Làm Dâu Nhà Phú Ông - Chương 93:
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
172


Làm Dâu Nhà Phú Ông


Chương 93:


Làm dâu nhà phú ông có tất cả 95 chap, truyện sẽ được phát hành sách giấy sau khi kết thúc. Cảm ơn cả nhà đã yêu thương cậu hai mợ hai!

Mợ còn tưởng mình nghe nhầm? Không đánh, không đuổi, không bắt mợ uống thuốc bỏ thai, ngược lại còn chấp nhận đứa nhỏ, đời này được bao nhiêu người chồng như cậu? Mợ cảm động bật khóc rưng rức, cậu đợi mợ an ổn lại mới đặt mợ xuống ghế tựa, cầm cổ tay mợ thử xem mạch. Ban đầu mợ thấy cậu chau mày đăm chiêu lắm, nhưng lát sau khoé môi kia chợt cong lên, cậu quỳ xuống vén áo thơm lên bụng mợ chùn chụt, đoạn nghiêm túc dặn dò.

-“Tụi bay ngoan đừng choảng nhau hại bu nhọc nghe!”

Tụi bay? Cậu đang nói với ai vậy? Mợ tròn xoe con mắt tò mò nhìn xuống, tay trái của cậu đan qua nắm tay mợ, tay phải chọt chọt eo mợ tiết lộ.

-“Có nhiều hơn một thằng cu tí.”

Gì cơ? Đùa á? Đùa thay thật đó? Cậu hai biết xem mạch thai từ bao giờ vậy? Thầy lang còn chưa biết cậu đã biết, cậu giỏi quá chừng luôn. Mợ tâng bốc cậu lên mây xanh, cậu đỏ mặt giải thích đợt đi cứu trợ vùng lũ có giúp bà mụ cõng mấy thai phụ yếu sức lên thuyền, để cảm tạ cậu bà xởi lởi kêu Trấn thủ vào mạn trong ngồi bà mách nước cho vài chuyện sau này còn chăm phu nhân, còn kêu bà tuy không giỏi như thầy lang nhưng kinh nghiệm có thừa, lĩnh vực này đố ông nào qua được bà.

-“Chắc do nhiều đứa nên bụng to dị thường chứ tụi nó vẫn còn nhỏ cậu nhỉ? Vậy chắc chắn là con cậu hai đấy!”

-“Hiển nhiên.”

Cậu gõ đầu mợ chê ngốc. Mợ bần thần một lát tự dưng thấy mình đần thật, giả như con của cậu Minh thì mấy tháng trước mợ ốm người ta bắt mạch phải phát hiện ra lâu rồi chứ đâu đợi tới bây giờ? Ôi chao bị mợ Quyên doạ thần hồn nát thần tính, rõ bực. Mợ nắm tay cậu thỏ thẻ.

-“Ơ tôi nghe bảo có đợt cậu Minh tới trấn đường làm loạn à?”

-“Ừ, đòi rước mợ về. Ý mợ thế nào?”

Gớm cậu hỏi đểu ghê, mợ đây cũng biết hỏi đểu chứ bộ.

-“Thế ý cậu ra sao?”

-“Tôi bảo mợ bị bệnh chàm da từ nhỏ, nom khúc ngoài ngon nghẻ thế thôi chứ khúc trong xấu xí lắm. Cậu Minh kêu bữa trước hưởng trọn mợ nên chuyện đó biết thừa rồi, cậu ấy không để tâm.”

Cậu tủm tỉm kể, mợ ngơ ngác chối đây đẩy.

-“Ơ, tôi nào có bị bệnh gì? Gớm cái cậu Minh rõ xạo, gà mờ mà làm như mình hay lắm…ơ cơ mà như vậy chứng tỏ…cậu ấy…chả biết gì về tôi sất…”

Mấy từ cuối mợ thẹn nên nói khá nhỏ, còn rụt rè liếc chồng. Cậu miết nhẹ qua eo mợ, khen mợ khôn ra. Mợ thích chí chỉ vào bụng mình hớn hở tâm sự.

-“Con cậu nó đang nằm trong bụng tôi nè! Bao nhiêu con hĩm bao nhiêu thằng cu tí cậu nhỉ?”

Cậu lắc đầu, cái này cậu chịu. Cơ mà mợ vẫn phởn, chẹp miệng kêu bao nhiêu thì bao, cứ có cu tí trả nợ cho cậu hai là được, kể cả chưa có thì mợ sẽ cố gắng tới bao giờ có thì thôi. Cậu cứ thoải mái mà gửi, đẻ đã có mợ lo!

-“Bẩm cậu, bẩm mợ, kiệu đưa bu mợ tới cổng rồi ạ.”

Con Quế nhỏ nhẹ trình báo, mợ Trâm phấn khởi ba chân bốn cẳng lao ra khỏi phòng, sướng quá nên chẳng giữ ý giữ tứ gì sất, thấy bu một cái gào thét ầm ĩ.

-“Bu ơi con chửa rồi bu ạ! Chửa thật luôn rồi ý, chửa nhiều đứa hẳn hoi cơ!”

-“Cha bố nhà chị!”

Bu mắng mợ cái tật sồn sồn mãi chả sửa được nhưng nhìn con gái sống tốt, thấy con rể theo sau lễ phép cúi chào thì khoé mắt rưng rưng, nét mặt tươi tắn không giấu nổi niềm hạnh phúc. Bu mang cả đống quà quê cho cậu mợ, cho hai mợ kia, và đặc biệt hay tin thầy của cậu hai ghé phủ Trấn thủ nên gói thêm cho cả lão nữa. Bu dân nhà quê, chả có cái gì ngoài cái tấm lòng, chỉ mong lão cảm thông đừng làm khó con gái bu giống bà hai năm xưa.

-“Mợ giúp bu đem tới biếu thầy cậu hai nhé, người ta là quan lớn chắc chẳng thèm gặp bu đâu.”

-“Ôi dào, bu chớ ngại, thầy cậu nom kiêu ngạo nhưng dễ dãi ấy mà.”

Mợ động viên, đoạn hồ hởi đưa bu tới thư phòng của thầy. Ở bên ngoài bu run cầm cập, ấy vậy mà khi đối diện với thầy bu lại hầm hầm phẫn nộ, bực bội giật quà trong tay mợ liệng xuống hồ rồi đẩy cửa đi thẳng. Thầy sững sờ như tượng đá doạ mợ sợ hết hồn, mợ đưa tay hươ hươ trước mặt không thấy chớp mắt, đang tưởng lão chết đứng, cơ mà đến bữa tối lại điềm nhiêm như thường.

-“Mợ Thuỳ đâu?”

Lão hắng giọng hỏi, vú Oanh bẩm mợ ba mấy bữa nay bệnh cũ tái phát, mợ cả đang bận sắc thuốc. Lão còn chưa kịp sai người phụ mợ cả thì đâu đó đã nghe giọng nói lanh lảnh quen tai.

-“Mợ Trâm này, hỏi khí không phải chứ thầy đây cũng phải chín chục xuân xanh rồi ý mợ nhể?”

Mợ hai vội vã đáp thầy cỡ tuổi bu, bu bĩu cái môi kiểu rõ coi thường. Thái độ bu khiến mợ xấu hổ kinh khủng, ngặt nỗi bu là bu mợ mà, mợ sao dám nhắc nhở gì bu. Mợ áy náy liếc cậu, sợ cậu giận, ấy nhưng cậu còn đang mải hỏi con Quế canh gà của mợ đã xong chưa nên chẳng để ý, thầy cậu ngược lại bực bội thấy rõ.

-“Ây da, tuổi tác đâu quan trọng, quan trọng là người ta lo cho dân cho nước thì nó phải khác cái con mẹ bán bún ngoài chợ chứ nhỉ?”

Bu Trinh cay nghiến răng ken két, xưa nay nghe mợ kể, nghe người ta đồn bu ngưỡng mộ thầy cậu hai ghê lắm, cứ ngỡ thầy phải già cỡ các vị bô lão trong thôn, là bậc hiền tài hiếm có, nào có ngờ? Sự đời quả trớ trêu!

-“Bu quen thầy ạ?”

Thấy hai người cứ khinh khỉnh lườm nhau mợ nghi ngờ hỏi, bu xổ toẹt luôn.

-“Nào có cái phúc ấy, phận bán bún đây thì chỉ quen được thứ cậu ấm hứa hẹn tầm bậy hại đời con gái nhà lành thôi.”

Bu xỉa, thầy móc.

-“Ối giời, nói cho nó có cái câu chuyện thế chứ cũng tội cậu ấm nào bị cắm sừng bởi con đàn bà ăn cơm trước kẻng xong phải cưới chạy.”

Thầy vừa dứt lời mợ liền thấy bu đập bàn cái rầm, hắt thẳng đĩa hoa bí xào vào mặt thầy rồi chạy về phòng khóc tức tưởi. Bu mợ chưa từng như vậy, ít ra là trước mặt mợ, mợ hiếm khi thấy bu uất ức đến thế. Mợ lo cho bu, muốn tìm thầy già hỏi han nhưng vừa bước ra khỏi cửa đã thấy cậu bảo thầy về núi rồi, trước khi đi còn phán câu xanh rờn.

-“Lần sau cậu rước con đàn bà đó đến thăm thì khỏi mời tôi.”

-“Vậy khỏi mời lão luôn!”

Mợ bênh bu nên buột miệng, cậu lo mợ đang mang bầu dễ kích động nên đành gật đầu. Mợ cậy con tha hồ làm nũng chồng, sớm sai cậu bón canh, chiều đòi cậu bồng ra vườn hái mận. Mợ không nuốt nổi quả mận chín đỏ, cũng ghét cái vị chua loét của quả vàng, mợ thích cái quả nào phải đỏ vừa vừa nhưng pha chút vàng óng ánh cơ. Mợ còn luôn có lý do chống chế cho cái sự đành hanh của mình.

-“Thực ra bản chất tôi vốn hiền lành dễ thương lắm, nhưng mấy đứa tụi nó cứ hành tôi khó chịu ghê à.”

Thi thoảng mợ làm màu hơi quá, chỉ tiếc cậu bị mợ hành thành lú lẫn, cả một cây có vài trái ở tít trên cao y như mợ miêu tả nhưng vẫn đích thân trèo lên hái, còn đem qua giếng rửa rồi cắt gọt cẩn thận. Ôi mận sao mà nó ngọt thanh, nó giòn tan rôn rốt chấm với muối ớt đến là mê, mợ ăn một loáng hết liền, mắt long lanh quay sang phụng phịu.

-“Sâu róm cắn tôi đau quá!”

Lừa cho cậu hốt hoảng cuống cuồng lên rồi mợ mới bắt đầu kêu đau chỗ này chỗ kia toàn chỗ trọng điểm, điệu bộ lả lướt trêu ghẹo chọc người đối diện muốn điên, cậu bực bội rút dây yếm nhá sâu vào chỗ mợ kêu khó chịu. Mợ lén cười tủm, cậu hai ngốc dễ sợ, toàn bị mợ đưa vào tròng không à. Mấy bữa nay đều là cậu chủ động thân mật với mợ trước, những nụ hôn ngọt ngào quanh nơi bầu bĩnh chuyển dần lên gò má hồng rồi dừng lại quấn quít bên cánh môi mọng nước. Mợ quyến luyến đáp lại yêu thương của cậu, thỏ thẻ mặc cả.

-“Giờ tôi có chỗ khó nên chả cấm cậu sang gian khác, cơ mà nếu cậu có sang thì nhanh nhanh rồi về nhé, tại không có cậu xoa lưng tôi chả ngủ được ý.”

Cậu thuận theo ý mợ, thậm chí mợ Thuỳ sai người đến nhờ cậu qua thăm mợ Quyên lát cậu còn lưỡng lự định không đi. Bu Trinh nghe chuyện mắng mợ hai sa sả, càu nhàu mợ ba ốm mà mợ bụng dạ hẹp hòi, không biết hoà đồng với hai mợ kia an yên mà sống. Bu biết cái kiếp chung chồng có nhiều chỗ tủi thân, nhưng bu thương mợ sau này bị người ta ghen ghét đố kỵ bu mới nói vậy. Mợ hiểu lòng bu nên tuy hơi khó chịu vẫn khuyên cậu sắp đi xa vài ngày thì thôi tối sang đó một chuyến.

Mợ Quyên nằm trong phòng tâm trạng buồn chán, thú tiêu khiển duy nhất là đem hình nộm mợ Trâm ra vừa cắm kim độc vừa nguyền rủa. Mợ chửi rất hăng vì mợ không hề biết cậu hai đã rảo bước tới cửa phòng mợ. Cũng chỉ là một hình nộm thôi, cậu đâu nhất thiết phải giận dữ đến vậy?

-“Bay đâu, chuẩn bị kiệu tám người khiêng sớm mai rước mợ ba về phủ!”

Về phủ? Mợ là mợ ba của Trấn thủ xứ Đoài, đây chẳng phải phủ của mợ hay sao? Mợ còn về đâu nữa? Cậu đang đuổi mợ ư? Cậu dám sao? Thiết nghĩ cậu có gì để không dám, cha mợ bị giáng chức, mợ giờ đây biết dựa vào đâu? Nhà mợ thất thế, người làm trở mặt với mợ, chỉ còn mỗi mợ Thuỳ ngày ngày đem thuốc tới chăm sóc mợ, nhưng mợ Thuỳ cũng chẳng lo nổi cho thân mợ ấy huống chi lo cho mợ. Xưa Thái phó có thể ép cậu đem kiệu hoa tới nhà chẳng qua do có sự hậu thuẫn của thầy già. Tưởng đâu đợt trước lão tới tống cổ mợ hai, nào có ngờ chuyện thật như đùa, con gái nuôi suốt nhiều năm trời lại không thân bằng cái đứa thô lỗ cộc cằn mới gặp. Miệng lão chửi suốt ngày nhưng nghe đồn chỉ làm bộ vậy thôi chứ hợp tính mợ hai ghê lắm, thậm chí lão còn dùng cái gậy trúc lão quý như vàng chọc ổi cho mợ ăn.

Cậu biết thầy đã ngầm chấp thuận nên hành động càng quyết liệt, bữa nay cậu đường đường tống cổ mợ, việc đuổi mợ Thuỳ chắc là chuyện sớm muộn. Vẫn biết giữa ba người chỉ là giao dịch nhằm che mắt Thái phó, nhưng mợ cùng chị họ từng giúp cậu hết lần này tới lần khác, bọn mợ chẳng cầu gì ngoài được sống yên ổn trong phủ, được cậu quan tâm một chút, cậu sao khó khăn quá chừng?

Có lẽ cậu cũng chả tệ vậy đâu, chung quy cũng tại con yêu nghiệt kia thôi. Mỗi lần nét mặt nó hơi khác chút cậu lại né tránh sự chăm sóc của mợ và mợ Thuỳ. Một con nhà quê thì có cái vẹo gì cơ chứ? Mợ Quyên nằm trằn trọc nghĩ ngợi một đêm máu nóng trào lên tận cổ họng, bên ngoài lính đã chuẩn bị kiệu khiến mợ u uất cực độ.

-“Cậu hai đang đi khảo sát mấy vùng bị hạn hán, chắc chưa về kịp trong chiều nay đâu, mợ lén đi lối sau vườn qua gian mợ cả nhờ giúp đỡ may ra còn kịp.”

Con Thơ thủ thỉ mách nước, nó là em gái con Thư, vì mợ bị kẻ hầu người hạ ghét nên mợ Thuỳ phải đón nó từ quê lên chăm mợ. Mợ tin nó sẽ như chị nó, tuyệt đối trung thành với mợ, nhưng mợ mệt, dù sao cũng đường cùng rồi, mợ không thích chơi trò mèo chuột vờn nhau nữa, bữa nay một mất một còn, mợ chả sợ. Mặc kệ người sốt cao vẫn sôi sùng sục mợ vẫn hiên ngang rút con dao phay dưới bếp, men theo vườn mận tìm mợ hai tính sổ.

Giữa mợ hai và mợ ba đã xảy ra những gì, rất ít người chứng kiến. Chiều muộn hôm đó có kẻ dâng thư nặc danh tới trấn đường báo tin phủ Trấn thủ có án mạng. Trấn phó bán tín bán nghi sai lính đi thăm dò một phen, kết quả sau nửa canh giờ phát hiện ra xác mợ ba nằm trong vũng bùn ngay cạnh nhà kho chất đồ.

Tin tức về sự ra đi đột ngột của mợ khiến cả trấn bị một phen kinh hồn bạt vía, nghe đâu mợ còn nhỏ lắm, chẳng rõ quân ác ôn phương nào ra tay? Đến vợ của Trấn thủ chúng còn dám xử thì thử hỏi dân thường là cái thá gì? Xứ Đoài bữa đó đìu hiu lạ thường, từ người già tới trẻ nhỏ đều lo lắng cài then chốt cửa cẩn thận, dao kéo để sẵn đầu giường phòng thân, trong đêm chỉ còn tiếng vó ngựa của Trấn phó dồn dập lao tới phủ Trấn thủ, biệt phủ mà lẽ ra phải là của lão.

Trấn phó năm nay đã ngoài tứ tuần, vật lộn trên chốn quan trường ngót nghét chục năm nhưng vẫn phải cay đắng nhẫn nhịn phục tùng dưới trướng Võ Trạng Nguyên chỉ đáng tuổi con lão. Đường dài mới biết ngựa hay, cổ nhân nói chẳng sai. Ấy thế mà lão cũng đợi được tới ngày này, cái ngày mà lão đường đường chính chính phong toả toàn bộ phủ Trấn thủ, oai phong tra tấn khảo xét từng người.

Ngoại trừ mợ cả vì quá đau lòng đã xỉu mất thì từ mợ hai đang mang bầu tới mấy bà vú già cả hay kẻ hầu người hạ trong phủ đều phải quỳ rạp dưới chân lão, lần lượt từng người khai báo, ai dám nói láo nửa lời lão chém tan xác. Hầu hết tụi nó đều khai trước khi gặp nạn mợ ba có đem dao tới định tính sổ với mợ hai, nhưng mợ hai không có ở vườn mận nên sau đó mợ ba đi đâu thì không rõ. Riêng chỉ có con Thơ kể giống hệt trong bức thư gửi tới trấn đường.

-“Bẩm quan, mợ Quyên đúng là có tức mợ hai…nhưng được mợ cả khuyên bảo nên mợ nguôi nguôi về phòng rồi…ai ngờ mợ hai nghe tin giận giữ sang tìm mợ ba trả thù, mợ trói con vào gốc mít, còn bu mợ dìm mợ ba tới chết, trên tay con vẫn còn vết dây thừng, mong quan minh tra.”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN