Lắng Nghe Trong Gió
Quyển 2 - Chương 9
Đúng là tôi bắt đầu mộng du.
Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, tôi nghe thấy tiếng bước chân lộc cộc của cô ngoài hành lang về phía phòng tôi. Nhưng đến gần cửa, tiếng chân dừng lại, nhưng không có tiếng gõ cửa, mà thấy có vật gì nhét vào khe cửa. Tôi nhặt lên xem, đó là đáp án và có thêm một lá thư. Vui hơn nữa là, trên đầu trang giấy có hình vẽ châm biếm cái đầu tôi, chừng như dùng hình vẽ để thay lời xưng hô. Dưới đây là nội dung lá thư.
Em mất hai mươi bảy phút để ra khỏi mê cung thứ nhất của anh, tin rằng anh rất vừa lòng. Em cũng đã xem mê cung thứ hai, nếu có thời gian em cũng sẽ ra khỏi. Nhưng lúc này em không có thời gian, em phải lên lớp. Tiện thể nói với anh, với sự hiểu biết của em về bạn bè, người có thể giải được đề này chỉ có ba người là Tạ Hưng Quốc, Trương Hân và Ngô Cốc Bình. Nhưng giải được đề thứ hai chỉ có Quốc và Bình, Hân chỉ có thể nộp giấy trắng. Ôi, được làm quen với anh thật là vui…
Tôi tin rằng, lúc này đồng tử của tôi đang giãn to, vì cô ta nói không sai. Cho đến lúc này, thật sự làm xong bài thi chỉ có Tạ Hưng Quốc và Ngô Cốc Bình. Tôi nhìn vào lá thư của cô, bất chợt suy nghĩ mông lung, bên tai vang lên tiếng Androv: Đại bộ phận mật mã đều được phá khóa trong vô tình hay hữu ý, đại bộ phận thiên tài phá khóa mật mã cũng đều vô tình hay hữu ý phát hiện…
Đúng vậy, tại sao tôi không nghĩ rằng, trong khoảng thời gian tôi hút xong hai điếu thuốc, Hoàng Y Y đã giải xong đề thi thứ nhất, thật không hiểu nổi! Tôi rất phấn chấn đi lại trong phòng, thỉnh thoảng đến bên cửa sổ ngóng nhìn, mong Y Y nhanh chóng hết giờ lên lớp để quay lại đây. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, vừa lúc trông thấy cô kẹp tập bài giảng, kiêu sa như một nàng công chúa, đang bước đi trên đường. Tôi say sưa và vui mừng nhìn cô. Bỗng như có linh tính, cô ngước nhìn về phía tôi, hai ánh mắt gặp nhau, cô tỏ ra vui mừng, gửi một cái hôn gió về phía tôi.
Ôi, con người này, tôi không biết nói thế nào. Ngay lúc ấy tôi chợt nghĩ, cho dù cô ta có chuyện gì đi nữa, chỉ cần về mặt chính trị không có vấn đề, tôi sẽ chọn cô. Tức là, sau khi Y Y dễ dàng giải được đề thi, tôi cũng dễ dàng đưa tên cô vào danh sách tuyển chọn. Cho nên, tôi mong cô ta nhanh chóng giải được đề thứ hai. Đến gần trưa, tôi đưa cô vào một căn phòng, yêu cầu cô nộp đáp án trước 2 giờ chiều.
Cô nói: “Không cần”.
Tôi ngạc nhiên hỏi: “Tại sao? Cho dù cô đến dự thi cũng phải theo yêu cầu của tôi, hoàn thành hết nội dung bài thi chứ”.
Cô nói: “Vậy anh bảo tuyển người làm việc gì?”.
Tôi nói: “Điều này thì khỏi cần hỏi, nếu được trúng tuyển, tất nhiên sẽ biết, nếu không sẽ vĩnh viễn không biết”.
Cô nói: “Như thế không công bằng, em phải biết mình sẽ làm việc gì, với lại có biết em mới đồng ý làm việc đó hay không chứ?”.
Tôi nói: “Không có cách nào khác. Sự thật thì đấy cũng là nội dung sát hạch, tức là cô có đặt lợi ích quốc gia lên trên hết hay không, làm bất cứ việc gì cũng tình nguyện theo tinh thần cách mạng”.
Cô nói: “Xem ra, em chưa có được tinh thần cách mạng ấy”.
Tôi nói: “Vậy thì hãy bỏ cuộc đi”. Tôi đưa hai đáp án của người dự tuyển ra, vẫy vẫy trước mặt cô, nói: “Như cô biết, đã có hai người làm xong đề thứ hai, nếu tôi tuyển chọn, coi cô là người cạnh tranh với hai người này, đối với họ sẽ là không công bằng”.
Cô nói: “Nói thật với anh, em hiểu hai người này, nếu anh chọn để họ gánh vác một nhiệm vụ quan trọng, làm những việc trời long đất lở, vậy thì anh đã chọn nhầm người, nhất là Tạ Hưng Quốc, xin anh đừng động đến”.
Tôi thắc mắc: “Tại sao?”.
Cô nói: “Người này em hiểu lắm, rất chịu khó đi sâu nghiên cứu, cẩn thận nghiêm túc, điển hình của một con người tận tụy, kiên nhẫn nhưng thiếu tính sáng tạo. Nếu anh muốn nghiên cứu một đề tài gì, anh ta sẽ là người hợp tác tốt nhất, chỉ cần anh nói với anh ta suy nghĩ của mình, anh ta sẽ từng bước tìm cách thực hiện một cách tuyệt vời, hơn cả mong muốn của anh. Nhưng nếu anh yêu cầu anh ta khai sáng điều gì đó, anh ta sẽ không biết phải làm thế nào. Anh ta thiếu hẳn dũng khí và bản lĩnh tìm tòi sáng tạo”.
Tôi hỏi: “Hai người đã hợp tác với nhau bao giờ chưa?”.
Cô lại trở về với giọng đùa cợt ban đầu, chơi trò ú tim: “Anh hỏi hợp tác gì? Về công tác hay về chuyện khác? Nói thật với anh nhé, em hợp tác với anh ấy về nhiều mặt. Về công tác, anh ấy với em đang trong cùng nhóm đề tài, hợp tác những mặt khác là chuyện riêng tư, còn là chuyện gì thì anh tự hiểu”. Nói xong, cô nở nụ cười châm biếm.
Tôi không ưa với cách nói này của cô, nên lạnh lùng nói: “Hai người hợp tác trong các chuyện khác tôi không quan tâm, tôi quan tâm nhất là việc cô nói xấu anh ấy ngay trước mặt tôi”.
Cô nói: “Anh không thấy em khen anh ấy à? Em nói toàn chuyện thật đấy”.
Tôi nói: “Nhưng cô đã suy nghĩ chưa, câu chuyện của cô có khi ảnh hưởng đến sự lựa chọn của tôi. Nhưng mà tôi nghĩ có thể đấy là mục đích của cô, là bởi đề tài nghiên cứu của cô cần đến anh ấy, cho nên sợ tôi đưa anh ấy đi chứ gì?”.
Cô ta phá lên cười: “Anh lấy cái tâm của kẻ tiểu nhân để nghĩ về tấm lòng quân tử của em, xem thường em quá! Nói thật, em mong anh ấy đi, để khỏi… Ôi, nói thật với anh, chúng em đã có thời rất tốt với nhau, nhưng bây giờ thì thôi rồi, vậy đấy. Anh có nghĩ, một cặp đã từng tốt với nhau, sau khi không tốt với nhau nữa sẽ như thế nào, kể cả không chuyển bạn thành thù? Tóm lại, có những điểm không gỡ nổi, liệu ai muốn ngày nào cũng gặp, cúi đầu xuống thì thôi, cứ ngước lên lại gặp mặt nhau? Nếu anh thích, cứ để anh ấy đi theo. Nếu anh mời anh ấy làm trợ thủ cho mình hoặc cho người nào đấy, thì càng tốt, không ai tốt hơn, làm việc cần mẫn, không sợ vất vả, không sợ bị quở trách như anh ấy. Nhưng nếu anh định để anh ấy một mình đi khai thiên lập địa thì không đủ bản lĩnh đâu.
Lúc ấy bên ngoài có tiếng chân đi về phía phòng tôi, Hoàng Y Y liền nói: “Nhất định là ông Bí thư đến mời anh đi ăn cơm, em về nhé, dù sao thì anh cũng không mời em ăn một bữa cơm trưa đâu nhỉ”.
Tôi nhắc nhở cô ta: “Vậy cô có thi nữa không?”.
Cô ta cười: “Thôi đi”. Nói xong, cô bỏ đi.
Không phải là tiếng chân của ông Bí thư, mà là nhân viên nhà ăn đến mời tôi đi ăn cơm. Tôi hẹn gặp Tạ Hưng Quốc và Ngô Cốc Bình, vì đã xem hồ sơ của họ, nên muốn nói chuyện với họ. Cũng thật kì lạ, tôi mới nói chuyện với Hoàng Y Y, nhưng trong lòng chỉ nghĩ đến cô ta, tựa như người mắc xương cá, không khạc nhổ không được. Rõ ràng, phong cách tự do phóng túng của Y Y, gây hứng thú và hiếu kì cho tôi. Tôi nói chuyện về Y Y với hai người, là để qua hai người thăm dò Y Y. Hai người này đã cho tôi ấn tượng Hoàng Y Y là con người chân thật, nhưng lại không toàn diện. Trong con mắt hai người này, Y Y càng tỏ ra là một thiên tài, càng quái dị, càng không biết xấu hổ, càng ma quái, càng bí ẩn hơn tôi nghĩ. Nói theo Tạ Hưng Quốc, người trước kia thân thiết với Y Y: Con người Y Y có mặt của một thiên tài, lại có mặt của ma quỷ – một nửa là thiên tài, một nửa là ma quỷ.
Phải nói rằng tôi cũng có sự tò mò như vậy, chẳng qua hai người này đã chứng thực cảm giác của tôi, đấy là cảm giác không bình thường. Cảm giác ấy kích thích tôi, tôi cảm nhận rõ ràng cách nói úp mở và cử chỉ của hai anh này, chẳng những không làm bình lặng lòng hiếu kì của tôi đối với Y Y, ngược lại như thêm dầu vào lửa, càng làm tăng cảm giác về Y Y trong tôi. Nhưng khi đặt Y Y cùng với họ để xem xét, tôi cảm thấy Y Y không đứng đắn và hoang dã hơn nhiều, họ được gia đình giáo dục bài bản, còn Y Y thì không. Đúng vậy, cảm giác đó trong tôi rất mãnh liệt, mãnh liệt vô cùng.
Sự việc đến nước này, tôi cũng đã rõ, người tôi cần không phải là hai anh này mà là Hoàng Y Y. Vì trong giới mật mã, ai cũng biết, mật mã là phản khoa học, phản nhân tính. Phản khoa học cũng là khoa học, cho nên lập và phá mật mã đều cần đến trí tuệ, tri thức, kĩ thuật, kinh nghiệm, thiên tài, nhưng cũng cần một “trái tim độc ác” – bất kể đó là nghiên cứu hay phá khóa mật mã, vì nó phản nhân tính. Mật mã, nói cho cùng, đấy là trò chơi lừa dối, trốn tránh, mưu tính trong bóng tối. Chiến tranh chấp nhận dối trá, mật mã là binh khí bí mật trong hàng binh khí, là sự dối trá lớn nhất trong nhân gian. Đấy là thế giới đầy rẫy gian trá, thâm hiểm, tà ác, vô nhân tính, là sự quật cường không khuất phục, pha chút gian tà và hoang dã, hoặc dễ sinh tồn… Nghĩ đến đây, tôi nhấc điện thoại lên, thông báo cho ông Bí thư biết, chiều nay tôi đến gặp ông.
Buổi chiều, tôi đi tìm ông Bí thư.
Văn phòng ông ở trên tầng ba, lúc lên, tôi lướt qua một phụ nữ đang đi xuống. Tại sao tôi nhớ chị ta, vì tôi trông thấy chị ôm mặt khóc, một tay bịt miệng, tay kia ôm ngực, đầu cúi sát, trông rất buồn bã, cam chịu. Sau đấy, ông Bí thư cho tôi biết, người phụ nữ kia vừa từ phòng ông ra, cho nên tâm trạng ông cũng không được vui vẻ, gặp tôi không khách khí như những lần trước. Ông hỏi tôi có việc gì, tôi thẳng thắn: “Tôi muốn đọc hồ sơ của Hoàng Y Y”.
“Hoàng Y Y? Tại sao anh lại nghĩ đến cô ấy? Anh…”. Ông Bí thư trầm ngâm, vẻ ngạc nhiên và khó hiểu chứ không phải là sự thận trọng và bất an. “Anh không bị mê hoặc bởi những lời nói tốt đẹp của chúng tôi đấy chứ?”.
Tôi lắc đầu.
Ông Bí thư nói: “Nói thật, lúc đó anh không nói đến chuyện tuyển chọn cô ta, cho nên tôi nói tốt về cô. Nhưng nếu anh định tuyển chọn, tôi có thể nói, thái độ của tôi rất rõ ràng, cô ấy không thích hợp, rất không thích hợp”. Thấy tôi không nói gì, ông lại nói: “Tất nhiên, cô ấy có ưu điểm của cô ấy, thông minh, hiểu biết rộng, nghiệp vụ giỏi, về chuyên môn có thành tích, có thể độc lập công tác, nhưng… có những điều tôi không tiện nói, anh hãy tin tôi, cô ấy có vấn đề, không phải là người thích hợp”.
Tôi hỏi có vấn đề gì, ông Bí thư nói đấy là chuyện đời tư, không tiện nói. Tôi nói, ở 701 chúng tôi không có chuyện xử riêng tư giấu kín. Thật vậy, nói những chuyện riêng tư với chúng tôi là không thông minh, thậm chí là không tôn trọng chúng tôi, bởi bản thân chúng tôi là một riêng tư lớn. Với lại, đối với chúng tôi liệu có ai còn chuyện riêng tư? Cá nhân? Hay là quốc gia? Chúng tôi thăm dò chuyện đời tư người khác thì chúng tôi cũng trở thành một phần riêng tư của người khác. Chúng tôi không chúng tôi muốn có cảm giác đó, thích cảm giác bình thường, biện pháp tốt nhất là, để cái từ chuyện riêng tư mất hẳn trước mắt chúng tôi thì phải bỏ hẳn. Bỏ đi như bỏ một cái gai độc.
Ông Bí thư nhìn thái độ cứng rắn của tôi, cười cười, nói: “Tôi có thể nói với anh, nhưng chỉ một mình anh biết thôi”. Ông lại cười, nói tiếp: “Giống như chuyện của anh, một mình tôi biết”.
Tôi không đáp lời, chờ ông nói tiếp.
Ông nói: “Nếu anh đến sớm ít phút thì sẽ thấy vấn đề của đồng chí Hoàng Y Y. Trước lúc anh bước vào chừng một phút, một chị đang khóc lóc từ phòng tôi ra”.
Tôi nói: “Tôi có gặp ở cầu thang, có phải là một phụ nữ trung niên, mặc áo trắng?”.
Ông nói: “Đúng vậy, đúng là chị ấy”.
Tôi hỏi: “Tôi thấy chị ấy khóc, nhưng tại sao lại khóc?”.
Ông nói: “Anh cứ hỏi cô Y thì biết, cô ta quyến rũ chồng người khác”.
Trong đầu tôi hiện lên ánh mắt, nụ cười và tiếng cười trêu chọc, nhưng miệng lại hỏi một câu ngu xuẩn: “Đồng chí đã điều tra chưa? Là ai quyến rũ ai?”.
Ông Bí thư nói: “Không cần phải điều tra, chắc chắn cô ta quyến rũ chồng người ta”.
Tôi nói: “Chưa điều tra mà đã kết luận sao?”.
Ông nói: “Anh không hiểu thôi, còn tôi thì rất hiểu”. Nói xong, ông lục tìm trong ngăn kéo mấy lá thư đưa cho tôi xem. Tôi lật sơ qua, phát hiện đều là thư tố cáo, có thư kí tên, có thư không kí tên, tất cả cùng một nội dung: Hoàng Y Y tư tưởng hủ bại, quan hệ trai gái bất chính, có thư còn chỉ rõ cô ngủ với ai, lúc nào, ở đâu. Tôi vừa xem vừa hỏi đây là những người nào. Ông Bí thư nói, đủ loại người, có người trong Viện, có người ngoài.
Tôi hỏi: “Tại sao nhiều thế? Không thể thế được”.
Ông Bí thư nói: “Tất nhiên không thể như thế, nhưng với cô ta hoàn toàn có thể. Không giấu gì anh, tôi đã hỏi thẳng cô ta về những người này, tôi mong cô ta phủ nhận, thậm chí ngụy biện cũng được, nhưng hoàn toàn không”. Ông thở dài, nói tiếp: “Nói thật, ảnh hưởng của cô ta rất xấu, phản ứng rất mạnh, buổi họp lãnh đạo nào cũng có người đề xuất phải kỉ luật cô ta, đuổi việc cô ta. May thay, trong tay cô ta có thanh bảo kiếm, đó là đích thân Thủ tướng Chu Ân Lại điểm tên mời về, nếu không đã đuổi cổ cô ta đi rồi từ lâu. Cái cô Y Y này, người ta nói đáo giang phải tùy khúc, nhập gia phải tùy tục, nhưng từ ngày về Trung Quốc vẫn theo cách sống phương Tây, như thế đâu được, hoàn toàn không hợp luân lí, liệu có thể lộn xộn như thế được không?”.
Tôi hỏi: “Cô ấy có gia đình chưa?”.
Ông Bí thư nói: “Liệu có người đàn ông nào chấp nhận cô ta?”.
Tôi nói: “Có thể lấy chồng rồi sẽ tốt hơn”.
Ông Bí thư nói: “Anh nghĩ cô ta chưa lấy chồng à? Hai đời chồng rồi, đều bỏ”.
Tôi hỏi: “Đấy là trước kia hay hiện tại?”.
Ông Bí thư nói: “Trước đây cũng có, bây giờ cũng có. Nghe nói hồi ở Mĩ cô ta đã có một đời chồng, là một nhà hóa học, quê Phúc Kiến, trước lúc về nước hai người bỏ nhau. Về nước được ít lâu cô ta yêu một nhà quay phim, lấy nhau được ít lâu lại bỏ, bởi cô ta ngoại tình”.
Tôi lại hỏi: “Người đàn ông kia đâu, cô ta li hôn rồi hai người có lấy nhau không?”.
Ông Bí thư nói: “Lấy nhau? Cô ta như thế liệu có anh nào tự nguyện lấy? Cô ta nói với tôi, bây giờ không còn hi vọng gì ở hôn nhân, là bởi không ai thật lòng lấy cô ta, những người kia chỉ chơi bời vậy thôi. Cho nên cô ta dứt khoát chọn cuộc sống thoải mái, tự do phóng túng. Nói thật, chúng tôi là một đơn vị học thuật, tư tưởng cũng tương đối cởi mở, rất nhiều người đã từng sống ở nước ngoài, cho nên cũng chấp nhận, chứ nếu ở các cơ quan khác, liệu đã có còn đến ngày nay không? Chắc chắn cô ta bị coi là ngọn cỏ độc phải nhổ tận gốc từ lâu rồi. Một người như thế anh có thể tuyển chọn không? Tôi khuyên anh đừng mạo hiểm với cô ta, điều này không cần thiết, tôi có thể chịu trách nhiệm nói rằng, hai đồng chí Tạ Hưng Quốc và Ngô Cốc Bình về chuyên môn không kém cô ta, cô ta làm được gì thì hai người này cũng làm được. Hai anh này về mặt tư tưởng và tác phong sinh hoạt không có vấn đề gì, họ sẽ làm tốt công việc của anh. Còn cô Y Y, biết đâu chưa làm được gì thì đã lộ cái đuôi cáo. Một khi đã lòi đuôi, đơn vị các anh liệu có thể xử lí không? Đến lúc ấy cô ta muốn làm việc khác cũng không có cơ hội, như vậy chẳng phải là hại người hại cả mình hay sao? Có cần thiết không?”.
Ông Bí thư đâu biết, ông càng nói ra những thói xấu của Hoàng Y Y, tôi càng quyết tâm tuyển chọn cô ta. Vì tôi biết, trong cái thế giới mật mã đầy những gian trá, thâm hiểm, độc ác, vô nhân đạo, một con người ương bướng, có chút giảo hoạt và hoang dã có thể sẽ dễ dàng sinh tồn. Tôi lại nghĩ, tuy ở 701, tư tưởng con người không cởi mở như ở đây, nhưng chỉ cần cô ta phá được khóa mật mã Quang phục số Một, liệu có gì không chấp nhận nổi? Cho nên, ông Bí thư nói rát cổ bỏng họng, nhưng tôi vẫn không chịu, tôi yêu cầu được xem hồ sơ của cô ta.
Ông Bí thư tỏ ra thất vọng: “Anh nhất định chọn cô ta?”.
Tôi an ủi ông: “Tôi xem hồ sơ cá nhân của cô ta rồi sẽ quyết định”.
Nhưng thật ra, trong bụng tôi đã quyết định, nếu không có vấn đề gì khác, tôi nhất định chọn Hoàng Y Y.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!