Lý Trí Và Tình Cảm
Chương 29
rước khi đến giờ gia nhân thắp đèn cho hai cô ngày kế, hoặc trước khi mặt trời có tia nắng nào le lói qua một buổi sáng lạnh lẽo và âm u của Tháng Hai, Marianne, chưa kịp thay y phục chỉnh tề, quỳ kế bệ cửa sổ để bắt lấy ít ánh sáng, đang viết nhanh giữa những dòng nước mắt. Tiếng sột soạt và các tiếng nấc của cô khiến Elinor thức giấc, nhận ra em gái; và sau khi quan sát một lúc trong nỗi lo lắng thầm lặng, hỏi qua giọng nhẹ nhàng ý tứ nhất:
Marianne, chị có thể hỏi – ?
Không, Elinor, chị đừng hỏi gì cả; chẳng bao lâu chị sẽ biết hết.
Cách thức trầm tĩnh vô vọng trong lời nói không kéo dài lâu, tiếp theo ngay sau đấy là cùng nỗi ưu phiền nặng nề như lúc trước. Phải mất vài phút cô mới có thể tiếp tục viết lá thư, và những đợt sầu khổ dâng trào từng lúc khiến cô phải cố giữ vững cây viết – đủ là các bằng chứng cho thấy cô đang viết lá thư cuối cùng cho Willoughby.
Elinor quan sát em gái trong im lặng và không ngáng trở. Cô đã có thể gắng gượng an ủi và xoa dịu thêm em gái, nếu Marianne đã không van nài cô bằng mọi vẻ thiết tha trong cáu kỉnh nhất là không được nói gì với mình. Trong các tình huống này, không nên gần bên nhau là điều tốt cho cả hai. Tâm tư bấn loạn của Marianne khiến cô không thể giam mình trong phòng sau khi thay đổi trang phục, nhưng bắt buộc cô tìm nơi vắng vẻ và luôn thay đổi chỗ, khiến cô đi quanh quẩn trong nhà cho đến giờ ăn sáng, tránh gặp mặt mọi người.
Tại bàn ăn, Marianne không ăn gì, và không cố ăn thức gì. Các chăm chút của Elinor không phải để khuyên nhủ, thương hại hoặc bày tỏ tình cảm với em gái, mà để cố bắt chuyện cho bà Jennings chỉ chú ý đến mình.
Vì có những món bà Jennings yêu thích, bữa ăn sáng kéo dài khá lâu, và sau đấy khi họ vừa mới chuyển sang bàn làm việc, một lá thư được gửi cho Marianne. Cô giật lấy phong thư từ tay ông gia nhân và, mặt trắng bệch như người chết, lập tức chạy ra khỏi phòng. Elinor đã thấy rõ mọi việc như thể đã nhận ra chiều hướng được vạch trước, biết đây là lá thư từ Willoughby. Cô có ngay cảm giác đau nhói trong tim khiến cô khó ngẩng đầu lên, rùng mình khi cô e khó thể tránh bị bà Jennings nhìn thấy.
Tuy nhiên, người phụ nữ tốt bụng này chỉ thấy Marianne đã nhận một lá thư từ Willoughby, vốn dĩ là đề tài cho bà cợt đùa, và thế là bà đùa cợt bằng cách cười lớn nói hy vọng cô sẽ đọc được những gì cô đang mong đợi. Bà đang bận đo chiều dài các cuộn len cho tấm thảm của bà nên không để ý đến Elinor đang khổ sở, vẫn bình thản tiếp tục nói ngay sau khi Marianne mất hút:
Tôi đoan chắc, trong đời tôi chưa từng thấy một phụ nữ trẻ nào yêu đương một cách dữ dội như thế. Các con gái của tôi không là gì so với cô ấy, và tuy thế chúng nó có lúc khá ngu xuẩn; nhưng về phẩn cô Marianne, kể ra cô ấy quả là một người khác thường. Trong thâm tâm tôi mong anh ấy sẽ không bắt cô phải chờ đợi lâu, vì thật là xót xa khi thấy cô có vẻ bệnh hoạn và trơ trọi như thế. Xin cho biết, bao giờ hai người cưới nhau?
Dù Elinor chưa bao giờ muốn giữ im lặng như lúc này, nhưng cô đành phải đáp lời giễu cợt như thế, nên gắng gượng nở nụ cười, cô đáp:
Thưa bà, thật sự bà muốn tự mở lời khuyến dụ em tôi hẹn ước với anh Willoughby phải không? Tôi đã nghĩ đây chỉ là lời bông đùa, nhưng câu hỏi nghiêm túc như thế dường như có thêm ẩn ý; và vì thế, tôi xin bà không nên tự giả vờ nữa. Tôi xin bà tin rằng không có gì khiến tôi ngạc nhiên hơn là nghe hai người sắp cưới nhau.
Thật là xấu hổ, xấu hổ lắm, cô Daswood ạ! Làm sao cô lại nói như thế? Tất cả chúng ta đều biết rằng hai người xứng đôi với nhau, rằng hai người đã yêu nhau say đắm từ khi mới gặp nhau, đúng không? Có phải ở Devonshire tôi thấy hai người bên nhau hằng ngày và suốt cả ngày; và tôi không biết rằng em gái cô đi thành phố với tôi có mục đích mua áo cưới, hay sao? Này, này, chả ích gì. Vì cô cứ kín đáo như thế, cô nghĩ không ai nhận ra; nhưng không đúng thế, tôi có thể nói cho cô biết, vì cả thành phố đã biết chuyện này từ lâu. Tôi đã nói cho mọi người nghe và Charlotte cũng thế.
Elinor nói thật trang nghiêm:
Thưa bà, thật ra bà đã nhầm lẫn. Thật thế, bà đang làm một việc không được tử tế lắm khi loan truyền tin này; và bà sẽ thấy đúng như lời tôi nói, dù bây giờ bà không tin tôi.
Bà Jennings lại cười, nhưng Elinor không còn tinh thần nào mà nói thêm. Nôn nóng muốn biết Willoughby đã viết những gì, cô vội vã trở về phòng hai người. Khi mở cánh cửa, cô thấy Marianne nằm dài trên giường, gần như nghẹn ngào vì đau khổ, một lá thư nắm trong tay, hai hoặc ba lá thư khác nằm kế bên. Elinor bước đến gần, nhưng không nói lời nào. Cô ngồi xuống giường, nắm lấy tay em, hôn em nồng thắm, rồi thả mình trong phun trào nước mắt, khởi đầu mãnh liệt không kém Marianne.
Cô em không thể nói năng được gì, dường như cảm nhận được mọi trìu mến, và sau một chốc cùng nhau trút ra mọi đau khổ như thế, cô đặt tất cả lá thư vào tay Elinor; rồi vùi mặt trong chiếc khăn tay, gần như gào thét trong thảm sầu.
Elinor hiểu rằng cần để yên cho nỗi khổ đau như thế tự tuôn trào sau khi đã gây sốc lúc đầu, nên cô không làm gì thêm để an ủi. Cô đợi cho đến khi em gái có phần dịu xuống, rồi quay qua đọc lá thư của Willoughby.
Phố Bond, Tháng Hai
THƯA CÔ – Tôi vừa có hân hạnh nhận được thư cô, và xin có lời cảm ơn chân thành về việc này. Tôi rất lấy làm quan ngạy nhận thấy trong cách cư xử của tôi tối qua có điều gì đấy không được cô tán thành; và mặc dù tôi khá bối rối khi tìm hiểu làm thế nào tôi đã có thể không may xúc phạm đến cô, tôi khẩn khoản xin cô thứ lỗi cho điều mà tôi mong cô tin rằng hoàn toàn không chủ động.
Tôi sẽ không bao giờ hồi tưởng về mối giao tình trước kia với gia đình cô ở Devonshire mà không cảm thấy niềm vui trân trọng, và tự bản thân tôi cảm thấy tự mãn khi mối giao tình này không bị sứt mẻ do bất kỳ nhầm lẫn hoặc hiểu lầm nào về các hành động của tôi. Lòng quý trọng của tôi dành cho toàn thể gia đình cô là rất chân thật; nhưng nếu tôi vô phúc làm dấy lên sự tin tưởng về những gì vượt quá lòng tôi cảm nhận, hoặc có ý tỏ lộ, tôi sẽ tự trách mình đã không cẩn trọng hơn khi tôi biểu lộ lòng quý trọng ấy.
Xin cô hiểu rằng tôi không thể nào có ý gì khác hơn, khi cô hiểu rằng tình cảm của tôi từ lâu đã được hẹn ước nơi khác, và tôi tin sẽ không còn nhiều tuần nữa, mối hẹn ước này sẽ được thỏa nguyện.
Qua tiếc nuối sâu sắc, tôi xin tuân theo lời cô sai khiến để hoàn trả các lá thư mà tôi đã có vinh dự được nhận từ cô, cùng lọn tóc mà cô đã sẵn lòng ban tặng cho tôi.
Vô cùng trân trọng,
JOHN WILLOUGHBY
Có thể hiểu được Elinor phẫn nộ đến thế nào với lá thư như thế. Mặc dù trước khi bắt đầu đọc, cô đã đoán anh sẽ thú thật mình thiếu trung kiên và xác nhận cuộc phân ly vĩnh viễn, cô đã không thể mường tượng ngôn từ như thế lại bị lạm dụng để thông báo các ý này! Cô cũng không thể nghĩ Willoughby lại có thể dứt ra khỏi biểu hiện về danh dự và cảm nghĩ tế nhị – hoàn toàn xa rời tính cách đoan chính của một con người quý phái – để gửi một lá thư tàn nhẫn và trâng tráo như thế: một lá thư thay vì mang ý nghĩa là anh mong muốn thổ lộ nuối tiếc, lại công nhận không có sứt mẻ về lòng tin, phủ nhận mọi tình cảm đặc biệt – một lá thư mà mỗi dòng đều gây xúc phạm, cho thấy người viết mang thói bất lương dày dạn.
Cô ngẫm nghĩ một lúc qua ngạc nhiên phẫn nộ, rồi đọc đi đọc lại lá thư; nhưng mỗi lần đọc chỉ khiến cô thêm ghê tởm người đàn ông, và thêm cay đắng với anh ta, đến nỗi cô không đủ tự tin để cất tiếng. Cô e mình làm Marianne thương tổn thêm khi cô xem sự đổ vỡ không phải là mất mát cái gì tốt đẹp, mà là giải thoát khỏi cái gì tệ hại nhất và cái độc địa nhất không thể cải hóa được, thoát khỏi mối quan hệ suốt đời với một người vô nguyên tắc, là một sự cứu nguy chân chính nhất, một phúc lành trọng đại nhất.
Trong khi suy tư bấn loạn về nội dung của lá thư, về đầu óc đồi bại đã viết nên lá thư này, và có lẽ, về một tâm tư rất khác lạ của một con người rất khác lạ vốn không có mối liên quan bất kỳ nào với cuộc tình ngoại trừ những gì con tim cô trao cho anh, Elinor đã không còn nhớ đến nỗi khổ sở của em gái, không còn nhớ là có ba lá thư khác mà cô chưa đọc, và không nhớ gì về thời gian cô ngồi trong phòng, đến nỗi khi nghe tiếng một cỗ xe chạy đến cửa, cô đi đến cửa sổ để nhìn xem ai đã không biết điều đến sớm như thế.
Cô ngạc nhiên nhận ra cỗ xe của bà Jennnings. Với chủ định không muốn xa rời Marianne dù không mong giúp được gì vào lúc này, Elinor vội chạy đi xin khất với bà Jennings, với lý do em gái cô không được khỏe. Qua lòng quan tâm luôn vui vẻ về nguyên nhân gây ra tình trạng của cô em, bà Jennings chấp nhận ngay lời cô, và sau khi tiễn chân bà, cô quay lại cùng Marianne.
Cô thấy em gái đang gượng ngồi dậy trên giường, vừa kịp lúc đỡ cho cô em không bị lăn xuống sàn, bất tỉnh và choáng váng vì đã mất ngủ và bỏ ăn. Đã qua nhiều ngày cô bé không thiết ăn uống gì, và nhiều đêm không ngủ yên giấc. Bây giờ, khi tâm tư cô không còn được nâng đỡ bởi cơn sốt của hồi hộp, hệ lụy còn sót lại được nhận ra qua cái đầu váng vất, dạ dày trống rỗng, thần kinh gần như bất tỉnh.
Elinor mang đến một ly rượu vang giúp em gái dễ chịu hơn, và cuối cùng cô em có thể bày tỏ một ít tình thân thương.
Chị Elinor tội nghiệp! Em đã làm chị khổ đến thế nào!
Cô chị đáp:
Chị chỉ mong có thể làm bất kỳ việc gì để mang đến nhẹ nhàng cho em.
Điều này, cũng như bất kỳ những điều khác, là quá đáng đối với Marianne. Cô em chỉ có thể thốt lên từ nỗi thảm sầu trong tâm tư:
Ôi! Chị Elinor, em thật là khổ!
Rồi câu nói của cô chìm giữa những tiếng nức nở.
Elinor không còn đủ can đảm chứng kiến trong im lặng nỗi thương đau không thể chống chọi này. Cô thốt lên:
Em Marianne yêu, em phải tự nỗ lực, nếu không em sẽ tự giết em và giết cả những người thương em. Hãy nghĩ đến mẹ, nghĩ đến nỗi khổ của bà trong khi em đau khổ; vì mẹ mà em phải tự vực mình lên.
Marianne khóc:
Em không thể, không thể được, chị mặc em, để mặc em một mình nếu em làm cho chị buồn; để mặc em, ghét em đi, quên em đi! Nhưng đừng tra tấn em như thế! Ôi! Quá dễ cho những người chính mình không biết khổ mà cứ khuyên người khác phải tự vực dậy! Elinor hạnh phúc, hạnh phúc quá, chị không thể hiểu được em khổ như thế nào.
Marianne, em nói chị hạnh phúc hở? Hứ! Nếu em biết được! Và em tin chị được hạnh phúc khi thấy em khốn khổn như thế này hay sao?
Cô em vòng tay ôm cổ chị:
Xin chị thứ lỗi, thứ lỗi cho em, em biết chị cảm thương em; em cũng biết con tim chị ra sao; nhưng dù thế chị đang… chị đúng là đang hạnh phúc; Edward yêu chị… cái gì, ờ nhỉ, cái gì có thể làm tan vỡ hạnh phúc như thế?
Elinor nghiêm trọng:
Nhiều tình huống, rất nhiều.
Không, không, không, anh ấy yêu chị, và chỉ yêu chị thôi. Không thể nào chị lại khổ.
Chị không vui gì khi thấy em trong tình cảnh như thế này.
Và chị sẽ chẳng bao giờ thấy em khác hơn thế này. Không có gì xua tan nỗi khổ của em.
Marianne, em không được nói như thế. Em không có nguồn an ủi hay sao? Không có bạn bè hay sao? Sự mất mát của em không có gì để xoa dịu hay sao? Bất luận hiện giờ em khổ như thế nào, hãy nghĩ em còn khổ đến đâu nếu chỉ sau này em mới phát hiện được tư cách của anh ta – nếu hai người đã hẹn ước tháng này qua tháng nọ rồi anh ta quyết định chấm dứt. Về phần em, có thêm một ngày tin yêu bất an chỉ khiến kết cục thêm bi thảm.
Marianne thốt lên:
Hẹn ước! Không có hẹn ước.
Không hẹn ước?
Không có, anh ấy không phải là thứ vô lại như chị nghĩ. Anh không phản bội lòng tin gì cả đối với em.
Nhưng anh ta đã nói anh yêu em.
Đúng thế… mà không… không bao giờ… tuyệt đối. Mỗi ngày đều có ẩn ý, nhưng chưa bao giờ thổ lộ. Đôi lúc em nghĩ anh ấy đã bày tỏ – nhưng thật ra chưa bao giờ.
Thế mà em lại gửi thư cho anh ta?
Vâng. Đây có phải là sai trái không sau những gì đã biểu hiện? Nhưng em không thể nói chuyện.
Elinor không nói gì thêm, quay lại với ba lá thư giờ khiến cô hiếu kỳ hơn lúc nào. Cô thoáng nhìn qua nội dung cả ba. Lá thư thứ nhất, được cô em gửi đi ngay sau khi đến thành phố, là như sau.
Phố Berkeley, Tháng Hai,
Anh Willoughby, anh hẳn sẽ ngạc nhiên thế nào khi nhận thư này, và tôi tin anh sẽ cảm thấy điều gì đấy hơn là ngạc nhiên, khi anh biết tôi đang ở thành phố. Một cơ hội đến tình cờ, dù với bà Jennings, là điều hấp dẫn mà chị tôi và tôi không thể cưỡng lại được. Tôi ước anh nhận thư này kịp cho tối nay, nhưng tôi không dám trông mong. Dù sao, tôi chờ anh ngày mai. Trong khi chờ đợi, tạm biệt.
M.D.
Lá thư thứ hai của cô, viết vào buổi sáng sau buổi khiêu vũ tại tư gia nhà Middleton, là như sau:
Tôi không thể diễn tả nỗi thất vọng của mình vì đã không được gặp anh ngày hôm kia, và ngạc nhiên vì không nhận được phúc đáp cho thư tôi gửi anh khoảng một tuần trước. Mỗi giờ trong ngày trôi qua, tôi đã trông mong tin anh, và trông mong nhất là được gặp anh. Xin anh đến càng sớm càng tốt, giải thích cho tôi rõ tại sao tôi phải trông chờ vô vọng như thế này. Lần sau anh nên đến vào giờ sớm hơn, bởi vì cả nhà thường đi vắng vào lúc một giờ. Tối qua, mọi người đến tư gia Phu nhân Middleton, nơi có dạ vũ. Tôi nghe nói anh được mời đến dự. Nhưng lẽ nào lại như thế? Hẳn anh đã thay đổi nhiều sau khi chúng ta chia tay, nên anh không đến dạ vũ. Nhưng tôi không tin anh có thể thay đổi, nên tôi mong sớm được chính anh xác nhận.
M.D.
Nội dung của lá thư cuối cùng viết cho anh là như sau:
Willoughby, tôi phải tưởng tượng ra sao về thái độ của anh tối qua? Một lần nữa, tôi muốn anh giải thích về chuyện này. Tôi đã chuẩn bị để gặp lại anh qua nỗi vui mừng vui mà sự xa cách của chúng ta đương nhiên sẽ mang lại, theo tình thân quen mà quan hệ mật thiết giữa chúng ta ở Barton dường như đã minh chứng. Tôi đã bị cự tuyệt thật sự! Tôi đã trải qua một đêm khốn khổ để gắng gượng tha thứ cho tư cách khó để gọi kém hơn là sự sỉ nhục; nhưng mặc dù tôi chưa thể hình dung ra lời xin lỗi hợp lý cho hành vi của anh, tôi hoàn toàn sẵn lòng nghe anh biện hộ cho chuyện này. Có lẽ anh đã ngộ nhận, hoặc cố tình bị lừa dối về chuyện nào đấy liên quan đến tôi khiến anh xem thường tôi. Hãy nói cho tôi biết đã xảy ra chuyện gì, giải thích lý do về hành động của anh, rồi tôi sẽ được mãn nguyện bằng cách làm cho anh mãn nguyện.
Thật tình tôi lấy làm đau khổ phải nghĩ xấu về anh; nhưng nếu tôi có nghĩ thế, nếu tôi biết được rằng những gì tôi đã tin anh từ trước, rằng tình cảm anh dành cho tôi là giả tạo, rằng thái độ của anh chỉ có chủ ý lừa dối, thì cứ nói ra càng sớm càng tốt.
Tâm tư của tôi vào lúc này đang ở trong tình trạng bất định kinh khiếp; tôi muốn tha thứ cho anh, nhưng chắc chắn dù theo chiều hướng nào cũng sẽ là thanh thản so với điều tôi đang phải chịu khổ sở.
Nếu tâm tư của anh không còn như xưa, anh nên trả lại các lá thư của anh, cùng lọn tóc của tôi mà anh đang giữ.
M.D.
Vì Willoughby mà Elinor không muốn tin là các lá thư đầy tình cảm và tin tưởng như thế lại được phúc đáp như thế. Nhưng khi kết án anh, cô vẫn không quên rằng thư từ như thế cho một người con trai là không phải phép chút nào. Cô thầm lặng đau khổ vì đứa em gái khinh suất đã mạo hiểm tự nguyện đưa ra những bằng chứng về tình cảm mà trước đây chưa được xác minh qua những gì xảy ra, nhưng sau này lại bị kết án qua những sự kiện.
Khi Marianne thấy cô đã đọc xong, cô em giải thích với chị rằng các lá thư không viết gì đặc biệt ngoại trừ những gì bất cứ ai cũng viết trong hoàn cảnh tương tự. Cô thêm:
Tự em cảm thấy đã được nghiêm chỉnh hẹn ước với anh, như thể luật pháp chặt chẽ nhất đã ràng buộc hai người với nhau.
Elinor nói:
Chị có thể tin được điều này, nhưng không may là anh ấy không cảm nhận như thế.
Chị Elinor, anh ấy có cảm nhận như thế – tuần này qua tuần khác anh đã cảm nhận. Em biết anh cảm nhận. Bất luận chuyện gì đấy khiến anh bây giờ thay đổi, (và không có gì khác ngoại trừ tiểu xảo đen tối chống lại em), có lúc em là thân thương với anh ấy giống như tâm tư em ước nguyện. Lọn tóc này, mà bây giờ anh ấy sẵn sàng từ bỏ, là do anh thiết tha xin em. Giá như chị thấy ánh mắt của anh, cử chỉ của anh, giá như chị nghe tiếng nói của anh vào lúc ấy! Chị còn nhớ không buổi tối cuối cùng em và anh ấy bên nhau ở Barton? Và buổi sáng mà anh chia tay với em nữa! Khi anh ấy nói có lẽ phải nhiều tuần mới gặp lại em – nét mặt đau khổ của anh – làm thế nào em quên được đau khổ của anh?
Trong một vài khoảnh khắc Marianne không thể nói thêm; nhưng khi cơn dao động đã qua, bằng một giọng vững chắc cô thêm:
Chị Elinor, em đã bị lợi dụng một cách tàn nhẫn; nhưng không phải do Willoughby.
Marianne thân yêu, do ai ngoại trừ chính anh ta? Anh có thể bị ai xúi bẩy chứ?
Do cả thiên hạ, chứ không phải do con tim của anh. Em muốn tin rằng mọi người quen biết với em hợp sức nhau để hủy hoại em trong tâm tưởng của anh, hơn là tin rằng anh chủ định tàn nhẫn như thế. Người phụ nữ mà anh viết – bất kỳ cô là ai – hoặc nói tóm lại, bất cứ ai ngoại trừ chính chị thân yêu, mẹ và Edward, đều có thể dã man gây ấn tượng sai lầm về em. Không nói đến ba người thân thương, có ai khác trên đời mà em nghi ngờ ngoài Willoughby với tâm hồn em hiểu rất rõ?
Elinor không thể tranh cãi, chỉ nói:
Em yêu à, bất kỳ ai có thể là kẻ thù của em một cách đáng ghét như thế, nên để mặc họ bị lừa dối về chiến thắng hiểm ác của họ, để họ nhận thấy rằng ý thức về sự vô tội của em và về thiện ý đã nâng đỡ một cách cao cả như thế nào cho tinh thần của em. Chính niềm tự hào đúng lý và đáng ca ngợi sẽ chống lại ác ý như thế.
Marianne thốt lên:
Không, không, không có tự hào gì trong nỗi khổ em đang mang như thế này. Em không màng ai biết em đang khốn khổ. Chiến thắng được trông thấy em khổ có thể công khai cho cả thiên hạ. Elinor, chị Elinor ạ, những người ít khổ có thể hãnh diện và tự chủ như ý họ muốn – họ có thể chống lại sự sỉ nhục, hoặc đáp trả sự mất thể diện – nhưng em không thể làm thế. Em phải cảm xúc – em phải khốn khổ – và họ cứ tự do vui với ý thức rằng em đang khổ.
Nhưng vì em và vì chị –
Em sẽ vì chị và vì mẹ hơn là vì em. Nhưng phải tỏ ra hạnh phúc khi em đang khổ sở! Ôi! Ai lại có thể đòi hỏi như thế?
Cả hai lại im lặng. Elinor suy tư bước từ lò sưởi đến cửa sổ, rồi từ cửa sổ đến lò sưởi mà không nhận ra hơi nóng từ một nơi hoặc những hình ảnh rõ ràng từ nơi kia. Marianne ngồi kế chân giường, đầu tựa lên một cột giường, lại nhặt lá thư của Willoughby lên, và sau khi rùng mình qua mỗi câu, kêu lên:
Quá đáng! Ôi, Willoughby, Willoughby, có thể đây là thư của anh hay sao? Độc ác, độc ác – không thể tha thứ được anh. Chị Elinor, không gì có thể tha thứ được. Bất luận anh ấy có nghe nói gì về em – đáng lẽ anh ấy không nên tin, phải không? Đáng lẽ anh ấy nói chuyện với em, để em có cơ hội giãi bày, phải không? (Cô đọc theo lá thư) “Lọn tóc mà cô đã sẵn lòng ban tặng cho tôi” – Không thể miễn thứ được. Willoughby, con tim anh ở đâu khi anh viết mấy dòng này? Ôi! Xấc xược một cách tàn nhẫn! Chị Elinor, có thể nào biện minh cho anh ấy không?
Không, Marianne, không có cách nào biện minh.
Và tuy thế người phụ nữ này – ai mà biết tiểu xảo của cô ta là gì! Cô ta đã âm mưu từ bao lâu và trù tính sâu xa đến đâu! Cô ta là ai? Cô ta có thể là ai? Em đã nghe anh ấy nói có ai là trẻ và hấp dẫn trong số các cô gái anh quen đâu? Ôi! Không ai, không có ai – anh ấy nói với em chỉ về em thôi.
Thêm một khoảnh khắc. Marianne bị dao động mạnh, nói:
Chị Elinor ạ, em phải về nhà. Em phải trở về và an ủi mẹ. Chúng ta về ngày mai được không?
Ngày mai hở Marianne?
Vâng, tại sao em phải ở đây? Em đến đây chỉ vì Willoughby, và bây giờ ai màng đến em? Ai thương em?
Không thể về ngày mai. Chúng ta hàm ơn bà Jennings nhiều hơn là phép lịch sự, và phép lịch sự thông thường nhất không cho phép ra về vội vã như thế.
À, thế thì một hoặc hai ngày, có lẽ vậy; nhưng em không thể ở đây lâu, em không thể lưu lại để chịu đựng mấy lời hỏi han và nhận xét của những người này. Nhà Middleton và nhà Palmer – làm thế nào chịu đựng được họ thương hại em? Tình thương hại từ một phụ nữ như Phu nhân Middleton! Ôi, còn ông ấy sẽ nói đến chuyện này như thế nào!
Elinor khuyên cô em nên nằm xuống. Em gái cô vâng lời một lúc, nhưng không cách nào làm cho cô được thanh thản. Trong nỗi dao động của tinh thần và thể chất, cô luôn trở mình, vẫn thêm bứt rứt. Elinor thấy khó mà giữ em gái nghỉ ngơi trên giường, và có lúc e phải miễn cưỡng gọi bác sĩ. Nhưng vài giọt nước hoa oải hương mà cô chị khuyên bảo nên dùng tỏ ra có tác dụng. Từ lúc này cho đến khi bà Jennings trở về, cô em nằm thiêm thiếp trên giường.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!