Lời Nguyền Lâu Lan - Chương 11
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
116


Lời Nguyền Lâu Lan


Chương 11


Thời tiết bắt đầu trở nên mát mẻ, ánh nắng đã nhạt dần. Một trận gió thổi qua làm váy của Bạch Bích nhẹ bay. Cô rẽ vào một con đường nhỏ, đường phố vắng bóng người, xe cộ đi lại cũng rất thưa thớt, thi thoảng có mấy em học sinh nhỏ băng qua đường.

Cô không nhớ rõ đã bao lâu rồi cô chưa trở lại đây, mười năm hay mười hai năm? Sau khi bố cô mất, cô không còn đến đây nữa, kể cả thời kỳ cô và Giang Hà yêu nhau. Lúc bố cô còn sống, cô thường xuyên đến đây, nhiều đến nỗi không đếm xuể. Thường thì cô cứ ngồi trên chiếc giá để sách báo trên xe đạp của bố cô, đi khoảng 15 phút là hai bố con đến Viện Nghiên cứu khảo cổ. Cũng có lúc mẹ cô đưa cô đến đây bằng xe bus. Thời gian đó bố cô thường xuyên phải đi khảo cổ ở bên ngoài, còn mẹ cô thường phải trực vào chủ nhật nên họ không yên tâm để cô ở nhà một mình. Bạch Bích có thể nhớ rõ từng chi tiết trên con đường này. Cô có một trí nhớ rất tốt, hơn nữa, những ký ức tuổi thơ cũng thường làm người ta khó quên.

Cô đã đứng trước cổng Viện Nghiên cứu Khảo cổ. So với ngày cô còn nhỏ, nó hầu như không mấy thay đổi, tấm biển trước cửa, khung cửa giản đơn… Tất cả đều giống như những cổ vật chôn ở dưới lòng đất. Thời gian mười năm qua đi chỉ như vừa trải qua một đêm. Sau khi đi qua cổng, hai bên đường đều là những hàng cây xanh, ở giữa có một con đường nhỏ. Cô có thể nghe thấy tiếng mấy chú chim đang hót ríu rít trên cành.

Cô nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào tòa nhà nhỏ đó. Cô dựa theo trí nhớ hồi nhỏ, đi qua một hành lang ngắn, bước vào phòng làm việc đầu tiên. Mọi ánh mắt trong căn phòng lập tức hướng về phía cô. Họ biết cô. Có người gặp cô lần đầu tiên trong vai thiếu phụ ở tang lễ của Giang Hà. Có những người khoảng 30, 40 tuổi thì từ hơn mười năm trước, khi Bạch Chính Thu còn sống, đã biết đến cô bé con Bạch Bích rồi. Trong phòng rất yên lặng, yên lặng đến mức cô có thể nghe thấy cả tiếng thở của chính mình. Bạch Bích có cảm giác ánh mắt mọi người nhìn cô đều có gì đó không bình thường. Cô không biết trong những ánh mắt đó đang ẩn chứa điều gì, có lẽ là kinh ngạc, hoặc cũng có thể là sợ hãi.

– Bạch Bích, chú biết là thế nào cháu cũng sẽ đến.

Bạch Bích bị giật mình bởi tiếng nói từ phía sau. Cô quay đầu lại nhìn, thì ra là Viện trưởng Văn Hiếu Cổ. Ánh mắt của Văn Hiếu Cổ rất điềm tĩnh, ông nhìn cô khẽ gật đầu.

Đứng trước mặt ông, Bạch Bích cảm thấy có gì đó không được thoải mái cho lắm. Cô thấy mình như đang đứng trước bố mình. Nhưng lần này cô không gọi Văn Hiếu Cổ một cách thân mật nữa mà nói:

– Viện trưởng Văn, chào chú! Rất vui được gặp chú!

– Mấy ngày nay mọi việc vẫn tốt cả chứ cháu? Đi, sang phòng chú ngồi một lúc. Mọi người ở đây đều đang bận việc cả.

Văn Hiếu Cổ và Bạch Bích đi ra khỏi căn phòng đó.

Văn Hiếu Cổ dẫn Bạch Bích về phòng làm việc của mình.

Phòng làm việc của Viện trưởng rất rộng, chỉ hơi thiếu ánh sáng, cành cây sà xuống bên ngoài cửa sổ, làm cho căn phòng hơi tối tăm, ẩm ướt. Ánh sáng ở đây khiến Bạch Bích có cảm giác lạ lẫm, bất an, cô lúng túng đứng ở một góc.

– Ngồi xuống đi cháu!

Văn Hiếu Cổ rót cho cô một chén nước chè.

Bạch Bích ngoan ngoãn ngồi xuống.

Văn Hiếu Cổ nói tiếp:

– Bạch Bích, cháu phải lâu lắm rồi mới lại đến Viện đấy nhỉ. Lần gần đây nhất cháu đến đây là hồi cháu mới 10 tuổi, miệng còn ngậm một que kem, tưởng chẳng bao giờ lớn. Chú vẫn nhớ rất rõ cháu lúc đó, còn bây giờ, cháu đã lớn quá rồi, đã trưởng thành rồi.

Ông nhìn Bạch Bích và thở dài nói:

– Còn các chú thì đã già hết cả rồi!

Văn Hiếu Cổ đã 50 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình. Trong ấn tượng của Bạch Bích, ông như không phải người của cõi trần, cả đời ông chỉ làm bạn với những ngôi mộ cổ.

Bạch Bích có phần e thẹn, cô im lặng hồi lâu rồi mới lên tiếng:

– Viện trưởng Văn, sao chú biết là cháu sẽ đến Viện?

– Vào hôm Giang Hà xảy ra sự cố, cậu ấy có nói, nếu cậu ấy chết ở đây thì cháu nhất định sẽ đến. – Văn Hiếu Cổ điềm tĩnh nói.

– Giang Hà nói thế ạ? – Hai vai Bạch Bích run lên, cổ họng cô thấy có gì đó nghèn nghẹn: – Hoá ra Giang Hà đã sớm dự cảm thấy có việc xảy ra với anh ấy, có lẽ cái chết của anh ấy không phải là một tai nạn.

– Tai nạn?

Văn Hiếu Cổ hỏi ngược lại. Ông nhìn Bạch Bích bằng một ánh mắt kỳ lạ. Ánh mắt mà Bạch Bích không thể hiểu nổi. Rất lâu sau, ông mới thốt ra được những lời nối tiếp với câu nói trước:

– Đương nhiên đó là một tai nạn… đương… nhiên là như vậy.

Giọng nói của ông rất kỳ cục. Bạch Bích nhìn vào khuôn mặt vô cảm của Văn Hiếu Cổ, hình như cô có thể cảm nhận được một điều gì đó. Cô định hỏi nhưng rồi lại ngừng lại. Trong mắt của Văn Hiếu Cổ đang giấu giếm điều gì đó mà không ai có thể nhìn thấu được.

– Hy vọng đấy đúng là một tai nạn. – Bạch Bích khẽ nói.

– Thôi không nói đến chuyện này nữa. Chú cũng rất đau lòng về việc của Giang Hà. Nó là đứa học trò giỏi nhất của chú. Chú luôn chú tâm bồi dưỡng cho nó. Nó có khả năng trở thành một nhà khảo cổ học vô cùng xuất sắc như Bùi Văn Trung, Giả Lan. Nó có thể tạo ra nhiều kỳ tích trong ngành Khảo cổ và đạt được đến đỉnh cao nhất của vinh quang. Ôi, chú xin lỗi, chú không nói nữa. Cháu thế nào? Cháu nên quên việc đáng sợ này đi, đừng để nó ở trong lòng, cháu vẫn còn trẻ, lại rất xinh đẹp, cháu còn nhiều cơ hội.

Lúc này Văn Hiếu Cổ mới hơi khẽ nhoẻn miệng cười.

– Cháu cảm ơn! – Bạch Bích nói.

– Thế mẹ cháu dạo này sao rồi? Vẫn khỏe chứ?

Ánh mắt của Văn Hiếu Cổ như sáng lên.

Bạch Bích lạnh lùng đáp:

– Mẹ cháu vẫn như thế, vẫn ở trong bệnh viện Tâm thần, chẳng có dấu hiệu biến chuyển gì.

– Chú cũng lâu lắm rồi không đến thăm mẹ cháu. Mấy hôm nữa chú sẽ tranh thủ lúc rỗi đến thăm bà một chuyến. Nhưng người mà chú lo lắng bây giờ là cháu, chú sợ cháu sẽ không chịu nổi những tác động của sự việc này.

– Cháu sẽ không sao đâu, chú yên tâm đi ạ. Viện trưởng Văn, sao hôm nay cháu không nhìn thấy Hứa An Đa?

Văn Hiếu Cổ thoáng chút đau buồn, nói:

– Hứa An Đa? Cháu chắc là chưa biết, nó cũng qua đời rồi, vào đúng buổi tối hôm lễ truy điệu của Giang Hà. Nó bị tai nạn giao thông ở bên bờ sông, lái xe mô tô đâm vào bờ đê, chết ngay tại chỗ, thảm lắm cháu ạ.

Hai vai của Bạch Bích lại bắt đầu run lên. Cô mở to mắt như không thể hiểu nổi tất cả những việc đang xảy ra. Cô nhớ lại hôm ấy sau khi kết thúc lễ truy điệu, Hứa An Đa đã muốn nói với cô điều gì nhưng lại thôi, rồi hình ảnh của anh ta trong bộ đồ thể thao màu đen, phi chiếc xe mô tô lao vút đi trước cửa nhà tang lễ.

Bạch Bích cúi gục đầu.

– Bạch Bích, cháu sao thế? Chú biết nếu cháu nghe thấy tin này nhất định sẽ rất kinh ngạc, nhưng dù sao việc cũng đã xảy ra rồi, chẳng ai có thể thay đổi được, mấy hôm nay cả Viện chỗ chú đều chìm trong bầu không khí u ám này.

Bạch Bích gật đầu:

– Vâng, việc này quả thật quá bất ngờ! Cháu không thể nghĩ rằng người như Hứa An Đa cũng xảy ra một tai nạn như thế.

– Cuộc đời mà cháu. Đâu biết được chữ ngờ!

Văn Hiếu Cổ đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.

– Viện trưởng Văn, cháu có thể đến xem nơi Giang Hà xảy ra chuyện được không?

Bạch Bích cuối cùng cũng đã mạnh dạn hỏi ông.

Văn Hiếu Cổ gật đầu:

– Tất nhiên là được rồi.

Văn Hiếu Cổ dẫn Bạch Bích đi qua hành lang đến cửa một căn phòng khác.

Ông rút chìa khóa ra, vừa mở cửa phòng vừa nói:

– Từ sau khi Giang Hà xảy ra chuyện, căn phòng này bị khoá lại vì chẳng ai còn dám làm việc ở đây nữa.

Cửa phòng đã được mở, không khí ở đây rất bí làm cho Bạch Bích thấy khó thở. Cô chú ý đến cánh cửa sổ đang đóng, trên mặt đất phủ một lớp bụi dày. Trong phòng kê mấy cái bàn, trên bàn có máy vi tính và những thiết bị dùng trong ngành Khảo cổ. Dọc theo bức tường có kê một hàng tủ, bên trong bày các đồ vật sành sứ các loại, trong đó nổi bật nhất là một cái đầu lâu. Bạch Bích nhìn cái đầu lâu gớm ghiếc kia nhưng không hề cảm thấy sợ. Cô có thể cảm nhận được đó là những đồ vật của Giang Hà nên chả có gì đáng sợ cả.

Văn Hiếu Cổ dẫn Bạch Bích tiến sâu vào trong phòng. Ông chỉ vào cái đầu lâu và nói:

– Cháu biết không? Đây là xương sọ của một Thái tử đời Đường do Giang Hà tự tay đào lên đấy.

– Có lẽ, nó là nhân chứng duy nhất! – Bạch Bích nói.

Văn Hiếu Cổ nói với hàm ý sâu xa:

– Đúng rồi, nếu người chết có thể nói được thì tốt quá.

– Tất cả đồ ở đây đều chưa ai đụng đến, vẫn nguyên xi như hôm Giang Hà xảy ra chuyện. Sở Công an đến xem xét rất kỹ nhưng không phát hiện thấy gì bất thường, ngoài việc máy tính bị cậu ấy tắt đột ngột và thiết bị khảo cổ bị cậu ấy trực tiếp rút ổ cắm để tắt nguồn. Điều đó có thể khẳng định trước khi chết, cậu ấy đang làm việc với cái máy tính và thiết bị khảo cổ này. Có lẽ có việc gì đặc biệt làm gián đoạn công việc, khiến cậu ấy phải rút nguồn điện ra ngay lập tức. Cháu lại đây, chúng đều ở đây.

Văn Hiếu Cổ chỉ vào thiết bị khảo cổ và bộ vi tính trên cái bàn trước mặt.

Bạch Bích tới gần nhìn những đồ vật ấy, cô cảm thấy có một luồng khí đặc biệt xộc đến, trán cô bắt đầu lấm tấm mồ hôi.

Sau đó, Văn Hiếu Cổ lại chỉ xuống đất, sắc mặt căng thẳng nói:

– Sáng sớm hôm ấy, thi thể Giang Hà được phát hiện ở chỗ này.

Ông ngẩng đầu lên, thở dài một cái rồi nói tiếp:

– Mặt cậu ấy úp sấp xuống đất, đầu hướng về phía cửa, môi dính xuống đất, hai tay nắm chặt, nghe nói, sau khi chết họ không tài nào gỡ các ngón tay của cậu ấy ra được, cuối cùng phải dùng đến kìm để gỡ ra.

– Trong tay anh ấy đang cầm cái gì ạ?

Văn Hiếu Cổ nhìn vào gương mặt Bạch Bích từ từ nói:

– Trong tay cậu ấy chẳng có gì cả.

Bạch Bích im lặng, cô không cần phải nói gì lúc này, chỉ nhìn chằm chằm xuống đất, tưởng tượng ra khung cảnh hôm ấy. Cô như nhìn thấy Giang Hà ngã dưới chân mình, giơ ra một bàn tay đang nắm chặt.

Một lúc sau Bạch Bích mới ngẩng đầu lên. Cô bình tĩnh nói với Văn Hiếu Cổ:

– Viện trưởng Văn, trong máy vi tính có những gì ạ?

– Cái máy này chỉ mình Giang Hà sử dụng, chú cũng không rõ, sau khi xảy ra sự việc Sở Công an đã copy lại toàn bộ nội dung trong máy và mang đi, hình như đều là những số liệu nghiên cứu.

– Thế còn cái máy này thì sao ạ?

Bạch Bích đưa tay ra sờ nhẹ lên mặt thiết bị khảo cổ, một lớp bụi bám vào đầu ngón tay cô.

– Cái máy nhập khẩu này chú cũng không biết cách sử dụng. Nói thực, ở Viện các chú chỉ có mình Giang Hà biết sử dụng cái máy này. Cậu ấy quả thực là một đứa có tài, cái gì cậu ấy cũng tinh thông. Cái máy này có một cửa quét, có thể nhìn rõ và quét tất cả các cổ vật, đồng thời căn cứ vào lệnh của người sử dụng tự động tiến hành xử lí và tính toán các số liệu, cho ra các đồ thị và con số. Còn việc tối hôm ấy Giang Hà dùng cái máy này để kiểm tra cái gì, lấy được số liệu gì, e rằng chỉ có mình cậu ấy mới biết được.

Bạch Bích gật đầu, cô chỉ vào cái bàn trước mặt hỏi:

– Đây là cái bàn Giang Hà thường dùng ạ?

– Đúng rồi!

– Cháu có thể xem ngăn kéo của anh ấy được không ạ? – Cô thử hỏi.

– Đương nhiên là được rồi, Sở Công an cũng đã kiểm tra. Họ nói trong ấy toàn là đồ dùng cá nhân của Giang Hà, để lại cho người nhà nạn nhân đến giải quyết. Nhưng từ hôm ấy bố mẹ Giang Hà chưa tới lấy, cháu là vợ chưa cưới của nó, tất nhiên có thể mang đi được.

Bạch Bích đưa tay ra, do dự một lúc, cuối cùng cô cũng kéo ngăn kéo ra. Sau khi dừng lại một lúc, cô ngẩng đầu lên nói với Văn Hiếu Cổ:

– Xin lỗi Viện trưởng Văn, cháu có thể ở lại đây một mình một lúc được không?

– Ồ, không sao, chú có thể hiểu được tâm trạng của cháu, được, chú đi giải quyết một số việc ở Viện, chốc nữa lúc đi ra cháu đừng quên khoá cửa nhé.

Nói xong, Văn Hiếu Cổ nhẹ nhàng rời khỏi căn phòng, thuận tay đóng luôn cửa lại.

Trong phòng chỉ còn lại một mình Bạch Bích, trống trải, cửa đóng, im lặng không một tiếng động. Có lẽ cái đêm Giang Hà chết cũng giống như thế này. Cô ngẩng đầu lên nhìn xung quanh, trong lòng càng lúc càng cảm thấy bế tắc, giống như bị rơi xuống đầm lầy, giãy giụa mãi không thoát ra được và ngày càng bị chìm nghỉm vào trong cái vòng quay của số mệnh.

Bạch Bích lại cúi đầu xuống, đồ đạc trong ngăn kéo không nhiều, có mấy tờ báo số tháng trước được xếp gọn gàng, mấy quyển sách lịch sử và mấy quyển sách chuyên ngành Khảo cổ, quyển dày nhất là quyển “Nghiên cứu lịch sử”. Còn có một đôi găng tay, một cái kính lúp, mấy cái kẹp nhỏ và mấy cái thẻ tre. Đây đều là những vật thường dùng của Giang Hà khi đi khảo cổ. Phía trong cùng của ngăn kéo có một chùm chìa khoá. Cô cầm chùm chìa khoá lên, cô chưa bao giờ nhìn thấy Giang Hà có chùm chìa khoá này, có thể là chìa khoá dự phòng. Không còn vật gì khác, tất cả chỉ có vậy. Bạch Bích thở dài, cô như đang chờ đợi, chờ đợi phát hiện ra cái gì, nhưng, nếu như thật sự có một vật gì đó quan trọng thì chắc là cảnh sát đã mang đi điều tra rồi. Bạch Bích lắc đầu, cầm quyển “Nghiên cứu lịch sử” lên, thuận tay lật mấy trang, bỗng nhiên từ trong quyển sách rơi ra một cuốn sổ tay nhỏ.

Bạch Bích cẩn thận xem xét cuốn sổ tay này, mỏng, bìa màu trắng, cô nhẹ nhàng mở nó ra thì thấy ngay những dòng chữ được viết bằng bút mực đen ngay trên trang đầu tiên:

Đất hoang[6]

Tôi đã tận mắt nhìn thấy Xibila ở Cumai ngồi trong chai. Khi bọn trẻ hỏi: “Bà muốn gì, Xibila?” Xibila trả lời: “Muốn chết!

(Tặng Ezra Pound – người bậc thầy cao hơn tôi)

I. Lễ mai táng người chết

Tháng tư là tháng khắc nghiệt, gây ra

Màu tím tử đinh hương của đất, rồi hòa

Ký ức với ước mong, và gây xúc động

Nguồn cội mơ màng bằng mưa xuân trút xuống.

Hoá ra là “Đất hoang” của Eliot. Trước kia Bạch Bích đã đọc qua, tuy không dám nói là rất thích, nhưng trong đó có mấy câu có ấn tượng rất sâu sắc với cô. Nhưng cô có thể nhận ra, nét bút này không phải của Giang Hà. Chữ của Giang Hà hơi thô, còn chữ trong cuốn sổ thì rất mảnh và đẹp, chắc phải là chữ của một người con gái. Cô lại giở tiếp mấy trang nữa, đúng rồi, chính là trường ca đó, được chép đầy mấy trang giấy cho đến hai dòng cuối cùng: “Bình yên, bình yên, bình yên.”

Cuối cùng là tên tác giả bài thơ, tất nhiên là Eliot.

Nhưng dưới cùng còn có một dòng chữ khiến Bạch Bích cảm thấy lo lắng, dưới dòng tên Eliot có viết: “Nhiếp Tiểu Thanh tặng Giang Hà “.

Nhiếp Tiểu Thanh? Bạch Bích xưa nay chưa từng nghe đến cái tên này. Cô ta là ai? Thoạt nhìn cái tên này, cô lập tức liên tưởng đến câu chuyện “Nhiếp Tiểu Thanh” trong “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh và một bộ phim dựa trên câu chuyện đó có tên: “Âm hồn thanh nữ”. Đó là tên của một nữ quỷ, đã có một câu chuyện lay động lòng người với một thư sinh. Tất nhiên, Nhiếp Tiểu Thanh ở đây không phải là nhân vật dưới ngòi bút của Bồ Tùng Linh, có lẽ bố của Nhiếp Tiểu Thanh thích chuyện “Liêu trai chí dị” cho nên mới chọn một cái tên như thế đặt cho con gái.

Không nghi ngờ gì nữa, bài thơ “Đất hoang” của Eliot này là do một người con gái có tên là Nhiếp Tiểu Thanh chép lại. Cô ta đã mang cuốn sổ này tặng cho Giang Hà. Cuốn sổ đã nằm yên trong ngăn kéo của Giang Hà cho đến khi Bạch Bích tìm thấy nó.

Hoá ra sự việc không đơn giản như Bạch Bích tưởng tượng, cô lại thấy trong người bức bối trở lại. Cô cầm cuốn sổ tay lên tiếp tục giở, mười mấy trang phía sau đều là giấy trắng, không có gì. Cô nhẹ nhàng đặt cuốn sổ xuống mặt bàn, lúc đó, cô thấy ở cuối bìa sau của cuốn sổ viết hai chữ:

“Lời nguyền”.

Bạch Bích có thể khẳng định, hai chữ này là nét bút của Giang Hà. Lời nguyền? Lời nguyền về cái gì? Bạch Bích khe khẽ đọc:

– Lời… nguyền.

Hai chữ này có ý nghĩa gì? Vai Bạch Bích như bị ai đó dùng sức lắc mạnh, cô cúi đầu, toàn thân lạnh toát. Cô không muốn lưu lại căn phòng này nữa, cô phải ra khỏi đây, phải rời bỏ những thứ đang bám riết lấy cô. Cô tiện tay cầm luôn quyển sổ tay và chùm chìa khoá trong ngăn kéo. Cô cho chúng vào trong túi xách, sau đó vội vàng bước ra khỏi phòng và khoá cửa lại.

Cô không muốn gặp lại Văn Hiếu Cổ, chỉ muốn nhanh chóng rời khỏi Viện Nghiên cứu Khảo cổ. Cô không thể chịu đựng nổi không khí ở đây nữa, cho dù đây đã từng là nơi rất quen thuộc của cô. Cô đi qua dãy hành lang tối, vừa bước đến cổng chính thì từ phía đối diện có một người đàn ông dáng cao to đi tới.

Ông ta cười cười với Bạch Bích nói:

– Cháu là Bạch Bích đúng không? Lớn quá rồi, có nhớ ai không?

Bạch Bích nhìn người đàn ông đang đứng trước mặt, ông ta khoảng 35, 36 tuổi. Cô cố gắng lục trong trí nhớ để tìm lại khuôn mặt này, cuối cùng cũng hiện ra những hình ảnh mờ nhạt. Cô nói ngắt quãng:

– Hồi ấy, bố cháu hình như bảo cháu gọi chú là chú Lâm, đúng không ạ?

– Trí nhớ của cháu thật tốt, chú vẫn còn nhớ lúc nhỏ cháu vẫn hay ngồi vẽ ở phòng làm việc của bố cháu, có lần còn vẽ cả lê và táo lên trên bản đồ di chỉ khảo cổ. Chú là Lâm Tử Tố, là người phụ trách quản lý các di vật khai quật được.

Bạch Bích gật đầu. Cuối cùng cô đã nhớ ra người đàn ông đang đứng trước mặt. Hồi đó, Lâm Tử Tố còn là một thanh niên khoảng hơn 20 tuổi, vừa vào Viện Nghiên cứu. Cô còn nhớ lúc đó Lâm Tử Tố thường ăn mặc rất mốt.

Cô nói:

– Chào chú, hôm nay cháu chỉ đến xem lại nơi Giang Hà xảy ra chuyện thôi.

– Cháu hãy quên tất cả đi, đừng đến đây nữa làm gì. Việc ấy không liên quan gì đến cháu! – Giọng Lâm Tử Tố bỗng nhiên trở nên rất nghiêm túc.

Sao cách nói này lại giống hệt với của Hứa An Đa hôm nọ thế nhỉ? Trong lòng Bạch Bích cảm thấy đầy nghi hoặc. Cô hỏi ngược lại:

– Rốt cuộc là đã xảy ra chuyện gì hả chú? Chú nhất định phải nói cho cháu rõ, cháu xin chú đấy!

– Bạch Bích, cháu vẫn còn trẻ, tương lai còn dài. Cháu đừng nên vì những việc này mà chuốc lấy nguy hiểm, không đáng đâu!

– Nguy hiểm gì cơ? Chú nói cho cháu biết đi!

– Cháu xem, Giang Hà đã chết không rõ ràng, cháu chắc cũng đã biết, Hứa An Đa cũng chết rồi. Cả hai người cháu đều quen, có thể còn nhiều người nữa. – Lâm Tử Tố lạnh lùng trả lời.

– Còn nhiều người nữa, ý chú đây không phải là một việc đơn lẻ sao? Còn có những uẩn khúc khác sao? Có thật là đáng sợ thế không ạ? – Bạch Bích không muốn bỏ qua cơ hội này.

Lâm Tử Tố lắc đầu:

– Xin lỗi cháu, chú đã nói quá nhiều rồi. Chú không thể nói tiếp được nữa. Chào cháu!

Nói rồi Lâm Tử Tố quay người bỏ đi.

Bạch Bích bỗng nhớ ra điều gì đó nên gọi với theo:

– Cháu muốn hỏi một câu cuối cùng. Nhiếp Tiểu Thanh là ai ạ?

Lâm Tử Tố từ từ quay người lại, nhìn cô bằng ánh mắt lạ lùng, rồi từ từ nói:

– Cháu hỏi việc đó để làm gì?

– Xin lỗi chú, cháu chỉ là muốn biết một chút thôi! – Bạch Bích quyết hỏi đến cùng.

– Cô ta chỉ là một nghiên cứu sinh đến thực tập ở Viện, được giáo sư Lý ở Viện Nghiên cứu Cổ sinh vật giới thiệu đến. Cô ta chỉ thực tập ở Viện có ba tuần. Có vấn đề gì sao cháu?

– Cám ơn chú, không có gì ạ, cháu chỉ tiện thể hỏi chú chút thôi!

Lâm Tử Tố cau mày, nhẹ nhàng nói:

– Cháu đừng có để ý đến những việc như thế này nữa. Ác mộng mới chỉ bắt đầu thôi. Hãy tin chú đi!

Nói xong, Lâm Tử Tố quay đầu bỏ đi. Bóng ông ta khuất nhanh sau dãy hành lang tối om.

Xung quanh không một bóng người, không gian lại trở lại yên tĩnh như vốn có. Bạch Bích ôm lấy vai, cô cảm thấy hơi lạnh. Cô vội vàng rời khỏi dãy nhà, đi men theo con đường nhỏ, xuyên qua các hàng cây, bước ra khỏi cổng chính của Viện Nghiên cứu Khảo cổ.

Ra khỏi cổng chính, lúc này chỉ còn vương lại chút nắng nhạt. Ánh mặt trời làm cho làn da trắng của cô có chút sắc hồng. Con đường phía trước vẫn vắng tanh. Vừa rời khỏi cổng viện, cô đã phát hiện phía trước có một đôi mắt đang hướng về phía cô. Bạch Bích nhìn sang phía bên kia đường, cô thấy có một thanh niên đang đứng đó nhìn cô.

– Giang Hà – Cô khẽ thốt ra cái tên ấy.

Trong phút chốc, vai cô bỗng run lên bần bật. Trong nỗi lo sợ tột cùng, vẫn xen lẫn nỗi xúc động, hưng phấn khiến cô như muốn lao sang bên kia đường, nhưng một chiếc ô tô phóng vụt qua đã ngăn cản bước chân cô. Cô tiếp tục đứng chôn chân ở cổng Viện Nghiên cứu Khảo cổ. Không, người này không thể là Giang Hà, mặc dù trông rất giống nhưng tuyệt đối không phải là cùng một người. Bạch Bích thở dài nhè nhẹ, sau đó cô tự nói vài câu giễu cợt chính mình. Nhưng cô không thể không ngẩng đầu lên nhìn người thanh niên đứng bên kia đường. Anh ta dáng người khỏe mạnh, khuôn mặt giống Giang Hà, đường nét đơn giản và rắn chắc, thể hiện nét hơi u buồn, nhưng đôi mắt rất lanh lợi, tưởng như có thể nhìn xuyên được cô. Ánh mắt ấy khiến cô cảm thấy lúng túng. Cô không muốn nhìn anh ta nữa, vội vàng rời khỏi nơi đó.

Người thanh niên bên kia đường lặng lẽ đứng nhìn Bạch Bích bỏ đi, sau đó tiếp tục đứng đó quan sát cổng chính của Viện Nghiên cứu Khảo cổ.

Anh chính là Diệp Tiêu.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN