Lý Trí Và Tình Cảm
Chương 39
Hai chị em nhà Daswood giờ lưu lại thành phố đã trên hai tháng, và mỗi ngày Marianne càng nôn nóng muốn trở về. Cô khát khao bầu không khí, cuộc sống tự do và vẻ êm đềm của miền quê; và cho rằng nếu có nơi nào tạo được tĩnh lặng cho cô, thì đấy là Barton. Elinor cũng nôn nóng không kém, nhưng còn ngần ngại vì nghĩ đến những khó khăn của chuyến đi đường dài như thế mà Marianne không thể lường được. Tuy nhiên, cô bắt đầu nghiêm túc xem xét khả năng, đề cập với bà chủ tốt bụng về ý muốn của hai chị em. Bà phản đối với mọi hùng biện trong thiện ý, rồi đề nghị một kế hoạch tuy giữ họ lại thêm ít tuần, nhưng đối với Elinor xem chừng có thể chấp nhận được. Vào cuối Tháng Ba, hai vợ chồng Palmer sẽ đi Cleveland để nghỉ lễ Phục sinh; và bà Jennings cùng với hai cô cháu nhận được lời mời rất tha thiết của Charlotte để cùng đi với họ. Lời mời tự nó vẫn chưa đủ để đáp ứng tính tế nhị của cô Daswood; – nhưng có thêm anh Palmer trợ lực bằng cả lịch sự chân chính, qua thái độ thêm thành khẩn từ khi họ biết chuyện không vui của cô em. Vì thế, cô vui vẻ nhận lời.
Tuy nhiên, khi cô nói chuyện với Marianne, câu trả lời đầu tiên cô nhận được không thuận lợi lắm.
Marianne thốt lên trong dao động:
– Cleveland! Không, em không thể đi Cleveland.
Elinor dịu dàng:
– Em đã quên, nhưng vị trí… không phải gần với –
– Nhưng nó gần với Somersetshire… Em không thể đi Somersetshire… Ở đấy, là nơi mà em đã mong đi đến… Không, chị Elinor, chị không thể mong em đi đến đấy.
Elinor không thể tranh luận là em gái phải tỏ ra đúng mực mà vượt qua cảm nghĩ như thế; cô chỉ gắng dùng luận cứ khác làm đối trọng. Cô trình bày rằng kế hoạch này sẽ định thời gian trở về với bà mẹ thân yêu mà em gái tha thiết muốn gặp lại, theo cách phù hợp hơn, thoải mái hơn bất kỳ kế hoạch nào khác, và có lẽ không bị chậm trễ nhiều. Từ Cleverland, vì chỉ cách Bristol vài dặm, quãng đường về Barton không mất quá một ngày; và gia nhân của bà mẹ có thể dễ dàng đi đến đấy để đón họ, và vì không có cơ hội lưu lại Cleverland quá một tuần, hai chị em có thể về nhà sau hơn ba tuần. Tình thương chân thành của Marianne dành cho bà mẹ dễ dàng chiến thắng mọi điều tệ hại mà em gái chỉ tưởng tượng.
Chưa mệt mỏi vì khách, nên bà Jennings sốt sắng mời hai chị em trở lại với bà từ Cleverland. Elinor cảm ơn bà đã bận tâm, nhưng không thể thay đổi kế hoạch: bà mẹ đã chấp thuận, và mọi việc liên quan đến chuyến trở về nhà đã được sắp xếp. Riêng Marianne tìm thấy chút ít nhẹ nhõm khi nghĩ về thời gian ngắn còn ngăn cách cô với Barton.
Khi ông Đại tá đến thăm, bà Jennings nói:
– Này! Ông Đại tá, tôi không biết ông và tôi sẽ làm gì khi không có hai cô nhà Daswood ở đây, vì họ quyết tâm quay trở về nhà; và chúng ta sẽ cô đơn đến thế nào, khi tôi trở về! Chúa ơi! Chúng ta sẽ ngồi và ngáp dài với nhau buồn chán như hai con mèo.
Qua cách phác thảo sinh động về nỗi buồn chán trong tương lại của họ, có lẽ bà Jennings hy vọng ông tỏ lộ tâm tư ấy để ông thoát ra được. Nếu thế, chẳng bao lâu sau bà có lý do chính đáng để nghĩ mục đích của mình đã đạt được; vì lẽ, khi Elinor đi đến khung cửa sổ để đo kích thước của một bản vẽ mà cô sẽ chép cho bạn của cô, ông đi theo cô với dáng vẻ nói lên một ý nghĩa đặc biệt, rồi trò chuyện với cô trong vài phút. Hiệu quả của ngôn từ ông cũng không thoát khỏi tầm quan sát của bà, vì mặc dù quá trọng danh dự nên bà không muốn cố ý nghe lén, thậm chí khi đổi chỗ đến ngồi kế bên chiếc dương cầm Marianne đang chơi với mục đích không thể nghe được, bà vẫn để mắt theo dõi và thấy Elinor đang đỏ mặt, có vẻ dao động, và quá chăm chú về lời ông nói nên không thể tiếp tục công việc của cô. Vẫn muốn xác nhận thêm hy vọng của bà, trong khoảng thời gian Marianne chuyển từ một bài tập sang bài khác, vài tiếng nói của ông Đại tá không tránh khỏi lọt đến tai bà, theo đấy dường như ông đang xin lỗi vì ngôi nhà quá tệ.
Điều này xác định chắc chắn vụ việc. Bà phân vân tại sao ông nghĩ cần thiết phải nói như thế, nhưng đoán đây là phép tắc đúng mực. Bà không thể nghe Elinor trả lởi ra sao, nhưng xem qua cách đôi môi cô mấp máy, cô không nghĩ điều này là trở ngại đáng kể; và trong thâm tâm bà Jennings khen cô đã chân thật đến thế. Rồi họ tiếp tục trò chuyện thêm vài phút mà bà không nghe được tiếng nào, rồi khi đoạn nhạc của Marianne ngưng lại, bà nghe giọng điềm đạm của ông Đại tá:
– Tôi e việc này không thể tiến hành nhanh được.
Ngạc nhiên và bị sốc với câu nói không có vẻ là của người đang yêu, bà gần như thốt lên: “Chúa ơi! Có gì mà trở ngại!” – nhưng bà kiềm chế được. “Điều này thật quá lạ lùng! Chắc chắn ông không cần phải đợi đến khi già thêm.”
Tuy nhiên, việc trì hoãn về phía ông Đại tá dường như không xúc phạm hoặc làm nhục cô cháu gái xinh đẹp gì cả, vì sau khi hai người chấm dứt trao đổi và từ biệt, bà nghe rõ ràng Elinor nói, qua giọng cho thấy lộ rõ ý tình như cô nói:
– Tôi sẽ luôn luôn nghĩ mình hàm ơn ông rất nhiều.
Bà Jennings thấy vui với cách cô biết ơn, và chỉ thấy khó hiểu là sau khi nghe câu nói như thế, ông Đại tá lại có thể từ biệt qua vẻ vô cùng điềm tĩnh, và ra đi mà không đáp lại! Bà đã không nghĩ ông bạn già của mình lại là người theo đuổi tình yêu một cách dửng dưng như thế.
Những gì thật sự diễn ra giữa hai người là như thế này–
Qua lòng thương cảm sâu đậm, ông nói:
– Tôi đã nghe anh bạn Ferrars của cô đã chịu sự bất công từ gia đình; vì nếu tôi hiểu đúng, anh ấy đã bị gia đình anh từ bỏ hẳn vì muốn giữ hẹn ước với một phụ nữ trẻ rất xứng đáng. Liệu tôi nghe có đúng không? Sự việc có phải như thế không?
Elinor xác nhận với ông rằng đúng:
Với đầy cảm xúc, ông đáp:
– Thái độ tàn nhẫn – tàn nhẫn thất sách – quả là kinh khủng khi ngăn cách hoặc tìm đường ngăn cách hai người trẻ từ lâu đã gắn bó với nhau. Bà Ferrars không biết mình đang làm gì – sẽ đẩy con bà đến đâu. Tôi đã gặp anh Ferrars hai hoặc ba lần ở Phố Harley, và tôi rất mến anh ấy. Anh ấy không phải là người trai trẻ mà người ta có thể trở nên thân thiết trong thời gian ngắn, nhưng tôi đã đủ hiểu anh để chúc anh mọi điều tốt đẹp, và vì anh là bạn của cô, tôi muốn chúc thêm.
“Tôi được biết anh có ý định thụ phong. Xin cô vui lòng nói với anh ấy rằng chức vụ giáo sĩ ở Delaford, mà hôm nay tôi nhận được tin là vừa bị khuyết, được dành cho anh, nếu anh nghĩ đáng cho anh nhận; nhưng chuyện này… có lẽ tình cảnh của anh là bất hạnh, tuy có thể vô nghĩa lý mà hồ nghi; tôi chỉ mong có giá trị cao hơn. Đây là một khoản thu nhập của mục sư, nhưng nhỏ thôi; tôi tin người đương nhiệm không được quá hai trăm bảng mỗi năm, và dù chắc chắn có khả năng tăng thêm, tôi e vẫn không đủ để tạo mức thu nhập thoải mái lắm cho anh ấy. Tuy nhiên, dù như thế, tôi rất vui mà dành cho anh. Xin cô nói cho anh tin như thế.”
Nếu ông Đại tá có thật sự cầu hôn với cô, nỗi ngạc nhiên của Elinor khó thể lớn hơn là lúc này. Việc bổ nhiệm, mà chỉ hai ngày trước cô xem là vô vọng cho Edward, giờ đã được đề nghị để anh có thể kết hôn. Và trong bao nhiêu người trên thế gian, chính cô lại là người được chỉ định để ban phát! Bà Jennings đã nhận ra vẻ xúc động này của cô, nhưng cho là do nguyên nhân khác.
Dù có chút ít cảm nghĩ kém thuần khiết, kém vui mừng chen vào giữa xúc động, cô vẫn cảm nhận sâu sắc và nồng ấm bộc lộ ý tôn kính đối với nhân đức và lòng biết ơn cho nghĩa cử thân ái của ông Đại tá. Cô cảm ơn ông bằng cả tâm tư, nói về các nguyên tắc và tính khí của Edward qua lời khen ngợi mà cô biết anh xứng đáng được nhận. Cô hứa sẽ vui lòng thực hiện việc ông giao phó, nếu ông thật lòng muốn né tránh công việc dễ chịu đến thế nhưng lại nhờ người khác. Nhưng cùng lúc, cô không khỏi nghĩ là không ai có thể làm việc này tốt hơn ông, và cô sẽ rất vui được miễn vì không muốn làm Edward đau khổ phải chịu ơn cô. Nhưng Đại tá Brandon từ chối cũng vì lý do tế nhị, vẫn tha thiết muốn lời đề nghị được chuyển qua cô, nên cô không có lý do gì thêm để từ chối. Cô tin Edward vẫn còn ở thành phố, và may mắn là cô đã được nghe cô Steele nói đến địa chỉ của anh. Vì thế, cô có thể thông báo cho anh hay trong cùng ngày.
Sau khi việc này đã được thu xếp, Đại tá Brandon bắt đầu nói đến lợi điểm của ông khi tiếp nhận một người láng giềng đáng kính và dễ chịu như thế, và lúc này ông nói rất tiếc ngôi nhà quá nhỏ và lạnh lẽo, khuyết điểm mà Elinor không cho là quan trọng, ít nhất liên quan đến kích thước.
Cô nói:
– Tôi nghĩ hai người không cảm thấy bất tiện vì ngôi nhà nhỏ, vì nó tương hợp với gia đình và lợi tức của họ.
Ông Đại tá ngạc nhiên thấy cô vẫn cho hôn lễ của anh Ferrars là kết quả chắc chắn của việc bổ nhiệm, vì ông không nghĩ lợi tức của chức vụ giáo sĩ Delaford đủ cho hai người, nên ông nói:
– Giáo xứ nhỏ này có thể giúp cho anh Ferrars sống độc thân được thoải mái, nhưng không thể giúp anh đủ điều kiện để kết hôn. Tôi rất tiếc phải nói rằng việc bảo trợ của tôi chỉ đến thế, và mối quan tâm của tôi không thể đi xa hơn. Tuy nhiên, nếu có cơ hội bất chợt khiến tôi có khả năng phục vụ anh ấy nhiều hơn, tôi sẽ xét lại mức độ cho anh ấy khác hơn là bây giờ. Thật vậy, điều tôi đang làm hiện thời xem ra không là gì cả, vì nó giúp anh thăng tiến rất ít theo nguyên tắc của anh, theo mục đích duy nhất của anh về hạnh phúc. Hôn lễ của anh hẳn còn xa vời; ít nhất, tôi e việc này không thể tiến hành nhanh được.
Đây là câu nói đã xúc phạm đúng lý cảm nghĩ tế nhị của bà Jennings vì bị hiểu lầm. Nhưng lời cảm ơn của Elinor lúc hai người chia tay, dù nội dung có lẽ chung chung, nhưng không kém cảm động và ngôn từ không kém thích nghi hơn là khi có lời cầu hôn.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!