Lã Mai Nương - Chương 9: Thám Thính Nơi Thiền Viện, Anh Hùng Sa Địa Huyệt Đại Chiến Lũ Ác Tăng, Hiệp Khách Cứu Hồng Quần
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
98


Lã Mai Nương


Chương 9: Thám Thính Nơi Thiền Viện, Anh Hùng Sa Địa Huyệt Đại Chiến Lũ Ác Tăng, Hiệp Khách Cứu Hồng Quần



Hôm sau, Mai Nương, Tử Long trang phục giả làm khách hành hương, gởi bảo kiếm, hành lý lại chủ quán.

Tử Long nói :

– Nghe đồn, Túc Kỳ châu có ngôi Thiên Sơn đại thiền viện, chẳng hay đi ngã nào?

Chủ quán đáp :

– Dạ, ở Bắc môn ngoại thành, nhị vị dùng kiệu đi cho tiện.

– Gần đây có kiệu phu không?

– Có ạ, để tôi sai tiểu nhị đi gọi và mua lễ vật luôn thể. Nhị vị dùng điểm tâm xong đi thì vừa.

Lát sau, hai cỗ kiệu đến chờ ở cửa quán.

Mai Nương mang lễ vật cùng với Tử Long ra đi.

Ra khỏi Bắc môn độ chừng ba dặm, ở giữa cánh đồng một ngôi cổ tự có nhiều nếp mái nguy nga ẩn hiện dưới chặng tùng bách cổ thụ cao ngất lưng trời.

Tử Long hỏi kiệu phu :

– Ngươi có biết Sư trưởng Thiên Sơn tự đạo hiệu gì?

– Thưa có, phàm người Túc Kỳ châu ai cũng biết hay nghe danh Pháp Quang đại hòa thượng là đồ đệ và thay thế Huệ Tĩnh thiền sư từ nhiều năm nay rồi.

– Chùa lớn như vầy chắc có nhiều tăng đồ.

– Dạ, Thiên Sơn không những là ngôi thiền viện mà còn là một đại võ đường. Trước kia Huệ Tĩnh thiền sư thâu nhận đồ đệ truyền dạy võ nghệ, nhưng từ ngày Pháp Quang hòa thượng kế nghiệp bỏ hẳn tập tục đó, không hiểu vì lẽ gì.

Tới cổng tam quan cao lớn đồ sộ, Cam, Lã xuống kiệu thấy tấm hoành đề ba đại tự Thiên Sơn tự, nét bút linh động dị thường. Mấy cỗ kiệu chở khách thập phương đến dâng hương còn chờ cả đó. Kiệu phu bê lễ vật theo Cam, Lã vào chùa. Dưới bóng cổ thụ nào trắc, nào tòng, nào bách mát lạnh âm u khiến cảnh thiền viện càng thêm phần tĩnh nhã. Tiếng chuông ngân nga huyền ảo, lẫn với tiếng chày kinh ấm áp mơ màng vọng ra từ La Hán điện khiến khách dâng hương cầu phước cảm thấy lòng mình nhẹ lâng lâng như được rũ sạch nợ trần. Gió đùa qua lá thắm tạo nên khúc nhạc bất diệt say sưa êm dịu.

Sừng sững giữa sân gạch xám rộng rãi, một pho tượng La Hán cao hơn trượng uy nghi lẫm liệt. La Hán điện cực kỳ rộng lớn, hai tầng mái cong cong ngói ống viền sứ xanh, kiến trúc rất đồ sộ với những cây cột tử đàn hương chạm trổ. Những chiếc khánh, chiếc chuông đồng nho nhỏ treo ở đầu các góc mái rung rinh trước làn gió nhẹ tạo thành thứ âm thanh kỳ lạ, huyền ảo.

Mai Nương, Tử Long đang mải nhận xét, khen thầm ngôi cổ tự danh bất hư truyền, bỗng Tri Khách tăng từ trên điện rảo bước tiến tới vái chào :

– A di đà Phật!

Cam, Lã đồng thanh chào lại :

– Mô Phật!

– Chắc nhị vị muốn dâng hương và sau là vãng cảnh chùa?

Tử Long đáp :

– Quả thế, chúng tôi hằng tưởng niệm nay mới được đem thân tới chiêm bái nơi danh dự, quản là danh bất hư truyền.

Tri Khách tăng cúi đầu, đưa tay hướng về dãy nhà bên tả ở phía sau tiền điện :

– Xin mời nhị vị tín chủ xuống khách phòng.

Dứt lời, Tri Khách tăng hối hai tiểu tăng theo sau đỡ lấy lễ vật đi trước vào nhà khách.

Cam, Lã đưa mắt nhận xét, thấy viên Tri Khách tăng dáng dấp lanh lẹ, dong dỏng cao, nét mặt cương quyết sắc sảo, cử chỉ mạnh mẽ gọn gàng thì biết ngay là người có công phu bản lãnh.

Trong khách phòng rộng rãi khoáng đạt bày một dãy thồi dài. Mấy người tới dâng hương đang ngồi dùng trà chuyện vãn với hai vị hòa thượng mập mạp khỏe mạnh. Thấy khách lạ, hai hòa thượng cùng đứng lên chắp tay chào Mô Phật. Mai Nương chia lễ vật để bày cúng mấy nơi xong xuôi liền theo Tri Khách tăng qua sân lên đại điện ngũ ban. Trên bực đá trải bồ đoàn nơi giữa điện, một vị hòa thượng mặt lạnh như tiền, điểm chuông, gõ chiếc mõ đồng, cất giọng đều đều ấm áp tụng kinh Di Đà. Tuy bình tâm, mắt lim dim nhìn thẳng xuống cuốn kinh, Tử Long cung kín đáo nhận thấy hòa thượng đó đưa mắt lẹ như chớp nhìn Mai Nương mấy lần.

Phần Mai Nương, nàng đon đả đi từ bàn thờ nọ sang bàn thờ kia lâm râm khấn vái cầu xin rất đỗi tự nhiên, y hệt một tín chủ đã quen với cảnh lễ bái nơi đền đài miếu mạo.

Nàng thừa hiểu ngay trên đại điện có mấy cặp mắt đầu đà dâm đãng lén lút nhìn nàng nhưng nàng tảng lờ như không. Lễ bái hồi lâu, Cam, Lã ra khỏi đại điện.

Chờ sẵn ở trên cửa, Tri Khách tăng mời hai tín chủ xuống phòng khách dùng trà.

Trà nước xong được một tuần, Tử Long nói với Tri Khách tăng :

– Chúng tôi từ nơi xa tới mong được bái kiến đại hòa thượng, chẳng hay có điều chi trở ngại không?

– Mô Phật, sư trưởng bổn tự đang tham thiền trong trai phòng, xin mời nhị vị tín chủ theo bần tăng.

Hai người theo Tri Khách tăng qua sân sau La Hán điện, sang dãy nhà bên hữu vào căn trai phòng nơi cuối dãy.

Pháp Quang mắt nhắm nghiền ngồi lần tràng hạt trên bồ đoàn, nghe tiếng chân ngoài hành lang bèn mở bưng mắt đứng lên, niềm nở cùng Song hiệp thi lễ.

Tử Long nói :

– Nghe danh Thiên Sơn tự và đức độ Sư trưởng âm vang ngàn dặm, bữa nay chúng đệ tử mới được tới bái kiến thật là vạn hạnh.

Pháp Quang trạc tứ tuần, cao bằng Tử Long nhưng mập hơn vì bụng hơi quá dầy, lưng hùm vai gấu, diện mạo vuông vắn lầm lì, mắt sáng như sao băng dưới đôi lông mày chổi xể xếch ngược, đầu cạo nhẵn bóng, hé cặp môi dầy nói mấy câu khiêm tốn :

– Tín chủ và nương tử quá thương nên dạy quá lời. Phần hân hạnh hôm nay là của bần tăng. Chẳng mấy khi nhị vị qua đây, và lại tín chủ từ xa đến, thế nào cũng cho bần tăng được phép mời dùng tạm bữa cơm chay dưa muối của nhà chùa.

Nói đoạn Pháp Quang nhìn chằm chặp nhận xét hai người. Trước nhan sắc kiều diễm của Trại Nhiếp Ẩn Lã Mai Nương, Pháp Quang hồn vía đê mê, những muốn ôm chầm ngay lấy nàng bế bồng xuồng Nghinh Xuân viện tận hưởng nét trong ngọc trắng ngà! Y nghĩ thầm: “Chao ôi! Hai cánh tay này đã từng ôm ấp không biết bao nhiêu phụ nữ xuân sắc nhưng quả chưa có người nào xinh đẹp bằng mỹ nương tử này. Bất quá xưa kia Hằng Nga tiên tử cũng chỉ đẹp đến thế là cùng, mà vị tất đã có nét dũng cảm anh thư của người đẹp hiện thời!…”

Dù sao Pháp Quang cũng phải cố nén lửa dục, giữ địa vị của kẻ tu hành, vị sư trưởng ngôi danh tự.

Tử Long đáp :

– Bạch sư trưởng, chúng đệ tử còn nán lại Túc Kỳ châu nhiều ngày và sẽ trở lại hầu người thuyết giáo, bữa nay quả tình còn có việc phải về.

Sợ lộ hành tích Pháp Quang không dám ép :

– Nếu vậy, bần tăng cũng không dám van nài. Hai hôm nữa bổn tự sẽ dâng khóa lễ La Hán, chẳng hay nhị vị tín chủ cư ngụ tại đâu xin cho biết để còn cho người tới mời.

Tử Long ra vẻ thật thà :

– Nếu vậy, chúng đệ tử sẽ tự khắc đi lễ chùa, khỏi phiền sư trưởng bận tâm. Giờ đây, xin phép Sư trưởng cho đệ tử được vãn cảnh đây đó trong thiền viện chưa thỏa lòng khao khát.

Pháp Quang đành dằn tâm, đưa mắt ra hiệu cho Tri Khách tăng, rồi nói :

– Thật hữu hạnh, xin tín chủ tự nhiên. Đã có hòa thượng tri khách đây hướng dẫn.

Dứt lời Pháp Quang vái chào rồi trở lại nơi bực đá ngồi tham thiền như trước, đạo mạo vô cùng. Tri Khách tăng liền dẫn hai người ra hậu viên xem mấy ngọn giả sơn đắp theo sự tích Đường Tăng tây du thỉnh kinh. Các tượng thầy Đường, Tôn Ngộ Không, Sa Tăng, Trư Bát Giới được đắp rất tinh vi theo các giai đoạn gian nan của cuộc thỉnh kinh nguy hiểm đó.

Ngọn giả sơn khác đắp theo sự tích Diêm La điện với cảnh trí cửu ngục môn giam cầm, hành hạ những kẻ phạm tội bất hiếu chửi mẹ mắng cha, ăn thừa nói thiếu, gian dâm vợ người vân… vân… Nào cầu vồng, hố lửa, nào cưa sắt, vạc dầu với những tên quỷ sứ diện mạo dữ tợn, hung ác khiến kẻ yếu bóng vía phải rợn người.

Trong hoa viên, cây bông, cây trái, trồng đủ thứ rườm ra, xanh tốt bao bọc hai chiếc lục lăng đình kiến trúc tỉ mỉ công phu.

Mai Nương, Tử Long la cà đi khắp mọi nơi nhận xét, nhớ kỹ đường ra lối vào rồi mới từ tạ Tri Khách tăng ra về. Lúc đó khách thập phương đi lễ Phật đã đông, nên có tới ngót hai chúc chiếc vừa kiệu vừa song loan chờ cả ngoài cổng chùa. Hai người lên kiệu về quán trọ trong thành.

Về tới cửa quán, trong khi Tử Long trả tiền kiệu phu, Mai Nương khẽ hất hàm ra phía cây đa lớn ra hiệu cho họ Cam biết. Tử Long lẳng lặng gật đầu mỉm cười tỏ ý hiểu Mai Nương muốn nói gì. Chủ quán trả lại hai cây bảo kiếm và hành lý cho hai người rồi săn đón hỏi thăm cuộc hành hương. Cam, Lã còn mải suy tính, trả lời xã giao qua loa rồi lên lầu về thẳng phòng trọ.

Tử Long hỏi :

– Sư muội có để ý đến tên hắc y đi theo kiệu ta từ bao giờ?

– Ngay từ lúc ra về khỏi tam quan được chừng vài chục sải tay. Thoạt đầu tiểu muội tưởng y là người nhà của khách thập phương nào đó, sau thấy kiểu cách gian giảo, nhìn ngang liếc trộm của nó tiểu muội mới ngờ là nó theo dõi bọn mình.

– Tên hắc y đứng sẵn từ hồi nào núp sau mấy chiếc kiệu và lấm lét nhìn chúng ta ngay từ khi mới bước qua cổng chùa. Nó chờ kiệu ta đi được một quãng mới lần theo. Lúc kiệu đỗ lại trước tửu quán nó mời dừng lại sau gốc đa.

– Lạ một điều nữa là không thấy tên Bành Khoát Hải. Hắn đổi ý không tới Thiên Sơn tự chăng?

Tử Long cười :

– Cũng có lẽ. Nhưng chuyến đi Túc Kỳ châu này không vô ích. Ngờ đâu ngôi thiền viện lớn và danh tiếng như vậy mà lọt vào tay bọn đầu đá ghê gớm.

– Tên nào cũng sắc sảo, coi bộ có bản lãnh cả. Nhất là Pháp Quang, lúc nó nhìn, tiểu muội muốn thừa cơ mượn luôn nó đôi con ngươi dâm đạo. Nếu chùa ở nơi vắng vẻ, ta hành động ban ngày thì tiện quá. Theo ý sư huynh, liệu chúng có đặt cơ quan không?

– Lẽ dĩ nhiên. Chúng cả gan hành động ở nơi đông khách thập phương, tất nhiên đặt cơ quan. Vì thế do thám ban đêm rất ngại. Nhưng không vào hang hổ sao bắt được hổ con?

Bàn tán hồi lâu, Cam, Lã xuống thực phòng dùng bữa trưa rồi đi nghỉ sớm lấy sức. Canh hai đêm hôm ấy, Song hiệp nai nịt gọn ghẽ đeo báu kiếm chéo sau lưng, giấu hành lý lên góc thềm nhà, tắt đèn, leo cửa sổ ra ngoài, khép hai cánh lại rồi chuyền lên máu nhà như hai con vượn. Vượt qua mấy nóc nhà nữa, Song hiệp nằm ép xuống mái chờ xem động tĩnh.

Quả nhiên, chưa được một khắc canh có hai dạ hành khách từ phương Bắc thấp thoáng chuyền trên nóc nhà và đến thẳng mái tửu quán. Hai bóng đen đó châu đầu nói gì với nhau hồi lâu, lúc đứng lên, Song hiệp thấy một tên cầm vật gì có đốm lửa nhỏ bằng đầu cây hương.

Chúng chuyền vào hành lang rón rén tới chỗ cửa sổ cuốn loay hoay giây lát, đoạn đứng nép vào hai bên tường chờ.

Mai Nương nói nhỏ với Tử Long :

– Chúng dùng muội hương…

– … Để bắt sư muội về Thiên Sơn tự!

Song hiệp im lặng theo dõi hành động của hai dạ hành khách nọ.

Độ nửa khắc canh sau, hai bóng đen đẩy cửa sổ leo vào phòng. Cam, Lã bấm nhau đứng dây phi thân về hành lang tửu quán, đứng nép vào hai cửa sổ chờ không một tiếng động nhỏ.

Quả nhiên, vì thấy phòng trống rỗng, hai bóng đen chui qua cửa sổ ra ngoài thì bị luôn Mai Nương. Tử Long vươn tay kéo ngực áo nện cho mỗi tên một trái thôi sơn trúng cằm ngất lịm. Song hiệp lột khăn bịt đầu của chúng và nhận ra làm hai đầu đà ngồi tiếp khách hồi sáng ở phòng Thiên Sơn tự.

Tử Long rút hai thanh giới đao gài ở lưng chúng bỏ sang bên, đoạn cởi dây lưng chúng trói gò tứ chi hai bên tên lại, trong khi Mai Nương xé khăn bịt đầu nhét đầy miệng chúng.

Mai Nương hỏi :

– Sư huynh định xử trí hai tên này ra sao?

– Bây giờ hãy còn sớm, viết tờ tố cáo chúng giao cho huyện quan sở tại, yêu cầu phái binh đến vây Thiên Sơn tự trong khi chúng ta vào chùa thám thính sát phạt trước. Ngu huynh xuống nhà đánh thức chủ quán lấy giấy bút, hiền muội xách chúng bỏ vào trong phòng, được không?

Mai Nương gật đầu.

Tức thì, Tử Long xuống nhà dưới kêu chủ quán.

Đang ngủ say, chủ quán mắt nhắm mắt mở vội vàng chạy ra thấy Tử Long nai nịt gọn ghẽ, lưng đeo trường kiếm thì ngạc nhiên hỏi :

– Có chuyện gì mà gấp vậy quý khách?

– Gấp thật, lấy nghiên bút và giấy rồi theo tôi lên lầu sẽ biết.

Chủ quán lật đật ra quầy hàng lấy các thứ cần dùng, theo Tử Long lên lầu. Vào tới phòng thấy hai người đầu trọc lốc bị trói gô đặt cạnh bên nhau ở giữa phòng, chủ quán hoảng sợ đưa mắt nhìn Cam, Lã có ý hỏi.

Mai Nương mỉm cười.

Chủ quán vội tiến tới dụi mắt nhìn :

– Ủa! Hai vị cao tăng Thiên Sơn tự đây mà!

Mai Nương cười gằn :

– Cao tăng cái nỗi gì, hai tên đầu đà gian đạo này!

Nàng bèn thuật rõ việc lễ chùa ban sáng và việc rình bắt hai tên đầu đà cho chủ quán nghe.

Trong khi đó Tử Long thảo xong tờ tố cáo đưa cho chủ quán và bảo rằng :

– Tiên sinh chịu khó cầm giấy này tức tốc lên huyện đường trình quan.

Huyện quan sẽ phái người về đây áp giải chúng về giam. Có vậy thôi được không?

Chủ quan cầm giấy đọc một hồi rồi lắc đầu :

– Có ngờ đâu lại thế này! Ghê gớm quá! Thảo nào Túc Kỳ châu hay xảy ra các vụ mất tích những thiếu nữ đẹp. Được tồi, nhị vị hiệp khách an tâm, tôi sẽ hành động y lời chỉ bảo. Nhưng nên cho hai tên này sang phòng bên kẻo trong khi vắng người e xảy ra chuyện chi khác chăng.

Tức thì chủ quán xuống nhà lấy chìa khóa và cầm theo cuộn dây thừng thật chắc, Cam, Lã xách hai tên đầu đà và giới đao sáng bóng bên lấy dây thừng trói chặn vào chân giường. Mai Nương xé vài áo chúng bịt chặt lấy mắt buộc vòng ra sau gáy. Xong xuôi ba người trở ra khóa cửa phòng lại. Chủ quán nói :

– Bây giờ nhị vị hiệp khách theo tôi xuống nhà ra lối cửa, khỏi phải leo tường.

Tử Long cười :

– Cần chi, làm thế này lẹ hơn.

Dứt lời chàng cắp ngang lưng chủ quan nhảy lan can xuống thẳng mặt đường, nhẹ như bồng trẻ nít.

Mai Nương liệng mình xuống theo, nàng hỏi :

– Huyện đường có xa không?

Chủ quán nói :

– Cách đây ba dãy phố. Tôi đi đây, chúc nhị vị thành công. Nếu trừ được hại cho dân trấn này, công đức ấy lớn lắm đó.

Hai người nhìn theo chờ chủ quán đi được một quãng xa mới theo đường cũ vượt thành, phi hành tới Thiên Sơn tự. Không bao lâu tới nơi, Song hiệp tránh cửa tam quan, vòng sang phía hữu vừa toan vượt tường vào chùa thì chợt có một bóng đen từ xa vùn vụt phi hành tới. Cam, Lã vội núp vào một gốc cây lớn, chỉ kịp nhận ra đó là một đầu đà lực lưỡng băng qua tường vào thẳng chùa, nghệ thuật phi hành khá cao siêu.

Song hiệp nhảy lên mặt tường nằm ép nhìn xuống không thấy động tĩnh gì lạ mới đáp xuống sân gạch chạy thẳng tới La Hán điện. Đại điện cửa đóng then cài tối om. Dãy nhà bên tả nơi có khách phòng, anh đèn le lói lọt qua khe cửa. Mai Nương chỉ lên nóc nhà, Tử Long gật đầu hiểu ý. Nhưng ngay lúc đó chợt có tiếng chân người. Song hiệp ngoảnh lại thấy một đầu đà từ chỗ pho tượng La Hàn ở giữa sân chùa cầm giới tao chạy tới.

Không kịp lẩn tránh nữa, Cam, Lã đành đứng lại tuốt kiếm ra.

Đầu đà quát :

– A! Hai tên này chưa bị bắt sao mà còn vào nổi nơi đây? Phải biết chui đầu vào miệng hùm này thì chỉ có chết chớ đừng hòng thoát, nghe.

Nhận ra đó là tên đầu đà lẩn quẩn trên đại điện hồi sáng, Mai Nương tấn công trước, nhảy tới chém mạnh. Đầu đà hoa đao gạt.

Choang!… Thanh giới đao bị tiện đứt đôi, rớt xuống gạch xoảng một tiếng. Đang khí xuất bất kỳ ý, đầu đà nhằm mặt Mai Nương bóng luôn nửa thanh giới đao còn lại. Hai người cúi xuống tránh khỏi, đầu đà thừa dịp chạy vụt ra góc điện rồi mất hút.

Mai Nương, Tử Long theo tới nơi không thấy kẻ địch đâu cả, lấy làm lạ, bèn bảo nhau vòng ra lối sau bên khách phòng.

Hai người không nghi ngờ vì ban sáng đã đi qua nơi ấy không thấy điểm nào đáng chú ý, chẳng ngờ vừa đi tới đầu góc sau đại điện bỗng mặt gạch chuyển động lẹ tựa chớp lật úp cả hai xuống hầm sâu tối như mực.

Nguyên Thiên Sơn tự là một ngôi chùa lớn, do vua Túc Tông nhà Đường xây dựng để đền ơn vị đại sư Trí Minh là người đã có đại công cùng hai danh tường Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật phò vua lấy lại đất Trường An hồi An Lộc Sơn khởi loạn.

Truyền mãi tới đời vua Ung Chánh nhà Thanh, vị thiền sư trụ trì là Huệ Tĩnh xuất thân tu học tại Thiếu Lâm tự, bản lãnh cao siêu.

Theo nếp có sẵn của nhà chùa, Huệ Tĩnh thiền sư tiếp tục thâu nhận môn đồ truyền thụ võ nghệ sẵn có cho mọi người xin nhập học.

Môn đồ xuất thân từ Thiên Sơn tự cũng đã nhiều nhưng thiền sư Huệ Tĩnh không lấy làm mãn nguyện vì không một người nào đặc sắc khả dĩ nối được nghiệp mình trông coi ngôi danh tự ấy. Bởi vậy thiền sư vẫn có ý tìm người để truyền hết bản lãnh bình sanh.

Hồi ấy tại làng Kiến Tử thuộc Linh Võ huyện, tỉnh Cam Túc, có một người tên Vương Khánh, nhà nghèo, góa vợ, chuyên bán dầu lạc. Họ Vương có mỗi con trai là Đắc Bằng bẩm sinh khỏe mạnh dị thường, suốt ngày chỉ theo bạn đồng tuổi hoa quyền múa gậy.

Tuy Vương Khánh cố kiếm tiền cho Đắc Bằng theo học thầy đồ trong thôn nhưng nghề bút nghiên vốn không hợp với chí nguyện của mình nên Đắc Bằng luôn luôn trốn học ra cánh đồng quần thảo với các đoàn mục tử. Thấy vậy, Vương Khánh chán ngán bèn cho Đắc Bằng đi làm mướn chăn bò cho một phú hộ đồng thôn. Nhờ có dũng lực trời cho, vóc người to lớn, năm ấy mới mười hai tuổi mà Vương Đắc Bằng đã lớn như trẻ mười lăm, mười sáu tuổi, hai cánh tay nở nang chắc nịch, được bọn mục tử tôn làm đàn anh. Vì vậy khi chăn đàn bò ra đến cánh đầu là Đắc Bằng chọn nơi gốc đa mát mẻ nằm ngủ chèo queo mặc các tay em chăn giúp.

Một buổi sáng nọ, khoảng đầu giờ Tỵ, Đắc Bằng đang gối đầu tay ngủ ngáy o o như sấm dưới gốc cây cổ thụ, bỗng có một con báo gấm, từ rừng bên lẻn nhảy vào giữa đàn bò của Đắc Bằng cắn gáy quật một con xuống. Đoàn mục tử và những người đang làm việc ngoài cánh đồng sợ hãi la ó ầm ĩ hò nhau chạy toán loạn. Từ chỗ báo gấm vồ đàn bò đến gốc cây lớn có Đắc Bằng đang ngủ say cách xa tới hơn trăm thước.

Một người lanh trí chạy tới gốc cây gọi :

– Đắc Bằng! Đắc Bằng! Beo vồ bò của mày kìa, dậy mau kẻo chết cả bây giờ, mau!

Giựt mình, Đắc Bằng choàng dậy dụi mắt nhìn quanh :

– Beo đâu?

– Đằng xa kia kìa! Lẹ lên!

Đắc Bằng giựt phăng chiếc cuốc chim của người đó đang cầm, chạy thẳng tới con báo hoa khá lớn đang đứng bên con bò bị cắn gãy cổ, gầm gừ nhìn quanh. Tức giận vì không biết sẽ trả lời sao đây với vị phú hộ ác nghiệt keo bẩn, Đắc Bắng hét lên ầm ầm, vác cuốc chim xông thẳng vào đầu báo bổ mạnh. Tuy Đắc Bằng có dũng lực thật nhưng dù sao cũng chỉ là đứa trẻ tuổi mới mười ba nên mọi người đứng xa xa xem ai nấy đều lo sợ cho tánh mạng y mà không ai dám vào tiếp tay. Bị đánh, con báo nhảy sang bên lánh đòn, gầm một tiếng lớn vang động rồi nhảy bổ chụp vào đầu Đắc Bằng. Không chịu kém, Đắc Bằng né sang bên, dùng toàn lực bổ luôn một nhát nữa trúng sườn ác thú. Mũi cuốc chém ngập vào quá nửa. Ác thú gầm vang dậy, quay lại quơ chân trước tát trúng vào mặt địch thủ. Đắc Bằng lanh lẹ tránh được và bổ luôn một lát nữa trúng vào giữa mắt con báo. Trúng đòn độc, ác thú chồm lên lần cuối cùng để rồi lăn lộn giãy chết trên mặt đất.

Mọi người mừng rỡ reo hò hoan hô xô đến dùng cây đập đại tới lúc con báo chết hẳn mới thôi. Đắc Bằng cúi xuống xem con bò thì nó cũng vừa trút hơi cuối cùng, cổ gãy lìa. Không biết làm thế nào hơn, Đắc Bằng đành lùa đàn bò về nhà báo tin cho phú hộ biết. Tính tình biển lận keo kiệt, lão phú hộ cho người nhà ra khiêng cả bò lẫn báo về và còn trình hương chức bắt Vương Khánh đền năm mươi lạng bạc. Nhà nghèo, quanh năm sinh sống lần hồi với nghề mãi du (bán dầu) thì lấy đâu ra năm chục lạng bạc đền cho phú hộ được! Tuy vậy dưới sự áp bức của hương chức, Vương Khánh đành liều ký giấy nhận đền xin trả dài hạn, nhưng lão phú hộ không chịu bắt y phải bán nhà đền ngay. Đang khó xử, cha con họ Vương không biết hành động sao thì may thay Huệ Tĩnh thiền sư vân du qua đó thấy. Vương Khánh nhăn nhó âu lo, Huệ Tĩnh tức thì bỏ tiền ra trả thế cho họ Vương, lấy giấy nợ về và bắt lão phú hộ phải trả lại con báo cho Vương Khánh đem bán dược ba mươi tư lượng bộ da.

Thấy Đắc Bằng còn ít tuổi mà dũng mãnh vạm vỡ, Huệ Tĩnh lấy làm ưng ý muốn thâu nhận làm môn đồ và cho cả Vương Khánh về Thiên Sơn tự làm việc nhà chùa. Cha con họ Vương mừng rỡ lạy tạ, bán nhà, bỏ thôn Kiến tử theo thiền sư về chùa.

Thoi đưa thấm thoát, thời giờ lẹ tựa vó câu, tam năm đã qua. Vương Đắc Bằng xin quy y được thiền sư đặt đạo hiệu là Pháp Quang, trở thành một nhân vật kỳ tài cao lớn vạm vỡ, võ nghệ ít người sánh kịp.

Huệ Tĩnh thiền sư vui mừng gặp được môn đồ kế nghiệp, bèn truyền dạy hết bản lãnh bình sanh. Vốn đã có khiếu về võ nghệ, lại thêm sức khỏe trời cho, Pháp Quang lãnh hội được hết công phu học tập của thầy, và lẽ cố nhiên trong Thiên Sơn tự không một ai địch nổi. Hồi đó, Vương Khánh đã có tuổi và vẫn chăm chỉ ăn cơm, chùa làm chùa. Trái với tính tình hiền từ của cha, Pháp Quang càng lớn, võ nghệ càng tấn tới bao nhiêu thì càng hung ác dâm dật phóng đáng bấy nhiêu. Sẵn có công phu điêu luyện tuyệt vời, Pháp Quang nghĩ không lẽ tự giam mình mãi trong vòng dưa muối nâu rồng, vả lại cũng không kiềm chế nổi tính trăng hoa, nên nhờ có thuật phi hành cao siêu, thường lên ra khỏi Thiên Sơn tự lần tới các vùng thôn ổ lân cận, hoặc vào thẳng Túc Kỳ châu hãm hiêp, gian dâm phụ nữ, uống rượu ăn thịt, phạm ngũ giới. Càng ngày càng lộng hành, Pháp Quang còn nhờ thuật phi thềm tẩu bích lẹ làng như én, lẻn vào các nhà giàu có đoạt của tiêu xài.

Lần lần về sau, Huệ Tĩnh thiền sư, lúc đó đã trọng tuổi, biết chuyện gọi Pháp Quang tới trại phòng trách mắng kịch liệt. Nhưng chứng nào tật ấy, Phap Quang vẫn phạm giới như thường chẳng coi lời sư phụ ra gì cả. Huệ Tĩnh rất tiếc khi mới gặp Pháp Quang đã không chú trọng tới hạnh kiểm của y, thành thử ngày nay nuôi ong tay áo, biết làm sao đây?Bao nhiêu công phu học tập đều đã truyền dạy cho Pháp Quang rồi, với dũng lực ấy y như hổ thêm nanh, rồng mọc cánh cảnh cáo không được mà dùng sức lại càng khó thắng! Biết làm sao đây!

Về phần Pháp Quang cũng hiểu như thế. Ý biết Huệ Tĩnh thiền sư không còn miếng nghề nào hơn khả dĩ thắng nổi mình nên công khai cãi lại coi sư phụ như không còn quyền hành chi nữa. Các môn đồ len lét sợ Pháp Quang không ai dám hé lời. Vương Khánh thấy còn mình bất trung bất nghĩa quá, cực chẳng đã phải lên tiếng khuyên bảo Pháp Quang trợn mắt :

– Việc riêng của tôi phụ thân không có quyền nói tới. Tôi mong rằng từ nay trở đi phụ thân đừng nói chuyện trung nghĩa với tôi nữa.

Bực quá, không ngờ Pháp Quang táng tận lương tâm đến nước ấy, Vương Khánh đến trước mặt y chỉ tay mắng lớn :

– Làm người ma bất trung, bất nghĩa, vô đạo vô can như ngươi, nay lại bất hiếu bất mục, trên khinh thường sư phụ, dưới coi rẻ cha già, liệu còn dám nhìn mặt mọi người mà không biết thẹn với lương tâm không?

Pháp Quang sững sờ :

– Ông nói thêm câu nữa, đừng có trách tôi bạc bẽo!

Vương Khánh ức quá :

– Ta cứ nói mấy làm chi nổi? Đồ bất hiếu bất nghĩa! Ai nuôi mày lớn? Ai dạy mày thành tài? Tu hành như mày chỉ có xuống Địa ngục!…

Hét lên ầm ầm như sấm, Pháp Quang chồm tới cầm hai vai Vương Khánh đẩy mạnh

– Địa ngục này!…

Thương thay Vương Khánh, vốn hom hem yếu đuối già nua tuổi tác chịu sao nổi sức voi?

Pháp Quang tuy đẩy nhẹ tay nhưng cũng đủ để Vương Khánh văng mạnh, đầu đập vào tường bể sọ gục xuống chết tươi. Các tiểu tăng thấy vậy, sợ hãi chạy toán loạn lên báo với Huệ Tĩnh thiền sư.

Sư trưởng thở dài xốc áo đứng dậy than rằng :

– Đã trót nuôi dạy phải loài lang sói, ta đành chịu tội với môn phái, với Trời, liều mạng già may ra cản được loài súc sanh khỏi hại thiên hạ sau này.

Thấy sư trưởng Huệ Tĩnh lạnh lùng đi ra, tay thắt lại đai lưng, Pháp Quang biết giờ quyết liệt đã đến, nhưng y tin vào sức lực năng cử đỉnh của mình. Y dự đoán ngay kết quả của trận đấu sắp xảy ra.

Nói về công phu tài trí, hai người ngang nhau vì y biết Huệ Tĩnh đã truyền hết bản lãnh bình sanh cho y rồi. Còn về dũng lực, lẽ cố nhiên Huệ Tĩnh tuổi tác già nua phải kém công phu luyện tập cao siêu, Pháp Quang cố đứng im tại chỗ. Huệ Tĩnh vẫn lạnh lùng, chậm chạp tiến tới, cặp mắt chói lọi như sao hôm, căm hờn…

Lục tiểu tăng cảm thấy giờ phút ấy cực kỳ nghiêm trọng, ai nấy đều len lét theo sau, cách sư trưởng bốn, năm sải. Không chịu được nữa, Pháp Quang lùi dần, cởi bỏ áo ngoài. Lùi hết dãy hành lang, ra tới sân đất nện, Pháp Quang mới đứng hẳn lại, trừng mắt nhìn sư phụ, thét :

– Lão già lắm lời sắp tới giờ tận số rồi! Hôm nay quyết không còn tình nghĩa chi nữa. Còn ngươi thì không có ta, còn ta tất ngươi phải chết!

Huệ Tĩnh vẫn không nói không rằng, lầm lì tiến… Mồ hôi toát ra như tắm, Pháp Quang quăng mình nhảy ra giữa sân thủ thế, vững như Thái Sơn, mắt trợn trừng trừng. Một sải, hai sải, ba sải… Huệ Tĩnh bước một, tiến gần tới tên môn đồ bất nhân chỉ còn hai sải. Pháp Quang run bật người lên, quăng mình nhảy xa ra góc sân, thủ thế như cũ, sắc mặt đỏ gay.

Thì ra, dù biết mình có tài lực có thể thắng, không thì ít nhất cũng thủ hòa, đến phút nghiêm trọng cuối cùng, Pháp Quang vẫn còn e sợ bản lãnh tuyệt vời của thầy học.

Y hình dung hai mươi năm về trước, lúc mới được sư trưởng đem về chùa, Huệ Tĩnh cũng khỏe mạnh kiêu dũng như y bây giờ. Nay có tuổi, theo luật đào thải thiên nhiên gân sức Huệ Tĩnh tất phải suy kém, duy chỉ có cặp mắt vẫn sáng quắc tựa sao mai, cặp mắt dày công luyện tập, chính nhân quân tử, cặp mắt của con người suốt đồi chỉ biết sống đạo đức từ bi. Chính luồng mắt ấy đã có dũng lực khiến Pháp Quang, một tên bất nhân, vô nghĩa, dù có công phu dũng lực tiềm tàng, phải sợ.

Dũng mãnh thay luồng mắt người chân chính quân tử! Và cũng không gì hèn hạ bằng cái nhìn của kẻ tiểu nhân bất chính! Cũng vì hai cái nhìn chính và bất chính khác nhau xa vời ấy mà, một lần nữa, Pháp Quang phải mình nhảy xa ra…

Bất giác từ chỗ y đứng thủ thế, Pháp Quang chợt trông thấy xác Vương Khánh chết gục dưới chân tường, máu me đầy mặt, miệng há hộc, mắt trợn trừng căm hờn…

Bị quất bởi làn roi vô hình do cặp mắt không hồn oán hận ấy, Pháp Quang nổi nóng thét :

– Lão già đừng tiến nữa mà chết! Ta nhường nhiều rồi! Mi hãy coi xác chết kia làm gương! Cha ta còn hạ sát nữa là mi!…

Lần này đầu đà Pháp Quang nhất quyết đứng lại chận đánh, mắt long sòng sọc, đỏ ngầu như mắt trâu điên. Huệ Tĩnh vẫn tiến… Hai bên còn cách một sải tay! Đầu đà Pháp Quang đứng nguyên thủ thế, sát khí đằng đằng. Huệ Tĩnh nhảy vút tới, xử thế “Song Yến Đồng Phi” đưa thẳng hai bàn tay Cương đao đánh chẹn lấy cổ tên môn đồ bất nghĩa. Thét lên một tiếng, Pháp Quang đưa chân tả lên Chảo Mã Tấn, chấp hai tay lại đưa thốc lên phá.

Đó là ngọn “Đồng Tử Hiến Đào”. Đồng thời, tiến thêm chân tả ra thành Đinh Tấn, co tay tả lại bên sườn, đánh thốc trái Thôi Sơn hữu vào mặt địch thủ theo thế “Mãnh Hổ Xuất Động” cực kỳ dũng mãnh. Huệ Tĩnh liền đưa tay hữu gạt trái đấm nặng nề ấy bật sang bên, đồng thời phóng cước đá vọt vào sườn đầu đà lúc đó đang hở.

Pháp Quang vội dùng thế “Ma Vương Túy Tửu” ngửa bật người ra phía sau nhường cho ngọn cước phóng trượt qua, chưa kịp đánh lại, thì đã bị luôn Huệ Tĩnh quật trái lại một quyền vào mặt theo ngọn “Lạc Điểu Phiên Hoa”.

Thế tấn công vừa lanh lẹ vừa mạnh mẽ này bắt buộc Pháp Quang phải lùi hẳn mấy bước tránh đòn. Y thét như sấm xông vào trả đòn ngay. Hai đầu thủ, một già một trẻ, xáp chiến, bốn cánh tay lên xuống chập chờn huyền ảo, hai cặp xuống sầm sập tung hoành. Mỗi bước chân, khi nhẹ nhõm lúc nặng nề, là một hảo mỹ công phu. Mỗi thế quyền lúc hiện khi biến vô chừng là một đòn chí tử. Hai người lừa nhau từng thế, phá nhau từng đòn, vô cùng ác liệt, chẳng khác chi lưỡng hổ tương tranh. Chân tấn lúc nặng như Thái Sơn lún cả mặt đất nền nhưng cũng có khi nhẹ chẳng khác chi chiếc lá mùa thu. Họ biết nếu chỉ hở có một chút là táng mạng ngay, nên bên nào cũng cố sức tranh tài quyết dành phần thắng về mình.

Thấm thoát, cuộc đấu đã dư trăm hiệp, tướng ngộ lương tài. Tới đây, không phân cao thấp nhưng trong các hiệp say, thế quân hình không còn nữa. Thiền sư tuổi già sức yếu, trái lại Pháp Quang đang thời sung sức càng đánh càng lanh lẹ. Hồi lâu, Huệ Tĩnh mệt quá, mồ hôi rã ra như tắm, miệng thở hồng hộc… Người hối tiếc đã không giữ lại các thế võ bí truyền để phòng bị sự phản bội của tên môn đồ tàn ác bất trung, bất nghĩa ấy. Thiền sư chỉ còn tránh đỡ, không tấn công được nữa. Đầu đà Pháp Quang biết vậy, dồn mạnh, dùng toàn đòn chí tử ép địch thủ đến tận giáp tường. Tứ chi mỏi, nặng nề, Huệ Tĩnh kiệt sức, mồ hôi trán rã xuống mờ cả mắt… Thật không ngờ cả một đời tu luyện, đạo đức, nay lại chết bởi tay tên môn đồ tàn ác…

Pháp Quang thắng thế, cười ghê rợn :

– Chết này! Hãy coi!…

Tức thì, y hạ độc thủ, chọc hai ngón tay Song chỉ moi hẳn mắt địch thủ ra, đồng thời co chân hữu đá búng trúng ngoại thận đối phương… Thiền sư chỉ kịp kêu lên một tiếng ai oán rồi té vật ra mặt đất, máu phun đầy mặt…

Từ lúc trận đấu mới khởi sự, bọn tiểu tăng sợ thay cho Thiền sư vì thấy Pháp Quang hung dữ quá, không một ai dám vào can. Kịp tới khi thiền sư trúng tử đòn, té quị xuống sân, họ mới chạy xô vào đỡ thầy ngồi dậy.

Huệ Tĩnh, con ngươi bật hẳn ra ngoài mắt trông rất đáng thương thoi thóp thở :

– Ta quá tin, nuôi cọp trong nhà thành vạ, chỉ tiếc cho ngôi đại tự này bị tên ác quỷ làm ô uế thôi…

Thiền sư uất ức ụa máu, hai môi giựt lắp bắp, tắt thở.

Pháp Quang khoanh tay, nhếch miệng cười gằn bảo các tăng nhân :

– Tự nó mua lấy cái chết, các người thương lắm hay sao mà khóc? Từ nay ta là Sư trưởng chùa này. Ai không phục, hãy ra đây cùng ta tỉ thí. Nếu mất mạng thì chớ trách ta bạo tàn.

Còn ai dám gây sự với hung thần ấy nữa!

Họ đành phải tôn Pháp Quang lên làm Sư trưởng Thiên Sơn tự.

Pháp Quang nói :

– Các người hãy đem tử thi Huệ Tĩnh ra phía sau chùa, chất củi hỏa táng đi. Trận quyền hôm nay phải được giữ kín, kẻ nào tiết lộ sẽ nói chuyện với ta.

Từ đó, đầu đà Pháp Quang muốn sao được vậy, thỏa sức tung hoành độc tài, độc đoán, không một ai dám cưỡng lời. Tuy vậy, y vẫn không tin những nhân viên cũ trong chùa, bèn lập kế thỉnh thoảng sai họ đi xa rồi chính y đón đường thủ tiêu liệng các xuống khe núi phi tang. Không một ai nghi ngờ gì cả vì họ yên trí rằng những người có đi mà không có về ấy đã nhân dịp tẩu thoát đi nơi khác để khỏi phải sống dưới ách độc tài của Pháp Quang. Theo kế hoạch ấy, trong vòng trên một năm trời, Pháp Quang đã thủ tiêu không sót một người cũ nào lại trong chùa.

Để thay thế số người ấy, Pháp Quang kết nạp toàn bọn đầy đà ác tăng từ xa tới, hoặc bọn lục lâm cường đạo bị quan quân truy nã, trốn đến chùa nương náu mà Pháp Quang bắt thế phát để che mắt bàng quan.

Hai đầu đà bị Mai Nương, Tử Long bắt ở quán trọ chính là hai tên thủy tặc chuyên cướp bóc khách quá giang ở dọc sông Hoàng Hà. Một tên là Lục Đại Tốn, tên thứ hai là Trương Cửu Thanh. Đại Tốn và Cửu Thanh hợp nhau hành động ở bờ Hoàng Hà thuộc địa phận Hà Bắc, cướp của giết người không biết bao nhiêu.

Về sau, quan Tổng binh người Mãn là Bao Oách Hạ đến trấn đóng Toàn Châu, nghe tiếng hai tên thủy tặc ghê gớm bèn gắt gao truy nã, thông tư đi các nơi dọc hai bờ sông Hoàng Hà quyết bắt chúng cho kỳ được. Vì thế, Lục Đại Tốn và Trương Cửu Thanh hết đất động thân, rủ nhau đi sâu vào các miền rừng núi.

Khi qua Túc Kỳ châu, hai người vào Thiên Sơn tự xin ngủ nhờ thì gặp Pháp Quang biết người biết của, rủ nhập bọn. Suy đi tình lại thấy đời sống đầu đà vương giả hơn, hai người nhận lời ngay. Trước khi thâu nhận hai thủy tặc Lục, Trương, Pháp Quang đã kết nạp Thạch đầu đà tức viên Tri Khách tăng, và Trấn Phương là người ngồi tụng kinh Di Đà trên La Hán điện. Thạch đầu đà võ nghệ siêu quần quen xử một ngọn thiết chủy nặng bảy mươi cân cực kỳ nguy hiểm. Trấn Phương bản lãnh cũng ngang tay với Thạch đầu đà, quen dùng cặp giới đao, lúc hoa lên tát nước không lọt tới người. Ngoài ra, trong Thiên Sơn tự còn có bốn người nữa dưới Thạch đầu đà và Trấn Phương một bực, nhưng võ nghệ cũng đáng mặt siêu quần, dũng lực đều ghê gớm. Đó là Mộc tăng, Hỏa tăng, Địa tăng và Không tăng.

Pháp Quang bỏ hẳn lệ thâu nhận môn đồ truyền thụ võ nghệ, e người ngoài tọc mạch, nhưng lại bắt các nhân viên trong chùa phải tập luyện cẩn thận. Từ nhiều đời nay, chùa súc tích của cải, khách thập phương tới chiêm bái rất đông, sẵn tiền bạc trong tay, Pháp Quang sửa sang lại Thiên Sơn tự, đặt cơ quan, xây luôn mấy dãy ngà theo lối kiến trúc riêng che đậy khu Nghinh Xuân viện, là nơi y tàng trữ mỹ nữ bắt ở các nơi về, ngày đêm cùng bọn luân phiên hành lạc, rượu chè xa xỉ thật đế vương.

Nhờ có tài ngoại giao khéo léo, bề ngoài đạo mạo tu hành, Pháp Quang được lòng tất cả mọi người, thành thử không ai ngờ ngôi Thiên Sơn tự uy linh lại là một tổ quỷ dâm dật, cướp bóc có tổ chức thập phần quy củ. Những phụ nữ có nhan sắc đi hành hương mà được Pháp Quang để ý tới đều bị dò la địa chỉ, thế rồi một hôm những kẻ đáng thương ấy bỗng dưng mất tích hết sức bí mật, không để lại một dấu vết gì khả dĩ quan sở tại có đủ manh mối điều tra.

Thật ra thủ phạm không phải ai xa lạ mà chính là Sư trưởng Thiên Sơn tự và mấy tay đồng bọn của y, đã dùng thuật phi thiên tẩu bích bắt đem về giữ tại Nghinh Xuân viện cùng khoái cùng lạc. Chưùng nào hoa tàn nhị rữa chán chường rồi là bị Pháp Quang đem vào tận núi sâu thủ tiêu, thần không biết mà quỷ cũng chẳng hay.

Vì cùng là tay độc cước đại đạo, một bên đội lốt tu hành, một bên là chủ trang trại giàu có, nên sự quen thuộc liên lạc giữa Pháp Quang và Bành Khoát Hải không phải là một chuyện lạ.

Một hôm Pháp Quang vào thành Túc Kỳ Châu có việc, lúc ra về tới một phố vắng vẻ ở Bắc môn thì bỗng có người gọi :

– Mô Phật, chẳng hay Sư trưởng có được an khang không?

Pháp Quang quay vội lại nhìn thì nhận ra người vừa gọi đó là Bành Khoát Hải, bèn trả lời :

– Mộ Phật, Trang chủ qua Túc Kỳ châu từ hồi nào?…

Bề mặt hai tên độc cước đại đạo hỏi nhau như vậy, nhưng sau khi đạo mạo thi lễ, gần nhau, Pháp Quang hỏi khẽ :

– Sao lão huynh không về thẳng chùa? Lang thang ở đây làm gì?

Bành Khoát Hải đáp :

– Tới đây từ chiều hôm qua, nghỉ tại tửu quán, sáng nay vừa định vào chùa thì bỗng gặp hai mẹ con thiếu nữ tuyệt sắc đứng trên lan can lầu Chấu Hưng tửu gia… Thật là mới đến đã có… chuyện!

– Chấu Hưng tửu gia ở Tam Hòa phải không?

Bành Khoát Hải nheo mắt tinh quái gật đầu :

– Bạch Sư trưởng chính vậy ạ? Người đánh hơi bảo mỹ nữ khéo lắm!

Pháp Quang nghiêm nét mặt trách :

– Lão huynh vẫn không chừa tánh hay đùa cợt, lỡ người ta bắt gặp thêm phiền. Tôi về chùa trước. Thế nào cũng đến ngay nhé.

– Sao không cùng đi?

– Trông diện mạo Trang chủ dữ tợn phát khiến thế kia, đi cùng để mua lấy sự nghi ngờ của mọi người ư? Tôi đi trước đây!

Nói đoạn, Pháp Quang ra khỏi thành về thẳng Thiên Sơn tự.

Lát sau, Bành Khoát Hải cũng đeo khăn gói về tới nơi.

Đó là sáng hôm Song hiệp Mai Nương, Tử Long hành hương Thiên Sơn tự, nhưng hai người đến trễ.

Pháp Quang và Bành Khoát Hải đang ngồi trò chuyện trong trại phòng thì Không tăng vào rỉ tai :

– Bạch Sư trưởng có giai nhân tuyệt sắc cùng chồn vào lễ Phật.

Pháp Quang hỏi :

– Chúng ở đâu bây giờ?

– Dạ, đang hành hương, trên La Hán điện. Có lẽ chúng sẽ xin bái yết Sư trưởng nên Tri khách sư huynh cho xuống đây báo trước.

Pháp Quang tươi hẳn nét mặt :

– Được! Ta sắn sàng tiếp đón.

Chờ Không tăng đi khỏi, Pháp Quang bảo Khoát Hải :

– Chừng nào họ tới, lão huynh hãy vào phòng trong nhé. Có nhìn, nên kín đáo kẻo bất tiện.

Khoát Hải nhếch mép :

– Lão đệ làm như ta là kẻ mới trong nghề!

Dứt lời, Bành tặc vén rèm cửa vào phòng trong tìm chỗ kín đáo ngó ra Pháp Quang cũng ngồi xếp bằng tròn trên bồ đoàn, đạo mạo tham thiền nhập định như một vị… Phật sống vậy! Quả nhiên, lát sau Cam, Lã xuống trại phòng bái kiến Pháp Quang, trong hậu phòng, Bành Khoát Hải đờ người nhìn qua khe cửa. Lúc cặp thanh niên đi khỏi, Pháp Quang bèn vào hậu phòng.

Bành Khoát Hải xuýt xoa :

– Trời ơi! Sao lại có con người đẹp đến thế! Con bé gặp sáng sớm nay ở Chấn Hưng tửu gia cũng đã tuyệt sắc nhưng còn thua ả này nhiều.

Pháp Quang suy nghĩ giây lát :

– Bây giờ tính sao?

– Còn tính sao nữa! Lão đệ cứ việc theo phương pháp thông thường bắt cô ả này. Mặc ta tính chuyện con bé ở Chấn Hưng Quán. Ta cũng sẽ đem nó về đây chung vui. Được không?

– Sao lại không được? Tôi có ích kỷ bao giờ đâu?

Bành tặc cười hềnh hệch :

– Với ai kia, chớ giai nhân tuyệt thế vừa rồi, lão đệ ích kỷ cũng có lý lắm! Gớm, thằng chồng nó cũng đẹp, tốt đôi quá! Tiếc thay!…

Sau khi cho người dò biết địa chỉ của đôi thanh niên nam nữ, Pháp Quang tức khắc triệu Đại Tốn và Cửu Thanh vào Nghinh Xuân viện, nơi y đang chén tạc chén thù cùng Bành Khoát Hải.

Pháp Quang nói :

– Công việc cũng như mọi khi, có đều là nên thận trọng hơn vì ta nghĩ thanh niên ấy có bản lãnh chớ không tầm thường đâu.

Đại Tốn nói :

– Từ ngày được Sư trưởng thâu nhận đến nay, chưa chuyến nào anh em tôi để lỡ hay không thành tựu một việc nào. Nếu ngờ là tên ấy có bản lãnh, chúng tôi sẽ dùng muội hương, đỡ tốn công.

Pháp Quang gật đầu :

– Trúng ý ta. Cần nhất là tránh, đừng gây chiến.

Đại Tốn và Cửu Thanh đội khăn bịt đầu trọc, thoăn thoắt ra đi và sau đó bị Mai Nương, Tử Long bắt sống như đã tả ở đoạn trên.

Nói riêng về Bành Khoát Hải, chiều hôm ấy trở cào thành sớm để đến đêm hành động bắt thiếu nữ ở Chấn Hưng tửu gia.

Quá canh hai, tên lão tặc rời phòng trọ phi thân lên mái nhà chuyền như bóng ma đến mái quán Chấn Hưng nằm rạp xuống nghe ngóng. Trong quán, không một bóng đèn, ai nấy đều ngủ im thin thít. Khát Hải mừng rỡ mỉm cười nham hiểm, chuyền xuống đứng chênh vênh trên lan can lầu rồi mới bước nhẹ xuống hành lang ghé tai vào cửa sổ nha. Trong phòng tối như mực, Lão tặc rút đao định cạy cửa sổ, nhưng hai cánh chỉ khép nhẹ, bèn khẽ mở ra toan nhảy vào, thì có hai bóng đen từ hai đầu nhà xô ra.

Một người nói, giọng lanh lảnh tựa chuông vàng :

– Biết ngây thế nào mi cũng đến, bản cô nương chờ đây đã lâu rồi.

Dứt lời, thiếu nữ hoa kiếm xả một nhát vào đầu Bành lão tặc.

Bóng đen thứ hai cũng xông tới quát :

– Giặc già, hãy coi đòn của lão mẫu đây! Mi tận số rồi con ạ!

Bành Khoát Hải giựt mình, không ngờ mẹ con thiếu nữ yêu kiều gặp hồi sáng cả hai cùng võ nghệ tuyệt luân. Lão tặc vội múa đao gạt bật ngọn kiếm sang bên, nhưng lưới hổi đầu câu lợi hại của lão bè đã lạng ngay tới vai. Đưa ngược dọng đao lại, Khoát Hải gạt đòn. Ba món khí giới va vào nhau chí chát khiến mọi người trong Chấn Hưng quán và kế cận tỉnh giấc, hò nhau đốt đuốc, cầm đèn chạy ra kêu bắt tặc đạo ầm ĩ. Không dám trì trễ giữa lúc tình hình khẩn trương bất lợi cho mình, họ Bành bèn ra cửa chém luôn mất nhát dao chí tử khiến cả hai mẹ con thiếu nữ dạt sang hai bên. Thừa dịp ấy, Khoát Hải phi thân qua lan can xuống đường cái chạy biến vào trong đêm tối.

Hai mẹ con thiếu nữ không tha, băng mình đuổi theo. Bành tặc chạy vòng vào một quãng sài nhìn lại không thấy người theo, liền phi thân lên mái nhà chuyền ra cửa Bắc vượt thành ra ngoài. Chẳng ngờ từ nãy, mẹ con thiếu nữ vẫn chuyền trên các mái nhà theo dõi cho tới khi ra khỏi thành trì.

Khoát Hải phi hành nhằm hướng Thiên Sơn tự chợt ngoảnh lại thấy hai người đuổi theo nổi nóng rút hẳn hai ngọn tên chờ mẹ con thiếu nữ tới gần hơn chút nữa mới phóng mình. Biết có ám khí, hai người vội dùng chân hoa khí giới lên gạt.

Choeng! Choeng! Thừa dịp, Khoát Hải chạy lẹ ẩn mình vào dưới bóng cây lớn. Thấy mất hút tên gian đạo, mẹ con thiếu nữ chần chờ một lúc bảo nhau trở gót, không dám theo nữa. Bành Khoát Hải cũng bỏ chỗ núp chạy một mạch về Thiên Sơn tự vượt tường vào chùa. Dạ hành khác mà lúc mới tới chùa, Song hiệp Mai Nương, Tử Long thoáng trông thấy tưởng lầm là hòa thượng, chính là Bành Khoát Hải thất bại ở Chấu Hưng quán trở về.

Nói về mẹ con thiếu nữ đi một quãng chợt lão bà nói :

– Lúc này chắc tên lão tặc đi rồi vì nó yên trí ta trở về thành. Mẹ con ta thử theo xem phía đó có gì lạ không?

Thiếu nữ đáp :

– Mẫu thân dạy chí phải, con cũng nghĩ thế mà sợ bị rầy không dám nói ra. Ta nên tránh xa những gốc cây lớn đỡ nguy hiểm hơn.

Hai người bèn trổ phi hành thuật chạy bộ hai dặm đường thì thấy sừng sững một ngôi cổ tự nguy nga ẩn hiện dưới bóng các cổ thụ cao ngất không trung. Kéo nhảy sang một bên xa nơi chính môn ba từng mái cong cong, hai mẹ con phi thân lên một cành cây lớn núp trong bóng lá rậm rạp nhìn qua tường vào chùa.

Lão bà ghé tai con :

– Ngôi đại tự này đáng nghi quá. Chung quanh không có thôn ở nào cả, tên lão tặc chạy ra hướng này chẳng vào chùa thì còn đi đâu nữa?

– Dạ, thời buổi này, gia đạo lục lâm đội lốt tăng ni không ít. Vào chùa thám thính xem sao, hả mẫu thân?

– Ờ, ta cảm thấy tánh ưa mạo hiểm trở lại với ta như hồi ba mươi năm về trước lúc mới làm bạn với cha con… Ta linh cảm thấy ngôi đại tự này che đậy một sự gì bí mật! Kỳ thay! Lặng lẽ quá!…

Quan sát hồi lâu, lão bà bấm tay con ra hiệu vào chùa :

– Nếu là ngôi hắc tự thì bọn đầu đà thường đều có bản lãnh cả. Nên thận trọng! Nào xuống.

Hai người từ cành cây nhảy xuống đất, đi lẹ nhằm chỗ rồi băng mình lên mặt trường xem động tĩnh.

Bên trong vẫn yên lặng như tờ, thứ yên lặng khiến kẻ yếu bóng vía phải rùng mình sởn gáy giữa những mái chùa cong cong đồ sộ, và những cổ thụ to lớn hàng ôm vươn mình trong không trung chẳng khác chi những tên quỷ sứ khổng lồ đang nhe nanh múa vuốt như muốn chụp lấy mấy kẻ tò mò mạo hiểm.

Lão bà chỉ La Hán điện, ngụ ý bảo con gái cùng vào khu đó. Lẹ như cắt, hai mẹ con chuyền xuống sân và chạy thẳng vào núp dưới mái điện. Trong khi băng qua sân rộng, hai mẹ con có biết đâu từ pho tượng La Hán cao lớn sừng sững ở giữa sân có cặp mắt cú sáng ngời đang theo dõi từng cử chỉ một của hai mẹ con khách dạ hành.

Nói về Song hiệp Mai Nương – Tử Long dẫm trúng cơ quan bị nhào xuống địa huyệt.

Chân vừa động tới đất, hai người định phi thân lên miệng hầm ngay nhưng không kịp, cửa hầm đã đóng kín.

Bực mình, Mai Nương thốt ra câu :

– Sơ ý thành lỡ việc rồi, thật không ngớ!…

Tử Long cầm chặt tay nàng.

Hầm kín như bưng, mùi hôi tanh sặc sụa phát buồn mửa. Song hiệp đứng im không nhúc nhích, nhắm nghiền mắt lại rồi từ từ mở ra nhận xét. Nhờ có cặp mắt tập luyện nhìn đêm, hai người nhìn tờ mờ thấy hầm để trống rỗng, vách gạch hay đá đen sì không có lối thoát…

Nhưng cả hai cùng giựt mình khi chợt thấy vật gì sáng như bốn đốm lửa lớn bằng đầu ngón tay lắc la, lắc lư trong góc hầm cao hơn mặt đất độ một thước. Song hiệp đoán là hai cặp mắt thú, nên vội nhìn quanh hầm xem có gì khác nữa không.

Tuyệt nhiên không. Hai người an tâm hơn khi kết luận chỉ có hai con thú trong hầm, tuy chưa nhận định ra là giống thú gì. Giữa lúc đó, hai cặp mắt đỏ lừ chuyển động nhiều hơn, lắc lư, và tiếng phun phì dội hẳn lên.

Mai Nương ghé vào tai Tử Long :

– Mãng xà!

Tử Long kéo Mai Nương lùi nhẹ lại mấy bước bỗng gót chân vấp phải vật gì bằng sắt kêu keng một tiếng. Chàng buông tay Mai Nương ra, đứng nhích sang bên đôi chút, nói nhỏ :

– Ác thú sắp tấn công, mỗi người một con nhé.

Quả nhiên hai cặp mắt chuyển động mạnh vượt cao hẳn hơn trước rồi xả thẳng vào cổ hai người như sao đổi ngôi.

Soạt! Soạt!… Hai làn kiếm báu rít lên như lụa xé chém xả vào đầu ác thú rớt lộp bộp xuống mặt đất đồng thời thân thú cũng rớt mạnh quằn quại quét vụt những vật gì cứng rắn lăn lông lốc trên mặt đất, Song hiệp lùi hẳn lại mấy bước nữa chờ tới khi xác mãng xà hết cựa quậy, Mai Nương mới lên tiếng :

– Tên Pháp Quang ác độc thật. Từ trước đến nay, không biết bao nhiêu người táng mạng trong hầm này rồi. Thảo nào hầm hôi tanh lạ lùng. Không thoát được thì chết ngạt trong này mất.

Tử Long nói :

– Tất cả phải có lối ra chớ, tối quá không trông thấy gì cả. Nếu chờ tới sáng thì hỏng cả chương trình hành động. Không chắc quan quân có bắt nổi bọn đầu đà hay là để chúng trốn hết thì uổng quá.

– Vừa rồi sư huynh đạp phải vật gì bằng sắt đó, coi thử xem thứ gì?

Tử Long bèn dùng chân quơ tìm. Lát sau chàng giẫm trúng vật ấy, liền cúi xuống cầm xem.

– A! Cái vòng sắt gắn chặt với mặt hầm!

Chàng cầm vòng sắt kéo ngược lên không thấy nhúc nhích nên không giẫm mạnh tay sợ làm bể chiếc vòng đó.

Chàng bèn kéo ngang ra mấy hướng cùng không thấy gì và bắt đầy thất vọng, nhưng lúc kéo ngược về phía mình, thì may thay, chiếc vòng hơi chuyển kêu két một tiếng.

Tử Long kéo mạnh vòng sắt từ từ xê dịch cách chỗ cũ độ một gang tay.

Mai Nương chú ý nhìn quanh, bỗng nàng mừng quá gọi khẽ :

– Sư huynh coi kìa, có cửa mở ra ở phía tả.

Tử Long đứng lên chùi tay vào quàn :

– Thấy rồi.

Ánh sáng lờ mờ lọt qua tấm cửa mở rộng độ một người đi lọt tràn vào trong hầm, tuy không sáng lắm, nhưng cũng đủ để hai cặp mắt sáng như sao băng của Song hiệp nhìn rõ mọi vật.

Ngoài xác hai con hắc xà lớn bằng bắp chân chết còn queo trong vũng máu, còn vô số những xương người rời rã, rải rác tứ phía.

Mai nương giục :

– Ra đi, hôi qua không chịu nổi nữa.

Tử Long ngăn lại :

– Thong thả kẻo mắc phải cơ quan lần nữa. Không nên tới gần cửa. Bọn ta đứng từ trong này mình quan cửa miễn sao cho đừng động chạm vào thứ gì mới được. Để ngu ngu huynh ra trước.

Dứt lời, chàng nhảy vút lao người qua khuôn cửa như mũi tên, chống một tay xuống đất, nhào đi một vòng dạng chân đứng ngay người lên, lăm lăm cầm kiếm nhìn quanh. Đó là một đường hầm vắng teo. Chàng vẫy tay ra hiệu cho Mai Nương rồi lùi lại mấy bước lấy chỗ cho nàng đáp xuống mặt gạch. Địa huyệt không cao lắm, độ trượng rưỡi. Mặt tường treo mấy đèn dầy leo lét. Gần nơi đó cách chân vách lót đó độ một thước, có chiếc vòng sắt.

Tử Long nói :

– Chắc kia là cơ quan đóng cửa hầm.

Nói đoạn, chàng bước tới cầm vòng sắt kéo ngược lên theo vết cũ in trên tường.

Quả nhiên tấm cửa đá từ từ úp hẳn vào tường.

Mai Nương nói :

– Đường hầm này chắc ăn thông vào nơi tư thất của Pháp Quang, ta thử vào coi.

Hai người liền kẻ trước người sau, chú ý từng bước đi lần vào phía trong. Được một quãng độ hơn năm chục bước, đường rẽ sang tay tả hết lối đi, nhưng trong cùng đặt một pho tượng Kim Cương bằng đồng lớn bằng người thật.

Tử Long nói :

– Địa huyện tắt quãng ở đây vô lý quá. Pho tượng này che đậy cơ quan chi đây.

Mai Nương gật đầu :

– Phải rồi. Trên tường và mặt đất không có gì lạ khả dĩ mở được lối đi. Chắc chỗ mở ở bàn tay xòa ra kia kìa. Sư huynh hãy đứng nép vào vách đá.

Nói đoạn Mai Nương cũng đứng vào bên Tử Long rồi lấy mũi kiếm đẩy mạnh vào bàn tay pho tượng. Quả nhiên bàn tay theo khớp ngã sang bên bật thành tiếng động sè sè, pho tượng tự động mở theo cánh cửa bí mật dẹp sang một bên nhường lối đi vào trong. Hai người nhảy tót vào đẻ tránh cơ quan ngầm. Vừa đi được độ hai chục bước, Song hiệp chợt nghe có tiếng chân sầm sập từ chỗ rẽ ở bên trong đi ra. Không kịp thoái lui nữa, hai người sửa soạn giao đấu, vừa khi Mộc tăng và Địa tăng cầm giới đạo đi tới.

Hai đầu đà giựt mình thấy Song hiệp đứng sững ở giữa địa huyệt, Mộc tăng quát :

– Ủa! Hai tên nam nữ yêu quái này chưa bị mãng xà quấn chết sao?

Tử Long cười :

– Mãng xà đang chờ chúng bây ở Diêm La điện, rán xuống đó hỏi chúng.

Mộc tăng gầm lên chồm tới nhằm đầu Tử Long bổ xuống một đao thật mạnh, Tử Long đưa ngang Huyền Tiễn kiếm tiện đứt lưỡi đạo đến tận đốc, đồng thời phóng chân đá một ngọn Phi Long cước trúng vào bụng địch thủ.

Bị ngọn cước mạnh mẽ ấy trúng vào chỗ nhược, Mộc tăng kêu hự một tiếng bật hẳn người, đầu đập vào vách đá bể óc chết tươi. Đòn đánh rất lẹ. Giữa khi ấy Địa tăng nhảy tới đánh Mai Nương, nhưng hai chân chưa chạm đất thì đã bị thanh Yểm Nhật kiếm do Mai Nương lao tới xẹt như tia chớp nhoáng cấm phập vào ngực.

Địa tăng rú lên kinh khủng té ngửa ra mặt đất hồn lìa khỏi xác. Mai Nương bước tới rút lưỡi kiếm ra, lưỡi kiếm báu không hề vấy máu.

Sở dĩ Cam, Lã phải hạ độc thủ sát đối phương trong chớp mắt là vì địa huyệt hẹp ngang, e bọn đầu đà từ hai ngả ập tới thì bất lợi.

Mai Nương vẫy Tử Long :

– Sư huynh, tiến mau kẻo chúng báo động!

Hai người rảo bước tới một khúc rẽ, địa huyệt lại bị tắt quáng, trong vùng chỉ có con kỳ lân đồng đen, đứng trên bệ đá mắt trợn ngược, miệng há hốc dữ tợn.

Mai Nương lắc đầu :

– Lại cơ quan nữa. Mất thì giờ quá!

Tử Long nói :

– Sư muội hãy đứng áp lưng vào vách đá, ngu huynh ra kia lấy chìa khóa sẽ trở lại ngay.

Mai nương ngạc nhiên chưa kịp hỏi thì Tử Long đã quay ngoắt chạy trở ra. Lát sau, chàng trở lại tay cầm dây lưng xách tên đầu đà bị bể óc. Nàng hiểu ngay. Tử Long lao mạnh xác chết vào đầu con kỳ lân bằng đồng rồi nhảy vội đứng áp lưng vào vách đá kế bên Mai Nương. Xác đầu đà úp chụp vào đầu con kỳ lân như người nhảy vồ tới. Cam, Lã nghe rõ rằng mấy tiếng bật kêu tách, tách, tách, đồng thời chiếc bục đá chuyển từ từ sang bên, cánh cửa bí mật phổ theo nếp đá xây trên vách tự động mở hẳn ra.

Tử Long bước tới nhắc xác đầu đà ra xem.

– Sư muội coi này.

Mai Nương nhìn theo thấy ba mũi tên cắm ngập quá nửa vào mỏ ác tử thi Mộc tăng.

Cam, Lã nhảy vụt vào phía trong. Hai bên vách đá vẫn treo cách quãng những ngọn đèn dầu tỏa sáng lờ mờ. Đi được độ vài chục bước theo vách đá vòng sang bên tả, Cam Lã tới ngã ba. Một địa huyệt nữa hẹp hơn, phía hữu không biết ăn thông với đâu và cách chỗ hai người đứng độ bốn sải tay có bực đá ăn sâu xuống đất. Song hiệp còn đang phân vân không biết đi ngả nào cho phải đường thì có tiếng người từ địa huyệt bên hữu vọng tới. Hai người vội núp vào bóng tối kẽ vách.

Tiếng chân đi mỗi lúc một gần rồi rẽ về phía hai người. Kẽ vách đá nơi Song hiệp núp hơi sâu và tối om nên hai tên tăng đồ vô tình đi qua mấy bước mới chợt quay lại thì đã bị hai mũi kiếm dí vào cổ lạnh toát như băng.

Mai Nương trợn mắt nói :

– Muốn thủ cấp thì cứ kêu! Bỏ đao xuống, mau!

Run lập cập, hai tăng đồ vội buông khí giới xuống đất. Tử Long lẹ tay rút dây lưng đối phương trói gô tứ chi lại là cắt vạt áo nhét đầy miệng, liệng vào bên vách. Chờ Tử Long hành động xong, Mai Nương hỏi tên còn lại :

– Địa huyệt nhỏ này thông ra lối nào?

Tên đó run rẩy mặt tái mét :

– Thưa cô nương, lối đó dẫn lên đại điện, còn lối này thì ra tới pho tượng ở giữa sân trước La Hán điện.

– Còn lối có bực đá này?

– Dạ, xuống hết bực đá có cửa vào khu Nghinh Xuân viện…

– A! Đi trước mở ta coi, mau!

– Dạ, bần đồ xin tuần theo và mong người ta mạng cho…

– Đi trước, nếu mi phản trắc, ta giết tức thì!

Tên tăng đồ vâng dạ, rồi ríu ríu đi trước. Mai Nương, Tử Long theo sát sau lưng.

Xuống hết mười lăm bực đá, tên ác đồ chỉ chiếc vòng sắt trên vách đá :

– Kéo dọc vòng sắt này là mở cửa, nếu kéo ngang thì trúng cơ quan, ba mũi tên ở lỗ vách đối diện sẽ bay vụt ra.

– Thử mở cơ quan ta coi!

Tên tăng đồ đứng chệch hẳn sang bên rồi kéo ngang chiếc vòng sắt. Thật vậy, ba mũi tên từ vách đối diện bắn phụt ra đâm phập vào vách đã bên này lụi đầu nhọn, rớt lẻ tẻ xuống đất.

Mai Nương nói :

– Bây giờ mở cửa, mau!

Tên tăng đồ đưa vòng sắt lại chỗ cũ rồi kéo dọc xuống, cánh cửa từ từ mở ra…

Liếc thấy Song hiệp mải nhìn cánh cửa, tên tiểu tăng vội bỏ chạy vào trong toan thoát thân, nhưng không kịp! Một làn kiếm sáng loáng hoa lên, tiểu tăng chưa chạy được hai bước thì thủ cấp đã rớt bộp xuống đất, máu cổ phun ra như tưới khiến tên bị trói sợ quá nhắm nghiền mắt lại.

Cam Lã qua cửa nhìn vào. Bên trong cảnh vật khác hẳn. Địa huyệt rộng vô cùng, lát toàn vân thạch, chậu bông cây cảnh xanh tươi. Giữa sân đặt một ngọn giả sơn giữa hồ lục lăng có nước hẳn hòi. Ánh đèn từ trong căn phòng rộng lớn bằng khu đại điện, chiếu ra sân bày chậu cảnh sáng tựa ban ngày.

Hai người lẩn sau những chậu cây cảnh lần đến chiếc cửa sổ lộng kính kình vào… Nhưng Mai Nương đỏ bừng mặt, thẹn thùng quay đi…

Trong phòng, mấy ngọn đèn lưu ly tỏa ánh sáng trưng, trần thiết cực kỳ sang trọng. Bên hữu, hai tên Thạch đầu đà và Trấn Phương đang cùng tên râu quai nón diện mạo hung ác thù tạc say sưa. Đoàn mỹ nữ kiều diễm hầu hạ bên thồi tiệc. Ả thì ở trần để lộ hai gò bồng đảo, thân vận mỗi chiếc xiêm hồng lụa mỏng che nửa kín nửa hở những đường cong tuyệt mỹ. Ả thì vận chiếc áo dài mà hai vạt chỉ được khép nhẹ bởi sợi dây lưng bằng nhiễu lỏng lẻo nên nhất cử nhất động đều để lộ bộ đùi dai muốt thon thon…

Mỗi ả một vẻ, y phục lõa lồ, khiêu gợi. Thạch đầu đà, Trần Phương và lão tặc Bành Khoát Hải nốc rượu ồng ốc, cười đùa như phá, bắt các mỹ nữ chuốc chén bá cổ kề đùi lơi lả đưa tình, thỉnh thoảng hai bàn tay đầu đà phạm tội trên làn da mỡ động khiến các ả nửa kêu nửa cười líu ríu không ra tiếng.

Bành tặc mặt sần sùi đỏ gay cười ha hả :

– Hồi nãy nếu bắt được con bé ở Chấn Hưng tửu gia thì tiệc rượu đêm nay còn khoái chá hơn nhiều.

Thạch đầu đà vỗ vai Bành Khoát Hải :

– Nói ra thì dễ dàng lắm nhưng thật ra sự thật khác hẳn. Lần này chắc lão huynh phải hoàn toàn kinh nghiệm về những thiếu nữ mặt hoa da phấn nhưng võ dũng vượt bực nam nhi. Đâu có dễ dàng như các ả kia kìa!…

Thạch đầu đà chỉ sang phía tả nơi mà Pháp Quang đang bế hai mỹ nữ đùa bỡn trên giường thất bảo cẩn ngọc.

Cam Tử Long nói nhỏ với Mai Nương :

– Có cả tên Bành tặc ở đây, tiếc rằng y không phải là Tăng Tòng Hổ.

Trông thấy cảnh dâm loạn trong một ngôi cổ tự danh tiếng, Mai Nương thẹn quá hóa giận nói hơi lớn tiếng :

– Giết cả chúng nó đi cho rồi!

Trong phòng, cả bốn tên tăng tặc chợt nghe tiếng lạ, liền đẩy ghế đứng lên với tay lấy khí giới chạy ra cửa. Pháp Quang đi đầu cầm ngọn thiết chùy nặng nề. Bành Khoát Hải và Thạch đầu đà cầm đao to bản, Trấn Phương đi sau cùng cầm thiền trượng. Cả bốn cùng hung dữ như hùm beo. Thấy cơ sự đã bại lộ, Song hiệp phi thân ra giữa sân cầm ngang kiếm đứng chờ.

Pháp Quang cười lớn :

– Nghe bảo nương tử sa hố mãng xà rồi sao còn ra được nơi đây? Muốn kiếm bổn đại sư, phải không? Được lắm, ta bằng lòng thâu nhận…

Mai Nương nổi giận đùng đùng hoa kiếm nhảy vào :

– Ác tăng, coi chừng kẻo bay đầu!

Lưỡi Yểm Nhật kiếm lợi hại nhằm cổ đầu đà xả xuống. Pháp Quang thoạt nhìn đã biết ngay gặp tay kiếm lợi hại, không dám khinh thường, vung thiết chùy gạt bật lưỡi kiếm sang bên rồi áp tới đấu cùng Mai Nương. Trấn Phương cũng nhảy vào trợ chiến cho Pháp Quang nhưng Cam Tử Long đã tính trước xông vào trận đánh cả ba tên, gây ra một trường chiến đấu vô cùng sôi nổi.

Hãy nói về trận chiến đấu tay đôi giữa Trại Nhiếp Ẩn Lã Mai Nương và đại đầu đà Pháp Quang. Một bên là vị nữ hiệp cân quắc anh thư hùng dũng. Bên kia là tên đầu đà lực lưỡng hung hãn, xử dụng ngọn thiết chủy nặng tám mươi cân thập phần nguy hiểm. Trận đầu gay go dữ dội ngay từ hiệp đầu. Mai Nương quyết vì thiên hạ trừ gian, trái lại Pháp Quang phải cố sức hoặc bắt sống, hoặc hạ sát địch thủ để bảo về cuộc sống còn vì nếu để đối phương thoát khỏi chùa, mưu gian sẽ bị bại lộ và dĩ nhiên y phải đào tẩu phương xa, rời bỏ Nghinh Xuân viện mà y đã tốn công đào tạo bao lâu…

Pháp Quang gạt mạnh thế kiếm đầu tiên, quật ngược lại một chùy ngang đầu gối địch thủ. Mai Nương nhảy vụt lên cao nhường ngọn chùy quật hụt qua phía dưới, đồng thời đạp luôn gót chân hữu vào ngực đầu đà theo thế “Hổ Giáng Long Phi”. Pháp Quang vội lùi hẳn lại phái sau tránh đòn. Khởi đầu, tuy biết gặp tay kiếm lợi hại, nhưng y không ngờ đối phương lại có bản lãnh tuyệt đối cao siêu vào bực thầy, nên rất thận trọng tận lực chiến đấu. Vừa lùi tránh ngọn đạp, Pháp Quang liền lăn xả vào thúc mũi chùy ngay bụng địch thủ, đòn ra mạnh mẽ như mãnh hổ vồ mồi. Nhẹ nhàng, Mai Nương tránh sang đưa ngược lưỡi kiếm vào cổ đối phương. Đó là ngọn “Bình Sa Lạc Nhạn” cực kỳ mau lẹ. Pháp Quang thâu chùy, nghiến răng rít lên :

– Giỏi đa!

Đồng thời y hất ngược ngọn chủy biến ra thế “Sư Tử Hí Cầu” đánh bật kiếm địch thủ sang bên. Nhưng Mai Nương cũng biến thế đưa luôn mũi kiếm Giao Long vào bụng Pháp Quang khiến y phải lùi luôn lại mấy bước.

Thừa thế, Mai Nương dồn theo bạt lôn một kiếm vào ngang sường đối phương Pháp Quang đưa ngang thiết chủy sang bên gạt đòn, đồng thời phi thân đá vào ngực đối thủ. Không thèm tránh, Mai Nương đưa luôn tay tả gạt mạnh trúng bắp chân Pháp Quang. Tuy có khổ luyện, bản lãnh siêu quần thật, nhưng tên đầu đà trác táng thần ký không còn được phương cương, xác thịt nặng nề, lại trong lúc chơi vơi, bị cái gạt mạnh như trời giáng ấy, nên toàn thân y nhào hẳn đi một vòng, ống chân đau điếng như kẻ bị trúng một gậy sắt nên thân.

Sợ địch thủ nhân cơ hội ấy tiến tới chém nữa, Pháp Quang tự nhào ngược ra phía sau một vòng nữa đứng hẳn dậy như con mèo, thì vừa lúc Mai Nương chồm tới hạ một lá kiếm xuống đỉnh đầu. Đầu đà vội đưa thiết chủy lên gạt. Chát! Lát kiếm chém trúng cán chủy bật tia lửa tiện bẳn ngọn chủy ra làm đôi. Phần bị tiện rớt cộp xuống sàn gạch bông lăng lông lốc. Pháp Quang kinh hồn, vội quăng mình ra khỏi vòng chiến ba sải rồi liệng thẳng cán sắn còn lại trong tay vào mặt đối thủ. Toan đuổi theo, Mai Nương đành phải ngưnừg tiến đưa tay tả bắt lấy cán chủy. Pháp Quang thừa dịp ấy chạy thẳng vào Nghinh Xuân viện. Lẹ như én, nữ hiệp đuổi theo. Hai bên cách độ năm sải. Đầu đà vội bê luôn chậu bông bày trong viện liệng trở lại phía sau, rồi chồm lên án thư kê giáp tường với tay lấy thanh Đại Hoàn đao định đánh nữa. Mai Nương né sang bên tránh, chậu hoa rớt xuống gạch vỡ tan tành.

Bọn mỹ nữ, lúc đó đã vận xiêm y, kéo nhau đứng dụm trong góc phòng run như cầy sấy, la trời không ngớt.

Trại Nhiếp Ẩn thét :

– Ác đầu đà, hãy coi bửu bối của bản cô nương!

Lúc đó, Pháp Quang đã lấy được cây đao xuống, quay mặt lại, rút đao chưa ra khỏi vò thì cán chủy sắt do Mai Nương phóng tới xẹt như tia chớp trúng giữa mặt nát bấy như tương. Tên đầu đà đầy tội ác ấy chỉ kịp hộc lên một tiếng ghê rợn, cây thịt nặng nề ấy đổ sập xuống đất dãy lên đành đạch. Chiếc án thư bằng gỗ trắc nặng nề, mất thăng bằng đổ sập đè lên gáy tên dâm tăng như trời giáng. Pháp Quang nhoài chân tay hết thở, hồn ác phiêu diêu về Diêm La điện để chịu một lần tội sát phụ, sát sư nhục hình vạc dầu nấu xác…

Nói về Cam Tử Long lúc mới nhập chiến. Chàng thấy Mai Nương đón đành Pháp Quang, tức thì chặn đường không cho ba tên Bành Khoát Hải, Thạch đầu đà và Trấn Phương tới giúp. Hoa kiếm vùn vụt tựa mưa rào, Tử Long dồn ba tặc đạo vào một bên sân. Thanh trường kiếm Huyền Tiễn rít lên như lụa xé, đông xung tây đột, mỗi đòn ra là một miếng nghề, mỗi lát kiếm hạ xuống là một thế tối ư nguy hiểm.

Làn trường kiếm trong tay đệ nhất môn đồ Sơn Đông phái xuất quỷ nhập thần, tả đưa ngọn “Giao Long Đảo Hải”, hữu nhắm thế “Ngọc Thử Xuyên Lâm”, tiền thích mũi “Bạch Xà Tiến Động”, hậu xuất thế “Vũ Đả Tán Hoa”, lưỡi kiếm linh động vi vu như gió thổi ngàn thông, lãnh khí tản ra ngoài ba trượng kinh hồn, rợn gáy.

Ba tên tặc đạo cũng là tay võ dũng siêu phàm, không ai bảo ai mà đều kinh ngạc trước tay linh kiếm chân truyền thập phần lợi hại của đối phương. Chúng dè đặt, tận tâm tranh đấu không dám sơ hở vì với làn kiếm thần bay bướm của họ Cam, chỉ hở chân tơ kẽ tóc là máu chảy đầu rơi ngay.

Trong khi Tử Long dồn Thạch đầu đà và Bành Khoát Hải vào một bên, Trấn Phương thừa thế bỏ luôn một thiền trượng vào đầu địch thủ. Uốn mình khẽ né sang bên, Tử Long vươn tay tả bắt trúng ngọn trượng địch cập vào sát nách kéo mạnh khiến Trấn Phương nhào vào phía chàng. Lẹ như chớp, Tử Long phi thân đá luôn một độc cước.

– Chao ơi!

Trấn Phương chỉ kịp kêu lên một tiếng thì bàn chân sắt của Tử Long đã phi trúng ngực huỵch khiến y nhào lộn, lồng ngực, tim, phổi bể nát chết tươi.

Thấy bạn bị hạ, Bành tặc và Thạch đầu đà vừa kinh sợ vừa tức giận thét vang như sấm, múa tròn hai thanh đao to bản lợi hại, liều mạng xông vào tử chiến.

Cam Tử Long vừa đánh vừa nói :

– Được lắm! Đêm nay ta sẵn lòng đưa bọn dâm tặc chúng bây về chầu Diêm Vương đền tội ác ngập trời. Các con hãy coi đây!

Tức thì chàng thâu kiếm tay hữu gài vào bao, hoa cây thiền trượng đoạt được của Trấn Phương đánh dạt địch thủ vào một góc sân. Thiền trượng là thứ trường khí dùng để chiến đấu trên sân rộng rất hợp thời, hơn nữa trượng ở trong tay Tử Long càng thập phần lợi hại.

Hai cánh tay sắt của họ Cam khỏe dư ba trăm cân, đảo cây trượng sắt vùn vụt gạt hai thanh đạo to bảo chí chát nẩy lửa, khiến Bành tặc và Thạch đầu đà thấy buốt trối cả hai tay, toàn thân rung động.

Biết sức không địch lại địch thủ dữ tựa hung thần, hai ác tặc địn bụng tìm dịp chạy thoát thân. Chúng còn ngạc nhiên không hiểu sao bọn Mộc, Hỏa, Địa, Không tăng và các tăng đồ tuyệt nhiên không có một tên nào vào giúp sức, tuy trận hỗn chiến trong khu Nghinh Xuân viện diễn ra vô cùng náo động. Trông thái độ hai kẻ địch, Tử Long biết chúng muốn tẩu thoát, chàng bèn cười lớn :

– Bây muốn chạy ư? Coi đây!

Tức thì, chàng hoa thiền trượng, đánh văng thanh đao của Thạch đầu đà ra góc sân, khiến tên này bị toạc hổ khẩu đau đớn ôm tay quay đầu chạy. Không bỏ trễ phút giây ấy, Tử Long phi thân tới sát sau lưng, đưa tay hữu giáng xuống một trái đấm thôi sơn trúng giữa lưng y. Rắc!… tiếp theo một tiếng Ối chà la rùng rợn… Thạch đầu đà gãy lìa xương sống, đập úp mặt xuống gạch bể nát chết tươi. Thừa dịp ấy, Bành Khoát Hải liền nhảy vụt ra cửa địa huyệt vừa chạy vừa dùng đao gạt mấy ngọn đèn trên tường đổ xuống loảng xoảng tắt ụm tối om. Tử Long vội đuổi theo, phi thân lên trên bực thang đã nhìn quanh không thấy Bành tặc đâu cả thì đoán là y rẽ quặt vào lôi địa huyệt nhỏ.

Giữa lúc ấy, Mai Nương hạ xong Pháp Quang cũng chạy theo ra :

– Thằng giặc họ Bành đâu rồi?

Tử Long đáp :

– Có lẽ y chạy vào lối nhỏ này.

Hai người liền ùa theo, nhưng chợt có tiếng chân chạy sầm sập từ phía ngoài vào.

Nhắc lại hai mẹ con thiếu nữ ở Chấn Hưng quán đuổi theo Bành Khoát Hải vào tới sân Thiên Sơn tự còn đang hoang mang chưa biết rẽ lối nào thì Hòa tăng có nhiệm vụ canh phòng, nằm dài trên bục đã ngay dưới chân pho đại tượng ở giữa sân trông thấy.

Đồng thời Không tăng coi chừng trên nóc tam quan cũng nhận ra bóng hai người lạ, liền nhẹ nhàng nhảy xuống chạy tới chỗ pho tượng lay chân Hỏa tăng, tưởng tên này ngủ quên. Hỏa tăng vẫy tay ra hiệu rằng y đã biết rồi. Nhận ra là hai người đàn bà, Hỏa tăng liền vòng tay ra hiệu bảo Không tăng cùng y chặn đánh hai đầu.

Bởi vậy, khi mẹ con thiếu nữ mải nhìn khu La Hán điện thì hai ác tăng từ hai phía xách giới đao áp tới.

Không tăng quát :

– Hai ả này đi đâu vậy? Đêm hôm vào chùa làm chi? Biết điều hạ khí giới chịu trói vào… hầu đại sư, sáng mai sẽ thả cho về!

Thoạt trông thấy hai tên tăng đạo diện mạo hung ác, lão bà đã phát ghét, nghi ngờ không phải nơi thiền viện đứng đắn, nay lại nghe lời khinh bạc của Không tăng, lão bà biết ngay mình đoán trúng, bèn mắng lại :

– Bà đến lấy thủ cấp chúng bây cho hết loài đầu đà làm ô danh thiền giới, chờ còn làm chi nữa!

Không tăng nổi giận :

– Mụ già này đến ngày tận số nên đã vào hang cọp còn dám hỗn xược. Coi đao đây!

Dứt lời, Không tăng múa giới đao đến đánh. Lão bà điềm nhiên không chút sợ hãi, hoa Hổ Đầu câu nghinh chiến, Thiếu nữ cũng múa kiếm áp tới đấu với Hỏa tăng.

Bốn người giao đấu, khí giới va chạm vào nhau chí chát, thỉnh thoảng xẹt ra những tia lửa sáng ngời trong đêm tối.

Hơn chục tên tăng đồ ngủ ở dãy nhà ngang thấy động, cũng vác khí giới chạy ra định áp vào đánh tiếp.

Hỏa tăng quát :

– Không cần! Để mặc hai con mụ này cho ta!

Bọn tăng đồ là tay dưới, nghe đàn anh nói vậy đành đứng bên hầm hè chờ chiến. Không tăng đấu với lão bà có vẻ khinh thường bà già yếu đuối, tưởng chỉ gạt vài ba đao là đối phương phải khiếp đảm kinh hồn xin hàng. Ngờ đâu cặp Hổ Đầu câu lợi hại vô cùng, lúc đông, lúc tây, khi tiền, khi hậu, biến hóa không chừng. Lát tay tả vừa chém ngang lát tay hữu đã bổ dọc tới, khiến không tăng luôn phải đỡ gạt. Đòn nào cũng chắc nịch dữ dội.

Tuy vậy, Không tăng cũng là tay đóa kiệt hiệt trong chùa, lúc đánh lúc đỡ nhịp nhàng có phương pháp vô cùng hiệu nhiệm. Hai bên cùng ham chiến xoắn lấy nhau, đánh đỡ vù vù chí chát, bộ cước sầm sập, gây nên trường chiến đấu cực kỳ sôi nổi.

Thiếu nữ đấu với Hỏa tăng cũng không kém phần kịch liệt. Thấy người mặt hoa da phấn, cũng không được bao nhiêu hơi sức. đầu đà vừa đánh vừa nói trêu :

– Ái nương đánh làm chi cho nhọc công, ở lại đây với qua tha hồ sung sướng, vô tư lự, muốn gì cũng có…

Giận quá, thiếu nữ vạch một nhát kiếm vào cổ đối thủ :

– Đồ nghiệt súc, hãy coi chừng kẻo mất mạng đầu đà!

Đưa đao cho lên gạt nhát kiếm lợi hại ấy, Hỏa tăng giỡn :

– Chà! Ái nương làm gì mà hung…

Chưa nói hết câu, Hỏa tăng bị thiếu nữ lanh lẹ áp tới đưa mũi kiếm vào giữa mặt. Y vội lánh nhưng vành tai bị khía đứt, máu chảy ròng ròng.

Hỏa tăng nổi giận đùng đùng thét như sấm :

– Á, con nhãi này không biết điều, đã vậy ông đưa xuống chầu Diêm vương cho mà coi!…

Thiếu nữ vung tay trái lên. Một làn sáng từ bàn tay bay vụt ra thẳng vào ngực đầu đà.

Phập!… Bị trúng phi đao lợi hại của thiếu nữ, Hỏa tăng lảo đảo lùi lại mấy bước té ngửa ra sân chùa, đầu va xuống gạch cộp một tiếng. Bọn tăng đồ hoảng quá định áp lại cứu nhưng thiếu nữ đã lẹ hơn, nhảy sấn tới thọc luôn mũi kiếm trúng cổ, đưa ác đầu đà về thế giới bên kia để chịu tội thêm một lần nữa.

Các tăng đồ thấy Hỏa tăng bị sát hại liền hò nhau bổ vây tròn thiếu nữ vào giữa đánh kịch liệt. Tả xung hữu đột, thiếu nữ nhảy qua bọn tăng đồ ra khỏi vòng vây rồi quay lại đánh giáp mặt. Không tăng thấy Hỏa tăng bị hại thì cả sợ vừa đánh vừa gọi bọn tăng đồ :

– Báo hiệu cho ở dưới biết đi. Đem chủy và song đao xuống cho Thạch sư huynh và Trấn Phương dùng.

Một tên tăng đồ hỏi lớn :

– Hai món khí giới đó để đâu?

Không tăng tức mình, quát :

– Ở trong phòng của hai người. Lẹ lên!

Lão bà bổ luôn hai nhát Hổ Đầu câu vào vai địch thủ và quát theo :

– Lẹ lên này! Bà quyết lấy đầu tên nghiệt súc!

Không tăng gạt khí giới địch, nhảy ra xa quan sát trận địa. Y lấy làm lạ không hiểu vì lẽ gì Mộc tăng và Địa tăng cùng các người khác đâu không thấy cứu… Lão bà đuổi theo sáp chiến dữ dội. Tức mình, Không tăng cũng đánh lại quyết hơn thua, không lẽ chịu kém lão bà sao!… Mấy tên tăng đồ nghe lệnh Không tăng đi lấy khí giới cho Thạch đầu đà và Trấn Phương rồi chạy đến chân pho tượng ở giữa sân mở cơ quan xuống địa huyệt. Trông thấy cách hành động của chúng, thiếu nữ cũng đoán như vậy, bèn nhảy lại gần pho tượng chặn đành.

Từ lúc khởi chiến đến giờ đã có mấy tên tăng đồ bị trúng thương loại khỏi vòng chiến. Chúng thấy thiếu nữ hung hãn nên không dám đến gần xông xáo như trước.

Nói về Không tăng đấu với lão bà. Từ khi Hỏa tăng bị hại, Không tăng đã có ý đánh cầm chừng cốt kéo dài trận đấu chờ đồng bọn tiếp sức, vả lại lúc đó cũng quá canh tư trời sắp sáng. Lão bà rán sức đánh quyết hạ đối phương. Không tăng lùi khắp quanh sân chùa. Giữa khi ấy, phía ngoài bỗng có tiếng lệnh hô gắt gao rồi vô số quan quân đốt đuốc sáng rực leo lên mặt tường, nhảy ào xuống sân chùa, một mặt kéo ập tới vây chặt lấy trận đấu ác liệt đang diễn ra trong sân chùa, một mặt kéo mở cổng tam quan cho binh tướng kéo ùa vào. Ba vị giáo đầu nhung trang gọn ghẽ, cầm khí giới xông vào chùa trước, quân lính theo sau reo hò ầm ĩ.

Các giáo đầu hô lớn :

– Bọn hổ mang biết điều hạ ngay khí giới, đừng để quan quân phải ra tay!

Bọn tăng đồ sợ quá đua nhau liệng khí giới đầu hàng. Không tăng biết đại sự đã bại lộ, liều mạng chém dồn mấy đao khiến lão bà phải ngừng tiến, đoạn y xông bừa vào đám quan quân vung đao chém ngã luôn mấy tên địch mở đường. Không phải tay địch thủ, quân lính giãn ra. Không tăng thừa thế phi thân lên nóc đại điện tẩu thoát. Nhưng chân vừa đặt tới mái, Không tăng bỗng rú lên té nhào xuống sân chùa, bị quân lính xô vào tước giới đao trói nghiến lại. Thì ra sau khi bọn tăng đồ quy hàng, thiếu nữ rảnh tay, thấy Không tăng phi thân lên nóc điện chạy bèn phóng luôn một phi đao trúng bắp vế đầu đà nên y mới té nhào xuống sân. Ba vị giáo đầu vào nơi thấy có hai người đàn bà đều lấy làm lạ.

Viên trưởng giáo đầu hỏi :

– Nhị vị chỉ có hai người thôi à?

Lão bà đáp :

– Dạ, chỉ có hai mẹ con tôi thôi.

Viên trưởng giáo đầu ngạc nhiên :

– Sao chủ quán bảo có đôi thanh niên hiệp khách nào đó vào chùa?

– Chủ quán nào? Tôi không rõ. Hay hai người ấy đến trước và đã xuống địa huyệt?

– Ủa? Có địa huyệt ư?

Lão bà chỉ bọn tăng đồ :

– Tôi nghe thấy chúng bảo nhau như vậy, giáo đầu thử hỏi xem. Mẹ con tôi quá nửa canh ba mới vào đây thì bị bọn hổ mang này vây đánh.

Tức thì viên trưởng giáo đầu ra lệnh cho hai đồng nghiệp chia nhau lục soát khắp mọi nơi trong chùa, rồi tự mình tra hỏi bọn tăng đồ.

Thiếu nữ nói :

– Chắc chắn có địa huyệt và lối xuống hình như ở chân pho tượng giữa sân này Nói đoạn nàng chỉ mấy tên tăng đồ mà nàng đánh chặn hồi nãy, hỏi :

– Bây biết điều mở cơ quan xuống địa huyệt, kẻo ta cho mỗi tên một nhát kiếm bây giờ, mau!

Một tăng đồ vội vàng líu ríu vâng lời. Y nhảy lên bệ pho tượng xoay bát hương đồng quay đi một vòng, tức thì cánh cửa bí mật ở bệ đá từ từ mở ra, bên trong tối như mực. Trưởng giáo đầu bảo quân lính đưa cho tên tăng đồ đó bó đuốc, bắt y xuống trước.

– Đi trước đi! Nếu ngươi manh tâm ta sẽ lấy thủ cấp, nghe? Sư trưởng Pháp Quang và các hòa thượng đâu?

Tên tăng đồ lom khom theo bực đá đi xuống địa huyệt.

– Thưa ở cả dưới này.

– Còn hai thanh niên nam nữ nữa vào đây, đâu rồi?

– Thưa, không biết.

Viên trưởng giáo đầu cùng hai mẹ con thiếu nữ theo sau mọi người.

Đi được một quãng dài, thấy cửa hầm mãng xà mở rộng, tên tăng đồ vội kêu lên :

– Ồ! Ai đã mở cửa hầm mãng xà thế này?

Trưởng giáo đầu quát :

– Ngươi hãy trong đó coi!

Tên tăng đồ run như cầy sấy ngần ngại không dám vào.

Giáo đầu giơ đao nạt :

– Có vào hay không thì bảo!

Cực chẳng đã, tăng đồ run rẩy giơ cao cây đuốc từ từ bước vào căn hầm tối. Ba người lăm lăm cầm khí giới phòng bị. Rọi đuốc nhìn quanh thấy hai mãng xà, tên tăng đồ vội kêu :

– Có người vào đây giết mãng xà rồi. Lạ quá!

Ba người thận trọng tiến vào nhìn xác hai mãng xà to lớn bị chặt đứt đầu, máu chảy lênh láng. Rải rác trên mặt hầm toàn là những xương người đã khô.

Giáo đầu lẩm bẩm :

– Bọn ác tăng này ghê gớm thật! Không ngờ chúng lại tàn ác đến như vậy.

Lão bà nói :

– Chắc hai người kia bị lọt xuống hầm, giết mãng xà và ra thoát nơi đây, nhưng không khéo bị bọn ác tăng hại ở trong kia rồi!

Giáo đầu xách cổ tên tăng đồ lôi ra cửa hầm :

– Đi trước, mau!

Tiến được một quãng thấy tử thi ác tăng gục trên đống máu ở chân vách địa huyệt.

Thiếu nữ nói :

– Có sát phạt trong này rồi, tiến mau may ra còn kịp.

Ba người bắt tên tăng đồ cầm đuốc chạy trước tiến vào Nghinh Xuân viện…

Bởi vậy khi Song hiệp Mai Nương, Tử Long rượt Bành Khoát ùa lên khỏi bực đá ở cửa địa huyệt vào Nghinh Xuân viện thì nghe thấy tiếng chân sầm sập từ phía ngoài chạy ùa vào. Hai người tưởng bọn trong chùa vào cứu đồng lõa nên sẵn sàng đón đánh nhưng thấy tên tăng đồ cầm đuốc chạy tới, một người y phục kiểu quan quân và hai người đàn bà lạ mặt theo sau, thì đoán ngay tự sự.

Cam Tử Long hỏi :

– Quan quân đến vây chùa phải không?

Giáo đầu đáp :

– Chính vậy. Bọn Pháp Quang đâu cả rồi?

– Chúng tôi giết sạch rồi, nhưng có một tên lão tặc chạy thoát ra lối này.

Giáo đầu ngạc nhiên :

– Ủa! Chúng tôi từ ngoài vào, không hề gặp ai cả.

Mai Nương biết ý, liền túm cổ tên tăng đồ, quát :

– Lối nhỏ này thông đi đâu? Nói mau!

Tên tăng đồ sợ hãi run lập cập :

– Dạ, đường này thông lên đại điện và có lối bí mật thông ra hậu viện.

Tử Long bèn bảo Mai Nương :

– Sư muội dẫn quý vị đây thăm cảnh Nghinh Xuân viện để mặc ngu huynh bắt tên này dẫn đường theo lão tặc, trễ rồi!

Nói đoạn Tử Long bắt tên tăng đồ dẫn đường đi trước, đi được một quãng chừng sáu bảy chục bước thì tới một cửa bí mật bên vách đã đã mở rộng.

Tăng đồ nói :

– Đây là lối ra hậu viên phòng khi hữu biến.

Tử Long hất hàm bảo :

– Ngươi đi trước, mau!

Đi vòng vèo mãi tới một nơi có bực đá, Tử Long theo tên tăng đồ leo tới miệng hầm cũng đã bị mở rộng. Gió lạnh tạt vào mặt. Tử Long nhìn kỹ thì ra đó là ngôi đình lục lăng ở hậu viên, đuốc soi sáng rực vì quan quân đang lục soát khắp mọi nơi, cách đấy chừng trăm bước. Thấy hai người từ dưới đất chui lên, viên giáo đầu chỉ huy việc khám xét khu sau chùa liền vác đao chạy tới.

Tử Long hỏi :

– Giáo đầu có thấy tên lão tặc nào chạy ra lối này không?

Viên giáo đầu đáp :

– Không, tôi mới ra tới đây và còn đang khám xét, chưa tới khu đình này.

Tử Long nói :

– Nếu vậy, chắc chắn tên tặc đó xa chạy cao bay rồi. Giáo đầu nên cho mấy người canh phòng nơi miệng hầm này phòng khi có sót tên nào từ địa huyệt trốn ra. Trưởng giáo đầu hiện còn ở dưới địa huyệt, tôi xin lãnh mươi quân lính đem theo, lỡ cần dùng tới chăng.

Viên giáo đầu ưng thuận, tắc khắc điểm mười tên lính truyền lệnh :

– Các ngươi khá theo trang sĩ tùy nghi sử dụng.

Cam Tử Long lại bắt tên tăng đồ đi trước trở xuống hầm về tới Nghinh Xuân viện trong khi mọi người còn đang lục soát khắp nơi.

Lã Mai Nương thấy Tử Long trở lại liền hỏi :

– Tên lão tặc chạy thoát rồi phải không hả sư huynh?

Tử Long đem việc đi suốt đường hầm ra lối lục lăng đình kể cho Mai Nương và mẹ con lão bà nghe.

Đoạn chàng toan hỏi lý lịch hai người thì Mai Nương đã nói :

– Bá mẫu đây là Lâm thái thái và thơ thơ Lâm Hồng Vân, người Đồng Quan. Tiểu muội đã giới thiệu Cam sư huynh rồi.

Tử Long vái chào lão bà và thi lễ cùng Lâm Hồng Vân.

Lâm thái thái nói :

– Nghe đại danh Bạch Dương song hiệp hạ Trình gia nhị hổ và đả hắc hổ ở Hoang Sơn thôn nay mới được diện kiến Trại Nhiếp Ẩn và Thôi Sơn Thái Bảo, thật vạn hạnh. Trước kia hồi lệnh thân còn ở Cao sơn trại bên Đàn Châu, lão và cố phu Lâm Diên Khánh đã có lần tới bái kiến giao hảo, không ngờ Cam danh hùng lại ẩn vào dãy Tần Lĩnh sơn và quá cố rồi. Thật đáng tiếc.

Cam Tử Long nói mấy lời khiêm tốn rồi cùng Mai Nương và mẹ con Lâm gia giúp viên trưởng giáo đầu kiểm soát kho tàng súc tích của Pháp Quang để trong các rương lớn trong Nghinh Xuân viện, niêm phong lại rất cẩn thận. Xong xuôi, giáo đầu hạ lệnh cho quân lính gọi thêm người khiêng các tử thi ra khỏi địa huyệt, một mặt truyền bọn mỹ nữ thu xếp y phục lên cả mặt đất. Tổng cộng có mười hai người. Đoàn người theo đường cũ ra tới chỗ bực thang đá ở giữa sân, đang lẽ lên thẳng thì đi vòng ra phía sau bực đá theo địa huyệt, đi một quãng dài tới gian hầm khá rộng rãi để các vận dụng vặt vãnh.

Tên tăng đồ nói :

– Đây là dưới La Hán điện.

Nói đoạn, y vận động cơ quan ở góc hầm. Trên trần mở rộng ra một quãng trống lớn bằng chiếc chiếu. Mọi người lần theo bực đá đi lên, thì ra địa huyệt là chỗ trải chiếc bồ đoàn nơi khách thập phương vẫn thường lễ bái. Tăng đồ mở rộng cửa đại điện. Ngoài trời đã sáng bạch. Mọi người liền ra cả ngoài sân. Trưởng giáo đầu sai quân lính trói tên tăng đồ với đồng bọn của y, rồi tự giới thiệu với Cam, Lã và hai mẹ con Lâm thái thưa :

– Quí vị anh hùng nam, nữ tha lỗi, hồi nãy vội vàng không kịp thi lễ và giới thiệu. Tôi là Trần Thường, Đại giáo đầu ở bổn huyện. Hai đồng sự với tôi đây là Lưu Khuê và Cao Minh Hóa.

Cam Tử Long cũng giới thiệu mọi người.

Trần Thường nói :

– Nếu không nhờ được các vị đại hiệp khám phá ra, không hiểu bọn ác đầu đà của Thiên Sơn tự còn tác yêu tác quái đến bao giờ nữa! Công đức ấy lớn bằng trời biển. Hồi đêm, chủ quán lên nha huyện báo, thì Thái huyện gia hạ lệnh ngay cho chúng tôi đến quán trọ áp giải hai tên đầu đà bị quí vị bắt ở đó về hạ ngục, và điểm quân kéo đến vây Thiên Sơn tự.

Lã Mai Nương hỏi :

– Còn bọn mỹ nữ, giáo đầu sẽ xử trí ra sao?

– Cho về huyện nha lấy cung, rồi trích ra một số tiền tịch thu được từ Thiên Sơn tự giúp họ về sinh quán. Thái tri huyện xử án công minh lắm, quí vị hiệp khách an tâm.

Tử Long nói với Trần giáo đầu :

– Về tên lão tặc đã trốn thoát, yêu cầu giáo đầu thưa lại với huyện quan đừng đả động tới. Chúng tôi biết nó ở đâu rồi. Nếu ra lệnh truy nã, e nó sẽ trốn mất, thêm khó tìm.

– Dạ, tôi sẽ thưa lại. Nhưng thế nào Thái tri huyện cũng sẽ mời quý vị về huyện để giáp mặt anh tài. Giờ đây mời quí vị về quán nghỉ, chúng tôi có đem theo ngựa, xin cứ việc lấy dùng. Quân lính sẽ đến tửu quán lãnh về.

Nói đoạn Trần Thường sai quân sắp sẵn bốn con ngựa chờ ở ngoài cổng chùa.

Cam, Lã và hai mẹ con Lâm thái thái từ tạ các vị giáo đầu ra về.

Mai Nương hỏi :

– Bá mẫu và Lâm thơ thơ trọ ở đâu?

Lâm thái thái đáp :

– Ở Chấn Hưng tửu gia

– Bá mẫu có việc gì cần phải làm ở Túc Kỳ châu không?

– Không. Hiện thời bềnh bồng vô định.

– Nếu vậy mời bá mẫu và thơ thơ về cùng trọ một nơi, tiện bề đàm đạo.

Mẹ con họ Lâm vui vẻ nhận lời.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN