Nói dễ nghe một chút là “bàn chuyện cưới hỏi”, nói khó nghe một chút thì gọi là “bán con gái”.
Nhà họ Bùi đưa năm lượng bạc, ông ta vui vẻ phấn khởi cầm đi, lại tới sòng bạc trên huyện.
Thím nhà họ Bùi sức khỏe không tốt, Đại Lang sức khỏe cũng không tốt, trong nhà còn có tiểu cô ba tuổi cùng thái mẫu đã cao tuổi.
Bọn họ mua ta, thứ nhất là để kiếm cho Đại Lang một cô vợ, đợi khi nào cập kê ta sẽ gả cho hắn, thứ hai là muốn tìm người cơm nước giặt giũ, chăm sóc một nhà già yếu bệnh tật.
Nhà họ Bùi cũng từng là một gia đình khá giả ở huyện Vân An chúng ta.
Cha Bùi thời trẻ từng là một người gánh dầu bán dạo trên phố, chăm chỉ chịu khó, sau đó lại chạy đến chỗ một vị sư phụ già ở Dự Châu học làm tào phớ.
Khi tay nghề đã tinh thông, ông quay trở về, việc đầu tiên làm là bày một gian hàng trên huyện. Mấy năm sau, ông mở được một cửa tiệm, lúc làm ăn phát đạt nhất còn thuê thêm cả tiểu nhị.
Nhưng rồi lại bệnh mà mất.
Thím Bùi sinh được hai trai hai gái, sau khi tiểu cô chào đời thì bị cảm lạnh, cơ thể vẫn luôn ốm yếu. Bà đi theo cha Bùi làm ăn buôn bán từ thời trẻ, thức khuya dậy sớm xay đậu lọc bã, khớp tay khớp chân cứng đờ, cả ngày eo mỏi lưng đau.
Còn Đại Lang thì từ nhỏ đã gầy yếu, sinh ra vốn không khỏe mạnh, sau còn mắc bệnh lao phổi.
Cha hắn vừa qua đời, tiểu nhị lập tức bắt đầu lại từ đầu, tự mở một hàng tào phớ khác, tiệm tào phớ nhà họ Bùi tự nhiên phá sản.
Cũng may là nhà họ còn ít của cải.
Đại Lang tới tuổi cưới vợ, nhưng cơ thể lại ốm đau bệnh tật, đại phu nói bệnh lao nguy hiểm đến tính mạng, còn dễ lây lan.
Gia đình bình thường sẽ chẳng có ai bằng lòng gả con gái cho hắn, nhưng nhà ta thì không vậy. Mẹ ta đã mất từ lâu, còn cha ta thì lại là một tay cờ bạc.
Mười ba tuổi, ta đến nhà họ Bùi, nấu nướng giặt giũ, chăm sóc thái mẫu tuổi già, giúp thím Bùi đắp thảo dược lên đầu gối, dỗ tiểu cô ba tuổi ngủ… chẳng rảnh tay ra được một khắc nào.
Khi Bùi Đại Lang chong đèn đọc sách giữa đêm, sù sụ ho không ngớt, ta còn xuống bếp nấu nước củ cải cho hắn uống.
Mỗi lúc như vậy, hắn đều áy náy mà nói với ta: “Tiểu Ngọc, muội bận cả ngày rồi, cứ nghỉ ngơi đi.”
“Muội không mệt đâu Đại Lang ca, hồi ở nhà muội còn phải lên núi đốn củi, ra ruộng cuốc đất nữa kìa, không có ngày nào rảnh rỗi, cũng đã sớm quen lâu rồi.” Ta khoát khoát tay.
Đại Lang mười bảy tuổi, đang học ở trường tư thục, là một thiếu niên thanh tú thích đọc sách.
Hắn đã qua được kỳ thi huyện và thi phủ, tiếc là vì lý do sức khỏe nên không thể tiếp tục tham gia thi viện.
Người đọc sách luôn khiến kẻ khác ngưỡng mộ. Nhờ có hắn, ta không chỉ viết được tên mình mà còn biết thêm không ít chữ.
Hai năm sau, lúc ta vừa tròn mười lăm, thím Bùi trao cho ta một cái vòng ngọc, nói là phải lo liệu chuyện cưới xin giữa ta và Đại Lang.
Ta không có ý kiến gì, nhưng Đại Lang lại không muốn.
Khi đó hắn đã bệnh nặng, còn chưa kịp nói hết câu thì đã ho ra một ngụm máu.
Hắn nói với thím: “Sức khỏe của con con biết, sợ là sẽ không chống đỡ được lâu, tốt nhất không nên liên lụy Ngọc Nương. Muội ấy ở trong lòng con cũng giống với Tiểu Đào, con vẫn luôn coi muội ấy là em gái.”
Thím Bùi khóc đến ngất xỉu, tỉnh lại thì liền hỏi ta, có còn nguyện ý gả cho Đại Lang hay không?
Ta vừa lau nước mắt vừa gật đầu: “Lúc trước mua con, không phải là để làm vợ Đại Lang ca sao?”
Thím nhịn không được, lại khóc: “Ngọc Nương à, con đừng trách ta, cả nhà chúng ta đều phải trông cậy vào con.”
Ta thành thân cùng Nhị Lang nhà họ Bùi.
Không không không, phải nói là Nhị Lang nhà họ Bùi bái đường thay anh trai hắn, bởi vì khi đó Đại Lang đã sức tàn lực kiệt, suy yếu đến mức không thể nào xuống nổi giường.
Ta tới nhà họ Bùi hai năm, đó là lần đầu tiên trông thấy Nhị Lang.
Hắn lớn hơn ta hai tuổi, tướng mạo đoan chính, dáng vẻ tựa như cây ngọc.
Hồi còn đang sống, cha hắn đã đưa hắn đi tòng quân.
Theo pháp luật nước Đại Sở, nam tử có thể đi tòng quân từ năm mười lăm tuổi. Căn cứ vào nguyên tắc ba năm cày một năm trữ, bất kể giàu nghèo sang hèn, hai mươi tuổi nhất định phải đăng ký tại quan phủ.
Nhiều người bị chọn đi lính thì đều kêu trời khóc đất, sợ sau này lúc đánh giặc sẽ bị giết hoặc bị thương.
Nhưng Nhị Lang nhà họ Bùi thì khác, hắn còn chưa tới mười lăm đã bị cha hắn nhờ người đi cửa sau, khai gian hai tuổi, nhét vào quân đội cho bằng được.
Thực ra cũng không thể trách cha hắn nhẫn tâm. Bùi Nhị không giống với đại ca, từ nhỏ đã không an phận, suốt ngày giao du với đám lưu manh vô lại ở phía cổng Tây ngoài thành, lừa gạt trộm cắp, gây chuyện thị phi khắp nơi.
Tiểu Đào năm tuổi, ta còn dụ được muội ấy nghịch bùn. Nghe nói lúc Nhị Lang năm tuổi, đã biết trộm gà nhà hàng xóm, trộm rau xanh và quả lễ của các thầy tu trong chùa.
Tóm lại, đó là một tay phá phách cố ý làm bậy, gây ra không ít rắc rối.
Thế rồi một hôm, đứa con đã lâu không về nhà này lại xuất hiện bên mép giường cha hắn lúc nửa đêm, toàn thân dính máu, nói mình lỡ tay giết người, hỏi cha phải làm sao giờ.
Cha Bùi hoảng sợ tột độ, tặng hậu lễ cho người quen ở nha môn ngay trong đêm, nhờ người ta dàn xếp giúp, mất hơn cả nửa gia tài, mấy tháng sau mới đưa được Bùi Nhị Lang đang giấu trong nhà đi nhập ngũ.
Ta thành thân với Đại Lang cũng là lúc hắn trở về nhà lần đầu sau bốn năm trong quân đội.
Thiếu niên khí phách hăng hái, mày mắt hẹp dài. Khác với Đại Lang văn nhã, hắn trời sinh mũi thẳng môi mỏng, khóe môi hơi cong xuống, đôi mắt sắc sảo sâu thẳm, vẻ mặt lạnh lùng ngang ngạnh.
Dưới sự chỉ huy của thím Bùi, hắn thay anh trai mặc hỉ phục, mím chặt môi, gượng gạo bái đường cùng ta.
Kết quả là lúc nửa đêm, Đại Lang không trụ nổi nữa, máu ho ra như hoa nở trên khăn tay, không cách nào ngăn lại được.
Chống chọi thêm hai ngày, hắn lại nói với mẹ: “Hôn sự của con và Ngọc Nương không tính, sau này con đi thì ký thư phóng thê cho muội ấy, đừng làm muội ấy lỡ dở cả đời.”
Lúc Đại Lang mất, thím khóc đến chết đi sống lại. Ta ngẩn ngơ đứng một bên, bưng chén thuốc đắng trên tay mà không biết phải làm sao, trong đầu chỉ toàn là những điều mà hắn từng nói…
Chiều là kẻ nông phu, sáng lên thiên tử đường, quan tướng không nòi giống, nam nhi nên tự cường.
Mũ Nho không đội lầm, thi thư chẳng phụ ai, đạt thì giúp thiên hạ, nghèo cũng ích một hai.(1)
(1) Hai bài thơ trong loạt thơ “Thần đồng thi” của Uông Thù, bao gồm 45 bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt với câu từ giản dị dễ hiểu, được coi là mẫu mực cho trẻ học thơ.
Bùi Nhị Lang cầm tay anh trai, lau đi vết máu nơi khóe miệng hắn. Ta nắm chặt viên đường trong tay, để nó chảy ra lòng bàn tay mình.
Nửa năm sau, thím Bùi cũng đi theo.
Một trận gió lạnh trực tiếp cướp đi mạng sống của bà. Bà ra đi rất vội, đổ bệnh mấy ngày, chợp mắt một giấc là đã không tỉnh lại nữa.
Mấy tháng sau đó, Bùi Nhị Lang lại một lần nữa xin nghỉ để quay về nhà. Trước những mộ phần trên núi, hắn bái tế cha mẹ và huynh trưởng.
Cha ta nghe nói hắn về thì lập tức tới tận cửa, nhờ hắn thay anh trai ký thư phóng thê cho ta.
Bùi Nhị Lang vung bút ký, không nói hai lời.
Tiết Thủ Nhân mặt mày hớn hở, đánh xe lừa đến, kiên quyết lôi ta lên xe…
“Con gái, cha giờ không cờ bạc nữa, cha đang làm việc rồi, cha mua lừa làm phu xe. Con rể đoản mệnh của cha đã qua đời gần một năm, con mới có mười sáu tuổi, sao có thể ở lại đây mãi được. Chúng ta cũng đã tận tình tận nghĩa lắm rồi. Con về nhà với cha đi, sau này cha lại nhờ người ta tìm cho con một hôn sự tốt đẹp khác.”
Ta ngồi trên xe lừa, bị ông ta kéo đi, đầu óc quay cuồng.
Giữa đường, ta hỏi ông ta: “Ông thật sự không đặt cược nữa?”
“Thật sự.”
“Vậy ông thề đi, nếu như ông gạt ta thì sẽ bị thiên lôi đánh, chết không tử tế, tay chân miệng lưỡi thối rữa, sau khi chết cũng bị ném ra bãi tha ma không ai nhặt xác, rồi sau đó bị chó hoang gặm mất…”
“Tiết Ngọc! Khốn kiếp! Mày trù ẻo cha mày đấy à!”
Tiết Thủ Nhân tức muốn hộc máu, ta cười lạnh một tiếng: “Không đặt cược nữa? Loại con nghiện cờ bạc như ông nói mà tin nổi sao? Cái gì mà một hôn sự tốt đẹp khác, chỉ sợ ông lại muốn lừa ta về bán lần nữa ấy chứ. Trước kia ta nhỏ tuổi không có lựa chọn, giờ ông còn muốn dùng chiêu thức này lừa gạt ta ư, đừng có hòng.”
Ta vừa dứt lời thì xe lừa cũng nhẹ bẫng. Ta nhảy xuống, xách theo bọc hành lý, chạy thẳng một mạch không quay đầu lại, sau lưng vẫn văng vẳng tiếng chửi tục của Tiết Thủ Nhân.
Nghĩ tới nghĩ lui, ta lại đi thêm mười dặm, vòng vèo một hồi, cuối cùng vẫn trở về thôn Đại Miếu.
Thôn Đại Miếu nằm dưới chân núi Cửu Bình, có khoảng hơn trăm hộ dân.
Nhà họ Bùi nằm ở cuối phía Tây của thôn, chỗ hàng rào tre trước cửa ta đã quây một khoảnh vườn nhỏ để trồng rau, còn trồng thêm cả mấy cây mộc lan nữa.
Chạng vạng trời chiều, mảnh sân nhỏ trước nhà xanh xanh trắng trắng, phía chân trời là ánh tà dương đỏ thẫm như màu máu.
Bùi Tiểu Đào với hai búi tóc rối tung đang gào khóc ở ngoài cửa.
Bên cạnh con bé còn có thái mẫu lớn tuổi, một già một trẻ ngồi sát bên nhau, thái mẫu run rẩy chống quải trượng, cẩn thận nhìn đứa nhỏ…
“Nhị Nha, đừng có khóc nữa, miệng con há to như thế, bà sợ.”
“Nhị Nha, quần bà ướt rồi, thay hộ bà được không?”
“Hu hu hu, sao thái mẫu lại tè dầm nữa thế?”
“Bây giờ không phải là lúc nói chuyện này, con thay quần giúp bà được không?”
“Hu hu hu, con không thay được.”
“Thế con vào bếp nấu bát hủ tiếu được không?”
“Hu hu hu, không phải ca ca đi nấu rồi sao?”
“Ầy, nó thì làm được cái gì, đến vợ cũng chẳng giữ nổi, nếu không phải tại nó thì hai chúng ta có ra nông nỗi này không?”
“Hu hu hu, thái mẫu, con muốn tẩu tử của con, con nhớ tẩu.”
“Đừng khóc nữa, thái mẫu đã sớm nghĩ xong xuôi rồi, đợi trời tối chúng ta liền trốn nhà đi, cái nhà này thực sự ở không được nữa, cái thằng cháu ranh kia đúng là không phải người tốt.”
…
Lúc ta về được đến nơi, Tiểu Đào khóc toáng lên, ôm chặt lấy ta không chịu buông tay. Thái mẫu ở cạnh đó cũng nhìn ta với vẻ mặt đáng thương khôn tả…
“Quần ta ướt rồi, vẫn chưa thay được.”
Vỗ về Tiểu Đào và thay quần cho thái mẫu xong, ta mới đứng dậy, xuống bếp tìm Bùi Nhị Lang.
Lúc ấy hắn đang nấu cơm. Lửa trong bếp cháy hừng hực, nước trong nồi sôi sùng sục, người đứng trước thớt vẫn còn loay hoay với cái chậu.
Bùi Nhị Lang dáng người đĩnh bạt, sống lưng thẳng tắp, gương mặt dính đầy bột mì, hai bàn tay đều be bét, thoạt nhìn có vẻ bình thản, nhưng đồng thời cũng trông rất bối rối.
Phòng bếp vốn được dọn dẹp ngăn nắp gọn gàng giờ đã nồi niêu xoong chảo lộn xộn. Ta khẽ thở dài: “Nhị thúc, để đấy ta làm cho.”
Bùi Nhị Lang quay đầu lại. Trong căn phòng không mấy sáng sủa, nét mặt hắn thoáng kinh ngạc, đôi mày rậm hơi nhướng lên, đôi mắt đen sẫm lại. Nhưng chỉ chốc lát sau, hắn đã lấy lại bình tĩnh, mím môi đi ra.
Nấu hủ tiếu xong, ta bưng nồi gốm ra cái bàn ngoài sân, cho chút dầu vừng vào bát của Tiểu Đào và thái mẫu.
Sau khi hai người họ vui vẻ ăn hết phần mình, ta lại tới gian phía Tây của nhà chính, thấy cửa chưa đóng thì liền gọi qua rèm cửa: “Nhị thúc, đi ăn thôi.”
Những tấm rèm cửa bạc màu đã hơi cũ kỹ, sàn nhà lát gạch thô sần sùi mới được quét sạch.
Trong phòng tối om nhưng rèm đã hơi hé mở. Bước chân của Bùi Nhị Lang trầm thấp, bộ áo xanh hắn mặc dần lộ ra giữa lặng im. Thân hình hắn cao lớn, uy nghiêm như cây tùng bách.
Trên khuôn mặt với những đường nét góc cạnh là đôi mắt tựa mảnh băng, lại càng giống như trăng lạnh, khiến cho người ta cảm giác mọi sự tối tăm xung quanh đều bị ép xuống, ánh sáng lạnh lẽo lóe lên.
Bùi Nhị Lang sinh ra đã có tướng mạo đẹp đẽ, nhưng cách đối xử với người khác thì lại gây ra cảm giác xa cách từ trong xương tủy. Bất thình lình đối diện với cặp mắt sắc bén thẳm sâu kia, trái tim ta nhịn không được mà hoảng loạn, tay cũng xoắn chặt tay áo…
“Tiểu cô còn nhỏ tuổi, thái mẫu cũng cần người chăm sóc, nhị thúc nếu về quân doanh thì đã nghĩ sẽ thu xếp cho bọn họ thế nào chưa?”
Giọng của ta rất nhẹ nhàng, giọng của hắn lại rất trầm, cũng rất nhỏ. Hắn chậm rãi nói: “Ta định gửi gắm họ cho nhà họ Chu ở Tây Ba.”
Ta lại căng thẳng trong lòng.
Nhà họ Bùi có một tỷ tỷ gả đến thôn Tây Ba.
Tỷ tỷ kia tên Bùi Mai, là trưởng nữ của Bùi gia, lớn hơn Đại Lang ba tuổi.
Lúc cha Bùi còn sống, Bùi Mai đã gả cho đại công tử nhà lý trưởng Chu ở Tây Ba.
Lý trưởng Chu là hương thân(2), nhà họ Chu cũng là gia đình có của nhất trong khắp làng trên xóm dưới.
(2) Hương thân: Những người có chút học thức và địa vị ở trong làng, dưới quan nhưng ở trên dân.
Là thiếu nãi nãi nhà lý trưởng, quan tâm em gái nhỏ và bà nội nhà mẹ đẻ cũng không phải chuyện khó nhọc.
Điều trùng hợp chính là, ta cũng lớn lên ở thôn Tây Ba.
Ta biết nhà họ Chu tuy giàu có, trong nhà rất nhiều nha hoàn hạ nhân hầu hạ, nhưng lý trưởng Chu lại là kẻ coi tiền như mạng. Phu nhân của ông ta cũng hay tác oai tác quái, bình thường luôn khắt khe với các tá điền thuê đất, động một chút là nhục mạ.
Khi cha Bùi còn sống, Bùi Mai thường xuyên về nhà mẹ đẻ, bởi vì cha mẹ chồng kiểm soát tiền bạc chặt chẽ, trượng phu cũng chẳng có bản lĩnh kiếm tiền, thi tú tài mãi không đậu, cả ngày chỉ biết ăn ăn uống uống.
Là thiếu nãi nãi nhà họ Chu, vậy mà muốn để ra chút tiền mua quần áo và son phấn tốt, cũng phải nhờ nhà mẹ đẻ trợ cấp.
Mà từ khi cha Bùi qua đời, cửa tiệm trên huyện đóng cửa, Đại Lang sức khỏe yếu, tài sản cần phải giữ gìn. Bùi Mai về nhà hỏi tiền, thím Bùi cũng không thể cho hào phóng như trước được.
Mắt thấy vừa không được tiền lại vừa phải nghe thím Bùi đau khổ kể lể, Bùi Mai dứt khoát không tới nữa.
Ta sống ở nhà họ Bùi ba năm, cũng phải đến khi Đại Lang và thím Bùi chết mới gặp được nàng ta.
Lần cuối cùng gặp mặt, nàng ta mặc một cái áo choàng màu trắng ngà lả lướt, trên áo thêu một đóa hoa lan tinh xảo, vô cùng tao nhã.
Lúc vội vàng về nhà chịu tang, đầu tiên nàng ta khẽ vuốt tóc mai, sau đó mới đặt hờ các ngón tay lên eo, khóc to một tiếng…
“Nương, con gái đến chậm rồi.”
Giọng nói mềm mại bi thương, nhưng động tác lại không cẩu thả một chút nào. Lúc lấy khăn lau nước mắt, nàng ta còn dặm lại phấn trên cánh mũi.
Làn da Bùi Mai rất trắng, trên mặt rất nhiều phấn mịn và phấn hồng, dù có khóc lóc thì nước mắt cũng không làm trôi mất lớp trang điểm của nàng ta.
Thật khó tưởng tượng, một thiếu nãi nãi điệu bộ giàu sang, nhất cử nhất động đoan trang mười phần như vậy, thời thiếu nữ cũng đã từng phụ gia đình bán tào phớ ở trên huyện.
Bùi Nhị Lang nghĩ thế nào ta không biết. Ta chỉ biết nếu đưa thái mẫu hơi lẩm cẩm với Bùi Tiểu Đào ta đã chăm nom ba năm đến nhà họ Chu, ta không yên tâm.
Thế là ta nói với Bùi Nhị Lang: “Nhị thúc muốn nhờ cậy nhà họ Chu, có lẽ nghĩ lý trưởng Chu là người đứng đầu cả thôn, vì thể diện cho nên sẽ không cự tuyệt. Nhưng mà không biết thúc có biết không, cô tỷ tuy là mợ cả nhà họ Chu nhưng gả qua nhiều năm như vậy cũng chỉ sinh được một cô con gái, mẹ chồng đã từng nhiều lần oán giận, tỷ phu bên đó cũng đã sớm nạp thiếp, thật ra tỷ ấy sống không tốt lắm.”
Bùi Nhị Lang lặng thinh. Không đợi hắn mở miệng, ta đã nói: “Nếu đã vậy, chúng ta cũng không cần gây thêm rắc rối cho cô tỷ nữa. Thư phóng thê ta tạm giữ, nhị thúc cứ yên tâm đến quân doanh, đợi sau này chúng ta thu xếp xong xuôi, ta lại đi cũng chưa muộn.”
Ta nói một cách chân thành. Vẻ mặt của Bùi Nhị Lang ẩn trong bóng tối, đôi mắt tựa như có một làn sương mù phủ lên, dày đặc mà tĩnh lặng.
Thấy hắn không nói gì, ta lại hỏi: “Ý của nhị thúc thế nào?”
Lại là một hồi trầm mặc, cổ họng như bị tắc nghẽn. Cuối cùng, hắn cũng cất tiếng trả lời, giọng nói có hơi khàn khàn: “Được.”
Một chữ “được” của hắn làm ta thở phào nhẹ nhõm, người cũng hoàn toàn thả lỏng…
“Đồ ăn chuẩn bị xong rồi, nhị thúc đi ăn đi, để lâu nguội mất.”