Ma Thổi Đèn - Quyển 1 - Chương 11: Hắc phong khẩu – Dã nhân câu
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
150


Ma Thổi Đèn


Quyển 1 - Chương 11: Hắc phong khẩu – Dã nhân câu


Tàu xuất phát lúc hai giờ chiều hôm sau, chúng tôi hồi hộp, thao thức suốt đêm, tôi hỏi Tuyền béo xem tổng cộng còn bao nhiêu tiền, Tuyền béo đếm một lúc rồi bảo vẫn còn một trăm rưỡi, chút tiền này cũng đủ tiền ăn và lộ phí quay về.

Tôi nghĩ một luc thấy như vậy không được, hai chúng tôi mười mấy năm không quay về đó, mang người không thăm bà con, thật không phải chút nào, phải nghĩ cách gì kiếm ít tiền mua quà cho bà con mới được.

Tuyền béo nói, hay cứ bán quách miếng ngọc của cậu ta lấy một ngàn hay tám trăm gì cũng được.

Tôi liền bảo: “Cậu cứ giữ lại đi, tiên sư nhà cậu hơi tí đã nhăm nhe cái món ông bố để lại, bán đi rồi là không lấy lại được đâu, rồi có lúc hối cũng không kịp đấy chứ.”

Cuối cùng tôi cũng tìm ra thứ đáng tiền một chút, tôi có cái đồng hồ cơ hiệu Eagle, là mẫu hàng giới hạn sản xuất, cung cấp có định mức, có tiền cũng chưa chắc mua được, giá thị trường hồi bấy giờ cũng phải hơn hai trăm tệ. Tôi đến Phan Gia viên bán đồng hồ cho tên Răng Vàng, thằng cha này cái gì cũng mua sất, vừa nghe thấy bảo chúng tôi sắp đi Nội Mông, nó còn tài trợ cho bọn tôi một trăm tệ, và hẹn với bọn tôi khi nào tìm được đồ, sẽ để nó liên lạc với bên mua.

Những năm tám mươi, ba trăm tệ đó đủ cho một gia đình phổ thông sống xa xỉ độ hai ba tháng, là một số tiền rất lớn. Cầm ba trăm tệ này, tôi đi mua khá nhiều đồ ăn, mấy loại như mứt, kẹo sữa, đồ hộp, sô cô la, trà, những thứ ở vùng núi người ta hiếm khi được ăn, còn lại bao nhiêu tiền thì đổi hết sang phiếu lương thực toàn quốc ở chợ đen.

Hành trình hai ngày hai đêm trong tâm trạng tràn trề mong đợi rõ ràng là có chút rề rà chậm chạp, đến ga lại còn phải ngồi xe kéo một ngày, sau đó đi đường núi thêm một ngày một đêm nữa.

Chúng tôi đi vào trong núi, chưa được một ngày đã không tài nào cất chân lên nổi nữa. Đồ mang theo quá nặng, mỗi người gần như phải địu đến hơn năm mươi cân, tôi cố nghiến răng thì cũng vẫn gắng gượng được, nhưng Tuyền béo thì quả thực không đi nổi nữa, ngồi dưới gốc cây to, thở hổn hển, nói không ra hơi. Truyện “Ma Thổi Đèn ”

Cũng may gặp được một tay kế toán trong làng ra ngoài làm việc, hồi bọn tôi tới đây lao động, nó mới là một thằng trống choai, cả ngày lẽo đẽo sau mông chúng tôi chơi đùa, mở miệng ra là gọi “anh Nhất”, “anh Tuyền béo”.

Kế Toán thấy chúng tôi mang theo nhiều hành lý, vội chạy về làng gọi mấy người dắt lừa ra đón, những người có tuổi bọn tôi đều quen cả, còn hai con bé mười hai, mười ba tuổi kia, chắc sau khi chúng tôi rời đi mới ra đời. Cả hai đều gọi tôi bằng “chú”, tôi nghe mà cứ thấy ngượng nghịu cả người.

Tôi hỏi Kế Toán: “Sao trong làng không thấy anh em đàn ông đàn ang nhỉ?”

Kế Toán đáp lời: “Những người có sức khoẻ trong làng đều đi theo đoàn khảo cổ làm việc rồi, sau cái vụ động đất lớn ở Đường Sơn hồi năm bảy sáu ấy, tuy chỗ ấy cách bọn em ở đây mười vạn tám ngàn dặm, nhưng cùng thuộc một dải địa chấn, động đất làm cả quả núi Tim Trâu trong Lạt Ma câu tách ra, bên trong có nguyên một ngôi mộ lớn như toà cung điện ấy, mấy người bạo gan trong làng đều chạy vào đó khuân đồ ra, cái chỗ ấy đồ tốt ngập lên tận đầu ấy chứ, kết quả chẳng hiểu sao lại đến tai chính quyền huyện, đoàn khảo cổ cũng theo tới luôn. Thấy bảo đó là lăng mộ của bà Tiêu Thái hậu nước Đại Liêu, còm gom hết đồ tốt trong nhà mọi người mang đi, không cho giữ lại thứ nào. Đội khảo cổ cũng không bỏ qua mấy thứ trong núi Tim Trâu, hình như bảo bên dưới còn có nhiều đồ tốt có thể đào lên. Vậy là họ thuê dân lao động trong làng đi làm hết, được ăn được uống no nê, lại còn trả một ngày ba tệ. Cứ thế làm đến mấy năm rồi vẫn chưa xong, bao nhiêu người vẫn ở trong đó làm đấy.”

Tôi với Tuyền béo nghe vậy suýt hộc máu mồm, đúng là dám động thổ trên đầu thái tuế rồi, cả phật gia mà cũng vỗ mông không từ.

Nhưng cũng hết cách, không thể tranh địa bàn với bọn đoàn khảo cổ Cục Văn vật ấy được. Đã đến rồi thì cứ ở lại chơi vài ngày rồi tính tiếp, lúc về nghĩ cách kiếm chỗ khác cũng được, dù gì thì mộ cổ lớn có phải chỉ có mỗi một ngôi ở núi Tim Trâu đâu.

Lúc sắp về tới làng, bà con biết tin đều đứng đợi trước cửa, mọi người xúm xít cả lại, ân cần thăm hỏi. Yến Tử dắt theo con gái tới vừa khóc vừa nói: “Ôi trời ơi! Anh Nhất, anh Tuyền béo! Chúng tôi nhớ các anh chết mất! Sao đi bao nhiêu năm như vậy mà chẳng thư từ gì vậy?”. Bố Yến Tử ôm chặt lấy bọn tôi: “Hai thằng ranh này, biến là biến mất tăm mất tích, đợt này mà không ở lại hai ba năm, tao chẳng cho thằng nào đi đâu hết!”

Tôi và Tuyền béo đều khóc. Tuyền béo ở đây những sáu bảy năm, còn tôi chỉ ở có một năm, nhưng người dân nơi đây thật thà chất phác, anh sống ở đây, mọi người sẽ mãi mãi coi anh như người thân. Nơi đây vẫn như trước kia, chẳng có gì thay đổi, không có điện, không có đường quốc lộ, không ít người cả đời vẫn chưa nhìn thấy đèn điện thế nào. Tôi càng nghĩ càng thấy buồn, thầm nhủ đợi khi có tiền, nhát định sẽ xây một con đường lớn cho dân làng, nhưng đến khi nào bọn tôi mới có tiền đây?

Lúc này, ông bí thư chi ủy già trong làng cũng được dìu tới, chưa đến nơi đã nói vang: “Những đứa con của Chủ tịch quay lại rồi sao? Chủ tịch hiện giờ thế nào rồi? Đại Cách mạng Văn hoá làm tới đâu rồi?”

Tôi nghe mà thấy rầu rĩ, ông chủ tịch giờ có khoẻ không, tôi biết làm sao được. Tôi vội chạy đến đỡ cánh tay của ông già: “Chủ tịch vẫn khoẻ ạ, giờ ngày nào cụ cũng nằm trong nhà tưởng niệm, bà con ai nhớ cụ, mua vé là có thể vào thăm cụ thôi. À, mà đúng rồi! Cách mạng Văn hoá đã kết thúc từ lâu rồi ông ạ, giờ đồng chí Tiểu Bình đang lãnh dạo mọi người cải cách mở cửa kia ạ!”

Ông già hình như không nghe thấy tôi nói gì, kéo dài giọng hỏi lớn: “Sao? Đồng chí Tiểu Minh làm gì hả?”

Yến Tử đứng bên cạnh nhắc tôi: “Đừng nghe ông cụ nói nữa, cũng chẳng biết làm sao, năm bảy ba ông cụ điếc luôn, chẳng nghe rõ gì, lại còn lẩm cẩm nữa.”

Giờ tôi mới hiểu, hoá ra là như vậy. Tôi nói to vào tai ông cụ: “Bí thư chi uỷ ơi! Con mang cho cụ nhiều đồ ăn ngon lắm, lát con đưa cụ, cụ để ăn dần nhé!”

Mọi người vừa đi vừa trò chuyện, thoắt cái đã vào làng, ông bí thư chi uỷ còn nói lớn phía sau: “Các con ơi! Chúng mày có về thì nhớ báo cáo với cụ chủ tịch, làng chúng ta kiên quyết ủng hộ công cuộc Đại Cách mạng Văn hoá giai cấp vô sản… phải làm thế nào thì cứ làm thế!”

Buổi tối, chiếc bàn con đặt trên giường đất nhà Yến Tử bày đầy gà rừng xào, đùi nai hun khói, giữa bàn còn đặt nồi canh dưa thịt lớn, chồng của Yến Tử trước kia cũng quen biết với chúng tôi cả, bận này anh chàng làm việc ở núi Tim Trâu, tạm thời chưa gặp được.

Bố Yến Tử ngồi cùng chúng tôi uống rượu tán chuyện, tôi nhắc đến ngôi mộ cổ ở núi Tim Trâu, rồi tiện hỏi luôn ông xem trong dãy núi lớn này còn mộ quý tộc thời xưa hay không.

Từ xưa đến giờ, người vùng cao luôn cho trộm mộ là một nghề làm thêm, không hề có vấn đề đạo đức gì ở đây hết cả, miền Bắc là như vậy, vùng Tương Tây miền Nam còn coi cướp của giết người là nghề phụ, người dân nơi ấy ban ngày làm nông, đến tối làm cướp, ẩn náu trong rừng, chuyên giết khách buôn tỉnh ngoài đi qua đấy, xưa nay chưa từng để ai sống sót trở về. Đó cũng là do hoàn cảnh sinh tồn của cả trăm ngàn năm dồn ép, gần núi nhiều củi đốt, gần sông lắm cá ăn, ở nơi sơn cùng thuỷ tận thì ăn mộ cổ, ăn những kẻ qua đường. Chỉ cần chung quanh có mộ cổ, thế nào cũng có người đến quật lên. Ở miền biên viễn, phép vua thua lệ làng, tuy những lẽ ấy đứng ở góc độ pháp luật mà xét thì chẳng ai có thể biện bạch cho thông. Mộ cổ ở đây phần lớn niên đại lâu đời, trải bao cuộc bãi bể nương dâu, sớm đã chẳng còn dấu hiệu gì rõ rệt, nếu không cũng bị người dân đào sạch từ lâu rồi. Truyện “Ma Thổi Đèn ”

Bố Yến Tử kể rằng rất lâu về trước, hồi còn chưa giải phóng, làng này cũng từng có vài tay “trộm mộ” nghiệp dư trẻ tuổi, hồi ấy còn chưa biết núi Tim Trâu có mộ, bọn họ tìm tới một nơi được nhắc tới trong truyền thuyết đào mộ lấy vàng, két quả chẳng hiểu gặp phải cái gì, tất cả đều có đi không về, chú của Yến Tử chính là một trong số đó. Nơi được nhắc đến trong truyền thuyết ấy, bố Yến Tử cũng biết vị trí đại khái của nó, nhưng trước giờ đều không dám đến.

Nhắc đến chuyện xưa, ông cụ đắm mình trong dòng hồi ức, châm điếu thuốc Yabuli, bập bập môi hút mấy hơi, trầm tư một lúc lâu mới cất tiếng: “Chúng bay định đi tìm mộ cổ, gần khu này ngoài núi Tim Trâu ra thì chẳng còn đâu, nhưng nghe các cụ kể, từ đây đi theo hướng Bắc, băng qua rừng Đoàn Sơn tiến vào núi, đi năm ngày đường, ở Hắc Phong khẩu giáo biên giới Trung Mông có Dã Nhân câu, tương truyền nơi ấy toàn là lăng mộ của vương công quý tộc nước Kim, có điều nơi đó vắng người, lại có người rừng lui tới, chúng bây liệu có gan đi không?”

Cái tên Dã Nhân câu ngày xưa tôi cũng từng nghe nói, nhưng chưa từng nghe bảo ở đó có mộ cổ, nhóm trộm mộ lần đó rốt cuộc bị hại bởi thứ gì, đừng nói tôi và bố Yến Tử không biết, mà cả cái làng này cũng tịnh chẳng ai hay.

Trong rừng sâu núi thẳm, nguy hiểm quả thực quá nhiều, các loại mãnh thú, thậm chí là cả thời tiết thay đổi, môi trường tự nhiên đều có thể lấy đi tính mạng người ta, nếu đụng phải vũng lầy (thực ra là một dạng đâm lầy hình thành bởi lớp lá khô sau khi bị nước mưa bào mòn, nát rữa), sẩy chân sa xuống đấy, thì dẫu có là thần phật cũng chẳng thể thoát ra được.

Chúng tôi quyết chí đi tìm, bố Yến Tử cũng can không nổi, trong làng chưa một ai thực sự từng tới Dã Nhân câu ở Hắc Phong khẩu cả, mà chỉ biết vị trí đại khái thôi. Vì nơi ấy giáp biên giới, cũng không có người sinh sống. Dân làng dẫu vào núi săn bắt hay kiếm lâm sản cũng chẳng thể đi xa đến vậy. Cộng với bố Yến Tử đã có tuổi rồi, lại mắc bệnh thấp khớp, không thể lên núi được nữa. Yến Tử bây giờ lại đang mang thai cháu thứ hai, cũng không thể đi xa được. Thanh niên trai tráng trong làng đều đến làm việc ở khe Lạt Ma, trong quãng thời gian ngắn chắc sẽ không về.

Bố Yến Tử nói: “Tao không đích thân dẫn chúng bay đi, trước sau cứ thấy không yên tâm, thực ra Dã Nhân câu nguy hiểm không phải ở người rừng, mà cái chính là địa hình nó phức tạp, vừa đến mùa đông là có bão tuyết, vào đó rất dễ lạc đường. Có điều giờ là đầu thu, không cần lo chuyện này, chúng bay có đi thì nhất định phai đem theo mấy con chó tốt, lại phải tìm người dẫn đường giỏi, làng mình mấy năm nay có nuôi mấy con chó ngao, bận này cho chúng bay mang đi hết.”

Chó ngao không phải chỉ riêng chó ngao Tây Tạng, ở vùng Đông Bắc người ta cũng gọi loại chó dữ có thể hình to lớn là chó ngao, không hoàn toàn giống với chó ngao Tây Tạng.

Những dân chăn nuôi, săn bắt sống trong thảo nguyên rừng sâu miền Bắc, hay bị lũ dã thú như sói đàn và gấu đen uy hiếp, dựa vào chó săn thông thường thì rát khó đối phó, họ bèn học theo cách nuôi ngao ở Tây Tạng mà nuôi chó ngao. Tục ngữ có câu “chín chó một ngao”, ý câu ấy không phải bảo trong chín con chó sẽ cho ra được một con ngao. Phải là chó mẹ có giống tốt, đẻ ra một lứa chín con, đem chín con chó con ấy nhốt xuống dưới hầm đất từ khi còn đỏ hỏn, không cho ăn uống, để chúng tàn sát lẫn nhau, cuối cùng con suy nhất sống sót chính là ngao. Chó ngao bản tính dũng mãnh vô cùng, ba con chó ngao đủ để xé tan xác một con gấu người trưởng thành.

Cả làng tổng cộng có ba con ngao, cộng thêm năm con chó săn tốt nhất, tất cả còn giao cho chúng tôi, bố Yến Tử lại giới thiệu cho chúng tôi một người dẫn đường tên là Anh Tử.

Anh Tử mới mười chín tuổi, là người Ngạc Luân Xuân, một dân tộc rất ít gặp, trong lớp thợ săn trẻ của làng, không ai xuất sắc đựơc hơn Anh Tử. Cô là tay súng thần nổi tiếng trong vùng, chớ thấy cô còn trẻ mà coi thường, từ nhỏ Anh Tử đã theo cha vào rừng đi săn, trong rừng không có chuỵen gì là cô không biết cả, ba con chó ngao trong làng thì có đến hai con là do đích tay Anh Tử nuôi nấng.

Trước khi xuất phát, tôi lại nhờ Yến Tử giúp chuẩn bị một số thứ, như lồng chim, gạo nếp, móng lừa đen. xà beng, một thùng dấm to và rượu trắng.

Sau khi thu xếp xong xuôi, bố Yến Tử cứ dặn đi dặn lại quả thực không tìm thấy thì đừng miễn cưỡng, di sớm về sớm, rồi tiễn chúng tôi ra tận khu Đoàn Sơn mới quay về.

Tôi tương đối tự tin mình có thể tìm ra mộ cổ, chỉ cần đến được Dã Nhân câu, không có mộ thì đành chịu, còn nếu có thật, tôi nhất định tìm được. Chuyện đào mồ trộm mả này, tôi học được một ít từ sách vở, còn phần nhiều là hồi trước nghe ông nội kể. ông nội tôi, Hồ Quốc Hoa, từng làm sĩ quan cho quân phiệt cũ, thuộc hạ của ông có mấy tay lính từng đi theo tên đại đạo Đông Lăng Tôn Điện Anh, từng nhiều lần tham gia khai quật lăng mộ lớn, kinh nghiệm rất phong phú, những điều ông tôi biết được, đa phần đều nghe họ kể mà ra cả.

Xưa nay trộm mộ thường phân làm hai loại: quan trộm và dân trộm, quan trộm là loại ngang nhiên đốt đuốc vác gậy đi đào xới, chuyên chọn lăng mộ vua chúa mà ra tay. Sở Bá Vương Hạng Vũ cuối đời Tần, có thể coi là ông tổ của dòng trộm quan vậy, còn như Mô kim Hiệu uý thời Tam Quốc, bất quá chỉ là hệ thống hoá lại dòng trộm quan, hình thành nên dây chuyền tác nghiệp mà thôi. Trong dân gian cũng phân ra hai loại nghiệp dư và chuyên nghiệp, bọn nghiệp dư thì có thứ nào đào thứ nấy, dân chuyên nghiệp hơn một chút thì chỉ đi tìm mộ đám vương công quý tộc, mộ nhỏ hơn thì chẳng thèm để mắt.

Mấu chốt của việc trộm mộ nằm ở chỗ có tìm được mộ cổ hay không. Đây là một ngành học cực kỳ uyên thâm. Trung Quốc đã trải qua mấy ngàn năm thay triều đổi đại, biến hoá thịnh suy, cách xây dựng và chọn vị trí cho lăng mộ đế vương đều không giống nhau. Thời Tần Hán, trên làm sao dưới phỏng theo làm vậy, phần nhiều là mộ hình đấu úp, đấu úp tức là chỉ hình dạng giống cái ụ đất, như đem cái đấu đong gạo mà lật úp lại đậy lên trên vậy, bốn bề thấy rõ góc cạnh, đỉnh trên cùng là một sân vuông nho nhỏ, hơi giống kim tự tháp Ai Cập, chỉ có điều lăng mộ Trung Quốc nhiều hơn một cạnh, so với kim tự tháp của nền “văn minh thất lạc” Maya phát hiện ở Nam Mỹ thì giống nhau đến kinh người. Giữa chúng có quan hệ thế nào, chẳng ai đoán ra được.

Thời Đường mở núi làm lăng, công trình kỹ vĩ, khí thế hào hùng, điều này cũng liên quan đến quốc lực Đại Đường thời bấy giờ, lăng vua chúa đời Đường đâu đâu cũng toát lên phong thái của đế quốc đệ nhất thiên hạ, duy ngã độc tôn.

Quãng thời gian từ thời Nam Tống đến cuối Minh đầu Thanh, hoạ đao binh liên tiếp diễn ra, mấy đợt thiên tai lớn nhất trong lịch sử cổ đại Trung Quốc cũng đều xảy ra vào thưòi kỳ này, sức nước suy yếu, quy mô lăng tẩm của quý tộc vương công cũng chẳng đuợc xa hoa như trước nữa.

Sau nữa đến đời Thanh, thời kỳ Khang Hy, Càn Long sức sản xuất và nền kinh tế đất nước được khôi phục mạnh mẽ. Phong cách kiến trúc của các lăng mộ cũng vì thế mà thay đổi, chú trọng hơn đến kiến trúc trên mặt đất, kết hợp với vườn cảnh và tông miếu tế tự. Do tiếp thu kinh nghiệm chống trộm của các triều đại trước, kết cấu của địa cung mộ thật thời Thanh kiên cố vô cùng, là loại khó xơi nhất.

Nhưng suy cho cùng, bất kể là triều đại nào, hình thức mộ táng hàng ngàn năm nay của Trung Quốc đều dựa vào bố cục ngũ hành phong thuỷ diễn dịch từ sáu mươi tư quẻ của Phục Hy, đều mong chiếm trọn hình thế của thiên hạ, tuy muôn hình vạn trạng mà chung một căn nguyên. Xét đến ngọn nguồn thì bất quá cũng chỉ là cầu đến tám chữ “trong vòng tạo hoá, trời người một thể” mà thôi.

Văn hoá mộ táng là nét đặc sắc của nền văn minh Trung Hoa, có ảnh hưởng rất lớn đén các dân tộc thiểu số như Mông Cổ, Hồi Khất, Thổ Phồn, Kim Xỉ, Ô Tôn, Tiên Ti, Xa Dân, Nữ Chân, Đảng Hạng… Cách thức, bố cục lăng tẩm của họ đều mô phỏng theo hình thức của Trung Nguyên, nhưng quá bán chỉ là bắt chước được bề ngoài mà thôi. Có thể nói, chỉ cần biết cách xem xét mạch hướng của núi non sông ngòi trong thiên hạ thì mộ cổ dẫu có chôn giấu sâu hơn nữa cũng dễ dàng tìm ra.

Cứ tiếp tục đi thẳng về phía trước chính là rừng nguyên sinh bạt ngàn vô tận, Anh Tử dắt tám con chó to đi trước dẫn đường, Tuyền béo kéo theo một con ngựa lùn chở lều bạt và các trang bị khác, tôi xách súng săn đi phía sau. Ba người tiến vào trong dãy non cao núi thẳm của vùng biên giới Trung Mông.

Tuyền béo vừa đi vừa hỏi Anh Tử ở phía trước: “Cô em này, người rừng ở Dã Nhân câu rốt cuộc là thế nào vậy? Người rừng nó ra làm sao? Cô em thấy bao giờ chưa?”

Anh Tử quay lại đáp: “Em cũng không biết người rừng là thế nào, nghe ba em nói mấy năm lại đây rất nhiều người thấy nó, nhưng chẳng có ai bắt sống được cả, chết cũng chẳng thấy xác đâu, người thấy rồi cũng chẳng nói rõ được rốt cuộc hình dạng nó thế nào.”

Tôi ở phía sau cười nói: “Tiên sư Tuyền béo, dốt ơi là dốt, nghe cái tên là phải biết ngay chứ, người rừng tức là người sinh ra trong rừng chứ còn gì, từ rày phải học hành cho cẩn thận nghe chưa! Mà có biết người sinh ra trong rừng là sao không? Tức là có thể từ trong đất mọc ra, cũng có thể từ trên cây đơm xuống, thế nào cũng không phải do người ta tạo ra.”

Câu chuyện về người rừng ở Thần Nông Giá, Tứ Xuyên, đã có từ lâu, hồi tôi còn ở trong quân ngũ đã từng nghe kể. Nghe nói có chiến sĩ Giải phóng quân từng bắn chết một ngườ rừng ở Thần Nông Giá, thi thể nó rơi xuống vách núi cheo leo hàng vạn trượng, cuối cùng cũng chẳng rõ rốt cuộc là người rừng hay là người, hay chỉ là một con đười ươi mọc đầy lông. Hầu hết tất cả những nhân chứng từng nhìn thấy người rừng đều nhất loạt khẳng định: người rừng cao to khoẻ mạnh, khắp mình mọc đầy một lớp lông tóc đen dài.

Nghe Anh Tử kể, Dã Nhân câu ở Hắc Phong khẩu trước kia không gọi là Dã Nhân câu, mà gọi là “Tử Nhân câu”, nhưng truy về xa xưa hơn nữa thì khe ấy cũng chẳng phải gọi là khe người chết, mà được gọi là “Bổng Nguyệt câu”, vốn là khu mộ địa của quý tộc nước Kim. Về sau khi quân Mông Cổ đại phá quân chủ lực của nước Kim tại Hắc Phong khẩu, thấy chất cao như núi. Người Mông Cổ đem xác chết ném xuống khe này, cả khe núi gần như bị lấp đầy, thế nên người nơi đây mới gọi là “Tử Nhân câu”. Sau nữa có người nhìn thấy quanh đây có người rừng, đồn qua đồn lại cuối cùng “Tử Nhân câu” được thay thế bằng tên “Dã Nhân câu”.

Người rừng cũng chẳng có gì đáng sợ, có lợi hại hơn nữa tì cũng liệu đọ được với lũ chó ngao này không? Trong đầu tôi bỗng chốc nảy ra một ý tưởng, không biết ngoài chợ người rừng bán đươc bao nhiêu tiền? Nhưng lập tức lại nghĩ làm như vậy thật vô nhân đạo, tốt nhất không nên đụng tới vật sống, vẫn nên tập trung tư tưởng vào đào mộ cổ thì hơn.

Do có ngựa nên không thể trèo qua ngọn núi nào quá dốc, gặp núi lớn thì đành phải đi vòng, đoạn đường này chúng tôi đi cực kỳ chậm. Cũng may rừng nguyên sinh vào thu cảnh sắc tươi đẹp, muôn nẻo ngàn non rải một màu lá cây đỏ vàng chen lẫn, khiến người ta đắm nhìn mà quên di mệt mỏi. Thi thoảng lại thấy nơi xa xa trong rừng chạy ra một vài con trĩ, con thỏ, hươu bào hay hoẵng, Anh Tử liền để mặc cho mấy con chó đuổi theo bắt. Đến tối chúng tôi dựng lều nghỉ ngơi, hái ít nấm cỏ hương liệu trong rừng, đốt lửa trại đun nướng. Tôi và Tuyền béo đều ăn no đã đời, bao ngày nay đã được ăn bữa thịt rừng nào thịnh soạn thế đâu.

Đi đường trong núi, nếu không mang chó theo thì chỉ có thể ngủ trên cây, chúng tôi dẫn theo ba con ngao lớn lại thêm năm con chó săn to nữa, lực lượng như vậy trong rừng gần như là chẳng có đối thủ, trừ phi gặp phải ba con gấu người trở lên. Anh Tử nói chó ngao là khắc tinh của gấu người, gấu người trong rừng chỉ cần nghe thấy tiếng chó ngao sủa sẽ lập tức lánh đi thật xa, cho nên đêm ấy chúng tôi ngủ cả trong lều, lũ chó săn trung thành nằm xung quanh canh gác, chẳng có gì phải lo cả, lũ chó ấy so với con người thì đáng tin cậy hơn nhiều.

Tính tình của Anh Tử xông xáo hơn hẳn Yến Tử hồi trẻ, thuộc tuýp người nói phải nghe đe phải sợ, đi đường nào, ăn thứ gì, mọi việc phải răm rắp nghe theo cô nàng hết, ai bảo cô là người dẫn đường cơ chứ, mấy con chó kia cũng đều nghe Anh Tử cả. Tuy tôi đã quen làm đại đội trưởng, nhưng trước mặt cô thì cũng chỉ biết gắng nhịn làm anh binh nhất quèn mà thôi.

Có điều Anh Tử cũng thật tài tình, săn bắn, tìm đường, kiếm nước suối, phân biệt nấm nào có độc nấm nào không, ở trong rừng sâu phải tìm mộc nhĩ, nấm hương, quả hồng, quả phỉ, đẳng sâm, ngũ vị tử… thế nào, hầu như thứ gì cô cũng biết. Hơn nữa, trong núi có những loài vật tôi cũng chẳng biết tên gọi là gì, cả đời chưa bao giờ thấy, vậy mà Anh Tử đều kể ra vanh vách, đây là con gì, sống ở chỗ nào, thức ăn chính là cái gì, dùng bẫy gì để bắt sống. Tôi với Tuyền béo mắt tròn mắt dẹt lắng nghe, chỉ thốt lên được hai tiếng: “Bái phục!”

Người Ngạc Luân Xuân là những thợ săn bẩm sinh. Ba chữ “Ngạc Luân Xuân” là tên chính phủ gọi dân tộc này, thực ra không chuẩn xác lắm, có lúc họ cũng tự xưng là “Ngạc Nhi Xuân” hay “Nga Lạc Xuân”, có nghĩa là kẻ săn hươu lãng du trong núi rừng bát ngát. Bọn họ quanh năm rong ruổi trong khu rừng già Tiểu Hưng An Lĩnh, sống cuộc sống săn bắt du mục. Hồi Trung Quốc vừa giải phóng, dân số Ngạc Luân Xuân sót lại chẳng quá một ngàn, nhà nước cho họ rời khỏi rừng già khắc nghiệt, để sống định cư một chỗ, nhưng dân tộc họ có một lòng sùng kính và ngưỡng vọng gần như thần hoá đối với cuộc sống du cư săn bắn của tổ tiên. Họ tôn thờ đạo Shaman, sùng bái thiên nhiên, tuy đã sống định cư nhưng vẫn thường xuyên vào rừng săn bắn.

Trên đường, ai cũng kiệm lời, có nói cũng chỉ vài câu ngắn gọn, sớm lên đường, tối nghỉ ngơi, đi liền sáu bảy ngày trời trong rừng nguyên sinh, cuối cùng cũng đến Hắc Phong khẩu giáp biên giới Trung Mông. Rừng ở Hắc Phong khẩu rậm rạp đến khó tưởng, vào sâu bên trong dường như không có chỗ nào đứng chân, toàn những loài cây chịu rét như bạch hoa, bạch dương, thông biển, thông rụng lá; dưới đất, cành khô lá rụng lớp nọ chồng lên lớp kia, giãm một bước thụt một bước. Người đi còn đỡ, chứ ngựa thồ cồng kềnh, thường bị sụt chân xuống dưới, lắm lúc chẳng thể nhấc chân lên được, lúc ấy chúng tôi đành phải gồng hết sức mình, kẻ xô người kéo, cứ thể vừa đẩy vừa đi, từng bước tiến về phía trước.

Cũng chẳng biết lớp đất dưới cùng đã được bao nhiêu năm rồi, cành lá mục nát và xác của lũ động vật bị kẹt chết bên trong, bốc lên từng đợt mùi thối rữa. Mùi xú uế ấy hòa với mùi hoa thơm, mùi thông biển càng trở nên kỳ cục, mới đầu thì hơi khó ngửi, nhưng ngửi nhiều lại khiến người ta thấy nghiện.

Đến Hắc Phong khẩu, những việc còn lại là của tôi rồi. Chúng tôi tìm được một hẻm núi, nơi đây chắc hẳn là Dã Nhân câu trong truyền thuyết. Bề ngoài nơi đây không có gì đặc biệt, cũng chẳng hiểm yếu như ở khe Lạt Ma, nhưng đấy chỉ là cảm giác trực quan. Anh Tử nói xem chừng trong hẻm núi này chắc chắn có vũng lầy, nhất thiết phải nhìn cho rõ rồi mới bước tiếp, sa vào cái vũng ấy thì không thoát ra được đâu. Nếu muốn xuống Dã Nhân câu, mỗi người phải chuẩn bị một cây gậy gỗ dò đường, lớp lá phía dưới thực sự quá sâu, còn ghê hơn cả đầm lầy, cũng may giờ không phải mùa mưa, nếu không thì đừng hòng đi xuống. Truyện “Ma Thổi Đèn ”

Dã Nhân câu thuộc một khúc của dãy Đại Hưng An Lĩnh, thế núi hai bên thoai thoải, cả hẻm núi nhìn thông hướng Nam Bắc, hai đằng Đông Tây đều là đồi núi, trong năm, thời gian ánh mặt trời chiếu vào khu chính giữa rất ngắn, có vẻ âm u tĩnh mịch. Trong hẻm núi chất đầy lá cây cỏ dại mục nát, ngoài những lùm cây nhỏ thấp lè tè thưa thớt, thì chẳng mọc bất cứ loại cây gì. Rời khỏi hẻm núi, cây cối lại càng thưa hơn, rừng nguyên sinh đến đây là hết, đi về phía trước hơn hai trăm dặm nữa chính là thảo nguyên Ngoại Mông bát ngát.

Lúc này hoàng hôn sắp xuống, vầng dương đỏ máu treo cuối vòm trời. Chúng tôi leo lên sườn núi, phóng mắt nhìn xa, chỉ thấy mặt trời tựa hồ sắp rụng, trải khắp phía chân trời xa xăm là những đám mây đỏ nặng, cả bầu không như bị nhuốm bởi những gam màu sơn dầu đậm đặc; rừng cây um tùm phủ che dãy núi trải dài trùng điệp, cõi thảo nguyên mênh mông phía trước giờ trở nên mờ ảo mông lung trong tầm mắt. Thật là núi thẳm biển xanh, tàn dương đỏ máu.

Tuyền béo ngắm nhìn cảnh đẹp, trong lòng hân hoan: “Nhất! Cảnh ở đây đẹp quá! Mình đi chuyến này thật chẳng uổng công!”

Điều tôi băn khoăn nhất chính là ngôi mộ cổ trong Dã Nhân câu. Tôi quan sát kỹ lưỡng địa hình quanh vùng, rồi đối chiếu với cuốn Thập lục tự âm dương phong thuỷ bí thuật, sau đó lại lấy la bàn ra xác định phương vị bát quái, trong lòng ngầm reo: “Coi như đã tìm đến nơi rồi, mẹ tiên sư, trong hẻm núi này ắt có mộ cổ của bọn quý tộc.”

Dã Nhân câu, tên gốc là “Bổng Nguyệt câu”, địa thế nơi đây vững chắc hào hùng, có khí thế nuốt trôi vạn vật, một bên là thảo nguyên, bên kia nối liền với dãy Đại Hưng An Lĩnh, đại thảo nguyên Mông Cổ thì như biển cả mênh mang, còn Bổng Nguyệt câu thì như một dòng suối lớn đổ dồn ra biển.

Tuy phong thuỷ nơi đây không đủ để mai táng đế vương, nhưng táng quan lớn như đại tướng quân hay vương gia vạn hộ thì dư sức, đợi đến khi trăng trôi giữa trời, ánh trăng sẽ chỉ đường cho chúng tôi đến vị trí của cổ mộ

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN