Huyền Thọ bố trí. Lúc sắp đi, họ Lữ còn quay đầu lại căm tức nhìn Tiểu Nhạn.

Tiểu Nhạn chỉ mỉm cười đáp lại, rồi đến bên ngựa tra kiếm vào vỏ, phi thân lên lưng ngựa, vung roi cho tuấn mã chạy đi. Chàng nóng lòng về gặp lão tiên sinh sư phụ.

Không lâu, Tiểu Nhạn đã về đến Cửu Hoa sơn. Lão sư phụ gặp chàng không nói lời nào, chỉ khuyên Tiểu Nhạn không nên xuống núi mà nên chú tâm luyện tập võ nghệ.

Thế là Tiểu Nhạn ở lại trên núi. Lão tiên sinh có mười mấy bí thuật điểm huyệt, kiếm pháp… toàn bộ võ thuật đã được Cửu Hoa lão tiên sinh ghi chép đều trao lại cho Tiểu Nhạn nghiên cứu rèn luyện. Lại còn vẽ ra những họa đồ cho Á Tử theo đó luyện tập.

Trên núi trồng mấy nương trà cũng đủ cho sinh hoạt của ba thầy trò, không cần bận tâm mưu sinh. Tiểu Nhạn cả ngày xem sách, vẽ tranh, đánh quyền, luyện kiếm, không thì cùng Á Tử chăm sóc mấy nương trà. Ngoại trừ vào mùa xuân, hái trà đem bán, gần như quanh năm chàng không hề xuống núi.

Trải qua năm năm, lão tiên sinh tuổi hạc quá cao, nên bị bệnh mà khuất. Tiểu Nhạn và Á Tử chôn cất sư phụ xong, chàng mới xuống núi một lần.

Chàng về Sơn Tây thăm bào đệ Tiểu Lộc, rồi về cố hương cúng lễ phụ mẫu, đến gốc liễu già thắp nén hương cho A Loan, rồi đến Lang Trung mà thăm Lang Trung Hiệp. Sau đó, theo Trường Giang xuôi về phía đông cuối cùng trở lại Cửu Hoa sơn.

Từ đó, mỗi cách ba năm chàng đều xuống núi một lần, và vẫn đi theo hành trình như trước nay.

Chàng không còn gọi là Giang Tiểu Nhạn nữa, mà đổi danh là Giang Nam Nhạn.

Thời gian qua, giờ đây anh hùng trên giang hồ nổi tiếng ở Bắc phương có Kỷ Quảng Kiệt, ở Thiểm Tĩnh có Lỗ Chí Trung, ở Xuyên Bắc có Từ Nhạn Văn. Giang Nam một vùng có thanh danh Lý Phụng Kiệt là vang dội nhất.

Lý Phụng Kiệt là đệ tử của Thục Trung Long, võ nghệ có phần kém hơn Kỷ Quảng Kiệt, nhưng mấy năm gần đây, hắn là mộ binh của tướng quân ở An Khánh phủ, nơi đóng quân cách Cửu Hoa sơn không xa, nên thường lên núi học thêm võ công của nghĩa huynh là Giang Nam Nhạn, vì thế kiếm pháp ngày càng tăng tiến. Sau đó, từ đi chức vụ mộ binh. Ở Giang Nam chuyên hành hiệp trượng nghĩa, cứu khốn phò nguy.

Nếu Giang Nam Nhạn nghe được chuyện bất bình nào, thì bảo Lý Phụng Kiệt ra tay can thiệp, nên uy chấn giang hồ.

Còn Giang Nam Nhạn cứ sống đời thanh nhàn, hòa cùng lương dân, bình thường giản dị, chẳng thèm tranh danh đoạt lợi giống như chim phụng lẫn trong đám gà. Những người võ lâm cũng chẳng dám chạm đến chàng. Thỉnh thoảng, chàng lại cất bước giang hồ phiêu lãnh, du sơn ngoạn thủy, hành tung vô định giống như sư phụ trước kia.

Mười năm sau, có một lần Á Tử hạ sơn. Một năm sau sư huynh vẫn chưa trở về, Giang Nam Nhạn xuống núi đi khắp nơi tìm kiếm cả thâm sơn cùng cốc, trường giang đại hồ đều lưu dấu nhưng qua nhiều năm tung tích Á Tử vẫn bặt tăm.

Lúc này, Kỷ Quảng Kiệt ở phía bắc đã im hơi lặng tiếng. Lỗ Chí Trung đã tạ thế. Vận mạng của Côn Lôn phái sau này nhờ vào Lỗ Chấn Phi, là nhi tử Lỗ Chí Trung trùng khởi. Còn ở Xuyên Bắc thì có Từ Kiếm Hào là nhi tử của Từ Nhạn Vân, tôn tử của Lang Trung Hiệp đủ sức nổi uy danh của tổ phụ.

Riêng Lý Phụng Kiệt cũng đã ẩn cư, cả ngày cày ruộng đọc sách. Tung hoành trên giang hồ chỉ có một bằng hữu của Giang Nam Nhạn là Viên Kính Nguyên của Viên gia trang. Chính là Tịnh Huyền thần sư.

Ngày tháng lặng lẽ trôi mau. Võ nghệ của Giang Nam Nhạn giờ đã thuộc hàng thượng thừa, xuất thần nhập hóa nhưng hiếm khi đem ra sử dụng.

Thuở thiếu niên, Giang Nam Nhạn chịu đựng gian khổ, thời thanh niên lại gánh lấy bi thương, nên tuổi mới lục tuần mà râu tóc bạc phơ như tuyết.

Trên giang hồ có người hiểu biết đều xưng là lão hiệp. Tuy năm tháng qua rồi, thời gian ba mươi năm nhưng thiên tình sử năm nào của Giang Tiểu Nhạn và A Loan đã được người đời ghi chép lại.

Cứ mỗi ba năm lão hiệp Giang Nam Nhạn lại đến Trấn Ba đốt nén hương dưới gốc liễu già tưởng niệm lại tình nhân xưa.

Lúc này, thành trì Trấn Ba và hương thôn đã có nhiều thay đổi. Gốc đại liễu cũng đã chết khô, bị người đốn làm củi đốt, nhưng trong người Giang Nam Nhạn vẫn còn mang mảnh vỏ liễu khô héo.

Bào đệ của lão là Giang Tiểu Lộc đã bị bệnh qua đời, rồi còn bọn điệt nhi cũng đã nên người. Có lúc lão đến đó thăm viếng chúng.

Thỉnh thoảng lão lại đến gia trang của Lý Phụng Kiệt đàm đạo việc xưa, hay múa kiếm giúp vui, hoặc cùng phụ tử Lý Phụng Kiệt du ngoạn giang hồ.

Thê tử Trần thị của Lý Phụng Kiệt là thiếu nữ hái rau dại năm xưa đã được Lý Phụng Kiệt cứu ở trên Tung Sơn. Nàng gả cho Phụng Kiệt ba mươi năm nay, từng sinh được ba lần nhưng vì theo trượng phu suốt năm phiêu bạt giang hồ, sinh hoạt gian khổ, nên có sinh mà không có dưỡng, đến gần cuối đời mới sinh được một hài tử tên Mộ Bạch.

Lý Phụng Kiệt lúc đặt tên cho hài tử này, dự định không cho hài tử học võ mà chỉ luyện văn, nên từ khi có Mộ Bạch, Lý Phụng Kiệt không đi lại giang hồ mà mai danh ẩn thích, không ngờ một năm ở Giang Nam xảy ra trận dịch lớn, phu phụ Lý Phụng Kiệt đều nhiễm trọng bệnh, Giang Nam Nhạn tình cờ ghé thăm mời đại phu điều trị, nhưng không hiệu quả. Lý Phụng Kiệt đem Lý Mộ Bạch mà gởi gắm lại cho lão huynh Giang Nam Nhạn. Khi đó, Lý Mộ Bạch chỉ vừa tám tuổi.

Lý Phụng Kiệt thều thào trăn trối :

– Nghĩa huynh, phu phụ đệ sợ rằng không qua khỏi còn chút hài tử này đệ cậy nhờ nghĩa huynh nuôi dưỡng. Nếu không xin huynh đưa nó đến bào đệ Lý Phụng Khanh chăm nom. Bào đệ của đệ ở Gia Hương Nam cũng sống bằng nghề nông, có thể gọi là một tiểu địa chủ.

Sau đó, quả nhiên phu phụ Lý Phụng Kiệt không thoát khỏi kiếp nạn này. Giang Nam Nhạn chôn cất họ xong lòng nghĩ :

“Ta quanh năm trôi nổi, đem theo tiểu hài này không tiện”.

Vì vậy Giang Nam Nhạn đã đem Lý Mộ Bạch đến nhà thúc phụ Lý Phụng Khanh nuôi dưỡng. Lúc đó, lão không định cho Lý Mộ Bạch học võ nghệ như lòng phụ thân hắn muốn.

Thời gian sau, khi này Tịnh Huyền thần sư đã ẩn cư ở Tử Giang Tâm tự.

Giang hồ có phần bất an. Đạo tặc nổi lên khắp nơi. Có chút võ nghệ là muốn bức hại lương dân, gây khổ cho người.

Giang Nam Nhạn đến đâu, uy danh cũng trấn phục bọn lục lâm, nhưng nghĩ mình niên kỷ đã cao, nếu không tìm truyền nhân thì bọn cường đạo náo loạn không biết bao nhiêu người bị hại dưới tay chúng, lấy ai để phục chúng. Do đó, ý lão cũng muốn trên đường lưu lạc tìm lấy một môn đồ.

Có một ngày đi trên Thái Lãnh chợt thấy một con ngựa bạch mã chạy đến. Người trên lưng ngựa niên kỷ không kém lão bao nhiêu, nhưng râu cạo sạch, thân hình hơi thấp, rắn chắc như thời thanh niên, hóa ra là Kỷ Quảng Kiệt.

Bảo kiếm va vào ngựa lách cách. Cưỡi ngựa vượt loạn thạch đến trước mặt lão cười nói :

– Giang Tiểu Nhạn, nhiều năm không gặp. Ngươi còn sống sao? Còn muốn giao đấu nữa không? Đáng tiếc hiện giờ không còn A Loan cho bọn ta tranh giành.

Giang Nam Nhạn râu tóc bạc phơ, bay phấp phới, cảm khái nói :

– Việc thời niên thiếu hiện giờ còn nhắc đến làm gì. Tình hình mấy mươi năm gần đây của mi như thế nào?

Kỷ Quảng Kiệt cười nói :

– Ta khá hơn ngươi nhiều. Ta không phải như ngươi mấy mươi năm nay vẫn còn cô đơn. Ta đã cưới thê tử sinh hạ nhi tử. Ta sắp xếp cho chúng điền trang rồi không màng đến nữa. Mấy năm nay ta đi du ngoạn thiên hạ. Đến Mông Cổ, qua Tây Tạng, đến Quảng Đông, giờ ta mới từ Vân Nam trở về.

Giang Nam Nhạn nói :

– Hiện giờ mi muốn đi về đâu. Hay định về nhà?

Kỷ Quảng Kiệt trợn mắt nói :

– Về nhà làm gì? Bọn người giang hồ như chúng ta có thể ngồi nhà để làm lão phú ông sao? Hiện giờ vì mấy hài tử của ta đều quá bất tài không thể kế tổ nghiệp của Long Môn phái nên ta muốn đi lại giang hồ tìm một đồ đệ trẻ tuổi mà truyền thụ võ nghệ cho nó. Võ nghệ ta dạy xong nhất định Long Môn phái sẽ rạng danh hơn nữa.

Lòng Giang Nam Nhạn có phần mừng rỡ nói :

– Như vậy thật quá tốt. Ta biết một nhi tử của cố nhân hiện nay ở Nam Cung, mi có thể đến đó, tìm nó thu làm đồ đệ.

Kỷ Quảng Kiệt thắc mắc hỏi :

– Nhi tử của ai? Nhi tử của Á Tử là ta không nhận đâu. Đến nay ta còn hận tên Á Tử đó.

Giang Nam Nhạn nói :

– Á Tử sư huynh của ta đã mất tích từ lâu. Niên kỷ của người hơn bọn ta rất nhiều, có lẽ đã không còn trên nhân thế. Thiếu niên mà ta nói họ Lý tên Mộ Bạch là nhi tử của Lý Phụng Kiệt. Hiện do thúc thúc Lý Phụng Khanh nuôi dưỡng.

Kỷ Quảng Kiệt đột nhiên ngẩn người nhớ lại chuyện song kiệt tranh hùng ở Trường An mấy mươi năm trước, bất giác cảm khái gật đầu mỉm cười nói :

– Được! Chỉ cần ta thu làm đồ đệ, tất nhiên không thiệt thòi cho hắn. Tạm biệt!

Tạm biệt!

Thế là, hai lão nhân vòng tay chào nhau. Kỷ Quảng Kiệt ra roi mà đi.

Giang Nam Nhạn vẫn thường phiêu bạt trên giang hồ cho đến ngày khuất bóng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN