Lã Mai Nương - Chương 19: Thăm Thiên Vương Tự, Dưới Chuông Gặp Điều Bí Ẩn Kiến Lã Đại Sư, Cấp Bách Thuật Chuyện Miền Nam
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
97


Lã Mai Nương


Chương 19: Thăm Thiên Vương Tự, Dưới Chuông Gặp Điều Bí Ẩn Kiến Lã Đại Sư, Cấp Bách Thuật Chuyện Miền Nam



Song hiệp và Bốc Đề Nhĩ theo đường cũ trở về Quan nội, vào Trương Gia Khẩu, thuật chuyện phá tan bọn cướp Hổ Đầu sơn cho Lý Phúc Vĩnh nghe và cho biết Tăng Tòng Hổ không còn ở núi Hổ Đầu nữa.

Lý Phúc Vĩnh ngạc nhiên, không ngờ hai người lại tài dũng đến mức ấy. Lý Phúc Vĩnh nhìn Song hiệp :

– Vừa rồi nhập ải môn, Nhị vị có bị khám xét không?

Mai Nương gật đầu, Tử Long vội hỏi :

– Việc chi vậy?

Lý Phúc Vĩnh đáp :

– Thủ bị Bao Đức Lễ cho hay rằng đêm hôm kia bỗng dưng ấn tín của quan Tổng binh Triệu Tường cất trong ngăn nơi tư phòng riêng bỗng không cánh mà bay. Thế mới kỳ chớ!

Mai Nương mỉm cười nhìn Cam Tử Long :

– Sao Triệu tổng binh khờ khạo thế? Người ngoài bỗng dưng mạo hiểm vào tận hành dinh lấy ấn tín Tổng binh làm chi? Họ Triệu phải tự xét xem có làm điều gì oan ức cho người ta không, đến nỗi có một vị hiệp khách nào đó phải ra tay trừng phạt bằng cách lấy ấn tín. Hoặc giả có hiềm thù với ai nên họ mới đột nhập N hành dinh vào tận thư phòng lấy ấn tín cảnh cáo, trả thù chớ. Đi tìm kiếm lai rai ngoài trấn ăn thua gì?

Tử Long nói :

– Lý do thù hiềm có lẽ đúng hơn. Nếu hiệp khách nhúng tay vào vụ này, tất đã để giấy cảnh cáo lại.

Lý Phúc Vĩnh đồng ý :

– Tôi cũng nghĩ như vậy và trao đổi với Bao thủ bị. Theo suy luận của Bao thủ bị, Triệu tổng binh vẫn ghét và nghi ngờ Thiên Vương tự. Trái lại Thiên Cương Lịch Sơn Độ cũng không ưa gì Triệu Tường. Hai bên vẫn ghét nhau ra mặt. Có thể kết luận rằng Thiên Cương hòa thượng là thủ phạm là thủ phạm vụ mất ấn tín này không?

Cam Tử Long nói :

– Câu chuyện thù hằn giữa hai người ấy xảy ra từ mấy năm rồi. Không lẽ bây giờ Thiên Cương mới ra tay lấy ấn tín?

Lý Phúc Vĩnh suy nghĩ giây lát :

– Có thể lắm Cam hiệp ạ. Thiên Cương là người khôn khéo, lấy ấn tín ngay sẽ bị nghi ngờ nên y chờ tới bây giờ mới hành động khiến Triệu tổng binh phải lo sợ cho bõ ghét.

Cam Tử Long công nhận :

– Vụ này nhiều nghi vấn lắm. Hướng về phía Thiên Vương tự điều tra may ra tìm thấy chút ánh sáng nào chăng? Nhưng trong dinh Tổng binh liệu có nhân viên nào đủ tài sức tranh đua cùng Thiên Vương tự không?

Lý Phúc Vĩnh lắc đầu :

– Trương Gia Khẩu là một nơi biên ải, số võ quan vẫn nhiều hơn các nơi trong nội địa, Tổng binh Triệu Tường không phải người kém nhưng không thể so sánh được với công phu tuyệt kỹ của các cao đồ xuất thân từ các võ phái xuất thân hiện giờ.

– Thiên Cương Lịch Sơn Độ là một trong những nhân vật đã thọ lãnh được thứ công phu tuyệt đối của phái Không Động, Triệu Tường còn thua sức kém tài thì trong quân lấy đâu ra người có bản lãnh dám cáng đáng việc điều tra Thiên Vương tự?

Lã Mai Nương nói :

– Bình nhật chẳng nói làm chi, nay bỗng nhiên mất ấn tín, quan Tổng binh có thể huy động lực lượng bao vây khám xét trong chùa.

Lý Phúc Vĩnh nói :

– Triệu Tường vị tất đã không nghĩ đến, song y phần e lộ chuyện mất ấn, phần e hậu quả cuộc bao vây khám xét. Thiên Cương chẳng phải là con người chịu để ai đàn áp đâu.

Chuyện vãn hồi lâu, Cam, Lã gọi Bốc Đề Nhĩ ra nói mấy lời cảm ơn và tặng bạc trả ơn vụ đưa kiếm Tăng Tòng Hổ trên núi Hổ Đầu.

Bốc Đề Nhĩ nhất định chối từ. Mai Nương bảo mãi mới chịu nhận.

Song hiệp từ giã Lý Phúc Vĩnh ra Biên Cương quán lấy phòng trọ.

Tối hôm ấy cơm nước xong, Cam Tử Long bàn với Mai Nương :

– Thú thật với sư muội, ngu huynh thắc mắc về Thiên Vương tự quá.

Nàng mỉm cười :

– Chẳng riêng gì sư huynh. Tiểu muội cũng vậy nhưng không dám nói ra, e bị rầy là đa sự.

Chàng dịu giọng :

– Đâu có! Vì mối thù của ngu huynh, sư muội vất vả bôn tẩu đã nhiều. Khốn nỗi cứ phải nhè những nơi nguy hiểm dấn thân vào, mua chuốc không biết bao nhiêu khó khăn vào mình. Nhiều lúc ngu huynh tự vấn không biết ngày nào mới được về an bài nơi sơn dã.

Nàng âu yếm nhìn Tử Long :

– Không vào hang hổ sao bắt được hổ? Cam bá phụ linh thiêng tất thế nào cũng dun dủi anh em ta đi trúng đường Tăng tặc. Chừng nào ta thăm thú chùa Thiên Vương? Đêm hay ngày?

Tử Long suy nghĩ giây lát :

– Mai ta đi dâng hương như hồi trước ở Túc Kỳ Châu thăm chùa Thiên Sơn xem sao. Sau đó sẽ hay.

Hôm sau Song hiệp ra phố sửa soạn lễ vật, rồi đến thăm Sơn Thần Lộ rủ tiêu sư Lý Phúc Vĩnh cùng đi dâng hương chùa Thiên Vương.

Lý Phúc Vĩnh sai gia nhân đi gọi xe ngựa, dặn dò viên quản lý, rồi cùng Song hiệp lên xe ra lối Tây Môn.

Phong cảnh trên đường thiệt u nhã. Qua Thanh Dương hồ, xe ngựa rẽ sang hướng Tây bắc chừng hơn sáu dặm thì đã thấy tam quan ba tầng. Mái cong nhô lên khỏi hàng cây um tùm xanh mướt.

Cao hơn Tam quan còn có ngọn tháp chín tầng mái chọc trời.

Tử Long khen :

– Chà! Ngọn tháp cao quá nhỉ. Với ngọn tháp và gác Tam quan ấy, ta có thể đoán Thiên Vương tự lớn tới bực nào rồi.

Xa phu nói :

– Thưa ba vị quan khách, đó là tháp Kỵ Vân xây dựng ngay ở giữa sân trước đại điện. Trước kia Thiên Vương tự có ngôi đại điện và nóc Tam quan cao nhất, từ ngày vị Bạch Quỷ đại hòa thượng về trụ trì mới xây thêm ngọn Kỵ Vân tháp.

Mai Nương hỏi :

– Lên được lầu trên cùng tháp không?

– Thưa có, thang cuốn bằng gạch xám dẫn đến tầng tháp trên cùng. Mỗi tầng cao mười bốn thước mà tổng cộng chín tầng. Tầng trên cùng có tượng Quan Âm và một lư hương bằng đồng đen chưa trạm trổ nặng tới hơn hai trăm cân, có kẻ lượng đoán ban trăm cân.

Lý Phúc Vĩnh hỏi :

– Nặng thế thì ai nhấc nổi chiếc đồng lư đó lên thượng tầng Kỵ Vân tháp?

Xa phu đáp :

– Thưa, không ai hiểu được việc ấy.

Nhiều quan khách và nhất là một số thợ đã dự phần xây dựng ngọn tháp lấy làm ngạc nhiên hỏi hòa thượng thì người cũng nói là không biết. Có lẽ Thần, Phật linh thiêng biến hóa cho Kỵ Vân tháp chiếc đồng lư ấy.

Lã Mai Nương mỉm cười nhìn Cam Tử Long.

Lát sau tới nơi. Tử Long bê lễ vật đi thẳng vào chánh môn dưới Tam quan rồi được Tri Khách tăng đưa lên đại điện lễ phật.

Trên bục đá xây thành bậc, bày bốn mươi chín pho tượng Phật, tượng nào cũng lớn bằng cỡ người thật, sơn son thếp vàng. Riêng tượng đức Như Lai cao tới mười thước ở bậc trên cùng, gần sát nóc điện. Hai bên dàn tám pho Kim Cương toàn thạch. Bốn chiếc cột bằng cây súc lớn cỡ hai ôm chống toàn thể mái điện nặng nề.

Xoay lưng vào hai cột ngoài, trông thẳng ra sân trước là hai tượng “Ông Thiện”, “Ông Ác” cao tới tám thước, giáp trụ đồ sộ, hiên ngang chống đại đao lưỡi bằng thép thật sáng loáng.

Mai Nương nghĩ thầm: “Kẻ yếu bóng vía lạc vào đại điện ắt chẳng khỏi kinh hoàng”.

Ngay giữa điện, trên bục gỗ trải bồ đoàn, một vị hòa thượng vai rộng, cổ to, da mặt đen bóng như bồ hóng đang tụng kinh.

Song hiệp sẽ hất hàm ý tứ bảo nhau có lẽ đấy là hòa thượng Hắc Phong Mộng Lộ Di mà tiên sư Tưởng Nguyên Sơn đã kể truyện trước khi ra Quan ngoại.

Hành lễ xong, Cam, Lã, và Lý Phúc Vĩnh trở xuống dãy nhà ngang vào phòng Trà. Tri Khách tăng chờ sẵn ở đó :

– Tỉnh ba vị tín chủ vãng cảnh chùa.

Trong chùa, nếp dọc, nếp ngang kiến trúc giản dị nhưng nếp nhà nào cũng đồ sộ vững chắc bội phần. Trai phòng, Thiền phòng, Kinh phòng, nơi nào cũng có biển đề ngăn nắp. Qua sân sau, tới một nếp mái rộng nền đất phẳng lì, bốn bề trống trơn, bên trong bày la liệt các dụng cụ thuộc phần luyện tập võ nghệ. Treo ngang trên xà ngang một tấm biển đề “Thao phòng”. Dự đoán e khách lạ chưa hiểu về lề lối trong chùa, Tri Khách tăng giải thích :

– Sư trưởng bổn tự muốn cho các tăng tiểu trong chùa có sức và tinh thần lành mạnh để được triệt để phục vụ Phật giáo, nên ngoài việc kinh kệ, tất cả đều phải luyện thêm môn quyền thuật cho thể xác được cường tráng.

Cam Tử Long nói :

– Đó là việc nên làm, bổ ích chớ không hại. Đạo Phật không có luật lệ nào cấm các đệ tử tập thể dục. Như Thiếu Lâm tự và một số các đại tự khác chẳng hạn, môn đồ đều biết võ nghệ. Chúng tôi rất tán thành.

Tri Khách tăng chỉ tấm bia đá, dựng ngay ở đầu Thao phòng hướng Đông mà rằng :

– Quý vị tín chủ đọc thử coi.

Ba người bước vào thấy trên bia đề một hàng chữ lớn đề “Đệ Thập Tứ Nhật, Lục Nguyệt, Tân Sửu Niên”, phía dưới hàng chữ ấy, ghi chín tên toàn là pháp hiệu hòa thượng.

Tri Khách tăng giải thích :

– Tân Sửu Niên, cách đây hơn một giáp, tính đúng mười ba năm, một bọn giặc gồm cả người Hán, Mãn, Mông nghe tiếng Thiên Vương tự giàu có nên kéo đến cướp phá. Chúng bị chư tăng ngăn cản chống lại nên hạ sát chín vị hòa thượng và đốt tan tành thiền viện trước khi rút lui, quan quân nội trấn Trương Gia đến cứu không kịp.

Lý Phúc Vĩnh hỏi :

– Bởi lẽ ấy Sư trưởng mới lập bia này kỷ niệm những tăng nhân mạng vong?

Tri Khách tăng gật đầu :

– A di đà Phật, chính vậy. Nhưng các vị tiền bối hỉ xả ấy không thuộc về lớp chư tăng hiện đại.

Những người còn sống sót sợ hãi bỏ đi hết và Thiên Vương tự bị hoang phế cỏ mọc rêu phủ suốt bốn năm trường. Mãi sau Thiên Cương hòa thượng, Sư trưởng hiện tại của chúng bần tăng vân du qua đây, nhờ sự giúp đỡ về mặt tài chánh của đại sư phụ và khách thập phương, người liền dừng bước tu bổ lại khu đại thiền viện này.

Ba người nói mấy lời khen ngợi rồi cùng Tri Khách tăng ra hậu hoa viên ở liền ngay sau Thao phòng. Ngay giữa hậu hoa viên, trên bục đá cao hơn mặt đất chừng hai tấc có một quả chuông đồng cao tới mười hai, mười ba thước, có bốn “vú chuông” đúc hình “Ngũ Long Tranh Châu”.

Tri Khách dẫn giải :

– Trái “Đại Chung” này đúc được bốn năm rồi nhưng gọt dũa thì vừa mới xong được vài tháng nay.

Cam Tử Long hỏi :

– Đại hòa thượng đinh treo chuông này lên Tam quan?

– Thưa không, vì chuông nặng lắm. Làm thế nào mà kéo lên nổi trên Tam quan? Vả lại trên đó không có cây xà ngang khả dĩ đủ sức chịu nổi trái chuông này.

– Có lẽ phải xây gác chuông riêng chăng?

– A di đà Phật, đó là ý muốn của Sư trưởng bần tăng nhưng không biết có thực hiện nổi chăng?… Cũng còn nhờ công đức khách thập phương. Khi đúc chuông dùng tới hai tấn rưỡi đồng. Nay thành công, sức nặng của trái chuông có lẽ còn tới non tấn hay một tấn.

Mai Nương hỏi :

– Nhưng làm thế nào mà đưa được trái chuông này lên cái bục đá hả?

Tri Khách tăng đáp :

– Khuôn đúc để ngay trên bục đá. Bên trong hãy còn cốt. Chừng nào khởi công treo mới lấy ra được.

Mai Nương đi quanh trái chuông coi, nhận thấy quanh bờ bục đá phiến có mấy vết sứt mẻ.

Tri Khách mời ba người về Thiền phòng, nơi Thiên Cương hòa thượng ngồi nhập định trên bồ đoàn. Khách vừa qua ngưỡng cửa thì Thiên Cương cũng bừng mắt đứng lên đáp lễ.

Thoạt nhìn, Song hiệp biết ngay là vị đại hòa thượng có một sức lực tiềm tàng đáng nể. Gọi là Bạch Quỷ thiệt đúng với sắc diện trắng hồng, mắt xanh lè, mũi cao mà dài, tóc cạo nhẵn bóng nhưng để râu quai nón xoăn tít, vàng hoe như lông quỷ. Thiên Cung nói Bạch thoại rất sõi y hệt người Bắc Kinh. Đại hòa thượng nhìn chằm chằm ba người, nhất là Tử Long, Mai Nương rồi mời ba người dùng trà.

Song hiệp chú ý nhận xét thấy nét mặt hòa thượng thật nghiêm nghị nhưng trong cái nghiêm nghị ấy vẫn bao quát một vẻ hiền từ.

Cất tiếng sang sảng như chuông đồng, không một chút gợn giọng ngoại nhân, Thiên Cương hỏi :

– Thiệt tình nhị vị thiếu gia nghe tiếng Thiên Vương tự mà không quản đường xa dặm thẳng, đến bổn tự dâng hương cầu phúc hay vì lý do này khác?

Lã Mai Nương đáp, giọng nói không kém nghiêm nghị, đanh thép :

– Bạch hòa thượng, do cả hai thứ:

Đại danh Thiên Vương tự và Đại sư bạch diện công đức cao cả.

Thiên Cương mỉm cười :

– Trước khi tới đây, hẳn quý vị dựa theo lời đồn thấy bổn tự dữ hơn là lành, tiếng còn dữ hơn nữa khi biết bần tăng là một tên Bạch quỷ và chư tăng trong thiền viện trà trộn đủ mọi giống người…

Cam, Lã im lặng nghe.

Hòa thượng nói tiếp :

– Đạo Phật nhân ái, rộng rãi bao la, bao dong thiên hạ chúng sanh, chẳng riêng gì của mình ai, lẽ nào người ta thấy bần tăng là ngoại nhân, đem lòng đố kỵ gieo cho nhiều tiếng không hay?… Quy y đầu Phật, bần tăng không màng tới việc thế nhân, lẽ ra phải im lặng trước dị nghị của thiên hạ.

Hôm nay, tuy nhất kiến vi kiến, bần tăng thấy quý vị, hiểu người nên mới dám trần tình. Bần tăng đã cố công tái tạo Thiên Vương tự, dĩ nhiên mong ước chốn này trở thành nơi Phật cảnh tin tưởng, trọng mến của tất cả những ai biết tôn kính đức Như Lai cao cả, chí tôn, chí ái và quyết không tha thứ người nào dám coi bổn tự như một ổ người phạm giới.

Nghe Thiên Cương nói với cả một bầu nhiệt huyết, Song hiệp hiểu ngay là vị hòa thượng ấy bị điều uất ức.

Phải chăng là Tổng binh Triệu Tường vốn không ưa ngoại chủng ghét Thiên Cương Lịch Sơn Độ nên lúc nào cũng tưởng tượng rằng vị hòa thượng này thuộc hạng hổ mang phạm giới?

Có lẽ giữa hai người, vẫn có những xích mích ngấm ngầm mà không một ai hiểu hết.

Chịu không nổi Triệu Tường, Thiên Cương – thêm một lần nữa – trổ tài phi thiềm tẩu bích đoạt ấn tín của viên Tổng binh họ Triệu phải lao đao điêu đứng cho bõ hận.

Thiên Cương thật tình nhưng Triệu Tường vẫn cố chấp.

Suy luận như vậy, Cam Tử Long nói :

– Sư phụ dạy chí phải, song le trong đời nhiều khi con người phải biết nhắm mắt làm ngơ bỏ hết tiểu tiết. Với thời gian, hắc bạch không thể nào lẫn lộn được. Đại sư chẳng nên chủ tâm nghĩ ngợi làm chi. Đệ tử muốn biết trước khi về trụ trì tại Trương Gia Khẩu, sư phụ đã từng ở một nơi nào hay chỉ chuyên việc vân du?

Thiên Cương đáp :

– Bần tăng chuyên vân du, nhưng căn cứ vẫn là Không Động sơn bên Cam Túc. Đó là nơi mà bần tăng đã thế phát học đạo, luyện thân từ nhỏ chí lớn, trước khi phiêu bạt nay đó mai đây học hỏi.

Là môn đồ của Thạch Phủ Kính trưởng phái Không Động, bần tăng tuy lớn tuổi nhưng còn có một vị sư huynh ít tuổi hơn, vị ấy theo thầy học đạo trước bần tăng. Trước khi lấy Thiên Vương tự làm căn cứ, bần tăng vẫn muốn rời Không Động sơn tuy là người của môn phái đó. Nếu thiếu gia không hiểu tại sao, xin miễn hỏi vì bần tăng không đủ can đảm giải thích.

Dứt lời, Thiên Cương im lặng. Cam, Lã thấy không cần phải kéo dài câu chuyện tìm hiểu Thiên Cương hơn nữa bèn xin cáo từ.

Cam, Lã và Lý tiêu sư trở ra sân trước lên Kỵ Vân tháp. Cầu thang gạch xây cuốn, đi vòng chín tầng mới lên tới đỉnh tháp thờ đức Quan Âm. Trước bệ Phật, một chiếc đồng lư chạm trổ tuyệt đẹp khá lớn được bày trên bục đá. Sức nặng chiếc đồng lư ấy có tới ba trăm cân theo sự ước lượng của Song hiệp.

Cam Tử Long và Lý Phúc Vĩnh :

– Lý tiên sinh có tin rằng chiếc lư đồng này tự nhiên bay tới đỉnh tháp Kỵ Vân chăng?

– Làm chi có câu chuyện trời biển ấy! Đó là một công phu tuyệt kỹ, dũng lực phi thường. Người nào làm nổi việc ấy tất phải có đại lực.

Mai Nương nói :

– Không những có đại lực mà còn đạt cả Nội Ngoại Thần Công. Vác nổi một sức nặng ba trăm cân lên chín tầng lầu tất cả sức đẩy ngang mạnh ngàn cân.

Lý Phúc Vĩnh nói :

– Ngoài Thiên Cương ra, nội tự không ai làm nổi việc ấy.

Cam Tử Long hỏi :

– Nhưng vì lý do gì Thiên Cương bê chiếc lư đồng lên ngọn tháp rồi lại phao ngôn là không hay biết gì về vụ ấy cả. Y có ý để mọi người tin tưởng là chỉ có sức màu nhiệm của đức Phật mới đưa nổi chiếc lư đồ nặng nề này lên được ngọn Kỵ Vân tháp?

Lý Phúc Vĩnh nói :

– Tôi có cảm tưởng rằng Thiên Cương hòa thượng ấm ức ở điểm đất đông người tuy tới chùa dâng hương, nhưng vẫn không ưa vị Sư trưởng là ngoại nhân.

Cam Tử Long nói :

– Tôi không hiểu tại sao mọi người lại quá đố kỵ ngoại nhân. Thiên Cương hòa thượng giản dị và rất thực tế. Xem như việc công khai bắt các tăng tiểu trong chùa phải luyện tập võ nghệ cho thân thể cường tráng đủ sức tự vệ phòng giặc cướp. Hành động ấy rõ ràng như thanh thiên bạch nhật, không hề úp mở giấu diếm như các ngôi chùa khả nghi. Sự bất đồng ý giữa Triệu tổng binh và Thiên Cương hòa thượng chắc chắn do một sự hiểu lầm. Hai bên cùng tự ái không chịu cởi mở tâm sự trước, nên chia rẽ hai người ngày một sâu thêm.

Thiên Cương bản lãnh chắc khá lắm đủ tư cách tự vệ, không biết sợ ai cũng như không cần sợ ai, đương nhiên trong khu vực nhà chùa nương nhờ cửa Phật bất khả xâm phạm. Đó cũng là một lý do khiến không ai gặp Thiên Cương ra phố trong thành Trương Gia Khẩu.

Lễ trước điện Quan Âm xong, Cam, Lã đứng dựa cửa sổ trên từng chót Kỵ Vân tháp nhìn phong cảnh chung quanh.

Đứng trên cao Cam, Lã ngắm cảnh sắc bao quát nội vùng. Xa xa cửa ải Trương Gia Khẩu hùng vĩ với những nóc mái cong, những ổ châu mai vuông vắn in bật trong vòm trời xanh ngắt. Nội phận, đồi núi chập chùng, rừng cây bát ngát ăn thông đến tận Vạn Lý Trường Thành uốn khúc vắt qua đồi, băng đỉnh núi như một lão long khổng lồ mình dài vô tận. Ngắm nhìn hồi lâu, ba người ung dung xuống tháp, trở lại đại điện từ giã Tri Khách tăng ra về.

Chiều hôm ấy Song hiệp nghỉ ngơi, đàm luận về chùa Thiên Vương.

Lã Mai Nương hỏi :

– Sư huynh có chú ý tới cái bờ nền đá, nơi để trái chuông lớn không?

Cam Tử Long gật đầu :

– Có, bờ đá bị sứt mẻ chứng tỏ rằng đã có người vần trái chông dựng lên bục đá, chớ không phải nguyên vị từ lúc mới đúc.

– Chính thế. Khoảng đất gần đó cũng vừa mới được cuốc xới lên, phải chăng nhà chùa đã làm thế để xóa vết tích chỗ để chuông cũ? Tại sao Tri Khách tăng cố ý giấu diếm về chỗ để chuông tất phải có lý do quan trọng.

Bỗng Cam Tử Long tươi hẳn nét mặt lên. Mai Nương ngạc nhiên :

– Sư huynh hân hoan điều gì thế?

– Lúc ở trên thượng tầng Kỵ Vân tháp, sư muội vô tình nhắc lại câu nói của Chiêu Dương sư phụ “Bê nổi ba trăm cân lên dốc tức là có sức đẩy ngang bật một ngàn cân dễ dàng”. Sư phụ thường nhắc đi nhắc lại câu này khi người bắt chúng ta khuân đống đá ở lưng chừng núi chồng lên thành bức tường bên dòng suối, sau đó lại dỡ đá trả về chỗ cũ.

Mai Nương gật đầu mỉm cười :

– Ờ, tiểu muội còn nhớ trong thời kỳ luyện Thần Công chúng ta phải khuân như vậy có tới hai chục lần. Càng dỡ đống đá ra, những viên đá ở lớp trong càng lớn, những tưởng không đủ hơi sức khuân được tới dòng suối nữa, ngờ đâu không bê thì vác, khuân được hết.

Nguyên câu chuyện vác đá mà Mai Nương, Tử Long nói đây, phái Bắc Thiếu Lâm gọi là Di Sơn pháp. Các vị đại sư tiền thế của của phái này đã chất một đống đá lớn tại lưng chừng núi. Các tảng đá chất thành đống ở đó có đủ các cỡ lớn nhỏ kể từ hai mươi cân lên tới ba trăm năm mươi cân. Số cân lượng được ghi bằng sơn lên mỗi tảng đá một.

Các môn đồ luyện Thần Công phải hàng ngày khuân các tảng đá đó từ sườn núi lên đặt tại nơi bờ suối gần chùa. Bê một sức nặng như vậy khi lên dốc, lúc xuống dốc không phải là một việc dễ dàng. Thoạt lúc đầu, sự khuân vác ấy quả rất khó khăn. Về sau hàng ngày luyện tập, sức mạnh của các môn đồ mỗi ngày tăng tiến. Họ chuyển vận các tảng đá đó mãi cho tới một ngày kia họ đủ sức di chuyển cả một tảng đá lớn nhất nặng ba trăm năm mươi cân lên tới bờ suối gần chùa Bạch Vân. Sau đó, môn đồ luyện Thần Công lại phải chuyển dời đống đá đó từ bên suối xuống sườn núi trả về chỗ cũ. Khởi đầu còn phải gắng công mệt nhọc, về sau các môn đồ coi việc di chuyển thạch phiến ấy như một việc thường không khó nhọc. Đó là lúc họ đã thành công trong việc luyện Thần Công và trên mặt đất phẳng có dư sức đẩy ngang hoặc vác lên khỏi đầu một sức nặng ước lượng độ một đên ba trăm cân.

Luyện Nội Ngoại Thần Công đến bực này thì được liệt vào mức độ thượng thừa ít người bì kịp. Môn đồ cần phải Thiên Tiên Hoàn Túc dầy công luyện tập mới mong thành công. Lúc đó hai cánh tay thừa sức khỏe dìu nổi Tứ mã không cho chạy, hoặc cử nổi khỏi đầu đi lại như thường một vật nặng dư ngàn cân có quai hay có chỗ khả dĩ cầm được, như đồng lư hoặc thiết đảnh chẳng hạn.

Khi xưa, Hạng Võ muốn biểu lộ đại lực thâu phục hai tướng Hoàn Sở, Vũ Anh trong Đồ Sơn, bèn theo lời thách thức của Hoàn, Vũ đến trước miếu Võ Vương thử sức.

Trước miếu có một chiếc thiết đảnh ba chân cao bảy thước, bề vòng năm thước, giữa hai vú đảnh một bên đề Ngũ Thiên Đảnh một bên đề Bất Khả Di. Qua bao nhiêu triều đại, chiếc đỉnh đó vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt, ba chân ăn lún xuống đất sâu tới ngót tấc.

Đứng trước thiết đảnh khổng lồ ấy, Hạng Võ bảo mọi người thử trước xem có đẩy đổ nổi hay không. Nào tướng, nào quân, người nào cũng như châu chấu đá xe, mồ hôi toát đầm áo, miệng thở hồng hộc mà thiết đảnh vẫn trơ như ngọn Thái Sơn. Tức thì, sau khi ai nấy đều xin chịu, Hạng Võ sắn tay áo, bước tới, vận dụng toàn lực đẩy mạnh. Thiết đảnh nặng nề đổ lật sang bên, cày cả đất. Hạng Võ cúi xuống cầm hai chân đảnh nhấc bổng lên khỏi đầu, đi ba vòng trước sân miếu rồi đặt thiết đảnh xuống chỗ cũ. Hai tướng Hoàn Sở, Vũ Anh và toán binh tướng tháp tùng thất kinh, hoan hô thần lực.

Theo sử thì chiếc đảnh đó nặng dư ngàn cân mới có tên Ngũ Thiên Đảnh. Trái lại, pho Võ Thuật Tùng Thư, chương Thần Công Đề Khí có một đoạn nói tới dũng lực vô địch của Tây Sở Bá Vương để so sánh với các danh đồ võ phái đã đạt tới mức tối cao trong khuôn khổ Đại Lực, chép rằng:

Lực nặng tối đa là một ngàn hai trăm cân, chớ chưa một ai cử nổi quá mức ấy, kể từ khi Đạt Ma sư tổ từ Tây Tạng vào Trung Nguyên truyền bá kỹ thuật Công Phu. Số môn đồ hay Đại sư làm nổi chuyện phi thường ấy không phải là thế hệ nào cũng có. Cho nên bộ Tùng Thư kết luận rằng chiếc đảnh mà Tây Sở Bá Vương cử trước miếu Võ Vương thời Tây Hán có lẽ chỉ nặng tới mức tối cao một ngàn hai trăm cân. Còn ba chữ Ngũ Thiên Đảnh không có nghĩa là đảnh đó nặng năm ngàn cân.

Ở chân ngọn Đại Sơn thuộc đất Cối Kê có tên là Ngũ Thiên. Phải chăng thôn dân nơi đó đã đúc một chiếc đảnh nặng một ngàn hai trăm cân dâng thờ lên miếu Võ Vương, bởi vậy mới có ba chữ Ngũ Thiên Đảnh, nghĩa là chiếc đảnh của Ngũ Thiên Thôn. Nếu có lạ thì chỉ ở điểm Hạng Võ bẩm sanh có dũng lực thiên phú mới làm việc động trời ấy giữa một thời mà nền võ thuật chưa tới mức tinh vi.

Kỹ thuật Công Phu bên Trung Quốc bắt đầu phát triển có phương pháp chắc chắn thật ra chỉ từ thời Tống sơ tức là lúc chùa Thiếu Lâm được thành lập.

Các vị Thiền sư thuộc phái này khảo cứu, bổ túc mãi cho tới khi qua cả đời Nguyên đến Minh, Thanh mới là thời kỳ toàn thịnh và Võ thuật mới thiệt xứng đáng với danh Kỹ Thuật Công Phu.

Dưới thời Càn Long, môn đồ Bắc Thiếu Lâm cho Chiêu Dương thiền sư đào luyện chỉ có bốn người như ta đã biết, là hai người thế phát từ nhỏ theo hầu Thiền sư: Mạnh Sơn và Võ Sơn. Sau đó có Cam Tử Long và Lã Mai Nương.

Bốn người ấy sàn sàn tuổi nhau, nhờ có sức lực tự nhiên, lại được Chiêu Dương thiền sư và Lã Tứ Nương ra công đào luyện nên cả bốn người cùng đạt tới mức tối cao về Di Sơn pháp. Nhưng trội hơn và phần Đại Lực có Mạnh Sơn và Cam Tử Long di chuyển và cử nổi một ngàn hai trăm cân kỳ dư. Trái lại Võ Sơn và Mai Nương lại hơn Mạnh Sơn, Cam Tử Long về phấn tối ư lẹ làng. Tuy mỗi bên hơn nhau chút đỉnh, nhưng bốn danh đồ đều đáng liệt vào hàng siêu việt thời bấy giờ, người nào cũng dầy công luyện tập trên mười năm mới thành tài.

Bởi vậy, khi Lã Mai Nương nhắc đến câu “Cử nổi ba trăm cân lên dốc, tất chuyển được dư ngàn cân trên đất bằng” đã khiến Tử Long nhớ lại Thiên Cương hòa thượng và chiếc chuông lớn ở ngoài hậu viên Thiên Vương tự.

Vị hòa thượng giống người Bạch chủng này, đã thẳng thắn thừa nhận là môn đồ của phái Không Động. Nói về phương diện Võ thuật, phái Không Động là một trong những võ phái lớn nhất Trung Nguyên hồi bấy giờ. Số môn đồ còn có phần đông hơn cả Thiếu Lâm tự.

Lão sư Thạch Phủ Kính đích thân ở trên Không Động sơn, trong Kim Điêu ổ trước kia thuộc Kim Thành huyện, Tam Ân phủ. Nay Kim Điêu ổ dân cư đông đảo, trở thành huyện lỵ từ đời Minh mạt Sùng Chinh Vương, nên tách ra khỏi Kim Thành huyện và trực thuộc riêng Tam Ân phủ, đất Cam Túc.

Thạch Phủ Kính lão sư có ba đồ đệ đáng liệt vào bực kiệt hiệt thời bấy giờ. Người thứ nhất là Hạng Kính Thiên gốc người Hán Trung. Người thứ nhì là Lịch Sơn Độ tức là Thiên Cương hòa thượng, sư trưởng Thiên Vương tự. Người thứ ba là Đậu Hải Giao, người Khai Phong phủ, Hà Nam. Sau khi thành công, Lịch Sơn Độ vốn đã thế phát, ở lại Giảng Võ Đường do Lão sư xây dựng ngay tại Kim Điêu huyện, cùng sư phụ và sư huynh Hạng Kính Thiên thay phiên nhau dạy các môn đồ. Riêng Đậu Hải Giao có việc nhà phải về Khai Phong phủ.

Đảm nhiệm dạy các môn đồ được ít lâu, Lịch Sơn Độ nhận thấy Thạch sư phụ và Hạng Kính Thiên thâu nhận môn đồ một cách bừa bãi, bạ ai xin học cũng nhận liền, không cần tìm hiểu, thử thách về phương diện đức độ của người mới đến.

Hơn nữa, Lịch Sơn Độ không ưa tánh nết của sư huynh Hạng Kính Thiên và một số đông các sư đệ, nên từ giã Thạch lão sư, vân du thăm viếng Trung Quốc.

Lịch Sơn Độ định bụng sau thời gian du hành, tất thế nào cũng tìm được một nơi vừa ý, sẽ ở lại tu hành, tách khỏi hẳn Không Động sơn.

Tuy vậy, Lịch Sơn Độ vẫn luôn luôn kính trọng Thạch lão sư là người đã nuôi dạy truyền nghề cho mình từ nhỏ nay mới có bản lãnh như thế này, nên cũng nhiều khi tiện đường về thăm, tuyệt nhiên không hề đả động tới việc Thạch Phủ Kính hay binh vực học trò chống lại mấy võ phái khách dù rằng người của Không Động sơn có lỗi.

Thời ấy, nhắc đến phái Không Động, người của môn phái khác đều biết là một phái cùng với phái Tây Khương ưa gây nhiều chuyện xích mích, hiềm thù với các đồng đạo dị phái.

Bởi vậy, khi đáp lại câu hỏi về môn phái của Cam Tử Long, Thiên Cương không khỏi chạnh lòng về hai tiếng Không Động, tuy rằng trong một võ phái cũng có người tốt kẻ xấu.

Bình luận về Thiên Cương hòa thượng, Lã Mai Nương nói :

– Lịch Sơn Độ là người dị chủng, bị Triệu tổng binh chủ ý nghi ngờ mà không chịu tìm hiểu nên mối hiềm thù giữa hai người ngày một tăng thêm. Theo lời Tưởng Nguyên Sơn kể lại thì đã có lần tức nước bể bờ, Thiên Cương lần thứ nhất bẻ ngọn giáo trổ tài võ dũng cảnh cáo quan Tổng binh. Bị ức, họ Triệu chắc có dùng áp lực quyền thế của mình sao đó, nên chuyến này vị hòa thượng dị chủng ấy lại cảnh cáo Triệu Tường bằng cách lấy ấn tín. Nếu chúng ta dàn hòa được vụ này cũng là một điều nên làm.

Cam Tử Long nói :

– Dàn hòa bằng cách nào nếu ta không tìm ra được ấn tín để lấy đường giao dịch với Triệu Tường?

Mai Nương mỉm cười :

– Theo tiểu muội dự đoán thì ấn tín hiện giờ ở…

Nàng ghé tai Cam Tử Long nói nhỏ mấy câu.

Họ Cam gật đầu :

– Ờ, ngu huynh đồng ý. Thử xem sao? Thiên Cương có thể đạt tới trình độ võ công ấy đó.

Đêm hôm ấy trống canh vừa điểm hai, thì hai bóng đen xuất hiện trên các mái nhà Trương Gia Khẩu, vượt thành rồi hướng về phía Thiên Vương tự.

Hai bóng đen chính là Song hiệp đột nhập chùa Thiên Vương.

Hai người thoăn thoắt tiến đến chỗ để trái chuông đứng tựa lưng vào khối đồng lớn ấy.

– Sư huynh đẩy nghiêng trái chuông, tiểu muội đỡ ở phía bên cho khỏi đổ, đoạn sư huynh chui hẳn vào xem coi có gì không.

– Nếu có, thì chỉ ở mặt phiến đá thôi, quơ tay vào cũng thấy.

Tức thì Cam, Lã nhìn quanh, nhận xét kỹ một lần nữa. Chắc chắn là không có người, Cam Tử Long liền bám tay vào các mấu chạm trổ trên mặt chuông, vận dụng toàn lực đẩy từ từ. Trái chuông khổng lồ, nặng nề nghiêng lần lần.

Đứng phía bên kia, Mai Nương đỡ lấy thân trái chuông cho khỏi đổ, nàng bảo :

– Được rồi, sư huynh có thể buông tay ra được.

Cam Tử Long từ từ buông tay, ngồi thụp hẳn xuống. Chàng mừng rỡ khi tay đụng trúng một chiếc hộp nhỏ ngoài bọc vải. Cầm ngay lấy chiếc hộp đó, chàng xóc thử mấy cái thấy có mấy vật gì lăn lốc cốc bên trong.

Tử Long chui ra, giắt chiếc hộp nhỏ vào đai lưng, đoạn đỡ lấy thân trái chuông, chàng bảo Mai Nương buông tay.

Trái chuông khổng lồ nặng nề được hạ từ từ xuống như cũ.

Mai Nương vội hỏi :

– Có rồi hả?

– Ờ, có rồi, ra ngoài giở ra coi lại xem thế nào. Nếu không phải thì mất công quá!

Lánh xa khỏi tường Thiên Vương tự để tránh đoàn tăng tiểu tuần phòng, Cam, Lã dừng bước dưới gốc cây mở bọc lấy chiếc hộp mở ra xem. Quả nhiên bên trong có hai quả ấn, một chiếc hình vuông và một hình chữ nhật.

Song hiệp mừng rỡ, bọc chiếc hộp lại như cũ, bỏ vào túi dạ hành của Mai Nương đoạn phi hành thẳng một mạch về Trương Gia Khẩu.

Sáng hôm sau Cam, Lã vừa dùng điểm tâm xong thì Lý Phúc Vĩnh đến Biên Cương quán báo cho biết tin Triệu tổng binh đang điều động quân binh để vào lục soát Thiên Vương tự. Muốn thỏa tính tò mò, họ Lý mời Cam, Lã cùng vào chùa để mục kích vụ khám xét xem sao.

Song hiệp nhận lời cùng đi và yêu cầu họ Lý chờ ở dưới lầu để vào phòng sửa soạn y phục.

Cam Tử Long bảo Mai Nương :

– Hành động vô tình của ta đêm rồi ngờ đâu lại cứu được Thiên Cương hòa thượng.

Mai Nương đáp :

– Bây giờ kể lấy trộm ấn tính lại chính là ta. Để tiểu muội cất hộp ấn lên xà nhà rồi hãy đi.

Sửa soạn xong, nàng lấy hộp ấn để trong túi bách bảo ra, phi thân lên xà nhà, dấu hộp ấn ở đó. Đoạn Song hiệp xuống lầu.

Lý Phúc Vĩnh đã thuê sẵn xe ngựa vào Thiên Vương tự.

Ba người vào tới nơi, Thiên Cương nhận ra khách dưng hương quen hôm qua, bèn vui vẻ lưu lại dùng trà đàm luận thế sự cổ kim.

Cam Tử Long thấy Thiên Cương tánh tành giản dị, thẳng thắn, hiểu biết rất nhiều về phong tục, thổ ngôi Trung Quốc, bèn giới thiệu Lý Phúc Vĩnh, Mai Nương và tự giới thiệu mình với hòa thượng.

Thiên Cương điềm đạm nhìn kỹ Song hiệp đoạn nói rằng :

– Thế ra Cam tín chủ sanh quán tại Tần Lĩnh sơn, vậy có biết Cam Trường Mâu là ai không?

Tử Long đáp :

– Cam Trường Mâu là cố phụ thân tôi.

Thiên Cương suy nghĩ giây lát, đoạn hỏi Tử Long :

– Phải chăng công tử theo Chiêu Dương thiền sư và Lã Tứ Nương đại sư lên Mã Dương cương học nghệ? Bần tăng không rõ từ hồi nào nhưng có lẽ lâu lắm rồi?

Tử Long gật đầu :

– Quả có thế. Tôi ở Bạch Vân tự trên mười năm, theo gia sư từ hồi còn thơ ấu và hạ sơn được hai năm nay. Đây là Lã Mai Nương sư muội, nữ điệt của Lã đại sư, đồng môn, đồng thời với tôi.

Thiên Cương khen ngợi :

– Chiêu Dương thiền sư và Lã đại sư không khi nào liều lĩnh thâu nhận môn đồ, vậy ai xuất thân do Bạch Vân tự tất là nhân vật hữu hạng rồi. Một người là đích nam của Cam Trường Mâu, một đằng là nữ điệt của Lã đại sư thì khỏi phải bình luận. Sở dĩ bần tăng phải rời Không Động ra đi cũng chỉ vì vấn đề môn sinh đức độ đó thôi.

Cam Tử Long thắc mắc :

– Sư trưởng biết lai lịch chúng tôi trong trường hợp nào?

Thiên Cương nói :

– Trước hết, bần tăng muốn hỏi thiếu gia có quen biết kẻ nào họ Tăng không?

Tử Long giật mình hỏi :

– Y tên chi, Sư trưởng cho biết?

– Chỉ biết là họ Tăng, còn tên chi không rõ.

– Tôi không quen họ Tăng nhưng y là kẻ thù của dòng họ Cam chúng tôi. Tên y là Tăng Tòng Hổ.

Thiên Cương gật đầu :

– Chính thế. Bần tăng vô tình mà biết câu chuyện này.

Nguyên hơn hai năm trước đây, có hai người vào Thiên Vương tự xin trọ một đêm. Thấy một người diện mạo dữ tợn, người họ Tăng, cửa Phật là chốn từ bi không lẽ chối từ nên bần tăng chấp nhận.

Đêm hôm ấy, e hai người đó giả đò xin trọ làm nội ứng cho đồng bọn cướp chùa nên bần tăng nhảy lên mái phòng của hai người rút ngói nghe. Tăng Tòng Hổ tinh lắm. Bần tăng bước thiệt nhẹ mà hình như y nghe thấy. Đang nói chuyện với bạn đồng hành, y rút đao ra sân, phi lên nóc chùa xem xét, khiến bần tăng phải kíp rút lui. Chờ y trở vào phòng, bần tăng mới hết sức thận trọng, trở lại nghe ngóng, trong lúc y nói chuyện cùng người bạn. Y nhắc lại chuyện xưa, chuyện y đã hạ sát Cam Trường Mâu.

Suốt bao nhiêu năm trời y sống khắc khoái trong lo sợ, nay có người bằng hữu mời y tham dự một công vụ quan trọng, nên y muốn đồi nghề xưa may ra tránh khỏi cuộc báo thù của người con duy nhất nhà họ Cam.

Sở dĩ bần tăng hiểu rõ vụ Tăng Tòng Hổ ám sát vị lão anh hùng đáng kính trong Tần Lĩnh sơn là vì y thuật lại rất rõ rệt trận phục kích đêm bi thảm ấy.

Suy nghĩ giây lát, Thiên Cương nói tiếp :

– À, còn điều này có lẽ quan trọng hơn cả. Tăng Tòng Hổ đã nói rằng nếu y nhận đổi nghề mới thì y sẽ xuống miền Nam, vì sự di chuyển ấy may ra thoát khỏi thoát khỏi sự theo dõi của đích nam Cam Trường Mâu, nhị vị nên xuống Nam may ra gặp được tên đạo tặc đó chăng?

Nhìn chiếc túi gấm đựng hai thanh Yểm Nhật và Huyền Tiễn, Thiên Cương nói :

– Chắc đây phải là báu kiếm mới bất ly thân được nhị vị đem theo?

Cam Tử Long đưa hai thanh bảo khí ấy cho hòa thượng xem. Thiên Cương trịnh trọng đỡ kiếm, rút cả hai thanh ra khỏi vỏ ngắm nghía hồi lâu, khen ngợi luôn miệng :

– Bên xứ bần tăng cũng có kỹ nghệ đúc kiếm. Kỹ nghệ đó tối tân lọc được thép tốt, đúc và ngâm được những lưỡi kiếm xanh lè không han gỉ nhưng vẫn chưa tới trình độ chặt được thiếc, thạch như loại kiếm này.

Lã Mai Nương hỏi :

– Quý quán ở mãi đâu?

– Nhật Nhị Man là xứ sở của bần tăng, cách xa Trung Quốc hằng muôn dặm. Bần tăng xuất xứ sang Đông cùng phụ mẫu. Song thân bị giặc hạ sát, còn bần tăng được sư phụ Thạch Phủ Kính đem về Không Động nuôi dạy nên mới có ngày nay.

Bốn người dùng trà, đang chuyện vãn, bỗng tiểu tăng hớt hải chạy vào báo cáo Thiên Cương :

– Thưa Sư trưởng, có quan binh kéo tới vây chùa đòi Sư trưởng ra hầu chuyện.

Thiên Cương thản nhiên đứng dậy xin lỗi Song hiệp và Lý Phúc Vĩnh rồi xốc áo đi thẳng ra sân trước nhà. Tại đây, Tổng binh Triệu Tưởng đai nịt gọn gàng võ trang đầy đủ, hai bên có mấy viên tùy tướng hộ vệ, đứng sững ngay trước tam quan.

Hắc Phong Tăng và Tri Khách tăng đứng ở giữa sân chùa, thấy đại hòa thượng đi ra liền đứng dẹp qua hai bên nhường Thiên Cương tiến tới.

Một tay để lên ngực, tay lần tràng hạt, Thiên Cương cúi đầu trịnh trọng :

– Mô Phật, kính chào quan Tổng binh, ngài bất chợt giáng lâm, bần tăng không được tiếp rước trọng thể, thiệt đắc tội. Xin mời vào phương trượng.

Triệu Tường nói :

– Khỏi cần! Yêu cầu Sư trưởng cùng chư tăng bình tĩnh. Tôi có việc cần phải khám xét toàn thể Thiên Vương tự, mong rằng đừng ai nhốn nháo.

Thấy Tổng binh không nói tới việc quan quân vây cả quanh chùa, Hắc Phong Tăng nói với Thiên Cương :

– Thưa Sư trưởng, hiện thời quan Tổng binh đã cho quân vây chùa rồi.

Thiên Cương nghiêm nét mặt :

– Như vậy là thế nào? Toàn thể chư tăng trong chùa này hoặc cá nhân ai đã phạm tội gì đến nỗi quan Tổng binh phải đích thân huy động bộ đội tới vây bổn tự? Mong ngài cho biết lý lẽ tại sao?

Triệu Tường nói :

– Việc cơ mật không thể nói được. Nếu chư tăng tự vấn thấy không có lỗi thì cứ bình tĩnh. Quan binh khám xét trong chùa xong không thấy gì lại sẽ đi ngay. Bằng mà trái lại thì lại là chuyện khác.

Thiên Cương phản đối :

– Không dễ thế được! Việc ngài làm đây chấn động cả Trương Gia Khẩu, phạm tới thanh danh Thiên Vương tự không ít, bần tăng quyết ngăn cản dầu thác cũng cần. Thà thác trong còn hơn sống nhục.

Thấy Thiên Cương quả quyết phản đối, vả lại cũng dư hiểu bản lãnh của các hòa thượng Thiên Vương tự, Triệu Tường bèn giảng giải :

– Biện pháp này được thi hành không riêng gì cho Thiên Vương tự mà cho cả Trương Gia Khẩu. Vì chùa ở ngoại thành nên bổn chức phải khám xét trước nhất.

Nghe Tổng binh nói có lý, Thiên Cương đáp :

– Đã vậy, bổn tự là một nơi rất ngăn nắp, cấm không ai được lục xét bừa bãi. Không được phạm tới bàn thờ Phật, xô đẩy lệch lạc phật tượng. Đoàn quan binh có nhiệm vụ khám xét phải chịu sự theo giám sát của các hòa thượng trong chùa. Có được như vậy, bần tăng mới ưng thuận.

Triệu Tường chấp thuận :

– Được. Tôi ưng thuận các điều kiện ấy. Sư trưởng khá lựa người ngay. Tôi đích thân chỉ huy khám xét.

Thiên Cương gọi một hòa thượng khác giao nhiệm vụ tiếp đãi khách dâng hương, đoạn lững thững trở về Thiền phòng.

Song hiệp và Lý tiêu sư lúc đó đã ra cả sân trước xem Triệu tổng binh hành động như thế nào.

Triệu Tường điều khiển cuộc khám xét rất quy củ, nơi nào xét ra nghi ngờ đáng khám mới lục xét.

Tới quá trưa mọi việc mới xong. Triệu Tường dẫn các tướng bộ hạ ra hậu viên. Họ Triệu bực tức vì khám xét vô hiệu quả. Triệu tổng binh đi quanh khu vườn rộng rãi, nhận xét thấy nơi để trái chuông lớn kia đáng nghi hơn cả.

Với tài lực của Thiên Cương và chư tăng trong chùa, chắc chắn họ nhấc nổi chiếc chuông khổng lồ ấy, và biết đâu không bỏ hộp ấn tín vào đó. Suy nghĩ về thái độ đặc biệt trầm tĩnh của Sư trưởng Thiên Vương tự, Triệu Tường càng thấy nghi ngờ dữ dội về trái chuông nọ.

Đang phân vân, họ Triệu thấy Thiên Cương từ từ đi tới đăm đăm nhìn mình, rồi lại nhìn trái chuông.

Thiên Cương thản nhiên nhìn Triệu Tường :

– Quan Tổng binh đã thi hành nhiệm vụ xong chưa? Quá giờ Ngọ tụng và Ngọ phạn của chư tăng rồi. Nếu ngài xét chưa đủ và còn kéo dài, yêu cầu cho bần tăng biết để còn phân phối công việc trong chùa.

Trước lời lẽ ôn tồn nhưng cứng rắn của Thiên Cương, Triệu Tường chỉ trái chuông mà rằng :

– Còn cần xét trong này.

Thiên Cương lạnh lùng :

– Mô Phật! Xin tùy ý ngtái. Nhưng ngài kíp gọi một trăm quân tướng khỏe mạnh vào đây mới ghếch nổi chiếc chuông dư ngàn ba trăm cân ấy.

Mười viên tướng theo quan Tổng binh, trong đó có cả viên Thủ bị Bao Đức Lễ, nghe Thiên Cương nói vậy, tự nghĩ mình là võ tướng, đông tới mười người không lẽ nào không cử nổi chiếc chuông ấy. Họ bèn bảo nhau, sắn tay áo xô vào hầm hè, kẻ trên, người dưới quyết thử đẩy đổ trái chuông khổng lồ nọ. Họ đỏ mặt tía tai, bảnh cả cổ ra, vận dụng toàn lực đẩy.

Mười viên võ tướng gồng người lên, cố sức đẩy… liều mạng, người nào cũng mồ hôi vã ra như tắm mà chiếc chuông vẫn… lì lì như chôn xuống phiến đá kê trên mặt đất.

Thiên Cương lạnh lùng nhìn cảnh châu chấu đá xe.

Triệu tổng binh khó chịu, bèn bảo các tướng ngừng tay và truyền lệnh cho tên bộ hạ :

– Người gọi ra ba trăm quân vào đây, đem đủ dây thừng lớn, nghe!

Cam Tử Long và Lã Mai Nương lấy làm lạ, không hiểu tại sao Thiên Cương vẫn điềm nhiên khi thấy Triệu Tường quyết chí đẩy trái chuông tìm ấn tín.

Lát sau, một trăm quân hùng hổ kéo vào hậu viên chùa. Triệu Tường bảo chúng công kênh nhau lên quàng dây thừng vào đầu chuông, đoạn cho sáu chục tên đứng hàng đôi kéo, trong khi mười viên tướng và bốn chục quân lính đỡ ở lưng chuông cho khỏi đổ. Đoàn người rán sức hò “dô ta” kéo mạnh. Trái chuông nặng nề nghiêng sang bên. Triệu Tường vội vàng cúi nhìn vào trong xem xét nhưng trống rỗng, tuyệt nhiên không có gì cả.

Bực mình, Triệu Tường hạ lệnh thả chuông xuống như cũ.

Thiên Cương tiến đến bên họ Triệu :

– Đại quan thi hành xong nhiệm vụ rồi chớ?

Triệu Tường hằn học nhưng phải đấu dịu :

– Bổn chức phải làm việc phận sự, mong rằng đại sư đừng vì thế mà giận chúng tôi.

– Bần tăng đâu dám giận đại quan, nhưng yêu cầu ngài đừng phiền hà đến bổn tự lần thứ hai nữa. Mong rằng với vụ khám xét này, đại quan hiểu rõ bần tăng hơn.

Triệu Tường im lặng, vẫy tay ra lệnh cho đoàn quân rút lui.

Trước thái độ kín đáo của Thiên Cương, Song hiệp không hiểu vì lẽ gì vị đại hòa thượng lại bình tĩnh đến như vậy trong khi quan nhân lật nghiêng trái chuông, nơi đã có giấu hộp ấn tín.

Thiệt ra không có chi lạ.

Nguyên Thiên Cương lấy hộp ấn cốt ý cảnh cáo Triệu Tường và định ý hoàn lại sau đó vài hôm. Đêm hôm trước, Thiên Cương và Hắc Phong Tăng ra hậu viên nhấc trái chuông nhấc trái chuông lấy hộp ấn để hoàn lại dinh Tổng binh, chẳng dè chiếc hộp ấn đã không cánh mà bay. Bởi thế khi quan binh khám xét trái chuông, Thiên Cương mới bình tĩnh được như vậy.

Hai hòa thượng đều lấy làm lạ không hiểu ai đã vào chùa làm nổi việc kinh thiên động địa ấy. Suy luận mãi hai người đành trở về chùa ân hận đã thật sự làm mất hộp ấn của Triệu Tường.

* * * * *

Về đến quán trọ, Cam, Lã đi thẳng lên lầu.

Mai Nương hỏi Tử Long :

– Sư huynh định sử dụng chiếc ấn đó ra sao?

– Đêm nay trả lại Triệu Tường kẻo y phát điên mất. Đây cũng là một dịp hay để cho họ Triệu hết ngờ vực Thiên Cương và may ra từ nay hai người khỏi kiếm chuyện hục hặc nhau. Phần Thiên Cương sẽ ân hận là đã làm thất lạc hộp ấn của một người mà y không chủ tâm hại, may ra vì lý do đó y bỏ hẳn tị hiềm cùng họ Triệu.

Nói đoạn, chàng nhảy bám tay lên cây xà lấy hộp ấn xuống. Nhưng hộp ấn đã biến đâu mất. Tử Long buông mình, hốt hoảng :

– Hộp ấn biến mất rồi!…

Mai Nương mỉm cười :

– Giỡn chi vậy? Còn ai vào đây lấy nổi hộp đó trên mặt cây xà nữa.

Tử Long nghiêm mặt :

– Ngu huynh không giỡn đâu. Quả nhiên có kẻ phỗng tay mất rồi.

Thấy Tử Long nghiêm nghị thật sự, Mai Nương chỉ tay lên xà nhà mà rằng :

– Tiểu muội đặt hộp ấn ở kia kìa. Lúc đó chỉ riêng có hai chúng ta ở trong phòng, vậy ai biết việc ấy mà vào đây ăn trộm?

Dứt lời, nàng nhảy bám lên xà nhà quơ tay tìm. Quả nhiên, mặt cây xà trống trơn. Nàng nhảy xuống gạch bảo Tử Long :

– Trong lúc ta đi vắng sáng nay, có kẻ rình mò vào lấy mất hộp ấn rồi.

Rành rành có dấu tay thứ ba in trên mặt bụi. Sư huynh nhảy tránh sang bên đầu này coi lại thử xem.

Tức thì, Cam Tử Long nhảy lên xà nhà xem. Chàng đáp người xuống sàn gạch đi lại chỗ cửa sổ định mở ra cho sáng thì ngừng tay lại, vẫy tay gọi Mai Nương :

– Sư muội coi này! Gian tế đã vào lối này. Then cửa bị cậy, vết trầy còn đây. Ban ngày ban mặt dám hành động như vầy quả thiệt bạo gan và bản lãnh không vừa!

Cam Tử Long nói :

– Để ngu huynh gạn hỏi tên tửu bảo xem sao.

Dứt lời, chàng xuống dưới gọi tửu bảo hỏi lúc chàng đi vắng có ai hỏi thăm không.

Tửu bảo đáp :

– Thưa có, vào hồi giờ Tị có một người đàn bà đứng tuổi vào trọ. Người đó xem phòng số bốn ở dãy bên kia, trả tiền phòng rồi lại đi ngày, nói là ra phố tìm người quen. Hiện nay chưa có trở lại.

– Người đó tên gì?

Tên tửu bảo đặt tay lên trán suy nghĩ giây lát :

– Vị đó ghi tên là Song Khẩu phu nhân.

– Hình tích có chi lạ không?

– Coi dong dõng, dáng dấp đại khái như vị nương tử đi với khách quan, vận y phục màu gì con không nhớ, nhưng có gài thanh trường kiếm sau lưng, Song Khẩu phu nhân đứng tuổi rồi, trạc ngoại tam tuần nhưng còn đẹp lắm.

– Vị nữ khách đó ra phố hồi nào người có nhớ không?

– Thưa… con chỉ nhớ rằng vị ấy nói ra phố. Đi hồi nào con không để ý. Nay thấy của phòng đóng im lìm nên con đoán là ra phố chưa trở lại.

– Thôi, được rồi, chừng nào Song Khẩu phu nhân trở về, khá báo cho ta ngay, nghe?

Chờ tên tửu bảo đi khỏi, Cam Tử Long trở vào phòng thuật lại cho Mai Nương hay.

Nàng hỏi :

– Có lẽ người ấy mượn đùa hộp ấn tín chăng?

Cam Tử Long gật đầu :

– Có thể lắm! Sao vị phu nhân ấy lại giỡn kỳ lạ như vậy? Sư muội có nhớ là chúng ta quen biết một người nào tương tự như người ấy không?

– Không. Từ ngày xuất sơn đến nay, anh em ta chưa quen thuộc một người nào như Song Khẩu…

Nói tới đây, Mai Nương chợt im lìm, cặp mắt long lanh sáng ngời. Tử Long lấy làm lạ hỏi :

– Sư muội nghĩ gì vậy?

– Sư huynh không để ý đến hai chữ Song Khẩu ư? Tên chi mà lạ kỳ như vậy? Hai chữ Khẩu hợp thành chữ gì?

– Chữ Lã.

– Phải chăng thiếu phụ đó là Lã đại sư ư? Người trẻ hơn tuổi nhiều, dáng dấp cũng giống muội.

Cam Tử Long đập hai tay vào nhau đánh chát một tiếng :

– Ờ! Có thế mà ngu huynh đần độn không suy luận ra…

Hai người bỗng im lặng vì có tiếng gõ nhẹ ngoài cửa phòng.

Cam Tử Long đoán chừng là tên tửu bảo lên báo tin bèn nói :

– Cứ vào!

Nhưng bên ngoài hoàn toàn yên lặng. Nghi ngờ, Song hiệp nhẹ bước tiến ra phía của mở tung, bước hẳn ra bên ngoài. Bên ngoài vắng tanh. Song hiệp vôi tiến ra phía đầu thang nhìn xuống nhà dưới.

Bỗng Tử Long bảo nhỏ Mai Nương :

– Về phòng mau! Ta mắc kế Điệu Hổ Ly Sơn rồi! Ngu huynh tưởng là tên tửu bảo gọi báo tin.

Hai người rảo bước về phòng, đồng la lên một tiếng ồ. Hộp ấn tín nằm gọn lỏng trên mặt thồi.

Mai Nương quả quyết :

– Hành động này chắc chắn do Lã đại sư trêu thử chúng ta. Thử sang phòng phu nhân gọi cửa đi, nếu lầm thì ta xin lỗi là cùng chứ sao!

Cam Tử Long đồng ý. Chàng cầm lấy hộp ấn dắt vào đai lưng. Mai Nương xách túi kiếm, đóng cửa sổ và cửa phòng lại, sang căn phòng đầu dãy bên kia, căn phòng mà tửu bảo chỉ là của Song Khẩu phu nhân.

Tử Long giơ tay toan gõ cửa thì bên trong chợt có tiếng người nói :

– Cứ vào!

Cam, Lã nhìn nháy sẽ gật đầu. Mai Nương đẩy cửa bước vào.

Đại sư Lã Tứ Nương ngồi khoanh tròn trên giường mìm cười hiền từ nhìn hai đồ đệ bước tới.

Nguyên từ khi Lã Tứ Nương ở Lĩnh Nam ra về, gặp Miêu Thúy Hoa – thân mẫu Phương Thế Ngọc – ở bến Triều Dương huyện cùng qua Hàng Châu. Tới Hàng Châu hai người chia tay.

Khi đến Bạch Vân tự, hai đồ đệ quy y là Mạnh Sơn, Vô Sơn cho đại sư hay rằng Chiêu Dương mới đi Lao Sơn và trong chùa hiện có khách. Lã đại sư tưởng là ai, chẳng hóa ra khách không phải ai xa lạ mà chính là sư đệ Cam Phương Trì và vợ họ Cam là Trần Mỹ Nương. Đứng vào hàng dưới, nhưng, năm ấy vợ chồng Cam Phương Trì đồng tuổi, cùng đã tứ thập bát.

Trước kia, sư phụ Lã Tứ Nương là Quảng Từ thiền sư có thâu nhận tám môn đồ. Trong số tám người ấy có Lã Tứ Nương đứng hàng thứ tư về tuổi, và Cam Phượng Trì đứng hàng thứ bảy về tài nghệ, sau Phượng Trì vượt bực được liệt vào hàng thứ năm, trong năm người cao đồ của Quảng Tử lão ni.

Lần này Cam Phượng Trì lên Bạch Vân tự rủ Lã đại sư lên Trương Gia Khẩu nhân du.

Tới Trương Gia Khẩu, Trần Mỹ Nương hỏi thăm tới dinh Tổng binh tìm người cháu họ là Triệu Tường. Quân canh cho biết rằng Triều Tường chính là quan Tổng binh trấn ải Trương Gia Khẩu.

Trần Mỹ Nương ngạc nhiên, nói với Lã đại sư :

– Tôi không ngờ gia điệt lại được thăng chức lẹ như vậy. Mời đại sư cùng đến dinh Tổng hình với chúng tôi.

Lã Tứ Nương và Cam Phượng Trì bình sanh không ưa qua lại nhưng nể Trần Mỹ Nương bèn nhận lời.

Triệu Tường nghe báo có cửu mẫu tới, liền vội vàng ra tận cổng dinh kính trọng niềm nở tiếp rước mời vào, lưu lại trong dinh khoản đãi.

Thấy họ Triệu tánh tình khá, Lã Tứ Nương mới cùng vợ chồng Cam Phượng trì lưu lại ở đó.

Ba vị đại kiếm khách đó tới giữa lúc Triệu Tường vừa bị mất ấn tín xong.

Họ Triệu nhân cơ hội nhờ giúp đỡ.

Trần Mỹ Nương hỏi :

– Hiền điệt có thù hiềm gì với ai không? Hoặc giả tại Trương Gia Khẩu có hay xảy ra những vụ đại đạo hoành hành không?

Triệu Tường đáp :

– Thưa cửu mẫu, từ ngày ngu điệt bổ nhậm Trương Gia Khẩu chưa thấy ai trình báo về nạn đạo tặc hoành hành. Còn kẻ thù, ngu điệt tự xét lương tâm không thấy làm mích lòng ai cả. Thủ đoạn phi thiềm tẩu bích đột nhập nơi dinh trại lấy trộm ấn tín phi người có bản lãnh tất không ai làm nổi.

Họ Triều nhắc lại vụ Thiên Cương uốn giáo đe dọa trước kia và thái độ bướng bỉnh không chịu phục tòng quan sở tại cho ba đại kiếm khách nghe.

Cam Phượng Trì mỉm cười mà rằng :

– Hiền điệt tựu chức mấy năm tại Trương Gia Khẩu, không thấy ai khiếu nại về Thiên Vương tự thì thôi, lẽ nào nghi ngờ Thiên Cương?

Tuy nói vậy, nhưng vợ chồng Cam Phương Trì và Lã Tương Nương vẫn không thôi thắc mắc về vụ mất ấn tín, nên đêm hôm ấy, ba đại kiếm khách bí mật rời khỏi thành, phi hành đến Thiên Vương tự thì vừa gặp lúc Cam Lã lấy ấn tín, bèn theo dõi đến Biên Cương quán để trêu hai đồ đệ.

Cam Tử Long hỏi thăm về sức khỏe của mẫu thân chàng.

Lã đại sư nói :

– Cam thái thái thập phần an bảo, con khá an lòng.

Cam Tử Long toan nhắc lại việc tìm Tăng Tòng Hổ như thế nào thì đại sư đã dạy :

– Hai hiền đồ hãy thuật cho ta nghe vụ hộp tín của Triệu tổng binh đã.

Lã Mai Nương kể những điểm đã nhận xét thấy trong bữa đến Thiên Vương tự dưng hương.

Lã đại sư hỏi :

– Hai đồ đệ có chắc thiệt Thiên Cương là một đệ tử chân chánh của nhà Phật không?

– Thưa cô mẫu, chúng con suy xét đã nhiều, và sau hai lần nói chuyện với vị hòa thượng ấy, chúng con dám quả quyết gã là người thực thà đáng kính mến.

Cam Tử Long cung kính trao hộp ấn cho Lã đại sư, đoạn chàng kể lại việc Thiên Cương tự tách khỏi Không Động sơn ra lập cơ sở riêng ở Thiên Vương tự và việc hòa thượng cho tin tức về Tăng Tòng Hổ như thế nào.

Chàng và Mai Nương luân phiên thuật lại các hành động từ ngày từ biệt thầy xuống núi cho đại sư nghe.

Lã Tứ Nương suy nghĩ giây lát rồi bảo :

– Sở dĩ ta nhân dịp vân du cùng vợ chồng Cam Phương Tri cũng không ngoài mục đích tìm kiếm hai hiền đồ. Tiếc rằng chưa đi hết miền Bắc, nhưng hai hiền đồ đã đi theo đúng đường đi của Tăng tặc đạo, ta dự đoán gã thay đổi nghề nghiệp xuống miền Giang Nam rồi. Hiện nay, tại Giang Nam đang xảy ra nhiều cuộc tranh đấu, đả Lôi đài rất sôi nổi giữa các môn đồ dị phái. Hơn nữa, Càn Long cũng bí mật vi hành trong khu vựa đó, nên ta ngờ rằng các vụ đả Lôi đài không phải là một chuyện ngẫu nhiên. Rút kinh nghiệm thời Ung Chính vương trước đây, ta nghi rằng Càn Long theo chánh sách Tiên vương gây rối, gieo hiềm nghi giữa các võ phái là lò sản xuất anh hùng trí ai có mục đích cách mạng hưng Hán diệt Thanh, đuổi người Mãn về khu vực của họ, thâu lại nền độc lập Hán tộc. Hiện thời, môn đồ hai phái Trung Sơn Thiếu Lâm và Vô Đang sơn đang thượng đài, trong đó có cha con Lý Ba Sơn là nhân vật phái Tây Khương của Bạch Mi thiền sư. Xưa nay, Tây Khương phái cũng như Không Động, thâu nhận môn đồ bừa bãi, không căn cứ vào điểm đức độ nên ta e rằng Tây Khương là tay sai của vua Thanh chăng? Còn một điểm nữa hết sức can hệ cho Cam Tử Long là Tăng Tòng Hổ vốn là môn đồ Tây Khương, niết đâu giữa lúc này y không lẩn quất trên đất Giang Nam? Xuống Giang Nam chuyến này, nhị bị hiền đồ trước hết truy nã Tăng Tòng Hổ là việc dĩ nhiên, nhưng cũng nên tùy cơ ứng biến, liệu ngăn cản đồng đạo tương tàn. Chiêu Dương thiền sư cũng như ta, tin ở tài sức và đức độ của nhị vị hiền đồ. Ta sẽ phái Mạnh Sơn, Vô Sơn xuống tiếp tay sau.

Mai Nương, Tử Long nhất nhất vâng lời…

Riêng Triệu Tường, sáng sớm trở dậy thấy hộp ấn tín lù lù trên án thì mừng rỡ vô cùng, muốn tìm hiểu nhưng tự lượng chẳng thể nào tìm hiểu hơn được nên bỏ mặc vụ ấn tín êm xuôi.

Song hiệp đến từ giã, cảm ơn tiêu sư Lý Phúc Vĩnh và Bốc Đề Nhị rồi cùng Lã Tứ Nương đại sư rong ruổi xuống Hà Bắc.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN