Ký Ức Tựa Mùa Rơi - Chương 7: Tôi đi tìm một mùa hoa cải không tàn
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
164


Ký Ức Tựa Mùa Rơi


Chương 7: Tôi đi tìm một mùa hoa cải không tàn


Từ hôm tôi về nghỉ Tết, mỗi ngày đều xảy ra tình trạng thức khuya dậy sớm.

Mỗi buổi sáng mẹ sẽ lôi tôi ra khỏi giường từ sớm để chở mẹ đi sắm Tết. Hai mẹ con cứ quẩn quanh trên chợ cả buổi mới về. Ngày nào cũng đi, ngày nào cũng xách lỉnh khỉnh cả đống đồ về. Thế mà mới chỉ về đến nhà, mẹ tôi lại bảo thiếu này thiếu kia, ngày nào cũng thiếu. Ngày qua ngày, buổi sáng nào tôi cũng bị làm chân xách dồ cho mẹ.

Đi chợ về còn chưa kịp ngồi thở, mẹ lại bảo tôi dọn nhà. Căn nhà bé xíu dọn hoài không hết, nào dọn rửa, lau chùi, giặt giũ,… Cứ thế tôi làm quần quật mấy ngày trời.

Tối đến cũng không rảnh rỗi gì, ăn cơm xong lại giúp mẹ làm mứt, làm dưa muối, làm me ngâm… Làm cho ba ngày Tết mà tôi tưởng làm để ăn cho cả mùa xuân.

Hồi nhỏ, tôi suốt ngày bận rộn rong chơi, thấy mỗi ngày mình làm bao nhiêu là việc mà vẫn chưa đến Tết. Lớn lên rồi, cả năm đều chưa làm được gì cả, chớp mắt đã đến Tết, rồi lại Tết. Nhưng mà Tết bao giờ cũng vui. Tôi thích sự bận rộn những ngày giáp Tết, thích cái nắng gió hanh hao của xuân sang.

Ngày hai tám Tết, mẹ tôi vẫn như thường lệ, vừa càm ràm vừa đánh thức tôi:

–  Ngày nào cũng như ngày nào, không lo ngủ sớm mà dậy sớm. Cứ ôm tivi cả đêm. Dậy nhanh lên! Dọn nốt cho xong rồi lên bác phụ làm bánh chưng.

Tôi ngáp dài ngáp ngắn, ra khỏi giường đi mở tivi.

–  Đấy đấy, mở mắt ra là tivi. Mày xem con người ta bằng tuổi mày có ai thế không?

–  Con chỉ mở nghe tiếng thôi mà, có coi đâu.

–  Nhanh lên, con gái con đứa lớn rồi chả được tích sự gì!

Tôi chả để tâm lời mẹ nói, lo vệ sinh cá nhân rồi rửa nốt mấy bộ ly tách của bố. Sau đó gắn thêm hoa giả lên cành mai hôm qua bố mới mua về, tiếp tục treo thêm mấy thứ linh tinh.

Mẹ tôi sau khi gọi tôi dậy thì đi đâu mất dạng, lát sau quay về tay cầm theo hủ kiệu muối.

–  Cô Hạnh cho, ngon hơn nhà mình.

Tôi đang tay cài hoa, mắt nhìn tivi, quên trả lời lại. Mẹ thấy chướng mắt, bực dọc nói:

–  Nhanh cái tay lên, rồi lấy nếp lấy đậu trong thùng ra.

–  Dạ.

Từ nhà tôi lên nhà bác đi ngang qua chợ. Những ngày cận Tết, chợ lúc nào cũng đông, đoạn đường trước chợ ách tắc vô cùng. Người ta bày chậu hoa cây cảnh ngay cả dưới lề đường, mấy chậu Quất cảnh sai trĩu quả bị người đi ngang vặt sạch. Tôi nhìn cảnh đó, vừa buồn cười vừa xót thương.

Ba mươi phút sau, tôi và mẹ chật vật mang theo đậu, nếp lên nhà bác. Năm nào cũng thế, trước giao thừa hai hôm, nhà bác sẽ thịt một con heo lớn, họ hàng tụ tập về cùng làm thịt heo, làm bánh chưng, bánh téc, cuối ngày sẽ quay quần ăn bữa cơm cuối năm.

Tôi là đứa con gái duy nhất trong mấy anh em họ, từ nhỏ đã được bác gái và thím chỉ dạy nữ công gia chánh. Một năm mấy dịp lễ họ sẽ dạy tôi làm các loại bánh khác nhau, kiên trì dạy hai lăm năm tôi vẫn không học được, năm nay đã là năm thứ hai sáu, mọi người dường như đã bỏ cuộc.

Lúc mổ heo xong, bác gái và thím bắt đầu làm bánh. Công việc của tôi chỉ là ngồi cắt lá, nếp vơi thì thêm nếp, đậu vơi thì thêm đậu…, đến cả nêm thịt họ còn chả có dũng cảm giao cho tôi làm. Thế là sau khi cắt xong lá, tôi rãnh rỗi đi vòng vòng, lúc thì đi nhìn chú làm lạp xưởng, nhìn bố làm thịt quay, lúc lại chạy ra vườn kéo ống phụ mấy ông anh đang tưới.

Sau bữa cơm trưa gọn nhẹ, mỗi người lại quay về công việc của mình. Tôi rửa chén xong lại bắt đầu quãng thời gian thảnh thơi, ngồi trong phòng khách coi tivi.

Anh Khang từ phòng bước ra, thấy tôi ngồi hưởng thụ liền trêu chọc:

–  Công chúa có khác ha.

–  Nê…

Tôi bắt chước tiếng Hàn chọc lại anh.

–  Ơ, anh đi đâu á?

–  Đi thăm cu Bin.

–  Cho em đi với.

Chưa đợi anh trả lời, tôi vọt chạy đi lấy áo khoác, chân mang giày còn chưa chỉnh chu, cứ thế lết lết ra đứng chỗ xe anh.

Anh Khang cười tít mắt, đến cốc đầu tôi một cái:

–  Ế đến nơi mà còn như con nít.

–  Không liên quan đâu. Con nít có bồ ầm ầm kìa.

Hai anh em tôi luôn gần gũi, tự nhiên như thế. Ban nãy anh bảo đi thăm con, nét mặt đầy hổ thẹn. Đột nhiên tôi thấy đau lòng, muốn đi cùng để nói chuyện với anh.

Sáng nay trên đường lên nhà bác, mẹ kể với tôi chuyện chị dâu làm khó, không cho anh gặp con, lần nào anh đến cũng bị đuổi về. Thậm chí lúc hai bác đến thăm cháu, chị cũng không cho gặp đàng hoàng, bà – cháu chỉ được nói chuyện với nhau qua cửa sổ.

Tôi không biết nội tình chuyện vợ chồng anh chị, không tường chuyện mẹ chồng nàng dâu nhà bác, lúc biết chị ngoại tình, biết chị đòi ly dị, tôi cũng không ghét chị. Nhưng xảy ra chuyện chị đối xử với mọi người như vậy, thiện cảm của tôi dành cho chị đã vơi đi hết hẳn.

Ngồi sau xe anh, tôi chồm người ôm anh, mặt hơi rướn về trước nói chuyện:

–  Anh gọi điện xuống đó chưa?

–  Chưa.

–  Không gọi lỡ không được gặp thì sao?

–  Gọi trước càng khó gặp. Xuống không gặp phải, dễ gặp cu Bin hơn.

–  Ồ. Vậy Tết Bin có được về nhà mình không?

–  Chưa biết, để hôm nay hỏi thử.

Tôi không hỏi anh nữa, ngoan ngoãn ngồi im lặng phía sau.

Gió chiều nhàn nhạt, cánh đồng hoa cải bên vệ đường cũng khẽ ngả nghiêng. Những vệt hoa vàng dưới bầu trời xanh trong trông như một bức họa đồng quê rực rỡ, đẹp nao lòng.

Nhìn thiên nhiên đẹp đẽ, lại nhìn bóng lưng mệt mỏi của anh. Tôi ước cuộc đời của mỗi người sẽ được rực rỡ như thế, nhưng mà sẽ không héo úa như cuối mỗi mùa hoa.

***

Hai mươi phút sau, chúng tôi đến nhà chị dâu. Dưới gốc cây phượng trong sân nhà chị, một cậu bé năm tuổi đang ngồi nghịch đất. Nó trông tròn ủm, tay chân mủm mỉm, cả người trắng nỏn, miệng liến thoắng nói chuyện với con gấu bông nhỏ được đặt trên xích đu. Nghe tiếng xe máy trước cồng nhà, bé quay lại nhìn rồi ù chạy ra, miệng cười toe toét:

–  Ba Khang, ba Khang!

Anh tôi ngồi xụp xuống ôm bé, hôn lấy hôn để, rồi anh dùng cái cằm lớm chớm râu chà xát vào mặt nó. Chỉ chốc sau, bé ré lên rồi vùng vẫy thoát ra, cười khanh khách. Sau đó nó đảo mắt qua nhìn tôi, cất giọng ngọng nghịu, khoanh tay cúi chào:

–  Con chào cô Hư.

Từ hồi tập nói, bé đã gọi tôi như thế. Tôi cười phì, định chạy đến nựng nó thì thấy chị dâu từ trong nhà đi ra. Tôi giật mình, người run bắn lên, cảm giác hồi hộp như lúc nhỏ đi ăn trộm xoài bị bắt quả tang.

Gương mặt chị sa sầm suống, nhăn nhó tỏ vẻ khó chịu:

–  Bin, đi vô! Anh đến đây làm gì?

Chị quắc mắt nhìn anh tôi, không kiêng nể ai, lời nói đầy ý đuổi khách. Anh vẫn giữ thái độ hòa nhã, nhẹ nhàng trả lời:

–  Thăm cu Bin, rồi đưa con ít đồ, sắp Tết rồi, mua cho con mấy bộ đồ mới.

–  Không cần! Mẹ con tôi không cần gì của nhà anh vẫn sống tốt.

–  Có quà cho con mừng thôi…

–  Không cần! Anh về đi.

Từ nãy đến giờ, tôi yên lặng nhìn anh chị nói chuyện, lại nhìn cu Bin nép sau cánh cửa, gương mặt đang mếu dần. Bình thường, tôi hơi trầm tính. Hiếm khi nào tôi can thiệp đến chuyện người khác, trong trường hợp mình bị người ta lấn lướt, thấy không đáng cũng chả thèm đoái hoài, nhưng nếu câu chuyện trở nên quá đáng, tôi nhất định không nhường nhịn. Bây giờ, nhìn thấy sự bất lịch sự của chị, tôi bắt đầu bực bội.

Anh Khang không có vẻ gì là mất bình tĩnh, lấy mấy giỏ quà từ tay tôi đưa cho chị.

–  Cầm cho con, giờ tôi về.

–  Không lấy! Tôi đã bảo không lấy là không lấy.

Trước sự cương quyết của chị, anh lẳng lặng mang quà đến đặt lên xích đu rồi quay lại, kiên nhẫn nói với chị:

–  Cho con… Đi về Thư.

Chúng tôi mới đi vài bước đã nghe tiếng “bịch”, “bịch” sau lưng, rồi lại nghe chị nói to:

–  Mẹ con tôi không cần đồ của mấy người.

Tôi và anh Khang quay người lại, cả hai đều sững sờ trước hành động của chị. Mấy giỏ quà bị chị quăng xuống đất, đồ đạc rớt ra khắp nơi. Tôi nóng tính, quát lên:

–  Chị vô lý vừa vừa thôi. Chị là giáo viên mà chị cư xử thế này à?

Lần đầu tiên chứng kiến tôi nói năng như thế, chị hơi bất ngờ, nhưng rất nhanh đã lấy lại sự cộc cằn:

–  Người ngoài không biết thì đừng xen vào.

–  Tất nhiên em không biết chuyện của chị. Không biết chị hận thù thâm sâu thế nào, nhưng anh Khang có quyền được gặp con, trên tòa em cũng nghe rõ. Chị thấy mình làm thế này có đúng không? Nãy giờ chỉ có mình chị gào lên, chả ai đụng chạm gì chị cả.

–  Tôi không làm gì sai cả. Từ xưa đến nay mẹ con tôi vẫn sống tốt, không cần mấy người.

Nghe tiếng cải vả, bố mẹ chị trong nhà chạy ra, hàng xóm xung quanh cũng tụ tập lại xì xào. Anh tôi thấy đông người, xấu hổ kéo tay tôi, ý muốn ra về. Tôi chưa hạ hỏa, muốn nói lại vài câu.

Từ đám đông, bỗng có một người đi ra đến trước mặt chị, khuôn mặt cương nghị, trầm giọng nói:

–  Chị Trang, chị phải cho chồng cũ gặp con nếu anh ấy yêu cầu. Chị làm vậy là không được.

Tôi hơi bất ngờ, mà không, phải là rất bất ngờ. Là Quân. Anh ta đột ngột xuất hiện, lẽ nào ở gần đây.

–  Chị phải tuân thủ đúng những điều đã giao ước ở tòa. Nếu chị cứ thế này người ta mà kiện ngược lại là chị mất quyền nuôi con đấy.

Quân đứng hòa giải hồi lâu, đám đông dần tản ra, cuối cùng chị dâu cũng chịu cầm lấy quà và cho anh tôi gặp con thêm một lát.

Tôi bận trông cu Bin, lúc quay đầu lại đã không thấy Quân đâu. Đêm ấy tôi nghĩ rằng sẽ không gặp lại, nào ngờ lại chạm mặt trong tình huống lộn xộn này. Hôm nay trông anh ta khác hẳn những lần gặp khác. Trên người mặc quần đùi áo lỗ, dáng vẻ thoải mái có phần hơi luộm thuộm.

Nhưng mà anh ta trong dáng dấp đó trông vẫn còn khí chất ngời ngời. Còn tôi thì… cả người lọt thỏm trong chiếc áo phao to tổ bố, tóc mái thì bết dính vào, lộ cái trán dô xấu xí, da mặt bị sương ăn đỏ lên từng mảng và môi khô nứt chuẩn bị bong vảy ra.

Tôi xấu hổ không để đâu cho hết. Gặp lại, không biết là nên vui hay buồn. Vậy mới thấy bạn tôi nói đúng, thân làm gái ế, hễ lòi mặt ra ngoài là phải đẹp, đẹp bất chấp, có đi đổ rác cũng phải đẹp, vì biết đâu đệnh mệnh của mình là soái ca quét rác.

***

Chiều tàn, anh em tôi về đến nhà bác cũng đã hơn năm giờ. Từ trong bếp huyên náo vọng ra tiếng người nói, tiếng xì xèo của đồ ăn đang nấu, tiếng chén bát va chạm leng keng.

Mẹ thấy tôi thò đầu vào bếp thì lập tức sai vặt, đôi lúc vừa làm việc, vừa hỏi tôi chuyện đi thăm cu Bin ban chiều.

Tôi khoa chân múa tay, mang hết sự thật kể ra. Mẹ, bác gái và thím tôi nghe xong  ai nấy đều tức giận, mỗi người góp một câu nói xấu chị dâu. Tôi vừa buồn cười vừa hả dạ. Từ lúc đó đến lúc dọn bàn cơm, ra vào đều nghe nói rôm rả chuyện này. Quả thực không có sức mạnh nào lớn hơn việc những người phụ nữ ghét chung một người.

Ngoài ra, còn một vấn đề đặc biệt khác, mà nhân vật chính đó là tôi. Người lớn thấy mặt tôi, một là hỏi thăm công việc, hai là hỏi thăm chuyện chồng con. Giống như cái sự lập gia đình của tôi là việc đáng quan tâm hàng đầu của toàn dòng họ. Người lớn có một sức kiên trì cực kỳ lớn đối với vấn đề này. Bằng cách này hay cách khác, từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, họ luôn lái được sang chuyện lập gia đình.

Ví dụ như ban sáng, lúc tôi phụ làm bánh chưng. Bác gái đang chuyên tâm gói bánh, bỗng nói vài câu rất có chiều sâu thế này:

–  Bây giờ mình còn làm bánh được, mai mốt già chắc con cháu nó ra chợ mua đại cho có. Thanh niên bây giờ chí hướng cao, làm giàu giỏi mà chả biết tí gì về truyền thống. À, lại còn sợ khổ, sợ xấu. Chồng không chịu lấy, con không chịu đẻ.

Vâng, rất liên quan. Sau đó thím tôi ngồi bên cạnh, bồi vào:

–  Thím sợ bọn thanh niên chúng mày lắm.

Rồi ban trưa, chú thấy tôi ngồi cắn hột dưa, coi tivi, nửa đùa nửa thật nói:

–  Bé Thư nhà mình biết hưởng thụ ghê chớ. Nhưng mà hưởng thụ đến khi lấy chồng chắc không tìm nổi người bưng lễ dùm đâu nhỉ. Tivi có bưng dùm được không?

Tôi suýt nữa bị mắc cổ vỏ hột dưa, ho sặc mấy cái rồi nhìn chú cười giả lả. Chắc chắn vụ tivi là do mẹ tôi đi truyền bá rồi. Tôi khổ tâm, xem Gia đình là số một cũng không thấy vui nữa. Giống như mình vừa gây ra đại tội, bị mọi người xem là tội nhân thiên cổ, không thì cũng là tên gián điệp bị lộ thân phận, luôn bị phe đối địch nhăm nhe trừ khử vậy.

Sau bữa cơm đoàn viên, tôi tiếp tục công việc cố định của mình: rửa chén bát. Rửa một núi chén xong lại đi xếp bánh chưng, bánh téc vào giỏ để mang về nhà.

Bố mẹ về trước tôi nửa tiếng. Khi tôi về đến đã thấy bố đào xong bếp để nấu bánh chưng, bên cạnh bếp có sẵn cái nồi lớn, chỉ đợi tôi về là nấu luôn.

Nửa đêm, không gian quạnh quẽ và lạnh buốt, tôi ngồi bên hiên nhà canh nồi bánh. Lửa rực hồng chiếu sáng một góc, khói từ bếp tỏa ra trong sương, đặc sệt. Mùi khói vừa thơm vừa ấm, mang cảm giác bình yên.

Sương xuống ngày một nhiều, đọng lại khắp nơi, làm ướt cả đống củi dùng nấu bánh. Tôi đẩy lửa thêm một lần rồi chạy ra sau nhà tìm tấm bạt phủ lên củi, sau đó nhàm chán nhìn trời, nhìn sao, nghịch lửa.

Trong màn đêm tĩnh mịch chỉ nghe tiếng lửa tí tách, điện thoại tôi chợt rung lên, phát bài nhạc Love Paradise. Bài nhạc này tôi cài riêng cho Như, mà chính xác là nó tự lấy máy tôi cài. Tôi hơi giật mình, cả năm mới nghe được tiếng nhạc này vài lần.

–  Alo!

–  Thư yêu dấu, bà đang làm gì vậy?

–  Đồ điên, làm hết hồn. Đang canh nồi bánh chưng.

–  Gì mà hết hồn, người ta nhớ người ta gọi chớ bộ.

–  Hôm nay bà lên cơn à. Tự dưng thí cho tui nỗi nhớ nhung gớm giếc đó.

–  Quỷ hà…

Tôi cùng Như lâu ngày mới nói chuyện, đứa này giành đứa kia, nói hoài không hết. Tôi tiện thể mang chuyện liên quan đến Quân ra kể, không giấu một chi tiết nào. Như phấn khích ré lên:

–  A…A…A, hổng lẻ ổng thích bà?

–  Vớ vẩn!

–  Chớ không thì sao?

–  Ai biết!

–  Ờ, khó nói. Nhưng mà lẽ nào ổng chưa có bồ ta. Cực phẩm như thế mà chưa có bồ thì có vấn đề rồi.

–  Vấn đề gì?

–  Thì vấn đề về thần kinh, chắc là khó tính quá không ai chịu nổi. Hoặc là có bệnh kín. Hoặc là…

–  Là gì mẹ?

–  Theo mẹ nghĩ thì là vấn đề về giới tính.

Như nói xong thì cười khanh khách, tôi cũng ôm bụng cười chảy cả nước mắt.

–  Bà mới có vấn đề á.

–  Còn bà thì sao?

–  Sao là sao?

–  Thích không?

–  Ai biết!

–  Xạo, không thích mà cứ kể về người ta.

–  Thích thì làm gì?

Thích thì làm gì? Ngày trước tôi cũng hỏi Như như thế. Như bảo “Nam chắc chắn cũng thích bà, án binh bất động, chờ Nam tỏ tình thôi.” Rút cuộc, chúng tôi cứ dở dở ương ương, đến khi tốt nghiệp cấp ba vẫn chả ai nói với ai điều cần nói, cứ thế cách xa.

–  Thì xác định mục tiêu, làm rõ thân phận, rồi tổng tiến công thôi.

–  Tưởng bà kêu tôi đợi nữa.

–  Ầy, Thư à, Như nay đã khác Như xưa nhé. Bà cũng khác đi. Ai rồi cũng khác, có bà không chịu khác.

–  Có nha, tóc tui dài rồi nha.

–  Lạy mẹ. Chống chế quá. Bà phải biết rút kinh nghiệm chứ. Thà đá hỏng penalty còn hơn không đá, nhớ chưa.

–  Ai biết!

–  Bà còn thích Nam à?

–  Ai biết!

–  Nói chuyện với bà tụt mood quá. Gấu tui gọi rồi, bai nha.

–  Ờ, biến.

–  …

Cái gì mà hỏng với không hỏng, tôi còn chẳng biết quả penalty đó có tồn tại không, thế mà Như cứ xồn xồn lên kêu tôi đá. Đúng là chuyện của người khác, thỏa sức yêu cầu.

***

Suốt mấy ngày Tết, ngoài lúc theo mẹ đi chùa, đi chúc Tết, còn lại tôi chỉ quẩn quanh trong nhà, lúc ăn, lúc ngủ, khi thì nhàn rỗi đi ngồi lê nhà xóm, ăn chực mỗi nhà một bữa. Vậy nên điều đọng lại trong tôi khi Tết ra đi chỉ là mỡ, mỡ đắp hết lên mặt, tròn xoe.

Mùng bốn Tết, tôi buồn bã nhìn mặt mình trong gương, xấu đau đớn. Biết rằng sẽ đi họp lớp mà lại không giữ gìn được nhan sắc. Gặp bạn cũ, thật bẽ mặt!

Lần họp lớp cấp ba gần đây nhất là ba năm trước. Lần đó lớp đi gần như đầy đủ, chỉ vắng một người. Trước Tết, lớp trưởng cũ có lập một nhóm lớp trên facebook, mọi người hào hứng kết bạn, kêu gọi nhau gặp mặt.

Tôi vừa chuẩn bị xong thì Như gọi đến:

–  Đi chưa bà?

–  Giờ đi.

–  Ờ nhanh nha.

–  Rồi.

Lớp tôi chủ yếu là dân thành phố, chỉ có vài ba người ở huyện lẻ như tôi và Như. Mấy lần họp trước cũng đều tổ chức trên phố. Hôm qua Như điện thoại cho tôi, khóc lóc kể lể, ba mẹ nó không cho nó đi, sợ xe bus lên phố ngày Tết đông người, sợ lái xe chạy ẩu. Tôi đành gọi qua, xin phép chở nó đi, hứa đảm bảo an toàn cho nó. Nói cả buổi trời ba mẹ nó mới đồng ý. Cũng may ba mẹ Như luôn tin tưởng tôi, mỗi lần có việc, chỉ cần tôi xin phép, ba mẹ nó đều chấp thuận. Có lần tôi còn giúp nó lừa ba mẹ để đi chơi dài ngày với người yêu. Tội lỗi!

Tôi dắt xe ra ngoài, thở dài nhìn bố mẹ mình đang ngồi ở phòng khách, lúc tôi nói với họ mình sẽ đi họp lớp, họ chỉ ừ bừa một tiếng, còn chả buồn nói thêm một câu dư thừa.

Vì phải đi vòng để đón Như, hơn một tiếng sau chúng tôi mới lên đến phố. Lòng vòng tìm điểm hẹn thêm hai mươi phút, kết quả là trễ giờ.

Chúng tôi đến một quán café sân vườn nhỏ, bên trong được thiết kế khá đẹp, toàn hoa màu lạnh và trúc, tre. Từ cổng đi về hiên bên phải, ngang qua hòn non bộ sẽ đến một không gian mở, trông như một quán trà Nhật, một nhóm người đang ngồi trong đó, nói chuyện ồn ào.

Thấy chúng tôi bước vào, họ ồ lên những tràng dài:

–  Hoa khôi đến, hoa khôi đến, đến trễ phạt nha.

Như cười toe toét, làm động tác highfive với từng người một, tột đỉnh thảo mai. Tôi mặc kệ Như đi làm trò, tìm lấy một chỗ trống ngồi xuống, chào hỏi mấy người ngồi xung quanh.

Cô bạn ngồi cạnh nhìn tôi chằm chằm, mãi mấy phút sau mới nói:

–  Thư, nhìn Thư lạ quá, suýt không nhận ra.

–  Phương cũng vậy, xinh quá.

–  Hihi, Thư để tóc dài cũng xinh. Để tóc dài luôn nha, đừng cắt ngắn nữa.

Tôi cười trừ, chả biết bạn đang khen thiệt hay lịch sự nói thế.

Tôi để tóc ngắn từ cấp hai, khi tóc dài chấm vai liền cắt ngắn trên cằm, bộ dạng lúc đó theo lời Nam nói là “vô cùng ngố”. Vì tôi hơi bé người, cao chỉ một mét năm sáu, thêm mái tóc ngắn cũn nên trong lớp bị dí biệt danh Nấm Lùn. Sau này vào học thạc sĩ tôi mới bắt đầu để tóc dài, và nguyên nhân vì sao để tóc dài thì thực sự là rất ngớ ngẩn. Ngày đó tôi coi tivi, thấy Thanh Hằng quảng cáo Clear hất tóc đẹp quá, thế là tôi nuôi tóc dài.

Bình thường tôi luôn cột tóc đuôi ngựa hoặc thắt đuôi sam, khi đi dạy cũng sẽ cột lên một nửa để hợp với áo dài. Sáng nay soi gương, thấy mặt mình vừa tròn vừa sưng nên quyết định thả tóc để che đi mặt mập. Như nhìn tôi còn kêu lạ.

Như đi fanservice xong đến ngồi cạnh tôi, miệng kề sát tai tôi thì thầm:

–  Nam kìa, thấy chưa.

Tim tôi run lên, mắt lấm lét nhìn quanh. Thấy rồi. Cậu ngồi trong góc phía bên kia, chếch hướng nhìn đối diện của tôi một góc, hơi khuất. Cậu đang nói chuyện với cậu bạn nên cạnh, vẫn nụ cười và đôi mắt híp ấy. Nhìn cậu chững chạc hơn, nét cứng cỏi đàn ông đậm hơn, phai mờ đi những đường nét trẻ con vài năm trước.

–  Này, nhìn vừa vừa thôi. Nước miếng chảy ra kìa.

Như vừa nói vừa hích tay lôi, ánh mắt quan tâm. Sau lại nói:

–  Buồn hả, đừng buồn.

–  Không. Buồn gì. Lâu ngày mới gặp trai, phải trang thủ thưởng thức chứ.

–  Tui nghe nói giờ Nam đang làm trong hội kiến trúc sư đó, lương cao lắm.

–  Ừ…

Những lần họp lớp trước Nam đều không đi. Lần cuối tôi nói chuyện với Nam là vào ngày lễ ra trường. Từ đó không chính thức gặp lại cậu nữa. Vài lần trong trường đại học, tôi nhìn thấy Nam chơi bóng chuyền. Vài lần vô tình cờ lướt qua nhau, chúng tôi lặng yên mỉm cười như những người bạn cũ.

Rất lâu rồi Nam mới xuất hiện, rất lâu rồi những tinh khôi mùa cũ mới ùa về.

Họp lớp là một chuỗi các hoạt động mười lần như một, gồm nhiều tăng: hàn huyên chuyện cũ, hỏi han hiện tại, ăn uống tưng bừng, hát karaoke loạn xạ, và cuối cùng là hứa hẹn xa xăm.

Suốt buồi, nhiều lần tôi muốn tiến đến nói chuyện với Nam. Vậy mà cho đến khi chuẩn bị ra về chân tôi cũng không nhấc thêm được một bước đi về phía cậu.

Lúc dắt xe ra cổng, Như đi bên cạnh tôi tò mò hỏi:

–  Định cứ thế mà về à?

–  Ừ.

–  Hối hận đấy!

–  Không, gì đâu mà hối hận.

–  …

Chúng tôi ra khỏi cổng quán karaoke thì dựng xe, bạn bè quyến luyến chào nhau, giỡn tới giỡn lui kéo dài thời gian. Tôi nhìn Nam đang đứng cùng các bạn nam, cảm xúc nặng nề khó tả, hốc mắt bắt đầu nóng lên, bỗng dưng kích động tiến về phía cậu. Nam thấy tôi đến gần, vẻ mặt có chút ngạc nhiên, có chút vui mừng.

Tôi giả vờ chào qua một lượt:

–  Về nha Chiến. Về nha Thịnh. Về nha Hải…

Sau cùng, tôi cam đảm nhìn thẳng vào mắt Nam, nhẹ nói:

–  Về nha…, Nam.

Tôi không đợi Nam đáp lời, giơ tay vẫy chào vài cái rồi quay đi, lập tức lái xe về.

Hôm nay, hoa cải tàn rồi.

Ngày tết năm đó, đi chùa cùng cậu, bị tàn nhang rơi xuống trên tay, vết sẹo dài ấy, tự lúc nào đã mờ rồi.

Tạm biệt Nam, tạm biệt.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN