Lam Y Nữ Hiệp - Chương 44: Gặp Nụy khấu bao vây, kẻ thù thành bằng hữu Chiến Sơn Điền thủy tướng, yêu nữ thoát trùng vi
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
129


Lam Y Nữ Hiệp


Chương 44: Gặp Nụy khấu bao vây, kẻ thù thành bằng hữu Chiến Sơn Điền thủy tướng, yêu nữ thoát trùng vi



Nói về đoàn chiến thuyền do thủy tướng Cao Kiến Tường chỉ huy đưa Lam Y, Âu Dương Bích Nữ ra Linh Sơn đảo được nửa đường thì trời tối hẳn. Gió chiều thổi mỗi lúc một mạnh hơn và sóng cũng lớn hơn.

Hai Nữ hiệp cũng băn khoăn nóng ruột đứng ngồi không an.

Theo đúng phương hướng chỉ dẫn bởi tên thủy khấu tù binh, đoàn thuyền ra đến nơi, Cao Kiến Tường hạ lệnh ngừng tiến cho thuyền đậu cách bến chừng non trăm trượng, đoạn sang chiến thuyền Lam Y hỏi ý kiến.

Âu Dương Bích Nữ nói :

– Chúng tôi đi gấp cốt tìm ra chiến thuyền có Đường Trại Nhi. Nay đã ra đến hải đảo không lẽ vì đêm tối mà không đổ bộ được! Mặc dầu nguy hiểm việc cần vẫn phải tiến hành như thường. Theo lời tên thủy khấu đem theo đây thì hiện tại lực lượng thủy chiến quân địch kéo cả ra ngoài Ngao Sơn Đầu trợ chiến rồi. Tại căn cứ hải đảo của chúng chỉ còn vài chiến thuyền không đáng kể.

Cao Kiến Tường nói :

– Lỡ nó khai không đúng sự thật đưa chiến thuyền quan quân vào tử địa thì sao?

Lam Y quắc mắt nhìn thẳng mặt tên thủy khấu bị trói nằm cong trên sàn thuyền mà rằng :

– Mi nghe thấy chưa? Nếu nói sai, chúng ta sẽ moi ruột gan mi ra trước.

Tên tù binh cả quyết :

– Nếu con nói sai sẽ xin chịu tội. Các vị đổ bộ thế nào cũng gặp phản ứng, nhưng không mạnh mẽ đâu.

Lam Y bảo Cao Kiến Tường :

– Tướng quân cứ nghe tôi ra lệnh đổ bộ vào thẳng căn cứ địch, nếu xảy ra chuyện gì tôi cam chịu hết trách nhiệm khi gặp Diêu Thái Khánh.

Được lời hứa của Lam Y, Cao Kiến Tường không do dự nữa, hạ lệnh tiến quân.

Bị đánh bất ngờ giữa đêm tối, quân giặc không đông lại hoang mang không hiểu đối phương nhiều ít thế nào nên tan rã chạy tản mát cả vào rừng cây trên đảo. Mấy chiến thuyền nhỏ và bốn chiếc theo hộ tống Đường Trại Nhi hồi trưa đều bị quan quân đốt phá tan tành, nhưng không thấy chiến thuyền của Đường Trại Nhi đâu cả.

Cao Kiến Tường bắt được một viên thuyền trưởng hộ tống Trại Nhi ngày hôm ấy dẫn đến chỗ Lam Y :

– Tên này biết Đường Trại Nhi. Nữ hiệp thử tra hỏi xem sao.

Lam Y bảo tên ấy :

– Khai thật thì có lợi cho ngươi được sống sót, vậy không nên để ta hạ thủ. Đường Trại Nhi có bắt được người nào bên quan quân hồi quá trưa hôm nay không? Người ấy bây giờ ở đâu? Chỉ điểm đến nơi đến chốn, ta tha chết cho, nghe?

Viên thuyền trưởng vững dạ khai mọi sự :

– Đường nữ chủ có bắt được vị tráng sĩ tuấn tú và hình như vẫn giam trên thuyền Hắc Long. Hồi chiều, về tới đây, nữ chủ có hạ lệnh lấy nhiều thực phẩm và nước ngọt xuống thuyền, và cất neo đi nơi khác ngay.

Âu Dương Bích Nữ vội hỏi :

– Chiến thuyền Hắc Long đi nơi nào?

– Thưa, thường ra thì chiến thuyền ấy hay neo ở hai nơi Tây Hải Đầu, Đông Hải Khẩu là hai làng ngư phủ tại hải đảo này.

Nghe viên thuyền trưởng nói vậy, Lam Y bảo Cao Kiến Tường :

– Tướng quân ở lại điều khiển căn cứ này, tôi cần hai chiến thuyền để tiếp tục truy nã chiếc Hắc Long.

Kiến Tường đáp :

– Đuổi giặc bằng thuyền trong khu xa lạ giữa lúc đêm tối là một cuộc phiêu lưu nguy hiểm. Nữ hiệp cho phép tôi đi theo, để lại mười chiến thuyền canh phòng căn cứ này là đủ rồi. Hoặc giả, sáng sớm mai sẽ tiếp tục cuộc truy nã. Tôi chắc chắn chiếc Hắc Long, dù lớn biết mấy, cũng không dám rời khỏi đảo này ra khơi đâu.

Âu Dương Bích Nữ nóng ruột :

– Cứu binh như cứu hỏa không thể trì trễ được. Chúng tôi cần đi ngay!

Cao Kiến Tường nhất quyết :

– Nếu thế, tôi phải theo nhị vị kẻo sau này Diêu tướng quân trách cứ là không cẩn thận.

Nói đoạn, Cao Kiến Tường họp các thuyền trưởng lại dặn dò việc canh phòng nơi căn cứ mới chiếm được, lấy thêm nước ngọt lương khô xuống hai chiến thuyền rồi cùng hai nữ hiệp Lam Y, Âu Dương Bích Nữ đem theo một tên thủy khấu bắt chỉ đường.

Hai chiếc quan thuyền theo ven bờ đến quá nửa đêm thì tới Tây Hải Đầu không thấy có chiến thuyền nào neo ở bến cả, bèn quay mũi trở lại đường cũ sang bên phía đông thì trời đã sáng rõ, và chiến thuyền Hắc Long đã nhổ neo đi từ sớm rồi.

Dân ngư phủ cho biết chiến thuyền ấy xuôi về hướng nam.

Âu Dương Bích Nữ đứng ngồi không yên, nàng nói :

– Đường Trại Nhi bắt chước vụ Kim Lăng. Nó thấy có sự khó khăn nên lẹ chân đào tẩu trước, đem theo cả Chu lang. Này cô muội, tôi không hiểu tại sao Chu huynh không thừa dịp Trại Nhi neo thuyền ở bến ngư phủ này mà thoát thân, nhỉ?

Lam Y đáp :

– Một là Chu huynh còn say thuốc chưa tỉnh hẳn, hai là bị trói giữ chưa có dịp thoát thân.

Âu Dương Bích Nữ lắc đầu tặc lưỡi :

– Gặp con Trại Nhi chuyến này, chết sống tôi cũng quyết bắt nó.

° ° °

Vì mồi thuốc mê thứ hai thổi vào mũi, Chu Đức Kiệt tuy không mê man ngủ say như lúc ban đầu, nhưng thần trí chưa sáng suốt hẳn.

Khi chiến thuyền bỏ neo ở Đông Hải Khẩu, Đường Trại Nhi mới dùng bữa tối. Nàng sai tì nữ Mỹ Vân, Mỹ Phụng đem nước canh thịt tự tay đổ cho Đức Kiệt uống.

Phần Đức Kiệt nửa mê, nửa tỉnh, toàn thân bải hoải, trí óc nặng trĩu, chịu sự săn sóc của Đường Trại Nhi mà không phân biết được là ai cả.

Thấy hai tay chàng bị dừng máu tím lịm vì dây da tẩm dầu, Đường Trại Nhi xót xa, đành cởi xả trói cho chàng.

Uống xong tô nước thịt đủ chất bổ, Đức Kiệt lăn ra giường ngủ say. Đường Trại Nhi ngồi một bên chàng nhìn không chán mắt, sau đó nàng cũng mặc nguyên võ phục nằm xuống bên chàng dưỡng sức. Nàng không dám thay áo vì ở trong tình trạng báo động.

Chưa rời khỏi hải đảo Linh Sơn, nàng còn không an tâm. Lam Y nữ hiệp có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Đường Trại Nhi là con người từng dạn dầy, lăn lóc nhiều trong tình trường. Đối với nàng, ngoài lúc cần thỏa mãn ra, người đàn ông không có nghĩa lý gì cả.

Vậy mà suốt đêm nằm kế bên Chu Đức Kiệt, nàng cảm thấy bẽn lẽn như thể một tân nương đêm đầu chung giường cùng chồng. Nàng để ý từng nét mặt, từng lúc xoay mình của anh chàng họ Chu. Mỗi lúc chàng đổi chiều nằm, mền tuột xuống khỏi vai, nàng chăm chỉ đắp lại, e chàng bị lạnh.

Và suốt đêm như vậy.

Được lệnh trước, bọn thủy thủ chưa tới canh năm đã nhổ neo đi liền. Chiến thuyền Hắc Long rời địa phận Linh Sơn đảo, giương buồm chỉ nẻo phương nam.

Tới khi sáng rõ, Chu Đức Kiệt mới chợt tỉnh giấc. Sau giấc ngủ ngon lành suốt đêm và gió biển trong sạch, chàng hoàn toàn khỏe hẳn, tâm trí sáng suốt như thường.

Trong mền ấm áp dễ chịu, các rèm cửa lại được kéo kín nên khoang thuyền còn tối mờ mờ. Đức Kiệt vươn vai khoan khoái, xây lưng lại ôm ngay Trại Nhi vì thức nhiều nên lúc đó ngủ say. Thoạt tiên, chàng tưởng là Âu Dương Bích Nữ nhưng mùi hương tỏa ra từ mớ tóc huyền của Trại Nhi khiến chàng thấy lạ, hoàn toàn tỉnh hẳn, trừng mắt nhìn thiếu phụ nằm bên và toàn thể khoang thuyền. Chàng nhớ lại ra lúc Trại Nhi vừa khởi đầu, gạt ám khí và sặc sụa mê man bất tỉnh. Giờ đây, người đang thiêm thiếp giấc nồng bên chàng không phải là Âu Dương Bích Nữ vợ chàng, mà chính là Đường Trại Nhi! Chàng giật mình không hiểu cơ sự đã xảy ra như thế nào! Con thuyền đang bồng bềnh lướt gió ngoài khơi. Đức Kiệt tung mền ngồi dậy nhìn Trại Nhi xinh đẹp một lần nữa. Trại Nhi cũng tỉnh giấc, nét khoan khoái lộ trên khuôn mặt đều đặn. Nàng đưa tay lên miệng hoa ngáp nhẹ, mở bừng mắt thấy Đức Kiệt đang ngồi nhìn nàng trừng trừng. Nằm yên, nàng dịu dàng nhìn tráng sĩ họ Chu.

Đức Kiệt cau mày hỏi :

– Tại sao lại thế này?

Lẳng lặng, Trại Nhi tung mền ngồi dậy, buôn hai chân xuống sàn thuyền xỏ võ hài xốc áo, sửa lại mớ tóc cho thêm gọn gàng. Nàng kéo rèm cửa sổ trong khoang cho sáng, thở mạnh khoan khoái được hô hấp không khí trong sạch ngoài biển khơi. Chu Đức Kiệt ngồi nguyên trên giường nhận xét từng cử chỉ một của người đàn bà lạ đời khó hiểu ấy. Chàng biết là mình bị bắt vì Mê Hồn phấn và hiện thời đang ở trong tay nàng. Chiến thuyền đang lướt sóng biển khơi đây là thuyền địch nhưng không hiểu đang tiến về phương nào đây và từ bao giờ? Đức Kiệt nhảy xuống sàn đi ủng, đưa mắt nhìn quanh thấy thanh Thất Tinh đao treo trên vách khoang, song song với thanh trường kiếm của Trại Nhi. Chàng lấy đao, rút ra nhìn qua rồi đeo lên lưng. Trong khi ấy, Trại Nhi vẫn đứng trước khuôn cửa sổ trông thẳng ra khơi từ từ hô hấp. Nàng hành động như chỉ riêng có nàng trong khoang thuyền, quên hẳn Chu Đức Kiệt đang chăm chú nhìn nàng vẻ mặt khó chịu. Hô hấp hồi lâu, Trại Nhi quay mặt lại. Im lịm, Chu Đức Kiệt ra khỏi khoang thuyền xem xét.

Chiến thuyền xuôi gió lướt trên mặt biển mênh mông. Buổi sáng màn sương phủ nhẹ, chàng cố nhìn tứ phía đều không thấy lục địa. Trên thuyền các thủy thủ đi lại lăng xăng làm công việc thường ngày. Họ chăm chú là bổn phận, không hề để ý đến người khách lạ đang đi bách bộ suốt dọc mé thuyền. Đến trước viên thủy thủ cầm lái ở cuối thuyền, Đức Kiệt hỏi :

– Thuyền đi về đâu thế này?

Người cầm lái cúi chào lễ phép, im lìm như một tên câm, tiếp tục nhìn trời biển, tay đưa trục lái. Biết rằng nhân viên trên thuyền nhận huấn lệnh của Đường Trại Nhi cấm không nói chuyện với mình, Đức Kiệt không hỏi thêm câu nữa. Chàng lững thững đi vòng sang mẽ thuyền bên hữu rồi trở vào trong khoang.

Đường Trại Nhi đã sửa soạn xong, thay bộ võ phục, tóc mây đen nhánh chải gọn gàng làm nổi khuôn mặt bầu bầu, làn da trắng nuột. Nàng xức hương trầm thơm ngào ngạt khắp trong khoang thuyền thuần khiết nhanh nhã, lịch sự, dù người khó tánh đến mấy cũng phải ca ngợi ưng ý. Các đồ đạc trong khoang đều được gắn chặt xuống sàn thuyền, phòng khi gặp biển động bị xô trượt. Trại Nhi ngồi trên kỷ kê sát vách ván đang đọc sách. Thấy Đức Kiệt bước vào khoang thuyền, nữ tỳ Mỹ Phụng tiến tới chắp tay kính cẩn :

– Mời thiếu gia vào trong rửa mặt ạ.

Lẳng lặng nhìn quang trong khoang, Chu Đức Kiệt vén rèm bước vào trong phòng xép bên phía trong. Đó là phòng trang sức vệ sinh, ngăn nắp, gọn gàng. Thấy nước sôi đã được tì nữ sửa soạn đầy đủ, Chu Đức Kiệt khép cửa lại cởi áo tắm táp cho khoan khoái tinh thần.

Sửa soạn xong, chàng thấy trên mắc có một bộ võ phục mới bằng lụa Cẩm Châu màu tím thẫm, liền mặc thử: Chiếc quần vừa vặn duy có cái áo chật vai không cài được nút ngực. Chàng bỏ áo mới, mặc áo cũ lại như trước và chỉ thay bộ áo lót mình.

Đeo đơn đao lên lưng, Đức Kiệt ra khỏi phòng tắm.

Nữ tì Mỹ Phụng tiến tới :

– Kính mời thiếu gia lại nơi án kia dùng điểm tâm.

Chàng nhìn theo tay tì nữ chỉ về hướng Đường Trại Nhi ngồi. Trên án bày khay trà và lồng hấp bánh điểm tâm.

Trại Nhi nhìn Đức Kiệt. Cặp mắt bồ câu đen lánh của nàng lờ đờ hấp dẫn đa tình. Đôi môi mọng đỏ chúm chím cười nửa miệng cực kỳ duyên dáng. Nàng cất giọng ấm áp dịu dàng, lặp lại lời mời của nữ tì Mỹ Phụng :

– Kính mời Chu thiếu gia lại đây dùng điểm tâm.

Đức Kiệt giật mình không nhận thức ngay ra lý do Trại Nhi biết tên mình. Chàng chợt nhớ đã từng xưng danh là Vân Bưu hôm gặp nàng ở Hoa Vương lầu thành Kim Lăng. Như đoán được ý nghĩ của Đức Kiệt, Trại Nhi nói tiếp :

– Thiếu gia chẳng phải tìm nguyên nhân thêm mất công! Quý danh được dát bằng chữ vàng trên bao Thất Tinh đao đeo kia kìa.

Đức Kiệt nghĩ thầm:

“Thì ra trong lúc ta mê man, nàng đã xem thanh đơn đao Thất Tinh. Tinh khôn, ngăn nắp, thứ tự, có tài tổ chức, dịu dàng, tiếc rằng hữu tài vô hạnh. Nếu không thì trên đời này thêm một vị nữ kiệt anh thư!”

Chàng thấy đói bụng nên đến án bàn ngồi xuống chiếc kỷ độc nhất đối diện với Đường Trại Nhi từ nãy cứ chúm chím cười nhìn mình. Cặp mắt nhung huyền của nàng thiệt dịu dàng nhưng lúc nào cũng bao hàm một tánh chất ranh mãnh. Đức Kiệt vừa ngồi xuống kỷ, đã toan tự kỷ rót trà uống. Trại Nhi dành lấy chiếc ly, chẳng hiểu hữu ý hay vô tình hai bàn tay chạm nhau; nàng rót trà ra hai ly tự để cho mình một và đặt một trước mặt Đức Kiệt, hé hàm răng ngọc nõn nà :

– Thiếu gia là khách, thiếp là chủ, xin cho thiếp được quyền thù tiếp. Mời thiếu gia dùng trà rồi còn ăn bánh kẻo nguội. Chiến thuyền chật hẹp, không tích trữ được nhiều thứ mong Người hiểu cho.

Nói đoạn, nàng hai tay bưng tống trà nóng hổi duyên dáng mời Chu Đức Kiệt và vừa thổi nhẹ, vừa uống từng hớp nhỏ một. Đức Kiệt lẳng lặng uống theo, hương trà toàn hảo bốc thơm dễ chịu. Chàng thấy đói khát nhiều nên nghĩ thầm có lẽ nhịn ăn uống khá lâu rồi. Trại Nhi mở nắp lồng quả hấp lấy mấy thứ bánh nhân thịt ngon lành bầy ra đĩa mời :

– Thiếu gia dùng thử xem có vừa ý không! Phải ăn nhiều mới được, đi biển mau đói lắm.

Vừa nói, nàng vừa rót nước chấm. Cách săn sóc của nàng khéo léo gọn gàng như thể một bà nội trợ chuyên nghiệp. Mời xong, nàng cũng gấp bánh nhỏ nhẹ ăn coi rất đáng yêu.

Đang đói sẵn Đức Kiệt ăn luôn một mạch năm sáu bánh lớn nhân thịt. Bao tử được “ấm áp” dễ chịu rồi, Chu Đức Kiệt mới nhìn thẳng vào mắt Trại Nhi, chàng hỏi :

– Tôi bị mê man bao lâu rồi? Thuyền này đi đâu vậy? Tại sao cô nương hành động kỳ dị thế này?

Đường Trại Nhi mời Đức Kiệt dùng bánh nữa. Chàng đủ no lắc đầu từ chối. Nàng đưa dĩa khăn bông trắng nuốt vò sẵn mời chàng lau tay. Đức Kiệt đón lấy một chiếc dùng. Thấy hai người đã điểm tâm xong, nữ tì Mỹ Phụng tiến tới dẹp mọi thứ trên án, riêng để lại có bình trà. Trong khoang bấy giờ có hai người, Đường Trại Nhi nghiêm nét mặt :

– Thiếu gia mê man đúng ba ngày rồi, sáng hôm nay nữa bước sang ngày thứ tư, trong lúc mê mệt, thiếp phải đổ nước thịt hầm sâm cho uống quý thể mới khỏi mệt như vậy đó.

Chu Đức Kiệt ngạc nhiên không ngờ mình đã mê man lâu như vậy, một hồ rượu bỏ Mông Hãn dược cũng không đến nỗi khiến người uống phải say bấy nhiêu lâu! Chàng có cảm tưởng như mới bị Đường Trại Nhi bắt hôm qua. Dù sao, chiếc chiến thuyền lớn nhường này có hai cánh buồm thuận gió thì đi cũng xa lắm rồi!

Chàng nhắc :

– Tôi vẫn chờ cô nương trả lời: ‘Đây là đâu? Đi đâu và được bao lâu rồi!’ Đường Trại Nhi giữ nguyên nét mặt nghiêm nghị :

– Thiếp đã nói là thiếu gia mê man ba ngày rồi. Chiến thuyền rời khỏi Ngao Sơn Đầu ngay từ lúc thiếu gia té quỵ. Thuyền lướt sóng ngoài khơi thiếp trả lời sao được là đâu? Ba ngày đường thuận gió, với tốc lực hiện tại, chắc chúng ta đang ở trong duyên hải Giang Tô.

Đức Kiệt bực mình :

– Thế ra cô nương bắt cóc tôi đem xuống miền Nam?

Đường Trại Nhi im lặng tình tứ nhìn hiệp khách họ Chu. Chu Đức Kiệt nói tiếp :

– Tôi trúng Mê Hồn phấn mất thần trí, cô nương không muốn sát hại, không coi tôi là kẻ thù, thả cho tôi về có hơn không, đem đi xa thế này ích lợi chi?

Trại Nhi nghiêm trọng :

– Chúng ta không quen biết nhau, không hề sát hại lẫn nhau để trở thành hai kẻ thù địch, cớ sao thiếu gia nói đến chuyện sát hại? Thiếu gia là trang hảo hán giang hồ lão luyện, đã từng mục kích những kẻ không thù ghét nhau, nhưng bị định mệnh đặt họ vào hai khu luôn luôn đối lập như trường hợp hiện tại của thiếu gia và thiếp. Hiện thời, thiếp lang bạt vô gia đình, cảm mến thiếu gia ngay từ ngày mới gặp nhau. Biệt bẵng đi một thời gian khá lâu, nay bỗng nhiên tái hội, dĩ nhiên thiếp không khi nào để lỡ dịp dùng mẹo đem thiếu gia đi với mục đích duy nhất là được thiếu gia định đoạt cho thiếp theo cùng. Con thuyền này là hiện thời bồng bềnh không bến, cũng như phận bèo dạt mây trôi này không chủ không chồng… Thiếp hằng mong được gặp đấng trượng phu tài sức vẹn toàn để tuyệt đối phục tùng. Đấng trượng phu ấy là Chu lang người duy nhất đã khiến thiếp có cảm tình với giả danh Vân Bưu do hoàn toàn chinh phục thiếp với thực danh hiệp khách Chu Đức Kiệt.

Đức Kiệt nhìn Đường Trại Nhi giây lát, đoạn lắc đầu mà rằng :

– Rất tiếc tôi không đồng cảnh đồng thuyền để chung hưởng cuộc đời cùng cô nương. Hai lần gặp nhau, hai lần chúng ta đối lập. Đối lập trong trường hợp mà chính Chu mỗ này không ngờ được tái hội cùng cô nương. Ngoài ra còn một sự kiện mà Chu mỗ, dù có muốn, cũng không thể chiều ý cô nương được, chi bằng cô nương hạ lệnh cho chiến thuyền trở về Ngao Sơn Đầu hoặc vào bờ để tôi tự kỷ về Sơn Đông là êm thấm hơn cả. Hành động ấy giúp cô nương giữ được mãi mãi cảm tình bằng hữu của riêng tôi. Sau này trên đường đời, nếu gặp nhau tôi quyết không quên được buổi hôm nay. Cô nương có thể tin được lời hứa của tôi Sắc diện Đường Trại Nhi chuyển từ hồng đến trắng bạch, nàng nói :

– Nếu thiếp không chịu nghe thì thiếu gia sẽ làm gì?

Đức Kiệt cười khẩy :

– Hỏi câu ấy tức là cô nương không hiểu gì cả về Đức Kiệt này! Số nhân viên trên chiến thuyền – kể cả cô nương – hơi sức không được bao nhiêu. Nếu tôi dùng võ lực bắt buộc thuyền phải trở mũi hay vào bờ thì cô nương nghĩ sao?

Đường Trại Nhi điềm nhiên :

– Thiếu gia còn muốn thiếp nghĩ gì hơn trước sức thần võ nổi danh ấy? Mến thương nhau sao được, khi một trong hai ta không chút cảm tình? Nếu Đường Trại Nhi này e sợ võ lực của họ Chu tất một là phải trói thiếu gia, hai là cất giấu thanh Thất Tinh đao quý báu lợi hại kia đi, ba là cho thiếu gia uống một thứ thuốc liệt thần kinh, đưa thiếu gia tới một hải đảo hoang vắng cùng nhau chung sống, trong trường hợp ấy chắc thiếu gia không từ khước chê bai Đường Trại Nhi hèn mọn, nhơ nhuốc này nữa! Hiện nay Chu lang được tự do cử động, đi lại khắp nơi trên chiến thuyền, lưng đeo báu ‘đao’, đói ăn khát uống, kẻ hầu người hạ, những sự kiện ấy đủ tỏ tình yêu thực thà của thiếp riêng đối với Chu lang, có nghĩa là thiếp tin ở đức tánh quân tử của một nhân vật hữu danh trong giới Nghĩa Hiệp Giang hồ. Không lẽ một người tài sức như Chu lang lại lợi dụng lòng tin tưởng, trổ võ nghệ áp bức những kẻ hèn yếu hơn chàng ư?

Nghe luận điệu khôn khéo, rào trước, đón sau của Đường Trại Nhi, Đức Kiệt khen thầm, chàng nói :

– Suy luận trúng tâm lý con người lắm, song tôi đây nghĩ khác. Nếu tôi dùng võ lực bắt buộc chiến thuyền này phải trở lại đường cũ cũng không ngoài mục đích tự vệ, thiệt ra tôi đâu muốn hại cô nương và các thủy thủ? Còn một điều nữa cô nương cần phải biết kẻo thành hậu họa. Đó là tôi đến Ngao Sơn Đầu với hai người nữa…

Đường Trại Nhi ngắt lời :

– Lam Y nữ hiệp và một thiếu nữ tài sắc mà thiếp không biết danh tánh?

Chu Đức Kiệt gật đầu :

– Phải, Lam Y là gia muội và người kia, cô nương có thể gọi là… Chu phu nhân.

– Nội nhân của Chu lang?

– Phải, đính hôn từ cuối năm rồi, và đầu năm nay mới thành hôn.

Đường Trại Nhi đứng phắt dậy, biến sắc. Nàng thở mạnh, bộ ngực nở nang đều đặn lên xuống dồn dập :

– Đáng lẽ thiếp phải nghĩ ngay tới cơ sự ấy mới phải. Thảo nào Chu lang khinh rẻ không màng tới thiếp…

Không nói hết câu, Đường Trại Nhi khổ sở đi thẳng ra cửa sổ vén rèm nhìn mặt biển mênh mông.

Đức Kiệt nhìn theo thấy màn sương mai đã tan hẳn, trời xanh nước biếc, vừng thái dương đã lên cao hơn hai trượng, le lói trong không trung. Gió biển lùa vào khoang thuyền mát mẻ dễ chịu. Chàng tiến tới phía sau Đường Trại Nhi :

– Đường cô nương! Khi nhắc đến gia muội Lam Y và gia nội tôi có ý nhắc để cô nương hay rằng hai người ấy thế nào cũng đuổi theo ta và theo trúng đường dù rằng biển cả mênh mông.

Đường Trại Nhi im lặng nhìn biển cả xa khơi. Đức Kiệt nói tiếp :

– Tôi biết rằng cô nương không hiểu rõ lực lượng quan quân nên trước đây không tin là sẽ có người đuổi theo tiếp cứu. Lực lượng cứu viện quân Tế Nam phủ dư sức đàn áp quân Lục Thủy trại. Ngoài số quân lục chiến ấy, Tế Nam phủ còn xuất phát cả thủy quân hùng hậu Kiều Châu, đổ bộ Lục Thủy trại và Linh Sơn đảo. Lực lượng của Hắc Vân Long khó bề chống chọi. Chị em Lam Y ở trên bộ được cấp bác việc tôi bị trúng Mê Hồn phấn và sử dụng ngay đoàn chiến thuyền hùng hậu đuổi theo. Vào Lục Thủy trại không thấy tôi, chị em Lam Y ra thẳng đảo Linh Sơn. Nội hai nơi ấy, họ điều tra và dư biết hướng đi của chiến thuyền này. Cô nương từng nghe Lam Y nữ hiệp chứ gì? Nàng và gia nội không bao giờ từ nan nếu phải đảo lộn cả sơn hà để tìm tôi. Cô nương chẳng nên chọc giận hai người ấy. Hãy nghe tôi ghé bến và đi nơi khác ngay. Tôi không hiểu lẽ gì hai lần tôi gặp là hai lần cô nương đụng độ với quan quân.

Đứng nguyên chỗ, Đường Trại Nhi nói :

– Nói vậy là sai lạc! Chính thiếp không muốn đụng đọ với quan quân. Ở Kim Lăng cũng như ở đây, thiếp đều bỏ đi trước… Nhưng Chu lang!

Nàng bỗng ngưng nói, đưa tay lên trán, lảo đảo như người bị trúng phong xây xẩm mặt mày, té ngửa ra phía sau. Đức Kiệt thẳng thắng vội đưa tay đón lấy nàng bế bổng lên đi về phía giường định đặt nàng nằm nghỉ. Vừa hay lúc ấy, Đường Trại Nhi đưa lẹ bàn tay hữu thoa một thứ nước gì thơm ngào ngạt lên mũi miệng Chu Đức Kiệt. Đức Kiệt giật mình vội buông nàng ra, nhưng Đường Trại Nhi đã ôm chặt lấy chàng, áp má vào mặt chàng, tính tứ nói nhỏ :

– Không, Chu lang nên hiểu thiếp yêu thương Chu lang biết chừng nào. Đừng bỏ thiếp tội nghiệp! Hãy nằm xuống đây cùng thiếp…

Kỳ thay, chất nước hương ngào ngạt ấy có một sức hiệu nghiệm huyền bí lạ lùng.

Thoạt đầu, Đức Kiệt thấy tâm hồn ngây ngất, chàng buông Đường Trại Nhi ra mà không buông nổi vì cô gái đa tình kia cứ ghì chặt lấy chàng… Hương thơm kỳ lạ từ mớ tóc huyền, từ khuôn mặt khả ái với làn da mềm mại trắng ngà và từ y phục nàng bốc lên ngào ngạt càng khiến tâm hồn Đức Kiệt ngây ngất mông lung. Xưa nay, chàng vốn là người gan dạ, không háo sắc, nhưng kỳ thay không hiểu sao lúc này chàng không thể tự chủ được nữa! Toàn thân rung động bởi một cảm giác lạ lùng với sức ôm ghì thật chặt của Đường Trại Nhi đa tình.

Đường Trại Nhi kéo Đức Kiệt ngã xuống ngực nàng, nói qua hơi thở :

– Chu lang! Chu lang yêu mến! Bao lâu nay thiếp mơ ước… gần chàng! Chúng ta chẳng nên lỡ thời khắc ngàn vàng…

Chu Đức Kiệt bàng hoàng, tâm thần hoàn toàn hỗn loạn :

– Đường Trại Nhi nàng hỡi, hãy buông ta ra! Buông ra! Buông ra, cởi đao sẽ chiều ý nàng! Nàng đẹp vô ngần…

Chắc chắn đã hoàn toàn chinh phục người yêu bằng thứ hương luyến ái, Đường Trại Nhi đê mê sung sướng buông tay ra… Đức Kiệt mải miết say sưa nhìn cặp mắt huyền mơ màng, cặp mắt bồ câu chớ không phượng nhỡn xếch ngược oai hùng như mắt nàng nữ trung anh kiệt Âu Dương Bích Nữ. Bốn tiếng “Âu Dương Bích Nữ” chợt như ngọn roi da do một bàn tay bí mật quất ngang vào mặt Đức Kiệt khiến chàng rùng mình lắc đầu, sợ hãi bóng hình cô gái Thiếu Lâm tự đang khoanh tay nghiêm nghị căm hờn khinh bỉ đứng nhìn thẳng vào mặt chàng. Đường Trại Nhi vẫn nhìn mặt Đức Kiệt, nhận thấy sự thay đổi trong khoảnh khắc hiện trên khuôn mặt anh dũng của chàng hiệp khách họ Chu, bèn vội đưa tay bá cổ chàng định kéo xuống… Nhưng Đức Kiệt cố gỡ tay nàng ra, đứng phắt dậy, loạng choạng sang khoang xép gục đầu vào thùng vớt nước lên mặt nhiều lần. Nước lạnh khiến chàng tỉnh táo dễ chịu ngay. Giữa lúc ấy, Đường Trại Nhi vùng dậy chạy vào ôm chặt lấy Đức Kiệt, toan xoa tay lên mặt chàng.

Lẹ làng, Đức Kiệt nắm chặt lấy cổ tay ấy đoạn đẩy nàng ra xa, chàng quát :

– Đường Trại Nhi! Nàng không còn hy vọng dùng hương luyến ái làm ta mê muội để đưa ta vào ô nhục nữa. Đức Kiệt này tỉnh rồi! Dù Hằng Nga, Tây Tử có hiện ra đây cũng thế thôi! Ta khuyên nàng hạ lệnh thủy thủ trở về đường cũ và đừng để ta bạo động nghe?

Đường Trại Nhi căm tức nhìn Đức Kiệt, nhưng nàng ngạc nhiên thấy Đức Kiệt đờ người ra, nghểnh mặt nghe ngóng sự gì. Chàng hớn hở chỉ tay lên mui :

– Kìa! Đường cô nương nghe thấy gì không?

Trại Nhi chú ý nghe. Từ trên không trung, vọng ra tiếng đàn “hải điểu” réo vang cả một góc trời. Đức Kiệt nói lớn :

– Hải điểu bay có nghĩa là gần đây có hòn hải đảo nào hoặc có đoàn thuyền nào quanh quẩn trong khu vực này. Cô nương nhớ lời tôi nói không? Có lẽ đoàn chiến thuyền quan quân đuổi theo. Thế nào cũng có Lam Y và…

Đường Trại Nhi cười gằn, cướp lời :

– … Và nàng tiên của Chu lang, phải không? Đường Trại Nhi này đáng bỉ lắm! Chu lang khinh sợ thiếp một con vật kinh tởm.

– Đường cô nương đừng nặng lời, chúng ta vô duyên vô nợ thế thôi. Giờ đây không phải là lúc nói dông dài, đoàn quan thuyền đuổi theo kịp là phúc, nếu gặp thủy khấu thì phiền lắm đó. Ta lên lần mui khoang thuyền xem sao. Nên quên mọi sư đã qua để lo hiện tại.

Đường Trại Nhi còn đang dùng dằng thì thị nữ chạy vào báo :

– Thưa Nữ chủ, viên thuyền trưởng nói rằng xa xa có đoàn thuyền lạ đi cùng hướng với ta.

– Được, ta sẽ ra xem sao. Bảo y giương hết buồm lên.

– Thưa Nữ chủ, hiện thuyền ta đang chạy bằng sức gió ba cánh buồm.

Thế nữ Mỹ Phụng trở gót. Đường Trại Nhi nán lại nhìn Chu Đức Kiệt chải tóc lại cho gọn gàng và buộc dây tơ cột búi tóc trên đỉnh đầu. Chàng sốc áo kiểm soát lại giải Thất Tinh đao, túi Bát Bảo.

Đường Trại Nhi vẫn chưa hết cơn mê luyến :

– Chu lang sửa soạn nghênh chiến và có lẽ chúng ta chia tay nhau từ đây sao?

Đức Kiệt sửa soạn xong, nhìn nàng mà rằng :

– Nhất định là phải chia tay. Tôi dặn trước điều này: Nếu gặp quan thuyền thì sau khi tôi đổi thuyền rồi, mời cô nương cứ thẳng tiến đường ai nấy đi. Trái lại, nếu gặp thủy khấu, cô nương nên hiểu biết tin ở sức chiến đấu của tôi, truyền bảo thủy thủ chớ hoang mang và sửa soạn chịu trận. Riêng phần cô nương, tôi khuyên không nên rời xa tôi trong khi lâm chiến. Sửa soạn đi, tôi ra trước.

Dứt lời, Chu Đức Kiệt đi thẳng ra khoang ngoài rót trà uống, rồi ra mũi thuyền đứng lố nhố đây đó nhìn cả về phía Đông Bắc. Chu Đức Kiệt lẳng lặng nhảy lên khoang thuyền nhìn vòng quanh chân trời và nhìn theo về hướng ấy.

Quả nhiên, một đoàn thuyền buồm từ xa trực chỉ về phía thuyền Hắc Long. Chàng không nhận ra số thuyền là bao nhiêu nhưng lượng đoán không đông lắm. Đường Trại Nhi ra tới nơi. Đức Kiệt nhìn thấy nàng đai nịt gọn gàng, lưng đeo trường kiếm, khá lẫm liệt oai phong.

Nàng ra thẳng phía mũi hỏi viên thuyền trưởng :

– Chưa nhận ra thuyền nào phải không?

– Thưa, còn xa quá. Chúng từ Đông bắc kéo tới vậy không phải hướng Ngao Sơn Đầu hay Linh Sơn đảo.

– Thuyền trưởng cho mọi người không phải phiên canh sửa soạn đi lỡ phải nghênh chiến.

– Mọi người sẵn sàng cả rồi.

Đường Trại Nhi quay lại toan nhảy lên mui với Đức Kiệt, thì không thấy chàng đâu cả. Có tiếng từ trên cao vọng xuống :

– Tổng cộng năm chiến thuyền. Buồm vuông tức không phải quan thuyền.

Đường Trại Nhi nhìn lên thấy Đức Kiệt đang đứng cheo leo trên trục chiếc buồm cao nhất, một tay chống vào cột buồm.

Nàng nhảy lên mui khoanh tay thành loa lên miệng hỏi lớn :

– Có gì khác nữa không?

– Không. Cánh buồm nào cũng vuông, kỳ lắm Viên thuyền trưởng nghe thấy vội chạy tới nói :

– Thưa nữ chủ, nếu là buồm vuông thì chắc chắn là Nụy khấu.

Đức Kiệt buông mình xuống mui thuyền nhẹ nhàng như lá rụng trước sự kinh ngạc thán phục của mọi người.

Đường Trại Nhi nghĩ thầm: “Con người này nổi danh trong chốn giang hồ cũng không sai, quả thật đích đáng”.

Đức Kiệt hỏi viên thuyền trưởng :

– Chắc chắn buồm vuông là thuyền của Nụy khấu?

– Dạ chắc chắn. Tôi đã mục kích và giáp chiến cùng bọn ấy hai lần. Chúng bị đàn áp vì thiểu số không địch lại số đông của chiến thuyền Linh Sơn đảo, nhưng dũng mãnh và quả cảm lắm. Cặp trường, đoản kiếm và cây thương của chúng rất đáng sợ. Trước khi áp mạn Nụy khấu hay bắn loại dần đối phương

Đức Kiệt hỏi Đường Trại Nhi :

– Chiến thuyền này có cung tên và đại mộc chống tên không? Bây giờ là lúc cần các thứ đó chống địch quân. Giàn đại mộc sang hai bên thành thuyền, các cung thủ núp cả vào sau đó chờ lệnh mới được bắn. Mặt khác người cầm lái phải hướng thuyền vào phía đại lục, may ra Nụy khấu không dám đuổi theo chăng

Đường Trại Nhi truyền lệnh cho thuyền trưởng hành động theo lời Chu Đức Kiệt. Thủy thủ người nào việc ấy răm rắp. Lát sau, các bản đại mộc đã được dựng khắp chung quanh khoang thuyền, và nơi tay lái. Chiến thuyền Hắc long bắt đầu đổi hướng chạy vào đại lục. Chu Đức Kiệt nhìn quanh, bảo Đường Trại Nhi :

– Cô nương không theo lời tôi cho thuyền chạy ven bờ. Nay Nụy khấu kéo đến nơi giữa biển khơi, ta quả bất địch chúng biết làm sao đây? Nghe đồn Nụy tặc thường có “Đồng sang” (súng đồng), nếu thuyền ta bị bắn tan tành, thì toàn thể chúng ta đều làm mồi cho cá biển

Đường Trại Nhi cười lạt :

– Chu lang vợ đẹp, em khôn gia đình đầy đủ hạnh phúc mới sợ chớ thiếp đây chết cùng Chu lang là mãn nguyện rồi.

– Không nên nói cố cùng như vậy! Một người lanh lợi như cô nương phải biết xử sự cho xứng đáng! Lý đâu lại chịu thua Nụy khấu ngay trong hải phận nước nhà! Trong tình thế bất lợi này, cô nương còn giấu giếm nhiều điều!

Đường Trại Nhi nhìn thẳng vào mắt Đức Kiệt :

– Thiếp giấu gì, Chu lang?

– Nụy khấu chỉ hay quấy rối trong hải phận Sơn Đông thôi, nghĩa là tôi muốn nói rằng chiến thuyền này còn chưa xa khỏi vịnh Hoàng Hải. Phải không?

Đường Trại Nhi nín thinh. Nàng thầm phục xét đoán của hiệp khách họ Chu.

Chu Đức Kiệt nóng ruột nói tiếp :

– Mất nhiều thì giờ quá! Thuyền này rời bến được bao lâu rồi!? Có chịu nói thật, tôi mới định liệu được!

Đường Trại Nhi buông sõng :

– Thuyền rời Linh Sơn đảo từ canh năm hôm nay và trực chỉ hướng nam.

Nghe vậy, Đức Kiệt cả mừng :

– Nếu thế thì ta chưa đi được bao xa. Chắc quan thuyền thế nào cũng rượt theo. Ta nên quay trở lại!

Nhưng Đức Kiệt bỗng im bặt vì năm chiến thuyền Nụy khấu giàn thành hàng chữ nhất chặn ngang đường về hướng bắc.

Thấy nguy ngập, Đường Trại Nhi nói :

– Chúng dự đoán ta quay về, nên chặn đường. Chu lang tính sao bây giờ?

Đức Kiệt nói :

– Nụy khấu biết chặn đường về của ta tức là chúng theo dõi từ lâu rồi, mà nhân viên thuyền này không ai để ý. Cô nương đừng hoang mang. Ta cứ vào bờ, gần bờ thêm chút nào hay chút ấy. Cho tôi mượn một cây cung thật tốt và bao tên

Đường Trại Nhi xưa nay đi đến đâu, ở đâu cũng chỉ biết lợi dụng người, ăn trên ngồi trước, chẳng hề chịu kém một ai. Lúc này trước sức hấp dẫn mạnh mẽ của Đức Kiệt, nàng thấy cảm phục, tôn kính chàng nhất mực và ngoan ngoãn phục tùng. Nàng tự kỷ lấy một cây cung tốt và bao tên đầy cầm đến cho Đức Kiệt. Chàng cầm lấy cây cung gỗ sơn đỏ gương thử thấy nhẹ tay nhưng dùng cũng được

Từ ngày Âu Dương trang dưới Tô Châu, chàng quen dùng thứ thiết cung ba tạ, trong khi tập luyện, và mỗi khi săn bắn chàng thường dùng cung một tạ. Bởi vậy nay dùng mộc cung, chàng thấy nhẹ nhõm dễ sử dụng lạ thường. Lúc này, thuyền Nụy khấu đến gần lắm rồi. Đức Kiệt lo lắng giặc sẽ dùng đồng sang, nhưng không, chúng lù lù tiến tới bao vây chiến thuyền Hắc Long vào giữa. Chàng bảo Đường Trại Nhi núp vào cuối thuyền trong ổ tay lái nhất quyết hướng thuyền vào đất liền, đoạn chàng đeo cung tên phi thân lên cột buồm đứng vào Viễn phòng bản quan sát lối giáp trận của Nụy khấu. Trên chiến thuyền Hắc Long các thủy thủ đều núp cả vào sau các tấm đại mộc.

Loạt tên thứ nhất từ các thuyền Nụy khấu bắn sang thuyền Hắc Long còn xa chút đỉnh nên rớt lẻ tẻ xuống nước. Cùng lúc ấy, Đức Kiệt tinh mắt trông thấy một đoàn thuyền buồm lố nhố rất xa trên phía bắc. Chàng mừng thầm chắc đó là đoàn quan thuyền đuổi theo chiến thuyền của Trại Nhi. Nhận xét kỹ càng, chàng thấy trên cột thuyền chỉ huy của giặc cũng có một người đứng trên Viễn phòng bản quan sát khắp đó đây, nên sợ tên ấy trông thấy đoàn thuyền lạ ở phía bắc mà báo động cho đồng bọn chăng. Đức Kiệt tính vừa tầm tay, giương cung lắp tên, nhằm tên ấy bắn một phát trúng vai. Bị thương, tên giặc bị té quỵ ngay trên bản Viễn phòng nhờ vướng lan can nên không đến nỗi rớt xuống sàn thuyền. Trong khi xông xáo, hình như bên thuyền Nụy khấu không để ý tới người bị thương ở trên cao.

Loạt tên thứ nhì do Nụy khấu bắn sang cắm cả vào thành thuyền và đại mộc tua tua như lông nhím vậy.

Chưa được lệnh, các thủy thủ Hắc Long núp nguyên tại chỗ.

Bọn Nụy khấu bắn rào rào, họ hét vang dậy. Chúng lái thuyền chạy vòng quanh chiếc Hắc Long, khiến sóng bể động mạnh, thuyền nào cũng chòng chành nghiêng ngả. Đứng trên Viễn phòng bản, Đức Kiệt nhằm bắn những tên Nụy khấu xông xáo nhất trên năm chiến thuyền. Không mấy chốc, chàng đã dùng hết ống tên, bèn nhảy xuống mui thuyền hạ lệnh bắn trả lại thuyền giặc. Đường Trại Nhi cũng chạy ồ ra đứng bên chàng nhưng Đức Kiệt vội kéo tay nàng nhảy xuống núp sau bản đại mộc.

Nguyên bọn Nụy khấu này là người Kinh Điều đảo thuộc Phù Tang quốc chuyên hoạt động trong Hoàng Hải, hoặc ven bờ nước Cao Ly, hoặc vào thẳng hải phận Sơn Đông đánh các thương thuyền. Bọn Nụy khấu Kinh Điều đảo này đã từng bị Náo Hải Thần Hắc Vân Long đánh thua hai lần nên chúng rất bực tức, chiêu tập người tài quyết chí báo thù. Tên đầu đoàn là Liễu Hạ Đằng nghe nói bên Xung Thằng trường đảo có một hảo hán võ nghệ tuyệt luân, mỹ danh Sơn Điền Dã Tử chuyên xử hai thanh Trường Nụy Kích Đao bách chiến bách thắng chưa hề gặp đối thủ. Sơn Điền Dã Tử to ngang nhưng thấp dáng điệu y hệt con gấu. Y búi tóc lên đỉnh đầu, mắt một mí xếch ngược, lông mi chổi xể giao nhau, râu quai nón, tiếng nói oang oang như lệnh vỡ. Sơn Điền thường đeo hai thanh Trường và Nụy đao (đó là thứ kiếm Phù Tang tên là Yatagan) gài ngay nơi thắt lưng. Lưỡi hai thanh đao này rất sắc, có thể chém đứt những vật rắn như gỗ, gạch, đá.

(Người Phù Tang có phương pháp đúc lưỡi thép rất sắc còn truyền lại tới bây giờ. Ngay các nước văn minh Âu tây, kỹ nghệ đúc thép tối tân tiến bộ rất nhiều cũng chỉ chế ra được thứ thép không han rỉ, nhưng không thể sắc hay cứng rắn đến độ chém đứt nổi các vật rắn chắc. Trong kỳ thế chiến thứ hai, khi bộ binh Phù Tang chiếm đóng Đ.D., dịch giả đã có dịp mục kích một viên sĩ quan, dòng dõi võ sĩ đạo, dùng thanh Yatagan gia truyền chặt vát hẳn một góc chiếc bàn granito, mà lưỡi thép vẫn không hề gợn mẻ. Có điều lạ là không hiểu tại sao người Trung Hoa lại gọi thứ khí giới ấy là: “Đao” mà không là “Kiếm”. Thứ Kích đao bao giờ cũng thành cặp, một Trường, một Nụy, hình thức như nhau, duy chỉ có lưỡi thanh Nụy ngắn hơn thanh Trường đến một nửa). Trong khi xung phong, Sơn Điền Dã Tử lúc sử dụng thanh Trường kích đao, lúc thanh Nụy vô chừng. Cũng có khi y sử dụng cả hai, xông xáo hằm hè cực kỳ dữ dội không khác chi mãnh hổ.

Khi Liễu Hạ Đằng đến Xung Thằng trường đảo mời, Sơn Điền Dã Tử có hỏi rằng :

– Đại ca mời tôi có mục đích gì khác hơn hay là phụ tá làm thủy khấu chăng?

Vốn nghe tánh Sơn Điền tánh tình khí khái, Liễu Hạ Đằng lựa lời đáp :

– Có mục đích khác nữa, nhưng e nói ra hiền đệ cho là tôi đa sự, không chịu hợp tác.

Sơn Điền cười khà :

– Phải nói cho ta hay mới được. Tôi ưa biết công việc mà tôi sẽ phải làm.

– Mấy lần tôi vào miền duyên hải Sơn Đông đều đụng độ với tên Náo Hải Thần Hắc Vân Long và bị nó đánh thua đến nỗi tôi phải nhảy xuống biển trốn mới thoát chết. Chuyến cuối cùng, trong khi giao tranh, Hắc Vân Long mạt sát ta là bọn Nụy khấu không có người tài mà dám vào hoạt động trong hải phận Trung Quốc. Sức tôi hèn kém không đánh nổi đã đành, nhưng nó dám mạt sát toàn thể dân tộc ta thì quả là một sự không thể tha thứ được. Dò hỏi khắp nơi, không gặp người tài sức khả dĩ áp đảo nổi Hắc Vân Long, mới đây, nghe danh hiền đệ nên tôi thân đến yết kiến, yêu cầu hiền đệ giúp tôi, đánh Hắc Vân Long một trận tơi bời cho y bớt kiêu căng, hỗn xược khinh dân tộc ta bất tài.

Nghe Liễu Hạ Đằng nói vậy, Sơn Điền Dã Tử sắc diện đỏ gay, đứng phắt dậy, hai tay chống nạnh lên sườn, đi đi lại lại như con hùm dữ. Lát sau, Sơn Điền đứng sững lại trước mặt Liễu Hạ Đằng hỏi :

– Nếu tôi nhận giúp, đại ca chịu để tôi điều khiển đoàn thuyền đi tìm Hắc Vân Long ngay?

Liễu Hạ Đằng cả quyết :

– Tùy ý hiền đệ điều khiển, ngu huynh chỉ đóng vai dẫn đường.

Sơn Điền Dã Tử vỗ vai Liễu Hạ Đằng :

– Nếu vậy, tôi ưng chịu giúp đại ca. Bao giờ đi?

– Đi được ngay càng hay.

– Đại ca để lại số tiền cho gia mẫu chi dùng, tôi sẽ đi ngay.

Liễu Hạ Đằng mở bọc hành lý lấy một nén vàng đưa cho Sơn Điền :

– Hiền đệ hãy cầm số vàng này đưa cho lệnh mẫu chi dùng.

Sơn Điền lẳng lặng nhận vàng vào nhà trong, lát sau trở ra lưng đeo khăn gói, đai dắt Trường Nụy Kích Đao. Y bảo :

– Nào đi!

Liễu Hạ Đằng ngạc nhiên :

– Xong rồi ư?

Sơn Điền Dã Tử cười vang :

– Tôi hỏi đại ca tiền, đại ca cho vàng yêu cầu tôi đi cùng. Nay tôi đi ngay theo lời hứa, đại ca lạ lắm sao?

Liễu Hạ Đằng vội chữa :

– Tôi ngạc nhiên ở chỗ hiền đệ lanh lẹ giản dị. Đức tính ấy thiệt đáng quý!

Hai người ra khỏi cổng tre, Sơn Điền chỉ cây soan gốc lớn bằng bắp đùi đoạn rút phắt thanh Trường kích đao lưỡi lóng lánh sáng ngời dưới ánh mặt trời mà rằng :

– Liễu Hạ Đằng đại ca chém đứt nỗi cây xoan kia không?

Hạ Đằng nhìn gốc cây ước lượng, rút trường đao đáp :

– Chắc không nổi, nhưng cũng thử xem sao?

Dứt lời, y hoa đao nhảy bổ tới chém mạnh một nhát, lưỡi đao đâm ngập hẳn vào gốc cây. Liễu Hạ Đằng dùng sức nhấc tới ba lần mới rút được võ khí ra :

– Rắn quá! Tôi lo gãy đao. Hiền đệ thử không? Thanh Trường đao của hiền đệ có vẻ lâu đời rồi hả?

Sơn Điền Dã Tử cầm ngược kích đao đưa ra trước mặt cho Liễu Hạ Đằng coi :

– Thứ võ khí này đã bốn đời do các võ sĩ họ Sơn Điền sử dụng rồi. Cầm thử xem?

Nói đoạn, Sơn Điền liệng thanh đao cho Liễu Hạ Đằng đón lấy coi.

Họ Liễu nhìn kỹ, trả đao cho Sơn Điền :

– Lưỡi đao này thật hiếm có. Hiền đệ thử chém cây xoan xem nào.

Hạ Đằng vừa dứt lời thì Sơn Điền đã hai tay cầm cán đao hoa lên mấy đường, lưỡi đao loang loáng rít lên trong không khí, y nhảy tới bên gốc xoan dùng toàn lực chém mạnh.

Soạt! Làn đao vút lên như chớp giựt. Gốc xoan bị tiện đứt đôi, nửa cây đầy cành lá đổ xuống bên đường, cát bụi mù mịt.

Liễu Hạ Đằng tấm tắc khen ngợi :

– Lưỡi đao thiệt tốt, nhưng dũng lực của hiền đệ mới càng ghê gớm. Thiên hạ đồn hiền đệ là một dũng sĩ vô địch kể cũng danh bất hư truyền.

Sơn Điền nói :

– Đao tốt, dũng lực là một chuyện, nhưng cũng phải biết cách chém, lưỡi đao mới qua. Gốc cây xoan này thì còn chém đứt được, nếu lớn hơn chút nữa, tiểu đệ cũng khoanh tay chịu hàng.

Các người lối xóm kéo ra xem Sơn Điền Dã Tử thử Kích đao, ai nấy đều lắc đầu thè lưỡi thán phục. Sơn Điền tra đao vào vỏ, rồi cùng Liễu Hạ Đằng tiến bước. Y vẫy tay chào lớn :

– Quý vị ở lại nhà nhé, tôi đi ít lâu trở về sẽ mua quà tặng. Nhờ để ý tới lão mẫu dùm.

Mọi người đều niềm nở chào lại :

– Liệu về mau lẹ nhé. Xóm này nhờ Sơn lang lắm đó!

Hai người bạn mới vừa đi vừa chuyện trò không mấy chốc đã ra tới bến. Liễu Hạ Đằng chỉ chiếc thuyền lớn đậu lù lù ở giữa đám ngư thuyền mà rằng :

– Chiến thuyền của chúng ta kia kìa.

Sơn Điền đứng dừng ngắm nghía :

– Khá lắm! Bốn buồm lớn, nhỏ phải không? Tôi ưa thứ thuyền này hơn là những thứ lớn hơn nữa, kềnh càng bất lợi.

– Phải rồi, bốn buồm. Thuyền lớn hơn cũng có lợi ở chỗ đem theo được nhiều bộ hạ hơn. Sơn Điền hiền đệ thạo về thủy chiến?

Sơn Điền mỉm cười nhìn bạn đồng hành :

– Ba năm trước, tôi ở trong thủy đội của Lục Xuyên Hầu bên Quang Đảo. Vì một chuyện tức mình, tôi hạ hai tên thủy tướng của Lục Xuyên và bỏ chạy về đây ẩn danh.

Hai người xuống bãi cát đi qua các ngư thuyền, rồi leo lên chiến thuyền mà Sơn Điền thấy đằng mũi đề hai chữ “Kinh Điều”.

– A! Chiếc này là soái thuyền?

Liễu Hạ Đằng gật đầu :

– Tôi dùng thuyền chỉ huy rước hiền đệ cho long trọng.

– Cảm ơn hảo ý. Tôi chỉ e phụ lòng quý mến của đại ca thôi.

Vỗ vào cán Kích đao, y nói tiếp :

– Dù sao đại ca cũng có thể tin ở cây đao này được. Đao còn thì Sơn Điền này còn làm nên chuyện.

Các thủy thủ tặc khấu thấy đầu lãnh đi với một dũng sĩ oai phong lẫm liệt lên thuyền, giàn thành hàng lối chào. Để mua lòng Sơn Điền, Liễu Hạ Đằng nghiêm nghị bảo các thủ hạ :

– Tướng quân Sơn Điền Dã Tử đây là biểu đệ ta. Các ngươi phải tuân lệnh Tướng quân cũng như ta, nghe?

Bọn thủ hạ dạ vang. Chiến thuyền Kinh Điền cất neo trở về căn cứ Nụy khấu. Sơn Điền Dã Tử ở Kinh Điều đảo mấy hôm cho đủ thì giờ quen thuộc các bạn mới, và xem xét thủy đội xong xuôi là đòi đi tìm Hắc Vân Long ngay. Liễu Hạ Đằng ưng thuận, định đốc xuất toàn thể chiến thuyền đi theo. Sơn Điền can :

– Bộ đại ca định đi đánh Hắc Vân Long báo thù chơi hay là có ý muốn chiếm đại lục Trung Quốc vậy?

– Đánh Hắc Vân Long một trận tơi bời, chớ chiếm sao được Trung Quốc với một nhóm chiến thuyền cũ kỹ này?

– Đánh Hắc Vân Long mà đem toàn số chiến thuyền của ta theo thì nhiều quá. Đại ca quên rằng chúng ta cũng là phường cướp bể như Hắc Vân Long. Hơn nữa, ta sang tận hải phận ngoại bang để tìm đánh một bạn đồng nghiệp, đại ca huy động toàn lực như vậy há không sợ thủy đoàn tuần tiễu Trung Hoa bắt gặp thì tất cả đều lâm nguy sao? Huy động năm chiến thuyền lớn, gọn gàng và đoàn thủy thủ tinh nhuệ là đủ rồi. Lỡ gặp thủy đoàn ngoại bang, ta phân tán cũng dễ dàng không lo ngại.

Liễu Hạ Đằng nói :

– Thủy lực của Hắc Vân Long cũng đông và ghê gớm lắm. Chúng ta chỉ vỏn vẹn năm chiến thuyền thì địch sao lại?

Sơn Điền phản đối :

– Thủy đoàn của y tuy đông, nhưng tôi quyết rằng, vì lẽ sợ đụng độ với quan thuyền, y không khi nào dám ngang nhiên kéo toàn lực nghênh ngang ven biển như vậy. Khi gặp Hắc Vân Long, dám đoán chỉ gặp một phần lực lượng của y thôi.

– Số là hiền đệ không hiểu, tôi muốn vào tận sào huyệt của họ Hắc tại Linh Sơn đảo đánh cho nó một trận tan tành mới hả giận.

Sơn Điền cả quyết :

– Tôi chỉ chủ trương dùng năm chiến thuyền thôi. Khi gặp Hắc Vân Long áp đảo một thuyền y tất sẽ áp đảo được toàn thể.

Biết Sơn Điền tự tin không cần tới số đông, Liễu Hạ Đằng chiều và lập tức huy động năm chiến thuyền ăn ý nhất ra khơi, tiến về hướng vịnh Trực Lệ. Thuận gió, đoàn thuyền Nụy khấu tiến lẹ, tảng sáng ngày thứ ba thì nhập hải phận Sơn Đông. Sương mù dày đặc, Liễu Hạ Đằng và Sơn Điền Dã Tử cùng ở trên thuyền chỉ huy Kinh Điều. Hạ Đằng nhìn địa bàn toan hướng mũi thuyền về phía Linh Sơn đảo thì chợt thấy một chiếc thuyền quen mắt vượt sóng tiến về hướng nam. Nhờ ở sương mù chỗ dầy, chỗ đậm, Liễu Hạ Đằng nhận ra chiến thuyền Hắc Long mà trái lại bên thuyền Hắc Long đoàn thủy thủ không trông thấy thuyền Nụy khấu.

Liễu Hạ Đằng mừng rỡ bảo Sơn Điền Dã Tử :

– Chúng ta may mắn quá! Chiến thuyền vừa rồi là của Hắc Vân Long. Trong hai trận đụng độ của với y trước kia, Vân Long đều ngự trên thuyền này. Hiện thời không hiểu y đi đâu mà chiến thuyền đó độc xuất, ta theo đánh đi?

– Ta nên theo xa xa chờ sương mù tan hẳn sẽ áp mạn đánh mới sướng tay.

Liễu Hạ Đằng đồng ý.

Về phần chiến thuyền Hắc Long nhân viên lục đục gần suốt đêm sửa soạn để đi xa theo lệnh của Đường Trại Nhi, nên lúc ra khơi trừ vài thủy thủ có phận sự điều khiển lái và buồm cho thuyền chạy còn thì ngủ êm hết cả. Họ thuộc hải phận Sơn Đông nên an tâm không lo nguy hiểm, chẳng dè gặp đúng hôm Nụy khấu tới.

Chờ lúc sương mù tan hết Liễu Hạ Đằng hạ lệnh cho đoàn thuyền giương thêm buồm đuổi theo, giàn thành chữ nhất chặn lối về thuyền Hắc Long. Sơn Điền bảo Liễu Hạ Đằng :

– Đại ca nên ra hiệu lệnh cho các thuyền khác lúc đuổi kịp thuyền địch thì chỉ được bao vây và dành phần áp mạn cho thuyền chỉ huy và mặc tôi chiến đấu với Hắc Vân Long. Như vậy, khi thua trận, lỡ y có trốn thoát, không còn viện được lẽ quả bất địch chúng.

– Hiền đệ nói phải. Xử sự như vậy mới là hảo hán anh hùng chớ! Tôi chắc chắn ở sự thành công của hiền đệ.

– Tôi chưa từng được mục kích phương pháp sử dụng võ thuật Trung Quốc như thế nào, nhưng tôi tin ở sức tôi và hai cây đao này!

Nhờ có Sơn Điền, nên khi Nụy khấu đuổi kịp, chiến thuyền Hắc Long chỉ bị vây và bị tấn công lấy lệ bằng các loạt tên để mở đường cho chiến thuyền Kinh Điều áp mạn. Sơn Điền, Liễu Hạ Đằng tuốt võ khí đứng ở mũi thuyền quan sát cuộc bao vây. Hai người lấy làm lạ không thấy bên thuyền địch bắn trả lại mà cứ thỉnh thoảng lại có một mũi tên từ đâu bay tới hạ một thủy thủ bên đoàn thuyền nhà. Mãi sau, nhìn một thủy thủ trúng tên trên thuyền Kinh Điều, thấy đuôi tên chổng ngược, thấy đuôi tên chổng ngược, Sơn Điền mới nhận ra Chu Đức Kiệt đứng cheo leo trên Viễn phòng bàn, ẩn hiện sau một cánh buồm, liền chỉ cho Liễu Hạ Đằng coi :

– Tên địch đứng trên cao kia bắn lợi hại quá! Bách phát bách trúng, phải chăng đó là Hắc Vân Long?

Liễu Hạ Đằng cố nhìn, mãi sau mới nhìn thấy mặt Đức Kiệt, y nói :

– Không phải! Tên nào lạ mặt quá! Có lẽ nó là thuộc hạ của Hắc Vân Long.

Sơn Điền bảo thủy thủ đưa cung tên, toan nhằm người đứng trên Viễn phòng bàn bắn trả lại thì vừa lúc Chu Đức Kiệt nhảy xuống mui thuyền. Một thiếu phụ xinh đẹp từ ổ lái chạy tới đứng bên tráng sĩ kỳ lạ. Sau đó cả hai người cùng núp sau đại mộc, tránh tên.

Sơn Điền lấy làm lạ, bảo Liễu Hạ Đằng :

– Ủa! Sao không thấy Hắc Vân Long? Hay là đại ca nhận lầm thuyền địch?

– Làm gì có chuyện ấy! Hai chữ Hắc Long còn đề rành rành ngay mũi thuyền chạm chổ đầu rồng kia thôi

– Được lắm! Ta cứ áp mạn đánh, sau sẽ hay.

Giữa lúc hai người đang bàn tán thì bên chiến thuyền Hắc Long, Chu Đức Kiệt hạ lệnh cho thủy thủ nhả tên sang thuyền địch. Sơn Điền, Liễu Hạ Đằng vội núp vào một cột buồm lớn tránh tên và hạ lệnh áp mạn. Hai chiến thuyền Kinh Điều, Hắc Long lướt nhẹ sát nhau. Nhân viên cả hai bên cùng sợ đụng mạnh bể hông thuyền. Nụy khấu nhân dịp ấy tung câu liêm ra móc thuyền địch dìu hai mạn thuyền với nhau. Phần thủy thủ Hắc Long nhất định xô ra chặt dây nhưng chi chặt được vài cái thì hai mạn thuyền đã gắn chặt với nhau. Thủy thủ hai bên cùng reo hò xông cả ra mạn thuyền xáp chiến, đâm chém bừa bãi. Sơn Điền và Liễu Hạ Đằng cùng nhảy lên mui tàu, Hạ Đằng dùng tiếng Trung Hoa rất thạo :

– Ai là Hắc Vân Long, ra đây cùng Liễu Hạ Đằng nói chuyện!

Nghe vậy, Đường Trại Nhi nói nhỏ với Chu Đức Kiệt :

– Bọn này là Nụy khấu trước kia bị Hắc Vân Long đánh thua nên muốn trả thù. Chúng lầm tưởng có họ Hắc trên thuyền. Ta trả lời rằng không có Vân Long ở đây, may ra chúng bỏ đi chăng?

Chu Đức Kiệt bảo Liễu Hạ Đằng :

– Đại ca lầm rồi. Hắc Vân Long là ai chúng tôi không quen biết.

Liễu Hạ Đằng trừng mắt :

– Ta biết rõ chiến thuyền này của Hắc Vân Long, cớ sao các ngươi chối cho y? Ta chỉ cần nói chuyện với y thôi, không can gì đến mọi người.

Chu Đức Kiệt điềm nhiên :

– Không tin, mời đại ca qua đây khám xét xem, nếu thấy Hắc Vân Long muốn làm gì y thì làm.

– Nói vậy không nghe được! Giao mỹ nhân cho ta làm tin và bảo Hắc Vân Long đến chuộc thì được.

Biết không tránh được xung đột, Chu Đức Kiệt bảo nhỏ Đường Trại Nhi :

– Thế nào cũng xung đột. Tôi sẽ nhảy sang thuyền giặc chiến đấu, trong khi đó thì cô nương liệu bề đào tẩu, nhé?

Trại Nhi dùng dằng :

– Ai lại thế! Để Chu lang lại nơi nguy hiểm, chạy lấy một mình thì dù thác thiếp cũng không khi nào chịu như vậy.

Đức Kiệt gắt :

– Đừng làm mất thì giờ! Đoàn quan thuyền đến đằng xa kia rồi. Chính vì lý do đó tôi bảo cô nương chạy. Thiệt ra, tôi sợ gì lũ Nụy khấu này? Muốn tỏ tình mến thương nhau, hãy nghe lời tôi. Sau này tái hội…

Thấy cặp nam, nữ nọ thì thào với nhau, Liễu Hạ Đằng không hiểu, nóng ruột quát lớn :

– Thế nào? Mỹ nhân có chịu làm con tin theo ta không?

Đức Kiệt nghiêm nghị :

– Nàng ưng thuận nhưng với điều kiện là trong bọn các ngươi, ai dám đấu võ với ta? Nếu ta thua thì tùy ý các ngươi đem nàng đi đâu cũng được. Nhưng trái lại các ngươi thất trận thì phải rút lui tức khắc! Được không?

Liễu Hạ Đằng quay lại nói bằng tiếng Phù Tang với Sơn Điền Dã Tử, đoạn hỏi Đức Kiệt :

– Vị võ sĩ đạo này muốn nghinh tiếp ngươi trong một trận đấu đao. Vậy đấu bên thuyền nào?

Nhân dịp thuận lợi. Đức Kiệt đáp :

– Đấu bên thuyền ngươi, hãy dọn dẹp chỗ đấu đi cho sạch và neo thuyền cho đỡ bồng bềnh.

Trong khi hai tên Nụy khấu đốc thúc thủy thủ sửa soạn nơi đấu ở mũi thuyền còn buông neo bên chiến thuyền Hắc Long, Chu Đức Kiệt bảo Đường Trại Nhi :

– Thuyền địch buông neo, tôi sẽ bất chợt chặt đứt dây móc áp mạn khi sang bên thuyền chúng. Cô nương liệu bảo thủy thủ sẵn sàng chạy liền, mặc tôi cản Nụy khấu nghe.

Nghe vậy, Đường Trại Nhi biến sắc, cặp mắt huyền mơ màng nhìn Đức Kiệt, miệng hoa thổn thức :

– Chu lang!

Nàng không muốn rời người mà nàng yêu thương thành thật cũng như nàng không nỡ bỏ đi giữa lúc – theo ý nàng – Đức Kiệt có thể lâm nguy. Đức Kiệt hào hùng, kiêu dũng như vị thần tướng đứng trước mặt nàng. Biết nam giới đã nhiều, nhưng chưa bao giờ nàng gặp một trang hảo hán anh hùng chân chánh như chàng. Hạnh phúc thay, vị nội tướng của chàng! Yêu bao nhiêu, cảm mến Đức Kiệt bao nhiêu, Trại Nhi càng tủi phận bèo dạt mây trôi bấy nhiêu. Bao nhiêu hy vọng tràn ngập tim nàng từ hôm qua khi dùng Mê Hồn phấn bắt được chàng, nay phút chốc tan như mây khói! Thôi, thế là xong! Cuộc trùng phùng mà bao lâu nay nàng đặt cả tâm tư mong ước đã hiện hình trong thời gian ngắn ngủi, và giây phút này đây trước viễn tượng chia ly không hạn kỳ tái ngộ. Trại Nhi cảm thấy bâng khuâng xao xuyến, tim nàng tan tành như bãi chiến trường… Từ đây nàng lại là con thuyền không bến, lênh đênh trôi dạt má hồng phận bạc kiếp sống phù du…

Đau đớn hiện trên khuôn mặt xinh đẹp, Trại Nhi cầm lấy tay Đức Kiệt, năn nỉ :

– Chu lang, đừng khinh thường tay kiếm của thiếp, thiếp có thể giúp chàng…

Đức Kiệt khích lệ :

– Cô nương hãy tỏ cảm tình bằng cách nghe lời tôi. Tình thế vô cùng cấp bách. Quan thuyền đuổi kịp vây chặt, chạy sao thoát? Hãy đi đi? Non xanh kia chẳng đổi, nước biếc nọ còn dài, trên bước giang hồ, lo chi chẳng ngày hậu hội? Tay kiếm của cô nương vô ích, mặc bọn Nụy khấu phần tôi. Vả lại, quan thuyền sắp tới nơi rồi, chúng sẽ đồng loạt sa lưới.

Trại Nhi rớm lệ nhìn chàng :

– Nhưng lúc này Chu lang đơn thương nhất mã.

– Không lo! Dù chúng vạn mã, muôn binh cũng không đáng kể nữa là!

Bên chiến thuyền Nụy khấu đã sửa soạn xong, Liễu Hạ Đằng vòng tay bắc loa miệng gọi :

– Nào, sang đây! Từ biệt chưa chán ư?

Đức Kiệt nhẹ nhàng rút tay ra khỏi hai bàn tay trắng nuột mềm mại của Trại Nhi. Nhìn nàng, chàng mỉm cười :

– Chúc cô nương thượng lộ bình an, gặp nhiều may mắn… Nhớ bất chợt cho thuyền chạy, nghe?

– Chu lang…

Đức Kiệt đã thoăn thoắt nhảy vút lên thành thuyền, bất chợt rút phắt Thất Tinh đao đưa nhẹ mấy nhát cắt đứt dây chão áp mạn. Hai chiến thuyền rời hẳn ra. Từ thành chiếc Hắc Long, Đức Kiệt nhảy sang thuyền địch trước sự công phẫn của hai tướng Nụy khấu. Liễu Hạ Đằng tiến lên quát :

– Ngươi gian ngoa hứa như vậy ư?

Đức Kiệt trợn mắt mắng :

– Bọn tặc khấu các ngươi thì hứa và giữ lời làm chi cho mất công! Bộ các ngươi lo thuyền ta chạy và lo luôn cả cho ta đơn thân giữa bọn sài lang các ngươi sao?

Liễu Hạ Đằng chưa kịp đáp thì Sơn Điền Dã Tử đã dũng mãnh xô lên trước nhíu cặp mày chổi xể, trợn mắt tròn xoe, dữ như Hứa Chử thời Tam Quốc, gườm gườm nhìn Đức Kiệt. Đoạn y quay bảo Liễu Hạ Đằng :

– Thiếu chi mỹ nhân mà tranh luận mất thì giờ? Xong trận này về Trường đảo, tôi sẽ dẫn đại ca đến một nơi mà mỹ nữ Phù Tang nhan sắc tuyệt vời! Muốn bao nhiêu cũng có! Lùi xuống, để tên này ta lo!

Dứt lời, Sơn Điền quắc mắt nhìn đối phương, chuyển bộ cước đứng xoạc hai chân, cầm ngược thanh Trường kích đao lưỡi long lanh phản chiếu ánh Thái dương có ý nạt đối thủ bằng thứ khí giới đặc biệt của y.

Đức Kiệt mỉm cười, khen thầm địch thủ dũng mãnh. Nhìn qua khí giới của Sơn Điền không hẳn là kiếm mà cũng chẳng ra đao, nhưng Đức Kiệt biết là lợi hại. Chuyến này là lần thứ nhất chàng đụng độ với một ngoại nhân và ngoại nhân ấy là người của một quốc gia nổi danh có môn Võ Đạo đặc biệt. Môn Võ Đạo đó như thế nào? Hiện thời chàng sắp biết rõ. Chỉ hiểu rằng lúc này trước mặt chàng, trang hảo hán đang diễn võ dương oai, thẳng thắn phô bày võ khí kia bề ngoài lợi hại, tuy rằng chưa hiểu công phu của y điêu luyện đến đẳng cấp nào.

Về phần Sơn Điền Dã Tử, giữa lúc y dương oai phô bày thanh Kích Đao, quắc mắt nhìn chầm chập đối phương mới là lúc y nhận thấy chân giá trị về sự cân đối, dũng lực, biểu lộ bởi thân hình lực sĩ cực đẹp của chàng hảo hán giang hồ mã thượng đang điềm tĩnh, tươi cười đứng trước mặt y.

Xưa nay, mỗi khi Sơn Điền lâm trận, mỗi khi y biểu diễn thế võ dữ dội để phô trương món võ khí lợi hại của y, chưa bao giờ y thấy đối phương không thận trọng, không nhận xét rõ ràng. Sơn Điền nhận thấy rằng sau khi đối thủ nhận rõ y thì sự lo sợ, ngần ngại hiện ngay ra trong cặp mắt địch, chân tay cử động mất mạch lạc, nhịp nhàng. Lúc ấy, y chỉ có việc chuyển mình thật dữ dội sang thế võ khác, đồng thời gầm lên một tiếng, chỉ phắt mũi Kích Đao vào phía đối phương là kẻ địch mất thần lui luôn một mạch bốn năm bước, hay ít ra cũng lùi quanh vòng chiến để tránh sức nhìn điện tử của cặp mắt diều hâu và mũi Kích Đao lăm lăm như muốn xiên thẳng qua lồng ngực kẻ nào dám chống đối với nó. Địch thủ hiện thời của y là người Hán. Hơn nữa, trận đấu sắp tiếp diễn ra đây ở trong hải phận Sơn Đông, vậy có lẽ tráng sĩ kia là người Sơn Đông chăng? Tuy chưa lần nào Sơn Điền đụng độ với ngoại nhân, nhưng từ hôm theo giúp Liễu Hạ Đằng, y luôn luôn nghe mọi người trong bọn nói đến Sơn Đông nghịch địa rất mạnh mẽ, quả cảm nếu không gọi là liều mạng. Phải chăng gã địch thủ này là một tên liều mạng nên y mới khinh thường Tử Thần đại diện bởi Sơn Điền Dã Tử? Sơn Điền còn nhớ lời dạy của Sơn Điền Thất Lang – phụ thân y – sau khi đã truyền hết môn Võ Đạo gia truyền cho y. Lời nói ấy lúc này bỗng dưng vang dội trong trí óc y:

“Dã tử! Ta đã truyền hết nghề nhà cho con. Đừng quên rằng môn Võ Đạo của họ Sơn Điền là một trong tám danh gia của Phù Tang tam đảo. Ta nghèo, nhưng võ nghệ của dòng họ Sơn Điền không nghèo. Với cặp kiếm Kích đao ta nhường lại cho con đây, con có thể kiếm ra tiền ở bất cứ phương trời nào. Mãi võ lấy tiền, sát nhân cho phải lẽ là những điều rồi đây con phải làm, miễn sao cho đích đáng. Trong trường hợp ngoại chinh, nếu sau này con đầu quân, ta nhắc cho một điều là nên rất thận trọng trước một võ sĩ Hán tộc. Ta đã có dịp giao tranh với họ và kinh nghiệm sự lợi hại, tinh vi của môn võ người Hán. Biết đâu con sẽ như ta có dịp giao chiến với họ, với người có bản lãnh cao hơn những đối thủ của ta? Căn cứ vào kinh nghiệm rút trong những trận ngoại đấu ấy, ta thấy phải cần dạy bảo con ngay sau khi lãnh cặp Kích đao gia truyền này để bảo vệ thanh danh dòng họ Sơn Điền”.

Dã Tử nhận vàng, giúp sức Liễu Hạ Đằng để đánh một tên thủy khấu kiệt liệt Hán tộc. Hành động ấy không ô danh dòng họ Võ Đạo, trái lại giúp Liễu Hạ Đằng còn hiếm dịp để y được giao tranh với một đấu thủ người Hán có thành tích cao cường mà từ ngày phụ thân y về Trời, y vẫn ao ước có dịp so đao để phân tài cao thấp giữa môn Võ đạo của dòng họ y và môn võ Hán tộc. Dịp đó đã đến, thanh kích đao của Dã Tử sắp lấy máu địch thủ ngoại nhân, hoặc chính ngoại nhân đó sẽ lấy máu y. Đối với Dã tử, trận đấu sắp khởi diễn đây có điểm quan trọng: so sánh hai môn võ, danh dự của dòng họ y và chính mạng sống của y. Đối thủ kiêu dũng kia đã không phải là Náo Hải Thần Hắc Vân Long thì là ai? Tức thật, không biết tiếng để mà hỏi cho biết. Lỡ hạ lầm tên vô danh tiểu tốt chỉ có mã ngoài thì sao? Hỏi đã vội chi!

Nghĩ vậy, Sơn Điền Dã Tử bỗng nhiên thâu đao, lùi bước, quát hỏi đối thủ bằng tiếng Phù Tang.

Liễu Hạ Đằng hiểu tình hình, bèn thông ngôn với Đức Kiệt :

– Vị võ sĩ đạo đây muốn biết danh tánh của ngươi.

Đức Kiệt đáp :

– Dù nói tên ta thì bọn Nụy khấu ngoại nhân các ngươi cũng không hiểu biết chi cả. Tuy vậy, đã hỏi, ta cũng cho nghe: Sơn Đông Đơn Đao Chu Đức Kiệt danh trấn giang hồ là ta.

Liễu Hạ Đằng lập lại với Sơn Điền Dã Tử.

Sơn Điền thích chí cười vang :

– Ha, ha! Ta đang muốn so đao với một võ sĩ Hán tộc hữu danh, thì kẻ đó đang đứng trên chiến thuyền này! Khoái quá! Liễu đại ca cũng nên cho nó biết tên dòng họ nhà tôi. Nói cho nó biết kẻo lát nữa nó oán hận!

Liễu Hạ Đằng chỉ Sơn Điền bảo Đức Kiệt :

– Võ sĩ đây là Sơn Điền Dã Tử, một trong tám danh gia Võ Đạo của Tam Đảo, cặp Kích đao truyền thống kia đã từng uống máu nhiều địch thủ anh hùng, nếu ngươi có điều chi ngần ngại cứ việc trình bày. Võ sĩ đạo nước ta rất rộng lượng, thương kẻ yếu hèn.

Từ lúc khởi đầu đến nay, Đức Kiệt bình tĩnh là vì chàng cho rằng trận đấu này cũng như các trận đấu khác, gặp giặc thì đánh, không có gì đáng quan tâm. Nhưng bây giờ chàng hiểu thái độ của đối phương. Thì ra y muốn giao chiến để thử thách, so sánh hai môn võ, hai danh gia. Được lắm, ta cũng muốn thử xem tài sức của Nụy khấu cao đến mức độ nào!

Nghĩ vậy, chàng bảo luôn :

– Ta muốn hiểu tại sao Võ sĩ đạo lại hiện diện trong đoàn thủy khấu. Mạo danh thì chết đa!

Sơn Điền rất tinh ý, nhận thức được ý nghĩa câu hỏi của đối phương nên y căn vặn Liễu Hạ Đằng. Họ Liễu không dám nói sai đành thuật đúng nghĩa câu hỏi của Đức Kiệt.

Chạm lòng tự ái, Sơn Điền Dã Tử nhìn thẳng vào mặt đối thủ, vỗ ngực nói một thôi, một hồi những gì mà Đức Kiệt như vịt nghe sấm chẳng hiểu chi cả, chỉ biết là Sơn Điền có vẻ mích lòng.

Liễu Hạ Đằng thông thuật :

– Sơn Điền Dã Tử võ sĩ tới đây giúp ta cốt ý đánh bại Hắc Vân Long rồi trở về Trường đảo. Nhưng rất bằng lòng được gặp ngươi là con người kiệt liệt, danh trấn giang hồ. Tuy vậy, võ sĩ cũng muốn cho người hay rằng, có thực tài hãy giao đấu, kẻo để mất mạng đó.

Chu Đức Kiệt cười ròn rã :

– Ngươi bảo Sơn Điền an tâm. Ta lo thứ công phu võ nghệ của y chưa được tuyệt hảo!

Liễu Hạ Đằng thông ngôn nguyên văn. Sơn Điền Dã Tử nổi giận đùng đùng trừng mắt nhìn Chu Đức Kiệt, đoạn nhảy phắt ra chỗ cũ biểu diễn một thế võ khác, cầm tréo Trường kích đao cho đối thủ coi. Sợ Đức Kiệt không hiểu tác động ấy, Sơn Điền đưa tay tả chỉ vào lưỡi Kích đao để giới ý địch thủ.

Chu Đức Kiệt thừa hiểu, Sơn Điền là một võ sĩ muốn đấu thực sự. Tánh tình y ngay thẳng, phô cho đối thủ biết rằng y có báu đao nên đề phòng kẻo lúc thua lại oán hận về sự xấu tốt chênh lệch của võ khí. Đã vậy, y cũng cần hiểu giá trị của bảo đao Thất Tinh.

Từ nãy, Đức Kiệt đã gài đao vào bao, chàng điềm đạm vào vòng chiến rút phắt Đơn đao hoa tròn trên đỉnh đầu một vòng, đao ảnh xanh lè, làn đao rít lên như tiếng xé lụa. Chàng biểu diễn mấy đường bái tổ tuyệt đẹp của bài Chu Gia Phong Vũ Đao và thủ luôn thế Võ Tòng Đả Hổ cực oai dũng.

Giữ nguyên bộ vị, Sơn Điền Dã Tử chăm chú nhìn võ khí đối phương và nhận xét lối khởi chiến hoa mỹ dũng mãnh của địch thủ. Y khen thầm Đức Kiệt nhưng tự hào sức vạn nhân địch vẫn chưa hết ỷ ở thành Trường kích đao của mình. Trái lại, Liễu Hạ Đằng so sánh nhận xét thấy thanh Đơn đao của Chu Đức Kiệt lưỡi dài bằng Trường kích đao của Sơn Điền, vẫn ngắn hơn một phần ba, nhưng bản đao rộng hơn gấp ba lần, sắc đao long lanh khác hẳn những thanh đao khác của người Trung Quốc mà y đã có dịp gặp. Hai lần thua Hắc Vân Long nên chuyến này, trước một Chu Đức Kiệt oai vũ hơn Hắc Vân Long nhiều, Liễu Hạ Đằng thấy lo thay cho trang võ sĩ của mình. Sơn Điền to ngang thô kệch như một con gấu, dũng lực biểu lộ ngay trên toàn thân y. Ngược lại, Chu Đức Kiệt nở nang tột bực, nhưng toàn thân đều đặn uyển chuyển, oai hùng như mãnh hổ. Sơn Điền dữ tướng bao nhiêu thì Đức Kiệt đẹp, cương quyết, dũng cảm bấy nhiêu. Hai đối thủ đang thủ thế gờm gờm nhìn nhau trong vòng chiến kia là cả hai pho tượng đối lập nhau vì hình thức: thô bạo và hùng dũng.

Toàn thể thủy thủ Nụy khấu đều im phăng phắc, chắm chú quan sát trận đấu sắp khởi diễn. Chúng phập phồng, hồi hộp y như chính là chúng đang ở vòng chiến và sắp sửa chịu sức tấn công của một trong hai đấu thủ…

Bỗng Sơn Điền tiến chân tả lên phía trước mặt, đồng thời hai tay cũng cầm đao chuyển hướng Kích đao, chỉ thẳng mũi đao vào hướng ngực Đức Kiệt. Cùng với thế và khởi đầu ấy, Sơn Điền gầm lên tiếng thật dữ dội, chói ráy khiến mọi người đứng chung quanh khiếp đảm, không ai bảo ai mà cùng lùi cả lại một bước Thủ nguyên thế Võ Tòng Đả Hổ tay tả nắm lại thâu vào bên sườn, tay hữu cầm tréo đốc mũi đao xuống sàn thuyền, hai chân đứng Chảo mã, tả Sinh, hữu Tử, Chu Đức Kiệt không hề nhúc nhích trước lối khởi đầu nạt nộ của đối phương. Chàng nhận thấy Sơn Điền có bộ pháp hẳn hòi, nhưng không tỉ mỉ rõ rệt như võ thuật Trung Hoa.

Sơn Điền đổi thế nữa. Y hoa hai vòng đao bên tả, bên hữu, thâu bộ cước lại chuyển sang thế chân co, chân duỗi, ngả mình về phía sau, hai tay cầm Kích đao, mũi đao chỉ thiên đưa cao lên khỏi vai hữu, y hệt sắp sửa xông vào chém vậy. Đồng thời lúc chuyển thế, Sơn Điền vẫn thét lên như sấm sét, cốt ý nạt nộ cho đối phương, khiếp đảm ngán y. Đó là đòn tinh thần khiến địch thủ rợn người, nao núng trước khi chịu trận. Mà thế thật! Lúc bấy giờ, Sơn Điền mặt đỏ gay, râu quai nón vểnh ngược, cặp mày chổi xề nhíu hẳn lại, hai mắt trợn trừng trừng, cổ bạnh hẳn ra, đại huyết quản nổi lớn như ngón tay. Y dữ như Thiên Lôi tướng quân.

Trước một đối phương yếu bóng vía, có lẽ Sơn Điền không cần đến giao đấu, cứ trổ tài thế oai hùng, gầm lên như mãnh hổ vồ mồi, là địch thủ phát hoảng bỏ chạy luôn. Khốn thay địch thủ hiện tại của Sơn Điền là trang hảo hán giang hồ đã từng bách chiến với đủ mọi hạng người hung hãn, hơn nữa, chàng là một cao đồ Bắc phái dày công luyện tập, tin ở tài lực mình vững chắc hơn là bàn thạch, thì cái lối áp đảo tinh thần của Sơn Điền thành vô dụng. Chu Đức Kiệt vẫn đứng trơ trơ như pho đồng tượng, điềm tĩnh nhìn thẳng vào sống mũi đối phương Trong khi giao đấu, võ pháp Trung Quốc cũng có thuật gầm, thét, thở mạnh, nhưng tựu trung lối quát tháo này không phải là thừa hoặc được phô diễn cho oai hùng theo sở thích cá nhân.

Gầm thét, quát tháo đây là một phương pháp hô hấp có hai tác dụng: hô hấp và chuyển tiếng trong lúc hô hấp mạnh thành gầm thét để nạt nộ địch thủ trong khi giao chiến. Liên tiếp, Sơn Điền chuyển đổi luôn năm thế, xoay quanh phía trước mặt Đức Kiệt và mỗi lần chuyển thế y gầm thét một lần. Bình tĩnh chờ tới lúc này, Đức Kiệt lần đầu giao đấu với võ sĩ ngoại bang nên kiên tâm chờ để quan sát, nhận thức võ thuật nước ngoài. Về sau, chàng không thấy gì lạ, bèn nhân lúc Sơn Điền sắp sang thế thứ sáu để nạt nộ mình mà khởi chiến, tấn công luôn.

Trong khi Sơn Điền đang chuyển thế, Đức Kiệt xô luôn tới quật dọng đao vào ngang cổ địch, thế công này chớp nhoáng, sóng đao quật tới mạnh mẽ như một thanh giản thép. Sơn Điền vội vàng lùi lại đưa Trường kích đao gạt. Sức gạt của võ sĩ này đã mạnh nhưng sức quật của Đức Kiệt lợi thế mạnh hơn, khiến Sơn Điền chùn cả chân tay lại, và lùi thêm một bước nữa. Thừa thế, Đức Kiệt quật trái một đao nữa nhằm địch thủ. Lần này, biết sức mạnh của đối phương rồi, Sơn Điền thụp xuống tránh đòn và xỉa luôn một mũi đao vào bụng địch, tiếp theo đòn ấy là một tiếng thét kinh hồn. Lẳng lặng, Đức Kiệt thâu đao về gạt mạnh, đoạn thoái luôn ba bộ. Tưởng đối phương đuối sức, Sơn Điền theo sát chém một lát thiệt mạnh tréo vai tả địch, Đức Kiệt hoa Thất Tinh đao gạt nữa. Choang! Hai món võ khí va phải nhau nẩy nửa, Sơn Điền vội thoái bộ thâu Kích Đao lại nhìn qua thấy lưỡi không hề gì, liền xô luôn đâm thẳng một mũi đao nhằm bụng địch. Đức Kiệt khen thầm địch thủ khá dũng mãnh và có võ khí tốt. Cho đến lúc này, chàng hoàn toàn đánh cầm chừng để thử tài sức Sơn Điền và xem xét sự lợi hại của thanh Kích Đao mà y từng khoe khoang. Sơn Điền nhào tới đâm thẳng vào bụng địch, nguy hiểm. Khẽ né sang bên tả, Đức Kiệt đưa đao chặn đao địch không cho Sơn Điền thừa dịp hất ngang, đồng thời chặt luôn một bàn tay Cương đao thủ trúng vai hữu đối phương.

Không quen lối đấu sử dụng cả võ khí lẫn quyền, cước, Sơn Điền bị trúng đòn đau điếng người, vội thâu đao lại nhảy ra khỏi vòng chiến, chỉ mặt đối phương gắt gỏng một hồi.

Liễu Hạ Đằng thông dịch cho Đức Kiệt :

– Sơn Điền võ sĩ nói rằng ngươi không được phép dùng quyền, cước trong khi đấu võ khí, như vậy bất hợp lệ.

Chu Đức Kiệt phì cười :

– Trước hết các ngươi phải yêu cầu điều đó ngay trước khi giáp chiến. Đừng quên rằng đây không phải là một trận đấu biểu diễn, mà là một trận giao tranh thật sự, đôi bên đều có phép dùng bất cứ thế võ nào, mánh lới nào hạ đối phương. Nhưng thôi, nếu Sơn Điền không thạo phương pháp đấu hòa hợp thì ta cũng rộng lượng dùng chuyên võ khí thôi.

Liễu Hạ Đằng lập lại cho Sơn Điền nghe. Chạm lòng tự ái, Sơn Điền chấp thuận hỗn đấu cùng đối thủ.

Nhận xét nét mặt, Sơn Điền, Đức Kiệt hiểu ngay là y tự ái liền nhận hỗn đấu hòa hợp võ khí và quyền, cước, nên chàng định tâm dùng nguyên đao pháp. Vừa rồi Đức Kiệt không có ý định đánh độc nên khi hạ Cương đao thủ chàng không cố ý nhắm trúng xương vai địch thủ, và cũng chưa dùng toàn lực. Nếu trái lại thì, với bàn tay sắt của Đức Kiệt, Sơn Điền đã bị gẫy xương quai sanh rồi.

Sau khi chà xát lấy, Sơn Điền bớt đau, cầm đao bước vào vòng chiến, quyết tâm báo thù. Vận dụng toàn lực, y hò hét, xông vào tấn công. Hoa Kích đao loang loáng, đâm chém tơi bời.

Đức Kiệt mềm mại, lanh lẹ như hầu viên trổ tài tránh né, khiến Sơn Điền toàn chém và đâm gió, mất sức nhiều. Y biết gặp đối thủ bản lãnh lợi hại, đời y giao tranh đã nhiều trận nhưng Sơn Điền chưa gặp một kẻ địch nào chịu nổi tới năm mươi hiệp mà không táng mạnh dưới lưỡi thần đao của y. Vậy mà đấu với Đức Kiệt, Sơn Điền có cảm tưởng địch thủ biểu hiện bất thường khiến y giao chiến không thích tay, hậm hực như kẻ bị thiếu thốn thứ gì.

Phần Đức Kiệt, chàng đoán biết hết ý nghĩ của Sơn Điền. Chàng khen thầm đối thủ tài sức đầy đủ, hiềm về đao pháp không được hoàn toàn tinh vi, nên trước một phương pháp sử dao cực kỳ hoàn mỹ của họ Chu gia, Sơn Điền chiến đấu dữ dội nhưng lạc lõng không được như ý.

Đức Kiệt nói lớn bảo Sơn Điền :

– Bây giờ đến lượt ta tấn công nghe? Coi này!

Sơn Điền đoán đó là câu nạt nộ, bèn phòng bị chống đối. Đức Kiệt hoa đao vù vù, đao ảnh vi vu toát lạnh tạt cả vào mặt Sơn Điền, nhảy xổ vào tái đấu. Chuyến này, chàng áp đảo với định ý định làm cho địch thủ phải khiếp đởm kinh hồn trước những đường đao bay bướm lợi hại, gia truyền. Chàng sử luôn bốn thế đao liên hoàn, tiền một ngọn Ngọc Đới Vi Yêu, tả một thế Phong Vũ Truy Hồn, hữu một đường Đại Hỏa Thiêu Thiên, hạ một ngọn Hàn Phong Tảo Địa.

Trước bốn thế liên hoàn đao khủng khiếp ấy, Sơn Điền hoang mang, mồ hôi toát ra như tắm, miệng thở hồng hộc, chân tay rời rạc, sai lạc cả phương pháp gạt đỡ, nên đành phải thoái luôn bốn, năm bộ.

Đức Kiệt đuổi theo, Sơn Điền bực quá, vận dụng toàn lực, hai tay cầm cán Kích đao nhằm vai địch thủ chém xả xuống, miệng thét :

– Chết này!

Đoán được thế chém cố cùng ấy, Đức Kiệt trợn mắt nhắm thanh Kích đao, chém ngang luôn một nhát cực kỳ dũng mãnh.

Soạt! Tiếng soạt khô khan tiếp theo là một tiếng choang của vật gì bằng kim khí rớt xuống sàn thuyền. Sơn Điền giật mình thâu kích đao lại thì ôi thôi! Lưỡi đao gia truyền của y đã bị Thất Tinh đao tiện đứt đôi, trong tay chỉ còn cán đao và một phần ba lưỡi đao lóng lánh. Vừa sợ, vừa tiếc, Sơn Điền tức giận nhưng không biết hành động ra sao trước một địch thủ lợi hại hơn mình và có một thanh đao rắn chắc, bén hơn Kích đao nhiều. Trong khoảng khắc, Sơn Điền tưởng Đức Kiệt thừa dịp ấy theo luôn hạ sát, nên vội nhảy xổ vào chỗ thủy thủ giành lấy một ngọn dáo phòng thân.

Nhưng không, Đức Kiệt cầm ngang Thất Tinh đao tươi cười bảo Liễu Hạ Đằng :

– Ta tha không giết kẻ chiến bại. Các ngươi biết điều thì hãy bỏ chiến thuyền này lại cho ta, sang thuyền khác chạy luôn. Hãy trông kìa!

Liễu Hạ Đằng không kịp thông dịch cho Sơn Điền nghe, và nhìn theo hướng tay chỉ của Đức Kiệt. Cái mà y trông thấy khiến y tái sắc toát mồ hôi. Đó là đoàn chiến thuyền quan quân Trung Quốc từ xa vùn vụt kéo tới, không còn cách xa mấy chốc. Liễu Hạ Đằng vội vàng hô bảo Sơn Điền và bọn thủy thủ rút lui. Thế là không ai bảo ai, chúng không kịp thì giờ hạ lệnh cho các thuyền khác vào gần để nhảy sang chạy trốn, nên hè nhau nhảy bừa cả xuống biển bơi qua thuyền đồng bọn. Tại sao chúng lại hành động như vậy?

Trước hết, Liễu Hạ Đằng biết là không thể cưỡng lời Chu Đức Kiệt, tự tiện cho thuyền chạy.

Sau là chiến thuyền Kinh Điều đã buông neo trước khi khởi trận giữa võ sĩ Sơn Điền và Chu Đức Kiệt, nên Nụy khấu không kịp kéo neo chạy. Lúc rời thuyền Hắc Long sang thuyền Nụy khấu, Đức Kiệt đã yêu cầu Liễu Hạ Đằng buông neo cho chiến thuyền khỏi bị sóng dội bồng bềnh trong khi giao đấu, âu cũng là dụng ý vậy.

Sau khi bọn Nụy khấu đã nhảy hết xuống biển, Đức Kiệt tra đao vào vỏ rồi kéo hai chiếc neo rất nặng nề lên. Không lái, không neo, thuyền Kinh Điều bị gió thổi, bắt đầu quay tròn thì Đức Kiệt chạy ra ổ lái, hướng thuyền chạy về phía quan thuyền lúc đó chỉ còn cách độ mười trượng.

Trên thuyền dẫn đầu, Đức Kiệt nhận ra Lam Y nữ hiệp, và Âu Dương Bích Nữ đang đứng trên đầu mũi quan sát. Một viên thủy tướng đứng trên mui thuyền đang chỉ chỏ về hướng thuyền Kinh Điều và hướng bốn chiếc thuyền Nụy khấu đang chạy ra khơi. Đoàn quan thuyền rã đôi, lướt tới vây tròn lấy thuyền Kinh Điều.

Bỏ ổ lái, Đức Kiệt nhảy lên mui thuyền giơ cả hai tay vẫy mọi người. Chiến thuyền có Lam Y và Âu Dương Bích Nữ áp mạn. Hai nàng mừng rỡ phi thân sang thuyền Kinh Điều.

Âu Dương Bích Nữ hân hoan :

– Chu lang! Lam Y và tiểu muội lo thắt ruột héo gan. Bị Đường Trại Nhi… bắt sao lại ở trên thuyền Nụy khấu là thế nào?

Lam Y cũng hỏi :

– Hiền huynh có việc gì không?

Chu Đức Kiệt tươi cười :

– Ngu huynh được như thường. Chuyện dài lắm sẽ kể sau. Bây giờ cần mấy thủy thủ sang đây điều khiển chiến thuyền này và yêu cầu viên chỉ huy đuổi bắt bọn Nụy khấu kia đã, kẻo chúng đi xa mất.

Lúc đó viên thủy tướng đã đứng ra mạn thuyền. Lam Y hỏi lớn :

– Cao tướng quân có cần đuổi bắt bốn thuyền Nụy khấu không?

Cao Kiến Tường – vì chính y – đáp :

– Tôi để lại một thuyền hộ tống quý vị về Linh Sơn đảo trước. Bắt xong Nụy khấu, tôi sẽ trở về sau.

Chu Đức Kiệt nói :

– Chúng tôi xin theo tiếp tay tướng quân. Hiện thời cần mấy thủy thủ điều khiển chiến thuyền đoạt được của Nụy khấu này về căn cứ trước.

Cao Kiến Tường lắc đầu :

– Khỏi phiền. Tặc khấu có vỏn vẹn bốn thuyền, tôi sẽ bắt gọn đám, xin để lại một chiến thuyền hộ vệ và nhờ quý vị điều khiển chiến lợi phẩm về Linh Sơn trước.

Nói đoạn, Cao Kiến Tường bắc loa hạ các lệnh cần thiết và điều khiển thủy đoàn đuổi theo Nụy khấu. Chiếc thuyền được lệnh ở lại áp mạn thuyền Kinh Điều, mười viên thủy thủ leo sang chờ lệnh.

Lam Y phân phát công việc cho từng người một rồi bảo chúng lái thuyền về Linh Sơn đảo. Tam hiệp leo lên mui thuyền ngồi chuyện vãn. Đức Kiệt hỏi nàng :

– Từ đây về Linh Sơn đảo bao nhiêu xa?

– Đuổi từ sáng sớm bây giờ mới kịp. Hiền huynh có linh cảm là tẩu tẩu và tiểu muội đuổi theo không?

Đức Kiệt gật đầu :

– Có chứ! Tới chỗ vừa rồi, ngu huynh nhảy lên Viễn phòng bản coi chừng, thì thấy đoàn quan thuyền lấp ló ở chân trời…

Âu Dương Bích Nữ ngắt lời hỏi dồn :

– Thế ra Chu lang không nhận thức được là thuyền Trại Nhi đã đi được bao xa rồi ư? Tại sao vậy? Con yêu nữ ấy theo Nụy khấu, phải không? Ồ, sao lại vận quần này?

Đức Kiệt vội đáp :

– Ngu huynh trúng thuốc mê man suốt đêm, lúc tỉnh dậy thì trời đã sáng và thuyền lênh đênh ngoài khơi, làm thế nào nhận được bước thời gian? Đường Trại Nhi còn dối trá rằng thuyền đi được trọn ba ngày đường rồi và đang ở trong hải phận Hoa Nam…

Chàng thuật mọi sự cho nàng nghe.

Âu Dương Bích Nữ trách :

– Chắc hiền huynh tha mạng cho con Đường yêu nữ nên nó… chạy thoát chứ gì? Tại sao trước khi giao chiến cùng Nụy khấu, Chu lang không giết luôn nó đã, rồi sẽ giao đấu cùng Sơn Điền có hay không?

Đức Kiệt giải thích :

– Nói vậy tức là hiền thê không nghĩ xa xôi. Giữa lúc thủy đoàn Nụy khấu kéo tới bao vây, giết Đường Trại Nhi là hành động thất sách. Chưa hiểu lực lượng thủy khấu ra thế nào mà hạ sát người chỉ huy của chiếc thuyền đơn độc ấy, lỡ bọn thủy khấu như rắn mất đầu theo Nụy khấu thì sao? Tới khi ngu huynh sang thuyền thủy tặc giao tranh cùng võ sĩ Phù Tang, Đường Trại Nhi mới thừa dịp mọi người cùng chăm chú tới trận đấu, bỏ chạy. Bọn Nụy khấu còn không muốn đuổi theo huống hồ ngu huynh?

Âu Dương Bích Nữ căn vặn :

– Hừ! Nụy khấu dám mạo hiểm cào hải phận Trung Quốc không đoạt thuyền cướp của thì còn mục đích chi nữa?

– Lý luận của hiền thê rất đúng nhưng chuyến này hình như Nụy khấu chỉ có mục đích tìm Hắc Vân Long để tranh tài cao thấp. Chẳng dè gặp ngu huynh, chúng ngôn ngữ hỗn xược, ngạo mạn nên ngu huynh tức mình giao chiến. Nhưng này, hiền thê hỏi dồn ngu huynh như kẻ có tội vậy?

Âu Dương Bích Nữ âu yếm nhìn chồng, nàng lẳng lặng không trả lời. Đức Kiệt biết là câu chuyện đã “ổn” bèn hỏi Lam Y về tình hình ở Linh Sơn đảo và Ngao Sơn Đầu. Lam Y kể chuyện đêm hôm trước Cao Kiến Tường đổ bộ lên Linh Sơn đảo. Nàng và Âu Dương Bích Nữ đuổi theo thuyền Trại Nhi ra Tây Hải Đầu và Đông Hải Khấu, để thủy tướng họ Cao trấn giữ Linh Sơn. Chẳng dè ngay đêm ấy, Diêu Thái Khánh kéo đại đoàn tới tiếp viện và phái Cao Kiến Tường chỉ huy một phần thủy đoàn theo giúp. Đức Kiệt hỏi :

– Thế Diêu Thái Khánh không đổ bộ lên Ngao Sơn Đầu giúp Trương Bỉnh Hoa và Quán Bội Chấn ư?

Lam Y đáp :

– Ngay chiều hôm qua, Diêu tướng quân đổ bộ Lục Thủy trại, trong lúc ấy thì hai cánh lục quân cũng đại thắng tặc khấu ở Ngao Sơn Đầu.

– Còn Tôn Hoàn và Hắc Vân Long?

– Theo lời Diêu Thái Khánh, Tôn Hoàn bị bắt nhưng Hắc Vân Long cùng mấy viên đầu lãnh của y bỏ đi thoát. Xế chiều hôm qua, quan thuyền giao chiến cùng thủy đoàn tặc khấu ở nơi có các mô đá gần Lục Thủy trại, tiểu muội và tẩu tẩu chỉ giúp Diêu Thái Khánh bắt tên đầu lãnh chỉ huy thủy đoàn tặc khấu, và ngay sau đó phải bỏ đi Linh Sơn đảo đuổi theo Đường Trại Nhi. Chiến thuyền giặc bị cháy bị bắt một số lớn, còn mấy chiếc bỏ chạy trước nên đi thoát.

Chu Đức Kiệt đập hai tay vào nhau, tiếc rẻ :

– Vì ngu huynh bị Mê Hồn phấn của Trại Nhi thành thử chúng ta không giúp được quan quân một cách đắc lực. Không cẩn thận sai một ly đi một dặm là thế!

Âu Dương Bích Nữ bảo chồng :

– Chu lang đừng tự nghiêm khắc với mình quá. Chúng ta đã giúp quan quân tìm ra Lục Thủy trại, mũi phi đao của cô muội bắt sống chủ tướng của giặc, còn Chu lang đã đánh bại Nụy khấu và nhờ đó Cao Kiến Tường sẽ bắt luôn được bốn chiến thuyền ngoại khấu, chẳng phải là một công đôi việc ư? Riêng phần tiểu muội lo Đường Trại Nhi biết một nơi hải đảo xa xôi nào, hướng thuyền đem lang quân ra đó thì trời cũng chẳng tìm nổi…

Chu Đức Kiệt phản đối :

– Hừ! Bộ ngu huynh quên cả hiền thê và Lam Y, hay không khắc phục nổi thuyền đó sao mà để Trại Nhi thông hành như vậy?

Chợt thấy lưỡi kích Đao của Sơn Điền bị đứt còn trên sàn thuyền, Đức Kiệt nhảy xuống lượm lên cho Lam Y và Âu Dương Bích Nữ xem.

Chàng nói :

– Lưỡi Kích đao này khá lắm. Chiến pháp của Sơn Điền thiệt dữ dội, tiếc rằng chưa phải là công phu tuyệt hảo.

Lam Y chuyển lưỡi Kích đao cho Âu Dương Bích Nữ coi. Nàng nói :

– Vết Thất Tinh đao chặt phẳng lì, chúng ta cùng thử kiếm xem sao.

Âu Dương Bích Nữ nữ đồng ý :

– Nhường cô muội thử Thái Dương kiếm trước.

Hai nữ hiệp cùng đứng lên. Đức Kiệt đứng dậy theo dựa lưng vào cột buồm xem vợ và em thử kiếm như thế nào.

Âu Dương Bích Nữ cầm nửa lưỡi Kích Đao đi ra mũi thuyền :

– Cô muội sẵn sàng chưa?

Lam Y gật đầu :

– Rồi, tẩu tẩu cứ việc.

Âu Dương Bích Nữ tung lưỡi Kích Đao lên cao rớt vòng xuống mui thuyền.

Lẹ như cắt, Lam Y rút phắt Thái Dương kiếm đảo lên một vòng tỏa ngàn quang rồi nhằm lưỡi Kích Đao chém mạnh.

Một tiếng soạt khô khan dội lên, lưỡi thép nọ bị tiện đứt đôi rớt xuống sàn thuyền.

Lam Y thâu kiếm nhìn qua thấy lưỡi báu kiếm vẫn long lanh toát lạnh không vương lấy một vết gợn nhỏ.

Đắc ý, nàng tra kiếm vào bao, đoạn lượm hai mảnh lưỡi Kích Đao cầm lăm lăm trong tay, bảo chị dâu :

– Tẩu tẩu thử kiếm nhé, coi chừng tiểu muội phóng mạnh hai miếng thép này đó!

Âu Dương Bích Nữ chống tay lên sườn :

– Như phóng liễu diệp đao là cùng chứ gì? Sẵn sàng rồi, cô muội cứ tự nhiên.

Tức thì, không nói không rằng. Lam Y vung tay hữu, nhưng phóng luôn mũi thép tay tả nhằm mặt chị dâu.

Đứng nguyên chỗ, Âu Dương Bích Nữ trổ tài thần tốc, rút xẹt Trảm Lư hùng kiếm chém đứt đôi mảnh Kích đao…

Nhưng Lam Y đã phóng luôn mảnh thép còn lại, nhằm ngực đối phương. Thuận tay, Âu Dương Bích Nữ chém trái lại một lát kiếm thần tốc tiện đứt đôi mảnh thép, một nửa rớt xuống sàn còn nửa kia bay vụt qua thành thuyền rớt xuống biển sâu.

Bọn thủy thủ bỗng dưng được mục kích cuộc thử báu kiếm hãn hữu ấy, tên nào cũng kinh ngạc lộ trên nét mặt.

Chu Đức Kiệt vỗ tay hoan hô :

– Hảo võ nghệ! Nhưng chị em nhà mà thử nhau độc đến nước ấy là cùng!

Lam Y chưa kịp trả lời thì Âu Dương Bích Nữ đã nhảy lên mui thuyền cúi rà xuống trước mặt chồng mà rằng :

– Kính thưa tiên sinh, vì Lam Y nữ hiệp biết lệnh phu nhân bản lãnh cao cường mới thử như vậy đó. Tiên sinh nên coi chừng kẻo phu nhân ba máu, sáu cơn nổi… ghen thì tiên sinh dù có phi hành cũng… không chạy kịp đa!

Lam Y ranh mãnh nheo mắt nhìn Đức Kiệt :

– Hiền huynh nghe… rõ chưa? Thiệt là thoát nguy, nhé!

Đức Kiệt mỉm cười :

– Ngu huynh hú ví ngay từ nãy cơ mà!

Tam hiệp nhìn nhau cùng cười vang vui vẻ giữa khung cảnh khoáng đạt trời cao thăm thẳm, biển rộng mênh mông.

Vào khoảng cuối giờ Mùi, hai thuyền cặp bến Linh Sơn.

Thủy đoàn Kiều Châu đậu thành hai hàng chật cả bến nước.

Diêu Thái Khánh đang hành dinh tạm ngay trên Trấn Hải Đình của Hắc Vân Long.

Tam hiệp theo quân lính dẫn đường lên tới nơi thấy Diêu Thái Khánh đang đứng bên lan can xây đá nhìn xuống bến.

Thái Khánh chào Tam hiệp :

– Kính chào ba vị đã trở về, tôi lo quá chừng? Chiến thuyền Nụy khấu nào vậy? Cao Kiến Tường đâu mà sao không cùng đi?

Đức Kiệt thuật sơ vụ gặp Nụy khấu cho Thái Khánh nghe và nói tiếp :

– Cao Kiến Tường đốc xuất đoàn chiến thuyền đuổi bắt Nụy khấu, có lẽ sẫm tối mới về tới nơi.

Diêu Thái Khánh giật mình :

– Ấy chết! Nụy khấu đông hay ít mà họ Cao liều lĩnh vậy? Chúng giỏi nghề thủy chiến lắm đó!

Lam Y vội đáp :

– Nụy khấu vỏn vẹn có năm thuyền, thì có một chiếc đã nằm kia rồi. Chúng tôi muốn theo giúp nhưng Cao tướng quân cả quyết sẽ thành công, và yêu cầu chúng tôi về Linh Sơn đảo trước.

Thái Khánh vẫn chưa hết lo :

– Tôi e rằng ngoài khơi chúng còn có đại đoàn đón chờ.

– Không đâu, chắc chắn chỉ có bốn khấu thuyền thôi.

Trước thái độ cả quyết của Lam Y, Diêu Thái Khánh an tâm, chợt nhớ ra điều gì bèn hỏi :

– Hẳn là lênh đênh trên mặt biển từ sáng sớm, quý vị chưa dùng bữa vậy xin mời vào trong nhà, tôi bảo lính sửa soạn thức ăn.

Chu Đức Kiệt hưởng ứng :

– Rất hoan hô lệnh kiến. Tôi đói bụng lắm rồi!

Bốn người lững thững vào nhà.

Tam hiệp đi xem khắp mọi nơi trong Trấn Hải Đình thấy phòng nào cũng trang hoàng bày biện rất trang nhã, Âu Dương Bích Nữ tặc lưỡi :

– Hắc Vân Long sống đế vương quá. Bỏ nơi này, chắc y tiếc đến chảy máu mắt! Xây dựng được một cơ sở đẹp đẽ, chắc chắn nhường này tốn công không ít, đó là chưa kể hải khẩu Linh Sơn.

– Theo ngu ý, Hắc Vân Long là con người có nhiều sáng kiến và trí kiến thiết. Nếu chiêu nạp được y và cho trấn luôn ở đây thì hữu dụng biết chừng nào!

Chu Đức Kiệt nói :

– Phải đó. Hắc Vân Long đã từng đụng độ, giao tranh với bọn Nụy khấu nhiều lần và chuyến nào cũng thắng, trấn ở đây thiệt đúng chỗ, không những là phía Đông, Nụy khấu phải kiêng nể mà ngay trong hải phận Trung Quốc, bọn thủy tặc trước đây quấy nhiễu vùng Ngao Sơn Đầu cũng e sợ.

Diêu Thái Khánh gật đầu :

– Dùng tật trị tật là thế. Không rõ y chạy đi đâu, tôi chỉ được tin do Tham tướng Trương Bỉnh Hoa báo là Hắc Vân Long đã trốn thoát sau khi quân đội của y bị tan rã. Quan quân chỉ bắt được có Tôn Hoàn, hình như tên họ Tôn này cũng là một nhân vật ghê gớm lắm thì phải?

Đức Kiệt đáp :

– Đúng thế. Tôn Hoàn là đồ đệ của Bạch Liên giáo chủ. Sau đó y bỏ Bạch Liên giáo ra đi và đầu bôn Thuận Vương ở Kim Lăng, được vị vương gia ấy tôn lên chức Quân sư. Chính y đã tổ chức bộ binh cho Thuận Vương trong mấy năm về sau này, thâu nhận được nhiều nhân tài đáng kể, tiếc rằng họ đi ngược với chính đạo nên hiện thời số người ấy không tử trận đều bị lưu đầy.

Quân hầu sửa soạn xong cơm, rượu bày lên bàn. Diêu Thái Khánh mời Tam hiệp dùng bữa, tự mình ngồi tiếp.

Thái Khánh hỏi Đức Kiệt :

– Ba vị còn nghỉ lại Linh Sơn đảo ít ngày chớ? Mấy khi ra bờ biển, nơi này thật hiếm có.

– Chúng tôi sẽ quyết định sau. Khi ở Bình Dương ra Ngao Sơn Đầu, chúng tôi định giúp cánh lục quân của Tham tướng Trương Bỉnh Hoa giải vây cho bộ binh Đức Châu. Không dè có cả thủy đoàn, chúng tôi nhận sự liên lạc giữa hai cánh quân thủy, lục để tấn công và đổ bộ. Nhưng các biến chuyển xảy ra từ trưa hôm qua đến nay mau lẹ quá thành thử không hành động giúp lục quân được như ý muốn. Vì lý do ấy, tôi muốn vào lục địa gặp Trương tham tướng nói chuyện đã, sau sẽ hay.

Diêu Thái Khánh trịnh trọng :

– Tuy không chiến đấu trên bộ, nhưng quý vị giúp cánh thủy đoàn không ít, cắt hết đường về của Hắc Vân Long và đồng bọn, nhờ vậy bộ binh Trương tham tướng mới thắng dễ dàng. Mới đây lại chiến thắng Nụy khấu khiến chúng có lẽ không bao giờ đám mon men đến hải phận Ngao Sơn Đầu nữa, há không là kỳ công sao? Kiểm điểm bộ binh, lập biên bản về Lục Thủy trại, Trương tham tướng sẽ ra Linh Sơn đảo trước khi kéo quân về Tế Nam phủ, riêng phần tôi cũng phải lập phúc trình và có lẽ còn tạm đóng ở đây lâu, chờ thượng cấp định đoạt. Nếu không hữu sự cần cấp, mời quý vị nán lại ít ngày dưỡng sức.

Tam hiệp đồng ý ở lại Trấn Hải Đình.

Diêu Thái Khánh sai thế nữ hầu của Hắc Vân Long sửa soạn phòng ốc và phái quân hầu xuống soái thuyền lấy hành lý của Tam hiệp gởi sáng hôm qua trước khi hành quân. Sẫm tối hôm ấy, Cao Kiến Tường neo thuyền vào bến kèm theo bốn chiến thuyền Nụy khấu.

Kiến Tường lên Trấn Hải Đình phục lệnh tướng chỉ huy Diêu Thái Khánh.

Chu Đức Kiệt niềm nở hỏi :

– Cao tướng quân giao chiến với hai Nụy tướng Liễu Hạ Đằng và Sơn Điền thấy chúng thế nào?

– Tôi không được giáp đấu với họ. Khi đuổi kịp, tôi điều khiển quan thuyền bao vây đoạn tấn công bằng cung tiễn. Đối phương cũng bắn trả lại, nhưng quan quân đông cung thủ lợi thế hơn, Nụy khấu vừa bị tử thương và bị thương khá nhiều, hai đầu lãnh chỉ huy cũng trúng tên, nên bốn thuyền giặc xin hàng.

– Hai Nụy tướng thương tích nặng không? Sơn Điền là tên có râu quai nón.

Liễu Hạ Đằng lãnh hai mũi tên vào sườn và bả vai, còn Sơn Điền bị ba mũi ghim đúng bắp vế. Tôi thấy y đeo thanh Nụy đao toan tước lấy, nhưng Sơn Điền lẹ tay liệng ngay đao xuống biển, tiếc quá! Có lẽ cây đao đó tốt.

Đức Kiệt gật đầu :

– Đao gia truyền của gã đấy. Gã không muốn võ khí lọt vào tay người khác nên mới liệng đi. Tên Liễu Hạ Đằng cũng có đeo cặp Trường kích đao mà?

Cao Kiến Tường nói :

– Không những Liễu Hạ Đằng mà thôi, bọn thủy thủ cũng nhiều tên có cặp đao ấy nhưng là thứ đao thường. Tôi thâu về để cả dưới bến.

Diêu Thái Khánh bảo họ Cao :

– Số tù binh còn lại bao nhiêu, tướng quân nên giam giữ ngay dưới thuyền Nụy khấu để sáng mai tải về Ngao Sơn Đầu với số tặc khấu bắt được ở Linh Sơn, trao cho cánh bộ binh lãnh trách nhiệm áp tải về Tế Nam.

– Tổng cộng còn bốn mươi hai người kể cả hai Nụy tướng. Còn bao nhiêu tử thi, tôi cho cột chung lại liệng hết xuống biển khơi.

Lam Y Hiệp Nữ nói với Thái Khánh :

– Chúng tôi còn để ba túi hành trang lớn và ba tuấn mã tại trại quân của Trương tham tướng tạm đóng ở Ngao Sơn Trấn. Sáng mai, Cao tướng quân đằng nào cũng áp tải tù binh vào lục địa, tôi muốn nhờ điều đình với Tham tướng lấy ngựa và hành trang về đây, được không?

– Được, Nữ hiệp khỏi bận tâm. Tôi lo liệu ngay vụ đó, phái người đi lấy các thứ ấy về Linh Sơn. Duy có ba tuấn mã thì nên đưa ra tới Ngao Sơn Đầu thôi.

Lam Y nói mấy câu cảm ơn.

Hai hôm sau, Tham tướng Trương Bỉnh Hoa ra Linh Sơn đảo, đem theo hành trang của Tam hiệp và cho hay rằng hiện ba tuấn mã được chăm nuôi trong trại quân Ngao Sơn Đầu.

Qua hôm thứ ba lúc xế chiều, trong khi Tam hiệp cùng hai tướng thủy, lục Trương, Diêu đang ngồi uống rượu đàm luận ở ngoài hành lang trông ra biển thì quân lính dẫn hai người cùng trạc tuổi ngũ tuần trang phục ra dáng ngư phủ lên Trấn Hải Đình xin yết kiến.

Diêu Thái Khánh thấy họ sợ sệt khúm núm quỳ lạy liên miên, liền bảo :

– Hai ngư phủ hãy đứng dậy và có điều gì cứ khai báo cho đàng hoàng.

Một ngư phủ chỉ đồng nghiệp đứng bên, nói :

– Bẩm tướng quân, con là Trần Tiễn và người này gia đệ Trần Thành cùng là dân chài bên Đông Hải Khẩu.

Hai hôm nay trong khi đi chơi, anh em chúng tôi là người đầu tiên trông thấy con kình ngư vẫy vùng ngoài biển, nhưng may mắn chúng con chạy kịp. Trái lại cùng ngày hôm ấy có bốn ngư thuyền nữa ra khơi vô tình bị kình ngư đánh đắm, chỉ có ba người sống sót trôi vào bờ, hiện còn đau nặng không theo chúng con lên đây trình báo được. Cúi xin Tướng quân thương tình giúp đỡ kẻo dân chài Đông Hải Khẩu không còn ai đánh cá sanh sống nữa.

Diêu Thái Khánh hỏi :

– Kình ngư lớn bằng chừng nào? Xưa nay có xảy ra tai nạn ấy bao giờ không?

Trần Tiễn thưa :

– Con quái ngư ấy vừa bằng chiếc ngư thuyền cỡ trung bình, nhưng khỏe lắm, nó tung sóng cao tới hơn trượng. Riêng nó vùng vẫy cũng dư sức làm lật ngư thuyền lớn rồi. Như bốn chiếc bị nạn đều cỡ lớn mà bị kình ngư đội sóng đánh chìm lỉm. Ba người sống sót đều trông thấy hàm răng quái ngư như lưỡi cưa và thấy nó đớp người. Thưa Tướng quân, tai hại cho làng Đông Hải Khẩu quá. Từ trước đến nay chưa bao giờ xảy ra tai nạn quái ngư như vậy. Chắc con này lạc lõng từ đại dương về đảo.

Chu Đức Kiệt hỏi họ Trần :

– Nơi xảy ra tai nạn cách Đông Hải Khẩu bao xa?

– Thưa không xa. Ra khỏi khẩu độ chừng nửa hải lý thì gặp quái ngư vẫy vùng giỡn sóng ngay giữa lối ngư thuyền vẫn qua lại thường ngày. Trông rợn tóc gáy. Đi khơi gặp sóng lớn cũng không đến nỗi kinh khủng như gặp quái ngư. Xin quý vị đại quan cứu chúng con…

Diêu Thái Khánh gật đầu :

– Được rồi, tôi sẽ định liệu. Hai dân chài muốn về trước hay chờ ở đây cùng đi?

Trần Tiễn mừng rỡ :

– Chúng con xin về báo tin mừng cho làng Đông Hải Khẩu biết.

Khi anh em Trần ngư phủ đi khỏi, Lam Y nói với Diêu Thái Khánh :

– Tôi và gia tẩu có qua Đông Hải Khẩu rồi, nếu Tướng quân hữu sự không thân hành được, anh em tôi xin gánh vác vụ này.

– Tôi đang định phái Cao Kiến Tường đi thay.

Đức Kiệt nói :

– Chúng tôi muốn đi Đông Hải Khẩu để xem kình ngư thế nào, nhân tiện giúp dân ngư phủ ở đó luôn thể, tướng quân khỏi phải điều động tướng binh.

– Quý vị cần dùng những gì?

Đức Kiệt bàn với Lam Y và Âu Dương Bích Nữ, rồi đáp :

– Cần độ ba mươi cây dáo, thừng chão và một chiến thuyền cỡ trung bình cùng mấy tay chèo lão luyện. Bây giờ còn sớm, chúng tôi muốn đi ngay kẻo kình ngư đi nơi khác mất thì uổng dịp may được xem con thủy thú ấy.

Diêu Thái Khánh tức thì phát lệnh tiễn, biên mấy hàng chữ cho Cao Kiến Tường dặn y sửa soạn chiến thuyền và dụng cụ cho Tam hiệp đi Đông Hải Khẩu.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN