Luật Im Lặng - Chương 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
194


Luật Im Lặng


Chương 3


Vụ ám sát Don Raymonde Aprile đã làm rung động cả thế giới ngầm. Kẻ nào dám xuống tay hạ một Ông Trùm như lão và động cơ nào thúc đẩy chúng làm việc đó? Hay chúng bị ai sai khiến? Hoặc ai thuê? Lão đã phân phát hầu hết đế chế của mình thì còn gì mà kiếm chác? Chết đi, lão không còn cơ hội để ban phát những món quà hẫu hĩ cũng như sử dụng ảnh hưởng của mình để giúp những người ai cần đương đầu với pháp luật và số phận.

Phải chăng đây là một cuộc báo thù đã từng bị trì hoãn? Liệu bí mật này sẽ có ngày bị phơi bày ra ánh sáng? Đương nhiên cũng có thể dính dáng đến đàn bà, nhưng ba mươi năm nay lão vẫn sống vò võ một mình, không ai thấy lão cặp kè với bông hoa nào hết. Lão cũng đâu phải loại người ham sắc. Con cái lão không ai bị nghi ngờ. Đây là một cú chuyên nghiệp, mà họ thì không tiếp xúc với bọn này.

Cho nên việc giết lão không những bí ẩn mà còn là báng bổ. Một kẻ đã gây ra bao nỗi kinh hoàng, đã trở nên vô hại với pháp luật và đồng bọn, vẫn sống nhăn khi cai quản cả một đế chế tội ác rộng lớn hơn ba mươi năm, tại sao lại có thể bị giết như thế này? Và thật nực cười, khi đã hoàn lương, đã đặt mình dưới sự che chở của pháp luật, lão lại chỉ sống được có ba năm ngắn ngủi.

Còn lạ lùng hơn khi cái chết của lão lại rơi vào im lặng. Giới truyền thông không lên tiếng, cảnh sát kín như bưng còn FBI từ chối điều tra vì coi đó là vấn đề của địa phương hoặc tệ hơn, của băng nhóm. Có vẻ như danh tiếng và quyền lực của Trùm Aprile đã tiêu tan chỉ trong ba năm giải nghệ.

Thế giới ngầm cũng tỏ ra không mấy quan tâm, không có vụ thanh toán nào vì thù hận. Tất cả bạn bè và chiến hữu trung thành của Ông Trùm Aprile dường như đã quên lão. Ngay cả con cái lão xem ra cũng muốn gác vụ này lại và chấp nhận số phận của cha mình.

Không ai quan tâm – Không ai, trừ Kurt Cilke.

Kurt Cilke, đại diện FBI tại New York, quyết định nhúng tay vào vụ này mặc dù đây là một vụ hình sự có tính địa phương dành cho NYPD(1). Ông quyết định lấy lời khai của gia đình nạn nhân.

Một tháng sau đám tang của Ông Trùm Aprle, Cilke cùng cấp phó của mình, Bill Boxton, gọi điện cho Marcantonio Aprile. Họ phải thận trọng vì Marcantonio là người lãnh đạo bộ phận lên chương trình của đài truyền hình và có nhiều ảnh hưởng ở Washington. Một cú điện thoại lịch sự đã thu xếp một cuộc gặp qua cô thư ký của gã.

Marcantonio tiếp họ trong văn phòng riêng của mình tại Trung tâm truyền hình. Gã nhã nhặn chào họ, mời họ cà phê nhưng cả hai từ chối. Gã là một người cao ráo, đẹp trai, nước da màu kem Ô liu, mặc bộ vét đen, thắt cà vạt màu hồng đỏ kỳ lạ do một nhà tạo mẫu có tiếng trong giới truyền thông sản xuất. Cilke lên tiếng

– Chúng tôi đang điều tra về cái chết của cha anh. Anh có nghĩ ai có thể gây ra vụ này không?

– Tôi thực sự không biết, Marcantonio mỉm cười nói. Cha tôi bắt tất cả con cháu đứng ngoài cuộc. Chúng tôi lớn lên hoàn toàn xa rời công việc làm ăn của ông. Gã đưa tay làm một cử chỉ xin lỗi.

Cilke không thích cử chỉ đó.

– Anh nghĩ cái gì có thể là nguyên nhân? Ông hỏi.

– Các ngài đã biết quá khứ của cha tôi. Marcantonio nói một cách nghiêm túc, Ông không muốn con cái dính dáng vào công việc của mình. Chúng tôi được đi học để tìm một chỗ đứng cho mình trong xã hội. Ông không khi nào đến nhà chúng tôi ăn tối. Ông chỉ đến dự lễ tốt nghiệp của chúng tôi; vậy đấy. Và đương nhiên, khi hiểu ra, chúng tôi vô cùng biết ơn. Cilke hỏi:

– Anh thăng tiến vùn vụt. Ông có giúp anh chút nào không?

Lần đầu tiên Marcantonio bớt đi vẻ nhã nhặn.

– Không khi nào. Trong nghề nghiệp của tôi, việc những người trẻ tuổi thăng tiến nhanh chóng không có gì bất bình thường cả. Cha tôi gửi tôi đến học ở những trường tốt nhất và cho tôi khá nhiều tiền trợ cấp. Tôi đã dùng số tiền đó để phát triển khả năng kịch nghệ, và tôi đã có những lựa chọn đúng.

– Và cha anh hài lòng chứ? Cilke hỏi. Ông đang quan sát Marcantonio, cố gắng đọc từng biểu hiện trên mặt gã.

– Tôi không nghĩ ông thực sự hiểu rõ những gì tôi đang làm, tuy nhiên ông hài lòng, Marcantonio giễu cợt đáp.

– Anh biết không, tôi đã theo dõi cha anh suốt hai mươi năm nhưng chưa lần nào bắt được ông ấy. Thật là một con người khôn ngoan.

– Chúng tôi cũng không thể làm việc đó, Marcantonio nói. Anh tôi, em gái tôi và tôi.

Cilke vừa hỏi vừa cười, Anh không cảm thấy sự báo thù của người Sicile đấy chứ? Anh có nghĩ đến một cái gì đại loại như vậy không?

– Hoàn toàn không, Marcantonio nói. Cha tôi nuôi dạy chúng tôi khôn lớn không để làm chuyện đó. Tôi hy vọng các ngài sẽ bắt được hung thủ.

– Thế còn di chúc? Cilke hỏi. Cha anh là một người giàu có.

– Các ngài phải hỏi em gái tôi chuyện đó. Nó là luật sư mà, Marcantonio trả lời.

– Nhưng anh biết trong di chúc có gì chứ ?

– Chắc thế, Marcantonio nói. Giọng gã đanh lại.

Boxton chen vào, Anh không nghĩ rằng có kẻ nào đó muốn hại cụ nhà hay sao?

– Không. Nếu có một cái tên, tôi sẽ báo ngay cho các ngài.

– Ok, Cilke nói. Tôi để lại cho anh danh thiếp. Phòng xa mà.

Trước khi đi gặp hai người con khác của Aprile, Cilke quyết định gọi điện cho thanh tra cảnh sát thành phố. Vì không muốn bị ghi âm, ông mời Paul Di Benedetto tới một trong những nhà hàng Ý đẹp nhất khu East Side. Di Benedetto rất khoái ăn nhậu miễn là y không phải chi tiền túi.

Hai người thường phải giải quyết công việc cùng nhau nhiều năm qua và Cilke rất thích giao du với y. Lúc này ông đang quan sát Paul nếm thử các món.

– Thế đấy, Di Benedetto nói. Cánh điều tra Liên bang chẳng mấy khi được xơi một bữa ngon lành như thế này. Cậu muốn cái quái gì hả?

Cilke nói: một bữa ăn thịnh soạn. Đúng không?

Di Benedetto nhún đôi vai bự như chuyển động của một con sóng. Sau đó y mỉm cười hơi pha chút ác ý. Khuôn mặt y biến thành một nhân vật được yêu thích nào đó của Disney.

– Kurt, y nói. Chỗ này toàn cứt. Nó được lũ khốn ngoài vũ trụ điều hành.

Thật đấy, chúng nấu đồ ăn nom giống kiểu Italy, chúng làm nó có mùi Italy, thế nhưng nó lại có cái vị chết tiệt thế này. Đúng là bọn ngoài hành tinh. Tớ nói cho cậu biết.

Cilke phá lên cười.

– Này, nhưng rượu cũng ngon đấy chứ?

– Với tớ, chúng có mùi thuốc trị bệnh, trừ loại guine đỏ pha lẫn soda.

– Cậu quả là người khó chiều, Cilke nói.

– Không tớ rất dễ tính. Lúc nào cũng thế.

Cilke thở dài. Mất toi hai trăm đô để đổi lấy một bãi phân.

– Ồ không, Di Benedetto đáp. Tớ đánh giá cao nghĩa cử mà.

Cilke gọi cà phê đặc cho cả hai. Ông nói

– Tớ đang điều tra vụ Trùm Aprile. Nó là của cậu, Paul ạ. Bọn tớ đã quan tâm đến lão nhiều năm mà chẳng nước non gì. Lão về hưu, sống đường hoàng, lão chẳng còn gì khiến kẻ khác thèm muốn. Vậy tại sao lão bị giết? Một việc rất nguy hiểm đối với bất kỳ kẻ nào nhúng tay vào.

– Rất chuyên nghiệp, Di Benedetto nói. Một thành tích xuất sắc.

– Vậy sao?

– Thật chẳng khôn ngoan chút nào, Di Benedetto nói. Cậu đã xóa sạch phần lớn các yếu nhân của Mafia, một việc làm cũng đáng giá đấy. Tớ xin bái phục. Có lẽ cậu còn buộc lão già đó phải về hưu. Vì thế những kẻ khôn ngoan vẫn còn chưa bị tóm không có lý do gì để nốc ao lão.

– Thế còn những nhà băng của lão? Cilke hỏi

Di Benedetto vung vẩy điếu xì gà.

– Đó là việc của cậu. Bọn tớ chỉ chạy theo đám cặn bã thôi.

– Thế còn gia đình lão ? Cilke gặng. Ma túy, đàn bà, thôi thì mọi thứ ?

– Hoàn toàn không. Những công dân thượng lưu với những nghề nghiệp cao quý. Cùng một tay lão Trùm sắp đặt cả. Lão muốn con cái mình là những người hoàn toàn ngay thẳng. Y dừng lại và làm bộ nghiêm trọng. Ở đây phải có nguyên nhân. Phải có kẻ nào đó được lợi. Đấy là cái chúng tớ đang tìm.

– Còn di chúc của lão ?

– Ngày mai con gái lão sẽ nộp. Tớ yêu cầu mà. Cô ta bảo tớ phải chờ.

– Và cậu vẫn chờ chứ ? Cilke hỏi.

– Ừ, Di Benedetto nói. Cô ta là một luật sư thượng hạng, có nhiều ảnh hưởng và hãng luật của cô ta là một lực lượng chính trị. Làm sao tớ có thể cứng rắn với cô ta được ? Tớ chỉ còn cách phục tùng thôi.

– Có thể tớ sẽ làm tốt hơn. Cilke nói.

– Tớ chắc vậy.

Kurt Cilke biết phó thanh tra cảnh sát, Aspinella Washington, hơn mười năm nay. Mụ cao sáu bộ, là người Mỹ gốc Phi có mái tóc cắt ngắn và những đường nét đẹp như tạc. Mụ là nỗi khiếp sợ của thuộc cấp và đám tội phạm rơi vào tay mụ. Một cách cố ý, mụ hay làm mếch lòng mọi người, và mụ chẳng ưa gì Cilke cũng như FBI.

Mụ đón Cilke tại cơ quan với câu hỏi

– Kurt, anh đến đây mời tôi đi ăn cỗ phải không ?

Cilke cười

– Không, Aspinella. Tôi đến tìm thông tin.

– Rõ rồi, mụ nói. Miễn phí chứ ? Hay sau khi anh trả cho thành phố năm triệu đô la ?

Mụ mặc áo khoác bằng vải thường và quần màu nâu vàng. Dưới áo khoác của mụ anh nhìn thấy một bao súng ngắn. Tay phải mụ đeo một chiếc nhẫn kim cương xem ra có thể cắt được lớp da chẳng kém gì một lưỡi dao cạo.

Mụ vẫn còn ác cảm với Cilke vì FBI đã có lần làm rõ một vụ lạm dụng vũ lực chống lại các điều tra viên của mụ và trên cơ sở quyền công dân, nạn nhân đã thắng kiện, hai điều tra viên của mụ phải ra tòa. Nạn nhân, một kẻ giàu có, là một tên ma cô và bán rong ma túy. Chính Aspinella đã có lần nện y một trận nhừ tử. Mặc dù được đề bạt làm phó sếp để xoa dịu người Mỹ da đen, nhưng Aspinella lại tỏ ra cứng rắn với đám tội phạm da đen hơn đám tội phạm da trắng.

– Ngừng đánh những người vô tội, Cilke nói. Tôi cũng sẽ dừng lại.

– Tôi chưa bao giờ chụp mũ những người không có tội cả, mụ nói và cười toe toét.

– Tôi đang tìm kẻ giết Trùm Aprile, Cilke nói.

– Đấy có phải việc của anh đâu ? Đây là một vụ đụng độ của các băng nhóm địa phương. Chó chết. Hay anh đang làm một vụ quyền công dân khác đấy ?

– Ừ, nó có thể liên quan đến tiền bạc và ma túy, Cilke nói.

– Làm sao anh biết được ?

– Chúng tôi có chỉ điểm chứ sao.

Bất thình lình Aspinella lên cơn thịnh nộ.

– Anh và cả cái đám FBI chó chết tới đây để lấy thông tin mà chẳng chịu chìa cho tôi cái gì cả. Các anh không đàng hoàng như cớm. Các anh chỉ lượn lờ quanh việc bắt giữ mấy thằng trí thức. Các anh chẳng bao giờ đụng vào những việc bẩn thỉu. Các anh [bad word] biết đó là cái gì. Xéo khỏi đây ngay.

Cilke hài lòng với hai cuộc phỏng vấn. Kết quả đã rõ ràng. Cả Di Benedetto và Aspinella sẽ phải vào nhà đá trong vụ Trùm Aprile. Họ sẽ không hợp tác với FBI. Họ sẽ chỉ làm chiếu lệ. Tóm lại, họ đã bị hối lộ.

Ở đây, một nguyên nhân giải thích cho niềm tin của ông. Ông biết việc buôn bán ma túy chỉ có thể tồn tại nếu các nhân viên cảnh sát bị mua chuộc, và ông có lời bảo đảm, không được tốt lắm trước tòa, rằng Di Benedetto và Aspinella có tên trong danh sách trả lương của bọn buôn ma túy.

Trước khi gặp Nicole, Cilke quyết định tận dụng cơ hội với người con cả của lão, Valerious Aprile. Thế là ông và Boxton phải lên West Point, nơi Valerious – một đại tá quân đội Mỹ – dạy chiến thuật quân sự – hay một môn quỷ quái nào đấy, Cilke nghĩ vậy.

Valerious tiếp họ trong một căn phòng rộng nhìn xuống sân duỵêt binh, nơi các học viên sĩ quan đang tập đi đều. Gã không được nhã nhặn như đứa em trai. Cilke hỏi liệu gã có biết về các kẻ thù của cha mình không.

– Không, gã nói. Tôi phục vụ ở nước ngoài suốt gần hai mươi năm qua. Tôi chỉ về nhà khi có thể. Cha tôi tin rằng tôi sẽ leo lên đến hàng cấp tướng. Ông muốn thấy tôi đeo ngôi sao đó. Thậm chí lon thiếu tướng cũng làm ông vui rồi.

– Thế thì ông nhà yêu nước quá còn gì ? Cilke hỏi.

– Ông yêu đất nước này. Valerious đáp cộc lốc.

– Ông cho ngài cơ hội được làm học viên sĩ quan phải không ? Cilke thúc ép.

– Tôi nghĩ vậy. Valerious nói. Nhưng ông không thể làm cho tôi thành một viên tướng. Tôi đoán ông không có ảnh hưởng ở Lầu Năm góc, hoặc ở một mức độ nào đó, tôi không đủ tiêu chuẩn. Dù sao tôi cũng thích nó. Tôi có cơ hội của mình.

– Ngài không thể cho chúng tôi một đầu mối dẫn đến bất kỳ kẻ thù nào của ông nhà ư? Cilke hỏi.

– Không, ông không hề có kẻ thù. Valerious đáp. Cha tôi lẽ ra có thể trở thành một vị tướng tài. Khi về hưu, ông đã che giấu được mọi thứ. Sức mạnh của ông khi được sử dụng luôn luôn nhằm mục đích ngăn chặn. ông có lực lượng và tiền bạc.

– Ngài có vẻ chẳng mấy quan tâm xem ai đã giết cha ngài. Không có ý định trả thù chứ?

– Không nhiều hơn so với một đồng sự ngã xuống trong chiến đấu, Valerious nói. Tất nhiên tôi rất muốn không một ai phải nhìn thấy cha mình bị giết.

– Ngài có biết gì về bản di chúc của ông nhà không?

– Ngài phải hỏi em gái tối, Valerious trả lời.

Cuối chiều hôm đó. Cilke và Boxton có mặt ở văn phòng của Nicole Aprile, và tại đây họ được đón tiếp khác hẳn. Chỉ có thể đến được phòng làm việc của Nicole bằng cách đi qua ba lớp rào thư ký và một nữ vệ sẽ trông có vẻ thừa sức đẩy cả Cilke và Boxton văng ra trong vòng hai giấy. Nhìn cách di chuyển có thể nói rằng công ta đã tập luyện một cách công phu và bài bản. Các cơ bắp của cô hằn lên qua lớp quần áo. Bộ ngực được nịt chặt, cô mặc áo khoác bằng lanh trùm ra bên ngoài áo len cổ lọ và chiếc quần màu đen.

Nicole chào đón khách không được nồng nhiệt lắm. Trông nàng rất hấp dẫn trong bộ vét hợp thời trang màu tím đậm. Nàng đeo đôi khuyên tai rất to bằng vàng, còn mái tóc đen của nàng vừa mượt vừa dài. Nét mặt nàng đẹp và cứng rắn được biểu lộ bởi đôi mắt to màu nâu dịu.

– Thưa các ngài, tôi chỉ cho các ngài hai mươi phút thôi, nàng nói. Nàng mặc chiếc áo cánh có riềm xếp bên trong áo khoác tím. Hai ống tay áo che kín cả bàn tay nàng trong khi nàng chìa một tay ra cầm chiếc thẻ của Cilke. Nàng xem một cách cẩn thận rồi nói:

– Đại diện đặc biệt à? Cấp bậc khá cao cho một yêu cầu thường ngày thế này.

Nàng nói bằng một chất giọng quá quen thuộc với Cilke, giọng nói này thường làm ông bực mình. Đó là giọng trách mắng nhẹ nhàng của các công tố viên Liên bang khi đang giải quyết các vấn đề điều tra mà họ phụ trách.

– Cha cô là một người rất quan trọng, thưa cô. Cilke nói.

– Vâng, cho đến khi ông về hưu và đặt mình dưới sự che chở của pháp luật. Nicole cay đắng nói.

– Điều đó càng làm cho việc giết ông nhà bí hiểm hơn, Cilke nói. Chúng tôi hy vọng cô có thể cho chúng tôi một số ý niệm về những kẻ có thái độ hằn học với ông nhà.

– Không đến nỗi bí hiểm đến thế, Nicole nói. Ngài biết cuộc sống của cha tôi rõ hơn tôi nhiều. Ông có không ít kẻ thù, trong đó có cả ngài nữa đấy.

– Ngay cả những người chỉ trích chúng tôi tệ hại nhất cũng không buộc FBI dính vào vụ án mạng bên thềm nhà thờ. Cilke nói khô khốc. Mà tôi cũng chẳng phải là kẻ thù của ông ấy. Tôi chỉ là người thừa hành pháp luật. Sau khi nghỉ hưu ông không còn kẻ thù. Ông đã đấm mõm bọn chúng. Cilke dừng lại một lát. Tôi thấy khó hiểu là cả cô và các anh cô hình như đều không muốn tìm ra kẻ đã giết cha mình.

– Vì chúng tôi không phải là những kẻ đạo đức giả, Nicole vặc lại. Cha tôi không là một vị thánh. Ông tham gia cuộc chơi và đã trả giá. Nàng dừng lại. Và ngài đã nhầm khi cho rằng tôi không quan tâm. Thực tế là tôi sẽ kiến nghị lấy hồ sơ của FBI về cha tôi theo luật tự do thông tin. Tôi hy vọng ngài sẽ không gây trở ngại, vì nếu thế chúng ta sẽ là kẻ thù của nhau đấy.

– Đấy là quyền của cô, Cilke nói. Nhưng biết đâu cô có thể giúp tôi bằng cách cho tôi biết những điều khoản trong di chúc của ông.

– Tôi có thảo di chúc đầu, Nicole nói.

– Nhưng tôi nghe nói cô là luật sư. Lúc này cô hẳn phải biết các điều khoản của nó rồi.

– Chúng tôi sẽ đệ trình xin chứng thực vào ngày mai. Nó sẽ là hồ sơ công dân.

– Còn gì giúp được chúng tôi mà cô có thể nói bây giờ không ? Cilke hỏi.

– Chỉ còn việc tôi sẽ không về hưu sớm nữa thôi.

– Sao hôm nay cô không nói gì với tôi hả ?

– Vì tôi không có nghĩa vụ phải làm như vậy, Nicole lạnh lùng đáp.

– Tôi biết cha cô khá rõ, Cilke nói. Lẽ ra ông ấy phải chừng mực hơn.

Lần đầu tiên nàng nhìn ông bằng ánh mắt tôn trọng.

– Đúng thế, nàng nói. OK. cha tôi đã phân phát rất nhiều tiền trước khi chết. Tất cả những gì ông để lại cho chúng tôi là các nhà băng. Tôi và hai anh thừa hưởng bốn mươi chính phần trăm, năm mốt phần trăm còn lại sẽ thuộc về một người bà con, Artorre Viola.

– Cô có thể cho tôi biết đôi điều về anh ta không ? Cilke hỏi.

– Astorre ít tuổi hơn tôi. Anh ấy chưa bao giờ dính dáng vào chuyện làm ăn của cha tôi cả, và tất cả chúng tôi đều yêu quý anh vì đấy là một anh chàng dễ thương. Tất nhiên bây giờ tôi không còn yêu anh ấy nhiều như trước kia.

Cilke lục tìm trong ký ức. Ông không thể nhớ hồ sơ về Artorre Viola nhưng nhất định nó phải nằm đâu đó.

– Cô có thể cho tôi địa chỉ và số điện thoại của cậu ta không ? Cilke hỏi.

– Được thôi, Nicole trả lời. Nhưng các ngài chỉ phí thì giờ thôi. Tin tôi đi.

– Tôi phải làm rõ các chi tiết, Cilke nói giọng hối lỗi.

– Vậy điều gì làm FBI quan tâm ? Nicole hỏi. Đây là vụ trọng án của địa phương cơ mà ?

Cilke lạnh lùng nói

– Mười ngân hàng cha cô sở hữu đều là những ngân hàng quốc tế. Ở đây có thể có những rắc rối về tài chính.

– Ồ đúng rồi, Nicole reo lên. Vậy tôi sẽ hỏi hồ sơ về anh ấy ngay bây giờ. Xét cho cùng thì tôi cũng sở hữu một phần các nhà băng đó. Nàng nhìn ông ngờ vực, và ông biết mình sẽ còn phải để mắt tới nàng.

Ngay hôm sau Cilke và Boxton đánh xe đi Westehester County để gặp Astorre Viola. Nơi đây có một bất động sản trồng nhiều cây bao gồm một ngôi nhà đồ sộ và ba chuồng ngựa. Có cả thảy sáu con ngựa trên đồng cỏ được bao quanh bởi một hàng rào hai nhánh ray cao tới thắt lưng có những cánh cổng làm bằng sắt rèn. Bốn chiếc xe hơi và một xe tải nhỏ đỗ ở bãi đất trống trước nhà. Cilke nhớ được hai trong số các biển đăng ký.

Một bà lão chừng bảy mươi tuổi cho họ vào rồi dẫn họ tới một phòng khách sang trọng chất đầy dụng cụ thu âm. Bốn thanh niên đang đọc bản nhạc trên giá nhạc và một người ngồi trước cây đàn piano – một sự phối hợp nhà nghề của Saxophone, guitar bass, guitar và trống.

Astorre đứng trước micro đối diện với những người kia và đang hát bằng một giọng khàn khàn. Đến Cilke cũng có thể nói rằng loại nhạc này sẽ không có khán giả.

Astorre ngừng hát và nói với hai vị khách,

– Các ngài có thể chờ năm phút cho đến khi chúng tôi thu âm xong được không ? Sau đó các bạn tối có thể nghỉ ngơi còn các ngài sẽ có đủ thời gian mong muốn.

– Được thôi, Cilke nói.

– Mang cà phê cho khách nhé, Astorre nói với bà giúp việc. Astorre không yêu cầu một cách lịch sự mà là ra lệnh

Cilke và Boxton phải chờ hơn năm phút. Astorre đang thu âm một bài dân ca Italy – vừa gảy tưng tưng vào cây đàn banjo chàng vừa hát bằng một thổ ngữ dung tục mà Cilke không hiểu được. Nghe chàng hát cũng thấy thích, cứ như nghe chính giọng mình trong cơn mưa rào.

Cuối cùng chỉ còn lại mình họ, Astorre lau mặt.

– Cũng không tệ lắm, chàng cười nói. Phải không các ngài ?

Cilke thấy mình ngay lập tức mến chàng trai. Khoảng ba mươi, chàng có sức sống của một đứa trẻ và không làm ra vẻ quan trọng. Chàng cao và cân đối, khéo léo như một võ sĩ quyền Anh. Chàng có vẻ đẹp của nước da ngăm và những đường nét trên khuôn mặt không đều nhưng sắc sảo mà người ta có thể thấy ở những bức chân dung thế kỷ mười lăm. Chàng không có vẻ tự phụ nhưng quanh cổ lại đeo một chiếc dây vàng bản rộng tới hai inch, gắn vào đó là một huy hiệu có khắc hình Đức mẹ đồng trinh.

– Nghe hay đấy, Cilke nói. Cậu sẽ chọn lựa một đĩa nhạc để bán chứ ?

Astorre cười, một nụ cười rộng mở hòa nhã.

– Tôi muốn lắm chứ. Nhưng tôi không khá đến thế đâu. Tuy nhiên tôi thích những bài hát này. Tôi tặng chúng cho các bạn tôi làm kỉ niệm.

Cilke quyết định đi ngay vào công việc.

– Đây chỉ là thủ tục thôi, ông nói. Cậu có biết kẻ nào có thể hại bác cậu không ?

– Không ai sất, Astorre nói, mắt nhìn thẳng. Cilke mệt mỏi vì phải nghe mãi điều này. Ai mà chẳng có kẻ thù cơ chứ, nhất là Trùm Aprile.

– Cậu được thừa kế các nhà băng. Về mặt huyết thống cậu có gần đến thế không ?

– Thực ra tôi cũng không biết, Astorre nói. Khi còn nhỏ tôi là một trong số những người được bác tôi yêu quý. Bác giúp tôi kinh doanh và rồi hình như quên tôi luôn.

– Cậu kinh doanh những gì ? Cilke hỏi.

– Tôi nhập khẩu các loại macaroni thượng hạng từ Italy.

Cilke nhìn cậu ngờ vực.

Astorre mỉm cười, chàng đã quen với những phản ứng loại này. Đây không phải là lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn.

– Ngài biết tại sao Lee Iacocca không khi nào nói xe hơi mà luôn luôn nói ô tô chứ ? Cũng vậy thôi, trong kinh doanh chúng tôi không nói bột và mì ống, chúng tôi chỉ nói macaroni.

– Và bây giờ cậu sẽ là chủ nhà băng ? Cilke hỏi.

– Tôi sẽ thử, Astorre trả lời.

Trên đường về Cilke hỏi Boxton

– Cậu nghĩ sao ? Ông thích Boxton. Một người luôn được yêu mến ở Cục vì những gì anh làm – đó là luôn đúng luật, liêm khiết và tố hơn nhiều so với bất kỳ một cơ quan thi hành pháp luật nào về tính hiệu quả. Những cuộc phỏng vấn này phần nào có lợi cho anh.

– Với tôi tất cả đều có vẻ thành thật, Boxton nói. Không phải lúc nào cũng vậy sao ?

Ừ, họ luôn thành thật, Cilke nghĩ. Rồi một cái gì đó nảy ra trong ông. Tấm huy hiệu gắn vào chiếc vòng vàng trên cổ Astorre không khi nào chuyển động.

Đối với Cilke quan trọng nhất là cuộc phỏng vấn cuối cùng với Timmona Portella, trùm Mafia New York. Chỉ có hắn và Trùm Aprile là chưa bị truy tố sau các cuộc điều tra của Cilke.

Portella điều hành các hoạt động của mình từ một văn phòng rộng rãi trên đỉnh một cao ốc của hắn ở khu West Side. Các công ty con do hắn kiểm soát chiếm nốt phần còn lại của tòa nhà. An ninh ở đây chặt chẽ như ở pháo đài Fort Knox, và bản thân Portella đi về dinh thự của mình bằng máy bay lên thẳng – trên nóc cao ốc trang bị một bãi đáp. Chân hắn chẳng mấy khi chạm vào hè phố New York.

Portella chào đón Cilke và Boxton tại văn phòng của hắn. Nơi đây la liệt ghế bành, còn những bức tường chống đạn bằng thủy tinh cho người ta cái nhìn tuyệt diệu về đường nét của thành phố từ trên trời. Hắn có một thân hình đồ sộ, tươm tất trong bộ comple đen và sơ mi trắng.

Cilke bắt bàn tay đầy thịt của Portella và tỏ ra ngưỡng mộ chiếc cà vạt đen thắt trên cái cần cổ tổ bố của hắn.

– Kurt này, tôi giúp được gì cho ngài đây ? Portella nói bằng giọng kim vang khắp căn phòng. Hắn lờ luôn Bill Boxton.

– Tôi chỉ kiểm tra việc làm của Aprile. Tôi nghĩ rằng ngài có thể biết một số thông tin mà tôi đang cần.

– Tiếc quá, ông ấy chết rồi, Portella nói, Ai mà không yêu quý Raymonde Aprile chứ. Tôi không tài nào hiểu nổi ai đó lại có thể làm việc này. Ông ấy đã thành một vị thánh, thánh sống. Ông ấy đã hiến tiền bạc của mình như Rockefeller vậy. Lúc Chúa mang ông ấy đi tâm hồn ông ấy hoàn toàn tinh khiết.

– Chúa không mang ông ấy đi, Kurt nói khô khốc. Đó là một vụ giết người cực kỳ chuyên nghiệp. Ở đây nhất định phải có động cơ. Mắt Portella giật giật nhưng hắn không nói gì. Cilke tiếp tục, Ngài là đồng nghiệp của ông ấy nhiều năm qua. Ngài phải biết một cái gì đó chứ. Việc cháu ông ấy được thừa kế ngân hàng là sao hả ?

– Nhiều năm trước Don Aprile và tôi có làm chung vài vụ, Portella nói. Nhưng khi Aprile về hưu, suyt nữa ông ấy đã khử tôi. Việc tôi hãy còn sống chứng minh rằng chúng tôi không là kẻ thù của nhau. Về thằng cháu ông ấy tôi chả biết gì trừ việc cậu ấy là ca sĩ. Cậu ấy hát tại các đám cưới, các buổi tiệc tùng, thậm chí cả ở vài hộp đêm nữa. Cậu ấy là một trong số những thanh niên mà mấy lão già cổ hủ như tôi yêu mến. Cậu ấy bán loại Macaroni hảo hạng của Italy. Tất cả các nhà hàng của tôi đều dùng chúng. Hắn dừng lại và thở dài. Một người vĩ đại bị giết luôn luôn là một điều bí ẩn.

– Ngài biết đấy, sự giúp đỡ của ngài sẽ được đánh giá cao, Cilke nói.

– Tất nhiên. FBI luôn chơi sòng phẳng mà. Tôi biết sự giúp đỡ của tôi sẽ được đánh giá cao. Hắn ban cho Cilke và Boxton một nụ cười ấm áp làm phô ra những chiếc răng vuông vức và hoàn hảo.

Trên đường về cơ quan, Boxton nói với Cilke,

– Tôi đã đọc hồ sơ về thằng cha này. Nó là trùm kinh doanh mặt hàng đồi trụy và ma túy, nó còn là một kẻ sát nhân nữa. Tại sao chúng ta lại chưa tóm được nó nhỉ ?

– Cũng chẳng tệ hơn những đứa khác đâu, Cilke nói. Thế nào cũng có ngày tôi chộp được nó.

Kurt Cilke đề nghị giám sát điện tử nhà Nicole Aprile và Astorre Viola. Một thẩm phán của tòa án dân sự Liên bang đã thông qua quy định cần thiết. Không phải Cilke thực sự nghi ngờ – ông chỉ muốn thật chắc chắn. Nicole bẩm sinh là người gây rắc rối, Astorre trông đáng tin cậy hơn. Không thể nghe lén Valerious vì nhà gã nằm trong học viện West Point.

Cilke nghe nói niềm đam mê của Astorre là những con ngựa trên đồng cỏ của chàng. Sáng nào chàng cũng chải lông cho một con ngựa đực trước khi thả nó ra đồng cỏ. Cũng không có gì xấu, trừ việc chàng toàn mặc lễ phục kiểu Anh – áo choàng đỏ và những thứ khác kể cả một chiếc mũ đi săn bằng da mềm màu đen.

Ông thấy khó mà tin rằng Astorre lại trở thành mục tiêu không tự vệ được của ba kẻ trấn lột ở Central Park. Hình như chàng thoát được – nhưng về những gì đã xảy ra với những kẻ trấn lột thì báo cáo của cảnh sát lại quá mù mờ.

Hai tuần sau Cilke và Boxton đã có thể nghe được những cuộn băng được cài tại nhà Astorre. Những giọng nói là của Nicole, Marcantonio, Valerious và Astorre. Trên cuốn băng họ trở nên con người hơn với Cilke, họ đã tháo bỏ mặt nạ của mình.

– Tại sao chúng lại giết ba? Nicole hỏi, giọng nàng vỡ ra đầy đau khổ. Không còn sự lạnh lùng mà nàng đã thể hiện với Cilke.

– Ở đây phải có lý do, Valerious khẽ khàng nói. Giọng gã nhã nhặn hơn khi nói với gia đình mình. Tôi chẳng có mối liên hệ nào với việc làm ăn của ông già nên tôi cũng không lo gì cho tôi cả. Thế còn cô chú?

Marcantonio nói với vẻ khinh thị, rõ ràng không khoái anh trai mình.

– Val, ông già lo cho anh đến West Point vì anh là người nhu nhược. Ông muốn làm anh cứng rắn. Rồi ông lại lo cho anh đi làm tình báo ở nước ngoài nên anh mới có hôm nay. Ông khoái cái ý tưởng anh có thể lên đến cấp tướng. Tướng Aprile – ông khoái cái âm thanh đó lắm. Ai mà biết ông đã giật những sợi dây nào. Giọng Marc ở trong băng vang lên với quá nhiều năng lượng và sôi nổi hơn khi đối thoại trực tiếp.

Một đoạn tạm dừng dài, rồi Marcantonio nói tiếp

– Tất nhiên ông cũng giúp tôi khởi sự. Ông tài trợ cho hãng sản xuất của tôi. Các cơ quan đại diện lớn đã cho tôi cơ hội làm việc với những ngôi sao của họ. Nghe đây, chúng ta không hiện diện trong cuộc sống của ông già, nhưng ông luôn luôn ở trong chúng ta. Nicole, ông già đã đỡ cho cô mười năm trả nợ bởi đã lo cho cô nghề luật sư ở hãng luật. Còn Astorre, chú nghĩ coi ai đã lo cho chú cái quầy macaroni ở các siêu thị hả?

Bất thình lình Nicole nổi cáu.

– Ba có thể đã lo lót cho tôi lọt cửa, nhưng người duy nhất có trách nhiệm về những thành đạt trong nghề nghiệp của tôi chính là tôi. Tôi đã phải đấu tranh với các tay tổ tại hãng luật cho những gì tôi nhận được. Tôi đã phải dành tám tiếng một ngày để đọc các ấn phẩm nghệ thuật. Nàng dừng lại, lúc này giọng nàng trở nên lạnh lùng. Hẳn nàng đã quay sang Astorre. Và điều tôi muốn biết là tại sao ba lại để anh đại diện cho các nhà băng. Anh thì làm được cái quái gì hả?

Giọng Astorre vang lên hối tiếc

– Nicole à, tôi đâu biết. Tôi không đòi hỏi điều đó. Tôi có cơ sở kinh doanh, tôi thích ca hát và cưỡi ngựa. Ngoài ra, như thế cũng tốt cho các anh chị. Tôi phải làm tất cả mọi việc, và lãi sẽ được chia đều cho bốn người chúng ta.

– Nhưng anh có quyền kiểm soát trong khi anh chỉ là chỗ họ hàng, Nicole nói. Nàng mỉa mai chua thêm. Chắc ba tôi phải thích nghe anh hát lắm.

Valerious nói

– Chú sẽ cố điều hành nhà băng một mình chứ ?

Astorre giả vờ khiếp sợ

– Ồ, không, không. Nicole sẽ ném vào mặt tôi một danh sách những cái tên, họ vẫn làm thế mà.

Giọng Nicole đẫm nước mắt và thất vọng

– Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao ba không chọn tôi. Tại sao?

– Bởi ông không muốn bất kỳ đứa con nào của mình ngồi trên đầu người khác, Marcantonio nói.

Astorre nhỏ nhẹ

– Có lẽ làm thế để tránh cho các anh chị khỏi gặp nguy hiểm đấy thôi.

– Tại sao anh lại thích thằng cha FBI, kẻ đã tới nhà mình cứ như thể một người bạn tốt nhất ấy? Nicole nói. Hắn đã săn đuổi ông già nhiều năm trời. Bây giờ lại còn hý hửng tưởng anh em mình sẽ rót tất cả bí mật gia đình vào tai hắn. Đồ đê tiện.

Cilke cảm thấy máu nóng dồn lên mặt. Ông đâu có xứng với điều đó.

Valerious nói

– Hắn đang làm nhiệm vụ. Cũng chẳng dễ đâu. Hắn hẳn phải là một người có tài. Hắn đã lôi được khá nhiều bạn bè của ông già ra trước vành móng ngựa. Và hắn làm được hoài.

– Quân phải bội, lũ chỉ điểm, Nicole khinh bỉ nói. Và còn luật RICO nữa, người ta thực hiện chúng rất bài bản. Chiếu theo luật này, một nửa các nhà lãnh đạo của chúng ta có thể phải ra tòa, và phần lớn cánh nhà giàu của Câu lạc bộ năm trăm nữa.

– Nicole, cô là luật sư đấy, Marcantonio nói. Cắt cái chuyện rác rưởi ấy đi.

Astorre tư lự hỏi, các nhân viên FBI kiếm đâu ra bộ cánh kẻng thế nhỉ? Có thợ may đặc biệt cho họ à?

– Đó là cách ăn mặc của họ thôi, Marcantonio nói. Chuyện đó cũng bí mật đấy. Nhưng trên TV tụi này chưa bao giờ kiếm được một gã như Cilke cả. Cực kỳ lịch sự, cực kỳ trung thực, danh giá trên mọi phương diện. Tuy nhiên đừng bao giờ tin hắn.

– Marc, hãy quên cái chương trình TV giả cầy của chú đi. Chúng ta đang lâm vào một tình thế bất lợi. Và lúc này có hai vấn đề lớn được đặt ra: Tại sao và kẻ nào. Tại sao ba bị giết? Kẻ nào có thể làm việc đó? Ai cũng nói ba không có kẻ thù và chẳng có gì để người khác phải thèm muốn.

– Tôi có kiến nghị được xem hồ sơ của ba tại Cục lưu trữ, Nicole nói. May ra tìm được đầu mối.

– Để làm gì? Marcantonio phản đối. Tụi mình không làm được gì đâu. Vụ này phải để cho chính quyền lo.

Giọng Nicole lộ vẻ xem thường. Vậy việc chúng ta xem xét kẻ nào đã giết ba là vô lý à? Anh nghĩ sao hả Astorre? Anh có thấy như vậy không?

Giọng Astorre nhẹ nhàng, ôn hòa.

– Anh em mình có thể làm gì? Tôi yêu cha của các anh chị. Tôi biết ơn bác, trong di chúc bác đã quá hào phóng với tôi. Nhưng hãy chịu khó đợi xem chuyện gì xảy ra. Đúng, tôi thích Cilke. Nếu ở đây có gì để tìm, ông ấy sẽ tìm được. Anh em mình đều có cuộc sống tốt đẹp, vậy thì hủy hoại nó làm gì? Chàng dừng lại rồi nói tiếp

– Thôi, tôi còn phải gọi cho một trong số những nhà cung cấp của tôi. Tôi phải đi đây. Nhưng mọi người cứ ở lại mà bàn tiếp.

Đến đây có một khoảng im lặng khá dài. Cilke không thể không dành thiện chí cho Astorre và sự phẫn nộ cho những người còn lại. Nhưng nhìn chung, ông hài lòng. Đây không phải là những người nguy hiểm. Họ sẽ không gây rắc rối cho ông.

– Tôi yêu quý Astorre, lúc này giọng Nicole vang lên. Anh ấy gần gũi ba hơn bất kỳ ai trong ba anh em ta. Nhưng cũng chả là cái quái gì. Marc, liệu anh ấy có thể hành nghề hát xướng được không?

Marcantonio phá lên cười

– Bọn này đã thấy hàng nghìn thằng như nó. Nó giống một ngôi sao bóng đá trong một trường trung học nhỏ. Vui tính, nhưng nó không có tài sản. Tuy thế nó có việc làm tốt và nó thích thế, vậy thì việc chó gì hả?

– Anh ấy kiểm soát những ngân hàng nhiều tỷ đôla – tất cả những gì chúng mình có, nhưng cái làm cho Astorre thực sự quan tâm lại là ca hát và cưỡi ngựa. Nicole nói.

Valerious nói nửa thương hại, nửa hài hước.

– Ăn mặc thì cũng bảnh đấy, nhưng chú ấy có một vị trí tồi tệ quá.

Nicole nói

– Sao ba có thể làm thế nhỉ?

– Thì cũng nhờ món macaroni ấy mà ông già mới làm được một việc tốt, Valerious nói.

– Anh em mình phải bảo vệ Astorre, Nicole nói. Anh chàng này quá non nớt để điều hành các nhà băng và quá khờ khạo để đối phó với Cilke.

Nghe hết cuộn băng Cilke quay sang Boxton.

– Cậu nghĩ sao?

– À, như Astorre, tôi nghĩ anh là một gã cừ đấy. Boxton nói.

Cilke phá lên cười.

– Không, ý tôi muốn nói là các vị này có khả năng giết người hay không?

– Không. Thứ nhất họ là con cháu lão, thứ hai họ không có khả năng giết người.

– Dẫu vậy họ cũng thông minh đấy, Cilke nói. Họ đặt ra một câu hỏi đúng. Sao vậy nhỉ?

– À đấy không phải là việc của chúng ta, Boxton nói. Nó là của địa phương chứ không phải của Liên bang. Hay anh đã lần ra mối quan hệ nào rồi?

– Các nhà băng, Cilke nói. Không cần phải lãng phí tiền của Cục nữa, chấm dứt nghe trộm.

Kurt Cilke thích chó vì chúng trung thành. Ông có hai con chó chăn cừu giống Đức để giữ nhà. Đêm đêm ông cùng chúng tản bộ qua khu rừng gần nơi ở, lòng tràn ngập niềm tin và thanh thản.

Đêm đó trở về nhà ông rất hài lòng. Tình hình không còn nguy hiểm nữa, không có mối đe dọa nào từ phía gia đình nạn nhân. Sẽ không có trả thù đẫm máu.

Cilke sống ở New Jersey cùng người vợ ông hết mực yêu thương và đứa con gái ông hết mực cưng chiều. Nhà ông được lắp hệ thống bảo vệ, thêm vào đó còn hai con chó. Chính phủ chịu phần chi phí. Vợ ông từ chối học cách sử dụng súng nên ông chỉ còn trông cậy vào việc giấu kín tung tích. Hàng xóm nghĩ ông là luật sư (ông đã từng là luật sư thật), con gái ông cũng nghĩ vậy. Cilke luôn cất kín súng đạn và thẻ mật vụ khi ông ở nhà.

Ông không bao giờ gửi xe ở nhà ga để và thành phố làm việc. Lũ trộm vặt có thể thó mất súng và bộ đàm trên xe. Khi về New Jersey ông gọi điện để vợ đi đón. Chỉ mất năm phút là tới nhà.

Đêm nay Georgette vui vẻ hôn lên má ông, một đụng chạm thể xác ấm áp. Cô bé gái Vanessa vô cùng hiếu động ôm chầm lấy ông. Hai chú chó mừng rỡ chạy quanh ông. Cilke trân trọng những giây phút như thế trong cuộc đời mình. Ông luôn cảm thấy an bình bên gia đình. Ông biết vợ rất yêu ông. Chị quý trọng tính cách của ông: làm việc có tình có lý, luôn công bằng với thuộc cấp. Ông đánh giá cao trí tuệ của chị và tin tưởng kể cho chị nghe công việc của mình. Tất nhiên, không phải là tất cả. Chị cũng luôn luôn bận rộn với công việc của mình. Chị viết về những người đàn bà nổi tiếng trong lịch sử, dạy môn đạo đức tại một trường đại học địa phương, tranh đấu cho những vấn đề xã hội mà chị quan tâm.

Lúc này Cilke quan sát vợ chuẩn bị bữa tối. Vẻ đẹp của chị luôn làm ông say mê. Ông thấy Vanessa đang dọn bàn, con bé muốn bắt chước mẹ, thậm chí còn cố đi đứng nhẹ nhàng với những bước chân uyển chuyển như một điệu ba lê. Georgette không muốn thuê người giúp việc, và chị đã nuôi dạy con trở thành một đứa trẻ không ỷ lại. Năm lên sáu, Vanesa đã biết tự dọn giường, lau nhà và giúp mẹ nấu nướng. Lúc nào cũng vậy, Cilke tự hỏi tại sao chị lại yêu ông, lại cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình.

Tới khuya, sau khi đưa Vanessa đi ngủ (Cilke kiểm tra lại chuông, cô bé có thể nhấn chuông nếu cần đến cha mẹ), họ về phòng riêng. Như mọi khi, Cilke lại bị mê hoặc khi Geprgette cởi bỏ hết quần áo. Rồi đôi mắt xám rộng mở của chị, đôi mắt rạng ngời trí tuệ, mờ đi vì yêu thương. Cuối cùng khi chìm vào giấc ngủ, chị ôm lấy tay ông để dẫn chúng vào những giấc mơ của chị.

Cilke gặp Georgette khi ông đang điều tra những tổ chức cực đoan bị tình nghi dính líu đến những hoạt động khủng bố. Chị là một nhà hoạt động chính trị giảng dạy môn lịch sử tại một trường đại học nhỏ ở New Jersey. Cuộc điều tra của ông cho thấy chị đơn giản chỉ là một người có tư tưởng tự do và không hề có liên hệ nào với các nhóm cực đoan. Cilke đã viết như vậy trong báo cáo của mình.

Khi thẩm vấn chị ông rất ngạc nhiên bởi chị không có thành kiến hay căm ghét ông – một nhân viên FBI. Thực vậy, chị có vẻ tò mò về công việc của ông. Ông nói với chị đơn giản ông là một trong những người bảo vệ xã hội. Một xã hội không thể tồn tại được nếu thiếu một vài quy định. Ông nửa đùa nửa thật nói thêm, ông là một tấm lá chắn giữa những người như chị và những kẻ muốn ăn tươi nuốt sống chị để phục vụ cho những mưu đồ riêng của họ.

Thời gian tìm hiểu thật ngắn ngủi. Họ nhanh chóng làm đám cưới. Vì biết rằng họ đối lập nhau trong hầu hết các vấn đề nên hai người tránh không để quan niệm riêng của họ ảnh hưởng đến tình yêu. Ông không chia sẻ những tín điều của chị, còn chị lại hoàn toàn ngây thơ trong thế giới của ông. Chị dứt khoát không chia sẻ với ông lòng sùng bái FBI. Nhưng chị vẫn lắng nghe những phàn nàn của ông, việc ông phẫn nộ vì danh dự của một vị thánh – J.Edga Hoover (1) – bị bôi nhọ. “Người ta mô tả ông ấy như một kẻ đồng giới, một tên cuồng tín phản động. Thật ra ông ấy là một nguời tận tâm không muốn những tư tưởng tự do phát triển”. Ông bảo chị

– Cánh nhà văn chế nhạo FBI như Gestapo hoặc KGB, nhưng bọn anh không bao giờ tra tấn, chưa bao giờ vu cáo bất cứ người nào – hoàn toàn khác cánh NYPD chứ. Đám thanh niên ở trường đại học có thể mất tự do nếu không có bọn anh. Các lực lượng cánh hữu sẽ hủy diệt chúng, chúng quá đần độn về chính trị.

Chị mỉm cười trước những xúc cảm của ông.

– Đừng mong em thay đổi, chị nói, nếu anh nói đúng thì chúng mình khỏi cãi vã nhau.

– Anh không cần em phải thay đổi, Cilke nói, và nếu FBI ảnh hưởng đến quan hệ của chúng mình thì anh sẽ tìm một việc làm khác.

Ông không hề nói với chị đó sẽ là một mất mát to lớn đối với ông.

Nhưng có bao nhiêu người nói được rằng họ hoàn toàn hạnh phúc, rằng họ có được một người bạn đời hoàn toàn đáng tin cậy? Ông là người may mắn có được cả hai yếu tố nói trên và toàn tâm toàn ý che chở cho chị, tin tưởng chị cả về thể xác lẫn tâm hồn. Từng giây từng phút chị vẫn cảm nhận được việc ông lo lắng cho sự an nguy của mình.

Khi phải đi tập huấn xa nhà Cilke nhớ vợ kinh khủng. Ông không khi nào quyến rũ những người đàn bà khác vì ông không thể phản bội chị. Ông mong đợi ngày trở về bên Georgette, được thấy nụ cười tin cậy của chị và cơ thể mời gọi của chị lúc đợi ông trong phòng ngủ, trần truồng, dễ bị tổn thương, tha thứ cho ông vì đã để công việc trở thành một thứ tôn giáo ám vào cuộc đời ông mất rồi.

Nhưng niềm hạnh phúc của ông bị ám ảnh bởi những bí mật mà ông phải giữ kín, những rắc rối nghiêm trọng trong những công việc ông thực hiện, hiểu biết của ông về một thế giới đang bị lũ người tội lỗi – cả đàn ông lẫn đàn bà – làm cho thối rữa, là những vết nhơ của nhân loại đang lan tràn. Thiếu chị, ông sống trên đời không còn ý nghĩa.

Có lần, hồi mới cưới, vì nghi ngờ tình cảm của Georgette ông đã làm một việc mà chính ông cũng lấy làm hổ thẹn. Ông đã đặt máy nghe lén trong nhà để ghi lại những gì chị nói, sau đó ông nghe băng ở dưới tầng hầm. Ông đã lắng nghe từng thay đổi trong giọng nói. Và chị đã qua được kỳ sát hạch. Chị không thâm hiểm, không nhỏ mọn hay phản phúc. Ông làm việc đó suốt một năm trời.

Đối với Cilke, việc chị yêu ông bất chấp những khiếm khuyết của ông là cả một điều kỳ diệu. Nhưng ông luôn e sợ chị sẽ phát hiện ra thực chất con người ông rồi ghê tởm ông. Và vì thế trong công việc ông càng trở nên khó tính và càng có tiếng là công bằng.

Georgette không khi nào nghi ngờ chồng. Một đêm chị đã chứng tỏ điều đó khi cùng hai mươi người khách nữa dự tiệc tại nhà ngài giám đốc.

Đêm ấy J. Edga Hoover cũng dành được chút thời gian cho riêng vợ chồng Cilke. Lão bảo Georgette

– Tôi biết cô có liên hệ với nhiều nhóm có tư tưởng tự do. Tất nhiên, cô có quyền làm như vậy. Nhưng có lẽ cô thật sự không ý thức được rằng những hành động của cô có thể hủy hoại sự nghiệp của Kurt tại Cục.

Georgette nở nụ cười với lão và nói một cách nghiêm túc

– Tôi biết chứ, nhưng đó là sai lầm và rủi ro của Cục. Tất nhiên, nếu vấn đề trở nên nghiêm trọng thì chồng tôi sẽ từ chức.

Giám đốc quay sang Cilke, ném vào mặt ông một cái nhìn đầy kinh ngạc

– Đúng vậy không? Lão hỏi. Cậu sẽ từ chức chứ?

Cilke không hề do dự

– Đúng vậy thưa ngài. Tôi sẽ nộp đơn vào sáng mai nếu ngài muốn.

Giám đốc phá lên cười.

– Ồ không, lão nói. Chẳng mấy khi chúng tôi kiếm được một người như cậu. Rồi lão nhìn Georgette với ánh mắt quý phái. Tình yêu vợ có lẽ là nơi nương náu cuối cùng của một người đàn ông trung thực.

Tất cả cùng cười cái dí dỏm có phần khiên cưỡng ấy để bảy tỏ thiện chí của mình.

(1) NYPD (New York Police Department) Sở cảnh sát New York.

(2) giám đốc FBI thời kỳ đó

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN