Ký Ức Tựa Mùa Rơi - Chương 11: Đơn phương 1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
165


Ký Ức Tựa Mùa Rơi


Chương 11: Đơn phương 1


Cuối tháng sáu, kỳ thi đại học chính thức bắt đầu. Suốt mấy ngày này, trời tạnh ráo, mây quang, nắng phai một màu vàng nhàn nhạt.

So với hình thức thi đại học bây giờ, kỳ thi ngày trước đơn giản hơn nhưng lại nặng nề hơn. Thời của tôi, sau kỳ thi tốt nghiệp một tháng, chúng tôi sẽ thi đại học bằng một kỳ thi riêng. Thí sinh muốn học trường nào thì đến khu vực trường đấy thi.

Mỗi kỳ thi đại học cứ như một cuộc đại di dân, học sinh cùng phụ huynh mang đồ đạc lỉnh khỉnh di chuyển đến các thành phố lớn, bận rộn đi lại cả nửa tháng trời.

Ngày đó tôi thi đại học, mẹ lên ở cùng chăm tôi cả tháng, mỗi ngày thi đều theo tôi đến trường, dù nắng mưa cũng nhất định ngồi ngoài cổng đợi đến lúc tôi thi xong. Hôm nào từ phòng thi bước ra, tôi cũng thấy cả ngàn phụ huynh ngồi rải rác khắp nơi, người cầm báo giấy, người cầm chai nước đợi con, nói chuyện cùng nhau giết thời gian. Sau kỳ thi đó, mẹ tôi quen thêm được mấy người bạn, đến bây giờ vẫn thường xuyêm liên lạc.

Trước hôm Đăng thi, tôi lôi kéo cu cậu lên chùa cầu may, dẫn cậu đi ăn chè đậu. Mấy ngày Đăng thi, tôi không gặp Đăng cũng không hỏi han gì, sợ cậu áp lực. Bài thi môn Lý vừa khéo lại rơi vào buổi cuối cùng, tôi không nhịn được, đến đợi trước trường thi. Hai giờ chiều, tôi đến, trước cổng chỉ có vài sinh viên tình nguyện cùng hai cảnh sát phụ trách an ninh. Bên trong khu vực thi, không gian yên lặng như tờ, giám thị có mặt ở khắp nơi.

Tôi dựng xe ở gốc cây trên vỉa hè, buồn chán lôi điện thoại ra đọc báo. Sau đó gần hai tiếng, buổi thi kết thúc, phụ huynh lần lượt đến đứng đầy hết vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường, gây nên cảnh tượng ùn tắc nghiêm trọng ở cả hai hướng lưu thông.

Thấy học sinh lũ lượt đi ra, tôi hơi suốt ruột gọi điện cho Đăng. Máy cậu vẫn còn khóa, một lát sau có tín hiệu thì lại bận. Tôi không gọi nữa, chăm chú nhìn về phía lối ra.

Chưa đầy năm phút sau, Đăng xuất hiện trong bộ đồng phục học sinh, vẻ tươi tỉnh nổi bật giữa hàng trăm khuôn mặt khác.

Tôi lớn tiếng gọi tên nhưng dường như Đăng không nghe thấy, cậu băng băng đi thẳng, ra khỏi cổng liền quẹo trái. Theo hướng Đăng đi, anh cậu đang dừng xe đợi ở một quãng không xa, dáng vẻ nửa điềm tĩnh nửa mong chờ.

Tôi lo hai anh em nhà họ đi mất, vội vã vừa gọi điện thoại vừa đuổi theo. Từ xa, tôi thấy Đăng nghe máy, đồng thời giọng cậu cũng truyền đến bên tai.

–  Alo.

Tôi chưa kịp nói gì thì cơ thể mất thăng bằng, bật ngữa về sau, ngã “bịch” một cái. Tôi nằm sõng soài, cả nguời truyền tới cơn đau nhức. Mấy người xung quanh thấy sự lạ, đổ dồn chú ý cả vào tôi. Tôi xấu hổ phát khóc, lồm cồm bò dậy nhặt chiếc điện thoại ban nãy bị văng xuống đất. Sau đó dùng hết sức lực chạy về phía Đăng. Thật may, anh em họ vẫn đứng đó, hình như đang trao đổi về bài thi.

–  Cô! Cô bị sao thế, cả người toàn đất.

–  Bị té.

–  Cô té hồi nào?

–  Lúc gọi cho em.

–  Hèn gì em mới alo xong chả thấy cô nói gì, nghe bụp một cái. Xong. Gọi lại cũng không được luôn.

Tôi bấm bấm vào màn hình điện thoại nhưng không thấy sáng, chắc sập nguồn rồi.

Quân hơi sững người, anh bước xuống khỏi xe máy đứng trước mặt tôi, lo lắng hỏi:

–  Té mạnh không?

–  Không nghiêm trọng lắm.

–  Bị đập đầu không?

–  Hình như không.

–  Tay xước hết rồi kìa.

Lúc này tôi mới để ý, bàn tay trái của mình xước hết cả, lòng bàn tay lẫn mặt ngoài đều bị chảy máu, đất bám vào rất xót. Ngoài ra, khuỷu tay của tôi cũng đang đau buốt bên trong. Ban nãy đạp phải rêu trơn bị té, tôi giơ tay chống, khuỷu tay đập mạnh xuống, không biết va chạm thế nào, chỉ cử động nhẹ cũng thấy đau.

–  Sao hôm qua cô không gọi trước cho em? Em cũng đang định thi xong thì báo cho cô này.

Vừa nói Đăng vừa giúp tôi phủi đất dính trên người. Phủi đến cánh tay trái, Đăng hơi mạnh tay, vô tình động vào chỗ đau, tôi nhăn nhó, rít lên một tiếng.

–  Chết rồi, đụng chỗ nào rồi, cô kéo áo lên em xem.

Tôi kéo tay áo lên, tự mình bị dọa chết khiếp. Giữa khuỷu tay sung vù lên một cục, bầm tím. Chỉ vừa té xuống mà ngay lập tức bị thâm sì thế này, có khi nào gãy xương không. Ý nghĩ đó là tôi tái mặt. Anh em Quân đứng cạnh cũng lo lắng không kém.

–  Em đến đây bằng gì?

–  Xe máy.

–  Để đâu?

–  Bên kia.

–  Đi, đi bệnh viện liền. Đăng lấy xe cô chạy theo sau anh.

Tôi dẫn hai người bọn họ ra chỗ để xe. Đi ngang đoạn mình bị té vẫn thấy vết trượt lớn trên đất, ngay chỗ tay trái tôi đập xuống có một hòn đá to. Tôi thở dài, quả này xong thật rồi, gãy tay là chắc. Mỹ nhân đã bị phế một tay.

Bệnh viện cuối giờ chiều đã vắng người, lác đác chỉ có vài bệnh nhân nội trú đi qua lại. Tôi vừa đến liền được thăm khám và dẫn đi chụp X-quang. Không phải đợi lâu, bác sĩ cầm phim chụp cho tôi một kết luận không ngoài dự đoán.

–  Gãy xương rồi, bó bột.

–  Dạ.

–  Người nhà đi nộp phí đi, bệnh nhân theo tôi.

Quân đang định chạy đi thì tôi níu anh lại:

–  Ví tiền của em để trong cốp xe, anh…

–  Không sao, lấy tiền anh trước đi.

Quân đi rồi, Đăng lẽo đẽo theo tôi, quan tâm hỏi:

–  Đau không cô?

–  Em thử cho biết.

–  Em hỏi thiệt mà.

–  Đau, đau phát khóc luôn này.

–  Hây. Cô lớn thế này mà còn đi đứng như thế, may mà đầu không bị sao. Mà giày mòn đế rồi cô không bỏ đi, cẩn thận coi té nữa đấy.

–  Chù đi nha, cô té nữa thì lôi em té cùng đó.

–  …

Lòng vòng trong bệnh viện cả mấy tiếng đồng hồ, dưới sự điều trị chu đáo của các y bác sĩ, kết quả tôi mang cánh tay được bó bột hoành tráng, xách theo một bịch thuốc lớn và kè kè bên cạnh hai người con trai, khí thế ra về. Nếu được phép tưởng được, tôi nghĩ mình ở cảnh này còn oách hơn cảnh “F4” xuất hiện trong Con nhà giàu ấy.

Ba người chúng tôi ghé một quán cơm nhỏ, gọi một phần cơm gia đình. Tôi bình thường dễ ăn, rất biết cách hưởng thụ ẩm thực, trân trọng thức ăn. Nhưng hôm nay bị bó mất một tay, đột nhiên bất tiện, lại đau nhức khó chịu, mới ăn mấy miếng thì không nuốt nổi nữa.

–  Cô không ăn nữa hả?

Đăng hỏi. Tôi gật đầu.

–  Em ăn thêm đi.

Quân nói. Tôi lắc đầu.

Sau đó tôi chống cằm nhìn hai anh em Quân ăn, lâu lâu hỏi han chuyện thi cử của Đăng. Không khí giữa ba người vô cùng hòa hợp.

Trước khi đưa tôi về, Quân ghé một tiệm cháo gần quán cơm mua cho tôi một phần cháo thịt. Tôi vốn dễ cảm động vì những điều nhỏ nhặt. Có hôm xem Bố ơi mình đi đâu thế, thấy mấy đứa nhỏ chia nhau miếng kẹo nhỏ tôi cũng xúc động mà khóc. Hôm nay chứng kiến những hành động của Quân, tôi thực sự bị làm cho suýt rơi nước mắt mấy lần.

Ngồi phía trước lái xe, Quân cứ hoài dặn đi dặn lại tôi:

–  Nếu cần đi đâu thì em gọi Đăng qua đưa đi, nó bây giờ rãnh lắm.

–  Vâng.

–  Nếu phải làm việc nặng thì nhớ nó làm.

–  Dạ.

–  Nếu cần mua gì cứ sai nó mua dùm.

–  Dạ.

–  Nếu…

–  Anh đừng lo, em thuận tay phải, tay trái cũng không cần thiết lắm.

Tôi mất kiên nhẫn, ngắt lời anh, rồi lén quay lại nhìn Đăng đang theo sau, thầm thương cho cu cậu, ở cùng người anh trai này chắc cũng khổ sở ít nhiều.

***

Đêm qua sau khi về đến phòng, cả người tôi mệt nhoài. Ráng ăn vài muỗng cháo rồi uống thuốc, tôi chả buồn tắm nữa, thay một bộ đồ sạch rồi ngủ luôn. Nhờ thuốc giảm đau và thuốc ngủ, lâu rồi tôi mới ngủ sâu như thế.

Sáng vừa hửng nắng, tôi bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa. Tôi vẫn chưa thích ứng với cánh tay bó bột, lúc mở cửa lại không cẩn thận làm nó va phải cạnh cửa, kêu “cộp” một tiếng. Người đứng ngoài nghe thế thì hết hồn, trố mắt nhìn. Tôi nhìn thấy người này thì còn hoang mang hơn. Mới sáng sớm, không biết Quân xuất hiện trước phòng tôi làm gì. Tôi gãi đầu, mặt mũi lơ mơ.

–  Em đang ngủ hả?

–  Dạ.

–  Anh gọi cho em không được.

Tôi ngớ người, hôm qua điện thoại bị rớt xuống thì cúp nguồn, tôi bỏ vào túi áo, sau đó quên luôn.

–  A, em quên mở nguồn.

–  Ừ…

–  Nhưng mà anh có việc gì?

–  Em ăn sáng món gì, anh mua cho.

–  Hả? Dạ…

Tôi nhất thời chưa hiểu được tình huống, ngơ một cục. Tôi hiếm khi ăn sáng. Buổi sáng thức dậy thường đi làm luôn, ngày rãnh thì ngủ vùi đến trưa, còn có hôm nổi hứng sẽ đi ăn bánh mì xíu mại, lần nào cũng chỉ ăn món đó. Thế là tôi buột miệng:

–  Bánh mì xíu mại.

–  Đường Hoàng Diệu?

–  Dạ.

Quân gật đầu một cái liền quay đầu đi luôn. Tôi nhìn anh bước xuống cầu thang mới sực nhớ ra, từ đây qua chỗ đó hơi xa, đi về một lượt, còn phải đứng đợi nữa, chả biết mất bao lâu. Thế là tôi chạy ra lan can, trước khi anh đi đã kịp gọi:

–  À, anh…

Quân từ dưới ngước nhìn lên. Không đáp lời tôi.

–  Anh đợi em chút, mình ra đó ăn.

Quân vẫn im lặng, vẻ mặt dễ thương muốn xỉu.

–  Không được hả?

–  Được.

Tôi vội vã trở vào phòng, khổ sở thay đồ một lúc lâu mới xong. Áo khoác chỉ có thể mặc hờ, tóc cũng không thể cột lên. Quân nhìn bộ dạng nhếch nhác đáng thương của tôi thì phì cười, hỏi:

–  Có cần anh cột tóc dùm không.

–  Không.

Tôi kiên quyết. Trước nay mỗi lần bị con trai đụng vào tóc, tôi đều thấy kì dị, sởn gai ốc. mà quan trọng hơn, hiện tại tóc tôi đang bết rệt. Anh mà đụng, chắc nôn mửa khỏi ăn.

Sau đó, Quân cẩn thận giúp tôi đội mũ bảo hiểm, đợi tôi ngồi ngay ngắn rồi mới nổ máy xe.

***

Lần thứ hai ngồi đối diện Quân ở góc quán này, tôi và anh không còn xa lạ nữa.

Đồ ăn mang ra, tôi nhận thấy mình sai lầm rồi. Ăn bánh mì xíu mại, chỉ dùng một tay thực sự rất khó khăn. Quân biết tôi luống cuống, cẩn thận xé nhỏ bánh mì ra thành từng miếng vừa ăn. Anh vừa ăn vừa để ý, thấy tôi cần gì liền lấy giúp, chu đáo từng chút một.

Không biết từ lúc nào, chúng tôi đã có thể đi cạnh nhau một cách tự nhiên như thế. Không e dè, không khoảng cách, không ngại ngùng. Lúc nói chuyện rất luôn hòa hợp, lúc im lặng lại rất an nhiên.

Khi thấy anh xuất hiện ở cửa sáng nay, tôi đã hạ quyết tâm rồi. Quân đã có người yêu. Anh quan tâm tôi một cách trong sáng, tôi cũng nên chân thành đáp lại, như một người bạn, không nên tự mình chơi trò mèo vờn chuột nữa.

Tôi sẽ không đá quả penalty này.

Buổi chiều, tôi ngồi trong phòng, vất vả suy nghĩ cách tồn tại trong những ngày tiếp theo. Chỉ mới hai hôm trước, tôi đã nhận lời thầy cũ ở trường đại học của mình giúp thầy hướng dẫn mấy em sinh viên làm khóa luận, trong một tháng tới sẽ phải lên trường. Đi bộ thì khá xa, đi xe thì không thể, đi xe ôm quá tốn kém, còn nhờ Đăng thì tội quá. Mỗi ngày chạy đi chạy lại rất tốn thời gian, cu cậu lại chỉ đợi thi xong để bung xõa, vui chơi, tôi đâu thể làm phiền Đăng hoài được.

Cuối cùng, tôi tìm được một giải pháp cực kỳ khả thi, tiến hành gọi một cuộc điện thoại.

–  Alo Như nghe.

–  Bà đang ở đâu?

–  Ở cơ quan.

–  Tui có chuyện này nè.

–  Chuyện gì?

–  Tui qua chỗ bà ở nhà mấy bữa được không?

–  Hở? Được, có gì đâu. Nhưng mà sao đột nhiên thế?

–  Khi nào bà về?

–  Năm giờ.

–  Ờ, vậy đi. Năm giờ tui qua rồi tui kể cho nghe.

–  Ờ. Vậy nha, tui đang dở việc.

Chỗ Như ở là một căn nhà nhỏ ở cổng sau trường đại học. Chập choạng tối, tôi xách theo túi đồ lớn đứng trước cửa nhà Như. Cô bạn mở cửa, nhìn tay tôi, hét lớn:

–  Bị cái gì vầy? Bị hồi nào? Trời ơi cô nương ơi!

–  Mới hôm kia.

Như hì hục mang giỏ vào nhà giúp tôi, sau đó lại bận rộn lôi mớ đồ tôi nhét tùy tiện bên trong ra, xếp lại cẩn thận. Suốt quá trình đó, tôi nhàn nhã ngồi ăn táo, tường thuật lại cho Như tất cả sự việc.

–  Bà có vẻ lắm duyên nợ với anh em đó nhỉ.

–  Ờ, chắc vậy.

–  Rồi sao?

–  Sao là sao?

–  Thì đấy đấy.

–  Đấy gì?

–  Mệt bà quá, thì chuyện tình cảm đó.

–  Tình cảm cái cục mỡ á, người ta có người yêu rồi.

–  Hả???

Như đang ngồi trong phòng ngủ, chạy phắt một phát đã ngồi trước mặt tôi, mặt có vẻ ngạc nhiên lắm.

–  Hả gì?

–  Thì có người yêu đó.

–  Tui chưa kể với bà hả?

–  Chưa, kể hồi nào đâu. Trời ơi, sao lại có bồ.

–  Kệ người ta, bà cứ lo yêu phần bà đi.

–  Có người yêu rồi mà thả thính thả bã tùm lum thế à?

–  Thính với bã cái gì, người ta trời sinh tốt tính, thường làm việc thiện, thế thôi. Nhiều chuyện quá, nấu ăn đi.

–  Cạn lời…

Khoảng thời gian ở cùng Như, tôi đắm chìm hưởng thụ sự chăm sóc của bạn thân. Muốn ăn món gì có món đó, đồ có người giặt dùm, đầu có người gội cho, sung sướng không để đâu cho hết.

Mấy ngày này, Đăng đã đi du lịch cùng lớp, Quân thì hình như khá bận rộn, anh không đến tìm tôi, chỉ cứ cách vài hôm lại gọi điện hỏi thăm.

***

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN